PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc
giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời
gian: 10/12/2020
Địa điểm:
Tiểu viện Lục Hòa
Tập 39
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Xin xem phần kệ tụng
tiếp theo:
Bế tắc chư ác đạo, thông đạt thiện thú môn, vị chúng
khai pháp tạng, quảng thí công đức bảo.
Phần kệ tụng này nêu
ra căn nguyên của đại nguyện. Kinh Tỳ-lô-giá-na nói: Đại bi làm
gốc. Thệ nguyện thù thắng, vô biên diệu hạnh trong hai đoạn vô lượng
quang thọ phía trước, xuất phát điểm của nó, tổng thể của
nó, chỗ quy túc của nó chỉ là một câu: Vì vô lượng hết thảy
chúng sanh đều được lợi ích chân thật triệt để rốt ráo. Nói đơn giản
một chút thì đó chính là lợi tha, đây chính là gốc. Bế tắc chư
ác đạo, muốn đóng bít tất cả con đường dẫn đến ác đạo, khiến
chúng không thông, khiến hết thảy chúng sanh không còn đi vào ác đạo nữa. “Chư
ác đạo”, xin chú ý từ “chư”, nghĩa là rất nhiều, hết thảy, tất
cả. Ác đạo có một số cách giải thích như sau, xin cúng dường các đồng
tu tham khảo.
Thứ nhất, Kinh Địa Trì
nói rằng: Theo ác hạnh mà đi thì gọi là ác đạo. Hoàng Niệm Lão giải
thích rằng: Con đường do ác hạnh dẫn lối thì gọi là ác đạo. Ác
đạo có ba đường, trong Kinh của chúng ta thường gọi là địa ngục đạo,
ngạ quỷ đạo, súc sanh đạo. Thứ hai, lục đạo đều là ác đạo, bởi vì lục
đạo đều là ở trong luân hồi, đều không triệt để lìa khỏi quỷ đạo, súc
sanh đạo, địa ngục đạo, cho nên đều là ác đạo. Kinh Vô Lượng Thọ, bản
dịch thời Ngụy nói rằng: Cắt ngang năm đường ác. Năm đường ác là đem
cõi tu-la phân tán vào các cõi còn lại, bởi vì a-tu-la có rất nhiều trường
hợp, có a-tu-la trong cõi trời, cõi người, cõi quỷ, cõi súc
sanh, vì vậy “bế tắc chư ác đạo” là chỉ đường lục đạo đều không thông
nữa.
“Thông đạt thiện thú
môn”, “thông đạt” nghĩa là thông suốt không trở ngại, không có bất kỳ
chướng ngại nào. Môn có hai nghĩa, một là khác biệt, hai là tiến
vào. Quyển thứ nhất của Đại thừa Nghĩa Chương nói rằng: Thể loại
không như nhau nên gọi là môn, chúng ta hay nói là phân chia thành từng
loại khác nhau, ví dụ: bộ môn, môn loại. Lại có thể thông vào, tiến
vào thì gọi là môn. Ở chỗ này mở cửa ra thì người có thể ra vào. Niệm
Lão giải thích cho chúng ta: Pháp có nhiều loại khác biệt tức là có
nhiều môn, đều có thể khiến người tiến vào Niết-bàn, 84.000 pháp
môn, pháp môn bình đẳng, không có cao thấp. Vì sao vậy? Mỗi pháp
môn đều có thể giúp đỡ chúng ta phá mê khai ngộ, đều có thể giúp
chúng ta chứng nhập Đại Niết-bàn, thế nên gọi các pháp trong kinh là
môn. Chúng ta y theo phương pháp trong kinh tu hành thì có thể lìa
khổ được vui, có thể siêu thoát luân hồi, có thể vãng sanh thế giới
Cực Lạc, đây đều là nghĩa của chữ “môn”. Quyển ba Tứ Giáo Nghĩa nói
rằng: Môn có nghĩa là giáo năng thông của Phật pháp nói về chánh nhân
duyên bốn câu pháp, thông cho hành nhân đến lý chân tánh thật
tướng, nên gọi là môn. Đây chính là nghĩa trong kinh này.
Thiện thú có những
cách giải thích như sau, xin cúng dường các đồng tu tham khảo:
Thứ nhất, thiện thú thông thường chỉ cho ba đường thiện trong sáu
đường, đây là cách nói thông thường. “Thiện thú” chính là đường
thiện, ba đường thiện chính là cõi trời, cõi người, cõi
a-tu-la. Nhưng điều này lại trái với nghĩa trong kinh, không giống
với nghĩa của đoạn kinh văn này của chúng ta, xin chú ý đoạn tiếp
theo. Phần trên đã gọi lục thú đều là ác thú, nên cõi người và cõi
trời không thể gọi là thiện thú được. Nên biết “thiện thú môn” không
phải là lối dẫn hướng vào nẻo trời và người, mà là nơi bậc Thượng Thiện
hướng đến, nên gọi là “thiện thú môn”. Như sách Hội Sớ
nói: Bồ-đề là chỗ đến của bậc Thượng Thiện, nên gọi là “thiện thú
môn”. Ý nghĩa của đoạn này là: Người học Phật chúng ta, mục tiêu,
phương hướng chính là cầu Bồ-đề, Bồ-đề chính là giác, giác ngộ vô
cùng quý báu, vô cùng khó được. Bậc thượng thượng căn đời này ở
thế gian cầu điều gì? Cầu Bồ-đề, họ không cầu thứ khác. Bồ-đề chính
là chữ giác trong thanh tịnh, bình đẳng, giác của đề kinh. Bồ-đề từ
đâu mà có? Từ bình đẳng mà có. Bình đẳng từ đâu mà có? Từ thanh
tịnh mà có. Thanh tịnh từ đâu mà có? Từ buông xuống mà có. Danh
văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, không chỉ như thế, mà còn phải buông
xuống hết thảy phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm thì Bồ-đề mà
tự tánh vốn có tự nhiên sẽ hiện tiền.
Hai, nhập vào pháp môn Bồ-đề diệu giác mới là “thiện thú
môn”. Hội Sớ nói: Bồ-đề là chỗ đến của bậc Thượng Thiện. Trong
Phật pháp duy chỉ có Đại thừa, Thanh văn, Duyên giác không có
phần, Quyền Giáo Bồ-tát cũng không vào được. Thanh văn là
A-la-hán, Duyên giác là Bích-chi Phật, họ chỉ đoạn kiến tư phiền
não; Bích-chi Phật không chỉ đoạn kiến tư phiền não, mà ngay cả tập
khí của kiến tư phiền não cũng đoạn luôn, nên họ cao hơn
A-la-hán, nhưng chưa phát tâm Bồ-đề. Quyền giáo Bồ-tát cũng chưa phát
tâm Bồ-đề, không thể tiến vào cửa Chân Thật được, họ cao hơn
A-la-hán. A-la-hán đoạn kiến tư phiền não, Họ đoạn phân
biệt, cũng chính là định mà họ tu là bình đẳng, trong Kinh nói là
“thanh tịnh, bình đẳng, giác”. A-la-hán là thanh tịnh, Quyền Giáo
Bồ-tát là bình đẳng, phát tâm Bồ-đề thì giác rồi, thì minh tâm kiến
tánh thành Phật rồi. Chưa phát tâm Bồ-đề, họ vẫn còn ở địa vị
Bồ-tát. Tam Hiền của Biệt Giáo thật sự phát tâm Bồ-đề thì họ sẽ
đăng Địa. Ở địa vị Thập Tín của Viên Giáo phát tâm Bồ-đề thì họ
sẽ đăng Sơ Trụ, Sơ Trụ thì minh tâm kiến tánh, đây là Đại thừa Viên
Giáo, cho nên Bồ-đề là chỗ đến của bậc Thượng Thiện, đây gọi là
“thiện thú môn”, chúng ta phải hiểu rõ, phải phát tâm Bồ-đề.
Ba, “thông đạt thiện thú môn”, “thiện thú” ở đây chỉ cho
tại các đạo tràng thù thắng như ở thế giới Cực Lạc hoặc cõi nước Phật
khác, Đâu Suất nội viện v.v… lên địa vị Bồ-tát, thành Phật, làm
Tổ. Môn này duy chỉ có bậc Thượng Thiện đã phát tâm Bồ-đề mới có thể
tiến vào, mở toang được cửa này. Nên nói, “thông đạt thiện thú
môn”, làm thế nào để mở toang cửa? Duy chỉ có pháp môn Tịnh độ thành
tựu cõi nước thanh tịnh, nhiếp trọn quần sanh mà thôi. Pháp môn Tịnh
độ là thiện thú môn đệ nhất trong “thiện thú”, vì sao vậy? Bất
luận là người nào đều có thể vào, chỉ cần có đủ tín, nguyện, trì
danh thì bạn vào được rồi. 84.000 pháp môn khác gọi là “thông đồ
pháp môn”, nhất định phải thanh tịnh, bình đẳng, giác thì mới có thể
đi vào. Pháp môn Tịnh độ, đới nghiệp vãng sanh, đến được thế giới Cực
Lạc, được sự gia trì của 48 nguyện của A-di-đà Phật, tập khí của
chúng ta không cần chính mình đoạn mà tự nhiên không còn nữa, việc
này không thể nghĩ bàn, là pháp khó tin.
“Vị chúng khai pháp
tạng, quảng thí công đức bảo”, hai câu này không thể nghĩ
bàn, Phật muốn tiêu trừ phiền não cho tất cả chúng sanh, đóng bít các
đường vào sáu cõi ác đạo, mở ra thế giới Cực Lạc để vãng sanh, “thiện
thú” chính là con đường nhất định thành Phật. Vậy trước tiên phải khai thị
diệu pháp cho chúng sanh, khiến chúng sanh ngộ nhập Phật tri
kiến, nên phải “vì chúng khai tạng pháp”. “Vị chúng khai pháp
tạng”, theo trên mà nói, phần trên nói “đóng bít các ác
đạo, khiến đều ra khỏi biển sanh tử, thông đạt các cửa lành, làm
cho hết thảy hàm linh đều đến được bờ Niết-bàn”. Vì để thực hiện lời
nguyện này trước tiên cần phải khai Phật tri kiến, cũng chính là “dạy
học làm đầu” mà chúng ta thường nói. Vì chúng khai tạng pháp chính là dạy
học, đây chính là thật sự rộng thí báu công đức. Mà trong hết thảy
các tạng pháp, Tịnh độ là pháp môn mà hết thảy chúng sanh nương vào
để được độ thoát, có thể ban cho chúng sanh lợi ích chân thật.
“Quảng thí công đức
bảo”, “quảng thí” là ban cho trọn khắp hết thảy chúng sanh, làm lợi
ích khắp cho tất cả chúng sanh, nên gọi là “quảng thí”. Vật dùng để
thí chính là báu công đức, công đức nói theo cách thông thường
là đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Lợi ích người khác là
công, quy về chính mình là đức. Đoạn sạch toàn bộ ác là
công, thiện đều viên mãn đầy đủ là đức. Bảo có ba ý nghĩa. Một
là mỹ hiệu để tôn xưng, ví dụ niệm Phật Tam-muội được gọi là bảo
vương Tam-muội, ấn khế của Phật Bồ-tát được gọi là bảo ấn. Hai là
dịch sát nghĩa của từ “Ma-ni”, như ý chính là như ý bảo châu, có thể
thỏa mãn nguyện của chúng sanh. Bởi vì châu Ma-ni có đủ loại màu
sắc, tùy theo tâm nguyện của người niệm chuỗi Ma-ni mà hiện ra màu
sắc họ muốn thấy. Ba là pháp bảo chân thật, Trí Độ Luận
nói: Trong các pháp, pháp bảo là báu chân thật, đời này đời
sau, cho đến vào Niết-bàn đều có thể làm lợi ích. Người đắc pháp từ
nay cho đến khi vào Niết-bàn đều từ trong đây mà được lợi ích, nên
gọi là báu chân thật. “Thí công đức bảo” trong kinh này nói, “bảo”
đây có ba ý nghĩa như sau: mỹ hiệu để tôn xưng, có thể thỏa mãn nguyện của
chúng sanh và pháp bảo chân thật. Trong Kinh Quán Phật Tam-muội có
câu chuyện như sau:
Có một ông Vua ra
ngoài du ngoạn, mang theo một cái bình báu, bên trong có ấn báu của
Vua, một người nọ dùng thuật lừa đảo trộm mất cái bình báu, mọi
người truy lùng người đó. Rất nhiều rắn độc cũng từ bốn phương tám
hướng đến cắn kẻ lấy trộm bình báu, người ấy trèo lên một cây
lớn, có 6 con voi đen dùng mũi quật ngã cây to, người ấy từ trên
cây té xuống đất chết, thế nhưng ngay lúc then chốt ấy, người ấy đã
nuốt mất bình báu và ấn báu, thân thể tan hoại rồi nhưng ấn báu
trong bình phóng quang, những con rắn độc đều sợ hãi bỏ chạy. Phật
nói với A-nan: người trụ trong niệm Phật, tâm ấn không hoại, cũng như
thế ấy. Thế Tôn khai thị: người trụ vào niệm Phật, tâm ấn không
hoại, cũng như thế vậy, đây thật sự là tâm châu vô thượng của Như
Lai, là báu cực quý trong một đời dạy dỗ, cũng chính là “công đức
bảo” rốt ráo chân thật. Thế nên pháp môn Tịnh độ là ngàn Kinh vạn
Luận đều nói đến, mười phương chư Phật đều tán thán. Là bởi vì người
trụ trong niệm Phật, tâm ấn không hoại. Hai từ “tâm ấn” có phân lượng thế
nào? Chư đại Tổ sư, tổ tổ tương truyền chính là tâm ấn của
Phật. Năm xưa trên hội Linh Sơn, Thế Tôn cầm hoa, Ca Diếp mỉm
cười, Phật nói: Niết-bàn diệu tâm, chánh pháp nhãn tạng của
Ta giao phó cho Ma Ha Ca Diếp, Ca Diếp truyền cho A-nan, cho đến
tổ Đạt Ma, thứ được truyền chính là tâm. Ấn là chánh ấn của Pháp
Vương, là tỉ dụ, không phải thật sự chỉ cho ấn tỉ của Pháp
Vương, mà là nêu ra rõ tác dụng quan trọng của nó giống như ấn chương
vậy. Trong Phật giáo, thứ mà tổ tổ tương truyền là tâm, thứ mà các
trưởng quan địa phương thời xưa giao tiếp là ấn, tiếp ấn rồi tức là đã
tiếp nhận toàn bộ quyền lực, nắm lấy toàn bộ quyền lực thì dựa vào ấn
này. Dùng thứ này để tỉ dụ cho tâm mà Phật Phật tương truyền, Tổ Tổ
truyền cho nhau. Tâm chính là ấn của Phật, ấn biểu thị cho tâm của
Phật, tâm ấn hợp lại với nhau, ý nghĩa càng sâu sắc, rõ ràng
hơn. Thế nên chư Phật, chư Tổ, tâm tâm tương truyền, tâm tâm tương
ấn, thế nên nói rằng “Phật Phật đạo đồng”, đây là căn bản của căn
bản.
Một phàm nhân trụ nơi
niệm Phật sẽ có tâm ấn của Phật, đồng thời tâm lại phóng
quang, giống như phía trước nói người trộm bình báu bị ngã chết
rồi, thân thể vẫn phóng quang, do vì có ấn báu. Cho nên đây là
con mắt của một Đại Tạng Giáo, khi bạn trì danh niệm Phật chính là
lúc tâm ấn của bạn phóng quang, thế nên nói “một tiếng Phật hiệu, một
tiếng lòng”. Người trụ vào niệm Phật chính là tâm ấn không
hoại, chính là thường chiếu, chính là phóng quang. Vậy lúc bạn niệm Phật
thì tất nhiên tâm quang hiển hiện. Kinh Đại Tập nói: Nếu người nào
chỉ niệm A-di-đà, thì đó chính là Vô thượng thâm diệu Thiền. Là
Thiền, không những là Thiền mà là Thiền thâm diệu nhất, không những
là Thiền thâm diệu mà là vô thượng thâm diệu Thiền. Khai thị của Như
Lai về người trụ trong niệm Phật tâm ấn bất hoại chính là ấn mà chư
Phật dùng tâm ấn tâm, là tâm mà chư Tổ dùng tâm truyền tâm. Nếu có
thể tin nhận thì chính là đã khai trí tuệ nhãn cho chúng ta, nhất
định được thân quang minh.
Mời xem kinh văn tiếp
theo.
Như Phật vô ngại trí,
Sở hành từ mẫn
hạnh,
Thường tác thiên nhân
sư,
Đắc vi Tam Giới
hùng,
Thuyết pháp sư tử
hống,
Quảng độ chư hữu
tình,
Viên mãn tích sở
nguyện,
Nhất thiết giai thành
Phật.
Mỗi bài kệ tụng trong
đoạn trên đều đề cao và đi sâu vào phần tổng kết đại thệ nguyện
hải, 48 nguyện của đức Di-đà. Còn bài kệ 8 câu này trong phần
kinh văn lời nguyện không có nhắc đến, đây cũng là thường lệ của kinh
Phật, trong phần kệ tụng bổ sung thêm nội dung mà phần trường hàng
không có. Nội dung của bài kệ tụng này xác thật có hàm nghĩa vô cùng
quan trọng, đại ý của đoạn kệ tụng này là: Tôi nguyện có được Phật
trí tự tại vô ngại giống như Phật, và sở hạnh giống như Phật, là
hạnh đại từ đại bi, phổ biến làm lợi ích cho chúng sanh, nguyện được giống
như Phật, thường làm đạo sư của trời người để giáo hóa hữu
tình, trở thành bậc đại anh hùng không hề khiếp sợ trong Tam
Giới, tôi nguyện tất cả đại nguyện đã phát trong quá khứ đều được
viên mãn, đó chính là “hết thảy đều thành Phật”.
Tám câu kệ tụng
này, đặc biệt là 6 câu đầu, Pháp Tạng đại sĩ nguyện thành tựu vô
lượng thọ, vô lượng quang, khai mở trí tuệ nhãn, đồng thời đều được
thân quang minh, nỗ lực cầu tự giác không ngừng tăng trưởng, đồng với
Như Lai. Do vì toàn bộ thệ nguyện đều là giác tha, nếu muốn người
khác giác ngộ, trước tiên chính mình cần phải giác ngộ. Bản thân vẫn
còn ở trong vô minh phân biệt, toàn thể đều là mê thì sao có thể khởi
phát dẫn dắt mọi người cầu giác ngộ được. Kết quả chỉ có thể là một người
mù dẫn đám người mù cùng tiến vào hầm lửa. Vào thời Mạt Pháp hiện
nay, lỗi lầm này đặc biệt hiện rõ, bất luận tại gia xuất
gia luôn thích làm thầy người khác, hoặc tự phong các mỹ hiệu như
Phật sống, Pháp Vương v.v… đăng đàn buôn bán Pháp, hoặc dùng lời
hay ho tự khen mình, vọng đàm những điều tương tự Bát-nhã. Người bậc
cao trong việc hoằng pháp khó tránh khỏi việc phun nộc độc, nói là trị
bệnh, [nhưng] trên thực tế là lang băm giết người. Kẻ kém cỏi ắt sẽ
hủy hoại, làm bại hoại giáo pháp, trộm danh lừa đời, đoạn huệ mạng
người, làm ác đa đoan. Thế nên, tín đồ Phật giáo thật sự thì đối với
những việc này cần phải hết sức cảnh giác.
Pháp Tạng đại
sĩ vì để chân thật quán triệt đại nguyện của mình nên buộc không thể
hài lòng với những gì mình đã đạt được, tiếp tục leo thẳng lên đỉnh núi
Diệu Cao, chứng nhập rốt ráo Vô Thượng Bồ-đề. Theo lời của hai vị đại
sư là Thiện Đạo và Đàm Loan, Pháp Tạng đại sĩ lúc ấy đã là Thập Địa
Bồ-tát, thế nhưng đại nguyện vô tận, thệ cầu sự giác ngộ vô
thượng bi trí cực tròn đầy của Như Lai, cầu đạt được trí tuệ vô ngại và
hạnh từ mẫn của Phật. “Như Phật vô ngại trí” là mong cầu bản
thân có trí tuệ ngang bằng với Như Lai, trí tuệ vô ngại, đối với
pháp bất nhị về sanh tử, Niết-bàn v.v… đều thông đạt tự
tại, dung thông tự tại, không có chướng ngại.
Kinh Đại Tập
nói: Trí tuệ vô ngại không có bờ mé, không có cùng tận, không có biên
giới, khéo hiểu về ba nghiệp của chúng sanh, [là] ba nghiệp thân khẩu
ý của tất cả chúng sanh, tất cả những việc đã tạo, Như Lai đều thông
suốt, biết cách giải trừ. Thế Tôn lại nói: Ta làm Pháp Vương, tự
tại với các pháp, trí tuệ vô ngại thông đạt tự tại, dung thông tự tại
hết thảy pháp môn tự tại, đó chính là tự tại với mọi pháp. Thế nên vô
ngại trí là trí tuệ của Như Lai, nên trong đại thệ nguyện của Pháp Tạng
đại sĩ có trí tuệ vô ngại giống như Phật.
“Sở hành từ mẫn
hạnh”, câu này là Pháp Tạng đại sĩ nguyện được đại từ đại bi giống
như Phật, những điều mình làm đều là vô duyên đại từ, đồng thể đại bi
giống như Thế Tôn, đối xử với chúng sanh giống như con một. hai câu
nói này, câu trên là cầu trí tuệ vô ngại, nguyện có trí tuệ giống như
Phật; câu tiếp theo cầu được sự từ bi giống như Phật, hai câu này rất
quan trọng, chính là bi trí song vận. Trí tuệ và từ bi giống như hai
cánh chim, không thể thiếu một thứ.
“Thường tác thiên nhân
Sư”, thiên nhân sư là một trong mười hiệu của Phật. “Đắc vi tam giới
hùng”, tam giới hùng cũng là một loại đức hiệu của Phật, bởi vì
Phật đã đoạn hết tất cả phiền não, hùng mãnh vô úy, nên trở thành đại
anh hùng trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Thế nên chánh
điện cúng dường Thế Tôn ở chùa gọi là đại hùng bảo điện. Vì vậy hai
câu này chính là nói mong muốn phước và trí đều như Phật, làm thầy
của trời người, ban bố giáo hóa khắp cả, không hề sợ sệt, trở thành
đại anh hùng của tam giới.
“Thuyết pháp sư tử
hống”, sư tử chính là sư tử, xưa nói rằng khi sư tử gầm lên thì
muôn loài sợ hãi, tỉ dụ cho pháp mà Thế Tôn thuyết ra được nói một
cách dứt khoát không e sợ, có thể khiến mọi người chấn động, ngoại
đạo run sợ.
“Viên mãn tích sở
nguyện”, tích sở nguyện chính là 48 nguyện mà Pháp Tạng tỳ kheo đã
kết thành trong năm kiếp. Tất cả đại nguyện này tôi đều muốn viên
mãn, viên mãn như thế nào? Hết thảy đều thành Phật. Tán nhuyễn
câu nói này vào trong hư không, rải đều xuống đại địa, không những
hết thảy hữu tình như ruồi, kiến đều thành Phật, mà chúng sanh trong
địa ngục đều thành Phật, đồng thời vật vô tình như sơn hà đại địa,
gạch, ngói, bàn ghế, quần áo, giày vớ cũng đều thành Phật. Cho nên
câu này chính là bản thể của 48 nguyện, từ trong câu này lưu xuất ra
48 nguyện. Vãng Sanh Luận có thể chú giải cho điều này rằng, thế
giới Tây Phương Cực Lạc, cõi nước là trang nghiêm, đây là y báo, biểu
thị cho vô tình; trang nghiêm của Phật, trang nghiêm của Bồ-tát, ba
loại trang nghiêm này đều thâu vào trong nhất pháp cú. Nhất pháp cú
chính là thanh tịnh cú, thanh tịnh cú chính là trí tuệ chân thật,
pháp thân vô vi. Thế nên tất cả đều là sự hiển lộ của trí tuệ chân
thật, pháp thân vô vi, cũng chính là hết thảy đều là pháp thân Phật.
Thanh tịnh có hai
loại, một là thanh tịnh của khí thế gian, một thứ là thanh tịnh của
hữu tình chúng sanh thế gian, thế gian hữu tình chúng sanh, khí thế
gian vô tình chúng sanh thảy đều thanh tịnh, đều là trí tuệ chân thật,
pháp thân vô vi. Vì vậy hữu tình, vô tình đều thành Phật đạo, chỉnh
thể là pháp giới Nhất Chân của Hoa Nghiêm. Nhất Chân pháp giới là bản thể
của đại pháp huyền diệu, không có đối đãi, nên gọi là Nhất. Chân thật
lìa vọng, nên gọi là chân, dung nhiếp vạn pháp nên gọi là pháp
giới, tổng hợp lại gọi là Nhất chân pháp giới. Trong pháp giới mỗi
một vi trần đều là Nhất chân pháp giới, một chân thì hết thảy
chân, một thành thì hết thảy thành, toàn bộ là không thể nghĩ
bàn. Tam Tạng Pháp Số lại nói: Vô nhị gọi là nhất, chẳng vọng
gọi là chân, toàn bộ thấu triệt, dung nhiếp lẫn nhau nên gọi là pháp
giới, chính là pháp thân bình đẳng của chư Phật, từ xưa đến nay không
sanh không diệt, chẳng không chẳng có, lìa danh lìa tướng, chẳng
trong chẳng ngoài, duy nhất chân thật, không thể nghĩ bàn, đó gọi là
Nhất Chân pháp giới. Có thể thấy Nhất Chân pháp giới là cảnh giới của
pháp thân chư Phật, căn bản không có sanh diệt, không có các khác
biệt giữa có không, danh tướng, trong ngoài. Có khác biệt thì không
bình đẳng rồi, không phải là sự đại giác ngộ nhất loạt bình đẳng.
Nước trong ao sen thất
bảo ở Thế giới Cực Lạc có thể nói đủ mọi loại pháp, thỏa mãn ý nguyện
của chúng sanh, muốn nghe pháp nào thì nước sẽ nói pháp đó cho
bạn, bao nhiêu người đều đang bơi lội, tắm gội, nhưng mỗi người đều
có thể nghe được diệu pháp mà mình muốn nghe, hơn nữa nghe xong rồi lập
tức có thể hiểu, xin hỏi đó là nước gì vậy? Nước chính là
Phật, hết thảy đều thành Phật, nước thành Phật rồi, nếu không
phải Phật thì sao có trí tuệ như vậy được? Bạn muốn sâu nước sẽ
sâu, bạn muốn nông, nước sẽ nông, bạn muốn tắm gội nước sẽ từ trên
đầu xối xuống, bạn muốn ấm nước sẽ ấm, bạn muốn mát nước sẽ
mát, kỳ diệu nhất là có thể thỏa mãn tâm nguyện khác nhau của mỗi
người, tuyên thuyết đủ loại diệu pháp khác nhau. Đó là nước gì
vậy? Gọi là nước Phật cũng được, gọi là Phật nước cũng được, có
thể thấy thế giới Cực Lạc không thứ nào mà không thành Phật. Không những
thế giới Cực Lạc mà tất cả thế giới không có thứ nào mà không thành
Phật, cho nên câu “hết thảy đều thành Phật” có thể nói là con đường
hướng thượng, câu nói sau cùng của Thiền tông, cũng có thể gọi là
“đại viên mãn” trong Mật tông, đại viên mãn là không gì chẳng viên
mãn, mỗi mỗi đều viên mãn, mỗi thứ đều trọn đức, mỗi mỗi đều thành
Phật, sự thù thắng của Mật tông cũng chính là ở chỗ này. Phần Thủ Lăng
Nghiêm trong kinh Thủ Lăng Nghiêm ý nghĩa là: hết thảy sự đều rốt ráo kiên
cố, tất cả sự việc, bất kỳ sự việc nào, không có một thứ nào chẳng
phải là kiên cố rốt ráo, là kiên cố thường hằng, triệt để. Ở đây với
hết thảy đều thành Phật là một câu, câu nói này viên mãn vạn đức, chẳng
lập một pháp, có nói thêm nữa chỉ là vẽ rắn thêm chân mà thôi, đáng
tiếc là đã thêm vào không ít rồi.
Mời xem bài kệ tụng
tiếp theo:
Tư nguyện nhược khắc quả, đại thiên ưng cảm động, hư
không chư thiên thần, đương vụ trân diệu hoa.
Đại ý của bài kệ tụng
này là: Đại nguyện mà tôi đã phát nếu có thể viên mãn, tam thiên đại
thiên thế giới, hết thảy thánh linh đều sẽ bị cảm động, các vị thiên
thần trên không tự nhiên hoan hỷ, thị hiện tướng lành, có thể từ trên
trời tuôn xuống mưa hoa trân kỳ mỹ diệu. “Tư nguyện nhược khắc
quả, đại thiên ưng cảm động”, “khắc” chính là thành, “quả” là
đạt được mục đích, “khắc quả” nghĩa là thành tựu. Nguyện tôi đã phát
nếu như thành tựu, cầu mong thiên thần, chư thiên thị hiện tướng
lành, từ trên trời tuôn xuống hoa đẹp quý báu diệu kỳ để làm ấn
chứng. Mưa hoa chính là từ trên trời tuôn hoa xuống.
Mời xem kinh văn kế
tiếp:
Phật cáo A-nan, Pháp Tạng Tỳ kheo, thuyết thử tụng
dĩ, ứng thời phổ địa lục chủng chấn động, thiên vũ diệu hoa, dĩ tán
kỳ thượng, tự nhiên âm nhạc không trung tán ngôn, quyết định tất
thành Vô Thượng Chánh Giác.
Ý nghĩa của đoạn kinh
văn này là Thích-ca Mâu-ni Phật nói với A-nan: Pháp Tạng Tỳ kheo vừa
nói xong kệ tụng, ngay lúc đó điềm lành xuất hiện, đại địa chấn động
sáu cách. Chấn động này có những đặc điểm như sau:
Một, chấn động sáu cách, nghĩa là chỉ cho sáu phương, đây
là chấn động khắp mặt đất, mỗi phương đều chấn động, không phải chỉ
có một nơi nào đó bị chấn động, những nơi khác không chấn động.
Hai, loại chấn động này là tốt lành, hoàn toàn không giống
như động đất gây tai nạn ở thế gian.
Ba, lúc chấn động, đất đều mềm mại, khiến chúng sanh hòa
vui, ngay lúc chấn động, mọi người hòa vui hoan hỷ, không có sợ
hãi, càng không có tai nạn.
Bốn, sự chấn động này có sáu loại tướng động là: động, khởi,
dũng, chấn, hống, giác. Động là là dao động, khởi là hướng lên trên,
đất sẽ trồi lên, dũng là chấn động, có một số nơi cao, một số nơi
thấp, chấn là có âm thanh, hống là âm thanh vang rền, giác là khiến
mọi người đều cảm giác. Sáu loại chấn động bao gồm tướng động mỗi
hình mỗi vẻ.
“Thiên vũ diệu
hoa”, trời không phải tuôn mưa, mà là các loài hoa kỳ diệu giống
như mưa bay phấp phới rơi xuống không trung của pháp hội. Không trung
tự nhiên có âm nhạc, lại còn tán thán rằng nhất định sẽ thành vô
thượng Chánh Giác, chứng minh Pháp Tạng đại sĩ nhất định chắc chắn thành
Phật. Bởi vì đại nguyện này, nơi nơi đều biểu hiện đại trí tuệ,
đại từ bi, đại nguyện lực vô thượng, cũng chính là tâm đại từ bi vô
thượng, nhân không thể nghĩ bàn ắt sẽ kết quả không thể nghĩ
bàn, cho nên nhất định thành Phật.
Tiếp theo, chúng tôi
sẽ kết hợp và sắp xếp trọng điểm của kinh văn phẩm thứ sáu phát đại
thệ nguyện và kinh văn phẩm thứ bảy nhất định thành Chánh Giác, để
mọi người tham khảo.
Thứ nhất, quan hệ của hai phẩm kinh văn này là quan hệ nhân
quả. Phẩm thứ sáu, phát đại thệ nguyện đệ lục là nhân, phẩm thứ bảy
định thành Chánh Giác là quả.
Hai, nhận thức pháp môn Tịnh độ và 48 đại nguyện của A-di-đà
Phật như thế nào? Pháp môn Tịnh độ, Kinh A-di-đà nói là pháp khó
tin trong hết thảy thế gian. Đại sư Huyền Trang lại đem chữ khó tin đặt
lên đầu, thêm vào từ “cực “, đây chính là pháp cực kỳ khó
tin. Rất nhiều người xem thường Tịnh độ tông, tuy mọi người đều biết
A-di-đà Phật, biết niệm A-di-đà Phật, thế nhưng có thể hiểu được ý
nghĩa thật sự của Tịnh độ tông thì chỉ có Phật cùng Phật mới có thể rốt
ráo, chỉ có Phật và Phật mới có thể hiểu rõ triệt để. Kinh Vô Lượng
Thọ là kinh đệ nhất của Tịnh độ, vô cùng quan trọng.
Đại sư Thiện Đạo có
hai câu khai thị cực kỳ quan trọng: Đức Thích-ca sở dĩ xuất thế, chỉ
để nói bổn nguyện hải của đức Di-đà, đây là lời chân thật chân thành từ
trong Đại quang minh tạng lưu xuất ra. Vì sao Phật muốn xuất hiện ở
thế gian, đến thế giới Ta-bà giáng sanh, xuất gia, thành đạo, thuyết
pháp, chỉ là vì một việc này, duy chỉ để nói bổn nguyện hải của đức
Di-đà, chính là muốn nói biển lớn thệ nguyện vốn có của A-di-đà
Phật. Chư Phật Bồ-tát đều có đại nguyện, Thích-ca Mâu-ni Phật có 500
đại nguyện, Dược Sư Phật có 12 đại nguyện, Phổ Hiền Bồ-tát có mười
đại nguyện vương, thế nhưng chúng ta mỗi ngày tán thán đại nguyện
vương của A-di-đà Phật, bởi vì đại nguyện của A-di-đà Phật là vua
trong tất cả đại nguyện. Đại nguyện của đức Di-đà là Vua ở chỗ
nào? Di-đà đại nguyện là vua ở chỗ “hết thảy đều thành
Phật”, chỉ đơn giản 5 chữ này mà nặng đến mấy ngàn cân.
Ba, chỉ có 48 nguyện, bổn nguyện hải của đức Di-đà mới là
điều duy nhất mà Thế Tôn muốn nói, là pháp chân thật duy nhất. Chúng
ta từ góc độ của thật giáo và quyền giáo để nói rõ hơn một
chút, trước hết giải thích một chút về quyền giáo và thật giáo. Quyền
giáo chỉ cho giáo chưa liễu nghĩa, khéo mượn phương tiện. Thật giáo là chỉ
cho giáo liễu nghĩa chân thật rốt ráo. Kinh Luận thông thường so với Hoa
Nghiêm thì Hoa Nghiêm là thật giáo, những thứ khác là quyền
giáo. Hoa Nghiêm so với Kinh Vô Lượng Thọ thì Kinh Vô Lượng Thọ là
thật giáo, Hoa Nghiêm là quyền giáo. Kinh Vô Lượng thọ so với 48
nguyện thì 48 nguyện là thật giáo, còn lại là quyền giáo. 48
nguyện so với 5 nguyện mà đại sư Thiện Đạo tuân theo thì 5 nguyện này
là thật giáo, nguyện mười niệm ắt sanh so với 4 nguyện còn
lại, chỉ có nguyện thứ 18 là pháp chân thật nhất, điều này có
thể được chứng minh ở trong Di-đà Yếu Giải. Yếu Giải nói: một tiếng
A-di-đà Phật là pháp mà Bổn Sư Thích-ca ở trong ngũ trược ác thế chứng
được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.
Bốn, Thiện Đạo đại sư trong 48 nguyện chọn ra 5 nguyện gọi
là 5 nguyện chân thật, năm nguyện này là trọng tâm của 48
nguyện, cũng chính là trọng tâm chân thật của toàn thể Phật giáo. Năm
nguyện này là: nguyện nhất định thành Chánh Giác, nguyện quang minh
vô lượng, nguyện thọ mạng vô lượng, nguyện chư Phật xưng
tán, nguyện mười niệm được sanh.
Năm, nguyện nhất định thành Chánh Giác là nguyện chân thật nhất
trong 5 nguyện, sự nguyện cầu trong nguyện văn này là phàm những
người vãng sanh đến Cực Lạc, bất luận trong kiếp quá khứ có túc nghiệp sâu
nặng cỡ nào đều nhất định thành Phật, chứng đại Niết-bàn. Đại
Niết-bàn là danh xưng của Phật quả, phiên dịch thành viên tịch. Hàm
nghĩa của hai từ viên tịch rất sâu: nghĩa đầy khắp pháp giới, đức đầy đủ
như trần sa là Viên; dứt tuyệt hết vướng mắc vào tướng, thể cùng tột chân
tánh là Tịch, nói đơn giản, mọi đức đều đầy đủ là viên, mọi
chướng đều diệt tận là tịch. Niết-bàn của Đại thừa không giống với
Niết-bàn của Tiểu thừa. Ba đức của Đại thừa Niết-bàn là pháp thân
đức, Bát-nhã đức, giải thoát đức viên mãn. Phật chứng Niết-bàn, ba đức đều
viên mãn, A-la-hán chỉ có giải thoát đức, họ giải thoát rồi, không
vào sanh tử nữa, Tam giới không ngăn ngại họ được, nhưng họ không
hiểu Bát-nhã, chưa chứng pháp thân. Đại thừa Niết-bàn có đủ thường lạc ngã
tịnh, A-la-hán chỉ có thường, lạc, tịnh, không nhận ra được chân ngã
của chân tâm diệu minh.
Phẩm kinh văn
này cổ vũ nhân tâm, tăng trưởng tín tâm, khiến càng nhiều chúng sanh
vãng sanh thế giới Cực Lạc, bất thoái thành Phật. Nói về tăng trưởng
tín tâm, tôi muốn nói một chút về cảm nhận của chính mình, xin chia
sẻ với các đồng tu. Tôi học Phật 20 năm, nói lời chân thật, tín
tâm của tôi kiên định rồi, trước giờ chưa từng dao động, nhưng đối
với một số sự việc đã qua, nghĩ không hiểu được vì sao lại như
vậy, tôi không tìm được đáp án. Sự dằn vặt đó trong nội tâm cũng
rất là đau khổ, tôi cảm thấy tôi là người không tranh với
người, chẳng cầu nơi đời, vì sao vẫn bị người ta xét nét
vậy. Tôi thọ trì bản hội tập kinh Vô Lượng Thọ thì bị phê phán, tôi
thân cận lão Pháp sư Tịnh Không thì bị mắng, việc này là thế nào
vậy? Thánh địa Phật môn trong cảm nhận của tôi sao lại phức tạp và
loạn như thế? Tôi đã nhìn thấy, nghe thấy rất nhiều sự tranh đấu
trong cửa Phật, không hiểu được, đặc biệt điều khiến tôi không hiểu
đó là tôi vì sao lại bị cuốn vào trong đó, tôi đã hại ai
đâu, tôi hoang mang không hiểu, tôi không muốn tham dự vào việc tranh
đấu, tôi rất ghét tranh đấu. Bốn nguyên tắc của tôi chính là từ
trong tình huống này mà lập nên: không tranh luận, không thảo luận, không
biện luận, không giải thích, tất cả đều mặc kệ họ. Ngẫu nhiên một lần
có cơ hội tôi nhìn thấy một bài văn do lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ viết, tôi
mới biết trong cửa Phật vì sao có tranh đấu. Thích-ca Mâu-ni Phật sáng lập
Phật giáo, đến nay đã hơn 3.000 năm lịch sử rồi, hơn ba ngàn
năm, sự phát triển của Phật giáo trải qua 5 giai đoạn. Giai đoạn thứ
nhất là giải thoát kiên cố, việc này khi Phật tại thế, rất nhiều
người đều giải thoát. Giai đoạn thứ hai là Thiền định kiên cố, sau
khi Phật nhập Niết-bàn, giai đoạn ban đầu là Thiền định vững
chắc, rất nhiều người đắc được Thiền định, có người Thiền định rất sâu, Thiền
định vào thời đó so với Thiền định về sau sâu hơn rất nhiều, 500 năm
sau người đắc Thiền định ít đi. Giai đoạn thứ ba là đa văn kiên
cố, người thời này biết rất nhiều kinh điển, còn biết rất nhiều giáo
lý, nghiên cứu lại rất sâu, đây là đa văn kiên cố. 500 năm sau
đó, người đa văn ít đi. Giai đoạn thứ tư là chùa tháp kiên
cố, khắp nơi đều có tháp có chùa, 500 năm sau chùa tháp kiên cố
cũng qua thời rồi, hiện nay tuy vẫn còn có xây chùa nhưng sự kiên cố
đã qua rồi. Giai đoạn thứ năm là đấu tranh kiên cố, thời kỳ Mạt pháp
đấu tranh kiên cố, chính là nói đến thời đại cuộc sống hiện nay của
chúng ta. Theo quy luật nói phía trước thì phải chăng sẽ đấu tranh
trong 500 năm không? Chỉ mong ngắn hơn, ngắn hơn, ngắn hơn một chút
nữa. Thế là tôi đã hiểu ra, sự tranh đấu hiện nay trong cửa
Phật là hiện tượng bình thường ở thế giới Ta-bà, chẳng có gì ngạc
nhiên kỳ lạ cả, chính mình không tham dự là được.
Tiết học này xin giao
lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!