PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 06/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 31
Quý vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật.
Phẩm Kinh văn thứ sáu là Bồ-tát Pháp Tạng tuân theo lời dạy của Thầy
ngài là Thế Gian Tự Tại Vương Phật, ở trong đại hội tuyên nói đại nguyện mà
ngài đã phát. Bồ-tát Pháp Tạng trở thành A-di-đà Phật, người đời gọi [nguyện
ngài đã phát] là Đại Nguyện Vương. Tất cả chư Phật không có một vị Phật nào mà
không phát đại nguyện, không có đại nguyện thì sao có thể gọi là Phật được.
Nhưng chỉ có duy nhất [nguyện của] A-di-đà Phật được gọi là Đại Nguyện Vương,
có thể thấy đại nguyện mà ngài đã phát ở nhân địa đặc biệt thù thắng. Sách Chân
Giải khen ngợi rằng: “Bốn mươi tám nguyện công đức thành tựu, quy kết ở việc
A-di-đà Phật thành Phật, thệ nguyện này vốn do tu tập được, biển vạn công đức
được gọi là “Hoằng Thệ Bổn Thừa Hải”, cũng gọi là “Bi Nguyện Nhất Thừa”. Nhất thừa
là khiến cho tất cả chúng ta đều được thành Phật, không có thừa nào khác, bởi
vì chúng sanh vốn dĩ là Phật. Đây chính là công đức chánh giác của Di-đà, công
đức này không thể nghĩ bàn, vì sao công đức này không thể nghĩ bàn vậy? Do vì
thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Sách Chân Giải dẫn chứng quyển Hành nói: “Hoằng
thệ nhất thừa hải”, đã thành tựu không có chướng ngại, không có giới hạn, là
trí tuệ đức hạnh tối thắng thâm diệu không thể nghĩ bàn, thù thắng nhất, thâm
diệu nhất, là diệu đức không gì cao hơn, không thể nghĩ bàn. Thệ nguyện như hư
không, cho nên rộng lớn vô biên, tất cả công đức thù thắng vi diệu từ trong đây
mà sanh ra. Bởi vì là không nên sanh ra tất cả. Giống như giấy trắng mới có thể
vẽ, giống như xe lớn và gió lớn đi khắp thế gian cứu độ tất cả, không có chướng
ngại, có thể ra khỏi ba cõi. Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều là trói buộc,
ngoại đạo lấy việc sanh lên cõi trời làm cứu cánh, còn chúng ta xem việc sanh
thiên là đọa lạc, lục đạo luân hồi là trói buộc lớn nhất.
Hơn nữa thệ nguyện hải khai hiển bảo tạng phương tiện độ sanh,
tất cả diệu pháp phương tiện độ sanh đều ở trong đại thệ nguyện của Di-đà,
không có pháp nào phương tiện hơn nữa. Pháp môn công đức không thể nghĩ bàn bắt
nguồn từ biển thệ nguyện không thể nghĩ bàn. Tất cả công đức, tất cả thù thắng,
tất cả phương tiện thảy đều xuất phát từ biển đại nguyện của Di-đà không thể
nghĩ bàn.
Từ hôm nay trở đi chúng tôi bắt đầu giảng phẩm kinh văn thứ sáu:
“Phát Đại Thệ Nguyện”, để chúng ta ngao du trong biển đại nguyện của Di-đà, thỏa
thích hưởng thụ sự áo diệu không cùng tận của nó.
PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ
LỤC
Mời xem Kinh văn bên dưới:
Ngã nhược chứng đắc vô
thượng Bồ-đề, thành Chánh Giác dĩ, sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng bất khả tư
nghị công đức trang nghiêm.
Bốn câu này là khen ngợi chung về thế giới Cực Lạc, tổng quát
toàn bộ đại nguyện. Bốn câu này là nói tổng quát, bốn mươi tám nguyện là nói
riêng, nói chi tiết. Bốn câu này vô cùng quan trọng, phần sau chúng ta sắp học
đến bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện đều là giảng rộng ra từ bốn câu này, mỗi
một nguyện đều đầy đủ bốn câu này thì ý nghĩa mới có thể viên mãn. Nói theo
thông thường thì bốn câu này là câu công dụng của mỗi một nguyện.
“Ngã” là Bồ-tát Pháp Tạng tự xưng, cõi nước mà ngài cư trụ khi
thành Phật có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm không thể nghĩ bàn. Cụ túc
nghĩa là viên mãn, là hàm nhiếp tất cả, không có khiếm khuyết. Vô lượng nghĩa
là không cách nào dùng chữ số để biểu thị rõ nó có bao nhiêu. Cõi nước Phật đây
trọn khắp tất cả mọi nơi, hàm nhiếp tất cả, không có khiếm khuyết, không có
thiếu sót, không thể dùng số lượng để thể hiện công đức thù thắng và sự thanh tịnh
trang nghiêm, tất cả đều vượt khỏi tình kiến.
Bất khả tư nghị, bất khả tư nghĩa là tư duy của con người không
nghĩ tới được, bất khả nghị là lưỡi của con người không thể nói ra được, tư duy
và miệng lưỡi của con người đều không hữu dụng nữa, cho nên suy nghĩ đều không
đúng, nói ra cũng toàn không đúng. Phàm có lời nói đều không phải thật nghĩa,
công đức của thế giới Cực Lạc, không phải suy nghĩ phân biệt mà có thể biết,
ngôn ngữ chữ viết không thể biểu đạt được. Cõi nước Cực Lạc là có công đức
trang nghiêm như vậy, không thể nghĩ bàn như vậy.
Bất khả tư nghị là điểm đặc sắc của kinh Hoa Nghiêm, trong kinh
giáo nói tứ pháp giới: “Sự pháp giới, lý pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự
sự vô ngại pháp giới”. Lý pháp giới là lý thể thực tế, đó chính là vốn chẳng có
một vật. Sự pháp giới bao gồm hết thảy sự tướng, vạn vật trong vũ trụ, nam nữ
già trẻ, đất đai núi non sông biển. Lý sự vô ngại là điểm chung của Đại thừa,
tuy bản thể vốn là tịch nhưng lại thường chiếu, tuy rằng thường chiếu nhưng bản
thể vẫn là không tịch. Lý thể chẳng chướng ngại sự tướng phát huy, sự tướng
cũng không hề ngăn ngại lý thể. Đạo lý lý sự vô ngại này đều có trong kinh điển
Đại thừa. Sự sự vô ngại, chỉ riêng Hoa Nghiêm mới có đủ. Kinh Vô Lượng Thọ là
trung bổn Hoa Nghiêm, hai bộ kinh đều đầy đủ thập huyền. Thập huyền môn của Hoa
Nghiêm chủ yếu là: một và nhiều như nhau, lớn nhỏ dung hợp nhau, rộng hẹp tự
tại, kéo dài và rút ngắn đồng thời, trùng trùng vô tận, tròn sáng đầy đủ công
đức.
Thế nào là huyền môn? Chính là cửa cứu cánh thành Phật, chẳng
phải huyền môn chỉ có mười loại, mà là vô tận huyền môn, vô lượng vô biên. Bước
vào một huyền môn thì đã vào trọn tất cả huyền môn. Giải thích đơn giản một
chút thì một và nhiều như nhau, một tức là nhiều, nhiều tức là một. Một chính
là vô lượng, vô lượng chính là một. Vì thế một câu Phật hiệu đã đầy đủ hết thảy
vô lượng vô biên pháp môn. Lớn nhỏ dung hợp nhau, căn phòng lớn có thể chứa
người, điều này ai cũng hiểu, nhưng nếu nói người có thể chứa căn phòng thì
liệu bạn có nghĩ thông không? Cảnh giới Hoa Nghiêm chính là như vậy. Núi Tu-di chứa
hạt cải, hạt cải chứa núi Tu-di. Vì sao hạt cải có thể chứa được núi Tu-di? Bởi
vì thể tánh của hạt cải là pháp tánh, vạn vật lớn nhỏ đều đồng một pháp tánh.
Pháp tánh trọn khắp tất cả, bao trùm tất cả, cũng chính là trọn khắp mười
phương, dung chứa vạn hữu. Do đó núi Tu-di nằm ngay trong hạt cải. Lớn nhỏ dung
chứa nhau chính là nguyên nhân này. Rộng hẹp tự tại, cảnh giới rộng lớn có thể
xuất hiện trong một khu vực nhỏ hẹp. Ví dụ tấm gương một thước có thể soi thấy
ánh sáng trong mười dặm. Theo Kinh này thì từ trong cây báu của thế giới Cực
Lạc có thể nhìn thấy cõi nước thanh tịnh của chư Phật. Cây báu là chỗ hẹp, cõi
nước thanh tịnh của chư Phật là chỗ rộng, Nhưng đều có thể thấy được nơi cây
báu. Kéo dài và rút ngắn đồng thời. Kéo dài là chỉ thời gian dài, rút ngắn là
chỉ thời gian ngắn. Một vạn năm và một phần mười giây là như nhau. Đạo lý này
Einstein đều biết, ông nói thời gian là quan niệm sai lầm của con người. Một
người bạn của ông qua đời, ông viết thư bày tỏ niềm thương tiếc rằng “không bao
lâu nữa cũng đến phiên tôi”, thế nhưng thời gian có trước có sau là nhận thức
sai của con người.
Trùng trùng vô tận, hai tấm kính chiếu vào nhau thì sẽ chiếu ra
vô cùng vô tận tấm kính. Tôi và người kia hai người đối mặt nhìn nhau cũng là
trùng trùng vô tận. Khi tôi nhìn anh ấy thì trong con ngươi của tôi sẽ xuất
hiện hình tướng của anh ấy, trong con ngươi của anh ấy cũng xuất hiện hình
tướng của tôi. Khi tôi nhìn anh ấy thì nhìn thấy con ngươi trong mắt anh ấy,
cũng tức là đã nhìn thấy tôi trong con ngươi ấy. Tôi trong con ngươi của anh ấy
cũng bao gồm vô cùng vô tận từng tầng từng tầng hình tướng của anh ấy. Như vậy
chỉ cần dùng hai tấm kính đối diện soi chiếu vào nhau thì sẽ rõ thôi. Vì thế
giới Cực Lạc có trùng trùng vô tận huyền môn, nên công đức trang nghiêm của thế
giới đó là trùng trùng vô tận. Mỗi một đóa sen ở mỗi nơi trong thế giới Cực Lạc
phóng ra ba mươi sáu trăm ngàn ức ánh sáng, mỗi ánh sáng trong đó lại xuất hiện
vô lượng Phật, mỗi một vị Phật lại có cõi nước và hoa sen của mình, hoa ấy lại
phóng ánh sáng, trong ánh sáng lại có vô lượng Phật, lớp này đến lớp khác không
có cùng tận, đó là cảnh giới Hoa Nghiêm.
Do đó chúng ta phải nên tin sâu rằng A-di-đà Phật chính là
Tỳ-lô-giá-na, thế giới Cực Lạc và thế giới Hoa Tạng không hề khác biệt. Mọi thứ
trang nghiêm của y báo và chánh báo ở thế giới Cực Lạc đều là cảnh giới sự sự
vô ngại không thể nghĩ bàn. Mỗi một thứ đều trọn đủ hết thảy huyền môn của Hoa
Nghiêm. Cho nên nói, cõi nước Cực Lạc có đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm
không thể nghĩ bàn. Do đầy đủ cảnh giới sự sự vô ngại của Hoa Nghiêm nên đầy đủ
vô lượng công đức chẳng thể nghĩ, chẳng thể bàn của cảnh giới sự sự vô ngại.
Thế nên có thể khiến chúng sanh nghe danh mà được phước, vừa nghe đến danh hiệu
thì liền được phước. Nghe danh mà phát tâm, nghe được danh hiệu của Phật thì
chịu phát tâm, mười niệm ắt sanh. Bạn chí tâm tin ưa niệm mười câu thì vãng
sanh thế giới Cực Lạc. Pháp môn Tịnh độ độ khắp ba căn, bất luận bạn bận đến
đâu, khó khăn đến đâu, mỗi ngày chỉ tu mười niệm thì đều được cả.
Nhìn cây đắc pháp nhẫn, cây Bồ-đề ở thế giới Cực Lạc, nếu có
người nhìn thấy thì chứng được vô sanh pháp nhẫn. Công đức của cây Bồ-đề là
không thể nghĩ bàn như thế, điều không thể nghĩ bàn của Tịnh Tông chính là ở
chỗ này. Đồng thời cũng bởi vì cõi nước Cực Lạc đầy đủ vô lượng trang nghiêm
không thể nghĩ bàn cho nên vạn vật trong cõi nước ấy đều trang nghiêm thanh
tịnh, tất cả mọi thứ đều vô cùng trang nghiêm, vô cùng thanh tịnh, vô cùng tinh
vi tuyệt diệu không hơn được nữa. Hơn nữa vạn vật đều chiếu sáng như gương, có
thể chiếu đến mười phương thế giới, đồng thời quang minh ấy trọn khắp hư không.
Chúng sanh xúc chạm đến quang minh liền được an lạc, trừ diệt cấu ô, sanh khởi
thiện niệm. Vạn vật trong cõi nước đều do các báu vi diệu hợp thành, hương thơm
xông khắp mười phương thế giới. Chúng sanh ngửi được mùi hương tự nhiên tu tập
diệu pháp của Phật truyền trao. Cho nên mỗi sợi lông, mỗi mảy trần ở thế giới
Cực Lạc đều là cảnh giới Hoa Nghiêm, tròn sáng đầy đủ công đức, trọn đủ hết
thảy sự quang minh thanh tịnh, vô lượng vô biên công đức trang nghiêm.
Bốn câu mở đầu phần kinh văn thể hiện toàn bộ thế giới Cực Lạc,
hết thảy toàn bộ đều là như thế. Cõi nước Phật ở đầy đủ vô lượng công đức trang
nghiêm không thể nghĩ bàn, đây hoàn toàn là cảnh giới Hoa Nghiêm, cũng là cảnh
giới diệu minh của mỗi hành giả tu tập. Mỗi một nguyện đều vì chúng sanh, mỗi
một nguyện đều là hiển hiện bổn tâm sáng rỡ vi diệu của A-di-đà Phật. Mỗi một
sự tướng đều là một câu thanh tịnh. Bồ-tát Thiên Thân nói ba loại trang nghiêm
ở thế giới Cực Lạc là: Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, cõi nước trang
nghiêm, ba loại trang nghiêm này nhập vào “nhất pháp cú”, nhất pháp cú là câu
thanh tịnh, câu thanh tịnh là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi.
Phần nội dung đã nói ở trên lý sâu khó hiểu, người tu hành trình
độ khác nhau sẽ có nhận thức và lý giải không như nhau. Người tu sâu thì hiểu
sâu, người tu cạn thì thấy cạn. Từ cạn đến sâu cần phải có quá trình, hết thảy
nên thuận theo tự nhiên thì tốt. Bất luận hiểu sâu hay thấy cạn thì vạn phần
chớ quên câu Phật hiệu.
Nguyện thứ nhất: nguyện trong nước không có đường ác. Nguyên văn
lời nguyện là: vô hữu địa ngục, ngạ quỷ, cầm thú, quyên phi nhuyễn động chi
loại. A-di-đà Phật đại từ đại bi, nguyện thứ nhất của ngài chính là trong nước
không có đường ác. Trong cõi nước không có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh. Trong nguyện văn có nói cầm thú và các loài trùng bò, bay là chỉ cho cõi
súc sanh.
Thứ nhất là địa ngục, tiếng Ấn Độ
xưa gọi là na-lạc-ca hoặc là nê-lê, có bốn ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là không có
niềm vui, khổ cực, chẳng có gì vui cả. Thứ hai là không thể cứu tế. Ba là tối
tăm. Bốn là địa ngục.
Địa ngục có ba loại, thứ nhất là địa ngục căn bản bao gồm địa
ngục bát nhiệt và bát hàn. Tầng cuối cùng của địa ngục bát nhiệt, ngục thứ tám
gọi là địa ngục Vô Gián, những tội báo phải thọ liên tiếp không gián đoạn,
không hề ngừng nghỉ, thống khổ vô ngần. Thứ hai là địa ngục Cận Biên, là vùng
lân cận bên ngoài mỗi cửa của tám địa ngục lớn. Ba là địa ngục Cô Độc, ở trong
núi, nơi hoang vu, dưới cội cây, không trung, chủng loại vô số, chịu khổ vô
lượng. Nơi chịu quả khổ nặng nhất của địa ngục thì trong một ngày của thế gian,
chúng sanh trong địa ngục sống đi chết lại 84.000 lần. Thích-ca Mâu-ni Phật phó
chúc cho Địa Tạng Bồ-tát rằng: “Này Địa Tạng, Địa Tạng, mỗi chúng sanh chỉ cần
có mảy may nhân lành nào, ông chớ để cho họ phải vào địa ngục”. Thế Tôn hết lần
này đến lần khác dặn dò Địa Tạng Bồ-tát, lòng đại từ đại bi cứu độ chúng sanh
của Thế Tôn được thể hiện cùng tột, khiến chúng ta cảm động rơi lệ.
Thứ hai là ngạ quỷ, ngạ quỷ
thường bị đói khát nên gọi là ngạ quỷ. Thông thường trăm ngàn năm không nghe
đến từ “nước”, càng huống chi là nhìn thấy nước, tiếp xúc nước. Gan của họ nhỏ
nên sợ sệt vì vậy gọi là quỷ, chúng ta thường gọi là quỷ gan nhỏ, đại khái là
do nguyên nhân này. Quỷ có oai lực thì gọi là quỷ thần có thể giáng họa cho
người, quỷ có thể bắt người, giết người. Quỷ lại thường bị chư Thiên thúc ép,
bắt đi lao động, thế nên quỷ rất khổ. Làm quỷ thì không thể không đói, cho nên
trong Phật giáo thường phóng Diệm Khẩu, chính là ban đồ ăn cho quỷ, khai mở yết
hầu cho quỷ, khiến những vật thực bố thí biến thành cam lồ thì quỷ mới ăn được.
Thứ ba là súc sanh, còn gọi là
bàng sanh. Bàng là ngang, hình trạng nằm ngang, con người thì lưng đứng thẳng,
còn chó mèo thì nằm ngang. Cõi súc sanh nơi nơi đều có, mang lông đội sừng, có
vảy có móng, có lông vũ, dưới nước cũng có, trên không cũng có, mặt đất cũng
có, ăn nuốt lẫn nhau, ngươi ăn ta, ta ăn ngươi, chịu vô lượng khổ. Thường thấy
loài heo đều phải chịu cái khổ bị đâm một nhát dao, đồng thời con cháu còn bị
chém cùng giết tận. Hiện nay có món ăn tên là heo sữa quay, heo con vừa mới
sanh đã bị quay ăn rồi. Sâu đo là một loại côn trùng trên cây hòe, sống lúc
nhúc theo bầy kiến nhưng bị loài kiến cắn từng miếng, từng miếng đến chết. Có
người ca ngợi tay nghề của đầu bếp nổi tiếng, thế nên một đĩa to cá sống được
khách ăn hết sạch, mắt và môi miệng đều đang động chứng tỏ con người đang
thưởng thức mỹ vị thơm ngon, đó là lúc loài cá bị ngàn dao cắt xẻ, thịt nát
xương tan. Từ những việc thường thấy kể trên có thể thấy sơ qua nỗi khổ vô tận
của súc sanh. Trong nước Cực Lạc không có ba đường ác, nên đó là Tịnh độ. Kinh
A-di-đà nói: “Cõi nước Phật ấy không có ba đường ác, những giống chim trong cõi
nước là do A-di-đà Phật biến hóa thành.” Trên đây là nguyện thứ nhất: nguyện
trong nước không có đường ác.
Nguyện thứ hai: nguyện không đọa ác thú. Nguyện văn là: “Sở hữu
nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diễm-ma-la giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã
sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề, bất phục cánh
đọa ác thú.” Diễm-ma-la giới chính là thế giới của Diêm Ma Vương. Diêm Ma Vương
cai quản địa ngục, cai quản hết thảy nghiệp báo sanh tử tội phước của thế gian.
Nguyện này tiếp nối nguyện thứ nhất, trong nước không chỉ không có ba đường ác
mà chúng sanh trong nước vĩnh viễn càng không đọa ba đường ác. Nguyện này có ba
hàm nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, chúng sanh trong đường ác đều có thể vãng sanh. Thứ
hai, chúng sanh vãng sanh nhất định đều thành Phật. Thứ ba, chúng sanh vãng
sanh dù có tội nghiệp cực nặng cũng không đọa vào ba đường ác. Từ trong nguyện
này hoàn toàn xuất phát từ lòng đại từ đại bi, đại nguyện đại lực củA-di-đà.
Trong nước Cực Lạc không những không có ba đường ác mà tất cả chúng sanh trong
ba đường ác một khi sanh đến cõi Phật này, nhận được giáo hóa của Phật pháp đều
sẽ thành A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề, dịch là Vô thượng chánh đẳng chánh
giác, chính là Phật. Trong nước không có đường ác, mọi người đều đến, sau khi
đến rồi thì mọi người đều sẽ thành Phật, đây chính là bổn nguyện của Phật. Điều
khiến chúng ta chú ý và cảm động hơn là không còn đọa vào đường ác nữa, lời
nguyện này vô cùng quan trọng, vô cùng ý nghĩa. Vì sao vậy? Từ lâu rồi có người
đối với cách nói mang theo nghiệp vãng sanh luôn giữ thái độ phủ định, họ nêu
ra trong Tịnh độ Tam Kinh không có lời văn nêu rõ việc mang theo nghiệp vãng
sanh, họ cho rằng câu nói mang theo nghiệp vãng sanh là sai lầm. Kiểu luận
chứng này là trái với giáo nghĩa của Tịnh tông. Trong đại nguyện củA-di-đà rõ
ràng có nói. Câu nói: “không còn đọa lại vào đường ác nữa”, nếu người vãng sanh
đã tiêu trừ ác nghiệp rồi thì A-di-đà Phật còn muốn thêm câu văn phát nguyện
này vào làm gì? Nên biết việc “không còn đọa lại vào đường ác” là do nguyện lực
của Phật. Người vãng sanh đến tuy mang theo tội nghiệp đáng đọa vào đường ác,
nhưng họ có thể ở trong cõi nước Cực Lạc siêng tu công đức, huống chi ở Cực Lạc
có đủ loại tăng thượng nhân duyên, thành tựu công đức thù thắng, có thể tiêu
trừ tất cả tội chướng. Vì vậy họ không còn đọa lại vào đường ác, không đọa lại
ác thú nữa, chính là nói về người mang theo nghiệp vãng sanh. Nếu người vãng
sanh đều không có ác nghiệp thì còn nói “không còn đọa vào ác đạo nữa” để làm
gì? Vậy câu nói này dư thừa rồi. Tỳ-kheo Pháp Tạng sao có thể nói lời thừa,
phát nguyện thừa được? Thế nên ngài Long Thọ nói: “Nếu người sanh về nước ấy,
trọn chẳng đọa ba đường ác nữa.” Câu này của Long Thọ Bồ-tát cũng là như vậy,
nếu tội nghiệp của người vãng sanh đã tiêu trừ rồi thì Long Thọ Bồ-tát còn nói
câu này làm gì? Long Thọ Bồ-tát là tổ sư của tám tông, lời ngài nói là muốn dẫn
khởi sự xem trọng của chúng ta. Nguyện này vô cùng thù thắng, thù thắng ở chỗ,
một là chúng sanh trong ác đạo cũng có thể vãng sanh, đồng thời không còn đọa vào
ba đường ác nữa, thể hiện lòng từ bi vô tận củA-di-đà. Thứ hai là người vãng
sanh đều sẽ thành Phật, đây là bổn tâm thệ nguyện rộng lớn như biển, có thể
nhìn ra tâm lượng bậc thánh củA-di-đà, nguyện nào cũng đều vì chúng sanh,
nguyện nào cũng nguyện cho tất cả chúng sanh đều thành Phật.
Nguyện thứ ba: nguyện được thân kim sắc, nguyên văn lời nguyện
là: “Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới, sở hữu chúng sanh, linh sanh ngã
sát, giai cụ tử ma chân kim sắc thân.” Khi con thành Phật, tất cả chúng sanh
trong mười phương thế giới, khi làm cho họ sanh đến cõi nước của con rồi, thân
thể đều là sắc vàng ròng, đều là thân kim sắc. Tử ma chân kim là vàng ròng tốt
nhất, người Trung Hoa gọi là vàng đỏ, vàng tốt thì có màu đỏ, thành phần của
vàng đầy đủ, chư Phật đều hiện thân kim sắc. Đại sư Thiện Đạo giải thích vì sao
chư Phật hiện thân kim sắc và người vãng sanh cũng đều hiện thân kim sắc. Bởi
vì màu của vàng có ánh sáng khiết tịnh, khiến người ta hoan hỷ, hơn nữa vàng
không rỉ sét, không hư hoại, rất nhiều thứ trong thế gian không thể sánh với
vàng, chúng sẽ bị mốc, biến sắc và hoen rỉ, còn vàng thì không bị như thế, chỗ
đáng quý của vàng là ở đây. Chư Phật hiện thân kim sắc là muốn mượn đặc tính
không đổi, không hư hoại của vàng để hiển thị rõ tướng thường trụ, nên mới hiện
rõ thân kim sắc. Thế nên đại sư Thiện Đạo nói, chư Phật muốn hiển thị tướng
thường trụ bất biến nên mới hiện thân kim sắc. Sách Hội Sớ nói kim sắc biểu thị
thực tướng trung đạo, bởi vì người dân [nơi đó] đều như nhau, không có khác
biệt, đều là kim sắc, thảy đều bình đẳng, bình đẳng chính là ý nghĩa của trung
đạo.
Nguyện thứ tư: nguyện ba mươi hai tướng, nguyên văn lời nguyện
là, tam thập nhị chủng đại trượng phu tướng. Trí Độ Luận nói, Phật hiện ra ba
mươi hai tướng là tùy thuận căn tánh của chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề mà nói,
mà hiển lộ. Ngoại đạo của Ấn Độ xưa tu tập theo pháp của Phạm Thiên có thể nhìn
thấy ba mươi hai tướng của Thiên Vương cõi trời, cho nên Phật mới hiện tướng
này. Trên thực tế Phật là vô lượng thù thắng, 32 tướng chỉ là hóa thân Phật,
ứng theo căn cơ của chúng sanh cõi này mà hiện tướng này. Còn như báo thân
Phật, Quán Kinh nói A-di-đà Phật có 84.000 tướng, mỗi một tướng có 84.000 tướng
hảo đi kèm, cho nên 32 tướng 80 vẻ đẹp là để tương ưng với trình độ của con
người trên trái đất mà hiện ra tướng của hóa thân Phật. 84.000 tướng, 84.000
tướng hảo đi kèm là tướng của báo thân, báo thân vẫn là từ trong pháp thân lưu
xuất ra, pháp thân chân thật không thể dùng sắc thấy, dùng thanh cầu. Nếu dùng
sắc thấy ta, dùng âm thanh cầu ta, là người hành tà đạo, chẳng thể thấy Như
Lai.
Nguyện thứ năm: nguyện thân không có sai biệt. Nguyên văn lời
nguyện là: “đoan chánh tịnh khiết, tất đồng nhất loại, nhược hình mạo sai biệt,
hữu hảo xú giả, bất thủ Chánh Giác”. Đại sư Đàm Loan đối với nguyện này giải
thích như sau, “do không như nhau, hình loại cao thấp, đã có hình loại cao thấp
thì sanh khởi thị phi. Thị phi sanh khởi thì mãi chìm đắm trong Tam Hữu. Vì vậy
mà khởi tâm đại bi, khởi nguyện bình đẳng”. Nghĩa là gì vậy? Thí như trên trái
đất hiện tại của chúng ta có người da vàng, da đen, da trắng, v.v… không như
nhau, do không như nhau, hình loại cao thấp, do sự bất đồng mà sinh ra sự phân
biệt sai lầm về dân tộc thượng đẳng, dân tộc thấp kém. Do đó mà sinh ra sự phân
biệt chủng tộc. Thế giới này của chúng ta là một ví dụ rất rõ ràng, có cao có
thấp, nên có kẻ này cao sang, người kia thấp kém. Người thượng đẳng ỷ vào ưu
thế mà ức hiếp người nhỏ yếu, vì vậy mà chiến tranh không dứt, thị phi khởi
mãi. Đã khởi thị phi thì mãi chìm đắm trong Tam Hữu, ỷ mạnh hiếp yếu, tàn sát
người vô tội, tạo tội nghiệp không ngừng, trở thành ác ma, lại đọa vào trong
sanh tử nơi ba cõi không thể ra khỏi. Thế nên Như Lai khởi tâm đại bi, phát thệ
nguyện đại bi bình đẳng, nguyện nhân dân trong cõi nước đều là thân kim sắc, ba
mươi hai tướng, đoan trang nghiêm chánh, minh khiết thanh tịnh, thảy đồng một
loại, không có sai biệt. Vì vậy thế giới Tây Phương Cực Lạc không có duyên phải
quấy cao thấp mà thoái chuyển.
Nguyện thứ sáu: nguyện có túc mạng thông. Nguyên văn lời nguyện
là: “ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, tự tri vô lượng
kiếp thời túc mạng, sở tác thiện ác.” Ý nghĩa của nguyện này là, mỗi một người
sanh về thế giới Cực Lạc đều có thể biết túc mạng của bản thân trong vô lượng
kiếp đến nay. Túc là túc thế, nghĩa là đời quá khứ, thường gọi là đời trước.
Biết tất cả việc thiện, việc ác đã làm trong nhiều đời quá khứ, đây gọi là túc
mạng thông, đây là nguyện thứ sáu: túc mạng thông. Thông là gọi tắt chữ thần
thông, thâm sâu thần bí đặc dị, không thể lường thì gọi là thần. Ẩn tàng trong
sự thần kỳ, tất cả hành động người khác sẽ không thể phát hiện, không thể suy
đoán, không cách nào dự tính được thì gọi là thần. Làm gì cũng không bị ngăn
ngại, tức là không có chỗ nào bị tắc nghẽn không thông cả. Tự tại vô ngại tức
là động tác tự do, không có chướng ngại thì gọi là thông. Túc mạng, thiên nhãn,
thiên nhĩ, tha tâm, thần túc, lậu tận là lục thông. Trong đó chỉ có thần thông
thứ sáu thì chỉ có bậc thánh sở hữu, chỉ có bậc Thánh mới có thể chứng. Ngoại
đạo dù có tu đến đâu chỉ có thể sanh đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, không
thể chứng lậu tận thông. Nếu chứng lậu tận thì không còn phần đoạn sanh tử luân
hồi trong lục đạo. Cho nên chỉ có bậc Thánh mới có. Năm thần thông phía trước
là thần thông ở tiểu phàm, phàm phu cũng có, Tiểu thừa cũng có, thậm chí yêu ma
quỷ quái đều có. Bốn con vật ở phương Bắc là Hoàng, Bạch, Hồ, Liễu. Hoàng là
con chồn lông vàng, Bạch là con nhím, Hồ là con cáo, Liễu là con rắn, chúng đều
có thể đắc được một chút tà thông. Thế nên Phật giáo không cho phép người tu
hành phô trương thần thông, bởi vì những thần thông đó yêu ma quỷ quái cũng có
thể có, chúng bày chuyện huyễn hoặc gạt người, phô trương dụ hoặc người đời,
phỉ báng Pháp, gây họa cho người, nguy hại nghiêm trọng. Vì vậy trong Phật pháp
cấm phô trương thần thông, nếu thật sự có thần thông thì thông thường chỉ hiện
ra một chút trước khi tịch diệt, chứ không cho phép phô trương. Thần thông chỉ
là thánh mạt biên sự, là việc bên lề sau chót trong đạo Thánh. Nếu so sánh với
trí tuệ thì nó là phần thứ yếu trong thứ yếu, trên thực tế không thể sánh bằng.
Nếu không xem trọng trí tuệ mà chú trọng thần thông thì đó là bỏ gốc theo ngọn,
nếu cứ như vậy mãi ắt lạc vào đường ma. Bên cạnh chúng ta cũng có người ưa
thích thần thông, hâm mộ thần thông, truy cầu thần thông, có được một chút xíu
thần thông thì dương dương tự đắc, cho rằng chính mình tài giỏi biết bao, sai
rồi, hãy mau mau quay đầu, kìm cương ngựa bên bờ vực thẳm, quay đầu là bờ, đừng
để rơi vào ma cảnh, cùng đường hết cách càng đi càng xa. Nếu bạn ưa thích thần
thông, tôi khuyên bạn hãy thật thà niệm A-di-đà Phật, thần thông trong câu Phật
hiệu này vô lượng vô biên, đó là thần thông đích thực.
Lậu tận thì phải đoạn kiến tư hoặc, chứng Sơ quả thì phải đoạn
kiến hoặc. Kiến hoặc chính là thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới thủ và tà
kiến. Tham, sân, si, mạn, nghi, tứ hoặc là tham sân si mạn. Phải đoạn hết thảy
tham sân si mạn của trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới thì mới chứng A-la-hán, đó
chính là vượt khỏi Tam Giới theo chiều dọc, con đường tu hành này rất gian nan.
Vãng sanh thế giới Cực Lạc là vượt khỏi ba cõi theo chiều ngang nên được gọi là
đạo dễ hành. Người vãng sanh thế giới Cực Lạc do được sự gia bị của nguyện lực
Di-đà, hễ sanh đến thế giới Cực Lạc thì đầy đủ thần thông, đồng thời so với
thần thông mà ngoại đạo phàm phu đạt được còn lớn hơn nhiều. So với [thần thông
của] chánh đạo Tiểu thừa đạt được từ Thiền định cũng còn lớn hơn. Sách Sự Tán
nói: tam minh tự nhiên thừa Phật nguyện, chắp tay khoảnh khắc chứng thần thông.
Do lấy hoằng nguyện của Di-đà làm tăng thượng duyên, cho nên thần thông vượt
hơn quy cách thông thường. Thần thông là tự tánh không phải cầu từ bên ngoài,
cái thật thì không cầu được, thứ giả thì bị nó hại. Truy cầu thần thông giả
chính là sa vào đầm lầy, làm chút ít trò lừa bịp để gạt người khác, hại người
nhưng lại hại mình, thật sự chẳng lợi lạc. Khuyên người mau tỉnh giấc, mau gấp
niệm Di-đà, học Phật đi đường chánh, phải có chánh tri kiến. Trí tuệ hiện tiền
rồi, thần thông lớn vô biên.
Xin kể cho các đồng tu câu chuyện về ngài Xá-lợi-phất,
Mục-kiền-liên hiển thị thần thông. Theo truyền thuyết thì trong đời quá khứ
ngài Mục-kiền-liên là một người đánh cá, bắt cá để mưu sinh. Một ngày nọ, ngài
nhìn thấy một vị Bích-chi Phật đang đi trên đường đầy đủ oai nghi, cử chỉ an
tường nên sanh khởi tâm cung kính, mời về nhà cúng dường thức ăn. Sau bữa ăn,
Bích-chi Phật bay vút lên không trung, bay sang trái sang phải, hoặc trước hoặc
sau, trên dưới vô ngại, ngài sanh tâm hoan hỷ, phát nguyện đời sau cầu đắc thần
thông. Vì vậy đời này, trong số đệ tử Phật, ngài là thần thông đệ nhất. Khi
ngài Xá-lợi-phất giám sát công trình tinh xá Kỳ Viên, thủ lĩnh ngoại đạo là Lao
Độ Sai yêu cầu thi triển thần thông. Xá-lợi-phất hiện ra mười tám biến thần
thông, dành được thắng lợi chung cuộc, để lại ấn tượng sâu sắc cho nhân dân
thành Xá-vệ, ngài được tôn xưng là tôn giả có đại trí tuệ, đại thần thông. Một
lần khác vào ngày rằm, đức Phật thuyết giới cho chư Tỳ-kheo bên hồ A Nậu Đạt.
Trong chỗ ngồi thiếu mất ngài Xá-lợi-phất, Phật bảo Mục-kiền-liên đến thành
Xá-vệ mời Xá-lợi-phất về. Mục-kiền-liên hiện thần túc thông, cho rằng nhất định
sẽ đến trước Xá-lợi-phất. Khi ngài về tới thì thấy Xá-lợi-phất đã ngồi kiết già
bên cạnh Phật, Mục-kiền-liên hỏi Phật, con từ tinh xá Kỳ Viên trở về rõ ràng đi
trước Xá-lợi-phất, sao ngài ấy lại đến đây trước con, lẽ nào con đã mất đi thần
túc thông rồi sao? Phật nói, Mục-kiền-liên, ông có đại thần thông, bây giờ ông
có thể hiện ra thần thông trong đại chúng, khởi phát tín tâm cho hàng Sơ học.
Mục-kiền-liên tức thời một chân dẫm trên địa cầu, một chân dẫm lên Phạm Thiên,
khiến đại địa chấn động, được đại chúng tán thán. Mục-kiền-liên thần thông đệ
nhất vì sao lại bị ngoại đạo làm hại? Vì sao ngài không dùng thần thông để
tránh sự hãm hại của ngoại đạo? Phật nói, thần thông không cự nổi nghiệp lực,
nhục thể là vô thường, nghiệp báo thì phải chấm dứt. Trong đời quá khứ ngài tạo
nghiệp bắt cá, không biết có bao nhiêu sanh mạng bị mất trong tay ngài. Đối với
người giác ngộ mà nói, chết là kết quả của sự sống, chẳng có gì đáng sợ,
Mục-kiền-liên vì Pháp mà hiến thân, tuy chết rồi mà giống như còn sống. Bởi vì
ngài dùng sắc thân ngắn ngủi của mình đổi lấy chân lý vô hạn, xứng đáng được
gọi là nhân vật vĩ đại dùng sinh mạng của mình phụng hiến cho chân lý.
Xin hãy ghi nhớ ba câu này: thần thông không cự nổi nghiệp lực,
nhục thể là vô thường, nghiệp báo thì phải chấm dứt. Tôi bổ sung thêm một câu:
thần thông không thể giải quyết vấn đề sanh tử luân hồi.
Tiết học hôm nay xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà
Phật!