PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ
LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 03/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 25
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
“Tín giải minh ký, tất giai đệ nhất”.
Câu
này nói tới sự chăm chỉ học tập của Tỳ-kheo Pháp Tạng sau này. Ngài có
thiên chất bẩm sinh tốt, sau đó lại thật sự dụng công chăm chỉ học
tập, nên thành tựu của ngài thù thắng. “Tín” là tin tưởng và tiếp
nhận. Đại thừa Nghĩa Chương nói: Đối với Tam Bảo Phật pháp
Tăng có thể sanh tín tâm thanh tịnh, không hoài nghi, như vậy
gọi là tín. Tín rất quan trọng, kinh Hoa Nghiêm bản Tấn dịch
nói: “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”, tín là cội nguồn của
đạo, là mẹ của công đức. “Giải” là liễu giải, khai giải. Bộ kinh
Hoa Nghiêm giảng tín, giải, hành, chứng; phải có tín, giải rồi mới có
hành, chứng. “Minh ký” chính là trí nhớ rất rõ ràng, rất chính xác.
“Tất
giai đệ nhất” có hai cách giải thích: Một, năng lực của tín giải chí
cao vô thượng, không ai sánh bằng; hai, sự giải của Pháp Tạng đều khế hợp
với Đệ Nhất Nghĩa Đế, không giống người bình thường, nghe thấy có
liền chấp có, nghe nói không liền chấp không, nghe thấy thủy giáo
liền dừng lại ở thủy giáo. Sự giải của Tỳ-kheo Pháp Tạng không rơi vào hai
bên, không thể hạn cục, đều khế hợp Đệ Nhất Nghĩa Đế. Vì vậy
người viên thuyết pháp, pháp nào cũng viên, không có pháp nào không
phải là pháp viên đốn. Hai cách giải thích này không hề mâu
thuẫn, bởi vì sự giải đều là Đệ Nhất Nghĩa Đế. Cho nên “tín giải minh
ký, tất giai đệ nhất”, không ai có thể sánh bằng. Nhân cơ hội
này, tôi muốn nói với các đồng tu một chút về chữ “tín” này. Học Phật
nhiều năm như vậy, rốt cuộc chúng ta đã giải quyết rốt ráo chữ “tín” này
chưa? Là thật tín hay giả tín? Có thể có đồng tu không hiểu lời
tôi nói có nghĩa gì. Chúng ta đều học Phật nhiều năm như vậy
rồi, không tin Phật có thể học Phật sao? Xin quý vị đồng tu chú
ý! Tôi hỏi là thật tín hay là giả tín? Khác nhau ở một
chữ, mà kết quả cách nhau một trời một vực, thật tín thật thành
tựu, giả tín uổng công bận rộn! Lời này khó nghe, nhưng là lời
thật, tôi không lừa bạn, hãy tự mình cảm nhận!
Tiếp
theo tôi sẽ kể một câu chuyện có thật cho mọi người: Có một đôi vợ chồng
già đến đạo tràng nơi tôi ở, là cha mẹ chồng của cư sĩ hộ pháp
Bồ-đề Tâm, hai ông bà cũng ngoài 80 tuổi rồi. Bởi vì Bồ-đề Tâm phát
tâm hộ trì cha mẹ ruột, cha mẹ chồng niệm Phật cầu sanh Tịnh
độ, vì muốn các cụ thuận tiện ra vào nên mới xây tiểu viện Lục Hòa
hiện nay. Cha chồng năm nay 83 tuổi, ông ấy là nông dân, chất
phác lương thiện, thông tình đạt lý, tư duy nhanh nhạy. Lúc trò
chuyện, ông nói với tôi rằng, thì ra ông đã từng ở đạo tràng này, ở
đây niệm Phật. Lúc đó ông có thể niệm ra thế giới Cực Lạc và A-di-đà
Phật. Sau khi rời khỏi đạo tràng trở về nhà, không niệm Phật
nữa, chuyển qua hát ca. Ông nói với tôi, lần này, trước khi tới
đạo tràng, ông rất gấp gáp, tranh thủ thời gian niệm Phật, muốn
niệm ra thế giới Cực Lạc và A-di-đà Phật. Đáng tiếc là không niệm
ra, dáng vẻ gần như vô tư và lời nói chân thật của ông khiến tôi
cảm động, một cụ già đáng yêu biết bao. Hai vợ chồng già như
hình với bóng, cảm tình của ông bà rất tốt. Sự chăm sóc của bà dành
cho ông, có thể nói là vô cùng chu đáo, ánh mắt hai người nhìn
nhau đều tràn đầy sự quan tâm yêu thương lẫn nhau. Tôi thầm
nghĩ, nếu ông ra đi, thì bà sẽ đau buồn, sẽ cảm thấy hiu
quạnh, bởi vì tôi đã đích thân trải qua, chỉ mong là bà ấy kiên cường
vượt qua. Ông ấy bị ung thư dạ dày thời kỳ cuối, sau khi con cái nói
sự thật cho ông biết, ông quyết định tuyệt đối không nằm viện,
không phẫu thuật, niệm Phật cầu vãng sanh. Điều hiếm có là dù
con cháu đông, bốn thế hệ chung sống với nhau, nhưng không có người nào
chướng ngại đạo. Thật là tổ tiên có đức bảo hộ con cháu.
Sự
kiên cường của ông khiến mọi người khâm phục, chuyện mà tự mình có
thể làm thì tự làm, không làm phiền người khác, mặc dù bị bệnh tật
giày vò, sức khỏe đã rất yếu, hai ngày trước khi vãng sanh, ông
vẫn kiên trì nhờ người khác dìu đi vệ sinh, trong lúc đau đớn khó chịu
đựng nhất, ông cũng chỉ rên khẽ vài tiếng. Một ông lão đã kiên cường
cả đời, khiến mọi người vừa khâm phục vừa đau lòng. Ngày 2 tháng 7,
ông ấy vào Vãng Sanh Đường, do ông chủ động yêu cầu. Lúc đó ông đã
ngừng ăn bốn ngày, tới ngày 6 tháng 8 vãng sanh, trải qua 36
ngày, ngừng ăn 40 ngày. Chúng tôi trợ niệm cho ông 37 ngày, 888
tiếng đồng hồ, hơn hai mươi vị đồng tu thay phiên nhau trợ niệm, hơn
tám trăm tiếng đồng hồ không hề gián đoạn. Niệm chậm bốn chữ theo cách của
lão pháp sư, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Sự thực chứng minh, một
câu Phật hiệu tiễn vãng sanh, có tác dụng. Ông ấy thật sự vãng sanh
tới thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tôi dùng chứng cứ để nói:
Chứng
cứ thứ nhất: biết trước thời gian. Hơn hai tháng trước khi vãng
sanh, ông ấy nói với một vị đồng tu trẻ mới tới đạo tràng không
lâu: “Đạo tràng chúng ta định ngày 8 tháng 8, ngày 19 tháng 6 âm
lịch, ngày Quán Âm Bồ-tát thành đạo sẽ chuyển tới tiểu viện Lục
Hòa, con nói xem ông vào tiểu viện ở, hay là nhập tháp đây?” Vị
đồng tu này nghe không hiểu, nói với ông, “ông muốn ở đâu thì ở đó,
con đi theo ông”. Ông ấy nói một câu, “vậy thôi ông nhập
tháp”. Ngày ông ấy nhập tháp đúng vào ngày 8 tháng 8, không lẽ là sự
trùng hợp sao?
Chứng
cứ thứ hai: Một ngày trước khi vãng sanh, có đồng tu trợ
niệm mang ảnh tiếp dẫn tới cho ông xem, ông nói với người đó: “Tới
rồi”. Vị đồng tu đó nghe không hiểu tiếng Sơn Đông của ông. Lúc đó,
có đồng tu đang trợ niệm tại đó nghe hiểu lời ông nói, ông ấy nói tới
rồi, tức là đội ngũ tiếp dẫn tới rồi.
Chứng
cứ thứ ba: lâm chung thấy Phật. Tôi và ông ấy có ước hẹn, ước hẹn thứ
nhất là sau khi ông ấy gặp được Phật thì biểu đạt với tôi như thế
nào? Ông ấy nói với tôi, ông ấy thấy Phật rồi thì sẽ chắp hai tay
hướng về tôi; ông ấy bước lên hoa sen thì sẽ vẫy tay tạm biệt
tôi. Ông ấy đã làm đúng theo ước hẹn, hơn ba giờ sáng ngày 6 tháng
8, ông ấy muốn ngồi dậy, sau khi đỡ ông ngồi dậy, ông mở to hai
mắt, nhìn chằm chằm vào một nơi, không động đậy. Lúc đó tôi hỏi
ông, ông đã thấy Phật chưa? Ông ấy ra sức gật đầu, nói thấy được
rồi. Ông là người rất giữ lời, sau khi nằm xuống, làm động tác
chắp hai tay, hai tay chắp vào nhau, nhưng giơ lên hai cái rồi không
giơ lên nữa. Sau đó nhìn ánh mắt của ông hình như đang tìm ai
đó, tôi đột nhiên nhớ ra ước hẹn giữa hai chúng tôi, có phải ông đang
tìm tôi không? Tôi liền đứng trước mặt ông, ông nhìn thấy
tôi, hướng về phía tôi làm động tác tạm biệt tiêu chuẩn, sau đó
từ từ buông tay xuống. Ba giờ bốn mươi sáu phút, ông ấy an tường ra
đi. Ước hẹn thứ hai của chúng tôi, tôi nói với ông, sau khi ông
tới thế giới Tây Phương Cực Lạc báo cáo có mặt, phải mau chóng trở
lại báo tin cho chúng tôi, thế giới Tây Phương Cực Lạc như thế
nào? Để cho các đồng tu tăng thêm tín niệm cầu sanh thế giới Cực
Lạc. Tôi còn nói với ông, ông đừng tới báo tin cho tôi và Bồ-đề
Tâm, bởi vì hai chúng tôi nói ra, thì có người sẽ cho rằng chúng tôi
bịa chuyện gạt mọi người. Tôi nói với ông, ông tới báo tin cho người
con gái không tin Phật của ông, hoặc là bạn đạo mà ông không quen
biết, để họ nói ra. Ông ấy thật sự báo tin cho một người đồng tu
tham gia trợ niệm, nhưng mà người này không nói ra. Ngày 9 tháng 8,
vào lúc ăn sáng, ông ấy trực tiếp tới báo tin cho tôi. Lúc đó, vì
đang ăn sáng nên tôi không có giấy bút để ghi lại, sợ lát sau ăn xong
sẽ quên mất, tôi không thể không nói cho mọi người biết, ông ấy trở
về báo tin rồi, bây giờ tôi nói ra, mọi người hãy ghi nhớ. Tổng
cộng có sáu câu:
Tây Phương Cực Lạc tốt,
Thánh cảnh quá tốt
đẹp,
Tôi đã ngồi đài sen,
Lúc này đã vào chỗ,
Đài sen là màu tím,
Mọi người nói đúng
rồi.
Ở
đây tôi sẽ nói với mọi người một chút, “đài sen là màu tím” là chuyện như
thế nào? Bên ngoài tiểu viện Lục Hòa của chúng tôi có ao sen, trong
ao sen có đủ màu sắc. Một hôm, đại khái là trước khi ông vãng sanh
mười mấy ngày, tôi và Bồ-đề Tâm nói, ông lão ấy (tức là nói chồng
tôi) hoa sen của ông ấy là màu trắng, vậy thì hoa sen của ông lão này
là màu tím. Nhưng lời này người khác không biết. Điều kỳ lạ
là có một vị Phật hữu tham gia trợ niệm lên mạng thỉnh một cặp đèn
hoa sen màu tím giá trị không thấp. Bồ-đề Tâm hỏi cô ấy tại sao lại
thỉnh đèn? Cô ấy nói, lúc trợ niệm, trước mắt cứ thấy xuất hiện đèn
hoa sen màu tím. Cô ấy cũng không biết là chuyện gì nên đã thỉnh cặp
đèn này về. Chuyện này có phải là trùng hợp không? Tôi cũng không
biết. Dẫu sao đi nữa, ông ấy đã giữ lời, theo lời ước hẹn trở về
báo tin, ước hẹn trước đó của hai chúng tôi, ông ấy đều làm
được, hơn nữa còn làm rất viên mãn. Cảm ơn sự từ bi vô hạn của ông.
Chứng
cứ thứ tư: từ đầu đến cuối, từ lúc vào Vãng Sanh Đường cho tới lúc
vãng sanh, ông tư duy nhanh nhạy, đầu óc minh mẫn, lời nói rõ
ràng, ngoài lúc ngủ thì vẫn luôn niệm Phật cùng với Phật
hữu, vào thời khắc lâm chung ông vẫn đang niệm Phật, điều này
thật sự đáng quý, trước đây tiễn vãng sanh rất ít khi gặp tình huống
như vậy. Đây là lời thật người thật niệm Phật vãng sanh, niệm Phật
thành Phật, hiếm có khó gặp!
Chứng
cứ thứ năm: 37 ngày, trợ niệm 888 tiếng đồng hồ, các đồng tu đều
pháp hỷ sung mãn, không biết mệt mỏi, có đồng tu không chỉ niệm theo
ca của mình mà còn tăng ca niệm, có vài đồng tu mỗi ngày niệm
bảy tám tiếng đồng hồ, thậm chí là hơn mười tiếng đồng hồ. Để đảm bảo
mọi người đều có đủ thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi không thể không
miễn cưỡng ra quy định, ngoài ca niệm Phật của chính mình, tăng ca
thì cũng không được nhiều hơn hai người. Có đồng tu nói thế này: lần
trợ niệm này niệm Phật đến nghiện rồi, càng niệm càng hoan hỷ. Tôi
bắt đầu viết bản thảo này là ngày 13 tháng 8, ngày thứ tám kể từ lúc
ông ấy vãng sanh, hai mươi mấy vị Phật hữu không muốn rời khỏi, họ
yêu cầu niệm Phật hết 49 ngày. Bồ-đề Tâm nói với tôi, chồng của cô
vãng sanh đã dạy con có thể niệm Phật, cha chồng con vãng
sanh đã dạy con biết niệm Phật. Tôi nghe xong rất hoan hỷ, từ
không niệm Phật đến có thể niệm Phật, lại đến biết niệm Phật, như vậy
là đang không ngừng nâng cao! Cảm ơn hai ông lão thật dễ thương!
Sau
khi tiễn ông ấy vãng sanh, nhìn thấy các đồng tu đều tinh thần sung
mãn, hoan hỷ vui vẻ, tôi không cầm lòng được mà cảm khái: Phật
lực gia trì thật sự không thể nghĩ bàn! A-di-đà Phật là người thân của
chúng ta, A-di-đà Phật là người thân duy nhất của chúng ta, A-di-đà
Phật là người thân duy nhất mà chúng ta có thể nương tựa! Điều này
thật vô cùng đúng đắn! Bạn đã nhớ chưa?
Đạo
tràng này của chúng ta là đạo tràng nhỏ bình thường, chính là một đạo
tràng nhỏ bình thường này, trong hai năm đã tiễn đưa hai vị Phật, đây
là phi thường trong bình thường. Tôi nói những điều này không phải để
khoe khoang, không phải để tự tâng bốc, không phải thổi
phồng. Tôi muốn đề khởi tín niệm cầu sanh Tịnh độ của các bạn đồng
tu, tôi hy vọng đạo tràng Lục Hòa Kính khắp nơi hoa nở, tôi càng
hy vọng mỗi một đạo tràng Lục Hòa Kính trở thành trạm tiếp dẫn của A-di-đà
Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chuyện này hoàn toàn có thể làm
được, chỉ cần chúng ta có tâm nguyện này.
Mọi
người có thể hiểu được tâm của bà lão hơn 70 tuổi này không? Chúng ta
là người nhà Phật thì phải nói lời nhà Phật, làm chuyện nhà
Phật. Người chân chánh phát tâm như vậy thật sự không nhiều! Con
người vẫn luôn như thế, anh không xúc phạm “tôi”, hết thảy đều tốt
tốt tốt, nếu anh xúc phạm tôi, tôi liền nhảy dựng lên. Vậy tôi
phải làm sao? Tôi nói được rồi được rồi anh đừng nhảy dựng, tôi không
nói nữa là được chứ gì? Tôi bớt việc, anh thong dong, sao lại không
làm? Mặc dù nói muốn nghe lời phê bình, có thật vậy không? Đừng lừa
tôi nữa. Bà lão tôi không ngốc, nếu như ngốc cũng là giả
ngốc, dạo chơi cuộc đời thôi mà!
Mấy
hôm trước, Tiểu Vu nói một câu khiến tôi cảm động suýt rơi nước
mắt. Tiểu Vu nói: “Lấy chí thầy làm chí mình”. Lúc đó tôi
nghĩ, xã hội hiện nay vẫn có người nói ra lời như vậy, thật sự
không phải Thánh cũng là Hiền! Hy vọng Tiểu Vu có thể làm thánh hiền thật
sự, hoàn toàn thay đổi vận mệnh cuộc đời! Thoát khỏi lục đạo luân
hồi, đời này chỉ có một cơ hội này. Lời này của tôi là nói với tất cả
mọi người. Tại sao lại phải trợ niệm 37 ngày cho ông cụ vừa vãng
sanh? Bởi vì tam tư lương tín nguyện hạnh của ông ấy không đầy
đủ. Không phải không có, mà không đủ. A-di-đà Phật quá từ
bi, giữ ông lại một khoảng thời gian, để ông ấy góp đủ tư lương vãng
sanh. Thiện căn, phước đức, nhân duyên của ông đều đầy đủ. Nếu
như trong ba thứ này có một thứ không đủ thì ông ấy không thể vãng
sanh. Duyên của ông quá thù thắng, trong một vạn người cũng khó mà
gặp được một người có duyên thù thắng như vậy. Nói về việc trợ
niệm, đó không phải là niệm ba ngày năm ngày, mà niệm ba mươi bảy
ngày đó! Thời tiết nóng bức, ngồi yên không động đậy mà cả người cũng
đầy mồ hôi, huống chi là đóng cửa đóng cửa sổ niệm Phật, chỉ mở một
cánh cửa sổ, oi bức ngột ngạt, rất nhiều đồng tu đều bị nổi
rôm, không ai kêu khổ, không ai than mệt, khích lệ nhau, âm thầm
kiên trì. Đồng tu của chúng ta thật dễ thương, những ngày đó tôi
đột nhiên có một cảm giác, ai là người thân? Bạn đồng tu chí đồng đạo
hợp là những người thân yêu nhất! Lần trợ niệm vãng sanh này là
minh chứng tốt nhất. Không phải người thân nhưng lại hơn cả người
thân, không phải họ hàng nhưng lại hơn cả họ hàng.
Lần
này ông ấy vãng sanh có chướng ngại, có khoảng năm chướng
ngại. Không phá trừ chướng ngại thì không thể vãng sanh. Cũng may đều
thuận lợi hóa giải hết những chướng ngại này. Cảm ân chư vị đồng tu
trợ niệm, trợ niệm tiếp sức, ông ấy thuận lợi vãng sanh thế giới Tây
Phương Cực Lạc, các vị đều có công lao, công đức vô lượng! Đưa
tiễn vãng sanh không phải trò đùa, phải thật sự thận trọng! Lần trợ
niệm vãng sanh này, từ cá nhân tôi mà nói, thu hoạch lớn nhất đó
là một lần nữa đích thân thể ngộ được công đức của danh hiệu không thể
nghĩ bàn, thật sự không thể nghĩ bàn! Sức oai thần đó tôi đã thể
nghiệm được rồi, dùng lời nói không cách nào diễn tả được. Tôi có cảm
giác, lần niệm Phật này, các bạn đồng tu đã niệm câu Phật hiệu ra
thần thái. Tiếng Phật hiệu gần như hài hòa đồng nhất, tôi tin
tưởng âm thanh đó chấn động hư không pháp giới. Không phải hai mươi mấy
người trong đạo tràng của chúng ta niệm A-di-đà Phật, mà cả hư không
pháp giới đều đang niệm A-di-đà Phật, cả vũ trụ là một câu
A-di-đà Phật. Thật tuyệt vời, tuyệt vời không tả xiết!
Phẩm
vị vãng sanh của ông cao, nằm ngoài dự đoán của tôi, khiến tôi kinh
ngạc, cũng khiến tôi cảm thấy vui vẻ yên tâm. Phẩm vị này của
ông là nhờ 37 ngày trợ niệm mà được tăng lên, một lần nữa dùng sự
thật chứng minh sức oai thần và công đức không thể nghĩ bàn của một
câu Phật hiệu. Đạo tràng của chúng tôi là đạo tràng chuyên tu trì
danh niệm Phật Tịnh độ, đạo tràng chuyên tu trì danh niệm Phật Tịnh
độ đưa tiễn vãng sanh như thế nào? Lần này có thể nói là sự thử
nghiệm của chúng tôi: không tụng kinh, không trì chú, không khai
thị, trừ trường hợp đặc biệt, không tổ chức pháp hội, một câu
A-di-đà Phật niệm đến cùng. Thực tiễn chứng minh, một câu A-di-đà
Phật đưa tiễn vãng sanh có tác dụng, đơn giản, dễ thực hành, hiệu quả rất
tốt. Từ nay về sau, chúng tôi sẽ tiếp tục dùng phương pháp này để đưa
tiễn vãng sanh. Ngày 13 tháng 11, ngày thứ 100 lão Bồ-tát Đổng
Thụ Trân vãng sanh, chúng tôi cử hành một nghi thức cúng tế ngắn
gọn nhưng lại long trọng, năm người con của ông, không thiếu người
nào, từ khắp nơi trở về đây cúng tế cha mình, người thân họ hàng và
bạn đồng tu có khoảng ba mươi, bốn mươi người tham gia cúng tế, hoa
tươi, trái cây cúng tế người thân, đơn giản, trang trọng, trang
nghiêm. Cầu mong lão Bồ-tát Đổng thương xót chúng sanh khổ nạn, sớm
ngày lái ngược thuyền từ, trở lại Ta-bà, cứu độ chúng sanh khổ nạn
lìa khổ được vui. Mong cho con cháu trong thiên hạ đều có thể giống
như con cháu của lão Bồ-tát Đổng, hiếu thuận cha mẹ, không quên ơn
dưỡng dục của cha mẹ, cha mẹ nuôi bạn lúc nhỏ, bạn phải phụng dưỡng
cha mẹ khi về già, nuôi dưỡng thân thể cha mẹ, để cha mẹ về già có
nơi ở; nuôi dưỡng tâm của cha mẹ, để tâm cha mẹ có nơi nương
tựa; nuôi dưỡng chí hướng của cha mẹ, để cha mẹ hãnh diện vì
bạn. Lúc nào thuận tiện thì nên thường về nhà thăm nom, các con
cái vĩnh viễn là vướng mắc trong lòng cha mẹ. Lời này có thể có người
không muốn nghe, nhưng đây là lời thật. Ngài Xá-lợi-phất tám mươi
tuổi còn phải trở về bên cạnh mẹ già trăm tuổi, nhập Niết-bàn ở căn
phòng nhỏ, nơi mà mẹ nuôi dưỡng ông khi còn nhỏ. Câu chuyện có thật
đã kể xong rồi, mong là quý vị đồng tu nghe xong có được lợi
ích. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là chuyện quan trọng nhất trong cuộc
đời, nhất định không được lơ là.
Mời
xem mấy câu kinh tiếp theo:
“Hựu hữu thù thắng hạnh nguyện, cập niệm
huệ lực, tăng thượng kỳ tâm, kiên cố bất động. Tu hành tinh
tấn, vô năng du giả”.
Bốn
câu đầu chỉ có Tỳ-kheo Pháp Tạng mới có.
“Thù
thắng hạnh nguyện” là chỉ bốn mươi tám nguyện.
“Cập
niệm huệ lực” là “ngũ căn, ngũ lực” trong kinh A-di-đà. Điều mục của
ngũ căn, ngũ lực đều là tín, tấn, niệm, định, huệ. Ở đây chỉ nói tới
hai điều niệm và huệ; hai điều khái quát cả năm điều. Thù là đặc
thù, thắng là siêu việt. Siêu phàm thoát tục, hiếm có khó
gặp, nên gọi là thù thắng. “Hạnh nguyện”, hạnh là thân hạnh, nguyện
là tâm nguyện. Luận Bồ-đề Tâm nói: “Cầu Bồ-đề là phát tâm
Bồ-đề, tu tâm Bồ-đề”. Phát tâm Bồ-đề là nguyện, tu tâm Bồ-đề là
hạnh. Cho nên người cầu Bồ-đề phải có nguyện có hạnh. Tín, nguyện,
hạnh là tam tư lương, chẳng thể thiếu một. Tín tâm thù thắng của
Tỳ-kheo Pháp Tạng đứng hàng đầu. “Hạnh nguyện”, chữ nguyện này rất
quan trọng, đây là cốt lõi của tự giác giác tha. Nguyện đến từ
tín, có tín tâm mới sẵn lòng làm, đó là thành quả của tín
tâm, hơn nữa còn phải phát sinh hành động, cho nên nguyện là cốt lõi
của thừa tín khởi hạnh. Vì Phật Di-đà phát thệ nguyện rộng lớn như
biển nên gọi là Đại Nguyện Vương. Để chứng biển nguyện
này, Tỳ-kheo Pháp Tạng tích lũy công đức trong vô lượng
kiếp, một lòng trang nghiêm Cực Lạc Tịnh Độ. Do đại nguyện sanh ra
đại lực, sanh ra đại hạnh, thành tựu vô số y chánh trang nghiêm của
thế giới Cực Lạc và pháp môn Tịnh độ phổ độ chúng sanh, mấu chốt
trong đó là Nguyện.
“Cập
niệm huệ lực”. Niệm huệ lực là niệm lực, huệ lực trong ngũ lực, cộng
thêm tín lực, tinh tấn lực, định lực gọi là ngũ lực. Ngũ căn: tín,
tinh tấn, niệm, định, huệ. do tu trì nên được tăng trưởng, tăng
trưởng sẽ sanh ra sức mạnh, không bị các ma phiền não bên ngoài phá
hoại, nên gọi là ngũ lực. Niệm lực, huệ lực trong ngũ lực đặc
biệt quan trọng, nên nêu ra đại diện cho ngũ lực. Ngũ lực là ngũ căn
tăng trưởng, ngũ căn nâng cấp lên là ngũ lực. Lực này là tự tánh vốn
có.
Niệm
lực, đại sư Linh Phong nói: “Niệm căn tăng trưởng, phá các tà
niệm, thành tựu hết thảy công đức chánh niệm xuất thế” gọi là “niệm
lực”, niệm căn tăng trưởng này có thể loại trừ tà niệm, hơn nữa
còn giúp công đức chánh niệm xuất thế tăng trưởng, sức mạnh này gọi là
niệm lực. Có thể giúp chánh niệm tăng trưởng, công đức xuất thế tăng
trưởng. Huệ lực, đại sư nói: “Có thể giá, giá nghĩa là dừng
lại, thông hoặc và biệt hoặc, phát sanh vô lậu chân thật, đây là
huệ lực”.
Thông
Hoặc là:
Một, Kiến Tư Hoặc. Phá Kiến Tư Hoặc gọi
là Lậu Tận, liền chứng A-la-hán.
Hai, Trần Sa Hoặc. Vô lượng bệnh của chúng
sanh có vô lượng phương pháp trị bệnh, không biết những điều này gọi
là Trần Sa Hoặc.
Biệt
Hoặc là: Vô Minh Hoặc. Đây chỉ là Hoặc mà Biệt Giáo Bồ-tát cần phải
đoạn, gọi là Biệt Hoặc.
Cho
nên huệ lực có thể dừng Kiến Tư, Trần Sa; hai loại Thông Hoặc và Vô Minh
Hoặc, cũng chỉ là dừng hoặc, không phải trừ tận gốc. Sức mạnh
của trí tuệ có thể dừng tam Hoặc, có thể phát khởi trí tuệ chân thật của
vô lậu, nên niệm lực rất quan trọng.
“Tăng
thượng kỳ tâm”. Hàm nghĩa của tăng thượng, là có một sức mạnh có thể giúp
tăng trưởng. Cũng giống như chúng ta bón phân, tưới nước, trừ sâu,
chiếu sáng cho cây trồng vậy, nó sẽ phát triển, ở đây gọi là “tăng
thượng kỳ tâm”. Kinh Kim Cang nói “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm”, “tăng thượng kỳ tâm” và “nhi sanh kỳ tâm”, hai chữ “kỳ
tâm” này là như nhau, tâm cần tăng thượng chính là tâm vô sở trụ
trong kinh Kim Cang, cũng chính là tự tâm của bạn, bổn diệu minh tâm
của bạn, không phải vọng tâm của bạn. “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm”, vô sở trụ tức là không có gì cả, sanh tâm gì? Sanh tâm độ
chúng sanh. Tâm độ chúng sanh là một, phương pháp độ chúng sanh là
thiên biến vạn hóa, đó gọi là gì? Gọi là phương tiện thiện xảo.
Hiện
nay, tâm mà chúng ta làm chủ không phải là diệu minh chân tâm, mà là
vọng tâm nông nổi, đây là nhận giặc làm cha, nhận giặc làm
con, cho nên đúng thật là người đáng thương. Diệu minh chân tâm vốn
có của chúng ta giống như mặt trời ở trong mây đen dày đặc vậy, mọi
người chỉ thấy được mây đen dày đặc, mà không nhìn thấy ánh sáng mặt trời
phía sau mây đen. Cũng giống như tấm gương sáng, bị một lớp bụi dày
che phủ hết mặt gương, vậy thì tấm gương này không thể soi được
nữa, lau sạch bụi bẩn thì ánh sáng hiển hiện rồi. Bởi vì ánh
sáng không đến từ bên ngoài, lúc không thể soi chiếu, ánh sáng cũng
không bị tổn thất; sau khi lau sạch sẽ tấm gương, ánh sáng cũng không
đến từ bên ngoài, cũng không tăng trưởng, cho nên nói không tăng
không giảm, nhưng trước khi bạn lau sạch thì không thể soi; bây
giờ có thể soi, như vậy chính là tăng. Đối với bổn thể mà
nói, không có tăng giảm, hiện tại từ góc độ soi chiếu thì mặt
gương sạch sẽ mới có thể soi được. Tăng thượng, chỉ tu đức mà nói, tu
đức có công, tánh đức mới hiện. Đối với đức của bổn thể thì cần
phải tu đức mới có thể khiến nó khai hiển, nên xuất hiện “tăng thượng”.
“Kiên
cố bất động”. Kiên là kiên định; cố là vững chắc, bất động là không
lay động. Chí nguyện tín giải, niệm lực và huệ lực của Tỳ-kheo Pháp
Tạng đều rất kiên cố, không thể lay động, không bị hết thảy làm
dao động. Giống như Kim Cang Bát-nhã, có thể phá hết thảy, không
thể bị hết thảy phá, nguyện này kiên cố, không lay động. Kinh
Kim Cang nói “như như bất động”, chữ “như” đầu tiên là động từ, chữ
“như” phía sau là danh từ. Giống với Chân Như, không lay
động, an trụ trong như như bất động. Đây là cách giải thích “kiên cố
bất động”.
“Tu
hành tinh tấn, vô năng du giả”. Tinh là tinh thuần, không có ác trược tạp
nhiễm, tấn là nâng cấp, tiến bước, chẳng lười biếng; du là vượt
hơn. Tỳ-kheo Pháp Tạng tinh tấn tu hành đứng đầu trong đại chúng thế
gian vào thời kỳ Thế Gian Tự Tại Vương, không ai có thể sánh bằng
ngài, càng không ai có thể hơn ngài, nên gọi là “vô năng du
giả”. Học tập những câu kinh trên cảm thấy rất hổ thẹn, tôi học
Phật 20 năm nay, tự cho rằng mình là một người tu hành, so sánh với
sự phát tâm, phát nguyện, tu hành của Tỳ-kheo Pháp Tạng, thật sự hổ
thẹn không dám nhận, so sánh mới biết được, chúng ta sao được coi là
tu hành? Chúng ta thật sự đang tu hành sao? Chúng ta tu điều
gì? Hành điều gì? Tôi tự hỏi mình, hai mươi năm nay tôi thọ
trì kinh Vô Lượng Thọ, rốt cuộc bộ kinh này giảng điều gì? Viết bản
thảo cho lần phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ đầu tiên, viết bản thảo cho
chuyên đề giảng tọa kinh Vô Lượng Thọ, viết bản thảo cho lần phúc giảng
kinh Vô Lượng Thọ thứ hai, tôi đã viết rõ chính mình, giảng rõ
ràng, tôi nhận được lợi ích, tôi thông suốt rồi.
Kinh
Vô Lượng Thọ giảng điều gì? Nói rộng thêm một chút, trong 49 năm
Thích-ca Mâu-ni Phật giảng điều gì? Đề kinh của Vô Lượng Thọ đã
bao hàm tất cả. Nói ngắn gọn hơn một chút chính là năm
chữ: thanh tịnh, bình đẳng, giác. Mọi người nghiêm túc suy nghĩ thử
xem, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, có pháp môn nào có
thể ra khỏi năm chữ này? Vào giây phút này tôi mới thật sự hiểu được lời
lão pháp sư nói: “Một bộ kinh Vô Lượng Thọ, một câu Phật hiệu A-di-đà
Phật đã đủ rồi”. Xin chú ý ba chữ “đã đủ rồi”. Bạn có đồng ý với
câu này không? Đồng ý ba chữ này không? Chúng ta học Phật nhất định
phải hiểu rõ mục tiêu, phải thành Phật trong đời này, chọn con
đường thành Phật trong đời này mà đi; muốn trở thành nhà Phật
học, thì chọn con đường trở thành nhà Phật học mà đi; muốn kết duyên
với Phật, thì chọn con đường kết duyên mà đi. Mục tiêu khác
nhau tự nhiên sẽ chọn con đường khác nhau, bạn đã chọn xong chưa?
Ngẫm
lại chính mình học Phật hai mươi năm, muốn dụng công nhưng không biết
dụng công, những thứ tìm cầu bên ngoài còn quá nhiều. Ví dụ như hoàn
cảnh tu học, luôn muốn tìm một nơi tùy tâm mình, thuận ý mình, tìm
nơi thanh tịnh tu hành. Không biết rằng người biết dụng công, mọi lúc
mọi nơi đều là đạo tràng, đều là đạo tràng tu hành, tu hành là tu
gì? Tu tâm thanh tịnh, tu như như bất động, đó là “không khởi
tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước”. Tâm không
thanh tịnh, thì nơi nào cũng không thanh tịnh.
Năm
2010, lần đầu tiên tôi tới Hồng Kông gặp sư phụ, sư phụ dặn dò
tôi, không những làm tốt chính mình mà còn phải giúp đỡ thiên
hạ. Tôi ghi nhớ kỹ lời sư phụ dặn dò, nỗ lực muốn làm thật
tốt. Mười năm trôi qua, làm vẫn chưa hài lòng hết thảy mọi
người. Tôi chỉ có thể an ủi mình rằng tôi đã tận lực, nhưng mà chỉ
tận lực thôi thì không được. Nghĩ thử xem, chư Phật Bồ-tát đến thế
gian này làm gì? Giáo hóa chúng sanh. Mục đích giáo hóa chúng sanh
của chư Phật Bồ-tát chỉ có một, Phật quá khứ cũng như vậy, Phật hiện
tại cũng như vậy, Phật tương lai cũng như vậy, sẽ không thay
đổi. Mục đích là gì? Giúp đỡ hết thảy chúng sanh lìa khổ được
vui. Lìa nỗi khổ rốt ráo, thoát khỏi lục đạo luân hồi, thoát
khỏi thập pháp giới; được niềm vui rốt ráo, vãng sanh bất thoái thành
Phật.
Chính
mình có tâm độ chúng sanh, nhưng không có phương pháp độ chúng
sanh, có lúc trong lòng nôn nóng. Từ sau khi chồng tôi vãng
sanh, tôi liền có cảm giác cấp bách, biểu hiện trên hành động là
muốn đốt cháy giai đoạn đối với đồng tu bên cạnh, hy vọng họ mau chóng
chín chắn, mau chóng thành thục. Khi chúng ta độ chúng sanh, đồng
thời cũng phải độ chính mình, độ chính mình không chướng ngại độ chúng
sanh, độ chúng sanh không chướng ngại độ chính mình, quá trình độ
chúng sanh cũng là quá trình giúp chính mình nâng cao. Chúng ta học
theo Bồ-tát học đã giống chưa? Nói từ bản thân tôi, tôi nỗ lực muốn
học cho giống, nhưng chưa giống hoàn toàn, tôi phải tiếp tục nỗ lực!
Chúng
ta phải hiểu đạo lý này: có thể dùng từ bi đối đãi với hết thảy chúng
sanh, như vậy gọi là Thích-ca; có thể dùng thanh tịnh bình đẳng
giác đối đãi với người việc vật, như vậy gọi là A-di-đà; đây gọi
là tự tánh Thích-ca, tự tánh Di-đà, là danh xưng trong tánh đức của chúng
ta. Mỗi một người có thể tự hỏi lại mình: mình đã từ bi
chưa? mình đã Thanh tịnh chưa? mình đã Bình đẳng chưa? mình đã
Giác chưa? Nếu như bạn từ bi rồi, chúc mừng bạn, bạn là
Thích-ca; nếu như bạn thanh tịnh rồi, bình đẳng rồi, giác rồi, chúc
mừng bạn, bạn là A-di-đà Phật. Tôi tùy hỷ công đức của bạn!
Không có tâm từ bi.
Bạn là Bồ-tát gì.
Chính mình nói thế
nào.
Đó cũng đều là giả.
Bạn có tâm từ bi.
Thật lòng thương chúng
sanh.
Không cần chính mình
nói.
Bạn là Bồ-tát thật.
Tiết
học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!