Responsive Menu
Add more content here...

Tập 9 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 18 /3/2018

Tập 9

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

 

          Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người! A Di Đà Phật.

          Phần sau cùng của tiết học trước, chúng tôi đã giảng về ba cửa là: Không môn, Vô tướng môn và Vô nguyện môn. Nội dung của phần này khá sâu và trừu tượng, không dễ hiểu. Chúng ta cứ từ từ. Theo tiến độ học tập của mình, mà nhận thức rõ ràng hơn về ba cửa này. Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói trong Đàn Kinh rằng: “Bổn lai vô nhất vật”. Câu nói này các đồng tu đều rất quen thuộc, đã là “vốn chẳng có một vật” thì làm gì có tướng, làm gì có nguyện chứ? Nếu quý vị có tướng có nguyện, thì đã có một vật rồi, phải vậy không nào? Trong tâm thanh tịnh vốn chẳng có một vật, ba thứ ‘thể’ ‘tướng’ ‘dụng’ đều không thể chấp trước, như vậy chúng ta mới có thể khế nhập vào chân tướng của Phật pháp. ”Không” là nói trên thể, “tướng” là nói trên sự, “nguyện” là dựa trên tác dụng mà nói. Thể tướng dụng mặc dù đều hữu dụng, nhưng không có tự thể, cho nên không thể chấp trước. Chân tâm của chúng ta là gì? Đó chính là Tự-tánh của chúng ta. Chân tâm của chúng ta, Tự-tánh của chúng ta: chính là Pháp giới Nhất chân.

          Tiếp theo xin xem hai câu cuối của đoạn Kinh văn này: “Thiện lập phương tiện hiển thị Tam thừa”.

“Thiện” nghĩa là thiện xảo, khéo léo. Tâm địa thanh tịnh của Tự-tánh chẳng lập một pháp nào. Năm xưa khi Phật còn tại thế, vì sao lập ra pháp Tam thừa? Hai câu Kinh văn này, chẳng phải câu sau: là “hiển thị Tam thừa” đó sao? Pháp Tam thừa này, Phật đã lập ra như thế nào? Tam thừa là ba thừa nào? Là Thanh-văn thừa, Duyên-giác thừa, Bồ-tát thừa. Đây là Tam thừa. Vì sao Phật phải lập ra Tam thừa? Vì tùy thuận chúng sanh mà lập ra. Chính là tùy thuận căn tánh bất đồng của chúng sanh, mà lập ra. Trong quan niệm của Phật có Tam thừa hay không? Không có. Chẳng những không có Tam thừa, mà cả Nhất thừa cũng không có. Vì vậy chúng ta không được chấp trước Tam thừa, cũng không được chấp trước Nhất thừa. Phải nhận thức rõ ràng rằng: đây là Phật tùy thuận căn tánh của chúng sanh, mà phương tiện khéo léo lập ra.

          Nhất thừa pháp và Tam thừa pháp. Là tương đối mà nói lập ra, nhất định không được chấp trước. Nếu quý vị chấp trước thật có Nhất thừa có Tam thừa vậy thì sai rồi. Đó chính là vọng tưởng phân biệt.

          Những đại Bồ-tát này trong tất cả cõi nước của chư Phật tùy duyên độ chúng sanh. Ví dụ mọi người chúng ta đều biết rằng: “Với chúng sanh cần dùng thân Phật để độ được, thì Phật liền hiện thân Phật mà vì họ thuyết pháp, cần dùng thân Bồ-tát để độ họ, thì liền hiện thân Bồ-tát mà thuyết pháp, nên dùng thân ngạ quỷ để độ họ, thì liền hiện thân ngạ quỷ mà vì họ thuyết pháp”.

          Đoạn Kinh văn phía trên đã giảng xong. Chúng ta sẽ quy nạp tổng kết lại. Đoạn Kinh văn này chủ yếu nói với chúng ta điều gì? Đoạn Kinh văn này chủ yếu nói với chúng ta rằng: những đại Bồ-tát tham gia Pháp hội này, đối với bản thể, hiện tướng và tác dụng: của tất cả vạn sự vạn vật đều có thể thông đạt hiểu rõ. Quý Ngài lại dùng tâm đại từ bi, vì chúng sanh làm tấm gương hiếu kính cúng dường cha mẹ và thầy, dẫn dắt chúng sanh ngộ nhập cảnh giới Trí giác. Trí, trí của trí huệ. Giác, giác của giác ngộ. Dẫn dắt chúng sanh ngộ nhập cảnh giới Trí giác. Quý Ngài tùy thuận tâm ý của chúng sanh, biến hóa ra những thân phận khác nhau, tốc độ nhanh như ánh chớp mà lại không chấp trước. Quý Ngài làm như vậy là vì sao? Bởi vì như vậy có thể phá tà tri ác kiến của ma, có thể tháo gỡ tất cả trói buộc phiền-não của chúng sanh. Đoạn Kinh văn trên: nói với chúng ta những đạo lý như vậy.

          Tiếp theo mời mọi người xem hai câu Kinh văn kế tiếp:

於此中下,而現滅度。Ư thử trung hạ nhi hiện diệt độ (Đối với hàng trung hạ căn, mà thị hiện diệt độ).

“Trung hạ” ở đây chỉ cho chúng sanh căn tánh trung hạ.

“Diệt độ” là tiếng Ấn Độ, tiếng Ấn Độ còn có cách gọi khác là Niết Bàn, dịch sang tiếng Trung là “diệt độ”, cũng có thể dịch thành “viên tịch”. Diệt độ là ý nghĩa diệt trừ phiền-não, độ thoát sanh tử. Hai câu Kinh văn này rất đơn giản, là tướng thứ tám của Bồ-tát khi thị hiện thành Phật: tướng Niết Bàn. Đây là vì lợi ích cho chúng sanh căn tánh trung hạ, cho nên quý Ngài thị hiện diệt độ. Vì sao thị hiện diệt độ cho các chúng sanh đó? Phật mượn việc này nhằm: đề cao cảnh giác việc tu học của họ.

          Xin xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

得無生無滅諸 三摩地,及得一 切 陀羅尼門。隨時 悟 入 華 嚴  三 昧,具足總持百千三昧。住深禪定,悉覩無量諸佛。於一念頃,徧遊一切佛土。“Đắc vô sanh vô diệt chư Tam-ma-địa. Cập đắc nhất thiết Đà-la-ni môn. Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam-muội, cụ túc tổng trì bá thiên Tam-muội. Trụ thâm Thiền định, tất đổ vô lượng chư Phật. Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ.” (Chứng đắc vô sanh vô diệt các Tam-ma-địa, cùng đắc hết thảy môn Đà-la-ni. Tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam-muội, tổng trì đầy đủ trăm ngàn Tam-muội, nhập Thiền định sâu, thấy rõ vô lượng chư Phật. Trong Khoảng một niệm đi khắp tất cả cõi Phật).

Mời xem “vô sanh vô diệt”, vô sanh vô diệt chính là không sanh không diệt. “Tam-ma-địa”, tiếng Ấn Độ gọi là “Tam-ma-địa”, thời xưa gọi là Tam-muội. Ý nghĩa của Trung văn là Chánh định, Chánh thọ. Thế nào là Chánh thọ? Không có phân biệt, không có chấp trước, không có ưu lo và phiền não v.v.. là sự hưởng thụ bình thường, đó gọi là Chánh thọ.

“Đà-la-ni” là tiếng Ấn Độ, ý nghĩa Trung văn là tổng trì. Tổng là nhiếp trọn tất cả pháp. “Trì” là có thể trì vô lượng nghĩa, cũng nói là có thể nắm trọn tổng cương lĩnh của tất cả pháp.

“Môn” là tỉ dụ cho con đường tu học Phật pháp bắt buộc phải đi qua.

          Tiếp theo xem “Hoa Nghiêm Tam-muội”. Chúng ta thường nghe câu này, nhưng không hiểu rõ hàm nghĩa thực sự của nó. Chữ “Hoa” ở đây: là tỉ dụ cho tất cả sự tu học thù thắng của Bồ-tát, gọi là “hoa”. “Nghiêm” là trang nghiêm, thành quả tu hành công đức viên mãn. Dùng thành quả tu hành viên mãn, dùng công đức tu hành: để điểm tô hoàn cảnh sinh sống, đạt đến Phật quả chí thiện, đó chính là Hoa Nghiêm Tam-muội.

“Tổng trì” chính là Đà-la-ni mà đoạn Kinh văn trước đã nói, chúng tôi vừa rồi giảng về Đà-la-ni.

          Tiếp theo xem “bá thiên Tam-muội”, trăm ngàn Tam-muội này, “bá thiên” không phải là con số cụ thể, là đại biểu ý nghĩa nhiều. “Bá thiên Tam-muội” chính là vô lượng vô biên Chánh định. Chính là nói: sự hưởng thọ bình thường, thanh tịnh, bình đẳng, tự tại, vui vẻ  trong hoàn cảnh cuộc sống, công việc v.v.

Chữ tiếp theo là “Thiền định”, “Thiền” chỉ cho ngoài không dính tướng, “định” chỉ cho trong không động tâm.

“Tất đổ” chính là nhìn thấy toàn bộ.

“Nhất niệm khoảnh” biểu thị thời gian rất ngắn.

“Biến du” là vân du khắp nơi. Tôi đã giải thích xong các từ ngữ, tiếp theo mời xem Kinh văn cụ thể.

          Câu thứ nhất “đắc vô sanh vô diệt chư Tam-ma-địa”, Phật vốn là bất sanh bất diệt, nhưng Ngài lại thị hiện Niết Bàn. Việc này là vì sao? Phật vốn dĩ đã chứng đắc cảnh giới bất sanh bất diệt, Ngài nhập Niết Bàn là để cho chúng sanh thấy, để cho hàng Nhị-thừa thấy. Những thị hiện này, những đại Bồ-tát này quý Ngài đều là Pháp thân Đại sĩ, đều từ quả hướng đến nhân, nói theo thông thường nghĩa là các Ngài lái chiếc thuyền từ quay trở lại biểu diễn.

          Chúng sanh có cảm thì Bồ-tát có ứng. Quý Ngài thị hiện trụ thế ở thế gian dài hay ngắn: là do duyên phận của chúng sanh, không liên quan đến đến bản thân quý Ngài. Nếu có duyên thì Phật sẽ trụ thế, không có duyên thì Phật diệt độ. “Có duyên thì hiện, vô duyên thì ẩn”, ẩn hiện nhất như, không sanh không diệt đó chính là chân tướng. Vì vậy Phật Bồ-tát có thể trụ thế bao lâu, không liên quan đến tự thân của Bồ-tát mà liên quan đến duyên với chúng sanh. Những câu ban nãy đã nói rất rõ ràng rồi, tức là có duyên thì Phật trụ thế, hết duyên thì Phật diệt độ. Có duyên liền hiện, vô duyên thì ẩn, ẩn hiện nhất như, không sanh không diệt, đây chính là chân tướng.

          Câu tiếp theo: “Cập đắc nhất thiết Đà-la-ni môn”. Câu này là nói về huệ. Làm thế nào sanh huệ? Phần trước tôi đã giảng nhiều rồi, mọi người đều nghe hiểu rõ, huệ là từ định mà sinh ra. Vì thế Phật dạy chúng ta: phải tu định, phải tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng chính là trí huệ. Tâm thanh tịnh thì trí huệ hiện tiền. Đây chính là Đà-la-ni. Tâm không thanh tịnh thì quý vị không đạt được Đà-la-ni, quý vị cũng không thể khai trí huệ. Nếu quý vị nắm được Đà-la-ni rồi, đó là quý vị nắm được: cương lĩnh tu học, cương lĩnh thành Phật, triển khai ra chính là tất cả pháp thế xuất thế gian, không có pháp nào mà chẳng thông đạt. Lại nói, tất cả pháp từ đâu mà đến? Mọi người đều biết một câu nói đơn giản: “Tất cả pháp do tâm tưởng sanh”. Chúng ta nói cụ thể hơn: tất cả pháp đều từ chân tâm của chính chúng ta: biến hiện ra. Đây là một cách nói khác của “tất cả pháp do tâm tưởng sanh”, từ Chân tâm của quý vị sanh ra, tất cả pháp do tâm sanh ra, rồi lại quay trở về tâm của quý vị. Tâm này của quý vị, chính là Chân tâm, là Tự-tánh của quý vị.

          Xin nói lại lần nữa, tất cả pháp bắt nguồn từ Chân tâm của quý vị, rồi lại quay trở về Chân tâm của quý vị. “Ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm”. Rất nhiều đồng tu chúng ta: đều tìm pháp ở bên ngoài. Sai rồi! Pháp chính là Chân tâm của chúng ta. Đại sư Huệ Năng nói: “Nào hay Tự-tánh vốn tự đầy đủ”. Bốn chữ “vốn tự đầy đủ” nói với chúng ta rằng: Tự-tánh của chúng ta vốn đầy đủ. Quý vị không cần tìm ở bên ngoài. Cho nên nói: Hoa Nghiêm Tam-muội: tự nhiên đầy đủ trăm ngàn Tam-muội. Hiểu rõ đạo lý rồi, chúng ta còn đi đâu mà cầu nữa, hãy hướng vào Tự-tánh mà cầu, đừng hướng ra bên ngoài cầu. Ngoài tâm cầu pháp là mê tín. Hiện nay rất nhiều đồng tu chúng ta: vẫn là ngoài tâm cầu pháp.

Vì sao Phật bảo quý vị đoạn phiền-não? Bởi phiền-não chướng ngại Tự-tánh của chúng ta. Tự-tánh của quý vị không thể hiện tiền, thì trí huệ của quý vị đương nhiên chẳng thể khai. Quý vị sẽ không hiểu được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chúng ta đoạn trừ tham sân si mạn nghi, chính là đoạn trừ sự nhiễm ô chướng ngại Tự-tánh của chúng ta. Đoạn trừ nhiễm ô rồi, thì Chân tâm bản tánh của chúng ta tự nhiên hiện tiền. Thế nào là nhiễm ô? Kinh A Di Đà đã nói rất rõ ràng, một câu đó là “ngũ trược ác thế”, ngũ trược ác thế: chính là thời đại mà chúng ta hiện nay đang sống. “Trược” chính là ô nhiễm. “Kiến trược” nghĩa là kiến giải của chúng ta đã bị ô nhiễm rồi. “Phiền não trược” là gì? Chính là tư tưởng và cách nghĩ của chúng ta bị ô nhiễm rồi. Chân tâm của chúng ta, tinh thần của chúng ta, thể chất của chúng ta đều bị ô nhiễm rồi. Nếu đoạn trừ những thứ ô nhiễm này, khôi phục lại sự thanh tịnh, thì vô lượng công đức sẽ hiện tiền. Việc này những người tu lâu năm: có lẽ nhận thức khá rõ ràng. Những đồng tu mới đối với câu nói này, có lẽ nhận thức chưa được sâu, chúng ta hãy cứ từ từ. Có thể nói với mọi người thế này, Phật Bồ-tát và chúng ta có chỗ nào khác biệt? Nghĩa là chúng ta so với Phật Bồ-tát không giống ở chỗ nào? Chỗ không giống nhau rất đơn giản, đó chính là chư Phật Bồ-tát đã đoạn trừ sự ô nhiễm, còn ô nhiễm của chúng ta: một chút cũng chưa đoạn trừ, toàn bộ đều đang lưu giữ, chẳng chút mảy may xả bỏ. Ngoài điều này ra, chúng ta so với Phật Bồ-tát chẳng có khác biệt, là do Phật Bồ-tát đã đoạn trừ ô nhiễm rồi, còn chúng ta giữ lấy ô nhiễm, không nỡ bỏ đi. Đây chính là sự khác biệt.

          Tiếp theo nói đến “trụ thâm Thiền định”. “Thiền định” ở đây là Tánh định, là Tự-tánh vốn định, là lý định. Làm thế nào để lý giải câu “trụ thâm Thiền định”? Trước tiên chúng ta hãy nói về Thiền định. Hiện nay phải chăng có sự hiểu lầm rằng, rất nhiều đồng tu chúng ta cho rằng: Thiền định chính là quay mặt vào vách ngồi tu định. Lục tổ Đại sư Huệ Năng trong “Đàn Kinh” dạy mọi người Thiền định: không phải là cách như vậy, không phải là ngồi trên bồ đoàn, quay mặt vào vách tọa thiền. Rồi nói đây là tu Thiền định. Lục tổ Đại sư Huệ Năng không dạy như thế. Lục tổ Đại sư Huệ Năng nói: “Ngoài không dính tướng gọi là thiền, trong không động tâm gọi là định”. Ngoài không dính tướng, trong không động tâm chính là Thiền định, không phải ngồi quay mặt vào vách. Lý niệm này có bao nhiêu đồng tu có thể hiểu rõ? Nếu tôi nói như thế này, mọi người hiểu được hay không? Mỗi ngày dạo các khu mua sắm đều là đang tọa Thiền, cũng là đang tọa Thiền, quý vị tin được không? Đi đứng nằm ngồi đều là tọa Thiền. Chữ “tọa” này nên hiểu như thế nào? Chữ “tọa” này không phải hiểu theo cách của chúng ta: là ngồi xếp bằng. Chữ “tọa” này là gì? Là tỉ dụ cho bất động. Vậy chúng ta khi ngồi Thiền thì cái gì nên bất động? Tâm không động nhưng thân phải động. Lý giải chính xác thì: tọa Thiền là thân động, tâm không động.

          Ví dụ như: có chư Phật Bồ-tát muốn phục vụ chúng sanh, nếu thân không động thì sao các Ngài phục vụ được? Vì vậy ở đây nhấn mạnh rằng: “tọa” chỉ cho bất động. Cái gì không động? Tâm không động. Nếu quý vị đến Thiền đường, quý vị ngồi xếp bằng, thân của quý vị ngồi ở đó, nhưng trong tâm quý vị vọng tưởng lăng xăng, như vậy căn bản là quý vị không phải đang tọa Thiền, quý vị cũng không tu được Thiền. Vì vậy nói: Thân ngồi ở đó, tâm khởi vọng tưởng, hoàn toàn sai rồi! Cho nên ở đây tôi xin nhắc nhở chư vị đồng tu, thế nào là Thiền định? Dùng một câu như vầy để khái quát: “Bên trong phải tiêu trừ phiền-não tham sân si mạn nghi, bên ngoài không bị dụ hoặc bởi danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, đó chính là Thiền định”. Tôi xin nói lại câu này: “Bên trong phải tiêu trừ phiền-não tham sân si mạn nghi, bên ngoài không không bị dụ hoặc bởi danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, đó chính là Thiền định”. Thiền định này chính làThủ Lăng Nghiêm Đại Định được nói trong Kinh Lăng Nghiêm.

          Tiếp theo nói đến “Tất đổ vô lượng chư Phật”. Câu nói này có thể rất nhiều đồng tu không hiểu được, “ngay cả một vị Phật tôi còn chưa nhìn thấy, nói chi đến thấy vô lượng chư Phật chứ?” Chẳng phải Phật không ở trước mắt chúng ta, mà Phật đang trước mắt chúng ta nhưng chúng ta không nhận ra, chúng ta không nhìn ra được. Vì sao nói như vậy? Chư Phật ở nơi đâu? Chúng sanh trong đại địa vốn dĩ là Phật, chúng sanh hữu tình vốn dĩ là Phật, chúng sanh vô tình vốn dĩ cũng là Phật. Nếu quý vị hiểu những câu nói này, nhận thức rõ ràng rồi, thì lúc này chúng ta sẽ phát hiện rằng: hóa ra tất cả chúng sanh vốn dĩ đều là Phật. Điều này cũng không dễ dàng hiểu được. “Chúng tôi chưa nhìn thấy Phật bao giờ, vì sao cô nói hữu tình chúng sanh vốn là Phật, chúng sanh vô tình cũng vốn là Phật, chúng sanh trong đại địa vốn dĩ là Phật?” Đây là tướng chân thật, chỉ vì chúng ta chưa nhận thức được thôi. Nói thấy Phật thì kiến tánh, kiến tánh thì thành Phật. Bởi vì chúng ta không nhìn thấy Phật, không nhận ra Phật, nên chúng ta chưa kiến tánh. Chúng ta chưa kiến tánh, thì chúng ta chưa thành Phật. Nói khi chúng ta mê hoặc điên đảo, thì thấy được điều gì? Thấy tướng. Nhìn thấy tướng đó thì chúng ta chấp vào tướng.

          Mắt của người ta nhìn thấy là Nhất chân pháp-giới, còn chúng ta nhìn thấy là Thập pháp-giới. Vì vậy người ta thấy được Phật, còn chúng ta không thấy được Phật. Thấy Phật thì thành Phật, đây là chân tướng sự thật. Hiện nay quý vị nói: “Một vị Phật tôi còn chưa thấy”, cho nên quý vị chưa kiến tánh được. Chưa kiến tánh thì quý vị chưa thành Phật được. Làm thế nào để chúng ta thấy được Phật? Nếu quý vị nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật. Vậy chúc mừng quý vị, quý vị thành Phật rồi.

          Trong mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật; Bồ-tát nhìn tất cả chúng sanh đều là Bồ-tát; Phàm phu nhìn ai cũng đều là phàm phu, thậm chí nhìn Phật Bồ-tát cũng là phàm phu. Còn quỷ thì nhìn thấy tất cả đều là quỷ. Một người ác nhìn tất cả mọi người: cảm thấy không có ai là người tốt cả, đều đáng ghét. Người thiện nhìn tất cả mọi người đều là hiền lành. Cho nên cảnh giới có tốt xấu hay không? Cảnh giới không có tốt xấu, không có thiện ác, thiện ác tốt xấu do đâu? Do tâm của chính chúng ta. Tâm của quý vị không thanh tịnh, thì giống như đã nói ở trước: cảnh giới mà quý vị nhìn thấy sẽ không thanh tịnh. Cho nên kinh Phật nói với chúng ta: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Đây là một chân lý. Nếu chúng ta nhìn người này không vừa mắt, nhìn người kia khó ưa, đó là do phiền-não của quý vị khởi hiện hành, chẳng mảy may liên quan đến cảnh giới bên ngoài. Người tu hành chân chánh: hạ thủ công phu trên phương diện này. Nếu thường xuyên trách móc người khác, thường xuyên phê bình người khác, thường thấy lỗi của người khác, không biết nhìn lỗi của chính mình, đó là mê hoặc điên đảo. Quý vị đã làm vấn đề điên đảo rồi, đó không phải là người tu hành. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: “Nếu người chân tu đạo, không thấy lỗi thế gian”. Câu này chúng ta thường nói, thậm chí cũng để ở trên miệng, thế nhưng chúng ta vẫn cứ: nhìn lỗi của người khác, nói lỗi của người khác. Như vậy chúng ta làm sao để sửa đổi đây? Nếu quý vị nhìn thấy lỗi của người khác, quý vị hãy lập tức phản tỉnh lại chính mình, quý vị có thể nhận thức lỗi lầm này là của chính mình, tuyệt đối không phải của người khác, như vậy mới thật sự là người chân chánh tu đạo. Nghĩa là nói: nhìn thấy lỗi của người khác, thì xét lại bản thân, nhận thức được lỗi lầm này là lỗi của chính mình, không liên quan đến hoàn cảnh bên ngoài. Nhận thức này của quý vị đúng rồi! Quý vị chính là người tu đạo chân thật.

          Đoạn Kinh văn phía trên xin giảng đến đây, chúng tôi xin quy nạp đoạn Kinh văn này. Đoạn Kinh văn này là nói: Chư đại Bồ-tát tuy thị hiện diệt độ, nhưng trên thực tế quý Ngài đã chứng đắc: cảnh giới bất sanh bất diệt, đồng thời cũng nắm được: tổng cương lĩnh về đạo lý của tất cả sự vật, tùy thời có thể thông đạt hiểu rõ bản tâm của chính mình, cũng trọn đủ vô lượng vô biên Tam-muội. Quý Ngài an trụ trong Thiền định rất thâm sâu, cũng chính là đang an trụ trong niệm Phật Tam-muội, có thể nhìn thấy được vô lượng vô biên chư Phật. Trong khoảng thời gian rất ngắn, có thể du ngoạn thăm quan vô lượng cõi nước chư Phật, lễ bái cúng dường chư Phật. Đoạn kinh văn trên chính là biểu đạt ý nghĩa như vậy.

          Tiếp theo mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

得 佛辯才,住普賢行。 善 能分 別 眾 生 語 言,開化顯示真實之際。超過世間諸所有法“Đắc Phật biện tài, trụ Phổ Hiền hạnh. Thiện năng phân biệt chúng sanh ngữ ngôn. Khai hóa hiển thị chân thật chi tế, siêu quá thế gian chư sở hữu pháp. (Được biện tài của Phật, trụ vào hạnh nguyện Phổ Hiền. Thông đạt ngôn ngữ các chúng sanh, khai hóa hiển thị bờ mé của chân thật, vượt khỏi tất cả các pháp thế gian).

          Trước tiên xem từ “biện tài”. Biện tài là có thể linh hoạt xảo diệu đối cơ thuyết pháp. Thông thường chúng ta nói là ứng cơ thuyết pháp.

“Khai hóa” là khai đạo giáo hóa.

“Hiển thị” là chỉ ra rõ ràng.

“Chân thật chi tế”: chính là tướng chân thật của lý thể, hiện tướng tác dụng của tất cả pháp.

          Chúng ta xem câu thứ hai: “Đắc Phật biện tài, trụ Phổ Hiền hạnh”. Mọi người chúng ta đều biết Phật có biện tài vô ngại, không có bất kỳ chướng ngại nào. Chỉ khi có được năng lực biện tài vô ngại, thì mới có thể giáo hóa chúng sanh. Chúng sanh ở thế giới Ta Bà chúng ta có nhĩ căn nhạy nhất. Chẳng phải có câu rằng: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Cho nên thế giới Ta Bà: chủ yếu dùng âm thanh để giáo hóa chúng sanh. Đó chính là giảng Kinh thuyết Pháp. Âm thanh chính là biện tài. Thế nên ở thế giới Ta Bà hiện nay có đồng tu phát tâm: tương lai muốn giảng Kinh thuyết Pháp. Quý vị hiện tại đang sống ở thế giới Ta Bà, ở thế giới Ta Bà căn tai của chúng sanh là nhạy nhất, cần phải dùng âm thanh để giáo hóa chúng sanh, cho nên quý vị nhất định phải được biện tài của Phật. Nếu quý vị không đắc được biện tài của Phật, quý vị sẽ không cách nào giáo hóa được chúng sanh.

          Nếu chúng ta muốn có được biện tài của Phật, việc này đối với chúng ta mà nói là tương đối khó khăn, không phải nói được thì sẽ có được, cũng chẳng phải nói cầu thì sẽ cầu được. Dùng phương pháp gì mới có thể được biện tài của Phật? Có một phương pháp: “Cầu cảm ứng, cầu Phật lực gia trì”. Có thể có đồng tu vừa nghe câu này sẽ không thể hiểu được. “Cô giáo Lưu vì sao lại bảo chúng ta cầu cảm ứng chứ?” Câu sau có lẽ không quá phản cảm, nhưng với câu thứ nhất có lẽ có đồng tu sẽ phản cảm. “Cầu cảm ứng, cầu Phật lực gia trì”.

          Dùng phương pháp gì để cầu cảm ứng, cầu Phật lực gia trì? Quý vị nghe hiểu lời giải thích này rồi, thì sẽ không nghi hoặc nữa. Dùng phương pháp gì để cầu cảm ứng vậy? “Trụ Phổ Hiền hạnh”. Phẩm Kinh chúng ta này chủ yếu nói về Phổ Hiền, nên phương pháp cầu cảm ứng ở đây: chính là trụ vào hạnh Phổ Hiền. Có thể cảm với hạnh Phổ Hiền thì Phật biện tài mới có thể ứng. Đây chính là “cảm ứng” trong “cầu cảm ứng” mà phía trước tôi đã nói, đó gọi là cảm ứng đạo giao. Chúng sanh có cảm thì Phật Bồ-tát có ứng. Nếu quý vị không thực hành hạnh Phổ Hiền, quý vị không có hạnh Phổ Hiền, chỉ cầu Phật biện tài, thì bất luận thế nào cũng không cầu được. Quý vị muốn đắc Phật biện tài, thì bắt buộc phải thực hành hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền là gì? Chính là lúc trước chúng tôi đã giảng qua: Là Phổ Hiền Bồ Tát Thập Đại Nguyện Vương.

          Ở đây tôi xin nói một chút, về trải nghiệm của chính mình: đối với sự cảm ứng, cảm ứng đạo giao. Bao nhiêu năm qua tôi thật sự đã đích thân cảm nhận. Xin nêu một ví dụ. Như ngày 4 tháng 4 năm 2010, tôi lần đầu tiên đến Hồng Kông gặp Sư phụ. Trước khi đi không có người nào nói với tôi: khi đến nơi tôi sẽ giảng bài cho mọi người cả. Tôi không nhận được thông báo đó. Tôi cho rằng mình đến Hồng Kông là đi gặp Sư phụ. Sau khi đến nơi, tôi còn nhớ ngày đó, sau khi ăn tối xong vào khoảng 6 giờ, lúc đó có đồng tu Hồng Kông nói với tôi: “Cô giáo Lưu à! Từ 7 đến 9 giờ, chúng tôi sắp xếp một buổi giảng cho cô có được không ạ?” Lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông tôi chẳng quen ai, sao tôi có thể vô lễ mà nói “không” được chứ? Tôi đã lấy hết can đảm mà nói “được ạ!”. Sau đó đồng tu này hỏi tôi: “Cô giáo Lưu à, cô có bản thảo bài giảng không?” Tôi nói: “Không có”. Cô có đề cương không? Tôi nói không có. Cô có đề mục không? Tôi nói không có. Cô ấy hỏi: “Cô sẽ giảng gì?” Tôi nói: “Tôi không biết, cô hỏi Sư phụ xem sao”. Sau đó cô ấy dẫn tôi đi hỏi Sư phụ, nói với Sư phụ là: “Cô giáo Lưu không có bản thảo bài giảng, không có đề cương, không có đề mục, cô ấy giảng gì ạ?” Sư phụ nói một câu: “Cô ấy sẽ xứng tánh mà giảng, ngồi xuống thì sẽ biết giảng”. Sư phụ đã trả lời hai câu như thế, trước đây tôi đã kể với mọi người rồi. Câu thứ nhất “xứng tánh mà giảng”, tôi không hiểu ý nghĩa là gì, tôi nghe không hiểu. Thời gian lâu rồi, tôi không nhớ câu nói này nữa. Câu thứ hai thì tôi nghe hiểu: “Ngồi xuống thì sẽ biết giảng”. Lúc đó, ngày đó tôi thật sự đã lên ngồi, tôi nghĩ đó là bảo tòa giảng pháp của Sư phụ, chắc chắn rất linh. Lúc đó tôi không biết thế nào là gia trì, tôi không hiểu, tôi nói: “Chắc chắn cái ghế đó rất linh, ai ngồi vào đều sẽ biết nói”. Thế nên tôi không hề hoảng hốt chút nào. Quý vị thấy tôi chẳng có gì cả, có thể nói là “ba không và hai không”. “Ba không” là không có bản thảo, không có đề cương, không có đề mục. “Hai không” là hai tay trống không, đầu óc trống không, mà tôi bước lên đó. Nếu tôi biết không phải là như thế, thì sao tôi dám bước lên ngồi đó được? Vì câu nói thứ hai của Sư phụ là: “Ngồi xuống thì sẽ biết giảng”, tôi nghĩ Sư phụ không lừa tôi đâu, nên tôi đến đó ngồi. Kết quả sau khi ngồi xuống thì thao thao bất tuyệt hai tiếng đồng hồ, không ngừng tuôn trào. Chính tôi cũng ngạc nhiên: mình nói gì thế nhỉ! Sau khi giảng xong bước xuống tôi hỏi Sư phụ. Tôi nói: “Sư phụ à, con đã nói nhảm gì thế ạ?” Sư phụ nói: “Tốt tốt tốt”. Khi Sư phụ nói “tốt tốt tốt” thì tâm của tôi vững vàng hơn, chứng tỏ tôi không nói sai.

          Tôi nêu lên ví dụ này để nói điều gì? Việc này đích thực là Phật lực gia trì, nếu không có Phật lực gia trì, thì tôi làm sao giảng được trong 2 giờ. Nếu họ báo trước tôi có nhiệm vụ giảng bài, tôi ở nhà chuẩn bị bài, thì còn có chút để nói, đằng này không chuẩn bị tư tưởng chút nào. Chưa kể, sau khi giảng xong buổi đầu, tôi cho rằng mình hết việc rồi. Nhưng đồng tu Hồng Kông lại nói với tôi: “Cô giáo Lưu à, cô còn 6 buổi giảng nữa. Lần này cô đến đây có nhiệm vụ giảng tổng cộng 7 buổi”. Tôi thật sự có chút ngớ người. Khó khăn lắm mới giảng được một buổi, dù sao cũng phải ráng nói, còn đến 6 buổi thì tôi biết nói gì bây giờ? Không có cách nào, đã sắp đặt như vậy rồi, thì đành phải cố gắng nói thôi. Vì vậy nếu quý vị bây giờ xem lại, bảy buổi giảng trong lần đầu tiên tôi đến Hồng Kông, quý vị sẽ thấy biểu hiện của tôi rất là ngớ ngẩn. Bởi vì đầu óc và tay chân của tôi đều thực sự trống rỗng: khi giảng 7 buổi đó. Cho nên đây là cảm nhận đích thực của bản thân tôi. Lúc đó tôi không cầu cảm ứng, vì tôi không biết, tôi cũng chẳng hiểu, thế nhưng tôi rõ ràng cảm nhận được Phật lực gia trì. Đó không phải là bản lĩnh của tôi, không phải là năng lực của tôi, tôi không có biện tài như thế.

          Đoạn này liên quan đến đến “đắc Phật biện tài”, tức là nói: khi chúng ta phát tâm muốn giảng Kinh hoằng Pháp, thì các đồng tu hoặc các Pháp sư, quý vị nhất định phải “được biện tài của Phật”. Thông qua việc hành hạnh Phổ Hiền để cầu cảm ứng, cầu Phật lực gia trì. Nếu quý vị không hành hạnh Phổ Hiền, mà chỉ cầu Phật lực gia trì, chỉ mong cầu biện tài của Phật, thì quý vị sẽ không cầu được.

          Tiếp theo sẽ nói về câu Kinh văn kế tiếp: “Thiện năng phân biệt chúng sanh ngữ ngôn, khai hóa hiển thị chân thật chi tế”.

          Qua hai câu Kinh văn này chúng ta biết rằng đối với tất cả ngôn ngữ của chúng sanh, không có ngôn ngữ nào mà Phật không biết hay không hiểu. Chính là ngôn ngữ của chúng sanh, Phật hoàn toàn hiểu rõ, không cần phiên dịch. Như chúng ta nghe tiếng nước ngoài vẫn cần phiên dịch, Phật thì không cần. Tất cả ngôn ngữ của chúng sanh Phật đều biết. Chỉ có hiểu ngôn ngữ của chúng sanh, thì quý vị mới kết nối được với chúng sanh, có phải vậy không? Nếu chúng ta không hiểu ngôn ngữ của chúng sanh, ví dụ con chim nó hót điều gì, chúng ta không hiểu.

          Tôi xin nêu một ví dụ cho mọi người. Đạo tràng mà tôi ở hiện giờ, bởi vì bốn bề đều là núi, trên núi có cây. Có một ngày sau bữa ăn tối, lúc đó là mùa hè, chúng tôi ở bên ngoài cửa lớn trò chuyện, chợt có một đồng tu nói với tôi: Cô giáo à! Cô nhìn kìa: trên cái cây phía trước có gì vậy? Tôi hỏi: có việc gì? Có một con chim tiếng kêu vô cùng lớn, ríu ra ríu rít, mà bộ dạng rất khẩn trương, kêu mãi không ngừng. Nó kêu lên một tiếng, thì tôi phát hiện những con chim ở bốn phía, từng bầy từng bầy: bay đến cây đó rồi tập hợp lại. Tôi nói: “Có lẽ bọn chúng đang chuẩn bị mở cuộc họp. Con chim đó là thủ lĩnh, nó vừa ra lệnh thì những con chim nhỏ kia đều bay đến”. Lúc đó chúng tôi đều cười. Tuy nhiên, hiện nay quý vị đọc câu Kinh văn này, quý vị có thể suy xét: đó xác thật là ngôn ngữ của chúng hay không, nhưng chúng ta nghe không hiểu mà thôi. Phật Bồ-tát đối với ngôn ngữ của chúng: đều hiểu rõ ràng, vì thế mà độ hóa tốt hơn, độ càng nhiều chúng sanh hơn. Chúng ta hiện nay không có năng lực như thế.

          Dùng phương pháp gì để độ? Chính là câu kế tiếp: “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế”. “Khai” là khai đạo, là khai thị, chính là dạy học. Còn “hóa”: là chỉ cho sau khi học sinh nhận được sự dạy bảo, sẽ phát sinh sự biến hóa, trong tâm phát sinh sự biến hóa. Đó gọi là “khai hóa”.

          “Hiển thị chân thật chi tế, chính là đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh, nói với chúng sanh, khiến chúng sanh hiểu rõ.

          Trước đây tiêu chuẩn giáo dục của nhà Nho chúng ta: chính là thay đổi khí chất của học sinh, chuyển khí chất của phàm phu: thành khí chất của Thánh hiền, đề cao đức hạnh. “Hóa” trong nhà Nho, chẳng phải ở đây nói “giáo hóa” đó sao? Chữ “hóa” này, nhà Nho có ba tiêu chuẩn. Đó là gì? Thượng phẩm là Thánh nhân, trung phẩm là Hiền nhân, hạ phẩm là Quân tử. Đây là tiêu chuẩn dạy học của nhà Nho.

          Tiêu chuẩn dạy học nhà Phật của chúng ta cũng có ba phẩm: thượng trung hạ. Thượng phẩm là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, đây là thượng phẩm. Trung phẩm là thành Bồ-tát. Hạ phẩm là thành A-la-hán. Ngoài ra trong Phật pháp còn có 3 phẩm thượng trung hạ. Thượng phẩm là thành tựu lý-nhất-tâm-bất-loạn, trung phẩm là thành tựu sự-nhất-tâm-bất-loạn, hạ phẩm là thành tựu công phu thành-phiến. Sau “giáo” phải có “hóa”, nếu giáo mà chẳng hóa, thì dạy uổng công, vô dụng rồi. Cho nên thầy thì phải khai, phải dạy, đó chính là giáo. Học sinh thì phải hóa, nghĩa là sau khi học, thì phải thay đổi khí chất, phải siêu phàm nhập thánh.

          Chúng ta nghe lão Pháp sư giảng Kinh thuyết Pháp bao nhiêu năm qua, khí chất của chúng ta có thay đổi chưa? Khoan nói đến thay đổi lớn, thay đổi nhỏ có hay không? Thay đổi vừa có hay không? Nếu chúng ta nghe lão Pháp sư giảng Kinh 20-30 năm rồi, mà khí chất không hề thay đổi chút nào, nói thật lòng thì thầy đã dạy uổng công rồi, không “hóa” được chúng ta phải vậy không? Thầy thì dạy, còn chúng ta phải hóa. Chúng ta hóa không tốt, hóa không đủ, Cho nên phải tiếp tục hóa. Nội dung dạy học là “hiển thị chân thật chi tế”. “Chân thật chi tế” chính là Chân như Bản tánh, cũng chính là chư pháp thật tướng, chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Những cách nói này đều có cùng một ý nghĩa. “Chân thật chi tế” chính là Chân như Bản tánh, chính là thật tướng các pháp, chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chúng ta vốn mê mất rồi, Phật vì chúng ta hiển thị sự thật, là để chúng ta hiểu rõ, khiến chúng ta khế nhập cảnh giới ấy. Cảnh giới ấy là cảnh giới nào? Là cảnh giới của Phật.

          Câu tiếp theo: “Siêu quá thế gian chư sở hữu Pháp”. Tất cả giáo dục của thế gian, không thể sánh với Phật pháp. Duy chỉ có giáo dục của Phật là chân thật, có thể khiến chúng ta hiểu rõ triệt để: thật tướng của vũ trụ nhân sanh. Nói với chúng ta, dạy bảo để chúng ta: nhận thức rằng nhân sanh là chính chúng ta, vũ trụ chính là hoàn cảnh sinh sống của chúng ta. Phật pháp nói với chúng ta điều gì? Hiểu rõ một chút rồi, thì thấy Phật pháp là dạy chúng ta nhận thức chính mình, nhận thức về tất cả hoàn cảnh sống của chính chúng ta, chính là điều này, vô cùng đơn giản!

          Chúng ta hiện nay đã nhận thức được chính mình chưa? Ví dụ như quý vị từ đâu đến? Quý vị đến đây để làm gì? Tương lai quý vị sẽ đi về đâu? Bản thân quý vị hiện nay có nhận thức được chăng? Hoàn cảnh đời sống của chúng ta quý vị đã nhận thức được chưa? Đó là nhận thức chính xác hay không? Đây thật sự là một vấn đề: mà chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ. Phật pháp không phải dạy chúng ta trường sanh bất lão, không phải dạy chúng ta lên trời. Có người nói Phật pháp là tiêu cực, Phật pháp là mê tín. Mọi người xét xem: nội dung của các buổi học trước đến giờ, có nội dung nào là mê tín hay không? Nên chúng ta nói Phật pháp là tích cực, không phải mê tín.

          Tôi xin tổng kết lại đạo lý: mà đoạn Kinh văn này đã nói với chúng ta. Đoạn Kinh văn này nói với chúng ta, chư đại Bồ-tát: đã chứng đắc trí huệ Vô thượng tương ưng với đức Phật, đắc được biện tài vô ngại giống như Phật, an trụ trong đại hạnh của Phổ Hiền Bồ-tát, dùng mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Đối với tất cả văn tự ngôn ngữ của chúng sanh, quý Ngài đều có thể tự nhiên thông đạt, tùy cơ thuyết pháp. Nên có thể phương tiện khai thị: chân tướng sự lý của tất cả pháp, giáo hóa tất cả chúng sanh thảy đều thông đạt hiểu rõ. Vì thế mà tán thán quý Ngài siêu vượt tất cả pháp thế gian. Đây chính là vấn đề: mà đoạn Kinh văn trên nói rõ với chúng ta.

          Xin xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

心常諦住度世之道。於一切萬物隨意 自在。為諸庶類作不請之友。受持如來甚  深 法 藏,護佛 種 性 常使不絕。“Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo, ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại. Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu. Thọ trì Như Lai, thậm thâm Pháp tạng. Hộ Phật chủng tánh, thường sử bất tuyệt. ” (Tâm thường trụ trong đạo độ thế; Đối với vạn vật tùy ý tự tại; vì các loài chúng sanh mà làm bạn không mời. Thọ trì Pháp tạng rất sâu của Như Lai, hộ trì giống Phật khiến không dứt).

Từ “đế trụ” có nghĩa là gì? Nghĩa là chân thật an trụ. Đế trụ là chân thật an trụ.

“Độ thế chi đạo” nghĩa là gì vậy? Là lý luận và phương pháp để giáo hóa chúng sanh.

“Vạn vật” là chỉ tất cả Pháp.

“Tự tại” ở đây nghĩa là thông đạt vô ngại.

“Thứ loại” là chỉ cho tất cả hữu tình chúng sanh.

“Thọ” trong “thọ trì” nghĩa là tiếp nhận, “trì” là giữ gìn không để mất đi.

“Như Lai thậm thâm Pháp tạng”: là chỉ cho tất cả Kinh điển mà Như Lai đã nói. Trong bổn tông chính là Kinh Vô Lượng Thọ và câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Không chỉ đối với bổn tông, mà đối với Tông môn Giáo hạ khác cũng là như vậy.

“Hộ” là bảo hộ, hộ trì. “Phật chủng tánh” là tâm Bồ-đề và xưng danh hiệu Phật.

          Mời xem câu đầu tiên: “Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”. Tâm của Phật Bồ-tát thật sự: luôn luôn an trụ trong đạo độ thế. Tâm của Phật Bồ-tát chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh: phá mê khai ngộ lìa khổ được vui, giúp đỡ chúng sanh nhận thức chính mình, nhận thức hoàn cảnh sinh sống của chính mình, nhận thức chân tướng của tất cả sự vật. Tâm của quý Ngài là tâm này, việc quý Ngài làm là việc này. Những sự việc khác trong thế gian, người khác có thể làm thì giao cho họ làm. Sự việc này, người thế gian không làm được, Phật Bồ-tát đến làm. Sự nghiệp độ thế thì cần phải làm, đây là việc chúng sanh thế gian không thể làm được.

          Sự việc mà Phật Bồ-tát: làm ở thế gian, chính là dạy học. Khoa mục, nội dung và phương pháp dạy học: so với việc dạy học trong thế gian hoàn toàn khác nhau. Dạy học trong Phật môn: nhất định phải dùng phương pháp trong nhà Phật. Phương pháp đó chính là hạ thủ từ Tam học Giới Định Huệ. Tam học Giới Định Huệ là học vấn căn bản. Nếu quý vị không có học vấn như thế, thì chính mình không thể liễu sanh tử, không thể xuất Tam giới. Việc của chính mình mà quý vị không làm rõ, không thể dứt sinh tử, không thể thoát Tam giới, thì quý vị làm sao để độ chúng sanh? Vì vậy có năng lực này, thì quý vị hãy phát tâm độ chúng sanh, hành Bồ-tát đạo, mới có thể học giảng Kinh thuyết Pháp độ chúng sanh. Quý vị phải biết từ đâu mà hạ thủ? Từ Giới Định Huệ mà hạ thủ.

          Lại nói, giảng Kinh nên học từ đâu? Đây là một vấn đề tương đối mới mẻ. Giảng Kinh phải học từ đâu? Mọi người nói giảng Kinh thì học từ Kinh điển, quý vị muốn giảng Kinh thì phải học Kinh đọc Kinh nghe Kinh, không hoàn toàn như thế. Giảng Kinh là phải đem Kinh điển trong Tự-tánh khởi phát ra. Câu nói này hết sức quan trọng! Cần phải phát khởi được Kinh điển trong Tự-tánh, giảng chân Kinh của Tự-tánh. Câu nói này vô cùng quan trọng. Khi tôi xem đến đoạn này, bản thân vô cùng kinh ngạc. Trước giờ tôi chưa nghe câu “giảng Kinh là giảng chân Kinh trong Tự-tánh của chính mình”. Tôi nghe không hiểu. Lần này tôi viết bản thảo bài giảng, thì mới hiểu rõ ràng minh bạch đoạn này. Quý vị giảng Kinh là giảng Kinh gì? Chính là giảng chân Kinh trong Tự- tánh của quý vị, chẳng phải giảng bộ Kinh nào khác, không phải giảng Kinh ở bên ngoài. Ví dụ: hiện nay tôi đã hiểu đến mức độ nào rồi? Chính là hiện nay tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ, thì tôi đang giảng Kinh Vô Lượng Thọ trong Tự-tánh của chính mình. Kinh Vô Lượng Thọ trong Tự-tánh của tôi, so với Kinh Vô Lượng Thọ của đức Thích Ca Mâu Ni Phật: là không hai không khác, đó là nhất trí.

          Cho nên nói: nếu trí huệ trong Tự-tánh không thể hiện tiền, thì điều được nói ra: sẽ không có sức thuyết phục và sức nhiếp thọ. Tôi đã hiểu được điều này. Nếu điều mà quý vị nói ra là giả, thì người khác nghe sẽ không cảm động. Tôi có cảm nhận như thế nào vậy? Chính là nếu những điều mà tôi viết, những điều tôi giảng có thể khiến chính tôi cảm động, thì chứng tỏ là tương đối thành công. Nếu những điều tôi viết và tôi giảng, ngay cả chính mình còn không cảm động được, thì chứng tỏ việc này thất bại rồi. Đây là cảm nhận khá sâu sắc trong hơn một năm qua của tôi. Trước đây tôi nghĩ: chỉ cần nói lời chân thật, làm chân thật là đủ rồi. Hiện nay xem ra chưa đủ. Nếu quý vị muốn giảng Kinh muốn hoằng pháp lợi sanh, thì nhất định phải giảng ra được: chân Kinh trong Tự-tánh của chính mình. Như vậy mọi người nghe rồi, mới nhận được lợi ích chân thật.

          Làm thế nào có thể đem chân Kinh trong Tự-tánh: dẫn phát ra? Đây là một việc khó, chẳng phải ai muốn giảng chân Kinh trong Tự-tánh thì ngay lập tức có thể giảng ra được, việc này cần phải có một quá trình. Để dẫn phát chân Kinh trong Tự-tánh của quý vị, thì phương pháp chủ yếu then chốt là ở đâu? Then chốt là tâm thanh tịnh. “Thanh tịnh chính là Tự-tánh”. Đây có thể nói là thể hội của bản thân tôi: trong hơn 20 năm học Phật. Vì sao con đường học Phật của tôi: cho đến bây giờ, có được một chút tiến bộ nho nhỏ? Nguyên nhân là vì tâm của tôi khá thanh tịnh. Trước đây tôi không biết tại sao, tôi có thể biết một số việc. Sau đó Sư phụ nói với tôi, ngài nói: “Chủ yếu là do tâm của con thanh tịnh, tâm của con thanh tịnh nên tín hiệu nhạy bén, cho nên điều mà người khác không biết, thì con có thể biết”. Vì thế tôi biết rằng: tâm thanh tịnh quan trọng đến mức nào. Còn nhớ 2 ngày trước khi chúng tôi trò chuyện với nhau, tôi nói: người cần có tư tưởng đơn giản, đầu óc đơn giản, đó chính là nền tảng chân thực của tu hành. Nếu một người có tư tưởng rất phức tạp, tâm quá loạn, tôi nói: không có lợi cho tu hành, không có ích cho sự thành tựu. Tôi thật sự nghĩ như vậy. Bởi vì tôi từ nhỏ đến giờ, cho dù đã hơn 70 tuổi, nhưng đầu óc vẫn còn đơn giản. Cho nên nói một cách tương đối thì tâm của tôi: thanh tịnh hơn chút so với một số người. Bởi vì thanh tịnh chính là Tự-tánh. Khi tôi thanh tịnh rồi, thì Tự-tánh tôi sẽ hiển lộ nhiều hơn một chút. Hiện nay không phải nói Tự-tánh tôi hoàn toàn hiển lộ rồi, mà đang hiển lộ dần dần, thêm một chút, thêm một tí.

          Cho nên trong tất cả phương pháp và phương tiện, có hai phương diện mà tôi đích thân thể hội, và cảm thấy rất quan trọng. Đó là hai điều gì? Điều thứ nhất là biết đủ, điều thứ hai là không mong cầu. Đơn giản vậy thôi! Tôi nói, nếu quý vị muốn đem chân Kinh trong Tự-tánh của chính mình: khởi phát ra, mà thiếu sự biết đủ, thiếu sự không mong cầu, thì sẽ không làm được, quý vị sẽ không khởi phát ra được. Bởi vì sao? Bởi khi biết đủ và không mong cầu thì tâm sẽ định. Tôi rất tin tưởng điều này. Bởi con người của tôi: rất biết đủ, tôi trước giờ chưa từng có mong cầu đối với bất kỳ điều gì. Có thể nói hai điều kiện biết đủ và không mong cầu: tôi đều có đủ, cho nên tâm tôi đã định rồi. Định chính là đã thanh tịnh, thanh tịnh thì trí huệ hiện tiền. Hai ngày trước tôi đã nói nửa đùa nửa vui: với các đồng tu. Tôi nói: “Hiện nay tôi cảm thấy: trí huệ lại tăng trưởng được một chút”. Làm sao đo được? Trước đây khi gặp phải một số vấn đề nan giải, tôi đều phải động não suy nghĩ: việc này nên giải quyết thế nào. Còn hiện nay khi việc chợt diễn ra trước mắt, tôi lập tức biết nên làm thế nào. Bản thân tôi lại ba hoa khoác lác nữa rồi. Tôi nói vậy phải không? Trí huệ hiện tiền nhanh hơn so với trước đây.

          Ví dụ nếu quý vị không biết đủ, quý vị vẫn còn mong cầu nhiều thứ, thì tâm quý vị có lẽ rất lâu mới định được. Xin nêu lên một ví dụ: liên quan đến việc tu học của chúng ta. Ví dụ quý vị hiện nay đang học Kinh Vô Lượng Thọ, nhưng quý vị lại nghĩ Kinh Kim Cang cũng hay, rồi nghĩ Kinh Lăng Nghiêm cũng hay, Kinh Pháp Hoa cũng hay. Người như thế thì khó rồi, đời này họ khó mà thành tựu. Bởi vì sao? Xen tạp rồi! Chúng ta không thể nói loạn mà tạp rồi. Nếu muốn đời này thành tựu thì phải biết đủ và không mong cầu. Đến hiện nay là gần 20 năm, tôi chỉ một bộ Kinh Vô Lượng Thọ và một câu Phật hiệu A Di Đà Phật. Mặc dù có người chuyên môn phê bình điểm này của tôi, nhưng tôi kiên quyết không lay động, tôi vẫn cứ tiếp tục giữ vững. Nếu quý vị biết đủ và không còn mong cầu, thì quý vị vào Tam-muội rồi. Vì sao lão Pháp sư nói với mọi người rằng: tôi đã được niệm Phật Tam-muội. Lúc đó tôi vẫn không biết. Về sau do thỉnh giáo Sư phụ, tôi mới biết niệm Phật Tam-muội là gì. Những điều này là sự thật. Sau khi tâm của quý vị thanh tịnh, thì quý vị sẽ đắc Tam-muội. Sau đó lão Pháp sư còn nói: sau khi đắc Tam-muội quý vị sẽ có thần thông. Chẳng phải có đồng tu chỉ trích thần thông của tôi đó sao? Có những lúc nghĩ không thông, thì tôi đến Hồng Kông hỏi Sư phụ nên làm thế nào. Bởi vì nhiều điều đó, chẳng phải là thứ mà trong tâm tôi muốn và mong cầu, tôi không biết cầu. Vì tôi không biết, thì sao cầu được chứ? Cho nên nói, sau khi quý vị vào Tam-muội, thì sẽ xuất hiện cảnh tượng thế nào? Sáu căn của quý vị sẽ phóng quang, lục căn của quý vị sẽ phóng quang, mắt tai mũi lưỡi thân ý: toàn bộ 6 căn này sẽ phóng quang. Phóng ánh sáng Bát Nhã, ánh sáng Bát Nhã chính là ánh sáng trí huệ, mắt vừa nhìn thì hiểu rõ, tai vừa nghe liền thông đạt.

          Những thứ mà trước đây chưa từng học, vừa tiếp xúc liền hiểu rõ liền thông đạt. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả pháp đều là biến hiện ra. Do gì biến hiện ra? Tự-tánh của quý bị biến hiện ra, chân tâm của quý vị biến hiện ra. Đã là như vậy, thì chẳng phải quý vị đã minh tâm kiến tánh rồi sao? Như vậy thì pháp pháp tự nhiên thông đạt, đó chính là “cửa ngõ sáu căn đều phóng quang chấn động”.

          Ngàn Kinh muôn Luận, thiên ngôn vạn ngữ, chỉ là để tẩy sạch những thứ ô nhiễm: làm chướng ngại Bản tánh mà thôi. Phía trước nói nhiều như thế, phía sau chỉ cần tổng kết một câu. Đó là “Ngàn Kinh muôn Luận, thiên ngôn vạn ngữ, chỉ là để tẩy sạch những thứ ô nhiễm: làm chướng ngại Bản tánh mà thôi”. Nghe hiểu được câu này rồi, thì chúng ta cần làm gì? Mau chóng tẩy rửa sạch sẽ: những thứ ô nhiễm trước mắt làm chướng ngại Tự-tánh của chúng ta. Ai tẩy rửa sạch sẽ rồi thì người đó minh tâm kiến tánh.

          Hiện nay Tịnh-độ tông đã thu lại phạm vi rất nhỏ, quy nạp lại thành năm Kinh một Luận. Có lúc tôi nghĩ: sao không thu trực tiếp đến: còn một bộ Kinh Vô Lượng Thọ thôi? Năm Kinh một Luận cũng không cần, thu đến còn một bộ Kinh Vô Lượng Thọ thôi. Sau đó tôi hiểu ra: vì một số đồng tu không cam tâm, phải vậy không? Phật Bồ-tát quá thấu tỏ tâm của chúng sanh mà. Quý vị thấy tôi một bộ Kinh một câu Phật hiệu: kiên trì đến cùng. Nhưng người khác không giống như vậy được, không nhận thức giống như tôi. Có đồng tu không cam tâm. Họ không cam tâm chỉ đọc một bộ Kinh này. Vậy thì làm sao? Phật Bồ-tát hiểu rõ tâm của chúng sanh, nên nếu quý vị không cam tâm đọc một bộ Kinh, thì sẽ mở cho quý vị năm bộ, sáu bộ. Mãn tâm nguyện của chúng sanh mà. Nhưng các Ngài nói với chúng ta rất rõ ràng: rằng người đọc một bộ Kinh là thượng thượng căn, người đọc 5 bộ Kinh là căn tánh bậc trung, người đọc 10 bộ Kinh trở lên là căn tánh bậc hạ. Người căn tánh bậc hạ không có cách nào thành tựu, chí ít đời này của quý vị không thể thành tựu. Quý vị xem đã nói với chúng ta rất rõ ràng minh bạch như vậy! Nếu quý vị nghe hiểu những câu này, thì quý vị còn muốn đọc 5 bộ Kinh nữa không? Còn muốn đọc 10 bộ Kinh nữa không? Đọc một bộ Kinh Vô Lượng Thọ là đủ rồi, niệm một câu Phật hiệu A Di Đà Phật là đủ rồi.

          Phía sau còn có “độ chúng sanh”, cần phải tuân thủ “Tứ hoằng thệ nguyện”. Vì thời gian của tiết học này đã hết, phần “Tứ hoằng thệ nguyện” chúng tôi sẽ giảng vào buổi học sau. Cảm ơn mọi người. A Di Đà Phật.

(Hết tập 9)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh-độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tức phát Bồ-đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

                                                                                      

Trả lời 0