PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA
VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG
GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ
hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 22/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện
Lục Hòa
Tập 3
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người,
A-di-đà Phật!
Tập thứ hai ngày hôm qua khá là khó. Tại
sao vậy? Bởi vì kinh Vô Lượng Thọ có vô lượng nghĩa, đề kinh cũng có
vô lượng nghĩa. Mọi người nghĩ xem, đề kinh có vô lượng nghĩa mà
chỉ giảng trong vài tiết học ngắn ngủi thì thực sự rất khó. Ngoài ra
đề kinh này nhất định phải giảng theo lời dạy của đại đức xưa hoặc theo
kinh điển, không thể do một ai đó tùy tiện nói ra được. Do vậy hôm
qua sử dụng từ ngữ trong Phật giáo khá nhiều, đây là đặc điểm thứ
nhất. Đặc điểm thứ hai là đề kinh có vô lượng nghĩa, trong thời
gian ngắn như vậy muốn giảng cho rõ ràng, thực sự là khá
khó, hơn nữa đều là dùng văn ngôn văn. Khả năng [đọc hiểu] văn ngôn
văn của chúng ta cao hay thấp. Vấn đề này làm sao giải
quyết? Mọi người không nên lo lắng, Bởi vì phúc giảng kinh Vô Lượng
Thọ lần thứ hai này, tôi chia làm ba cấp bậc: cấp thấp, cấp trung,
cấp cao, hơn nữa nghiêng về cấp trung và cấp cao. Tôi đã nói với mọi
người, lần phúc giảng này hi vọng có nhiều đồng tu có thể khai ngộ
hơn, có thể chứng quả, cho nên mà nói, về lý luận phải giảng cao hơn
một chút. Đối với những đồng tu nghe không hiểu thì phải làm
sao? Phải nắm bắt trọng tâm. Có đồng tu nói, thưa cô con nghe không
hiểu thì làm sao nắm bắt trọng tâm? Đừng vội, đến tập thứ
năm, tôi sẽ tổng kết trọng tâm từ tập 1 đến tập 4 để cung cấp cho mọi
người tham khảo.
Hôm
nay chúng ta bắt đầu giảng tập thứ ba. Hôm qua, tôi đã giảng tới chữ “Vô
Lượng Thọ” trong đề kinh, hôm nay chúng ta nói tiếp tới “Trang Nghiêm”.
Thứ
5: Trang nghiêm.
Kinh
nói rằng: “nhất hướng chuyên chí trang
nghiêm diệu độ”, “trang nghiêm
chúng hạnh”, lại nói “ngã dĩ
thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh”, “bỉ Cực Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc
trang nghiêm”, “chánh hiển sự sự
vô ngại pháp giới chi viên minh cụ đức dã”.
Mấy
câu tôi vừa nói đều là trích dẫn nguyên văn, đều là văn ngôn văn. Sau
đây tôi sẽ giải thích một chút. Hàm nghĩa của hai chữ “Trang
nghiêm”, dùng ngôn ngữ hiện tại mà nói chính là chân, thiện, mỹ,
huệ. “Thám huyền ký” nói rằng: “Trang nghiêm có hai nghĩa; một là đầy
đủ tánh đức, hai là trang hoàng đẹp đẽ”. Kinh Phật thuyết A-di-đà
nói: “Cõi nước Phật đó, thành tựu công đức trang nghiêm như
vậy”. Vãng Sanh Luận nói thế giới Cực Lạc có ba loại trang
nghiêm: “Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, cõi nước trang nghiêm”. Đây
là nói sơ lược, nói chi tiết thì có hai mươi chín loại trang
nghiêm. Cho dù nói sơ lược hay chi tiết thì đều là sự tập hợp của
chân, thiện, mỹ, tuệ mà thành tựu.
Chân thiện mỹ tuệ của thế gian có danh
nhưng không thực, đều là giả. Mặc dù trong Phật pháp có chân thiện mỹ
tuệ, nhưng không rốt ráo, không viên mãn. Chỉ có câu A-di-đà Phật của
Tịnh độ là chân thiện mỹ huệ rốt ráo nhất, viên mãn nhất. Chân tướng
sự thực này rất ít người biết. Lấy kinh văn làm bằng chứng, kinh Vô
Lượng Thọ nói rằng: “nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”. Các
đồng tu tu học Tịnh độ đều rất quen thuộc với bộ kinh này, có đồng tu
đã từng đọc tụng kinh Vô Lượng Thọ mấy vạn lần, rất nhiều đồng
tu có thể đọc thuộc làu làu kinh Vô Lượng Thọ. Ở đây tôi xin tùy hỷ
công đức của quý vị đồng tu. Nhắc tới câu nói ở trên, mọi người ngay
lập tức nghĩ rằng, câu này ở trong kinh điển. Câu này có ý nghĩa
gì? Mọi người có biết hay không? Ý nghĩa của câu này là: A-di-đà
Phật đã giác ngộ thấu triệt chân tướng của vũ trụ nhân sanh, một lòng
xây dựng thế giới Tây Phương Cực Lạc. Lần này mọi người đã hiểu triệt
để hàm nghĩa sâu xa của câu kinh này. Nếu như không giác ngộ thấu
triệt thì cũng không làm được. Mỗi một người niệm A-di-đà
Phật cầu sanh thế giới Cực Lạc cũng giác ngộ thấu triệt giống
vậy. Ngày đêm sáu thời chấp trì danh hiệu, không hoài nghi, không xen
tạp, không gián đoạn, đây là người thực sự giác ngộ. Không chỉ trang
nghiêm diệu độ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, mà thực sự là trang
nghiêm vô lượng vô biên cõi nước của mười phương chư Phật. Đây là một
loại phương pháp tu hành, chẳng phải là quá tuyệt hay sao? Thật sự là
không thể nghĩ bàn! Trong nhà Phật, tìm khắp tám vạn bốn ngàn pháp
môn cũng không tìm được pháp môn thứ hai. Các đồng tu phải thể hội
một cách tỉ mỉ, đây tuyệt không phải là người tu học Tịnh độ tự mình
khoa trương. Nếu như có người nghĩ như vậy tức là có tội, bởi vì
nghĩ như vậy là hủy báng pháp. Cho nên, nhất định phải hiểu rõ chân tướng
sự thật, trước khi hiểu rõ ràng thì phải thận trọng từng lời nói cử
chỉ, nhất định không được dựa vào phán đoán chủ quan của mình để nói
linh tinh.
“Trang nghiêm chúng hạnh”, “hạnh” là hành
vi trong cuộc sống của chúng ta. Hành vi là tạo tác, ngày đêm tạo tác
không ngừng nghỉ. Nói cách khác, từ khi sanh ra cho tới khi chết
đi, bạn đã tạo tác không ngừng nghỉ một phút giây nào, buổi tối đi
ngủ nằm mộng cũng đang tạo tác. Việc này do chính tôi tự mình trải
nghiệm.
Ví
dụ như có đồng tu bảo rằng buổi tối tôi làm việc, chuyện này chính tôi
cũng không biết, tôi cho rằng tôi ngủ rất ngon. Cư sĩ Điêu và tôi ngủ
ở phòng ngoài, cô ấy nói ngày nào tôi cũng làm việc. Cô ấy nói, có
lúc lớn tiếng mắng mỏ, có lúc thì thì thầm không ngừng, có lúc còn gõ
ầm ầm vào tường. Những chuyện này tôi không hề hay biết. Chỉ có hai
lần tôi có biết một chút, một lần tôi hất cái đài radio ở cạnh gối
vào tường, tiếng động rất lớn, bởi vì ban đêm yên tĩnh khiến cho cái
đài bị bể làm hai. Còn một lần tôi ném chăn xuống dưới
giường, tôi bị lạnh mà tỉnh giấc. Trước khi tỉnh tôi còn nói một câu
cuối cùng, tôi còn nhớ rõ: “Con người đều như vậy, anh còn muốn thế
nào nữa?” Quý vị thấy không, nằm mơ cũng không quên tạo nghiệp. Mọi
người đều biết tôi có nguyên tắc “bốn không”, đó là “không tranh luận,
không thảo luận, không biện luận, không giải thích”. Nhưng mà ở trong giấc
mơ tôi không làm chủ được. Cư sĩ Điêu nói với tôi, buổi tối đi ngủ
rất nhiều lần nghe tôi tranh luận với người khác, có lúc giống như đang
xét xử việc gì đó. Những chuyện này chính tôi cũng không biết.
Phật pháp quy nạp các tạo tác thành ba loại
lớn, ba nghiệp: thân, khẩu, ý; tất cả mọi hành vi đều không tách khỏi
ba phạm vi này. [Niệm] một câu A-di-đà Phật là đang trang nghiêm hành
vi của thân khẩu ý, đây là trang nghiêm thực sự, trang nghiêm rốt
ráo, trang nghiêm viên mãn. Nếu như có người hỏi bạn một vấn đề, bạn
chắp tay niệm A-di-đà Phật, đáp án này là viên mãn nhất. Cho dù là
hỏi thế gian pháp hay là xuất thế gian pháp; cho dù là hỏi thật hay
hỏi giả; là đẹp hay là xấu; là đúng sai hay tà chánh. Một câu
A-di-đà Phật là đáp án viên mãn rồi. Tại sao nói đáp án này viên mãn? Bởi
vì những gì họ hỏi đều là nghĩ ngợi lung tung. Cho dù hỏi vấn đề gì
đi chăng nữa cũng đều là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đều là
giả. Bạn trả lời họ: “A-di-đà Phật”, đây là lời thật! Tất cả đều
trả lời rồi, đáp án chung, vấn đề gì cũng không còn nữa. Còn câu trả
lời nào cao minh hơn đáp án này không? Không có. Cách trả lời này
thật hay, hay không tả được. “Trang nghiêm chúng hạnh”, đây là đáp án
rốt ráo viên mãn. Đáp án của bạn họ nghe hiểu hay không là vấn đề của
họ. Cũng giống như thiền cơ trong Thiền tông, cho nên niệm Phật là vô
thượng thâm diệu thiền. Thiền không thể so sánh, Mật cũng không thể sánh
bằng. Câu Phật hiệu là vô thượng thâm diệu thiền, là chú vương vô
thượng, là tổng cương lĩnh của hết thảy giáo học. Đừng quên “nắm lấy
mấu chốt”. Đây là “trang nghiêm”, phải bắt đầu học từ đây, bạn mới
biết được thế nào mới là trang nghiêm thực sự. Học được trang nghiêm thực
sự, bạn sẽ được thọ dụng vô lượng vô biên, đức dụng không chướng
ngại!
“Con đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm
cõi Phật”, câu nói này do chính A-di-đà Phật nói ra. Thích-ca Mâu-ni
Phật là bổn sư của chúng ta, chúng ta phát tâm tu học Tịnh độ thì
A-di-đà Phật cũng là bổn sư của chúng ta. Câu này nói cho chúng ta
biết, thế giới Cực Lạc đã kiến thiết thành tựu viên mãn rồi. Không
những thế giới chân, thiện, mỹ, tuệ thành tựu viên mãn, mà tất cả mọi
người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, không có ai không tu hạnh thanh
tịnh. Tư tưởng, kiến giải, lời nói, hành vi của họ, không điều nào
không thanh tịnh đến cực điểm, đều là trang nghiêm đến cực điểm, tốt
đẹp đến cực điểm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là hoàn cảnh
vật chất hay hoàn cảnh nhân sự cũng không hề khiếm khuyết điều gì. Đọc
những câu kinh này mà còn không muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực
Lạc, không muốn đến thân cận A-di-đà Phật hay sao? Người như vậy thì
giống như thầy Lý Bỉnh Nam từng nói “không ngu tức cuồng”, không phải
người ngu si thì là cuồng vọng. Hay nói cách khác, đầu óc không được bình
thường. Người bình thường nghe được việc này, có lý nào lại không
cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Tổ sư đại đức từ xưa tới nay, pháp môn,
tông phái mà các ngài tu học không giống nhau, nhưng khi các ngài
thực sự hiểu được thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì không có ai không buông
xuống toàn bộ những gì mà mình đã học, chuyên tâm niệm A-di-đà
Phật, cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Ở Ấn Độ có Bồ-tát Mã Minh, Long
Thọ, ở Trung Quốc có đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, đại sư Trí
Giả. Lúc trước các ngài đều không học pháp môn này, sau khi biết được
pháp môn Tịnh độ thì liền bỏ các pháp môn khác, chuyên tu pháp môn
Tịnh độ. Đại sư Ngẫu Ích cũng như vậy. Đại sư Liên Trì còn đặc biệt
nói: “Ba tạng mười hai bộ, nhường cho người khác ngộ; tám vạn bốn
ngàn hạnh, để cho người khác hành”. Lúc về già ngài chuyên tâm trì bộ kinh
A-di-đà, một câu Phật hiệu A-di-đà Phật, chuyên tu chuyên hoằng
dương, đó mới là thực sự giác ngộ triệt để. Chúng ta hôm nay vẫn
còn muốn đụng vào bộ kinh này, xem tới bộ kinh kia một chút, chưa hề
giác ngộ, vẫn chưa buông xuống. Người triệt để giác ngộ sẽ triệt để buông
xuống. Thời mạt pháp, đặc biệt là thời đại chúng ta đang
sống, nếu như nói nhẹ một chút là chúng ta đã sống giáp với đại tai
nạn, nếu như nói nặng một chút là chúng ta đã sống trong tai họa
rồi. Lần này, dịch Covid lan khắp toàn cầu còn chưa khiến chúng ta
giác ngộ hay sao? Không biết được lúc nào tai họa lớn hơn sẽ giáng
xuống đầu, tới lúc đó chúng ta trở tay không kịp, vậy thì không xong
rồi!
Tu học các pháp môn khác không phải không
tốt, nói thật là không kịp nữa rồi. Cho nên lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ
nhiều lần kêu gọi, yêu cầu chúng ta chuyên tu chuyên hoằng dương kinh Vô
Lượng Thọ, chuyên tâm niệm câu Phật hiệu A-di-đà Phật. Cho dù là năm
kinh một luận, sáu loại của Tịnh độ, dù có sáu loại thì cũng chỉ có
thể chuyên tu một loại, chuyên niệm A-di-đà Phật, như vậy mới có thể
trong thời gian ngắn nhất, thu hoạch được hiệu quả thù thắng
nhất, thực sự có thể lợi mình lợi người, cứu mình cứu người. Tu hai
pháp môn, học hai bộ kinh thì không còn kịp nữa. Những lời này hơn
mười năm trước sư trưởng đã nói với chúng ta, đáng tiếc chúng ta nghe
không hiểu, không làm theo, chúng ta lãng phí thời gian mười mấy
năm. Nếu như mười mấy năm trước chúng ta nghe hiểu và làm
theo, thì ngày hôm nay của mười mấy năm sau, bạn đã thành tựu
rồi, bạn chính là Vô Lượng Thọ Phật rồi.
Thực sự phải giác ngộ, nhất định đừng nên
cho rằng một đời này học một bộ kinh thật quá ít. Từ xưa đến nay bao
nhiêu chư Phật, Bồ-tát; đời đời kiếp kiếp chỉ học một bộ kinh, hoằng
dương một bộ kinh, các ngài không hề chê ít. Nếu như chê một bộ kinh
ít tức là tâm tham vẫn chưa đoạn trừ. Khoan chưa nói tới kiến tư, trần sa,
vô minh vội, tâm tham chưa đoạn trừ thì không đoạn trừ được kiến tư phiền
não, vậy thì bạn còn có thành tựu gì nữa? Có người nói, tôi không
tham thứ khác, tôi chỉ tham chút Phật pháp cũng không được sao? Không
được, tham bất cứ điều gì đều không được, không phải bảo bạn thay đổi đối
tượng để tham. Một bộ kinh thì đủ rồi, đoạn trừ tâm tham. Nếu
thật sự thông đạt một bộ kinh thì hết thảy kinh điển đều thông
đạt. Hết thảy kinh điển đều thông đạt rồi thì vẫn chuyên tu chuyên
hoằng dương một bộ kinh. Một là hết thảy, hết thảy là một, hà tất
phải phiền phức!
“Cõi
Cực Lạc kia có vô lượng công đức đầy đủ trang nghiêm”.
Đây là kinh văn trong kinh Vô Lượng
Thọ. Thế Tôn tự mình nói cho chúng ta biết, công đức lợi ích rốt ráo
viên mãn của thế giới Cực Lạc. “Đầy đủ” tức là không thiếu bất kì điều
gì, tốt đẹp đến cực điểm. Những gì tốt đẹp trong hết thảy cõi nước
chư Phật thì thế giới Tây Phương Cực Lạc đều có; những gì không tốt
trong các cõi nước chư Phật thì thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không
có, cho nên mới gọi là thế giới Cực Lạc. Cực Lạc không phải là nói
riêng cho người ở thế giới Ta-bà, mà là nói cho hết thảy mười phương vô
lượng vô biên cõi nước chư Phật. Cho nên, hết thảy chư Phật, không có
vị nào không tán thán A-di-đà Phật, không có vị nào không tán thán thế
giới Tây Phương Cực Lạc, không có vị nào không khuyên dạy chúng
sanh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Mười phương ba đời hết
thảy chư Phật giảng kinh thuyết pháp, không có vị nào không giảng kinh Vô
Lượng Thọ. Tịnh độ ngũ kinh là các bộ kinh mà hết thảy chư Phật
Bồ-tát nhất định phải tuyên giảng, các kinh điển khác thì chưa
chắc. Không gặp cơ duyên thì các ngài sẽ không giảng. Chỉ có pháp môn
niệm Phật, thích hợp khắp ba hạng căn tánh, thâu nhiếp cả lợi căn và độn
căn. Do đó mà hết thảy chư Phật tận hư không khắp pháp giới, Hết thảy
thời, hết thảy nơi đều đang tuyên thuyết. Trang nghiêm đến cực điểm.
Tổng hợp những gì mà tôi nói ở trên, có
thể được một kết luận như thế này: “Chính là hiển thị viên minh cụ đức của sự
sự vô ngại pháp giới”. Từ những câu nói này trong kinh, thật sự cho
thấy những gì bộ kinh này nói không hề khác biệt với kinh Hoa
Nghiêm. Điểm đặc sắc của kinh Hoa Nghiêm đó là pháp giới Tứ Vô
Ngại: “sự vô ngại, lý vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”. Đó
mới là tự tại thực sự, đó là chân thật. không những kinh này tương
đồng với kinh Hoa Nghiêm, mà thế giới Tây Phương Cực Lạc và thế giới
Hoa Tạng là không hai không khác. Người niệm Phật hằng ngày niệm A-di-đà
Phật, tại sao công phu không đắc lực? Bởi vì tín tâm không chân thật,
nguyện không khẩn thiết, niệm không chuyên nhất. Đây chính là nguyên nhân
căn bản khiến cho chúng ta niệm Phật bao nhiêu năm mà công phu không đắc
lực.
Tại sao phải nghe kinh? Mục đích của nghe
kinh là để hiểu rõ chân tướng sự thật. Hiểu rõ được chân tướng sự
thật rồi thì tín tâm, nguyện tâm của chúng ta mới có thể thật sự
phát ra được, mới có thể thực sự niệm câu Phật hiệu này mà không hoài
nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Người niệm Phật như vậy, mặc dù
bây giờ vẫn chưa đến Tây Phương nhưng hiện tại họ đã thành Phật
rồi. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì người niệm Phật như
vậy chắc chắn một đời thành tựu, không phải đợi đến kiếp sau? Chắc
chắn sẽ về Tây Phương, chẳng qua là sớm hay muộn mà thôi. Phía trước
chúng tôi đã giảng “Đại thừa”, “Vô Lượng Thọ”, “Trang Nghiêm”, ba câu
này là tánh đức, đức năng của tự tánh vốn có. Đức năng của tự tánh vô
lượng vô biên, ở trên chúng ta chỉ nói sơ lược ba loại. Tiếp theo đây
chúng tôi sẽ nói về “Thanh Tịnh”, “Bình Đẳng”, “Giác”, đây thuộc về
tu đức. Nếu chỉ có tánh đức mà không có tu đức thì tánh đức không thể
hiển lộ. Chúng ta biết Di-đà là tự tánh Di-đà, thế giới Cực Lạc là
duy tâm Tịnh độ, là tự tánh hiển hiện, không phải là vật ngoài
tâm. Về lý về sự đều phải có nhận thức đúng đắn thì mới có thể thật
sự đoạn nghi sanh tín. Kinh Vô Lượng Thọ chính là nói về tánh đức, tu
đức. Trọng tâm của tánh đức là “Đại thừa Vô Lượng Thọ Trang
Nghiêm”, trọng tâm của tu đức là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Trong
hết thảy kinh điển, hiếm có tên bộ kinh nào được viên mãn được như
vậy. Mục đích, cảnh giới, phương pháp mà chúng ta tu học đều ở trong
đề kinh này.
Thứ sáu:
“Thanh Tịnh”.
Ba nghiệp thân khẩu ý lìa khỏi hết thảy
ác hạnh, phiền não, cấu nhiễm. Kinh nói: “Tâm tịnh thì cõi Phật
tịnh, cho thấy một tức là hết thảy, hết thảy tức là một”.
Ba câu cuối cùng của đề kinh Vô Lượng
Thọ là tổng cương lĩnh tu học, đối với người tu hành mà nói thì vô
cùng quan trọng. Tu học Tịnh độ phải hạ thủ từ tâm thanh tịnh. “Thanh
tịnh bình đẳng giác” chính là Tam bảo. Bình thường chúng ta hay nói quy y
Tam bảo, “Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Phật có nghĩa là giác
ngộ, Pháp có nghĩa là bình đẳng, Tăng có nghĩa là thanh tịnh. Ba
câu này là tổng cương lĩnh tu hành. Thế nào là thanh tịnh? Nói thông
thường tức là ba nghiệp thân khẩu ý lìa khỏi hết thảy ác hạnh, lìa khỏi
hết thảy phiền não, lìa khỏi hết thảy trần cấu ô nhiễm, đây là ý
nghĩa của thanh tịnh.
Thám Huyền Ký nói rằng: “Ba nghiệp không lỗi
thì gọi là thanh tịnh”, ý muốn nói rằng ba nghiệp thân khẩu ý không
còn lỗi lầm chính là thanh tịnh. Cõi thanh tịnh là chỉ cho Tịnh
độ; thân thanh tịnh là chỉ thân Phật; người thanh tịnh là chỉ Như
Lai. Vãng Sanh Luận nói rằng: Ba thứ trang nghiêm cùng vào trong một
Pháp Cú, một Pháp Cú tức là thanh tịnh, Thanh tịnh cú là chân thật
trí tuệ vô vi Pháp thân. Cách nói này vô cùng hòa hợp với “Trang
nghiêm thanh tịnh” trong đề kinh. Ba thứ trang nghiêm là vô lượng trang
nghiêm. Nay cùng vào trong một thanh tịnh cú, đó là “hết thảy tức là
một”. Kinh lại nói “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, đó chính là “một tức
là hết thảy”.
Tu hành Tịnh độ phải hạ thủ từ tâm thanh
tịnh, tâm thanh tịnh nói thì dễ mà làm thì rất khó. Khó ở chỗ
nào? Thứ nhất, từ vô thỉ kiếp đến nay, phiền não, ô nhiễm, tập khí vô
cùng nghiêm trọng, rất khó hàng phục. Kinh Kim Cang nói rằng “hàng
phục tâm này” không dễ gì mà làm được. Thứ hai, ác duyên hiện nay của
chúng ta quá nhiều. Trong xã hội trước mắt chúng ta, sáu căn tiếp xúc
với cảnh giới sáu trần, không gì là không ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi
vì ô nhiễm khiến tâm địa phiền não, cho nên hết thảy tạo tác đều là ác
hạnh. Ác hạnh là chỉ mười ác nghiệp, tạo ác nghiệp thì phải chịu ác
báo. Người không học Phật hằng ngày đang tạo mười điều ác mà bản thân
lại không biết, vấn đề này rất nghiêm trọng. Không biết thì làm sao
mà sửa? Vậy thì tiếp tục tạo thôi! Chúng ta học Phật rồi, có tạo
tác ác nghiệp không? Cũng có rất nhiều người không biết. Chưa nói tới
những điều khác, ngày ngày đều bàn chuyện phải quấy của người
khác, có phải là đang tạo tác ác nghiệp không? Tạo ác nghiệp thế
nào thì có liên quan rất lớn đến tiền đồ của chúng ta. Tiền đồ mà tôi
nói tới chính là “việc lớn sanh tử” mà đức Phật giảng trong kinh
điển. Đó là cuối cùng chúng ta trở về nơi nào? Nếu như không hiểu rõ
việc lớn sanh tử, vẫn cứ luân hồi trong lục đạo, đó là mê chứ không
phải giác, tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Thực sự giác ngộ
rồi, từ nay trở về sau, tu tâm thanh tịnh, cầu sanh Tịnh độ, vĩnh
viễn thoát khỏi luân hồi.
Hiện nay có thể nói là đã tới thời khắc then
chốt để chúng ta nhập luân hồi hay siêu vượt luân hồi. Thực tế mà
nói, chỉ ở ngay một niệm của chúng ta, bạn nhất định phải đưa ra lựa chọn
đúng đắn. Không thể đánh mất cơ hội, mất rồi sẽ không còn nữa! Một
niệm sai lầm, ngàn đời ôm hận! Chúng ta tu hành có công phu hay
không, có tiến bộ hay không, có cần phải đi hỏi người khác
không? Không cần, bạn phải hỏi lại chính mình, chỉ có chính mình
biết rõ nhất. Vọng niệm của chúng ta có phải là ít hơn trước
đây, phiền não có phải là nhẹ hơn trước đây không? Nếu như vọng niệm
của bạn ít, phiền não nhẹ thì cho thấy bạn tiến bộ, công phu niệm
Phật có tăng trưởng. Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều phương pháp, con
đường, thông thường gọi là pháp môn, đều là giúp chúng ta lìa
khỏi hết thảy ác hạnh, phiền não, ô nhiễm. Chúng ta chọn pháp
môn khế hợp với căn cơ của chính mình để tu hành thì sẽ có được hiệu quả,
tu ít mà thành công lớn. Lúc đức Phật còn tại thế, đức Phật có khả
năng quán xét căn cơ, quán sát tập khí tích lũy đời đời kiếp kiếp của
chúng sanh trong quá khứ, cho nên ngài có thể tùy bệnh cho thuốc, nói
cho chúng ta biết phương pháp tu học. Chúng ta y giáo phụng hành, quả
nhiên có thể đoạn trừ phiền não, khai ngộ chứng quả. Các tổ sư đại
đức sau thời đức Phật, có một số vị là Bồ-tát, la-hán hóa thân tái
lai, phương thuốc mà các ngài đưa cho chúng ta cũng rất có tác
dụng, nhưng nhất định phải tùy bệnh cho thuốc. Đừng uống sai thuốc,
uống sai thuốc rất nguy hiểm, phiền phức. Đại sư Ấn Quang là Đại Thế Chí
Bồ-tát của thế giới Tây Phương Cực Lạc tái lai. Ngài đến giúp chúng
sanh thời mạt pháp như chúng ta chọn lựa pháp môn. Chú ý! Không phải
tuyển chọn mà là chọn lựa. Ngài chọn pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh
độ cho chúng ta. Cụ thể mà nói là pháp môn trì danh niệm Phật Tịnh
độ. Đại sư Ấn Quang một đời đề xướng “Di-đà Kinh Yếu Giải”, tán thán
“Yếu Giải” đến tột bậc.
Ngài nói, cho dù cổ Phật tái lai chú giải
cho kinh A-di-đà, cũng không thể hay hơn tác phẩm này. Lời này của
Đại Thế Chí Bồ-tát nói ra, vậy thì người viết Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích là
vị nào tái lai? Đại sư Ngẫu Ích là chân nhân bất lộ tướng, thân phận
chưa được tiết lộ. Bởi vì đại sư Ấn Quang tán thán ngài ấy như
vậy, chúng ta đoán rằng, nếu đại sư Ngẫu Ích không phải là A-di-đà
Phật, Thích-ca Mâu-ni Phật tái lai, thì chắc chắn là Quán Thế Âm
Bồ-tát tái lai, mới khiến cho Đại Thế Chí Bồ-tát tán thán như
vậy. Ngoài “Yếu Giải” ra, Ấn Tổ còn tích cực đề xướng Liễu Phàm Tứ
Huấn, mục đích là giúp chúng ta thực sự tin tưởng nhân quả báo
ứng. Đối với xã hội hiện nay đó là chuyện khẩn cấp nhất. Tại sao
vậy? Phật pháp suy rồi, Nho gia cũng bị phế bỏ, lòng người không có
chỗ nương về. Tư tưởng kiến giải của chúng ta không có tiêu chuẩn đo
lường, mọi người cả gan làm loạn, thế giới này liền đại loạn. Hiện
nay, chúng ta gặp phải tình cảnh này, sống trong thế giới loạn lạc
tới cùng cực. Thật khổ! Vào thời đại loạn nếu như mọi người đều tin
tưởng sự thật nhân quả báo ứng, khởi tâm động niệm biết thu liễm đôi
chút thì có sự trợ giúp rất lớn đối với sự an định, trật tự ổn
định của xã hội. Dùng “Di-đà Kinh Yếu Giải” tịnh hóa thân tâm của chúng
ta, đây là do Ấn Tổ đề xướng. Ngài vô cùng từ bi, vô cùng trí
tuệ, không hổ danh là tổ sư một thời của Tịnh độ tông. Sau thời Ấn
Tổ, đại sĩ Hạ Liên Cư cũng là một vị vô cùng giỏi. Nếu như chúng ta
không thâm nhập kinh tạng thì không có cách nào nhận thức và hiểu
rõ vị đại đức cư sĩ này. Chỉ có người nào thâm nhập kinh tạng mới
biết được, bộ kinh Vô Lượng Thọ mà ngài hội tập, không phải người
bình thường có thể làm được. Kết tập kinh Vô Lượng Thọ, nếu như không
phải Bồ-tát Đẳng giác trở lên như ngài Quán Âm, Đại Thế Chí, chắc
chắn không thể làm làm được viên mãn như vậy, một chút khiếm khuyết nhỏ
nhặt cũng không tìm thấy.
Trước đây, người đầu tiên hội tập kinh
này là cư sĩ Vương Long Thư, ông ấy cũng rất giỏi. “Long Thư
Tịnh Độ Văn” mà ông viết không biết đã độ bao nhiêu người vãng
sanh! Mỗi một người nhờ vào “Tịnh Độ Văn” phát tâm vãng sanh sẽ giúp
phẩm vị của cư sĩ Vương Long Thư ở thế giới Tây Phương tăng lên. Bởi
vì nhờ sự dẫn dắt của “Tịnh Độ Văn” mà họ mới phát nguyện cầu sanh Tịnh
độ, công đức này thật rất lớn! Mà lúc cư sĩ Vương Long Thư vãng
sanh, ông biết trước ngày giờ, đứng mà vãng sanh. Đây cũng không phải
là bậc tầm thường. Nhưng mà quyển hội tập của ông có khuyết điểm, chúng
ta không thể không nghĩ đến công việc hội tập thực sự không hề dễ
dàng. Vị thứ hai là cư sĩ Bành Tế Thanh, hiệu Tri Quy Tử. Ông
đem phương pháp tu hành của kinh Hoa Nghiêm quy nạp thành pháp môn niệm
Phật, viết cuốn “Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam-muội Luận”, đây cũng không
phải là chuyện mà người bình thường có thể làm được. Người thật sự giác
ngộ triệt để mới có huệ nhãn như vậy. Kinh Vô Lượng Thọ mà ông hiệu
đính cũng chưa viên mãn. Vị thứ ba là cư sĩ Ngụy Nguyên, ông hội
tập kinh này từ năm quyển phiên dịch trước đó, tự mình cho rằng bản kinh
này đã hoàn hảo không khiếm khuyết, nhưng người đời sau vẫn chỉ ra
được từng khuyết điểm. Đặc biệt là đại sư Ấn Quang trong Văn Sao đã phê
bình bản hội tập của cư sĩ Ngụy Nguyên rất nhiều. Vị thứ tư là lão cư sĩ
Hạ Liên Cư. Kinh Vô Lượng Thọ hội tập của Hạ lão hoàn hảo không khiếm
khuyết. Tông môn giáo hạ, đại đức xuất gia tại gia năm đó đều
thừa nhận đây là bản hoàn thiện nhất. Bởi vì thời đó vẫn còn một số người
có thành kiến, khiến cho bộ kinh này sau khi xuất bản không được lưu
hành rộng rãi. Lão pháp sư Luật Hàng mang bộ kinh này tới Đài
Loan, thầy Lý Bỉnh Nam có giảng qua một lần ở Đài Trung. Mãi cho tới
khi thầy Lý vãng sanh, pháp sư thượng Tịnh hạ Không vì muốn báo đáp
ơn dạy dỗ của Thầy, cực lực đề xướng lưu truyền rộng rãi. Sau khi lưu
truyền đã trở thành bộ kinh mà các đồng tu học Phật ưa thích nhất.
Từ đó thấy được, lão cư sĩ Hạ Liên Cư đến
thế gian này để làm gì? Ngài đến để độ những chúng sanh khổ nạn thời chúng
ta. Dùng pháp môn này, thật sự có được hiệu quả thân tâm thanh
tịnh. Lão Pháp sư thường khuyên nhủ mọi người, dùng phương pháp
gì để đạt được mục tiêu tu học thật sự? Sư trưởng đã giới thiệu cho
chúng ta một phương pháp cổ xưa, đó là đọc kinh. Lão Pháp sư nói với
chúng ta, đọc kinh là cùng hoàn thành tam học: giới, định, tuệ. Đọc
kinh Vô Lượng Thọ, không chỉ tam học ở trong đó mà tam tuệ: văn tư
tu, tam tư lương: tín nguyện hạnh cũng ở trong đó, thật là một
công mà được nhiều việc. Quả thực là tuyệt diệu! Thật sự không thể
nghĩ bàn! Cái gì là diệu pháp? Đây mới là diệu pháp hàng thật giá
thật! Bạn có biết hay không? Thân tâm của chúng ta không thanh
tịnh, dùng phương pháp khác muốn đạt được thanh tịnh vô cùng khó
khăn. Nếu như dùng phương pháp này, mỗi ngày dụng tâm nghiêm túc đọc
ba bộ kinh, nửa năm sẽ thấy hiệu quả. Chú ý! Ở đây tôi có dùng hai
từ: dụng tâm, nghiêm túc. Bạn đã làm được chưa? Có đồng tu đọc tụng
kinh Vô Lượng Thọ đã tụng cả mấy vạn lần, thân tâm vẫn chưa được
thanh tịnh, thậm chí nghiêm trọng hơn là còn có người bị ma
nhập. Nguyên nhân là gì? Theo quan sát của tôi thì có mấy nguyên nhân
như sau:
Thứ nhất,
dùng tâm ganh đua so sánh để đọc kinh. Ví dụ như, nghe nói vị cư sĩ nào
đó mỗi ngày có thể đọc năm bộ kinh, mình không thể đọc ít
hơn, anh đọc năm bộ thì tôi đọc sáu bộ, bảy bộ. Vị cư sĩ nào đó đọc
một bộ kinh hết 45 phút, tôi đọc trong vòng 30 phút là xong. Chính là
anh có thể làm được thì tôi cũng có thể, còn phải giỏi hơn anh nữa.
Thứ hai,
dùng tâm vọng niệm đọc kinh. Đọc kinh là đồng thời hoàn thành giới định
tuệ, nhưng bạn dùng vọng tâm niệm Phật, vọng tâm đọc kinh thì bạn sẽ
không có được điều nào trong giới định tuệ cả. Mà bạn có được điều
gì? Phiền não.
Thứ ba,
dùng tâm mong cầu mà đọc kinh. Cầu điều gì? Mỗi một người mong cầu không
như nhau, nhưng có mong cầu thì đều giống nhau. Ví dụ như cầu đắc tam-muội,
cầu đắc thần thông, cầu khai ngộ, cầu Phật bảo hộ v.v. Lại không biết
cầu đắc tam-muội thì không đắc được tam-muội, cầu khai ngộ thì không khai
ngộ được, làm thế nào để đạt được? Tâm thanh tịnh hiện tiền thì
những điều này đều đạt được, bởi vì trong tự tánh của bạn vốn có những
điều này, cầu bên ngoài sẽ cầu không được.
Thứ tư,
dùng tâm nhiệm vụ đọc kinh. Đó là xem việc đọc kinh thành nhiệm
vụ, mỗi ngày đọc mấy bộ kinh, là nhiệm vụ nhất định phải hoàn
thành. Như vậy thì làm sao mà có pháp hỷ cho được! Có lúc đang đọc
kinh, trong lòng lại nhớ ra có chuyện gì đó cần phải làm? Lòng
như lửa đốt, mau chóng đọc cho xong chuyện. Vậy thì đâu phải đang đọc
kinh, đều là hình thức, qua loa cho xong chuyện. Cách đọc kinh
như vậy thì làm sao giúp tâm thanh tịnh được.
Thứ năm,
dùng tâm báo cáo để đọc kinh. Người như vậy cho rằng đọc kinh là đọc
cho chư Phật Bồ-tát nghe, đối phó với nhiệm vụ, đã đọc mấy bộ kinh
cho chư Phật Bồ-tát nghe, chứng minh bản thân là người tu hành, báo
cáo kết quả là được.
Mấy cách đọc kinh mà tôi nói ở trên có
cùng một đặc điểm, đó là cầu nhanh, chỉ quan tâm tốc độ chứ không để ý
chất lượng. Người đọc kinh như vậy không biết rằng quá trình bạn đọc
kinh cũng chính là quá trình giáo hóa chúng sanh, có biết bao chúng
sanh khuất mặt đang lắng nghe, có khi người cõi trời đi ngang
qua, cũng phải cung kính dừng chân chắp tay lắng nghe. Bạn đọc mà câu
chữ nghe không rõ, thì sẽ có chúng sanh bị phiền não, người trời
cũng rời đi không nghe nữa, những chuyện như vậy bạn biết
không? Chúng ta phải biết rằng, tu hành là phải đối trị ác hạnh,
phiền não, tập khí. Đối trị như thế nào? Đọc kinh là một trong những
phương pháp đối trị, mục đích đọc kinh là để đoạn trừ nghiệp chướng,
phiền não, tập khí, khôi phục thanh tịnh bình đẳng giác trong tâm địa của
chính mình. Việc này chúng ta không thể không biết. Nghe những gì tôi
nói ở trên, có đồng tu có thể sẽ nêu ra vấn đề như thế này: Thưa cô,
chẳng phải cô nói có thể buông xuống kinh giáo, chuyên niệm một câu
A-di-đà Phật sao? Đúng vậy, tôi thực sự có nói như vậy, bây giờ tôi
vẫn nói như vậy, thế nhưng buông xuống kinh giáo phải kèm theo điều
kiện, điều kiện gì vậy? Là phải hiểu rõ lý. Làm sao biết được bạn đã
hiểu rõ lý hay chưa? Không cần hỏi người khác, người khác không biết được, hỏi
chính mình, chính mình rõ nhất. Dùng tiêu chuẩn nào để đo lường? Bốn
niềm tin:
Thứ nhất
là tin có thế giới Cực Lạc.
Thứ hai
là tin có A-di-đà Phật.
Thứ ba
là tin chính mình đời này nhất định vãng sanh thế giới Tây Phương Cực
Lạc.
Thứ tư
là tin A-di-đà Phật nhất định đến tiếp dẫn bạn vãng sanh thế giới Tây
Phương Cực Lạc.
Bốn niềm tin này vững chắc rồi, thì có
thể buông xuống kinh giáo, một câu Phật hiệu niệm tới cùng.
Đối với việc nhận thức vấn đề này, có thể
là duyên phận khác nhau nên lý giải, nhận thức, lấy bỏ cũng không hoàn
toàn giống nhau. Thời gian trước, tôi nói với cư sĩ Điêu hãy buông
xuống kinh giáo, nhất tâm niệm Phật. Cô ấy nói: “không, em vẫn muốn nghe
kinh”. Tôi nói: “vậy được, tùy em lựa chọn!”
Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì mấy
lý do sau đây: thứ nhất, bốn niềm tin của cô ấy căn bản đã giải quyết
rồi; thứ hai là nghe kinh đối với cô ấy mà nói chỉ là hình
thức, chỉ cần nghe là cô ấy liền ngủ; thứ ba là nghe là một chuyện,
làm lại là một chuyện khác, không thể áp dụng vào trong cuộc sống thực tế, giải
quyết vấn đề sửa đổi tập khí; thứ tư là tuổi tác lớn rồi, đã bảy mươi hai
tuổi, đến bây giờ mà công phu niệm Phật vẫn chưa đắc lực, nên tôi có
chút lo lắng cho cô ấy, tôi muốn cô ấy trì cho vững danh hiệu
Phật, một câu Phật hiệu niệm tới cùng, giải quyết việc lớn sanh
tử. Cô ấy không muốn buông xuống kinh giáo, tôi cũng không thể cưỡng
ép, tôn trọng chọn lựa của cá nhân cô ấy, tùy duyên vậy!
Lúc tôi đang nói chuyện với cư sĩ
Điêu, hộ pháp Bồ-đề Tâm của tôi đang ở bên cạnh, em ấy nói, “Thưa cô,
con buông xuống kinh giáo, một câu Phật hiệu niệm đến cùng có được
không?” Tôi trả lời ngay lập tức: Được! Đây là duyên phận khác nhau
giữa hai người, một người ngoài bảy mươi tuổi không muốn buông xuống kinh
giáo, một người năm mươi tuổi chủ động buông xuống kinh giáo. Tại sao
tôi trả lời Bồ-đề Tâm một cách quyết đoán, được! Là bởi vì tôi biết em ấy
làm được, tôi sẽ không nói linh tinh mà không chịu trách nhiệm. Buông
xuống kinh giáo mà tôi nói đến, quý vị đồng tu phải hiểu một cách đúng
đắn, không phải nói là bạn không được đụng vào kinh điển nữa, nếu bạn
cảm thấy có kinh điển nghe xong được lợi ích thì bạn cứ nghe, có thể
giúp bạn thành tựu tại sao lại không nghe? Nếu nghe không hiểu lời tôi
nói thì cứng nhắc học Phật, học thành Phật cứng nhắc, chân thật đã để lỡ
việc rồi!
Tiết
học hôm nay chúng ta giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà
Phật!