Tập 17 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 29/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 17

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem câu kinh tiếp theo:

“Ư chư chúng sanh. Thị nhược tự kỷ”.

Hai câu kinh này là thái độ của Bồ-tát đối với chúng sanh, là chỗ mà chúng ta đặc biệt phải học tập theo. Coi hết thảy chúng sanh là chính mình, mình và người không hai, gọi là đồng thể đại bi. Kinh Niết-bàn nói: “Hết thảy chúng sanh chịu khổ khác nhau cũng giống như một mình Như Lai chịu khổ”, hết thảy chúng sanh chịu đủ các nỗi khổ, trên thực tế chính là một mình Như Lai đang chịu khổ. Đạo lý này có bao nhiêu người thực sự hiểu được? Nếu như thật sự hiểu được, chân thật áp dụng vào trong cuộc sống, trong công việc, trong đối nhân xử thế thì được đại tự tại, được pháp hỷ sung mãn, thường sanh tâm hoan hỷ. Học tập hai câu kinh này, thân là người học Phật, bạn phải thường xuyên nhắc nhở chính mình, bạn thật sự muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì không thể quên “với các chúng sanh, xem như chính mình”. Tại sao vậy? Vũ trụ thật sự là một thể. Trong Baha’i giáo cũng có tư tưởng này, vạn vật là một thể. Trong kinh Koran cũng có ý này, biểu đạt đồng thể đại bi. Người có được suy nghĩ này, có được nhận thức này, họ rất tự nhiên sẽ có trách nhiệm sứ mạng. Trong việc trách nhiệm sứ mạng này, chắc chắn có chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, tại sao vậy? Bởi vì vô biên chúng sanh với mình là một thể, họ chịu khổ cũng như mình chịu khổ, họ gặp nạn cũng như mình gặp nạn, họ có bệnh cũng như mình có bệnh, trị khỏi bệnh của mình thì bệnh của họ cũng tự nhiên khỏi. Cùng một thể mà, đồng thể đại bi. Tiến sĩ Hew Len ở Mỹ đã dùng lý niệm đồng thể đại bi để chữa bệnh. Ông nói với lão pháp sư, sanh mạng của cả vũ trụ này là cùng một thể, phương pháp của ông là quán tưởng, mỗi ngày phải tu một lần, mỗi lần nửa tiếng đồng hồ, trong nửa tiếng này buông xuống vạn duyên, trong tâm thuần khiết, tâm thanh tịnh hiện tiền, quán tưởng thân thể của chính mình và thân thể của bệnh nhân hợp lại thành một, mình và người không hai. Sau đó quan sát xem chỗ nào của họ bị bệnh, tế bào nào bị bệnh. Trong nửa tiếng này, ông dùng tâm thanh tịnh giúp tế bào bị bệnh khôi phục trở lại bình thường. Một ngày làm một lần, một lần nửa tiếng đồng hồ, làm liên tục như vậy trong 30 ngày. Tế bào bị bệnh trên cơ thể ông hoàn toàn khôi phục bình thường, bệnh của đối phương cũng khỏi, không cần gặp mặt, hoàn toàn dùng ý niệm. Đây là thực tiễn cụ thể của lý niệm đồng thể đại bi. Ý niệm thay đổi hết thảy. Nhỏ thì đối với thân thể của chính mình, lớn thì đối với hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, “cảnh tùy tâm chuyển” chính là đạo lý này.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ từng nói mấy câu như vậy: “Thứ mà con người yêu quý nhất, không gì hơn chính mình; nay xem chúng sanh như là chính mình, thì có thể cứu độ chúng sanh, tâm không lúc nào rời bỏ”. Trong đoạn này có hai câu quan trọng nhất: Câu thứ nhất là “nay coi chúng sanh như là chính mình”. Câu thứ hai là “cứu độ chúng sanh, tâm không lúc nào rời bỏ”. Làm được hai câu này thì đó là người học Phật chân chánh, là Bồ-tát chân chánh. Họ đối với khổ nạn của chúng sanh tuyệt đối sẽ không nhắm mắt làm ngơ, nhất định là toàn tâm toàn lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh khổ nạn. Tại sao thế giới hiện nay hỗn loạn như vậy? Nguyên nhân căn bản là bất hòa. Tại sao lại bất hòa? Không hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Chân tướng của vũ trụ nhân sanh là gì? Cả vũ trụ là cùng một thể sanh mạng. Biết là cùng một thể thì còn tranh không? Còn đấu không? Còn tàn sát lẫn nhau không? Tàn sát lẫn nhau là tự mình tàn sát, chính là tự sát. Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không nêu ra: Giữa đất nước với đất nước đối đãi bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa dân tộc với dân tộc đối đãi bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa đảng với đảng đối đãi bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa tôn giáo với tôn giáo đối đãi bình đẳng, chung sống hòa hợp. Bốn cơ sở lý luận mà lão pháp sư nêu ra chính là “cả vũ trụ là cùng một thể sanh mạng”. Xã hội an định, thế giới hòa bình là điều mà mỗi người chúng ta đều khẩn thiết mong cầu. Nhưng làm sao khiến xã hội an định? Làm thế nào khiến thế giới quay về hòa bình? Sao lại bó tay hết cách như vậy, không biết làm sao như vậy. Liên hợp quốc đã được thành lập hơn nửa thế kỷ, thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hội nghị hòa bình của Liên Hợp Quốc bắt đầu từ năm 1970, đến nay đã được 50 năm rồi. Ngày ngày đều mở hội nghị hòa bình, ngày ngày kêu gọi hòa bình, nhưng thế giới càng ngày càng không thái bình, hòa bình càng ngày càng rời xa chúng ta. Là do nguyên nhân gì? Không hiểu vũ trụ là gì, không nhận thức được hoàn cảnh chúng ta sinh sống, cũng không nhận thức được chính mình, mê rồi, hoàn toàn mê rồi. Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không nói với chúng ta: trong Phật pháp gọi vũ trụ là pháp tánh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Các pháp sanh ra, chỉ là do tâm biến. Hết thảy nhân quả, thế giới vi trần đều do tâm thành thể”.

Nếu bạn thật sự hiểu được những lời nói này của Phật, thì bạn sẽ biết vũ trụ vốn hài hòa, vạn sự vạn vật trong vũ trụ trước giờ chưa từng có một thứ nào xung đột, chưa từng có đối lập, đây là pháp tánh. Chúng ta gọi là tánh đức, tánh đức vốn hài hòa. Tâm lượng của chúng ta, trong kinh Đại thừa thường nói “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”. Tâm lượng vốn có của chúng ta là như vậy. Cho nên trong kinh đức Phật cảm thán rằng: phàm phu mê mất tự tánh, thật đáng thương!

Thiên Tiên Kỷ trong Lã Thị Xuân Thu nói: “Hễ là gốc của sự việc thì trước tiên nhất định phải sửa mình”, “thành tựu chính mình rồi thì mới thành tựu được thiên hạ”. Thành tựu này là thành tựu điều gì? Thành tựu trí tuệ, thành tựu đức hạnh, thành tựu tướng hảo. Thân này của chúng ta thành tựu thì thiên hạ thành tựu, viên mãn. “trị được bản thân thì mới trị được thiên hạ”, trị này có nghĩa là gì? Trị là đối trị, tức là tu sửa tư tưởng, kiến giải, lời nói, hành vi sai lầm của chính mình, sửa đúng rồi thì thiên hạ chánh. Cho nên nói “người vì thiên hạ”, thông thường gọi là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, vì hết thảy chúng sanh mà phục vụ. Muốn hóa giải xung đột trên thế giới, thúc đẩy thế giới hòa bình, mang lại hạnh phúc mỹ mãn cho hết thảy chúng sanh, đây là vì thiên hạ. Người xưa nói: “vì thiên hạ không ở trong thiên hạ”, không ở trong thiên hạ. Ngày ngày bạn muốn ra ngoài vì thiên hạ, bạn vất vả cả đời, thiên hạ vẫn hỗn loạn như vậy, vẫn không thể thành tựu. Làm thế nào? “Ở bản thân”, bạn vì thiên hạ, trước tiên phải sửa tốt chính mình, chính mình sửa tốt rồi thì thiên hạ liền tốt. Đạo lý này thật sự quá sâu quá sâu. Muốn sửa người thì trước tiên phải sửa mình, sửa người mà không sửa mình, làm sao có thể sửa người? Học Phật không ngoài điều gì khác, thẳng thắn mà nói, học Phật chính là học “hòa bình”. Thân của chúng ta phải hòa, mỗi một bộ phận trên cơ thể, mỗi một cơ quan, mỗi một tế bào trên toàn thân đều phải hòa hợp. Mắt không được đánh nhau với tai, tai không được đối lập với mũi. Một khi đánh nhau, đối lập thì thân thể liền bị bệnh, nghiêm trọng thì chết. Chết nghĩa là không phải một bộ phận chết mà toàn bộ đều chết, mắt tai mũi lưỡi đều chết, không bộ phận nào sống được. Tại sao vậy? Tại vì là cùng một thể sanh mạng, bạn phải hiểu được đạo lý này.

Lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không đã làm ra tấm gương cho chúng ta, trở thành tấm gương xán lạn của cùng một thể sanh mạng cho chúng ta xem. Có thể nói là người đề xướng và thực hành đoàn kết tôn giáo, cũng là người thu hoạch thành quả của việc đoàn kết tôn giáo. Đối với tôn giáo, lão pháp sư thật sự làm được đối đãi bình đẳng, chung sống hòa thuận, dẫn đầu làm mô phạm, là tấm gương cho chúng ta học tập theo. Lão pháp sư học kinh Koran, giảng kinh Koran. Ngài nói “tôi là học trò ngoan của thánh Allah, tôi là học trò ngoan của Muhammad”, bạn Hồi giáo của lão pháp sư rất nhiều. Kinh Koran dịch ra tiếng Trung có mười mấy loại, hầu như lão pháp sư đều xem qua. Ngài thích nhất bản dịch của Vương Tĩnh Trai. Ngài tuyệt đối không nói đó là ngoại đạo, là tà giáo. Lão pháp sư nói “Moses là thầy tôi, Muhammad là thầy tôi, Thượng đế là thầy tôi, thánh Allah là thầy tôi, tôi là học sinh ngoan nhất của các ngài, tôi đã học hết những gì các ngài để lại”. Kinh Mân Côi là thời khóa sáng tối của Thiên Chúa giáo, lão pháp sư từng giảng kinh Mân Côi cho tín chúng Thiên Chúa giáo ở Singapore. Lão pháp sư nói: sau khi thâm nhập nghĩa kinh tôi mới hiểu được kinh điển của hết thảy tôn giáo đều giống với kinh điển Phật giáo, nội dung trong đó đều có luân lý, đạo đức, nhân quả, triết học, khoa học. Đâu có chỗ nào khác nhau? Cho nên, sao có thể nói tôn giáo có chỗ khác biệt? Do đó tôn giáo có thể đoàn kết lại. Nhiều năm nay, lão pháp sư dốc sức làm công việc đoàn kết tôn giáo, ngài dùng phương pháp lý tưởng, phương pháp khả thi để hóa giải xung đột, thúc đẩy thế giới hòa bình, có cống hiến lớn lao mà cả thế giới đều thấy được, nhất định sẽ được ghi vào sử sách.

Tôi nỗ lực học theo ân sư, thực hành theo lời dạy của ân sư: Vũ trụ là một thể, chúng sanh là một thể, tôn giáo là một thể, pháp môn là một thể, áp dụng lời dạy của ân sư vào trong cuộc sống. Học Phật 20 năm, tôi chưa từng hủy báng bất kỳ tôn giáo nào, chưa từng hủy báng bất kì pháp môn nào, bởi vì lão pháp sư đã dạy tôi như vậy. Thầy Cốc Văn Các 90 tuổi dạy tôi ngữ văn năm cấp ba là một tín đồ Hồi giáo kiền thành. Thầy trò chúng tôi gặp mặt, chuyện vui nhất đó là thảo luận tôn giáo, không có chút chướng ngại nào. Tôi sẵn lòng nghe thầy nói, thầy cũng vui lòng nghe tôi nói, mỗi lần gặp nhau đều cảm thấy thời gian quá ngắn. Người thầy 90 tuổi, học trò 76 tuổi, mở lòng vui vẻ nói chuyện cùng nhau, hình ảnh này tốt đẹp biết bao! Tôi đem tập ảnh của lão pháp sư tới cho thầy xem, thầy hỏi tôi: Tố Vân, con làm sao tìm được người thầy tốt như vậy? Thầy tán thán lão pháp sư, nói lão pháp sư là Pháp Lão, là thánh nhân đương đại. Dặn dò tôi phải trân trọng duyên phận với lão pháp sư, học tập theo lão pháp sư. Các bạn xem, số tôi may mắn biết bao, gặp được người thầy tốt như vậy, tôi là người học trò may mắn nhất trên thế gian này. Chúc thầy của tôi sống lâu khỏe mạnh!

Mời xem câu kinh tiếp theo: “Chửng tế phụ hà. Giai độ bỉ ngạn”. Chửng tế nghĩa là cứu độ, phụ hà nghĩa là gánh vác. Trong kinh Đại Pháp Cự Đà Ra Ni nói: Trách nhiệm của Bồ-tát là thệ nguyện phải gánh vác, phải cứu độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi thế gian. Phật xem hết thảy chúng sanh như con một của mình vậy, có thứ gì cũng đều muốn cho họ, thậm chí giúp họ bước vào Vô Dư Niết-bàn. Đều đạt được Niết-bàn chính là bờ bên kia. Sanh tử là bờ bên này, Niết-bàn là bờ bên kia. Giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Chư Phật Bồ-tát gánh vác trọng trách này, cho nên sự nghiệp của chư Phật Bồ-tát là giáo hóa chúng sanh, “độ sanh là sự nghiệp, hoằng pháp là việc nhà”. Việc nhà của chư Phật Bồ-tát là hoằng dương Phật pháp, dùng mọi phương tiện thiện xảo để giới thiệu rộng rãi Phật pháp cho hết thảy chúng sanh, giúp chúng sanh sớm ngày phá mê khai ngộ, từ bờ sanh tử bên này đi tới bờ Niết-bàn bên kia.

Chúng ta làm thế nào để gánh vác gia nghiệp này? Gánh vác gia nghiệp của Như Lai, không phải chỉ hào hô khẩu hiệu suông, mà phải thực hiện bằng hành động. Sự nghiệp nhà Phật là sự nghiệp lớn nhất. Thành tựu sự nghiệp lớn nhất, thì phải có tâm lượng lớn nhất, tâm lượng nhỏ thì không thành tựu được sự nghiệp lớn. Thế nào là tâm lượng lớn? Chí công vô tư, hết thảy đều vì pháp. Không có tâm lượng lớn như vậy, thì không thể gánh vác gia nghiệp của Như lai, mà chỉ là một người khách qua đường vội vã mà thôi. Học Phật hơn 20 năm, tiếp nhận lời dạy bảo của ân sư, tôi có chút nhận thức về việc gánh vác gia nghiệp của Như Lai, xin chia sẻ với mọi người nghe, nguyện cùng nỗ lực, nếu có chỗ chưa đúng, hoan nghênh phê bình và chỉ giúp. Làm thế nào để gánh vác gia nghiệp của Như Lai? Kinh nghiệm và thể hội của tôi như sau:

Thứ nhất, y giáo phụng hành, làm đệ tử chân chánh, đệ tử ngoan của Như Lai. Trước tiên phải làm rõ ràng, đức Phật đang dạy chúng ta điều gì, sau đó thực hành theo lời dạy của Phật, như vậy gọi là y giáo phụng hành. Nếu như không biết Phật đang dạy chúng ta điều gì, thì bạn dựa vào đâu để thực hành? Tôi vẫn luôn suy ngẫm một vấn đề như thế này, tôi đã bước vào cửa Phật chưa? Cánh cửa này tôi thực sự đã vào chưa? Đáp án tôi tự nói với mình là: trên hình thức thì đã vào, trên thực tế thì chưa. Trước đây cho rằng thọ tam quy y, cầm giấy chứng nhận tam quy là đã vào cửa Phật, sai rồi! Đó chỉ là hình thức mà thôi. Sau khi tôi thọ tam quy y được hơn một năm còn không biết nội dung của tam quy y, một năm sau, khi lấy được giấy chứng nhận mới biết được nội dung của tam quy y là gì. Nhưng mà vẫn chưa hiểu nhiều về ý nghĩa của tam quy y. Mãi đến khoảng chừng mười năm sau, nhìn thấy cuốn “Truyền Thọ Tam Quy” của lão pháp sư tôi mới có sự nhận thức tương đối rõ ràng về ý nghĩa của tam quy y. Sau đó, tiếp tục thọ ngũ giới và Bồ-tát giới, mặc dù tôi khá giữ quy củ, nhưng cũng không thể coi là nghiêm trì giới luật. Ví dụ như việc tụng giới, sau khi thọ Bồ-tát giới, yêu cầu nửa tháng phải tụng giới một lần, tôi làm chưa tốt. Nhớ ra mới tụng, không nhớ thì thôi. Hai năm gần đây có chút tiến bộ. Tôi đánh dấu trên lịch để bàn, nhắc nhở chính mình không được quên. Kiên trì như vậy cũng xem như tạm được. Học Phật 20 năm, tôi tự chia làm bốn giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: từ năm 1992 thọ tam quy đến năm 2000, về mặt hình thức thì tôi đã quy y cửa Phật, nhưng trên thực tế vẫn chưa vào cửa, hoàn toàn không biết gì về Phật giáo, đương nhiên càng không nói tới y giáo phụng hành rồi, hoàn toàn là người đứng ngoài cửa.

Giai đoạn thứ hai: từ năm 2000 đến năm 2010, bắt đầu nghe kinh nghe pháp. Tôi rất may mắn, lúc bắt đầu đã được nghe chánh pháp, gặp được minh sư. Lúc mới đầu nghe hiểu hai câu “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, tôi làm theo hai câu này, một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu A-di-đà Phật, 20 năm không thay đổi, không chuyển hướng, tôi đã nhận được lợi ích.

Giai đoạn này coi như là tôi bắt đầu y giáo phụng hành, nhưng điều này không có nghĩa là tôi đã vào cửa Phật, chỉ có thể nói là gần cửa Phật hơn một chút.

Giai đoạn thứ ba: từ năm 2010 đến năm 2016, tôi lại bước thêm một bước hướng tới cửa Phật. Bắt đầu từ năm 2010, lần đầu tiên tôi tới Hồng Kông gặp sư phụ. Trong tình huống chưa có sự chuẩn bị tư tưởng, hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông đã sắp sếp cho tôi 7 buổi giao lưu với đồng tu. Khỏi phải nói, lúc đó tôi bối rối biết bao, “ba không hai trống” đi lên bục giảng, không có bản thảo, không có đề cương, không có đề mục, trong đầu trống rỗng, hai tay trống trơn. Có thể các đồng tu sẽ hỏi, cô Lưu à, cô “ba không hai trống” lại dám lên bục giảng sao? Tôi nói cho bạn biết, chỉ dựa vào một câu của sư phụ: “con ngồi đó rồi sẽ biết giảng”.  Nếu như sư phụ đã nói tôi ngồi đó sẽ biết giảng, vậy thì tôi ngồi đó nói thôi. Chi bằng nói người ngốc một chút thật tốt, không phải nói người ngốc thường can đảm sao, ngốc cho nên to gan, không biết sợ. Cứ như vậy tôi giảng 7 buổi, 14 tiếng đồng hồ, tôi cứ như vậy mà nói ra. Tôi nhớ khi đó còn nói với mọi người, cái ghế của sư phụ thật thần kỳ, ngồi lên đó liền biết nói, các bạn có biết đó là chuyện gì không? Sau đó tôi mới biết, không phải cái ghế của sư phụ thần kỳ, mà hoàn toàn là nhờ sự gia trì từ sức oai thần của mười phương chư Phật Như Lai, người không biết chân tướng còn cho rằng tôi là thiên tài gì đó.

Sau đó tôi xem lại đĩa giảng của mình mấy lần, tôi muốn xem gì? Tôi muốn xem tôi có làm được những điều tôi nói trong đĩa giảng chưa? Nếu như nói ra mà chưa làm được, thì đó gọi là nói suông. Người học Phật không được làm ra chuyện như vậy. Bản thân tôi cảm thấy, y giáo phụng hành lại tiến thêm một bước.

Giai đoạn thứ tư: từ năm 2017 đến năm 2020, nói cụ thể hơn, đó là thời gian ba năm tôi đến đạo tràng nhỏ này, bước tiến y giáo phụng hành của tôi càng ngày càng vững vàng. Việc này có liên quan đến nội dung giao lưu giữa tôi và các đồng tu. Tôi giao lưu với mọi người, tôi có một nguyên tắc chung, đó là lúc giao lưu tôi nói ra hoặc đưa ra yêu cầu nào đó với các đồng tu thì nhất định phải là những gì chính tôi làm được, chính tôi chưa làm được thì tôi sẽ không nói. Ba năm này, nhờ vào sự cùng nỗ lực của các vị hộ pháp, gánh vác công việc chăm sóc chồng tôi, tôi mới có thời gian giao lưu với các đồng tu. Theo thống kê sơ bộ, sự giao lưu chủ yếu trong ba năm này gồm: “Từ Vân Pháp Ngữ”, “Hạm Đạm Hoa Khai”, “Trí Giả Phi Phàm”, “Dung Dung Hư Không Chí, Ân Ân Từ Bi Tình”, “Chân Tình Vô Hạn, Đại Ái Vô Cương”, bảy mươi tập “kinh Vô Lượng Thọ”, ba mươi ba tập “Chuyên Đề Giảng Tọa”, “Trà Dư Phạn Hậu”, “Mộc Pháp Ngộ Tâm”, tổng cộng 950 ngàn chữ.

Bây giờ tôi đang viết bản thảo phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai này, cho tới hôm nay ngày 9 tháng 7 năm 2020 đã viết xong tập 17, khoảng mười ngàn chữ. Ba năm này tôi giao lưu với các đồng tu, người đạt được lợi ích lớn nhất là chính tôi, tôi cảm thấy tôi đã bước vào cửa Phật. Từ đâu mà biết được? Tôi nói với chính mình, nếu như đã bước vào cửa Phật, là người thân của Phật thì phải nói lời nhà Phật, làm việc nhà Phật, y giáo phụng hành, làm đệ tử chân chánh, đệ tử ngoan của đức Phật.

Thứ hai, hoằng dương hộ trì chánh pháp, nối dòng huệ mạng Phật. Hoằng dương chánh pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật, hộ trì chánh pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật, vậy thì chánh pháp của Thích-ca Mâu-ni Phật mới có thể trụ thế lâu dài, đây gọi là nối dòng huệ mạng Phật. Hoằng pháp quan trọng hay là hộ pháp quan trọng? Câu trả lời của tôi là đều quan trọng. Hoằng pháp hộ pháp là một không phải hai, thiếu một thứ cũng không được.

Nói một chút nhận thức và thể hội của tôi về hoằng pháp và hộ pháp. Năm 2003, đĩa “Tín Niệm” đã khiến tôi trở thành người nổi tiếng. Bởi vì bị bệnh, đã mấy năm tôi chưa ra khỏi nhà, một mình ở nhà nghe đĩa giảng kinh Vô Lượng Thọ của lão pháp sư, đã nghe được gần 3 năm. Sau khi phát hành đĩa “Tín Niệm” tôi trở thành người nổi tiếng, cũng trở thành người bận rộn. Cả ngày tiếp đón đồng tu tới thăm, giao lưu với họ về tâm đắc thể hội học Phật cạn cợt của tôi. Nói cạn cợt là lời thật, không phải tôi khiêm tốn. Không dám nói là hoằng pháp, tôi cũng không hiểu thế nào là hoằng pháp, khoảng thời gian này khoảng hơn một năm rưỡi. Tới tết âm lịch năm 2010, mùng 1 tết, lúc giảng kinh lão pháp sư có nhắc đến tôi, lần thứ hai tôi trở thành người nổi tiếng, mà còn nổi tiếng hơn lần trước. Có người hỏi tôi “cô làm thế nào để nổi tiếng vậy?” Tôi nói với họ “là do lão pháp sư nói ra khiến tôi nổi tiếng”. Họ lại hỏi: “tại sao lão pháp sư nói tới cô mà không nói tới tôi?” Tôi nói: “tôi cũng không biết, cô đi hỏi lão pháp sư đi”. Tôi nhớ có một lần tới Hồng Kông gặp sư phụ, đột nhiên tôi nhớ ra chuyện này, tôi rất nghiêm túc nói với sư phụ, người nào đó rất hy vọng lúc sư phụ giảng kinh nhắc tới họ một chút, cũng giống như sư phụ nhắc đến con vậy. Sư phụ nhìn tôi một hồi lâu rồi nói ra hai từ: Ờ, ờ. Tôi biết mình lại làm chuyện ngốc nghếch. Thảo nào cư sĩ Điêu nói, chị ấy nói lời khờ khạo, làm chuyện ngốc nghếch đều là học theo tôi. Lần đầu tiên đi Hồng Kông, hiệp hội giáo dục Phật-đà Hồng Kông sắp xếp cho tôi giao lưu 7 buổi với các đồng tu, từ đó trở đi càng không thể dừng lại được, đến nay đã gần 10 năm, rất nhiều lần giao lưu về sự tâm đắc. Chẳng qua chỉ là giao lưu tâm đắc học tập mà thôi, không thể coi là hoằng pháp được.

Tôi không biết tôi nhận thức như vậy có đúng không. Bản thân tôi cho rằng tôi thật sự bước lên con đường hoằng pháp là vào năm 2018, lần đầu tiên tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, sau đó vào năm 2019 giảng “chuyên đề giảng tọa”, tiếp theo là bây giờ đang viết bản thảo phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ hai. Gần ba năm hoằng pháp, tôi có vài thể hội thế này.

Thể hội thứ nhất: con đường hoằng pháp là con đường gian khổ, hoằng pháp cần phải có tinh thần ý chí kiên cường, có dũng khí phá bỏ muôn trùng chướng nạn.

Ba năm hoằng pháp này tôi đã trải qua, thể nghiệm được, đã đi qua rồi.

Thể hội thứ hai: kinh Vô Lượng Thọ là một bộ kinh khó giảng, là bộ kinh chỉ có đức Phật mới có thể giảng, đến cả Bồ-tát cũng không thể giảng. Tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ của lão pháp sư giảng, càng cảm nhận được sự vĩ đại trong bình thường, sự bất phàm trong vĩ đại của ngài, ngài là một vị thánh giả.

Thể hội thứ ba: hoằng pháp phải có nền tảng kinh giáo nhất định, ba câu “thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển, biện tài vô ngại”, chỉ khi bạn bước lên bục giảng mới có thể thật sự hiểu được hàm nghĩa của ba câu này. Trước khi lên bục giảng, có thể bạn cảm thấy nghe sư phụ giảng kinh nhiều năm như vậy, biết được không ít. Nhưng khi bạn viết bản thảo, bạn sẽ cảm thấy mình không biết gì cả, kho tàng trống rỗng. Vậy thì làm sao viết ra được bản thảo? Hoàn toàn nhờ vào Phật lực gia trì, không phải là năng lực và trình độ của cá nhân tôi. Người phát tâm giảng kinh thuyết pháp, cho dù là chúng xuất gia hay chúng tại gia, nhất định phải thâm nhập kinh tạng, chỉ có thâm nhập kinh tạng mới có được trí tuệ như biển và biện tài vô ngại”.

Thể hội thứ tư: vĩnh viễn không quên ân đức của hộ pháp, công đức hộ pháp không thể nghĩ bàn. Đây là sự thể hội vô cùng sâu sắc của cá nhân tôi. Cảm ân của hộ pháp, nếu như không có hộ pháp chúng tôi không thể thành tựu. Tôi nói lời này là thật. Con đường học Phật 20 năm là trắc trở, con đường hoằng pháp là gian khổ, vì sao tôi có thể đi qua, là bởi vì có hộ pháp luôn đồng hành cùng tôi. Là hộ pháp hiểu tôi, giúp đỡ tôi, thành tựu tôi, là họ tạo ra môi trường tu học và hoằng pháp cho tôi, còn có sự chăm sóc tỉ mỉ chu đáo trong cuộc sống, giải trừ nỗi lo về sau của tôi. Không có sự chăm sóc nhiều năm như vậy của hộ pháp thì không có thành tựu ngày hôm nay của tôi. Không thể quên ân đức của hộ pháp, công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn. Không thể quên ân đức của hộ pháp, hộ pháp đã đi cùng chúng tôi trên con đường này, chăm sóc chúng tôi suốt chặng đường. Tôi nhớ lão pháp sư từng nói, thế gian có pháp sư giỏi, có người tái lai, tại sao lại bị mai một không thể xuất hiện? Bởi vì không có hộ pháp. Tôi là người may mắn, gặp được hộ pháp tốt, đồng hành cùng tôi trải qua những năm tháng khó khăn. Cảm ơn mọi người, cảm ơn sâu sắc! Nối dòng huệ mạng Phật là sứ mệnh chung của người hoằng pháp và người hộ pháp. Để chúng ta hiểu nhau, bầu cùng bạn nhau, tiếp tục tiến lên phía trước.

Thứ ba, dẫn đầu để lại mô phạm, làm tấm gương tốt cho chúng sanh. Năm 2010, lần đầu tiên tới Hồng Kông gặp sư phụ, kể cho sư phụ nghe lúc tôi bị bệnh và thời gian mười năm nghe kinh. Sư phụ dặn dò tôi một câu: “Làm tấm gương tốt cho mọi người”, sư phụ còn tặng cho tôi một sợi dây chuyền A-di-đà Phật. Đến nay đã qua mười năm, lời sư phụ dặn dò vẫn luôn vang vọng bên tai tôi, luôn khích lệ tôi, không những làm tốt chính mình mà còn phải giúp đỡ thiên hạ. Sợi dây chuyền A-di-đà Phật mà sư phụ tặng tôi, sư phụ bảo tổng giám đốc Trần Thái Quỳnh của truyền hình Hoa Tạng đeo lên cho tôi. Tôi nhớ Phó Xung nói với tôi: “Cô à, sợi dây mà sư phụ cho cô khác với tụi con, sư phụ tặng cô là A-di-đà Phật, tặng tụi con là Quán Âm Bồ-tát”, tôi nói “nếu con thích cái này thì chúng ta đổi”. Phó Xung nói “sư phụ tặng cô, con không dám đổi”. Sự việc trước đây đã trôi qua rồi, tôi cũng không nghĩ gì. Sau đó nhắc tới chuyện này, có người hỏi tôi, cô có hỏi qua sư phụ, tại sao lại tặng sợi dây khác với mọi người không? Tôi nói, chưa từng hỏi. Bây giờ nhớ lại, có phải là sư phụ muốn tôi học A-di-đà Phật, làm A-di-đà Phật không? Đừng hỏi nữa, tự mình lãnh ngộ thôi! Sư phụ bảo tôi làm tấm gương tốt cho mọi người, mười năm nay, tôi nghiêm túc làm theo lời sư phụ dạy. Mặc dù không thể khiến mọi người đều hài lòng, nhưng tôi đã tận lực rồi.

Tôi đặt ra ba điều cho chính mình: thứ nhất là làm tấm gương tốt làm người; thứ hai là làm tấm gương tốt của học Phật; thứ ba là làm tấm gương tốt thành Phật. Làm tấm gương tốt về đạo làm người chủ yếu phải đột phá vài điểm sau: một là làm người chân thành, không làm người giả dối. Bạn đối xử chân thành với người khác, người khác đối xử giả dối với bạn thì phải làm sao? Đây là mấu chốt. Cách làm của tôi là tôi đối với bạn chân thành, bạn đối với tôi giả dối, có thể thấy được sự chân thành của tôi vẫn chưa đủ, chưa đủ để cảm động bạn, cảm hóa bạn. Phải tiếp tục đối xử chân thành với người, không thể bởi vì đối phương đối xử với bạn không chân thành, bạn cũng đối xử với họ không chân thành, mà bạn càng phải đối xử chân thành với đối phương hơn, như vậy mới là cách làm đúng đắn.

Hai là làm người có thể bao dung người khác, không làm người thích so đo tính toán. Trọng tâm của điều này là có thể bao dung những người hủy báng bạn, hãm hại bạn, muốn đẩy bạn vào chỗ chết thì họ mới hả dạ. Như vậy mới có thể làm được: trên thế gian này không có người nào ta không yêu thương; trên thế gian này không có người nào ta hận; trên thế gian này không có người nào ta không thể tha thứ; trên thế gian này, ta chỉ có người thân, ân nhân, không có kẻ địch, kẻ thù. Trong cuộc đời của ta không có oan gia trái chủ, chỉ có đại thiện tri thức giúp ta thành Phật. Không làm người thích so đo tính toán, người thích so đo tính toán nhất định là người có nhiều việc. “Thế gian vốn vô sự, kẻ ngu tự nhiễu loạn”. Chúng ta đừng nên làm người phiền mình và phiền người khác như vậy. Mấy năm nay, nguyên tắc bốn không của tôi: không tranh luận, không thảo luận, không biện luận, không giải thích có hiệu quả không tệ, các đồng tu có thể thử xem. “Im lặng là vàng”, câu này rất có lý. Ba là làm người không có tâm đố kỵ, thích tùy hỷ công đức. Tôi là người không có tâm đố kỵ, ít nhất cũng là người có tâm đố kỵ rất ít, đây là ưu điểm của tôi, cũng là nhân tố quan trọng giúp cuộc đời tôi vui vẻ, tự tại. Tôi thấy những người có tâm đố kỵ rất mạnh, họ thật sự rất đáng sợ, cũng rất đáng thương, họ không thể chịu được khi người khác tốt hơn mình. Chỉ cho phép mình tốt hơn người khác, không cho phép người khác tốt hơn mình. Người như vậy sống rất khổ, sống rất mệt mỏi, nghiệp mà họ tạo là nghiệp địa ngục, thế giới Tây Phương Cực Lạc căn bản không có phần. Phải làm sao đây? Sửa! Có ba cấp độ: cấp độ thấp nhất là sửa trên “sự”, đây là cấp độ thấp nhất. Biết được đố kị phải xuống địa ngục, trên “sự” thì không dám làm nữa. Cấp độ thứ hai là sửa trên “lý”. Nhận thức rõ ràng về “lý”, bạn và chúng sanh là một thể, bạn chính là họ, họ chính là bạn. Thì có gì phải đố kỵ? Cấp độ thứ ba là sửa trên “tâm”, đây là cấp độ cao nhất. Sửa trên tâm, trong tâm ta không có ý nghĩ đố kị nữa. “Ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để mảy may bất thiện xen vào”. Đây là cấp độ cao nhất của việc sửa tâm đố kỵ. Phải học cách khéo tùy hỷ công đức, người khác có công đức, bạn vừa tùy hỉ thì công đức của bạn cũng lớn như công đức của họ. Chuyện tốt như vậy, sao bạn lại không làm?

Bốn là làm một người có đức hạnh. Người có đức hạnh nhất định là người chí công vô tư, không chút nào vì lợi mình, chỉ lợi ích người khác. Người như vậy, họ luôn nghĩ cho người khác, tuyệt đối không tranh danh đoạt lợi, họ chỉ biết cống hiến chứ không đòi hỏi. Người như vậy đáng để mọi người tôn trọng và học tập.

Năm là làm một người hiếu thân tôn sư. Hiếu thân tôn sư là đức hạnh tốt đẹp truyền thống của dân tộc Trung Hoa, một người không hiếu thảo cha mẹ, không tôn trọng thầy thì sao gọi là con người được? Hiếu thân tôn sư là cội nguồn của hạnh phúc, chúng ta đánh mất cội nguồn thì hạnh phúc từ đâu ra? Phước thứ nhất trong Tịnh nghiệp tam phước là hiếu thân tôn sư, chúng ta phải một mực nắm chắc. Thường phản tỉnh chính mình, bạn đã hiếu thảo cha mẹ chưa? Đã tôn trọng thầy chưa? Nếu như thiếu bài học này nhất định phải bổ sung. Hiếu thân quan trọng nhất là phải khiến cha mẹ bớt lo, an tâm, yên lòng. Dưỡng thân cha mẹ, dưỡng tâm cha mẹ, dưỡng chí cha mẹ, để khi cha mẹ về già được phụng dưỡng, thân thể có nơi ở, tâm có nơi nương về. Khuyên cha mẹ niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh độ là hiếu dưỡng cha mẹ cấp độ cao nhất. Tôn sư, tin lời thầy dạy, y giáo phụng hành, đây là tôn sư tối thiểu nhất. Lời của thầy nói, bạn không tin cũng không làm theo, bạn cảm thấy theo cách của bạn hay hơn của thầy, vậy thì bạn làm sao thật sự học được điều gì? Không phải thầy không dạy bạn, mà do bạn không tin thầy, thầy không dạy nổi bạn.

“Thành kính khiêm tốn dễ học đạo.

Người thầy tự khắc sẽ dạy bạn.

Cống cao ngã mạn tâm nông nổi.

Vậy bạn chẳng học được điều chi!”

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *