Responsive Menu
Add more content here...

Tập 7 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM, THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Tập 7

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 17/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

 

          Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người! A Di Đà Phật.

           Bắt đầu buổi học này, chúng tôi giảng về: Tám tướng Thành đạo khi Phật Thích Ca Mâu Ni: thị hiện thành Phật. Mời xem đoạn Kinh văn bên dưới:

捨兜率,降王宮,棄位出家,苦行學道,作斯示現,順世間故。以定慧力,降伏魔怨。得微妙法,成最正覺。“Xả Đâu Suất, giáng vương cung, khí vị xuất gia, khổ hạnh học đạo, tác tư thị hiện, thuận thế gian cố, dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán, đắc vi diệu pháp, thành tối Chánh Giác”. (Rời cung trời Đâu Suất, giáng sinh vào cung vua, bỏ ngôi vị mà xuất gia, khổ hạnh học đạo. Thị hiện như thế để thuận theo thế gian. Dùng sức định huệ hàng phục ma oán, đắc pháp vi diệu, thành bậc tối Chánh Giác).

          “Đâu Suất” là tiếng Ấn Độ, Trung văn nghĩa là “tri túc”, thế nào là tri túc? Không tranh với người, không cầu với đời. Không tranh, không cầu mới là niềm vui đích thực. Bồ-tát tu hành phải tri túc thì mới tính là viên mãn.

          Trời Đâu Suất là tầng trời thứ tư của Dục Giới thiên, chia thành nội viện và ngoại viện. Nội viện là nơi Bồ-tát Di Lặc thuyết pháp, ngoại viện là nơi thiên nhân cư trú, họ ở nơi đó hưởng thụ hoàn cảnh khoái lạc.

          “Xả Đâu Suất” nghĩa là gì? Là tướng đầu tiên trong Tám tướng Thành đạo: của Bồ-tát thị hiện thành Phật. Tướng thứ nhất là “hạ sanh tướng”, Bồ-tát Bổ-xứ từ trời Đâu Suất: hạ sanh xuống nhân gian. Đây là hình tượng thông thường của chư Phật khi thị hiện thành Phật.

          “Giáng Vương cung”, câu này bao gồm: tướng thứ hai và tướng thứ ba của Tám tướng Thành đạo. Tướng thứ hai là đầu thai vào gia đình đế vương, tướng thứ ba là sinh ra làm Thái tử. Vinh hoa phú quý mà người thế gian thông thường truy cầu, Ngài đều đạt được.

          Mời xem 4 câu phía sau.

          “Khí vị xuất gia, khổ hạnh học đạo, tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”.

          Đây là tướng thứ 4, tướng xuất gia. Đây nói rõ vinh hoa phú quý của thế gian, cho dù có hưởng đến tột đỉnh, cũng không giải quyết được vấn đề sanh tử. Thế nên chỉ có từ bỏ ngôi vua để xuất gia, khổ hạnh tu đạo. Khổ hạnh là hạnh tu tập gian nan cần khổ, cần khổ học Đạo, tìm cầu chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

          “Tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”. Bồ-tát thị hiện đầu thai, ra đời, xuất gia, tu khổ hạnh, những việc này: đều là thuận theo căn tánh chúng sanh thế gian chúng ta đây mà biểu diễn.

          “Định huệ lực”, định lực là không bị dụ hoặc bởi các loại ma oán; Huệ lực là đối với tất cả sự lý nhân quả: đều nhìn thấy rõ ràng, hiểu rõ thật tướng, đó là huệ lực.

          Câu tiếp theo “hàng phục ma oán”, có định có huệ mới có thể hàng phục ma oán. Ma có nghĩa là “dày vò”, trong tâm có những phiền não như tham sân si vân vân; bên ngoài có đủ loại dụ dỗ của ác duyên. Phàm những thứ chướng ngại việc học Phật của chúng ta chính là ma chướng.

          “Oán” là oan gia đối đầu.

          “Vi diệu Pháp” là nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu. Niệm Phật vãng sanh bất thoái, phương pháp một đời thành Phật gọi là “vi diệu Pháp”.

          “Tối Chánh giác”, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gọi là “tối Chánh giác”. Chính là tỏ ngộ triệt để chân tướng sự lý của vũ trụ nhân sinh, thành tựu Phật quả tối viên mãn, được gọi là “tối Chánh giác”.

          Chúng tôi đã đem một số từ ngữ: tương đối quan trọng trong đoạn Kinh văn phía trên, thuyết minh khái quát cho mọi người.

          Tiếp theo, nói về “Hậu-bổ-Phật”. Bởi vì vừa rồi tôi nói: Bồ-tát Bổ-xứ là từ trời Đâu Suất hạ sanh xuống nhân gian. Trước tiên chúng tôi giảng: thế nào là “Hậu-bổ-Phật”. Thân phận của Bồ-tát trước khi thị hiện thành Phật, gọi là Bổ-xứ Bồ-tát, cũng gọi là Hậu-bổ-Phật.

          Ví dụ như Ca Diếp Phật: là vị Phật thứ ba trong một ngàn vị Phật của Hiền kiếp. Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta: là Bồ-tát Bổ-xứ của Ngài, cũng gọi là Hậu-bổ-Phật, cũng ở trời Đâu Suất. Phàm là Bồ-tát Bổ-xứ đều ở trời Đâu Suất.

         Giống như thời đại đế vương thuở xưa, Thái tử nhất định phải ở tại Đông Cung. Vì sao vậy? Bởi đây đều là biểu Pháp. Tất cả pháp thế xuất thế gian đều có ý nghĩa biểu Pháp. Phương Đông là nơi mặt trời mọc, biểu thị sự đi lên. Phương Tây là nơi mặt trời xuống núi, chúng ta chưa từng nghe thấy: có vị Thái tử của triều đại nào, sống ở Tây Cung cả. Có phải vậy không? Đều sống ở Đông Cung. Nếu Thái tử sống ở Tây Cung, thì biểu thị cho điều gì? Biểu thị Thái tử chưa kế vị thì đã chết rồi. Cho nên Thái tử nhất định phải sống ở Đông Cung, tuyệt đối không được ở Tây Cung. Hậu-bổ-Phật ở trời Đâu Suất cũng là sự biểu Pháp. Biểu thị Pháp gì? Đâu Suất là tiếng Phạn, tiếng nước ta có nghĩa là tri túc, cũng gọi là hỷ túc, mang nghĩa hoan hỷ, biết đủ. Chỉ có tri túc thì mới có thể thành tựu tất cả đức năng, tri túc thì không có tâm tham. Vì thế Hậu-bổ-Phật nhất định sống ở trời Đâu Suất, đợi khi thời tiết nhân duyên chín muồi, cũng chính là lúc nhân duyên đắc độ của chúng sanh chín muồi, thì từ trời Đâu Suất giáng xuống nhân gian thị hiện thành Phật.

          Phật ra đời ở thế gian, nhất định giáng sanh vào trong vương cung. Vì sao vậy? Vì dùng thân phận này mà xuất gia, giáo hóa chúng sanh, thì có rất nhiều sự tiện lợi. Bởi vì thứ mà người thế gian truy cầu không gì ngoài phú quý, do truy cầu phú quý, nên mới mê hoặc điên đảo. Phật thị hiện với thân phận như vậy, Ngài sinh ra đã đầy đủ phú quý, có thể gọi là “sang quý như thiên tử, của cải khắp bốn biển”. Những thứ mà người thế gian truy cầu, Ngài đều có viên mãn, Ngài có thể xả bỏ phú quý, sự thị hiện này, chính là nói với người thế gian: vinh hoa phú quý không phải là thứ cao nhất, thứ quan trọng nhất của đời người. Đã không phải là việc lớn số một của đời người, hà tất phải khổ sở truy cầu. Huống gì khổ sở truy cầu, có khi quý vị cũng không cầu được. Như thế chẳng phải quý vị sẽ bị nhiều phiền não ư? Cho dù quý vị truy cầu được, cũng không giải quyết được vấn đề sinh tử căn bản.

          Thế nhưng người thế gian: mê hoặc điên đảo, không biết tỉnh ngộ. Cho nên Bồ-tát thị hiện thành Phật, nhất định phải giáng sanh vào cung Vua, nhất định phải dùng thân phận Thái tử. Vì sao vậy? Bởi vì Thái tử có thể kế thừa ngôi Vua, đây là thứ mà người thế gian chúng ta: khổ sở truy cầu. Mặc dù Thái tử có thể kế thừa ngôi Vua, nhưng Ngài không cần Vương vị, Ngài xả bỏ Vương vị, từ bỏ vinh hoa phú quý, Ngài xuất gia tu khổ hạnh.

          Việc này nói với chúng ta: xuất gia mới là thù thắng đệ nhất, là thứ mà phú quý nhân gian tuyệt đối không thể nào sánh được. Hai câu này rất quan trọng. Xuất gia mới là thù thắng đệ nhất, phú quý của nhân gian tuyệt đối không thể nào sánh được.

          Buông xuống hết tất cả, từ bỏ hết tất cả, như vậy mới có thể thật sự được đại tự tại. Đó mới là hạnh phúc thật sự rốt ráo viên mãn, cũng là niềm vui thật sự rốt ráo viên mãn.

          Người thế gian không có phước, trong cuộc sống thường ngày chúng ta, nếu nói người nào đó có phước, thì thường nói thế này “người này thật có phước khí”, chú ý không có “phước khí”.  Tức là sau chữ “phước” là chữ “khí”, nhằm biểu thị điều gì? Nhằm nói rằng: phước của quý vị càng lớn, thì khí của quý vị càng nhiều. Có bao nhiêu người biết đạo lý này? Sau chữ “phước” kèm theo chữ “khí”, phước của quý vị càng nhiều, thì khí của quý vị càng nhiều. Người thế gian chúng ta thật sự không hiểu đạo lý này.

          Xuất gia thì có phước, nhưng phía sau không có “khí”. Phía sau là gì vậy? Là huệ. Xuất gia là phước huệ song tu, phải vậy không? Quý vị nghĩ từ “phước khí”, và “phước huệ” có giống nhau không? Có sự khác biệt hết sức, rất là lớn.

          Bởi vì phần sau của xuất gia không có “khí”, mà sau phước là huệ, đó chính là trí huệ. Chính là phước huệ đầy đủ. Thế gian có phước khí nhưng không có trí huệ, vì vậy không tốt bằng xuất gia. Đó là ý nghĩa của “khí vị xuất gia”. Vì sao Thái tử từ bỏ ngôi Vua, từ bỏ vinh hoa phú quý, chọn lựa con đường xuất gia tu khổ hạnh? Đây là ý nghĩa chân thật của câu “khí vị xuất gia”. Có thể thấy tất cả sự thị hiện: đều là vì giáo hóa chúng sanh, giác ngộ chúng sanh. Ở đây chúng ta cũng có thể thấy được: đại từ đại bi của Phật Bồ-tát.

          Mọi người chúng ta biết rằng: mỗi vị Phật ra đời ở thế gian, bản thân các Ngài sớm đã là Pháp thân Đại sĩ rồi, các Ngài là đến thị hiện, là vì giáo hóa chúng sanh. Cho nên các Ngài cũng phải đầu thai, cũng phải sinh ra đời, giống như chúng ta. Các người do cha mẹ sinh ra, ta cũng do cha mẹ sinh ra, ta có thể thành tựu, các người cũng có thể thành tựu, có phải vậy không?

          Đức Phật dùng sự thị hiện này, để nâng cao quyết tâm và dũng khí tu hành chứng quả của chúng ta, làm thị hiện như vậy cho chúng ta. Nếu các Ngài không đầu thai, không ra đời, mà trực tiếp từ trên cõi trời xuống trần gian, rồi giáo hóa chúng sanh thì khó đấy. Vì sao vậy? Người ta sẽ nói: Ngài là Thiên thần, Ngài từ cõi trời đến, chúng tôi làm sao sánh với Ngài được? Có phải vậy không? Đạo lý này gặp nhiều trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Ví dụ: lão Pháp sư Tịnh Không nêu lão Bồ-tát Hải Hiền, làm tấm gương cho chúng ta. Có người trong chúng ta nói: lão Bồ-tát Hải Hiền là Bồ-tát tái lai, chúng tôi làm sao sánh được chứ? Quý vị có ý nghĩ như vậy, nên Phật Bồ-tát bắt buộc phải thị hiện: hết sức gần gũi cho chúng ta thấy, giống với chúng ta, thì mới có thể khiến chúng sanh tin tưởng.

          Phật thị hiện xuất gia tu khổ hạnh, đi tu đạo, đi cầu học, trên thực tế Ngài là cổ Phật. Mọi người nói rằng: Ngài vốn là cổ Phật tái lai, là Bồ-tát tái lai, vậy có cần học từ đầu hay không?

          Trong đoạn này, chúng tôi sẽ nói với mọi người chân tướng này. Các Ngài là cổ Phật tái lai, là Bồ-tát tái lai, không cần phải học lại từ đầu. Vì sao các Ngài phải biểu diễn học tập lại từ đầu vậy? Chúng ta có thể nói thế này: các Ngài đang diễn kịch.

          Quý vị thấy Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài không những học tập với Thiện tri thức, mà còn học với ngoại đạo, đồng thời còn hết sức nỗ lực học tập, vô cùng nghiêm túc. Học Pháp môn này không có kết quả, Ngài lại chọn Pháp môn khác, Pháp môn khác cũng không có kết quả, lại đổi Pháp môn tiếp. Chư vị đồng học có thể biết rằng: thời đó ở Ấn Độ có 96 ngoại đạo. Thích Ca Mâu Ni Phật đều tham học cả. Mỗi ngoại đạo Ngài đều học qua, đây phải chăng là từ bi thị hiện? Bởi vì kết quả việc cầu học với những ngoại đạo đó: đều không phải là pháp cứu cánh. Chúng ta thấy việc này, phải chăng nên nghĩ rằng: sự thị hiện ấy của Phật Bồ-tát, nhằm khải thị cho chúng ta cần phải thuận theo thế gian.

          Sau đó Thích Ca Mâu Ni Phật, ở dưới cội Bồ Đề, đêm nhìn sao sáng, hốt nhiên đại ngộ. Tất cả Tôn giáo và Triết học: đều không giải quyết được vấn đề này. Khi quý vị buông xuống tất cả, tâm thanh tịnh của Tự-tánh sẽ hiện tiền, đây là phương pháp giác ngộ mà Phật dạy chúng ta, thị hiện cho chúng ta, dạy chúng ta phương pháp giác ngộ. Làm thế nào mới được khai ngộ? Làm thế nào mới có thể kiến tánh? Dù học cho nhiều cũng vô dụng, đây là sự thị hiện của Thích Ca Mâu Ni Phật cho chúng ta. Học nhiều đến đâu cũng không dùng được, làm sao đây? Phải tu Thiền định, chỉ có Thiền định mới có thể thành tựu.

          Rất nhiều người chúng ta học rất nhiều, thứ gì cũng buông không được, thậm chí cả đời này cũng không buông xuống được. Vậy thì phiền phức lớn rồi, đời này sẽ không thể khai ngộ. Nếu quý vị không thể đắc định, thì những gì quý vị học đều là tà tri tà kiến.

          Sự thị hiện của Thích Ca Mâu Ni Phật trước khi giảng Kinh, là dạy chúng ta từ địa vị phàm phu: làm thế nào tu hành? Làm thế nào chứng quả? Làm thế nào thành Phật? Ngài biểu diễn cho chúng ta xem, đích thân thực hiện, biểu diễn cho chúng ta, để chúng ta nhìn thấy.

          Đáng tiếc là phàm phu chúng ta ngu si nhìn không hiểu, xem không rõ ràng. Phải làm sao đây? Thế nên đức Phật mới thuyết pháp 49 năm. Trước tiên Ngài biểu diễn cho quý vị, nhưng xem không hiểu, xem không hiểu thì Ngài dùng hình thức thuyết pháp, giảng giải cho chúng ta. Nếu chúng ta có thể từ sự thị hiện của Phật mà xem hiểu, thì đức Phật không cần phải thuyết pháp, có phải vậy không? Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh thuyết Pháp cho chúng ta, từ đâu mà bắt đầu? Mọi người nghĩ xem, có thể tìm ra đáp án không? Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng Kinh thuyết Pháp, bắt đầu từ khi nào?

          Có thể có đồng tu nói: bắt đầu từ lúc độ 5 Tỳ-kheo ở vườn Lộc Uyển. Sai rồi! Tuyệt đối không phải bắt đầu từ lúc độ 5 Tỳ-kheo ở vườn Lộc Uyển. Bắt đầu từ khi nào vậy? Từ lúc Ngài giáng sanh từ trời Đâu Suất, bắt đầu từ tướng thứ nhất trong Tám tướng Thành đạo. Có lẽ đây, là lần đầu tiên chúng ta nghe thấy cách nói này. Ngài là “tác tư thị hiện, thuận thế gian cố”. Vì sao phải thuận theo thế gian? Thuận theo thế gian mới có thể giáo hóa thế gian.

          Chúng ta học Phật vì sao không khai ngộ? Vì sao không được nhất tâm? Vì sao tham Thiền không thể kiến tánh? Khoan nói đến kiến tánh, thậm chí ngay cả Thiền định cũng không đạt được, nguyên nhân là có ma chướng. Vì ma chướng đã chướng ngại chúng ta, khiến chúng ta niệm Phật không khai ngộ, tham Thiền không kiến tánh. Mọi người sẽ hỏi: vậy gì là ma? Những ma chướng nào làm chướng ngại chúng ta?

          Kinh Bát Đại Nhân Giác nói với chúng ta, ma được chia thành 4 loại. Tiếp theo tôi xin giới thiệu đơn giản: về 4 loại ma chướng cho chư vị đồng tu.

          Loại ma chướng thứ nhất là Ngũ Ấm ma. Thế nào là Ngũ Ấm ma? Chính là thân tâm của chính chúng ta. Ngũ Ấm chính là thân tâm của chúng ta, tứ đại đất nước gió lửa do chúng duyên hòa hợp, tạo thành nhục thân này của chúng ta. Thọ tưởng hành thức là vọng-tâm của chúng ta, không phải chân-tâm. Chúng ta một ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, đó chính là ma cảnh.

          Có bao nhiêu người có thể nhận thức được: thân tâm này chính là ma chướng? Chúng ta không nhận thức được như vậy. Chúng ta xem thân này, xem thân do tứ đại giả hợp này là vật quý báu. Hết mực quan tâm, yêu thương bảo vệ thân tâm. Mỗi ngày nghĩ cách làm thế nào để bảo dưỡng, vọng tưởng trường sanh bất lão. Do đó, đủ loại thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe: cũng từ đó mà sinh ra. Còn có đủ loại danh mục, dụng cụ bảo vệ sức khỏe v.v.

          Tôi nói đoạn này, tôi biết mình chắc chắn sẽ bị mắng, đắc tội với người, đúng không? Người ta sẽ nói ở đâu ra bà lão: nói lung tung như vậy? Chúng tôi bán những mặt hàng này cho ai? Tôi không ảnh hưởng việc buôn bán của quý vị, nhưng tôi phải giảng rõ cho đồng tu của tôi.

          Bởi vì tôi biết, rất nhiều đồng tu lớn tuổi, những lão Bồ-tát bên cạnh tôi, về hưu nhiều năm rồi, đã 70-80 tuổi, tiền lương của họ không cao. Dù tiền lương hưu ít ỏi, nhưng bao năm qua họ đều mua sản phẩm dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe, và còn những thứ gọi là thuốc nữa. Những lão Bồ-tát này thật sự khổ không nói nên lời, họ đều mê cả.

          Tôi có một đồng nghiệp lớn tuổi. Sau khi về hưu, ông mê những sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm và dụng cụ bảo vệ sức khỏe. Ông không những xem tivi, mà còn có máy nghe phát thanh nhỏ. Từ đó ông cũng có thể nghe, nghe thấy có sản phẩm gì mới, thì lập thức bảo bà xã hoặc con cái mua cho ông. Bởi vì lão huynh đó của tôi, ở cơ quan là cán bộ cấp trung, hết sức thông tình đạt lý, là một lão huynh rất hiểu lý lẽ. Kết quả, ông mê những thứ đó, khiến vợ của ông và những người con không biết làm sao, khuyên thế nào cũng không được. Nếu không mua, thì ông sẽ tức giận.

          Sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe: đều mua về chất đống, có thứ cũng chưa hề động đến. Sau khi tôi đến thăm, thì vợ ông nói rằng: “Cô Tố Vân! Hãy khuyên anh của cô đi, chúng tôi ai nói ông ấy cũng không nghe”. Sau đó tôi đã nói với ông ấy: “Anh là người thông tình đạt lý, vì sao lại mê những thứ đó?” Huynh ấy hỏi tôi: “Tố Vân à! Những thứ này thực vô dụng sao?” Tôi nói: “Nếu anh đã hỏi, thì tôi nói thật với anh là chúng vô dụng, trước giờ tôi không dùng những thứ này”. Ông ấy nói: “Vậy được, sau này anh sẽ không mua nữa”, là như vậy đó.

          Có con trai của một lão đồng tu nói với tôi: “Dì Lưu ơi! xin giúp con: khuyên cha mẹ con, đừng mua nhiều: sản phẩm dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe được không ạ?” Anh ấy nói: “Chúng con là con cái không tiện nói, nói nhiều thành ra bất hiếu, nói ít thì cha mẹ không nghe”. Sau đó tôi thật sự đã nói với hai ông bà, quả thực có hiệu quả. Ông ấy nói với tôi: “Tố Vân hãy yên tâm, từ nay trở đi anh sẽ không mua những thứ này nữa”.

          Đó là vì sao vậy? Chẳng phải cũng là vì thân thể này sao, để thân tâm của chúng ta khỏe mạnh đó sao? Thực tế, dùng những thứ này không có tác dụng: khiến thân tâm khỏe mạnh là bao. Tôi không thể một lời phủ định tất cả với mọi người: chúng chẳng có tác dụng nào, nhưng thật sự tác dụng chẳng là bao.

          Cho nên sở dĩ tôi nói những điều này ở đây, là để khuyên những lão đồng tu của tôi, làm sao đối xử với thân thể của mình cho đúng. Quý vị vọng tưởng cầu trường sinh bất lão, liệu có được hay không? Hô to “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” như thế, nhưng có hoàng đế nào vạn tuế đâu? Sanh tử là quy luật tự nhiên, là một loại luân hồi, phải vậy không? Quý vị hiểu rõ vấn đề này rồi, thì quý vị sẽ giải quyết được nó. Không phải tôi bảo mọi người không được ái hộ thân thể này, mà quý vị yêu thương giữ gìn thế nào cho đúng. Quý vị không được chà đạp thân thể này, bởi vì chúng ta vẫn phải mượn giả để tu chân. Phải ái hộ thân thể, nhưng dùng cách nào ái hộ? Việc này phải hiểu cho rõ ràng. Cho nên các vị lão Bồ-tát xin hãy nghe lời khuyên, không nên mê mãi chẳng giác ngộ, nhất định không được nghe gạt chẳng nghe khuyên. Đây là loại ma thứ nhất: Ngũ Ấm ma.

          Loại thứ hai là Phiền-não ma.

          Mỗi người chúng ta đều đích thân cảm thấy, phiền-não của chúng ta là quá nhiều quá nhiều. Phiền não là tham sân si mạn, thân-kiến, biên-kiến, kiến-thủ-kiến, giới-thủ-kiến, kiến-tư phiền-não chính là ma. Cho nên ma ở đâu? Ma không ở bên ngoài, mà ở trong thân chúng ta. Ma vương là ai? Trước tiên phải nhận rõ Ma vương, Ma vương là tham sân si. Chúng ta hay gọi là tham sân si, ba loại này là Ma vương. Chúng ta mỗi ngày đều ở chung với Ma vương, vĩnh viễn không thoát được bàn tay của ma. Nếu quý vị không buông xuống, không nhìn thấu, thì ba loại Ma vương này vĩnh viễn sẽ theo bên cạnh quý vị, chúng sẽ không rời khỏi quý vị. Vì chúng không rời khỏi quý vị, nên quý vị không thoát khỏi bàn tay của ma. Đây là loại ma thứ hai.

          Loại ma thứ ba là Tửma.

          Ai ai cũng đều phải trải qua. Tôi đã thấy rất nhiều: người sắp vãng sanh đều sợ chết. Nhưng ai cũng phải qua cửa ải này. Nếu quý vị học Phật học rõ rồi, người học Phật không có sanh tử, mà đó là một quá trình chuyển đổi. Nếu quý vị không học Phật, không hiểu rõ đạo lý này, thì quý vị sẽ chấp chặt vào này là sanh, kia là tử. Đối với cái chết tất nhiên sẽ khủng khiếp, sợ hãi. Tu hành công phu chưa thành tựu, mà thọ mạng hết rồi. Việc này chẳng phải dùng ý chí của quý vị là có thể chuyển đổi được đâu, dù nói “tôi không muốn chết”, nhưng khi thọ mạng hết, thì quý vị cũng phải đi, không đi cũng phải đi, quý vị không thể làm khác được. Đây là đại chướng ngại. Cho nên Tử-ma là đại chướng ngại của người tu hành chúng ta, cũng là đại chướng ngại của việc chúng ta thành Phật.

          Ba loại ma phía trên: Ngũ-ấm ma, Phiền-não ma, Tử-ma, ba loại này thuộc về bản thân chúng ta.

           Còn có loại thứ tư là Thiên-ma.

          Thiên-ma là chỉ cho hoàn cảnh chướng đạo bên ngoài. Thích Ca Mâu Ni Phật khi thị hiện hàng ma, là thiên nhân thị hiện đến dụ hoặc Ngài. Khi quý vị thật sự muốn thoát ly Tam giới, thì thiên ma sẽ đến dụ hoặc quý vị.

          Hiện nay chúng ta nói: không cần đến Thiên-ma, mà ma người cũng đủ rồi, có phải vậy không? Ma người mà chúng ta chưa đột phá được, đừng nói đến Thiên-ma. Người thế gian: mỗi ngày nghĩ đủ mọi cách dụ hoặc quý vị, còn cần đến Thiên-ma làm gì nữa?

          Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, có thứ nào không đang dụ hoặc quý vị chứ? Ví dụ như: khi quý vị bước ra ngoài nhìn thế giới phồn hoa, nhìn thấy thứ này rất đẹp, còn muốn xem tiếp nữa, thấy cô gái đẹp thì nhìn chăm chú, có hiện tượng này không? Vậy quý vị bị dụ hoặc rồi. Ví dụ tai nghe âm nhạc, cảm thấy bài này rất hay, tiếp tục nghe, thì quý vị lại bị dụ hoặc rồi. Ví dụ thấy người khác ở nhà đẹp, trong lòng quý vị rất hâm mộ, thậm chí không ít lần khởi chút đố kỵ, quý vị lại bị dụ hoặc rồi. Nhìn thấy con người ta học trường tốt, quý vị lại đố kỵ người ta, lại hâm mộ người ta, về nhà trách con của mình: “Con xem con kìa, con không bằng ai đó, ai đó”, khiến cho trẻ nhỏ phiền não, mà người lớn cũng phiền não, vậy chẳng phải quý vị lại bị dụ hoặc rồi sao? Cho nên nói: ma ở khắp mọi nơi, hoàn cảnh xung quanh khắp nơi đều có ma.

          Muốn tu hành có thành tựu, quý vị không vượt qua được khảo nghiệm của ma, thì quả thật sẽ rất khó. Phiền não bên trong không khắc chế được, dụ hoặc của tài sắc danh lợi ở bên ngoài, bốn đại Ma vương này, quý vị có năng lực rời xa được không? 4 đại ma này, nếu quý vị dính vào một thứ, thì quý vị tiêu rồi. Bản thân chúng ta hãy kiểm nghiệm một chút, tài sắc danh lợi, quý vị có dính chút nào không? Cho nên tôi xin nhắc lại với các đồng tu và Cư sĩ Hộ pháp bên cạnh tôi, nhất định phải xa lìa những thứ này, chúng là đại ma chướng ngại quý vị thành Phật.

          Có thể hiện nay chúng ta khoan nói gì khác, chỉ nói đến tiền thôi: thì có bao nhiêu người vượt qua được? Vẫn có rất nhiều người yêu tiền, chúng tôi không nói thích tiền là không tốt. Tiền có cần hay không? Cần! Quý vị phải sống, phải trang trải cuộc sống, nên không thể thiếu tiền được. Thế nhưng chúng ta không được tham, không được tham không biết chán. Phía sau tài là sắc, danh và lợi; sự dụ hoặc nào: cũng rất khó thoát khỏi. Phải xem định lực và huệ lực của quý vị, rốt cuộc đã đến trình độ nào?

          Cho nên tôi nói với đồng tu: bốn loại ma này, chúng ta nhất định không được dính vào một thứ nào. Dính vào một chút, là quý vị tiêu ngay. Tôi xin nói lại câu này “quý vị sẽ tiêu ngay!”.

          Cho nên quý vị đồng tu, nhất định phải đề cao cảnh giác. Bất luận là chúng xuất gia hay chúng tại gia: cũng phải đề cao cảnh giác. Nếu mục tiêu của quý vị: là cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì bốn loại ma này quý vị tuyệt đối không được thân cận, nhất định phải lìa xa. Dùng gì để xa lìa chúng? Chúng ta phải dùng Giới Định Huệ, Tam vô Lậu học: hàng phục các ma chướng tham sân si mạn nghi, dùng Giới Định Huệ để hàng phục những ma chướng này.

          Tiếp theo chúng tôi nói về “vi diệu pháp”.

          Thế nào là vi diệu Pháp? Pháp nào là vi diệu nhất? Vi diệu pháp chính là bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, chính là câu Phật hiệu A Di Đà Phật này. Đạt được vi diệu pháp này, thì đời này quý vị nhất định có thể thành tựu Chánh Giác, vãng sanh bất thoái thành Phật, một đời thành tựu.

          Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật cũng là như vậy. Đại sư Ngẫu Ích trong sách Yếu Giải, đã nói rõ cho chúng ta: Thích Ca Như Lai là niệm A Di Đà Phật mà thành Phật. Việc này khiến chúng ta hốt nhiên đại ngộ. Đại sư Ngẫu Ích là người tái lai, Ngài nói cho chúng ta về: chân tướng niệm Phật thành Phật này của Đức Thế Tôn.

          Phật thị hiện tại thế gian, mục đích là muốn giáo hóa chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh sớm ngày thành Phật. Với người căn tánh rất nhạy bén, vừa nhìn thấy tướng hảo của Thích Ca Mâu Ni Phật thì liền khai ngộ. Việc này người căn tánh nhạy bén có thể làm được. Căn tánh của chúng ta chậm lụt, chúng ta không nhìn ra, thế nên đức Phật phải chuyển Pháp luân. Chuyển Pháp luân tức là sau khi Ngài thì hiện thành đạo, thông qua biện pháp giảng Kinh thuyết Pháp mà giáo hóa chúng sanh, giác ngộ chúng sanh. Đây chính là sự nghiệp mà Phật thị hiện ở thế gian. Dùng một câu khái quát đó là: “Gia nghiệp của Như Lai chính là giáo hóa chúng sanh”.

          Đoạn Kinh văn vừa rồi, cơ bản xin giảng đến đây. Chúng tôi quay lại, khái quát lại đoạn Kinh văn này một chút, để mọi người nghe càng hiểu rõ hơn. Đoạn Kinh văn này, chủ yếu nói với chúng ta điều gì?

          Nói với chúng ta: những vị đại Bồ-tát thị hiện thành Phật, trước tiên phải từ nội viện Đâu Suất, hạ sanh xuống nhân gian. Các Ngài đều lựa chọn giáng sanh vào hoàng cung, với thân phận Thái tử. Như vậy tất cả vinh hoa phú quý mà người thế gian mong cầu, Ngài thảy đều có được. Thế nhưng những vinh hoa phú quý này, không giải quyết được vấn đề sanh tử, nên Ngài lại thị hiện tướng xuất gia tu hành cần khổ, tìm cầu chân lý giải quyết vấn đề sanh tử.

          Vì sao lại thị hiện như thế? Vì độ chúng sanh thế gian chúng ta, mà Ngài làm ra sự biểu diễn. Xin ghi nhớ hai chữ này, đó là “biểu diễn”. Bồ-tát dùng định lực và huệ lực hàng phục hết thảy ma oán, sau cùng khiến cho chúng sanh triệt để hiểu rõ: duy chỉ có nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thân cận A Di Đà Phật, thì mới có thể ngay trong đời này: thành tựu Phật quả Vô thượng viên mãn. Nói với chúng ta: vinh hoa phú quý của nhân gian không phải là tốt nhất, thành Phật mới là tốt nhất.

          Dùng phương pháp gì để thành Phật? Phải nắm cho chắc Pháp vi việu này: một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Đồng thời Phật dùng thị hiện của Ngài nói với chúng ta rằng: “Ta có thể thành Phật, tất cả chúng sanh cũng đều có thể thành Phật”, đây là điều mà đoạn Kinh văn phía trước, muốn nói với chúng ta.

          Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo,

    天人歸仰,請轉法輪。常以法音,覺諸世間。破煩惱城,壞諸欲塹。洗濯垢污,顯明清白。Thiên nhân quy ngưỡng, thỉnh chuyển Pháp luân. Thường dĩ pháp âm, giác chư thế gian. Phá phiền não thành, hoại chư dục tiệm, tẩy trạc cấu ô, hiển minh thanh bạch. (Người trời quy ngưỡng, thỉnh chuyển bánh xe pháp. Thường dùng pháp âm giác ngộ thế gian, phá thành phiền não, lấp hào tham dục, gột sạch cấu uế, hiển bày đức thanh tịnh).

          Trước tiên chúng ta xem từ “thiên nhân”.

          Thiên nhân là chỉ người ở cõi trời.

          “Ngưỡng” là ngưỡng mộ. “Chuyển Pháp luân”, “luân” là vũ khí của Chuyển luân vương. Ở đây tỉ dụ cho uy đức của Phật Pháp, hàng phục được tất cả ngoại đạo, phá trừ tất cả phiền não của chúng sanh. Vì vậy tuyên thuyết Phật Pháp được gọi là chuyển Pháp luân.

          “Thường” là không gián đoạn.

          “Pháp âm” là chỉ tất cả giáo pháp của Đức Phật.

          “Chư thế gian”: biểu thị tất cả chúng sanh. Tất cả chúng sanh bao gồm những gì? Bao gồm phàm, thánh, thực vật, khoáng vật và hiện tượng tự nhiên, đều là chúng sanh trong các thế gian.

          “Phiền não” là chỉ tam độc tham sân si.

          “Thành” trong “phá phiền não thành”, tỉ dụ cho sự kiên cố của phiền não, giống như tòa thành vậy.

          “Chư dục” chỉ cho đủ loại dục vọng, không phải một loại dục vọng, hai loại dục vọng mà là nhiều loại dục vọng, gọi là “chư dục”.

          “Tiệm” là hào bảo vệ thành. Ở đây tỉ dụ cho ái dục tình thâm.

           “Tẩy trạc” có nghĩa là trừ khử.

          “Cấu ô” chỉ cho sự ô nhiễm trong tâm.

          “Hiển minh”, trừ tà hiển chánh, gọi là hiển minh.

          “Thanh bạch”, Tự-tánh thanh tịnh vô nhiễm gọi là thanh bạch.

          Trước hết đoạn Kinh văn này, muốn nói gì với chúng ta? Lần này tôi: chọn cách giảng nội dung trước cho mọi người, sau đó giải thích từng câu: trong đoạn Kinh văn với mọi người.

          Đoạn Kinh văn này, nói về tướng thứ bảy trong Tám tướng Thành đạo: là “Chuyển Pháp luân”. Phật xuất hiện tại thế gian, lấy việc hoằng pháp lợi sanh là mục đích. Tôn chỉ thuyết pháp của Phật: là những câu trong đoạn Kinh văn này: “Thường dĩ pháp âm giác chư thế gian, phá phiền não thành, hoại chư dục tiệm, tẩy trạc cấu ô, hiển minh thanh bạch”. 6 câu này chính là tông chỉ thuyết pháp của Phật, là tông chỉ dạy học của Phật, cũng là mục đích dạy học. Tổng kết đoạn Kinh văn này chính là nói những điều ấy.

          Tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích từng câu cho quý vị.

          Trước tiên xem: “Thiên nhân quy ngưỡng, thỉnh chuyển Pháp luân”. Hai câu Kinh văn này. Đức Phật thị hiện ở thế gian là làm giáo dục, việc giáo hóa chúng sanh thuộc về sư đạo. Sư đạo cần phải tôn sư trọng đạo, thì giáo dục mới có thể đạt được hiệu quả. Nếu không có quan niệm tôn sư trọng đạo, thì dù thầy giỏi đến đâu, học sinh cũng không đạt được lợi ích. Học sinh cần phải hướng về người thầy cầu học, thì mới học được những điều chân chánh.

          Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật, dưới cội Bồ Đề hốt nhiên đại ngộ, đó là biểu Pháp. Sau khi thị hiện thành Phật, nhục nhãn của phàm phu thế gian không nhận thức được, không biết đó là Phật thị hiện ở thế gian, cũng không biết tôn kính Ngài. Nhiều nhất chỉ biết: Ngài là vị Thái tử, đã xuất gia, đi vào rừng để tu khổ hạnh. Người thông thường đều nhìn Ngài với ánh mắt xem thường. Họ nói thế nào vậy? Một vị Thái tử chạy vào rừng tu khổ hạnh, là bệnh tâm thần. Thế nên mọi người đều cho rằng: thần kinh Ngài không bình thường, căn bản không biết Ngài đã thành Phật rồi.

          Có thể thấy Bồ-tát thị hiện ở thế gian độ chúng sanh: gian nan biết mấy! Bởi vì chúng sanh không nhận ra Ngài, nên có nhiều lúc xem thường Ngài, khinh khi Ngài, đúng không? Vậy ai nhận ra được? Chư Phật Bồ-tát nhận ra, chư Phật Bồ-tát nhận ra Ngài: thị hiện thành Phật rồi. Chẳng phải là nói một vị Phật ra đời ngàn vị Phật ủng hộ đó sao? Ngàn vị Phật đó làm thế nào hộ Pháp? Chư Phật Bồ-tát thị hiện làm người bình thường, đến cội Bồ Đề viếng Ngài, thỉnh giáo với Ngài. Đó là gì vậy? Làm ra tấm gương cho chúng sanh. Các Ngài dẫn đầu làm trước. Ý ở trong đây nói: người trong nghề làm dẫn đầu, làm gương cho những người ngoài nghề. Bởi vì người trong nghề nhận biết Ngài đã thành Phật, còn người ngoài nghề không nhận ra.

          “Thiên nhân quy ngưỡng” được nói ở đây, “thiên” ở đây là ai? Ở trong Kinh Phật nói: là Ngũ Bất Hoàn Thiên của trời Tứ Thiền, là người trời Tịnh Cư. “Thiên nhân quy ngưỡng” là chỉ cho họ. Người trời Tịnh Cư: có rất nhiều vị đã chứng đại đức của đại quả, chính là đã chứng đại đức của đại quả. Sau khi Thế Tôn thị hiện thành Phật, người trời Tịnh Cư từ trời Tứ thiền xuống trần, biến hóa ra thân người thỉnh Phật thuyết pháp. Từ năm vị Tỳ-kheo ở vườn Nai, sau đến Tôn giả Đại Ca Diếp, Tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả Xá Lợi Phất, đều lần lượt quy y với Thế Tôn. Chẳng những bản thân quy y với Thế Tôn, mà các Ngài còn dẫn theo đồ đệ của mình đến, quy y với Thế Tôn.

          Chúng ta từ trên Kinh Đại-thừa xem thấy: những vị này toàn bộ đều là Phật Bồ-tát thị hiện. Ví dụ Tôn giả Đại Ca Diếp, Tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả Xá Lợi Phất vân vân, các Ngài trước thị hiện làm thủ lĩnh phái ngoại đạo. Lúc nãy tôi nói: Ấn Độ thời đó có 96 ngoại đạo, những vị mà tôi mới nói, các Ngài vốn là thủ lĩnh của phái ngoại đạo. Bởi vì các Ngài là thủ lĩnh của phái ngoại đạo, hiện nay đã quy y Phật, đem đồ đệ của mình đến quy y Phật. Thế nên, trong chốc lát, đã nâng địa vị của Phật lên cao. Đó là làm tấm gương tốt, khiến cho càng nhiều người nhận biết Phật, khiến đại chúng thông thường: ai ai cũng đều kính ngưỡng Phật, quy y Phật. Cho nên nói những vị này không phải là những người thường. Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đều là cổ Phật tái lai. Đó chính là “ngàn Phật ủng hộ”, các Ngài chính là ngàn Phật, đến ủng hộ Thích Ca Mâu Ni Phật.

          Trong lịch sử Trung Hoa, mọi người đều biết Đại sư Lục tổ Huệ Năng. Hôm qua tôi nhắc một chút về Ngài. Thế nhưng rất ít người biết đến Pháp sư Ấn Tông. Pháp sư Ấn Tông giảng Kinh thuyết Pháp tại Lĩnh Nam, là một vị đại Pháp sư đặc biệt nổi tiếng. Ngài chẳng những thế độ cho Lục tổ Đại sư, mà còn quay lại bái Lục tổ làm thầy. Trong chốc lát đã đưa Lục tổ lên cao. Mọi người nghe thấy: Pháp sư Ấn Tông bái Lục tổ làm thầy, thật phi thường! Nên chỉ trong một ngày, địa vị của Lục tổ Đại sư liền được nâng lên cao. Cả vùng Lĩnh Nam không ai mà chẳng tôn kính Ngài Huệ Năng. Vì sao vậy? Bởi vì Đại sư Ấn Tông tôn trọng ngài Huệ Năng, bái ngài Huệ Năng làm thầy, quý vị nói đại chúng ấy: có thể không tôn trọng Đại sư Huệ Năng sao?

          Nếu như không có Pháp sư Ấn Tông, thì Đại sư Lục tổ Huệ Năng: ngày ngày giảng Kinh thuyết Pháp, giáo hóa chúng sanh, muốn đạt được sự tín nhiệm hoàn toàn của đại chúng, thì ít nhất phải mất thời gian 10 năm. Nhưng hiện tại chỉ cần một động tác của Đại sư Ấn Tông, thì trong một ngày địa vị của Ngài liền được nâng cao. Cho nên chúng tôi nói: Pháp sư Ấn Tông, có thể là cổ Phật tái lai, các Ngài đều đến đồng diễn tiết mục độ hóa chúng sanh. Màn kịch này là diễn cho người khác xem. Cho nên chúng ta xem, chẳng những phải nhìn trên sân khấu mà còn phải nhìn hậu đài, thì mới biết chư Phật Bồ-tát độ hóa chúng sanh, dùng phương tiện thiện xảo, buốt lòng rát miệng, thật là đại từ đại bi.

          Diễn kịch cần phải có dàn diễn viên, phải vậy không? Dàn diễn viên này mỗi người đều có vai diễn riêng, chỉ cần mỗi người: diễn cho tốt vai của mình, thì vở diễn này mới hay, mới thành công được. Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện tại thế gian độ hóa chúng sanh, thì cả đoàn người và ngựa đều đến. Mỗi người đều hợp tác chặt chẽ, thì mới diễn tốt được màn kịch lớn giáo hóa chúng sanh này. Chúng ta có nhìn ra được hay không?

          Từ khi Phật diệt độ đến nay, Tăng đoàn vì sao không thể độ hóa chúng sanh? Tứ chúng không đến thị hiện nữa? Bởi không chung một lòng, mỗi người có ý đồ riêng, ôm lòng riêng biệt, mỗi người đều làm chuyện danh văn lợi dưỡng, đều muốn lập nhóm riêng. Tăng đoàn như vậy, làm sao giáo hóa chúng sanh? Tăng đoàn nhất định phải tu Lục Hòa Kính. Sứ mạng duy nhất của toàn thể Tăng đoàn: chính là hoằng pháp lợi sanh. Bất cứ lúc nào, cũng không được quên Tâm nguyện ban đầu. Nếu mỗi Tăng đoàn chúng ta đều không quên Tâm nguyện ban đầu, Tăng đoàn tu Lục Hòa Kính, thì tự nhiên Tăng đoàn, sẽ có thể đảm nhận được trọng trách giáo hóa chúng sanh.

          Tăng đoàn là một chỉnh thể, và cũng là một thể. Ở trên đài giảng Kinh thuyết Pháp: là hoằng pháp lợi sanh; Quét nhà nấu cơm đều là hoằng pháp lợi sanh. Không có khác biệt, thiếu một cũng không được. Giống như một chiếc đồng hồ, chúng ta xem giờ, thì nhìn kim đồng hồ chỉ mấy giờ, phải vậy không? Nhưng chúng ta không biết đằng sau kim đồng hồ, còn có bao nhiêu linh kiện, thiếu một linh kiện, thì kim đồng hồ sẽ không chạy, sẽ không chính xác. Chúng tôi dùng ví dụ dễ hiểu này để nói với mọi người: mỗi linh kiện đều quan trọng, không có cái nào cao, cái nào thấp, cái nào đệ nhất, đệ nhị, phải vậy không? Nếu linh kiện ở sau đồng hồ bị hư thiếu, thì đồng hồ đó vô dụng rồi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này.

          Tăng đoàn năm xưa của: Thích Ca Mâu Ni Phật lớn như vậy, đó là một chỉnh thể. Đừng cho rằng Thích Ca Mâu Ni Phật là thầy, bên dưới đều là học trò của Ngài. Đó là ở trên sân khấu. Lúc nãy tôi đã nói: chúng ta cần phải xem cho kỹ phần trước đài, hậu đài, trên đài, dưới đài. Ở trên đài, Thích Ca Mâu Ni Phật là thầy, những vị khác là học trò của Ngài, đó là diễn kịch. Sau sân khấu các Ngài đều là chư Phật, đều là bình đẳng, chẳng khác gì nhau. Thậm chí có rất nhiều người diễn vai là học trò, nhưng đã thành Phật: trước cả Thích Ca Mâu Ni Phật, đó là “một Phật ra đời ngàn Phật ủng hộ”.

          Sau khi chúng ta hiểu rõ đạo lý này rồi, nhất định phải học tập, nhất định phải noi gương, như vậy mới có thể thành tựu vô lượng vô biên công đức. Hôm nay tôi có thể ngồi đây, giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đây là công đức chung của cả đoàn Hộ pháp, không phải của riêng một mình tôi, tôi chỉ là đại biểu của các vị ấy mà thôi.

          Có không ít người, đặc biệt là người trẻ tuổi, xuất gia hoặc chưa xuất gia: phát tâm muốn học tập giảng Kinh. Lão Pháp sư đã chân thành khuyên bảo chúng ta: đối với những vị phát tâm, những người muốn học tập giảng Kinh ấy, nhất định không được đố kỵ họ, nhất định phải hộ trì họ cho tốt, giúp đỡ họ, ái hộ họ. Phải xem những người học giảng Kinh, như con của chính mình, dùng tấm lòng quan tâm con cái của cha mẹ, mà quan tâm những người trẻ tuổi học giảng Kinh ấy.

          Ngược lại, những vị trẻ tuổi học tập giảng Kinh, những Pháp sư trẻ tuổi ấy, họ đối với chúng thường trụ, đối với những đồng tu làm công tác tạp vụ, phải xem như cha mẹ của chính mình, phải tôn kính, không được có một chút cống cao ngã mạn. Nếu quý vị có một chút cống cao ngã mạn thì việc giảng Kinh, hoằng pháp lợi sinh đều là lời vô ích.

          Thành tựu là công đức của toàn thể Tăng đoàn. Tuyệt đối không được chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, mà phải biết đến lợi ích của đoàn thể, đó chính là “huệ dĩ chúng sanh chân thật chi lợi”. Nếu quý vị phá hoại Tăng đoàn, thì quý vị đã phá hoại lợi ích thực sự của chúng sanh, tội lỗi này cực sâu, cực nặng. Phạm tội lỗi này, cho dù mỗi ngày quý vị niệm mười vạn tiếng Phật hiệu cũng không bù được.

          Trong một Tăng đoàn, bất kể quý vị công tác ở vị trí nào, đều phải biết chúng ta là một chỉnh thể. Bất kể là ở phía trước, hay ở phía sau, bất kể người khác có nhìn thấy hay không nhìn thấy, thì công đức đều như nhau. Tuyệt đối không phải người ở trên đài giảng Kinh thì có công đức lớn, người ở hậu đài không có công đức. Không có sự giúp đỡ của hậu phương, thì giảng Kinh cũng không thành công. Danh từ mới hiện nay gọi là “tinh thần đồng đội”. Chúng ta nhất định phải hết sức phát huy tinh thần đồng đội, thì mới có thể làm công tác hoằng pháp lợi sanh: được tốt hơn.

          Chuyển Pháp luân chính là giảng Kinh thuyết Pháp. Giảng Kinh thuyết Pháp dùng “chuyển Pháp luân” làm tỉ dụ.

          “Luân” đại biểu cho pháp viên mãn.

          “Chuyển” mang ý nghĩa thúc đẩy, phổ biến, phổ cập. Trong tất cả Pháp, “luân” là viên mãn nhất. Trong tất cả pháp giáo học, thì Phật pháp là viên mãn nhất, vì vậy dùng Phật Pháp đại biểu cho pháp viên mãn.

          Điều đặc biệt đáng nói là, mọi người nghĩ xem: trong tất cả đồ vật của thế gian, quý vị có thể tìm ra được một vật nào: có thể đại biểu “động” “tĩnh” là một thể, “có” “không” là một thể, tìm được vật nào như thế không? Quý vị suy nghĩ thật kỹ xem, ngoài bánh xe ra không tìm được vật thứ hai. Chỉ có bánh xe, thì “động” “tĩnh” là một thể, “có” “không” là một thể, là pháp viên mãn đệ nhất mà Phật đã nói.

          “Thường dĩ pháp âm, giác chư thế gian”, Phật thuyết pháp không gián đoạn, thậm chí khi Phật không thuyết pháp, trên thực tế cũng là chẳng có gián đoạn. Ví dụ hết thảy thị hiện của Ngài được nói phía trước, những việc Ngài đích thân làm đều là đang thuyết pháp. Người thông minh, người có trí huệ cao: vừa nhìn thấy hành động của Phật thì liền khai ngộ, không cần Phật thuyết pháp. Cho nên, nói và không nói đều là đang chuyển Pháp luân, trước giờ chưa từng gián đoạn.

          Phật dùng ngữ nghiệp, thân nghiệp, ý nghiệp, ba nghiệp của Ngài đều đang thuyết pháp. Chúng ta nghĩ xem, mỗi hành động mỗi lời nói của lão Pháp sư: có phải đều đang chuyển Pháp luân hay không? Lão Hòa thượng Hải Hiền cả đời này, chưa từng giảng Kinh, chưa từng thuyết Pháp, quý vị thấy cả đời Ngài có phải đều đang chuyển Pháp luân? Cho nên chúng ta nhất định phải hiểu rõ: việc chuyển Pháp luân này.

          “Chư thế gian” trong “giác chư thế gian”: chỉ cho thập pháp-giới, không chỉ có Lục đạo. Bên ngoài Lục đạo là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, thậm chí là Phật giới cũng bao gồm ở trong. Phật có Tạng-giáo Phật, Thông-giáo Phật, Biệt-giáo Phật, Viên-giáo Phật. Viên-giáo Phật thuyết pháp thì ba loại Phật khác cũng đều đến nghe, tiếp nhận sự giáo hóa.

          Thời gian hôm nay đã hết rồi, chúng tôi xin giảng đến đây. Phần tiếp theo sẽ được giảng trong buổi học sau. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật.

(Hết tập 7)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh-độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tức phát Bồ-đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

 

Trả lời 0