PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH,
BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.
Tập 6
Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân
Giảng ngày 16/3/2018
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn
Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang
Diễn đọc: Kiều Hạnh
Chư vị đồng
tu tôn kính, xin chào mọi người. A Di Đà Phật.
Buổi học
hôm nay, sẽ giảng nguyện thứ ba “quảng tu cúng dường”, trong Thập Đại Nguyện
Vương của Phổ Hiền Bồ-tát. Việc cúng dường này, đối với những đối tượng khác
nhau thì có cách nói khác nhau. Ví dụ như: đối với trưởng bối, thì gọi là cúng
dường. Nếu đối với người ngang hàng hoặc hàng hậu bối, thì gọi là bố thí. Trước
đây chúng ta không chú ý đến chi tiết này lắm.
Mục đích của
bố thí là gì? Là phải nhổ bỏ gốc rễ của phiền-não. Bố thí là mong đạt đến mục
đích này. Phật nói phiền-não của phàm phu là vô lượng vô biên, quy nạp lại là
84 ngàn loại. Vì 84 ngàn loại này quá phức tạp, nên đã quy nạp 84 ngàn loại này
thành 108 loại. 108 loại này cũng quá phức tạp, tiếp tục quy nạp, quy nạp thành
26 loại phiền-não. 26 loại phiền-não này, có 6 phiền-não-căn-bản, có 20 tùy-phiền-não.
Danh từ này tương đối mới lạ. 26 phiền-não này, tiếp tục được quy nạp, thì quy
nạp thành tam độc: tham, sân, si. Nếu đem tam độc: tham sân si, mà quy nạp tiếp,
thì sau cùng còn là “tham”. Bởi vì tâm tham là độc nhất, bố thí để đối trị
tham. Bất luận tu tông phái nào, tu Pháp-môn nào, nếu không đoạn tham sân si,
thì quý vị không thể nào ra khỏi lục đạo luân hồi.
Có người
nói “tôi không tham thế pháp, tôi tham Phật pháp được không?” Không được, quý vị
tham Phật pháp cũng không được, cũng không ra được lục đạo luân hồi.
Trong cuộc
sống, chúng tôi đã gặp trường hợp thực tế như sau, có người vì tham Phật pháp
mà đi vào đường ngạ quỷ, đây là người thật việc thật, đồng tu chúng ta có lẽ
cũng biết.
Cho nên
nói: phạm vi cúng dường rất rộng, bao gồm tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và
vị lai, đều ở trong cúng dường này. Chư Phật vị lai là ai? Tôi nhớ tiết học trước
đã nói: “Phật tức chúng sanh”, chính là chúng sanh.
Hiện nay nói
đến cúng dường, tôi cảm thấy rất nhiều đồng tu: dường như có sự hiểu lầm. Vì
sao vậy? Có đồng tu rất giàu có, trong tay có tiền, nhưng họ không biết sử dụng
tiền sao cho hiệu quả? Cũng chính là nói: khi biết dùng số tiền này, thì có thể
đem tài sản này, phát huy đến hiệu quả cao nhất; khi không biết dùng số tiền
này, thì không thể đem tài sản của họ phát huy đến mức cao nhất được. Thậm chí
có trường hợp, bởi vì có quá nhiều tiền, mà tạo rất nhiều tội nghiệp.
Cho nên
lão Pháp sư nói: “có tiền là phước, dùng tiền là trí huệ”. Có hai cấp độ: có tiền
là phước, dùng tiền là trí huệ. Hiện nay có bao nhiêu người biết cách dùng tiền?
Cho nên
người thật sự có trí huệ, là phải đem tài sản trong tay họ, sử dụng làm sao, mà
làm việc lợi ích cho khắp cả trời người.
Thế nào là
lợi ích khắp cả trời người? Chính là khiến cho tất cả đại chúng: đều có được lợi
ích chân thật, giống như Kinh Vô Lượng Thọ nói “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi
lợi”. Thế nào là “lợi ích chân thật của chúng sanh”? Chính là liễu sanh tử,
thoát luân hồi.
Nếu quý vị
có thể đem tài sản trong tay mình sử dụng được như thế, giúp đỡ chúng sanh liễu
sanh tử, thoát luân hồi, thì quý vị thực sự đã phát huy tài sản đến hiệu quả
cao nhất.
Trước đây
có vị Đại Từ Bồ-tát nói rằng: “Nếu đời này, quý vị có thể khuyên hai người tu học
Tịnh-độ, đồng thời hai người này đều vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, thì đến khi
quý vị lâm chung, hai người này nhất định sẽ đến đón quý vị, quả báo thật chẳng
thể nghĩ bàn. Nếu quý vị có thể khuyên được trăm người ngàn người: vãng sanh Thế
Giới Tây Phương Cực Lạc, thì quý vị chính là Bồ-tát”. Cho nên nói với chúng ta:
“Trong tất cả sự cúng dường thì cúng dường Pháp là đệ nhất”, trong bố thí Pháp,
thì hoằng dương Kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất. Cho nên vấn đề này, chúng ta nhất
định phải nhận thức rõ ràng.
Tại trong
đây, tôi muốn nói đến hai nội dung, đó là vấn đề ăn chay và phóng sanh. Bởi vì
đều liên quan đến việc bố thí, liên quan đến cúng dường, cho nên chúng ta trong
cuộc sống hằng ngày, rất thường gặp hai vấn đề này. Như nói về ăn chay, có đồng
tu chúng ta, hễ gặp người thì khuyên họ ăn chay. Quý vị khuyên người kiêng giết,
phóng sanh, là điều tốt. Thế nhưng nếu người ấy vẫn chưa vào cửa Phật, hoặc là
mới vừa vào cửa Phật, họ đối với Phật Pháp vẫn chưa hiểu sâu, mà quý vị liền
khuyên họ ăn chay ngay lập tức, như vậy không được, quý vị làm vậy sẽ khiến họ
sợ hãi, sẽ khiến họ dội ngược ra ngoài cửa Phật. Vấn đề ăn chay này, đợi sau
khi họ bước vào cửa Phật, dần dần khi cơ duyên thành thục rồi, thì họ tự nhiên
sẽ ăn chay. Việc này không phải do quý vị động viên, mà giải quyết được vấn đề
đâu.
Vấn đề còn
lại liên quan đến phóng sanh. Rất nhiều đồng tu nhiều lần nhắc đến: phóng sanh
thế nào là như lý như pháp? Trước tiên tôi xin nói đến hình thức phóng sanh mà
tôi đã tiếp xúc. Các đồng tu chúng ta ở thành phố Cáp Nhĩ Tân phóng sanh, thường
như thế này, chính là trước tiên đến chợ bán chim cá để đặt trước. Bởi vì trước
khi đại sư huynh của tôi vãng sanh, mỗi năm đều dẫn chúng tôi đi phóng sanh,
chính là dùng cách thức đó. Trước hai ba ngày thì đến chợ bán chim cá, tìm chỗ
bán cá chạch, bán chim; hẹn trước với họ, khi nào thì tôi cần bao nhiêu cá, cần
bao nhiêu chim. Sau đó đến thời gian đã hẹn, chúng tôi đem những con chim và cá
đó mang đến sông Tùng Hoa phóng sanh.
Tôi cho rằng
cách phóng sanh này không phù hợp lắm. Bởi vì sao? Thứ nhất quý vị hẹn với họ,
như vậy chẳng khác nào: bảo với họ đi bắt chim bắt cá. Bởi vì họ làm để kiếm tiền
mà! May mắn lại có một khách hàng lớn đến mua, nên họ sẽ cố hết sức bắt chim,
sau đó đi bắt cá. Cho nên cách phóng sanh này phải chăng không được như lý như
pháp?
Điều thứ
hai tôi cho rằng rất không như lý như pháp là ở chỗ nào? Chính là có người bán
chim, họ vì để tiết kiệm lồng chim, giảm bớt công cụ, nên trong một lồng không
lớn lắm, mà nhốt vào đầy chim nhỏ, không có chỗ cho chúng động đậy, làm con này
giẫm lên con kia. Sau đó đến chỗ phóng sanh, còn phải làm một màn nghi thức, mọi
người đều biết đến: nghi thức phóng sanh. Nghi thức phóng sanh này, kể từ lúc bắt
đầu cho đến khi kết thúc, thời gian không ngắn, cụ thể là thời gian dài bao
lâu, tôi thật sự chưa tính qua, nhưng tôi cảm thấy thời gian rất dài.
Trong quá
trình này, chim trong lồng nhỏ ấy, rất nhiều đều bị giẫm đạp chết, ngột ngạt chết.
Đợi đến lúc quý vị phóng sanh, thì không ít con đã chết rồi, quý vị thấy chúng
ta phóng sanh vậy, phải chăng không có ý nghĩa thực tế? Ở miền Nam phóng sanh
thế nào, tôi không biết lắm, nhưng cách phóng sanh của người miền Bắc chúng ta,
thì tôi thật sự không tán thành.
Phóng sanh
như thế nào là như lý như pháp? Ví dụ như: khi quý vị đi chợ mua đồ đạc, gặp những
con cá đang còn nhảy tanh tách, quý vị phát tâm từ bi, mua chúng rồi đem đi thả.
Tôi nhớ lão Pháp sư đã từng nói: “Đối với việc phóng sanh, những con nào có thể
sống, quý vị thả, như vậy mới có ý nghĩa thực tế”. Nếu chúng đã sắp chết, quý vị
mua rồi đi thả, chúng không sống được, quý vị làm như vậy không phải là phóng
sanh. Cho nên chúng ta phóng sanh, cố gắng đừng làm hình thức. Phật pháp chẳng
phải là trọng thực chất không trọng hình thức đó sao? Chúng ta phóng sanh, cũng
phải trọng thực chất chứ không trọng hình thức.
Có khi
tình huống phóng sanh, cũng khiến người bực mình tức giận. Vì sao vậy? Tôi nhớ
có một lần vào dịp sinh nhật của cháu gái tôi, tôi đã nói với nó rằng “Hà Hà ơi!
Bà nội dắt con đi phóng sanh, đi không con?”. Đứa trẻ còn nhỏ, lúc đó độ chừng
4-5 tuổi, nó rất vui. Sau đó chúng tôi đến chợ bán chim cá, nó mang theo một
cái thùng nhỏ màu đỏ, mua được một thùng cá chạch nhỏ, sau đó tôi lấy một thùng
lớn. Hai người chúng tôi mang một thùng lớn và một thùng nhỏ, hai thùng cá chạch,
chúng tôi đến sông Tùng Hoa phóng sanh.
Như thường
lệ chúng tôi phóng sanh, đều thuê một chiếc thuyền lớn, sau đó đem thùng chim
và cá lên trên thuyền. Khi thuyền chạy đến giữa sông, chúng tôi đổ cá chạch đó
xuống sông. Vì sao phải làm như vậy? Vì muốn ngăn người khác bắt cá. Quý vị ra
giữa sông rồi mới thả, họ sẽ không dễ bắt được.
Bởi vì tôi
dẫn theo trẻ nhỏ, nên tôi tìm một chỗ mà tôi cho khá là phù hợp bên sông Tùng Hoa.
Tôi nói “Hà Hà và bà nội phóng sanh ở đây nhé!” Đứa bé đương nhiên rất là vui mừng,
hai người chúng tôi đem cá chạch thả ở nơi đó. Nơi đó giống như một xoáy nước
nhỏ, đã thả cá ở đó. Sau đó nhìn từng con cá bơi ra bên ngoài, đứa bé hết sức
vui mừng.
Phóng sanh
là một việc tốt, nhưng có khi quý vị lại gặp người, mà quý vị không hiểu tại
sao họ lại làm vậy. Sau đó những con cá ấy, vẫn chưa hoàn toàn bơi đi hết, thì
tôi cùng cháu gái vào trong bờ. Vừa quay đầu lại, thì cháu gái hét toáng lên:
“Nội ơi! Bọn họ bắt cá của chúng ta kìa!” Tôi vừa nhìn thì thấy có hai người
chèo thuyền đến, thực tế chỗ nước xoáy đó, là họ giăng lưới từ trước rồi, nhưng
chúng tôi không biết. Sau họ thấy chúng tôi thả cá, họ chỉ mong sao chúng tôi rời
khỏi chỗ đó, để họ kéo lưới lên. Kết quả chúng tôi vừa lên bờ, thì hai người họ
đến, kéo toàn bộ tấm lưới lên. Khi kéo lên, thì đương nhiên cá đều nằm trọn
trong đó. Cháu gái của tôi đã khóc lên: “Nội ơi! Họ bắt cá của chúng ta, phải
đòi lại thôi.” Sau đó tôi đã thương lượng với hai người họ. Tôi nói “các anh
xem đứa trẻ khóc rồi, xin các anh đừng bắt cá đi, hãy thả ra được không?” Hai
người đó cảm thấy áy náy, sau đó đã đổ cá xuống sông lại.
Cho nên có
những lúc chúng ta phóng sanh, thật sự phải suy xét đến hiệu quả thực tế, chúng
ta là đang phóng sanh hay không? Sau khi phóng sanh, chúng sống được hay không?
Đây là một ví dụ. Còn có, tôi nghe bạn học Phật nói: có người tìm rất nhiều rắn,
trong đó có rắn độc. Họ đi tới quận A Thành, đến A Thành, chỗ đó có núi. Họ đem
rắn đó thả vào trong núi đó. Sau đó tôi nghe: ở nông thôn, người phải lên núi,
phải làm rẫy hoặc lấy sản vật. Kết quả những con rắn độc này có thể đã làm hại
người. Quý vị nói phóng sanh kiểu này, có phải là phóng sanh không? Rắn được
phóng sanh, còn người thì sao? Sự an toàn của người không được đảm bảo.
Còn có một
kiểu phóng sanh, là phóng sanh cáo nuôi, không phải loài cáo hoang dã mà là cáo
nuôi. Sau khi nuôi lớn đến một mức nhất định, người học Phật chúng ta dù sao
cũng có lòng tốt, không muốn những con cáo nhỏ đó bị người ta lột da, làm khăn
choàng cổ hay làm quần áo gì đó, đã phát tâm từ bi, sau đó mua những con cáo nhỏ
ấy, đem thả trong núi sâu. Kết quả những con cáo đó bởi vì là cáo nuôi, chúng
chưa từng sống trong tự nhiên. Tôi nghe họ kể: sau khi phóng sanh những con cáo
đó, chúng rất là hoảng sợ, không biết đi đâu cả, không biết chạy chỗ nào, không
biết nên làm như thế nào.
Mọi người
nghĩ xem, quý vị phóng sanh như vậy có ý nghĩa thực tế hay không? Những con cáo
đó đi vào trong rừng sâu, nếu không bị những động vật lớn ăn thịt, thì chúng
cũng đói chết, bởi vì bản thân chúng không biết tìm thức ăn. Cho nên kiểu phóng
sanh như vậy, phải chăng là chẳng như lý như pháp?
Có khi
chúng ta tình cờ gặp được, quý vị vì tâm từ bi, mà quý vị mua đem về, sau đó
quý vị đem đi phóng sanh, như vậy là như lý như pháp nhất.
Đây liên
quan đến phần phóng sanh và ăn chay. Xin bổ sung hai câu đó.
Lại nói,
tu cúng dường. Tu cúng dường, cách cúng dường thế nào? Thật sự đáng để chúng ta
nghiên cứu thảo luận kỹ lưỡng. Trong nhiều năm qua, tôi nghe lão Pháp sư Tịnh
Không giảng Kinh thuyết Pháp, có hai điều tôi chưa từng nghe qua. Điều thứ nhất
lão Pháp sư chưa bao giờ khuyên người xây đạo tràng. Tôi chưa từng nghe một lần
nào. Mọi người nghĩ xem: quý vị nghe Sư phụ giảng Kinh lâu năm như thế, quý vị
có nghe Sư phụ khuyên người lập Đạo tràng hay không? Tôi trước giờ chưa từng
nghe qua. Thứ hai, lão Pháp sư từ trước giờ không khuyên người cúng dường Pháp
sư.
Đây là hai
điều ấn tượng đặc biệt sâu sắc của tôi. Bởi vì tôi khá chú ý đến hai điều này,
bởi vì tôi không hiểu rõ. Tôi nghĩ không được làm sai. Bởi vì Sư phụ có lời dạy
như thế, nên về phương diện này tôi rất là thận trọng.
Có Pháp sư
vốn có hoằng nguyện rộng lớn, nhưng vì cách thức và phương pháp cúng dường của
chúng ta không đúng, đem “tứ sự cúng dường” biến thành “sự sự cúng dường”, cho
nên đã hại rất nhiều Pháp sư.
Chúng ta tựa
hồ như đang làm việc tốt, đang cúng dường Pháp sư, nhưng thật ra chúng ta đang
tạo tác ác nghiệp, đã hại Pháp sư rồi. Vì vậy, việc cúng dường nhất định phải
có trí huệ, cúng dường không có trí huệ, thì quý vị là tạo tội nghiệp.
Lời nói
này của tôi, không biết có bao nhiêu đồng tu có thể tiếp nhận? Quảng tu cúng dường
phải có trí huệ cao độ, không có trí huệ thì tốn tiền tạo nghiệp. Những Đạo
tràng, có nơi tu Phật đạo, tu Bồ-tát đạo, đó là Đạo tràng chánh pháp. Nhưng có Đạo
tràng: tu ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo, súc sanh đạo. Cùng đồng là đạo nhưng có
chánh đạo, có được bao nhiêu người tu chánh đạo? Có bao nhiêu Đạo tràng là Đạo
tràng chánh Pháp? Cho nên phải nhận thức rõ ràng, chúng ta phải nhận thức chính
xác vấn đề cúng dường này. Cúng dường như thế nào là đúng, cúng dường như thế
nào là không đúng.
Cách đây
vài ngày tôi gặp một sự việc, khiến tôi rất cảm động và khâm phục. Sự việc gì vậy?
Cách đây vài ngày tôi gặp hai vị Pháp sư, cũng là do một cơ duyên nào đó, mà
tôi gặp được hai vị Pháp sư. Khi đó có đồng tu nhắc tôi rằng: gặp Pháp sư thì
phải cúng dường. Tôi nghĩ “vậy thì cúng dường”. Cho nên tôi đã chuẩn bị một ít
tiền cho hai vị Pháp sư. Bởi vì tôi cũng chẳng cúng dường nhiều tiền cho Pháp
sư, tôi đâu có nhiều tiền, tôi cho rằng một chút tâm thành ý là được rồi.
Những đồng
tu ở bên cạnh tôi, cũng chuẩn bị cúng dường hai Pháp sư đó. Nhưng khi chúng
tôi: cúng dường tiền cho quý ngài, thì hai vị Pháp sư đó đều không nhận một đồng.
Có đồng tu có thể nói rằng: “có phải cô giáo Lưu bủn xỉn quá không, cô có thật
lòng cúng dường không?” Tôi có thể nói rằng: tôi thật tâm cúng dường.
Nhưng hai
vị Pháp sư kiên quyết: không nhận sự cúng dường của các đồng tu chúng tôi. Sau
khi hai vị Pháp sư đi rồi, trong tâm của tôi đối với hai ngài hết sức cung
kính. Không phải vì quý ngài không nhận tiền cúng dường của tôi, nên tôi tôn
kính quý ngài, mà là hành vi và hành động của quý ngài, khiến tôi cảm động. Nếu
lúc đó, quý ngài nhận tiền, thì cũng chẳng có gì để nói, bởi vì các Cư sĩ chủ động
cúng dường mà. Lúc đó tôi cũng cảm thấy rất ngại, tôi nói đi nói lại với Pháp
sư rằng: “Đây là một chút lòng thành của chúng con, xin hai ngài thâu nhận
cho”. Hai Pháp sư nói: trước giờ chưa từng nhận tiền cúng dường của bất kỳ ai.
Chỉ câu nói này, đã khiến tôi rất là cảm động. Pháp sư như vậy, hiện nay không
có nhiều.
Trong đoạn
này, tôi nói về đại nguyện thứ ba: “Quảng tu cúng dường”.
Tiếp theo
nói về đại nguyện thứ tư: “Sám hối nghiệp chướng”.
Ở phần trước
tôi đã nói ba điều là: Lễ kính chư Phật, Xưng tán Như Lai, Quảng tu cúng dường.
Ba điều này đều là tu phước. Phật pháp xem trọng tu phước, học Phật không thể
không có phước báo, nhưng cũng không thể không tu huệ. Phật pháp đề xướng “phước
huệ song tu”, tức là vừa phải tu phước vừa phải tu huệ, bình thường chúng ta rất
xem trọng “phước huệ song tu”.
Lão Pháp
sư nói: “Người có phước báo lớn, thì tạo nghiệp lớn; Người có phước báo nhỏ thì
tạo nghiệp nhỏ, hoặc là tạo nghiệp ít”. Vì sao vậy? Vì phước báo họ lớn, thì
năng lực lớn, nên có khi tạo nghiệp khá nhiều và khá rộng. Người phước báo nhỏ,
họ không có điều kiện lớn như thế, nên khả năng họ tạo nghiệp tương đối nhỏ
hơn.
Hiện nay,
nếu muốn tu huệ, thì làm thế nào? Trước tiên phải sám trừ nghiệp chướng. Thế
nào là nghiệp chướng? Chúng ta trước tiên phải hiểu cho rõ. Nếu quý vị không biết
nghiệp chướng là gì, thì quý vị làm sao sám trừ nghiệp chướng được. Giống như
thông thường chúng ta nói “bắt kẻ trộm”, quý vị phải biết ai là kẻ trộm, thì
quý vị mới bắt được kẻ trộm đó, phải vậy không? Nếu quý vị không biết ai là kẻ
cắp, thì quý vị bắt ai đây? Dù quý vị bắt, cũng là bắt nhầm. Nghiệp chướng
chính là như vậy, chúng ta trước tiên phải biết nghiệp chướng là gì, rồi mới
nói làm thế nào tiêu trừ nghiệp chướng.
Thế nào gọi
là nghiệp chướng?
Những gì
chướng ngại sự hiển lộ đức năng vốn có của Tự-tánh chính là nghiệp. Nghiệp này
từ đâu đến? Là từ tạo tác mà đến. Giải thích một cách rõ hơn đó chính là làm việc,
quý vị làm việc chính là đang tạo tác. Khi quý vị làm thì đó gọi là “sự”, sau
khi quý vị làm xong thì gọi là “nghiệp”. Kết hợp lại gọi là “sự nghiệp”. Thông
thường chúng ta nói “sự nghiệp thành công, sự nghiệp hoàn thành”, đó là nói từ
phương diện khác. Ở đây chúng tôi nói thế nào là nghiệp chướng? Trong lúc đang
tạo tác thì gọi là sự, làm xong việc rồi kết quả phía sau gọi là nghiệp. Vậy
chướng là gì? Bởi vì có nghiệp, nên mới sinh ra chướng ngại, nghiệp này là do
chính quý vị tạo ra. Quý vị khởi tâm động niệm, ngôn ngữ việc làm đều là nghiệp.
Cho nên nghiệp này đã chướng ngại trí huệ vốn có của quý vị, chướng ngại đức
năng của quý vị, chướng ngại tài nghệ của quý vị. Những thứ này: đều là vốn sẵn
trong có Tự-tánh của quý vị, vì sao không thể hiển hiện ra được? Là do nghiệp của
quý vị chướng ngại.
Nếu chúng
ta muốn thật sự nhận thức rõ ràng: thế nào là nghiệp chướng, thì phải tìm ra
nó, sau đó mới tiêu trừ nó. Bắt đầu làm từ đâu? Nếu chúng ta nghe hiểu rõ rồi,
từ nay trở đi, không tạo nghiệp nữa, thì mới mong tiêu trừ nghiệp chướng. Từ
nay trở đi, không tạo nghiệp nữa, thì nghiệp chướng mới có hy vọng được tiêu trừ.
Nhưng có
thể làm được không? Chúng ta không làm được. Chúng ta mỗi ngày hô “tiêu trừ
nghiệp chướng!”, nhưng mỗi ngày vẫn tạo nghiệp chướng, quý vị nói làm sao tiêu
trừ nghiệp chướng, làm sao sám trừ được.
Làm sao
đây? Làm sao tiêu trừ nghiệp chướng này? Đoạn tất cả ác. Tiếp theo tôi không
nói tu tất cả thiện. Tôi nói như vầy: đoạn tất cả ác, nhưng cũng không thể chấp-trước
vào tất cả thiện. Hai mặt thiện ác đều không chấp-trước, chính là Trung đạo.
Tôi vừa
không chấp vào thiện vừa không chấp vào ác, làm sao đây? Tu điều gì? Tu Tịnh
nghiệp. Ác là ác nghiệp, thiện là thiện nghiệp, tạo ác nghiệp thì đọa tam ác đạo,
làm thiện nghiệp thì lên tam thiện đạo. Chỉ có tu Tịnh nghiệp, thì quý vị mới
được quả báo ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên mọi người: nhất định phải
hiểu rõ tình huống này. Quý vị tu Tịnh nghiệp, thì chỗ quay về của quý vị: nhất
định là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Việc này ở thế giới khác không có. Đó là
tu Tịnh nghiệp.
Có thể có
đồng tu sẽ thắc mắc như vầy: “Cô giáo Lưu à, ác nghiệp không được tạo, việc này
tôi hiểu, nhưng làm sao có thể không tu thiện đây?” Bây giờ nên nói như thế, nếu
nói với mọi người: quý vị không cần tu thiện. Vậy không được, vì sao? Bởi vì
quý vị chưa đảm bảo: nhất định được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, nên
quý vị vẫn phải tu thiện. Chúng tôi nói, nói rõ rồi: chính là chừa con đường dự
phòng, ngộ nhỡ đời này quý vị không vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, quý
vị đã tu thiện, nên quý vị vẫn có cơ hội đến ba đường thiện.
Nếu đời
này, quý vị không vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, mà quý vị lại không tu
thiện, vậy tương lai quý vị là tam ác đạo. Cho nên ở đây tôi nói với mọi người:
vẫn phải tu thiện, nhưng quý vị không nên chấp-trước vào thiện, quý vị phải hiểu
cho rõ vấn đề này.
Cách tiêu
nghiệp chướng tốt nhất là gì? Đọc Kinh Vô Lượng Thọ, niệm A Di Đà Phật. Đặc biệt
nhấn mạnh, một câu A Di Đà Phật: có thể sám trừ tất cả những nghiệp chướng
không thể sám trừ. Trước đây tôi đã nhiều lần nói đến vấn đề này. Nên mọi người
có ấn tượng sâu sắc. Sám kiểu này hay sám kiểu kia, không sám nào có tác dụng
sám trừ nghiệp chướng: vượt hơn một câu A Di Đà Phật. Bao nhiêu người tin được
điều này?
Tình hình
trước mắt hiện nay, rất nhiều đồng tu mỗi ngày nói: “Nghiệp chướng của tôi sâu
nặng, nghiệp chướng của tôi sâu nặng”. Họ không biết rằng: người mỗi ngày than
“nghiệp chướng của tôi sâu nặng”, thì nghiệp chướng của họ nhất định không sám
trừ được. Bởi vì hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh, họ mỗi ngày nghĩ nghiệp chướng
họ sâu nặng, thì nghiệp chướng họ sâu nặng. Đó là họ tự tạo nên chướng ngại, phải
không? Thật sự muốn sám trừ nghiệp chướng, người nước ta gọi là: hối lỗi. Điều
quan trọng nhất: khi hối lỗi phải nắm vững là gì? Không tái phạm.
Trước đây
tôi đã nêu ví dụ cho mọi người, chúng tôi có một đồng tu, phạm một lỗi nghiêm
trọng nào đó, sau mắc phải căn bệnh rất nặng, tựa hồ sắp chết. Tôi nhớ rằng sau
đó: anh ấy gặp được thiện duyên, đã học Phật, đã học văn hóa truyền thống. Sau
đó anh ấy đã sâu sắc sám hối, sau dần dần bệnh đã khỏi, thân thể đã cường tráng
trở lại. Việc này quả không tệ. Nhưng sau đó, vị đồng tu này lại tái phạm lỗi,
thậm chí không chỉ tái phạm hai lần, mà có lẽ phạm đến ba lần bốn lần, dẫn đến
anh ấy suýt phải mất mạng.
Lần đó, vị
đồng tu này đã nói với tôi: “Cô giáo Lưu, xin hãy cứu tôi!” Lúc đó tôi nói với
anh ấy: “Lần đầu tiên anh phạm: lỗi nghiêm trọng như thế, Phật Bồ-tát đã cho
anh: cơ hội để sửa sai. Vì sao anh không trân quý? Chính anh cũng biết rất là
rõ ràng, thế mà hiện nay anh không những tái phạm, mà còn tái phạm ba bốn lần”.
Tôi nói: “Phải như vậy không?” Anh ấy nói “phải”. Anh ấy cũng khá thành thật.
Sau đó,
tôi nói với anh ấy: “Tôi có được năng lực lớn: để cứu mạng anh không, tôi không
dám nói, nhưng tôi sẽ cố gắng”. Sau đó tôi nói với anh ấy: “Anh nên làm thế
này, làm thế này”. Hiện nay đã trôi qua hơn hai năm, tôi không nghe được tin tức
gì về vị đồng tu này, tôi không biết sau đó anh ấy thế nào. Trường hợp này, sau
khi tôi nghe xong, tôi hết sức đau xót. Rõ ràng Phật Bồ-tát cho quý vị cơ hội để
sửa lỗi, vì sao quý vị không trân quý? Vì sao quý vị lại tái phạm? Cho nên tôi
nói: điều quan trọng nhất của việc hối lỗi, đó chính là nhất định không được
tái phạm lỗi, đây mới là sám hối nghiệp chướng chân thật.
Còn một điều
tôi muốn nói: là chuyện tốt, chuyện xấu. Quý vị đã làm chuyện xấu, quý vị đã
làm việc ác, thì quý vị nên làm thế nào? Không được che giấu, không được sợ người
khác biết, quý vị phải phát lồ sám hối. Chúng ta nói: chính là đưa ra ánh sáng,
khiến cho mọi người đều biết: Quý vị đã làm việc ác, đã làm việc xấu. Như vậy sẽ
có rất nhiều người lên án, phê phán quý vị. Có lẽ rất nhiều người không làm được
như vậy, nói “như vậy mất mặt quá”. Thế nhưng nếu quý vị thật sự phát lồ sám hối,
quý vị phơi bày ra, lúc bị mọi người khiển trách và lên án, thì ác nghiệp của
quý vị được tiêu trừ rồi.
Quý vị có
tin điều này không? Đó là việc xấu. Nếu quý vị đã làm việc tốt, làm việc thiện,
thì quý vị không nên để cho mọi người biết. Thông thường người dân có câu, nói
như vầy: “Cần tích âm đức”. Nếu quý vị đã làm việc tốt, làm việc thiện, quý vị
không để cho người khác biết, mà âm thầm làm, thì quý vị đang tích âm đức.
Đây là
phương pháp chính xác. Làm việc xấu, thì chủ động phơi bày ra, làm việc tốt thì
che giấu đi, đó là cách làm chính xác nhất. Nhưng hiện nay đồng tu chúng ta, có
lẽ hoàn toàn làm ngược lại: làm những việc xấu việc ác, không muốn cho người
khác biết, giấu giấu diếm diếm. Che giấu như thế, thì ác nghiệp của quý vị càng
tích càng nhiều, sau cùng ác báo quả báo: nhất định sẽ hiện ra. Có khi quả báo
của ác báo đó: rất có thể đến đời sau kiếp sau mới hiện ra; Có khi hiện ra báo ứng
ngay trong đời này.
Với vấn đề
này, hôm nay ở đây, tôi cảm thấy tôi đã nói rất rõ ràng. Đó là việc xấu phải để
người khác biết, việc xấu phải để người khác biết, việc tốt đừng để người khác
biết. Việc nào nên phơi bày, việc nào nên ẩn giấu, có thể có đồng tu: hôm nay lần
đầu nghe tôi nói điều này, tôi nói với mọi người: là phương pháp chính xác. Nếu
quý vị che giấu việc ác, thì phiền phức về sau của quý vị sẽ lớn.
Trong Tịnh
tông tu học Pháp môn Tịnh-độ niệm Phật, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật là Pháp
môn đại sám hối. Xin chú ý chữ “đại” này, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật là
Pháp môn đại sám hối, nhưng rất ít người biết. Sám hối chia ra như vầy:
Câu Phật
hiệu này, nếu quý vị niệm được đến sự-nhất-tâm-bất-loạn, thì quý vị đạt được niệm
Phật tam-muội. Tất cả chủng tử tội nghiệp không thể hiện tiền. Đây gọi là gì? Gọi
là sự–sám.
Sự-sám chính là quý vị đạt niệm Phật tam-muội, chủng tử ác nghiệp của quý vị
không thể hiện tiền, là vì không có duyên, điều này mọi người có thể nghe hiểu
được. Đó là thứ nhất.
Nếu quý vị
niệm Phật hiệu A Di Đà Phật, niệm đến lý-nhất-tâm-bất-loạn, phá một phẩm
vô-minh, thấy một phần chân-tánh, đây gọi là gì? Gọi là lý-sám. Thứ nhất là sự-sám,
sự trong từ “sự tình”, lý trong từ “đạo lý”, đây là lý-sám, chuyển chủng tử tội
nghiệp từ vô thủy kiếp đến nay: thành chủng tử Bồ-đề vô lượng. Chủng tử tội
nghiệp chuyển thành chủng tử Bồ-đề, bên Duy Thức nói rằng “chuyển thức thành
trí”, đây là sám hối chân thật.
Công đức của
người niệm Phật thật chẳng thể nghĩ bàn, chỉ cần quý vị chịu chân thật niệm Phật,
thì mỗi điều của Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương, quý vị đều có đủ. Toàn bộ Thập
Đại Nguyện Vương: đều bao gồm ngay trong một câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Tất cả
cách thức phương pháp: đều không thể sám hết nghiệp chướng. Một câu A Di Đà Phật:
có thể sám trừ toàn bộ. Chú ý chữ “toàn bộ”, nghĩa là không chừa lại một chút
nào. Có đồng tu sám thế này, sám thế kia, chẳng những sám không hết, mà càng
sám càng nhiều. Một câu Phật hiệu A Di Đà Phật, sám trừ tất cả những gì cần sám
hối. Với câu nói này, có bao nhiêu người tin tưởng?
Đấy là đại
nguyện thứ tư.
Nguyện thứ
năm: “Tùy hỷ công đức”.
Hết thảy
chúng sanh: ngoài ba độc tham sân si ra, còn một phiền-não nghiêm trọng khác,
đó là gì vậy? Đố kỵ, ngạo mạn. Trong cuộc sống chúng ta, đã nhìn thấy rất nhiều
rất nhiều rồi. Phiền-não đố kỵ và ngạo mạn: thật sự chẳng thua gì ba độc tham
sân si.
Ngạo mạn,
đố kỵ này, chẳng những chướng ngại pháp thế gian, mà còn là chướng ngại lớn
trên đường Bồ-đề của quý vị. Nó không những chướng ngại pháp thế gian, mà còn
chướng ngại Phật pháp. Nó không những khiến đạo nghiệp quý vị không thể thành tựu,
mà đối với việc học Phật của quý vị, cũng là chướng ngại cực kỳ lớn. Quý vị học
Phật rất khó có thành tựu. Pháp thế gian chướng ngại quý vị, sự nghiệp của quý
vị không thành; Phật pháp chướng ngại quý vị, khiến quý vị học Phật không có
thành tựu.
Nguyện
“tùy hỷ công đức” của Phổ Hiền Bồ-tát, chính là để đối trị loại phiền-não này.
Vì sao vậy? Bởi vì Bồ-tát Phổ Hiền dạy chúng ta: phải tùy hỷ công đức. Làm thế
nào tùy hỷ? Xem điểm tốt của người khác: cũng như điểm tốt của chính mình, nhìn
thấy người khác có thành tựu gì: cũng giống như thành tựu của chính mình. Tuyệt
đối không có một chút tâm đố kỵ.
Chia thành
ba bậc tùy hỷ, ba thứ lớp tùy hỷ: Thứ nhất là thượng phẩm tùy hỷ.
Thượng phẩm
tùy hỷ là thế nào? Là tận tâm tận lực giúp đỡ người khác, thành toàn việc tốt
cho họ. Tôi xin nói lại: thượng phẩm tùy hỷ, là tận tâm tận lực giúp đỡ người
khác, thành toàn việc tốt cho họ.
Thứ hai là
trung phẩm tùy hỷ.
Trung phẩm
tùy hỷ: là không thể tận hết toàn bộ sức lực, nhưng vẫn có thể tận một phần sức
lực. Đây là chỗ khác biệt với thượng phẩm.
Loại thứ
ba là hạ phẩm tùy hỷ.
Mặc dù quý
vị không có sức lực, nhưng có thể hoan hỷ tán thán. Một chút khả năng quý vị
cũng không có, làm thế nào đây? Quý vị có thể hoan hỷ tán thán, tức là: quý vị
không làm khó người ta, không đố kỵ người ta, quý vị ghen tị, thậm chí còn châm
biếm đả kích người ta. Quý vị phải hoan hỷ tán thán, việc này thuộc về tùy hỷ.
Đồng tu chúng ta hãy nghĩ xem: lúc quý vị tùy
hỷ công đức đó, quý vị là thuộc phẩm nào? Sự tùy hỷ đó phải chăng phát xuất từ
trong tâm? Hay là tùy hỷ trên miệng?
Nếu chúng
ta tùy hỷ công đức, thì so với công đức của họ là không hai không khác. Chẳng
phải lão Pháp sư đã dạy chúng ta: chỉ có kẻ ngốc mới không tùy hỷ công đức. Ví
dụ như: anh A làm gì đó thành tựu, quý vị tùy hỷ công đức của anh ấy, thì thành
tựu của quý vị lớn bằng với thành tựu của anh ấy. Quý vị xem quý vị chẳng tốn
chút sức lực nào cả, phải vậy không? Cho nên người thông minh: nhất định biết
tùy hỷ công đức.
Tôi xin
nêu một ví dụ, ví dụ như người tu hành tâm lượng phải lớn. Mọi người đều biết Đại
sư Lục tổ Huệ Năng, Đại sư Lục tổ Huệ Năng mới đến miền Nam, chẳng ai biết đến
Ngài. Nhờ một công án mà mọi người đều biết, là công án “phướn động hay gió động”,
khiến Pháp sư Ấn Tông phát hiện ra Đại sư Lục tổ Huệ Năng. Công án này có ý
nghĩa gì? Có hai vị xuất gia đang tranh luận là: phướn đang động hay gió đang động.
Một Pháp sư nói gió đang động, một Pháp sư nói phướn đang động. Đúng lúc đó Đại
sư Huệ Năng ở kế bên nghe thấy, Đại sư Huệ Năng nói “không phải gió động cũng
chẳng phải phướn động, mà tâm của nhân giả đang động”. Mấy câu nói này của Đại
sư Huệ Năng, khiến Pháp sư Ấn Tông phát hiện ra, nghe được rồi, phát hiện ra
Ngài là nhân tài. Dùng cách nói bình dân là: phát hiện ra Lục tổ Đại sư là một
nhân tài. Sau đó Đại sư Ấn Tông, đã thế độ cho Đại sư Lục tổ Huệ Năng, nhận
Ngài làm đệ tử.
Sau khi thế
độ xong, Đại sư Ấn Tông lại bái ngược Đại sư Huệ Năng làm thầy, thầy trở thành
đệ tử, đệ tử trở thành thầy. Sự độ lượng này có thể nói xưa nay ít có.
Theo tâm
thái của người thông thường thì: “Tôi phát hiện anh cao minh hơn tôi, tôi sẽ
nghĩ trăm phương ngàn kế để chèn ép anh, bất luận thế nào cũng không để anh vượt
trội tôi”, đây là tâm thái của người bình thường. Còn Pháp sư Ấn Tông, thì ngài
không có tâm thái như vậy. Ngài phát hiện nhân tài, quý mến nhân tài, bồi dưỡng
nhân tài. Cho nên công đức độ chúng sanh một đời: của Đại sư Lục tổ Huệ Năng,
công đức độ chúng sanh, đều là của Pháp sư Ấn Tông. Vì vậy chúng ta có thể nói:
Pháp sư Ấn Tông là người đại trí huệ đệ nhất.
Sau đây,
muốn nói đến: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”.
Câu nói
này có thể chúng ta ai ai cũng biết nói, thế nhưng trong cuộc sống thực tế, rất
nhiều rất nhiều người không làm được, mỗi ngày đều nhìn thấy lỗi thế gian. Vì
sao chúng ta phải nói “Nếu người thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”? Bởi vì
thấy lỗi của người là chính mình có lỗi. Rất nhiều Đại đức xưa đều nói như vậy.
Chúng ta
nghe qua tai rồi quên mất, dùng điều này để suy xét người khác, không xét lại
chính mình. Hai câu nói này: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”,
người tu hành chân chánh, là chẳng thể không biết điều này, chẳng thể không thực
hành điều này?
Cho nên,
trên đường Bồ-đề, chúng ta làm sao xác định chính xác vị trí của mình? Nên nói
thế này: “Trên đường Bồ-đề chỉ có một mình tôi là phàm phu, là học trò, ngoài
tôi ra, thì tất cả người, tất cả sự, tất cả vật: đều là chư Phật Bồ-tát, đều là
thầy của tôi, đều phải cung kính cúng dường. Như vậy mới thành tựu được Giới Định
Huệ của chính mình”. Nếu quý vị làm ngược lại, cho rằng trên đường Bồ-đề, chỉ
có một mình tôi: là Phật, là Bồ-tát; hết thảy người, sự, vật khác: đều là phàm
phu. Thì bất luận thế nào quý vị sẽ không thành tựu được. Bởi quý vị đã làm
chuyện điên đảo rồi. Mọi người suy xét có phải vậy không?
Chúng tôi
thường gặp một số đồng tu, nói chuyện tốt xấu của người này người kia, cả ngày
từ sáng đến tối đều nhìn lỗi của người, nói lỗi của người khác. Hiện nay tôi ở
đây xin nói thẳng: quý vị làm như vậy, thì quý vị không tu thành Phật đạo, quý
vị không đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc. Có thể rất nhiều đồng tu, nghe lời
này của tôi thì không phục, “có sao đâu chứ, chỉ vì nói chỗ không đúng của người,
mà tôi không đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc sao?” Thật vậy, chỉ điều này
thôi, là quý vị không đến được thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi. Quý vị thấy có
oan uổng hay không?
Tôi nhớ
tôi đã nói rất nhiều lần, có đồng tu hỏi tôi: “Cô giáo Lưu xem tôi nên tu như
thế nào?” Tôi nói “trước tiên quý vị hãy viết chữ “khẩu”, mỗi ngày viết chữ “trung” trong từ “Trung Quốc”, trước tiên hãy
viết chữ “khẩu”, sau đó viết một nét Sổ, chẳng phải là chữ “Trung” của từ Trung
Quốc đó sao? Chữ “khẩu” đại biểu cho miệng của quý vị, còn nét Sổ là nói với
quý vị hãy ngậm miệng lại. Quý vị ngậm miệng lại rồi, thì quý vị sẽ không tạo
nghiệp, nếu quý vị mở miệng thì hãy niệm A Di Đà Phật. Cho nên đây không phải
là nói đùa, có phải không? Tôi thật sự nêu ra ví dụ này, nếu mọi người mỗi ngày
đều viết nhiều lần chữ “Trung” trong từ “Trung Quốc”, nhắc nhở chính mình: “Tôi
phải khép cái miệng này lại, tôi không được để cái miệng này tạo nghiệp, tạo ác
nghiệp không tốt, tạo thiện nghiệp cũng không tốt, tôi cần phải tu Tịnh nghiệp”.
Cho nên nếu
quý vị mỗi ngày nhìn lỗi của người khác, nói lỗi của người khác thì quý vị
không phải đang tu Phật đạo, không phải đang tu Bồ-tát đạo, quý vị đang tu gì?
Quý vị đang tu địa ngục đạo, tu ngạ quỷ đạo, tu súc sanh đạo. Cùng là tu đạo vì
sao quý vị không tu Phật đạo và Bồ-tát đạo, mà quý vị lại nhất quyết tu tam ác
đạo? Đây là lựa chọn của chính quý vị.
Tôi nói đến
đây, các đồng tu sau khi nghe rồi, quý vị có còn dám nói lỗi của người khác hay
không? Nếu quý vị vẫn dám nói, thì tôi cũng hết cách. Tôi đã nói đạo lý cho quý
vị nghe rồi, nếu quý vị cho rằng “tôi nhất định phải nói lỗi của người, không
nói lỗi của người tôi sống không nổi”, vậy thì quý vị cứ tiếp tục nói, sau cùng
quý vị sẽ đọa tam ác đạo, chẳng còn gì nói nữa.
Cho nên,
chúng ta nhận thức rõ vấn đề này, thì đối với công đức chúng ta phải tùy hỷ, phải
thành toàn việc tốt của người, không thành toàn việc xấu của người. Đấy là nguyện
thứ năm.
Nguyện thứ
sáu, “thỉnh chuyển Pháp luân”.
Pháp luân
là một biểu tượng. Đồng tu học Phật đều biết: biểu tượng trong nhà Phật có ba
thứ. Thứ nhất là bánh xe pháp, thứ hai là hoa sen, thứ ba là chữ “Vạn” (卍), chữ Vạn là một
trong 32 tướng của đức Phật, biểu thị kiết tường.
Bánh xe là
một biểu tượng chẳng thể nghĩ bàn, bởi vì sao? Bánh xe là động nhưng tâm bất động.
Biểu thị động tĩnh không hai, không hữu nhất như. Cho nên bánh xe này, trước
đây chúng tôi không biết rõ nó biểu thị điều gì, lần này tôi nói với mọi người,
bánh xe là động, tâm của nó là tĩnh, biểu thị “động” “tĩnh” không hai, “có” “không”
là một.
Hoa sen đại
biểu thanh tịnh. Thông thường chúng ta chẳng phải hay nghe: câu nói “hoa sen mọc
từ bùn nhơ mà không nhiễm ô”, chính là ý nghĩa này. Mọi người nghĩ xem: rễ của
hoa sen cắm ở bùn dơ, thân của nó mọc xuyên qua mặt nước, trên lớp bùn dơ chẳng
phải là nước đó sao? Nước này đại biểu điều gì? Bùn dơ đại biểu điều gì? Bùn dơ
đại biểu lục đạo, nước trên mặt bùn đại biểu cho Tứ thánh Pháp-giới. Sau đó hoa
sen nở ra trên mặt nước, nó xuyên qua nước, rồi nở hoa bên trên mặt nước, tức
là hoa sen ngay cả Phật pháp cũng không nhiễm. Vì sao nói “từ bùn mà chẳng ô
nhiễm”? Việc này biểu thị điều gì? Biểu thị sự siêu vượt tất cả pháp thế xuất
thế gian, không những siêu vượt thế gian pháp, mà còn siêu vượt cả Phật pháp.
Đây là hàm nghĩa của 3 biểu tượng trong nhà Phật.
Phật Pháp
là sư đạo. Sư đạo xưa nay không có ngoại lệ, đều là “chỉ nghe đến việc cầu học,
chưa nghe đến việc xin dạy”. Đạo tâm phải từ trong sự cung kính mà cầu. Nếu quý
vị không có tâm cung kính, thì quý vị chẳng học thông được đạo nào, bởi quý vị không
có tâm thành kính.
Phải nên
như thế nào? Lễ thỉnh Pháp sư Đại đức giảng kinh thuyết Pháp, giới thiệu Phật
pháp cho đại chúng xã hội, khiến người người đều tiếp nhận được giáo dục của đức
Phật. Vì vậy thành kính là bí quyết của học đạo, không có tâm thành kính, thì
chẳng thể học được gì. “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần
thành kính được mười phần lợi ích”.
Thế nào gọi
là chuyển Pháp luân? Chuyển Pháp luân chính là giảng Kinh thuyết Pháp, nhất định
phải lễ thỉnh. Thế nhưng hiện nay, một số người chưa tiếp xúc với Phật pháp, hoặc
là những người: đối với Phật pháp chưa thật sự hiểu rõ, thì thông thường không
biết thỉnh pháp. Cho nên nếu tứ chúng đệ tử, đối với Phật Pháp có được một chút
nhận thức, thì hãy nên thay mặt cho tất cả chúng sanh: thỉnh Pháp với chư Phật
Bồ-tát và bậc thiện tri thức. Thỉnh chuyển Pháp luân, là công đức vô
lượng.
Nếu bản
thân chúng ta không biết giảng kinh, nhưng mình có thể lễ thỉnh Pháp sư, và thiện
tri thức đến giảng kinh, thì cũng như nhau, vẫn là công đức vô lượng. Công đức
lợi ích của tất cả thính chúng, từ việc nghe Pháp sư giảng kinh, đều do người
thỉnh pháp thành tựu. Cho nên công đức của người thỉnh Pháp: thật sự là vô lượng.
Việc thỉnh Pháp này vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu không có người thỉnh pháp,
không có Pháp sư và thiện tri thức giảng Pháp, thì Phật Pháp không thể lưu
thông.
Ví dụ như
trong Kinh điển chúng ta nhìn thấy chúng đương cơ, chúng đương cơ này, là ảnh
hưởng chúng của đạo tràng. Trong chúng đương cơ đó, có vị có tu có chứng, có học
vấn và đạo đức: vượt hơn Pháp sư giảng Pháp. Họ có thể không cần thiết đến
nghe, thế nhưng họ nhất định phải đến nghe, đến Đạo tràng làm ảnh hưởng chúng.
Vì sao vậy? Các ngài muốn dùng: hành động thực tế của mình, để khởi phát niềm
tin của thính chúng. Đây là tác dụng của ảnh hưởng chúng.
Ví như năm
xưa, ở Đài Loan có lão Cư sĩ Chu Bang Đạo. Mỗi lần thầy Lý Bỉnh Nam giảng Kinh
thuyết Pháp, thì thầy Chu Bang Đạo nhất định đến nghe, chẳng sót một buổi nào.
Ngay cả học sinh của thầy Lý giảng Pháp, thì lão Cư sĩ Chu Bang Đạo vẫn đến Đạo
tràng, ngài vẫn tham gia, mà còn ghi chép nghiêm túc. Thầy Lý Bỉnh Nam thường xuyên
tán thán vị lão Cư sĩ này.
Đấy là điều
thứ sáu “thỉnh chuyển Pháp luân”. Tiếp theo là điều thứ bảy: “thỉnh Phật trụ thế”.
Điều này vô cùng quan trọng.
Chính là nếu
chúng ta thỉnh Phật thuyết pháp cho chúng ta, dù sau cùng số người được lợi
ích: không phải là quá nhiều, có bao nhiêu người nghe Kinh một lần, mà khai ngộ,
chứng quả đâu, khó lắm! Đại đa số căn tánh của mọi người là khá độn, cần phải
huân tu lâu dài. Vậy phải làm sao? Nhất định phải thỉnh Phật trụ thế. Hiện nay
một Pháp sư trụ ở một nơi, trường kỳ hoằng pháp không còn thấy nhiều nữa.
Nếu chúng
ta có phước báo, gặp được một Pháp sư, thiện tri thức, Cao tăng Đại đức có tu
có chứng, chúng ta mong muốn thân cận quý ngài, thì nhất định phải phát tâm
phát nguyện, giữ các ngài trụ lại, trụ ở thế gian này, trụ ở Đạo tràng này. Như
vậy mới có thể làm lợi ích cho chúng sanh trong một vùng. Đương nhiên điều này
còn phải xem duyên phận, cũng cần phải có cơ hội. Chúng ta phải làm sao? Phải tạo
ra cơ hội, nắm bắt cơ hội, đây cũng là công đức vô lượng.
Chư Phật Bồ-tát,
và tất cả thiện tri thức chân chánh: trụ ở thế gian này, chỉ có một việc, đó là
giáo hóa chúng sanh. Nếu chúng ta: đều mong muốn tiếp nhận sự giáo hóa của quý
Ngài, thì quý Ngài đương nhiên sẽ trụ thế. Nếu chúng ta: không muốn tiếp nhận sự
giáo hóa của quý Ngài, thì chư Phật Bồ-tát và thiện tri thức, sẽ cảm thấy không
cần phải trụ thế, quý Ngài sẽ ra đi.
Cho nên,
chúng ta dựa vào đâu để có thể giữ thiện tri thức: ở lại trụ thế, không để họ
ra đi? Tuyệt đối không phải là xây nhà đẹp cho họ, mua đồ tốt cho họ. Thiện tri
thức chân chánh: sẽ không động tâm với danh văn lợi dưỡng, sẽ không chê trà thô
cơm đạm. Xin ghi nhớ hai câu này: “Thiện tri thức chân chánh: sẽ không động tâm
với danh văn lợi dưỡng, sẽ không chê trà thô cơm đạm”. Chỉ cần có một nơi nhỏ:
có thể che mưa chắn gió là được rồi, là đủ rồi.
Vấn đề là
có người thật sự muốn học với quý Ngài hay không? Nếu thật sự có người muốn học
với quý Ngài, cho dù chỉ là 2-3 người, thì quý Ngài tuyệt đối sẽ không ra đi. Từ
xưa đến nay, truyền nhân thật sự của các bậc Cao tăng Đại đức đều không nhiều.
Nếu có một truyền nhân thật sự, thì các vị Cao tăng Đại đức sẽ không ra đi, quý
Ngài sẽ bồi dưỡng truyền nhân, giống như bồi dưỡng con mình vậy. Thế nhưng truyền
nhân chân thật rất khó cầu! Thật sự là có thể gặp nhưng chẳng thể cầu. Truyền
nhân như vậy, rất khó tìm! Đây chính là điều kiện cần thiết của thỉnh Phật trụ
thế, chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng.
Tổng kết lại
một câu, làm thế nào thỉnh Phật trụ thế? Đó là bốn chữ “y giáo phụng hành”.
Dùng cách khác, không thể thỉnh Phật trụ thế. Ví dụ khi lão Pháp sư Tịnh Không
còn trẻ, theo thầy Lý học tập Kinh giáo. Năm đó tuổi tác của thầy Lý cũng đã rất
cao rồi, ngài cùng các đồng học nghĩ ra một cách: làm thế nào để thầy Lý trụ thế
dài lâu, không để ngài ra đi. Các ngài đã nghĩ ra biện pháp gì? Thỉnh thầy Lý
giảng Kinh Hoa Nghiêm. Các ngài nghĩ rằng bộ Kinh lớn như thế, thầy Lý giảng
chưa hết, ngài sẽ không ra đi. Thực tế chứng minh Kinh Hoa Nghiêm vẫn chưa giảng
xong, thầy Lý đã ra đi rồi. Bởi vậy lúc nãy tôi nói: phương pháp tốt nhất để thỉnh
Phật trụ thế, chính là “y giáo phụng hành”.
Thứ tám là
“thường tùy Phật học”.
Thế nào gọi
là “thường tùy”? Chính là không gián đoạn.
Sẽ có đồng
tu hỏi: hiện nay Phật không còn tại thế, chúng ta sao theo đây?
Biện pháp
là gì? Y theo Kinh điển Đại-thừa mà tu học, thì quý vị chính là thường tùy Phật học, điều
này rất rõ ràng chính xác. Phật không còn trụ thế, quý vị nương theo Kinh điển
Đại-thừa của Phật tu học, thì quý vị chính là thường tùy Phật học, thường tùy
Phật học, đó là hồi hướng Bồ-đề. Học Phật cần phải có tấm gương tốt, tấm gương
tốt hiện nay của chúng ta chính là A Di Đà Phật. Có người nói: A Di Đà Phật ở
thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng không ở trước mắt chúng ta, chúng ta làm sao
học A Di Đà Phật? Phải biết bộ Kinh Vô Lượng Thọ này: chính là A Di Đà Phật.
Chúng ta một đời y theo bộ Kinh này tu học, chính là hồi hướng Bồ-đề. Phật ở
đây là A Di Đà Phật, có đơn giản hay không?
Đấy là điều
thứ 8.
Điều thứ 9
là “hằng thuận chúng sanh”. Nguyện này là hồi hướng chúng sanh.
Hiếu thuận
tất cả chúng sanh, chính là ý nghĩa chân thật của hằng thuận chúng sanh. Đây có
lẽ là lần đầu tiên, chúng ta nghe giải thích như vậy. Thế nào gọi là hằng thuận
chúng sanh? Hiếu thuận tất cả chúng sanh, chính là ý nghĩa chân thật của “hằng
thuận chúng sanh”.
Cho nên
chúng ta cần phải có trí huệ cao độ, cần phải có định lực thâm sâu, đối với tất
cả chúng sanh đều phải nhẫn. Từ trong nhẫn nhục, mà thành tựu định huệ chân thật
của chúng ta. Có thể biết rằng: hằng thuận là công, thành tựu định huệ là đức.
Nguyện này vô cùng quan trọng.
Cơ duyên của
chúng sanh chín muồi rồi, chúng ta phải giúp họ viên thành Phật đạo. Khuyên họ
niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, chính là giúp họ viên thành Phật đạo, nhưng nhất định
phải là chúng sanh căn tánh chín muồi, điều kiện phải là chúng sanh căn tánh
chín muồi.
Đồng tu hỏi
thế nào là chúng sanh căn tánh chín muồi? Căn tánh chín muồi là có thể tin, có
thể nguyện, chịu niệm Phật, chịu cầu sanh Tịnh-độ, người như vậy là chúng sanh
căn tánh chín muồi.
Tôi xin
nói lại, thế nào là chúng sanh căn tánh chín muồi? Có thể tin, có thể nguyện,
chịu niệm Phật, chịu cầu sanh Tịnh-độ, người như vậy là chúng sanh căn tánh
chín muồi.
Vậy chúng
sanh căn tánh chưa chín muồi thì làm sao? Phải giúp căn tánh họ chín muồi. Làm
thế nào giúp đỡ? Chính là dùng Pháp môn này khuyên nhủ họ, ảnh hưởng họ, hy vọng
họ chịu tiếp nhận, phải tận tâm tận lực mà làm. Đấy là tầng thứ hai.
Vậy người
không có thiện căn, thì quý vị làm sao, làm sao giúp họ? Người không có thiện
căn, thì quý vị giúp họ trồng thiện căn.
Dùng tâm Bồ-đề
đối đãi với tất cả chúng sanh, đây mới thực sự là hằng thuận chúng sanh.
Sau cùng
điều thứ 10 là “phổ giai hồi hướng”. Đây là hồi hướng thực tế. Thực tế là gì?
Là chỉ Chân-như Bổn-tánh, Chân-như Bổn-tánh phổ biến mười phương, tận hư không
khắp pháp-giới vô cùng vô tận. Hồi hướng là phá chấp-trước. Chúng ta cần phải
đem tất cả phước báo và công đức tu được, chia cho đại chúng cùng hưởng, không
nên giữ lại cho riêng mình. Tất cả những gì chúng ta tu được, phước đức cũng tốt,
công đức cũng tốt, đều chia cho đại chúng cùng hưởng, đó gọi là hồi hướng. Nếu
quý vị không hồi hướng, thì công đức tu được có hạn. Nếu quý vị hồi hướng, thì
phước đức, công đức quý vị tu được đều là vô hạn, vô lượng vô biên. Quý vị thấy
hồi hướng và không hồi hướng: có khác biệt lớn như thế. Quý vị không hồi hướng,
mà làm của riêng, một mình hưởng thụ, thì công đức của quý vị hết sức có hạn. Một
khi quý vị hồi hướng cho đại chúng cùng hưởng, thì công đức của quý vị vô lượng
vô biên, là vô hạn. Vậy nên hồi hướng hay không?
Đây chính
là “duy tâm sở biến”. Phước đức trí huệ của Phật và đại Bồ-tát: đều là viên
mãn, bởi tâm lượng của các Ngài lớn, “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”. Mười
Đại Nguyện Vương của Phổ Hiền Bồ-tát ở trên, xin giảng đến đây. Mười đại nguyện
này, là cương lĩnh tu hành của Phổ Hiền Bồ-tát, cũng là cương lĩnh tu hành của
chúng ta. Bởi vì chúng ta cũng phải tu hạnh Phổ Hiền, cho nên dù là cương lĩnh
tu hành của Phổ Hiền Bồ-tát, cũng là cương lĩnh tu hành của chúng ta.
Bây giờ
chúng tôi sẽ tổng kết, khái quát lại đoạn Kinh văn ở phía trước như sau. Đoạn
kinh văn này, đã nói cho chúng ta điều gì? Đoạn kinh văn này nói, đại chúng
tham dự pháp hội: đều lấy Bồ-tát Phổ Hiền là tấm gương, học tập 10 đại cương
lĩnh tu hành của Ngài, phát nguyện vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Các
ngài tuân theo: 10 Hạnh Nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền, tự nhiên cũng đầy đủ mười
đại hạnh đại nguyện như Bồ-tát Phổ Hiền. An trụ tâm vào một câu A Di Đà Phật,
cũng chính là có thể thành tựu tất cả pháp công đức, cứu cánh viên mãn trên quả
địa Như Lai. Các Ngài đều có thể thông đạt sáng tỏ chân-tướng, sự, lý của vũ trụ
nhân sanh, thành tựu Phật quả. Các Ngài đều đầy đủ trí huệ và năng lực đã nói ở
trên. Vì vậy đều phát nguyện: đến vô lượng vô biên thế giới trong mười phương,
thị hiện thành Phật, phổ độ tất cả chúng sanh.
Hai buổi học
qua, chúng tôi giảng đến đoạn kinh văn này, tổng kết hết sức tổng quát chung lại,
chính là như tôi mới vừa nói, hy vọng mọi người trở về, nếu nghe giảng bài
xong, có văn tự gì bổ sung, thì mọi người có thể tiếp tục ôn tập thêm bước nữa,
có thể càng hiểu rõ hơn. Tiết học hôm nay xin giảng đến đây, cảm ơn mọi người!
A Di Đà Phật.
(Hết tập 6)
Nguyện dĩ thử công đức
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Thượng báo tứ trọng ân
Hạ tế tam đồ khổ
Nhược hữu kiến văn giả
Tức phát Bồ-đề tâm
Tận thử nhất báo thân
Đồng sanh Cực Lạc quốc.
Nam
Mô A Mi Đà Phật