Tập 12 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 26/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 12

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem hai câu kinh tiếp theo: “Thăng quán đảnh giai, thọ Bồ-đề ký”

Hai câu này là thành tích dạy học của chư Phật Bồ-tát. Đây là cấp bậc tu học đạt được cao nhất, học vị cao nhất có thể lấy được trong giáo dục của đức Phật, đó là thành Phật. “Thăng” giống như đi học, mỗi năm đều lên lớp, từ tiểu học cho tới nghiên cứu sinh, “quán đảnh giai” là viện nghiên cứu Phật giáo. Đây là quả vị cao nhất của Bồ-tát, thông thường là từ Bát địa trở lên.

Người quán đảnh, Ấn Độ thời xưa khi quốc vương kế vị sẽ lấy nước bốn biển rưới lên đỉnh đầu quốc vương. Đại biểu quốc vương sắp đăng cơ. Mật giáo cũng giống vậy, có pháp quán đảnh. Trong Mật tông có pháp như vậy, ý nghĩa giống với quốc vương Ấn Độ thời xưa đăng cơ kế vị. Thái tử tiếp nhận lễ quán đảnh thì sẽ tiếp nhận vương vị. Trong nhà Phật, Đẳng giác Bồ-tát, Bổ xứ Bồ-tát lên trên một bậc nữa là Phật-đà. Đây là học vị cao nhất, cũng cử hành lễ quán đảnh, quán đảnh tức là tốt nghiệp.

Quán đảnh có hai loại thông thường nhất:

Thứ nhất là kết duyên quán đảnh.

Kết duyên quán đảnh của Mật tông cũng giống với Tam quy y của Hiển tông, kết duyên với Phật. Kết duyên quán đảnh của Mật tông như thế này: Bạn tới cầu pháp, dẫn bạn vào trong đàn quán đảnh, truyền cho bạn thủ ấn, chú ngữ của Bổn tôn, từ đó trở đi bạn có tư cách tu học pháp môn được truyền dạy, đây gọi là kết duyên quán đảnh. Rất nhiều bìa sách của Mật tông có in bên ngoài dòng chữ “chưa quán đảnh không được phép mở ra xem”, ở đây muốn nói nếu bạn chưa được pháp quán đảnh này, kinh điển và pháp bổn này thì bạn không thể xem, trong đó cũng không có gì bí mật không thể nói cho người biết, chỉ là thận trọng mà thôi.

Thứ hai là thọ chức quán đảnh. Người tu hành như pháp được quán đảnh, nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu trì, tích chứa công hạnh, trí tuệ khai mở, có thể trở thành thầy của người khác, đảm nhiệm chức vị kim cang thượng sư. Như vậy làm pháp thọ chức quán đảnh cho họ, tiếp nhận chức vị kim cang a-xà-lê, rồi sau đó mới là thượng sư như pháp.

Hiện nay có rất nhiều người không như pháp, không được sự cho phép từ thượng sư của mình, tự làm theo ý mình truyền cho đệ tử. Giữa thọ chức quán đảnh và kết duyên quán đảnh còn có bốn loại quán đảnh: Bình quán, mật quán, huệ quán, đại thủ ấn quán. Tiếp nhận quán đảnh đều phải thọ mật giới. Có người không thọ giới mà tu pháp, thực sự là muốn [tu tập được] tăng lên thì ngược lại bị hạ xuống. Quán đảnh còn phân biệt giữa sơ vị và hậu vị. Những điều tôi vừa nói là sơ vị, hậu vị không giống vậy. Trong Bí Tạng Ký nói từ Sơ địa đến Thập địa Bồ-tát, cho đến Đẳng giác Bồ-tát, tới lúc chính thức sắp chứng Phật quả, lúc sắp thành Phật, chư Phật dùng nước đại bi quán đảnh cho người đó thì chính họ tự nhiên viên mãn chứng nhập Phật quả. Bây giờ Bồ-tát tới tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ đa phần là Phổ Hiền hậu vị, từ quả hướng nhân, là sự thị hiện của Phật. Cho nên các ngài đương nhiên đều thọ qua quán đảnh hậu vị, quán đảnh thành Phật. Còn Bồ-tát từ Sơ địa đến Đẳng giác cũng đều phải thọ quán đảnh này. “Thăng quán đảnh giai” là chỉ hai loại Bồ-tát đều phải trải qua quán đảnh hậu vị.

Sau khi thọ lễ quán đảnh thì phải giảng kinh, phải dạy học, mọi người gọi bạn là pháp sư. Sư là giải hoặc truyền đạo, bạn không thể giúp đỡ chúng sanh đoạn nghi sanh tín, không thể khiến Phật pháp đời đời tương truyền, quán đảnh như vậy là giả, không phải là thật. Tiếp theo tôi sẽ nói cho các đồng tu nghe hàm nghĩa thật sự của quán đảnh, để giúp mọi người không còn nhầm lẫn nữa.

Bí Tạng Ký Sao nói: “Quán nghĩa là đại bi hộ niệm. Đảnh nghĩa là Phật quả cao tột đỉnh”. Cách giải thích này rất hay. Đại bi hộ niệm là chỉ hết thảy chư Phật Như Lai hộ niệm người tu hành, thật sự tu hành thì các ngài thật sự hộ niệm, đại từ đại bi. “Đảnh” nghĩa là gì? Đảnh là Phật quả cao tột đỉnh, cũng là pháp môn vô thượng, thực sự có thể giúp bạn một đời thành Phật, đó là cao tột đỉnh. Phát tâm niệm Phật vãng sanh, đến thế giới Cực Lạc chính là Phật quả cao tột đỉnh. Đến thế giới Cực Lạc, chắc chắn chứng được một đời Phật quả cứu cánh viên mãn, A-di-đà Phật đảm bảo cho chúng ta. Đem pháp môn này truyền cho chúng ta chính là đại bi hộ niệm. Đời này chúng ta gặp được bộ kinh này, gặp được pháp môn này cũng là Di-đà Như Lai đại bi hộ niệm. Đem pháp môn đỉnh cao một đời thành Phật, pháp môn cao nhất trong hết thảy pháp môn, không có pháp môn nào sánh được này truyền cho chúng ta, đây mới gọi là quán đảnh thật sự.

Đọc bộ kinh này từ đầu đến cuối một lần, mười phương chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn một lần; câu Phật hiệu A-di-đà Phật, bạn niệm một câu, mười phương chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn một lần, một ngày bạn niệm mười ngàn tiếng Phật hiệu, mười phương chư Phật Như Lai quán đảnh cho bạn mười ngàn lần. Đây là thật, không phải giả. Bạn có tin không? “Chư Phật hộ niệm”, mười phương chư Phật hộ niệm người niệm Phật, khiến đạt đến địa vị Phật đảnh, vãng sanh bất thoái, mau thành chánh giác, các ngài giúp đỡ chúng ta chắc chắn đạt được Phật đảnh, không còn điều nào cao hơn nữa, “đều gọi là quán đảnh”.

Câu “thăng quán đảnh giai” trong kinh Vô Lượng Thọ, là nói cho bậc Đại sĩ trong hội. Tham gia pháp hội là có mặt tại đó, đồng tu chúng ta ngồi trước tivi, ngồi trước mạng internet, mọi người đều trong cùng một hội, hội này vẫn chưa kết thúc. Đối với Bồ-tát của thế giới Cực Lạc mà nói, đây là hậu vị. Phải chỉ dạy dẫn dắt chúng sanh, chúng ta tức là “người nhận quán đảnh là sơ vị”. Sơ vị chính là hậu vị. Vấn đề phải xem bạn thật sự có tín tâm hay không, tin tưởng thật sự có thế giới Cực Lạc, thật sự có A-di-đà Phật, một chút hoài nghi cũng không có, vậy thì bạn chính là sơ vị quán đảnh mà kinh điển nói tới, sơ vị chính là hậu vị. Bạn có tin không? Nhất định phải nhớ kỹ, quán đảnh thật sự là truyền thọ đại pháp. Phật pháp trọng thực chất, không trọng hình thức, hình thức chỉ để biểu pháp.

“Thọ Bồ-đề ký”, thọ nghĩa là trao cho; ký là ghi biết, cũng chính là ký của huyền ký, tức có nghĩa báo trước cho bạn biết. “Phật đối với chúng sanh đã phát đại tâm trao lời huyền ký tương lai chắc chắn thành Phật thì gọi là thọ ký”. Thọ ký tức là tuyên thuyết quả vị tương lai, để họ biết được sự thù thắng hiếm có của nhân địa tu hành, củng cố niềm tin và sự tu trì của người được thọ ký, để họ biết được hiện nay đang trồng nhân Bồ-đề, tương lai nhất định được quả Bồ-đề. “Thọ Bồ-đề ký” Biểu thị Đại sĩ trong hội đều được Phật thọ ký, tương lai đều được Phật quả; đồng thời cũng biểu thị Bồ-tát tham gia pháp hội cũng thọ ký thành Phật cho chúng sanh, bởi vì các ngài có thể thị hiện thành Phật trong mười phương thế giới, thọ ký cho vô lượng chúng sanh. Người thực sự niệm Phật, một đời này ít nhất có thể gặp Phật ba lần, có người gặp trong mộng, có người gặp trong định, đây đều là thật.

– Lần thứ nhất gặp Phật là khi công phu niệm Phật thành phiến, bạn có được tư cách này, tư cách gặp Phật.

– Lần thứ hai gặp Phật là trước khi vãng sanh một đến ba tháng, đức Phật tới báo cho bạn biết ngày tiếp dẫn.

– Lần thứ ba gặp Phật là ngay ngày vãng sanh, đức Phật tới tiếp dẫn.

“Vị giáo Bồ-tát, tác A-xà-lê.”

A-xà-lê là tiếng Phạn, dịch sang tiếng Trung là giáo thọ. Cũng dịch là thầy quỹ phạm, quỹ là quỹ đạo, phạm là khuôn phép, tư tưởng lời nói hành vi của vị thầy này có thể làm tấm gương cho học trò, người Ấn Độ gọi [vị thầy đó] là A-xà-lê, Mật tông gọi là Kim Cang A-xà-lê, bởi vì A-xà-lê trong Mật giáo đại biểu cho Kim Cang Tát-đỏa. Kim Cang Tát-đỏa là thị hiện của Phổ Hiền Đại Sĩ, ngài vĩnh viễn là sơ tổ của Mật giáo. Các vị Đại sĩ này tuân theo đức của Phổ Hiền, Phổ Hiền hóa thành Kim Cang Tát-đỏa. Cho nên thánh chúng tuân theo đức của Phổ Hiền hiện nay cũng chỉ dạy các Bồ-tát khác làm A-xà-lê.

“Giáo Bồ-tát”, câu này hàm nghĩa rất nhiều. Ai dạy Bồ-tát? Các vị Bồ-tát này toàn là Pháp thân Bồ-tát, là 41 giai vị Pháp thân Đại sĩ mà kinh Hoa Nghiêm nói, đây là cảm, các Như Lai trong cõi Thường Tịch Quang sẽ có ứng. Bồ-tát trong cõi Thật Báo là cảm, Như Lai trong cõi Thường Tịch Quang tự nhiên sẽ có ứng, cảm ứng đạo giao, hiện báo thân, cũng ở trong cõi Thật Báo mới có thể giúp Bồ-tát trong cõi Thật Báo sớm ngày chứng đắc cứu cánh viên mãn.

Chúng ta học Phật nhất định phải hiểu rõ. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đạo tràng lớn, đạo tràng lớn này là cõi Pháp Tánh. Cõi Pháp Tánh này là “lớn không ở ngoài, nhỏ chẳng ở trong”, trong thế giới này không có thời gian, cũng không có không gian, không có không gian thì không có khoảng cách, không có thời gian nên không có trước sau, thế giới này thật quá tuyệt diệu.

“Thường tập tương ưng vô biên chư hạnh”, “thường” là không gián đoạn, có kinh điển dùng “đến hết một đời” để biểu thị thường, tức là chỉ cần tôi còn một hơi thở thì quyết không gián đoạn. “Tập” là chỉ thói quen trong cuộc sống của chúng ta, là tu hành. Sau khi chúng ta học xong thì phải làm được trong cuộc sống hàng ngày, làm chính là tập. Tương ưng nghĩa là hai bên khế hợp lẫn nhau, nói đơn giản là khớp nhau, cùng trên một đạo, cùng trên một điệu. Nghĩ thử xem lời nói cử chỉ hàng ngày của chúng ta tương ưng với ai? Chúng ta là người tu hành, nếu như cách nghĩ, cách nhìn, hành vi trong cuộc sống của chúng ta tương ưng với Phật, tương ưng với Phật thì thành Phật; nếu như cách nghĩ, cách nhìn, hành vi trong cuộc sống tương ưng với ma, vậy thì bạn không thoát khỏi được lục đạo.

“Chư hạnh” tức là 53 lần tham vấn của Thiện Tài Đồng Tử. Bản thân Thiện Tài Đồng Tử và 53 vị thiện tri thức mà Đồng Tử tham bái đều là “thường tập tương ưng vô biên chư hạnh”. Chúng ta nên áp dụng cụ thể câu kinh này vào trong cuộc sống như thế nào. Để tôi kể một ví dụ của Mật tông cho mọi người hiểu. Đặc điểm của Mật tông là tam mật tương ưng, cho nên Mật tông cũng được gọi là Tương Ưng tông. Tu Mật sở dĩ có thể tức thân thành Phật, đó là khiến tam nghiệp của chúng sanh phút chốc tương đồng với tam mật của Như Lai. Như Lai có tam mật: thân mật, ngữ mật, ý mật; chúng sanh có tam nghiệp: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Chỗ đặc thù của mật pháp là khiến tam nghiệp của chúng sanh phút chốc tương đồng với tam mật của Phật. Thân kết ấn, miệng trì tụng chân ngôn, tâm duyên theo Bát-nhã. Người có thể đồng thời tu tam mật như vậy không nhiều, không dễ gì chứng đắc, hơn nữa điều không thể thiếu đó là nhất định phải được bậc thượng sư chân chánh chỉ dạy.

Chúng ta tu học pháp môn niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, là hạ thủ từ một mật, bạn niệm câu Phật hiệu này thì chính là hạ thủ từ câu mật ngữ này, cũng có thể tương ưng, cũng có thể tức thân thành Phật. Khi bạn thành Phật, hai mật còn lại tự nhiên cũng tương ưng. Đó chính là một mà ba, ba mà một. Hai chữ “tương ưng” vô cùng quan trọng. Chúng ta phải luôn nhắc nhở chính mình, thân ngữ ý, khởi tâm động niệm của bạn có tương ưng với Phật hay không? Có giống Phật hay không? Phật không khởi tâm không động niệm, Phật tương ưng với hết thảy chúng sanh, tương ưng với chúng sanh thiện, cũng tương ưng với chúng sanh ác. Hết thảy đều biểu pháp thuần chánh cho họ. Nhìn thấy người thiện thì hoan hỉ học theo. Nhìn thấy người bất thiện thì giúp họ nâng cao cảnh giác, giúp họ sanh tâm hổ thẹn, sanh tâm sám hối.

“Thành thục Bồ-tát vô biên thiện căn”. Thành thục tức là sắp làm Phật, công đức viên mãn mới là thành thục. Thiện căn là chỉ sự thiện nơi ba nghiệp thân khẩu ý. Thiện căn có hai tầng nghĩa: hết thảy thiện kiên cố chẳng thể lay động gọi là căn; thêm một hàm nghĩa nữa là nó có thể sanh ra diệu quả. Bởi vì đã tu thiện vẫn có thể sanh ra các điều lành khác, vẫn có thể kết ra diệu quả rất đẹp. Ví dụ như giới có thể sanh định, định có thể sanh tuệ, có phước có thể sanh ánh sáng Bát-nhã. Bởi vì điều thiện dẫn dắt điều thiện, có thể sanh ra điều thiện khác, lại có thể kết trái, cho nên gọi là căn. Thiện căn có ba nghĩa là: sâu chắc, sanh thiện và kết trái.

Cho nên quả sanh ra nên siêng năng vun trồng, khiến chúng thành thục mới là viên mãn. Cho nên, hết thảy chư thánh trong pháp hội đều đang giúp đỡ mười phương vô lượng vô biên Bồ-tát khác, khiến vô lượng vô biên thiện căn của các ngài được thành thục, khiến được thành tựu viên mãn. Chư Phật Bồ-tát độ chúng sanh mãi cho tới khi bạn viên mãn thành Phật. Ân đức lớn lao của Phật không gì sánh bằng! Có ai biết được? Bậc đại ân đại đức như vậy mà chúng ta luôn khinh thường, luôn lơ là, thường quên mất ngài, ngài lại không hề quên chúng ta dù chỉ là một phút giây, bạn có biết không? Bạn cảm nhận được không?

“Vô lượng chư Phật hàm cộng hộ niệm”, vô lượng chư Phật cùng hộ niệm cho các vị đại Bồ-tát trong pháp hội, bảo hộ và ức niệm. Tịnh Ảnh Sớ nói: “Hộ niệm chúng ta khiến cho việc ác tự nhiên rời xa, việc thiện tự nhiên tăng trưởng”. Các Đại sĩ trong pháp hội hộ trì thiện căn của hết thảy Bồ-tát, có được sự hộ niệm của mười phương chư Phật, giúp các ngài tu theo hạnh Phổ Hiền. Chư Phật Bồ-tát bảo hộ chúng ta, chúng ta hộ niệm ai? Chúng ta cầu Phật bảo hộ, cầu Bồ-tát bảo hộ. Cầu như thế nào? Y giáo phụng hành thì sẽ được chư Phật Bồ-tát hộ niệm. Bạn nghe hiểu chưa? Nội dung của đoạn này chúng ta diễn đạt như vậy, có thứ tự thì sẽ càng rõ ràng hơn một chút. Vô lượng chư Phật hộ niệm ai? Hộ niệm các vị đại Bồ-tát tham gia pháp hội; các vị đại Bồ-tát tham gia pháp hội hộ niệm ai? Hộ niệm chư Phật Bồ-tát trong mười phương thế giới; mười phương thế giới chư Phật Bồ-tát hộ niệm ai? Hộ niệm chúng ta; chúng ta hộ niệm ai? Chúng ta hộ niệm hết thảy ai chân chánh niệm Phật.

“Thông chư pháp tánh, đạt chúng sanh tướng”.

“Thông chư pháp tánh” là chiếu chân, “đạt chúng sanh tướng” là đạt tục. Đối với người tu hành chúng ta mà nói phải chiếu chân đạt tục. Vừa phải chiếu được chân thể, lại phải thông đạt tục đế, phải độ chúng sanh. Chúng sanh là tục đế, cho nên phải “đạt chúng sanh tướng”. Nhưng chỉ độ chúng sanh mà không thể lìa khỏi tướng độ chúng sanh, thì sẽ đọa vào trong pháp hữu vi, không thể giúp cho nhiều chúng sanh có được lợi ích thực sự. Những gì chúng ta đạt được chỉ là công đức hữu vi. Làm thế nào giải quyết vấn đề này? Phải “thông chư pháp tánh”. Pháp tánh chính là thật tướng, chân như, pháp giới, niết-bàn, thật tế v.v… Danh từ khác nhau nhưng ý nghĩa biểu thị giống nhau, có nghĩa là tự tánh, bản tánh. Về bản chất thì pháp tánh và Phật tánh không có gì khác biệt. Thông thường chúng ta nói Phật tánh là chỉ chúng sanh hữu tình, nói pháp tánh là chỉ chúng sanh vô tình. Pháp tánh thông với hai phương diện hữu tình, vô tình, cho nên nói chúng sanh hữu tình có pháp tánh cũng không hề sai.

Pháp tánh và Phật tánh vốn không khác biệt, chỉ là thói quen sử dụng dẫn đến có khác biệt mà thôi. Khởi Tín Luận chú giải nói: “Pháp tánh nghĩa là…thông với hết thảy pháp làm tánh”. Đây tức là bản tánh của hết thảy pháp gọi là pháp tánh. Thế nên, bất luận là hữu tình, vô tình, bản tánh của hết thảy đều là pháp tánh. Theo Đại thừa Nghĩa Chương và Thành Duy Luận Thuật Ký nói: “Tánh nghĩa là thể, là thể của tất cả pháp cho nên gọi là pháp tánh”. Pháp tánh tức là thật tướng, tức là chân như. Tông Hoa Nghiêm cho rằng chân như có hai nghĩa: một là bất biến, hai là tùy duyên. Do tùy duyên nên có thể biến thành hết thảy pháp, biến thành đủ loại nội dung; nhưng lại do bất biến nên tuy tùy duyên biến ra đủ loại pháp sai biệt về nhiễm – tịnh, vạn vật hữu tình – vô tình, nhưng mà bản tánh của nó chẳng mất. Cho nên “thông chư pháp tánh” này tức là phải thông đạt thật tướng tùy duyên bất biến.

“Đạt chúng sanh tướng” tức là đã đạt tùy duyên bất biến mà hiển hiện đủ loại tướng sai biệt. Hội Sớ nói: Bồ-tát có hai thứ trí có thể làm căn bản cho hết thảy tu hành. Một là như lý trí; hai là như lượng trí. Như lý trí tức là soi thấy bản tánh của các pháp là “không một không khác”, không phải một, cũng không phải khác. Giống như nước, nói nó là “một” nhưng mà nó lại sanh ra ngàn vạn con sóng khác nhau; nói nó là “khác” nhưng trăm ngàn hình thái sóng bản chất vốn không khác nhau, chỉ là cùng một thể nước mà thôi. Cho nên trong sai biệt không có sai biệt, trong không sai biệt lại sanh ra vô lượng sai biệt. Tóm lại là không rơi vào hai bên. Cho nên là “không một không khác”, đồng thời cũng là không sanh không diệt. Sóng sanh trong nước, nhưng toàn thể vẫn là nước, cho nên là không sanh; sóng mất đi cũng là quay về bản thể chứ không hề đoạn diệt, cho nên là không diệt. Có thể soi thấy bản tánh của đủ loại các pháp là “không một không khác, không sanh không diệt”, đó gọi là “thông chư pháp tánh”.

Như lượng trí, như lý trí thì giống như trí của bản thể, như lượng trí thì có số lượng, có thể soi thấy đủ loại tướng khác nhau gọi là như lượng trí. Ví dụ chúng sanh có đủ thứ bệnh, chúng ta cho đủ loại thuốc, nếu như không hiểu rõ bệnh tình của chúng sanh thì không thể kê được phương thuốc đúng bệnh. Hiểu rõ đủ loại chứng bệnh khác nhau của chúng sanh mới có thể kê được phương thuốc đúng bệnh, đó chính là như lượng trí, cũng chính là “đạt chúng sanh tướng”, cũng chính là nắm rõ bệnh tình của người bệnh. Thông đạt pháp tánh liền hiểu rõ dược tánh của các loại thuốc mà chúng ta dùng. Nhất định phải đầy đủ hai điều kiện này thì mới có thể trị bệnh cứu người.

“Liệt ma kiến võng, giải chư triền phược”. Liệt là xé, xé toạc. Ở đây là ví dụ, “ma kiến” giống như tấm lưới, cạm bẫy, chúng ta xé rách tấm lưới này. Ma, trong Đại Trí Độ Luận nói: “Đoạt mất huệ mạng, phá hoại đạo pháp và thiện căn công đức” gọi là ma. Đoạt huệ mạng của người khác, một người sanh khởi tâm chánh tín, đây là lúc huệ mạng của họ bắt đầu, nhưng bị ma phá hoại. Tầm quan trọng của huệ mạng còn vượt hơn sanh mạng gấp vạn lần, ma muốn đoạt đi huệ mạng của bạn, phá hoại pháp tu đạo, phá gốc rễ làm vô số việc thiện công đức của bạn, cho nên gọi là ma. Chữ hoại ở đây có hai ý nghĩa: Nghĩa thứ nhất là nó có thể đoạt đi pháp thân huệ mạng của chúng ta. Chúng ta có pháp thân huệ mạng, tại sao không thể chứng đắc? Đó là do chướng ngại của ma gây ra. Pháp thân không bị phá hoại, chỉ là bị chướng ngại nên không thể hiện tiền, không thể khiến pháp thân huệ mạng khởi tác dụng. Nghĩa thứ hai là nó có thể phá hoại chúng ta tu đạo, có thể phá hoại công đức của chúng ta, có thể chướng ngại thiện căn. Thiện căn tức là bản tánh vốn thiện mà thánh hiền xưa nói tới. Tánh vốn thiện chính là thiện bổn được nói ở đây.

Kiến có hai nghĩa, nói theo nghĩa rộng thì những gì khởi lên trong tâm phàm phu đều là kiến; nói theo nghĩa hẹp, kiến giải có tánh quyết định gọi là kiến. Kiến mà mọi người thường nói là chỉ nghĩa hẹp. Bạn có cách nhìn cố định, bạn nhìn thấy thứ gì đều như vậy, giống như đeo một đôi kính vậy. Cách nhìn, cách nghĩ của bạn quyết định, đó gọi là kiến.

Kiến có chánh, tà, hữu, vô, đoạn, thường v.v… đều là tà kiến. Từ câu này chúng ta có thể cảm nhận được tà kiến, chánh kiến đều gọi là tà kiến, hữu kiến, vô kiến, đoạn kiến, thường kiến tất cả gọi là tà kiến. Tại sao lại nói như vậy? Bạn có thể tiếp nhận cách nói này không? Đạo lý này rất sâu! Bạn sẽ hỏi, rõ ràng là chánh kiến, tại sao lại nói chánh kiến cũng là tà kiến? Chúng ta cùng nghe xem đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói như thế nào? “Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi dơ”. Tự tánh thanh tịnh, trong tâm cái gì cũng không có thì ở đâu mà có chánh kiến? Nếu như trong tâm của bạn còn có tà kiến chánh kiến, hữu kiến vô kiến, đoạn kiến thường kiến, đoạn kiến là sanh diệt, thường kiến là không sanh không diệt, nếu bạn vẫn còn những thứ này thì tất cả gọi là tà kiến.

Ví dụ như hết thảy phàm phu đều không rời khỏi hai loại thường kiến, đoạn kiến. Có người nói người chết như đèn tắt, cái gì cũng đoạn rồi, không còn nữa gọi là đoạn kiến, đó là sai lầm; chúng ta tu được sanh lên cõi trời, vĩnh viễn không chết, nhục thân này biến thành kim thân, vĩnh viễn không hư hoại gọi là thường kiến, cũng là sai lầm. Hai kiến đoạn, thường gọi là biên kiến, biên kiến tức là một phương diện mâu thuẫn, đoạn thường là một cặp mâu thuẫn, đoạn ở một bên, thường ở một bên. Phàm phu không rơi vào bên đoạn thì rơi vào bên thường. Biên kiến là một trong mười loại kiến hoặc, đều là tà kiến. Một người có thành kiến quá sâu, giống như trong cơ thể người mọc ra xương gai vậy, cử động bất tiện, vô cùng có hại, thành kiến như vậy gọi là kiến thích (tức là kiến châm). Tà kiến rất nhiều gọi là kiến lâm, thân hãm trong rừng không dễ gì ra khỏi; đủ loại tà kiến đan xen vào nhau, giống như mạng nhện, gọi là kiến võng, khiến người khó thoát được, cho nên cũng gọi là tà kiến võng, ma kiến võng.

Tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả. Xả điều gì? Thứ nhất phải xả kiến. Xả bỏ hết thảy tà kiến, hết thảy phân biệt, đây là “liệt ma kiến võng”. Người xưa nói “xả thân dễ, xả kiến khó”, phải làm thế nào? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có dạy chúng ta một chiêu: nên dũng mãnh học theo Đại Thế Chí Bồ-tát, chỉ một câu thánh hiệu, tịnh niệm tiếp nối, niệm mà không niệm, không niệm mà niệm mới có thể thoát khỏi ma kiến võng. Chúng ta sống trong thời đại động loạn đến cùng cực, hiện nay ma kiến võng lớn biết bao, dày biết bao, chúng ta đều đang ở trong đó, bản thân tự mình thể hội. Trong kinh Hoa Nghiêm có hai câu như sau: “Ngã mạn mà tưới vào thì lưới kiến tăng trưởng”, lưới kiến thêm lớn có nghĩa là gì? Đó là lục đạo càng ngày càng kiên cố, đây không phải là chuyện tốt. Lưới kiến thêm lớn như thế nào? Ngã mạn tưới vào tăng trưởng. Ngạo mạn, đố kị, hoài nghi, đây là gốc của phiền não. Ngã mạn là gốc của sân hận, ngã ái là gốc của tham dục, hoài nghi là gốc của ngu si, đây là ba độc tham sân si.

Chúng ta ở trong ba độc nhưng lại không tự biết; chúng ta ở trong ma kiến võng càng hãm càng sâu nhưng lại không tự biết; chúng ta là người bị hại, cũng đang hại người khác nhưng lại không tự biết. Ba thứ này chúng ta có hay không? Có. Có mà tại sao lại không tự biết? Bởi vì không biết là sai, coi thứ không bình thường là bình thường, để tôi lấy ví dụ. Ba việc đề bạt cán bộ, tăng lương, phân nhà ở là ba việc lớn khá nhạy cảm của cơ quan chính phủ năm đó, có nên khiêm nhường hay không? Bình thường mà nói phải khiêm nhường. Không bình thường mà nói thì không cần khiêm nhường. Nếu như thật sự có người khiêm nhường, người khác sẽ coi bạn là khác loài, nói bạn đầu óc có vấn đề, não bị úng nước rồi, nói bạn là kẻ ngây ngô khờ khạo. Người không tranh không cướp bị người khác cho là không có tiền đồ, nhu nhược vô dụng; có thể tranh cướp thì được coi là có bản lĩnh.

Con người sống trong xã hội này cũng giống như uống rượu say vậy, mơ mơ hồ hồ, mê hoặc điên đảo, đi đường xiêu xiêu vẹo vẹo. Họ không cân bằng, đứng cũng không vững, nằm ngồi cũng không yên. Tại sao lại như vậy? Bị ma kiến võng, tà kiến võng trói buộc không thoát được thân. Tại sao kiến võng lại tăng trưởng? Chúng ta có nhận thức như vậy hay không? Kiến võng của con người hiện nay so với kiến võng của con người 60 năm trước, không chỉ tăng trưởng gấp một trăm lần. Lão pháp sư nói, có thể nói là cả ngàn lần, vạn lần, biên độ tăng trưởng trong hơn nửa thế kỷ thật đáng sợ. Lấy vài ví dụ trong cuộc sống thường ngày mà chúng ta thấy được, chạm vào được, những ví dụ này có liên quan mật thiết đến mỗi một người trong chúng ta.

– Ví dụ thứ nhất, liên quan đến quảng cáo. Hơn 60 năm trước, tôi hơn mười tuổi chưa từng nghe tới từ quảng cáo, càng không biết quảng cáo là gì. Từ lúc nào mới bắt đầu hưng thịnh trò quảng cáo này, tôi không nhớ thời gian cụ thể, có bốn việc khiến tôi chú ý. Việc thứ nhất là phim truyền hình trên tivi chèn quảng cáo rất nhiều lần, khiến tôi phản cảm. Không chỉ chiếu đầu phim, chiếu cuối phim, mà trong lúc chiếu phim cũng chèn quảng cáo vào, hơn nữa không chỉ chèn một hai lần mà chèn rất nhiều lần, khiến người xem rất phiền, đây đâu còn gọi là phim truyền hình nhiều tập nữa? Tôi đặt cho nó một cái tên mới, gọi là phim truyền hình ngắt tập. Khoảng một thời gian sau, tình hình có chút thay đổi, có phải là do có người kiến nghị hay không? Tôi cũng không biết.

Chuyện thứ hai là báo chí trở thành công cụ chuyên dùng phát quảng cáo. Tôi vốn có thói quen đọc báo. Ngoài báo ở nơi làm việc, để thuận tiện đọc ở nhà tôi còn đặt thêm hai ba tờ. Tôi nhớ tờ báo vốn có 1 tờ, in bốn mặt, sau đó tăng lên tám mặt, sau đó lại tăng thêm thành mười sáu mặt, về sau… thì không đếm bao nhiêu mặt nữa, không đếm nổi, còn nhiều hơn một cuốn sách. Bạn muốn tìm nội dung mà bạn muốn đọc thì phải lật bao nhiêu lần mới có thể tìm thấy được, giống như mò kim đáy bể vậy, thật tốn công. Từ đó trở đi tôi không đặt báo cũng không xem báo nữa, đến nay cũng hơn 20 năm rồi. Nhiều năm như vậy, phong khí xã hội bất chánh, nghiêm trọng nhất là con người trong mắt chỉ có tiền, hám lợi. Các ngành nghề, bộ phận đều tìm cách để kiếm được tiền. Anh có thể kiếm tiền thì tôi dựa vào cái gì mà không kiếm tiền? Thế là “tám vị tiên vượt biển, mỗi vị đều triển hiện thần thông”, mặc kệ là ngoại đạo, tà đạo, kiếm được tiền là đạo tốt. Những ngành nào lũng đoạn thị trường thì càng hiện uy thần lớn, độc hại như phân bò cạp, không thể đụng vào. Thế nào mà ông lớn này, ông lớn kia… ông lớn nọ liên tiếp sanh ra. Người ơi, người ơi! Vì sao lại để tiền mê mờ đầu óc như vậy? Thật sự là bi ai vô cùng!

Chuyện thứ ba: quảng cáo nhỏ bay đầy trời, lan tràn thành tai họa, trở thành một tai họa lớn trong xã hội. Mấy năm trước càng nghiêm trọng. Hai năm nay có chút tốt hơn, nhưng vẫn chưa hoàn toàn ngăn chặn. Mọi người thử nghĩ mà xem, nếu như cứ để quảng cáo nhỏ tiếp tục phát triển lan tràn khắp nơi, thế giới của chúng ta không phải sẽ thật sự trở thành chốn phồn hoa hào nhoáng hay sao?

Chuyện thứ tư: người nổi tiếng đại diện thương hiệu quảng cáo lừa người không ít. Không biết từ ngày nào, tháng nào, năm nào thịnh hành phong trào người nổi tiếng đại diện thương hiệu quảng cáo. Trào lưu này phát triển nhanh chóng mạnh mẽ, lớn tới mức tranh lên trước sợ lạc hậu. Có giai đoạn, người nổi tiếng quảng cáo rộ trên truyền hình. Người nổi tiếng mà, danh tiếng lớn, ảnh hưởng rộng, người tin tưởng nhiều. Nếu như sản phẩm mà họ đại diện là thật thì còn tốt; nếu như làm quảng cáo giả dối, vậy thì thật sự là hại người nghiêm trọng, trong lương tâm có cảm thấy dễ chịu không? Cho dù bạn kiếm được tiền tới tay, lúc tiêu tiền có cảm thấy an tâm thoải mái không? Đặc biệt là nếu quảng cáo thuốc giả, cho dù không phải là thuốc giả, đem hiệu quả của thuốc đó nói đến mức thần kì như vậy, không phải là đang lừa người hay sao? Bạn không cảm thấy mình đang biến tướng giết người hay sao? Giết người cũng là giết chính mình! Có nhân sẽ có quả, nhân quả nhà Phật nói, đạo lý này bạn hiểu không?

– Ví dụ thứ hai có liên quan tới internet. Bản thân internet là trung tính, không có phân biệt tốt xấu, quan trọng là do ai dùng? Dùng như thế nào? Dùng đúng thì lợi nước, lợi dân, lợi chúng sanh; dùng sai thì hại nước, hại dân, hại chúng sanh. Tôi nhớ vào tám đến chín năm về trước, lúc tôi tham gia một hoạt động từng nhắc tới vấn đề này. Tôi công khai hô hào: Ai tới quản mạng internet này? Mạng internet tại sao lại lợi hại như vậy, khiến cho người già người trẻ, người lớn, trẻ em đều vướng vào mạng này? Mạng này tại sao lại có sức mê hoặc lớn như vậy? Chúng ta thừa nhận sự tiến bộ và phát triển của khoa học mang lại động lực khiến xã hội loài người tiến về phía trước, giúp cuộc sống của con người vô cùng tiện nghi. Nhưng mà chúng ta nhất thiết không thể lơ là sự phát triển cao độ của khoa học cũng mang lại năng lượng tiêu cực, tác dụng phụ cho loài người.

Tôi nghĩ nói trọng tâm một chút về điện thoại, tôi cảm thấy sự nghiêm trọng của vấn đề. Còn nhớ lúc học cấp hai, lúc đó là khoảng năm 1958 đến 1960, học lớp chính trị, thầy giáo giảng cho chúng tôi nghe chủ nghĩa đế quốc đem hy vọng mất đảng, mất nước ủy thác cho con cháu đời thứ ba, đời thứ tư. Lời thầy giảng bài cách đây hơn 50 năm đến bây giờ còn vang bên tai tôi. Thậm chí biểu cảm và động tác khi thầy giảng bài còn đang hiển hiện trước mắt. Tính thử xem bây giờ chúng ta là đời thứ mấy? Là trùng hợp hay là tất yếu? Tôi hỏi chính mình, có phải do tôi quá nhạy cảm không? Đặt nặng vấn đề điện thoại như vậy? Tôi tự trả lời mình rằng, không phải tôi quá nhạy cảm, mà là vấn đề thực sự rất nghiêm trọng. Sáu bảy ngày trước, tức là ngày 17 tháng sáu tôi đang viết bản thảo bài giảng, có đồng tu trên mạng cầu xin tôi cứu con trai của anh ấy. Con trai anh ấy nghiện mạng internet, không thể thoát ra được, cũng không nghe phụ huynh khuyên nhủ, vì chuyện này mà phụ huynh rất suy sụp. Hình như tôi thấy anh ấy đang khóc chảy máu mắt. Tôi không trả lời anh ấy, tôi không có cách nào trả lời được, bởi vì chuyện này tôi cũng không giúp được. Nghiện mạng internet, nghiện dùng điện thoại đã trở thành hiện tượng phổ biến của toàn xã hội. Đây là sự nghiêm trọng của vấn đề.

Còn nhớ chiến tranh thuốc phiện năm 1840, Lâm Tắc Từ tại sao lại muốn thiêu đốt thuốc phiện? Lịch sử trước đây, đã có tấm gương lịch sử trước mắt, đừng quên giai đoạn lịch sử nhục nhã đó. Nhìn lại hiện tại, người già người trẻ, người lớn trẻ nhỏ đều bị vướng vào ma kiến võng, tà kiến võng, không thể thoát thân, tôi thật sự vô cùng đau lòng. Chẳng lẽ dân tộc Trung Hoa chúng ta phải bại dưới tay mạng internet hay sao? Chẳng lẽ toàn dân chúng ta thật sự sẽ trở thành “dân tộc cúi đầu” sao? Con trẻ nghiện mạng internet, điện thoại, phụ huynh đang làm gì? Phụ huynh của phụ huynh lại đang làm gì? Có bao nhiêu gia đình ba đời đều làm một chuyện: Nghiện mạng internet, chơi điện thoại. Hiện nay đang mê đắm, tương lai là chìm đắm. Tức là chết chìm, bị dìm chết. Ai tới quản mạng internet này? Ai tới cứu những người đáng thương xót sắp chết chìm này?

– Ví dụ thứ ba có liên quan tới chạy theo người nổi tiếng. Những năm gần đây, trào lưu chạy theo người nổi tiếng rộ lên khắp nơi, chướng khí mù mịt. Con người làm sao vậy? Dây thần kinh nào đi sai đường mà trở nên điên cuồng như vậy? Tôi thật sự rất không hiểu, tại sao lại như vậy? Đều là con người giống nhau, xã hội phân công khác nhau, mỗi người có cuộc sống riêng, bạn chạy theo người ta làm gì? Liên quan tới việc chạy đuổi người nổi tiếng, tôi có chút tự mình thể hội. Tôi nằm mơ cũng không ngờ được có ngày mình thành người nổi tiếng; tôi nằm mơ cũng không ngờ được có một ngày tôi trở thành bà lão nổi tiếng được người khác chạy theo, đây đều là chuyện tôi không hề muốn. Tôi đã từng nói với mọi người nhiều lần, tôi là người có tính cách khá hướng nội, tôi thích yên tĩnh, thích không ai biết đến, thích đọc cuốn sách mà tôi thích. Đây là những chuyện tôi muốn làm. Điều tôi muốn không tới, điều tôi không muốn lại tới, kết quả là thân không tự chủ được, trốn tránh khắp nơi. Tại sao tôi phải trốn tránh khắp nơi? Bởi vì muốn dành thời gian làm xong chuyện muốn làm. Bây giờ tôi rất khó, khó ở chỗ người muốn gặp tôi quá nhiều, quá nhiều. Tôi đã từng nói rằng là công dân của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, tôi phải tuân thủ pháp luật, quy chế của đất nước; là một người đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc tôi phải tuân thủ kỷ luật đảng, điều lệ của Đảng; là đệ tử Phật tôi phải y giáo phụng hành. Thứ nhất tôi không muốn tụ tập đông người, thứ hai không muốn nhận tiền tài. Nguyên tắc căn bản này vĩnh viễn sẽ không thay đổi, tôi hi vọng các đồng tu hiểu được và ủng hộ tôi. Tôi khuyên các đồng tu đừng chạy theo tôi, đừng nhất định phải gặp tôi mới được, gặp tôi bạn cũng không khai ngộ được, nghe hiểu kinh Vô Lượng Thọ mà tôi phúc giảng thì bạn sẽ khai ngộ. Nhất định đừng chạy theo tôi, tôi chỉ là một bà lão bình thường người Đông Bắc, đã về hưu có gì tốt đâu mà chạy theo? Tôi là người, không phải là thần, nhất định không nên thần hóa tôi quá.

Một bà lão vô cùng tầm thường

Chỉ một ưu điểm là thật thà,

Ăn ngay nói thật không lòng vòng.

Chỉ mong bạn có thể nghe hiểu.

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *