PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA
VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG
GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 28/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 15
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem đoạn tiếp
theo:
Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo. Ư nhất thiết vạn vật. Tùy ý tự
tại. Vị chư thứ loại tác bất thỉnh chi hữu. Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp
tạng. Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt. Hưng đại bi. Mẫn hữu tình. Diễn
từ biện. Thọ pháp nhãn. Đỗ ác thú. Khai thiện môn. Ư chư chúng sanh. Thị nhược
tự kỷ. Chửng tế phụ hạ. Giai độ bỉ ngạn. Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức.
Trí huệ thánh minh. Bất khả tư nghị.
Chúng ta xem câu đầu
tiên trước: “Tâm thường đế trụ độ thế chi
đạo”.
Thường tức là thường
xuyên không ngừng. Đế nghĩa là yên, thực tại. Đế trụ có nghĩa là an trụ. Độ thế
tức là giúp đỡ chúng sanh liễu sanh tử, thoát luân hồi. Đại ý của câu kinh này
là: Bồ-tát xuất gia và Bồ-tát tại gia tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này,
dụng tâm của các ngài thực tại, thường hằng an trụ trong pháp độ thế chân thật
vô vi, cứu độ hết thảy thế gian, hết thảy chúng sanh.
Tâm của chư Phật
Bồ-tát là tâm gì? Đó là giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, nhận thức
chính mình, nhận thức hoàn cảnh nơi mình sinh sống. Nhận thức hết thảy chân
tướng sự thật, lìa khổ cứu cánh, được vui cứu cánh. Chư Phật Bồ-tát chính là có
tâm như vậy, làm chuyện như vậy. chuyện mà người khác trên thế gian không làm
được thì chư Phật Bồ-tát đến làm. Chuyện mà người thế gian có thể làm được thì
để người thế gian làm “Như Lai sở dĩ hưng
xuất thế, Duy thuyết Di-đà bổn nguyện hải”.
Phật dùng phương pháp
nào để làm việc này? Giáo dục. Mục đích giáo học của chư Phật Bồ-tát khác với
mục đích giáo học của thế gian, cho nên môn học, nội dung dạy học, phương thức
dạy học của các ngài cũng khác. Dùng phương pháp dạy học của thế gian để học
Phật pháp thì không thể học được, học Phật nhất định phải dùng phương pháp của nhà
Phật. Giáo học của nhà Phật bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ giới, định, tuệ. Đây là
chỗ khác biệt so với giáo học thế gian. Tam học giới, định, tuệ là học vấn căn
bản của nhà Phật, cho dù là Tông môn hay là Giáo hạ, cho dù là tông nào phái
nào, không có học vấn tam học giới, định, tuệ thì chính mình không thể liễu
sanh tử, không thể ra khỏi ba cõi. Có năng lực này, lại thêm phát tâm độ chúng
sanh, hành Bồ-tát đạo mới có thể giảng kinh thuyết pháp. Giảng kinh thuyết pháp
là đạo độ thế tốt nhất mà chư Phật Bồ-tát dùng để giáo hóa chúng sanh, tâm của
các ngài thường hằng bất biến, trụ nơi đạo này.
Chư Phật Bồ-tát giảng
kinh thuyết pháp đều là tự tánh lưu lộ, cho nên gọi là “nói mà không nói, không
nói mà nói”. Trước đây nghe được câu nói như vậy nhưng tôi không hiểu, đó là
Thích-ca Mâu-ni Phật chưa từng nói câu pháp nào trong 49 năm, ai nói Thế Tôn
thuyết pháp trong 49 năm, tức là hủy báng Phật. Trải qua 20 năm nghe kinh, nghe
pháp, dần dần tôi hiểu được hàm nghĩa thật sự của câu nói này, Thế Tôn thật sự
không nói một câu pháp nào, pháp bất định pháp, không có pháp cố định để nói.
Phật là tự tánh lưu lộ, khế lý khế cơ. Đây là chỗ chư Phật giáo hóa chúng sanh
tuyệt diệu nhất, cao minh nhất, không thể nghĩ bàn nhất.
Chúng ta học Phật, có
người phát tâm giảng kinh thuyết pháp, hoằng pháp lợi sanh, phát tâm như vậy là
tốt. Nhưng mà chúng ta có biết học giảng kinh thuyết pháp phải học từ đâu
không? Tôi dùng một câu để khái quát, đó là “giảng chân kinh của tự tánh”, hiểu
câu này như thế nào? Lão pháp sư nói với chúng ta: “Học giảng kinh từ đâu? Phải
dẫn khởi kinh điển trong tự tánh, giảng chân kinh trong tự tánh, không phải
giảng kinh Phật bên ngoài, chúng ta mở rộng kinh Vô Lượng Thọ của Thích-ca
Mâu-ni Phật ra, dẫn khởi kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta, kinh Vô
Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta giống với kinh Vô Lượng Thọ của Thích-ca
Mâu-ni Phật”. Bạn hiểu câu nói này của lão pháp sư như thế nào? Cũng giống như
tung gạch nhử ngọc vậy, để tôi nói quá trình nhận thức của mình với câu nói
này, có thể chia làm bốn giai đoạn để nói:
Giai đoạn thứ nhất: không hiểu lắm. “Giảng chân kinh trong tự tánh, không phải giảng kinh Phật bên ngoài”,
đối với ý nghĩa của hai câu này thật sự không hiểu lắm. Chân kinh? Kinh Phật?
Kinh Phật không phải đều là chân kinh hay sao? Tại sao còn chia ra chân kinh
trong tự tánh và kinh Phật bên ngoài? Tôi hiện nay đang phúc giảng kinh Vô
Lượng Thọ không phải là kinh Phật do Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết hay sao? Chân
kinh trong tự tánh của tôi là thế nào? Kinh Phật mà tôi đang phúc giảng có quan
hệ gì [tới chân kinh trong tự tánh]? Vào năm 2018, đây là vấn đề khiến tôi khi
đó rất khó hiểu. Đây là giai đoạn thứ nhất.
Giai đoạn thứ hai: khai mở một chút. Một chút khai mở này như
thế nào? Là bắt đầu từ hai câu này, “chúng ta mở rộng kinh Vô Lượng Thọ của
Thích-ca Mâu-ni Phật, dẫn khởi kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta
ra”, chữ dẫn này đã nhắc nhở tôi, nói cho tôi biết, thứ nhất là trong tự tánh
của tôi có kinh Vô Lượng Thọ, chỉ cần “có” mới có thể “dẫn”, không có thì làm
sao “dẫn” được? Thứ hai là có thể dẫn khởi ra kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh
của tôi, dùng điều gì để dẫn? Dùng cách phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ; thứ ba
nói cho tôi biết, “kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của chúng ta cùng với kinh
Vô Lượng Thọ của Thích-ca Mâu-ni Phật là giống nhau”, tôi đột nhiên khai ngộ.
Ồ! Thật hay quá! Thật không thể nghĩ bàn!
Giai đoạn thứ ba: như biết rõ của báu trong nhà. Nhờ phúc giảng
kinh Vô Lượng Thọ thật sự đã dẫn khởi ra kinh Vô Lượng Thọ trong tự tánh của
tôi. Sau khi dẫn khởi ra có cảm giác như thế nào? Thật sự là không thể nào quen
thuộc hơn, những điều nói trong kinh Vô Lượng Thọ không phải đều là chuyện trong
nhà mình hay sao? Chỉ là thời gian quá dài, có chút quên lãng. Bây giờ vừa được
nhắc nhở, toàn bộ đều nhớ lại. quá hoan hỷ, tìm thấy ngôi nhà quen thuộc của
mình, trong nhà có châu báu gì, tôi biết hết!
Giai đoạn thứ tư: lấy bỏ tự tại. Cảm giác tìm được nhà thật sự
quá kì diệu. Tôi không còn là đứa trẻ lang thang bơ vơ không nơi nương tựa nữa.
Tôi nhớ một phút trước khi chị tôi vãng sanh đã nói với tôi một câu: “chị đã
đứng bên cạnh cha hiền A-di-đà Phật rồi”, một phút sau chị đã để lại cho thế
gian một nụ cười sáng lạn nhất, cùng cha hiền A-di-đà Phật về nhà. Đó là khoảnh
khắc hạnh phúc, tươi đẹp biết bao!
“Cha hiền đón chị trở về nhà,
Cũng đừng bỏ em lại
nơi đây,
Đợi khi sứ mạng được
hoàn thành,
Cha hiền cũng đón em
trở về”.
Những điều tôi làm
hiện nay là toàn tâm toàn sức hoàn thành ba sứ mạng, thời gian còn lại dùng
trọn khả năng của mình phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ vài lần. Tôi từng nói học
Phật phải giống [chư Phật Bồ-tát], tâm của chư Phật Bồ-tát thường an trụ trong
đạo độ thế. Chúng ta học Phật cũng phải làm như vậy. Tôi muốn phúc giảng vài
lần kinh Vô Lượng Thọ là tôi đã làm một chút so sánh, tôi cảm thấy lần trước
giảng có chút dè dặt, không có thông suốt, sau đó giảng tương đối thuận lợi, có
chút cảm giác lấy bỏ tự tại. Đây có phải là dẫn khởi kinh Vô Lượng Thọ trong tự
tánh ra không? Tôi không nói chính xác, chỉ là cảm giác mà thôi. Chúng ta và
chư Phật là một thể, tự tánh của chúng ta và tự tánh của chư Phật là cùng một
tự tánh. Cho nên chân kinh lưu lộ từ trong tự tánh của chư Phật, chính là chân
kinh trong tự tánh của bản thân chúng ta. Cho nên, hiện nay tôi phúc giảng kinh
Vô Lượng Thọ chính là chân kinh trong tự tánh của tôi.
Mời xem câu tiếp theo:
“Ư nhất thiết vạn vật. Tùy ý tự tại”.
Câu này tán thán đức năng tự hành hóa tha của chư Bồ-tát. Vạn vật là chỉ vạn
pháp, tức là hết thảy Hữu. “Nhất thiết vạn vật” là chỉ hoàn cảnh, có thể được
đại tự tại trong bất kì hoàn cảnh nào, đó thật sự là lìa khổ được vui. Tự tại
là thông đạt vô ngại. Tại sao chư Phật Bồ-tát có thể được đại tự tại trong mọi
hoàn cảnh, chúng ta lại không được như vậy? Nguyên nhân là do vọng tưởng, chấp
trước, phàm phu chấp trước hết thảy vạn vật thật có, trong có lại muốn chiếm
hữu, chiếm hữu rồi lại sợ mất đi, lo được lo mất, từ đó mà sanh ra phiền não.
Chư Phật Bồ-tát biết hết thảy vạn vật là huyễn hữu, là giả có, không phải thật
có, cho nên trong hết thảy vạn vật là thọ dụng tự tại, không có phân biệt, chấp
trước, không những không có quan niệm chiếm hữu đối với hết thảy vạn vật, tức
là ngay đến thân thể của chính mình cũng không có suy nghĩ chiếm hữu, như vậy
mới có thể được đại tự tại. Bồ-tát hoằng pháp lợi sanh, nhất định phải có năng
lực này. Nếu như không có năng lực này, một khi tiếp xúc với vạn vật thì không
phải độ người khác, mà ngược lại bị vạn vật độ, cho nên đây là điều kiện học
Phật bắt buộc phải có.
Phẩm tựa kinh Pháp Hoa
nói, hết thảy Có giống như sợi dây thừng xiết thật chặt vậy, trói con người
lại. Nếu như chặt đứt hết trói buộc này thì thân thể sẽ tự do, được “tự tại”.
Con người tại sao lại bị trói buộc? Đó là nội tâm xoay chuyển theo cảnh giới.
Thấy sắc nghe âm thanh, tâm của bạn liền xoay chuyển theo những gì bạn thấy,
cho nên sẽ bị phiền não trói lại. Do đó, người khác khen ngợi bạn, bạn liền vui
vẻ; nếu như người khác mắng bạn, bạn liền không vui, bạn chuyển theo họ, chính
mình không tự làm chủ được, khiến bạn vui vẻ thì liền vui vẻ, khiến bạn không
vui thì liền không vui, sẽ bị phiền não chuyển.
Phàm phu chấp trước
vào các Có, yêu thích những thứ này, hết thảy mọi vật trên thế gian, công danh
phú quý, vợ con, đây là chấp Có; A-la-hán chấp Không, tức là dừng lại ở tướng
Không, đều là đọa lạc vào trong tình chấp. Bậc Đại sĩ thông đạt pháp tánh, các
ngài từ ngay nơi tướng lìa tướng, chứ không phải gạt tướng để lìa tướng, cho
nên Tông môn nói: “Chỉ cần vô tâm với vạn vật, nào ngại vạn vật thường vây
quanh”, chỉ cần bạn đối với vạn vật vô tâm thì ngại gì vạn vật tới vây quanh
bạn. Có một số người luôn nghĩ làm sao tìm một nơi thanh tịnh để tu hành, tôi
nói với bạn, bạn vĩnh viễn không tìm được. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của bạn
không thanh tịnh. Tâm của bạn bị xoay chuyển bởi vật. Nếu như tâm của bạn có
thể xoay chuyển vật, không cần tìm, nơi nào cũng thanh tịnh. Bạn nhìn thấy một
cô gái xinh đẹp, bạn liền nhìn chằm chằm họ, nếu như là một cái đầu lâu thì bạn
còn nhìn chằm chằm nữa không? Cô gái xinh đẹp và cái đầu lâu là một không hai,
bởi vì bạn phân biệt chấp trước nên một mới biến thành hai. Nói cụ thể hơn là
vật tùy tâm chuyển. Ngoại vật có thể xoay chuyển theo nội tâm của bạn, Bạn sẽ
tùy ý tự tại rồi. Tịnh Ảnh Sớ nói: “Do thành tựu thần thông thù thắng, đạt được
thần thông thù thắng, cho nên đối với hết thảy vật có thể biến hóa tùy ý, thế
nên liền có thể giúp chúng sanh đạt được lợi ích, như vậy trở thành lợi vật,
đây gọi là tự tại”. Tịnh Ảnh nhắc tới thần thông, thần thông đương nhiên không
phải là chuyện xấu. Nhưng nếu chúng ta không cầu giác ngộ, trước tiên lại đi
cầu thần thông, vậy thì phương hướng của bạn sai rồi. Phương hướng sai thì sẽ
đi theo con đường sai. Càng đi càng xa, tương lai con đường phải quay lại càng
dài. Chư Phật Bồ-tát đều có vô lượng thần thông. Cho nên thần thông là chuyện
tốt; nhưng hiển lộ thần thông là “thánh mạt biên sự”, là chuyện ngoài lề sau
cùng trong thánh đạo, so với thần thông còn có rất nhiều chuyện càng quan trọng
hơn, đó mới là chỗ chúng ta đáng lưu tâm. Câu này là do lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ
nói.
Để tôi kể cho mọi
người nghe một câu chuyện, nghe thử xem bạn có thể hiểu được ý nghĩa trong đó
không. Đời nhà Đường có một vị tổ sư tên là Hoàng Bá, bởi vì ngài xuất gia ở
núi Hoàng Bá – Phúc Thanh, người đời sau gọi ngài là Hoàng Bá. Trước khi ngài
khai ngộ, cùng một người bạn đi vân du bốn phương, đến một nơi bất ngờ gặp lũ,
đường đi cũng không còn nữa, biến thành sông, không đi qua được. Vào lúc này
người bạn đem nón lá ném trên nước, nhảy lên nón lá thuận theo dòng nước lướt
qua, đồng thời vẫy gọi Hoàng Bá: “Huynh mau qua đây”. Hoàng Bá nói: “Sớm biết
đệ như vậy thì ta đã đánh gãy chân chó của đệ”. Vị thần tăng lướt nước qua sông
tán thán không ngớt: “Thật đúng là pháp khí Đại thừa, đệ không bằng huynh”. Bạn
nghe hiểu câu chuyện này không?
Hành nhân nếu như có
thể từ ngay nơi tướng lìa tướng thì có thể chuyển vật rồi. “Trúc biếc xanh xanh
đồng là pháp thân, hoa vàng rực rỡ không ngoài bát-nhã”. Lá trúc, hoa vàng thảy
đều là pháp thân, bát-nhã, hết thảy vạn vật đều là như vậy, cho nên không cần
chờ đợi thần thông, chúng sanh cũng có thể tự tại. Chúng ta là người học Phật
dù sao cũng không nên mê luyến thần thông, truy cầu thần thông. Thần thông thật
sự là tự tánh vốn có, không phải truy cầu từ bên ngoài. Còn nhớ mấy năm trước
tôi từng nói qua bốn câu như vậy:
“Thần thông không thể cầu,
Cầu rồi không thể đắc,
Đắc rồi không thể
dùng,
Dùng rồi ắt trúng ma”.
Thực tế chứng minh,
phàm là cầu thần thông, dùng thần thông, không ai mà không bị ma dựa. Thanh
tịnh, bình đẳng, giác, năm chữ này bạn làm được rồi, thần thông trong tự tánh
tự nhiên sẽ hiển hiện ra, căn bản không cần phải tìm kiếm khắp nơi. Những gì
mong cầu từ bên ngoài đều là giả, không có điều nào là thật. Bạn xem giả thành
thật, còn sử dụng khắp nơi, vậy không phải là hại mình hại người sao? Lão pháp
sư nói với chúng ta “thần thông của người niệm Phật thù thắng không gì sánh
bằng”, chỉ một câu nói ngắn gọn như vậy mà đã bao gồm mấy tầng ý nghĩa? Cách
hiểu của tôi rất đơn giản, có thể hiểu được ba tầng nghĩa. Để tôi nói cho mọi
người nghe, cung cấp cho các đồng tu tham khảo:
Tầng nghĩa đầu tiên:
người niệm Phật có thần thông.
Tầng nghĩa thứ hai:
thần thông của người niệm Phật là thù thắng, gọi là “thắng thông”.
Tầng nghĩa thứ ba:
thần thông của người niệm Phật là không gì sánh bằng.
Nếu bạn là một người
niệm Phật chân chánh. Chú ý! Hai chữ “chân chánh” rất quan trọng. Ngoài ra,
thần thông không phải dùng để khoe khoang bản thân, mà dùng để giáo hóa chúng
sanh, nhất định phải chú ý chữ “dùng” này, không được tùy tiện dùng, nếu không
phải lúc bất đắc dĩ thì không được thị hiện thần thông. Năm ngày trước khi Lão
Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh vào năm 2012, [trong năm ngày đó] chị ấy đều thị
hiện thần thông, nói lời chân thật, không cần tránh né. Bạn tin cũng được,
không tin cũng được, tôi nhất định phải nói chân tướng sự thật, tôi phải chịu
trách nhiệm với con cháu đời sau.
Mười sáu vị Hiền Hộ
Chánh sĩ tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ đều là Đẳng giác Bồ-tát tại gia,
“Đại sĩ thần thông tự tại”, quả vị mà các ngài chứng được bình đẳng với
Văn-thù, Phổ Hiền, Di-lặc, Địa Tạng Bồ-tát, thị hiện thân phận tại gia. Các
ngài “thần thông tự tại”, cho nên mới có thể “vô tâm không vướng mắc với hết
thảy vạn vật”, đối với hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, các ngài không
có chướng ngại, cho dù là sự hay lý, là tánh hay tướng, là nhân hay quả, toàn
bộ đều thông đạt vô ngại. Thế nên các ngài mới có thể “tùy duyên biến hóa, lợi
ích chúng sanh”.
Mời xem câu kinh tiếp
theo: “Vị chư thứ loại tác bất thỉnh chi
hữu”.
Câu này là nói đại từ
đại bi của Bồ-tát. “Thứ loại” là chỉ hết thảy chúng sanh, cũng chỉ chúng sanh
trong lục đạo. Có vài cách giải thích hai câu kinh văn này, xin đưa ra cho mọi
người tham khảo. Chỗ khác biệt giữa chư Phật và Bồ-tát như sau: Phật pháp là sư
đạo, sư đạo là tôn nghiêm. “Chỉ nghe học trò đến học, chưa từng nghe thầy giáo
đến dạy”, câu này có ý nghĩa gì? Đó là Phật giáo hóa chúng sanh, phải đợi chúng
sanh tới thỉnh giáo, cũng tức là “thỉnh pháp”, phải “cầu” pháp. Không thể nào
Phật tìm tới nhà bạn để dạy bạn. Hiện nay có một tình trạng phổ biến, gia đình
có điều kiện mời gia sư cho con, đến nhà dạy con mình. Trong lịch sử Trung Quốc
không có tình hình này, làm sao có thể tùy tiện mời thầy cô đến nhà được? Như
vậy là không tôn kính thầy cô. Thầy cô tới nhà dạy học trò, phụ huynh có cảm
giác ưu việt, có tiền nên hợm hĩnh, tôi trả tiền cho mấy người, mấy người dạy
con tôi, hoàn toàn là mối quan hệ thuê mướn, làm gì còn sư đạo tôn nghiêm nữa?
Con trẻ không phải càng có cảm giác ưu việt sao? Chúng coi thường thầy cô thì
nói gì tới tôn kính đây? Thời nay tới học thì ít mà đến dạy thì nhiều, đây là
hiện tượng không bình thường. Đáng để chúng ta chú ý, giáo dục không có sư đạo
tôn nghiêm là giáo dục thất bại triệt để.
Hơn 60 năm trước, tiên
sinh Phương Đông Mỹ nói với lão pháp sư, “trường học hiện nay, trò không ra
trò, thầy không ra thầy”, lời này đã nói vào 60 năm trước, xem thử ngày hôm
nay, hơn 60 năm sau qua rồi, tình hình thực tế như thế nào? E rằng chỉ có tệ đi
chứ không khá hơn. Bồ-tát không giống chư Phật, Bồ-tát có thân phận là bạn học
đối với hết thảy chúng sanh, có thể chủ động đến nhà chúng sanh, giới thiệu
Phật pháp cho họ, chúng sanh không thỉnh nhưng Bồ-tát vẫn tới, cũng tức là
không đợi chúng sanh tự tới, Bồ-tát tự mình chủ động tới giúp chúng sanh, Đây
chính là “làm người bạn không mời”. Có một ví dụ đặc biệt không biết mọi người
có biết không? Kinh Phật Thuyết A-di-đà là không ai hỏi mà Phật tự nói ra. Tại
sao không hỏi lại tự nói? Bởi vì cảnh giới đó không có chúng sanh nào có thể
hỏi được. Phật lại muốn giới thiệu thế giới Tây Phương Cực Lạc cho hết thảy
chúng sanh hữu duyên, bởi vì không có người nào biết pháp này, càng không có
người nào tới thỉnh pháp này, cho nên không ai hỏi mà Phật tự nói ra. Đây chính
là ví dụ điển hình của “người bạn không mời”.
Chư Bồ-tát thật sự
tuyệt vời, “thường làm bạn tốt không mời, đi theo quan tâm bảo hộ”. Đi theo
những người nào? Chúng sanh trong lục đạo luân hồi. Chúng ta đọa lạc vào cõi
nào thì ngài theo tới cõi đó, thị hiện thân phận giống chúng ta, mới biết các
ngài đại từ đại bi tới mức nào! Kệ Niết-bàn nói: “Thế gian phải xin cứu rồi mới
được cứu, Như Lai chẳng đợi thỉnh mà thường làm chỗ nương về”. Câu này muốn nói
trong thế gian bạn nhất định phải thỉnh cầu người cứu độ, sau đó mới có thể đạt
được thứ bạn muốn cầu. Nhưng Như Lai không đợi bạn thỉnh cầu đã tới giúp bạn có
nơi trở về, giúp bạn có được nơi nương tựa. Đây là bạn tốt thật sự, là đại đạo
sư từ bi ân huệ tột cùng. Kinh Duy-ma nói: “Chúng sanh không thỉnh mà vẫn làm
bạn, giúp cho an vui”. Chúng sanh không có ai tới thỉnh pháp bạn, bạn sẽ làm
như thế nào? Chúng ta xem thử chư Phật Bồ-tát dùng thái độ thế nào? Vẫn làm
bạn, giúp cho an vui. Người Trung Quốc nói bằng hữu, mọi người có biết bằng hữu
có ý nghĩa gì không? Bằng là bạn học, hữu là đồng chí, so với bạn học thì đồng
chí thân thiết hơn nhiều. Lý tưởng giống nhau, mục tiêu, phương hướng của họ
cũng giống nhau, như vậy gọi là hữu, có thể tạo nên sự nghiệp lớn, không giống
với bạn học. Chư Phật Bồ-tát vĩnh viễn là thiện hữu, thiện tri thức của chúng
sanh. “Bạn chân thật chẳng đợi mời, như mẹ hiền luôn hướng tới con thơ”. Bạn
còn đợi họ tới mời hay sao? Nếu bạn bè thật sự có khó khăn, bạn biết rồi thì liền
tới giúp đỡ, giúp họ giải quyết vấn đề. Con người sống một đời trên thế gian
này, khó có được một người bạn tri kỷ thật sự. Con người sống trên đời, có một
hai người tri kỷ cũng đáng an ủi rồi, đời này không trôi qua uổng phí. Chúng ta
hy vọng có một người bạn như vậy, chúng ta phải phát tâm, là người bạn chân
thật của hết thảy chúng sanh.
Trong Tịnh Ảnh Sớ có
hai cách giải thích cho “người bạn không mời”. Cách giải thích thứ nhất “Do
chúng sanh cần được hóa độ không có căn cơ cảm được các bậc thánh nên gọi là
không mời”. Chúng sanh này không biết thánh hiền, thánh hiền ở đây là chư Phật
Bồ-tát, thiện tri thức, cho nên chúng sanh không có suy nghĩ cầu các ngài, gọi
là không mời. “Bồ-tát cường hóa vi tác
nhân duyên”, cường ở đây nghĩa là miễn cưỡng, miễn cưỡng giáo hóa chúng
sanh. “Vi tác nhân duyên” tức là tạo ra điều kiện, tạo ra cơ hội, “gọi là sẵn
sàng làm bạn tốt để chúng sanh yên ổn”. Vì tạo ra cơ hội cho chúng sanh cũng
phải có duyên, có điều kiện, không có duyên, không có điều kiện thì không thể
thành công. Hiện nay chúng ta có cơ hội, bạn có chịu làm hay không? Chịu làm
thì bạn chính là Bồ-tát tái lai; không chịu làm thì bạn là phàm phu. Chuyện này
không thể trách bạn. Ví dụ như chúng tôi đề xướng xây đạo tràng Lục Hòa Kính,
duyên này chính là bây giờ tôi ở trong đạo tràng nhỏ này, có hoàn cảnh địa lý
tự nhiên được ông trời ưu đãi, ở trong khe núi, chỉ có một lối ra, một cái sân,
một đạo tràng duy nhất. Đặc biệt là cơ cấu nhân viên của đạo tràng này khiến
tôi vô cùng hứng thú. Cơ cấu nhân viên ở đây như thế này:
Thứ nhất: nhân viên công ty, có lĩnh lương. Hộ pháp cư sĩ Bồ-đề Tâm của
tôi vốn là chủ tịch của một công ty bất động sản, mở xí nghiệp. Cho nên nền
tảng của đạo tràng này là xí nghiệp. Hiện tại có thể nói như vậy, nơi này không
phải là đạo tràng tu hành thuần túy, mà là một dạng kết hợp giữa xí nghiệp và
đạo tràng. Cũng có thể nói là vừa là nơi thí nghiệm ba thứ trong một giữa kinh
doanh, trồng trọt và tu hành. Nhân viên công ty chiếm bộ phận chủ yếu.
Thứ hai: nhân viên nông trường, có lĩnh lương. Nhân viên nông trường có
phân ra làm hai loại là dài hạn và ngắn hạn. Nhân viên nông trường phụ trách
trồng trọt, Đồ chúng tôi ăn đều là tự cấp, tự túc. Rất hiếm khi ra bên ngoài
mua đồ. Một phần lương thực, toàn bộ rau củ, trái cây đều tự trồng trọt. Dầu ăn
tự ép; tự làm mì sợi; đậu hũ, đậu hũ non, sữa đậu nành làm xong dùng luôn; đến hoa
tươi cũng tự trồng. Hoa và trái cây cúng Phật đều là tự trồng, vào mùa vụ cần
thêm mấy người tới làm công ngắn hạn.
Thứ ba: nhân viên đạo tràng, có lĩnh lương. Các nhân viên này chủ yếu
phụ trách công việc phục vụ và quản lý cuộc sống hàng ngày của đạo tràng.
Thứ tư: người thân, người thân của nhân viên công ty, có lĩnh lương.
Thứ năm: người làm công quả của đạo tràng, không lãnh lương. Số lượng và
thời gian của người làm công quả ở đạo tràng không cố định. Cơ bản là tới đạo
tràng đều là tham gia lao động, lượng công việc ở đây còn rất lớn. Mùa thu là
mùa bận rộn nhất, thu hoạch trái cây, chọn lựa trái cây, dữ trữ trái cây, làm
công việc lên men v.v…
Thứ sáu: người già niệm Phật. Người trên bảy mươi tuổi thì chuyên tâm
niệm Phật, không tham gia lao động. Mọi thứ ăn ở, vật dụng đều do đạo tràng lo,
miễn phí toàn bộ.
Thứ bảy: nhân viên làm việc thời vụ, có mấy cách tính lương khác nhau.
Từ cơ cấu nhân viên sẽ
thấy được đây là đạo tràng đa nguyên hóa. Tôi nhớ tới lão pháp sư xây dựng một
thành phố hài hòa đa văn hóa ở Toowoomba. Chúng ta liệu có thể xây dựng đạo
tràng nhỏ này trở thành đạo tràng Lục hòa kính đa văn hóa hài hòa, hòa hợp,
đồng tâm hiệp lực không? Đối với sự đề xướng của tôi, nhóm hộ pháp rất nhanh
liền có được nhận thức chung. Có được nhận thức chung không dễ dàng, đi đâu mà
tìm? Tìm không được! Chúng tôi tìm được nhận thức chung này, cảm ơn mười phương
chư Phật Như Lai từ bi gia trì, cảm ơn sự từ bi bảo hộ của Kim Cang, hộ pháp.
Điều chúng tôi cần làm bây giờ là biến nhận thức chung này thành hiện thực. Làm
thế nào để trở thành hiện thực? Đó là phải làm bạn tốt không mời, bắt đầu làm
từ đâu? Không trả lời được. Tôi hỏi bạn một vấn đề, tại sao thế giới Cực Lạc
lại tốt đẹp như vậy? Thế giới này của chúng ta tại sao lại hỗn loạn như vậy?
Trong kinh điển có một câu chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ, A-di-đà Phật “hiện
đang thuyết pháp”, A-di-đà Phật giáo hóa chúng sanh chưa từng ngừng nghỉ. Điều
gì là quan trọng nhất? Giáo học là quan trọng nhất. Phật pháp là giáo học đa
nguyên văn hóa, chư Phật Bồ-tát là người làm công tác tình nguyện đa nguyên văn
hóa. Một chút xíu danh văn lợi dưỡng cũng không dính tới.
Cách giải thích thứ
hai: “Chúng sanh được hóa độ tuy có cơ duyên tiếp nhận đạo nhưng không ưa
thích”, chính là không ưa thích, chúng sanh không ưa thích, họ không muốn.
“Không biết cầu thánh đạo nên gọi là không thỉnh. Bồ-tát tùy cơ mà miễn cưỡng
giáo hóa nên gọi là làm bạn giúp cho an vui”. Tình huống của hai loại chúng
sanh này không giống nhau, loại thứ nhất có duyên với Phật rất mỏng, không sâu,
cho nên họ không có khái niệm về Phật; loại thứ hai là đời quá khứ từng học
Phật, a-lại-da thức có chủng tử. Nhưng mà chủng tử này không mạnh, không có sức
mạnh. Những người học Phật mà chúng ta gặp, đa phần thuộc loại thứ hai.
Có cách giải thích thứ
ba không? Tôi chưa từng thấy. Nhưng mà tôi luôn cảm thấy thiếu chút gì đó.
Không phải là phát minh sáng tạo gì mới, cứ coi như là thảo luận và giao lưu
với các bạn đồng tu, nói sai thì phải chịu trách nhiệm nhân quả. Tôi giả thiết
về cách giải thích thứ ba như sau. Cách giải thích thứ ba: “chúng sanh được hóa
độ có cơ duyên tiếp nhận đạo, lại vốn ưa thích, cầu thánh đạo như kẻ khát, nên
gọi là cầu thỉnh”. Đây là loại thứ ba, loại thứ ba có duyên rất sâu với Phật,
không phải duyên mấy đời thôi, mà là duyên nhiều đời nhiều kiếp, một khi duyên
chín muồi, gặp được Phật pháp, vậy thì càng không thể ngăn lại được. Cầu thánh
đạo như kẻ khát, cầu pháp như kẻ khát, hận vì không thể gặp được sớm hơn.
Lão pháp sư thượng
Tịnh hạ Không là đại biểu điển hình cho kiểu người thứ ba, trong xã hội ngày
nay, ai có thể giảng kinh thuyết pháp 60 năm không ngừng nghỉ? Chỉ có lão pháp
sư thượng Tịnh hạ Không; ai có thể giảng pháp thế gian được thấu triệt như vậy,
lại có thể giảng Phật pháp thấu triệt như vậy? Là lão pháp sư thượng Tịnh hạ
Không; ai vừa nói ra Phật pháp, lại vừa làm được Phật pháp? Lão pháp sư thượng
Tịnh hạ Không; học Thích-ca Mâu-ni Phật, đi theo con đường của Phật Thích-ca,
hoằng dương pháp của Phật Thích-ca, ai là tấm gương tốt nhất trong lòng chúng
ta? Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không. Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không đề xướng
một câu Phật hiệu, một bộ kinh, một bộ chú giải, những cái khác không cần nữa.
Bạn có đồng ý không? Bạn có làm theo không?
Tiết học hôm nay giao
lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!