Tập 30 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 05/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 30

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Pháp Tạng bạch ngôn: Tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới.

Đây là Pháp Tạng Bồ-tát trả lời khai thị của Phật, đây là Pháp Tạng Bồ-tát từ bi, đại diện chúng ta nói. Ba chữ “tự” mà Phật giảng, “nhữ tự tư duy”, “nhữ tự đương tri”, “nhữ ưng tự nhiếp”, nghĩa lý quá rộng lớn, quá thâm sâu, “phi ngã cảnh giới”, không phải cảnh giới của con.

“Cảnh” là nơi mà tâm phan duyên ngao du tới, đó không phải là nơi mà đôi chân bước qua, mà là nơi mà tâm bạn có thể đạt đến được. Nơi ngao du của tâm bạn, nơi phan duyên của tâm, nên gọi là cảnh. Ví dụ như mắt nhìn thấy sắc, nếu nhìn thấy màu sắc, thì màu sắc này là nơi mà nhãn thức ngao du, gọi là Sắc Cảnh. Pháp là nơi mà ý thức ngao du tới, gọi là Pháp Cảnh.

“Cảnh giới” là chỉ nơi mà tâm có thể đi tới, nơi mà ý có thể phan duyên tới và kết quả mà chính mình tu trì đạt được.

“Phi ngã cảnh giới” biểu thị đó không phải cảnh giới mà trình độ của con, tâm của con có thể đạt được, có thể nghĩ tới được, con không thể hiểu được cảnh giới này.

“Lại nữa, lý của Thật Tướng, là nơi ngao du của diệu trí”, cũng gọi là Cảnh, thuộc về Pháp Cảnh. Lý của Thật Tướng chính là tự tánh. Đây là cảnh giới gì? Minh tâm kiến tánh thì họ hiểu được ba chữ “tự” này. Nên một câu nói của đại sư Huệ Năng đã đánh thức Huệ Minh, Huệ Minh liền khai ngộ rồi. Tại sao ngài lại khai ngộ nhanh như vậy? Dùng chân tâm. Chúng ta thật sự muốn học Phật, phải dùng chân tâm, không dùng vọng tâm. Nơi chân tâm ngộ nhập là trí tuệ, cảnh giới của trí tuệ vô lượng vô biên, cảnh giới của trí thức rất có giới hạn.

Có người nói, xã hội hiện nay dùng chân tâm sẽ thiệt thòi, bạn dùng chân tâm, người khác sẽ cười bạn khờ dại. Kinh nghiệm đời sống hơn 70 năm của tôi nói với chính mình, dùng chân tâm không thiệt thòi. Người bình thường nghĩ thế này, họ giả dối với tôi, dựa vào đâu mà tôi phải dùng chân tâm đối với họ? Vậy mà họ chẳng biết, họ dùng sự giả dối đối xử với ta, họ là phàm phu; ta dùng chân tâm đối xử với họ, ta là Phật Bồ-tát. Không như nhau, không chịu thiệt.

Chân tâm là gì? Chân tâm trong sạch không có gì cả. Ba vị Thánh ở chùa Lai Phật đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy. Ngài Hải Hiền dùng chân tâm, ngài Hải Khánh dùng chân tâm, hòa thượng Lão Đức cũng dùng chân tâm. Người khác lừa ngài, trêu đùa ngài, ức hiếp ngài, người khác dùng vọng tâm, ngài hoàn toàn dùng chân tâm, ngài đạt được lợi ích chân thật. Người khác chà đạp ngài, nhục mạ ngài như vậy, ngài đều tiếp nhận. Ngài thấy Phật thì lạy, người ta nói trong phân trâu có Phật, ngài liền lạy phân trâu. Người bình thường xem ngài là kẻ ngốc, thực ra ngài không ngốc chút nào. Mọi người trêu chọc ngài, ngài đạt được lợi ích chân thật, đây chính là sự hiển hiện diệu trí của ngài.

Có hai câu nói thế này: một câu là “nội trọng kỷ linh”, một câu là “ngoại mộ chư Thánh”. Có nghĩa gì vậy? Ba chữ “tự” của Thế Gian Tự Tại Vương Phật chính là chỉ dạy hành nhân tuân theo linh tánh vốn có của chính mình, trong giáo gọi là “nội trọng kỷ linh”. Pháp Tạng Bồ-tát nói, “phi ngã cảnh giới”, tiếp tục thỉnh Phật khai thị, đây gọi là “ngoại mộ chư Thánh”. “Ngoại mộ chư Thánh” là gia phong chỉ Tịnh độ tông mới có, gọi là pháp môn tha lực. Ngoại Thánh chính là Tha Phật. Phàm phu thời Mạt pháp chỉ cần có thể tin “có thế giới tên là Cực Lạc. Cõi nước ấy có đức Phật hiệu là A-di-đà”. Tha thiết phát nguyện vãng sanh, nhất hướng trì danh thì có thể vãng sanh. Đây đều nhờ lực gia trì từ biển đại nguyện Nhất Thừa của A-di-đà Phật và công đức vô biên của câu danh hiệu, đây là tha lực.

Hai chữ “có” ở trên thật quá quan trọng, ngữ khí khẳng định, không cho phép nghi ngờ chút nào, kiên định tín niệm cầu sanh Tây Phương của chúng sanh. Vào cuối đời, đại sư Ngẫu Ích buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, tự đặt cho mình một biệt hiệu, gọi là “Tây Hữu Đạo Nhân”. Tây là Tây Phương, hữu là có thế giới Cực Lạc, có A-di-đà Phật, lấy hai chữ “có” này thành biệt hiệu của mình, niệm niệm không quên hai chữ này.

Pháp môn Tịnh độ là pháp môn tha lực, pháp môn tha lực cũng gọi là phái Quả Giáo, là tu trì từ Phật Quả. Câu danh hiệu mà ta niệm là thành quả lịch kiếp tinh tu, vạn đức viên mãn của Phật. Hiện tại chúng ta niệm câu Phật hiệu, là bắt đầu từ thành quả của Phật. Nêu một ví dụ, ví như bánh màn thầu, phải trải qua rất nhiều quy trình, gieo hạt, thu hoạch, gia công, thương nghiệp hoạt động, đầu bếp lao động vất vả mới có được bánh màn thầu chín. Chúng ta là người trực tiếp ăn màn thầu, ăn chính là hưởng thụ thành quả vạn đức thành tựu của Phật.

Cho nên Tịnh tông là đạo dễ hành, là phương tiện rốt ráo trong các phương tiện. Nội hữu kỷ linh, ngoại hữu chư Thánh, có tự có tha, có nội có ngoại, điều này biểu thị mình và người không khác. Nhưng chúng ta nên từ trong sự khác biệt thông đạt không khác biệt. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư có bài kệ nói: “Di-đà Di-đà cứ niệm mãi, hóa ra A-di-đà niệm Di-đà”, tới lúc này kỷ linh và ngoại Thánh, năng niệm và sở niệm, đều là Di-đà, tự nhiên năng sở lưỡng vong, tự tha bất nhị. Thật quá tuyệt vời!

Chúng ta toàn tâm toàn ý nương nhờ ngoại Thánh, nương nhờ A-di-đà Phật, nương nhờ đến sau cùng mới biết, hóa ra A-di-đà Phật không rời tự tánh. Thiền sư Trung Phong nói: “Tâm ta chính là A-di-đà Phật, A-di-đà Phật chính là tâm ta”, câu này nói hay biết mấy! A-di-đà Phật từ đâu đến? Do tâm ta tự hiện. Thế giới Cực Lạc ở đâu? Ở ngay nơi này. “Nơi này chính là Tịnh độ, Tịnh độ chính là nơi này”, chỉ cần bạn buông xuống khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước thì nơi này chính là Tịnh độ, giống như chính mình đang ở thế giới Cực Lạc. Tại sao vậy? Buông xuống khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước liền quay về tự tánh.

Thế gian này của chúng ta, sau khi kiến tánh thì thế nào? Thấy hết thảy pháp thanh tịnh không nhiễm, thấy hết thảy pháp không sanh không diệt, đây là kiến tánh.

Lão hòa thượng Tuấn Đế nói, “phi ngã cảnh giới” có ba nghĩa:

Thứ nhất, “Vị Bồ-tát thường đồ Tịnh độ chi hạnh, ngã dĩ tri chi. Kim dục đắc chư Phật độ chi trung tối thắng Tịnh độ, tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới”.

Nghĩa của đoạn này như sau, thường đồ Tịnh độ chi hạnh là Tứ Thánh pháp giới, cũng tức là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật trong thập pháp giới. Trong thập pháp giới, bốn pháp giới phía trên là Tịnh độ, sáu cõi luân hồi bên dưới là Uế Độ. Pháp Tạng Bồ-tát biết chuyện này, nhưng nơi ngài muốn không phải là Tịnh độ thông thường, ngài cầu Tịnh độ thù thắng nhất, vượt qua Tịnh độ của bốn pháp giới phía trên, ngài cầu điều này, nên đây không phải là cảnh giới của ngài.

Thứ hai, “Vị thật tuy tùy các tự lạc dục, ưng nhiếp thủ chi, kim dục ngũ Thừa tề nhập Báo Độ”, ý nghĩa này rất sâu, chẳng phải là cảnh giới của ngài. Ý nghĩa của câu này là, “thật” là thực tại, mặc dù tùy theo sở thích, niềm vui tu hành của mỗi người và nguyện vọng của họ, nên nhiếp thủ. Ví như Tứ Quả của Tiểu thừa: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, niềm vui các Ngài đạt được, và mong muốn của các ngài không giống nhau. Người sơ quả hy vọng chứng nhị quả, người nhị quả hi vọng chứng tam quả, người tam quả hy vọng chứng tứ quả, chẳng giống nhau, đây là tùy theo sự tu chứng của chính mình, họ có thể chứng đắc, đây là điều họ nên nhiếp thủ.

Hiện tại nguyện vọng của Tỳ-kheo Pháp Tạng là hi vọng Năm Thừa thảy đều vào Báo Độ, ý nghĩa này rất sâu. Năm Thừa bao gồm Nhân Thừa, Thiên Thừa, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, năm hạng người này đều sanh tới cõi Thật Báo Trang Nghiêm, điều này không dễ dàng, điều này thật quá đặc thù. Nên nghĩa này sâu sắc, chẳng phải là cảnh giới của con.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói, “Báo Độ là nơi ở của Pháp Thân Ðại Sĩ”, chính là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, Nhị Thừa là Tiểu thừa, họ không đạt được cấp bậc này, kém hơn Tiểu thừa một cấp bậc là nhân thiên, cũng chính là Nhân Thừa, Thiên Thừa, muốn bốn hạng người này đều sanh tới cõi Thật Báo Trang Nghiêm, “nên chẳng phải là điều phàm phu có thể suy đoán được”. Chuyện này chúng ta không cách nào tưởng tượng, không thể nghĩ bàn. Không thể nghĩ bàn tức là không thể tưởng tượng. Thông thường mà nói tức là không thể nào. Không thể nào tại sao lại biến thành có thể? Nghĩa lý trong đây rất sâu.

Thứ ba, “Vị tuy Pháp Báo cao diệu, phi Bồ-tát chi phần”. Ý nghĩa của hai câu này là, “pháp” là pháp thân, “báo” là báo thân, cảnh giới của họ cao diệu, phải là pháp thân Bồ-tát mới được, tam hiền Bồ-tát thông thường không được, Thiên Thai Biệt Giáo, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng đều chưa kiến tánh, chưa thật sự khai ngộ.

“Phi Bồ-tát chi phần”, Bồ-tát này là Bồ-tát Tam Thừa, “con có thể trải qua vô lượng kiếp sẽ đạt được”, Niệm Lão nói, “báo thân và pháp thân, trải qua vô lượng kiếp ắt sẽ chứng ngộ”, nhưng mà lúc này chưa được, “nhưng lúc này chưa có phần nên tiếp theo nói là chẳng phải cảnh giới của con”. Không phải cảnh giới của con, “tuy có ba nghĩa khác nhau, bỏ đi phần mình để chuyên nương theo Phật lực. Ðây chính là Pháp Tạng Bồ-tát tự mở ra pháp môn tha lực vậy”. Câu này vô cùng quan trọng, đây là vấn đề tín tâm mà chúng tôi giảng hôm nay.

Phải có niềm tin tuyệt đối với câu nói này, tuyệt đối không thể có chút hoài nghi nào. Ba loại phía trên là con đường thông thường phổ biến, Tịnh tông là [con đường] đặc biệt. Đặc biệt như thế nào? Từ bỏ chính mình, không dựa vào chính mình, hoàn toàn nương nhờ A-di-đà Phật, chúng ta có thể thành tựu hay không, không liên quan đến chính mình, năng lực của chính mình đương nhiên không được, liễu sanh tử thoát khỏi tam giới đâu phải chuyện dễ dàng, chắc chắn làm không được. Hiện tại toàn bộ nương theo Phật lực. Tám vạn bốn ngàn pháp môn khác, nửa tin nửa ngờ vẫn có thể học. Pháp môn này thì chắc chắn không thể, 100% tín tâm, nếu chỉ có 99% tín tâm, còn thiếu 1% cũng không được. Tại sao vậy? Không phải năng lực của chính mình, đều nương nhờ Phật lực. Nương nhờ Phật lực dựa vào điều gì? Dựa vào bốn mươi tám nguyện.

Nhất định phải nghiêm túc học bốn mươi tám nguyện, đó là bằng chứng mà chúng ta có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc, cũng là sự bảo đảm của A-di-đà Phật dành cho chúng ta. Nếu như bạn có thể thật sự tin tưởng, không hoài nghi một chữ nào, vậy thì chúc mừng bạn, đời này bạn chỉ cần niệm câu Phật hiệu cho tốt thì bạn đã thành công rồi.

Chúng ta phải ghi nhớ thật kỹ câu này, “bỏ đi phần mình để chuyên nương theo Phật lực”, đây là pháp môn tha lực mà Pháp Tạng Bồ-tát, cũng là A-di-đà Phật tự mình sáng lập. Bốn chữ “phi ngã cảnh giới” tức là bỏ đi phần mình; thỉnh Phật minh chỉ rõ là chuyên cầu Phật lực.

Kinh văn phẩm thứ năm giảng tới đây thôi.

Tiếp theo tôi sẽ tổng kết một chút trọng tâm của kinh văn phẩm này:

Trọng tâm thứ nhất: học tập sự phát tâm phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Bốn câu nói của Đại Đức xưa rất quan trọng, “Cửa quan trọng để nhập đạo, phát tâm làm đầu; việc cấp bách trong tu hành, lập nguyện đứng trước”. Tỳ-kheo Pháp Tạng phát tâm lớn, nguyện lực lớn ở nhân địa mới thành tựu được thế giới Tây Phương Cực Lạc thù thắng không gì sánh bằng.

Tỳ-kheo Pháp Tạng phát tâm gì? Lập nguyện gì? Tám chữ: “thủ nguyện tác Phật, tất linh như Phật”. Câu này có nghĩa là gì? Nguyện vọng của ngài chỉ có một, đó là làm Phật, hơn nữa ngài còn muốn mọi thứ của mình đều giống với Phật. Sự phát tâm này là khởi điểm cao. Sự phát tâm phát nguyện của Tỳ-kheo Pháp Tạng, là tâm độ chúng sanh, nguyện độ chúng sanh. Hiểu như thế nào? Chúng ta cùng xem tám chữ này: “thủ nguyện tác Phật, tất linh như Phật”, có thể hiểu như thế này không:

“Thủ nguyện tác Phật” có hai ý nghĩa, một là phát nguyện chính mình phải làm Phật, hai là phát nguyện giúp hết thảy chúng sanh đều thành Phật, đây mới là chỗ khởi điểm cao của sự phát nguyện này, là chỗ khác biệt với mọi người.

“Tất linh như Phật” cũng có hai ý nghĩa, một là làm cho hết thảy của chính mình, ví như cõi nước trang nghiêm, trí tuệ, đức năng, tướng hảo đều giống với Phật; hai là nguyện hết thảy chúng sanh cũng đều giống như Phật. Làm thế nào để giống như Phật? Chỉ có thành Phật mới có thể giống như Phật. Đây là tâm độ chúng sanh thành Phật của Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Trọng tâm thứ hai: mười phương chư Phật Như Lai đều có đại nguyện, tại sao chỉ có A-di-đà Phật được xưng là “Đại Nguyện Vương”?

Bi nguyện sâu rộng của Tỳ-kheo Pháp Tạng ở nhân địa, ngài phát đại nguyện phổ độ chúng sanh, không sót một ai. Điều này nói ra thì dễ, làm thì khó! Mọi người nghĩ thử xem, Tỳ-kheo Pháp Tạng không chỉ độ chúng sanh, mà còn phổ độ chúng sanh. Xin hãy chú ý chữ “phổ” này, không sót một ai gọi là “phổ”. Lão pháp sư thường nói Bồ-tát không bỏ một ai, không phải là nghĩa này sao? Đây chính là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện.

Dùng phương pháp gì phổ độ chúng sanh? Phương pháp của Tỳ-kheo Pháp Tạng vô cùng đơn giản, vi diệu viên mãn đến tột cùng, chính là bốn chữ: “tín nguyện trì danh”, đây là Tỳ-kheo Pháp Tạng vì cứu độ chúng sanh khổ nạn thời Mạt pháp mà khai mở pháp môn tha lực, pháp môn này không dựa vào chính mình, mà hoàn toàn nương nhờ A-di-đà Phật. Không dựa vào chính mình, mà hoàn toàn nương nhờ A-di-đà Phật, bạn nghe hiểu câu này không?

Tại sao chỉ có A-di-đà Phật được thế gian xưng là Đại Nguyện Vương? Vương ở chỗ nào? Vương ở chỗ ngài khai mở pháp môn tha lực có một không hai. Đặc điểm nổi trội của pháp môn này là: một pháp môn phổ độ hết thảy chúng sanh căn tánh khác nhau, không chỉ phổ độ, mà còn “bình đẳng” phổ độ. Hai chữ “bình đẳng” này quá quan trọng. Chúng ta phân tích câu này, mọi người thể hội thật kỹ những từ này, sẽ thể hội được ý vị trong đó. “nhất môn”, “phổ độ”, “hết thảy”, “căn tánh khác nhau”, thêm từ “bình đẳng”, mọi người thử nghĩ xem, ngoài pháp môn này ra, bạn có thể tìm được pháp môn thứ hai giống như vậy sao?

Hoàng Niệm Lão đã trích dẫn khai thị của vài vị tổ sư đại đức có liên quan đến pháp môn niệm Phật, đáng để chúng ta nghiêm túc học tập.

Trong Vãng Sanh Luận Chú, đại sư Đàm Loan nói: “Mãn túc vãng sanh Tịnh độ nhất nguyện, tức nhất thiết chí nguyện tất mãn túc, cố vân mãn túc vô lượng đại nguyện”. Đại sư nói, các hạnh nguyện rộng lớn như biển, mặc dù vô lượng vô số, nhưng chỉ cần thỏa mãn một nguyện vãng sanh Tịnh độ này, thì tất cả các chí nguyện khác đều được thỏa mãn. Khai thị này siêu tình ly kiến, hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, nói thẳng ra đáy lòng của chư Phật. Người tu hành thời Mạt pháp hiện nay, đang trong tình thế “ức vạn người tu đạo, hiếm có một người đắc đạo”, nhưng có thể tin phụng thỏa nguyện vãng sanh Tịnh độ này, liền tham gia vào biển Nhất Thừa Đại Nguyện của Di-đà, đồng thể với A-di-đà, hết thảy đại nguyện đều được viên mãn. Phương tiện thẳng chóng, không thể nghĩ bàn.

Đại sư Thiện Đạo nói: “Thích-ca sở dĩ xuất hiện trên thế gian chỉ để nói biển bổn nguyện của Di-đà”.

Đại sư Ngẫu Ích nói: “Một tiếng A-di-đà Phật là pháp A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề mà bổn sư Thích-ca đã chứng đắc ở ngũ trược ác thế”.

Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong kinh Hoa Nghiêm nói:

“Nếu người tụng nguyện Phổ Hiền này

Tôi nói chút ít phần căn lành:

Trong một niệm thảy đều viên mãn

Thành tựu chúng sanh nguyện thanh tịnh”.

Trong kinh Vô Lượng Thọ, Thế Tôn tán thán A-nan rằng: “Chư thiên, nhân dân, hết thảy hàm linh trong tương lai đều nhờ câu hỏi của con mà được độ thoát”.

Trên đây đều là khai thị vô thượng vẽ rồng điểm mắt, đều là giáo nhãn, đều là trung tâm trong trung tâm của Thế Tôn trong một đời giáo hóa, vô lượng đại pháp của mười phương chư Phật. Nếu có thể thấm nhuần vào tinh thần của con người, chắc chắn thoát khỏi sanh tử ngay lập tức, hướng thẳng đến rốt ráo. Khai thị tuyệt diệu của tổ sư đại đức trên đây, những câu này vi diệu có thể cùng tham khảo, đến nay chúng ta đọc được cũng là một sự hưởng thụ!

A-di-đà Phật được thế gian xưng là Đại Nguyện Vương, thật rất xứng với danh ấy vậy!

Trọng tâm thứ ba: chúng ta tu học pháp môn niệm Phật Tịnh độ như thế nào?

Một, một lòng một dạ tu Tịnh độ, hoàn toàn nương nhờ A-di-đà Phật, mặc kệ sóng to và gió lớn, sừng sững bất động về quê nhà.

Hai, thành thật niệm câu A-di-đà Phật, không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, Di-đà niệm niệm niệm Di-đà, niệm đến khi tâm thanh tịnh thì tự tánh hiện.

Ba, học Phật phải thật làm, không thể hô hào suông, thật làm mới có được lợi ích chân thật, đừng lừa gạt chính mình.

Bốn, chữ “ngã” phải từ bỏ, đừng nhảy vào hầm hố, tự cởi bỏ trói buộc, cở xong liền tự tại.

Năm, người tâm lượng nhỏ tu Tịnh độ, cõi nước của bạn lớn bằng miệng tô, người tâm lượng lớn tu Tịnh độ, cõi nước của bạn lớn vô tận.

Sáu, Tịnh độ, Tịnh độ, nơi nào có Tịnh độ? Tịnh độ ngay lúc này, tâm tịnh thì nơi nào cũng là Tịnh độ.

Bảy, không thấy lỗi thế gian, thế gian không có lỗi, lỗi ở chỗ của bạn, phải sửa lỗi của mình.

Tám, thương người chính là thương mình, trong lòng có đại ái, vui vẻ khắp nhân gian.

Chín, vô tư cống hiến không đòi hỏi, bởi vì chúng sanh là một thể, chúng sanh chịu khổ như mình khổ, chúng sanh hoan hỷ như mình hoan hỷ.

Mười: “Dẫu thân tôi ở trong các khổ, nguyện tâm như thế mãi chẳng thoái”.

Trọng tâm thứ tư: học theo thái độ cầu học của Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Chí tâm cầu đạo, tinh tấn không ngừng.

“Chí Tâm” chính là chân tâm, Tỳ-kheo Pháp Tạng dùng chân tâm cầu đạo với Thế Gian Tự Tại Vương Phật. Chỉ dùng một ví dụ để nói, đủ để chứng minh ngài dùng chân tâm cầu đạo. Thầy dạy ngàn ức năm, học trò học ngàn ức năm. Học trò dùng tâm thành kính như vậy [để] cầu đạo thật quá hiếm thấy. Hiện nay rất khó gặp được học trò dùng chân tâm cầu đạo, tìm không thấy. Giống như năm xưa thầy Lý Bỉnh Nam nói, học trò tìm thầy khó, thầy tìm học trò càng khó hơn.

Nhìn xem hiện nay có mấy người dùng chân tâm cầu đạo chứ, người giả vờ cầu đạo cũng không thấy nhiều, huống chi là người thật sự cầu đạo. Lúc nào, chuyện gì khiến người thầy hoan hỷ? Theo sự quan sát của tôi, thầy gặp được một người học trò chân tâm cầu đạo, thầy gặp được bậc pháp khí, như có được châu báu, yêu quý không nỡ buông tay, đây là lúc hoan hỷ nhất, là chuyện hoan hỷ nhất trong đời thầy.

Tình thương thầy dành cho trò, là tình thương rộng lớn vô tư, không cần báo đáp. Thầy không mong học trò giàu có, hơn hẳn mọi người, thầy chỉ mong học trò thành tài, trở thành nhân tài của đất nước, trở thành nhân tài trong cửa Phật. Những điều này đều là tôi thấy được từ nơi sư phụ, tâm từ bi của sư phụ có thể dùng hai chữ “tột cùng” để miêu tả. Người thầy thân thiết đáng kính như vậy đi đâu tìm được? Gặp được rồi, tại sao lại không biết trân trọng? Haiz! Con người à con người, chắc là người trong cuộc mê mờ.

Sư phụ là người, không phải thần, lời này tôi đã nói rất nhiều lần, đừng thần thánh hóa sư phụ, đừng đưa ngài lên bàn thờ. Khi bạn tiếp xúc gần với sư phụ, bạn sẽ cảm nhận được sự từ ái và tường hòa. Cho dù tôi vẫn là một người học trò chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng tôi sẽ tiếp tục cố gắng, làm học trò của lão pháp sư thật hạnh phúc.

Trọng tâm thứ năm: học tập sự tôn sư trọng đạo của Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Sự tôn sư trọng đạo của Tỳ-kheo Pháp Tạng, có thể nói là người đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo, vĩnh viễn là tấm gương cho hàng hậu học chúng ta noi theo.

Thầy trò Thế Gian Tự Tại Vương Phật và Tỳ-kheo Pháp Tạng thật khiến mọi người ngưỡng mộ, thầy hay gặp được trò giỏi, trò giỏi gặp được thầy hay, thật sự là ngàn năm khó gặp.

Tỳ-kheo Pháp Tạng tại sao có thể học được điều chân thật, tại sao có thể xây dựng nên thế giới Cực Lạc thù thắng không gì sánh bằng? Bởi vì tâm cầu pháp của ngài chân thành, bởi vì đối với lời dạy của thầy, ngài nghe, ngài tin, ngài làm theo. Như câu chúng ta thường nói là ngài “y giáo phụng hành”. Người biết nói bốn chữ này thì nhiều, người có thể làm được lại ít, người có thể làm được đến cùng thì chẳng được mấy người.

Tình trạng hiện nay thực sự như vậy. Tôi thấy có vài trường hợp như sau:

Một, thầy nhiều trò ít.

Hiện tại, tôi học Phật hai mươi năm, có một cảm giác, người tự cho mình là thầy càng ngày càng nhiều, muốn làm thầy, không cam tâm làm học trò, cảm thấy bản lĩnh của mình lớn, làm học trò không phát huy được tài năng. Thậm chí có người không đặt tổ sư đại đức trong mắt, mà có điệu bộ của Cổ Phật tái lai. Kẻ cuồng vọng!

Danh xưng “thầy” không phải người nào cũng gánh vác được. “Sư là truyền đạo, dạy học, giải hoặc”. Những người mà chúng ta gọi là thầy hay đại sư, đối chiếu với chính mình một chút, bạn truyền đạo gì? Bạn dạy học gì? Bạn giải hoặc gì cho chúng sanh? Nếu như bạn không chỉ dạy sai lầm cho chúng sanh thì còn tốt; nếu như bạn chỉ dạy sai lầm cho chúng sanh, bởi vì sự chỉ dạy sai lầm của bạn mà chúng sanh bị đoạn pháp thân huệ mạng, tội nghiệp bạn tạo tác rất lớn.

Đừng quên câu chuyện mà lão pháp sư kể: một thầy lang băm giết người xuống địa ngục tầng thứ 18; một người thầy chỉ dạy sai lầm cho học trò thì xuống địa ngục tầng thứ 19.

Hai, bái làm thầy nhưng không tin thầy.

Trường hợp này tại gia hay xuất gia đều có. Bái sư chỉ là hình thức, có người có lẽ là xuất phát từ nhu cầu nào đó. Thông thường có hai trường hợp như sau:

Một là gặp chuyện tự mình trực tiếp làm chủ, không hề hỏi thầy mình một tiếng, thầy giống như đồ trưng bày.

Hai là có chuyện hỏi sư phụ, sư phụ nghiêm túc trả lời, nhưng đệ tử không nghe sư phụ, vẫn làm đi theo con đường của mình, sư phụ vẫn giống như đồ trưng bày.

Trường hợp như vậy sẽ có kết quả như thế nào? Sau nhiều lần như vậy, thầy cũng được, sư phụ cũng được, cũng sẽ không nói gì nữa. Tại sao vậy? Nói rồi bạn cũng không nghe, nói có tác dụng gì, vậy thì không nói nữa.

Ba, bái làm thầy nhưng không tôn trọng thầy. Không tin tưởng thầy thì nói gì đến tôn trọng thầy. Có người vì mục đích nào đó mà bái làm thầy, nhưng trong lòng coi thường sư phụ, cho rằng sư phụ là người không có tài, không có bản lĩnh gì lớn, thậm chí còn có người có điệu bộ giỏi hơn thầy mình.

Bốn, bỏ thầy mà đi, lập môn phái khác.

Tôi học Phật hai mươi năm nay, chuyện như vậy tôi nghe rất nhiều, thấy cũng nhiều, lúc đầu tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn không hiểu. Tại sao lại như vậy? Tôi thương cho sư phụ, sư phụ thật không dễ dàng. Tôi đã biết được thế nào là lòng người khó lường, thế nào là thói đời đổi thay, thế nào là giậu đổ bìm leo, thế nào là lợi ích thúc giục. Tôi nghĩ, “lợi ích” này là thứ gì? Sao nó lợi hại như vậy, khiến cho mọi người liều lĩnh mà chạy theo? Một khi chạm vào nó thì tình thân, tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, lương tâm, đạo nghĩa gì cũng không còn. Con người đánh mất tính người, “Nhân khí thường tắc yêu hưng”. Yêu quái hiện nay thật sự không ít, những quan tham lớn, quan tham nhỏ không phải đều là yêu quái mới hưng thịnh sao?

Tôn sư trọng đạo là mỹ đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa, để mỹ đức này đời đời tương truyền, để tinh thần tôn sư trọng đạo của Tỳ-kheo Pháp Tạng lưu truyền mãi mãi.

Trọng tâm thứ sáu: lý giải ba chữ “tự” trong “nhữ tự tư duy”, “nhữ tự đương tri”, “nhữ ưng tự nhiếp” như thế nào?

Lý của phần này khá sâu sắc, không dễ hiểu được. Trong tập 29 tôi đã giảng ba chữ “tự” này theo nhiều phương diện, đồng tu trình độ khác nhau có cách lý giải khác nhau, đây là chuyện bình thường. Mọi người không nên quá cứng nhắc, lý giải được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Theo sự nâng cao của công phu tu học, bạn sẽ lý giải ba chữ “tự” này càng ngày càng sâu sắc hơn.

Trước tiên, bạn hãy nhớ kỹ những câu này: Làm sao thành tựu Phật đạo? Là bạn tự tu, tự ngộ, tự chứng, không phải do người khác ban cho.

Cúng dường quý vị đồng tu sáu bài kệ tụng, cũng là trọng tâm của tập 30 này:

Học tập Đại Nguyện Vương Pháp Tạng

Từ bi kiến lập nước Cực Lạc

Chúng sanh mạt pháp có nơi về

Độ vô lượng chúng sanh về nhà

Nội trọng kỷ linh ngoại mộ Thánh

Ba chữ “tự” này là chân kinh

Pháp môn tha lực nương ngoại Thánh

Đời này đảm bảo bạn về nhà

Thế giới Cực Lạc ở nơi đâu

Ngay tại tâm khảm của chúng ta

Buông xuống phân biệt và chấp trước

Nơi này lập tức là Cực Lạc

Cánh cửa quan trọng vào đạo, phát tâm làm đầu

Việc cấp bách trong tu hành, lập nguyện đứng trước

Phát nguyện làm Phật, đều giống như Phật

Đại nguyện Pháp Tạng không gì sánh bằng

Vẽ rồng điểm mắt khai thị vô thượng

Lời hay cùng tham cứu, thấm nhuần tinh thần người

Trung tâm của trung tâm của vô thượng đại pháp

Thoát ngay sanh tử hướng thẳng cứu cánh

Gặp thầy rất quan trọng

Dạy bạn đi đúng đường

Nếu bạn không tin thầy

Mặc cho bạn tiêu dao.

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *