PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc
giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời
gian: 09/12/2020
Địa điểm:
Tiểu viện Lục Hòa
Tập 38
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người. A-di-đà Phật!
Từ tiết học này trở
đi, chúng tôi sẽ giảng phẩm kinh văn thứ bảy:
TẤT THÀNH CHÁNH GIÁC ĐỆ THẤT
Phẩm kinh văn thứ sáu
là phát đại thệ nguyện, phẩm kinh văn thứ bảy là: nhất định thành Chánh
Giác. Hai phẩm kinh văn này có quan hệ như thế nào? Một phẩm là nhân,
một phẩm là quả. Phát đại thệ nguyện là nhân, nhất định thành Chánh
Giác là quả. Có nhân thù thắng của đại thệ nguyện ắt sẽ cảm được
thành tựu diệu quả Vô Thượng Chánh Giác. Tỳ kheo Pháp Tạng ở trước Thế
Gian Tự Tại Vương Như Lai sau khi nói ra 48 đại nguyện, lại dùng kệ
tụng biểu đạt tâm nguyện của chính mình.
Tiếp theo chúng ta xem
bài kệ tụng đầu tiên của Pháp Tạng Tỳ kheo.
Ngã kiến siêu thế chí, tất chí vô thượng đạo, tư
nguyện bất mãn túc, thệ bất thành Đẳng Giác, phục vi đại thí
chủ, phổ tế chư cùng khổ, linh bỉ chư quần sanh, trường dạ vô ưu
não, xuất sanh chúng thiện căn, thành tựu Bồ-đề quả.
Bốn câu mở đầu của bài
kệ tụng này là toàn thể trọng tâm đại nguyện của Pháp Tạng Đại
sĩ. Đại ý của 4 câu mở đầu là: Tôi đã lập nên chí nguyện siêu vượt
tất cả thế gian, nhất định thành tựu đến đạo Vô Thượng, nếu nguyện
này không thể viên mãn, tôi nhất định không thành Phật. Bốn câu này
dệt nên các đường kinh vĩ tuyến của 48 nguyện: đại nguyện nhất định
thành Phật. Đại ý của sáu câu kinh văn kế tiếp là: Khi tôi cầu thành
bậc Chánh Giác, còn muốn làm vị đại thí chủ của các loài chúng
sanh, cứu giúp sự bần cùng và khốn khổ của họ, muốn làm cho các loài
chúng sanh trong đêm dài sanh tử vĩnh viễn lìa ưu khổ, đồng thời
sanh ra đủ mọi thiện căn, thành tựu diệu quả Bồ-đề. Đây lại dệt nên
một đường kinh vĩ tuyến khác của 48 nguyện: nguyện nguyện đều vì tất
cả chúng sanh.
Tiếp theo sẽ giải
thích cụ thể bài kệ tụng này. Ngã kiến siêu thế chí, tất chí Vô
Thượng đạo. Siêu thế là siêu vượt tất cả thế gian, ở đây chỉ
cho không những vượt hơn Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát mà còn vượt
hơn chư Phật. Trong kinh đã nói, khi Pháp Tạng đại sĩ phát nguyện nói
rằng: Tôi lập thệ nguyện, đều vượt hơn vô số cõi nước chư
Phật. Còn có bài kệ Hậu Xuất nói rằng: Phát nguyện du chư
Phật, gồm 24 lời thệ. “Du” nghĩa là vượt hơn, tôi phát 24 lời
thệ nguyện, vượt hơn tất cả chư Phật, đây chính là nói, đại
nguyện mà Pháp Tạng Đại sĩ đã phát là muốn vượt hơn chư Phật. Thế
giới Cực Lạc vượt hơn hết thảy thế giới mười phương, cho nên nói chí
nguyện siêu thế của Pháp Tạng Tỳ kheo, gọi là siêu thế, thực tế bao
gồm việc muốn vượt hơn đại nguyện của chư Phật. Pháp Tạng Đại sĩ trụ chân
thật huệ, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ, thế nên các sự
thù thắng trang nghiêm của Cực Lạc đều là sự lưu lộ trí tuệ chân thật
của tự tâm đức Di-đà, cùng với ba thứ trang nghiêm trong Vãng Sanh
Luận nhập vào nhất pháp cú. Nhất pháp cú chính là thanh tịnh
cú, là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, đôi bên đều khế
hợp. Pháp thân vô vi chính là tự tâm của mỗi người, cho nên các
loại y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc hoàn toàn hiển bày ra tâm
của chính chúng ta. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói: Nhờ y chánh ấy, hiện tự
tâm ta. “Thác” nghĩa là mượn, nương vào, chính là nương vào y báo cõi
nước của thế giới Cực Lạc, tức là màu sắc, ánh sáng, âm thanh, mùi
hương, chánh báo chính là chư Phật Bồ-tát. Nương vào y báo chánh báo
của thế giới Cực Lạc ấy mà hiển hiện bản tâm của chính mình. Bởi vì
thứ sẵn có trong tự tâm cũng chính là sự lưu hiện của Pháp thân chư
Phật, cho nên một mảy trần, một sợi lông đều là Nhất Chân pháp
giới, mỗi thứ đều tròn sáng đầy đủ công đức. Lý sự vô
ngại, chim, nước, rừng cây đều nói diệu pháp. Âm thanh, màu sắc,
hương thơm, ánh sáng đều tăng trưởng ý niệm tu đạo. Đặc biệt là phàm phu
mang theo nghiệp vãng sanh đều chứng địa vị bất thoái, siêu tình ly kiến,
không thể nghĩ bàn. Sự sự vô ngại, hạt cải chứa núi
Tu-di, sát-na chính là ức vạn kiếp, hoàn toàn phá trừ hết thảy tình
kiến của thế gian, nên đại thệ nguyện rộng lớn như biển của Pháp Tạng Đại
Sĩ được gọi là “siêu thế chí”.
“Tất chí Vô Thượng
đạo”, ‘đạo’ chính là giác ngộ. Vô Thượng đạo chính là giác ngộ tối
cao vô thượng, cũng chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kinh
Pháp Hoa nói:
“Ta luôn nghĩ thế này:
Lấy gì khiến chúng
sanh
Được vào vô thượng đạo
Mau thành tựu thân
Phật”.
Kinh văn của Pháp Hoa
và đại nguyện của Pháp Tạng Tỳ kheo hoàn toàn như nhau, đều là muốn
chúng sanh thành Phật. “Chắc chắn đến đạo Vô Thượng” quán triệt trong
toàn bộ đại nguyện, chính là chủ thể của đại nguyện, còn là quả thù
thắng của đại nguyện. Bốn mươi tám nguyện, mỗi một nguyện đều là vì
chúng sanh thành Phật, cho nên đây là chủ thể của bổn nguyện. Gọi là
“quả” nghĩa là nếu chúng sanh y chỉ, phụng hành tuân theo lời đại nguyện
rộng lớn như biển ấy thì nhất định chứng nhập Vô Thượng Bồ-đề.
“Phục vi đại thí
chủ”, tôi còn muốn làm đại thí chủ. Đại thí chủ ở đây là phải
bao gồm tài thí và pháp thí, bởi vì chúng sanh vẫn là phàm phu, họ
vẫn chưa lìa khỏi đời sống vật chất, nên cần phải bố thí tài. Nếu chỉ
có bố thí tài thì việc cứu người không được triệt để, cứu người cần
phải cứu triệt để, còn phải có bố thí pháp, khiến bản thân họ hiểu
rõ. Phẩm “tích công lũy đức” của kinh này, Phát Tạng Tỳ
kheo luôn dùng các hạnh Lục độ là bố thí, trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ để giáo hóa an lập chúng sanh, trụ
vào đạo Vô Thượng chân chánh. Dùng lục độ để giáo hóa chúng
sanh, khiến chúng sanh an trụ trong đạo chân chánh, đây chính là bố
thí pháp. Lại nữa, trong tay thường xuất sanh châu báu vô tận, các
thứ trang nghiêm, hết thảy những thứ cần thiết, những món vật tối thượng
để làm lợi lạc hữu tình, đây chính là bố thí tài. Thế nên hai thứ bố
thí tài và bố thí pháp chính là đại thí chủ, mới có thể chân thật cứu giúp
rộng hết các chúng sanh cùng khổ, khiến tất cả chúng sanh thoát nghèo, lìa
khổ, nghe danh được độ, vãng sanh Tịnh độ, rốt ráo thành Phật.
Khiến các quần sanh
kia, đêm dài không ưu não, chúng sanh khởi một niệm vọng động thì rớt
vào trong vô minh, vĩnh kiếp luân hồi trong sáu cõi, sanh tử tối
tăm, nên gọi là “đêm dài”. Đồng thời vô minh còn che lấp bản tâm của chúng
sanh nên cũng là đen tối, cũng là “đêm dài”. Trong đêm dài sanh tử
ấy, muốn khiến chúng sanh không ưu tư, không khổ não, chính là khiến
họ xuất sanh các thiện căn, muốn khiến chúng sanh xuất sanh thiện
căn. Xuất thiện căn rồi thì thiện căn sẽ kết quả, nhất định thành tựu
quả Bồ-đề, đây chính là sự cứu độ từ bi chí cực. Cứu người như vậy
thì có thể cứu triệt để. Bạn thấy một người đáng thương, bạn mời họ
ăn một bữa ngon, thế nhưng ngày mai, ngày kia họ lại đói nữa, đây
không phải là cứu triệt để. Để cứu người được triệt để thì phải khiến
họ thành tựu các loại thiện căn, đó chính là nhất định thành tựu quả vị
Bồ-đề, vĩnh viễn xa lìa lo lắng, tai nạn, giải thoát triệt để.
Bốn mươi tám đại
nguyện của A-di-đà Phật, nguyện có 48, nhưng 48 nguyện đó là một
nguyện, nguyện ấy là gì vậy? Nguyện ấy là phổ độ chúng
sanh. Chúng ta là người học Phật, học gì vậy? Chính là học điều
này. Hiện nay chúng ta phát ra nguyện gì? Chỉ cầu chính mình vãng
sanh, không nghĩ đến người khác, có thể phát ra nguyện này thì
đã không tệ rồi, bởi vì họ còn biết cầu vãng sanh. Chúng ta quay đầu
lại xem nguyện của A-di-đà Phật, chẳng phải rất tuyệt vời sao? Nguyện
nguyện đều là phổ độ mười phương ba đời tất cả chúng sanh trong tất cả cõi
nước của chư Phật. Hãy chú ý, có hai chữ “tất cả”, trên từ Đẳng giác
Bồ-tát, dưới đến chúng sanh Địa Ngục, một người cũng không
sót, đây là 48 nguyện của đức Di-đà. Tâm lượng ấy lớn biết
bao, chúng ta nhất định không được lơ là, không được quên
mất, chúng ta học Phật thì phải học điều này. Chúng ta học điều
này thì mới tương ưng với A-di-đà Phật. Bằng không thì có phát nguyện
thế nào cũng không tương ưng với A-di-đà Phật. A-di-đà Phật, nguyện
nào cũng là độ chúng sanh, còn chúng ta đối với chúng sanh vẫn còn có ý
kiến, tôi thích chúng sanh này, tôi muốn độ họ, chúng sanh kia
tôi không ưa nên tôi mới không độ họ, nếu độ họ đến thế giới Cực
Lạc thì mỗi ngày nhìn thấy họ tôi sẽ không vui. Chúng ta nghĩ
xem, tâm thái như vậy có thể độ người, có thể đến thế giới Cực Lạc
được không? Pháp môn Tịnh độ niệm Phật thù thắng khôn sánh, chúng ta
tu học pháp môn này phải mở rộng tâm lượng, tâm lượng nhỏ thì không
học nổi pháp môn này, cũng không thể thành Phật. Sự nghiệp của Phật,
sự nghiệp của Bồ-tát chính là độ chúng sanh, việc này người học Phật
dường như đều biết cả. Chú ý, tôi dùng hai từ “dường như” là có nghĩa
gì vậy? Chính là chúng ta không hề thực hành làm được việc
này, vì sao chỉ nói mà không thực hành? Phải chăng có những nguyên
nhân như sau:
Thứ nhất, hết thảy chúng sanh đều là Phật tương lai, đây chỉ là một
câu khẩu hiệu mà thôi, bạn vẫn còn xem chúng sanh là một gã phàm
phu thì kết quả của việc này chính là không thể nghĩ điều chúng sanh
nghĩ, không thể lo nỗi lo của chúng sanh, không thể giải nguy nan của
chúng sanh. Có khi, đối với những mong cầu này của chúng sanh, bạn
luôn thờ ơ chẳng để ý, có lẽ trong mắt bạn, đó là việc
nhỏ, nhưng đối với chúng sanh mà nói thì là việc lớn. Chúng ta đã
quên mất chúng sanh và mình là một thể rồi.
Thứ hai, không hiểu được nỗi khổ và nhu cầu của chúng sanh thì làm
sao bạn có thể giúp họ phân ưu, giải nạn được. Chỉ có đi sâu vào trong
tầng lớp, hiểu rõ tình hình thì bạn mới biết được nên làm thế
nào giúp đỡ chúng sanh đến điểm quan trọng.
Thứ ba, tiện lợi cho bản thân là trước tiên, tiện lợi cho chúng
sanh đứng phía sau, điên đảo rồi. Mục tiêu của chúng ta là gì? Là
phục vụ cho chúng sanh, lại còn toàn tâm toàn lực phục vụ cho chúng
sanh, khi đụng chuyện, trước tiên chúng ta xem coi chính mình có được
tiện lợi hay không, sai rồi! Đem bản thân đặt lên phía trước, đặt
chúng sanh ở phía sau, tâm như vậy không phải tâm Phật, không phải
tâm Bồ-tát, bạn dùng tâm lạnh nhạt đối đãi với chúng sanh thì lâu
dài chúng sanh sẽ rời bỏ bạn mà đi.
Thứ tư, đổi vị trí mà suy nghĩ, gặp chuyện thì phải đặt mình vào
vị trí người khác, bạn đứng ở góc độ của đối phương, thể hội cảm nhận
và nhu cầu của đối phương thì khoảng cách giữa bạn và đối phương sẽ gần
lại hơn.
Thứ năm, đại ái vô bờ bến, tiểu ái thì không được. Nếu không
có tình thương rộng lớn thì chúng sanh đối với bạn sẽ cung kính nhưng
tránh xa. Bạn độ chúng sanh lẽ nào chỉ là nói suông thôi sao? Nói đến
đây, tôi sẽ kể cho mọi người một câu chuyện, là câu chuyện về lòng
quả cảm ngây ngô của tôi. Khoảng những năm 90, thời gian cụ thể tôi
không nhớ chính xác, đồng nghiệp Tiểu Trình của tôi đột nhiên bị bệnh nhập
viện, Tiểu Trình chính là người hai ngày qua đang nói về tâm Bồ-đề,
tìm tôi có việc, chính là anh Tiểu Trình đó. Buổi sáng anh ấy nhập
viện, buổi trưa vợ của anh ấy gọi điện cho tôi nói: Chị ơi, anh Trình
bệnh rồi, là bệnh truyền nhiễm, đã nhập viện rồi. Bác sĩ, y tá đều
không dám đến gần, nên để cho em đo nhiệt độ anh ấy, chị xem làm thế
nào đây? Thuốc cũng không đưa dùng. Tôi nói: em đừng lo, để chị đi xem
sao. Sau đó tôi đến bệnh viện, thấy Tiểu Trình đang nằm trên
giường, đúng là không có thuốc uống, vợ của anh nói với
tôi, phía trước Tiểu Trình có một giường bệnh của một vị sĩ quan quân
giải phóng 38 tuổi, cao hơn 1 mét 8, vừa mập vừa tròn, là một
thanh niên có sức khỏe rất tốt, mắc bệnh giống như Tiểu Trình, chưa
đến 3 ngày đã chết rồi. Vợ của anh ấy sợ hãi, nói: Chị ơi, phải làm
sao đây? Anh Trình có phải cũng nằm chờ chết không? Sau khi vào phòng
tôi hỏi Tiểu Trình, tôi hỏi: Tiểu Trình cậu có sợ chết không? Tiểu
Trình nói không sợ. Tôi nói: Không sợ chết thì làm thủ tục xuất viện đi,
về nhà với chị. Cậu ấy nói với vợ: Hãy nghe lời chị ấy, đi làm
thủ tục xuất viện về nhà thôi. Tôi nói: Đừng về nhà cậu, hãy về nhà
chị. Như vậy, tôi đã đưa anh ấy về nhà tôi. Tôi nói với anh ấy:
Chị đã dọn giường cho cậu nằm rồi, cậu hãy nghỉ ngơi đi, để chị nghĩ
xem làm thế nào. Tôi biết tôi cũng không am hiểu y học. Anh ấy mắc
bệnh gì tôi cũng không biết, dù sao tôi đã đưa anh ấy về nhà rồi, tôi
bèn nghĩ thôi thì còn nước còn tát, nếu có chết thì chết ở nhà, đừng chết
ở bệnh viện. Tôi nghĩ như thế, vô cùng đơn giản. Lúc đó con gái của
tôi ở nhà, cháu Xung đã nói với tôi: Mẹ ơi, con có một người bạn
tốt, mẹ của của bạn ấy biết trị một loại bệnh, vừa trị là
khỏi, không biết chú Trình có phải mắc bệnh này không, mời bà đến xem
sao, có được không mẹ? Tôi bảo vậy đi mời đi. Con gái tôi đã đi tìm
bà ấy, hơn nửa tiếng sau, đã mời được bà ấy về nhà. Tôi nói: Xin
bà xem coi cậu ấy bị bệnh gì. Bà ấy vừa nhìn thì nói: Ồ, chậm vài
tiếng nữa là mất mạng rồi. Bệnh này mắc phải là chết người
đấy, nếu như không cứu kịp thời. tiểu tử này bị cả hai bệnh, chữa
trị chậm trễ lại để chuyển nặng rồi. Bà ấy nói lời này là từ chuyên
môn, “chẳng phải để chuyển nặng rồi sao?” Tôi nói, cậu ấy bị bệnh gì
vậy? Bà nói, một cái là bệnh suy tim, một cái là bệnh dương mao
đinh. Tôi vừa nghe tên bệnh thì biết rằng, bởi vì tên bệnh này
trước đây tôi đã nghe qua, bệnh này rất lợi hại. Bà ấy nói: Bệnh
viện chưa truyền nước biển cho anh ta thật ra là đã cứu anh ta
đấy. Bệnh này sợ nhất là truyền nước biển. Nếu như truyền nước biển
vào thì anh ấy mất mạng rồi, tôi không cứu nổi anh ấy. Anh ấy
chưa truyền nước biển, quá tốt. Sau đó tôi nhớ bà ấy dùng lưỡi lam
cạo râu để lể lấy từng miếng nhỏ ra. Lúc lể thì nghe tiếng sựt
sựt, khó khăn lắm mới lể đứt được thứ giống như là mạch máu
vậy, sau đó máu chảy ra đều là màu tím đen, vừa tanh vừa
hôi, rất khó ngửi. Sau khi lể ra khỏi, máu cũng chảy ra
rồi, một lúc sau anh ấy cảm thấy nhẹ nhõm, cơn sốt cao dần dần hạ
nhiệt. Bà ấy nói: Đã thu xếp xong xuôi cho anh ấy rồi, nhưng anh
sợ gió, không được ra khỏi cửa. Tiểu Trình nói: Chị ơi, em về nhà
nhé. Tôi nói: Không được, cậu không nghe đó sao, sợ gió mà, cậu hãy ở
nhà chị. Sau đó tôi giữ anh ấy lại ở nhà tôi hai đêm. Khỏi bệnh
rồi, anh ấy nói: Em về nhà nghỉ ngơi hai ngày thì có thể đi làm. Tôi
nói được. Bây giờ cậu có thể về nhà. Sau khi tôi đi làm thì đồng
nghiệp nhỏ tuổi nói với tôi: “Ôi mẹ ơi, dì Lưu, dì to gan
quá, sao dì để chú Trình ở trong nhà dì vậy?” Tôi nói: “Không ở nhà
tôi thì ở đâu bây giờ?” Ở nhà của chú ấy. Tôi nói vậy không
được. Cô ấy nói “chẳng may chú ấy lây bệnh cho dì thì sao? Con nghe
nói là bệnh truyền nhiễm mà”. Tôi nói: cậu ấy không phải bị bệnh truyền
nhiễm, lúc đó dì cũng không nghĩ là cậu ấy bị bệnh gì nữa. Cô ấy nói:
Nhỡ chú ấy chết trong nhà dì thì sao? Tôi nói: Chết ở nhà dì thì dì lo hậu
sự, chết ở đâu thì chẳng phải lo hậu sự chứ? Sau cùng cô đồng nghiệp
nhỏ tuổi nói: Dì Lưu ơi, dì thật to gan quá, không ai dám làm như vậy
cả. Tôi nói tôi dám làm. Sau khi việc này trôi qua, tôi chẳng
nghĩ gì cả, thỉnh thoảng có nghĩ rằng, ây da, bạn xem người
này, bạn khởi lên một ý niệm thiện thì đã cứu được mạng họ
rồi. Sau đó cả nhà Tiểu Trình đều vô cùng cảm ơn tôi, nói: Chị ơi,
chị đã cứu mạng anh Trình rồi đó. Tôi nói: Đâu phải tôi cứu, chị đâu
có bản lĩnh đó, là bà ấy cứu ấy chứ. Nếu như bà ấy không biết
cứu thì tôi cũng không có cách nào. Tôi nói, là do cậu chưa tới số
chết, nên cậu sống được. Cho nên qua câu chuyện này tôi
nghĩ, nếu như lần đó, tôi có thể không quản đến được không? Tôi
vừa không rành y khoa, lại không hiểu biết, trong tình hình
đó mà đưa người về nhà mình, bây giờ nghĩ lại có chút sợ, tôi đã
hơi mạo hiểm, thế nhưng lúc đó thật sự tôi chẳng suy nghĩ gì hết, chỉ
nghĩ cách xem có thể cứu được anh ấy hay không. Kết quả, nhờ vào ý
niệm thiện nhỏ nhoi đó đã cứu được mạng anh ấy. Tôi kể câu chuyện này
cho mọi người, tuyệt không phải để khen ngợi bản thân, mà nói với mọi
người rằng tâm niệm của bạn rất quan trọng, bạn khởi ác
niệm, chẳng những hại người khác, mà còn hại bản thân hơn. Nếu
bạn có thiện niệm, thì bạn có thể cứu người khác và cứu cả chính
mình. Sau đó tôi mắc bệnh nặng như vậy nhưng không chữa mà
hỏi. Có lúc tôi nghĩ, phải chăng vì tôi có tâm thiện, cảm động
được trời và đất nên đã giữ được mạng sống của tôi. Tôi kể câu chuyện
này, xin cúng dường các đồng tu tham khảo.
Tham, sân, si, mạn,
nghi, oán, hận, não, nộ, phiền là chướng ngại lớn trong việc tu hành
của chúng ta, là chướng ngại lớn của việc chúng ta thành Phật. Mười
chữ này, bạn nhiễm phải chữ nào thì không thể đến thế giới Cực
Lạc, nếu như 10 chữ này bạn đều có đủ, bạn không đọa địa ngục thì ai
đoạn địa ngục chứ? Mục tiêu một đời này của chúng ta đã được xác định
rõ là liễu sanh tử, thoát luân hồi, đến thế giới Cực Lạc làm Bồ-tát,
làm Phật. Ở thế gian này người ta có đối với mình không tốt ra
sao, người hãm hại chúng ta nhiều đời nhiều kiếp thì đều tha thứ cho
họ, không để họ ở trong tâm, phải tháo bỏ được nút thắt lâu đời
đó, đừng thắt thêm nút mới. Chúng ta phải giống như chư Phật Như
Lai, khoan hoằng đại lượng. Thế nào là đại lượng? Đại lượng là
việc gì cũng có thể bao dung, không việc nào mà không thể bao
dung. Điều này quan trọng, vô cùng quan trọng.
Bốn mươi tám nguyện
của A-di-đà Phật là vô ngại thệ nguyện. Chúng ta phải xem trọng hai
chữ “vô ngại” này, có chướng ngại thì không được, có ưa ghét thì
không được. Phiền não căn bản là tham sân si mạn nghi, oán hận
não nộ phiền, 10 chữ này có thể buông xuống được thì vô ngại
rồi. Buông được 5 chữ phía trước, tâm đã vô ngại, buông xuống
được 5 chữ sau thì sự vô ngại rồi, lý sự đều vô ngại, chúng ta
phải học điểm này, hạ công phu trong cuộc sống thường ngày. Người hủy
báng chúng ta, người chướng ngại chúng ta, người hãm hại chúng
ta, phải tha thứ cho họ. Vì sao vậy? Đều là một thể. Khi Phật
giáo chưa được truyền vào Trung Quốc, Đại đức xưa Trung Quốc đều nói rằng: Trời
đất và ta cùng một gốc, vạn vật và ta là một thể. Người nói lời này
là người như thế nào? Ở Ấn Độ thì là Phật Bồ-tát, ở Trung Quốc chúng
ta gọi các ngài là thánh hiền, đại Thánh đại Hiền. Đã là một
thể thì còn có oán hận không? Người có tâm oán hận có thể làm
Phật, làm Bồ-tát không? Người mỗi ngày tạo nhân ngã thị phi có thể
làm Phật làm Bồ-tát không? Chúng ta mỗi ngày hô vang phải học Phật, học
Bồ-tát, muốn làm Phật, làm Bồ-tát, nhưng lời nói cử chỉ, hành vi tạo
tác của chúng ta không tương ưng với Phật, không tương ưng với
Bồ-tát, liệu có làm Phật làm Bồ-tát được chăng?
Mời xem phần kệ tụng
kế tiếp:
Ngã nhược thành Chánh Giác, lập danh Vô Lượng
Thọ, chúng sanh văn thử hiệu, câu lai ngã sát trung, như Phật
kim sắc thân, diệu tướng tất viên mãn, diệc dĩ đại bi tâm, lợi
ích chư quần phẩm, ly dục thâm chánh niệm, tịnh huệ tu Phạm
hạnh.
Bài kệ tụng này biểu
thị rõ vô lượng thọ. Bởi vì thọ mạng của Phật vô lượng, nên chúng
sanh vĩnh viễn có đức Phật làm nơi nương tựa cho chính mình, vĩnh
viễn không trở thành cô nhi mất mẹ. Đồng thời bất kỳ lúc nào, đức Di-đà
đều là “hiện tại đang thị hiện thuyết pháp”. Kinh A-di-đà trong vô lượng
kiếp sau vẫn là “hiện tại đang thị hiện” mà khai thị dẫn dắt chúng
sanh ngộ nhập Phật tri kiến, vĩnh viễn không gián đoạn giữa
chừng.
Đại ý của bài kệ tụng
này là, Pháp Tạng đại sĩ nói: khi Pháp Tạng tôi tương lai thành
Phật, danh hiệu của Phật là Vô Lượng Thọ, hết thảy chúng sanh chỉ cần
nghe đến danh hiệu tôi, hoan hỷ tín thọ, y giáo tu hành thì toàn
bộ đều sanh đến nước Cực Lạc. Người sanh đến thế giới Cực Lạc đều là
thân kim sắc chân thật, đầy đủ 32 tướng đại trượng phu. Người sanh
đến thế giới Cực Lạc không phải ở thế giới Cực Lạc an hưởng mọi thứ
diệu lạc không thể hình dung của chính mình, mà là học tập đức giáo
chủ A-di-đà Phật cũng phát khởi tâm nguyện đại bi phổ độ, thệ nguyện
vì hết thảy chúng sanh mưu cầu lợi ích chân thật vô thượng, vĩnh
hằng, triệt để, rốt ráo, nguyện độ hết thảy chúng sanh cùng sanh Cực
Lạc. Vì để giác tha thì trước tiên phải tự giác, cho nên bản thân xa
lìa hết thảy dục tình của thế gian, thâm nhập chánh niệm, dùng trí
tuệ thanh tịnh, siêng năng tu hành chứng nhập các hạnh vô dục, vô
thượng thanh tịnh của Niết-bàn.
Bốn câu mở đầu của bài
kệ trước là: “Tôi lập nguyện hơn đời, ắt đến đạo vô
thượng, nguyện này nếu không thành, thề không thành Đẳng
Giác” là trọng tâm của 48 nguyện, cũng là giáo nhãn của toàn
kinh, là bàn tay vi diệu của mười phương Như Lai tiếp dẫn chúng
sanh, là chiếc bè báu để tất cả chúng sanh thoát khổ, 48 nguyện chính
là từ 4 câu này mà mở rộng ra. Thánh hiệu A-di-đà Phật có vô lượng ý
nghĩa: vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng thanh tịnh, vô lượng
trang nghiêm, vô lượng trí tuệ, vô lượng Bồ-đề, cũng chính là vô lượng của
vô lượng. Vô lượng thọ biểu thị cho pháp thân thường trụ, nên danh
hiệu Vô Lượng Thọ này có thể thâu nhiếp tất cả danh hiệu, câu này
cũng là quảng nhiếp hết thảy công đức của A-di-đà Phật. Chúng sanh
hữu duyên nghe đến danh hiệu, nhờ nguyện lực vô biên của biển đại thệ
nguyện của đức Di-đà gia trì, đều nguyện đến cõi nước Cực Lạc, cho
nên chí tâm tin ưa, xưng niệm A-di-đà Phật. Thậm chí chỉ niệm 10
tiếng thì không ai mà không vãng sanh. Cho nên nói, “chúng sanh nghe
danh hiệu này, đều đến cõi nước tôi”, đây chính là trọng tâm của biển
đại thệ nguyện. Thuật lại nguyện thứ 18, đủ để chứng minh kệ tụng của
Pháp Tạng đại sĩ tuy ngắn nhưng bao hàm hết thảy chỗ tinh hoa chí
diệu của 48 nguyện. Có thể nghe được danh hiệu A-di-đà Phật mới có
thể niệm A-di-đà Phật, do tín nguyện trì danh nên được sanh về Tịnh
độ. Đến cõi nước Cực Lạc thì mọi mặt đều thăng tiến, không có duyên
thoái chuyển, thọ mạng vô lượng, nhất định thành Phật, nên được xưng
là đại nguyện vương.
Những chúng sanh đến
cõi nước tôi đều có thân kim sắc giống như Phật, có 32 tướng đại
trượng phu, cho đến các tướng thắng diệu thảy đều viên mãn. Người
vãng sanh chẳng những thân hình như Phật, quan trọng hơn là tâm niệm của
họ cũng đều đang học Phật, giống như Phật. Mọi người đến nước Cực
Lạc không phải vì để bản thân hưởng lạc mà là để học
Phật, nguyện giống như A-di-đà Phật, cũng là dùng tâm đại bi vĩnh
hằng mà lợi ích chúng sanh. Thế nên Vãng Sanh Luận nói: Hàng Nhị
Thừa không thể vãng sanh. Bạn chỉ cầu tự giác ngộ cho mình, bản thân
được an lạc, bản thân hưởng thụ, thậm chí là tự tư tự lợi, vì cá nhân mà
tính toán, vậy sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc được. Vì thế
phải phát tâm đại từ bi, phải làm lợi ích cho các quần sanh. Người
vãng sanh, họ không chỉ là thân tướng đại trượng phu kim sắc quang
minh, mà thù thắng hơn là họ đều có tâm đại bi. Nguyện chúng ta đều
có tâm đại bi giống như Phật, để làm lợi ích cho chúng sanh thuộc
phẩm loại khác nhau. Bạn phải giác tha, phải đi độ chúng sanh, nhưng
bản thân bạn không thể không giác ngộ. Muốn khiến người khác giác
ngộ mà bản thân bạn vẫn chưa giác ngộ thì sao có thể khiến người khác
giác ngộ được. Vì vậy đại sư Ngẫu Ích nói rất hay: bản thân bạn không
giác ngộ mà muốn giác ngộ người khác thì giống như bản thân bạn đang
trôi trong dòng nước, chính mình đang giành giật sự sống mà bạn lại
muốn cứu người ở trên bờ, việc này chẳng phải là buồn cười sao. Thế
nên đại sư Ngẫu Ích nói rất thấu triệt, bản thân cảm thấy người ở trên bờ
gặp nguy hiểm mà không biết chính mình còn bị nguy hiểm hơn. Đã là
như thế thì nếu muốn cứu độ chúng sanh, trước tiên phải đề cao sự
giác ngộ của bản thân, đoạn kệ tụng này có công đức không thể nghĩ
bàn, đề nghị các đồng tu thường xuyên đọc tụng.
Ly dục thâm chánh
niệm, tịnh huệ tu Phạm hạnh. Dục chính là tham dục, Kinh Tứ Thập
Nhị Chương nói: Ly dục tịch tĩnh là thù thắng nhất. Ly dục đã là tối
thắng thì đương nhiên không ly dục chính là nguy hiểm nhất. Trước mắt
có rất nhiều hiện tượng kỳ quái, có một số tín đồ Phật giáo chẳng những
không lìa dục mà thậm chí còn phóng túng dục vọng, tán thán việc
phóng túng dục vọng, tà kiến trói thân, dùng luận điệu kỳ quái mê hoặc
quần chúng. Hành giả sơ cơ cần phải cẩn thận nhận biết. Cho nên phải
lìa dục, lìa khỏi các dục nhiễm. Chánh niệm là một điều trong Bát
Thánh Đạo. Bát Thánh Đạo là, một – chánh kiến, hai – chánh tư
duy, ba – chánh ngữ, bốn – chánh nghiệp, năm – chánh mạng, sáu – chánh
tinh tấn, bảy – chánh niệm, tám – chánh định. Chánh niệm chính là
dùng trí tuệ chân thật mà nhớ niệm Chánh Đạo, dùng niệm vô lậu làm bản
thể, cũng chính là lìa khỏi tà kiến, phân biệt. Thật tánh của niệm
pháp gọi là chánh niệm. Thâm chánh niệm là chánh niệm rất sâu, ví dụ
như Bát-nhã ba-la-mật thâm sâu của Tâm Kinh, chẳng phải là Bát-nhã chung
của Tiểu thừa, mà là Bát-nhã bất cộng. Cho nên Bát-nhã thâm sâu là
chánh niệm thâm sâu. Vô Lượng Thọ Kinh Nghĩa Sớ nói: Lìa tướng, nhập
vào chân thật thì gọi là chánh niệm. Xả ly tất cả tướng, nhập vào
thật tướng của các pháp, đây gọi là chánh niệm. Có thể nhập vào thật
tướng, đây là thâm chánh niệm. Thế nào là thật tướng? Thật tướng
còn gọi là Phật tánh, pháp tánh, chân như, pháp thân, chân đế, pháp giới
v.v… Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, duy chỉ có chân thật
này là không biến đổi, hư hoại, nên gọi là thật tướng. Kinh nói: thật
tướng không có tướng, nhưng chẳng phải không có tướng. Hội Sớ nói, tịnh
huệ chính là Bát-nhã ba-la-mật, không phải là trí tuệ bất tịnh của
Tiểu thừa thế gian, cùng với Bát-nhã thâm sâu là như nhau. Phạm hạnh
chính là hạnh thanh tịnh vô dục. Bồ-tát đối với hết thảy các pháp bất
thiện đều có thể đối trị, có thể lìa khỏi hết thảy lỗi lầm, thân
tâm thanh tịnh, đây chính là Phạm hạnh. Pháp Tạng đại sĩ vì để
thực hiện hoằng nguyện phổ độ chúng sanh nên bản thân Ngài lìa
dục, nhập vào chánh niệm thậm thâm, lại dùng trí tuệ thanh
tịnh để soi chiếu phá tan hết thảy dục nhiễm, siêng năng tu tập,
chứng nhập hết thảy phạm hạnh của Niết-bàn. Còn câu “chúng sanh nghe danh
đến cõi nước tôi” cũng đều là phát tâm đại bi phổ độ, đại bi phổ độ
chúng sanh là khiến cho họ giác ngộ, nếu muốn giác ngộ họ thì trước
tiên chính mình phải giác ngộ, bản thân phải lìa dục, cần phải vào
sâu chánh niệm, dùng trí tuệ thanh tịnh để tu và chứng nhập phạm hạnh
của Niết-bàn.
Mời xem đoạn kệ tụng
kế tiếp:
Nguyện ngã trí tuệ quang, phổ chiếu thập phương
sát, tiêu trừ tam cấu minh, minh tế chúng ách nạn, tất xả tam đồ
khổ, diệt chư phiền não ám, khai bỉ trí tuệ nhãn, hoạch đắc
quang minh thân.
Phần kệ tụng này biểu
thị rõ vô lượng quang. Vì toàn bộ đại nguyện đều lấy vô lượng quang
thọ làm chủ thể, cho nên Cổ Đức nói: Mỗi một đại nguyện đều quy về
quang thọ. “Nguyện đem trí tuệ sáng, chiếu khắp mười phương cõi”, hai
câu này chỉ cho Phật Vô Lượng Quang. Trí tuệ quang và vô lượng
quang đều là một trong 12 Quang Phật, đều là danh hiệu khác nhau của
Phật Vô Lượng Thọ, đồng thời Phật quang phổ chiếu mười phương, chính
là diệu dụng của Phật Vô Lượng Quang. Trong bản dịch thời Đường
là: nguyện được vô lượng quang của Như Lai. Thế nên trí tuệ quang
chính là vô lượng quang. Đoạn này và đoạn trên chính là nói đến vô
lượng quang thọ, đây là chỗ y chỉ và quy túc của biển đại thệ
nguyện. Đại ý của đoạn kệ tụng này là: nguyện trí tuệ quang minh vô
lượng của tôi chiếu khắp đến mười phương cõi Phật, tiêu trừ sự ám
muội do ba loại cấu nhiễm tham sân si của tất cả chúng sanh sinh
ra, cứu tế các loại khổ ách và tai nạn, khiến tất cả chúng
sanh đều lìa khỏi nỗi khổ của ba đường ác, tiêu trừ tất cả phiền
não, sự tăm tối kết thành, khai phát mắt trí tuệ vốn có trong tâm của
chúng sanh, đồng thời chứng đắc pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Vô
Lượng Thọ đại biểu cho pháp thân thường trụ, đây là bổn thể. Vô lượng
quang là diệu tướng của bổn thể hiện ra. Trí tuệ quang là diệu dụng vốn có
của bổn thể.
Tiếp theo, tiêu trừ
tam cấu minh, hoạch đắc quang minh thân, tổng cộng sáu câu, sáu
câu này hiển thị diệu dụng. Kệ của đại sư Đàm Loan: Phật quang có thể
phá vô minh tối tăm, nên Phật còn có hiệu là trí tuệ quang. Do quang
minh của Phật có thể phá trừ phiền não căn bản của chúng sanh, vô minh tăm
tối, thế nên Phật dùng trí tuệ quang làm danh hiệu, quang phóng ra có
thể phá vô minh thì là trí tuệ quang. Việc này với câu trong Kinh Niết-bàn,
“quang minh gọi là trí tuệ” là như nhau.
Phổ chiếu thập phương
sát, trí tuệ quang chính là một trong mười hai quang của A-di-đà Phật
gồm: vô lượng, vô biên, vô ngại, vô đẳng, thường chiếu, thanh tịnh
v.v… Mỗi một quang trong đây đều bao hàm hết thảy công đức
diệu dụng của 12 quang. Cho nên trí tuệ quang giống như vô lượng vô biên
[quang] có thể chiếu khắp cõi nước mười phương, chiếu soi khắp cả hết
thảy mười phương hư không, khắp tất cả mọi nơi, không có nơi nào mà
không thể chiếu đến. Đồng thời quang minh này là trí tuệ, không chỉ
phá trừ sự tối tăm hôn ám trong thế gian này của chúng ta, mà còn có
thể phá trừ vô minh của chúng sanh. Chúng sanh sở dĩ là chúng
sanh chính là bởi vì một niệm vọng động nên đã xuất hiện vô
minh, do đó đọa lạc thành ra hình dạng hiện nay. Phật quang làm lợi
ích rộng khắp, không chỉ cho chúng sanh ở Cực Lạc mà đối với tất cả
chúng sanh trong toàn pháp giới, Phật quang phổ chiếu, gia trì bình
đẳng. Chỉ vì vô minh của chúng ta quá dầy, nên không thể cảm nhận rõ
ràng, thế nhưng Phật quang vẫn âm thầm gia trì, nhất định là không hư
dối. Bất kỳ đệ tử Phật nào đều có thể nói như vầy, chúng ta có
thể có điều kiện như hiện nay đều là được sự nhiếp thọ từ bi của Phật
quang nên mới có được tình hình như hiện nay.
Tiêu trừ tam cấu
minh, tam cấu chính là tham sân si, tạo thành sự vô tri của chúng
sanh. Do bởi vô tri nên không biết nghĩa lý chân thật, cũng không có
kiến giải chân thật, cho nên gọi là “minh”. Cõi quỷ gọi là “minh
giới”, càng hồ đồ tối tăm hơn. Phật quang phổ chiếu, đều vì tất
cả chúng sanh tiêu trừ sự tối tăm, vô tri do tham sân si tạo nên. Vì
vậy gọi là “tiêu từ tam cấu minh”.
Minh tế chúng ách
nạn, Hội Sớ nói là quảng tế chúng ách nạn. Minh tế chính là nghĩa
quảng độ, quảng độ hết thảy ách nạn. Ách chính là tật ách, khổ
ách, nạn là tai nạn, khổ nạn. Người đời không biết nên thường
làm việc sai lầm, bị mắc lừa, bị gạt, phạm pháp, tạo tội, nên thọ
hình, thọ báo. Những nỗi khổ do tội báo của con người trên dương
gian, chết xong là hết, chém gà vịt một dao, bắn người tội một
phát là xong. Nhưng ở địa ngục nỗi khổ của cái chết là vô cùng vô
tận. Sau khi chết rồi, gió thổi đến thì sống lại, sống xong rồi
lại chết, chết rồi lại sống, trong một đêm không biết bao nhiêu
vạn lần sanh tử. Chúng sanh có vô lượng vô biên các loại thống khổ và
tai nạn, chỉ có nương vào trí tuệ của Phật mới có thể được cứu.
Nguyện thứ 18 của
A-di-đà Phật nói rằng: thấy được quang minh của tôi, chiếu đến thân
người đó, đều được an lạc, từ tâm làm thiện, sanh đến nước tôi. Phẩm
Quang Minh Biến Chiếu của Kinh này lại nói: Người gặp được quang minh này,
cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn, nếu ở nơi cực khổ trong ba
đường ác thấy được quang minh ấy thì dừng được khổ, mạng chung đều
được giải thoát. “Cấu diệt thiện sanh, đều được giải thoát” ở đây chính
là “tiêu trừ tam cấu minh, minh tế chúng ách nạn”. Chúng sanh tại nơi
thọ khổ vô ngần ở địa ngục được Phật quang chiếu đến đều được ngừng
khổ, mạng chung được giải thoát. Phật quang thắng diệu, Phật nguyện
rộng sâu, khiến chúng sanh cảm ân đội đức không có cùng cực. Ân
đức của trí tuệ quang là khiến chúng sanh khổ nạn đều lìa được nỗi
khổ trong ba đường ác, hoàn toàn xả ly cái khổ của súc sanh, ngạ quỷ,
địa ngục trong tam ác đạo, điều này rất khổ, còn diệt trừ tất cả ngu
si, hôn ám do phiền não tạo nên. Vô minh và các loại phiền não che
lấp quang minh của bổn tâm, khiến người ngu muội vô tri, nên gọi là
‘’ám’’, ám là thí dụ, trí tuệ của Phật giống như ánh sáng mặt
trời, ánh sáng mặt trời có thể xua đi tăm tối, vì vậy gọi là ‘’diệt
chư phiền não ám’’.
‘’Khai bỉ trí tuệ
nhãn, hoạch đắc quang minh thân’’. Khai chính là khai mở tri kiến
Phật. Như Lai vì việc khai thị ngộ Phật tri kiến, đây là đại sự nhân
duyên duy nhất nên mới xuất hiện ở thế gian. Chư Phật khai thị tri
kiến của Phật, chúng sanh ngộ nhập tri kiến của Phật, chúng sanh có
được tri kiến của Phật tức thì khai mở trí tuệ đức tướng vốn có của
mình, cũng chính là câu ‘khai bỉ trí tuệ nhãn’ ở đây. Người ta quen
cho rằng khai thị chính là thuyết pháp, đây là dùng âm thanh làm Phật
sự. Ở nước Chúng Hương dùng hương thơm làm Phật sự, chúng sanh ngửi
được mùi hương, đạo nghiệp tự nhiên tăng trưởng. Nguyện này là lấy quang
minh làm Phật sự, chúng sanh thấy được quang minh thì khai mở Phật tri
kiến, tức là khai trí tuệ nhãn. Chữ ‘nhãn’ này đại biểu cho nhìn thấy. Sự
tu trì pháp môn tâm địa của Mật Tông dùng ‘kiến, tu, hạnh, quả’ làm cương
tông. Kiến là kiến địa, quán điểm và tư tưởng chủ đạo đặt ở hàng
đầu, bắt buộc phải có chánh kiến mới có chánh tu, chánh hạnh và chánh
quả chứng đắc khế hợp. Ngược lại thì đó là tu mù luyện đui mà thôi.
Thông thường chúng ta
gọi ngũ nhãn, Hoa Nghiêm gọi là thập nhãn, thứ ba là huệ
nhãn, thứ sáu là trí nhãn, thứ mười là nhất thiết trí nhãn còn gọi là
phổ nhãn, tức thấy được pháp giới Phổ Môn. Trí tuệ nhãn trong
Kinh tương đương với huệ nhãn, trí nhãn, nhất thiết trí nhãn, có
thể thấy được pháp giới Phổ Môn, cũng chính là Bát-nhã vô thượng. Vì
vậy có thể nói, trí tuệ nhãn là trí tuệ đức tướng của Như Lai mà
chúng sanh vốn có. Chúng sanh ngu muội vô tri, không biết chính
mình vốn có sẵn Phật tánh và trí tuệ của Phật, bởi vì chính mình
không có mắt nên đem tướng trí tuệ gán cho Phật, cho rằng chỉ có
Phật mới có. Thế nên đức Di-đà đại bi, Phật quang chiếu
xuống, dùng quang minh ấy tuyên diệu pháp, khai thị cho chúng sanh, khiến
chúng sanh khai mở mắt trí tuệ vốn có trong tự tâm, thấy rõ được trí
tuệ đức tướng của Như Lai vốn có trong tự tâm.
Trong phần vô lượng
thọ chỉ ra pháp trì danh cực kỳ quan trọng, còn trong đoạn này nói
rõ diệu dụng vô thượng của trí tuệ, ám chỉ cho Bồ-đề tâm. Phần
đại bi đại nguyện đã được nêu rõ trong bài kệ tụng, nay lại bổ túc thêm
phần đại trí tuệ, cho nên toàn bộ hiển hiện Bồ-đề tâm. Phát Bồ-đề
tâm, nhất hướng chuyên niệm là điều kiện buộc phải có của ba bậc vãng
sanh, là cương tông của kinh này. Trong bài kệ tụng này lại nêu ra nữa. Hoạch
đắc quang minh thân, khiến tất cả chúng sanh đều có thể đạt được thân
quang minh. Tư Ích Kinh nói rằng: Thân của Như Lai chính là bảo
tạng vô lượng vô biên quang minh. Thân của Như Lai có vô lượng quang minh cho
nên thân Như Lai chính là kho báu vô lượng quang minh. Vãng Sanh Luận
Chú nói rằng: Quang minh của Phật chính là tướng trí tuệ, cho nên
quang minh tạng chính là trí tuệ tạng. Quang minh thân chính là thân trí
tuệ, nên đã khai mở trí tuệ nhãn thì thành tựu được thân quang
minh, bởi vì trí tuệ và quang minh là không hai. Do đây có thể
thấy, Phật mong tất cả chúng sanh cũng đều có trí tuệ của Phật, thân
của Phật; thân tâm đều giống như Phật, đồng với Như Lai.
Tham sân si mạn
nghi, oán hận não nộ phiền, bạn kết bạn với chúng, ngày ngày đều
trói bạn, học Phật có chánh niệm, tâm lượng phải mở rộng, thật
thà niệm Di-đà, hàng phục các ma oán, trời đất cùng một gốc, vạn
vật là một thể, hiểu được đạo lý này, bạn chính là thánh
hiền, Di-đà đại từ bi, Phật quang soi chiếu đến, đến Tây Phương
làm Phật, chư Phật đều tán thán.
Tiết học này xin giao
lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!