PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 30/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 20
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Từ
hôm nay trở đi chúng ta bắt đầu giảng kinh văn của phẩm thứ ba:
ĐẠI GIÁO DUYÊN KHỞI ĐỆ
TAM
Kinh
văn trong phẩm này là Thế Tôn thị hiện tướng lành hiếm có, phóng quang cảm động
tôn giả A-nan. Ngài A-nan thưa hỏi, Thế Tôn trả lời, diễn thuyết biển nguyện
của Di-đà, pháp bảo hiếm có khó gặp nhất, [đó là] Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng
Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Mời xem câu kinh tiếp theo:
“Nhĩ
thời Thế Tôn. Oai quang hách dịch. Như dung kim tụ. Hựu như minh kính. Ảnh
sướng biểu lý. Hiện đại quang minh. Số thiên bá biến”.
Đoạn
kinh này [miêu tả] đức Phật phóng quang hiện tướng lành. “Oai quang hách dịch”,
quang minh do Phật phóng ra dũng mãnh uy nghiêm, sáng chói rực rỡ, khiến người
nhìn thấy được quang minh này sanh tâm kính sợ. “Như dung kim tụ”, lại giống
như sự chói sáng rực rỡ của vàng sau khi bị nung chảy, tụ lại với nhau, đẹp
không tả xiết. Đây là nói hào quang, nghi dung, tinh thần của Phật không giống
ngày thường, trước đây chưa từng thấy, đây là tán thán tướng hảo của Phật.
“Hựu
như minh kính, ảnh sướng biểu lý”, thân tâm của Phật thuần tịnh thanh khiết
không gì sánh bằng, không nhiễm chút bụi trần. Quang minh của thân Phật giống
như tấm gương, trong ngoài đều trong suốt, giống như pha lê, đây là tướng lành.
“Hiện
đại quang minh. Số thiên bá biến”, chữ đại này biểu thị ánh sáng này vô cùng
thù thắng, sáng ngời rộng lớn. Hình sắc của ánh sáng thiên biến vạn hóa, đẹp
không tả xiết. Trong ánh sáng có màu sắc, trong màu sắc có ánh sáng, hoán đổi
lẫn nhau; hình dạng của ánh sáng cũng không ngừng biến đổi, càng biến càng đẹp.
Sáu câu kinh vừa rồi nói Thế Tôn phóng quang hiện tướng lành. Đây là nhân duyên
đầu tiên khởi xướng bộ kinh này.
Mời
xem đoạn kinh tiếp theo: “Tôn giả A-nan tức tự tư duy: Kim nhật Thế Tôn, sắc
thân chư căn, duyệt dự thanh tịnh, quang nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm,
tùng tích dĩ lai, sở vị tằng kiến. Hỷ đắc chiêm ngưỡng, sanh hi hữu tâm”.
“Tôn
giả A-nan tức tự tư duy”, ngài A-nan là thị giả của Phật, đã chứng được sơ quả,
mỗi lần Phật giảng kinh ngài đều tham gia. Trong hội Pháp Hoa đức Phật công bố,
“ta cùng nhóm ông A-nan cùng lúc ở chỗ Không Vương Phật đồng thời phát tâm
A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, A-nan ưa thích đa văn, ta thường siêng tinh
tấn, vì vậy nay ta đã đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Mà A-nan sẽ phải hộ
trì pháp của ta, cũng hộ trì Pháp tạng của chư Phật trong tương lai, giáo hóa
thành tựu chúng Bồ-tát”. Ngài A-nan vẫn chưa thành Phật, có thể thấy được ngài
A-nan và Thế Tôn cùng lúc phát tâm ở chỗ Không Vương Phật, một trong những nhiệm
vụ của ngài A-nan là giáo hóa chúng Bồ-tát, cũng tức là có thể làm thầy của
Bồ-tát, đây chính là bổn tích của ngài A-nan, chứng sơ quả chỉ là thị hiện.
Trên thực tế, những gì ngài A-nan hiển hiện trong một đời, ngài là nhân vật
quan trọng của đại giáo, vô cùng quan trọng. Một, ngài kết tập kinh tạng; hai,
truyền tâm ấn Phật, ngài là tổ thứ hai của Thiền tông; ba, trong Mật điển gọi
A-nan là Tập Pháp Kim Cang, ngôi vị Kim Cang đồng với Như Lai. Sau khi giáo chủ
Mật giáo đại sĩ Liên Hoa Sanh ra đời, là lãnh thọ pháp do Thích-ca Mâu-ni Phật
truyền trao lại từ chỗ ngài A-nan. Cho nên ngài A-nan hộ trì Phật pháp là bổn
nguyện của ngài. Ngài thị hiện làm thị giả của Phật, hơn nữa lại truyền thừa
hai tông phái Thiền và Mật, tiếp nối huệ mạng Phật, tiếp nối người trước, dẫn
dắt người sau. Do vậy, ngài là người đương cơ trong kinh Vô Lượng Thọ. Một mình
ngài A-nan tụ hội cả Thiền, Mật, Tịnh, Phật pháp là một không phải hai, pháp
môn là một không phải hai. Nói rộng ra hơn, tôn giáo là một không phải hai. Vạn
pháp quy nhất, tuy khác đường nhưng cùng đích đến, đều quy về kinh Vô Lượng
Thọ, quy về A-di-đà Phật.
Công
đức thỉnh pháp của tôn giả A-nan lớn, công đức ngài kết tập kinh điển càng lớn,
vì để mọi người hiểu rõ hơn về tôn giả A-nan, tôi sẽ kể cho mọi người nghe một
câu chuyện nhỏ có liên quan đến kết tập kinh điển của ngài A-nan:
Lúc
đức Phật nhập Niết-bàn trong rừng Sa-la Song Thọ của thành Câu-thi-na, ngài
A-nan đau buồn khóc không thành tiếng. Đức Phật dùng ánh mắt thương xót nhìn
ngài A-nan rồi nói với mọi người: A-nan phụng sự ta hai mươi bảy năm vô cùng
vất vả, A-nan là người ôn hòa khoan hậu, nghe pháp liền nhớ, tương lai có thể
tỏa sáng trên thế gian. Ba ngày sau khi Phật nhập diệt, ngài A-nan đi tới thành
Vương-xá tham gia kết tập thánh điển lần thứ nhất. Đi đường hơn hai tháng, ngày
14 tháng 4 mới tới thành Vương-xá. Ngày thứ hai bắt đầu an cư, kết tập kinh
Phật. Lúc này, ngài Đại Ca-diếp được đề cử làm chủ tọa, ngài đã chọn 499 vị
A-la-hán. Bởi vì ngài A-nan chưa chứng quả cho nên bị gạt bỏ ra ngoài, điều này
mang lại đả kích rất lớn đối với ngài A-nan. Ngay đêm đó ngài cố gắng tu hành,
giữa đêm liền chứng quả A-la-hán, tham gia kết tập. Trong pháp hội A-nan tụng
“kinh Trường A-hàm”, “kinh Trung A-hàm”, “kinh Tạp A-hàm, “kinh Tăng Nhất
A-hàm”, “kinh Thí Dụ”, “kinh Pháp Cú”. Sở dĩ Phật giáo có được thánh điển lưu
truyền ở đời đều là nhờ vào công lao của A-nan. Đại Ca-diếp là người chủ trì
kết tập kinh điển ở thành Vương-xá, đương nhiên được các trưởng lão thượng tọa
coi là người lãnh đạo. Hai mươi năm sau, Ca-diếp đem pháp truyền cho A-nan, rồi
lên núi Kê Túc nhập diệt, A-nan được đề cử làm người lãnh đạo tăng đoàn, lúc ấy
ngài đã là một ông lão 66 tuổi. Sau khi ngài Ca-diếp diệt độ, Phật giáo dưới sự
lãnh đạo của ngài A-nan vẫn luôn hòa hợp, không nảy sinh vấn đề gì lớn. Vào năm
A-nan 120 tuổi, có một hôm trên đường đi nghe thấy một vị Tỳ-kheo nói rằng:
“Người sống lâu trăm tuổi
Chưa thấy chim hạc
nước
Không bằng sống một
ngày
Mà có thể thấy được!”
A-nan
thấy vậy ân cần sửa lại:
“Người sống lâu trăm tuổi
Không hiểu pháp sanh
diệt
Không bằng sống một
ngày
Mà có thể hiểu được!”
Tỳ-kheo
trở về trình với sư phụ. Sư phụ nói “con đừng nghe A-nan nói bậy, ông ta già
yếu, đã mất trí nhớ và trí tuệ”. Tỳ-kheo lại kể cho ngài A-nan nghe lời nói của
sư phụ. A-nan nghe xong, thầm nghĩ: mình tụng ra đại pháp của đức Phật cho
chúng sanh, nhưng mà ngã kiến, ngã chấp của chúng sanh sâu nặng, không vâng làm
theo Phật pháp, mình sống trên đời này còn có ý nghĩa gì? Lại nhớ tới lúc đức
Phật còn tại thế, chư đại đệ tử đều nhập diệt rồi, chỉ còn lại một mình ngài,
giống như một khu rừng bị đốn sạch, chỉ còn lại một cây đại thụ không thể ngăn
gió che mưa. Thế là ngài bay lên trên sông Hằng, biên giới giữa hai nước Ma-kiệt-đà
và Tỳ-xá-ly nhập Niết-bàn. Thánh thể của ngài chia làm hai phần, một phần lưu
giữ ở giảng đường Trùng Các trong rừng Đại Lâm phía bắc Tỳ-xá-ly, một phần lưu
giữ bên cạnh tinh xá Trúc Lâm thành Vương-xá, xây tháp cúng dường. Bởi vì A-nan
nhập diệt mà hai nước Ma-kiệt-đà và Tỳ-xá-ly thân thiện hữu hảo, không chiến
tranh nữa, giúp tính mạng và tài sản của hàng triệu người dân không bị tổn
thất, có thể thấy được A-nan có tinh thần cứu người giúp đời của Bồ-tát Đại
thừa.
Mời
xem câu kinh tiếp theo: “Tức tự tư duy”. Hôm nay A-nan thấy Phật hiện tướng
lành, phóng ra ánh sáng thù thắng không tầm thường, trước giờ ngài chưa từng
thấy, trong lòng ngài suy nghĩ: “kim nhật Thế Tôn, sắc thân chư căn, duyệt dự
thanh tịnh”, đức Phật “như hình ảnh vi diệu trong tấm gương, như trăng tròn
sáng [hiện bóng] trong nước sạch”, đức Phật thị hiện vô cùng hoan hỉ, vô cùng
vui vẻ. Tại sao đức Phật lại hoan hỉ như vậy? Có hai nghĩa: một là tất cả Thánh
hạnh niệm A-di-đà Phật có công đức viên mãn; hai là bởi vì thời cơ hiếm có để
chúng sanh đều đạt được lợi ích từ pháp đã đến. Có thể thấy được quyển kinh này
biểu đạt rộng khắp bổn hoài của Như Lai, Thích-ca Mâu-ni Phật, A-di-đà Phật đều
vô cùng hoan hỉ, bởi vì thời cơ để chúng sanh đạt được lợi ích chân thật đã
đến, hai vị đạo sư ở hai cõi nước đều hoan hỷ chúc tụng!
“Quang
nhan nguy nguy, bảo sát trang nghiêm”. “Nguy nguy” có nghĩa là hình dáng cao
lớn rất tôn quý; “nhan” là dung nhan. Dung nhan của Phật có ánh sáng, cho nên
gọi là “quang nhan”. Trong ánh sáng Phật thị hiện cõi nước trang nghiêm của chư
Phật mười phương, “bảo sát” là cõi nước thanh tịnh của chư Phật, đây chính là
hiển thị cảnh giới sự sự vô ngại không thể nghĩ bàn của Hoa Nghiêm. Hào quang
của một vị Phật là một, là nhỏ; [hào quang] của cõi nước chư Phật là nhiều, là
lớn. Trong một có nhiều, nhỏ có thể bao hàm lớn, đều là cảnh giới vi diệu thù
thắng vượt khỏi tình thức, thoát khỏi tri kiến, đều là tướng công đức sẵn có
trong tự tâm. Tướng lành thù thắng như vậy, A-nan “tùng tích dĩ lai, sở vị tằng
kiến”, là tướng lành mà từ quá khứ cho đến hiện tại A-nan chưa từng thấy. Tướng
lành như vậy.
“Hỷ
đắc chiêm ngưỡng, sanh hi hữu tâm”. “Hỷ đắc chiêm ngưỡng” biểu đạt những ý
nghĩa như sau: một, A-nan lần đầu tiên thấy tướng lành phóng quang thù thắng
của Thế Tôn, trong tâm không kìm nén được sự hoan hỷ; hai, ngài A-nan có duyên
rất sâu với Thế Tôn, mới may mắn thấy được tướng lành hiếm có như vậy của Thế
Tôn, trong lòng hoan hỷ khôn cùng; ba, đại chúng trong pháp hội cũng như ngài
A-nan, bởi vì có duyên rất sâu với Thế Tôn, nên cũng thấy được tướng lành hiếm
có của Thế Tôn; bốn, ngài A-nan và đại chúng trong pháp hội “vui mừng được
chiêm ngưỡng, sanh tâm hi hữu”. Hôm nay thấy được Thế Tôn phóng quang hiện
tướng lành như vậy, A-nan sanh tâm hi hữu, đại chúng tham gia pháp hội cũng
sanh tâm hi hữu. Tâm hi hữu là tâm cung kính thành khẩn trước nay chưa từng có.
Tôn giả A-nan thay mặt đại chúng, “liền từ chỗ ngồi đứng lên, trịch áo bày vai
phải quỳ thẳng chắp tay mà bạch Phật rằng”, thỉnh giáo đức Phật, tại sao hôm
nay dung mạo hào quang của Phật lại thù thắng như vậy?
Mời
xem câu kinh tiếp theo: “Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định, trụ kỳ đặc pháp,
trụ chư Phật sở trụ, đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo. Khứ lai hiện tại Phật
Phật tương niệm, vi niệm quá khứ vị lai chư Phật da? vi niệm hiện tại tha
phương chư Phật da? Hà cố oai thần hiển diệu, quang thụy thù diệu nãi nhĩ,
nguyện vị tuyên thuyết”. Đoạn này là ngài A-nan thỉnh pháp với Phật, hàm ý rất
sâu: một, ngài A-nan gọi thầy là “Thế Tôn”, Phật là thầy của trời người, được thế
gian xuất thế gian tôn kính, trời người tôn kính, cho nên gọi là “Thế Tôn”, đây
là cách gọi tôn kính nhất; hai, “kim nhật nhập đại tịch định”, Phật và Đại
Bồ-tát thường ở trong định. “Thủ Lăng Nghiêm Đại Định” được nói đến trong Kinh
Lăng Nghiêm, “Na-già thường ở trong định, không lúc nào là chẳng định”, đại
định là không có xuất, không có nhập, đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Phật
và chư Đại Bồ-tát bình thường đều như vậy; ba, hôm nay đại định mà đức Phật thị
hiện thù thắng hơn bình thường. Rốt cuộc đây là định gì? Đây không phải là đại
định thông thường, mà là niệm Phật Tam-muội. “Niệm Phật Tam-muội, là vua trong
Tam-muội”, Thế Tôn đang niệm A-di-đà Phật; bốn, A-nan đại quyền thị hiện, ngài
là Phật Bồ-tát tái lai, sơ quả La-hán chỉ là thị hiện mà thôi, ngài tới giúp đỡ
Thích-ca Mâu-ni Phật hoằng pháp lợi sanh; năm, những điều A-nan hỏi, không phải
ngài không biết, mà ngài thay mặt đại chúng thỉnh pháp, chúng ta phải cảm ơn
sâu sắc sự từ bi của A-nan.
“Thế
Tôn kim nhật nhập đại tịch định”. Kinh Niết-bàn nói “Ta nhập đại tịch định ở
trong rừng Sa La Song Thọ này”. Lúc đức Phật nhập Niết-bàn, ngài nhập định ở
trong rừng Song Thọ gọi là “đại tịch định”. Kinh Niết-bàn lại nói: “Đại tịch
định gọi là Đại Niết-bàn”, ba đức của Niết-bàn là đức Pháp thân, đức Giải
thoát, đức Bát-nhã. Ba đức viên mãn là Đại Niết-bàn.
Sách
Chân Giải nói: Đại tịch định là tên gọi khác của niệm Phật Tam-muội. Hiện tại
Phật muốn giảng cho mọi người pháp môn niệm Phật, cho nên Phật phải trụ trong
niệm Phật Tam-muội. Theo kinh Niết-bàn, đại tịch định chính là Đại Niết-bàn,
kết hợp với Tịnh độ chính là niệm Phật Tam-muội, hai cách nói này không hề mâu
thuẫn. Viên Đốn giáo chủ trương “nhân quả đồng thời”, niệm Phật Tam-muội là
nhân, chứng Niết-bàn là quả, nhân quả đồng thời, cho nên cả hai hiển hiện cùng
lúc. Tiếp theo nhân cơ hội này, giới thiệu sơ lược với mọi người một chút về
bốn đức vốn có của Đại Bát Niết-bàn: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thường: Thường là
thể của Niết-bàn, thường hằng bất biến, không có sanh diệt. Lạc: Lạc là thể của
Niết-bàn, vĩnh viễn tịch diệt, an nhàn, thọ dụng, không chút phiền não. Ngã:
Ngã là thể của Niết-bàn, được đại tự tại, không chút trói buộc. Tịnh: Tịnh là
thể của Niết-bàn, giải thoát khỏi hết thảy cấu nhiễm, vô cùng thanh tịnh.
“Trụ
kỳ đặc pháp”. Hôm nay Thích-ca Mâu-ni Phật trụ trong một pháp môn đặc biệt, sẽ
tuyên thuyết kinh điển giúp chúng sanh bình đẳng thành Phật trong một đời,
chính là kinh Vô Lượng Thọ, trên đề kinh nói “thanh tịnh, bình đẳng, giác”, đây
là pháp kỳ đặc. Tại sao vậy? Bởi vì hết thảy pháp mà Thế Tôn đã giảng trong 49
năm, chưa từng giảng qua pháp bình đẳng thành Phật, cho nên pháp môn này rất
khó tin. Đẳng Giác Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, chúng sanh trong địa ngục,
căn tánh của họ khác biệt quá lớn, làm sao có thể bình đẳng thành Phật? Nhưng
mà đức Phật có một pháp môn cực kỳ vi diệu có thể giúp chúng sanh bình đẳng
thành Phật. Phật chưa từng nói pháp môn này, hôm nay sẽ tuyên giảng cho đại
chúng, cho nên Thế Tôn phải trụ trong pháp kỳ đặc. Kỳ đặc ở chỗ nào? Một là
bình đẳng thành Phật; hai là Thích-ca Mâu-ni Phật trước nay chưa từng nói; ba
là đại chúng chưa từng được nghe; bốn là kỳ đặc ở chỗ không cần đoạn trừ phiền
não, chỉ cần điều phục phiền não là được, có thể mang nghiệp vãng sanh. Đây là
pháp môn độc nhất vô nhị.
Tịnh
Ảnh Sớ nói: “Pháp mà Phật đã chứng đắc hơn hẳn những người khác, pháp chẳng có
trong thế gian nên gọi là kỳ đặc”. Câu này có nghĩa là pháp mà Phật đã chứng
đắc, không phải bậc Bồ-tát có thể đạt được, thế gian này không có, cho nên gọi
là kỳ đặc. Kỳ là hiếm lạ, hiếm có; đặc là đặc biệt, đặc thù. Pháp mà Phật đã
chứng đắc hơn hẳn những người khác, hơn hẳn A-la-hán, A-la-hán chứng Bát
Niết-bàn của Tiểu thừa; Bồ-tát chứng đắc, từ sơ tín vị cho đến đẳng giác có
tổng cộng 51 giai vị, Phật cao hơn giai vị này, Phật là giai vị thứ 52, là quả
vị cao nhất, phía trên không còn nữa, cho nên hơn hẳn những người khác. 51 giai
vị trong Đại thừa giáo; Tiểu thừa giáo có Thanh văn, tám giai vị là tứ quả tứ
hướng; còn có Bích-chi Phật cao hơn A-la-hán, thấp hơn Bồ-tát. Phật đều hơn hẳn
những giai vị này, pháp mà Phật đạt được là đại pháp cứu cánh viên mãn.
Pháp
chẳng có trong thế gian, thế gian ở đây là chỉ lục đạo, thập pháp giới. Pháp mà
Phật chứng đắc không có trong lục đạo thập pháp giới. Pháp này hiếm có, pháp
này đặc biệt, cho nên gọi là kỳ đặc. Sách Chân Giải có cách giải thích tuyệt
vời đối với “kỳ đặc pháp”, tôi trích dẫn một đoạn hay nhất cúng dường mọi
người. Ngài nói: y chánh chủ bạn của thế giới Cực Lạc, hết thảy, đều là tự tâm
của A-di-đà Phật Như Lai biến hiện. Dù nói là một pháp, nhưng mà trong ao bảy
báu ở Cực Lạc, trong một bông hoa có vô lượng quang, trong vô lượng quang, lần
lượt xuất hiện vô lượng Phật, vô lượng Phật diễn thuyết vô lượng diệu pháp cho
mười phương chúng sanh, có thể thấy từ trong một sanh ra vô lượng. Dù nói là vô
lượng, nhưng chỉ là một câu danh hiệu. Vãng Sanh Luận Chú nói: thế giới Tây
Phương Cực Lạc có ba loại trang nghiêm: Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm,
cõi nước trang nghiêm đều vào trong một câu pháp. Một câu pháp là câu thanh
tịnh, câu thanh tịnh chính là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, cũng chính là
câu danh hiệu này. Từ đó thấy được, nếu nói là một, nhưng mà trong một có vô
thượng diệu pháp; nếu nói là nhiều, vô lượng trang nghiêm chỉ từ một tâm biến
hiện. Vì vậy, đây là pháp kì lạ trong kì lạ, đặc biệt trong đặc biệt, là pháp
chẳng thể nêu, chẳng thể nói, chẳng thể nghĩ bàn, cũng chẳng thể đặt tên, miễn
cưỡng gọi là kỳ đặc. Đoạn này nói quá hay, không biết mọi người có nghe ra chỗ
hay của nó không? Thật sự tuyệt diệu, vô cùng tuyệt diệu!
Đại
sư Ngẫu Ích nói: người vãng sanh cõi Đồng Cư ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, mặc
dù vẫn là phàm phu, nhưng đã đạt bất thoái chuyển; nếu như nói họ đã chứng bất
thoái chuyển, nhưng họ vẫn là phàm phu, đây là pháp mà mười phương cõi nước
không có, cho nên gọi là “kỳ đặc”. Phía trước có nói tới Bát Niết-bàn, tứ quả
tứ hướng, tiếp theo tôi sẽ giải thích sơ lược một chút: Bát Niết-bàn gọi tắt là
Niết-bàn, cũng gọi là Nê-hoàn, Niết-bàn-da, Hán dịch là “viên tịch”. Viên là
viên mãn hết thảy trí tuệ, tịch là tịch diệt hết thảy hoặc nghiệp. Cũng dịch là
“diệt độ”. “Diệt” là diệt trừ ba loại hoặc kiến tư, trần sa và vô minh; “độ” là
độ thoát hai loại sanh tử phân đoạn và biến dịch. Có nghĩa là khi trí tuệ và
đức hạnh của một người đều đạt tới cứu cánh viên mãn, ngăn chặn, vượt khỏi cả
sanh tử và phiền não, gọi là Niết-bàn. Đây là pháp không sanh không diệt mà bậc
thánh chứng đắc được, vượt qua cảnh giới chân như của thời gian không gian,
cũng là chốn trở về lý tưởng nhất, tốt đẹp nhất của muôn ngàn chúng sanh.
Tứ
quả có hai cách giải thích: Cách giải thích thứ nhất là chỉ bốn quả vị của
Thanh văn thừa. Một, quả Tu-đà-hoàn, Hán dịch là Nhập Lưu, có nghĩa là mới nhập
vào hàng thánh nhân; hai, quả Tư-đà-hàm, Hán dịch là Nhất Lai, nghĩa là tu đạt
được quả vị này, sau khi qua đời thì sanh lên cõi trời, làm người trời một đời,
sau đó lại sanh vào thế giới này của chúng ta một lần nữa, rồi không còn chịu
sanh tử trong dục giới nữa; ba, quả A-na-hàm, Hán dịch là Bất Hoàn. Tu đạt được
quả vị này, không còn sanh lên dục giới nữa; bốn, quả A-la-hán, Hán dịch là Vô
Sanh. Tu đạt được quả vị này, thoát ly sanh tử, không còn chịu thân sau, là quả
vị cao nhất trong Thanh văn thừa.
Cách
giải thích thứ hai là chỉ A-la-hán. Tứ hướng, hướng có nghĩa là tiến tới các
quả vị khác, là cấp bậc tu đạo Thanh văn trong Phật giáo Tiểu thừa. Một,
Tu-đà-hoàn hướng, Hán dịch là Dự Lưu hướng; hai, Tư-đà-hàm hướng, Hán dịch là
Nhất Lai hướng; ba, A-na-hàm hướng, Hán dịch là Bất Thoái hướng; bốn, A-la-hán
hướng, Hán dịch là Vô Học hướng.
Có
vị cổ đức nói “pháp kỳ đặc” là “tế phàm bí thuật”, phàm là phàm phu lục đạo,
lục đạo gọi là nội phàm, tứ thánh gọi là ngoại phàm. Ngoại phàm có Thanh văn,
Duyên Giác, Bồ-tát, các vị Bồ-tát này vẫn chưa minh tâm kiến tánh. Trong Đại
thừa giáo vẫn thuộc về ngoại phàm, tức là thập tín vị. Thập tín, thập trụ, thập
hạnh, thập hồi hướng của Biệt giáo đều là phàm. Thập địa được xưng là thánh,
đăng địa liền xưng là thánh, siêu việt thập pháp giới. Nếu trong Hoa Nghiêm
Viên Giáo thì sơ trụ đã siêu việt rồi, đây là do hai tông phán giáo khác nhau.
Hoa Nghiêm cao, Sơ trụ Bồ-tát liền minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, là
Phật thật chứ không phải giả. Mặc dù thành Phật, nhưng vẫn chưa chứng đắc rốt
ráo viên mãn, cho nên gọi là Phần chứng tức Phật, lời này do đại sư Trí Giả của
tông Thiên Thai nói. Từ sơ trụ trở lên hết thảy đều kiến tánh, trong Biệt giáo
phải tới [quả vị] sơ địa mới kiến tánh. Sơ địa của Biệt giáo tương đương với sơ
trụ của Viên giáo, sự chứng đắc của các ngài đều bình đẳng. Chư Phật Như Lai
ứng hóa trên thế gian, giúp đỡ những phàm thánh này, những thánh nhân chưa rời
khỏi thập pháp giới này, là A-la-hán, Bích-chi Phật của Tiểu thừa, tam thừa
Bồ-tát của Đại thừa. Tam thừa này là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng. Có
một bí thuật giúp các ngài, thuật là phương pháp. Phương pháp gì? Phương pháp
thoát ly lục đạo, phương pháp thoát ly thập pháp giới. Phương pháp này không
nằm trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, không nằm trong vô lượng pháp môn, nên gọi
là “bí”. Chữ bí này có nghĩa là bí mật, thực ra cũng không thể nói là bí mật.
Có thể dùng hai chữ “thâm mật” để giải thích. Thâm mật, trong mười pháp giới
không ai biết; mặc dù biết nhưng họ không tin, cũng giống như không biết. Thật
sự thấy được pháp môn này, nghe được pháp môn này, có thể tin tưởng không nghi
ngờ thì đối với họ cũng là thâm mật, bởi vì họ tin tưởng.
Nhưng
hầu hết mọi người đều không tin pháp môn này, không phải một mình Thích-ca
Mâu-ni Phật nói như vậy, mà chư Phật Như Lai mười phương đều nói như vậy, đều
khẳng định pháp môn này là pháp khó tin. Cho nên tu học pháp môn này, có người
nửa đường thoái tâm, đổi sang pháp môn khác, thậm chí hủy báng pháp môn Tịnh
độ, chuyện này cũng không có gì hiếm lạ. Không những không hiếm lạ mà còn là
hiện tượng bình thường. Nguyên nhân gì vậy? Họ không có thiện căn lớn, không có
phước báo lớn như vậy. Kinh Di-đà nói về pháp môn này rất hay, “Chẳng thể dùng
chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh vào cõi ấy”. Mặc dù chúng ta
có nhân duyên, có cơ hội gặp được, nhưng thiện căn phước đức của chúng ta không
đủ, cho nên nhìn thấy pháp môn khác sẽ động tâm, không thể một mực kiên trì học
đến cùng. Nếu có thể không bị dao động bởi cảnh giới bên ngoài, một mực kiên
trì học đến cùng thì tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng không thể làm họ dao động,
vô lượng pháp môn cũng không làm họ dao động. Không phải họ không tiếp xúc, mà
tiếp xúc rồi vẫn như như bất động, giống như Thiện Tài Đồng Tử vậy.
Trong
Kinh Hoa Nghiêm, 53 lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử, Thiện Tài Đồng Tử tu
pháp môn gì? Tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh độ. Trong pháp hội của Văn-thù
Bồ-tát, ngài đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, đây gọi là căn bản trí. 53
lần tham học là để thành tựu hậu đắc trí của ngài. Hậu đắc trí tức là không gì
không biết, căn bản trí là vô tri, Bát-nhã vô tri, lúc khởi tác dụng thì không
gì không biết. Sau khi chứng đắc căn bản trí, 53 lần tham học thành tựu trí tuệ
viên mãn, như vậy mới có thể độ chúng sanh, mới có thể trụ pháp kỳ đặc. Đức
Phật muốn nói pháp môn kỳ đặc này, đương nhiên phải trụ trong cảnh giới kỳ đặc
trước, cảnh giới kỳ đặc là gì? Đó là:
“Trụ
chư Phật sở trụ đạo sư chi hạnh. Tối thắng chi đạo”.
“Chư
Phật sở trụ” là Di-đà Tịnh độ, “đạo sư chi hạnh” là tín nguyện trì danh, hai
câu này đều là “tối thắng chi đạo”. Ai biết được vậy? Chúng ta đọc đoạn này
trong kinh Vô Lượng Thọ, rất nhiều người đều đọc lướt qua, chưa đọc ra ý vị
trong đó, không biết rằng mấy câu này đã hết lời ca ngợi Tịnh tông. Chú ý! Hết
lời ca ngợi! Một người có thiện căn phước đức sâu dày, đọc được đoạn kinh này,
từ “Thế Tôn kim nhật nhập đại tịch định” đến “tối thắng chi đạo”, chỉ đọc mấy
câu này, họ sẽ quyết một lòng nghiêm túc học tập pháp môn này, sẽ không thay
đổi, không chuyển hướng nữa.
“Chư
Phật sở trụ” là thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm. “Đạo sư chi
hạnh” là dẫn dắt hết thảy chúng sanh cùng thành Phật đạo. Bởi vì dùng pháp bình
đẳng, độ chúng sanh trong chín pháp giới bình đẳng thành Phật, đó mới là đại
đạo sư, đạo sư không thể nghĩ bàn. “Tối thắng chi đạo” là thực hành hạnh của
đức Di-đà, là niệm, niệm của đức Di-đà. Niệm của đức Di-đà chính là bốn mươi
tám nguyện, nguyện nào cũng bình đẳng phổ độ hết thảy chúng sanh. Đây là đạo
thù thắng bậc nhất, cho nên gọi là “tối thắng chi đạo”. Tịnh Ảnh Sớ nói: “Chư
Phật sở trụ” là quả Thường, Lạc, Ngã, Tịnh của Niết-bàn, là nơi chư Phật cùng
trụ. Phật Phật đạo đồng, cho nên Thế Tôn cũng cùng trụ nơi quả giác Niết-bàn
của [chư Phật] sở trụ, do Đại Niết-bàn sanh ra sự giáo hóa diệu dụng thù thắng.
Thế nên hôm nay Phật trụ nơi hạnh của đạo sư, đạo tối thắng.
Sách
Chân Giải nói đại tịch định là tên gọi khác của niệm Phật Tam-muội, “ba đời chư
Phật đều trụ vào niệm Phật này, nên gọi là Phật sở trụ”. Chư Phật ba đời đều
trụ vào trong niệm Phật Tam-muội, đây là chư Phật sở trụ. Hôm nay Thế Tôn cũng
trụ vào niệm Phật Tam-muội, nơi mà chư Phật trụ vào. Niệm Phật Tam-muội gọi là
bảo vương Tam-muội, là vua trong Tam-muội nên gọi là bảo vương. Từ niệm Phật
Tam-muội có thể lưu xuất hết thảy Tam-muội.
“Đại
đạo sư”: “gọi là đạo sư nghĩa là chỉ bày con đường chân chánh cho chúng sanh”.
Gọi là đạo sư, người có thể chỉ ra con đường đúng đắn cho chúng sanh gọi là đạo
sư, người có thể dạy người thoát khỏi sanh tử gọi là đạo sư. Kinh Phật Báo Ân
nói “dẫn dắt [chúng sanh] đi theo con đường chân chánh, chỉ bày lối Niết-bàn,
giúp cho họ đạt được vô vi, thường được an lạc”, gọi là đại đạo sư. Gốc bệnh
của chúng sanh là hữu vi, mặc dù học Phật nhưng bởi chấp trước tình kiến rất
sâu, cũng coi Phật pháp thành pháp hữu vi. Kinh Kim Cang nói: “Hết thảy pháp
hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, đã là bọt bóng thì đó đều hư vọng. Vì vậy,
người làm đại đạo sư, chủ yếu là phải dẫn dắt tín chúng bỏ đi hữu vi, thông
hiểu vô vi mới có thể hướng thẳng tới Niết-bàn, chứng đắc thường lạc ngã tịnh.
Tiếp
theo tôi sẽ nói một chút về bốn điều điên đảo của phàm phu cho quý vị nghe:
Điên
đảo thứ nhất: xem vô ngã là hữu ngã, xem vô thường là thường, xem cấu là tịnh,
xem khổ là lạc. Kinh Kim Cang nói vô ngã, nhưng chúng sanh luôn luôn chấp trước
ngã, trong một đời chẳng có ý niệm nào không phải vì cái ngã hư dối này.
Điên
đảo thứ hai: đời người vô thường, chỉ là bọt xà phòng, nhưng chúng sanh chỉ
nhìn thấy đủ mọi màu sắc của bọt xà phòng mà quên rằng chúng sẽ vỡ ngay lập
tức.
Điên
đảo thứ ba: bất kỳ dung mạo nhan sắc tươi đẹp nào của nam nữ trên thế gian, đặc
biệt là trong mắt người yêu, đó là thiên sứ, là tiên hoa, thậm chí là thần
thánh, nhưng trên thực tế, chỉ là một nhà vệ sinh biết đi mà thôi.
Điên
đảo thứ tư: thế gian này là tám nỗi khổ đan xen, nhưng chúng sanh lại vui không
biết mệt. Người đời hút chích rượu chè, cờ bạc hoang dâm, đang cao hứng bừng
bừng, ai biết sẽ rơi sâu vào biển khổ. Những điều mà người thế gian mong cầu
thật sự đều là chuyện khổ, chính mình không biết, ngược lại cảm thấy rất vui,
trên thực tế đều là khổ, không có vui. Sự hưởng lạc trước mắt là hoại khổ, cảnh
vui bị phá hủy thì chính mình rất khổ. Chứng A-la-hán sẽ giải quyết được bốn
điều điên đảo này, nhưng lại có bốn điều điên đảo của A-la-hán. A-la-hán không
biết thường lạc ngã tịnh của Bồ-tát, Bồ-tát là chân thường, pháp lạc, chân ngã,
bổn tịnh. Sách Chân Giải nói: “Hạnh của đạo sư” “tức là Di-đà Thế Tôn bình đẳng
tiếp dẫn, không để sót ai”. Di-đà Thế Tôn bình đẳng phổ độ, không có phân biệt.
Bất luận là người thông minh, người khờ dại, người tốt, người xấu, oan gia hay
người thân đều bình đẳng đại bi phổ độ, không bỏ một chúng sanh nào. Chúng ta
học Phật nhiều năm như vậy, để tôi đưa ra một câu hỏi khảo nghiệm bạn, người
niệm Phật vãng sanh tới thế giới Tây Phương Cực Lạc thì thành Phật, thành Phật
gì? Bạn là vị Phật nào? Nói cho bạn biết, là A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là vị
Phật bậc nhất trong biển quả chánh giác, là căn bản Phật, là tự tánh Phật, hết
thảy chúng sanh đều có, chỉ là mê nên không giác.
Hôm
nay Thế Tôn sẽ tuyên thuyết cho chúng ta pháp môn thù thắng không gì sánh bằng,
giúp chúng sanh một đời bình đẳng thành Phật, giúp chúng ta đều giác ngộ, biết
được trong chân tâm của bản thân chúng ta có bảo bối, không cần tìm cầu bên
ngoài, bên ngoài không có, bên ngoài đều là huyễn tướng, “Phàm những gì có
tướng đều là hư vọng”. Một câu Phật hiệu A-di-đà Phật đều bao hàm giới định huệ
trong đó, vi diệu không tả hết, hiếm có đặc biệt đến tột cùng. Bạn có thể vào
cảnh giới này, bạn mới thưởng thức được pháp vị của Tịnh độ, pháp vị của thế
giới Cực Lạc, tâm hoan hỉ tự nhiên sẽ sanh khởi.
Duyên khởi đại giáo thật thù thắng
Công đức A-nan thỉnh
pháp lớn
Thế Tôn tuyên giảng
pháp kỳ đặc,
Phổ độ chúng sanh
trong pháp giới,
Hữu duyên gặp được
pháp kỳ đặc,
Bạn nhất định phải
trân trọng,
Có mắt không nhìn ra
châu báu,
Hối hận cũng đã quá
muộn màng!
Tiết
học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!