PHẬT THUYẾT ĐẠI
THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.
Chủ giảng: Cô Lưu
Tố Vân
Giảng ngày
12/3/2018
Dịch giả: Liên
Tú.
Giảo chánh: Thích Thiện Trang
Tập 1
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi
người. A Di Đà Phật. Thời gian mới đây thôi chúng ta đã gặp lại nhau rồi. Chắc
là quý đồng tu đều nhìn thấy cô giáo Lưu hôm nay vì sao hoan hỷ như thế, quý vị
đoán đúng rồi đó. Bởi vì sao vậy? Vì hôm nay là một ngày vô cùng tốt lành.
Chúng
ta ở tại đạo tràng này, mấy ngày qua, mỗi quý đồng tu đều hân hoan vui vẻ, hoan
hỷ động viên tôi, mua rất nhiều hoa tươi đến cúng Phật, vì sao thế? Ngày tốt
lành mà khi nãy tôi nói, chính là từ hôm nay trở đi, tôi sẽ chính thức giảng Kinh
Vô Lượng Thọ. Cho nên mọi người hỏi: có phải đây là một ngày tốt lành hay
không?
Mấy
ngày qua, mười mấy đồng tu tại đạo tràng chúng ta, đều tận mắt nhìn thấy Phật
quang chiếu rọi, nhìn thấy cảnh tượng thù thắng của tướng tốt lành ấy, thế nên
mọi người đều được sự khích lệ. Bởi vì mọi người nhìn thấy, đều là tình hình
thực tế chân thật. Cho nên mấy ngày hôm nay, toàn bộ đạo tràng, có thể nói là: mỗi
một người đều rất là hoan hỉ.
Các
đồng tu có thể hỏi rằng: sự việc này có đáng vui mừng đến thế không? Theo tôi nghĩ,
tôi nói rằng: đây quả thật là một sự việc đáng mừng. Bởi vì lần thí giảng Kinh
Vô Lượng Thọ này, là lần đầu tiên trong đời tôi, đặc biệt là kể từ sau khi tôi
học Phật, là lần đầu tiên chính thức thí giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Những gì tôi
chia sẻ với mọi người trước đây, chỉ là một số thể hội về việc học Phật của tôi.
Cho nên lần này đối với tôi và đạo tràng nơi đây mà nói, là một sự việc rất
đáng vui mừng.
Vì
sao lại nói như vậy? Bởi vì lần này tôi có thể thí giảng Kinh Vô Lượng Thọ một
cách thuận lợi, quả thật là không dễ dàng. Vì sao vậy, mọi người đều biết hoàn
cảnh của tôi. Cho nên lần này tôi có thể bước ra để giảng Kinh Vô Lượng Thọ, quả
thật là việc không đơn giản.
Tôi
cần phải cảm ơn những vị Hộ Pháp mà tôi có thể nhìn thấy và không thể nhìn thấy
đã tạo cho tôi điều kiện này. Bản thân tôi có cảm nhận rằng lần giảng Kinh Vô
Lượng Thọ này thật sự nhờ vào sự gia trì của mười phương ba đời tất cả chư
Phật, nhờ vào sự hộ trì của long thiên hộ pháp và tất cả hộ pháp thiện thần,
cũng nhờ vào đạo tràng nơi tôi đang ở, cùng với chư vị thành hoàng, thổ địa, sơn
thần ở phương này, cùng với chư vị Bồ Tát Long Vương ở các sông suối v.v đã dốc lòng hộ trì cho tôi trong khoảng thời
gian dài như vậy. Đặc biệt là nhờ vào ân sư của tôi, được sự ân chuẩn của lão Pháp
sư thượng Tịnh hạ Không, mà hôm nay tôi có thể ngồi ở nơi đây giảng Kinh Vô
Lượng Thọ cho mọi người.
Nhân
đó mà tôi cảm thấy: mình có một sự hậu thuẫn vững chắc ở phía sau. Tôi vững tin:
lần giảng Kinh Vô Lượng Thọ này nhất định sẽ thành công viên mãn. Mặc dầu có
một chút khó khăn, chẳng hạn như: tôi biết rằng có một số người đã tìm trăm phương
nghìn kế, bất chấp thủ đoạn để mong ngăn cản và quấy nhiễu lần thí giảng Kinh
Vô Lượng Thọ này của tôi, nhưng tôi vẫn vững tin vào một chân lý là “tà không
thể thắng chánh”. Việc tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ không phải là vì danh và lợi
của chính mình. Mà là để hoàn thành hai nhiệm vụ do Phật A Di Đà đã giao phó
cho tôi. Cho nên tôi đã bước ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Do đó, tôi tin tưởng
chắc chắn chính mình có thể hoàn thành được nhiệm vụ này.
Bởi
vì hiện nay thời cơ đã chín muồi, việc này không phải là do tôi nói. Vào ngày 4
tháng 1, là ngày thứ ba sau khi tôi viết xong bản thảo giảng kinh. Tôi viết
xong vào 2/1, ngày 4/1 tôi gọi điện thoại cho sư phụ. Tôi báo cáo với sư phụ
rằng, “thưa sư phụ, trong năm 2018 con có cách nghĩ, con muốn giảng Kinh Vô
Lượng Thọ, không biết lúc đó thời cơ đã chín muồi hay chưa? Xin sư phụ hãy nói
cho con biết”. Sư phụ nghe xong hết sức vui mừng, liên tục nói: “được được được
tốt tốt tốt”. Tiếp đó, tôi đem hai ngày mà tôi đã lựa chọn để khai giảng nói
với sư phụ. Tôi nói “thưa sư phụ, con chọn ra hai ngày này. Ngài xem ngày nào
thì tốt hơn ạ?” Sư phụ xem rồi nói “cả hai đều tốt, cả hai đều tốt”.
Thế
nên lần này tôi được sự ân chuẩn của ân sư, tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ rất là
có lòng tin. Lòng tin của tôi bắt nguồn từ những điều này. Tôi cảm thấy sự hậu
thuẫn này rất vững chắc, có thể nói như vậy, là tôi được sư phụ ân sư thượng
Tịnh hạ Không lão Pháp sư hộ trì che chở, thì sao tôi không thể giảng Kinh Vô
Lượng Thọ viên mãn được chứ!
Vì
vậy tôi nghĩ rằng: một số người ngăn cản và quấy nhiễu tôi đều không có tác
dụng, đều là việc chẳng có lợi ích gì cả. Vả lại sự quấy nhiễu và cản trở của
họ, đã trở thành động lực khiến tôi dũng cảm tiến lên phía trước, nó sẽ không
là sự trở ngại đối với tôi.
Trước
khi tôi chính thức giảng Kinh Vô Lượng Thọ, có một số vấn đề, mà tôi muốn nói
rõ một chút với quý vị đồng tu. Đây có thể xem là khúc dạo đầu, hoặc là lời mở
đầu trước khi giảng kinh. Tôi chuẩn bị chia sẻ với quý vị đồng tu 5 điều dưới
đây. Tôi trước nêu ra các đề mục với mọi người như sau.
Thứ
nhất, tôi muốn nói rõ với quý vị đồng tu, về nhân duyên giữa tôi và Kinh Vô
Lượng Thọ, nhân tiện cũng nói về nhân duyên giữa tôi và lão Pháp sư. Bởi vì rất
nhiều đồng tu rất quan tâm nhân duyên giữa tôi và lão Pháp sư là gì? Trước đây tôi
đã nói qua rồi, lần này, nhân cơ hội này, tôi muốn chia sẻ thêm với mọi người,
đây là điều thứ nhất.
Điều
thứ hai, tôi muốn nói với mọi người: Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh như thế nào.
Điều
thứ ba, tôi muốn nói với mọi người: là vì sao bây giờ tôi cần giảng Kinh Vô
Lượng Thọ.
Điều
thứ tư, tôi cần nói rõ với mọi người: lần này tôi sẽ giảng Kinh Vô Lượng Thọ
như thế nào, tức là dùng phương thức và phương pháp nào.
Điều
sau cùng thứ năm, tôi muốn nói là bản thảo giảng Kinh Vô Lượng Thọ đã viết xong
lần này, bao gồm một vài điều thể hội nông cạn của tôi, xin cúng dường quý vị
đồng tu làm tham khảo.
Đây chính là 5 điều, mà trước khi giảng
kinh tôi muốn nói rõ với mọi người. Tiếp theo tôi muốn bắt đầu chia sẻ từ vấn
đề thứ nhất.
Vấn
đề thứ nhất, là nhân duyên giữa tôi và Kinh Vô Lượng Thọ. Thực tế mà nói, nhân
duyên đó chính là lần bị bệnh thập tử nhất sanh của tôi, đã khiến tôi kết duyên
với Kinh Vô Lượng Thọ. Vì sao lại nói như thế? Bởi vì năm 1999, tôi bị trọng bệnh
hồng ban Lupus. Lão Pháp sư từng nói: bệnh này còn nghiêm trọng hơn bệnh ung
thư, điều đặc biệt khiến người kinh sợ, bởi vì căn bệnh này không những dày vò
về mặt thân thể, mà còn dày vò về mặt tinh thần, khiến người bệnh khó nhẫn chịu
được. Nếu như nói vào năm 1999 tôi mắc phải căn bệnh này, nhưng thật ra phải
nói chính xác, là trước thời gian đó tôi đã cảm thấy sức khỏe không ổn rồi. Nếu
nghĩ lại việc này, thì hình như bắt đầu từ năm 1996, thân thể của tôi đã không
khỏe rồi. Nhưng bởi vì từ trước đến giờ tôi không đi khám bệnh, cũng chưa từng
nhập viện, nên không để điều này ở trong tâm. Quý vị thử nghĩ xem: từ năm 1996
đến năm 1999, căn bệnh này của tôi đã bộc phát trong thời gian 4 năm đó rồi.
Cho nên đến tháng 2 năm 2000, tôi lần đầu tiên đi khám bệnh, bác sĩ bảo rằng:
tôi đã bỏ lỡ mất giai đoạn chữa trị bệnh tốt nhất rồi. Trên thực tế là không có
biện pháp gì để điều trị nữa. Tuy nhiên nếu như chữa trị sớm hơn một chút, thì
có thể kéo dài thời gian sống thêm chút nữa. Chỉ được như thế mà thôi! Cho nên
vào năm 1999 khi căn bệnh hồng ban Lupus của tôi bộc phát được một năm rồi, đến
năm 2000, mạng sống của tôi chắc là đã xuống đến mức tận cùng, cuộc sống của
tôi cũng chạm đến đáy vực.
Tôi
đã từng kể với mọi người, tôi đã đối mặt với hai tình cảnh tuyệt vọng. Một là
tuyệt vọng trong cuộc sống, hai là tuyệt vọng với sự sống. Bởi vì vào ngày 25
tháng 2 năm 2000, khi tôi nhập viện, bác sĩ đã nói với tôi là bệnh của tôi đã
bước vào giai đoạn hết sức nghiêm trọng rồi. Tôi có thể chết bất cứ lúc nào.
Lúc đó có người bạn học Phật không hiểu: tại sao bác sĩ lại nói như thế cho
bệnh nhân, nhưng chính tôi biết mức độ nghiêm trọng của căn bệnh của mình. Tôi
nói “nói với tôi đi chăng nữa thì tôi cũng
như nghe kể chuyện mà thôi. Nếu nói cho các bạn thì các bạn có thể sẽ không
tiếp nhận được, nhưng đối với tôi thì không sao cả. Bởi vì hai người học trò của
tôi cũng vì căn bệnh này mà qua đời. Cho nên tôi biết được tính nghiêm trọng
của căn bệnh này”. Hai người học trò đó chỉ sống được khoảng nửa năm rồi cũng
lần lượt ra đi. Một người là nam, một người là nữ, sự việc là như thế. Bởi vì
tôi hiểu rõ căn bệnh này nên biết được mức độ nghiêm trọng và lợi hại của nó ra
sao.
Vì
sao tôi có thể khá điềm tĩnh khi đối mặt với việc này? Bởi vì như lúc nãy đã
nói: khi đó tôi phải đối mặt với hai hoàn cảnh tuyệt vọng. Một là sự tuyệt vọng
trong cuộc sống, hai là sự tuyệt vọng với bệnh tật. Có thể nói: áp lực về mặt
tinh thần cùng với sự dày vò thống khổ về mặt thân thể giống như hai quả núi lớn
đè xuống khiến tôi ngộp thở. Suy nghĩ của tôi lúc đó: thật sự là “muốn chết đi
cho xong!” Quả thật lúc đó tôi có suy nghĩ như thế. Thậm chí tôi chỉ hiềm một
nỗi không thể chết sớm một chút. Rất nhiều người kiêng kỵ khi nói đến chữ ‘chết’,
còn tôi thì một chút cũng không kiêng ngại. Tôi nói chết sớm càng tốt, bởi vì
hai hoàn cảnh tuyệt vọng khi đó, thực là một áp lực quá lớn đối với tôi.
Ngày
25 tháng 2 năm 2000, tôi nhập viện, ở đến ngày 28 tháng 4 thì xuất viện. Thời
gian tổng cộng là 57 ngày. Trong 57 ngày này, bởi vì phải dùng thuốc và tiêm hoocmon,
nên thể trọng của tôi đã tăng nhanh thêm hơn 25 kg. Trọng lượng trước giờ của
tôi tầm khoảng 49 ký. Bạn hãy tưởng tượng xem trong 57 ngày đã tăng thêm 25 kg.
Ước chừng mỗi ngày lên nửa ký. Cả cơ thể đều biến dạng.
Sau
đó vì sao tôi lại xuất viện? Bởi vì tôi bị dị ứng với tất cả loại thuốc. Khi
tôi vừa mới nhập viện, tôi không biết mình bị dị ứng thuốc đến mức nghiêm trọng
như vậy. Nửa tháng đầu tôi được vô hóa chất, cũng có thuốc uống. Nhưng nửa tháng sau, có một lần trong quá trình truyền
dịch, thì đột nhiên bị dị ứng. Lúc đó các bác sĩ đều hơi e sợ, họ nói rằng với
tình trạng dị ứng như thế này, thì bất cứ lúc nào cũng có thể nguy hiểm đến
tính mạng. Họ nói rằng dị ứng có thể làm chết người. Họ nói “nếu như bà bị dị
ứng mà tử vong, đó là sự cố của việc điều trị của chúng tôi”. Tôi nói “không
sao cả, cứ để ra sao thì ra”.
Cho
nên trong vòng nửa tháng sau đó, chủ yếu bác sĩ không dám cho tôi dùng bất kì
loại thuốc nào, tôi ngừng việc ăn, cũng ngừng chích thuốc, việc truyền dịch
cũng ngừng luôn. Mọi người thử nghĩ xem: bệnh nặng như vậy ở trong bệnh viện, không thể uống thuốc cũng không thể tiêm thuốc,
thì bác sĩ làm thế nào điều trị cho quý vị đây! Chẳng phải là vấn đề khó xử đó
sao!
Tôi
còn nhớ vị giáo sư điều trị chính cho tôi đã vỗ đùi mà nói rằng: “Bà cụ à! Bệnh
của bà chúng tôi không nắm rõ, làm sao chữa trị cho bà đây?” Tôi nói “bác sĩ à,
ông đừng có lo. Ông không chữa được, tôi cũng không trách ông đâu. Bởi vì tôi
biết bệnh của tôi như thế nào mà. Tôi sẽ về nhà chữa trị, sẽ không gây thêm
phiền phức cho các ông đâu”.
Vị giáo sư lúc đó không hiểu được vì sao: bệnh
đã đến mức này, mà lại muốn xuất viện. “Nếu như chúng tôi cho bà xuất viện, sau
đó bà phát sinh vấn đề nguy hiểm, thì trách nhiệm vẫn là của chúng tôi”. Tôi
nói “vậy để tôi viết cam kết với bác sĩ, chứng minh rõ chính tôi muốn xuất viện,
không có liên quan gì đến các bác sĩ”. Trong tình hình đó, sau khi ở bệnh viện
được 57 ngày, thì tôi trở về nhà.
Tôi
nói với các bác sĩ là: về nhà tôi sẽ nghiên cứu về bệnh. Trước đây tôi có kể
với mọi người rằng: vì để an ủi các bác sĩ, nên tôi đã nói đùa với họ, tôi nói:
“Quý vị không cần nói với tôi, căn bệnh hồng ban lupus này, hiện nay trên thế
giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân mắc phải căn bệnh này”. Chính là nguyên nhân
vì sao bị bệnh, chưa tìm ra được nguyên nhân. Đã không tìm ra được nguyên nhân,
thì đương nhiên cũng không có biện pháp chữa trị”.
Tôi nói: “Điều này không có liên quan gì đến
các bác sĩ. Chẳng phải các vị nói người nào nghiên cứu hiểu rõ về căn bệnh này,
thì người đó sẽ nhận được giải Nobel đó sao?” Tôi nói: “Vậy thì hãy để tôi về nhà nghiên cứu
nó. Khi tôi được giải Nobel rồi, tôi sẽ không ích kỷ mà sẽ mang tặng cho các quý
vị. Để mỗi người quý vị đều nhận được một phần của giải thưởng Nobel”.
Các
bác sĩ đều rất kinh ngạc. Họ nói họ đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân, nhưng chưa
có người bệnh nào giống như bà lão này cả. Đã bệnh đến mức này, có thể chết bất
kỳ lúc nào, mà tâm thái vẫn tốt như vậy, vẫn lạc quan như thế. Tôi nói có gì mà
không lạc quan cơ chứ. Người có sinh thì có tử thôi, đến lúc chết thì chết chứ
sao.
Cho
nên, ở trong tình huống này, sau khi 57 ngày, thì tôi xuất viện về nhà. Sau khi
xuất viện về nhà, thì các con của tôi không đành lòng, đặc biệt là con gái của
tôi, cháu nói rằng: “Mẹ ơi, con không thể khoanh tay đứng nhìn mẹ chờ chết như
thế này được. Con phải đưa mẹ đến Bắc Kinh để khám bệnh”. Sau đó có người giới thiệu một bệnh viện đông
y ở Bắc Kinh. Tôi nhớ rất rõ là bệnh viện Khoan Nhai. Sau đó con gái tôi đã đưa
tôi đến khám tại bệnh viện Đông y Khoan Nhai.
Khi
đó bệnh viện này có một đặc điểm là: chỉ cho quý vị thuốc uống trong vòng 10
ngày. Điều này có nghĩa là sau 10 ngày quý vị phải đến Bắc Kinh lần nữa, hoặc
là quý vị phải ở Bắc Kinh dài hạn, nếu không thì sao có thể cách 10 ngày lại
đến đây được chứ!
Sau
đó, con gái của tôi nói “mẹ ơi phải làm sao đây?” Tôi nói không lấy thuốc nữa
chúng ta về thôi. Nguyên nhân là gì? Bởi vì nếu như để tôi và con gái ở lâu tại
Bắc Kinh, hoặc là quay về Cáp Nhĩ Tân, rồi cứ 10 ngày sau trở lại Bắc Kinh, thì
thật tình mà nói: chúng tôi không có điều kiện như thế, chính là điều kiện kinh
tế không cho phép như vậy. Tôi biết được tình hình thực tế của gia đình mình, nên
tôi nói với con gái rằng “chúng ta về nhà thôi”. Con gái tôi nói “mẹ ơi khó
khăn lắm mới dẫn mẹ đi được một lần. Bệnh của mẹ lại nặng như thế, con nghe nói
ở Thạch Gia Trang có một bệnh viện chuyên trị bệnh này, chúng ta hãy đi thử xem
sao”.
Lúc
ban đầu tôi kiên quyết không chịu đi. Con gái tôi nói “mẹ cứ thử đi, Thạch Gia
Trang cách Bắc Kinh không xa đâu. Con cầu xin mẹ đấy! Chúng ta phải đi thử xem
sao”. Cứ như vậy, vì thỏa tấm lòng hiếu thảo của con gái, nên tôi đã theo con
đến Thạch Gia Trang. Quả thật là có một bệnh viện chuyên trị căn bệnh này. Kết
quả do bệnh của tôi khá là nghiêm trọng, nên bệnh viện chỉ cho thuốc uống trong
vòng một tháng. Đây là thảo dược của đông y. Thảo dược ấy được đựng trong 4 bao,
dùng túi để đựng gạo mà may lại. Đó là số lượng thuốc trong vòng 1 tháng. Còn
có một số thuốc bào chế sẵn, đựng ở trong lọ. Đây là những loại thuốc mà bệnh
viện đó cho tôi.
Tôi
không lấy thuốc ở bệnh viện đông y Bắc Kinh, nhưng khi gặp phải một người cha
và con gái ở nơi đó, hình như đến từ Tân Cương. Hai cha con họ chuyên trị căn
bệnh này. Chính vì như vậy, tôi lấy 1 tháng thuốc từ cha con họ, là thuốc bột. Tôi
còn nhớ 1 tháng thuốc trị giá 1.200 nhân dân tệ. Tôi đã lấy hai phần thuốc đó.
10 ngày sau, tôi cùng con gái quay trở về Cáp Nhĩ Tân.
Sau
khi về nhà, uống xong hai tháng thuốc rồi, mà bệnh tình không hề thuyên giảm,
không hề giảm nhẹ, ngược lại còn nặng hơn. Cho nên, chính tôi đã quyết định:
ngừng tất cả các loại thuốc, không đi khám bệnh nữa, cũng không uống thuốc nữa,
là như vậy đó.
Tôi
xuất viện ngày 28 tháng 04 năm 2000, qua ngày 1 tháng 5 là tôi đến Bắc Kinh
khám bệnh. Mười ngày sau đó thì trở về nhà, là vào trung tuần tháng 5. Cho nên
lúc đó, phải nói là căn bệnh hồng ban Lupus của tôi bước vào giai đoạn nghiêm
trọng, nguy hiểm nhất. Lúc đó chính tôi cũng biết rằng: mình có thể đối mặt với
cái chết bất kì lúc nào. Một điều hay đó là tôi không kinh sợ đối với cái chết.
Đây có thể là nguyên nhân khiến tôi có thể sống lại.
Có
thể là A Di Đà Phật đã phù hộ cho tôi, nếu không thì làm sao tôi có thể kiên
định không thay đổi niềm tin đối với A Di Đà Phật được. Tôi cảm thấy năm 2000 đó,
tôi không thể nào không ra đi được. Không những chính tôi nghĩ như vậy, mà
những người bà con họ hàng, cùng bạn bè, các đồng học và đồng nghiệp của tôi,
không có người nào cho rằng tôi có thể qua khỏi được. Mọi người đều cho rằng
lúc đó tôi chắc chắn ra đi rồi.
Chắc
chắn là vì tôi được A Di Đà Phật phù hộ, nên tôi đã không ra đi. Thần chết đã
không chiếu cố đến tôi, mà A Di Đà Phật đã quan tâm đến tôi. Cho nên tôi đã
sống lại. Bản thân tôi cảm nhận rằng: tôi có thể sống lại, thật là một kỳ tích.
Đến
giữa năm 2000, sau khi tôi khám bệnh trở về là vào giữa tháng 5, sắp bước qua
tháng 6. Cuối tháng 6, con gái tôi mua cho tôi một ngôi nhà mới, nói rằng vì căn
nhà trước đây ở không tốt, nên đã mua nhà mới cho tôi. Cho nên tôi đã dọn sang
nhà mới, đâu ngờ việc này đã mang đến cho tôi một hoàn cảnh thuận lợi như vậy! Với
tất cả ngoại duyên, tôi đều đoạn tuyệt, và cắt đứt hết rồi. Nếu như tôi không
dọn nhà, tôi vẫn ở tại căn nhà cũ, thì có rất nhiều bạn bè đồng học đồng nghiệp
biết nơi ở của tôi. Họ biết tôi bị bệnh, nên chắc chắn sẽ đến thăm tôi. Sau khi
tôi dọn sang nhà mới, đúng là một cơ hội tốt, tôi đã cắt đứt với toàn bộ tất cả
các ngoại duyên. Tôi ở nhà một mình, thật sự là như thế.
Cho nên hiện nay tôi nghĩ lại, có thể đó là A
Di Đà Phật, đã tạo ra cho tôi một cơ duyên rất tốt như vậy, cơ duyên để tôi tĩnh
tu. Bởi vì bị bệnh nặng, nên đã xin nghỉ hưu sớm, vốn dĩ tôi 60 tuổi mới được
nghỉ hưu, nhưng do 55 tuổi mắc phải bệnh nặng, nên được nghỉ hưu sớm. Trong lúc
căn bệnh của tôi ở giai đoạn nghiêm trọng nhất, có thể nói là như vậy, dùng lời
của tôi mà nói, thì có thể nói là tôi đang ở thoi thóp hấp hối, chỉ đợi dứt hơi
thở cuối cùng thôi. Tình hình nghiêm trọng đó, người khác không thể hiểu được,
ngay cả người nhà của tôi, họ chỉ biết tôi bị bệnh, nhưng họ không biết: bệnh
của tôi đã nghiêm trọng đến mức đó. Bởi vì thường tôi không nói cho họ biết về
điều này. Tính cách của tôi là vậy: tôi có thể nhẫn, thì nhẫn, nếu có thể chịu
đựng, thì chịu đựng. Tôi không đem phiền phức đến cho người khác.
Cũng
có thể là mạng của tôi chưa hết. Tôi nói: kể từ năm đó cho đến bây giờ, và về
sau tôi còn bao nhiêu thời gian nữa, thì tôi không biết. Từ năm 2000 cho đến
nay, đã là 18 năm rồi. 18 năm thọ mạng này, chính là A Di Đà Phật ban cho tôi.
Không phải thọ mạng vốn có của tôi. Thọ mạng vốn có của tôi đã kết thúc vào năm
2000 rồi.
Cho
nên hiện nay, vì sao tôi rất thoải mái tự tin và tự tại như vầy. Bởi tôi không
có cái tôi nữa. Tôi cảm thấy cái tôi trước đây đã tiêu mất rồi. Cái tôi mới này là do A Di Đà Phật
ban cho tôi. Thế nên nhiệm vụ hiện nay của tôi: là toàn tâm toàn lực phục vụ
cho chúng sanh. Ngoài điều này ra, tôi không có việc nào hết. Cũng có thể nhờ
vào cơ duyên tốt đẹp này, khiến tạo cho tôi gặp được bản hội tập Kinh Vô Lượng
Thọ. Quyển hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này, là chị gái của tôi đã tặng kết duyên
cho tôi. Chị của tôi nói: có một bạn đồng tu học Phật tặng cho kết duyên chị:
bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ. Chị nói “Tiểu Vân à, chị xem thấy rất hay. Em
hãy lấy đọc thử xem”. Tôi nói “được ạ!”, rồi nhận lấy bản hội tập Kinh Vô Lượng
Thọ này. Khi đem về nhà, nhưng thật ra mà nói: tôi không có đọc bản kinh này.
Sau đó không
lâu, độ chừng 1-2 tháng, tôi lại nhận được một bộ CD Kinh Vô Lượng Thọ. Bộ đĩa
đó, là sư phụ ngài giảng vào năm 1994 tại Đài Loan. Đó là lần thứ 3 sư phụ
giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Lần giảng đó tổng cộng có 70 đĩa. Một đĩa là 1 giờ
đồng hồ. Sau khi tôi có được bộ đĩa này, thì lập tức bắt đầu xem bộ đĩa đó.
Mặc dù ý nghĩa của bộ đĩa đó là gì, tôi cũng
không hiểu rõ, nhưng vì sao tôi lại có thể xem bộ đĩa đó vậy? Bởi vì khi bỏ đĩa
vào xem, thì lão Pháp sư liền giảng cho mọi người, lúc đó tôi cũng không biết
ngài giảng điều gì nữa, thế nào gọi là kinh, tôi cũng không biết. Ngay cả lão Pháp
sư, tôi còn không biết phải gọi ngài là lão Pháp sư. Tôi tự mình nghĩ ra cách
gọi, tôi nói ông cụ này, tôi cảm thấy ông cụ này sao mà thân thiết đến như vậy.
Mỗi ngày sáng tối tôi đều mở đĩa xem, để ông cụ trò chuyện với tôi, khiến tôi
không còn cô đơn, tôi không còn đơn độc nữa.
Cho nên tôi nói,
tôi xin kể với mọi người về các cấp độ của tôi như thế, cấp độ thứ nhất là để giết
thời gian. Mọi người có lẽ đều biết rất rõ tình cảnh đó, mấy cấp độ của tôi. Bởi
vì sao vậy? Sau khi người bị bệnh nặng, thì đêm đến rất là khó chịu, thường cảm
thấy đêm dài đằng đẵng, sao trời vẫn chưa sáng, sao
trời vẫn chưa sáng vậy! Nhờ có bộ đĩa này của sư phụ bầu bạn với tôi, mà tôi
cảm thấy đêm dài đã trở nên ngắn hơn, tôi dễ chịu hơn. Cho nên cấp độ đầu tiên,
là tôi dùng bộ đĩa này để giết thời gian dài khó chịu của tôi. Đó là cấp độ thứ
nhất.
Thứ hai, là
tôi muốn tìm câu trả lời. Mọi người hỏi “cô giáo muốn tìm câu trả lời gì vậy?”
Bởi vì có một ngày, tôi nghe sư phụ ngài nói rằng “Đời người vì sao lại khổ như
thế?” Trong chốc lát tôi phấn chấn tinh thần. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó tôi
đang bị khổ mà. Tôi nghĩ: mình phải nghe xem ông cụ này nói câu trả lời là gì.
Kết quả sư phụ nói: “Đời người vì sao lại khổ như thế, là do vì mê hoặc điên
đảo, quý vị đem giả cho là thật, nên đương nhiên quý vị khổ rồi”. Tôi nghe xong
thì nói “ái chà! Ông cụ nói rất là có đạo lý”. Tôi còn có cả ngàn câu hỏi vì
sao, có thể đều trả lời cho tôi được không. Tôi phải nghe chăm chú mới được.
Cho nên, đó là cấp độ thứ hai, là tôi muốn tìm câu trả lời.
Cấp độ thứ ba
là gì? Đó là biết nhau quá trễ, quả thật là biết nhau quá trễ mà. Vì sao vậy? Càng
nghe tôi càng thấy thú vị. Mỗi một câu hỏi tại sao, ông cụ đều trả lời, đều trả
lời tôi. Tôi nghĩ: thế giới này còn có thứ tốt đẹp như thế, vậy mà vì sao trước
đây tôi không biết đến nhỉ? Đây là cách nghĩ vô cùng đột ngột của tôi. Vì sao trước
đây tôi không biết, không biết đến có ông cụ này, ông biết giảng những điều này,
không biết rằng ông cụ có thể giải đáp những hoài nghi thắc mắc trong tâm của
tôi. Tất cả những nỗi nghi hoặc đều biến mất. Cho nên trong giai đoạn đó, mỗi
ngày tôi nghe trên dưới 10 tiếng đồng hồ. Đây là sự thật, vì sao vậy? Thật sự
nghe vào được, thật sự nhận được lợi ích.
Cho nên, 3
giai đoạn này, thì tôi đã tổng kết lại, tôi xin quy nạp chúng lại một chút. Tôi
quy nạp như thế này. Nếu như hỏi giữa tôi và Kinh Vô Lượng Thọ có nhân duyên gì,
tôi sẽ dùng một bức tranh để diễn đạt, vì tôi không biết vẽ, nên tôi sẽ dùng
mũi tên để biểu đạt, thì mọi người có thể nghe hiểu được.
Điều thứ nhất
chính là “giết chết thời gian”. Đây không phải là giai đoạn thứ nhất nha. Sau
đó là cấp độ thứ nhất, tôi vẽ bằng một mũi tên, sau mũi tên đó chính là cấp độ
thứ hai, “tìm ra câu trả lời”. Sau khi tìm ra câu trả lời, vẽ mũi tên, chính là
“biết nhau quá muộn”. Sau “biết nhau quá muộn” vẫn còn vài giai đoạn nữa, mọi
người tiếp tục vẽ. Lại vẽ một mũi tên, “mến chẳng rời tay”, không muốn buông
xuống. Vì sao mỗi ngày tôi có thể xem đến mười mấy giờ đồng hồ, bởi vì mến chẳng
rời tay. Sau “mến chẳng rời tay”, lại vẽ một mũi tên là “nghe hoài không chán”.
Tôi không biết mọi người cảm thấy thế nào, phải chăng có một số đồng tu nghe
vài lần thì không kiên nhẫn nữa? Tôi thì không có tình trạng như thế. Quả thật
là nghe hoài không chán, càng nghe càng ưa thích. Sau “nghe hoài không chán”
lại vẽ một mũi tên là: “hợp thành một thể”. Tôi cảm thấy mình và Kinh Vô Lượng
Thọ, và Phật hiệu A Di Đà Phật, dung hòa thành một thể. Tôi chính là A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật chính là tôi. Tôi không biết: cách nói này, có khiến mọi người sẽ
cảm thấy: cô giáo Lưu không khiêm tốn hay không. Nhưng tôi phải nói với quý vị
rằng: đó là cảm giác thật sự của tôi. Sau “hợp thành một thể” lại vẽ một mũi
tên, “toàn bộ sinh mạng”. Hiện tại tôi chân chân thật thật cảm thấy rằng: Kinh Vô
Lượng Thọ và câu Phật hiệu A Di Đà Phật, chính là toàn bộ sinh mạng của tôi.
Đây chính là nhân duyên giữa tôi và Kinh Vô Lượng Thọ.
Nếu như tôi dùng
ba câu nói ngắn gọn, để khái quát lại mối nhân duyên này là gì? Thì đó chính là
3 câu nói. Nếu gọi là câu danh ngôn của riêng tôi cũng được. Ba câu nói gì? Là
nói như vầy:
“A Di Đà Phật là tâm của tôi, A Di Đà Phật là
nguyện của tôi, A Di Đà Phật là hạnh của tôi”.
Đây chính là
biểu đồ nói về nhân duyên giữa tôi và Kinh Vô Lượng Thọ, cùng với 3 câu nói
tổng kết, chính là như vậy đó.
Tôi cảm thấy là
lão Pháp sư đã cứu sinh mạng của tôi, đã cho tôi huệ mạng, đã thay đổi toàn bộ
số mạng cuộc đời tôi. Cho nên tôi vĩnh viễn không quên Kinh Vô Lượng Thọ và lão
Pháp sư.
Có đồng tu
muốn tìm hiểu về nhân duyên giữa tôi và lão Pháp sư. Tôi có thể nói với mọi
người như thế này, nhân duyên giữa tôi và lão Pháp sư, chính tôi đã khái quát
thành 4 giai đoạn.
Duyên thứ
nhất, nhân duyên giữa tôi và lão Pháp sư bắt nguồn từ bộ đĩa CD, chính là năm
2000 tôi có được bộ đĩa 70 tập giảng về Kinh Vô Lượng Thọ tại Đài Loan của lão Pháp
sư. Đây chính là duyên đầu tiên giữa tôi và ngài. Duyên từ bộ đĩa.
Duyên thứ hai
là duyên trong mộng. Tôi đã từng nói với mọi người rằng: tôi từng nằm mộng thấy
lão Pháp sư hai lần. Lần nằm mộng thứ nhất và lần thứ hai, hình như cách nhau 20
ngày. Lần mộng đầu tiên, khi tôi gặp lão Pháp sư, sư phụ nhìn tôi cười ha ha, không
nói một lời nào. Tôi hỏi sư phụ, tôi nói “sư phụ ơi, ngài nhìn con cười như
vậy, là ngài muốn nói gì với con?” Sư phụ vẫn giữ nụ cười như thế, không nói gì
cả.
Lần nằm mộng
thứ hai gặp sư phụ, ngài vẫn với dùng nét mặt tươi cười đó mà nhìn tôi, nhưng
môi của ngài đang động, tôi cảm thấy ngài đang nói chuyện, nhưng tôi không nghe
được âm thanh. Tôi không biết sư phụ nói điều gì. Sáng sớm ngày hôm sau xuất
hiện bốn câu nói, bốn câu này xuất hiện như thế nào? Dù sao đó cũng chỉ là cảm
giác của tôi mà thôi, tôi không nghe thấy âm thanh, tôi cũng không nhìn thấy
được gì. Dù sao đi nữa trong lòng tôi biết: bốn câu đó chính là:
“Tịnh niệm liên
tục niệm Di Đà. Không cũng có, lại có cũng không. Tôi là đệ tử của đức Phật. Sư
thừa một lòng về Cực Lạc”.
Bốn câu nói
này xuất hiện vào sáng sớm ngày hôm sau khi lần thứ hai tôi mộng thấy sư phụ.
Nếu như quý vị xếp các từ đầu tiên của mỗi câu thành hàng dọc. Đây là thể thơ
chơi chữ đầu câu, thì đó chính là chữ “Tịnh Không Thầy Tôi”. Bởi vì tôi đã từng
dạy qua môn Ngữ Văn, nên cũng biết được một chút ít. Cũng biết về thể thơ chơi
chữ đầu câu này. Lúc đó tôi liền nghĩ, phải chăng là ai đó khai thị cho tôi, lão
Pháp sư Tịnh Không là sư phụ của tôi. Cho nên đây là duyên thứ hai, là mối nhân
duyên trong mộng giữa tôi và sư phụ, đó là duyên thứ hai.
Duyên thứ ba
là duyên qua điện thoại. Ba ngày đầu năm mới năm 2010, khoảng trong ba ngày đầu
năm đó, lão Pháp sư đã gọi điện thoại cho tôi. Tôi vô cùng kinh ngạc, kỳ lạ! Vì
sao sư phụ có thể tìm ra tôi. Sau khi gặp mặt thì sư phụ nói với tôi rằng, Ngài
đã xem được đĩa “Tín Niệm” năm 2003 của tôi. Ngài nghĩ rằng: đã tám năm trôi
qua rồi, người trong đĩa này còn sống hay không? Sau đó, ngài nhờ các đồng tu
Hồng Kông tìm hiểu nghe ngóng hỏi han các đồng tu ở Hắc Long Giang: “Người này hiện
giờ còn sống hay không?” Điều này là sau khi chúng tôi gặp nhau, thì sư phụ kể với
tôi. Sau khi nghe ngóng, thì biết được tin tức của tôi. Họ đã đưa số điện thoại
của tôi cho sư phụ. Sư phụ liền gọi điện thoại cho tôi. Cho nên duyên thứ ba
này, là duyên qua điện thoại với sư phụ.
Sau đó không
lâu, thì đồng tu Hồng Kông lại nói với tôi rằng: lão Pháp sư mời tôi đến Hồng
Kông, muốn gặp mặt. Lúc đầu thì tôi từ chối, thật là không biết quy củ. Tôi nói
tôi không đi, Hồng Kông ở đâu tôi nào có biết. Sau đó có đồng tu nói rằng: tôi từ
chối nhân duyên như vậy là không đúng. Tôi nói vậy lần sau tôi sẽ không từ chối
nữa. Nửa tháng sau đó, lần thứ hai đồng tu Hồng Kông gọi điện thoại nói: lão Pháp
sư vẫn muốn mời cô đến Hồng Kông một chuyến để gặp mặt. Tôi nói lần trước từ
chối đã sai rồi, lần này không từ chối nữa. Tôi tìm người dẫn tôi đi. Tôi là ở
trong tình huống như vậy. Ngày 4 tháng 4 năm 2010, tôi lần đầu đến Hồng Kông,
lần đầu tiên gặp mặt lão Pháp sư. Đây là nhân duyên lần thứ tư, duyên gặp mặt.
Vì vậy, nhân
duyên giữa tôi và sư phụ chính là: duyên qua đĩa giảng, duyên trong mộng, duyên
qua điện thoại và duyên gặp mặt. Đây đều là những chuyện thật, không có một
chút hư cấu nào cả. Đó là điều thứ nhất tôi muốn nói với quý vị.
Điều thứ hai,
tôi muốn nói đó là bộ Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh như thế nào? Điều này tôi
nghĩ chư vị Tổ sư Đại đức, cao tăng Đại đức đã có sự nhận xét và khái quát đối
với kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều rồi. Rất nhiều đồng tu đã khá rõ, nên tôi sẽ
không nói từng điều một nữa. Tôi chỉ lựa chọn những điều liên quan mật thiết
với đồng tu chúng ta, để khi nghe qua liền hiểu rõ, có thể nắm bắt được. Nếu
như giảng nhiều, thì có thể mọi người không nhớ được nhiều như vậy. Tóm lại một
câu rằng: “Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh điển vô cùng hết sức quan trọng”. Đây
là câu tổng kết. Sau đó tôi sẽ dựa trên 7 phương diện để nói, cũng hết sức khái
quát để nói, không cần triển khai, vì triển khai ra thì nhiều quá. Kinh Vô
Lượng Thọ là bộ kinh như thế nào?
Điều thứ nhất,
đây chính là bộ kinh điển duy nhất mà Thích Ca Mâu Ni Phật trong 49 năm đã
tuyên giảng nhiều lần.
Trong câu nói
này, Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh điển duy nhất mà Thích Ca Mâu Ni Phật trong
49 năm đã tuyên giảng rất nhiều lần. Trọng điểm nằm ở đâu? Nằm ở chỗ “duy nhất”.
Tam Tạng 12 bộ kinh mênh mông như biển vậy, mà trong 49 năm đức Thế Tôn nhiều
lần tuyên giảng, chỉ có bộ kinh Vô Lượng Thọ này, không phải bộ nào khác. Quý
vị tra khắp trong Đại tạng Kinh, quý vị sẽ không tìm ra bộ kinh thứ hai, được
Đức Thế Tôn tuyên giảng nhiều lần. Mọi người hãy nghĩ xem: bộ Kinh được nhiều
lần tuyên giảng có nghĩa là gì? Có nghĩa là kinh đó rất quan trọng, có phải vậy
không? Không có bất kì bộ kinh điển nào khác có thể thay thế cho Kinh Vô Lượng
Thọ. Đây là điểm thứ nhất, nói Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh như thế nào.
Điều thứ hai,
đây là bộ kinh đệ nhất trong Phật pháp. Kinh điển đệ nhất trong Phật pháp, đệ
nhất là duy nhất, đều không thể lìa khỏi được chữ “đệ nhất” này. Thiên Kinh vạn
Luận, Tam Tạng 12 bộ giống như trăm dòng sông, còn kinh Vô Lượng Thọ thì giống
như biển lớn. Trăm sông đổ về biển lớn, biển lớn dung nạp trăm sông. Đây là mối
quan hệ giữa trăm sông và biển lớn, cũng chính là mối quan hệ giữa kinh Vô
Lượng Thọ và những kinh điển khác. Mọi người đều biết rằng: cổ Đại đức đều nhất
trí tán đồng rằng Kinh Hoa Nghiêm là đệ nhất. Vậy kinh này ở chỗ nào? Nếu so
sánh Kinh Hoa Nghiêm với Kinh Vô Lượng Thọ, thì Kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất.
Cho nên nói Kinh Vô Lượng Thọ quan trọng. Dùng câu nói này có thể khái quát
được toàn bộ, kinh này chính là biển lớn. Hết thảy kinh điển Tam Tạng 12 bộ đều
được bao hàm trong Kinh Vô Lượng Thọ. Xin nêu ra một ví dụ nữa, ví dụ như chúng
ta xây cầu, thì có cầu chính và cầu dẫn. Vậy kinh nào là cây cầu chính? Tất
nhiên là Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ là cầu chính của cây cầu, những
bộ kinh khác như kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm đều là những cây cầu dẫn, dẫn dắt quý
vị bước lên cây cầu chính, là những cây cầu nối để
dẫn quý vị đến với cây cầu chính, nói tác dụng của cầu chính và những cây cầu
nối, mọi người vừa nghe thì hiểu rõ. Tóm lại, điều thứ hai chính là: đây là bộ
kinh đệ nhất trong Phật pháp.
Điều thứ ba, đây
là bộ kinh điển Nhất-thừa một đời thành Phật. Chúng tôi đặc biệt nói rằng, đây
là một đời thành Phật. Trong Tam Tạng 12 bộ kinh thì bộ kinh nào có thể khiến
chúng sanh một đời thành Phật? Hoặc là những bộ kinh nào có thể giúp chúng sanh
một đời thành Phật? Hiện nay lão Pháp sư đã cho chúng ta một đáp án chính xác
là: bộ kinh có thể giúp chúng sanh một đời thành Phật chính là Kinh Vô Lượng
Thọ, không có bộ kinh thứ hai có thể giúp chúng sanh một đời thành Phật. Mọi
người chú ý, chớ có hiểu lầm, trọng điểm ở đây chính là ‘một đời thành Phật’.
Những kinh điển khác có thể giúp chúng sanh thành Phật được không? Được! Thế
nhưng, điểm khác biệt với Kinh Vô Lượng Thọ đó là gì? Kinh Vô Lượng Thọ có thể
khiến chúng sanh một đời thành Phật. Những kinh điển khác không làm được điều
này. Khác biệt là ở chỗ này.
Phía sau còn
nói, đây là bộ kinh điển Nhất-thừa. Về kinh Nhất-thừa thì tôi đã nhiều lần nói
với quý vị, là tổng cộng có ba bộ. Một bộ là Kinh Hoa Nghiêm, một bộ là Kinh Pháp
Hoa, một bộ là Kinh Phạm Võng. Trong đó chỉ có một phẩm của Kinh Phạm Võng được
truyền đến Trung Hoa, chỉ có một phẩm thôi. Cho nên thật sự mà nói: tại Trung Hoa
chỉ có hai bộ kinh Nhất-thừa. Một bộ là Kinh Hoa Nghiêm, một bộ là Kinh Pháp
Hoa, chính là như vậy. Hiện nay mọi người thấy đó, kinh Nhất-thừa chỉ có hai bộ
kinh này, mà phần sau cùng của hai bộ kinh Nhất-thừa này, đều dẫn về Cực Lạc,
đều quy về Kinh Vô Lượng Thọ. Quý vị xem Kinh Vô Lượng Thọ có phải là bộ kinh Nhất-thừa
trong Nhất-thừa hay không? Vậy kinh này cao hơn Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.
Đương nhiên, chúng ta nói như vậy chỉ là phương tiện nói mà thôi, chứ kinh điển,
Pháp môn không có cao thấp sang hèn. Chúng ta chỉ dùng pháp phương tiện như vậy
để nói, so sánh một chút, nhằm nói rõ tầm quan trọng của Kinh Vô Lượng Thọ. Hoa
Nghiêm và Pháp Hoa là kinh điển Nhất-thừa. Kinh Vô Lượng Thọ là kinh điển Nhất-thừa
trong Nhất-thừa. Chính là mối quan hệ như thế.
Phần thứ tư,
trình bày với chúng ta là thế nào là Nhất-thừa? Phía trước tôi đã nói rồi, bộ
kinh có thể khiến chúng sanh một đời thành Phật thì đó chính là kinh điển Nhất-thừa,
với lại điểm thù thắng nhất của Kinh Vô Lượng Thọ đó là gì? Nếu quý vị dựa theo
bộ kinh này tu hành, thì một đời này của quý vị nhất định có thể thành Phật, nhất
định có thể thành tựu, điều này bất kì bộ kinh nào khác cũng không thể so sánh
được, đây là điều thứ tư.
Điều thứ năm,
điểm vượt trội nhất, chỗ thù thắng nhất của Kinh Vô Lượng Thọ, chính là 48
Nguyện. 48 nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều là vì chúng sanh sớm
ngày thành Phật, lìa khổ được vui. Dùng phương pháp gì vậy? A Di Đà Phật khuyên
bảo chúng sanh trì danh niệm Phật, niệm Phật thành Phật. Chỗ này tôi muốn nhấn
mạnh điều gì? Đó là Thích Ca Mâu Ni Phật là do niệm Phật mà thành Phật. Việc
này rất nhiều đồng tu, hình như cũng đã biết đến điều này. Câu tiếp theo không
biết mọi người có hiểu rõ hay không? Là Thập Phương Tam Thế hết thảy chư Phật
đều là niệm Phật mà thành Phật. Phải chăng điều này nhiều đồng tu chưa từng
nghe đến, không biết đến. quý vị nghĩ xem: Thích Ca Mâu Ni Phật do niệm Phật mà
thành Phật, mười phương ba đời tất cả chư Phật cũng đều do niệm Phật mà thành
Phật, vậy thì chúng ta nên làm thế nào? Chúng ta muốn thành Phật thì làm thế
nào? Cũng phải niệm Phật. Ý nghĩa này phải chăng tôi đã nói rất rõ ràng, quý vị
còn có nghi ngờ gì nữa không? Quý vị nói mười phương chư Phật đều là do niệm
Phật mà thành Phật, chúng ta có thể vượt hơn mười phương chư Phật được không?
Cho nên, nếu chúng ta muốn thành Phật, thì nhất định phải niệm Phật.
Ngẫu Ích Đại sư
đã nói một câu như vậy, khiến người tư duy sâu sắc, Ngẫu Ích Đại sư đã nói rằng
“[Đây là] Pháp môn thâm diệu, phá sạch hết thảy hí luận, chặt đứt tất cả ý
kiến”. Câu này là do Đại sư Ngẫu Ích nói. Hí luận ở đây có nghĩa là gì? Chẳng
phải nói “phá sạch hết thảy hí luận” sao? Thế nào gọi là hí luận? Lão Pháp sư
đã giải thích cho chúng ta: hí luận chính là nghiên cứu thảo luận, giống như
nói đùa, giỡn chơi, như là đùa vui mà thôi, không có câu nào là chân thật cả.
Nói đùa thì làm sao là lời thật được chứ? Câu nói nào khiến tôi nghe được thì
có một chút kinh ngạc vậy? Chính là lão Pháp sư nói: “Tất cả các pháp mà Đức
Phật nói trong 49 năm đều thuộc về hí luận”. Tôi vừa nghe được câu này thì thật
đặc biệt kinh ngạc. Tất cả các pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm
đều là hí luận. Ý nghĩa chữ “đều” chẳng phải là toàn bộ hay sao? Toàn đều là, toàn
đều là hí luận. Tôi vừa nghe xong thì có chút giật mình. Sau đó ngài nói câu
tiếp theo là “chỉ có một câu Phật hiệu này là thật”. Chỉ có câu Phật hiệu này
là thật. Tiếp theo lại nói “một câu Phật hiệu bao hàm hết thảy. Phật hiệu A Di
Đà Phật là tổng cương lĩnh, tổng đề mục của Phật pháp”. Đây là lời giải thích
của lão Pháp sư về câu nói này cho chúng ta.
Tôi không
biết hôm nay nói với mọi người như vậy, thì có bao nhiêu người có thể nghe hiểu
được, có bao nhiêu người có thể tin tưởng. Tôi xin nói lại lần nữa, xin nói lại
lần nữa, lão Pháp sư nói rằng “hí luận chính là nghiên cứu thảo luận, giống như
nói đùa, giỡn chơi, không có một lời thật”. Phía sau còn có một câu rằng “niệm
Phật đến khi tâm thanh tịnh, sẽ siêu vượt tất cả các Pháp môn”. Câu phía sau
này, chính là câu nói khiến tôi kinh ngạc, có thể như vầy: “Pháp mà Phật nói
trong 49 năm đều thuộc về hí luận, chỉ có một câu Phật hiệu là chân thật. Một
câu Phật hiệu bao hàm hết tất cả. Phật hiệu A Di Đà Phật là tổng cương lĩnh,
tổng đề mục của Phật pháp”.
Hôm nay tôi
nói đến điều này, tôi nghĩ quý đồng tu cũng có thể có kinh ngạc giống như tôi,
trước giờ chưa từng nghe điều này. Nhưng đây là điều mà sư phụ ngài trong lúc
giảng kinh đã nói với chúng ta. Phía sau sư phụ còn nói “Công đức của Phật hiệu
A Di Đà Phật không thể nghĩ bàn. Người niệm Phật nhiều, nhưng người chân thật
hiểu không nhiều”. Đây có phải là tình hình thực tế hiện nay của chúng ta hay không?
Người niệm A Di Đà Phật nhiều, nhưng người thực sự hiểu được hàm nghĩa chân
thật câu A Di Đà Phật thật sự không nhiều.
Nói: “Tổng
danh hiệu của mười phương ba đời hết thảy chư Phật, chính là A Di Đà Phật. Thế
giới Tây Phương Cực Lạc có một vị Phật, đã dùng tổng danh hiệu của tất cả chư
Phật làm tên gọi của chính mình”. Mọi người chúng ta hiện nay vừa nghe thì liền
biết, là ai? Là A Di Đà Phật. A Di Đà Phật vốn là: tổng danh hiệu của hết thảy
mười phương chư Phật. Hiện nay Thế giới Tây Phương Cực Lạc có một vị Phật, là dùng
danh hiệu chung này: làm danh hiệu của chính mình. Quý vị xem A Di Đà Phật phải
chăng có đại trí huệ? Nếu không có đại trí huệ, liệu có thể dùng tổng danh hiệu
này làm danh hiệu của mình hay không?
Thế nên nói, lão
Pháp sư nói với chúng ta: “A Di Đà Phật đang biểu thị Pháp gì vậy? Đang biểu
thị hết thảy pháp giới hư không giới là một tự thể”, chính là một thể. Khắp
pháp giới hư không giới là một thể. Một thể này chính là gì? Là A Di Đà Phật. A
Di Đà Phật là gì? Là Tự-tánh. Nói được hết sức thấu triệt, quá thấu triệt rồi.
Cho nên tôi nói: lần này tôi viết bản thảo giảng kinh này, quả thật là không
uổng công vô ích. Tôi lại học được rất nhiều điều mà trước giờ tôi không biết.
“Một tức tất
cả, tất cả là một”, trước đây tôi biết câu nói này, nhưng lãnh hội không được sâu
sắc. Sau khi viết xong bản thảo này, thì tôi đối với câu “Một là tất cả, tất cả
là một”, đã có nhận thức sâu sắc hơn rồi. Câu danh hiệu này thâu gom tất cả, dùng
một câu để hình dung, thì đó chính là sự dung nhập đến viên mãn. Một câu Phật
hiệu hàm nhiếp tất cả. Trong câu Phật hiệu này: có Kinh Hoa Nghiêm ở bên trong,
có Kinh Pháp Hoa ở bên trong, Đại thừa, Tiểu thừa, Hiển Giáo, Mật giáo, Tông
môn, Giáo hạ đều ở bên trong.
Chưa nói hết,
tôi còn một lần kinh ngạc nữa đó là gì? Lão Pháp sư nói với chúng ta: “Chẳng những
toàn bộ Phật pháp ở trong câu Phật hiệu này, mà tất cả những tôn giáo khác thảy
đều được bao gồm trong câu Phật hiệu A Di Đà Phật”. Đây là lần kinh ngạc thứ hai của tôi. Trước
đây tôi không biết, tôi chỉ cho rằng Phật pháp được bao gồm toàn bộ bên trong, tất
cả kinh điển đều được bao gồm bên trong. Tôi không biết rằng tất cả những tôn
giáo khác, ví dụ như Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, vân
vân, mỗi một tôn giáo đều được bao hàm trong câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Quả
thật công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn. Đây là điều thứ năm, trọng điểm
của điều này là nói về 48 nguyện.
Điều thứ sáu,
Kinh Vô Lượng Thọ là kinh đệ nhất của Tịnh-tông. Việc này không có gì để nói,
chúng ta tu học Pháp môn Tịnh-độ đều biết điều này, việc này tôi sẽ không nói
chi tiết. Nếu như chúng sanh thật sự: quý vị đời này có thể thọ trì bộ Kinh Vô
Lượng Thọ này, niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật, thì quý vị chính là thọ trì tất
cả Pháp môn mà Đức Phật Thích Ca nói trong 49 năm, cũng là thọ trì hết thảy các
Pháp môn mà mười phương ba đời chư Phật Như Lai vô lượng kiếp tuyên thuyết.
Công đức thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ chẳng thể nghĩ bàn. Quý vị nghĩ xem: bộ kinh
này đã bao gồm tất cả, chẳng thiếu khuyết một điều, quý vị còn đi đâu để tìm
kiếm nữa! Nói trong đời ngũ trược ác thế, làm sao có thể thành Phật? Chỉ có một
con đường duy nhất là: niệm Phật thành Phật. Ngoài niệm Phật ra, không có con
đường thứ hai nào để đi.
Phương diện thứ
bảy mà tôi muốn nói là: điểm thù thắng của Kinh Vô Lượng Thọ, chính là ở chỗ
khế lý khế cơ. Tôi nhớ có đồng tu đã từng nói rằng, có người quen của anh ấy
nói với anh ấy: “Các bạn học Phật là hạng tiêu cực, cả ngày chỉ niệm Phật cầu
vãng sanh”. Họ nói: “Vãng sanh chẳng phải là chết ư, các bạn niệm Phật chính là
cầu chết”. Trên thực tế đây là sự lý giải sai lầm và hiểu lầm vô cùng nghiêm
trọng. Phật giáo không hề tiêu cực chút nào, mà là tích cực. Không phải nói Niệm
Phật là cầu chết. Là giải quyết vấn đề trước mắt của chính quý vị, không phải
là giải quyết một sự việc, mà là một phương hướng, một mục tiêu, đó là mục tiêu
sau cùng của đời người, đến lúc nào đó là cần đến nó. Thế nhưng việc học Phật hiện
nay tuyệt đối không phải là như vậy.
Ví dụ như nói
bản thân tôi: tôi có cảm nhận sâu sắc rằng, nếu như tôi không học Phật, thì tôi
chắc chắn đã ra đi vào năm 2000 rồi. Vì tôi học Phật, nên tôi đã sống lại, đã
thay đổi số mạng cuộc đời của tôi. Hiện nay tôi ung dung như vầy, tự tại như vầy,
gia đình hòa thuận, đời sống an lạc hạnh phúc. Việc này mọi người ai cũng biết.
Vì sao mọi người lại hâm mộ tôi như vậy? Chẳng phải là vì tôi ung dung tự tại
hay sao? Vậy quý vị nói Phật pháp chẳng phải là khế lý khế cơ sao? Phật pháp
đối với cuộc sống của chúng ta, là có ý nghĩa chỉ đạo. Nếu quý vị học Phật chân
thật, thì đời sống của quý vị sẽ hạnh phúc, thân thể quý vị sẽ mạnh khỏe, gia
đình quý vị sẽ hòa thuận, sự nghiệp của quý vị sẽ thuận lợi thành công. Nếu quý
vị không tin, quý vị hoài nghi, thì không còn cách nào. Bởi vì tôi có lòng tin
kiên định, nên tôi đã đạt được tất cả như vậy.
Về gia đình
tôi trước đây, tôi không giấu gì quý vị, gia đình của tôi không hòa thuận lắm,
người lớn và trẻ nhỏ đều có ý kiến với tôi. Sau khi tôi học Phật, thì tôi đã
học sáng tỏ rồi, ai có vấn đề? Là tôi có vấn đề. Thông qua việc học Phật, tôi
đã giải quyết được vấn đề này. Hiện nay có thể nói là gia đình tôi vô cùng rất
là hòa thuận. Ở trên mạng có người nói không phải vậy, cứ để cho họ nói đi, gia
đình của tôi như thế nào, thì không có việc gì để che giấu cả. Gia đình tôi
trước đây như thế nào và hiện nay như thế nào, không có việc gì để che giấu cả,
đều công khai hết. Nếu quý vị không tin thì có thể điều tra, sự việc là như vậy.
Có người muốn thông qua việc này để moi chút thông tin, châm ngòi nổ để làm gì
chứ. Tôi nghĩ: sẽ tìm không ra ngòi nổ gì đâu.
Sự khế lý kế
cơ này dùng điều gì để nói rõ đây? Dùng ba điều chân thật để nói rõ. Kinh Vô
Lượng Thọ đã nói ba điều chân thật. Mọi người đều quen thuộc ba điều này. Đó là
“chân thật chi tế, chân thật chi lợi, và chân thật huệ”. Lão Pháp sư nói với
chúng ta: ba điều chân thật này, trong bất kỳ kinh điển nào khác mà Thế Tôn đã
nói thì rất ít thấy, rất ít thấy. Còn Kinh Vô Lượng Thọ đặc biệt ở chỗ nào? Là
ba điều chân thật này đồng thời xuất hiện trong một bộ kinh, hơn nữa còn nói
cho mọi người một cách rõ ràng như vậy, thấu triệt như vậy, khiến mọi người có
thể hội chân thật. Quả thật là không hề đơn giản, không hề đơn giản. Mọi người
chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ đều có thể hội chân thật như vậy có phải không?
“Chân thật chi
tế” là nghĩa là gì? Chính là Đức Phật muốn đem chân tướng của vũ trụ, chân
tướng của vũ trụ nhân sinh, nói với chúng ta. Đây gọi là chân thật chi tế.
“Khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, đây là điều chân thật thứ nhất.
Điều thứ hai
là “chân thật chi lợi”, lợi ích chân thật mà Phật ban cho chúng ta là gì? Chính
là Kinh Vô Lượng Thọ, chính là câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Đây chính là lợi ích
chân thật nhất mà Phật Thích Ca Mâu Ni ban cho chúng ta. Cho nên, gọi là “chân
thật chi lợi”.
Sau cùng,
chúng ta đạt được là “chân thật huệ”. Mọi người chẳng phải đã biết từ “chân
thật huệ” này rồi sao? Vì muốn khai hóa hiển thị chân thật chi tế, khiến chúng
ta hiểu rõ lý, lại ban cho chúng ta lợi ích chân thật, để chúng ta đích thân
thể hội, cho nên chúng ta là thật sự đạt được “chân thật huệ” rồi.
Quý vị nói: ba
thứ chân thật này, phải chăng là sự biểu hiện quan trọng nhất của khế lý khế cơ
trong Kinh Vô Lượng Thọ hay không? Cho nên, có người nói: đọc Kinh Vô Lượng Thọ
và niệm Phật hiệu A Di Đà Phật, thực sự có thể giải quyết được vấn đề hay
không? Nếu như đến bây giờ, mà quý vị vẫn còn giữ thái độ hoài nghi, vậy thì
cho dù Phật ở trước mặt quý vị cũng chẳng có cách nào. Điều này nói rõ thiện
căn phước đức nhân duyên của quý vị không đủ. Thật sự không có cách nào.
Nếu như cả đời
này, chúng ta thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, thì quý vị hãy nghĩ xem, quý vị nghĩ
xem: quý vị may mắn nhiều như thế! Thiện căn phước đức nhân duyên của quý vị đã
đầy đủ. Có phải vậy không? Nếu với vấn đề này mà quý vị vẫn còn chưa nhận thức rõ
ràng, bây giờ vẫn còn đang do dự, vẫn còn chần chừ, thì tôi khuyên quý vị hãy
trân quý những gì quý vị đã gặp được trong đời này. Nếu quý vị gặp được rồi, mà
quý vị lại để vụt qua mất, thì tương lai quý vị sẽ hối hận. Thực sự tôi cũng tiếc
thay cho quý vị.
Tôi hy vọng:
sự thù thắng của Kinh Vô Lượng Thọ và Pháp môn niệm Phật, nói thế nào cũng
không nói hết được. Dù chư Phật Bồ Tát đến nói cũng nói không hết. Chỉ có chúng
ta dựa vào ngay trong quá trình tu học mà dần dần cảm ngộ được. Đây là vấn đề
thứ hai tôi muốn nói đến.
Vấn đề thứ ba,
tôi muốn nói là vì sao: hiện nay tôi cần bắt đầu giảng thử Kinh Vô Lượng Thọ.
Bởi vì mọi người còn nhớ: ngày 22 tháng 4 năm 2017, tôi có một buổi “Học Phật
Vấn Đáp” tại Hồng Kông. Lúc đó có đồng tu hỏi tôi rằng: “Cô giáo Lưu vì sao
không giảng Kinh Vô Lượng Thọ?” Lúc đó tôi đã đưa ra hai câu trả lời cho đồng
tu ấy.
Câu trả lời
thứ nhất, tôi nói hiện nay tôi vẫn chưa có đại triệt đại ngộ. Chưa đại triệt
đại ngộ, thì tôi sẽ giải sai ý nghĩa chân thật của Như Lai, hiểu lầm ý nghĩa chân
thật của Như Lai, giải sai Như Lai chân thật nghĩa, tôi sợ dẫn dắt chúng sanh đi
sai đường, cho nên tôi không ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Đây là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai,
tôi nói với đồng tu: lão Pháp sư là thầy của tôi, là đạo sư của tôi, những điều
mà lão Pháp sư đã giảng trong bao nhiêu năm qua, cũng đầy đủ cho chúng ta nghe,
đủ cho chúng ta học rồi. Tôi là học sinh nghe lão Pháp sư giảng kinh qua mạng, tôi
nên giữ tốt thân phận làm học trò của mình, tôi nên chăm chỉ nghe, học tập cho
tốt. Khi tôi học hiểu rồi, thì sẽ áp dụng vào trong cuộc sống, rồi chia sẻ với quý
vị đồng tu. Đây chính là là cách nghĩ chân thật của tôi.
Chính là vì
hai nguyên nhân này, mà tôi trước giờ không ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ.
Hôm nay tôi đã
ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ, thì quý đồng tu có thể sẽ hỏi: “Cô giáo Lưu, hiện
nay cô đã đại triệt đại ngộ rồi phải không?” Tôi thẳng thắn nói với mọi người
rằng: đến bây giờ tôi vẫn chưa đại triệt đại ngộ. Nhưng bản thân tôi thừa nhận:
tôi có một chút chút tiểu ngộ. Về tiểu ngộ này, thể hội của tôi: là giống như
bóng đèn điện vậy. Tôi thường nêu ví dụ cho mọi người rằng, ở giữa một bóng đèn
lớn, xung quanh là những bóng đèn nhỏ, nói không chừng là lúc nào đó, thì một
bóng đèn nhỏ sáng lên một tí, rồi không chừng lúc nào nó lại sáng lên một tí. Tôi
cảm nhận được: Mỗi khi những bóng đèn nhỏ đó sáng lên, chính là nói rõ tôi hiểu
ra một đạo lý, hay một sự việc nào đó. Đó có phải là tiểu ngộ hay không? Dù sao
cảm nhận của tôi là như thế. Hiện nay tôi thừa nhận: tôi có được một chút tiểu tiểu
ngộ như vậy. Chưa đạt được đại triệt đại ngộ. Đại ngộ, tôi cũng cảm thấy tôi chưa
đạt được. Có phải như vậy hay không, thì bản thân tôi cũng không thể nói rõ
được. Bởi vì lời tôi nói phải thật sự cầu thị. Tôi không biết khoa trương, cũng
không biết nói giảm đi.
Lần này vì
sao tôi phải bước ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ? Tôi kể ra với mọi người những lý
do như vậy, đó đều là sự cách nghĩ chân thật của tôi.
Điều thứ nhất,
là sự gấp rút của thời gian, tuổi ngày một cao, sức khỏe dần dần yếu. Đó chính
là cảm nhận và thể hội hiện nay của tôi. Bởi vì mọi người biết vào khoảng tháng
3, tháng 4 năm 2017, tôi bị một trận bệnh, cũng chính là lần tôi đi Hồng Kông
vừa rồi, đúng vào lúc đó. Tôi đã bị bệnh, đến hiện nay mới hết. Tôi cảm thấy
mất gần một năm điều dưỡng và nghỉ ngơi, nhưng vẫn chưa hồi phục được tình
trạng vốn có trước đây. Vẫn có cảm giác rằng: tâm có thừa nhưng sức chẳng đủ.
Cho nên trận
bệnh lần đó đã giúp tôi có sự cảnh giác, bởi vì tôi cũng chẳng cầu trường thọ,
tất cả tôi đều giao phó cho A Di Đà Phật. A Di Đà Phật đến đón lúc nào, thì tôi
về nhà lúc đó. Việc này không cần phải nói. Thế nhưng khi chính quý vị cảm thấy
sức khỏe đã dần dần suy giảm, quý vị cần phải nói thật, quý vị không thể lừa
chính mình, cũng không thể lừa mọi người. Chính nhờ lần bệnh đó, đã khiến tôi
có cảm giác gấp rút, tôi không thể đợi đến lúc tôi đại triệt đại ngộ. Làm sao
đây? Cho nên tôi nghĩ thông qua việc giảng thử Kinh Vô Lượng Thọ, trong quá
trình giảng kinh này tôi sẽ tiếp tục ngộ ra, cũng có thể đạt được đại ngộ. Cũng
có thể nếu tâm nguyện của tôi viên mãn, cũng có thể đạt đến đại triệt đại ngộ. Đây
chỉ là nguyện vọng tốt đẹp của tôi mà thôi. Tôi nhất định sẽ nỗ lực theo phương
hướng này. Tôi muốn từ trong quá trình thực tế mà tiếp tục cảm ngộ. Đây là lý
do thứ nhất, vì sao hiện nay tôi ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ, là vì cảm giác gấp
rút.
Lý do thứ hai,
là sự kỳ vọng của lão Pháp sư đối với tôi. Mấy năm trước, lão Pháp sư đã hi
vọng tôi ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Nhưng lão Pháp sư hiểu được tình cảnh khó
khăn của tôi, tôi không thể thoát ra được, cho nên ngài từ bi đến cực điểm. Từ
trước đến nay ngài không bao giờ giờ nhắc đến vấn đề này trước mặt tôi, ngài sợ
tôi khó xử. Nhưng trong lòng tôi biết rất rõ ràng rất minh bạch. Cho nên lần
này tôi nghĩ: tôi không thể để cho ngài thất vọng. Tôi nhất định phải giảng bộ
Kinh Vô Lượng Thọ cho hoàn chỉnh. Đây là lý do thứ hai tôi muốn nói với mọi
người.
Lý do thứ ba,
là tôi thật sự muốn giúp với sư phụ ngài, cho dù chia sẻ một chút trách nhiệm
cũng được. Cũng có thể có người nói tôi không khiêm tốn: “Cô có tư cách gì mà chia
sẻ trọng trách của lão Pháp sư?”, Thế nhưng đây là suy nghĩ thật lòng của tôi.
Hai năm nay, nhìn thấy lão Pháp sư đã hơn 90 tuổi rồi, vẫn còn đang ở đầu chiến
tuyến, vô cùng vất vả, tôi cũng hết sức đau lòng. Tôi luôn nghĩ chính mình có
thể làm chút gì. Ngài đã lớn tuổi rồi, mà vẫn ở đầu chiến tuyến, chúng ta là
hàng hậu bối mà lại ở hậu phương hưởng thụ thanh phước. Quý vị có biết quý vị
đang hưởng phước của ai hay không? Tôi dùng thể hội của chính tôi để nói, có
thể nói hiện nay phước báo của tôi đã hiện tiền. Phước báo này là của ai? Là
của sư phụ ngài. Tôi là đang ngồi hưởng phước của sư phụ. Cho nên có lúc tôi
cảm thấy thật là hổ thẹn.
Tôi nghĩ rằng
lần này tôi ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ, tôi thật sự muốn dùng cách này để san
sẻ một phần sự vất vả của sư phụ. Mặc dù tôi cảm thấy năng lực và trình độ của tôi
có hạn. Với tôi mà nói: giảng Kinh Vô Lượng Thọ giống như là ‘bắt vịt lên bàn’
vậy. Đây là câu phương ngôn của người phương Bắc. Dù lần này với bất cứ giá
nào, dù là ‘bắt vịt lên bàn’ thì tôi cũng phải lên. Tôi đã nghĩ như vậy, đó là
suy nghĩ thật sự của tôi. Đây là lý do thứ ba.
Lý do thứ tư,
là để mãn nguyện của rất nhiều đồng tu. Bởi vì vài năm trước, có một số đồng tu
đề nghị với tôi rằng “Cô giáo Lưu à! Giờ cô hãy nên ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ”. Những vị cư sĩ hộ pháp bên cạnh tôi
cũng từng đưa ra lời thỉnh cầu này, mong
tôi ra giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Nhưng lúc đó, tôi không phải là khiêm tốn, tôi không phải là giả khiêm tốn. Tôi thật sự cảm thấy mình chưa được. Tôi không biết giảng kinh, tôi
không thể hại người,
tôi không thể dẫn chúng sanh đi sai
đường. Tôi chỉ có
thể dùng phương thức, phương pháp chia sẻ tâm đắc với mọi người này, để truyền đạt thể hội của tôi. Chỉ có phương pháp này, tôi cho
rằng là khá phù hợp với tôi.
Cho nên nói hiện
nay, có người mê tín tôi, cho rằng tôi đã có được năng lực và biện tài gì đó. Kỳ thật không phải vậy. Trải qua hơn 20 năm học Phật, thì
thể hội sâu sắc nhất của tôi đó chính là: Phật lực gia trì chẳng thể nghĩ bàn. Có lúc tôi nói câu nói này, cũng
phải hết sức cẩn thận dè dặt, bởi
vì khi nói ra, có người nắm lấy quý vị, quý vị dùng thần thông. Tôi không hy vọng vì tôi mà khiến
bất kỳ chúng sanh nào sinh phiền não. Mặc dù tôi không biết thần thông, nhưng tôi cũng không cầu
có thần thông.
Tôi cũng không biết thể hiện thần thông, nhưng có khi nào đó, nhờ Phật lực gia trì, quý vị nói họ là
thần thông cũng tốt, không phải thần thông cũng tốt. Chính bản thân tôi quả thật là thật sự
có trải nghiệm.
Tôi không biết nói dối.
Cho nên điều này chỉ có thể nói: là A Di Đà Phật và chư Phật Bồ Tát vô cùng chiếu cố tôi. Quý ngài biết tôi ngốc, biết tôi đần độn, cũng biết tôi bướng bỉnh, cứng đầu, nên quý Ngài để cho quý vị đích thân trải
nghiệm tình hình thực sự, xem quý vị
có tin hay không? Nếu không phải như thế, mà khiến tôi tin Phật
thì khả năng là rất khó. Thật
là như vậy,
tôi bướng bỉnh đến mức đó. Không để cho tôi đích thân trải
nghiệm, mà muốn tôi tin rằng như thế này như thế nọ, thì tôi sẽ không tin đâu.
Cho nên, hơn 20 năm học Phật, thì thể hội sâu sắc nhất của tôi chính là: Phật
lực gia trì ngay bản thân, là chân chân thật thật, chẳng thể nghĩ bàn. Đây là
vấn đề thứ ba mà tôi giảng.
Vấn
đề thứ tư, tôi muốn nói rằng tôi thử giảng Kinh Vô Lượng Thọ như thế nào. Hôm
nay thời gian đã hết rồi, vẫn còn hai vấn đề chưa nói. Vấn đề thứ tư là tôi thử
giảng Kinh Vô Lượng Thọ như thế nào. Vấn đề thứ năm là những cảm ngộ của tôi sau
khi viết xong bản thảo giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Thời gian đã hết rồi, cũng
không làm mất thời gian của mọi người. Cũng phải tuân thủ quy định về thời gian.
Còn hai vấn đề này tiết học sau tôi sẽ giảng xong vào đầu buổi học. Hôm nay xin
chia sẻ đến đây. Cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật.
Nguyện dĩ thử
công đức
Trang nghiêm
Phật Tịnh độ
Thượng báo tứ
trọng ân
Hạ tế tam đồ
khổ
Nhược hữu kiến
văn giả
Tức phát Bồ đề
tâm
Tận thử nhất
báo thân
Đồng sanh Cực
Lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật