Tập 22 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 01/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 22

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem câu kinh tiếp theo: 

Như Lai định tuệ, cứu sướng vô cực. Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố

Định là thiền định, tuệ là trí tuệ, cứu là cứu cánh, sướng là thông suốt. Vô cực là không có giới hạn, không cùng tận. Định tuệ đều là tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Lúc đại sư Huệ Năng minh tâm kiến tánh đã nói năm câu, câu thứ ba là “vốn tự đầy đủ”, đây là tuệ, vốn tự đầy đủ là trí tuệ; câu thứ tư là “vốn không dao động”, đó là định, tự tánh vốn định. Tại sao ở đây chỉ nhắc tới “định tuệ”? Bởi vì trong lục độ vạn hạnh, hai cánh cửa này tôn quý nhất, giống như hai bánh xe, tựa như hai cánh chim. Đại sư Vĩnh Minh nói: “Định là tướng quân, tuệ là tể tướng, có thể giúp tâm vương thành vô thượng, mãi làm cửa ngõ để quần sanh chứng đạo, chính là cổ Phật Bồ-đề”, Ngài lại nói: “Định tuệ đều tu không xao lãng, một niệm về ngay nơi chân giác”. “Như Lai định tuệ, cứu sướng vô cực”, đạt đến tột cùng, bởi vì “ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố”, thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt các pháp, không có chướng ngại, gọi là tự tại. Đạt được sự “tự tại” này mới có thể dạy người khác. Từ đây chúng ta có thể biết được, Đại Đức xưa giảng kinh dạy học, nhất định là có tu có chứng, quả vị chứng đắc không cao cũng không sao, các ngài có chứng, hoặc là chứng thập tín vị, hoặc là thập trụ vị, thập trụ của Biệt giáo, hoặc chứng thập hạnh vị, thập hồi hướng vị, có thể thuyết pháp cho hết thảy chúng sanh. Hai câu kinh này là tán thán A-di-đà Phật. Chư Phật tán thán A-di-đà Phật “ánh sáng tôn quý nhất, vua trong các vị Phật”, nên đối với pháp, ngài được tự tại tối thắng. Chúng ta vãng sanh tới thế giới Cực Lạc, trong đại pháp hội của A-di-đà Phật, cũng đạt được giai vị này mới rời khỏi thế giới Cực Lạc, nếu như chưa đạt đến giai vị này thì sẽ không rời khỏi thế giới Cực Lạc. Như vậy có nghĩa là chứng đắc Phật quả rốt ráo viên mãn nhất định là ở thế giới Cực Lạc.

Làm thế nào để “đối với hết thảy pháp mà được tự tại tối thắng”? “Tâm thoát khỏi sự trói buộc của phiền não, thông đạt vô ngại, gọi đó là tự tại”. Hoàn toàn thông đạt thấu suốt chân tướng của hết thảy các pháp, được đại tự tại, như vậy mới có thể giáo hóa hết thảy chúng sanh. Bồ-tát vãng sanh tới thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật dùng oai thần tự tại, trí tuệ tối thắng của bốn mươi tám nguyện gia trì cho bạn, bạn cũng là ở khoảng một niệm tiếp nhận gia trì của A-di-đà Phật, trí tuệ, thần thông, đạo lực của bạn cũng gần giống với A-di-đà Phật, có được lợi ích thù thắng như vậy. Nếu như bạn có tâm đại bi, tâm từ bi khẩn thiết, tôi có năng lực này rồi, nhìn thấy chúng sanh trong lục đạo thập pháp giới chịu nỗi khổ luân hồi, bạn không nhẫn tâm, liền xuống đây ngay lập tức. Sau khi xuống đây, nên dùng thân gì được độ thoát thì dùng thân đó. Hoàn toàn cảm ứng đạo giao với chúng sanh, chúng sanh có cảm, bạn liền có ứng. Oai thần bổn nguyện của A-di-đà Phật có sức mạnh lớn như vậy, vì vậy người vãng sanh tới thế giới Cực Lạc đều được Phật gia trì, nên tự tại tối thắng. Kinh Hoa Nghiêm có mười sự tự tại, lần đầu phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã từng giới thiệu với các đồng tu, lần này tôi vẫn muốn nói chi tiết hơn với mọi người về mười sự tự tại, mong các bạn đồng tu của tôi, ai cũng có thể đạt được mười sự tự tại này.

Một, Mạng tự tại. “Mạng tự tại, Bồ-tát có được huệ mạng trường thọ, trải qua vô lượng A-tăng-kỳ kiếp trụ trì thế gian không có chướng ngại”. Mạng tự tại, người chứng quả có thể làm được, người vãng sanh thế giới Cực Lạc có thể làm được. Sanh tới thế giới Cực Lạc, chưa chứng quả cũng như đã chứng quả, đây là A-di-đà Phật gia trì, bằng với chứng quả. Giáo hóa chúng sanh trong mười phương thế giới, người hữu duyên đều được độ hết thì chư Phật Bồ-tát không trụ thế nữa, các ngài nhập Bát Niết-bàn; vẫn còn một người hữu duyên chưa được độ thoát thì các ngài vẫn trụ trên thế gian này, phải giúp đỡ người này giác ngộ, cho nên thọ mạng của các ngài dài ngắn tự tại. Duyên của mỗi người với chúng sanh không giống nhau, cho nên kết duyên với hết thảy chúng sanh là điều mà người học Phật nhất định phải làm. Bạn không kết duyên với họ thì không thể độ họ, Phật không độ người không có duyên. Phải thường có tâm kết duyên, thường làm chuyện kết duyên. Không có quà để kết duyên thì dùng khuôn mặt tươi cười kết duyên với người khác. Giống như Di-lặc Bồ-tát có khuôn mặt tươi cười, hết thảy chúng sanh nhìn thấy ngài đều sanh tâm hoan hỷ, như vậy là kết pháp duyên. Mạng tự tại, sống lâu ở đời là để độ chúng sanh hữu duyên thành Phật.

Hai, Tâm tự tại. “Tâm tự tại, Bồ-tát dùng trí tuệ phương tiện điều phục tự tâm, có thể nhập vô lượng đại Tam-muội, du hý thần thông mà không có chướng ngại”. Bồ-tát có trí tuệ, trí tuệ soi chiếu hết thảy pháp không. “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng”, là do trí tuệ soi chiếu, “tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, là do trí tuệ soi chiếu. Bởi vì bạn biết chân tướng của hết thảy pháp, cho nên bạn tự nhiên có thể điều phục tâm mình, điều là điều chỉnh, phục là hàng phục. Thuận cảnh không khởi [tâm] tham luyến, nghịch cảnh không sanh [tâm] phiền não, thuận cảnh hay nghịch cảnh đều tự tại, người và việc, thiện hay ác đều tự tại, thành công hay thất bại đều tự tại. Dùng nhất loạt tâm bình đẳng, dùng tâm từ bi quan sát hết thảy chúng sanh, giúp đỡ hết thảy chúng sanh, giáo hóa hết thảy chúng sanh. Có thể nhập vô lượng đại Tam-muội, Tam-muội là thiền định, đại Tam-muội là đại định. Đại định ở đâu? Ở ngay trong cuộc sống thường ngày, mắt nhìn sắc được đại thiền định, không bị sắc tướng bên ngoài làm dao động. Nhìn thấu suốt rõ ràng tướng là trí tuệ, trong lòng như như bất động, đó là đại Tam-muội. Vận dụng định tuệ, cùng lúc khởi tác dụng, trong định có tuệ, trong tuệ có định. Du hý thần thông, có thể giúp cho hết thảy chúng sanh sanh tâm hoan hỷ, không có chướng ngại. Phàm phu không làm được, gặp thuận cảnh thì khởi tham luyến, nghịch cảnh thì sanh sân hận, như thế thì tạo nghiệp rồi. Chư Phật Bồ-tát không tạo nghiệp, ngay cả A-la-hán cũng không tạo nghiệp. Đây là áp dụng tam học giới, định, tuệ vào trong cuộc sống thường ngày. Giới định tuệ đại diện cho hết thảy pháp, hết thảy pháp của chư Phật đều không nằm ngoài tam học giới, định, tuệ, luôn làm tấm gương tốt cho chúng sanh, luôn giúp đỡ chúng sanh tỉnh ngộ. Phật pháp là linh hoạt, không phải cứng nhắc, học tập Phật pháp phải pháp hỷ sung mãn, tiên sinh Phương Đông Mỹ từng nói “học Phật là sự hưởng thụ cao nhất của đời người”, bạn hưởng thụ điều gì? Giác ngộ rồi thì có được sự hưởng thụ cao nhất, không khởi tâm, không động niệm, gặp chuyện thì rèn luyện tâm. Không trải qua sự tôi luyện trong cuộc sống thực tế, bạn làm sao biết được mình có giới định tuệ hay không? Chỉ khi sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, bạn mới phát hiện ra bạn có giới không, có định không, có tuệ không! Mục đích của trì giới là được định, mục đích của được định là khai mở trí tuệ, trí tuệ khai mở rồi, độ chính mình, độ chúng sanh, đôi bên cùng có lợi. Du hý thần thông mà không có chướng ngại, được đại tự tại. Có trí tuệ điều phục tự tâm, nhập vô số Tam-muội, không có chướng ngại, đó gọi là tâm tự tại.

Ba, Tư cụ tự tại. “Tư cụ tự tại, Bồ-tát có thể dùng vô lượng châu báu, đủ thứ vật dụng để trang nghiêm hết thảy thế giới, thanh tịnh vô ngại”. Tư cụ là gì? Là vật dụng trong đời sống, cũng tức là nhu yếu phẩm trong cuộc sống mà chúng ta nói. Ví dụ như quần áo, đồ ăn thức uống, thuốc men, phương tiện giao thông, nhà ở v.v… Những thứ này đều gọi là tư cụ. Được tự tại rồi, nói dễ hiểu một chút là muốn gì thì được nấy. Bồ-tát dùng vô lượng châu báu trang nghiêm thế giới, châu báu từ đâu mà có? Từ trí tuệ mà có, từ tu phước mà có, phước tuệ song tu, có phước mới có thể trang nghiêm thế giới. Đủ loại vật dụng trang nghiêm, trang hoàng hết thảy thế giới, hiện ra tướng thế giới thanh tịnh. Chuyện này phải dựa vào giáo dục trí tuệ chân thật mới có thể đạt được. Thế giới này thanh tịnh không ô nhiễm, ai cũng có tâm địa thanh tịnh, thế gian có, đến tứ thánh pháp giới thì làm được rồi, tứ thánh pháp giới trong thập pháp giới thanh tịnh vô ngại.

Bốn, Nghiệp tự tại. “Nghiệp tự tại, Bồ-tát có thể tùy theo các thứ nghiệp, ứng thời thị hiện thọ các quả báo”. Nghiệp là tạo tác, hết thảy tạo tác đều lợi người lợi mình, không để trong tâm thì được tự tại. Nếu như để tạo tác của mình ở trong tâm, vậy thì không còn tự tại nữa, liền biến thành nghiệp. Nghiệp này không tự tại thì là gì? Chiêu cảm quả báo, thiện nghiệp cảm ba đường thiện, ác nghiệp cảm ba đường ác, không thoát khỏi được lục đạo luân hồi. Tự tại là thế nào? Mặc dù tạo các nghiệp nhưng không để điều gì trong tâm, cho nên tâm địa thanh tịnh không ô nhiễm, các ngài liền được tự tại. Chuyện tốt, chuyện xấu cũng đừng để trong tâm, nhất định phải ghi nhớ, chuyện tốt để ở trong tâm là ba đường thiện, chuyện xấu để ở trong tâm là ba đường ác, bạn không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, bạn không thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Chuyện tốt, chuyện xấu, đoạn hết thảy ác, tu hết thảy thiện, rời hết thảy tướng, tức hết thảy pháp. Rời là không chấp trước, không để trong tâm, tức hết thảy pháp, đó là nghiệp tự tại. Cho nên “Bồ-tát có thể tùy theo các nghiệp”, các ngài có thể hằng thuận chúng sanh, thuận cảnh hay nghịch cảnh, thiện duyên hay ác duyên, không gì không tự tại, hết thảy đều có thể tùy thuận. “Ứng thời thị hiện, thọ các quả báo, không có chướng ngại”. Phàm phu chúng ta nhìn thấy Bồ-tát cũng đang tạo nghiệp, đoạn ác tu thiện, đón nhận sự cung kính, cúng dường, tán thán của trời người. Bồ-tát, Thanh văn đều đang hưởng thụ những điều này. Như thế nào? Không để ở trong tâm, đều trở thành biểu pháp. Trời người cung kính, cúng dường là để cho người khác thấy, làm tấm gương tốt, dạy chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, tôn sư trọng đạo, dạy chúng sanh buông xuống vạn duyên, một lòng hướng đạo. Thị hiện cho người đời thấy, không làm giặc nước, không phạm pháp luật, không hủy báng lãnh đạo đất nước, không trốn thuế. Đây là yêu nước, yêu xã hội, làm một tấm gương tốt cho đại chúng trong xã hội, cho nhân dân. Nhận sự tán thán của đại chúng, không có ý niệm hoan hỷ đắc ý, giống như chưa có chuyện này; bị oan ức, bị hủy báng hoặc bị tổn hại, nhất định không oán hận, không báo thù, cũng giống như chưa có chuyện này, thành tựu nhẫn nhục ba-la-mật của chính mình, hết thảy hành vi thiện đều không để ở trong tâm, thành tựu Bát-nhã ba-la-mật của chính mình. Bát-nhã không chấp tướng, nếu chấp tướng thì không còn Bát-nhã nữa.

Năm, thọ sanh tự tại. “Thọ sanh tự tại, Bồ-tát tùy theo tâm niệm của họ, có thể ở trong các thế giới thị hiện thọ sanh, không có chướng ngại’. Thọ sanh tự tại tức là sanh tử tự tại. Các ngài có khởi tâm động niệm không? Không có. Chúng sanh có cảm, chúng sanh cầu Bồ-tát trụ thế, Bồ-tát liền trụ thế; chúng sanh không muốn học pháp này, Bồ-tát liền rời khỏi, không thấy nữa. Đó gọi là “trong cửa nhà Phật, không bỏ một ai”, có lúc Bồ-tát thị hiện, chúng sanh ở nơi này rất khổ, không có Phật pháp, Bồ-tát thị hiện học Phật, thành tâm muốn cầu thì Phật tới thị hiện, Phật vì một mình Bồ-tát, Bồ-tát là người đương cơ, những người khác thì sao? Những người khác cũng đều tùy hỉ, mọi người đều đạt được lợi ích. 

Như Thích-ca Mâu-ni Phật xuất hiện ở đời, nên dùng thân Phật được độ thoát thì hiện thân Phật mà thuyết pháp cho chúng sanh. Bên cạnh Phật Thích-Ca có 1255 đệ tử, trong những đệ tử đó, rất nhiều vị là cổ Phật tái lai, rất nhiều vị là Đẳng giác Bồ-tát, các ngài tới làm gì? Tới cổ vũ, tới trang nghiêm đạo tràng, giúp pháp hội này được viên mãn, khiến chúng sanh nhìn thấy sanh tâm hoan hỷ. Đây gọi là gì? Ảnh hưởng chúng, một vị Phật ra đời, ngàn vị Phật tới ủng hộ. Điều này cho thấy gia hòa vạn sự hưng, Phật có chướng ngại đố kị hay không? Không có. Loài chúng sanh này, một số chúng sanh có duyên với Phật Thích-Ca, ngài thị hiện thân Phật để độ họ, chúng ta tới cổ vũ, đóng vai phụ, tới trang nghiêm đạo tràng, đều tới cả rồi, gia hòa vạn sự hưng. Giáo hóa chúng sanh thì không thể dạy quá nhiều, dạy quá nhiều sẽ dạy họ trở nên hồ đồ. Chỉ có thể theo một vị thầy, chỉ có thể học một pháp môn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là vào lúc nào? Sau khi khai ngộ. Trước khi khai ngộ phải cầu định, sau khi khai ngộ thì cầu tuệ, nhất định là tam học giới, định, tuệ. Trước tiên phải trì giới, trì giới là giữ quy củ, không giữ quy củ thì sao thành tựu được? Điều quan trọng nhất trong quy củ, lão pháp sư thường nói một là hiếu, hai là kính. Đây là gốc của giới luật, không có hiếu kính thì học gì cũng không thành tựu. Đại sư Ấn Quang thường nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”, bạn có thể học được bao nhiêu điều thì hoàn toàn là do tâm thành kính của bạn, điều này không thể không hiểu. Thành kính biểu hiện ở chỗ dùng “nhân” để đối người tiếp vật, trong ngũ thường của Trung Quốc nói Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là nhân. Chánh nhân quân tử, yêu thương mọi người, dùng tâm hiếu kính cha mẹ, tôn kính thầy giáo để đối đãi với hết thảy chúng sanh. Trong ngũ giới của Phật pháp, không sát sanh, họ làm sao dám tổn thương người khác? Không thể nào. Thứ hai là nghĩa, nghĩa là khởi tâm động niệm, lời nói hành vi đều tuân theo lý. Lý là giới luật, tự nhiên sẽ không vi phạm giới luật, làm tốt như vậy, làm cho người khác thấy. Thân giáo, giới luật là thân giáo, không phải ngôn giáo, phải làm được.

Lễ, đối chiếu với ngũ giới là không tà dâm. Trí, đối chiếu với ngũ giới là không uống rượu, trí này là lí trí mà ngày nay chúng ta nói tới. Tín là không vọng ngữ. Chúng ta kết hợp ngũ giới thập thiện với ngũ luân ngũ thường để xem, thì sẽ biết được phải làm người như thế nào, làm sao làm người đạt tiêu chuẩn. Người đạt tiêu chuẩn là gì? Đời sau không mất thân người; làm tốt thì sanh lên cõi trời. Cho nên ngũ luân ngũ thường, tứ duy bát đức của Trung Quốc có thể giữ được thân người, có thể sanh lên trời dục giới, sáu tầng trời dục giới. Quả báo ở chỗ này. Đây là thị hiện thọ sanh, không có chướng ngại.

Sáu, giải tự tại. “Giải tự tại, Bồ-tát thành tựu kiến giải thù thắng, có thể thị hiện đủ mọi sắc thân, diễn thuyết diệu pháp, không có chướng ngại”. Nguyên văn trong kinh Vô Lượng Thọ là “ư pháp tự tại”, kinh văn là câu “ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố”. Mười sự tự tại trong kinh Hoa Nghiêm, trong kinh Vô Lượng Thọ thảy đều đầy đủ. Nội dung của bộ kinh này là gì? Là năm câu mà đại sư Huệ Năng đã nói khi khai ngộ, bàn về xứng tánh, từng câu từng chữ đều từ trong tự tánh lưu lộ ra. Lúc đại sư Huệ Năng khai ngộ, cũng là năm câu lưu lộ từ trong tự tánh. Tự tánh có hình dáng thế nào? Tự tánh là thanh tịnh, trước nay chưa từng bị ô nhiễm. “Vốn tự thanh tịnh”, “không sanh không diệt”, tự tánh không sanh không diệt, tự tánh có hình dáng thế nào? Đó là Thường Tịch Quang. Mặc dù là một mảng quang minh, không có gì cả, nhưng không thể nói không có, tại sao vậy? “Vốn tự đầy đủ”. Đầy đủ điều gì? Đầy đủ cả vũ trụ, không thiếu thứ gì, nếu thiếu một thứ thì không thể hiện ra, những thứ có thể hiện ra trong vũ trụ đều là [những thứ] tự tánh vốn đầy đủ. Cho nên trong kinh điển Phật thường nói, “tâm ngoại vô pháp”, tâm là gì? Tâm chính là tự tánh, ngoài tự tánh ra thì không có pháp nào. 

Mục đích cuối cùng của giáo dục Phật pháp là gì? Là quay về tự tánh, chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh mà Thiền tông nói, vô lượng pháp môn đều như vậy. Người bình thường bây giờ có ai không muốn khỏe mạnh? Có ai không muốn sống lâu? Có ai không muốn có trí tuệ? Lão hòa thượng Hải Hiền đã thị hiện cho chúng ta thấy, niệm Phật được khỏe mạnh, niệm Phật có thể sống lâu, niệm Phật có thể sanh trí tuệ, ngài đã làm cho chúng ta thấy, đó là thật, không thể giả dạng được. 112 tuổi không cần người khác chăm sóc, tự chăm sóc chính mình. Có lúc ngài còn chăm sóc người khác, đầu óc minh mẫn, tư duy nhạy bén, tâm địa lương thiện từ bi, không có oán hận, không có ác niệm. Nhìn thấy cuộc sống của ngài rất bần hàn nhưng ngài vui vẻ, tự tại. Ngài có trí tuệ, người khác hỏi vấn đề gì ngài cũng đều trả lời được. Đây là giải tự tại. Bồ-tát thành tựu kiến giải thù thắng, thắng là thù thắng, vi diệu thù thắng. Bạn không hỏi các ngài, thì các ngài không biết, bởi vì các ngài chưa từng nghĩ đến. Không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, đây là chân tâm. Chân tâm khởi tác dụng thì sanh trí tuệ, bất kể là vấn đề gì, bạn hỏi các ngài, các ngài đều có thể trả lời bạn. Kinh Hoa Nghiêm nói “có thể thị hiện vô số sắc thân”, đúng thật, nên dùng thân nào được độ thoát thì hiện thân đó. “Diễn thuyết diệu pháp”, diệu ở chỗ nào? Khế cơ khế lý, không có chướng ngại. Đây là giải tự tại của chư Phật Bồ-tát.

Bảy, nguyện tự tại. “Nguyện tự tại, Bồ-tát tùy theo ý nguyện, ở trong các cõi, ứng thời xuất hiện thành Đẳng Chánh Giác, không có chướng ngại”. Nguyện tự tại là tùy nguyện mà thị hiện thành Phật ở trong hết thảy cõi nước. Nguyện tự tại là vừa lòng đẹp ý, nguyện của phàm phu chúng ta không tự tại. Thích-ca Mâu-ni Phật ứng hóa ở thế giới Ta-bà là “ngay nơi đó sanh ra, cũng ngay nơi đó diệt mất”. Bởi vì pháp thân không đâu không có, không nơi nào không có, không lúc nào không có, đó là Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang không sanh không diệt, không có bất kỳ thay đổi nào. Pháp thân ở trước mặt chúng ta, cho nên tâm chúng sanh nghĩ đến thì pháp thân hiện. Vậy tại sao chúng ta nghĩ tới Phật mà Phật lại không hiện? Phật hiện rồi nhưng chúng ta chưa nhìn thấy; chúng ta nghĩ tới Bồ-tát, Bồ-tát cũng hiện rồi nhưng chúng ta cũng chưa nhìn thấy. Tại sao vậy? Bởi vì tâm của chúng ta không thanh tịnh. Cho nên tâm thanh tịnh rất quan trọng, chỉ cần tâm có vài phần thanh tịnh thì thấy được. Muốn nhìn thấy lục đạo, quý vị hoàn toàn có thể nhìn thấy hiện tượng của lục đạo, toàn bộ đều ở trước mắt bạn. Pháp nào có thể rời khỏi Thường Tịch Quang? Không có pháp nào, không một pháp nào rời khỏi Thường Tịch Quang mà có thể tồn tại được. Thường Tịch Quang không nơi nào không có, không lúc nào không có, Thường Tịch Quang quá lớn, không cách nào tưởng tượng được, nên nói không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ, bạn không cách nào nghĩ được; không thể bàn, bàn là dùng lời nói, bạn không nói ra được. Thường Tịch Quang không có biên giới, Người Trung Quốc nói “lớn không ở ngoài, nhỏ chẳng ở trong”. Sao họ có thể nói ra lời này? Đây là cảnh giới của Phật, Bồ-tát là từ bát địa trở lên, dưới bát địa thì không thể nói ra lời như vậy. Cho nên tổ tông Trung Quốc của chúng ta, thánh hiền xưa chẳng lẽ không có người nào là chư Phật Bồ-tát thị hiện sao? Từ lý mà nói, hoàn toàn có thể thông đạt, là chư Phật Bồ-tát đến thị hiện. Người Trung Quốc thích thánh nhân, nên dùng thân thánh nhân mà được độ thoát thì hiện thân thánh hiền mà thuyết pháp cho họ.

Tam cương trong Đại Học, “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Câu này nói về điều gì? Tự tánh. Minh đức là được rồi, tại sao lại phải minh minh đức? Minh minh đức, nói rõ đức này không còn sáng, mê rồi, minh đức chính là tự tánh. Giáo dục Phật Đà, giáo dục thánh hiền là phải khôi phục chữ “minh” này. Minh đức là thể, bản thể của tự tánh. Thân dân là tác dụng, thân dân là từ bi, tâm yêu thương. Đức thứ nhất trong tự tánh là tâm yêu thương, nhà Phật gọi là đại từ đại bi, người Trung Quốc gọi là nhân từ, tất cả các tôn giáo đều gọi là yêu thương. Chúa yêu thương người đời, Thượng Đế yêu thương người đời, thánh Allah yêu thương người đời, tình yêu thương đó là thân dân. Dùng tâm từ bi bình đẳng, không phân biệt đối với hết thảy chúng sanh. Chỉ ư chí thiện, đó là trí tuệ, sự đại viên mãn của từ bi. Chỉ ư chí thiện, dùng lời nói hiện nay là hòa, hòa bình, đây là chí thiện, “đồng thể đại bi, vô duyên đại từ”, là sự hài hòa của cả vũ trụ, hài hòa cứu vãn nguy cơ. Lục hòa trong Phật pháp, lục hòa là chí thiện. Chỉ ư chí thiện, gia hòa vạn sự hưng. Phật pháp Đại thừa mang đến sự hài hòa cho cả vũ trụ, đây là lý niệm cao nhất của giáo dục Phật Đà. Tại sao chúng ta học kinh Vô Lượng Thọ? Tại sao ngay cả những bộ kinh luận lớn như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa chúng ta cũng phải từ bỏ? Quay lại học kinh này? Kinh Vô Lượng Thọ thật sự có thể làm được chỉ ư chí thiện. Trên lý luận, những kinh luận khác có thể làm được, trên sự thì quá khó, chưa từng nghe nói có người nào hoàn thành được. Thích-ca Mâu-ni Phật cũng là niệm A-di-đà Phật mà thành Phật, đây là điều mà đại sư Ngẫu Ích nói trong “Yếu giải”. Pháp môn niệm Phật là pháp môn vững chắc nhất, đáng tin cậy nhất, cho nên có thể thành Đẳng Chánh Giác, đều không có chướng ngại, vậy đương nhiên là những điều khác càng không có chướng ngại. 

Tám, Thần lực tự tại. “Bồ-tát thần thông quảng đại, oai lực khó lường, trong các thế giới, thị hiện biến hóa, không có chướng ngại”. Oai lực thần thông rộng lớn khó lường, có thể thị hiện vô số biến hóa, đây gọi là thần lực tự tại. Năm 47 tuổi, lão hòa thượng Hư Vân ba bước một lạy triều bái núi Ngũ Đài, trải qua ba năm, ngài lạy từ núi Phổ Đà tới Ngũ Đài. Trên đường đi hai lần bị bệnh, đều do một người ăn xin giúp đỡ ngài, ở nơi hoang vu không một bóng người, vào thời khắc sanh mạng gặp nguy hiểm, người ăn xin đã trị khỏi bệnh cứu ngài hai lần. Người ăn xin Văn Cát này chính là do Văn-thù Bồ-tát biến hiện. Sư mẫu của lão pháp sư, tức vợ của tiên sinh Chu Bang Đạo khi sống ở Nam Kinh, một hôm, có một vị hòa thượng tới nhà bà để hóa duyên, muốn xin 2.5 ký dầu mè. Bà hỏi hòa thượng từ đâu tới? Hòa thượng nói từ núi Cửu Hoa tới. Bởi vì lúc đó sư mẫu Chu không tin Phật giáo cho nên không cho, vị hòa thượng liền rời khỏi. Sau khi hòa thượng rời khỏi, sư mẫu cảm thấy vô cùng kinh ngạc, hai mảnh sân, cửa đang đóng, không ai mở, làm thế nào hòa thượng vào được? Sau khi rời khỏi thì không thấy bóng dáng nữa, cửa vẫn đang đóng, làm sao hòa thượng ra ngoài được? Sau đó thầy Lý Bỉnh Nam nói với bà, đó là hóa thân của Địa Tạng Bồ-tát. Sư mẫu vô cùng hối hận vì đã không cúng dường 2.5 ký dầu mè, cho nên hằng ngày bà ở nhà lễ bái Địa Tạng Bồ-tát, tụng kinh Địa Tạng, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn.

Chín, Pháp tự tại. “Pháp tự tại, Bồ-tát được đại biện tài, trong các pháp, rộng diễn thuyết vô biên pháp môn, không có chướng ngại”. Pháp tự tại, trong các pháp, diễn thuyết vô biên pháp môn. Tất cả các pháp mà mười phương ba đời chư Phật đã thuyết, không pháp nào không thông đạt. Tại sao vậy? Hết thảy pháp đều từ trong tự tánh lưu lộ ra, bạn kiến tánh rồi, bạn không còn chướng ngại nữa. Trí tuệ, đức năng, tướng hảo đều là tự tánh vốn sẵn đủ, không thể tìm cầu bên ngoài. Bồ-tát được vô lượng biện tài, biện tài cũng thuộc về đức năng, đều là trong tự tánh sẵn đủ. Nếu đã kiến tánh, tánh là bổn thể của hết thảy pháp. Hết thảy pháp do tự tánh sanh ra, cho nên người kiến tánh đối với hết thảy pháp, không lý nào lại không hiểu, không cần phải học, tự nhiên sẽ khai ngộ. Không ai hỏi thì không biết, vừa hỏi liền biết cả, không có chướng ngại, đây là sự thực. Nhưng hôm nay chúng ta nói với người khác, họ không tin, làm gì có chuyện không học mà biết được? Trên đời này có người như vậy không? Có, nhưng không nhiều, bạn chưa từng gặp. Trong cửa Phật, người đầu tiên biểu diễn cho chúng ta thấy là Thích-ca Mâu-ni Phật. Năm 19 tuổi, ngài từ bỏ quyền kế thừa vương vị, từ bỏ đời sống vinh hoa phú quý trong cung đình, ngài xuất gia làm vị tăng khổ hạnh. Sự biểu diễn này, ngài buông xuống phiền não chướng. Ngài đại diện cho phần tử trí thức, chiếm số lượng nhiều nhất trong xã hội đại chúng, học rộng nghe nhiều, ngài đi tham học. Ấn Độ thời đó là đất nước của tôn giáo, là vương quốc của triết học. Vào thời đó, trí tuệ, tôn giáo của họ đứng đầu thế giới. Ngài theo học tất cả các tông phái, học hết 12 năm, không thể giải quyết vấn đề nên ngài buông xuống rồi, đây là buông xuống sở tri chướng. Ngài tới ngồi thiền, nhập định dưới cây Tất-bát-la, ở trong định, đêm nhìn sao sáng thì đại triệt đại ngộ, khai ngộ rồi. Sau khi khai ngộ, cả đời ngài giảng kinh hơn 300 hội, để lại ba tạng mười hai bộ kinh điển, đều do học trò của ngài kết tập thành. Không ai dạy ngài, thuyết pháp tự tại. Đây là do tự tánh vốn có. Cho nên giáo dục Phật Đà là khai phát tự tánh, tìm những điều trong tự tánh, sử dụng không bao giờ hết được, bên ngoài tự tánh không có. Trong nhà Phật, người biểu diễn tính đại biểu đầy đủ nhất cho chúng ta xem là đại sư Huệ Năng. Chuyện này mọi người đều biết, không nói chi tiết nữa. Biện tài vô ngại, chính mình muốn học cũng chưa chắc học được. Nếu bạn thật sự phát tâm, xả mình vì hết thảy chúng sanh, thì chư Phật Bồ-tát sẽ sắp xếp cho bạn, bạn không cần phải bận tâm.

Mười, Trí tự tại. “Trí tự tại, Bồ-tát đầy đủ trí tuệ, trong một niệm, có thể hiện ra thập lực, vô úy của Như Lai, thành Đẳng Chánh Giác, không có chướng ngại”. Trí tuệ tự tại, trí tuệ là trong tự tánh vốn có. Kinh Hoa Nghiêm nói rất hay, “hết thảy chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, lời nói này là thật, chúng ta phải tin tưởng. Đức là đức năng, tướng là tướng hảo, chúng sanh và Phật không khác biệt. Phật lấy A-di-đà Phật làm đại biểu, A-di-đà Phật có vô lượng trí tuệ, vô lượng công đức, thế giới Cực Lạc có vô lượng tướng hảo, đều là do tự tánh biến hiện ra, là trong tự tánh vốn có, không có thứ gì đến từ bên ngoài. Vậy nên chúng ta có được một kết luận chung, tu Phật là tu gì? Tu tâm. Nhất định không được quên, không phải gì khác, mà chính là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm ấy sẽ sanh trí tuệ, sẽ sanh từ bi, sẽ sanh vô lượng phương tiện thiện xảo. Những gì vốn sẵn đủ trong tự tánh được khai phát ra, đại trí tuệ của bạn tự nhiên sẽ hiện tiền, sự tự tại ấy không thể nghĩ, không thể bàn, thật sự là tuyệt diệu!

Để tôi kể ví dụ thực tế cho mọi người nghe: Lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh là chị tôi, hai chị em tôi từ nhỏ cùng nhau lớn lên, tôi rất hiểu chị ấy, tôi tổng kết về chị ấy là: thuần phác, lương thiện, trung hậu, thành thật. Chị ấy chịu khổ cả đời, bị tội khổ cả đời, bị ức hiếp cả đời. Trong và ngoài gia đình, ai cũng có thể bắt nạt chị ấy, tinh thần nhẫn nhục của chị ấy cực kỳ mạnh, rất hiếm có. Chị ấy không khéo ăn nói, có lúc ngay cả học nói cũng không học trọn vẹn, bị người khác ức hiếp, có lý nhưng không nói ra được, khiến tôi bực mình lo lắng vì không giúp được, tôi nói chị ấy: sao chị lại nhu nhược như vậy? Ôi, người ăn nói vụng về như vậy, nhưng trước khi vãng sanh thì trí tuệ hiện tiền, biết giảng Phật pháp rồi, giảng năm ngày năm đêm thao thao bất tuyệt, hàng loạt những lời hay, không biết mệt mỏi. Sự thay đổi của chị ấy khiến tôi kinh ngạc, sao chị ấy có thể nói ra những lời này? Tôi hỏi chị, chị ấy nói rằng: Đến lúc chị cần nói thì chị sẽ nói, em cho rằng chỉ mình em biết nói thôi sao? Những lời của chị, đều tự nhiên mà nói ra, muốn không nói cũng không được. Kỳ thay? Lạ thay? Các đồng tu giúp tôi tìm câu trả lời xem, rốt cuộc chuyện này là sao? 

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *