Tập 26 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 03/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 26

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem bài kệ tụng tiếp theo:

Như Lai vi diệu sắc đoan nghiêm

Nhất thiết thế gian vô hữu đẳng

Quang minh vô lượng chiếu thập phương

Nhật nguyệt hỏa châu giai nặc diệu.

Bài kệ này tán thán đức của Phật, tán thán tướng hảo quang minh của Phật. “Như Lai” là chỉ Thế Gian Tự Tại Vương Phật. “Sắc” là sắc tướng. “Đoan” là đoan chánh. “Nghiêm” là trang nghiêm. Trang nghiêm là tốt đẹp, trong Phật pháp gọi là trang nghiêm tốt đẹp, không ai có thể sánh bằng. Chư Phật Bồ-tát đều là mỹ nam tử, sắc đẹp cũng là phương pháp tiếp dẫn chúng sanh của Phật. Rất nhiều người nhìn thấy Phật rồi không nỡ rời khỏi, ngài thật quá đẹp! Các đồng tu đã đọc qua kinh Lăng Nghiêm đều biết, tại sao tôn giả A-nan lại xuất gia? Bởi vì nhìn thấy tướng mạo của Phật quá đẹp, A-nan nghĩ, Phật đẹp như vậy, không thể nào do cha mẹ sanh ra được, nhất định là do tu được, A-nan cũng muốn đẹp như Phật, cho nên theo Phật xuất gia, xem thử Phật tu hành bằng phương pháp gì mà tu được đẹp như vậy. Phàm phu đều có tâm tham cầu sắc đẹp, nên Phật dùng phương pháp này để dẫn dụ mọi người. Người xưa nói: “sắc đẹp có thể khiến người ta quên đói”, Phật liền dùng tướng hảo làm phương pháp, cho nên chư Phật Bồ-tát đều đẹp.

“Sắc” trong bài kệ tụng này là sắc tướng, sắc tướng này là nói sắc tướng cõi Thật Báo Trang Nghiêm và Báo Thân của Phật đều “vi diệu”, “đoan nghiêm”. Vi diệu là trí tuệ. Phẩm Tích Lũy Công Đức trong kinh Vô Lượng Thọ, sau khi Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện trước Phật, liền “trụ chân thật huệ…. Nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”. Có thể chứng minh nguyên nhân thế giới Cực Lạc trang nghiêm đẹp đẽ hơn mười phương cõi nước chư Phật là do đại trí tuệ của Tỳ-kheo Pháp Tạng lưu hiện ra. Vãng Sanh Luận nói: thế giới Cực Lạc Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, cõi Phật trang nghiêm…. đều vào trong một câu thanh tịnh, trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Cũng nói sự trang nghiêm của thân Phật, cõi Phật đều đến từ trí tuệ chân thật, nên đẹp đẽ mới lạ, trang nghiêm không thể nghĩ bàn.

“Vi” là tinh vi, nghĩa là tinh diệu và vi tế. Tâm của chúng sanh thô không thể nhập tế, diệu tướng của Phật có vô lượng trang nghiêm, nhưng mà chúng sanh lại không thể phát giác. “Diệu” là tuyệt diệu, có nghĩa là không thể sánh bằng, không thể nghĩ, khen ngợi không sao bằng được. Chữ diệu lại thêm một chữ vi, càng vi diệu tột cùng.

“Nhất thiết thế gian vô hữu đẳng”. Nhất thiết thế gian ở đây là chỉ hết thảy cõi nước trong mười phương. Tỳ-kheo Pháp Tạng khen ngợi sự vi diệu đoan nghiêm của Báo Thân, Báo Độ, Sắc Tướng của Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, các thân, các cõi trong hết thảy thế giới mà Tỳ-kheo Pháp Tạng có thể thấy được đều không thể sánh bằng, đây là bài kệ tán Phật mà chúng ta thường đọc “chỗ con thấy được khắp mười phương, hết thảy không đâu bằng chư Phật” cũng chính là ý này.

“Quang minh vô lượng chiếu thập phương

Nhật nguyệt hỏa châu giai nặc diệu”.

Đây là tán thán trí tuệ quang minh của Phật. Phật có quang minh phàm phu không thể nhìn thấy Phật quang, không phải Phật quang không chiếu chúng ta, mà do chính chúng ta có chướng ngại. Quang minh có hai ý nghĩa:

Một, là thân quang, phóng quang, là hào quang trên hình tướng.

Hai, là đại biểu cho trí tuệ. Trí tuệ của Phật rộng lớn viên mãn, biến khắp mười phương thế giới rộng lớn. Nơi Phật quang chiếu tới, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, lửa, châu ngọc đều “nặc diệu”. “Nặc” là ẩn tàng; “Diệu” là ánh sáng.

Trong ánh Phật quang, ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, hỏa, châu ngọc đều không hiển hiện. Ví như trăng sáng sao thưa, ánh trăng sáng rỡ thì sẽ nhìn thấy ít sao hơn. “Châu” là ngọc Ma Ni, cũng gọi là ngọc Như Ý, có ánh sáng rực rỡ. Hội Sớ nói: “Vật sáng nhất trong muôn vật không gì hơn được ngọc Ma Ni”. Muôn vật trên thế gian, ánh sáng của chúng chiếu rọi rực rỡ cũng không thể hơn được ngọc quý Ma Ni, nhưng mà trong Phật quang, ánh sáng của Ma Ni cũng không thể hiện ra. Trong quang minh của Phật hiển thị sự thanh tịnh, bình đẳng, trí tuệ, từ bi. Một câu này đã bao hàm vạn đức vạn năng của Như Lai trên quả địa. Tánh đức của Phật như vậy, tánh đức của chúng ta cũng không khác với Phật. Tánh đức của Phật hiển lộ ra, tánh đức của chúng ta bị ẩn tàng (giấu kín), ẩn tàng trong vọng tưởng, chấp trước, phiền não. Vì vậy, nếu có người hỏi bạn Phật pháp là gì? Nội dung của Phật giáo là gì? Câu trả lời rất đơn giản: Phật pháp dạy chúng ta nhận biết chính mình, nhận biết hoàn cảnh sinh sống của mình; nội dung của Phật giáo là dạy chúng ta khôi phục trí tuệ bổn tánh của chính mình. Chỉ vậy mà thôi.

Mời xem bài kệ tụng tiếp theo:

Thế Tôn năng diễn nhất âm thanh

Hữu tình các các tùy loại giải.

Hựu năng hiện nhất diệu sắc thân

Phổ sử chúng sanh tùy loại kiến.

Trong bài kệ tụng này, tán thán đức năng, từ bi của Phật, cũng là tác dụng của tánh đức. Như Lai diễn thuyết, trong một âm thanh có thể khiến cho chúng sanh trong khắp pháp giới tùy theo ngôn ngữ của từng loài mà hiểu được. Bạn thấy như vậy hay biết bao, không cần phiên dịch. Trong một âm thanh bao hàm vô biên diệu dụng, trong một có nhiều, chính là cảnh giới sự sự vô ngại trong Hoa Nghiêm. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Lời nói Như Lai đều thanh tịnh, một lời đầy đủ biển âm thanh, tùy âm ưa thích của chúng sanh, mỗi một tiếng biển biện tài Phật”. Lời bài kệ này cũng giống như kinh này.

Ngôn ngữ trên thế gian, bởi vì tiếng địa phương khác nhau, trình độ không bằng nhau, nên người nghe thường nghe thấy cũng giống như không nghe thấy vậy. Nhưng mà lời nói của Như Lai không có chướng ngại này, tất cả đối tượng nghe thấy, cho dù là người địa phương này, hay người địa phương khác, là người trí hay người ngu, là người hay thú đều vui vẻ hiểu được. Mấu chốt ở chỗ lời nói của Như Lai là lời thanh tịnh, câu thanh tịnh, là âm thanh vi diệu lưu xuất từ tự tánh lìa cấu vô nhiễm. Nên trong mỗi âm thanh đều là toàn bộ tánh đức, bao hàm vô biên diệu dụng, có thể bao gồm biển biện tài của Phật, đương nhiên bao gồm ngôn ngữ mà hết thảy chúng sanh muốn nghe, mỗi một chúng sanh đều có thể đạt được phần tương ứng của mình, hoan hỷ khai giải.

“Hựu năng hiện nhất diệu sắc thân

Phổ sử chúng sanh tùy loại kiến”.

Phật có năm loại thân:

Một, Pháp Thân, là Lý Thể của Trung Đạo, lìa khỏi hết thảy hý luận, đầy đủ vô biên công đức thanh tịnh, chân thật, là cảnh giới của Phật.

Hai, Báo Thân, bậc Bồ-tát từ Sơ Địa trở lên mới thấy được.

Ba, Ứng Thân, chỉ thân Phật hiện tám tướng thành đạo.

Bốn, Hóa Thân, chỉ thân Phật hóa hiện thông thường.

Năm, Đẳng Lưu Thân, là thân do Phật thị hiện cùng một hình dáng với trời, người, quỷ, súc sanh v.v… Có thể giúp cho chúng sanh dị loại cũng có thể thấy Phật. Ví dụ như Tiêu Diện Đại Sĩ là Quán Âm Bồ-tát hiện thân Quỷ Vương. Có thể khiến chúng sanh cõi quỷ được thấy ngài và nghe pháp.

Hiện nay, Phật hiện ra một sắc thân vi diệu, có thể khiến cho các loài chúng sanh tùy theo hình thể riêng biệt mà họ có thể nhìn thấy để thấy được Phật. Phía trước nói âm thanh, phía sau nói thân tướng, cùng biểu hiện sự sự vô ngại trong Hoa Nghiêm và công đức không thể nghĩ bàn.

Bài kệ tụng tiếp theo là Tỳ-kheo Pháp Tạng phát nguyện. Mời xem đoạn đầu tiên “nguyện thanh đồng Phật”. Mời xem kinh văn:

Nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh

Pháp âm phổ cập vô biên giới

Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn

Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp.

[Bài kệ] trên đây là tán thán công đức của Phật. Từ đoạn này trở xuống là Tỳ-kheo Pháp Tạng phát đại thệ nguyện. Phát nguyện rất quan trọng, tổ sư của Liên tông là đại sư Tĩnh Am nói: “Việc quan trọng khi tu hành là trước tiên phải lập nguyện. Lập nguyện thì có thể độ chúng sanh, phát tâm thì có thể thành Phật đạo… Muốn học Như Lai Thừa, trước tiên nhất định phải cụ phát nguyện Bồ-tát, không thể chậm trễ”. Cụ phát nghĩa là toàn phát, phải hoàn toàn phát khởi đại nguyện Bồ-tát tự giác giác tha. Bởi vì muốn giác tha, trước tiên chính mình phải giác ngộ. Chúng ta muốn giúp người khác tỉnh ngộ, muốn đánh thức người khác khỏi giấc mộng, chính mình nhất định phải tỉnh táo. Cho nên muốn độ chúng sanh, trước tiên phải tự giác. Hiện nay, mặc dù rất nhiều người có tâm độ chúng sanh, nhưng chính mình vẫn còn mê mờ, còn nhiều tật xấu lại muốn hoằng pháp lợi sanh, điều này đích thực là xa rời thực tế.

Ví dụ: một người muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho người khác, nhưng lại không nghiên cứu y học, cũng không có kinh nghiệm lâm sàng. Bạn như vậy mà làm bác sĩ, chắc chắn sẽ phạm hai sai lầm: một là không có giấy phép hành nghề; hai là thầy lang băm hại chết người. Chẩn đoán sai lầm, hại chết bệnh nhân. Mặc dù xuất phát từ tâm tốt, đáng tiếc là hoàn toàn trở thành việc xấu. Mạng người quan trọng, sao có thể coi thường. Nhưng mà huệ mạng còn quan trọng hơn sanh mạng của một người, nên muốn giác tha trước tiên phải tự giác.

Hiện nay có một chuyện cần được các bạn đồng tu chú ý, bất kể xuất gia hay tại gia, chỉ dẫn người khác tu hành như thế nào, học Phật như thế nào, nhất định phải dựa vào kinh điển, nương theo lời dạy bảo của tổ sư đại đức mà chỉ dạy họ, không thể chỉ dạy họ theo tri kiến của chính mình. Thích làm thầy người khác, chỉ dẫn sai lầm cho chúng sanh, thậm chí còn đoạn pháp thân huệ mạng của người khác, nhất định không thể! Tuyệt đối không thể! Đưa tiễn vãng sanh là chuyện vô cùng nghiêm túc, không thể có chút sơ suất nào, chúng ta phải chịu trách nhiệm về pháp thân huệ mạng của một người.

“Nguyện ngã đắc Phật thanh tịnh thanh

Pháp âm phổ cập vô biên giới”.

Đoạn này hoàn toàn thể hiện quan hệ giữa giác tha và tự giác. Âm thanh của Phật hay, âm thanh dùng để thuyết pháp, nên trước tiên Tỳ-kheo Pháp Tạng cầu âm thanh của mình giống với Phật, “nguyện được tiếng thanh tịnh của Như Lai”, “thanh tịnh là không có lỗi lầm ác hạnh, lìa cấu nhiễm phiền não”, đây gọi là thanh tịnh. Phật có thể dùng một âm thanh khiến cho hết thảy chúng sanh đều hiểu được, do đó Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện có thể có được công đức giống như vậy, cũng có thể dùng tiếng thanh tịnh tuyên dương diệu pháp trọn khắp “vô biên giới”.

Giới có hai nghĩa:

Một, không gian, ở đây biểu thị cõi nước.

Hai, chủng loại, biểu thị tầng lớp của con người trong công việc và cuộc sống. Ví dụ như thế gian thường nói giới chính trị, giới thương nhân, nhân sĩ các giới. Bởi vì âm thanh của Phật thanh tịnh, tự nhiên lưu xuất từ trong biển trí tuệ của Phật, không hề có bất kì tư tâm lợi, tạp niệm, vọng tưởng, chấp trước gì, nên có thể tuyên lưu pháp âm, truyền đạt đến hết thảy thế giới, lợi ích vô lượng vô biên các loài chúng sanh khác nhau. Để có thể lợi ích chúng sanh vô hạn, Tỳ-kheo Pháp Tạng nguyện cầu công đức vô biên.

“Tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn”.

Phía trước nói pháp âm, không biết pháp âm là gì? Pháp âm chính là “tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn”. Trong Lục Độ tại sao không cần những điều khác, mà đặc biệt đề xướng Tinh Tấn? Chỉ nói Giới Định trong Tam Học, không nhắc tới Tuệ, dụng ý rất sâu xa. Học Phật bắt đầu học từ đâu? Trước tiên phải biết Phật là gì? Nội dung thật sự của Phật pháp là dạy chúng ta nhận biết chính mình, nhận biết hoàn cảnh sống của chính mình. Chính mình là nhân sanh, hoàn cảnh là vũ trụ. Phải biết rõ chân tướng của chính mình và hoàn cảnh, biết được chân tướng chính là khai ngộ; không biết chân tướng là “mê”, mê hoặc điên đảo. Rộng thuyết diệu pháp, trước tiên là “tuyên dương Giới, Định, Tinh Tấn môn”. Giới, Định, Tinh Tấn là ba độ trong Lục Độ. Giới là Tam Vô Lậu Học (Giới Định Tuệ), [giới] đứng đầu trong Lục Độ vạn hạnh, là tầng đầu tiên của bảo tháp. Trong thời không có Phật, chúng sanh phải “lấy giới làm thầy”, có thể chứng minh giới luật vô cùng quan trọng. Cho nên chữ đầu tiên mà Tỳ-kheo Pháp Tạng muốn thuyết pháp lợi sanh là chữ “giới”.

“Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp”.

Ý nghĩa của câu kệ này rất sâu xa, đáng để mọi người nhận thức tường tận. “Thậm thâm vi diệu pháp” là gì? Xin hãy chú ý! Ba từ thậm, thâm, vi diệu, một pháp dùng ba từ này cùng lúc để hình dung, có thể thấy được pháp này không tầm thường. “Thông đạt thậm thâm vi diệu pháp”, pháp này được mười phương chư Phật tán thán, trì danh niệm Phật, pháp vô thượng thậm thâm. Trong vô lượng vô biên pháp môn, trì danh niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, đích thực là pháp vi diệu thậm thâm. Mười phương chư Phật đều tán thán, không vị Phật nào không tán thán. Tán thán điều gì? Tán thán trì danh niệm Phật, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, pháp này là pháp vô thượng thậm thâm, thật quá hiếm có, là đại pháp siêu việt thù thắng nhất trong hết thảy pháp. Chúng ta học Phật, niệm Phật nhiều năm như vậy, mấy ai biết được công đức vô thượng của câu Phật hiệu này? Bởi vì không biết công đức của câu Phật hiệu lớn như vậy, nên không thể sanh khởi tín tâm với pháp môn này, nếu như thật sự biết được công đức của câu Phật hiệu này thù thắng và không thể nghĩ bàn, bạn sẽ sanh tâm hoan hỷ không gì sánh bằng đối với trì danh niệm Phật, bạn sẽ coi đó là châu báu, không chịu buông tay. Thực sự giống như lời người xưa nói, “từ vô lượng kiếp đến nay hiếm có khó gặp”.

Lần này tiễn Đổng lão Bồ-tát, cha chồng của Bồ-đề Tâm vãng sanh, các đồng tu thay phiên nhau trợ niệm không gián đoạn, trợ niệm 37 ngày, 888 tiếng đồng hồ, tinh thần sung mãn, không biết mệt mỏi, đây là loại sức mạnh gì? Là công đức của Phật hiệu không thể nghĩ bàn! Sau khi tiễn ông ấy ra đi, đồng tu đã rời khỏi nhà hơn một tháng, đáng lẽ nên trở về nghỉ ngơi, nhưng họ lại không chịu về, kiên trì niệm thêm 49 ngày. Có người nói, lần niệm Phật này không giống trước đây, niệm tới mức nghiện rồi. Tại sao vậy? Họ niệm ra pháp hỷ, nếm được pháp vị, đây mới là niệm Phật thật sự. Nếu sau khi những vị đồng tu này trở về có thể tiếp tục kiên trì, niệm Phật một năm, công phu thành phiến cũng không thành vấn đề. Công phu vừa thành phiến thì chúc mừng bạn, bạn thoát khỏi lục đạo rồi, bạn đã chứng đắc quả vị A-la-hán. Nhớ kỹ, không gián đoạn, không xen tạp, không hoài nghi.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Trí tuệ quảng đại thâm như hải

Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao

Siêu quá vô biên ác thú môn

Tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn

Vô minh, tham, sân, giai vĩnh vô

Hoặc tận, quá vong, Tam-muội lực. 

Sáu câu kệ tụng này là cầu trí tuệ. Sáu câu này mở đầu bằng trí tuệ, kết thúc bằng định, hàm nghĩa vô cùng sâu sắc. Học Phật không thể không có trí tuệ, không chỉ học Phật cần có trí tuệ, mà tu phước cũng cần có trí tuệ. Không có trí tuệ thì không thể phân biệt là phước hay họa, cũng không có khả năng phân biệt thật giả, tà chánh, thiện ác, thị phi, coi giả thành thật, coi ác thành thiện. Xã hội hiện nay khắp nơi đều có. Trắng đen đảo lộn, tự cho mình là đúng, thế có nguy không! Tỳ-kheo Pháp Tạng hiểu rõ, giáo hóa chúng sanh nếu chỉ có năm độ phía trước thì không đủ, nhất định phải lấy Bát-nhã làm đầu. Giúp chúng sanh có thể thông đạt Bát-nhã mới là bổn ý của Pháp Tạng. Để chúng sanh thông đạt Bát-nhã, trước tiên chính mình nhất định phải “trí tuệ rộng lớn sâu như biển”. Điều này chứng tỏ giác tha nhất định phải tự giác trước, vì giác tha mới tự giác, đây là chỗ khác biệt với Nhị Thừa.

Trước tiên chúng ta cùng xem kinh điển và các vị tổ sư đại đức nói về Bát-nhã như thế nào. Kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã ba-la-mật-đa nói: “Trí Tát-bà-nhã của chư Phật Như Lai đều từ Bát-nhã ba-la-mật sanh ra”, “hết thảy trí tuệ của chư Phật cũng từ Bát-nhã ba-la-mật sanh ra”, “Vào thời đại không có Phật, hết thảy thiện hạnh, chánh hạnh đều từ Bồ-tát sanh ra. Sức phương tiện của Bồ-tát đều từ Bát-nhã ba-la-mật sanh ra”. Từ đó thấy được, phương tiện trí tuệ của hết thảy Phật Bồ-tát đều từ Bát-nhã sanh ra, cho nên Bát-nhã được gọi là mẹ của chư Phật.

Vậy thì Bát-nhã là gì? Trong Vãng Sanh Luận Chú, đại sư Đàm Loan nói: “Bát-nhã giả, đạt như chi tuệ danh”. Thông đạt Chân Như, trí tuệ đạt đến Chân Như gọi là Bát-nhã. Đây không phải là bất kỳ trí tuệ nào trên thế gian, không phải bạn thuyết pháp như nước chảy mây trôi, không phải là viết luận văn, nhiều tác phẩm nổi tiếng, sách vở chồng chất, mà là trí tuệ thông đạt Chân Như. Đại Thừa Nghĩa Chương giải thích chữ Tuệ là “thể Chân Tâm sáng tỏ, tự tánh chẳng tăm tối, nhìn thấy [những điều đó] là tuệ”. Điều này nói rõ minh tâm kiến tánh mới là trí tuệ. Có người hiểu lầm rằng thế trí biện thông là trí tuệ, điều này hoàn toàn ngược lại, thế trí biện thông là chướng ngại lớn nhất của người tu đạo. Một người rất thông minh, rất sành đời, rất có mưu kế, rất thủ đoạn, khôn khéo linh hoạt, có tài ăn nói, đây là thế trí biện thông, là một trong tám nạn, tám nạn là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Bắc Câu Lô Châu, trời Vô Tưởng, đui điếc câm ngọng, thế trí biện thông, sanh trước và sau Phật. Thế trí biện thông cũng giống như ngồi chung một băng ghế với người bị bệnh thần kinh vậy, đây không phải là ưu điểm mà là khuyết điểm. Thông thường mà nói, mọi người không muốn kết giao quá nhiều với người như vậy, càng không muốn làm bạn với họ.

Tuệ là gì? Câu đầu tiên là “thể chân tâm sáng tỏ”, bản thể chân tâm của quý vị sáng tỏ, “tự tánh chẳng tăm tối”, tự tánh là bổn tánh của chính mình, tối tăm là vô minh. Loại trừ vô minh, cũng là lìa xa si ám. Tự tánh hiển hiện sáng tỏ, như vậy gọi là tuệ. Gia Tường Sớ nói: “Thấu hiểu năm độ đầu là hạnh, không thể thoát khỏi sanh tử, cần phải có trí tuệ thông hiểu cội nguồn mới có thể ra khỏi”, ý muốn nói chỉ tu năm độ phía trước vẫn không thể thoát khỏi biển khổ sanh tử, nhất định phải nhờ vào sức mạnh của trí tuệ, thông đạt khai giải cội nguồn của bổn tâm bổn tánh vốn sẵn có, cũng tức là thấu suốt triệt để bổn tâm của mình, thấy rõ bổn tánh của mình mới có thể thoát khỏi. Ba cách giải thích này đều cùng một tông chỉ. Ngài Gia Tường lại chỉ ra, năm độ cần thêm Bát-nhã mới có thể đến bờ bên kia. Kinh Tiểu Phẩm Bát-nhã nói: “Năm Ba-la-mật trụ trong Bát-nhã ba-la-mật mà được tăng trưởng. Vì được Bát-nhã ba-la-mật hộ trì, nên được hướng đến Tát-bà-nhã, này A-nan, thế nên Bát-nhã ba-la-mật là sự chỉ dẫn của năm Ba-la-mật”. Cho nên người thời Mạt pháp tu hành nhất định phải: “Bát-nhã là sự chỉ dẫn, Tịnh độ là nơi nương về”. Lời này đều là căn cứ theo thánh ngôn lượng. Bạn học Phật có thể học ra trí tuệ, đồng thời có thể áp dụng trí tuệ vào cuộc sống, áp dụng vào đối nhân xử thế tiếp vật, bạn là người học Phật thật sự, tôi khen ngợi bạn, bạn thật quá giỏi.

Có người học Phật, học Phật quá cứng nhắc, không linh động, không những chính mình phiền não, còn mang lại phiền não cho người khác. Tại sao lại như vậy? Vì không có trí tuệ. Ngoan cố kiên trì ngã tri ngã kiến, và đồng thời dùng ngã tri ngã kiến để đối nhân xử việc tiếp vật. Phải buông xuống pháp thế gian, cũng phải buông xuống Phật pháp. Hiện nay chúng ta đang ở giữa đường, vẫn chưa tới đích đến. A-la-hán là trạm đầu tiên, Bồ-tát là trạm thứ hai, Phật là đích đến. Hiện nay chúng ta còn chưa đến trạm đầu tiên, nên cần Phật pháp, bỏ thế gian pháp. Cần Phật pháp, Phật pháp nhiều, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, Phật nói với chúng ta chỉ có thể chọn một. Rất nhiều con đường, bạn chỉ có thể đi một con đường, bạn không thể đi hai con đường, cho dù là hai con đường cùng một phương hướng, cùng một mục tiêu cũng là đường hiểm, con đường nguy hiểm, chi bằng chọn một con đường, một con đường thỏa đáng, bạn nhất định sẽ đi đến đích.

Cho nên Phật pháp đề xướng “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, một con đường đi đến cùng có thể được Tam-muội, công phu Tam-muội sâu rồi tự nhiên khai mở trí tuệ. Bồ-tát từ bi cứu khổ cứu nạn, tất cả hành vi của các ngài, tạo tác của thân khẩu ý đều không để ở trong tâm, trong tâm các ngài là điều gì? Là Giới Định Tuệ, trong Giới Định Tuệ có vui vẻ, gọi là pháp hỷ sung mãn. Giới là gì? Tâm thanh tịnh; Định là gì? Tâm bình đẳng; Tuệ là gì? Giác mà không mê, chính là “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác” trên đề kinh của chúng ta. Các ngài hưởng thụ điều gì? “Đại thừa”, “Vô Lượng Thọ”, “Trang Nghiêm”. Đại thừa, Đại thừa là trí tuệ, không gì không biết, không gì không thể, pháp hỷ sung mãn. Vô Lượng Thọ là phước báo, phước báo viên mãn, phước báo đầu tiên trong các phước báo là thọ mạng. Nếu như không có thọ mạng, phước báo có lớn hơn thì bạn cũng không cách nào được thọ dụng. Thọ mạng là đức đầu tiên trong phước báo. Trang Nghiêm, trang nghiêm là tự tại, được đại tự tại, sự trang nghiêm thù thắng không gì sánh bằng.

Phật có trí tuệ, phát tâm độ chúng sanh, trên độ Đẳng giác Bồ-tát, Thập Địa Bồ-tát, dưới độ chúng sanh địa ngục, chỉ cần hữu duyên thì độ hết. Chỉ cần có cơ hội, trong cơ hội quan trọng nhất là họ chịu học, họ nghe lời, vậy thì phải giúp họ, không giúp họ thì có lỗi với họ. Nếu họ không tin tưởng, không nghe lời bạn, thì duyên này chưa chín muồi, không cần phải tìm họ, tìm họ ngược lại sẽ tạo thành chướng ngại, họ phản cảm. Vì vậy, phương pháp độ chúng sanh phải linh hoạt, họ có căn tánh như thế nào, họ có trình độ như thế nào, hằng thuận chúng sanh. Vô lượng pháp môn của Phật ứng với vô lượng căn tánh của chúng sanh, giúp chúng sanh mỗi mỗi đều có thể được độ. Đây là điều mà chúng ta phải học tập, không nên miễn cưỡng.

Chí đồng đạo hợp có thể chung sống với nhau, xây dựng một tăng đoàn nhỏ. Đoàn thể nhỏ này là tấm gương cho các đoàn thể nhỏ trong xã hội. Tại sao vậy? Trong đoàn thể nhỏ này coi trọng Lục Hòa, từ trong Lục Hòa có thể đạt được luân lý, đạo đức, nhân quả, giáo dục thánh hiền; trong đoàn thể nhỏ này có thể học được hết thảy, đoàn thể này cống hiến lớn nhất cho xã hội, đất nước, nhân loại. Đây gọi là hành Bồ-tát đạo. Tại sao phải làm như vậy? Bởi vì đồng thể đại bi, vô duyên đại từ. Bạn làm như vậy có mục đích gì? Không có mục đích gì, hoàn toàn tương ưng với tánh đức. Cho nên tăng đoàn Đại thừa của Phật giáo hiển lộ tự tánh, không có chút gì vì chính mình. Thành Phật cũng là vì độ chúng sanh, không phải vì chính mình. Có người hỏi tôi, cô có mục đích gì? Tôi vô cùng thản nhiên trả lời rằng: tôi khích lệ và kêu gọi cho Tịnh độ! Hết thảy thành tựu đều cống hiến cho chúng sanh, cá nhân tôi không có công lao gì.

Tu hành ở chỗ nào? sáu căn tu trong cảnh giới sáu trần. Thuận cảnh, thiện duyên tu không tham; nghịch cảnh, ác duyên tu không sân hận. Chung sống với hết thảy chúng sanh nhất định không nói lời ác làm việc ác, tuyệt đối không đố kỵ chướng ngại. Cả đời của Thích-ca Mâu-ni Phật đã làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Cả đời chăm chỉ dạy học, không có đạo tràng. Cả đời lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không chăm chỉ dạy học, không có đạo tràng. Lão pháp sư là tấm gương tốt nhất về việc học Phật Thích-ca, đi con đường Thích-ca, hoằng dương pháp Thích-ca, là Thánh Tăng có thể gặp nhưng không thể cầu trong thời nay. Ngài đã cống hiến rất lớn, không thể phai mờ trong sự nghiệp giáo dục Phật Đà. Ngài là sứ giả hòa bình của thế giới, là Phật Bồ-tát cứu khổ cứu nạn.

Tôi học theo Thích-ca Mâu-ni Phật, tôi học theo lão pháp sư thượng Tịnh hạ Không, tôi cũng không có đạo tràng. Có thể có đồng tu sẽ hỏi, tiểu viện Lục Hòa không phải là đạo tràng của cô sao? Tôi trịnh trọng tuyên bố với mọi người, tuyệt đối đừng hiểu lầm, tiểu viện Lục Hòa không phải là đạo tràng của tôi, tiểu viện Lục Hòa là đạo tràng chung của pháp giới chúng sanh do cư sĩ hộ pháp Bồ-đề Tâm phát đại tâm, phát đại nguyện vì pháp giới chúng sanh mà kiến lập. Tôi có quan hệ gì với đạo tràng này? Bốn chữ: mượn dùng, ở tạm. Hoan nghênh tôi đến ở thì ở thêm vài ngày, không hoan nghênh tôi đến ở, tôi đi ngay lập tức. Bạn xem, như vậy tự tại biết bao!

Hiện tại các đồng tu cung kính tôi, đều gọi tôi là cô giáo, thật sự hổ thẹn không dám nhận! Tôi có đức hạnh và năng lực gì mà nhận danh xưng nặng tựa ngàn cân này? Tôi chỉ có thể phục vụ cho chúng sanh tốt hơn để báo đáp mọi người. Tạm thời trà trộn vào làm cô giáo mấy ngày cho đủ số mà thôi! Chỉ mong không chỉ dẫn sai mọi người. Tâm Kinh nói: “Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa một cách sâu xa, ngài soi thấy năm uẩn đều là không, vượt qua hết thảy khổ ách”, phương pháp tu hành này đều nằm trong cuộc sống thường ngày, mặc áo ăn cơm, đối nhân tiếp vật, bất kể làm ngành nghề gì, qua lại với hết thảy người vật việc, bất kể là thiện duyên hay ác duyên, duyên là hoàn cảnh nhân sự, đối với người tốt, đối với người xấu, ngoài đối xử với người ra, đối với vật, đối với việc, đối với hết thảy sự vật, đây đều là đạo tràng tu hành của chúng ta. Tu gì? Cao nhất là không khởi tâm không động niệm, nhìn thấy rõ ràng, nghe được rõ ràng, đây là trí tuệ, trí tuệ Bát-nhã sẵn có trong tự tánh. Mặc dù nhìn rõ ràng, nghe rõ ràng rồi, nhưng không khởi tâm động niệm, đây là chân tâm khởi dụng. Chân tâm khởi dụng chính là Phật và Pháp thân Bồ-tát, dưới Pháp thân Bồ-tát thì không làm được.

“Nhìn cho thấu, buông cho được”, nhìn thấu, hiểu rõ, không hiểu rõ thì bạn sẽ không buông xuống, hiểu rõ rồi bạn sẽ buông xuống. Hiểu rõ điều gì? Soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua hết thảy khổ ách. Không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm thì vượt qua hết thảy khổ ách rồi.

Để tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện hai chú chó con thi đua tu hành. Có hai chú chó con, một con tên là Vượng Vượng, khôn ngoan; một con gọi là Bổn Bổn, khờ khạo. Hai chú chó con này là đồng tu. Có một hôm, Vượng Vượng nói với Bổn Bổn, hai chúng ta thi đua được không?

Bổn Bổn hỏi: thi gì?

Vượng Vượng nói: thi tu hành?

Bổn Bổn nói: tu hành thi như thế nào?

Vượng Vượng nói: thi học thuộc kinh Phật.

Bổn Bổn nói: được thôi, vậy thì học thuộc kinh Phật. Nhưng mà học bộ kinh nào đây?

Vượng Vượng nói: trước tiên học Tâm Kinh, bạn đọc thuộc trước đã. Thế là Bổn Bổn đọc thuộc một câu “soi thấy năm uẩn đều không”, rồi nói mình học thuộc xong rồi, bạn học thuộc đi.

Vượng Vượng nói: sao bạn chỉ học thuộc một câu vậy?

Bổn Bổn nói: mình chỉ thuộc một câu này, một câu này là đủ rồi.

Vương Vượng thuần thục đọc thuộc hết cả bộ Tâm Kinh một lần.

Ngày thứ hai, ngày thứ ba, liên tục trong nhiều ngày, mỗi ngày Bổn Bổn cũng chỉ thuộc một câu “soi thấy năm uẩn đều không”. Vượng Vượng thì học thuộc hết bộ kinh này tới bộ kinh khác, mỗi lần học thuộc xong một bộ kinh, Vượng Vượng đều nói với Bổn Bổn một câu “bạn thật ngốc”. Vài năm sau đó, việc học thuộc kinh của Bổn Bổn cũng không chút tiến bộ, vẫn chỉ biết một câu “soi thấy năm uẩn đều không”.

Có một ngày, Bổn Bổn nói với Vượng Vượng: mình đã soi thấy năm Uẩn đều không rồi, mình phải về nhà đây.

Vượng Vượng hỏi: bạn về nhà nào?

Bổn Bổn trả lời: thế giới Tây Phương Cực Lạc đó.

Ba ngày sau Phật tới rồi, đón Bổn Bổn về nhà. Vượng Vượng suy đi nghĩ mãi cũng không hiểu được, Bổn Bổn ngốc như vậy, tại sao Phật lại đón Bổn Bổn? Mình thông minh như vậy, tại sao Phật không đến đón mình? Nghĩ mãi nghĩ mãi… Đến một ngày Vượng Vượng cũng tìm ra được đáp án:

Cây tre xanh mượt giữ bổn phận.

Năm uẩn đều không đi thành Phật.

Cuồng tâm vọng niệm nhiều biết bao.

Tỏ ra khôn vặt bận mù quáng.

Tre xanh có rễ dài dùng được.

Cuồng đến cùng cực ắt thành khuyển.

Câu chuyện này do tôi tự nghĩ ra, không có bản quyền sở hữu, hoan nghênh mọi người viết tiếp phần tục biên.

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *