PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA
VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG
GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 27/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 14
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem hai câu kinh
tiếp theo:
Thiện lập phương tiện, hiển thị Tam thừa.
Thiện là thiện xảo, vô
cùng xảo diệu. Tâm địa tự tánh thanh tịnh, chẳng lập một pháp. Năm xưa Phật còn
tại thế, lập nên pháp Tam thừa. Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa,
Bồ-tát thừa. Tam thừa là tùy thuận chúng sanh mà lập ra, trong quan niệm của
Phật không có điều này, không những không có tam thừa, mà nhất thừa cũng không
có. Có nhất thừa cũng là sai lầm. Vậy thì tại sao lại có thuyết nhất thừa, tam
thừa? Đó là vì nhu cầu giáo hóa chúng sanh, chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát tự
nhiên có ứng.
Chúng ta nên nhận thức
như thế này, pháp nhất thừa lập ra để đối lập với pháp tam thừa, nhất định
không thể chấp trước. Nếu như bạn thật sự chấp trước có nhất thừa có tam thừa,
vậy thì sai rồi, đó là vọng tưởng, phân biệt. Các vị Bồ-tát trong hết thảy cõi
nước chư Phật đều tùy duyên độ chúng, nên dùng thân nào mới độ thoát chúng sanh
thì Bồ-tát hiện thân đó độ thoát.
Sách Pháp Hoa Nghĩa Sớ
giải thích về phương tiện như sau: “Phương tiện là tên của thiện xảo, thiện xảo
là ứng dụng của trí”. Phương tiện là tên của thiện xảo. Bình thường chúng ta
hay nói hai từ này cùng nhau là phương tiện thiện xảo. Ví dụ như người nào đó
giỏi thuyết pháp, có thể dùng phương pháp xảo diệu cứu độ chúng sanh, thì gọi
là thiện xảo. Nói rõ hơn một chút, thiện xảo là ứng dụng của trí tuệ. Tác dụng
hiển thị từ bản thể trí tuệ gọi là phương tiện. Kinh Duy-ma-cật nói như sau: “Trí độ mẹ Bồ-tát, phương tiện xem là
cha”. Chúng ta xem đại trí tuệ là gốc, theo đó mà lập ra pháp môn, ứng cơ
thuyết pháp, tùy duyên cứu độ, đây là phương tiện. Phương tiện rất quan trọng,
là cha của chúng sanh.
Hội Sớ nói phương tiện
có hai loại: Loại thứ nhất là: “Giải sâu Không mà chẳng chấp tướng thọ chứng”.
Câu này có hai cách lý giải: Đầu tiên là có lý giải sâu sắc về Không. Không
phải lý giải và giải thích nông cạn, đạt tới cảnh giới liễu đạt, khai giải đối
với Không. Hay nói cách khác, tức là đối với Không đã đạt đến mức độ hiểu sâu
nghĩa thú. Nói rõ hơn một chút là triệt để thông đạt đối với Không. Thứ hai là
chẳng chấp tướng Không, cũng không chứng Không. Đây là chỗ cao minh. Tại sao có
đốn pháp, có tiệm pháp? Tại sao chúng ta đem đốn pháp tu thành tiệm pháp? Là
bởi vì những chuyện vướng mắc chúng ta quá nhiều, vừa chấp tướng, vừa chấp
chứng, cũng giống như người đi trên đường, đi rồi dừng, dừng rồi lại đi, chấp
tướng rồi. Chấp chứng nhất định phải dừng lại, cho nên bị chậm. Người cao minh,
người có trí tuệ, tin tưởng lời Phật nói, cho nên đối với hết thảy đều không
chấp chứng, thẳng tới A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Chuyện này là thế nào?
Nói thẳng ra là đi đường tắt. Ví dụ như bạn đi thang máy, giữa đường không
ngừng, thẳng tới tầng cao nhất tầng thứ 200 của tòa nhà cao chọc trời, đây là
thẳng tới Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lại ví như chúng ta đi máy bay, có
bay thẳng, có trung chuyển, bạn chọn loại nào? Thứ hai là do thật tướng diệu lý
cực sâu, cực diệu, trình độ chúng sanh quá thấp, không cách nào tin tưởng và tiếp
nhận, cho nên dùng phương pháp phương tiện thiện xảo để dạy dỗ khuyên bảo. Để
tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện của Ngư Lam Quán Âm:
Có một thiếu nữ vô
cùng xinh đẹp, tay cầm giỏ trúc, trong giỏ trúc có một con cá, người này là do
Quán Âm Bồ-tát hóa hiện ra, gọi là Ngư Lam Quán Âm. Có một thôn chài nhỏ làm
nghề đánh cá mưu sinh, một hôm thiếu nữ xinh đẹp này tới thôn, cùng ngư dân
đánh cá. Rất nhiều thanh thiếu niên cầu hôn cô gái. Cô gái nói: nhiều người như
vậy ta biết gả cho ai? Quyển Tâm Kinh này mọi người mang về đọc, ngày mai ai có
thể đọc thuộc ta sẽ gả cho người đó. Ngày thứ hai, có rất nhiều người học thuộc
được, thế là cô gái đưa phẩm Phổ Môn cho những người đã thuộc Tâm Kinh, cô nói:
ba ngày sau ai có thể thuộc phẩm Phổ Môn ta sẽ gả cho người ấy. Ba ngày sau, có
bảy người đọc thuộc được phẩm Phổ Môn, đương nhiên vẫn chưa được. Thế là cô gái
lại đưa cho bảy người cuốn kinh Pháp Hoa. Mấy ngày sau chỉ có một người thuộc
được, thiếu nữ giữ lời gả cho người đó. Người thanh niên này họ Mã, hai người
liền kết hôn. Đêm động phòng hoa chúc, đang tiệc chúc mừng, tân nương cảm thấy
không thoải mái, trong phút chốc liền qua đời. Mọi người rất đau buồn. Một năm
sau có một vị hòa thượng tới thôn, nghe mọi người bàn tán câu chuyện này, hòa
thượng nói, sao mọi người lại ngu ngốc như vậy, đó là Quán Thế Âm Bồ-tát tới
cứu độ các người. Chỗ các người có nạn, Quán Thế Âm Bồ-tát tới dạy các người
đọc kinh tiêu tai! Mọi người không tin lời hòa thượng nói, bèn đào mộ mở quan
tài khám nghiệm. Vừa mở ra liền thấy quan tài trống không, lúc này mọi người
mới tin rằng lời hòa thượng nói là thật. Từ đó câu chuyện vợ chàng họ Mã là Ngư
Lam Quán Âm được lưu truyền ra ngoài.
Sự dẫn dụ này, thiện
xảo nhất không gì qua được Quán Thế Âm Bồ-tát, trước tiên dùng dục vọng để dẫn
dụ, sau đó khiến nhập chánh đạo. Thứ chúng sanh muốn là dục, dùng đó để dẫn dụ
chúng sanh, đây là phương tiện. Mà mục đích cuối cùng là hy vọng mọi người nhập
chánh đạo. Đức phương tiện vô cùng rộng lớn, đối với người vốn không thể tín
thọ khiến họ tín thọ, khiến người vốn không được cứu độ được cứu độ, đây là
hiển lộ đại từ bi, đại trí tuệ đến cực điểm. Nếu như không có đại bi thì sẽ
không chịu dụng tâm như vậy; nếu như không có đại trí tuệ thì không thể bày ra
phương pháp tùy căn cơ mà giáo hóa. Cho nên phương tiện là cha của Bồ-tát. Dùng
đủ loại sự dẫn dụ để khiến chúng sanh ngộ dần mà đắc độ, đây gọi là “thiện lập
phương tiện”, thiện xảo tạo ra phương pháp phương tiện độ chúng sanh.
“Hiển thị tam thừa”.
Tam thừa chính là La-hán thừa, Bích-chi Phật thừa, Bồ-tát thừa. Phẩm Thí Dụ
trong kinh Pháp Hoa nói: Như Lai có thể cho hết thảy chúng sanh pháp nhất Phật
thừa, pháp mà tương lai đều thành Phật, nhưng không phải hết thảy chúng sanh
đều có thể tiếp nhận, cho nên nói tới Pháp Hoa, Phật thuyết pháp 49 năm bồi dưỡng
giáo dục, sau cùng vẫn có 5.000 người rời khỏi hội, không thể tin nhận. Do đó,
chư Phật nhờ vào lực phương tiện này, một cái nhất Phật thừa nói thành tam
thừa, có La-hán, Bích-chi Phật, Bồ-tát.
Ví dụ ngôi nhà cháy
trong kinh Pháp Hoa: có một vị đại trưởng giả nhìn thấy các con trai của mình
đang ở trong ngôi nhà cháy, liền nói với chúng lửa sắp thiêu thân rồi, các con
mau chạy ra! Nhưng mà các con ham chơi, không chịu chạy ra. Trưởng giả nghĩ ra
biện pháp phương tiện, nói rằng ngoài đây có xe dê, xe nai, xe trâu, rất vui,
các con mau ra đây đi! Những đứa trẻ liền chạy ra xem mới không bị chết cháy
trong nhà. Cho chúng điều gì? Thứ cho chúng là mỗi một đứa đều được một chiếc
xe trâu trắng lớn, vượt ngoài tưởng tượng của chúng, ai cũng được cưỡi xe trâu
trắng lớn, đều thành Phật, đây là hàm nghĩa của “thiện lập phương tiện, hiển
thị tam thừa”.
Các vị Bồ-tát tại gia
xuất gia đều có đủ thánh đức như vậy, tới tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ,
nghe Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết kinh Vô Lượng Thọ, do đó mà chúng ta phải biết
trân trọng bộ kinh này. Chúng ta học Phật là học điều gì? Chính là học Vô
thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chánh giác là A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác là
Bồ-tát, Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là thành Phật. Cho nên Phật, Bồ-tát,
A-la-hán là danh xưng của ba học vị, mỗi người đều có thể lấy được. Điều kiện
gì để có thể lấy được? Đó là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Nếu bạn chỉ có
Tam-bồ-đề, học vị mà bạn lấy được là A-la-hán, Bích-chi Phật; nếu như Tam-miệu
Tam-bồ-đề, chánh đẳng chánh giác, đó là Bồ-tát; nếu như thêm vô thượng, vô
thượng chánh đẳng chánh giác, đây là Phật, học vị cao nhất, không còn học vị
nào cao hơn nữa. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ sự thật này, lấy được ba học
vị này không hề liên quan tới việc bạn đọc bao nhiêu kinh điển, lạy Phật bao
nhiêu lạy. Vậy thì liên quan tới điều gì? Liên quan tới câu A-nậu-đa-la
Tam-miệu Tam-bồ-đề. Bạn có được quả vị thế nào, hoàn toàn đều trong câu nói
này.
Cho nên tám vạn bốn
ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều là vì một câu này, hơn nữa toàn bộ đều có
thể chứng đắc, thực sự là pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Kinh Thánh của
đạo Kitô có được không? Được! Kinh Koran của đạo Hồi có được không? Được. Chỉ
cần “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự
hiểu”, đều có thể khai ngộ, không chỉ là tám vạn bốn ngàn pháp môn trong đạo
Phật. Cho nên, sau Phật giáo còn có vô lượng pháp môn, bao hàm hết thảy pháp
thế gian, không có pháp nào không thể đạt tới cảnh giới này. Nhà Phật thường
nói Phật pháp vô biên, không có biên giới, pháp nào không phải là Phật pháp?
Tông môn, đại đức thường hỏi: bạn biết không? Biết thì thảy đều là Phật pháp;
không biết thì không có pháp nào là Phật pháp, kinh Vô Lượng Thọ cũng không
phải là Phật pháp. Cho nên có thể điều phục chúng sanh khiến cho họ quy hướng
chứng đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề thì gọi là phương tiện.
Giáo hóa chúng sanh
không có phương pháp nhất định, ý niệm của chúng sanh thường xuyên thay đổi,
phương pháp của Bồ-tát cũng theo đó mà thay đổi. Dù thay đổi thế nào cũng không
vượt khỏi phương tiện thiện xảo của các ngài, diệu pháp này gọi là diệu huệ.
Lão hòa thượng Hải Hiền nói với chúng ta: A-di-đà Phật, chư Phật Như Lai có
phương tiện xảo diệu, xảo diệu đến cực điểm, giúp đỡ chúng ta trong một đời này
khế nhập cảnh giới, phương tiện thiện xảo này chính câu Phật hiệu A-di-đà Phật.
Câu Phật hiệu này là gì? Câu Phật hiệu này là hết thảy pháp, hết thảy pháp viên
mãn, không bỏ sót pháp nào, vi diệu tột cùng! Hết thảy chư Phật, hết thảy danh
hiệu chư Phật, hết thảy công đức cứu cánh viên mãn mà chư Phật tu chứng đều
trong câu Phật hiệu này.
Mời xem hai câu kinh
tiếp theo:
Ư thử trung hạ, nhi hiện diệt độ.
Ý nghĩa của hai câu
này rất sâu. Đây là tướng thứ tám Bát Niết-bàn trong tám tướng thành đạo.
Niết-bàn xưa dịch là diệt độ, nay dịch là viên tịch. Diệt độ là diệt nhân quả
sanh tử, vượt dòng lũ sanh tử. Bờ này là sanh tử, giữa dòng là phiền não, bờ
bên kia là Niết-bàn. Vượt qua dòng lũ phiền não, bước sang bờ kia là hàm nghĩa
của “diệt độ”. Kinh Niết-bàn nói: “Diệt
các phiền não gọi là Niết-bàn. Lìa các hữu mới gọi là Niết-bàn”.
Viên Tịch, “Đức không gì không đủ gọi là viên, chướng
không gì không hết gọi là tịch”, đây là giải thích trong sách Tâm Kinh Lược
Sớ của ngài Hiền Thủ. “thể cùng chân
tánh, diệu tuyệt tướng lụy vi tịch”, bản thể cùng tận chân tánh, không có
bất kì khoảng cách, mơ hồ hay khiếm khuyết nào, xứng tánh, tận tánh, đây gọi là
thể cùng chân tánh. “Diệu tuyệt tướng lụy” là dứt tuyệt hết thảy vướng mắc vào
tướng, hết thảy tướng không thể tăng thêm phiền phức cho mình nữa, không bị
vướng mắc vào hết thảy tướng gọi là tịch. Đây là cách giải thích Viên Tịch của
sách “Chân Giải”.
Đức Phật thị hiện diệt
độ cho ai xem? “Ư thử trung hạ, nhi hiện
diệt độ”. Hai câu này đã nói cho
chúng ta biết, đức Phật thị hiện diệt độ là ứng với hàng căn cơ trung, hạ để
cho người căn tánh trung, hạ thấy. Không phải để cho người thượng căn thấy. Tại
sao vậy? Người căn tánh thượng đẳng thấy Phật không có diệt độ. Phật vốn không
sanh thì làm gì có diệt? Phật không sanh không diệt. Có thể thấy, chúng ta còn
thấy tướng sanh diệt, thì là người căn tánh trung, hạ. Tại sao đức Phật phải
thị hiện diệt độ? Phẩm Thọ Lượng trong kinh Pháp Hoa nói: “Nếu Phật trụ lâu ở
đời, thời người đức mỏng, chẳng trồng thiện căn, bần cùng hạ tiện, tham đắm ngũ
dục, rơi vào trong lưới nhớ tưởng, vọng kiến”. Ý của câu này là nếu đức Phật vì
chúng ta thị hiện vô lượng thọ, không sanh không diệt, thường trụ tại thế gian,
có lợi đối với mọi người không? Đối với người thượng thượng căn có lợi, bậc
thượng trí không trụ sanh tử, không trụ Niết-bàn, cho nên có lợi cho người
thượng thượng căn. Đối với người trung, hạ căn không có lợi. Tại sao vậy? Phẩm
Thọ Lượng trong kinh Pháp Hoa nói: “Nếu thấy Phật trụ lâu ở đời, thời người đức
mỏng, chẳng thể sanh ra ý nghĩ khó gặp và tâm cung kính. Vì vậy, đức Như Lai
tuy chẳng thật sự diệt mà nói là diệt độ”. Cho nên Thích-ca Mâu-ni Phật nhập
diệt trong rừng Song Thọ chỉ là thị hiện, thị hiện cho người trung, hạ căn
thấy. Đây cũng là biểu hiện cụ thể đại từ đại bi, đại trí đại tuệ, phương tiện
thiện xảo của đức Phật. Chư Phật Bồ-tát thị hiện diệt độ, mục đích là để giúp
bạn thường sanh tâm cảnh giác, bạn sẽ nghĩ rằng thân người khó được, Phật pháp
khó nghe, gặp được một lần không dễ dàng, cơ hội này đánh mất rồi, phải trải
qua vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp mới gặp lại được một lần, cho nên phải
vô cùng trân trọng.
Nếu như đức Phật trụ
thế lâu dài thì chúng ta không sanh nổi tâm này, thường xuyên gặp Phật sẽ sanh
tâm cống cao ngã mạn, chán ghét, lười biếng tu hành, sau đó thối chuyển, không
thể sanh ra suy nghĩ khó gặp, không thể sanh tâm cung kính. Chỉ có khó được,
khó cầu thì tâm cung kính mới thật. “Vì vậy, đức Như Lai tuy chẳng thật sự diệt
mà nói là diệt độ”, hãy chú ý! Lời này là thật. Như Lai có diệt độ hay không?
Không có. Như Lai chứng đắc không sanh không diệt, ngài làm sao mà diệt độ
được? Diệt độ là do ngài thị hiện, ngài biểu diễn, không phải là thật. Sự thật
đó là không sanh không diệt, ngài làm sao lại diệt độ. “Chẳng phải diệt độ lại
hiện có diệt độ nên gọi là thị hiện. Thị hiện như vậy là độ người căn cơ trung,
hạ”, là để độ người, nếu như không vì độ người, ở thêm vài năm, hay bớt đi vài
năm ngài đều có thể làm được. Ngài từ đâu đến? Ngay tại lúc này, “ngay nơi đó sinh ra, cũng ngay nơi đó mất
đi”, câu này trong kinh Lăng Nghiêm nói. Tại sao vậy? Pháp thân của ngài
trọn khắp pháp giới, không hề rời khỏi chúng ta. “Bình đẳng thường trụ như như
pháp thân”, chuyện này ai biết? Không ai biết, Pháp thân Bồ-tát biết, người
chân chánh tu học Tịnh tông biết, biết nhưng chưa chứng đắc. Pháp thân không có
hình tướng, không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, cũng
không có hiện tượng tự nhiên. Cũng giống như ánh đèn vậy, mười mấy ngọn đèn đều
thắp lên, ánh sáng dung hòa vào nhau. Tắt đi một ngọn đèn cũng không chướng
ngại ngọn đèn khác. Thành Phật nhập Thường Tịch Quang cũng là như vậy. Cho nên
Pháp thân Bồ-tát ở đâu? “Không nơi nào không ở, không lúc nào không có”. Bạn ở
đây có cảm, các ngài liền có ứng, liền hiện thân. Người thượng căn biết được,
Như Lai, Pháp thân Bồ-tát “chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu”. Không có
đến đi, chỉ có ẩn hiện. Chúng ta có cảm thì ngài hiện; chúng ta không có cảm,
ngài không hiện, ẩn mất rồi. Có ẩn hiện, không có sanh diệt. Chúng ta nói
Không, Không không phải là Vô, Không là trạng thái ẩn, Hữu là trạng thái hiển
hiện, hiển hiện không thể nói là Hữu.
Có một công án như thế
này: Đại sư Trí Giả đọc tới phẩm Dược Vương của kinh Pháp Hoa “tận mắt thấy hội
Linh Sơn nghiễm nhiên chưa tan”. Đây là ngài đọc kinh, bặt hết vọng tưởng,
không còn tạp niệm, thật sự là dùng tâm thanh tịnh bình đẳng giác đọc kinh. Đọc
tới phẩm này nhập định. Trong định ngài tới núi Linh Thứu, Thích-ca Mâu-ni Phật
đang giảng kinh Pháp Hoa ở núi Linh Thứu, ngài cũng tham gia pháp hội. Xuất
định nói cho người khác nghe, hội Linh Sơn của Thích-ca Mâu-ni Phật còn chưa
tan, bây giờ vẫn còn đang giảng. Có tan hội hay chưa? Chưa tan hội. Nhất thời đốn
hiện, nhưng bạn có duyên này thì cảm ứng hiện tiền, bạn sẽ nhìn thấy. Đây không
phải là ảo giác, không phải là vọng tưởng mà là thật, cảm ứng đạo giao không
thể nghĩ bàn.
Chúng ta nhất định
phải hiểu rõ những chân tướng sự thật này, thật sự không thể chấp trước. Nên
buông xuống giả, để thanh tịnh bình đẳng giác của chính mình được khôi phục.
Thanh tịnh bình đẳng giác là chân tâm, thanh tịnh bình đẳng giác là tánh đức,
là đức năng căn bản của tự tánh. Vốn sẵn thanh tịnh, vốn sẵn bình đẳng, vốn sẵn
giác mà không mê. Giác mà không mê tức là chuyện gì bạn cũng biết, chuyện gì
bạn cũng hiểu rõ. Chuyện thế gian, xuất thế gian, quá khứ, hiện tại, vị lai,
không có chuyện gì bạn không biết. Biết nhưng không nói, chỉ nói với bạn những
gì bạn tiếp nhận được thì nói bấy nhiêu, sẽ không vượt qua [những gì bạn tiếp
nhận được]. Tại sao vậy? Vượt qua thì bạn không hiểu, bạn không thể tiếp nhận,
bạn sẽ sanh ra hoài nghi, không có lợi đối với bạn. Hiện thân thuyết pháp đều
không nhất định, không có pháp cố định nào để nói, cũng không có hình tướng
nhất định để hiện. Hay là hay ở chỗ này, thật sự là hay không thể tả được,
không thể nghĩ bàn. Khi bạn thật sự khế nhập vào cảnh giới này, bạn mới thực sự
cảm nhận được chỗ hay không thể tả này được.
Mời xem câu kinh tiếp
theo:
Khai hóa hiển thị, chân thật chi tế.
Câu này không chỉ khái
quát toàn bộ kinh, mà còn là căn nguyên một đời thánh giáo của Thế Tôn, hết
thảy giáo hóa đều ở trong một câu này. Trong kinh Vô Lượng Thọ có ba điều chân
thật, “chân thật chi tế” là một trong ba điều chân thật. Ba điều chân thật này
nếu như nói là chỗ thù thắng của kinh Vô Lượng Thọ thì cũng không hề quá chút
nào. Khai là khuyên bảo, khai thị, cũng là dạy học. Hóa là chỉ thành tích. Dạy
học trò, sau khi học trò tiếp nhận lời dạy, tâm hạnh sanh ra biến hóa. Trước
đây tiêu chuẩn giáo dục của nhà Nho là thay đổi khí chất, thay đổi khí chất
phàm tục thành thánh hiền, cho nên đọc sách chí tại thánh hiền, nâng cao đức
hạnh của chính mình. Hóa có ba cấp bậc thượng trung hạ: thượng phẩm là thánh
nhân; trung phẩm là hiền nhân; hạ phẩm là quân tử, đây là tiêu chuẩn của giáo
học nhà Nho. Giáo học nhà Phật cũng có ba tiêu chuẩn, ba phẩm thượng trung hạ:
thượng phẩm là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật; trung phẩm là thành
Bồ-tát; hạ phẩm là thành A-la-hán. Trong pháp môn niệm Phật cũng có ba phẩm
thượng trung hạ: thượng phẩm là thành tựu Lý nhất tâm bất loạn; trung phẩm là
thành tựu Sự nhất tâm bất loạn; hạ phẩm là thành tựu công phu thành phiến.
“Giáo”, tiếp đó phải có “hóa”, giáo mà không hóa thì không có tác dụng, uổng
công dạy. Khai là khai thị, khuyên bảo, cũng là giáo. Học trò nhất định phải
thay đổi khí chất, siêu phàm nhập thánh.
Nội dung giáo học là
“hiển thị chân thật chi tế”. Chân thật chi tế chính là bản tánh chân như, cũng
là thật tướng các pháp, chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Hiển là minh hiển; thị
là chỉ thị. Chúng ta vốn mê, nhìn không rõ ràng, Phật hiển thị chân thật cho
chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ, giúp chúng ta khế nhập vào cảnh giới này. Cho
nên giáo học Phật pháp vượt qua hết thảy pháp thế gian. Hết thảy giáo dục thế
gian không thể sánh với Phật pháp, chỉ có giáo dục Phật giáo chân thật mới giúp
chúng ta triệt để hiểu rõ chân tướng vũ trụ nhân sanh. Nhân sanh là chính mình,
vụ trụ là hoàn cảnh chúng ta sinh sống. Phật pháp dạy chúng ta nhận thức chính
mình, nhận thức hoàn cảnh chúng ta sinh sống.
Mọi người nghĩ mà xem,
chúng ta có thể không học sao? Không học thì chúng ta vĩnh viễn là kẻ mê hoặc
điên đảo. Phật pháp không phải dạy chúng ta trẻ mãi không già, không phải dạy
chúng ta sanh lên cõi trời, Phật pháp dạy chúng ta nhận thức chính mình, nhận
thức chân tướng hoàn cảnh chúng ta sinh sống, trong này không hề có mê tín.
Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện ở
đời”, “chỉ là đem tri kiến Phật, dạy chúng sanh giác ngộ”, hai câu này tức là
nói: khai tri kiến Phật, thị tri kiến Phật cho chúng sanh, khiến chúng sanh ngộ
tri kiến Phật, nhập tri kiến Phật. “Khai hóa” là khai, “hiển thị” là thị, “Chân
thật chi tế” là tri kiến Phật. Nhưng tri kiến Phật “không phải là suy lường
phân biệt mà có thể hiểu”. Tri kiến của chúng sanh đều là tình kiến, khởi tâm
động niệm đều là vọng tưởng, phân biệt, cho nên căn bản không thể hiểu được sở
tri sở kiến của Phật. Do đó mà tri kiến Phật không chỉ là chúng sanh chưa hiểu
rõ mà là không thể hiểu rõ. Cho nên, khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cũng chính
là “khai hóa hiển thị chân thật chi tế”, chỉ một đại sự nhân duyên mà Thế Tôn
xuất hiện trên thế gian này. Chúng sanh học Phật thì phải triệt để đập tan tri
kiến chúng sanh của chính mình, như thật khế nhập tri kiến chư Phật, cũng tức
là chân thật chi tế.
Chúng ta học Phật
nhiều năm, kinh điển đọc không ít, niệm Phật cũng không ít, lạy Phật cũng không
ít, tham gia các pháp hội cũng không ít, tại sao vẫn chậm chạp, chưa thể khế
nhập tri kiến của Phật? Nguyên nhân căn bản là do chúng ta khoan nói đến việc
đập tan tri kiến chúng sanh của chính mình, mà là ngoan cố chấp trước vào tri
kiến chúng sanh của chính mình. Lấy một ví dụ đơn giản cho dễ hiểu, chính là
phê bình và tự mình phê bình. Nhìn xung quanh chúng ta, rồi nhìn lại chính
chúng ta, hiện nay phê bình người khác nhiều, tự mình phê bình ít, thậm chí là
rất ít khi thấy tự mình phê bình. Nếu như có thì cũng rất ít người thật lòng
thật ý. Con người hiện nay, đặc biệt là người trẻ tuổi thích được chiều chuộng,
thích được dỗ dành, thích được nịnh, một chút xíu phê bình cũng không nghe lọt
tai. Đừng nói là phê bình, chỉ là đưa ra ý kiến góp ý mà không theo ý của họ,
ngay lập tức mặt tỏ ra khó chịu, thật sự là không thể đụng vào mông hổ được.
Chuyện như vậy lúc nào cũng có thể gặp trong cuộc sống thường ngày của chúng
ta. Người như vậy đến tri kiến của chính mình cũng không buông được thì còn nói
gì tới khế nhập tri kiến của Phật?
Trí Độ Luận nói: như, pháp tánh, thật tế, cả ba từ này
đều là tên gọi khác nhau của thật tướng các pháp. Cũng như chân như, pháp tánh,
phật tánh, thật tế, thật tướng là tên gọi khác nhau của cùng một bản thể, vốn
đều là một thể. Lấy một ví dụ cho mọi người nghe liền hiểu: tôi tên là Lưu Tố
Vân, ba mẹ chồng, mẹ tôi, chị tôi đều quen gọi tôi là Tiểu Vân; ở cơ quan sở
trưởng lớn tuổi hơn gọi tôi là Tố Vân; sau khi học Phật, pháp sư thượng Giác hạ
Ngộ đặt cho tôi pháp hiệu là Xương Tịnh, nhưng mà pháp sư Giác Ngộ vẫn gọi tôi
là Tố Vân; Phật sống Lạp Mã Giao Hương Căn đời thứ 15 đặt pháp hiệu cho tôi là
Đạt Nhiệt Lạp Mẫu. Mọi người nghĩ thử xem, Lưu Tố Vân, Tố Vân, Tiểu Vân, Xương
Tịnh, Đạt Nhiệt Lạp Mẫu có phải đều là tôi không? Nói dễ hiểu một chút, trẻ con
thường có tên giấy tờ, còn có tên ở nhà, tên giấy tờ và tên ở nhà không phải
đều là đứa trẻ đó sao?
Tiếp theo chúng ta sẽ
nói về chữ tế. Chữ tế này về mặt chữ thì có bốn ý nghĩa:
– Ý nghĩa thứ nhất:
biên giới hoặc nơi gần biên giới như chân trời, mép nước, giao mùa xuân hạ.
– Ý nghĩa thứ hai là
giữa đôi bên. Ví dụ như quốc tế.
– Ý nghĩa thứ ba là
ngay lúc nói. Ví dụ như trước mắt đang là lúc cần người.
– Ý nghĩa thứ tư là:
gặp đúng lúc thích hợp nói. Ví dụ như: nhân pháp hội lớn này.
Sách Chân Giải giải
thích chữ “tế” như sau: “chỗ hay của thật tướng là viên mãn lý tương ưng đến
cực điểm”. Tức là nói đem chỗ hay của thật tướng truy cứu đến tận cùng lý thể
của nó, căn nguyên của nó, cứu cánh đến tốt cùng, đạt đến cực điểm, không còn
gì hơn gọi là tế. Nay gọi “chân thật chi tế”, chánh hiển lý thể hay đến cực
điểm của chân như thật tướng, cũng chính là sở tri, sở kiến của Phật vậy. Thế
nào là sở tri sở kiến của Phật? Đó là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Một đời giáo hóa của
Thích-ca Mâu-ni Phật có sự-lý, không-hữu, đốn-tiệm đủ loại khác nhau, mà chỉ có
pháp môn Tịnh độ được tán thán khắp cả mười phương chư Phật, diệu pháp Tịnh độ
khiến hết thảy hữu tình trong pháp giới đều quy về nhất Phật thừa. Ba bậc vãng
sanh đều phải phát tâm Bồ-đề. Vãng Sanh Luận nói “hàng Nhị thừa không sanh”,
phàm là vãng sanh đều đi bằng xe trâu trắng lớn, nhất định cứu cánh Phật quả,
đều dựa vào biển nguyện Nhất thừa, nhờ nguyện lực của Phật, trì danh vãng sanh,
vượt khỏi tình chấp của chúng sanh, toàn bộ đều là tri kiến Phật.
Nước non, chim chóc,
cây cối thảy đều thuyết pháp, trong cây báu hiện mười phương cõi Phật, khắp nơi
đều là Hoa Nghiêm sự sự vô ngại, không thể nghĩ bàn, đều khen ngợi diệu kiến
của chư Phật. Cho nên Hội Sớ, Chân Giải đều nói: “chỉ có thệ nguyện nhất Phật
thừa này, nhất thật chân như biển là chân thật chi tế”. Nay được các Đại sĩ
trong pháp hội rộng vì chúng sanh tuyên diễn “thệ nguyện nhất Phật Thừa” mà chư
Phật cùng tán thán, khai thị tri kiến Phật cho mười phương chúng sanh, nên kinh
nói là “khai hóa hiển thị chân thật chi tế”. Trì danh niệm Phật có hai loại: sự
niệm và lý niệm. Lý nhất tâm có thể phá vô minh, hiện pháp thân, vãng sanh Tịnh
độ bậc tối thượng là cõi Thường Tịch Quang, Tịch-Chiếu đồng thời, cõi nước và
tâm bất nhị. Quán Kinh nói “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”, nên mới biết
thanh tịnh cõi nước chư Phật chính là thanh tịnh tâm của chính mình.
Tứ Liệu Giản nói:
“Có Thiền, có Tịnh độ
Như hổ mọc thêm sừng.
Đời nay làm thầy
người,
Đời sau là Phật tổ”.
Bài kệ của hòa thượng
Bố Đại thời Tùy Đường:
“Chỉ có tâm, tâm tâm
là Phật,
Mười phương thế giới
nó linh nhất,
Dọc ngang diệu dụng
đáng thương lắm,
Hết thảy sao bằng tâm
chân thật”.
Cho nên chân thật chi
tế cũng chính là tự tâm, khai hóa hiển thị chân thật chi tế cũng chính là rõ
bổn tâm của mình, thấy bản tánh của mình. Còn pháp môn niệm Phật, năng niệm là
Phật, sở niệm cũng là Phật. Phật năng niệm chính là bổn tâm này, Phật sở niệm
cũng chính là bổn tâm, năng sở không hai, chỉ có một tâm, cho nên một tiếng
Phật hiệu một tiếng tâm. Kinh Đại Tập nói: “Nếu người chỉ niệm A-di-đà thì gọi
là vô thượng thâm diệu thiền”. Cho nên Thiền tông và Tịnh độ chẳng phải là hai
vật. một từ chân thật trong kinh Vô Lượng Thọ xuất hiện ba lần: Thứ nhất là
“khai hóa hiển thị chân thật chi tế”; thứ hai là Tỳ-kheo Pháp Tạng “trụ chân
thật huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”; thứ
ba là “Như Lai muốn cứu vớt chúng sanh, ban cho họ lợi ích chân thật”.
Ba điều chân thật
trong bộ kinh này có thể khái quát như sau: Chân thật chi tế là lý thể của
quyển kinh này; Chân thật chi huệ là trang nghiêm thành tựu Cực Lạc Tịnh Độ;
Chân thật chi lợi là bình đẳng ban khắp cho hết thảy chúng sanh. Chân thật chi
tế là căn bản, từ chân thật chi tế sanh ra chân thật chi huệ, A-di-đà Phật trụ
chân thật chi huệ để trang nghiêm Tịnh độ. Đã có pháp môn Tịnh độ thì có thể
ban cho chúng sanh chân thật chi lợi. Ba điều chân thật này: Chân thật chi tế,
Chân thật chi huệ, Chân thật chi lợi là chỗ nổi bật của kinh Vô Lượng Thọ, là
chỗ tinh yếu nhất trong tinh yếu! Tuyệt! Tuyệt diệu! Tịnh tông là chân thật chi
tế trong chân thật chi tế là nhất Phật thừa trong nhất Phật thừa, rất hay!
Chúng ta hôm nay học Phật, gặp được duyên phận tốt như vậy, thật sự gặp được
quyển kinh tinh hoa trong hết thảy Phật pháp, gặp được vị thầy dẫn đường trăm
ngàn vạn kiếp khó tìm cầu là lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không, một đời này làm
sao lại không thành tựu cho được? Chúng ta phải ghi nhớ kỹ: Người học Phật quan
trọng nhất là phải làm ra tấm gương tốt, để người học Phật thấy, để người niệm
Phật thấy. Chúng ta học theo lão hòa thượng Hải Hiền, bắt đầu làm từ những thứ
nhỏ nhặt trong cuộc sống, cả một đời lão hòa thượng chưa từng tức giận. Chú ý
là một đời, 112 năm, 40.880 ngày, 981.120 giờ. Thôi không tính nữa, càng tính
càng hổ thẹn. Trong 24 tiếng đồng hồ không tức giận, chúng ta có mấy ai làm
được. Lão hòa thượng chưa từng giận ai đỏ mặt. Cho dù gặp ai, gặp chuyện gì,
không điều gì không hoan hỷ. Chưa từng oán hận người khác. Đó là gì? Đó là tu dưỡng
căn bản của làm người. Chúng ta làm như thế nào? Nói mấy câu nghe không lọt
tai, nghe không thuận tai, phải khó chịu mất mấy ngày, sắc mặt giống như bầu
trời u ám vậy, mãi không hửng nắng lên được.
Tôi nhớ lúc mẹ chồng
còn sống từng nói với tôi, con xem khuôn mặt khó chịu của người này người kia
người nọ, nhìn một lần không muốn nhìn lần nữa. Mẹ chồng tôi là một cụ già
không biết chữ, mặc dù không có văn hóa nhưng mà vốn từ dân gian của mẹ vô cùng
phong phú. Những từ địa phương tôi nói mà mọi người nghe không hiểu đều là học
từ mẹ chồng tôi. Tôi thường nói với các đồng tu, tôi hy vọng mọi người: Học
Phật phải học làm sao được khỏe mạnh, học làm sao được vui vẻ, học làm sao được
tự tại. Nếu như mỗi ngày sắc mặt đều nặng nề, đó là dáng vẻ người học Phật không
nên có. Mong bạn bố thí chút nụ cười, nụ cười mang tới sự ấm áp cho thế giới
này. Tôi tặng cho các bạn hai bài kệ:
“Nhìn tưởng tầm thường nhưng phi thường,
Vĩ đại là thấy trong
tầm thường,
Đạo đức cao thượng ai
biết được,
Đủ để bạn, tôi học vạn
năm,
Tín vững nguyện thiết
hành thêm gắng,
Ba điều chân thật phải
nhớ kĩ,
Niệm Di-đà, tịnh niệm
tiếp nối,
Vãng sanh Tây Phương
có bảo chứng”.
Tiết học hôm nay giao
lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!