Responsive Menu
Add more content here...

Tập 11 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Tập 11

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 19/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

 

          Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người! A Di Đà Phật.

          Sáng hôm nay chúng tôi thức dậy đi kinh hành, có một cảm giác vô cùng kỳ diệu, muốn chia sẻ với mọi người, cảm giác kỳ diệu gì vậy? Bởi vì sáng hôm nay trong lòng cảm thấy vô cùng hoan hỉ, bản thân tôi cảm thấy không biết là chuyện gì? Về sau cảm giác này chính là, giống như ngày hôm nay tôi sẽ đến thế giới Tây Phương Cực Lạc tham gia đại Pháp hội: thuyết Kinh Vô Lượng Thọ của Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, tôi còn là một trong số 12 ngàn thánh chúng dự hội. Cho nên cảm giác này, thật vô cùng tuyệt vời, vô cùng kỳ diệu. Tâm sanh hoan hỉ, nguyên nhân là như thế. Bây giờ tôi muốn chia sẻ với mọi người, không biết mọi người có thêm ý nghĩ nào không, có thể cũng cảm thấy hết sức kỳ diệu, có thêm ý nghĩ nào không? Quý vị nghĩ thêm rằng: hôm nay chúng ta sẽ theo cô giáo Lưu: đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tham gia đại Pháp hội của Thích Ca Mâu Ni Phật, tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, tôi cũng là một trong số 12 ngàn thánh chúng dự hội. Tôi nghĩ tâm tình của quý vị nhất định cũng sẽ rất tốt đẹp, mọi người nghĩ thử đi. Sau đó tôi nghĩ, vì sao hôm nay tâm tình lại tốt đẹp như vậy? Có lẽ liên quan đến nội dung hôm nay tôi giảng. Hôm nay tôi sẽ giảng cho chư vị đồng tu là: phẩm thứ 3 “Đại Giáo Duyên Khởi”. Tôi nghĩ tới nghĩ lui, có lẽ có liên quan đến nội dung của phẩm này. Sau đây chúng tôi sẽ bắt đầu giảng phẩm kinh văn này.

          Phẩm kinh văn này chủ yếu nói với chúng ta điều gì? Nói rõ sự hy hữu của Kinh Vô Lượng Thọ. Đây là một nội dung. Nội dung thứ hai là nói Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành. Nội dung thứ ba là ngài A Nan hoan hỉ thưa hỏi. Bởi vì ngài A Nan hoan hỉ thưa hỏi, nên mới phát khởi nhân duyên Thích Ca Mâu Ni Phật: tuyên thuyết bộ đại Kinh này cho chúng sanh. Nội dung của phẩm kinh này là như thế. Tiếp theo chúng tôi nói về đề mục của phẩm kinh này: “Đại Giáo Duyên Khởi đệ tam”. Thế nào là “đại giáo”? “Đại giáo” là chỉ cho bộ pháp bảo hiếm có: rộng lớn viên mãn phương tiện thẳng tắt rốt ráo này, cũng chính là chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ đây. “Duyên khởi” có nghĩa là gì? Chính là nguyên nhân và nhân duyên phát khởi. Nói cách khác, Thế Tôn vì nhân duyên gì mà: tuyên giảng bộ đại Kinh này? Nghĩa là như vậy.

          Trong phẩm Kinh này, chúng ta nhìn thấy Thích Ca Mâu Ni Phật phóng quang hiện tướng lành. Việc phóng quang hiện tướng lành này, Tôn giả A Nan nhìn thấy tướng lành của Thế Tôn, đã sanh khởi: sanh tâm hy hữu. Vì sao ngài A Nan có thể sanh tâm hy hữu? Bởi vì Thế Tôn hiện tướng tốt lành như ngày hôm nay, thì Tôn giả A Nan trước đây chưa từng thấy, cho nên ngài đã bước ra khải thỉnh, thưa hỏi Thế Tôn nguyên nhân gì, hôm nay Ngài hiện tướng lành và phóng quang như thế? Thế Tôn trả lời lời hỏi của ngài A Nan. Do nhân duyên đó, mà vì chúng ta tuyên thuyết bộ pháp bảo: rộng lớn viên mãn phương tiện thẳng tắt cứu cánh, hiếm có đệ nhất khó gặp này. Chính là nhân duyên đó. Nhân duyên gì vậy? Do ngài A Nan khải thỉnh. Cho nên nói đến đây, mọi người chúng ta, phải chăng cần phải cảm ơn sâu sắc đối với Tôn giả A Nan. Nếu không có Tôn giả A Nan khải thỉnh, thì ngày nay chúng ta không thể gặp được: bộ Kinh Vô Lượng Thọ này.

          Lão Pháp sư Tịnh Không dạy cho chúng ta, ngài nói như thế này, nếu dùng tiêu chuẩn “phương tiện rốt ráo” này, để xem tất cả kinh mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật: đã thuyết trong 49 năm, thì chỉ có bộ Kinh Vô Lượng Thọ: phù hợp với tiêu chuẩn này. Tiêu chuẩn nào vậy? Chính là bốn chữ “phương tiện rốt ráo”. Dùng tiêu chuẩn của bốn chữ này để đo lường, thì chỉ có bộ Kinh Vô Lượng Thọ: phù hợp với tiêu chuẩn này. Ngoài bộ này ra những kinh điển khác: rốt ráo nhưng không phương tiện, phương tiện nhưng không rốt ráo.

          Mọi người có thể hỏi thế nào là phương tiện? Phương tiện là dễ hiểu dễ tu, đó là phương tiện. Thế nào gọi là rốt ráo? Rốt ráo là có thể thành Phật, không thể thành Phật thì không phải rốt ráo. Như kinh điển Nhất-thừa rốt ráo, mọi người chúng ta đều quen thuộc, một bộ là Kinh Hoa Nghiêm, một bộ là Kinh Pháp Hoa. Hai bộ kinh này đều giảng về con đường để thành Phật. Có thể nói hai bộ kinh ấy là kinh điển rốt ráo. Trong hai điều kiện phương tiện và rốt ráo, phù hợp với một điều kiện chính là rốt ráo. Kinh điển phương tiện nhưng không rốt ráo, kinh điển rốt ráo lại không phương tiện. Lão Pháp sư nêu ví dụ cho chúng ta: về Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, nói rằng hai bộ Kinh ấy, tuy là kinh giảng về con đường để thành Phật, là kinh điển Nhất-thừa, thuộc về kinh điển rốt ráo, nhưng không phương tiện. Không phương tiện ở chỗ nào? Chính là đạo lý mà hai bộ Kinh ấy giảng không dễ hiểu, phương pháp được giảng chúng ta không làm được. Đó chính là không phương tiện. Cho nên kinh điển vừa phương tiện vừa rốt ráo, tra khắp trong Đại tạng kinh, chỉ có bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Vì thế chúng ta nói thật là hiếm có khó gặp. Chính là thuộc về kinh điển vừa phương tiện vừa rốt ráo. Trong Tam tạng 12 bộ, chỉ có bộ Kinh Vô Lượng Thọ phù hợp với tiêu chuẩn này. Chúng ta hôm nay thọ trì bộ Kinh điển này, phải chăng chúng ta là người: đại phước báo, đại trí huệ.

          Tiếp theo chúng ta xem đoạn kinh văn thứ nhất:

世尊 威光赫奕,如融金聚,又如明鏡,影暢表裏,現大光明數千百變。“Nhĩ thời Thế Tôn, uy quang hách diệc, như dung kim tụ. Hựu như minh kính, ảnh sướng biểu lý. Hiện đại quang minh, số thiên bá biến” (Bấy giờ đức Thế Tôn uy thần quang minh sáng rỡ mạnh mẽ, như ánh sáng của vàng nung chảy, cũng như gương sáng, trong ngoài đều tỏ. Hiện ánh sáng lớn, trăm ngàn sắc tướng xinh đẹp).

Mời xem mở đầu phần kinh văn, hai từ “Nhĩ thời”. “Nhĩ thời” là chỉ cho thời gian. Thời gian nào vậy? Chính là thời gian mà đại chúng tụ hội tại Núi Linh Thứu. Chính là lúc Thích Ca Mâu Ni Phật giảng bộ Kinh này. “Thế Tôn” ở đây rất rõ ràng, là chỉ cho Thích Ca Mâu Ni Phật. “Thế Tôn” là cách xưng hô tôn trọng đối với Thích Ca Mâu Ni Phật.

Lại xem “uy quang”, “uy quang” nghĩa là gì? Nghĩa là quang minh uy thần. Bởi vì quang minh trí huệ của Phật có thể phá tất cả phiền-não tối tăm, cho nên gọi quang minh của đức Phật là “uy quang”.

Tiếp theo là “hách diệc”. “Hách” là sáng rỡ, “diệc” là mạnh mẽ, quang minh của Phật sáng rỡ mạnh mẽ, đầy đủ sức uy thần hùng mãnh.

Cụm từ tiếp theo “như dung kim tụ”. “Dung kim” ở đây nghĩa là gì? Là vàng được nung chảy, vàng được nung chảy, màu sắc có thể còn đẹp hơn vàng chưa được nung,  “Dung kim” chính là vàng được nung chảy.

“Tụ” nghĩa là quang sắc cô đọng.

Tiếp theo “minh kính”, là tấm gương sáng.

“Ảnh sướng” là quang ảnh trong suốt. “Biểu lý” chính là bên ngoài và bên trong. Ở đây dùng gương sáng, để tỉ dụ cho thân và tâm của Phật trong ngoài đều sáng rõ.

          Những từ ngữ có liên quan ở trên, xin giải thích đơn giản cho quý vị đến đây. Chúng ta tiếp tục xem phần sau. Đoạn Kinh văn này nói về Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành, ánh sáng, dung nhan, tinh thần của Phật vượt hơn bình thường. Đây có thể nói, hôm nay là ngày hạnh phúc nhất trong đời: của Thích Ca Mâu Ni Phật. Mọi người nghe hai câu sau rồi có cảm nhận gì? Trước đây chưa từng có, sau này cũng không có. Việc Thích Ca Mâu Ni Phật: hiện tướng lành và phóng quang như vậy. Trước đây không có, sau này cũng chẳng có. Đây là lần duy nhất. Mọi người có thể tưởng tượng được không, khi giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, quang minh, dung nhan tinh thần của Phật không giống như trước đây, là nguyên nhân gì?

          Vì sao hôm nay Phật hoan hỉ nhất? Bởi vì Ngài sắp vì đại chúng: tuyên giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Vì sao tuyên giảng bộ Kinh này lại hoan hỉ như thế? Bởi vì bộ Kinh này chân thật thỏa mãn được bổn hoài của Phật. Câu này: chính là nguyên nhân vì sao đây là ngày hạnh phúc nhất của Phật, bộ Kinh này chân thật thỏa mãn được bổn hoài của Phật. Nếu nói đơn giản hơn một chút, thì Thích Ca Mâu Ni Phật: đến thế giới Ta Bà này để làm gì? Nhiệm vụ và sứ mạng của Ngài là gì? Hiện nay đọc bộ Kinh này chúng ta đã hiểu được, Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế giới Ta Bà này, là để tuyên giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ, đem Pháp môn niệm Phật: nói với tất cả chúng sanh, khiến chúng sanh hiểu rõ, sau đó thành Phật. Đây chính là sứ mạng của: Thích Ca Mâu Ni Phật đến thế giới Ta Bà này. Quý vị nghĩ xem sứ mạng của Ngài, là tuyên giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ. Hôm nay cơ duyên đã chín muồi, Phật có thể tuyên giảng bộ Kinh này. Quý vị nghĩ lẽ nào Phật lại không vui chứ? Đây là nguyên nhân niềm vui của Ngài. Đại pháp rốt ráo viên mãn này, được chất chứa trong lòng từ lâu lắm rồi. Trước đây bởi vì cơ duyên chưa chín muồi, Phật chưa thể tuyên giảng. Hôm nay cuối cùng có thể tuyên giảng trong niềm hân hoan, nên đây là ngày vui nhất trong đời của Phật.

          Từ đây chúng ta có thể biết, không chỉ có Thích Ca Mâu Ni Phật: dùng Pháp môn niệm Phật giáo hóa chúng sanh, mà tất cả chư Phật độ chúng sanh, đều dùng Pháp môn niệm Phật: để độ hóa chúng sanh. Chính là Pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, là Pháp môn mà Thích Ca Mâu Ni Phật và tất cả chư Phật: dùng để giáo hóa chúng sanh. Đây có thể nói như vậy. Đây chính là chánh thuyết duy nhất của Phật xuất hiện ở thế gian. Thế nào là chánh thuyết duy nhất? Đó là Kinh Vô Lượng Thọ và câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Câu nói này đặc biệt quan trọng, chính là chánh thuyết duy nhất của Phật xuất hiện tại thế gian. Từ “chánh thuyết”, phía trước được bổ nghĩa bởi từ “duy nhất”. Ngoài chánh thuyết này ra, còn có chánh thuyết nào khác nữa không? Không có. Cho nên dùng từ “duy nhất” để hình dung.

          Bởi vì cơ duyên chưa chín muồi, nên Phật không thể trực tiếp nói ra Pháp môn này. Vậy phải làm sao? Phật bèn nói những Pháp môn khác, nên mới giảng kinh thuyết pháp 49 năm. Tất cả pháp được nói trong 49 năm đó, nên nói như thế nào? Đều là việc nói xa nói gần, không phải chánh thuyết. Nói xa nói gần có tác dụng gì? Khởi tác dụng dẫn dắt. Chính là ví dụ về cây cầu chính và cây cầu dẫn, mà tôi đã nhiều lần nêu với mọi người. Việc nói xa nói gần này chính là những cây cầu dẫn. Dùng những cây cầu dẫn này: dẫn dắt chúng sanh sau cùng đến với cây cầu chính. Cây cầu chính đó là Kinh Vô Lượng Thọ. Ví dụ rất nhiều vị Đại đức thời triều Đường, những Đại đức ấy đều cho rằng, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa: là dẫn lối về Kinh Vô Lượng Thọ. Quý vị nghĩ xem Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa, là hai bộ Kinh lớn, mà mọi người đều vô cùng quen thuộc, hết sức công nhận hai bộ đại kinh đó: là kinh điển Nhất-thừa. Hai bộ kinh ấy đều dẫn dắt về Kinh Vô Lượng Thọ, thì những bộ kinh khác còn gì để nói nữa?

          Cho nên chúng ta nói một cách khác, Pháp môn này, là môn học chính để đức Phật giáo hóa chúng sanh. Môn học chính là môn học bắt buộc. Môn học chính và môn học bắt buộc khi đức Phật giáo hóa chúng sanh, chỉ có một môn này, không có môn khác. Điều này vô cùng quan trọng. Nội dung của buổi học này vô cùng quan trọng. Hy vọng quý đồng tu, có thể nghiêm túc lắng nghe, nghiêm túc tư duy.

          Tất cả những kinh luận còn lại là gì? Là môn học tự chọn. Mọi người nghĩ xem môn học chính – môn học bắt buộc và môn học tự chọn: có khác biệt rất lớn. Đối với môn học tự chọn có thái độ như thế nào? Nếu môn học chính của quý vị, môn học bắt buộc của quý vị, quý vị nắm vững được rồi, đối với môn học tự chọn quý vị có tu hay không cũng chẳng quan trọng.

          Chúng ta hôm nay có thể học môn này, thầy của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, vô cùng hạnh phúc, hết sức vui mừng. Thế nên ánh sáng phong cách tinh thần của Ngài, có khác biệt lớn so với ngày thường. Lần này chúng ta nghe hiểu rồi, vì sao hôm nay Phật phóng ra ánh sáng như thế, hiện tướng lành như thế. Bởi vì Ngài nhìn thấy các học trò của Ngài, và chúng sanh bắt đầu được nghe môn học này, nên Phật hạnh phúc.

          Tiếp theo chúng ta xem câu: “Như dung kim tụ, hựu như minh kính”. Hai câu này là hình dung: hoàng kim rất đẹp, người người đều thích. Vàng ở nhiệt độ cao sẽ bị nung chảy thành chất lỏng. Ánh sáng của nó so với thể rắn còn đẹp hơn. Bình thường chúng ta thấy thân kim sắc của Phật, hôm nay thấy tướng mạo của Phật, giống như ánh sáng của vàng được nung chảy. Quý vị nói có đẹp không? Vàng đẹp như thế, sau khi nung chảy lại càng đẹp hơn.

          “Hựu như minh kính”, hình dung thân tâm của Phật thanh tịnh không gì sánh bằng, chẳng nhiễm mảy trần.

          Tiếp theo xem “ảnh sướng biểu lý” có nghĩa là gì? Bốn chữ này nói với chúng ta: thân tâm khiết tịnh, trong ngoài trong suốt. Có đồng tu nói rằng có người tu hành rất tốt, nói họ dường như có thân hình trong suốt vậy, chính là “ảnh sướng biểu lý”, trong ngoài nhất như. Đây chính là ý nghĩa của “ảnh sướng biểu lý”. Tôi nói lại lần nữa “ảnh sướng biểu lý”, là thân tâm khiết tịnh, trong ngoài trong suốt, giống như một cơ thể trong suốt, trong ngoài nhất như.

          Hai câu kinh văn tiếp theo: “Hiện đại quang minh, số thiên bá biến”. Hai câu kinh văn này là chỉ Phật phóng quang, màu sắc ánh sáng thiên biến vạn hóa không gì đẹp hơn.

          Phần từ ngữ giải thích đến đây là xong rồi. Đoạn kinh văn này nói với chúng ta điều gì vậy? Chính là nói khi đại chúng tụ hội tại núi Linh Thứu, Thích Ca Mâu Ni Phật thần thái rạng rỡ, toàn thân phóng đại quang minh. Xin ghi nhớ, không phải toàn thân phóng quang minh, mà toàn thân phóng đại quang minh, giống như ánh sáng của vàng được nung chảy. Lại giống như gương sáng thấu suốt trong ngoài. Ở đây dùng gương sáng, tỉ dụ cho thân tâm của Phật. “Hiện đại quang minh, số thiên bá biến”, quang sắc biến hóa vô cùng đẹp, không gì sánh bằng. Những câu kinh văn ở trước, nội dung chính là nói về điều này.

          Chúng ta lại xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

尊者阿難即自思惟,今日世尊色身諸根悅豫清淨,光顏巍巍,寶剎莊嚴,從昔以來所未曾見。喜得瞻仰,生希有心。即從座起,偏袒右肩,長跪合掌“Tôn giả A Nan, tức tự tư duy: Kim nhật Thế Tôn sắc thân chư căn, duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy. Bảo sát trang nghiêm, tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến. Hỷ đắc chiêm ngưỡng, sanh hy hữu tâm. Tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quỵ hiệp chưởng” (Tôn giả A Nan liền tự suy nghĩ, ngày nay sắc thân các căn của đức Thế Tôn vui vẻ nghiêm tịnh, rạng rỡ nguy nguy, cõi nước trang nghiêm, từ trước đến nay ta chưa từng thấy, hoan hỷ kính ngưỡng, sanh tâm hy hữu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trịch áo vai hữu, quỳ gối chắp tay).

Trước tiên vẫn là giải thích những danh từ liên quan.

“Sắc thân”, đây là chỉ cho thân thể. “Chư căn” là chỉ mắt tai mũi lưỡi thân ý,  chỉ sáu căn này.

“Duyệt dự thanh tịnh”: là hỷ duyệt, vui mừng mà không phân-biệt chấp-trước.

“Quang nhan”, “nhan” là dung nhan. Dung nhan của Phật có quang minh, nên gọi là quang nhan.

“Nguy nguy” là cao lớn tôn quý thù thắng. 

“Bảo sát trang nghiêm”, trong ánh sáng của Phật xuất hiện mười phương cõi nước chư Phật, đầy đủ các báu trang nghiêm, nên gọi là cõi nước trang nghiêm.

“Tùng tích” nghĩa là từ trước đến nay.

“Chiêm ngưỡng” là nhìn một cách kính ngưỡng. 

“Sanh hy hữu tâm”: là sanh khởi ý nghĩ hiếm có khó gặp. “Thiên đản hữu kiên”, “đản” là phơi bày, là phơi bày vai phải. Đây là một loại lễ tiết của Ấn Độ xưa, biểu thị sự hành lễ cung kính nhất.

“Trường quỵ” là hai gối quỳ xuống đất, biểu thị cung kính.

“Hiệp chưởng” còn gọi là “hiệp thập”, mười ngón tay trái phải hợp lại làm một, đại biểu nhất tâm.

“A Nan” là Thị giả của Thích Ca Mâu Ni Phật, ngài không xa rời Phật. Mỗi lần Phật giảng kinh, ngài A Nan đều tham gia, trước giờ chưa sót một buổi.  Mỗi lần giảng kinh, nghi dung của Phật, ngài A Nan đều đích thân nhìn thấy. Duy chỉ có tướng lành Phật hiện hôm nay khác với ngày thường, ngài trước nay chưa từng nhìn thấy. Nên Tôn giả A Nan liền tự tư duy. Nhìn thấy tướng tốt của Phật hôm nay, ngài A Nan bèn nghĩ, hôm nay sắc thân và chư căn: của Thích Ca Mâu Ni Phật hoan hỷ thanh tịnh, Phật hiện tướng đặc biệt hoan hỉ, vô cùng vui mừng. “Duyệt dự” là niềm hoan hỉ không phải do kích thích ở bên ngoài, mà hoàn toàn từ nội tâm phát ra.

          Thế Tôn vì sao lại hoan hỷ? Bởi vì Ngài thấy cơ duyên thành Phật: của nhiều chúng sanh như vậy đã đến rồi, căn tánh chúng sanh đã chín muồi, có thể tiếp nhận Pháp môn niệm Phật, nên niềm hoan hỷ của Phật từ trong tâm phát ra. Nhân duyên tụ hội hy hữu khó gặp, nên tinh thần của Phật tăng lên gấp trăm lần, hết sức hoan hỷ vui mừng. Bởi vì lần nhân duyên tụ hội này, cơ duyên thành Phật của chúng sanh đã chín muồi rồi, có thể tiếp nhận được Pháp môn này, nên Phật mới vui mừng và hoan hỷ như thế. 

          Hai câu Kinh văn kế tiếp: “Quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm”. Là nói rõ Phật “hiện quang minh lớn, trăm ngàn biến hóa”, ánh sáng Phật hiện ra mười phương cõi nước chư Phật trang nghiêm. Việc này trước đây chưa từng có. Chính là trong ánh sáng của Phật: có thể hiển bày sự trang nghiêm của các cõi Phật trong mười phương. Cảnh giới như thế, ngài A Nan trước giờ chưa nhìn thấy, đây là lần đầu tiên.

          Nhân duyên tụ hội là một trong những nguyên nhân khiến Phật hoan hỉ. Ngoài điều này ra, còn một nguyên nhân khác là gì vậy? Bởi vì hôm nay Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật: trong lúc nhớ Phật niệm Phật. Nhớ vị Phật nào niệm vị Phật nào vậy? Đương nhiên là A Di Đà Phật. Ngài nhớ nghĩ A Di Đà Phật. Chúng ta thường xem thấy trong kinh: “Thập phương nhất thiết Phật, A Di Đà đệ nhất”. Thế Tôn nhớ nghĩ A Di Đà Phật, Ngài nhất định được Phật lực của A Di Đà Phật gia trì, khiến cho tướng mạo của Ngài hôm nay vô cùng tốt đẹp. Chẳng những A Di Đà Phật gia trì Ngài, mà mười phương ba đời tất cả chư Phật đều gia trì. Vì sao vậy? Vì mười phương ba đời tất cả chư Phật: đều hoằng dương bộ Kinh điển này, hộ trì bộ Kinh điển này, đều xưng tán A Di Đà Phật. Nên khi Thế Tôn nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật, tất cả chư Phật trong mười phương: cùng Thích Ca Mâu Ni Phật dung hợp thành một thể.

          Vì nhân duyên này, nên Thích Ca Mâu Ni Phật của ngày hôm nay: đã biến thành tất cả chư Phật. Tướng mạo trang nghiêm ấy, đương nhiên không phải thường ngày có thể thấy được. Mọi người nghĩ xem, được Phật lực của A Di Đà Phật gia trì, được Phật lực của mười phương ba đời tất cả chư Phật gia trì, thì tướng mạo của Thích Ca Mâu Ni Phật ngày hôm nay: sao không đẹp được chứ?

          Tướng tùy tâm chuyển. Tâm từ bi thì tướng sẽ từ bi, tâm hiểm ác thì tướng mạo sẽ hung hãn. Tướng mạo của Phật là tướng đẹp nhất. Vì sao người có căn tánh nhạy bén, vừa nhìn thấy tướng mạo của Thích Ca Mâu Ni Phật, họ liền khai ngộ? Đương nhiên phải là người căn tánh rất nhạy bén, người thông thường không làm được. Chúng ta niệm Phật trong tâm có Phật, thì tướng mạo có thể: bất tri bất giác biến thành tướng của Phật được không? Chúng ta muốn tướng mạo tốt thì làm thế nào? Hãy niệm Phật nhiều, không phải nhờ đi sửa sắc đẹp, để thay đổi tướng mạo của chúng ta. Thông qua niệm Phật là phương pháp tốt nhất thay đổi tướng mạo của chúng ta. Phẫu thuật thẫm mỹ, trang điểm đều chẳng phải thật, đó là giả, ngoài ra còn có tác dụng phụ không tốt. Niệm Phật nghĩ Phật, tương lai thân và tâm đều biến thành hình dáng của Phật. Trước tiên khí chất của quý vị, sẽ có sự biến hóa rất lớn. Khi Thích Ca Mâu Ni Phật: nghĩ đến A Di Đà Phật, tướng mạo liền biến thành hình dáng của A Di Đà Phật, hiển bày sự thù thắng trang nghiêm không gì sánh bằng. Đây là nguyên nhân thứ hai khiến Phật hoan hỉ. Bởi vì sao? Bởi vì ngài nhớ Phật niệm Phật, Phật lực gia trì, sau khi ngài nhận được sự gia trì của A Di Đà Phật, tướng mạo của Ngài: liền biến thành hình dáng của A Di Đà Phật. Đây là nguyên nhân thứ hai khiến Phật hoan hỉ.

          Quang minh tướng lành mà Phật hiện ra, hiển bày đại trí đại đức của Ngài, thù thắng siêu việt đạt đến tột cùng. Quang minh tướng lành này của Ngài, đã hiển lộ ra tất cả đại đức đại trí của Ngài. Trong ánh quang minh hiện ra cõi nước mười phương, đây là điều hiếm có. Vừa rồi ở trước tôi đã nói một câu: “Trong quang minh của Phật có thể  hiện ra: cõi nước trang nghiêm của mười phương cõi nước chư Phật đây là điều vô cùng hiếm có, trước nay chưa từng nhìn thấy”. Tôn giả A Nan: theo Thích Ca Mâu Ni Phật nhiều năm như vậy, mà ngài cũng chưa từng thấy. Cho nên ngài hoan hỷ được chiêm ngưỡng. Đây là nói duyên phận. Ngài A Nan hôm nay đã nhìn thấy, nên hoan hỉ chẳng gì bằng, ngài A Nan nhìn thấy rồi, và tất cả đại chúng tham dự đại hội người người đều nhìn thấy, mọi người đều hoan hỉ. Bởi vì không chỉ một mình ngài A Nan nhìn thấy, ngài A Nan sanh tâm hoan hỷ, mà đại chúng cũng sanh tâm hoan hỷ.

          Mời xem ba câu kinh văn kế tiếp: “Tức tùng tòa khởi, thiên đản hữu kiên, trường quỵ hiệp chưởng”. Những câu kinh văn này nói về lễ tiết của thỉnh pháp. Tôn giả A Nan thay mặt đại chúng, bước ra hướng Phật thỉnh pháp, thỉnh giáo. Có nghi vấn thì hỏi ai? Đương nhiên là hỏi thầy rồi. Cho nên ngài A Nan đứng lên, thỉnh thầy khai thị. Khi quý vị hướng về thầy để thỉnh pháp, nhất định phải từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, đó là lễ tiết. Nhà Phật cũng như thế. “Trịch áo vai hữu”, đây là hành lễ cung kính nhất. Bởi vì thời đó y phục của người Ấn Độ: không giống chúng ta. Y phục của họ, là một miếng vải quấn lên thân, thông thường hai vai đều được quấn kín. Khi hành lễ tôn kính nhất, bắt buộc phải lộ ra vai bên phải. Lúc quỳ dưới đất thì gối phải chạm đất. Có lẽ mọi người muốn hỏi: Vì sao vậy? “Trịch áo vai hữu” nghĩa là gì? Gối phải chạm đất nghĩa là gì? Là thế này, khi quý vị thỉnh giáo với thầy, đôi khi thầy cũng có việc giao cho quý vị, do đó quý vị sẽ đứng lên dễ dàng. Bởi vì tay phải của quý vị đưa ra bên ngoài, tiện lợi cho việc phục vụ, lúc nào cũng chuẩn bị phụng sự thầy, chính là giải thích như thế. Gối phải chạm đất nghĩa là gì? Vai phải lộ ra nghĩa là gì? Ở đây tôi đã nói rõ với mọi người rồi.

          Tiếp theo xem: “Trường quỵ hiệp chưởng”, “trường quỵ” chính là gối phải chạm đất, hiệp chưởng là biểu thị cung kính. Mười ngón tay đại biểu cho điều gì? Việc này mọi người chúng ta có lẽ cũng chưa rõ. Mười ngón tay đại biểu cho tán loạn. Hiệp chưởng, hợp lại làm một biểu thị cho thu tâm. Chúng ta thông thường nghĩ tưởng lung tung, hiện tại một lòng một dạ nghe Phật thuyết pháp, chính là chuyên tâm. Vì vậy hiệp chưởng đại biểu cho nhất tâm nhất ý, chính là đem tâm tán loạn thu hồi lại.

          Chúng tôi nói đoạn kinh văn phía trên, nói với chúng ta rằng: Tôn giả A Nan nghĩ trong tâm, hôm nay sắc thân và các căn của Thế Tôn, biểu hiện sự hoan hỷ vui mừng, thanh tịnh trang nghiêm, đồng thời còn phóng ra ánh quang minh vời vợi. Trong ánh sáng đó hiện ra sự trang nghiêm không gì bằng: của cõi nước chư Phật. Mà trước nay chưa từng nhìn thấy. Cho nên trong tâm ngài A Nan vô cùng hoan hỉ. Hôm nay được cung kính chiêm ngưỡng, nên sanh khởi ý nghĩ hiếm có khó gặp. Tôn giả A Nan nhìn thấy tướng lành thù thắng của Phật như thế, thì liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo phải, quỳ gối chắp tay, hướng Phật kính lễ. Đoạn kinh văn này biểu đạt: ý nghĩa mà vừa rồi tôi đã nói.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

 而白佛言:世尊今日入大寂定,住奇特法,住諸佛所住導師之行,最勝之道。去來現在佛佛相念,為念過去未來諸佛耶?為念現在他方諸佛耶?何故威神顯耀,光瑞殊 妙乃爾,願為宣說。“Nhi bạch Phật ngôn: Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ Đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo. Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm. Vi niệm quá khứ vị lai chư Phật da? Vi niệm hiện tại tha phương chư Phật da? Hà cố uy thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ? Nguyện vị tuyên thuyết.” (Mà bạch với Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Hôm nay Thế Tôn nhập đại tịch định, trụ trong pháp đặc biệt, trụ trong hạnh tối thắng của chư Phật trụ. Quá hiện vị lai Phật Phật niệm nhau. Thế Tôn là niệm chư Phật quá khứ chư Phật vị lai, hay niệm chư Phật hiện tại phương khác? Vì sao lại có uy thần hiển diệu, tướng lành đặc biệt vi diệu như vậy? Nguyện Đức Thế Tôn vì chúng con mà tuyên thuyết”).

          Đoạn này chính là ngài A Nan thỉnh pháp với Phật. Chữ “Bạch” biểu thị điều gì? Chữ “bạch” ở đây chính là: Vãn bối nói chuyện với trưởng bối thì gọi là “bạch”. Trước đây chúng ta có lẽ cũng không hiểu rõ. Không phải là “nhi bạch Phật ngôn” đó sao? Bởi vì ngài A Nan hướng Phật thỉnh pháp, nên dùng từ “bạch”.

“Đại tịch định” là chỉ thiền-định của Phật, đây là chỉ niệm Phật tam-muội.

“Kỳ đặc pháp” là phương pháp kỳ diệu đặc biệt. Ở đây chỉ cho Pháp môn niệm Phật. Điều đặc biệt chính là không cần đoạn phiền-não, chỉ cần phục được phiền-não, đới nghiệp vãng sanh, là có thể một đời thành Phật. Pháp đặc biệt này đặc biệt ở chỗ nào? Những câu ở phần sau này, mọi người nghe có hiểu không? Pháp môn niệm Phật là pháp đặc biệt, phía trước nói là pháp vi diệu, biểu đạt đồng một ý nghĩa. Kỳ diệu ở chỗ nào vậy? Điều đặc biệt chính là không cần đoạn phiền-não. Có thể nói câu này: là phần trọng điểm của đoạn kinh văn này. Những kinh điển khác không có điều đặc biệt này, đều phải đoạn phiền-não. Duy chỉ có Pháp môn niệm Phật không cần đoạn phiền-não, chỉ cần phục được phiền-não, đới nghiệp vãng sanh là có thể một đời thành Phật. Những câu nói này đều hết sức quan trọng, đới nghiệp vãng sanh, đây là Pháp môn duy nhất.

Tiếp theo “chư Phật sở trụ” là chỉ: niệm Phật tam-muội là chỗ mà mười phương chư Phật cùng trụ, chính là tất cả Phật Bồ-tát đều trụ: ở trong niệm Phật tam-muội.

“Đạo sư chi hạnh”, Đạo sư chỉ dạy cho chúng sanh: con đường liễu sanh thoát tử. Con đường này là con đường chính duy nhất, dẫn dắt chúng sanh thoát ly lục đạo luân hồi, vào Phật đạo. A Di Đà Phật là đại Đạo sư, có thể dẫn dắt chúng sanh bình đẳng thành Phật. Xin chú ý bốn chữ sau “bình đẳng thành Phật”. Trong phần nội dung phía trước tôi đã giảng. Đó là lần đầu tiên xuất hiện cụm từ: “bình đẳng thành Phật” này, đây chính là điểm then chốt, là trọng điểm đột phá nhất: của Kinh Vô Lượng Thọ. Cả bộ Kinh đều không rời khỏi bốn chữ “bình đẳng thành Phật”. Mấy ngày trước, lúc tôi đang viết bản thảo bài giảng, đột nhiên có cảm nhận rằng: bộ Kinh này, Pháp môn này: có thể khiến chúng sanh bình đẳng thành Phật. Trọng điểm là ở hai chữ “bình đẳng” này.

“Tối thắng chi đạo”, tối thắng chi đạo chính là: con đường niệm Phật vãng sanh bất thoái thành Phật.

“Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm”, nghĩa là gì vậy? Là ba đời quá khứ hiện tại tương lai. “Phật Phật tương niệm” là Phật và chư Phật nhớ nghĩ đến nhau. Nói rõ cho chúng ta điều gì? Phật niệm Phật. Chúng ta hiện nay niệm Phật, nhưng vì không biết vì sao phải niệm Phật, nên không thể kiên trì, niệm niệm bị gián đoạn. Ở đây chúng ta có thể thấy, Phật đều niệm Phật, nhớ nghĩ không quên. Chúng ta là phàm phu sao lại không niệm Phật? Nếu quý vị muốn đời này thành Phật, nhất định phải niệm Phật.

Tiếp theo, “uy thần” chính là uy đức thần thông.  

“Hiển diệu” nghĩa là minh hiển quang diệu. 

“Quang thụy thù diệu nãi nhĩ”, “quang thụy” chỉ cho quang minh và tướng lành mà Phật hiện ra. “Thù diệu” là thù thắng vi diệu. “Nãi nhĩ” nghĩa là vi diệu đến mức như thế, biểu thị cảm thán. 

“Nhi bạch Phật ngôn”, chúng ta xem câu kinh văn thứ nhất “nhi bạch Phật ngôn”. “Bạch” lúc nãy tôi đã nói rồi, là cách nói cung kính của người dưới đối với người trên, người trên nói với người dưới thì gọi là “cáo”. Dưới nói với trên là “bạch”, trên nói với dưới là “cáo”. Ví dụ Phật nói với ngài A Nan thì đều là “Phật cáo A Nan”. Cho nên đây cũng là một loại lễ tiết. Đúng không? Trước đây chúng ta không biết: lễ tiết này. Ngài A Nan đại diện cho mọi người bước ra thỉnh giáo với Phật. Vì sao hôm nay tướng mạo và quang minh của Phật: thù thắng như vậy? Lời thỉnh giáo của ngài A Nan mang hàm nghĩa rất sâu. Trước tiên chúng ta xem ngài xưng hô. Việc xưng hô này so với trước đây không như nhau. Ngài gọi thầy là “Thế Tôn”, bởi vì cách xưng hô “Thế Tôn” này, là cách xưng hô tôn kính bậc nhất. Phật là thầy của trời người, là bậc được tôn trọng trong thế xuất thế gian, trời người đều tôn trọng nên xưng là “Thế Tôn”. Đây là cách xưng hô tôn kính bậc nhất.

“Kim nhật nhập đại tịch định”. Câu kinh văn này là nói: Phật và các đại Bồ-tát luôn ở trong định. Đại định thì không có xuất, không có nhập. Trong Kinh Lăng Nghiêm gọi là Thủ Lăng Nghiêm Đại Định, chẳng phải gọi như thế sao?  “Na Già thường tại định, vô hữu bất định thời”. Có lẽ có đồng tu hỏi: Thích Ca Mâu Ni Phật và chư đại Bồ-tát ấy, quý Ngài phải chăng luôn luôn ở trong định? Đúng như vậy. Đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Phật và chư đại Bồ-tát bình thường đều là như thế. Quý Ngài đều trụ trong: định của niệm Phật tam-muội.

          Hôm nay vì sao Phật hiện ra tướng đại định: thù thắng hơn so với thường ngày? Đây là chỗ nghi hoặc khó hiểu của ngài A Nan, cũng là chỗ nghi hoặc khó hiểu của đại chúng dự hội. Mọi người muốn biết đây là định gì? Rốt cuộc đó là định gì? Là niệm Phật tam-muội. Chúng ta bình thường hay nói đến niệm Phật tam-muội, nhưng không biết niệm Phật tam-muội có uy lực lớn như vậy. Niệm Phật tam-muội là vua trong tam-muội, không phải là đại định thông thường. Hiện nay Phật đang chánh niệm A Di Đà Phật. Việc này ngài A Nan có biết hay không? Lúc nãy trong đoạn trước chúng tôi đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật niệm A Di Đà Phật, việc này ngài A Nan có biết hay không? Ngài biết chứ! Một số đồng tu chúng ta có lẽ có thắc mắc, hoặc là nghi ngờ, có phải ngài A Nan nêu ra vấn đề này, là do ngài không biết Thích Ca Mâu Ni Phật: đang niệm A Di Đà Phật. Không phải vậy! Ngài A Nan có biết. Còn có một điều, mà ở đây tôi cần phải nói với mọi người, Tôn giả A Nan nhất định không phải là một vị chứng Sơ quả La-hán. Lúc ấy ngài thị hiện là một vị chứng Sơ quả La-hán, nhưng ở đây tôi nói với mọi người: ngài tuyệt đối không phải là một vị chứng Sơ quả La-hán. Ngài là ai? Ngài là Phật Bồ-tát tái lai. Vì sao lại đến? Bởi giúp Phật hoằng pháp lợi sanh, mọi người xem thân phận của ngài, ngài là em họ nhỏ nhất của Phật, phải vậy không? Sứ mạng của ngài đến thế gian này: chính là giúp Phật hoằng pháp lợi sanh. Cho nên thân phận của ngài, chúng ta không nên cho rằng: ngài là chứng Sơ quả La-hán.

          Câu tiếp theo là: “trụ kỳ đặc pháp”. Hôm nay Thích Ca Mâu Ni Phật: trụ trong Pháp môn vô cùng đặc biệt, sắp sửa tuyên thuyết phương pháp bình đẳng thành Phật, chính là bộ Kinh Vô Lượng Thọ này. Bộ Kinh Vô Lượng Thọ dạy tất cả chúng sanh: bình đẳng thành Phật. Chúng ta cho đến nay, có lẽ vẫn chưa lý giải được sâu cụm từ: “bình đẳng thành Phật” này. Tiếp tục xem phần sau chúng tôi giảng bộ Kinh này, thì ấn tượng của quý vị sẽ ngày càng sâu sắc, quý vị mới có thể cảm nhận được sự thù thắng của bộ Kinh này.

          Trên đề Kinh nói “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Đây là pháp đặc biệt. Mọi người xem tựa đề Kinh Vô Lượng Thọ, năm chữ ấy: là toàn bộ nội dung của bộ Kinh. Toàn bộ điểm quan trọng, chính là năm chữ “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Pháp kỳ đặc này, “kỳ” là kỳ lạ hiếm có, rất ít khi thấy, chưa từng thấy, không có. “Đặc” là đặc biệt, không phải thông thường. Tất cả pháp mà Phật đã thuyết trong 49 năm, chưa từng nói đến bình đẳng thành Phật. Ngoài bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, nói về bình đẳng thành Phật; Thì tất cả pháp mà Phật thuyết trong 49 năm, không có nhắc đến bình đẳng thành Phật. Vì vậy Pháp môn này rất khó tin, khó tin là ở chỗ này. Đẳng giác Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, chúng sanh trong địa ngục, đều có thể bình đẳng thành Phật. Cho nên khó tin là khó tin ở chỗ này. Chúng sanh có lẽ nghĩ rằng, bao gồm cả Đẳng giác Bồ-tát: đều nghĩ không thấu, có thể có việc như vậy sao? Quý vị thấy Đẳng giác Bồ-tát và chúng sanh trong địa ngục, chẳng phải là khác biệt cực kỳ lớn sao? Đẳng giác Bồ-tát và chúng sanh địa ngục: có thể bình đẳng thành Phật chẳng phải là việc kỳ lạ sao? Cho nên đây là pháp khó tin. Chúng ta hiện nay có thể tin pháp này, quý vị thật sự tuyệt vời. Đẳng giác Bồ-tát cũng không bằng quý vị, rất nhiều Đẳng giác Bồ-tát đều không tin pháp này, mà quý vị tin, thì quý vị là người có đại phước báo, đại trí huệ.

          Bởi vì căn tánh của chúng sanh khác biệt rất lớn, cho nên không tin Pháp môn này là thật. Thế nhưng xác thật, có một Pháp môn vi diệu như vậy, có thể khiến chúng sanh bình đẳng thành Phật. Phương pháp này bởi vì Phật trước đây chưa từng nói đến, hôm nay vì mọi người tuyên giảng, đây chính là tâm của Phật an trụ ở pháp đặc biệt này. Câu kinh văn vừa rồi chẳng phải đã nói, “trụ kỳ đặc pháp” đó sao? Vì sao hôm nay Phật trụ vào pháp đặc biệt như thế? Bởi vì Ngài muốn tuyên giảng bộ đại Kinh này.

          Trong Kinh Kim Cang, Tôn giả Tu Bồ Đề: đã từng nêu ra hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là nên trụ vào đâu? Chính là hỏi: tâm của chúng ta nên an trụ ở chỗ nào? Đây là vấn đề thứ nhất Tôn giả Tu Bồ Đề nêu ra. Vấn đề thứ hai nêu ra là: làm sao hàng phục tâm này? Nói tâm của chúng ta, cả ngày nghĩ tưởng lung tung, phiền não rất nhiều, phải làm sao để hàng phục? Thích Ca Mâu Ni Phật giảng: bộ Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, gọi tắt là Kinh Kim Cang. Bộ Kinh đó tôi từng đọc qua vài lần, nhưng tôi thật sự không tìm được: câu trả lời cho hai vấn đề này. Hai vấn đề nào? Là tôi vừa mới nói đó, tâm nên trụ vào đâu và làm sao hàng phục tâm này. Là hai vấn đề đó, tôi đã đọc Kinh Kim Cang mấy lần, nhưng vẫn chưa tìm được đáp án.

          Hôm nay đọc Kinh Vô Lượng Thọ, giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ, đáp án này cũng quá đơn giản, trong chốc lát liền hiểu rõ. Nếu nói hai vấn đề này, được nêu ra trong Pháp hội Kinh Vô Lượng Thọ, thì câu trả lời thật sự quá rõ ràng. Đáp án là gì vậy? Làm sao hàng phục vọng niệm? Vấn đề đầu tiên chúng ta đã nói: tâm nên trụ nơi đâu? Câu trả lời là an trụ vào A Di Đà Phật. Vấn đề thứ hai, làm sao hàng phục tâm này? Niệm A Di Đà Phật. Rất đơn giản! An trụ vào A Di Đà Phật, niệm A Di Đà Phật. Hai vấn đề này đều được giải quyết rồi. Ở đây tôi đã tìm được: đáp án cho hai vấn đề này.

          Hôm nay Thế Tôn trụ vào nơi chư Phật trụ. Tất cả chư Phật, không có vị Phật nào không niệm A Di Đà Phật, không có vị Phật nào không nhớ nghĩ: y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho nên chỗ trụ của chư Phật: chính là y chánh trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chư Phật trụ ở đâu? Là trụ ở đó. Ngày nay Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không ngoại lệ, cũng giống như chư Phật. Niệm Phật là chỗ trụ của mười phương ba đời tất cả chư Phật, quý Ngài đều trụ trong niệm A Di Đà Phật.

          Xin nói tiếp về “Đạo sư chi hạnh”, chính là dẫn dắt tất cả chúng sanh đồng thành Phật đạo. Bởi vì là pháp bình đẳng, chúng sanh chín pháp giới có thể bình đẳng thành Phật. Đấy mới là bậc đại Đạo sư chân chánh, vị Đạo sư chẳng thể nghĩ bàn. Ngoài A Di Đà Phật ra, đi đâu để tìm được vị đại Đạo sư như thế? Tìm được vị đại Đạo sư bất khả tư nghì như vậy?

          Tiếp theo xem “tối thắng chi đạo”, đạo như thế nào là đạo tối thắng? Chính là làm những gì A Di Đà Phật đã làm, niệm những gì A Di Đà Phật niệm, điều A Di Đà Phật niệm chính là 48 nguyện. Tôi xin nói lại lần nữa, “làm những gì A Di Đà Phật đã làm, niệm những gì A Di Đà Phật niệm, điều A Di Đà Phật niệm chính là 48 nguyện”. 48 nguyện, nguyện nguyện đều bình đẳng phổ độ tất cả chúng sanh. Cho nên nói đây là đạo thù thắng đệ nhất. Vì thế gọi là “tối thắng chi đạo”.

          Ngài A Nan nói: “Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm”, chính là nói mười phương ba đời tất cả chư Phật: đều niệm lẫn nhau. Tất cả chư Phật đều niệm A Di Đà Phật. A Di Đà Phật cũng niệm chư Phật, Phật Phật niệm lẫn nhau. Ngài A Nan nghĩ hôm nay Phật hiện tướng lành như thế, nhất định là đang niệm Phật. Không niệm Phật thì tướng của Phật sẽ không đẹp như vậy. Thế nhưng không biết Thế Tôn hôm nay: là niệm Phật quá khứ, hay là niệm Phật hiện tại, hay là niệm Phật tương lai. Đương nhiên là niệm Phật ở thế giới phương khác. Sắc tướng hôm nay Phật hiện ra, người thế gian không cách nào tưởng tượng được. Phật phóng quang, tướng lành của Ngài thù diệu như thế, hình dáng như vậy mọi người trước đây chưa từng thấy. Hai ngày trước tôi xem một bộ phim hoạt hình, là Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu trong tay quý vị đồng tu có bộ phim hoạt hình này, thì tôi kiến nghị mọi người hãy xem. Đoạn Phật phóng quang, Phật hiện tướng lành, là chỗ mà người ta có thể tưởng tượng được, là do người làm. Còn thật sự Phật phóng quang, Phật hiện tướng lành, thì sẽ vượt hơn vậy ngàn trăm ức lần. Quý vị không cách nào tưởng tượng được. Vì sao Phật vui mừng như thế? Chúng sanh vui mừng như thế? Kể cả tôi hôm nay giảng đoạn kinh văn này, trong tâm cũng vui mừng như vậy. Việc này không phải là không có đạo lý. Vì sao vậy? Sắc tướng Phật hiện ra hôm nay, là điều mà người thế gian căn bản không thể nào tưởng tượng được.

          Hình dáng này mọi người trước đây chưa từng nhìn thấy. Nên Phật nói “nguyện vị tuyên thuyết”. Đây không những là nguyện vọng của ngài A Nan, mà là nguyện vọng chung của đại chúng dự hội. Hy vọng Phật nói: vì sao hôm nay Ngài hiện tướng vi diệu như thế. Bởi vì chưa từng nhìn thấy, nên mọi người hiếu kỳ, hiếu kỳ muốn Phật nói ra, vì sao hôm nay lại phóng quang minh như thế, hiện tướng như thế? Đây là ý nghĩa mà đoạn kinh văn trên biểu đạt. Đó là gì vậy? Chính là ngài A Nan báo cáo với Phật rằng: Thế Tôn hôm nay nhập đại tịch định của niệm Phật tam-muội, trụ vào pháp đặc biệt: niệm Phật một đời thành Phật. Đây cũng chính là niệm Phật tam-muội mà tất cả chư Phật đều trụ, chính là con đường lớn thù thắng bậc nhất: mà A Di Đà Phật dạy cho chúng sanh bình đẳng thành Phật. Trong tâm ngài A Nan nghĩ: quá khứ hiện tại vị lai Phật, chư Phật cùng nhớ nghĩ đến nhau. Nhưng không biết chỗ niệm của Thế Tôn hôm nay: là quá khứ hiện tại hay vị lai chư Phật, hay là nhớ nghĩ chư Phật hiện tại ở phương khác? Vì sao hôm nay Thế Tôn uy thần hiển diệu, quang minh tướng lành thù thắng vi diệu, đến mức tốt đẹp như thế, mong Phật vì con và đại chúng mà tuyên thuyết. Chẳng phải đó là hướng Phật thỉnh pháp hay sao? Bởi vì không biết, trong tâm có nghi ngờ, tìm không ra đáp án, nên thỉnh Phật tuyên thuyết. Hôm nay thời gian đã hết. Đoạn kinh văn tiếp theo xin để buổi sau giảng tiếp. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật.  

(Hết tập 11)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh-độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tức phát Bồ-đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

 

 

Trả lời 0