Responsive Menu
Add more content here...

Tập 5 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 14/3/2018

 

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Giảo chánh: Thích Thiện Trang

Tập 5

 

Chư vị đồng tu tôn kính! Xin chào mọi người. A Di Đà Phật.

          Tiết học này chúng tôi bắt đầu giảng phẩm Kinh thứ hai “Đức Tuân Phổ Hiền Đệ Nhị”. Trước tiên chúng ta sẽ xem đoạn Kinh văn này:

又賢護等十六正士,所謂善思惟菩薩、慧辯才菩薩、觀無住菩薩、神通華菩薩、光英菩薩、寶幢菩薩、智上菩薩、寂根菩薩、信慧菩薩、願慧菩薩、香象菩薩、寶英菩薩、中住菩薩、制行菩薩、解脫菩薩,而為上首。

“Hựu Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh sĩ, sở vị: Thiện Tư Duy Bồ-tát, Huệ Biện Tài Bồ-tát, Quán Vô Trụ Bồ-tát, Thần Thông Hoa Bồ-tát, Quang Anh Bồ-tát, Bảo Tràng Bồ-tát, Trí Thượng Bồ-tát, Tịch Căn Bồ-tát, Tín Huệ Bồ-tát, Nguyện Huệ Bồ-tát, Hương Tượng Bồ-tát, Bảo Anh Bồ-tát, Trung Trụ Bồ-tát, Chế Hạnh Bồ-tát, Giải Thoát Bồ-tát, nhi vi thượng thủ.” (Lại có mười sáu vị Hiền Hộ Chánh sĩ, đó là: Thiện Tư Duy Bồ-tát, Huệ Biện Tài Bồ-tát, Quán Vô Trụ Bồ-tát, Thần Thông Hoa Bồ-tát, Quang Anh Bồ-tát, Bảo Tràng Bồ-tát, Trí Thượng Bồ-tát, Tịch Căn Bồ-tát, Tín Huệ Bồ-tát, Nguyện Huệ Bồ-tát, Hương Tượng Bồ-tát, Bảo Anh Bồ-tát, Trung Trụ Bồ-tát, Chế Hạnh Bồ-tát, Giải Thoát Bồ-tát, là những bậc thượng thủ.)

          Trước tiên chúng tôi sẽ giải thích những danh từ có liên quan.

          Trước hết là Hiền Hộ. Hiền Hộ có nghĩa là gì? Là vừa bảo hộ được tư tưởng hành vi thuần chánh của chính mình, lại còn vui vẻ hộ trì tư tưởng cho người khác. Hiền Hộ Bồ-tát là đệ tử tại gia tu học Tịnh Độ của Thích Ca Mâu Ni Phật, có địa vị tương đương với Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, đều là đẳng giác Bồ-tát. Danh hiệu của Hiền Hộ Bồ-tát, là đại biểu nghĩa: Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát.

          Tiếp theo xem từ “đẳng thập lục”, phần sau liệt kê 15 vị Bồ-tát tại gia đến từ thế giới phương khác, có học vấn, có đạo đức, có tu có chứng. Trong đoạn Kinh văn này, có tổng cộng 16 vị Bồ-tát.

          Tiếp theo xem từ “Chánh sĩ”, “chánh” là chánh tri chánh kiến, sĩ là tầng lớp trí thức, là tầng lớp trí thức có tri kiến tương đồng với Phật thì được xưng là Chánh sĩ, cũng gọi là Đại sĩ, là biệt danh của Bồ-tát.

          Bây giờ chúng ta xem vị Bồ-tát thứ hai trong Kinh văn: là Thiện Tư Duy Bồ-tát. Tư tưởng và kiến giải của Bồ-tát này đều là thuần thiện, đại biểu cho người chuyên tu Tịnh Độ có đủ tư tưởng kiến giải chính xác, tương ưng với A Di Đà Phật.

          Bồ-tát thứ ba là: Huệ Biện Tài Bồ-tát. Vị Bồ-tát này có trí huệ và tài ăn nói, có thể đem giáo nghĩa và giáo lý của Tịnh Tông nói cho người khác tin tưởng. Hai vị Bồ-tát trên biểu thị tin được điều khó tin. Đó là hai vị nào? Là Thiện Tư Duy Bồ-tát và Huệ Biện Tài Bồ-tát. Hai vị Bồ-tát này biểu pháp: vai trò Bồ-tát có thể tin điều khó tin.

          Vị thứ tư là Quán Vô Trụ Bồ-tát, quan sát tất cả pháp trong thế gian đều là vô thường, ở đây đại biểu cho người tu Tịnh Độ: đối với tất cả pháp tâm không chấp-trước, không lưu luyến, niệm Phật cầu vãng sanh.

          Vị thứ năm là Thần Thông Hoa Bồ-tát, biểu thị sự ứng dụng linh hoạt. Ngài có năng lực dạy học rất khéo léo, có thể tùy theo trình độ mà dạy học, đem pháp môn niệm Phật thành Phật giới thiệu cho quần chúng rộng lớn, khiến mọi người đều có thể hiểu rõ, đều có thể tiếp nhận.

          Vị thứ sáu là Quang Anh Bồ-tát, biểu thị quang minh anh phát. “Quang minh” là trí huệ, “anh phát” là phát huy, biểu thị bộ Kinh này hiển phát được trí huệ sâu rộng của chúng ta.

          Vị thứ bảy là Bảo Tràng Bồ-tát. “Tràng” chính cờ phướn treo trên cây cột trụ, vào thời xưa nếu đạo tràng có giảng Kinh, thì đem tràng treo lên cột cờ ở ngoài chùa, thông báo với đại chúng có thể đến nghe Kinh. Cho nên “tràng” biểu thị sự tuyên dương Phật pháp. Bảo tràng biểu thị sự tuyên dương Phật Pháp thù thắng nhất. Ở đây là biểu pháp nhằm tuyên dương Kinh này,  duyên này là thù thắng không gì sánh bằng.

          Vị thứ tám là Trí Thượng Bồ-tát. Trí là trí huệ, “thượng” là tối thượng, là đệ nhất, ở đây đại biểu tu học bộ Kinh này có thể đạt được trí huệ vô thượng.

          Vị thứ chín là Tịch Căn Bồ-tát. “Tịch” là tịch tĩnh, căn là chỉ 6 căn: mắt tai mũi lưỡi thân ý. Sáu căn tịch tĩnh là căn bản của tu hành. Ở đây đại biểu dựa theo bộ Kinh này tu học thì có thể đạt được thân tâm thanh tịnh.

          Vị thứ 10 là Tín Huệ Bồ-tát. Biểu thị có thể tin sâu bộ Kinh này.

          Vị thứ 11 là Nguyện Huệ Bồ-tát, biểu thị có thể phát nguyện học tập cầu sanh Tịnh Độ, có thể tin sâu và phát nguyện, chính là người có trí huệ chân thật.

          Vị thứ 12 là Hương Tượng Bồ-tát, tỉ dụ cho sức mạnh của niệm Phật rất lớn, có thể giúp cho chúng ta siêu vượt 10 pháp giới.

          Ba vị Bồ-tát kể trên, đại biểu cho ba điều kiện cần phải có để vãng sanh là: tín, nguyện, hạnh; Cũng chính là 3 tư lương mà chúng ta thường nói.

          Vị thứ 13 là Bảo Anh Bồ-tát. Bảo là kho báu trí huệ. Anh là tinh hoa. Bảo Anh là đại biểu cho 48 nguyện của A Di Đà Phật, 48 nguyện chính là tinh hoa của tất cả diệu pháp, có thể khiến cho phàm phu ngay trong một đời vãng sanh bất thoái, nhất định thành Phật.

          Vị thứ 14 là Trung Trụ Bồ-tát. Trung biểu thị trung đạo. “Trụ” biểu thị an trụ, an trụ tâm vào bộ Kinh này, an trụ vào câu Phật hiệu này, thì có thể đạt được chân lý đệ nhất của Trung Đạo.

          Vị thứ 15 là Chế Hạnh Bồ-tát. Chế Hạnh là kiểm soát được tư tưởng hành vi của chúng ta. Niệm Phật chính là chế hạnh, ở đây nhằm đại biểu trì giới niệm Phật.

          Vị sau cùng là: Giải Thoát Bồ-tát. Giải là giải thoát phiền não. Thoát là thoát ly lục đạo, thoát ly 10 pháp giới, biểu thị dựa theo lý luận và phương pháp tu hành của bộ Kinh này thì có thể vãng sanh Tịnh Độ, vĩnh viễn lìa khỏi vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước, được đại tự tại.

          “Nhi vi thượng thủ”, câu sau cùng là “nhi vi thượng thủ”. 16 vị đại Bồ-tát này đại biểu cho bậc thượng thủ trong hàng Bồ-tát tại gia. Trong phẩm thứ nhất, chư vị đồng tu chắc vẫn nhớ ba vị Bồ-tát được nêu tên, các ngài là: Phổ Hiền Bồ-tát, Văn Thù Bồ-tát, Di Lặc Bồ-tát. Ba vị Bồ-tát này là chúng xuất gia.

          Trong phẩm này nêu ra 16 vị Bồ-tát, 16 vị Bồ-tát này đều là chúng tại gia. Vì sao chúng xuất gia chỉ nêu ba vị, mà chúng tại gia lại nêu đến 16 vị? Việc này biểu thị điều gì? Biểu thị bộ Kinh Vô Lượng Thọ chủ yếu lấy người tại gia làm đối tượng độ thoát, thêm bước nữa: bộ Kinh này là Đức Phật nói chuyên vì cho hàng tại gia chúng ta.

          Chúng ta có thể cảm nhận được ân đức mênh mông của Phật hay không? Nếu như chúng ta gặp được bộ Kinh này, gặp được Pháp môn này, mà lại để lỡ qua trước mặt, thì thật là quá đáng tiếc. Bởi vì quý vị đã vuột mất cơ duyên để thành Phật.

          Giảng đến đây tôi nghĩ rất nhiều đồng tu sẽ cảm động. Bởi vì trước đây không hiểu rõ lý niệm này, không biết bộ Kinh này là Đức Phật nói chuyên vì hàng chúng sanh tại gia chúng ta, cho nên phải chăng chúng ta nên sanh khởi tâm cảm ân đối với đức Phật.

          Trong 16 vị Bồ-tát này, trừ vị đầu tiên là Hiền Hộ Bồ-tát thị hiện ở thế giới Ta Bà, ngài là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật khi Phật còn tại thế. Còn 15 vị Bồ-tát còn lại đều là Bồ-tát của Thế giới phương khác, đến núi Linh Thứu nghe pháp, đến tham gia pháp hội vô cùng thù thắng này của Thích Ca Mâu Ni Phật, đến làm ảnh hưởng chúng. Việc này đại biểu cho điều gì? Đại biểu vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều giảng bộ Kinh này, đều hộ niệm bộ Kinh này.

          Tôi xin nói lại lần nữa, điều này đại biểu “vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều giảng bộ Kinh này, đều hộ niệm bộ Kinh này”. Các Ngài nghe thấy: Đức Phật giảng Kinh Vô Lượng Thọ ở núi Linh Thứu, nên từ các cõi Phật khác đến đây nghe Kinh, nói rõ tất cả chư Phật đều nói đến pháp hội này. Câu sau cùng này rất quan trọng, không phải chỉ có Thích Ca Mâu Ni Phật nói mà tất cả chư Phật đều nói.

          Danh hiệu của Phật Bồ-tát đều là biểu pháp, Phật Bồ-tát không có danh hiệu của riêng mình, danh hiệu của các Ngài là vì chúng sanh cần đến mà sanh ra. Như Phật hiệu của Phật Thích Ca Mâu Ni là từ đâu mà có? Là vì ở thời đại đó, trong khu vực dạy học của Phật Thích Ca Mâu Ni, nghiệp chướng của chúng sanh trong thế giới này rất nặng, không có tâm từ bi, chỉ tự tư tự lợi. Nên Đức Phật dùng hai chữ Thích Ca, Thích Ca biểu thị điều gì? Ý nghĩa là nhân từ. Lúc nãy tôi đã nói: bởi ở thế giới của chúng ta, chúng sanh nghiệp chướng nặng, thiếu tâm từ bi, rất là ích kỷ, cho nên Phật dùng hai từ Thích Ca, hai từ này là biểu thị nhân từ. Tiếp đó, chúng sanh trong thế giới này, mỗi ngày từ sáng đến tối vọng niệm không ngớt, tâm không thanh tịnh, cho nên Phật dùng hai chữ Mâu Ni, “Mâu Ni” nghĩa là tịch diệt.                  

        Nếu như Phật Thích Ca Mâu Ni làm Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì danh hiệu của Ngài chắc chắn sẽ không phải là Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc người người đều đại từ đại bi, thanh tịnh tịch diệt. Cho nên nói: danh hiệu của Phật đều là biểu pháp.

       Trong phẩm Kinh này, nêu ra danh hiệu của 16 vị Bồ-tát tại gia, đương nhiên cũng là dùng để biểu pháp. Chúng ta xem từng vị một, ví như Hiền Hộ Bồ-tát. Ngài biểu pháp gì vậy? Biểu thị Như Lai khéo hộ niệm chư Bồ-tát. Ý nghĩa của chữ hộ niệm rất sâu. Chư Phật Như Lai chắc chắn sẽ hộ niệm những học trò thật sự niệm Phật phát tâm cầu Đạo. Bất kể quý vị là tại gia hay xuất gia, chỉ cần quý vị phát đạo tâm, chân thật y giáo phụng hành, thì chư Phật Như Lai không ai chẳng hộ niệm quý vị. Đây có thể gọi là tầng nghĩa thứ nhất. Tầng nghĩa thứ hai chính là dạy chúng ta, nếu quý vị gặp được đồng tu chân thật phát đạo tâm, thì chúng ta cần tận tâm tận lực mà hộ trì, cung cấp cho họ điều kiện tu học tiện lợi. Nếu chúng ta không thể hộ trì những đồng tu chân thật phát đạo tâm, thì chư Phật Bồ-tát làm sao hộ niệm chúng ta được? Đạo lý là như nhau. Cho nên chúng ta muốn được tất cả chư Phật Như Lai hộ trì, thì chúng ta cũng cần hộ trì: những người học Phật chân chánh, những người thật sự đoạn ác tu thiện. Đây là trách nhiệm không thể thoái thác của chúng ta. Chúng ta nghĩ xem bản thân mình, phải chăng làm được điều này rồi.

          Ví dụ như Bồ-tát Quán Vô Trụ ở phần sau, nhìn thấy danh hiệu này, chúng ta liền nhớ đến hai câu nói vô cùng quan trọng trong Kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Lục tổ Đại sư Huệ Năng chính là nhờ hai câu này mà khai ngộ. Ở đây Bồ-tát nói với chúng ta Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Kim Cang chẳng phải là hai. Kinh Vô Lượng Thọ bao gồm toàn bộ Kinh Kim Cang, bao gồm toàn bộ Kinh Bát Nhã. Quán Vô Trụ Bồ-tát ở đây ngầm chỉ cho chúng ta: dùng danh hiệu của Ngài nói với chúng ta điều gì? Học Bát Nhã không bằng học Kinh Vô Lượng Thọ. Có lẽ rất nhiều đồng tu lần đầu tiên nghe thấy điều này. Tôi xin nói lại lần nữa “Kinh Vô Lượng Thọ bao gồm toàn bộ Kinh Kim Cang, bao gồm toàn bộ Kinh Bát Nhã, Quán Vô Trụ Bồ-tát ngầm chỉ chúng ta học Bát Nhã không bằng học Kinh Vô Lượng Thọ”.                                                                        

          Ví dụ tiếp theo là Thần Thông Hoa Bồ-tát, biểu thị hạnh nguyện phương tiện, không gì chẳng đầy đủ, có chướng ngại thì không phải là phương tiện. Hạnh nguyện phương tiện chính là Tứ Vô Ngại Pháp Giới được nói trong Kinh Hoa Nghiêm. Tứ Vô Ngại là gì? Chính là sự-vô-ngại, lý-vô-ngại, lý-sự-vô-ngại, sự-sự-vô-ngại. Danh hiệu của Thần Thông Hoa Bồ-tát ám chỉ cho chúng ta điều gì? Ám chỉ rằng chúng ta học Hoa Nghiêm không bằng học Kinh Vô Lượng Thọ, chân thật ý nghĩa biểu pháp thâm sâu. rộng lớn.

          Tiếp theo nói về Quang Anh Bồ-tát, biểu thị trí huệ sâu rộng vô lượng vô biên, đều là từ một câu A Di Đà Phật mà hiển bày ra. Hiển thị đức dụng vô biên của bộ Kinh này.

          Lại như Bảo Tràng Bồ-tát, biểu thị trí huệ thù thắng, biểu thị hoằng pháp lợi sinh, đại biểu pháp duyên hoằng pháp thù thắng.

          Vị sau là Trí Thượng Bồ-tát, biểu thị diệu trí vô thượng, trong bộ Kinh này, Ngài đại biểu nội dung của bộ Kinh này là trí huệ vô thượng. Nếu quý vị muốn cầu trí huệ, thì không cần niệm 600 quyển Kinh Đại Bát Nhã. Điều này cho thấy sự thù thắng của bộ Kinh này, chẳng có pháp nào mà không đầy đủ.

          Lại như Tịch Căn Bồ-tát, đại biểu Kinh Vô Lượng Thọ là phương pháp tu hành để 6 căn thanh tịnh.

          Còn có Tín Huệ Bồ-tát, Nguyện Huệ Bồ-tát, Hương Tượng Bồ-tát. Ba vị Bồ-tát này, cùng đại biểu cho 3 tư lương của Tịnh Độ, cũng chính là ba điều kiện tu học quan trọng: phải tín, phải nguyện, phải hạnh.

          Lại như Bảo Anh Bồ-tát, đại biểu biển nguyện vạn đức trang nghiêm, đại biểu cho kho báu vô tận, trí huệ vô tận hàm chứa trong Tự-tánh.

          Lại như Trung Trụ Bồ-tát, đại biểu A Di Đà Phật mang ý nghĩa trung đạo đệ nhất, cực kỳ huyền diệu, cực kỳ tiện lợi, cực kỳ đơn giản.

          Lại như Chế Hạnh Bồ-tát, đại biểu trì giới niệm Phật. Đây là chỗ hạ thủ của tu hành. Nói cụ thể hơn, chính là năm khoa mục tu học mà lão Pháp sư dạy với chúng ta gồm: Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, Thập Đại Nguyện Vương. Câu Phật hiệu A Di Đà Phật bao quát tất cả năm khoa mục đó rồi.

         Vị cuối cùng là Giải Thoát Bồ-tát, Ngài được xếp ở sau cùng đại biểu cho quả báo. Quả báo là được đại tự tại.

          Sự biểu pháp của 16 vị Bồ-tát tại gia ở trên, đã mang lại lòng tin kiên định cho chúng ta. Đó là tại gia tu hành cũng có thể thành Phật. Đặc biệt vào thời mạt pháp, xuất gia tu hành ngược lại còn khó hơn tại gia tu hành. Người xuất gia thực sự tu hành ngược lại ít. Vì sao vậy? Vì sao lại nói ít có người xuất gia tu hành? Không phải nói có ít người xuất gia, mà nói người xuất gia tu hành ít. Vì sao vậy? Mọi người đều thấy rất rõ: họ bận rộn xây chùa lớn, bận bịu xã giao, mỗi ngày làm pháp hội, độ người chết, cả ngày bận rộn như vậy, làm gì có công phu tu hành! Cho nên nói: hiện nay sự tu hành của rất nhiều người xuất gia, ngược lại không đắc lực bằng người tại gia. Người tại gia mỗi ngày có thể niệm được mấy vạn câu Phật hiệu. Người xuất gia không sánh bằng người tại gia. Từ điểm này mà nói chính là như vậy.

          Thời kỳ mạt-pháp thế sự điên đảo, khi Phật còn tại thế, thứ tự tu hành thành tựu, điều này rất nhiều người đều biết rõ, vào thời đó thứ tự tu hành thành tựu là: Nam chúng xuất gia xếp thứ nhất, Nữ chúng xuất gia thứ hai, Nam chúng tại gia thứ ba, Nữ chúng tại gia thứ tư. Còn hiện nay thì tình hình thế nào? Đã đảo ngược mất rồi. Hiện nay là: Nữ chúng tại gia thứ nhất, Nam chúng tại gia thứ hai, Nữ chúng xuất gia thứ ba, Nam chúng xuất gia thứ tư, phải nói rằng: thứ tự là như vậy. Quả là sự bi ai trong Phật pháp.

          Hiện nay mọi người đều giàu có lên, có cơ sở kinh tế nhất định, nên bắt đầu mau chóng lập đạo tràng xây chùa lớn. Chùa càng ngày càng được xây nguy nga tráng lệ, số lượng nhiều, quy mô lớn, nhưng lại quên mất bản hoài giáo hóa chúng sanh của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật rồi. Chúng ta đang làm gì vậy? Đã quên mất bản hoài của Thế Tôn rồi! Người xuất gia không thể thâm nhập Kinh tạng, không thể hoằng pháp lợi sanh, thì Phật pháp sẽ suy vi, mọi người nói xem có phải vậy không? Sự thật trước mắt chúng ta: mỗi người đều nhìn thấy được rất rõ ràng.    

          Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn sư của chúng ta, đức Bổn Sư của chúng ta đã làm ra tấm gương cho chúng ta, 49 năm giảng Kinh thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, giúp chúng sanh thành Phật. Đây là bản hoài của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài việc giảng Kinh dạy học ra, đức Thế Tôn của chúng ta không làm những chuyện khác. Thế nhưng những việc chúng ta đang làm hiện nay, là trái ngược với bổn hoài của Đức Bổn Sư rồi.

          Có người hỏi: phải chăng đầu óc của người thời nay không bằng người xưa? Phải chăng phước báo của người hiện nay không lớn bằng người xưa? Lão Pháp sư nói với chúng ta: tuyệt đối không phải. Là do nguyên nhân nào? Lão Pháp sư nói rằng, đầu óc của người hiện nay thông minh hơn người xưa, phước báo lớn hơn người xưa. Vậy cớ sao đạo tâm lại thoái thất như thế? Nguyên nhân rất quan trọng: là chúng ta không đi theo chánh đạo của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta đã đi theo tà đạo, bởi vì chúng ta đã bước vào đường tà, cho nên mới dẫn đến hiện trạng như trước mắt. Thời kỳ Mạt Pháp chính là tình trạng như thế.

          Có đồng tu hỏi: vậy chánh đạo của Thích Ca Mâu Ni Phật là gì? Chỉ là một câu: giảng Kinh dạy học, giáo hóa chúng sanh. Đấy là chánh đạo của Thích Ca Mâu Ni Phật. Vậy thế nào là đường tà? Ngoài việc giảng Kinh dạy học, thảy đều là đường tà. Xin chú ý từ “thảy đều” này. Rời khỏi giảng Kinh dạy học thảy đều là đường tà. Từ “thảy đều” đại biểu cho tất cả. Quý vị nghĩ xem: chánh đạo duy nhất là giảng Kinh dạy học, ngoài con đường này ra, những việc khác đều là đường tà. Bởi vì đã bước vào đường tà, nên mới đánh mất đạo tâm, tạo tác tội nghiệp, những điều này cũng đủ để cho chúng ta phải cảnh giác rồi.

          Đoạn Kinh văn này xin giảng đến đây. Chúng tôi tổng kết khái quát lại một chút. Đoạn Kinh văn này biểu đạt ý nghĩa gì vậy? Ngài Hiền Hộ Bồ-tát trong đoạn này, là vị Bồ-tát ở thế giới phương này, cùng thời đại với Thích Ca Mâu Ni Phật. 15 vị Bồ-tát còn lại, là Bồ-tát từ thế giới phương khác đến tham gia pháp hội. Hàm nghĩa và tên gọi của mười bốn vị Bồ-tát ở phía trước, khiến chúng ta nhận thức được sự thù thắng của bộ Kinh điển này. Vị thứ 15 là Chế Hạnh Bồ-tát dạy chúng ta phương pháp bắt đầu tu hành là: trì danh niệm Phật. Vị sau cùng là Giải Thoát Bồ-tát đại biểu quả báo của tu hành. 16 vị Bồ-tát này, đều là thượng thủ trong hàng Bồ-tát tại gia. Đây là đoạn tổng kết khái quát của tôi cho phần Kinh văn phía trên.

          Tiếp theo, mời chư vị đồng tu xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

          咸共遵修普賢大士之德,具足無量行願,安住一切功德法中。遊步十方,行權方便。入佛法藏,究竟彼岸。願於無量世界成等正覺。“Hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung. Du bộ thập phương, hành quyền phương tiện, nhập Phật Pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn. Nguyện ư vô lượng thế giới thành Đẳng-chánh-giác. (Đều cùng tu theo đức của Phổ Hiền Đại sĩ, đầy đủ vô lượng hạnh nguyện, an trụ trong hết thảy pháp công đức, dạo khắp mười phương, hành quyền phương tiện, vào Pháp tạng của chư Phật, rốt ráo đến bờ kia. Nguyện ở vô lượng thế giới thành Đẳng-chánh-giác).

          Trước tiên cũng xin giải thích những danh từ liên quan. Chữ “hàm” trong “hàm cộng” nghĩa là “đều”, nghĩa là “toàn bộ”. “Cộng” là cộng đồng, “tuân” là tuân thủ, “tu” là tu hành. “Phổ Hiền Đại sĩ chi đức”, đức của Phổ Hiền Bồ-tát: vô lượng vô biên, nói không cùng tận. Tổng quy nạp lại, là Thập Đại Nguyện Vương mà mọi người quen thuộc. Danh mục của Thập Đại Nguyện Vương như sau: Thứ nhất lễ kính chư Phật, Thứ hai xưng tán Như Lai, Thứ ba quảng tu cúng dường, Thứ tư sám hối nghiệp chướng, Thứ năm tùy hỷ Công Đức, Thứ sáu thỉnh Chuyển Pháp Luân, Thứ bảy thỉnh Phật trụ thế, Thứ tám thường tùy Phật học, Thứ chín hằng thuận chúng sanh, Thứ mười phổ giai hồi hướng. Đây là Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát.

          Tiếp theo chúng ta xem cụ thể, mỗi câu Kinh trong đoạn Kinh văn này có nghĩa là gì.

          Trước xem “cụ túc vô lượng hạnh nguyện”, chính là nói: chư Bồ-tát  tham gia đại hội trên, tất cả đều tu theo Thập Đại Nguyện Vương của Bồ-tát Phổ Hiền, cho nên quý ngài cũng giống như Bồ-tát Phổ Hiền, có đầy đủ vô lượng hạnh nguyện.

          Câu tiếp theo “an trụ nhất thiết công đức pháp trung”. An trụ nghĩa là an trụ bất động, “nhất thiết công đức pháp” là công đức viên mãn sau khi Bồ-tát tu hành thành Phật. Đây là dạy chúng ta: chỉ cần đem tâm an trụ vào một câu Phật hiệu, tức là đã an trụ vào trong tất cả pháp công đức rồi.

          Từ “du bộ” phía sau, chính là du hý thần thông. “Hành quyền phương tiện” là khéo léo chỉ dạy, có thể tùy theo trình độ khác nhau của chúng sanh, mà có cách giáo dục khác nhau, đây là du hý thần thông của hàng Bồ-tát, tự tại du hành, cảm hóa cứu độ tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới, tùy theo nhu cầu của chúng sanh mà giúp đỡ giáo hóa họ.

          “Nhập Phật pháp tạng”, là đối với tất cả Phật pháp hàm chứa bên trong chân-tâm Tự-tánh của chúng sanh đều thông đạt hiểu rõ. Phật là giác ngộ thấu suốt, Pháp là tất cả pháp thế và xuất thế gian. Tạng nghĩa là hàm chứa.

          “Cứu cánh bỉ ngạn” chính là đạt được quả vị thành Phật viên mãn rốt ráo. Đây là những từ tương đối khó lý giải trong đoạn Kinh văn trên.  Đã giải thích đơn giản một chút cho mọi người rồi.

          Tiếp theo chúng ta xem Kinh văn cụ thể.

          Câu đầu tiên “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền đại sĩ chi đức”. Câu Kinh văn này nói rõ những đại chúng dự hội, đại chúng này gồm: chúng Tỳ-kheo, chúng nhị thừa, chúng Bồ-tát, chúng xuất gia, chúng tại gia. Tất cả đại chúng tham dự đại hội này, không có vị nào là không tu đức của Phổ Hiền Đại sĩ. Cho nên nói, đức của Phổ Hiền Đại sĩ, được xây dựng trên nền tảng của bốn khoa mục đầu trong năm khoa mục đã nói phía trước.

          Năm khoa mục vừa nãy tôi nói là gì? Xin nói lại 4 khoa mục này, chính là bốn mục ở phía trước là: Tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ. Nếu không có bốn khoa mục này, thì sao có được đức của Phổ Hiền Đại sĩ. Bốn khoa mục này là nền tảng của Phổ Hiền Đại sĩ chi đức, nhất định không được thiếu khuyết, đặc biệt là Tam phước và Lục hòa, giống như nền móng của ngôi nhà. Nếu nền móng của ngôi nhà không vững chắc, thì căn nhà đó làm sao xây chắc được. Cho dù có miễn cưỡng dựng nên ngôi nhà, nhưng vì nền móng không chắc, nên nó cũng sẽ sụp đổ. Phải vậy không? Cho nên chúng ta học Phật, nhất định phải xây dựng cho vững nền tảng tu hành này.

          Phổ Hiền Đại sĩ chi đức là gì? Chính là Thập Đại Nguyện Vương nói trong Kinh Hoa Nghiêm, từ “lễ kính chư Phật” đến “phổ giai hồi hướng”. Hạnh Phổ Hiền cùng với hạnh của các Bồ-tát khác rốt cuộc khác nhau ở chỗ nào? Đây là câu trọng điểm trong đoạn Kinh văn này. Rốt cuộc hạnh của Bồ-tát Phổ Hiền với hạnh của Bồ-tát khác có bất đồng và khác biệt ở chỗ nào? Điều này chúng ta cần phải hiểu rõ ràng.

          Đặc điểm lớn nhất của hạnh Phổ Hiền đó là tâm lượng rộng lớn, vĩnh viễn không mỏi mệt, đây là đặc điểm của Ngài. Do đó người học Phật trước tiên phải mở rộng tâm lượng, không nên niệm niệm chỉ nghĩ cho chính mình, niệm niệm nghĩ cho gia đình nhỏ của mình, niệm niệm nghĩ đến bà con bạn bè của mình, ý niệm như vậy quá nhỏ, phạm vi quá nhỏ. Phổ Hiền Bồ-tát niệm niệm đều nghĩ đến tất cả chúng sanh khổ nạn trong tận hư không khắp pháp giới. Điểm này không có Bồ-tát nào sánh bằng được. Một chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới cũng không bị bỏ sót.

          Câu nói này đặc biệt đáng để chúng ta học tập, đặc biệt đáng để chúng ta chú ý, chính là trong tận hư không khắp pháp giới: một chúng sanh cũng không bỏ sót. Quý vị thấy tâm lượng của Bồ-tát Phổ Hiền lớn đến mức nào! Chúng ta hiện nay cũng đang tu hạnh Phổ Hiền, chúng ta rốt cuộc đã học được tâm lượng lớn này chưa? Hay chỉ có nói mà thôi? Cho nên có thể nói hạnh Phổ Hiền: chính là hạnh chân thật viên mãn, viên mãn nghĩa là không thiếu khuyết. Hạnh Phổ Hiền là hạnh viên mãn.

          Nếu chúng ta không hiểu rõ ý nghĩa này, thì chúng ta vĩnh viễn không thể thật sự hiểu Thập Đại Nguyện Vương. Chỉ khi quý vị lý giải được ý nghĩa này, thì chúng ta mới lý giải và nhận thức đúng về Hạnh Phổ Hiền. Nếu chúng ta đã lý giải điều này rồi, thì sẽ có được cảm nhận gì? Đại đức xưa từng nói rằng hai bộ Kinh lớn là Hoa Nghiêm và Pháp Hoa là văn tự dẫn dắt vào Kinh Vô Lượng Thọ. Có thể có đồng tu vẫn chưa lý giải được câu nói này. Mọi người đều biết Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa: là hai bộ Kinh vô cùng quan trọng trong các Kinh điển mà Đức Phật đã giảng trong 49 năm.

          Bây giờ nói Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa, hai bộ Kinh lớn này, chẳng qua là văn tự dẫn dắt vào Kinh Vô Lượng Thọ mà thôi. Có rất nhiều đồng tu, trong chốc lát không thể lý giải được, nhưng sự thật là như thế. Khi tôi giảng đến đây, có đồng tu trong quá trình tu học, đã dần dần lý giải, từ từ đã hiểu ra được. Như lúc trước tôi đã nhiều lần nói: Kinh Vô Lượng Thọ là cây cầu chính dẫn đến Thế giới Cực Lạc, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Pháp Hoa là cây cầu dẫn của cây cầu chính, là quan hệ như vậy. Mọi người đều biết Kinh Hoa Nghiêm đến sau cùng: thì Phổ Hiền Bồ-tát dùng 10 đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Một câu A Di Đà Phật của người niệm Phật nhiếp trọn 10 đại nguyện vương. Xin chú ý từ “nhiếp trọn” này. Một câu A Di Đà Phật của người niệm Phật hàm nhiếp viên mãn 10 đại nguyện vương.

          Nếu trong một câu Phật hiệu thật có Thập Đại Nguyện Vương, tức là “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Cho nên từ lúc bắt đầu giảng đến bây giờ, ấn tượng mạnh nhất của mọi người là: một câu Phật hiệu A Di Đà Phật rất là quan trọng. Việc giảng giải theo thứ lớp như vầy: chắc chắn khiến cho ấn tượng của mọi người càng thêm sâu sắc. Bởi khi giảng đến Thập Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát, thì chúng ta giảng rõ một chút, mười đại nguyện này rốt cuộc là gì? Có đồng tu biết rồi, có đồng tu quen thuộc, nhưng có đồng tu vẫn chưa biết hoàn toàn. Cho nên ở đây, tôi muốn giới thiệu một chút cho quý đồng tu về nội dung cụ thể của Thập Đại Nguyện Vương.

          Thứ nhất là lễ kính chư Phật. Lễ là lễ phép ở bên ngoài, “kính” là chân thành trong tâm, trong kính ngoài lễ, đó là ý nghĩa của lễ kính. “Chư Phật”, nhìn thấy hai chữ này, rất nhiều đồng tu cho rằng khi thấy hình tượng của chư Phật Bồ-tát phải rất cung kính lễ bái, thì mới là lễ kính chư Phật. Có thể hiện nay, rất nhiều đồng tu chúng ta cho là như thế. Nhìn thấy tượng Phật thì đến cung kính bái lạy, gọi là lễ kính chư Phật.

          Lão Pháp sư nói với chúng ta, nếu hiểu như vậy, thì Bồ-tát Phổ Hiền sẽ rơi nước mắt. Vì sao vậy? Quý vị đã hoàn toàn hiểu sai ý của Ngài rồi.  Lễ kính chư Phật không phải nghĩa như thế. Rốt cuộc, nên lễ kính chư Phật như thế nào? Kinh Hoa Nghiêm giảng rất rõ ràng, tất cả chúng sanh vốn là Phật, đây là đối tượng để chúng ta lễ kính. Chư Phật là ai? Trả lời, chính là tất cả chúng sanh. Nhận thức của chúng ta trước đây e rằng không sâu sắc được như thế, chúng ta cho rằng tượng Phật là Phật, chứ không cho rằng chúng sanh là Phật. Có đồng tu nói chúng sanh là Phật, nhưng chỉ là nói trên miệng mà thôi, thực tế sâu thẳm trong tâm, thực sự không xem chúng sanh là Phật. Yêu cầu chúng ta: cung kính với Phật như thế nào, thì đối với tất cả chúng sanh cũng phải cung kính “đồng đẳng”. Hai từ “đồng đẳng” này, chính là quý vị cung kính đối với Phật như thế nào, thì quý vị cung kính đối với tất cả chúng sanh cũng phải như thế, đây gọi là lễ kính chư Phật.

         Sau lần này nghe hiểu rõ rồi, thì chúng ta biết rằng: chúng ta không thể xem thường bất kỳ chúng sanh nào xung quanh chúng ta. Trước đây tôi đã nói: gồm cả gián, kiến, muỗi, chúng đều là chư Phật tương  lai. Chúng ta lễ kính chúng, giống như chúng ta lễ kính tượng Phật vậy, như vậy mới đúng. Đó gọi là lễ kính như nhau. Ở đây, tôi xin nêu lên một ví dụ nhỏ cho mọi người. Gần đây tôi có một vài cảm nhận: là đạo tràng hiện nay tôi đang ở, có một số động vật nhỏ. Có 6 con chó và một con mèo nhỏ. Chúng giống như thành viên trong đạo tràng nhỏ này của chúng tôi. Chúng tôi đối xử với chúng như thế. Chúng tôi đối đãi với những động vật nhỏ này, không xem chúng là động vật, mà xem chúng như một thành viên trong nhóm chúng tôi. Họ đều là Phật vị lai, chúng tôi đối với họ rất yêu thương và quan tâm, không có ai làm hại chúng cả.

          Từ tên gọi của những động vật nhỏ này, thì quý vị có thể biết được. Sáu con chó nhỏ này chúng có tên là, một con tên là Đại Ngộ, chẳng phải là đại triệt đại ngộ đó sao? Một con chó nhỏ của chúng tôi tên là Đại Ngộ, còn một con tên là Nhất Chân, là Nhất Chân trong “nhất chân pháp-giới”, là Nhất Chân. Còn một con gọi là Giác Giác, chẳng phải giác ngộ đó sao, phá mê khai ngộ, có một con chó nhỏ tên Giác Giác. Còn một con chó nhỏ tên Tây Tây, còn một con tên Quy Quy, hai con kết hợp lại chính là Tây Quy, phải quay về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nên là Tây Tây, Quy Quy. Con cuối cùng chính là con chó Lưu Ưu Bí của nhà tôi. Sáu con chó nhỏ này chung sống hòa mục với nhau, không bao giờ đánh nhau, rất tốt! Còn có một con mèo nhỏ màu trắng, tên là Tự Tại, tự tại chính là quả báo mà người tu hành chúng ta mong muốn, chẳng phải hy vọng được hạnh phúc tự tại sao? Con mèo nhỏ đó của chúng tôi tên là Tự Tại. 6 con chó nhỏ và một con mèo nhỏ chung sống hòa thuận với nhau, cảnh tượng đó thật khiến người cảm động. Cho nên ở đây tôi nêu ra ví dụ này là muốn nói với mọi người: tất cả chúng sanh đều là Phật vị lai, chúng ta đều phải lễ kính, không được coi nhẹ, không được xem thường, càng không được khinh khi họ.

          Lão Pháp sư từng nêu cho chúng ta một ví dụ thế này. Ví dụ gì vậy? Chúng ta hiện nay viết thư cho người khác, sau cùng chẳng phải ghi thông tin sao? Ghi tên của mình. Đồng tu học Phật chúng ta thường hay đều có thói quen, sau khi ghi tên thì viết chữ “chắp tay”. Lão Pháp sư nói “viết chắp tay chứ không chịu viết đảnh lễ”. Điều này là quý vị đã chưa tu hạnh Phổ Hiền. Khi xem đến đây tôi vô cùng Kinh ngạc. Bởi vì sao vậy? Nếu lão Pháp sư không nói thì tôi thật không biết điều này. Tôi cũng đã từng viết như vậy. Ví như tôi viết thư cho một Pháp sư nào đó, sau cùng tôi ghi tên là Lưu Tố Vân chắp tay, tôi thật sự đã viết như thế. Mặc dù không phải nhiều lần như vậy, nhưng cũng từng viết như thế. Nếu lão Pháp sư không nói thì tôi thật sự không biết điều này.

         Lão Pháp sư đưa ra trả lời chính là lý do, vì sao quý vị viết từ “chắp tay” chứ không viết “đảnh lễ”. Tức là quý vị chưa tu hạnh Phổ Hiền. Lão Pháp sư nói như thế này, quý vị ghi từ “chắp tay”, nói lên quý vị đối với người nhận thư, họ không bằng quý vị, quý vị cho rằng mình hơn họ. Quý vị cho rằng tôi hơn anh, vì sao tôi phải đảnh lễ anh chứ? Viết chắp tay là đã không tệ rồi. Lão Pháp sư đã phân tích cho chúng ta như thế. Sau khi tôi nghe xong thì nghĩ: thật sự phải học nhiều nghe nhiều, nếu không sẽ có rất nhiều thứ vì không hiểu mà làm sai.

         Lão Pháp sư nói: quý vị không đảnh lễ họ, quý vị sao biết họ không bằng mình? Bởi vì sao? Bởi họ không khác với Phật Thích Ca Mâu Ni, so với Phật A Di Đà cũng không khác. Quý vị nhìn thấy A Di Đà Phật, nhìn thấy Thích Ca Mâu Ni Phật có đảnh lễ hay không? Quý vị nhất định sẽ đảnh lễ, quý vị sẽ không chỉ chắp tay thôi. Vì sao quý vị viết thư cho người khác, mà quý vị không đảnh lễ? Đây cho thấy trong tâm quý vị có cống cao ngã mạn. Quý vị cảm thấy mình hơn họ nên chỉ cần chắp tay với họ là được rồi.

          Xem đến đây thì tôi liền nghĩ: chúng ta học chút nào thì phải thực hành chút đó. Từ nay trở đi, chúng ta phải đoạn trừ phân biệt chấp trước này, biến tâm lượng nhỏ thành tâm lượng lớn. Bởi vì sao? Chúng ta viết từ “đảnh lễ” không tốn bao nhiêu sức, nhưng biểu hiện ra ý niệm trong tâm của quý vị đúng đắn hay không. Có phải vậy không? Bởi vì sao? Ngày nay người ta thiếu nhất là: sự lễ kính, và sự thành kính.  Luôn cảm thấy bản thân mình rất cừ khôi.

          Lão Pháp sư lại răn dạy chúng ta rằng: thành kính là tánh đức. Chúng ta cần mở bày tánh đức, điều này mỗi người chúng ta cần phải làm. Có phải như vậy không? Lão Pháp sư dạy chúng ta, Ngài nói: người khác chắp tay với ta, ta thì đảnh lễ họ. Người khác cúi người, gật đầu với ta, thì ta hành lễ với họ. Đó là nói với chính ta: quý vị nhất định phải làm điều tốt hơn cho đối phương, không thể chỉ xem là khẩu hiệu mà thôi.

          Có người nói tôi xem thường người nào đó, thì quý vị đã sai rồi. Trên phương diện đối đãi bình đẳng với chúng sanh, phải nói rằng những năm qua tôi vẫn đang nỗ lực thực hiện. Hiện nay đồng tu xung quanh, có khi cũng nói: tôi đối xử bình đẳng với chúng sanh, không có phân-biệt, không có chấp-trước. Có khi tôi cảm thấy rất đắc ý, nhưng hiện nay đối chiếu với hạnh Phổ Hiền, thì thấy mình còn kém rất xa. Quả thật quá xấu hổ! Tôi nghĩ từ đây trở đi, bắt đầu từ số 0, mà tu hạnh Phổ Hiền, cắm gốc đức hạnh Phổ Hiền ở trong tâm, thực hiện trên hành động.

          Tiếp theo là một đoạn thế này, từ “chư Phật” không những chỉ cho chúng sanh hữu tình, Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. Trong đại Kinh cũng nói “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đây là chỉ chúng sanh hữu tình. Còn chúng sanh vô tình thì sao? Lão Pháp sư nói với chúng ta: hữu tình chúng sanh có Phật tánh, vô tình chúng sanh có Pháp tánh, hai tánh này là một chẳng phải hai. Phật tánh và Pháp tánh là một chẳng phải hai. Cho nên họ là không hai không khác. Vì vậy, không những phải lễ kính đối với tất cả người, mà đối với tất cả sự và vật cũng phải lễ kính, đây mới là hạnh Phổ Hiền thật sự.

          Lão Pháp sư đã nêu cho chúng ta ví dụ thế này, Thiện Tài Đồng Tử trong Kinh Hoa Nghiêm, đã làm ra tấm gương cho chúng ta. Tấm gương gì vậy? Bởi vì trong 53 tham học, 53 vị thiện hữu: có vị xuất gia, có vị tại gia, là 53 vị Bồ-tát thị hiện. Có 5 vị xuất gia, còn lại đều là tại gia, nam nữ già trẻ, các ngành các nghề, có người thiện, có người ác, có người tu chánh pháp, có người tu ngoại đạo, còn có người tu tà đạo. Thiện Tài Đồng Tử đối với 53 vị đó: đều cung kính như nhau. Bất luận là người thiện hay là người ác, thì Phật tánh của họ đều là bình đẳng, Phật tánh không có thiện ác. Cho nên lão Pháp sư nêu ví dụ về Thiện Tài Đồng Tử, nhằm bảo chúng ta: đối với tất cả chúng sanh phải lễ kính bình đẳng.

          Có đồng tu nói: “Cô Lưu à, lúc nãy cô nói với sự  với vật cũng phải lễ kính, vậy làm sao lễ kính đây? Mỗi ngày chúng ta đều khấu đầu với bàn ghế hay sao?” Cách hiểu đó sai lầm rồi. Đối với vật phải lễ kính, vì sao vậy? Bởi vì lúc nãy tôi nói: vật có Pháp tánh. Đối với vật có Pháp tánh, thì rốt cuộc nên lễ kính thế nào? Phải sắp đặt ngay ngắn chỉnh tề, giữ gìn cho sạch sẽ, đây chính là lễ kính.

          Ở đây tôi nói vậy, không phải là nói đùa, có người trong nhà rất là quy củ, chỉnh tề ngay ngắn, thì khi quý vị bước vào xem, cảm giác đầu tiên rất thoải mái, khiến tâm tình của quý vị rất vui vẻ, đó là một loại. Trên thực tế không nhất thiết ngôi nhà này tuyệt đẹp như thế nào, không phải như vậy. Có gia đình rất là đơn giản, không dùng đồ đạc sang trọng, nhưng lại khiến người ta cảm thấy thoải mái. Còn có gia đình: thì bất kể đồ gì đều không đặt vào chỗ cố định, để lung tung lộn xộn. Tôi nhớ, tôi đã từng kể một ví dụ cho mọi người. Tôi gặp một đồng tu học Phật như vầy. Nhà cô ấy thờ một tôn tượng Quan Âm Bồ-tát, chúng ta không nói nhà cô ấy bừa đến mức độ nào, tôi dùng 3 từ để nói tương đối chính xác, đó là “dơ, lộn xộn, bừa bãi”. Không nói nhà của cô ấy thế nào, chúng tôi chỉ nói về: chỗ được gọi là Phật đường, nơi thờ Phật của cô ấy. Cũng không thể gọi là Phật đường được. Cô ấy thờ tượng Quan Âm Bồ-tát trên một cái bàn. Quý vị chú ý, nếu như điều kiện là như vậy, thì không thể bắt bẻ được. Quý vị có thể sắp xếp lại cho gọn gàng ngăn nắp một chút được không? Những miếng giẻ lau dơ, khăn lau mặt, còn quần áo nữa, để lung tung bừa bãi ngay trên bàn đó. Trước mặt Quan Âm Bồ-tát, còn có một sợi dây thép, trên sợi dây thép đó treo những thứ lủng lẳng, khiến người khác nhìn thấy trong lòng cảm thấy ngột ngạt khó chịu.

          Quý vị hoàn toàn có thể bắt tay làm một chút, là có thể dọn dẹp ngăn nắp, lau bàn cho sạch sẽ, đây chẳng phải là lễ kính đối với vật đó sao? Quý vị cũng là lễ kính đối với Bồ-tát. Trước mặt của Bồ-tát mà bày các thứ lung tung lộn xộn như thế, thậm chí ngay cả, nói không dễ nghe, ngay cả tất dơ chưa giặt cũng chất đống ở đó, như vậy là không lễ kính đối với Bồ-tát, đối với đồ vật cũng chẳng lễ kính. Ví dụ như có một lần, tôi nói chuyện với một người tôi quen rất thân, tôi nói: anh dùng cái khăn nào, sau khi dùng xong, vắt xong rồi thì phơi nó lên cho phẳng phiu ngay ngắn không rớt xuống, mắc lên cây móc hoặc là treo trên dây thép cũng được, đằng này để nó nhăn nhúm rồi phơi lên. Tôi nói giống như con cá khô, mỗi một con cứ như vậy cứ mắc lủng lẳng lên trên cây móc. Anh làm như thế, anh là không lễ kính với đồ vật rồi. Việc này chẳng tốn bao nhiêu sức, chỉ nhấc tay thôi, là đã làm được rồi.

          Cho nên có đồng tu hỏi, vậy với đồ vật cũng phải khấu đầu sao? Tôi vừa nói rồi, hiểu như vậy là sai, không phải như vậy. Quý vị yêu quý giữ gìn đồ vật, đó chính là lễ kính. Tôi sẽ nêu thêm một ví dụ khác, ví như nói, chúng ta đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ, vợ chồng già cũng chẳng phải là không có, vợ chồng trẻ thì sinh lực tràn đầy, đôi khi có chút không vui, ấm ức, thì có người bắt đầu động chân động tay rồi, động chân tay: thì nhiều khi lại đập đồ đạc, nào chén đĩa, nào khay mâm, tay vớ phải vật gì thì đập vật đó, sau cùng thì chén cũng nát, dĩa cũng tan tành, có phải vậy không? Vì sao tôi nêu ra ví dụ này? Vì hồi trẻ tôi đã làm rồi. Bởi tôi và ông xã của tôi, nếu một trong hai người cảm thấy bực bội, thì ai cũng chẳng nói vơi ai lời nào. Tôi đã không nói chuyện, thì hai tháng cũng chẳng nói một lời, đây là việc tôi đã làm. Thêm nữa, mỗi khi tức giận đến mức nào đó mà không có chỗ để trút giận thì làm thế nào? Đập đồ. Cho nên chén, dĩa, mâm nhà tôi cũng không đủ để tôi đập. Đập xong rồi thì thế nào? Đến lúc ăn cơm cần đến, thì phải ra tiệm mua thôi. Sau cùng bản thân hiểu ra không được đập đồ nữa. Vì sao vậy? Quý vị đập hết rồi thì quý vị phải đi mua, vậy tức giận chẳng phải rất ngốc sao? Quý vị mua thì phải tốn tiền, chẳng phải lãng phí hết một mớ tiền sao?

         Cho nên ở đây tôi nêu ra ví dụ này, để nói với các đồng tu: nếu vợ chồng trẻ xảy ra mâu thuẫn, hãy mở miệng nói, nhưng tôi không chủ trương mắng người, vì sao tôi đập đồ? Bởi tôi không biết mắng người, tôi không biết đánh người, cho nên hễ nổi giận là tôi đập đồ. Dùng cách này để giải tỏa sự bất xúc trong lòng. Quý vị làm thế là không lễ kính với đồ vật rồi. Quý vị nói chén đó làm quý vị tức giận sao? Cái dĩa đó làm quý vị bực à? Sao quý vị đem chúng đập hết vậy? Có phải vậy không? Sao mà vô lý vậy!

          Cho nên lễ kính với đồ vật chính là sắp xếp ngăn nắp và giữ gìn sạch sẽ, đây là lễ kính với đồ vật. Có người hỏi: vậy đối với sự việc cũng lễ kính sao? Sự việc đâu có hình dáng giống như đồ vật, cái ghế cái bàn, nồi niêu chén dĩa, đều có hình dạng, còn sự việc thì không có hình dạng, thì làm sao cung kính đây? Cần phải chăm chỉ trách nhiệm, tận tâm tận lực, làm cho tốt công việc và phận sự của mình. Đó chính là sự cung kính đối với việc,. Quý vị không có trách nhiệm, làm qua loa cho xong, như vậy là không cung kính đối với việc.

          Ở nơi đây, tôi cũng muốn nói một điều, là phải nhập gia tùy tục. Việc lễ kính này phải tùy theo phong tục. Trước đây tôi đã nêu một ví dụ, có một lần tôi từ Hồng Kông đi Quảng Châu. Đồng tu Hồng Kông tiễn tôi và Cư sĩ Điêu, vài người chúng tôi đến nhà ga, ngồi tàu hỏa, đi bằng xe lửa. Sau khi đến nhà ga, nhà ga có một dãy lan can, sau đó chính giữa có một cánh cửa, chúng tôi phải bước vào cửa đó, rồi mới được soát vé cho lên tàu. Bên ngoài lan can, là những đồng tu Hồng Kông tiễn chúng tôi. Kết quả ở bên ngoài cửa, đồng tu Hồng Kông cùng với Cư sĩ Điêu cứ niệm “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, người này cúi đầu chắp tay với người kia. Ở cửa lúc đó, vì còn có những hành khách khác, họ cũng cần qua cánh cửa đó. Còn họ cứ ở đó hành lễ với nhau, cúi đầu với nhau, cứ niệm A Di Đà Phật. Tôi thấy việc này gây chú ý cho mọi người, những người kế bên nhìn thấy, đều thắc mắc không biết đám người này làm gì thế? Có thể cho rằng chúng tôi là người bệnh tâm thần.

         Sau đó tôi nhanh chóng kéo Cư sĩ Điêu lại, tôi nói: “Được rồi, được rồi,  mau vào trong đi”. Tôi kéo tay rồi đẩy cô ấy đi vào trong. Sau đó các đồng tu Hồng Kông đều cười. Lúc sau tôi nói với Cư sĩ Điêu: “Việc này không đúng, đang ở nơi công cộng mà. Sự việc gặp phải lần này, lần sau chúng ta phải lưu ý đến”. Chỉ cần đơn giản nói  tạm biệt “A Di Đà Phật” là được rồi, không được cứ ôm ấp lôi kéo, rồi niệm A Di Đà Phật riết như thế được, đôi bên cứ cúi đầu hành lễ. Như vậy không phải là nhập gia tùy tục rồi. Quý vị làm ảnh hưởng đến trật tự nơi công cộng rồi, phải vậy không? Tôi còn nhớ, một lần tôi ra nước ngoài.

          Lúc ở phi trường đợi bay. Lúc đó lão Pháp sư chúng ta đang ngồi trên ghế, thì lúc đó, có vài người, tôi đoán có thể là người học Phật. Sau khi nhìn thấy lão Pháp sư, họ đồng loạt quỳ xuống đảnh lễ ngài. Lão Pháp sư lập tức nói “xá lễ thôi, xá lễ thôi”, thực tế họ đã quỳ xuống, bắt đầu lạy rồi, lão Pháp sư cũng không có cách nào. Sư phụ liền nói “một lạy thôi, một lạy thôi”. Nhưng những người này một lạy không chịu, phải lạy ba lạy.

          Sau đó lão Pháp sư nói với chúng tôi: những việc như thế rất không phù hợp, vì đang ở đại sảnh sân bay, ở những nơi công cộng, không thể làm như thế. chúng ta cần ghi nhớ Việc này, ở trong nơi nào, cần dùng lễ tiết nào, thì quý vị phải biết. Quý vị không được làm quá lố, phải vậy không? Nhập gia phải tùy tục, như vậy mới đúng. Nếu quý vị làm quá mức rồi, nói “tôi lễ kính mà”, thì đó là quá lố, không thể gọi là lễ kính, phải vậy không? Ở đây tôi nói với mọi người một chút. 

          Đó là nguyện thứ nhất. Nguyện thứ hai “xưng tán Như Lai”. Xin phân biệt rõ, thứ nhất là “lễ kính chư Phật”, thứ hai là “xưng tán Như Lai”. Vì sao từ “chư Phật” đổi thành “Như Lai” ? Là có ý nghĩa rất sâu sắc. “Chư Phật” là từ hình tướng mà nói, còn “Như Lai” là dựa trên tánh đức mà nói.

          Ví dụ như trong Kinh Kim Cang, có khi gọi là “chư Phật”, có khi gọi là Như Lai, rất nhiều người không hiểu, hỏi vì sao như thế? Vì sao lúc gọi thế này lúc gọi thế kia? Lần này tôi giảng đến đây, mọi người liền hiểu rõ. Phàm xưng là “chư Phật”, đều là dựa vào tướng mà nói, còn xưng “Như Lai”, đều là dựa vào tánh mà nói. Do vậy mà biết, về mặt hình tướng, chúng ta cần phải cung kính như nhau, nhất định không được có phân-biệt chấp-trước. Nhưng xét sự khai hiển của tánh đức, thì thật có phân biệt mê ngộ. Cho nên giữa xưng tán và lễ kính mới khác biệt. Mọi người nghe có hiểu không? Một đằng nói trên tướng, một đằng nói trên tánh, hai cách có sự khác biệt.

          Trong 53 lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử, chúng ta có thể thấy được, những vị tương ứng với tánh đức, thì Phổ Hiền Bồ-tát liền xưng tán, vị không tương ứng với tánh đức, thì Phổ Hiền Bồ-tát lễ kính nhưng không tán thán. Ví dụ như: Bà-la-môn Thắng Nhiệt, ông đại biểu cho ngu si, Thiện Tài đối với ông lễ kính nhưng không tán thán. Cam Lộ Hỏa Vương tâm sân hận lớn, tâm báo thù nặng, Thiện Tài đối với ông lễ kính nhưng không tán thán. Phạt Tô Mật Đa là kỹ nữ, Thiện Tài đối với cô có lễ kính, nhưng không tán thán. Đây là 3 vị trong 53 tham học. Duy chỉ có ba vị này không có tán thán, còn những vị khác đều tán thán. Nói rõ điều gì? Vì sao tán thán lại dùng từ Như Lai mà không dùng “chư Phật”? Lão Pháp sư nói với chúng ta: “thiện” phải tương ứng với Chân-tánh. Chính là thiện phải tương ứng với Bản-tánh, quý vị tương ưng với Chân-tánh, mới đáng được tán thán. Nếu không tương ứng với tâm tánh, không tương ứng với Phật Pháp Đại thừa, đều không được tán thán. Cho nên về sau chúng ta cần chú ý khi nào chúng ta lễ kính, khi nào tán thán, nhất định phải nắm chắc nguyên tắc này.

          Lão Pháp sư từ bi, vì chúng ta mà nêu lên những ví dụ này để nói rõ. Ngài nói: Hiện nay Phật giáo ở Đài Loan, làm rất nhiều sự nghiệp từ thiện cứu trợ, rất rộng lớn. Lão Pháp sư nói rằng trong quá trình ngài giảng Kinh: trước giờ chưa từng tán thán điều này. Khi đó tôi nghe điều này, xem thấy điều này, thì tôi có thắc mắc, sao lại như vậy? Làm công tác từ thiện chẳng phải là điều tốt sao? Vì sao không tán thán? Sư phụ giải thích như sau. Ngài nói sự nghiệp từ thiện tuy là thiện pháp, nhưng vì sao tôi không tán thán? Bởi đó là thiện pháp của thế gian, không phải Phật pháp Đại thừa. Ở đây ngài nói thiện pháp này là thiện pháp của thế gian, không phải thiện pháp của Đại Thừa. Nói rằng: nếu chúng ta đối với thiện pháp của thế gian càng tán thán, nói cách khác, có thể sẽ làm mọi người hiểu nhầm: đấy là Phật pháp. Lão Pháp sư trả lời như vậy. Ngài nói: Nếu là như vậy, thì cũng là dẫn dắt chúng sanh sai đường, đây là sai lầm lớn. Ví như trường học thì có các cấp Tiểu học, Trung học, Đại học, sự nghiệp của trường học là gì? Là dạy học. Nếu dạy học có thành tích, thì chúng ta nên tán thán, nếu trường học thỉnh thoảng làm công tác từ thiện cứu trợ xã hội một lần, thì cũng đáng được chúng ta tán thán. Tuy nhiên nếu với tư cách một trường học, mà xao lãng việc dạy học, thầy cô không dạy học, học sinh không học tập, mỗi ngày ra xã hội làm công tác từ thiện, quý vị nghĩ xem chúng ta có nên tán thán hay không? Bởi vì họ bỏ đi bổn phận và sự nghiệp của chính mình. Việc này chúng ta không được tán thán, tán thán nhất định cần phải tương ưng với Tánh đức.    Bổn phận của Phật pháp là gì? Là gia nghiệp của Như Lai, gia nghiệp của Như Lai là hoằng pháp lợi sanh, phổ độ chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ. Nếu lìa khỏi điều này, thì lão Pháp sư gọi đó là “không làm chánh nghiệp”. Lý niệm này, chư vị đồng tu hiểu được hay không? Tiếp nhận được hay không? Chúng ta khi nào nên lễ kính, khi nào nên tán thán, lão Pháp sư đã nêu ra ví dụ rõ ràng cho chúng ta rồi. Chúng ta phải chăng nên nghe cho hiểu. Ví dụ như: Chùa viện và am đường trước đây đều là cơ cấu giáo dục của Phật pháp. Chúng ta xem trong Đại Kinh thấy được: chùa Phật mỗi ngày đều có hai thời giảng Kinh, hai thời tu hành. Hai thời ấy, chúng ta hiện nay nói là 8 giờ đồng hồ. Hai thời chính là 8 giờ hiện nay. Quý vị nghĩ xem: trong chùa có 8 giờ giảng Kinh, 8 giờ tu hành. Tu hành cũng không ngoài hai loại lớn: một là tham thiền, hai là niệm Phật, đó là tu hành. Những người niệm Phật, mỗi ngày ở trong niệm Phật đường niệm Phật 8 giờ. Ở phòng giảng Kinh nghe giảng 8 giờ, còn lại tám giờ để nghỉ ngơi, 8 lần 3 là 24 giờ. 24 giờ được chia ra như thế, thế nên người tu hành thời đó không có thời gian để khởi vọng niệm. Cho nên Đạo Tràng của Phật giáo là tự viện. Tự viện là cơ cấu giáo dục. Chúng ta xem tình hình hiện nay: chùa chiền đã trở thành điểm tham quan du lịch rồi. Có phải như vậy không? Cho nên đã đánh mất bổn lai diện mục của cơ cấu giáo dục rồi.

        Lão Pháp sư nói với chúng ta: chùa và miếu không giống nhau. Miếu là gì? Là nơi cúng tế quỷ thần. Chúng ta hiện nay hoàn toàn đem chùa và miếu nhập lại làm một, chùa cũng là miếu, miếu cũng là chùa. Hiện nay những nơi được gọi là chùa không còn nhiều nữa. Tấm biển đề ghi là chùa gì đó, nhưng mọi người đều nói: đến miếu lớn, đến miếu lớn nào đó, đều nói như vậy. Rất nhiều nơi đem việc cúng tế quỷ thần của miếu, cũng trộn chung vào chùa, đây là một cách làm sai lầm, đó vốn là nơi giao lưu với quỷ thần, hiện nay chùa và miếu đều bị nhầm lẫn là một, đây cũng là điều bi ai nữa của Phật giáo.

          Chùa Phật là cơ cấu giáo dục để giáo dục giáo hóa chúng sanh. Chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng, nếu bỏ việc tu học, bỏ việc dạy học, thì chính là quên đi gốc rồi. Cho nên không được tán thán. Ở đây lúc nào nên tán thán, lúc nào không tán thán, tôi cảm thấy lão Pháp sư đã nói cho chúng ta rất rõ ràng rồi. Nếu chúng ta tán thán không đúng, thì sẽ khiến một số người đối với Phật giáo có cái nhìn sai lầm, có thể họ cho rằng đây chính là Phật giáo, thực tế đó không phải là Phật giáo.

          Việc xưng tán tương đối không dễ, khó tu hơn lễ kính, vì sao vậy? Bởi vì cống cao ngã mạn thì hầu như người nào cũng có, không hay không biết mà hiện hình. Đây chính là phiền-não tập-khí sẵn có từ vô thủy kiếp đến nay, nhất định phải đoạn trừ nó. Lễ kính là để đoạn trừ kiêu mạn, học khiêm tốn, học cung kính, bất luận về mặt ngôn ngữ, hành vi, khởi tâm động niệm đều phải nghiêm túc tu học. Xưng tán nhất định phải có trí huệ, nhất định phải có trí huệ, có trí huệ mới phân biệt được tà chánh, phân biệt đúng sai. Nếu là chánh pháp, là thiện pháp, thì chúng ta tán thán, nếu có thiên lệch có tà vạy, thì chúng ta tuyệt đối không được tán thán.

          Thời gian hôm nay đã hết, tiết học này xin giảng đến đây thôi, ngày mai tiếp tục giảng tiếp phần sau, cảm ân mọi người! A Di Đà Phật.

(Hết tập 5)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh-độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tức phát Bồ đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

 

 

Trả lời 0