Tập 19 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai:

Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 30/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 19

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Nội dung của tiết học này chúng ta sẽ tổng kết trọng tâm từ tập 10 đến tập 18.

Từ nửa phần sau của tập 10 cho đến hết tập 18 đều là nội dung kinh văn của phẩm thứ hai: “Đức Tuân Phổ Hiền Đệ Nhị”. Một phẩm kinh văn giảng hết tám tập rưỡi, có thể thấy được vị thế quan trọng của phẩm kinh này trong bộ kinh này. Tiếp theo tôi sẽ nói một chút những trọng tâm của phẩm kinh văn này để các đồng tu tham khảo.

         Trọng tâm thứ nhất: hàm nghĩa sâu xa của đức tuân Phổ Hiền là gì?

Một, tán thán các vị Bồ-tát tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này, đồng thời cũng tán thán hết thảy các vị Bồ-tát ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, các ngài đều tu học thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát.

Hai, thế giới Tây Phương Cực Lạc là pháp giới của Phổ Hiền Bồ-tát. Chúng ta phát tâm cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì nhất định phải hiểu rõ hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ-tát. Sau khi hiểu rõ phải học tập, phải thực hành.

Ba, đức của Phổ Hiền Bồ-tát không thể nói hết được. Ngài là trưởng tử của Hoa Nghiêm, trong pháp hội Hoa Nghiêm, Phật là pháp vương, trong số những người nghe pháp, Phổ Hiền Bồ-tát là trưởng tử, trưởng tử là người kế thừa của pháp vương.

Bốn, điểm tâm yếu cốt lõi nhất trong vô lượng vô biên công đức của Phổ Hiền Bồ-tát chính là thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát dẫn về Cực Lạc. Đây là chỗ quy về của kinh Hoa Nghiêm. Thánh chúng tham gia pháp hội tu theo đức của Phổ Hiền, đương nhiên cũng là tu theo thập đại nguyên vương dẫn về Cực Lạc.

 

–   Trọng tâm thứ hai: mười sáu vị Chánh sĩ: Hiền Hộ v.v… đại biểu điều gì?

Một, mười sáu đại biểu cho viên mãn. Mười sáu vị Chánh sĩ đại biểu cho vô lượng vô biên Chánh sĩ. Chánh sĩ là Bồ-tát tại gia, Đại sĩ là Bồ-tát xuất gia. Chánh sĩ và Đại sĩ cùng một cấp bậc, đều là Đẳng giác Bồ-tát.

Hai, kinh văn trong phẩm này kể tên mười sáu vị thượng thủ của chúng tại gia, mà trong phẩm thứ nhất chỉ kể tên ba vị thượng thủ của chúng xuất gia. Điều này chứng tỏ: pháp môn Tịnh độ vô cùng thích hợp cho người tại gia tu trì, đối tượng độ thoát chủ yếu của bộ kinh này là người tại gia, đức Phật chuyên giảng bộ kinh này cho người tại gia. Nói chính xác hơn là đức Phật chuyên giảng cho tôi. Làm sao báo đáp đại ân đại đức của Phật? Pháp môn Tịnh độ thù thắng vi diệu ở chỗ “không rời Phật pháp mà thực hành pháp thế gian, không bỏ pháp thế gian mà chứng Phật pháp”. Pháp môn này khế hợp với tình hình xã hội hiện nay và trong tương lai, rất thích hợp cho người tại gia tu học.

Ba, Chánh sĩ “Hiền Hộ”. Tiếng Phạn là “Bạt-đà-hòa”, Hán dịch Hiền Hộ, Hiền Thủ, Hiền Thủ, Thiện Thủ. Công đức danh hiệu của ngài rất lớn, chúng sanh chỉ cần nghe được danh hiệu của ngài nhất định có được ba loại Bồ-đề: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bởi vì ngài thủ hộ chúng sanh cho nên gọi là Thiện Thủ. Hiền Hộ Bồ-tát là đệ tử tại gia tu học Tịnh độ của Thích-ca Mâu-ni Phật, địa vị của ngài tương đương với Quán Âm, Thế Chí, Văn-thù, Phổ Hiền Bồ-tát, đều là vượt qua Đẳng giác Bồ-tát của Thập địa. Hiền Hộ Bồ-tát là người phát khởi niệm Phật tam-muội, có nguồn gốc rất sâu với Tịnh tông, ngài tận mắt thấy A-di-đà Phật, vì vậy ngài là thượng thủ của chúng tại gia, tham gia pháp hội, giúp đỡ Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên dương pháp môn vô thượng niệm Phật tam-muội. Ngoài cư sĩ Duy-ma-cật, Hiền Hộ Bồ-tát là vị cư sĩ đại đức tại gia cực kỳ thù thắng. Trong mười sáu vị Bồ-tát thượng thủ của chúng tại gia, vị đầu tiên là Hiền Hộ Bồ-tát, Bồ-tát thị hiện ở thế giới Ta-bà, ngài là đệ tử của Thích-ca Mâu-ni Phật khi Phật còn tại thế. Mười lăm vị còn lại đều từ thế giới phương khác tới núi Linh Thứu nghe pháp, tham gia pháp hội thù thắng không gì sánh bằng này, tới làm ảnh hưởng chúng. Đây cũng là biểu pháp, biểu pháp gì? Vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều giảng kinh Vô Lượng Thọ, vô lượng vô biên chư Phật trong mười phương thế giới đều hộ niệm kinh Vô Lượng Thọ. Pháp hội kinh Vô Lượng Thọ này thù thắng không gì sánh bằng là do hết thảy mười phương chư Phật tuyên thuyết. Câu này rất quan trọng, không chỉ có mỗi Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên thuyết, mà hết thảy chư Phật tuyên thuyết, nghiệm chứng cho chúng ta thấy kinh Vô Lượng Thọ là Di-đà bổn nguyện hải, là bộ kinh thỏa bổn hoài của Phật. Mười lăm vị Bồ-tát còn lại đến từ thế giới phương khác cũng là đang biểu pháp. Chúng ta phải hiểu sơ bộ tình hình biểu pháp của các ngài:

“Thiện Tư Duy Bồ-tát” biểu thị người chuyên tu pháp môn Tịnh độ, tư tưởng kiến giải của họ là thuần thiện, tương ưng với A-di-đà Phật.

“Huệ Biện Tài Bồ-tát”. Biểu thị có trí tuệ, có tài hùng biện, có thể nói rõ ràng, nói tường tận giáo lý giáo nghĩa của kinh điển, khiến tín chúng vừa nghe liền hiểu, biểu thị biện tài vô ngại.

“Quán Vô Trụ Bồ-tát” biểu thị hết thảy pháp vô thường, tu pháp môn Tịnh độ không chấp trước, không tham luyến hết thảy pháp, “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Ám thị cho chúng ta rằng kinh Vô Lượng Thọ bao hàm toàn bộ kinh Kim Cang, bao hàm toàn bộ kinh Bát-nhã. Học Bát-nhã không bằng học kinh Vô Lượng Thọ.

“Thần Thông Hoa Bồ-tát” biểu thị ứng dụng linh hoạt Phật pháp vào trong đời sống, dạy học thiện xảo, dạy học tùy theo căn cơ, giới thiệu pháp môn niệm Phật thành Phật cho đại chúng, biểu thị hạnh nguyện phương tiện, không thiếu điều nào. Ám thị cho chúng ta học Hoa Nghiêm không bằng học kinh Vô Lượng Thọ, ý thú biểu pháp rất sâu rất rộng.

“Quang Anh Bồ-tát” biểu thị bộ kinh này có thể hiển phát trí tuệ sâu rộng vô lượng vô biên của chúng ta. Tất cả trí tuệ đều hiển phát từ một câu A-di-đà Phật, biểu thị quyển kinh này có vô biên đức dụng.

“Bảo Tràng Bồ-tát” biểu thị pháp duyên hoằng pháp lợi sanh thù thắng.

“Trí Thượng Bồ-tát” biểu thị tu học bộ kinh này có được trí tuệ vi diệu vô thượng, cho thấy sự thù thắng của quyển kinh này, không thiếu một pháp nào.

“Tịch Căn Bồ-tát” biểu thị lục căn thanh tịnh, tu theo quyển kinh này có được sáu căn thanh tịnh.

“Tín Huệ Bồ-tát” biểu thị tin sâu bộ kinh này.

“Nguyện Huệ Bồ-tát” biểu thị tin sâu phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, là người sẵn có trí tuệ chân thật.

“Hương Tượng Bồ-tát” biểu thị niệm Phật thành Phật, giúp chúng ta vượt khỏi mười pháp giới. Ba vị Bồ-tát kể trên biểu thị vãng sanh thế giới Cực Lạc nhất định phải đầy đủ tam tư lương: tín, nguyện, hạnh.

“Bảo Anh Bồ-tát”. Bảo Anh biểu thị 48 nguyện của A-di-đà Phật, 48 nguyện là tinh hoa của hết thảy diệu pháp, biểu thị biển nguyện Di-đà, vạn đức trang nghiêm. Biểu thị trong tự tánh hàm chứa vô lượng kho báu, trí tuệ vô tận.

“Trung Trụ Bồ-tát” biểu thị an trụ trung đạo. A-di-đà Phật là trung đạo đệ nhất nghĩa đế, cực huyền diệu, cực phương tiện, cực bình thường.

“Chế Hạnh Bồ-tát” biểu thị trì giới niệm Phật, niệm Phật chính là chế hạnh.

“Giải Thoát Bồ-tát” biểu thị quả báo, quả báo được đại tự tại. Biểu thị tu học theo lý luận, phương pháp của bộ kinh này sẽ vĩnh viễn xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vãng sanh Tịnh độ, được đại tự tại.

– Trọng tâm thứ ba: Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ là gì? Đức này mang lại lợi ích gì cho chúng sanh? Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ là mười cương lĩnh lớn mà phần sau cùng của kinh Hoa Nghiêm quy nạp lại, gọi là thập đại nguyện vương:

Một là lễ kính chư Phật,

Hai là xưng tán Như Lai,

Ba là quảng tu cúng dường,

Bốn là sám hối nghiệp chướng,

Năm là tùy hỷ công đức,

Sáu là thỉnh chuyển pháp luân,

Bảy là thỉnh Phật trụ thế,

Tám là thường tùy Phật học,

Chín là hằng thuận chúng sanh,

Mười là phổ giai hồi hướng.

 

Đức của Phổ Hiền Đại Sĩ, cũng chính là Thập Đại Nguyện Vương mang lại lợi ích gì cho chúng sanh? Trước đây chúng ta không biết, ít nhất thì ta không hiểu rõ lắm. Chúng ta không cách nào tưởng tượng được lợi ích của thập đại nguyện vương mang lại cho chúng sanh, cho dù bây giờ nói ra bạn cũng chưa chắc đã tin, bởi vì bạn chưa từng trải qua, chưa từng đích thân cảm nhận, ít nhất bạn vẫn còn chút bán tín bán nghi, bất kể bạn có tin hay không thì tôi cũng nói sự thật này cho bạn biết. Thập đại nguyện vương mang lại lợi ích gì cho chúng sanh? Để tôi kể cho mọi người nghe cảm nhận của chính bản thân tôi.

Điều thứ nhất: tôi nghe hiểu thập đại nguyện vương, tiếp nhận rồi, làm theo rồi, thân tâm của tôi được giải phóng. Tôi tự tại, tôi vui vẻ, tôi thay đổi vận mệnh rồi. Hơn 20 năm trước, tại sao bệnh tình của tôi nguy kịch? Tại sao lúc nào cũng đang đối mặt với cái chết? Tâm thái không tốt, bệnh nặng quấn thân. Lúc đó, thân thể của tôi bị bệnh tật giày vò, tinh thần cũng bị giày vò, áp lực của công việc khiến tôi đau đớn không thiết sống nữa. Nhìn ai cũng không thuận mắt, chuyện gì cũng không vừa lòng, không như ý, phiền não, âu lo, bi quan theo tôi mỗi ngày. Bây giờ nghĩ lại bốn đến năm năm đó tôi có thể là đã bị bệnh trầm cảm, nhưng tôi lại không hề hay biết. Sao tôi khỏe lại vậy? Ngoài việc nghe lão pháp sư giảng kinh Vô Lượng Thọ và niệm A-di-đà Phật ra vẫn còn một yếu tố quan trọng, đó là thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Đại Sĩ đã cứu tôi. Tôi nghe hiểu điều này “lễ kính chư Phật”, hết thảy chúng sanh đều là vị Phật tương lai cho nên phải lễ kính! Tâm thái biến chuyển thì tình cảnh cũng khác biệt rất lớn, không còn thấy cái này không thuận mắt, cái kia không như ý nữa. Tôi thật sự muốn nói với mọi người, hãy thật sự tin Phật! Hãy thật sự học Phật! Thật sự học hiểu rồi, thì thật sự được lợi ích! Thể hội của tôi là: nghe hiểu thập đại nguyện vương rồi, thực tiễn rồi, vận mệnh cuộc đời tôi đã thay đổi.

Điều thứ hai: Thực hành thập đại nguyện vương rồi thì thấy được thành quả trong cuộc sống hiện thực, nếu như nói trước đây chuyện gì cũng không thuận lợi thì hiện tại chuyện gì cũng thuận lợi. Đối với cá nhân tôi mà nói, đến khi về già, phước báo của tôi hiện tiền. Không thiếu thứ gì, không sót thứ gì, không cần lo lắng chuyện gì, một lòng tu đạo tốt biết bao!

“Nghe kinh, nghe pháp, học kinh giáo.

Hằng ngày kết giao với chư Phật.

Luôn sống trong thế giới cảm ơn.

Không lo không nghĩ vui tiêu dao.”

 

Bốn câu này đã miêu tả rất chân thật về đời sống thực tế của tôi. Thập đại nguyện vương không phải là bản quyền của tôi, không phải là bản quyền của bạn, cũng không phải là bản quyền của người khác; mà là bản quyền chung của chúng sanh trong pháp giới. Thập đại nguyện vương cho pháp giới cùng hưởng, làm rồi sẽ được hưởng, không làm sẽ không được hưởng. Thực hành thập đại nguyện vương, bạn không thành Phật thì ai thành Phật?

Điều thứ ba: Có tác dụng lớn vào lúc con người lâm chung. Điều này là điều quan trọng nhất, cũng là điều mà chúng ta cần phải xem trọng. Thập đại nguyện vương có lợi ích rất lớn vào lúc con người lâm chung, trước đây chúng ta biết rất ít, thậm chí là không biết, có tác dụng quá lớn, lợi ích này không điều gì có thể thay thế được, có thể nói tác dụng của thập đại nguyện vương là có một không hai. Vào thời khắc cuối cùng khi con người lâm chung, hết thảy các căn đều hư hoại, chức năng của các cơ quan dần suy yếu, thậm chí là mất đi, không bộ phận nào theo ý bạn được nữa, bạn nói ra cũng không tính, chỉ huy không được nữa, bạn không thể làm chủ được mình, ai làm chủ rồi? Nghiệp lực làm chủ, kẻ mạnh dắt đi trước, bạn lưu chuyển theo nghiệp. Nghiệp lực nào mạnh sẽ dắt bạn tới cõi tương ứng với nghiệp lực đó. Nếu như bạn là người học Phật, đặc biệt là người tu pháp môn Tịnh độ, vào lúc này thập đại nguyện vương bỗng nhiên khởi tác dụng. Thập đại nguyện vương chẳng rời bỏ người vãng sanh, trong mọi lúc đều ở phía trước dẫn đường, trong một sát-na liền được vãng sanh tới thế giới Cực Lạc. Tự nhiên hóa sanh trong hoa sen, được A-di-đà Phật thọ ký thành Phật. Sau đó ở trong các thế giới bất khả thuyết bất khả thuyết, dùng vô lượng trí tuệ, tùy thuận tâm niệm của chúng sanh mà làm lợi ích chúng sanh, phổ độ chúng sanh ở trong biển khổ phiền não. Đây chính là đức của Phổ Hiền Đại Sĩ.

Gần đây, chúng tôi có đưa tiễn một lão Bồ-tát vãng sanh, có một bài kệ tụng cúng dường các đồng tu, cùng thấm nhuần lợi ích của pháp.

“Di-đà từ phụ tay, cầm hoa sen.

Đến đón con cưng, mau chóng về nhà.

Hoa nở thấy Phật, mau về Ta-bà.

Chúng sanh khổ nạn, đợi được cứu giúp.

Làm tốt chính mình, giúp đỡ thiên hạ.

Vô lượng chúng sanh, theo bạn về nhà!”

 

– Trọng tâm thứ tư: hạnh Phổ Hiền là gì? Hạnh Phổ Hiền có đặc điểm nổi bật nào? Thập đại nguyện vương chính là hạnh Phổ Hiền. Đặc điểm lớn nhất của hạnh Phổ Hiền là tâm lượng rộng lớn, mãi không biết mệt mỏi, đây là chỗ đặc sắc chỉ hạnh Phổ Hiền mới có. Nguyện thứ mười “phổ giai hồi hướng” có nghĩa là không gì không thu nhiếp. Ngay cả danh hiệu của Phổ Hiền Bồ-tát cũng hàm nhiếp trong đó, biểu thị chữ phổ trong danh hiệu, từ nguyện thứ nhất đến nguyện thứ chín biểu thị chữ hiền. Thập đại nguyện vương mãi không cùng tận, vĩnh kiếp cần cù không mệt mỏi, sau khi thành Phật vẫn đang độ chúng sanh, hiển lộ rõ ràng chữ phổ và chữ hiền trong [danh hiệu] Phổ Hiền Bồ-tát. Hồi hướng có nghĩa là “phổ”; hằng thuận chúng sanh có nghĩa là “hiền”.

– Trọng tâm thứ năm: chư Phật Bồ-tát đến thế gian này làm gì? Dạy học, “thường dùng pháp âm giác ngộ thế gian”.

Một, việc giáo học của chư Phật Bồ-tát là giáo dục giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đây là giáo dục của Phật-đà, cách giáo dục này chỉ Thích-ca Mâu-ni Phật mới có, ngoài ngài ra, trên thế gian và xuất thế gian tìm không được người thứ hai.

Hai, giáo học của Thích-ca Mâu-ni Phật có pháp môn đặc biệt, đó là pháp môn niệm Phật Tịnh độ, có diệu pháp vô thượng, diệu pháp này là tín nguyện trì danh, một đời thành Phật.

Ba, pháp môn này, diệu pháp này phải nói cho người có đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên, bởi vì họ tin tưởng, họ tiếp nhận, họ thọ dụng, nếu không thì Phật sẽ không nói.

Bốn, chư Phật Bồ-tát dạy điều gì? “Giác ngộ thế gian, phá thành phiền não, lấp hào tham dục, rửa sạch cấu uế, hiển bày thanh tịnh”. Bốn câu sau cùng [của đoạn] này là tông chỉ giảng kinh thuyết pháp của hết thảy chư Phật Như Lai thị hiện trên thế gian này; là mấu chốt của chư Phật Như Lai chuyển pháp luân.

Năm, chư Phật Như Lai dạy như thế nào? “Điều phục chúng sanh, tuyên thuyết diệu lý”, chúng sanh bất hòa, thế giới đại loạn, điều hòa chúng sanh rất quan trọng. Phải điều hòa mối quan hệ giữa người với người; phải điều hòa mối quan hệ giữa người với đại tự nhiên; phải điều hòa mối quan hệ giữa người với thiên địa quỷ thần. “Tích lũy công đức, hiển thị phước điền”. Chư Phật Như Lai có vô số công đức, công đức của các ngài cho chúng sanh gieo phước điền. Gieo phước điền phải có huệ nhãn phân biệt thật giả, đừng gieo sai chỗ. “Dùng các pháp dược cứu chữa ba khổ”, đây là chư Phật độ chúng sanh, tùy bệnh cho thuốc, bệnh là nỗi khổ của chúng sanh, thuốc là diệu pháp của Như Lai, thầy thuốc hay thì kê thuốc đúng bệnh cho bạn, uống thuốc liền hết bệnh; thầy giáo giỏi thì dạy bạn pháp khế lý, khế cơ, khế hợp căn tánh của bạn, một đời thành tựu.

Sáu, thành tích dạy học của chư Phật Như Lai là gì? “Lên bậc quán đảnh, thọ ký Bồ-đề”, đây là tu học đến trình độ cao nhất, lấy được học vị cao nhất, thành Phật rồi. Phải có nhận thức đúng đắn về hàm nghĩa thật sự của quán đảnh, không còn hiểu lầm, đừng để bị lừa gạt.

Bảy, “vì dạy Bồ-tát, làm A-xà-lê”, dịch là quỹ phạm sư. Các vị thánh chúng tuân theo đức của Phổ Hiền Đại Sĩ đều làm A-xà-lê của chúng sanh.

Tám, “thường tu vô biên các hạnh tương ưng”, luôn cảnh giác nhắc nhở thân khẩu ý của chính mình có tương ưng với Phật hay không? Có giống Phật hay không? Tương ưng thì thành Phật.

Chín, “thành thục vô biên thiện căn Bồ-tát”, chư Phật Bồ-tát độ chúng sanh mãi cho đến khi bạn viên mãn thành Phật.

Mười, “vô lượng chư Phật đều cùng hộ niệm”, vô lượng chư Phật hộ niệm cho chư đại Bồ-tát tham gia pháp hội; chư đại Bồ-tát tham gia pháp hội hộ niệm cho mười phương thế giới chư Phật Bồ-tát, mười phương chư Phật Bồ-tát hộ niệm chúng ta, chúng ta hộ niệm hết thảy những người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật hộ niệm hết thảy chúng sanh.

Mười một, “thông các pháp tánh, đạt tướng chúng sanh” có nghĩa là chiếu chân đạt tục, tức là chúng ta nói phải thông đạt pháp tánh của hết thảy pháp, lại phải thông đạt vô số tướng khác nhau, tùy duyên bất biến mà hiển hiện.

Mười hai, “phá lưới ma kiến, cởi các trói buộc”, bài học quan trọng mà chư Phật Bồ-tát giáo hóa chúng sanh, chúng sanh bị ma kiến trói buộc thật chặt, không thể giải thoát, chư Phật Bồ-tát giúp chúng sanh phá trừ lưới ma kiến, giúp chúng sanh thoát khỏi sự trói buộc. Tại sao tấm lưới này càng ngày càng dày? Là do dục vọng khó kiềm chế. Dục vọng càng cao, trói buộc càng chặt, càng khó thoát khỏi. Làm sao cởi bỏ sự trói buộc của lưới ma này? Phải nhớ kỹ câu này: “Có niệm đọa lưới ma, không niệm ắt thoát khỏi”.

– Trọng tâm thứ sáu: làm sao nhận thức đúng câu kinh “đối với hàng trung hạ căn mà thị hiện diệt độ”?

Một, Phật có diệt độ không? Phật vốn không sanh thì làm sao diệt độ?

Hai, Phật thị hiện diệt độ cho ai xem? Cho người có căn tánh trung hạ xem.

Ba, tại sao Phật lại thị hiện diệt độ? Vì có lợi cho người trung hạ căn.

“Nếu thấy Phật trụ lâu ở đời, thời người đức mỏng chẳng thể sanh ra ý nghĩ khó gặp và tâm cung kính. Vì vậy, đức Như Lai tuy chẳng thật sự diệt mà nói là diệt độ”.

– Trọng tâm thứ bảy: Nhận biết được ý nghĩa sâu xa của “khai hóa hiển thị chân thật chi tế” cũng như vị thế và tác dụng của câu này trong kinh.

Một, đây là khái quát cả bộ kinh.

Hai, căn nguyên một đời giáo hóa của Thế Tôn, hết thảy giáo hóa đều nằm trong câu này, Thế Tôn thị hiện trên thế gian này là để nói cho hết thảy chúng sanh biết chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

Ba, đây là điều chân thật đầu tiên trong ba điều chân thật, ý nghĩa hết sức quan trọng, là chân thật trong chân thật, là nét bút điểm nhãn.

Bốn, “chân thật chi tế” chính là tự tâm, tự tánh. “Khai hóa hiển thị chân thật chi tế” chính là rõ bổn tâm của mình, thấy bổn tánh của mình.

– Trọng tâm thứ tám: chư Phật Bồ-tát thị hiện trong thế gian, các ngài giữ tâm gì, làm việc gì?

Một, tâm của các ngài luôn an trụ trong pháp độ đời chân thật vô vi, cứu độ hết thảy thế gian, hết thảy chúng sanh.

Hai, tâm của chư Phật Bồ-tát muốn giúp đỡ hết thảy chúng sanh phá mê khai ngộ, nhận thức chính mình, nhận thức hoàn cảnh sống của mình, nhận thức hết thảy chân tướng sự thật, lìa khổ rốt ráo, được vui rốt ráo.

Ba, chuyện chư Phật Bồ-tát làm chính là chuyện này, nếu người thế gian không làm được chuyện này thì để chư Phật Bồ-tát làm.

Bốn, Phật dùng phương pháp dạy học để làm chuyện này, bắt đầu từ giới, định, tuệ.

– Trọng tâm thứ chín: làm thế nào để nhận thức đúng đắn và đối đãi với thần thông? Lão pháp sư nói với chúng ta “thần thông của người niệm Phật thù thắng không gì sánh bằng”.

Một, người niệm Phật có thần thông.

Hai, thần thông của người niệm Phật thù thắng, gọi là “thắng thông”.

Ba, thần thông của người niệm Phật không gì sánh bằng.

Bốn, tự tánh vốn sẵn có thần thông, không phải tìm cầu bên ngoài.

      Thần thông không thể cầu.

      Cầu rồi không thể đắc

      Đắc rồi không thể dùng.

      Dùng rồi ắt trúng ma.

Năm, làm được thanh tịnh, bình đẳng, giác này thì thần thông trong tự tánh tự nhiên sẽ hiển lộ ra.

– Trọng tâm thứ mười: thế nào là “thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng”? Làm thế nào “hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt”? “Thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng” có ba cách giải thích:

Một, lấy minh tâm kiến tánh làm thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng.

Hai, lấy nghe danh hiệu Phật là thọ trì Như Lai thậm thâm pháp tạng.

Ba, cách giải thích của lão pháp sư, “thậm thâm pháp tạng” chính là kinh Vô Lượng Thọ, cũng chính là câu vạn đức hồng danh A-di-đà Phật.

“Hộ Phật chủng tánh” có ba cách giải thích:

Một, khai phá Phật tánh vốn có của chúng sanh.

Hai, lấy tâm Bồ-đề làm Phật chủng.

Ba, lấy xưng danh làm Phật chủng. Tuyệt! Thật tuyệt! A-di-đà Phật là Phật chủng trong Phật chủng.

– Trọng tâm thứ mười một: tiêu chuẩn “đỗ ác thú, khai thiện môn” của người học Tịnh tông là gì? Ác thú: ngoài thành Phật ra đều là ác thú. Tiêu chuẩn đỗ ác thú trong kinh Vô Lượng Thọ là nhất định phải thành Phật, chưa thành Phật thì ác thú vẫn chưa đoạn tận. Thiện môn là cánh cửa Bồ-đề Niết-bàn. Tiêu chuẩn của kinh Vô Lượng Thọ là “ắt được siêu tuyệt, vãng sanh cõi vô lượng thanh tịnh của A-di-đà Phật”. Kinh Vô Lượng Thọ, pháp môn niệm Phật Tịnh độ là Đại thừa trong Đại thừa, Nhất Thừa trong Nhất Thừa, viên trong viên, đốn trong đốn, chuyên trong chuyên, cho nên tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn tuyệt đối, không phải tiêu chuẩn thông thường. Nhớ kỹ hai câu này: ngoài Phật ra đều là ác đạo, cửa thiện thực sự là A-di-đà Phật.

– Trọng tâm thứ mười hai: nhận thức đúng đắn câu “chúng sanh và ta là một thể”.

Một, “Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ”, đây là thái độ của Bồ-tát đối với chúng sanh, coi hết thảy chúng sanh là chính mình, mình và người không hai, gọi là đồng thể đại bi.

Hai, bạn thật sự muốn vãng sanh tới thế giới Cực Lạc, không thể quên rằng bạn và chúng sanh là một thể, cả vũ trụ là một thể, chính là một “cái tôi”.

Ba, bạn phải gánh vác sứ mạng, trên nền tảng làm tốt chính mình, đừng quên giúp đỡ thiên hạ.

Bốn, sanh mạng của cả vũ trụ là cùng một thể, hòa hợp rất quan trọng! Cùng một thể mà còn tranh đấu với nhau, vậy thì không phải đang tàn sát lẫn nhau sao?

Năm, học theo lão pháp sư Tịnh Không, làm người thực hành sanh mạng cùng một thể.

– Trọng tâm thứ mười ba: làm thế nào làm tấm gương tốt cho chúng sanh?

Một, đối xử chân thành với người khác, cảm hóa chúng sanh: bất kể là thuận cảnh hay nghịch cảnh, phải luôn dùng tâm chân thành vô tư bình đẳng đối đãi với hết thảy chúng sanh.

Hai, nhìn thấu buông xuống, vạn pháp đều không: nếu đã nói ra thì phải làm được.

Ba, mang tấm lòng đại ái, phổ ái chúng sanh: không phải tiểu ái mà là đại ái, đại ái vô hạn, không phải tình yêu thương có chọn lựa mà là yêu thương trọn khắp, bình đẳng.

Bốn, thành kính khiêm hòa, không tranh đấu.

Thành kính là tự tánh

Khiêm hòa là mỹ đức,

Tranh tổn thương hòa khí,

Đấu tổn hại đôi bên,

Vốn là cùng một thể,

Hà tất phải như vậy.

Năm: Ít nói kiệm lời, im lặng là vàng.

Miệng là một cánh cửa

Lời là một khẩu súng,

Mở miệng tổn thương người,

Mau đóng cửa miệng lại,

Người tu hành chân chánh

Một câu cũng không nói.

Sáu: Hiếu thân tôn sư là đại căn đại bản.

Hiếu kính là căn bản

Mọi người phải nhớ kỹ,

Đánh mất căn và bản

Nói chi đến làm người!

Bảy: Tự tâm thanh tịnh, nơi nào cũng thanh tịnh.

Tâm thanh tịnh cõi thanh tịnh

Trong tâm thanh tịnh sanh cõi tịnh,

Ngoài tâm thanh tịnh cầu cõi tịnh,

Không có nơi nào là cõi tịnh!

Tám: Không cần gì cả, chỉ cần A-di-đà Phật.

 

Một câu A-di-đà

Đủ để bạn thành Phật,

Tham lam quá nhiều thứ

Huệ mạng bị đoạn diệt.

Chín: Đầy đủ tam tư lương, bảo đảm vãng sanh.

Tín nguyện hạnh tam tư lương

Phương pháp để thành Phật bậc nhất,

Điều nào còn thiếu mau bù vào,

Trong lòng nắm chắc tới Tây Phương,

Diễn thuyết kết hợp làm tấm gương,

Chúng sanh rất cần bạn giúp đỡ.

Mười: Tin tưởng đại y vương, niệm Phật tiêu nghiệp chướng.

Người khác không tin phải làm sao?

Làm ra tấm gương cho họ thấy,

Tôi chính là minh chứng sống,

Sự thực bày ra trước mắt bạn.

Mười một: Đề khởi Phật hiệu niệm Di-đà, buông bỏ phiền não vui biết bao.

Phật pháp không cứng nhắc

Chớ nên học chết cứng,

Người sống học Phật sống

Người chết mới chấp chặt,

Phiền não nhiều niệm Di-đà

Thế nào gọi là học Phật,

Phiền não nhẹ trí tuệ tăng,

Đó gọi là thật học Phật,

Hi vọng các bạn đồng tu

Ngày ngày niệm Di-đà,

Ngày ngày vui cười ha ha,

Người người đều làm Phật vui vẻ.

 

– Trọng tâm thứ mười bốn: làm thế nào gánh vác gia nghiệp Như Lai? Làm thế nào thực hành hạnh Phổ Hiền?

Một, tâm lớn nguyện lớn, nối dòng huệ mạng Phật. Tâm lớn là tâm đại Bồ-đề tiếp nối huệ mạng Phật, nguyện lớn này chính là đại nguyện tiếp nối huệ mạng Phật. Không có tâm lớn nguyện lớn như vậy thì không thể gánh vác gia nghiệp của Như Lai.

Chính mình phát tâm có thành ý.

Thực hành cho đến nơi đến chốn.

Tâm lớn nguyện lớn gánh vác lớn

Gia nghiệp Như Lai là của tôi.

Hai, hoằng hộ chánh pháp, y giáo phụng hành.

Trách nghiệm hoằng hộ chánh pháp nặng,

Con đường phía trước khó muôn trùng,

Chướng nạn trước mắt phải làm sao,

Đột phá vòng vây tiến lên trước,

Y giáo phụng hành rất quan trọng,

Muôn vàn không được làm sai khác,

Không được bằng mặt không bằng lòng,

Học Phật nhất định đi đường chánh.

Ba, xây dựng Lục Hòa, thực hành Thập Nguyện. Xây dựng đạo tràng Lục Hòa, không phải vọng tưởng cá nhân, loài người cần phải hòa hợp, chúng ta sao có thể chờ đợi.

Đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát,

Thập đại nguyện vương cứu mười phương,

Mười phương chúng sanh đều được độ,

Đều nhờ đại nguyện vương Phổ Hiền,

Thực hành thập đại nguyện vương rồi

Vững vàng an ổn sanh Tây Phương,

Đến thế giới Tây Phương để làm gì,

Thân cận Di-đà đại pháp vương.

Bốn, trong lòng có chúng sanh, sứ mạng trên vai.

 

Trên đời người khổ nhiều,

Đây là lời thầy nói

Giúp họ rời Ta-bà 

Giáo hóa đừng vô ích,

Ba sứ mạng gánh trên vai,

Không quên ân sư dạy dỗ mình,

Trâu già cũng biết cảnh xuân tươi đẹp,

Không cần thúc roi cũng tự lao về trước.

Dùng thời gian một tiết học khái quát trọng điểm của kinh văn phẩm thứ hai để các đồng tu tham khảo.

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *