Tập 35 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 08/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

 Tập 35

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!

Nguyện thứ hai mươi: nguyện lâm chung tiếp dẫn, nguyện văn như sau: 

Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn, lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ-tát chúng nghênh hiện kỳ tiền, kinh tu du gian, tức sanh ngã sát, tác A-duy-việt-trí Bồ-tát, bất đắc thị nguyện, bất thủ Chánh Giác. 

Đại ý của lời nguyện là: Nếu phát tâm siêng tu như trên, niệm Phật không gián đoạn thì người cầu sanh Tịnh độ đến khi lâm chung, “ngã”, ở đây là chỉ cho A-di-đà Phật, cùng với rất nhiều đại Bồ-tát ở Tây Phương đồng hiện ra trước mặt người đó, tiếp dẫn người ấy vãng sanh. Chỉ trải qua thời gian khoảng 48 phút thì đã sanh đến cõi nước Cực Lạc, thành Bồ-tát bất thoái chuyển. Nếu như nguyện này không thành tựu thì tôi không thành Phật.

Nguyện lâm chung tiếp dẫn này vô cùng quan trọng, có lời nguyện này thì chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh độ tâm được định rồi, không chút mảy may nghi hoặc, lo lắng. Chúng ta không cần lo rằng hư không pháp giới lớn như vậy, thế giới Cực Lạc ở nơi đâu? Đến giờ thì A-di-đà Phật sẽ đến đón bạn, bạn hãy an tâm mà niệm Phật đi. Việc này, khi chị tôi là lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh vãng sanh tôi đã thể hội được. Vì trước khi chị vãng sanh đã nói với tôi: Chị lần này vãng sanh thế giới Cực Lạc, hai bậc Đạo sư của hai cõi sẽ một người tiễn và một người đón. Thích-ca Mâu-ni Phật tiễn chị, A-di-đà Phật đón chị. Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy cách nói như vậy, sự thật đã nghiệm chứng rồi. Khi chị ra đi, xác thật là hai vị đạo sư người tiễn người đón. 

Vì sao nói nguyện lâm chung tiếp dẫn rất quan trọng? Vì con người đến khi lâm chung sẽ cực kỳ mê loạn và điên đảo. Đại sư Linh Chi đời nhà Tống nói: Phàm người lúc lâm chung, thần thức vô chủ. Đến lúc lâm chung, thần thức của con người đã mê loạn rồi, không thể làm chủ. Nghiệp thiện ác đã gieo thảy đều hiện hành. Những việc thiện, việc ác mà đời này bạn làm đều ở trong ruộng tâm thức thứ tám của chính mình, những chủng tử lưu trong đó đều hiện hành. Người ta khi sắp chết, những điều họ làm trong đời đều hiện ra từ trong tâm, làm việc xấu thì tâm vô cùng đau khổ, có khi sẽ khởi ác niệm, hoặc khởi tà niệm. Ví dụ, có người cả đời ăn chay, lâm chung đột nhiên muốn ăn thịt, việc này chính tôi đã thể hội sâu sắc. Năm 2005, tôi bị bệnh nặng, sau khi bị bệnh tôi có một cảm giác đặc biệt, đặc biệt thèm ăn, thèm gì vậy? Muốn ăn món chân giò rút xương, Hơn nữa chân giò đó sau khi thái xong thành món chân giò rút xương, đều nhìn thấy được đường vân thớ thịt rất rõ ràng, mùi thơm đó cứ lần lượt xông vào mũi tôi phảng phất, lại còn nhìn thấy món chân giò rút xương ấy đang bốc khói, thèm chết đi được, hận một nỗi không thể ăn một miếng. Lúc đó tôi nghĩ, hay là nói với con, bảo chúng nó đi mua cho tôi. Sau đó, tôi đã nhẫn được, không thể nói. Nếu như tôi vừa nói ra, các con sốt sắng lập tức đi mua cho tôi thì việc ăn chay của tôi không thể nào tiếp tục được nữa. Cho nên lần đó tôi đã rất khen ngợi bản thân, tôi nhẫn được, tuy rằng thèm nhưng sau cùng tôi đã không ăn. Có người tu hành mấy chục năm đến khi lâm chung thì mắng Phật, rất nhiều loại người, hoặc tham luyến thế gian, không thể buông xuống, hoặc giận dữ điên cuồng, đủ mọi tướng xấu, đều gọi là điên đảo. Cho nên lúc lâm chung, đất lửa nước gió tứ đại phân ly đã khổ không nói nên lời, lại còn thêm điên đảo, lúc này nghĩ muốn dụng công thì phàm phu rất khó làm được. Nếu không có tu trì đặc biệt thì không thể làm được, lúc này điều có thể tựa nương chỉ có nhờ vào sự gia trì của đại nguyện Di-đà. Viên Trung Sao nói: Chúng sanh thế giới Ta-bà, tuy có thể niệm Phật, thế nhưng kiến hoặc, tư hoặc của họ cuồn cuộn như nước lũ, thật sự không ngừng dứt. Chẳng những không đoạn dứt được, mà ngay cả phục cũng không phục nổi, đè nén một chút cũng không làm được. Trong tình cảnh như vậy, mà đến khi lâm chung tâm không điên đảo, có thể niệm Phật thì điều đó hoàn toàn không phải tự sức mình làm chủ được, tức là nói chỉ dựa vào sức của bản thân thì không có cách nào làm được. Chỉ dựa vào tự lực thì không làm chủ nổi, cho nên hoàn toàn nhờ vào A-di-đà Phật hiện đến trước mặt, nhổ trừ nghiệp chướng mà cứu giúp. Lúc này hoàn toàn nhờ vào đại lực của A-di-đà Phật đến tiếp dẫn, cứu vớt. Tuy vốn không phải chánh niệm nhưng có thể sanh chánh niệm, nên tâm không điên đảo, vãng sanh Cực Lạc, đây toàn nhờ vào sức gia trì của Phật.

Kinh A-di-đà do đại sư Cưu-ma-la-thập dịch vào thời đại Diêu Tần có một đoạn kinh văn nói như sau: Người ấy đến lúc lâm chung, A-di-đà Phật cùng chư Thánh chúng, hiện ở trước mặt, lúc người ấy lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của A-di-đà Phật. Chúng tôi đã có sự thật để nghiệm chứng cho đoạn kinh văn này, ví dụ, lần này tiễn lão Bồ-tát Đổng vãng sanh, thời khắc sau cùng ông ấy nhìn thấy Phật chính là chư Phật và thánh chúng hiện ở trước mặt, ánh mắt ấy của ông thật sự khiến tôi cả đời không quên, đây là làm chứng chuyển. Đại sư La Thập, vì người dân Diêu Tần chuộng sự giản kiệm, người Trung Quốc thích văn tự đơn giản nên lời văn ngài dịch cực kỳ ngắn gọn nhưng vẫn có thể lĩnh hội được rằng lâm chung sở dĩ có thể tâm không điên đảo, vãng sanh Cực Lạc là do Phật và Thánh chúng hiện ở trước mặt người ấy. Bản dịch Kinh Xưng Tán Tịnh độ Phật Nhiếp Thọ của đại sư Huyền Trang thời Đường văn tự khá chi tiết, nêu rõ nghĩa kinh. Kinh văn như sau: Đến khi lâm chung, Phật Vô Lượng Thọ cùng với vô lượng đệ tử Thanh văn, Bồ-tát đều vây quanh trước sau, đến trước mặt người ấy, từ bi gia trì khiến tâm chẳng loạn. Từ kinh văn có thể thấy là do A-di-đà Phật từ bi gia trì, nên người lâm chung tâm không điên đảo mê loạn, chánh niệm phân minh, theo Phật vãng sanh. Kinh Bi Hoa nói: đến khi lâm chung, ta cùng đại chúng đúng lúc vây quanh, hiện ở trước mặt người ấy, người ấy thấy ta lập tức nhờ vậy mà được tâm hoan hỷ. Ý nghĩa của đoạn này là họ nhìn thấy Phật đến rồi nên hoan hỷ, yên tâm. Phật vào lúc đó nhập Vô Ế Tam-muội, ế nghĩa là che chướng. Dùng sức Tam-muội hiện ở trước mặt người đó mà thuyết pháp cho họ. Nhờ nghe được pháp mà được đoạn trừ tất cả khổ não, tâm đại hoan hỷ. Do tâm ấy hoan hỷ, nên đắc Bảo Trí Tam-muội, nhờ sức Tam-muội này khiến tâm đắc Niệm Nhẫn và Vô Sanh Nhẫn, sau khi mạng chung, ắt sanh về cõi ta. Do Phật đến tiếp dẫn nên người lâm chung sanh tâm đại hoan hỷ, ngay lúc đó Phật nhập Vô Ế Tam-muội, nhờ sức gia trì của Tam-muội này, Phật diễn nói diệu pháp cho người ấy, người ấy nghe pháp xong lập tức đoạn trừ tất cả khổ não, như vừa tỉnh mộng, như ngọn đèn chiếu sáng phá tan tăm tối tích tụ ngàn năm, cho nên người ấy sanh tâm đại hoan hỷ. Chữ “đại” này không phải “đại” trái ngược với “tiểu”, mà là đại của tuyệt đối, là chữ Đại trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Ngay lập tức chứng nhập Bảo Trí Tam-muội, nhờ sức mạnh của Tam-muội này, tâm có thể an trụ chánh niệm và đắc vô sanh pháp nhẫn, an trụ trong pháp vô sanh, Bồ-tát Bát Địa trở lên mới có thể hoàn toàn khế nhập chứng đắc, nên sau khi mạng chung chắc chắn vãng sanh thế giới Cực Lạc. Cho nên bản dịch thời Đường và Kinh Bi Hoa giúp cho bản dịch thời Tần nêu rõ pháp môn Tịnh độ là pháp môn tha lực, giáo phái thành quả, điều này cùng với lời nguyện trong kinh này hoàn toàn đồng nhất. Phật phát nguyện lâm chung tiếp dẫn, đại nguyện này rất là quan trọng, tâm cầu sanh Tịnh độ đã định, nghi hoặc âu lo đều tiêu hết, A-di-đà Phật đích thân tiếp dẫn, khiến người lâm chung không điên đảo, chánh niệm phân minh về Cực Lạc, nghe Phật thuyết pháp thật vi diệu.

Tác A-duy-việt-trí Bồ-tát, A-duy-việt-trí là A-bệ-bạt-trí, phiên dịch thành Hoa văn nghĩa là bất thoái chuyển, đây là giai vị của Bồ-tát. Có ba loại bất thoái. Thứ nhất là vị bất thoái, địa vị đạt được không còn bị hạ thấp nữa, đã trở thành bậc ngang hàng với thánh nhân, chúng ta thường gọi là nhập vào dòng thánh, không còn thoái chuyển xuống thành phàm phu nữa. Sơ quả của Tạng Giáo đã nhập vào dòng thánh, họ không còn là phàm phu. 

Thứ hai, hạnh bất thoái, vĩnh viễn là hạnh độ sanh của Đại thừa, không còn thoái chuyển xuống hàng Nhị Thừa chỉ cầu tự độ, hạnh độ sanh không thoái chuyển, Tạng Giáo căn bản không có tư cách này. 

Thứ ba, niệm bất thoái, là niệm niệm lưu nhập vào biển Tát-bà-nhã, biển Tát-bà-nhã chính là biển trí tuệ của Như Lai, chính vì niệm niệm đều là trí tuệ của Như Lai, nên Địa Thượng Bồ-tát của Biệt Giáo mới có thể đạt được cảnh giới này. Xa rời hai bên, khéo khế hợp trung đạo, phá một phần vô minh, thấy một phần pháp thân mới có thể bắt đầu chứng được niệm bất thoái. 

Thế nhưng trong nguyện này Phật nói mười phương chúng sanh được Phật tiếp dẫn vãng sanh thế giới Cực Lạc đều là A-duy-việt-trí. Sách Yếu Giải lại nói: ngũ nghịch thập ác nhờ mười niệm mà thành tựu, mang nghiệp vãng sanh, người ở hạ hạ phẩm đều được tam bất thoái. Ngũ nghịch thập ác mang nghiệp vãng sanh cũng ngang với Địa Thượng Bồ-tát, cùng chứng tam bất thoái, đây quả thật là điều không hề có trong mười phương thế giới, duy chỉ thế giới Cực Lạc mới có. Phàm phu vãng sanh rồi thì thành A-bệ-bạt-trí, tuy họ là A-bệ-bạt-trí, họ không thoái chuyển nữa nhưng họ vẫn là phàm phu, tuy là phàm phu nhưng họ đã là A-bệ-bạt-trí. Chúng sanh cõi này vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thông thường đều sanh về cõi Phàm Thánh Đồng Cư, không phải sanh về cõi Phương Tiện Hữu Dư, cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cho nên vẫn là dễ đi. Sau khi vãng sanh đáng quý ở chỗ là thành A-bệ-bạt-trí, vì vậy mười phương chư Phật tán thán chính là như vậy, vừa dễ dàng vừa thù thắng. Thứ mà bạn dễ dàng đạt được thông thường thì không thù thắng, thứ thù thắng thì luôn luôn không dễ gì đạt được. Vãng sanh thế giới Cực Lạc là dễ dàng bậc nhất, thù thắng bậc nhất, cùng lúc đạt được thứ cực dễ dàng, cực thù thắng, việc này thật sự không thể nghĩ bàn. Thế nên đại sư Ngẫu Ích tán thán rằng điều mà mười phương thế giới không có duy chỉ Cực Lạc mới có, thắng dị siêu tuyệt như thế, thắng là thù thắng, dị là kỳ lạ, siêu là vượt hơn, tuyệt là tuyệt diệu, lời nói suy nghĩ không theo kịp. Nếu không nhờ chỗ cực trí của tâm tánh, công lao to lớn của trì danh, đại nguyện của Di-đà thì sao được như vậy. Lời tán thán của đại sư Ngẫu Ích là phát ra từ tận đáy lòng. Cõi phàm thánh đồng cư của thế giới Cực Lạc vượt qua kiến giải thường tình như thế, đây chính là chỗ cao siêu kỳ lạ độc đáo duy nhất của cõi Cực Lạc, phàm phu vãng sanh đều không thoái chuyển, hơn nữa thọ mạng lại vô lượng, nên đều là nhất định thành Phật. Đây không phải là điều mà phàm phu dùng tâm tư duy tính toán ước đoán suy luận được. Nếu không phải nhờ chân tâm diệu minh của người ấy, thì Phật tánh vốn có của chúng sanh đạt đến cực điểm, công đức thần kỳ của trì danh, sức đại nguyện rộng lớn của Di-đà thì làm sao có thể có được diệu quả thù thắng như thế. Đây chính là công đức không thể nghĩ bàn của sáu chữ hồng danh Nhất Thừa nguyện hải.

Nguyện thứ hai mươi mốt: nguyện sám hối được vãng sanh. Nguyện văn như sau: 

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, hệ niệm ngã quốc, phát Bồ-đề tâm, kiên cố bất thoái, thực chúng đức bổn, chí tâm hồi hướng, dục sanh Cực Lạc, vô bất toại giả. Nhược hữu túc ác, văn ngã danh tự, tức tự hối quá, vi đạo tác thiện, tiện trì kinh giới, nguyện sanh ngã sát, mạng chung bất phục canh tam ác đạo, tức sanh ngã quốc, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác. 

Đại ý của lời nguyện là: Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe đến danh hiệu của tôi, liền chí tâm khát ngưỡng, nhất tâm tưởng nhớ cõi nước Cực Lạc, và phát Bồ-đề tâm vô cùng kiên cố, không có thoái chuyển, vun trồng các gốc công đức, siêng tu đủ mọi công đức, rộng gieo thiện căn. Niệm Phật là vua trong các điều thiện, đương nhiên cần phải siêng tu và dùng tâm chí thành hồi hướng cầu sanh Cực Lạc thì không ai mà không vừa lòng toại nguyện. Từ câu “ngã tác Phật thời” cho đến “vô bất toại giả”, so sánh đoạn này với nguyện thứ 19 thì cả hai nguyện về cơ bản là như nhau. Khác biệt quan trọng duy nhất là trong nguyện thứ 19 có câu “nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn”, đây là chuyên tu trì danh. Còn nguyện này là “thực chúng đức bổn” là kiêm tu hoặc là lối tu trì khác không giống như chuyên tu. Ở đây không thể vẫn xem “thực chúng đức bổn” thành chuyên niệm danh hiệu được, như vậy trùng với nguyện thứ 19 rồi, không thể xuất hiện việc như vậy. Hai nguyện thứ 18 và 19 đều là chuyên chú coi trọng việc trì danh. Cương yếu, tông chỉ của kinh này cũng là phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm, đủ để chứng minh rằng chuyên tu trì danh là chánh tông của Tịnh độ. Nhưng từ xưa đến nay, người trì chú, tụng kinh, tham Thiền cho đến kiêm tu đủ loại mà được vãng sanh, cũng thường thấy trong nhiều loại trước thuật, đây chính là phạm vi mà nguyện này nhiếp thọ. Ví dụ rõ ràng nhất, đại sư Ngẫu Ích nói: người tham Thiền không cần bỏ Thiền mà tu niệm Phật, chỉ cần đem công đức tham thiền hồi hướng Cực Lạc là được. Đại sư quả không hổ danh chân thật có Phật nhãn, là bậc đại thiện tri thức nêu rõ bổn tâm của đức Di-đà. Đại sư Ngẫu Ích thật có con mắt Phật, nêu tỏ bổn tâm của Di-đà, Thiền Tịnh vốn là cùng một thể, Thiền tức Tịnh, Tịnh tức Thiền, tham Thiền không ảnh hưởng niệm Phật, niệm Phật không chướng ngại bạn tham Thiền, tham Thiền nếu niệm đức Di-đà, đời này chắc chắn thành Hiền Thánh. 

Nguyện sám hối được vãng sanh, trọng điểm ở việc sám hối, sám hối là then chốt của việc vãng sanh. Nửa phần sau của nguyện này, từ câu “nhược hữu túc ác” trở đi nêu rõ đặc điểm sám hối được vãng sanh. Nhiều đời quá khứ cho đến đời này, những tội ác đã tạo được gọi là túc ác, người thông thường chắc chắn có, nhưng chính mình luôn không biết, nếu có người nghe được danh hiệu Phật sự khác biệt giữa cung kính và không cung kính cũng rất lớn, tội chỉ có từ sám hối mà diệt, không thể làm việc tốt để chuộc tội. Làm việc tốt thì được phước báo, làm việc xấu thì bị ác báo, bạn muốn tiêu trừ ác báo, bạn chỉ có cách sám hối, thừa nhận tội ác của bản thân, kiền thành tu pháp sám hối, thống thiết hối cải, thề không tái phạm, học đạo hành thiện, trì kinh trì giới, phát nguyện cầu sanh thế giới Cực Lạc, người này sau khi mạng chung sẽ không còn đọa ba đường ác, lập tức sanh đến cõi nước Cực Lạc. Chiếu theo tội ác lúc sanh tiền của họ, vốn phải đọa vào ba đường ác, nhưng nhờ sự gia trì của đại nguyện Di-đà nên trực tiếp vãng sanh Cực Lạc. Đã sanh đến Cực Lạc thì vĩnh viễn không còn đọa vào ba đường ác, đây chính là công đức vô biên của Nhất Thừa Nguyện Hải. Cho nên người dân cõi này dù có túc nghiệp trọng tội đều có thể mang nghiệp vãng sanh. 

Có người cho rằng không thể mang nghiệp vãng sanh, tiêu nghiệp mới có thể vãng sanh. Còn có người nói mang nghiệp vãng sanh là mang thiện nghiệp, việc này đều không hợp với nghĩa của kinh. Không còn đọa vào ác thú mà trong nguyện thứ nhất [nói] cùng với không còn trở vào ba đường ác trong nguyện này đều cho thấy người vãng sanh tuy vẫn có tội nghiệp đọa vào ba đường ác, nhưng hiện tại nhờ đại nguyện của đức Di-đà gia trì mà vãng sanh Cực Lạc, không còn đọa ba đường ác. Cho nên nói mang nghiệp vãng sanh là chính xác. Nói về đới nghiệp chắc chắn là chỉ cho ác nghiệp, nếu mang theo thiện nghiệp thì không cần nói làm gì. Mang nghiệp vãng sanh là thật, xin đừng hoài nghi việc này nữa, chư Phật Bồ-tát nói lời thật, không có một câu nào là giả, chư Phật đã chứng, mình chưa chứng, tin lời Phật nói thì đúng rồi, tội nghiệp của bạn nhiều đến đâu, chư Phật Bồ-tát đều biết rõ, đến khi vãng sanh đều mang theo, A-di-đà Phật đều nhận hết. Câu sau cùng [mọi người] nghe có hiểu không? A-di-đà Phật đều nhận hết, một chút cũng không chừa lại cho bạn, bạn còn chưa yên tâm sao? 

Nói về tiêu nghiệp, xin xem lời của đại sư Ngẫu Ích nói, mỗi niệm tiêu trừ trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử, nếu người nào mỗi ngày sáng trưa tối, ba thời đều niệm Phật, mỗi niệm đều tiêu trừ trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử. Niệm được 100 năm có thể chỉ tiêu được tội nhỏ như một chút đất trên móng tay, còn thứ không tiêu được thì giống như đất trên toàn địa cầu. Xin hỏi nghiệp này làm sao tiêu? Cho nên vạn phần không thể dùng tiêu nghiệp vãng sanh thay cho mang nghiệp vãng sanh được. Nói như vậy thì không thể nói Tịnh độ tông là đạo dễ hành được. Hai chữ ‘tiêu nghiệp’ cũng có tính quan trọng của nó, việc hối cải trong nguyện này cho thấy rõ mong muốn tiêu nghiệp, chỉ cần biết bản thân có nghiệp, chịu tiêu nghiệp, tu trì phù hợp với lời dạy của nguyện này thì đời này những tội nghiệp chưa tiêu hết, bất kể là bao nhiêu, đến lúc vãng sanh đều có thể mang đi, A-di-đà Phật đều thu nhận hết toàn bộ, đều có thể vận chuyển đem đi. Nếu như có nghiệp mà không chịu tiêu thì không vãng sanh được, bởi vì tiêu nghiệp mới biểu thị cho hành động hối cải trong nguyện này. Cho nên nếu chịu tiêu nghiệp thì bất kể còn lại bao nhiêu nghiệp, những tội nghiệp chưa tiêu đều có thể mang đi. Nếu căn bản không chịu tiêu nghiệp vậy thì không thể vãng sanh được. Đừng quên rằng nguyện này là nguyện sám hối được vãng sanh. Trước tiên sám hối sau mới được sanh, không sám hối thì không được sanh.

Nguyện thứ 22: nguyện trong nước không có người nữ. Nguyện văn như sau: 

Ngã tác Phật thời, quốc vô phụ nữ. 

Đại ý của lời nguyện là, khi tôi thành Phật, trong cõi nước của tôi không có phụ nữ, đều là người nam, đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến thế giới Cực Lạc không có duyên thoái chuyển. Trong Kinh nói: ái dục giữa nam nữ trong thế gian là chướng ngại lớn nhất của việc học đạo, may mà chỉ có một thứ này, nếu có chướng ngại khác tương đương như vậy thì tất cả chúng sanh trong thế gian đều không có hy vọng được giải thoát. Hiện tại thế giới Cực Lạc chỉ có người nam, nên cũng không có loại chướng ngại chí mạng này. Bản dịch thời Ngô nói: Khiến cho trong nước tôi không có phụ nữ. Bản dịch thời Hán nói: Người nữ vãng sanh là hóa sanh, thảy đều làm người nam. Lại nói, trong nước ấy đều là Bồ-tát, A-la-hán, không có phụ nữ. Câu này nói rất hay, thế giới Cực Lạc hoàn toàn đều là Bồ-tát, A-la-hán, không có phụ nữ. Luật sư Đạo Tuyên đời Đường trích dẫn từ trong kinh rằng: mười phương thế giới, nơi nào có phụ nữ thì nơi ấy có địa ngục. Nay thế giới Cực Lạc không có ba đường ác, cũng không có phụ nữ, thuần là ba mươi hai tướng đại trượng phu. Vì giữa nam và nữ dễ sanh tình ái, đó là duyên thoái chuyển, cho nên cõi đồng cư ở Cực Lạc thù thắng hơn Ta-bà. Nguyện này hay, A-di-đà Phật đem phiền não của chúng ta, phiền não nghiêm trọng nhất, cắt đứt gốc rễ ấy. Tôi đặc biệt cảm kích nguyện này, A-di-đà Phật thật là đại trí tuệ, có phụ nữ là có nhiều việc [rắc rối], không có phụ nữ thì thật là quá tốt.

Nguyện thứ 23: nguyện nhàm chán thân nữ, chuyển thành thân nam. Nguyện văn như sau: 

Nhược hữu nữ nhân, văn ngã danh tự, đắc thanh tịnh tín, phát Bồ-đề tâm, yếm hoạn nữ thân, nguyện sanh ngã quốc, mạng chung tức hóa nam tử, lai ngã sát độ. 

Đại ý của lời nguyện là, nếu có người nữ, nghe tên của tôi, có thể đạt được thanh tịnh vô nhiễm, vô nghi vô cấu, tín tâm xa lìa phiền não lỗi lầm xấu ác, phát tâm Bồ-đề, nhàm chán và lo lắng đối với thân nữ, cảm thấy thân nữ của mình đáng ghét đáng lo, vì vậy mong muốn xả bỏ thân nữ, người nữ này tu hành có tín tâm thanh tịnh lại phát tâm Bồ-đề, ắt có sự tu trì, lại còn cầu sanh Cực Lạc, sau khi mạng chung lập tức hóa thành thân nam, vãng sanh cõi nước Cực Lạc. Nguyện này biểu thị có nguyện ắt được mãn nguyện, có người nhàm chán thân nữ của chính mình, đến khi vãng sanh tự nhiên hóa thành thân nam. Lại biểu thị rằng trong nước Cực Lạc không có phụ nữ, phụ nữ trong mười phương thế giới chỉ cần tu trì như pháp và nhàm chán thân nữ thì lúc lâm chung tự nhiên chuyển thành người nam, tức thời vãng sanh. Ví dụ trong kinh Pháp Hoa, Long nữ thành Phật, khi đó cũng là trước tiên hóa thành thân người nam, sau đó lập tức thành Phật. Trong Mật giáo thân nữ cũng có thể thành Phật. Chúng ta xem phần giải thích trong pháp môn Quán Niệm: Đó là do bổn nguyện lực của đức Di-đà. Đây không phải là công phu của chính mình, không phải năng lực của bản thân, mà do nguyện lực của A-di-đà Phật gia trì. Người nữ xưng danh hiệu Phật, đến lúc lâm chung lập tức chuyển thân nữ thành thân nam, Di-đà dắt tay, Bồ-tát nâng thân, ngồi trên sen báu, theo Phật vãng sanh. Lúc A-di-đà Phật tiếp dẫn bạn Ngài đưa tay ra đón, nhấc bạn đặt lên hoa sen, lúc này bạn đã chuyển thành thân nam rồi. Bạn nói khi nào chuyển vậy? Ngồi vào hoa sen thì thành thân nam rồi. Đại sư Thiện Đạo nói: Tất cả người nữ nếu không nhờ nguyện lực của đức Di-đà thì ngàn kiếp vạn kiếp, hằng hà sa đẳng kiếp cũng không thể chuyển được thân nữ. Đây nói rõ điều gì?  thân nữ chuyển thành thân nam dựa vào tự lực chẳng dễ dàng. Nguyên nhân là gì? Tập khí. Nguyên nhân là chấp trước kiên cố, gọi là tình chấp, không chịu buông xuống, niệm niệm không quên. Chúng sanh trong lục đạo không gì khác, người thông thường gọi là vận mệnh, vận mệnh chính là tập khí, tập khí chính là vận mệnh, tập khí quyết định vận mệnh của đời bạn. Học Phật rồi, biết là giả nhưng vẫn không buông được. Thứ nên buông thì không buông được, cái cần nhấc lên thì nhấc lên không nổi. Nguyên nhân là gì? Tình chấp quá sâu, tập khí quá nặng. 

Xin nêu một ví dụ là như nhân địa của Phật Thích Ca, Thích-ca Mâu-ni Phật lúc ở nhân địa, cũng chính là lúc còn là lục đạo phàm phu, hành Bồ-tát đạo. Bồ-tát đạo là lục độ, Ngài tu lục độ đã lâu rồi, siêng năng tu hành trong một đại A-tăng-kỳ kiếp, dần dần lìa được thân nữ, chuyện này thật không hề dễ. Vì sao cần thời gian dài như thế? Việc này chứng minh chủng tử nghiệp tập trong A-lại-da thức, sức mạnh ấy lớn mạnh như vậy, bạn rất muốn chuyển nhưng chuyển không được. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, đây là công phu tu hành chân thật. Trong quan hệ nam nữ, cần phải xem nhẹ chữ tình, càng nhẹ càng tốt, mới nắm chắc việc vãng sanh của chính mình. Nếu một khi rơi vào lưới tình, bị tình làm cho khốn đốn thì nhất định phải xông ra thoát khỏi vòng vây. Bạn phải biết mục tiêu cuộc đời của mình là gì? Tình chấp khó đoạn cần phải đoạn, đánh mất thân người chẳng dễ được, cơ duyên lần này vuột mất rồi, vô lượng kiếp sau mới gặp duyên.

Nguyện thứ 24: nguyện hóa sanh trong hoa sen. Lời nguyện như sau:

Thập phương thế giới chư chúng sanh loại, sanh ngã quốc giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung hóa sanh, nhược bất nhĩ giả bất thủ Chánh Giác. 

Đại ý của lời nguyện là: các loại chúng sanh trong mười phương thế giới phàm sanh đến thế giới Cực Lạc đều hóa sanh trong hoa sen nơi ao thất bảo, từ trong hoa sen nơi nước tám công đức của ao thất bảo mà biến hóa sanh trưởng ra, nên gọi là liên hoa hóa sanh, điều này vượt hơn sự hóa sanh trong tứ sanh là: thai, noãn, thấp, hóa không cần cha mẹ, không cần ngoại duyên, tức là chỉ cần công đức của người vãng sanh tương ưng với nguyện lực của Di-đà thì tự nhiên hóa hiện mà có thân. A-di-đà Cổ Âm Thanh Vương Đa-la-ni Kinh nói rằng: thuần tự nhiên hóa sanh trong hoa sen tươi đẹp vi diệu thuần khiết, đầy đủ đại thần thông, quang minh rực rỡ, nên không phải là thân máu thịt, cũng không cần cha mẹ, đều hóa sanh ở trong hoa sen. Còn vì sao phải dùng hoa sen? Căn cứ theo Đại Nhật Kinh Sớ thì thế gian ưa thích hoa sen, vì hoa sen rất cát tường, rất thanh tịnh, mọc từ bùn nhơ mà không nhiễm. Trên phương diện Mật pháp cũng cho rằng diệu pháp liên hoa là bí mật cát tường nhất. Thiên Thai Tông lại nói rằng hoa sen đại biểu cho đại pháp cực thù thắng. 

Thứ nhất là hoa nhiều, quả nhiều, có cây có hoa không quả, có cây có quả không hoa, ví dụ như quả sung. Thế nhưng hoa sen là cây có hoa có quả, không những có hoa có quả mà hoa nhiều quả cũng nhiều. Bạn xem, trong hoa có rất nhiều cánh hoa, trong quả cũng có rất nhiều hạt sen. 

Thứ hai, nó không những là hoa nhiều quả nhiều mà ý nghĩa thù thắng nhất của hoa sen là nhân quả đồng thời, biểu hiện pháp thù thắng nhất, cũng chính là pháp rất khó tin, pháp rất khó nghĩ bàn, nhân và quả đồng thời xuất hiện. 

Cách nghĩ thông thường của chúng ta là từ nhân đến quả, là nhân có trước rồi sau mới có quả, đó chính là Tiệm Giáo thông thường. Vậy thì trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp không ngừng trồng nhân, không ngừng được quả, không ngừng triển chuyển tăng thượng. Thế nhưng theo Viên Đốn Giáo thì nhân quả đồng thời. Cho nên Tịnh độ tông nói: lúc niệm Phật chính là lúc thấy Phật, lúc thấy Phật chính là lúc thành Phật. Vậy lúc bạn niệm Phật chính là lúc thành Phật, nhân quả đồng thời, không thể nghĩ bàn. Chín phẩm hoa sen ở thế giới Cực Lạc thể hiện rõ mật ý của Đại Nhật Như Lai, hoa sen là bí mật nhất, cát tường nhất. Đại Nhật Như Lai là vị bổn tôn của Mật giáo, tên tiếng Phạn là Ma Ha Tỳ-lô-giá-na, nghĩa là quang minh chiếu khắp, nên ngài còn có tên là Biến Chiếu Như Lai. Bí mật nói ở đây trên thực tế là thâm mật, trong Phật pháp không có bí mật, bí mật thông thường là điều không thể nói cho người khác, không thể nói ra. Gọi là bí mật là do sự lý của nó quá thâm sâu, không phải người thông thường có thể hiểu được, nên gọi là thâm mật. Đến khi nào mới có thể hiểu được? Đoạn vô thủy vô minh phiền não rồi thì bạn sẽ hiểu rõ, sẽ “nghĩa kia tự thấy”. Người thế gian thường nói đọc sách ngàn lần nghĩa kia tự hiểu, là tiểu ngộ. Trên tiểu ngộ có đại ngộ, trên đại ngộ có triệt ngộ, thế giới Cực Lạc là triệt ngộ. Đại ngộ so với sự thâm mật này thì có thể thọ dụng sự cát tường nhưng vẫn không hiểu rõ, cần phải đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh thì mới hoàn toàn hiểu rõ, mới biết được sự cát tường bí mật tối thắng. Người vãng sanh tuy vẫn chưa hiểu rõ, nhưng họ được thọ dụng, đạt được thọ dụng. Hoa sen này là rất chân thật, là cung điện u huyền để hành nhân thân tội nghiệt liễu thoát sanh tử, đây là ví dụ, là ngôi nhà thần diệu để an dưỡng huệ mạng của đương nhân, là nơi chúng ta chuyển phàm thành Thánh, chuyển bát thức thành tứ trí. Người thông thường tu các pháp môn khác, chuyển thức thành trí phải dựa vào sức lực của chính mình, thật không dễ dàng, người niệm Phật nương vào sự gia trì của uy thần bổn nguyện của A-di-đà Phật, chính là nguyện này, trong một khảy ngón tay từ thế giới Ta-bà đến thế giới Cực Lạc. Hoa sen vừa nở thì thấy Phật rồi. Sau khi gặp Phật thì thân tướng, trí tuệ, thần thông, công đức so với A-di-đà Phật là như nhau, vượt hơn tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, sự thù thắng này đi đâu mà tìm chứ? Đại nguyện của đức Di-đà, lòng từ bi vô cực, diệu đức khó nghĩ bàn, chúng ta phải cảm ân Phật, báo Phật ân.

Nguyện thứ 25: nguyện được trời người lễ kính. Nguyện văn như sau:

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh tự, hoan hỷ tín nhạo, lễ bái quy mạng, dĩ thanh tịnh tâm, tu Bồ-tát hạnh, chư thiên thế nhân, mạc bất trí kính. 

Đại ý của lời nguyện là khi tôi thành Phật, chúng sanh mười phương nghe đến tên tôi thì hoan hỷ tin nhận, kiền thành lễ bái quy mạng, dùng tâm thanh tịnh tu hành pháp lục độ vạn hạnh của Bồ-tát. Các loài hữu tình [ở] thế gian và cõi trời đối với người này không ai mà không tôn kính. Người phàm đều thích được người khác lễ kính, có thể được người trời lễ kính thì không phải là người bình thường, thiên nhân đều tôn kính bạn, thiên nhân tôn kính người thế nào? Tôn kính người có đạo đức, có học vấn, tôn trọng người có tâm từ bi, người có thể giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, tôn kính con hiếu cháu hiền của thế gian, tôn kính người niệm Phật, người tu Tịnh độ thì thiên nhân càng cung kính. Vì sao vậy? Bởi vì bạn đời này có cơ hội đến thế giới Cực Lạc làm Phật.

Nguyện thứ 26: nguyện nghe danh hiệu được phước. Nguyện văn như sau:

Nhược văn ngã danh, thọ chung chi hậu, sanh tôn quý gia, chư căn vô khuyết. 

Đại ý của lời nguyện là, trong các lời nguyện nhiều lần thấy chữ “nghe”, chữ “nghe” này bao gồm tin tưởng và tiếp nhận. Bởi do tin nhận nên nghe danh hiệu được phước, tuy không thể vãng sanh nhưng sau khi hết thọ mạng sanh vào nhà tôn quý, các căn không thiếu khuyết, sáu căn mắt tai mũi lưỡi thân ý, then chốt nhất vẫn là ý căn, người này rất sáng tỏ, không hồ đồ, không điên đảo, không bị bệnh thần kinh.

Nguyện thứ 27: nguyện tu thù thắng hạnh. Nguyện văn như sau: 

Thường tu thù thắng phạm hạnh, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác. 

Đại ý của lời nguyện là, do nghe danh hiệu mà tin nhận nên được phước của nguyện thứ 26, nhưng điều quan trọng hơn là thường tu thù thắng phạm hạnh. Phạm hạnh là hạnh thanh tịnh, thông thường là chỉ cho hạnh ly dục. Chữ “phạm” này chỉ cho Phạm Thiên, Phạm Thiên là trời Sắc Giới, trời Phạm Thiên không còn dục nữa, Phạm Thiên tuy có hình sắc, nhưng đã không còn là thân máu thịt nữa rồi, nên đã lìa khỏi dâm dục. Theo sự tu trì thông thường mà nói, một người trong một đời chỉ cần có một lần quan hệ xác thịt giữa nam nữ thì không có tư cách sanh lên trời Phạm Thiên, có thể thấy sanh lên trời cũng không dễ. Cho nên, ra khỏi tam giới theo chiều ngang là việc không thể nghĩ bàn. Phạm hạnh là hạnh thanh tịnh vô dục. Bản chú sớ kinh Pháp Hoa của ngài Gia Tường nói: Theo cách nói thông thường thì tất cả giới đều gọi là phạm hạnh, đặc biệt nói đoạn dâm là phạm hạnh. Một cách giải thích khác càng thâm nhập hơn, Ngài [Gia Tường] nói: tướng của phạm hạnh, phạm gọi là Niết-bàn, cho nên phạm hạnh chính là pháp luân căn bản đại Niết-bàn, là ba đức viên mãn đại Niết-bàn: pháp thân đức, giải thoát đức, Bát-nhã đức. Đạt đến hạnh của đại Niết-bàn chính là phạm hạnh chân thật. Trong kinh nói “tu thù thắng phạm hạnh” bao gồm hai ý ở trên, bởi vì công đức nghe danh tin nhận thật sự không thể nghĩ bàn, cho nên đời sau có thể hy vọng đạt được cảnh giới thậm thâm như vậy. 

Ba nguyện trên, nguyện được trời người lễ kính, nguyện nghe danh hiệu được phước, nguyện tu thù thắng hạnh đều không nhắc đến việc vãng sanh, có thể thấy chẳng phải tất cả người niệm Phật đều có thể vãng sanh, chỉ có người nghiêm túc như pháp tu trì mới có thể được như nguyện. Nhưng vẫn có một số người chắc chắn có thể đạt được lợi ích đó là được trời người lễ kính, được phước, đời sau tu phạm hạnh nhưng không thể vãng sanh. Thế nên ba nguyện này cho thấy tuy rằng nghe danh hiệu, tuy cũng tin nhận ưa thích nhưng thiếu sót phát Bồ-đề tâm và nhất hướng chuyên niệm nên công đức không đủ, không thể được như nguyện.

Hôm nay tiết học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!     

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *