PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 06/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 32
Quý vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật.
Hôm nay tôi tiếp tục nói về vấn đề liên quan đến thần
thông, đây là đề tài khá nhạy cảm, nhưng không thể vì nhạy
cảm mà chúng ta tránh né nó. Chúng ta cần phải nhận thức, tiếp nhận
nó cho đúng đắn. Hôm nay, trước tiên chúng tôi nói về chín điều khác
biệt trong thần thông của Tiểu thừa so với thần thông của Phật
Bồ-tát.
Thứ nhất, rộng hẹp không như
nhau, phạm vi không như nhau. Thiên nhãn, thiên nhĩ của Thanh văn có
thể thông đạt hai ngàn cõi nước. Duyên giác thì thông đạt 3.000 cõi
nước. Hiện tại trong kinh này nói đều có thể thông đạt ức na-do-tha
trăm ngàn cõi Phật, không biết vượt hơn [Tiểu thừa] biết bao nhiêu lần.
Thứ hai, nhiều ít không như
nhau. Tiểu thừa Thanh văn, Duyên giác, một tâm niệm của họ chỉ làm
được một việc, không thể làm rất nhiều việc. Phật Bồ-tát có thể hóa
hiện đến tất cả thế giới trong mười phương, đồng thời cùng một sát-na có
thể hiện đủ loại thân: thân trời, thân tu-la, thân người, thân quỷ, thân
súc sanh đều có thể hiện.
Thứ ba, lớn nhỏ không như
nhau. Nhị Thừa hiện thân lớn, không thể đi vào không gian
nhỏ, hiện thân nhỏ thì không thể chứa được thứ lớn. Phật Bồ-tát hiện
thân lớn có thể khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, có thể khiến
thân thể như vậy tiến vào bên trong một vi trần, cũng có thể hiện
thân nhỏ như vi trần dung nạp đại thiên thế giới.
Thứ tư, nhanh chậm không như
nhau. Thần túc thông của hàng Nhị Thừa muốn đến được nơi xa xôi thì
cần phải có thời gian nhất định mới đến được. Phật Bồ-tát thì không như
vậy, không cần thời gian, một niệm có thể đến mười phương thế giới.
Thứ năm, hư thực không như
nhau. Nhị Thừa A-la-hán chỉ hóa hiện được gần giống, không có thực
dụng. Phật Bồ-tát hóa hiện đều có công dụng thực sự.
Thứ sáu, việc làm không như
nhau. Người mà hàng Nhị Thừa hóa hiện ra thì không khiến cho họ có
tâm, Phật Bồ-tát có thể hóa hiện ra vô lượng người, có thể làm cho
mỗi người đều có tâm, mỗi người đi làm công việc không như
nhau. Khiến người khác cảm thấy mỗi người đều giống như người thật sự
vậy, có tâm tư suy nghĩ, nhưng hàng Nhị Thừa thì không làm được.
Thứ bảy, những gì hóa hiện ra
không như nhau. Phật Bồ-tát chỉ hiện một thân nhưng có thể khiến mọi
người nhìn thấy đủ loại người không như nhau. Có thể phát ra một âm
thanh [nhưng lại] khiến mỗi người nghe mỗi khác. Còn có thể an trụ
một chỗ mà hiện thân khắp mười phương, Nhị thừa thì không thể.
Thứ tám, công dụng của các căn
không như nhau. Sáu căn của Bồ-tát có thể dùng thay nhau, mắt, tai,
mũi, v.v… đều có thể dùng thay nhau nhưng Nhị Thừa thì không được.
Thứ chín, tự tại không như
nhau. Kinh Niết-bàn nói chư Phật Bồ-tát phàm làm việc gì thì thân tâm
đều tự tại. Khi hiện thân lớn, tâm không tăng lớn theo, hiện
thân nhỏ, tâm cũng không nhỏ theo. Hiện ra tướng vui vẻ, tâm cũng không
vui theo, hiện tướng lo âu, tâm cũng không lo âu. Việc này Nhị Thừa
không làm được.
Thần thông mà Nhị Thừa đắc so với cái này kém nhiều như
vậy, Nghe đến đây có đồng tu có thể sẽ hỏi, phàm phu chúng ta có thần
thông hay không? Đáp án là chắc chắn có. Bởi vì thần thông là tự
tánh, vậy vì sao không thể hiển hiện ra được? Bởi vì tâm không thanh
tịnh nên bị chướng ngại. Có người tâm thanh tịnh được một
chút, thần thông đều có thể hiện tiền.
Xin nêu một ví dụ, khoảng chín năm về trước, có một
lần tôi và vị chủ nhiệm chủ quản đi Trịnh Châu tham gia hội nghị công tác
giám sát kiểm tra kỷ luật toàn quốc, hơn hai giờ chiều mới lên máy
bay, buổi sáng tôi vẫn đi làm như thường. Đến trưa, ông nhà tôi đến
phòng làm việc của tôi, đưa cho tôi một tờ giấy, ở trên viết những gì
tôi nhớ không rõ, ông ấy nói với tôi, bà hãy mang theo tờ giấy này, đi
họp xong nhất định phải đưa lại cho tôi. Tôi nghĩ thầm, thần kinh có vấn
đề rồi, lại làm trò quái gở gì đây, nhưng tôi vẫn cầm lấy tờ
giấy. Ông ấy rời khỏi phòng làm việc còn nhắc tôi một câu, đừng
quên khi về phải trả tờ giấy cho tôi đó. Đi công tác về, tôi vừa bước
vào nhà, câu đầu tiên ông ấy nói là, lúc bà đi thì máy bay gặp sự
cố, tôi ngẩn người ra, máy bay thật sự là gặp chút sự cố, sao
ông ấy lại biết được vậy. Ông ấy nói với tôi, tôi bảo bà trả tờ giấy
nhỏ ấy lại cho tôi chính là để bà được bình an trở về. Nếu không có
tờ giấy nhỏ của tôi thì bà không quay về được đâu. Tin hay không
tin, tùy bà lựa chọn. Ông nhà tôi nói với bạn đồng tu
rằng: những gì ông ấy biểu diễn là đại trí nhưng ra vẻ giống như thần kinh
bất thường, điên rồ hay thông đạt hãy tự mình chọn lấy. Tôi tin, bởi
vì tâm ông ấy thanh tịnh, sanh đến thế giới Cực Lạc sẽ đạt được thần
thông bất cộng của Đại thừa, lại có thêm nguyện lực thù thắng của
Di-đà, cho nên siêu vượt hơn mức thông thường.
Túc mạng thông có thể tự biết những việc thiện ác đã làm
trong vô lượng kiếp quá khứ. Ví dụ, khi Thế Tôn tại thế, có
người đến xin xuất gia, chư đại đệ tử quán sát thiện căn của người
này, đến tận tám vạn kiếp đều không gieo trồng thiện căn, thế là cự
tuyệt và nói, không được, ông hãy đi đi, ông không có thiện
căn, ông không thể xuất gia. Ông ấy liền rời khỏi, trên đường
ông gặp được Thích-ca Mâu-ni Phật, ông nói với Phật ông muốn xuất
gia, Thích-ca Mâu-ni Phật thu nhận ông. Về sau ông đắc đạo. Mọi
người nói ông không có thiện căn. Phật nói, các ông không biết, trước
đó tám vạn kiếp ông ấy là tiều phu, gặp phải hổ, ông ấy leo lên
cây, hổ bỏ đi, ông ấy nhẹ nhàng niệm một câu “Nam mô Phật”, do
một niệm thiện căn này mà tám vạn kiếp sau ông ấy gặp được Thích-ca Mâu-ni
Phật, lại còn xuất gia, lại còn đắc đạo. Thần thông của Phật không
có hạn lượng, vượt xa hết thảy A-la-hán. Sách Hội Sớ nói túc mạng
thông có thể biết được túc mạng và những việc làm trong một đời, hai
đời, ba đời cho đến trăm ngàn vạn đời của chính mình, cũng biết được
túc mạng và những việc làm của mỗi chúng sanh trong lục đạo. Được
thần thông này rất có lợi, nếu không biết túc mạng thì bạn chẳng sốt
sắng làm thiện, chẳng biết sợ điều ác, cho nên giải
đãi. A-la-hán nghĩ đến nỗi khổ đã chịu trong địa ngục mà toát mồ
hôi, thậm chí toát mồ hôi máu, biết rằng thật đáng sợ. A-la-hán
đã đắc thần thông nên không quên, còn chúng sanh thông thường đều
quên hết, người trong địa ngục thì càng dễ quên. Trong địa ngục, lửa
đốt cột đồng, họ nhìn thấy là một mỹ nữ nên đến ôm, vừa ôm vào
thì thiêu khét lẹt chính mình, gió vừa thổi đến thì sống lại, sống
lại rồi thì không nhớ nữa, lại nhìn thấy mỹ nữ, lại đến ôm, lại bị
thiêu khét, biết bao vạn lần trong một đêm, rốt cuộc họ đều không
nhớ. A-la-hán nhớ được, nghĩ đến thì toát mồ hôi máu, các ngài
biết sự khủng khiếp nên không dám tạo ác nữa, các ngài còn vô cùng
tha thiết khuyên nhủ mọi người. Hơn nữa, biết được túc mạng thì sẽ không
tự cao tự đại, biết rằng những công đức hoàn thành được trong quá
khứ đều do sự gia trì của Phật. Chúng ta sở dĩ có thể vãng sanh chẳng
phải do công đức của bản thân đầy đủ, mà nhờ thệ nguyện của A-di-đà
Phật. Bạn hãy cộng tất cả những hạnh nghiệp trong nhiều đời của mình
lại thì sẽ biết tội lỗi rất nhiều, công đức rất nhỏ bé yếu
ớt. Ngày nay có thể có được nhân duyên thù thắng như vậy, hoàn toàn
nhờ vào lực gia trì của Di-đà, mới biết rằng hoàn toàn dựa vào đức của
Phật, mới sanh tâm cảm ân kính ngưỡng sâu sắc.
Nguyện thứ bảy: nguyện đắc thiên nhãn thông. Nguyện thứ
tám, nguyện đắc thiên nhĩ thông. Nguyên văn lời nguyện là: “giai năng
đỗng thị, triệt thính, tri thập phương khứ lai hiện tại chi sự. Bất
đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác”. Đỗng thị là thấy rõ ràng triệt
để. Triệt thính là toàn bộ đều có thể nghe thấy rõ ràng, nhìn thấy
được tất cả, nghe được tất cả, cho nên có thể biết những việc quá
khứ, hiện tại, vị lai của mười phương. Hai câu này bao gồm thiên nhãn
thông, thiên nhĩ thông, là hai nguyện thứ bảy và thứ tám.
Thiên nhãn thông còn gọi là thiên nhãn trí thông, cũng gọi
là sanh tử trí thông. Vì sao gọi là thiên nhãn? Vì đó là mắt mà người
cõi trời đắc được, họ có thể nhìn thấy hết thảy sắc tướng xa gần, thô
tế. Thứ rất vi tế mà mọi người không nhìn thấy họ thấy rất hiển
nhiên. Trên chân con ruồi có bao nhiêu vi khuẩn chúng ta không nhìn
thấy, phải nhờ vào trợ giúp của kính hiển vi, phải có thiết bị, thiên
nhãn thì không cần. Thứ quá to, người ta cũng nhìn không thấy, bạn
đến Bạch Tháp tại Bắc Hải – Bắc Kinh, bạn sẽ nhìn thấy một vòng
tròn, lấy điểm đứng của mình làm tâm vòng tròn, dùng thị lực làm bán
kính, thế là khu vực mà mình nhìn thấy là một vòng tròn, bên ngoài
vòng tròn đó rõ ràng là có nhưng mắt lại không nhìn thấy. Vì vậy mắt
của con người có chướng ngại. Hơn nữa Thiên nhãn thông còn được gọi
là sanh tử trí thông, có thể biết được tướng sanh tử trong quá khứ vị lai
của chúng sanh, có thể biết chúng sanh sau khi chết sẽ đi về đâu. Đại
Trí Độ Luận nói, phạm vi mà thiên nhãn có thể nhìn thấy là tự địa và
hạ địa. Ví dụ, người trời Dục Giới, Tự địa của họ là trời Dục
giới, Hạ địa là trời Dục giới trở xuống gồm có người, tu-la, súc
sanh, quỷ, địa ngục, họ đều có thể nhìn thấy được. Còn cảnh giới của
trời Sắc giới, trời Vô sắc giới, Phật Bồ-tát vượt hơn họ, nên họ
không nhìn thấy được. Thiên nhãn thông vượt xa nhục nhãn, là nhờ sự
thấu triệt của thiên nhãn. Nhục nhãn chỉ có thể nhìn thấy “chướng nội”,
trong vòng chướng ngại, ví dụ bức tường trước mắt là chướng ngại của
chúng ta, bên ngoài bức tường chúng ta sẽ không nhìn thấy. Thiên nhãn
thì khác, có thể xuyên qua bức tường, vẫn có thể nhìn thấy bên ngoài
chướng ngại, các loại hình sắc của thế xuất thế gian đều không thể
chướng ngại.
Chúng ta lại so sánh một chút, Long Thọ Bồ-tát
nói, tiểu Thanh văn thông thường có thể nhìn thấy một ngàn thế
giới, khi tác ý tức là họ đã nhập định thì có thể nhìn thấy hai ngàn
cõi nước. Đại Thanh văn thì thấy nhiều hơn một chút, Duyên giác thì
thấy nhiều hơn một chút nữa. Đại Duyên giác bất luận tác ý hay không tác
ý đều có thể nhìn thấy ba ngàn đại thiên thế giới. Chư Bồ-tát có thể
nhìn thấy sự vật trong vô lượng thế giới. Còn người dân của thế giới Cực
Lạc, Bản dịch vào đời Tống nói, hết thảy đều đắc thiên nhãn thanh
tịnh, có thể thấy sắc tướng thô tế của trăm ngàn
câu-chi-na-do-tha thế giới. Ức có thể là mười vạn, trăm vạn, ngàn vạn, vạn
vạn, bất luận là con số nào khi nhân với nhau thì sẽ thành con
số vô cùng lớn. Bản kinh hiện tại nói “nhìn thấu mười phương”, cũng
tức là có thể thấy, biết vô lượng thế giới. Thiên nhãn thông của người ở
thế giới Cực Lạc có thể nhìn thấy rõ sự việc quá khứ hiện tại vị
lai trong vô lượng thế giới mười phương, đó là do nguyện lực của
Di-đà. Vượt xa hơn nhiều so với thần thông do báo đắc hoặc tu Thiền
định đạt được. Nguyện được thiên nhãn thông trong biển nguyện của
A-di-đà đã bao hàm việc khơi mở diệu dụng tu trì cho nhân dân. Có
chúng sanh không nhìn thấy quả khổ nên họ không sợ việc gieo nhân khổ, có
thiên nhãn rồi, biết được việc trong tương lai đủ loại khổ báo nên sẽ
sợ hãi không dám tạo nhân khổ. Do cũng nhìn thấy quả vui nên tu nhân
vui. Nhục nhãn không nhìn thấy vùng ngoài chướng ngại, không nhìn
thấy khổ của địa ngục, ngạ quỷ, không nhìn thấy cha mẹ, sư trưởng trong
quá khứ của mình đang chịu đủ loại quả báo thê thảm, nên không nghĩ
đến việc cứu giúp, không chịu tinh tấn tu trì. Nếu như đích thân nhìn
thấy nghe thấy bạn còn hưởng vui được hay chăng, còn có thể tiếp tục
giải đãi chăng? Tâm yểm ly tự nhiên tha thiết, tâm báo ân càng sâu đậm
hơn, đây chính là ý nghĩa quan trọng của nguyện đắc thiên nhãn.
Nói sâu hơn nữa, thiên nhãn của nhân dân nước Cực
Lạc không những có thể soi chiếu tướng sinh tử trong quá khứ vị
lai của tất cả chúng sanh mười phương, còn có thể thấy khắp vô lượng
cõi nước Phật nhiều như vi trần, cho nên họ có thể phát tâm, dùng
pháp môn Tịnh độ lấy đại nguyện phổ độ cứu giúp chúng sanh, lợi lạc vạn
vật, rộng khiến chúng sanh được lợi ích chân thật như nhau, đây mới
là ý nghĩa chân thật của nguyện này.
Thứ tám, nghe rõ sự việc quá khứ hiện tại vị lai ở mười
phương, là nguyện đắc thiên nhĩ thông. Thiên nhĩ thông có thể nghe
thấy sự khổ vui, mừng lo, cho đến tất cả ngôn ngữ và âm thanh xa gần thô
tế của lục đạo chúng sanh bên trong bên ngoài chướng ngại. Thính
lực của chúng ta rất có hạn, âm thanh có thể nghe được chỉ từ vài
chục tần số âm thanh trở lên cho đến vài chục ngàn tần số âm thanh trở
xuống, chỉ trong một đoạn sóng âm ngắn này. Tần số âm thanh từ mấy
chục ngàn trở lên gọi là sóng siêu âm, có rất nhiều tác dụng nhưng
tai của con người không nghe được. Ánh sáng mà nhục nhãn nhìn thấy cũng
chỉ là một đoạn trong khoảng ánh sáng đỏ và ánh sáng tím. Căn cứ theo
bản dịch thời Ngụy nói thì đều có thể thọ trì, bản dịch thời Đường
nói thiên nhĩ có thể nghe thấy cách nơi Phật thuyết pháp ức na-do-tha
trăm ngàn do-tuần. Nhĩ thông của Cực Lạc không những có thể nghe thấy
âm thanh của thế gian, mà còn có thể nghe trọn hết chư Phật thuyết
pháp, đây là chỗ cực kỳ thù thắng.
Nguyện thứ chín: nguyện đắc tha tâm thông, lời nguyện như
sau, “ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai
đắc tha tâm trí thông, nhược bất tất tri ức na-do-tha bá thiên Phật
sát, chúng sanh tâm niệm giả, bất thủ Chánh Giác.” Đại ý của đoạn
kinh văn này là phàm là người sanh đến thế giới Cực Lạc đều có thể
biết được suy nghĩ trong tâm của chúng sanh trong vô lượng vô biên cõi
Phật. Sách Hội Sớ nói, thánh chúng ở thế giới Cực Lạc không cần
tu trì mà tự nhiên có thể biết được tình hình trong tâm người
khác, do biết được suy nghĩ và ý niệm trong tâm của người khác nên
mới có thể ứng với tâm hoan hỷ của họ mà tùy duyên tiếp dẫn. Câu “ức
na-do-tha bá thiên Phật sát” trong lời nguyện là chỉ độ rộng của tha tâm
thông, còn có cả độ sâu nữa. Ví dụ ở Ấn Độ vào thời Đường có vị
Đại Nhĩ Tam Tạng có tha tâm thông, ông đến Trung Quốc, vua Đường mời
Nam Dương Huệ Trung quốc sư đến khảo nghiệm. Quốc sư hai lần đầu tập trung
tư tưởng về cảnh thấy khỉ và thấy đua thuyền, thì Đại Nhĩ Tam Tạng
đều trả lời đúng, nhưng đến lần khảo nghiệm thứ ba thì Đại Nhĩ ngây
người cứng lưỡi, không biết nói gì. Quốc sư đánh Đại Nhĩ một cái đúng
ngay vào mặt rồi nói, ông là hồ ly tinh. Từ câu chuyện này có thể
thấy thần thông so với minh tâm kiến tánh thì chẳng thấm vào
đâu. Tha tâm thông thông thường cũng chỉ là trình độ của Đại
Nhĩ, còn tâm cảnh của quốc sư thì ông ấy không thể đoán biết
được. Thần thông của nhân dân thế giới Cực Lạc siêu vượt thường
tình. Sách Chân Giải chú thích bản dịch thời Ngụy rằng tha tâm trí
của nhân dân cõi Cực Lạc bậc thấp thì có thể biết được tâm niệm của chúng
sanh trong trăm ngàn ức na-do-tha cõi nước chư Phật. Sách cho rằng từ
“thấp” ở đây chỉ cho tâm niệm của chúng sanh. Còn bậc cao thì có thể
biết tâm của chư Phật Bồ-tát. Nhị Thừa chỉ có thể biết được thô tâm của
phàm phu và Tiểu thừa. Chư Phật Bồ-tát và Bồ-tát ở Cực Lạc có thể
biết được tâm của Phật.
Nhà Thiền có câu, trong cửa Thiền thật không có một pháp để
cho người. Thế nào gọi là thiện tri thức? Không có một pháp để ban
cho người, chỉ có giúp người tháo gỡ trói buộc, bạn bị dính mắc thì
chỉ điểm một chút [để bạn] không còn dính mắc nữa, bạn bị trói chặt thì
giúp bạn tháo gỡ gút mắc, gút mắc đó là gút mắc trong tâm. Trước tiên
cần phải biết tâm niệm của bạn, đồng thời còn biết pháp môn phương
tiện chân thật nghĩa của Như Lai thì mới có thể cởi gút mắc cho
bạn. Thánh chúng ở thế giới Cực Lạc có đủ tha tâm thông cực sâu cực
rộng, nên có thể giáo hóa nhiều nơi.
Nguyện thứ mười: nguyện đắc thần túc thông. Nguyện thứ 11,
nguyện cúng dường khắp chư Phật. Nguyện văn như sau: “ngã tác Phật
thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự
tại Ba-la-mật-đa, ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá ức na-do-tha
bá thiên Phật sát, châu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật giả, bất
thủ Chánh Giác.” Châu biến tuần lịch nêu rõ nguyện thứ mười đắc thần
túc thông. Cúng dường chư Phật nêu rõ nguyện thứ 11 cúng dường khắp
chư Phật. Thần túc thông còn gọi là thần túc trí thông, thần cảnh trí
thông, như ý thông, thân thông v.v. Đại Luận nói, có ba loại như ý thông.
Thứ nhất là năng đáo, năng đáo có bốn loại. Thứ nhất
là có thể bay như chim, thứ hai là dời chỗ xa đến chỗ gần, đưa chỗ xa
đến chỗ gần. Tương Đối Luận cũng có cách nói này. Nếu tốc độ của bạn
cực nhanh, khi gần bằng tốc độ ánh sáng thì khoảng cách không gian
cũng được thu ngắn lại. Loại thứ ba là nơi này mất, nơi kia hiện. Nơi
này không còn nữa, nơi kia xuất hiện ra. Loại thứ tư là trong một
niệm có thể đến nơi, trong một niệm liền đến.
Như ý thông thứ hai là biến đổi, lớn có thể biến thành nhỏ,
nhỏ có thể biến thành lớn, một có thể biến thành nhiều, nhiều có thể biến
thành một, biến đổi đủ mọi thứ. Những kiểu biến đổi của ngoại
đạo nhiều nhất không quá bảy ngày. Quá khứ tương truyền, có
người học được một chút thuật điểm sắt hóa vàng của thần tiên, khi người
đó biết 500 năm sau vàng đó sẽ không tồn tại nữa, thì nói “con
không học môn này của sư phụ đâu, học rồi sẽ gây hại cho người 500
năm sau, vì vàng không còn là vàng nữa, con thà không học [còn
hơn]”. Sư phụ của người đó nói, ý niệm này của con đã viên mãn
3.000 công đức. Có thể thấy sự biến đổi của ngoại đạo không thể vĩnh
viễn.
Thứ ba là thánh như ý, có thể khiến những thứ không
đáng yêu, không sạch sẽ trong sáu trần: sắc thanh hương vị
xúc trở nên sạch sẽ, quán chúng thành thứ đáng yêu và sạch
sẽ. Ngược lại, cũng có thể quán những vật đáng yêu sạch sẽ thành thứ
bất tịnh. Thánh như ý này chỉ có Phật mới có.
Thần thông tự tại, người sanh đến cõi Cực Lạc đều đầy đủ
thần thông, hiển hiện tự tại, không có chướng ngại.
Ba-la-mật-đa là đáo bỉ ngạn, vì có thể triệt để quán triệt
tất cả những sự việc tự hành và hóa tha, nên có thể cùng chúng sanh
từ bờ sanh tử bên này đến bờ Niết-bàn rốt ráo bên kia, vì vậy mới gọi
là Ba-la-mật-đa.
Ư nhất niệm khoảnh, thời gian một niệm chỉ là một phần
sáu mươi của một cái búng tay, đó chính là một sát-na. Trong một niệm
cực ngắn ngủi như vậy có thể đi khắp ức na-do-tha trăm ngàn cõi
Phật, đồng thời còn cúng dường chư Phật. Diệu dụng của loại thần
thông này không thể nghĩ bàn. Châu biến tuần lịch thể hiện các cõi
nước mà họ đến vô cùng rộng, cúng dường chư Phật nghĩa là những việc
cần làm thì nhiều vô cùng, hơn nữa cũng chỉ trong thời gian một phần
sáu mươi của một cái búng tay đã hoàn thành toàn bộ, cho thấy thế
giới Cực Lạc sự sự vô ngại mở rộng và thu hẹp đồng thời.
Nguyện thứ mười hai: nguyện nhất định thành Chánh
Giác. Nguyện văn như sau: ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh
ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh, nhược bất quyết
định thành Đẳng Chánh Giác, chứng đại Niết-bàn giả, bất thủ Chánh
Giác. Đại ý của đoạn kinh văn này là, khi tôi thành Phật, tất cả
hết thảy chúng sanh sanh đến nước Cực Lạc đều xa lìa tất cả tâm phân
biệt, sáu căn đều tịch nhiên an tĩnh, nếu có người không thể nhất
định thành Phật, chứng nhập đại Niết-bàn thì tôi không thành
Phật. Theo lời nguyện thì người vãng sanh nhất định thành Phật, cho
thấy bổn tâm của Di-đà là Nhất Phật Thừa. Vì vậy kinh Pháp Hoa, lần sau
cùng Phật thuyết pháp, Thanh văn, Duyên giác là Hóa Thừa, không có
Nhị Thừa, Tam Thừa, chỉ có Nhất Phật Thừa. Lúc Phật thuyết kinh Pháp
Hoa có 5.000 đại đệ tử theo Phật mấy mươi năm đã lui ra, không thể
nghe. Thích-ca Mâu-ni Phật nói, lui ra cũng tốt, Ngài không giữ họ
lại. Thế giới Cực Lạc thì tất cả đều thành Phật, Nhị Thừa không
sanh, đây là chỗ Đại thừa đi đến, Nhị Thừa không thể vãng sanh. Đại
sư Thiện Đạo đối với nguyện này đặt ra bốn tên gọi: nguyện nhất định
diệt độ, nguyện chứng đại Niết-bàn, nguyện vô thượng
Niết-bàn, nguyện trụ tướng chứng quả. Bởi vì tu pháp môn Tịnh
độ, bất luận quán Phật hay niệm Phật, thông thường đều cho rằng
quán thì có sắc tướng, niệm thì có âm thanh, đều là có
tướng, phải lìa tướng mới chứng quả. Thế nhưng đại sư Thiện Đạo
nói đây là nguyện trụ tướng mà chứng quả, trụ tướng mà vẫn chứng quả
được, cách nói này rất thù thắng. Ngay cả Mật Tông là tinh thần
của Thủ Lăng Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm là hết thảy sự đều rốt ráo kiên
cố, tất cả đều hiển hiện pháp thân, thanh sắc đều là thật
tướng. Bạn trụ nơi tướng chính là trụ vào thật tướng, cho nên trụ
tướng mà chứng quả, điều này thống nhất với lời của Thiện Đạo đại
sư. Thiện Đạo đại sư còn nói, người tu Tịnh độ không cần gấp lìa
tướng, nếu có thể chuyên chí nương vào tướng thì nhất định vãng
sanh. Thế nên pháp môn niệm Phật không yêu cầu bạn lìa tướng, bạn
không cần quan tâm lìa tướng hay không lìa tướng, hãy thật thà mà
niệm thì đều được vãng sanh. Đây quả thực là vô thượng khai
thị.
Sách Chân Giải nói, Cao Tổ, người Nhật Bản đối với ngài
Thiện Đạo tôn kính đến cực điểm, xưng Ngài là Cao Tổ, tên của
nguyện đã nêu tột ý của nguyện, họ cực kỳ tán thán ngài Thiện Đạo từ
nguyện này lập ra bốn tên gọi, cho rằng việc này hiện rõ triệt để ý
nghĩa chân thật của lời nguyện. Sự tôn kính của người Trung Hoa đối với
ngài Thiện Đạo không bằng người Nhật Bản, bởi vì trong nước có một
truyền thuyết sai lầm, cho rằng ngài Thiện Đạo tự sát, sai rồi, ghi
chép sai rồi. Người tự sát là người nêu câu hỏi với đại
sư, không phải là đại sư. Tên của lời nguyện trong kinh hiện
nay là “định thành Chánh Giác” nguyện tương đồng với tên ngài Thiện
Đạo đặt. Thiện Đạo đại sư đặc biệt chọn ra năm nguyện trong 48
nguyện, gọi là chân thật nguyện. Đó là: định thành Chánh
Giác, quang minh vô lượng, thọ mạng vô lượng, chư Phật xưng thán,
thập niệm tất sanh. Năm nguyện này là chân thật nguyện trong 48
nguyện, cũng chính là trọng tâm then chốt trong 48 nguyện, cũng
là tâm tủy của hoằng nguyện Di-đà, bổn tâm của A-di-đà, cần nương vào
con đường đơn giản nhất, dễ dàng nhất, viên dung nhất, nhanh chóng
nhất là niệm Phật vãng sanh.
Viễn ly phân biệt, chư căn tịch tĩnh, phân biệt chính là
nhận biết đủ loại khác biệt giữa cái này và cái kia, của tất cả sự
lý. Nó lấy sự phân biệt hư vọng làm thể tánh. Thức thứ sáu chính là
thức phân biệt, vốn là bình đẳng, vốn là không hai, nhưng ở đây lại
sinh ra mọi loại sai biệt. Vọng là ở nơi pháp vốn không phân biệt mà
phân biệt phải quấy ta người, nên gọi là nghi hoặc phân biệt. Đoạn
được hoặc này thì trở thành trí vô phân biệt, nên thức thứ sáu trở thành
diệu quan sát trí. Câu “viễn ly phân biệt” trong lời nguyện chính là
xả ly vọng hoặc phân biệt, hiểu rõ vạn pháp nhất như. Chân như chính
là vạn pháp, vạn pháp chính là chân như.
Chư căn tịch tĩnh nghĩa là sáu căn đều tịch tĩnh, tịch
là tịch nhiên, lìa khỏi phiền não thì gọi là tịch. Tĩnh là an
tĩnh, trừ hết thảy khổ lo thì gọi là tĩnh. Kinh Hoa Nghiêm
nói, quán pháp tịch tĩnh, lìa mọi si ám. Lúc bạn tu quán pháp tịch
tĩnh thì quang minh trí tuệ tự hiện, bạn sẽ lìa khỏi sự ngu muội hôn
ám. Bốn chữ Thích-ca Mâu-ni Phật nghĩa là tịch mặc và năng
nhân. Mâu-ni chính là nghĩa tịch nhiên, tịch tĩnh. Thân, khẩu, ý đều
tịch tĩnh thì gọi là Mâu-ni. Thân khẩu ý đại biểu cho sáu
căn, thân khẩu ý tịch tĩnh chính là chư căn tịch tĩnh ở trong
kinh, cũng chính là bổn tánh của Niết-bàn. Cho nên xa lìa vọng hoặc
phân biệt thì các căn mắt tai mũi lưỡi cũng đều tịch tĩnh, khế
hợp với lý thể thực tế của Niết-bàn. Nhất định thành Đẳng Chánh
Giác nghĩa là nhất định thành Phật. Chứng đại Niết-bàn, Niết-bàn
có thể phiên dịch thành viên tịch, viên tịch nghĩa là gì? Đức chẳng
kém khuyết thì gọi là viên, các chướng đều tận thì gọi là tịch, tất
cả diệu đức thảy đều đầy đủ, tất cả chướng ngại đều được tiêu
trừ. Đại Niết-bàn chỉ cho Niết-bàn của Đại thừa, so với Niết-bàn của
Tiểu thừa có bốn phương diện khác biệt:
Thứ nhất là Niết-bàn có ba đức: pháp thân đức, Bát-nhã đức,
giải thoát đức. Niết-bàn của Đại thừa chứng được ba đức này. Tiểu
thừa chỉ có giải thoát đức trong ba đức. Họ giải thoát rồi nhưng
không chứng được pháp thân, cũng không có trí tuệ Bát-nhã, chỉ có một
đức trong ba đức.
Thứ hai là thường lạc ngã tịnh. Bồ-tát đầy đủ thường lạc
ngã tịnh. Niết-bàn của Nhị Thừa chỉ có thường, lạc, tịnh. Họ
cũng bất diệt, cũng rất an lạc, cũng rất tịnh, nhưng chưa thấy được
chân ngã của pháp thân. Ngã trong thường lạc ngã tịnh là chân
ngã, không phải là “ngã tướng” mà Kinh Kim Cang nói.
Thứ ba là Đại Niết-bàn đều lìa khỏi hai loại sanh
tử là phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử. Niết-bàn của Tiểu thừa
chỉ lìa khỏi phần đoạn sanh tử, đã đoạn được sanh tử trong sáu cõi luân
hồi nhưng vẫn còn biến dịch sanh tử. Còn phải phát tâm đại Bồ-đề, còn
phải trải qua 42 giai vị để lên đến giai vị Diệu Giác. Mỗi một giai
vị đều là một lần biến dịch, cũng là một lần sanh tử.
Thứ tư là thân trí. Đại Niết-bàn đầy đủ vô biên thân và
trí. Tiểu Niết-bàn thì thân và trí vắng lặng như tro nguội. Đại
Niết-bàn và Tiểu Niết-bàn không như nhau. Có người nói Thích-ca Mâu-ni
Phật cũng là hữu dư Niết-bàn, cách nói này không đúng. Phàm
những người vãng sanh tương lai đều chứng Đại Niết-bàn thì làm sao có thể
nói đức Thế Tôn của chúng ta lại vào hữu dư Niết-bàn chứ. Có một vài
cách nói, bất luận người phát ngôn nổi tiếng đến đâu chúng ta nhất
định phải lấy lời của bậc thánh để làm tiêu chuẩn, chớ hiếu kỳ ham điều
mới lạ.
Nguyện thứ mười ba: nguyện được quang minh vô lượng. Nguyện
văn như sau: “Ngã tác Phật thời, quang minh vô lượng, phổ chiếu thập
phương, tuyệt thắng chư Phật, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức
bội.” Nguyện này là nguyện thứ hai trong năm nguyện chân thật của đại
sư Thiện Đạo. Đại ý của lời nguyện là, nguyện khi tôi thành
Phật, quang minh của tôi không có hạn lượng, không có ranh
giới, chiếu khắp tất cả nơi trong mười phương trên dưới. Quang minh
phóng ra phải tuyệt đối vượt hơn quang minh của tất cả Phật, so với
ánh sáng của mặt trời mặt trăng vượt hơn ngàn vạn ức lần, quang minh
trọn khắp các nơi. Công đức diệu dụng của quang minh cũng trùm khắp
mọi nơi, có thể chúng sanh được nhiếp thọ và độ hóa cũng nhiều vô
tận. Vì vậy đây là cái gốc đại bi phương tiện, là công đức chân thật
của báo thân Phật. Chúng ta đại bi độ sanh cần phải có phương tiện, cho
nên quang minh chiếu khắp để nhiếp thọ chúng sanh. Sư Vọng Tây của Nhật
Bản nói, mười phương hư không không có ngằn mé, cho nên cõi nước cũng
không có ngằn mé. Cõi nước không có ngằn mé nên chúng sanh trong cõi
nước cũng không có ngằn mé. Có vô lượng cõi nước thì có vô lượng
chúng sanh. Cho nên, đại nguyện này của Pháp Tạng Đại sĩ không phải
chỉ độ toàn nhân loại trên một địa cầu mà là đủ loại chúng sanh. Cũng
chẳng phải chỉ một địa cầu, mà là vô lượng địa cầu, vô lượng thiên
thể, thiên thể vô biên, chúng sanh vô biên, nên đại bi của Phật
cũng vô biên, lợi ích ban cho chúng sanh cũng là vô biên, mà mức độ
sâu của lợi ích này cũng không có ngằn mé. Nguyên nhân chính là từ
chúng sanh mà xuất phát, muốn chúng sanh có được lợi ích không ngằn
mé, vì vậy quang minh cũng vô biên.
Siêu vượt hơn tất cả chư Phật, Phật Phật bình đẳng, vì
sao lại nói Phật quang của A-di-đà Phật vượt hơn tất cả chư Phật? Như
lời kinh nói, quang minh của chư Phật chiếu ra có xa có gần, là do
trong quá khứ cầu đạo, công đức sở nguyện có lớn nhỏ không như
nhau. Đến lúc thành Phật, mỗi vị được thành tựu tự tại khác nhau,
không phải do dự trù trước. Lại nữa, uy thần quang minh của A-di-đà
Phật là tối tôn đệ nhất, mười phương chư Phật không thể sánh
bằng, đây đều vì quá khứ ở nhân địa nguyện lực của mỗi vị không như
nhau, đến khi thành Phật, mỗi vị dựa trên nguyện mà chính mình đã
phát tự nhiên thành tựu, không cần sắp xếp. Nguyện mà ngài Pháp Tạng
đã phát vượt hơn nguyện của chư Phật, vì vậy khi thành Phật thì uy thần
quang minh là tôn quý đệ nhất trong mười phương Phật. Ngài Pháp Tạng
muốn vượt hơn chư Phật, tuyệt đối không phải vì hiếu thắng phô trương thể
hiện bản thân, mà tha thiết mong muốn việc phụng hiến chúng sanh của chính
mình sẽ mang lại lợi ích chân thật cho chúng sanh vượt hơn chư Phật. Vì
vậy nguyện của Di-đà được xưng là đại nguyện vương, vua trong các [nguyện
của] chư Phật. Nguyên nhân căn bản chính là ở đây. Kinh Xưng Tán Tịnh
độ Phật Nhiếp Thọ do ngài Huyền Trang dịch là Kinh A-di-đà nói, do
đức Như Lai ấy thường phóng vô lượng vô biên diệu quang, chiếu khắp tất cả
cõi Phật mười phương, làm các Phật sự. Đức Phật đó chính là A-di-đà
Phật, đây là lời Thích-ca Mâu-ni Phật nói. Đức Phật ấy không gián
đoạn mà thường phóng quang, cho nên Di-đà còn có hiệu là Thường Chiếu
Quang. Quang minh của Phật vô lượng, cho nên hiệu là Vô Lượng
Quang. Thường chiếu bất đoạn nên lại có hiệu là Thường Chiếu
Quang. Do ánh sáng của Phật vượt hơn ánh sáng nhật nguyệt ngàn
vạn ức lần, tất cả ánh sáng thông thường không thể sánh nổi. Phật
phóng quang là thường hằng bất biến, Phật quang là vô lượng, Phật
quang là thường chiếu, Phật quang là phổ chiếu, vì sao có người cảm
nhận được, có người không cảm nhận được? Xin nêu ví dụ, cùng
được ánh sáng rực rỡ của mặt trời soi chiếu nhưng có người lại giương dù
lên nên đương nhiên mặt trời không chiếu đến được. Cũng cùng được
Phật quang soi chiếu như nhau nhưng có người không cảm nhận được, bởi
vì họ có chướng ngại. Chướng ngại gì vậy? Nhân duyên của mỗi người
không như nhau, nên chướng ngại của mỗi người không như nhau. Ở
đây chỉ nêu ra những chướng ngại chung:
Thứ nhất, không buông xả được chấp trước, không buông được
phân biệt. Phật Bồ-tát dạy chúng ta rằng người tu đạo chân
chánh không thấy lỗi thế gian. Thế nhưng người tu đạo chúng
ta cứ dán mắt vào lỗi của thế gian, nhìn ai cũng không vừa
mắt. Kết quả là phiền não rất nhiều, oán trời trách người, chẳng
những chính mình phiền não mà còn mang phiền não cho người khác.
Thứ hai, ngoan cố chấp trước cái thấy cái biết của
mình, không thể hằng thuận chúng sanh, mà chúng sanh phải hằng thuận
mình. Nếu có chút không hằng thuận thì oán hận não nộ phiền của họ
toàn bộ hiện tiền, chúng sanh đều xa lánh, bạn trở thành người cô độc
lẻ loi, làm sao độ chúng sanh đây?
Thứ ba, tâm nghi nặng. Loại người này luôn dùng tâm tiểu
nhân đo lòng quân tử. Bất luận đối với người nào, việc nào họ
cũng phải đặt dấu chấm hỏi. Có lúc điều họ nghĩ ra, nói ra khiến
người nghe rồi đều cảm thấy buồn cười. Tôi đã từng nói, không được có
tâm hại người, càng không được có tâm đề phòng người. Tôi nói được
làm được, tôi trước giờ không đề phòng người khác, rõ ràng biết có
người đang hại tôi, tôi cũng không đề phòng, cứ tùy họ thôi. Hại
người và đề phòng người đều rất mệt mỏi, chớ làm việc ngốc
đó, hãy làm việc đại sự là thành Phật đi.
Thứ tư, tâm đố kỵ nặng, liên quan đến vấn đề tâm đố
kỵ tôi đã nói qua rất nhiều lần rồi, nhưng vẫn có người nghe không
vào. Ở đây tôi trịnh trọng nói với mọi người, người có tâm đố kỵ
nặng sẽ tự đoạn pháp thân huệ mạng của chính mình. Nếu chúng ta trừ
bỏ được những chướng ngại trên, chẳng phải chúng ta sẽ cảm nhận
được Phật quang soi chiếu vào rồi sao? Nguyện Phật quang phổ chiếu
đến mỗi một người, nguyện mỗi một người đều có thể cảm nhận được Phật
quang phổ chiếu.
Những ngày qua, tiểu viện Lục Hòa của chúng tôi mỗi
ngày đều được Phật quang phổ chiếu, các bạn có cảm thấy vậy không?
Tiết học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi
người. A-di-đà Phật!