PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 04/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 27
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
“Nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao”.
Trần lao là phiền não.
“Trần” là ô nhiễm, “lao” là ưu não. Che lấp chân tánh, nhiễu loạn thân tâm, cho
nên gọi là trần lao.
“Trí tuệ rộng lớn” thì
chắc chắn “nội tâm thanh tịnh”, chắc chắn cũng không có trần lao. Tâm Kinh nói:
“Quán Tự Tại Bồ-tát, lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa một cách sâu xa, soi
thấy năm uẩn đều không, vượt qua hết thảy khổ ách”. Lúc trí tuệ Bát-nhã hiện
rõ, tự nhiên thông đạt chứng tri sắc thọ tưởng hành thức đều là hư vọng, nhà
khoa học hiện nay đều biết vật chất (sắc) là do ảo giác của chúng sanh, vọng là
không thật sự có, vọng là không. Năm uẩn đều không thì còn khổ ách gì chứ?
Đương nhiên cũng không còn trần lao nữa.
“Tuyệt” là đoạn diệt,
“tuyệt trần lao” là đoạn tuyệt triệt để hết thảy phiền não.
“Siêu quá vô biên ác thú môn”.
Do trí tuệ như biển,
nội tâm thanh tịnh, trừ tận gốc trần lao nên “siêu quá vô biên ác thú môn”. “Ác
thú môn” là cánh cửa đến cõi quỷ, cánh cửa đến cõi súc sanh, cánh cửa đến cõi
địa ngục. Tại sao lại nói là vô biên? Điều này nói cho bạn biết, ba đường ác
nơi nào cũng có thể vào, cánh cửa này là vô biên, vô số, vô lượng. Ở trước,
sau, trái, phải của bạn đều là cửa, chỗ bạn nhấc chân lên, đặt chân xuống cũng
là cửa, mọi lúc mọi nơi đều có thể bị đọa vào ba đường ác.
Chỉ có trí tuệ rộng
lớn, tâm thanh tịnh tuyệt trần lao mới có thể vượt khỏi vô lượng, vô số, vô
biên, bất khả thuyết bất khả thuyết ác thú môn. Nên chúng ta phải học theo
Bồ-tát, khéo giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý, khéo giữ gìn ý niệm của mình.
Liên quan đến ác thú,
ở đây tôi vẫn muốn nói thêm một chút.
Năm 2018, lần đầu tiên
phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, tôi đã nói: không những ba đường ác là ác thú, mà
ba đường thiện cũng là ác thú; không những ba đường thiện là ác thú, mà Nhị
Thừa Thánh giả cũng là ác thú; không những Nhị Thừa Thánh giả là ác thú, mà
Quyền Giáo Bồ-tát vẫn là ác thú.
Trong kinh Đại thừa,
Phật nói: “Pháp môn niệm Phật thù thắng bậc nhất”, Cổ Đức xưng tán rằng “viên
trong viên, chuyên trong chuyên, đốn trong đốn”, không những vượt khỏi tam đồ
lục đạo, vượt khỏi Nhị Thừa, Quyền Giáo, mà còn không ngừng thăng cấp lên, quả
báo ngang bằng với Bồ-tát từ thất địa trở lên.
“Thất địa trở lên”,
bởi vì sanh tới thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là A-bệ-bạt-trí. A-bệ-bạt-trí
là Bồ-tát từ thất địa trở lên, là Bồ-tát địa vị Tam bất thoái. Sự siêu việt này
là quá nhiều. Thất địa Bồ-tát thấy lục địa Bồ-tát đều là ác thú.
Nếu như nâng cao lên
một chút, phải chăng có thể nói như thế này, Diệu Giác Bồ-tát thấy Đẳng giác
Bồ-tát đều là ác thú, chỉ có thành Phật mới là thiện thú. Đây là thể ngộ của cá
nhân tôi, nói sai thì tự chịu trách nhiệm nhân quả.
Những lời vừa rồi tôi
đã nói hai lần, bạn có thể tiếp nhận không? Bạn có thể tin tưởng không? Nếu như
hiện nay bạn không tiếp nhận, không tin tưởng, đó là chuyện bình thường, pháp
khó tin mà!
Chư Phật Bồ-tát đều
nói pháp môn này khó tin, đây cũng là thực tế, không hề nói quá. Từ địa vị phàm
phu như chúng ta, trong chốc lát thăng cấp đến thất địa trở lên, thăng cấp đến
Đẳng giác Bồ-tát, ai có thể tin được? Không người nào tin được! Không những người
bình thường không tin, mà A-la-hán không tin, Bích-chi Phật không tin, Quyền
Giáo Bồ-tát không tin, rất nhiều Bồ-tát minh tâm kiến tánh cũng không tin. Nếu
như các ngài tin thì đã sớm thành Phật rồi.
Bạn có thể tin tưởng
không phải là một chuyện dễ dàng. Bởi vì đời quá khứ bạn từng hành Bồ-tát đạo,
cúng dường vô lượng vô biên chư Phật Như Lai, đời này thiện căn hiện tiền, đồng
thời lại được mười phương chư Phật Như Lai âm thầm gia trì nên mới có thể tín,
mới có thể giải, mới có thể hành, nên nói bạn không phải là phàm phu. Đáng để
vui mừng, đáng để trân trọng!
“Tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn”.
“Bồ-đề” là giác,
“Bồ-đề cứu cánh” là Cứu Cánh Giác. “Ngạn” là bờ bên kia, “cứu cánh” nghĩa là
xác định, hoàn thành, tột cùng. Cứu Cánh Giác là hiểu thấu tận cùng nguồn gốc
của tâm cấu nhiễm.
Thỉ Giác hoàn toàn
tương đồng với địa vị quả giác Như Lai của Bổn Giác, đạt đến bờ Niết-bàn bên
kia. Ý nghĩa của đoạn này chính là vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, một
đời thành Phật, thành tựu Phật quả cứu cánh viên mãn, cũng tức là Vô Thượng
Chánh Đẳng Chánh Giác.
“Siêu quá vô biên ác
thú môn, tốc đáo Bồ-đề cứu cánh ngạn”, hai câu kệ tụng này là quả báo.
“Vô minh, tham, sân, giai vĩnh vô
Hoặc tận, quá vong, Tam-muội lực”.
Hai câu này là điều
kiện, nhất định phải làm được. “Vô minh”, Đại thừa Nghĩa Chương nói: “Tâm trong
si ám, thể không sáng suốt, nên gọi là vô minh”. Vô tuệ vô minh, toàn thể tâm
si ám chính là vô minh, cộng thêm tham sân si là ba độc. Do vô minh che lấp nên
pháp thân vốn có không hiện ra. Phá một phần vô minh thấy một phần pháp thân,
phá hết bốn mươi mốt phẩm vô minh liền thành Phật.
Ý nghĩa của đoạn này
là vẫn còn vô minh, vẫn còn tham, sân thì trí tuệ sẽ không rộng lớn, tâm cũng
không thanh tịnh, không có cách nào vượt khỏi ác thú, không đạt được Bồ-đề.
Điều này đáng để chúng ta cảnh giác.
“Hoặc tận, quá vong,
Tam-muội lực”.
“Hoặc” là mê hoặc;
“quá” là lỗi lầm, Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc, Vô Minh Hoặc, ba Hoặc hoàn toàn
tiêu trừ, thì Vô Minh đã trừ sạch. Tiêu trừ như thế nào? Do “Tam-muội lực” tiêu
trừ. Đây là chỉ “niệm Phật Tam-muội là vua trong Tam-muội”. Làm thế nào đạt
được niệm Phật Tam-muội? Thành thật niệm Phật, quan trọng ở hai chữ “thành
thật”.
Thế nào gọi là thành
thật? Không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn.
Trí tuệ lớn như biển,
lại thêm định lực Tam-muội, định tuệ đẳng trì thì công đức thù thắng nhất.
Trong Tam-muội, niệm Phật Tam-muội được xưng là vua trong Tam-muội, được xưng
là Bảo Vương Tam-muội.
Lúc A-nan thỉnh pháp
đã nhắc tới Phật Phật niệm nhau, nên biết được Tam-muội của Tỳ-kheo Pháp Tạng
là Bảo Vương Tam-muội.
Tu học Phật pháp lấy
gì làm chủ? Lấy Tam-muội làm chủ, Tam-muội là trung tâm, sau khi đạt được
Tam-muội mới khai ngộ. Tam-muội của Tiểu thừa chính là tâm thanh tịnh trên đề
kinh của chúng ta, Tam-muội của Đại thừa là tâm bình đẳng.
Mời xem đoạn kinh văn
tiếp theo:
Diệc như quá khứ vô lượng Phật
Vi bỉ quần sanh đại
đạo sư.
Năng cứu nhất thiết
chư thế gian
Sanh lão bệnh tử chúng
khổ não
Thường hành Bố Thí cập
Giới, Nhẫn
Tinh Tấn, Định, tuệ,
lục Ba-la
Vị độ hữu tình linh
đắc độ
Dĩ độ chi giả sử thành
Phật
Giả linh cúng dường
hằng sa
Thánh Bất như kiên
dũng cầu Chánh Giác.
Đoạn kinh này là
Tỳ-kheo Pháp Tạng cầu đức hạnh giác tha của Phật, chính cầu nguyện trí tuệ,
năng lực giáo hóa chúng sanh của mình giống như Phật.
Bốn câu đầu là lợi
tha, biểu thị Tỳ-kheo Pháp Tạng muốn giống như vô lượng chư Phật quá khứ, làm
đại đạo sư của hết thảy chúng sanh hữu tình, để giáo hóa chúng sanh. “Bỉ quần
sanh” là chỉ chúng sanh trong chín pháp giới. “Đạo sư” là tôn xưng Phật trong
cửa Phật. “Đạo sư”, “Đại sư” đều là danh xưng đối với Phật.
Pháp môn niệm Phật
thật sự không thể nghĩ bàn. Trong ngũ trược ác thế có thể dẫn dắt quy về Tịnh
độ. Tịnh độ đã là pháp khó tin, trong ngũ trược ác thế thì càng khó tin hơn.
Vào thời đại này tuyên dương pháp môn Tịnh độ, chỉ dẫn mọi người cùng quay về
Cực Lạc, đây là “đại đạo sư” trong đạo sư.
“Năng cứu nhất thiết
chư thế gian”
“Chư thế gian” chính
là mười pháp giới, trên, ngài có thể cứu Bồ-tát, cứu Thanh văn, cứu Duyên giác,
dưới có thể cứu chúng sanh lục đạo.
“Sanh lão bệnh tử
chúng khổ não”
Những điều này phàm
phu lục đạo đều có. Chư thế gian mà vừa rồi nói đến, đơn giản mà nói, có Dục
Giới, có Sắc Giới, Vô Sắc Giới, đây đều là thế gian, gọi là Tam Giới.
Dục là có dục vọng, có
tham dục, vậy thì không ra khỏi Dục Giới. Thật sự buông xuống tham, sân, si,
mạn, nghi, đoạn trừ tài, sắc, danh, thực, thùy rồi, trong lòng không có ý niệm
này nữa thì họ liền thoát khỏi Dục Giới. Thoát khỏi Dục Giới sẽ tới đâu? Tới
Sắc Giới, Sắc Giới là trời Tứ Thiền, Tứ Thiền tổng cộng có mười tám tầng trời,
Sơ Thiền có ba tầng trời, Nhị Thiền, Tam Thiền cũng có ba tầng trời, Tứ Thiền
có chín tầng Trời, tổng cộng có mười tám tầng.
Lên trên nữa là Vô Sắc
Giới, là cõi cao nhất, không có sắc thân. Vô Sắc Giới là thế giới tinh thần,
không có hình tướng vật chất, trời này đại tự tại, tùy tâm sở dục, thọ mạng rất
dài, cõi này có bốn tầng, gọi là trời Vô Sắc Giới, đây là thế gian.
Phật nói “tam giới
chẳng an, giống như nhà lửa, đều ở trong biển sanh tử”. Vô Sắc Giới có phải là
cứu cánh không? Không phải, họ có thọ mạng, thọ mạng tám vạn đại kiếp, khi thọ
mạng hết thì họ không thể thăng cấp lên được nữa, họ đọa lạc xuống dưới, đây
gọi là sanh tử luân hồi.
Cho nên Phật ví dụ
giống như nhà lửa, căn nhà đã bị cháy, chỉ là vẫn chưa cháy đến người bạn,
nhưng bạn chắc chắn không thể tránh khỏi, đây chính là đều ở trong biển sanh
tử. “Nên nguyện cứu độ”, Bồ-tát phát nguyện phải tới cứu những chúng sanh này,
phải tới độ những chúng sanh này.
“Tiến thêm một bước mà
nói, ngay cả những vị ở bậc Địa Tiền cũng là thế gian, vô minh chưa dứt, cũng
cần phải độ thoát”. Đây là tiến thêm một bước mà nói, “Địa Tiền” của Biệt Giáo
chính là thập pháp giới. Lục đạo là chỉ sáu pháp giới phía dưới trong thập pháp
giới, nếu bao gồm phía trên chính là thập pháp giới, trong thập pháp giới, Tứ
Thánh pháp giới là ở bậc Địa Tiền.
“Địa” là đăng địa,
thập địa Bồ-tát, trước thập địa Bồ-tát là thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng,
những vị Bồ-tát này cũng gọi là thế gian. Đều là đối tượng mà Phật phát nguyện
muốn độ, các ngài chưa dứt vô minh, nên cũng cần phải độ thoát”.
Chỉ có thành Phật mới
có thể rộng độ chúng sanh, không thành Phật thì cho dù bạn là Đẳng giác Bồ-tát
cũng không thể độ Bồ-tát cùng cấp bậc, bạn chỉ có thể độ Bồ-tát trước thập địa.
Đó là lý do tại sao trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện nhất định phải “Phật đạo vô
thượng thệ nguyện thành”. Bởi vì chỉ có thành Phật mới có thể phổ độ, nguyện độ
chúng sanh mới có thể viên mãn.
Bốn câu kinh văn tiếp
theo là phương pháp độ chúng sanh:
“Thường hành Bố Thí cập Giới, Nhẫn
Tinh Tấn, Định, Tuệ,
lục Ba-la.
Vị độ hữu tình linh
đắc độ.
Dĩ độ chi giả sử thành
Phật”.
Dùng gì để độ chúng
sanh? Dùng Lục Độ, sáu loại này gọi là Bồ-tát đạo. Bốn câu kệ tụng này đã hiển
bày toàn bộ bổn nguyện đại bi vô tận của Tỳ-kheo Pháp Tạng. Pháp Tạng là tiền
thân của A-di-đà Phật, lúc ngài hành Bồ-tát đạo ở nhân địa đã phát bổn nguyện
đại bi vô tận, nguyện thường hành Lục Độ, phổ độ chúng sanh. Bồ-tát làm gì ở
thế gian? Chính là làm sáu chuyện này, đây gọi là Bồ-tát.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh
Nguyện nói, chư Phật Như Lai lấy tâm đại bi làm Thể. Tại sao Bồ-tát phải độ
chúng sanh? Bồ-tát giúp đỡ chúng sanh, chưa chắc chúng sanh sanh tâm cung kính
đối với Bồ-tát, thậm chí còn hủy báng Bồ-tát, chướng ngại Bồ-tát, phá hoại
Bồ-tát, chuyện như vậy rất nhiều.
Bồ-tát có thoái tâm
không? Không thoái tâm. Tại sao không thoái tâm? Vì biết được những người tạo
tội nghiệp là do ngu si, không nhận biết về Bồ-tát, người tốt tới giúp họ, họ
còn hại người tốt. Nhưng Bồ-tát vẫn không từ bỏ, cứu người cứu đến cùng.
Trong Phẩm Phổ Hiền
Hạnh Nguyện có một đoạn so sánh rất hay: “Thí như có đại thụ ở giữa sa mạc
hoang vắng”, đây là ví dụ, trong sa mạc có một đại thụ. “nếu rễ được nước thì
nhánh lá hoa quả đều sum sê tươi tốt”, nếu rễ của đại thụ này có nước, không
thiếu nước thì cây này nhất định sẽ phát triển rất tốt.
“Bồ-đề đại thụ trong
chốn đồng hoang sanh tử cũng giống như vậy”. Đây là ví dụ. Chốn đồng hoang sanh
tử chính là lục đạo luân hồi, Bồ-đề đại thụ là mỗi người chúng ta, là các đồng
tu tín nguyện trì danh, tu học Tịnh độ, đây là Bồ-đề đại thụ, cũng giống như
vậy. “Hết thảy chúng sanh là rễ cây”, rễ của Bồ-đề đại thụ là gì? Rễ là chúng
sanh.
“Chư Phật, Bồ-tát là
hoa trái”, những chúng sanh này có thể thành Phật, có thể thành Bồ-tát, đây
chính là đã đơm hoa kết trái. “Lấy nước đại bi làm lợi chúng sanh thì có thể
thành tựu hoa trái trí tuệ của chư Phật, Bồ-tát”. Đây có nghĩa là đại từ đại bi
ví như nước, chúng ta phải dùng tâm đại từ đại bi để tưới nước cho cây Bồ-đề
của chính mình.
Không có đại từ đại
bi, mặc dù chúng ta vốn là Phật, nhưng không thể thành Phật, tại sao vậy? Không
có nước nuôi dưỡng cây này, nó sẽ chết khô. Đại bi là gì? Đại bi là tâm yêu
thương chân thành, yêu thương này là đức đầu tiên cứu cánh viên mãn trong tánh
đức, minh tâm kiến tánh thì tâm yêu thương này sẽ hiển lộ ra. Bạn xem, A-la-hán
có tâm yêu thương, Bồ-tát có tâm yêu thương, Phật có tâm yêu thương cứu cánh
viên mãn, chính là đại từ đại bi, không phải đến từ bên ngoài, mà trong tự tánh
vốn sẵn có.
Người tu hành không có
tâm từ bi, giống như rễ cây không được tưới nước, cây này không thể đơm hoa kết
trái. Người học Phật không có tâm từ bi thì không thể thành Phật Bồ-tát. Phải
yêu thương chúng sanh, chúng sanh làm vô số tội ác cũng phải tha thứ cho họ,
vẫn phải dùng tâm từ bi đối đãi họ, tại sao vậy? Họ vốn là Phật.
Tại sao họ tạo tội
nghiệp? Vì mê hoặc điên đảo. Chư Phật Bồ-tát phải cứu những người này, phải
giúp họ quay về tự tánh, phải giúp họ thành Phật thành Bồ-tát, vậy thì đúng
rồi. Nếu có tâm oán hận thì sai rồi, vậy không phải bạn tới cứu họ, mà bạn tới
hại họ. Chúng sanh có thể hại Bồ-tát, Bồ-tát không oán trách, Bồ-tát chắc chắn
sẽ không hại chúng sanh. Chúng sanh giết Bồ-tát, Bồ-tát sẽ không giết chúng
sanh, sẽ không báo thù.
Cho nên tâm đại bi là
gốc rễ. Tỳ-kheo Pháp Tạng lấy đại bi, sự từ bi vô điều kiện, “rộng hành Lục Độ,
phổ độ quần sanh”, đây là điều chúng ta phải học tập. Chúng ta phải yêu thương
bảo hộ hết thảy chúng sanh vô điều kiện. Đặc biệt phải giúp đỡ những chúng sanh
mê hoặc đó, ngày ngày họ chuốc phiền phức, chúng ta phải học Phật Bồ-tát, dùng
tâm chân thành cảm động họ, giúp đỡ họ quay đầu là bờ. Đây gọi là hành Bồ-tát
đạo, gọi là phổ độ chúng sanh.
“Giả linh cúng dường hằng sa Thánh
Bất như kiên dũng cầu
Chánh Giác”.
Đây là tâm nguyện kiên
định của Tỳ-kheo Pháp Tạng, ý nghĩa chủ yếu là khuyên chúng ta giác ngộ.
Cúng dường là tu
phước, nếu như chúng ta có duyên này, có năng lực này, cúng dường hằng hà sa số
thánh nhân, từ A-la-hán trở lên chính là thánh nhân, không bằng chính bạn kiên
định dũng mãnh cầu Chánh Giác.
Trong Phẩm Phổ Hiền
Hạnh Nguyện nói: “Trong các loại cúng dường, pháp cúng dường là bậc nhất”. Có
nghĩa là trong hết thảy cúng dường, dùng Phật pháp như thuyết tu hành, v.v…
để cúng dường là thù thắng nhất. Tại sao vậy? Phẩm Hạnh Nguyện nói: “Vì các đức
Như Lai tôn trọng pháp, vì tu hành đúng như lời dạy nên sanh ra chư Phật. Nếu
các Bồ-tát thực hành pháp cúng dường thì thành tựu được việc cúng dường Như
Lai”. Vì sao pháp cúng dường có công đức lớn nhất? Bởi vì chư Phật coi trọng
pháp, lại vì thành thật tu hành theo lời dạy của Phật, kinh điển và thiện tri
thức thì có thể thành tựu Chánh Giác. Đây là nơi chư Phật sanh ra, nên thực
hành pháp cúng dường chính là viên mãn thành tựu việc cúng dường Như Lai.
Đại sư Ngẫu Ích nói:
“Chưa thể tự độ, nói gì đến độ người, như người bị trôi nổi, muốn cứu kẻ đi
trên bờ”. Lời này rất sâu sắc. Bản thân bạn còn chưa được độ, giống như bạn ở
dưới sông đang vùng vẫy để sống, nếu bạn còn muốn cứu người trên bờ, đó không
phải là chuyện rất buồn cười sao? Đây không phải là A-la-hán, chỉ cầu chính
mình giác ngộ, đây thật sự là vì tới cứu độ người bên cạnh, phải chịu trách
nhiệm, nghiêm túc triệt để mà quán triệt, vậy thì chỉ có tự độ mình trước, là
vì độ người khác. Vì vậy, độ chính mình trước, không chỉ là vì chính mình.
“Làm tốt chính mình”
và “giúp đỡ thiên hạ”, nhất định là “làm tốt chính mình” trước. Chúng ta phải
kiên quyết cầu Chánh Giác, không cầu phước báo trời người. Chánh Giác chính là
thành Phật, không để đến đời sau, trong đời này của chúng ta, nhất định phải cầu
vãng sanh thế giới Cực Lạc thành Phật.
Trong hết thảy cúng
dường, tu pháp cúng dường có phước báu lớn nhất. Tại sao vậy? Vì trong pháp
cúng dường có trí tuệ. Tiếp theo, kinh văn nói tới mấy loại pháp cúng dường.
Tôi sẽ giới thiệu sơ lược cho quý vị đồng tu, trong này nói tổng cộng bảy loại
pháp cúng dường, bao gồm: tu hành đúng như lời dạy để cúng dường, lợi ích chúng
sanh để cúng dường, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường, chịu khổ thay cho chúng
sanh để cúng dường, siêng tu căn lành để cúng dường, chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp để
cúng dường, chẳng rời tâm Bồ-đề để cúng dường.
Một, tu hành đúng như lời dạy để cúng dường:
Trong kinh điển Phật
nói như thế nào, chúng ta nghe hiểu rồi thì làm theo, tuân theo lời dạy của
thầy, không làm khác đi, như vậy chính là cúng dường Thích-ca Mâu-ni Phật, cúng
dường hết thảy chư Phật Như Lai, cúng dường A-di-đà Phật. Để tôi nêu vài ví dụ
cho các đồng tu tham khảo:
Phật dạy chúng ta:
“Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, tâm từ không giết, tu thập thiện
nghiệp”, bạn đã tu hành đúng như lời dạy chưa?
Phật dạy chúng ta
“nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”, “đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự
hiểu”, bạn đã tu hành đúng như lời dạy chưa?
Phật dạy chúng ta:
“Tôn giáo thế giới là một nhà, pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”, bạn đã
tu hành đúng như lời dạy chưa?
Phật dạy chúng ta:
“Thời kỳ Mạt pháp Tịnh độ thành tựu”, bạn đã tu hành đúng như lời dạy chưa?
Phật dạy chúng ta:
“Người chân chánh tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, bạn đã tu hành đúng như lời
dạy chưa?
Phật dạy chúng ta:
“Thành thật niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ”, bạn đã tu hành đúng như lời dạy chưa?
……
Phật dạy như thế nào,
thì chúng ta làm như thế đó, như vậy gọi là tu hành đúng như lời dạy để cúng
dường.
Hai, lợi ích chúng sanh để cúng dường.
Khởi tâm động niệm
không vì lợi ích của chính mình, hết thảy lời nói hành vi đều vì chúng sanh.
Tâm nhớ nghĩ chúng sanh khổ nạn
Thời thời khích lệ
mình tiến bước
Ghi nhớ lời thầy ở
trong tâm
Dẫn vô lượng chúng
sanh về nhà.
Đây chính là cúng
dường Phật.
Chúng ta làm thế nào
để lợi ích chúng sanh?
Không có gì rầm rầm rộ rộ.
Tất cả đều hết sức
bình thường.
Không do khẩu hiệu lớn
bao nhiêu.
Xem bạn làm được như
thế nào.
Lão hòa thượng Hải
Hiền đã làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Ngài dùng hành động thực tế của
mình giúp chúng sanh sanh khởi tín tâm, sanh khởi nguyện tâm đối với pháp môn
niệm Phật Tịnh độ, cầu sanh thế giới Cực Lạc giống như ngài. Lời nói, hành vi,
cử chỉ trong cả đời ngài đều khuyên mọi người niệm Phật tu Tịnh độ. Đây chính
là sự cúng dường chân thật đối với Thích-ca Mâu-ni Phật, mười phương chư Phật
Như Lai, A-di-đà Phật, cũng là lợi ích chúng sanh để cúng dường chân thật nhất.
Ba, nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường.
Làm thế nào nhiếp thọ
chúng sanh? Thật sự làm ra tấm gương tốt, khiến chúng sanh nhìn thấy mà cảm
động, họ tâm phục khẩu phục, vui vẻ học theo bạn. Nhiếp thọ chúng sanh phải dựa
vào uy đức, không thể chỉ dựa vào uy nghiêm, nếu chỉ dựa vào uy nghiêm thì
thường hay chèn ép nhưng không phục, khẩu phục nhưng tâm chưa hẳn thật sự phục.
Uy nghiêm không thể cảm động người khác, không thể cảm hóa người khác.
Làm thế nào mới có uy
đức? Điểm quan trọng nhất đó là nói được làm được, dẫn đầu làm gương. Điều bạn
nói ra thì nhất định là điều bạn đã làm được, điều bạn chưa làm được thì đừng
nên nói ra. Nói ra người khác cũng không phục, thậm chí sẽ khinh thường bạn.
Nhiếp thọ chúng sanh,
đức hạnh rất quan trọng. Độ hóa chúng sanh, trước tiên phải cảm hóa chúng sanh,
chỉ khi đức hạnh của bạn cảm hóa được chúng sanh rồi, chúng sanh mới có thể vui
vẻ tiếp nhận giáo hóa của bạn, bạn mới có cơ hội giúp đỡ chúng sanh thành Phật.
Đây gọi là nhiếp thọ chúng sanh để cúng dường.
Giáo hóa chúng sanh nhờ uy đức
Chỉ có uy nghiêm không
làm được
Tâm khẩu chúng sanh
đều không phục
Lời bạn nói ra có ích
chi
Phải làm tấm gương cho
chúng sanh
Lời nói ra phải đúng
trọng tâm
Dừng ngay trọng tâm
chớ nói nhiều
Nhiếp thọ chúng sanh
nhờ cảm hóa
Bốn, chịu khổ thay chúng sanh để cúng dường.
Bồ-tát từ bi, không nỡ
để chúng sanh khổ, nguyện chịu khổ thay cho hết thảy chúng sanh. Chị tôi, lão
Bồ-tát Lưu Tố Thanh sau khi bị ung thư xương, đau đớn khó mà chịu được. Chị nói
với tôi, tiểu Vân à, bệnh này thật sự rất đau, chị phát tâm, nguyện tất cả
những người mắc bệnh này trên thế gian, tập trung hết sự đau đớn của họ lên
người chị, một mình chị chịu thay cho họ.
Thế nào gọi là Bồ-tát?
Bồ-tát ở ngay trước mắt chúng ta, chúng ta lại không nhận biết được! Sau khi
vãng sanh còn có người hủy báng, mắng nhiếc, tạo vô biên tội nghiệp, thật là
không nên.
Cả đời lão hòa thượng
Hải Hiền tu khổ hạnh, quý trọng từng hạt gạo, từng hạt cơm rơi xuống mặt đất
ngài đều nhặt lên ăn; rửa mặt chỉ dùng một gáo nước, không dám lãng phí, quần
áo rách thì vá hết chỗ này đến chỗ kia; lương thực ngài trồng có thể bán rất
nhiều tiền, nhưng ngài không bán, mang đi cứu tế người nghèo khổ.
Những sự thị hiện như
vậy, đều là dạy chúng ta làm sao tu phước, làm sao tích đức, không được lãng
phí chút gì. Đây là chịu khổ thay cho chúng sanh, bạn có biết không?
Bồ-tát từ bi không hạn độ.
Nguyện khổ thay hết
thảy chúng sanh.
Chúng sanh mê hoặc
không biết ơn.
Tạo tác tội nghiệp tự
chịu khổ.
Bồ-tát thị hiện trên
thế gian.
Hòa vào trần tục rất bình
thường.
Đáng tiếc chúng sanh
không nhận biết.
Hủy báng mắng nhiếc
lại vui vẻ.
Không biết đây là tạo
tội nghiệp.
Sẽ có một ngày chịu
quả báo.
Một khi tướng địa ngục
hiện tiền.
Kêu cha gọi mẹ đã muộn
màng.
Năm, siêng tu căn lành để cúng dường.
Căn lành là gì? Trong
kinh Phật giảng: không tham, không sân, không si là ba căn lành, đây là pháp
thế gian. Hết thảy điều thiện trên thế gian đều từ gốc rễ này sanh ra, phải
nuôi trồng gốc rễ này cho tốt.
Trong văn hóa truyền
thống của Trung Quốc, gốc rễ của chúng ta là gì? Là hiếu, kính. Lão pháp sư
thường giảng, hiếu là gốc của văn hóa truyền thống, kính là rễ của văn hóa
truyền thống. Hiếu lấy cha mẹ làm đại diện, kính lấy thầy làm đại diện, nước ta
mấy ngàn năm nay hiếu thân tôn sư.
Dân tộc này quá vĩ
đại, quá giỏi, trên thế giới này tìm không được dân tộc thứ hai. Đầu thai tới
Trung Quốc làm người Trung Quốc là thiện căn phước đức lớn biết bao, bạn mới có
duyên này.
Một trăm năm gần đây,
chúng ta đã vứt bỏ đi văn hóa truyền thống, học theo văn hóa phương Tây, đó là
sự mất mát văn hóa nghiêm trọng. Nếu như tiếp tục đánh mất như vậy, văn hóa
truyền thống sẽ hoàn toàn biến mất, không thể tìm lại được. May mắn thay, sau
khi nếm quả khổ do đánh mất văn hóa truyền thống, một số người có hiểu biết bắt
đầu nghĩ lại, họ biết được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, bắt đầu cứu vớt văn
hóa truyền thống Trung Quốc, phục hưng văn hóa truyền thống Trung Quốc. Đây là
một chuyện đáng vui đáng mừng.
Từ xưa đến nay, chỉ có
văn hóa truyền thống Trung Quốc là tùy thuận theo tánh đức, là từ trong tự tánh
lưu xuất ra, thật sự là điều hay! Văn hóa truyền thống có lợi không có hại,
không tìm thấy xung đột trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Cho nên nhà
triết học Toynbee, Russell của nước Anh vô cùng tán thán văn hóa truyền thống
Trung Quốc, cho rằng văn hóa truyền thống Trung Quốc có thể cứu thế giới.
Thiện căn của người
Trung Quốc là có một không hai trên toàn thế giới, để mang lại cống hiến lớn
hơn cho sự hòa bình của thế giới, chúng ta phải tiếp tục siêng tu căn lành để
cúng dường.
Văn hóa truyền thống là của quý.
Cảm ân tổ tiên lưu
phước báo.
Con cháu đời sau được
che chở.
Chuyện tốt như vậy tìm
ở đâu.
Thiện căn sâu dày
không sánh được.
Học giả nước ngoài đều
tán thán.
Người dẫn đầu gánh vác
thế giới.
Bởi vì bạn là người
Trung Quốc.
Sáu, chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp để cúng dường.
Nghiệp là sự nghiệp,
sự nghiệp của Bồ-tát là giáo hóa chúng sanh. Năm xưa, Thích-ca Mâu-ni Phật tại
thế làm ra tấm gương cho chúng ta thấy, năm 30 tuổi ngài khai ngộ dưới gốc cây
Bồ-đề, sau khi khai ngộ thì dạy học ở Vườn Lộc Uyển. Trong năm người học trò
đầu tiên, tôn giả Kiều-trần-như là người đầu tiên chứng A-la-hán, sau đó những
người còn lại cũng đều chứng A-la-hán.
Tam Bảo đầy đủ, Thế
Tôn là Phật Bảo, hết thảy pháp mà ngài nói là Pháp Bảo, năm vị Tỳ-kheo là Tăng
Bảo, Tam Bảo đầy đủ, Phật, Pháp, Tăng xuất hiện trên thế gian.
Sự nghiệp của Bồ-tát
là giáo hóa chúng sanh vô điều kiện. Đức Phật dạy học nghiêm túc, có trách
nhiệm, không thu học phí. Lối sống đơn giản, ba y một bát, giữa ngày ăn một
bữa, đêm ngủ dưới gốc cây. Tiếp nhận tứ sự cúng dường của cư sĩ tại gia: thức
ăn nước uống, quần áo, tọa cụ, thuốc men. Ngoài những thứ này toàn bộ đều không
nhận, thân tâm thanh tịnh, buông xuống vạn duyên, tu giới định tuệ.
Sau khi tự giác, Phật
hoàn toàn đang giác tha. Toàn tâm toàn ý phục vụ cho hết thảy chúng sanh. Mục
tiêu phục vụ là giúp đỡ chúng sanh quay về tự tánh, phương pháp phục vụ là dạy
học. Thế Tôn khai ngộ năm ba mươi tuổi, sau khi khai ngộ liền dạy học, 79 tuổi
viên tịch, dạy học 49 năm, trong kinh điển nói: “Giảng kinh hơn ba trăm hội,
thuyết pháp 49 năm”. Đây là chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp. Lão pháp sư thượng Tịnh hạ
Không là tấm gương chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp khiến mọi người tin phục nhất, lão
pháp sư giảng kinh thuyết pháp đã 61 năm, thật đáng khâm phục tôn kính.
Sự nghiệp Bồ-tát là độ sanh
Rời khỏi chúng sanh
thì làm gì
Độ sanh không thể nhờ
nói suông
Mấu chốt phải thật sự
hành động
Bạn thương chúng sanh
sâu bao nhiêu
Chúng sanh cách bạn
gần thế nào
Thật sự yêu thương hay
là giả
Chúng sanh tự nhiên sẽ
hiểu được.
Bảy, chẳng rời tâm Bồ-đề để cúng dường.
Đối với việc chẳng rời
tâm Bồ-đề để cúng dường, lão pháp sư đã nói một cách đơn giản dễ hiểu nhất, đó
là 20 chữ mà chúng ta vô cùng quen thuộc:
Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi,
Nhìn thấu, buông
xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.
Chân thành là thể của
tâm Bồ-đề; tự thọ dụng là thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác; tha thọ dụng là từ
bi.
Bồ-tát đạo chính là
Bồ-tát nghiệp, cũng chính là Bồ-tát hạnh. Lão pháp sư dùng 20 chữ để giải
thích, sau cùng quy về Tịnh độ. Tổng kết là tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh
độ. Lão pháp sư dùng 20 chữ này gọi là chẳng bỏ Bồ-tát nghiệp, chẳng rời tâm
Bồ-đề. Thật tuyệt diệu!
Phía trước giới thiệu
sơ lược bảy loại pháp cúng dường, từ đó chúng ta có thể hội được hàm nghĩa sâu
sắc của “pháp cúng dường là bậc nhất” không? Tại sao lại nói là “pháp cúng
dường là bậc nhất”? Chúng ta cùng nghe kinh điển và tổ sư đại đức nói như thế
nào.
“Công đức của pháp
cúng dường như tổng số của hết thảy vi trần trên trái đất, còn công đức của tài
cúng dường chưa bằng một vi trần, càng làm sao sánh nổi với tất cả số vi trần
của trái đất”.
“Đây chính là tán thán
công đức chẳng thể nghĩ bàn của pháp cúng dường. Sự so sánh này hiển bày rõ
ràng công đức “kiên định, dũng mãnh cầu Chánh Giác” của Pháp Tạng Bồ-tát vượt
xa công đức cúng dường hằng hà sa chư Thánh”.
Đây là cực tán, tán
thán đến tột cùng. Hàm ý rất sâu, trên thực tế là dạy chúng ta nhận biết thế
giới Cực Lạc, nhận biết A-di-đà Phật, nhận biết công đức của câu danh hiệu này
không thể nghĩ bàn. Nói cách khác, chỉ cần bạn nắm chắc câu danh hiệu này, hết
thảy danh hiệu của hằng hà sa số chư Phật Bồ-tát đều ở trong một câu danh hiệu
A-di-đà Phật này, bạn thọ trì câu danh hiệu này cũng giống như bạn thọ trì
Thánh hiệu của hằng hà sa số vô lượng vô biên chư Phật Bồ-tát, không bỏ sót
danh hiệu nào. Tại sao vậy? Vì A-di-đà Phật là đại viên mãn, đại tổng trì, vô
lượng vô biên pháp môn đều ở trong một câu danh hiệu này. Cho nên thọ trì câu
Phật hiệu này, kinh luận mà Thế Tôn đã thuyết trong một đời đều ở trong đó. Các
pháp Bồ-tát, phổ độ chúng sanh mười phương thế giới, vô lượng công đức này cũng
ở trong câu Phật hiệu này, công đức của câu Phật hiệu thật sự không thể nghĩ
bàn!
Bồ-tát phải hành Bồ-tát đạo
Bồ-tát phát tâm rất
quan trọng
Bồ-tát phải phát tâm
Bồ-đề
Bồ-tát mới hành Bồ-tát
đạo
Phải nhớ rõ bảy loại
cúng dường
Công đức cúng dường vô
cùng tận
Nếu bạn học được pháp
cúng dường
Hơn cả cúng dường hằng
sa Thánh.
Tiết học hôm nay giao
lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!