Tập 36 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 21/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 36

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!

Nguyện thứ 28: nguyện trong nước không có danh từ bất thiện. Nguyện văn như sau:

Ngã tác Phật thời, quốc trung vô bất thiện danh.

Đại ý của lời nguyện là, Kinh A-di-đà nói: cõi nước của đức Phật ấy còn không có tên của ác đạo huống hồ thật có. Những loài chim ấy đều là A-di-đà Phật muốn tuyên lưu pháp âm mà biến hóa ra. Trong nước Cực Lạc không có ba đường ác, ngay cả tên còn không có huống gì là thật có. Những chim vẹt, chim công ấy đều là A-di-đà Phật biết hóa mà sanh ra. Trong kinh ghi rằng “không có danh từ bất thiện”, nghĩa là không những không có tên gọi của ba đường ác mà mở rộng ra không có tên của tất cả sự bất thiện. Giải thích của Bồ-tát Long Thọ rất hợp với kinh này. Bồ-tát Long Thọ nói: Cõi nước của đức Phật ấy không có danh từ xấu ác, cũng không có người nữ và nỗi sợ hãi của ba đường ác, cho đến không có ác tri thức của các cõi. Chúng ta hiện nay có đủ mọi loại ác tri thức, họ đội lốt thiện tri thức, tự xưng là Pháp vương, Phật sống, đủ loại đại Pháp sư. Nhưng trên thực tế lại là ác tri thức, giả mạo người khác, muốn gắn mác tôn sư trọng đạo, là thuốc giả đội lốt. Cho nên hiện nay tu đạo khó, khó ở chỗ phân biệt thiện tri thức với ác tri thức, họ đều tôn sư trọng đạo, nhưng bạn tôn kính vị thầy như thế nào, bạn trọng đạo gì? Bạn từ ác tri thức đạt được một chút tà đạo, bạn tôn trọng họ, sau cùng như Kinh Lăng Nghiêm nói: Đệ tử và sư phụ đều gặp nạn lớn, các ông trước hết phải giác ngộ, chớ nhập luân hồi, còn mê hoặc không biết thì đọa ngục Vô Gián. Cho nên thế giới Cực Lạc không có ác tri thức của các cõi, như thiên ma của cõi trời, cõi người thì là kẻ giả mạo tín đồ Phật giáo làm chuyện xấu xa lừa đời lấy tiếng, tu-la nhiễu loạn chánh giáo của cõi tu-la. Ở cõi súc sanh thì ví dụ như loài chồn nhím cáo rắn của miền bắc Trung Quốc. Ở cõi quỷ thì có đủ loại quỷ thần tà ác. Đương nhiên không thể thành ác tri thức ở địa ngục được, bởi vì họ không có tự do.

Vừa rồi nói đến loài chồn nhím cáo rắn ở miền bắc Trung Quốc, tôi muốn nhân cơ hội này kể một việc như sau. Miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là nông thôn miền bắc Trung Quốc, tín ngưỡng của người dân quá nhiều, quá tạp, quá loạn. Nếu dân số có tín ngưỡng đông hơn một chút thì thuộc các nhóm tin Phật, tin giáo, tin thần, tin tiên, theo những gì tôi quan sát và tiếp xúc được thì về phương diện tín ngưỡng ở vùng nông thôn đông bắc Trung Quốc, tôi xin dùng bốn chữ để khái quát là: hỗn loạn, mê tín.

Trước tiên nói về nhóm người tin Phật, bạn hỏi họ Phật là gì? Họ chỉ vào tượng Phật trên bàn, đa số là Quan Thế Âm Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát. Bạn hỏi họ vì sao tin Phật? Họ trả lời cầu Phật phù hộ. Bạn hỏi họ tin Phật thế nào? Họ trả lời, thắp hương, dập đầu, người có thể trả lời với trình độ như vậy đã xem như là không tệ rồi. Trong số những người tín ngưỡng này không tìm được mấy người không tin thần, không tin tiên. Trong nhà hễ có chút việc gì cũng đi tìm thần tìm tiên. Lại nói về nhóm người tin giáo, trong nhà tôi có người thân, cô ấy tin giáo, cô ấy có lòng tốt nói với tôi: Chị Tố Vân, chị hãy tin giáo đi, tin giáo tốt lắm. Tôi nói, cô nói tôi nghe xem tin giáo có gì tốt nào. Tin giáo thì lương thực trong nhà càng ăn càng có nhiều, ăn không hết luôn. Nghe xong câu này thật sự tôi cũng dở khóc dở cười, chẳng phải thuần là mê tín đó sao? Có phải là tin giáo không tốt không? Không phải. Là cô ấy căn bản không biết giáo mà cô ấy tin có ý nghĩa gì.

Sau cùng nói về nhóm người tin thần tin tiên, có thể nói ở nông thôn đông bắc rất thịnh hành việc này, chẳng những mỗi nhà đều cúng thần cúng tiên mà khi trong nhà xảy ra chuyện thì thần cúng trong nhà không còn linh nữa, tiên cũng chẳng linh, phải đi ra ngoài mời thần tiên, thông thường gọi là nhảy đại thần. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ độ 5-6 tuổi, đã nhìn thấy nhảy đại thần một lần, trong tâm có chút sợ hãi. Nhảy đại thần ở nông thôn đông bắc vô cùng thịnh hành, làm nghề này rất mau phất, tiền đến nhanh, có kẻ lừa người thì có người bị lừa, có kẻ cầu thì có người cung, hai bên tình nguyện, ngu si mà. Em họ của tôi gọi điện cho tôi, nói rằng hơn 6.000 tệ thì có thể rước được nhảy đại thần, khiến tôi không lời nào để nói. Bởi vì tiết Thanh minh mỗi năm tôi đi tảo mộ cha mẹ chồng đều phải đến nhà của người em họ này, sức khỏe của cậu ấy không tốt, mỗi lần ghé tôi đều đưa cho cậu ấy một ít tiền, nào ngờ cậu ấy đều đem đi rước nhảy đại thần. Kết quả của việc nhảy là gì? Hai vợ chồng cậu ấy thay phiên nhau bệnh, có khi cùng lúc bị bệnh, nhập viện. Đến bệnh viện, kiểm tra xong chẳng có bệnh gì nặng, nhưng về đến nhà thì đòi sống đòi chết. Làm sao đây? Đi rước đại thần về nhảy nhót, trị bệnh, cho nên hơn 6.000 tệ đều đổ vào việc nhảy này. Nhảy rồi có trị được không? Không hề. Tôi kể cho mọi người tình trạng trước mắt của gia đình cậu ấy là như thế nào, để rước vị đại thần họ Trương đến nhảy nhảythì Trương đại thần nói với cậu ấy phải làm thế này thế này, rước tiếp đại thần họ Lý đến thì ông ấy nói với cậu phải làm thế nọ thế nọ, tôi ước tính nhảy đại thần trong khoảng chu vi trăm dặm cậu ấy đều rước về nhảy cả rồi. Càng nhảy càng loạn. Không còn cách nào nên gọi điện cho tôi, chị ơi giúp em với, phải làm sao đây? Tôi vừa nhìn biết mình không giúp nổi, tôi nói với cậu ấy. Tôi nói: chuyện nhà của cậu tôi không giúp được đâu, tôi không có bản lĩnh lớn như thế. Vì sao vậy? Vì đã loạn quá rồi, đã loạn thành một mớ bòng bong, người ta nhảy quá nhiều, quá nhiều thần rồi, sẽ có kết quả như thế nào vậy? Rất nhiều người không biết việc này. Lần này tôi nói cho mọi người một bí mật, cũng chẳng phải là bí mật, chỉ là mọi người không biết đó thôi, vì sao gia đình cậu ấy hiện giờ nhảy loạn lên như thế? Đã rước nhiều nơi quá rồi, nhiều đến mức nào. Ví dụ, cậu ấy rước đại thần họ Trương về nhảy, ông ấy có nhóm người riêng của ông ấy, trong nhóm người này có già yếu bệnh hoạn, đạo lực không đủ, thời gian ra trận lâu thì sao, thì bị đào thải, đào thải đi đâu? Đúng lúc bạn đến mời tôi nhảy đại thần thì những thứ này đều quy về bạn, đều rước về cho cậu ấy, những binh tàn tướng bại của đại thần họ Trương, họ Lý, họ Vương v.v. toàn bộ đều kéo đến nhà cậu ấy, tôi nói như vậy mọi người nghe hiểu rồi phải không? Cái nhà đó còn tốt được không? Những ngày tháng đó có sống được chăng? Đây đều là cô hồn dã quỷ cũng đi rước về, nên đám binh tàn không người chỉ huy đều kéo đến nhà cậu ấy, mới loạn lên như thế, tôi cũng giúp không nổi. Không phải tôi không muốn giúp, cậu ấy là em họ tôi mà, không phải em họ tôi cũng giúp, huống hồ cậu ấy là em họ của tôi. Thế nhưng tình trạng cậu ấy như thế tôi thật sự không giúp nổi, tôi thật sự không có bản lĩnh lớn như thế.

Tiếp theo xin xem nguyện thứ 29: nguyện trụ chánh định tụ. Nguyện văn như sau:

Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đồng nhất tâm, trụ ư định tụ.

Đại ý của lời nguyện là, vãng sanh Cực Lạc không những hình mạo tương đồng, đều là 32 tướng đại trượng phu, mà tâm cũng như nhau, đều trụ vào định tụ, an trụ vào trong chánh định. Chánh định tụ còn được gọi là bất thoái chuyển, là A-bệ-bạt-trí. Chúng sanh có thể được phân thành ba loại, có thể nói là chia thành ba tụ, đó là: chánh định tụ, tà định tụ, bất định tụ. Sự phân định giữa ba loại này có ba điều không như nhau.

Thứ nhất, lấy việc ắt đọa vào trong sáu cõi là tà định, ví như người đã ở trong sáu cõi cho đến đối tượng ắt phải đọa vào trong sáu cõi thì đều là tà định. Lấy việc nhất định đạt được quả Bồ-đề gọi là chánh định. Ở giữa hai điều này thì gọi là bất định.

Thứ hai, nhất định chứng ngộ thì gọi là chánh định, nhất định sẽ không chứng ngộ gọi là tà định. Ví dụ hiện nay có người cùng những tà ác tri thức, tu tà pháp của họ, nhập tà định của họ. Vậy làm sao có thể chứng, có thể ngộ, đều không thể được. Cho nên gọi là tà định tụ. Nằm ở giữa hai điều này thì là bất định tụ, có duyên thì sẽ chứng ngộ, không có duyên thì không chứng ngộ được.

Thứ ba, Khởi Tín Luận nói: Trước khi đạt địa vị Thập Tín, tức là người vẫn chưa đạt đến Thập Tín thì gọi là tà niệm. Từ địa vị Thập Trụ của Biệt giáo trở lên mới là chánh định, đây là chánh định tụ của Đại thừa, nhất định thành công. Ở địa vị Thập Tín là bất định. Địa vị Thập Tín thì giống như tơ liễu trong gió xuân vậy, phất phơ theo gió, thăng trầm bất định. Cho nên người tu hành chớ cho rằng bản thân rất có trình độ, kỳ thực trình độ này chưa chắc sẽ giữ được. Địa vị Thập Tín còn giống như tơ liễu chợt lên chợt xuống, huống chi ngay cả địa vị Thập Tín vẫn chưa đạt được. Thế nên chúng ta đời này nhất định phải quyết đoán, phương pháp thù thắng phương tiện nhất chính là cầu sanh Tịnh độ, nhờ sức đại nguyện của Phật mà nhân dân Cực Lạc đều nhập chánh định tụ. Bồ-tát Long Thọ nói: Do nhân duyên tin Phật mà mong muốn sanh về Tịnh độ, phát tâm Bồ-đề tu hành đủ mọi công đức. Do nhờ nguyện lực của Phật mà hành giả được vãng sanh, do sự gia trì của nguyện lực Phật, đều nhập vào chánh định tụ của Đại thừa. Chánh định tụ chính là A-bệ-bạt-trí. Phía trên nói phàm phu vãng sanh Tịnh độ, tuy chưa đoạn hoặc, vẫn là phàm phu, nhưng đều nhập chánh định tụ, đều là A-bệ-bạt-trí, điều này đã khiến mọi người kinh ngạc rồi, thế mà đại sư Thiện Đạo còn nói câu khiến mọi người còn kinh ngạc hơn. Đại sư khai thị rằng: Nguyện này có mật ý là hiện đời không thoái chuyển. Chính là nói nguyện này của đức Di-đà cũng bao gồm chúng ta, những người vẫn còn đang sống trên địa cầu, tu tập tịnh nghiệp, vẫn chưa vãng sanh. Đại sư y cứ theo, phẩm thứ 22 trong kinh vốn là bản dịch thời Đường: Thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sanh, nhược đương sanh, thảy đều trụ nơi chánh định tụ, chắc chắn chứng được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Trong đó có câu “nhược đương sanh”, nghĩa là gì? Chắc chắn sẽ sanh, nhưng vẫn chưa sanh. Chúng ta có được tính vào hay không? Hiện tại chúng ta tuy vẫn chưa vãng sanh, vẫn là người, nhưng nhờ sức đại nguyện của đức Di-đà, lâm chung sẽ vãng sanh. Cho nên hiện nay ở cõi người nhưng đã trụ vào chánh định tụ rồi, vượt hơn địa vị Thập Tín, không còn thăng trầm bất định nữa, đây mới gọi là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Thế nên [đây là] đại ân đại đức. Kinh A-di-đà lại nói: [người] đã phát nguyện, hiện tại phát nguyện, sẽ phát nguyện thảy đều không thoái chuyển nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Đã không thoái chuyển thì chính là chánh định tụ, cho nên pháp môn Tịnh độ không thể nghĩ bàn chính là ở chỗ này. Vì vậy đại sư Thiện Đạo nói: Nguyện này cũng có mật ý rằng hiện đời không thoái chuyển.

Nguyện thứ 30: nguyện vui như Tỳ-kheo sạch hết các lậu. Nguyện văn như sau:

Vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương, sở thọ khoái lạc, do như lậu tận Tỳ-kheo.

Đại ý của lời nguyện là trong tâm thanh tịnh mát mẻ, hưởng thọ an lạc, vĩnh viễn xa lìa sự khổ não khắp thân thể như bị thiêu đốt, trong tâm như bị thiêu đốt. Chẳng những lìa khổ mà hưởng thọ khoái lạc giống như Tỳ-kheo được lậu tận thông, nghĩa là đã chứng A-la-hán. Kinh Pháp Hoa nói: Do ba khổ mà chịu các nhiệt não trong sanh tử. Đại Trí Độ Luận nói: [ví như] người bị nóng bức buồn bực, được vào trong ao nước trong trẻo lạnh mát thì sẽ mát dịu thư thái, không còn nhiệt não nữa. Chính là “vĩnh ly nhiệt não, tâm đắc thanh lương” của nguyện này. Vãng sanh cõi nước Cực Lạc, tức thời được vào ao nước trong trẻo lạnh mát, thân tâm mát dịu thư thái, tất cả đều thù thắng mỹ diệu, cho nên vĩnh viễn xa lìa nhiệt não, chỉ hưởng thọ các niềm vui. Niềm vui nhận được giống như lậu tận Tỳ kheo. Lậu chính là rò rỉ, cũng chính là một tên khác của phiền não. Bởi vì có sự tồn tại và hoạt động của phiền não, tâm của bạn bị nó dẫn dắt, niệm niệm đều ở trong phiền não, niệm này nối tiếp niệm kia, phiền não không dứt. Tâm này chạy theo phiền não, giống như vật chứa bị rỉ nước, nước cứ chảy ra ngoài, nên gọi là “lậu”. Sáu cánh cửa mắt tai mũi lưỡi thân ý mỗi ngày đều tuôn ra phiền não. Tỳ-kheo đoạn sạch các phiền não không còn phiền não nữa, được gọi là lậu tận Tỳ-kheo, chính là A-la-hán. Thông này gọi là lậu tận thông. Năm thứ thông trước là hữu lậu thông, như Thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông v.v. thông thứ sáu mới là vô lậu thông. Hữu lậu thông, tà ma ngoại đạo khác đều có thể đạt được, ngoại trừ lậu tận. Đương nhiên sạch hết các lậu rồi thì không phải ngoại đạo, mà là A-la-hán. Cho nên lậu tận Tỳ-kheo không có nhiễm trước, niềm vui này là niềm vui chân thật, là pháp lạc của Đại thừa. Cho nên nói người trong nước Cực Lạc, có người tuy vẫn là phàm phu nhưng không có nhiệt não, mà thanh lương an lạc, giống như lậu tận Tỳ kheo. Pháp lạc, pháp hỷ này không phải hết thảy khoái lạc ở thế gian, một phần vạn cũng không thể sánh.

Nguyện thứ 31: nguyện không tham chấp thân. Nguyện văn như sau:

Nhược khởi tưởng niệm, tham kế thân giả, bất thủ Chánh Giác.

Đại ý của lời nguyện là: người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc nếu khởi tâm động niệm tham cầu, lưu luyến, chấp trước, toan tính sắc thân của chính mình thì tôi không thành Phật. Nguyện này chính là thuốc hay để phá trừ thân kiến, thân kiến là địa vị thứ nhất của kiến hoặc. Bởi vì rất nhiều người tu hành dựa vào pháp ngoại đạo, mang danh là tín đồ Phật giáo, nhưng có tư tưởng của ngoại đạo, họ có thân kiến nghiêm trọng, tuy cũng niệm Phật tụng kinh nhưng trong tâm vẫn lưu luyến thân thể của chính mình, suy nghĩ cho cái thân, luôn vì cái thân này mà toan tính, ví dụ nên ăn thứ gì, nên tập cái gì, nghiên cứu đủ loại thuật dưỡng sinh, làm thế nào bảo dưỡng, rèn luyện tốt thân thể này, hoặc mong muốn thân thể này sống lâu hơn một chút, tốt nhất là trường sanh bất lão, hoặc là tu luyện để có được thân mới, trở thành kim tiên, đây đều là tham chấp vào thân, chấp trước có thân thể của chính mình mà tham đắm so đo. Hội Sớ nói: Đối với thân thể của chính mình khởi vọng chấp trước, nên có yêu, có ghét, có nghịch, có thuận, có những phân biệt như vậy. Vãng Sanh Luận nói: Nếu người mãi thường chu cấp và cung kính thân tâm của mình thì sẽ chướng ngại tâm Bồ-đề, luôn muốn bảo hộ thân này, nói cách khác chính là chấp ngã. Người tu hành Đại thừa phải phá ngã, vô ngã. Tham chấp thân tâm mâu thuẫn với vô ngã. Kinh Kim Cang nói: Nếu người thông đạt pháp vô ngã thì gọi là Bồ-tát. Cho nên trước tiên phải trừ bỏ nhân ngã, sau đó trừ bỏ pháp ngã. Nhân dân thế giới Cực Lạc đều không có ý niệm tham chấp vào thân. Thân giả này chẳng phải ngã, đừng xem giả ngã thành chân ngã, phải biết của báu của nhà mình, tự tánh mới đúng là chân ngã, có bài thuốc hay trừ thân kiến, tịnh niệm Di-đà tâm thông suốt, từ phụ Di-đà đại đạo sư, dắt con học Phật đi đường chánh.

Nguyện thứ 32: nguyện được thân Na-la-diên, nguyện văn như sau:

Sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng, giai đắc Kim Cang Na-la-diên thân, kiên cố chi lực.

Đại ý của lời nguyện là, người vãng sanh thế giới Cực Lạc đều đạt được thân Kim Cang Na-la-diên, có sức mạnh vô cùng kiên cường vững chắc. Kim Cang ở đây tiếng Phạn gọi là Bạt Chiết La, dịch thành kim cang, là bảo vật cứng chắc nhất trong kim loại, màu như kim cương tím, có thể cắt được ngọc. Xem ra đó là đá kim cương xuất xứ từ Ấn Độ, tên thường gọi là toản thạch, có độ cứng cao nhất, có thể cắt được kính. Kim Cang còn là tên gọi tắt của chùy Kim Cang, chùy Kim Cang vốn là một loại vũ khí của Ấn Độ, Mật Tông dùng để biểu thị cho trí tuệ cứng chắc sắc bén. Cho nên Đại Nhật Kinh Sớ nói: Phạt Chiết La là ấn trí tuệ kim cang của Như Lai. Trong phần Niệm Tụng Nghi Quỹ của Kinh Nhân Vương nói: tay cầm chùy kim cang biểu thị cho chánh trí, giống như kim cang. Vì vậy chúng ta học Phật mấu chốt là ở trí tuệ, có người chỉ cầu thiền định, cầu thần thông, thứ đó không rốt ráo, chỗ then chốt của thành Phật chính là trí tuệ. Tông Duy Thức sau cùng là chuyển tám thức thành bốn trí, có thể chuyển tám thức thành bốn trí thì thành công rồi. Thế nên thành công là nhờ vào trí tuệ. Ba đức của Niết-bàn là pháp thân, Bát-nhã, giải thoát. Nhờ trí tuệ mới có thể hiển bày pháp thân vốn có, nhờ trí tuệ mới có thể đoạn hết phiền não vọng tưởng mà đạt được giải thoát. Thế nên Niệm Tụng Nghi Quỹ của Kinh Nhân Vương trong Mật giáo nói: tay cầm chùy kim cang biểu thị hành nhân đã phát khởi chánh trí, trí tuệ này giống như kim cang có thể phá tất cả mà không bị mọi thứ phá hoại.

Na-la-diên dịch là thắng lực hoặc kiên cố vững chắc, có 4 hàm nghĩa. Thứ nhất là tên gọi khác của vua trời Phạm Thiên. Thứ hai là tên khác của Thiên Lực Sĩ. Thứ ba, Na-la-diên Thiên ba mặt cưỡi chim là hóa thân của Phật, biểu thị bay trên không trung. Thứ tư, Na-la-diên Kim Cang là một trong mười chín vị Chấp Kim Cang, Kinh Duy-ma-cật gọi là Na-la-diên Bồ-tát. Từ những kinh luận hiển giáo kể trên có thể thấy Kim Cang Na-la-diên trong lời nguyện chỉ cho Lực sĩ Na-la-diên của cõi trời, tay cầm chùy Kim Cang, có thân kim cang và sức kiên cố. Trong Mật giáo có các vị Chấp Kim Cang, Kim Cang Thủ, Kim Cang Tát Đỏa là cách phiên dịch khác nhau của cùng một tên gọi. Căn cứ vào Nhân Vương Kinh Niệm Tụng Nghi Quỹ thì Kim Cang Thủ Bồ-tát chính là Phổ Hiền Bồ-tát. Đại Uy Nộ Vương Bí Mật Đa-la-ni Kinh nói: Vị Kim Cang Thủ này là bậc pháp thân đại sĩ, thế nên tên gọi Phổ Hiền là từ vị Như Lai cầm chùy kim cang. Chùy kim cang của Ngài thông thường gồm năm phần, do ngũ trí hợp thành, nên gọi là Kim Cang Thủ. Trong kinh chỉ ra Kim Cang Thủ là bậc đại sĩ đã chứng pháp thân, cho nên Hiển giáo gọi ngài là Bồ-tát, Mật giáo gọi là Kim Cang. Theo nghĩa của Mật giáo, Kim Cang chính là vị Phật hiện tướng uy mãnh, lại nói đó chính là đức Phổ Hiền. Phổ Hiền ở đây là chỉ cho quả vị của Ngài, gọi là Phổ Hiền Vương Như Lai, cho nên không được chỉ xem Ngài là vị hộ pháp. Kim Cang Thủ xuất xứ từ vị Phật cầm chùy kim cang. Chùy ấy là biểu pháp, do ngũ trí hợp thành. Trong tứ trí của Mật giáo gồm Đại Viên Cảnh Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, Thành Sở Tác Trí, thêm vào Pháp Giới Thể Tánh Trí thì thành ngũ trí. Chùy kim cang thông thường gồm năm phần, biểu thị cho ngũ trí hợp thành. Trong tay cầm chùy kim cang là ngũ trí hợp thành vậy thì Na-la-diên thân chắc chắn phải là thể của trí tuệ, cũng chính là thể của kim cang, thường được gọi là thân kim cang. Kinh Mật Tích Lực Sĩ nói: Thân của Như Lai rắn chắn, mạnh mẽ giống như kim cang, rền vang vững chắc, không thể phá hoại. Kinh Niết-bàn nói: thân của Như Lai là thân thường trụ, là thân bất hoại, là thân kim cang. Cho nên người vãng sanh được sự gia trì bởi nguyện lực của Phật đều được thân kim cang bất hoại, trường thọ tự tại, lại còn có sức mạnh vững chắc.

Nguyện thứ 33: nguyện được quang minh trí tuệ biện tài. Nguyện văn như sau:

Thân đỉnh giai hữu quang minh chiếu diệu, thành tựu nhất thiết trí tuệ, hoạch đắc vô biên biện tài.

Đại ý của lời nguyện là, người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc trên đỉnh đầu có vòng ánh sáng hiện ra, trên thân có ánh sáng, đều là thường quang, đều rất sáng trong thanh khiết, chiếu soi hiển diệu. Bởi vì quang minh là từ đại trí tuệ phát ra, người người đều có quang minh. Bởi vì mọi người đều đã khai mở tất cả trí tuệ, do trí tuệ vô thượng thù thắng nên ai ai cũng đều có biện tài vô biên, tuyên diễn pháp âm. Người vãng sanh thân và đỉnh đầu đều có quang, bởi vì Phật là vô lượng quang, nên người vãng sanh thân và đỉnh đầu đều có quang minh chiếu diệu. Quang minh, bản thân phát ra ánh sáng thì gọi là quang, có thể chiếu soi vật khác thì gọi là minh. Căn cứ vào Kinh Siêu Nhật Minh Tam-muội thì đại trí tuệ bên trong phát ra bên ngoài có thể chiếu soi pháp giới thì gọi là quang minh. Cho nên quang minh chính là tác dụng của trí tuệ. Kinh Niết-bàn nói: quang minh gọi là trí tuệ, quang minh và trí tuệ cả hai đều là một thể, thân và đỉnh đầu của mọi người đều có quang minh, cho nên mọi người đều thành tựu hết thảy trí tuệ. Đại sư Đàm Loan trong bài kệ Vô Lượng Quang Phật nói rằng: quang minh trí tuệ không thể lường, nên Phật có hiệu Vô Lượng Quang, các tướng hữu lượng nhờ quang chiếu, vậy nên đảnh lễ chân thật minh. Quang minh của Phật là quang minh chân thật, cùng với ba thứ chân thật trong kinh này là đồng một thể, đó là chân thật chi tế, chân thật chi huệ, chân thật chi lợi. Quang minh chân thật chính là trí tuệ chân thật, trí tuệ và quang minh không hai. Cho nên quang minh này có thể giác chiếu và khai sáng cho hết thảy các tướng hữu tình và vô tình. Thế nên, trong bài kệ Tán Vô Xưng Quang có câu thế này: quang minh thần kỳ lìa hết thảy tướng, nhờ quang minh mà thành Phật. Trong bài kệ Tán Vô Đối Quang có câu: quang minh thanh tịnh không thể sánh. Đều hoàn toàn chứng thực rằng quang minh chính là trí tuệ, cho nên lìa tướng vô đối, toàn thể đều là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Như vậy mới có thể khiến chư đại Bồ-tát nhờ sự khai sáng của quang minh mà thành tựu quả vị Đại Giác. Cho nên nói, nhờ quang minh mà thành Phật. Kinh Niết-bàn chỉ thẳng quang minh chính là trí tuệ, người vãng sanh thân và đỉnh đầu đều có thường quang, đó chính là hiển thị trí tuệ thành tựu. Lại nhờ sự gia trì thù thắng từ diệu quang của Phật Vô Lượng Quang khiến người vãng sanh nhờ quang minh mà thành Phật, thế nên đều có thể thành tựu hết thảy trí tuệ. Đối với năm loại trí tuệ mà kinh này nói gồm: Phật trí, bất tư nghị trí, bất khả xưng trí, Đại thừa quảng trí, vô đẳng vô luân tối thượng thắng trí đều có thể lĩnh ngộ hiểu rõ, đều thành tựu hết thảy trí tuệ. Cho thấy trong nước Cực Lạc nhân quả là đồng thời, không thể nghĩ bàn. Đồng thời người vãng sanh đều có được biện tài vô biên, biện tài vô ngại. Biện tài chính là tài năng thuyết pháp khéo léo. Trí tuệ biện tài thuyết pháp của Bồ-tát có bốn loại biện tài, cũng gọi là tứ vô ngại biện. Bốn loại vô ngại cũng gọi là bốn trí tuệ vô ngại. Người vãng sanh đã thành tựu hết thảy trí tuệ, nên tự nhiên xuất sanh vô biên biện tài, biện tài là do trí tuệ mà có.

Tứ vô ngại gồm thứ nhất là pháp vô ngại. Danh tướng và câu văn trong giáo pháp đều không thể chướng ngại [người đó], đều có thể biểu đạt rất rõ ràng. Thứ hai là nghĩa vô ngại, đối với nghĩa lý chân thật mà giáo pháp biểu đạt đều có thể thông đạt, không có trở ngại thì gọi là nghĩa vô ngại. Thứ ba là từ vô ngại, đều có thể thông đạt cách diễn đạt ngôn ngữ địa phương ở khắp nơi trong ngoài, vận dụng tự tại, đây là từ vô ngại. Thứ tư là nhạo thuyết vô ngại, do có ba thứ trí tuệ kể trên nên ưa thích thuyết pháp cho mọi người nghe, lời nói ra khế hợp với đạo lý chân chánh, tự tại diễn nói ý nghĩa chân thật của Như Lai, không có chướng ngại, còn gọi là biện vô ngại. Nhân dân Cực Lạc đều có thể dùng tứ vô ngại biện để tuyên giảng pháp yếu.

Nguyện thứ 34: nguyện khéo nói các pháp bí yếu. Nguyện văn như sau:

Thiện đàm chư pháp bí yếu, thuyết kinh hành đạo, ngữ như chung thanh, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

Đại ý của lời nguyện là người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều giỏi đàm thuyết chỗ thâm mật, trọng yếu của các pháp Hiển Mật. Người thông thường chỉ có thể bàn về những thứ cành lá, đa phần là lời văn bên ngoài, còn nghĩa lý thâm nhập thì chính mình cũng không hiểu rõ. Trong lúc đàm luận kinh và hành đạo thì kinh hành, vừa đi vừa tụng niệm, khi đó âm thanh như chuông vang, câu câu chữ chữ như tiếng chuông vang trong đêm vắng lặng, phá trừ hôn mê, thức tỉnh giác tâm. Bí chính là uyên áo, chỉ cho pháp môn thâm sâu, không dễ dàng biểu thị. Pháp Hoa Văn Cú nói: hơn 40 năm, ẩn chứa trong tâm Phật, người khác không biết nên gọi là bí. Nghĩa là nói, Thích-ca Mâu-ni Phật hơn 40 năm đem thật pháp Nhất Thừa giữ trong tâm không nói ra, người khác không biết, cho nên gọi là bí. Pháp Hoa Văn Cú nói: đường thẳng Nhất Thừa nhiếp trọn vạn con đường khác, nên gọi là yếu. Pháp Tam Thừa, Tam Thừa là Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát là quyền pháp. Pháp Hoa khai quyền hiển thật, không quanh co nữa mà nói thẳng pháp Nhất Thừa, hết thảy thành Phật. Đây là thật pháp, là con đường thẳng, hiển lộ hạt minh châu ẩn tàng trong chiếc áo rách bẩn. 84.000 cách tu hành đều từ cửa này mà vào, cho nên nói, nhiếp trọn vạn con đường khác, đây gọi là yếu, nghĩa là quan trọng, cẩn yếu, giản yếu, v.v. Ngữ như chung thanh, trong đêm sâu, một tiếng chuông vang lên tức thì những lo âu trần tục đều tiêu tan hết, tất cả thanh tịnh. Phật Tổ Thống Ký nói: người sắp mạng chung, nghe được âm thanh của tiếng chuông có thể gia tăng chánh niệm của họ. Kinh Tăng Nhất A-hàm nói: Khi đánh chuông thì các khổ trong tất cả đường ác đều được dừng lại. Ví dụ khi tiếng chuông vang lên thì trong địa ngục cũng dừng việc hành hình, tội nhân có thể nghỉ một chút, đây biểu thị tác dụng của tiếng chuông. Ngữ như chung thanh, một mặt biểu thị âm thanh của người thuyết pháp, như tiếng hồng chung, rất lớn, rất chánh, rất tĩnh, có thể vang lâu, có thể nghe từ xa, có thể thức tỉnh mê lầm của con người, hiển lộ thiện tâm. Ngữ như chung thanh còn biểu đạt công đức của âm thanh thuyết pháp giống như chuông vậy. Ở đây xin mở rộng ra một chút, ở trên quả chuông có rất nhiều kinh chú, trên thân quả chuông ở chùa Đại Chung là một bộ kinh Hoa Nghiêm, trên phần miệng chuông là bộ kinh Kim Cang, còn có rất nhiều chú và ký tự, cho nên khi bạn đánh một tiếng chuông thì tất cả kinh, chú, ký tự đều bị chấn động, đều phát ra âm thanh. Trong âm thanh ấy bao gồm vô biên công đức của kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang và rất nhiều câu chú. Người thuyết pháp ở thế giới Cực Lạc cũng giống như chuông vậy, một chữ đã bao gồm tất cả công đức của kinh Hoa Nghiêm, kinh Kim Cang v.v. ở trong. Người nghe nghe được một âm thanh thì cũng như nghe được âm thanh của nhiều kinh chú như vậy.

Nguyện thứ 35: nguyện được nhất sanh bổ xứ. Nguyện văn như sau:

Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí nhất sanh bổ xứ.

Đại ý của lời nguyện là, khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh mà có thể đến được nước tôi sau cùng đều nhất định thành Bồ-tát Nhất Sanh Bổ Xứ, giống như Di-lặc Đại Sĩ ở Nội Viện Đâu Suất, vừa chuyển sanh liền được địa vị Bổ Phật. Nhất Sanh Bổ Xứ, trong Mật Tông nói: Từ lý thể nhất thật mà được tâm Bồ-đề thanh tịnh, lên Sơ Địa. Trong mỗi một địa vị phát sinh vô lượng vô biên môn Tam-muội tổng trì, nâng cao thứ bậc, lên Thập Địa, lại lên địa vị thứ 11, lại chuyển sanh lần nữa thì được địa vị Bổ Phật, thế nên gọi là Nhất Sanh Bổ Xứ, tái sanh đến thế gian thì thành Phật rồi. Như hiện nay, Di-lặc Đại Sĩ ở Nội viện trời Đâu Suất tương lai Ngài xuống nhân gian, Long Hoa tam hội thì thành Phật rồi, đây chính là Nhất Sanh Bổ Xứ. Người đến thế giới Cực Lạc sau cùng sẽ thành vị Nhất Sanh Bổ Xứ, cũng chính là nhất định thành Phật.

Nguyện thứ 36: nguyện giáo hóa tùy ý. Nguyện văn như sau:

Trừ kỳ bổn nguyện vị chúng sanh cố, phi hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu Bồ-đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú. Hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

Đại ý của lời nguyện là, trừ bổn nguyện của người ấy là vì chúng sanh, trừ một số người không phải như thế, không ở thế giới Cực Lạc thành vị Nhất Sanh Bổ Xứ, mà bổn nguyện của người đó là muốn độ chúng sanh, nóng lòng độ chúng sanh, nên khoác áo giáp thệ nguyện rộng lớn, dùng thệ nguyện rộng lớn làm áo giáp. Thời xưa trên thân của chiến tướng có khoác áo giáp bằng sắt, áo chống đạn hiện nay cũng là cùng một loại, dùng để bảo vệ bản thân. Đại Sĩ ở Cực Lạc muốn đến các cõi nước ở Ta-bà để cứu độ chúng sanh, nên lấy thệ nguyện rộng sâu làm áo giáp, xuống đến các cõi uế, giáo hóa hết thảy hữu tình, tâm độ chúng sanh vô cùng khẩn thiết. Để giáo hóa chúng hữu tình đều sanh khởi tín tâm thì bản thân trước tiên phải tu Bồ-đề hạnh, hành đạo Phổ Hiền, chính mình không giác ngộ, sao có thể giác ngộ cho người được. Cho nên như vậy mới có thể giáo hóa các chúng sanh khác tu hạnh Bồ-đề, hành đạo Phổ Hiền. Do có thệ nguyện to lớn hiếm có như thế, tuy sanh đến các thế giới khác nhau trong cõi Ta-bà, v.v. nhưng vĩnh viễn sẽ không vì tội lỗi của họ mà đọa vào ác đạo. Tự nguyện vào cõi súc sanh để độ súc sanh, vào địa ngục, cõi ngạ quỷ để độ quỷ, đây là hành vi vĩ đại của đại Bồ-tát, không phải thuộc loại người bị đọa vào địa ngục. Cho đến sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, vẫn là người phàm phu, năng lực lúc đó của bạn vẫn không thể như Địa Tạng Bồ-tát v.v. vào trong địa ngục cứu độ chúng sanh, sau khi lên đến cõi Thật Báo Trang Nghiêm thì mới được. Khi sanh đến cõi nước phương khác, hoặc thích thuyết pháp, hoặc thích nghe pháp, hoặc là bạn thị hiện thích thuyết pháp hoặc thích nghe pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, thảy đều viên mãn. Hoặc có người muốn thị hiện thần thông cho đến các loại khác thì đều có thể tùy theo tâm ý của mình mà tu tập, đều có thể đạt được viên mãn. Nếu không được như vậy, thì không thành Chánh Giác. Cho nên nguyện này được gọi là nguyện giáo hóa tùy ý. Nếu như chính mình không giác ngộ mà muốn độ người thì chỉ hại người mà thôi. Thế nên chính mình nhất định phải tu tập viên mãn rồi hãy thuyết pháp độ sanh, mới có thể ban bố lợi ích chân thật được. Đại nguyện này là người ở thế giới Cực Lạc muốn quay về thế giới có các sự khổ nơi cõi Ta-bà để độ sanh đều được mãn nguyện. Tuy ở uế độ, nhưng sẽ không bởi vì các loại nhân duyên mà đọa ba đường ác. Thêm vào đó, tất cả sự tu tập đều viên mãn, vĩnh viễn không thoái chuyển đọa lạc, đây là nhờ vào sự gia trì của thệ nguyện to lớn của đức Di-đà. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đem câu thứ tư trong bài kệ “nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, bất thoái Bồ-tát vi bạn lữ” sửa thành “hồi nhập Ta-bà độ hàm thức”. Sau khi hoa nở thấy Phật thì muốn quay về thế giới Ta-bà để độ chúng sanh, cho thấy tâm tha thiết độ chúng sanh.

Nguyện thứ 37: nguyện thức ăn y phục tự đến. Nguyện văn như sau:

Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, sở tu ẩm thực, y phục, chủng chủng cúng cụ, tùy ý tức chí, vô bất mãn nguyện.

Đại ý của lời nguyện là: Khi tôi thành Phật, người sanh đến nước tôi, tất cả đồ ăn y phục cần dùng, cho đến tất cả những vật phẩm cúng dường Phật đều tùy theo ý muốn trong tâm họ, tự nhiên xuất hiện trước mặt, thảy đều được mãn nguyện. Nguyện này của đức Di-đà là nhắm vào người vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi phàm tình, ở nước Cực Lạc vẫn chưa đoạn trừ tập khí, cho đến những người vẫn còn là phàm phu mà phát nguyện. Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư, rất nhiều người chưa hề đoạn hoặc chứng chân, tuy là hóa sanh trong hoa sen, vốn không cần quần áo ẩm thực của nhân gian, nhưng do tập khí nhiều đời nên vẫn còn phát sinh các ý niệm phàm trần về cung điện, ngọa cụ, mặc áo, ăn cơm, v.v. Ở thế gian, vì cuộc sống cơm áo mà lao nhọc khổ cực muôn phần, mãi không an ổn. Người trồng lúa thì phải trừ nạn sâu rầy, sát sinh vô số sinh linh. Người mặc áo lụa, [sử dụng] đồ da thì phải đoạt mạng rất nhiều sinh mạng động vật. Đến thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không còn lao nhọc khổ cực và tạo tội nữa, muốn thứ gì thì có thứ đó, vừa khởi niệm là có, tự nhiên xuất hiện. Ăn cơm uống nước còn tăng trưởng thiện căn, sau khi ăn xong tất cả dụng cụ dùng khi ăn tự nhiên biến mất. Những đồ vật cúng dường như tràn phan, bảo cái, trân châu, anh lạc, y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc men, hương hoa, âm nhạc v.v. những vật phẩm thắng diệu để cúng Phật cũng đều là trong tâm vừa nghĩ thì liền xuất hiện trước mặt, dùng để cúng dường mười phương chư Phật.

Nguyện thứ 38: nguyện ứng niệm thọ cúng. Nguyện văn như sau:

Thập phương chư Phật, ứng niệm thọ kỳ cúng dường, nhược bất nhĩ giả, bất thủ Chánh Giác.

Nguyện này lại là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Người ở thế giới Cực Lạc khởi niệm muốn dùng một vật phẩm cúng dường nào đó hoặc nhiều loại phẩm vật để cúng dường bất kỳ một đức Phật nào ở cõi nước phương khác, tùy theo khởi tâm động niệm của người ấy mà Phật ở thế giới khác lập tức tiếp nhận sự cúng dường, không bị ngăn cách về thời gian, cũng chính là hoàn toàn đột phá thời gian, đồng thời đột phá luôn không gian. Thế giới Cực Lạc cách thế giới Ta-bà mười vạn ức cõi Phật, tam thiên đại thiên thế giới là một cõi Phật, ánh sáng là thứ nhanh nhất trên thế gian, tốc độ ánh sáng mỗi giây đi được khoảng 300.000 km. Khoảng cách mà ánh sáng đi trong một năm gọi là năm ánh sáng là 10 nghìn tỉ kilomet, cũng là vừa đúng mười vạn ức. Nhưng một cái là kilomet, một cái là cõi Phật. Nhà thiên văn học cận đại đã phát hiện ngôi sao xa nhất là 14 tỷ năm ánh sáng. Tuy nó là xa nhất nhưng e rằng cũng chưa xa hơn một cõi Phật. Cho nên vũ trụ cực lớn, lớn đến vô biên. Bản dịch thời Tống nói, nơi cực xa có vô lượng Phật, người ở cõi Cực Lạc tuy có thần thông thù thắng cũng không đến được, việc này toàn nhờ vào sức của đức Di-đà, khiến Phật ở phương khác chìa cánh tay ra đến cõi nước Cực Lạc để tiếp nhận vật cúng dường. Bản dịch thời Tống thể hiện sâu sắc công đức gia trì của đức Di-đà, là thể hiện cho tha lực. Bản dịch thời Ngụy nói: Trong khoảnh khắc vừa khởi ý niệm muốn cúng dường vô lượng chẳng thể nghĩ bàn chư Phật Thế Tôn mà không mất định ý. Nghĩa là người ở nước Cực Lạc trong sát-na vừa khởi lên ý niệm thì có thể cúng dường vô lượng chư Phật, cho dù Phật ở cực xa đều có thể cúng dường. Trong công đức thù thắng của việc cúng dường rộng lớn này người đó vẫn an trụ trong định, không mất định ý, điều này thể hiện cho tự lực. Tuy tự cảm thấy sức mình chẳng đủ nhưng nhờ Phật lực gia trì đều có thể viên mãn nguyện này, vừa mới sanh ý niệm cúng dường thì chư Phật đã nhiếp thọ toàn bộ, nhân quả đồng thời, siêu tình ly kiến, không thể nghĩ bàn.

Tiết học này xin giao lưu đến đây. Cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *