PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 10/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 40
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC ĐỆ
BÁT
Mời
xem kinh văn phía sau.
A-nan, Pháp Tạng
Tỳ-kheo ư Thế Tự Tại Vương Như Lai tiền, cập chư thiên nhân đại chúng chi
trung, phát tư hoằng thệ nguyện dĩ, trụ chân thật huệ, dõng mãnh tinh
tấn, nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ, sở tu Phật quốc,
khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô
suy vô biến.
Đại
ý của đoạn kinh văn này là: Phật gọi A-nan và nói với ngài rằng Pháp
Tạng Tỳ-kheo ở trước Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, trong đại chúng trời
người trong pháp hội phát ra thệ nguyện rộng sâu như trên, thế nên an
trụ trong trí tuệ chân thật, dũng mãnh không sợ hãi, tinh tấn tu
trì, nhất tâm nhất ý trang nghiêm cõi nước tịnh diệu của chính
mình. Trải qua nhiều kiếp tích công lũy đức thì cõi Phật đã tu
thành, khai thông vô ngại, rộng lớn vô biên, thù thắng xuất chúng, vi
diệu khôn sánh, an nhiên kiến lập, vĩnh kiếp thường nhiên, vĩnh viễn
không có bất kỳ sự suy hoại thay đổi nào. Đoạn kinh văn này, chúng
tôi trọng điểm nói về ba phương diện nội dung là: trụ chân thật huệ, nhất
hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ, siêu thắng độc diệu. Nói về
nội dung này thì không rời khỏi tự tánh, để cho mọi người dễ
hiểu, chúng ta trước tiên hãy nhận thức về tự tánh một chút. Tiếp
theo xin giới thiệu cho mọi người một vài đặc điểm nổi bật của tự tánh.
Thứ nhất, tự tánh không tịch, lìa các nẻo ác. Đây
là nói đoạn phiền não, tự tánh vốn là không, vốn là tịch, trong Tịnh
độ thì tự tánh chính là Thường Tịch Quang Tịnh độ. Trong Thường Tịch
Quang không có một vật, nó không có hiện tượng, không có hiện tượng
vật chất, không có hiện tượng tinh thần, không có hiện tượng tự
nhiên. Tịch chính là thanh tịnh tịch diệt, không có thiện, cũng không
có ác. Chúng ta nói thiện nói ác đều là tương đối, có tương đối thì
có đối lập, hãy nghĩ xem, chúng ta đối lập với người, đối lập với
vật, đối lập với việc, thì không đối lập với ai được chứ? Đối lập có
thể không sanh phiền não được không? Đối lập là sai rồi. Đối lập
chính là sáu cõi luân hồi, cho nên tự tánh là trong sáng sạch sẽ, viễn
ly hết thảy các đường ác.
Thứ hai, tự tánh diệu viên, đầy đủ tướng
hảo. Diệu chính là không thể nghĩ bàn, suy nghĩ, ngôn luận của chúng
ta đều không thể đạt đến, không thể tưởng tượng, viên là viên mãn,
đầy đủ tướng hảo. Tướng hảo này hiện ra ở thế giới Tây Phương Cực
Lạc, đến thế giới Tây Phương Cực Lạc muốn tìm một thứ tà ác cũng tìm
không ra, hết thảy vạn sự vạn vật chẳng thứ nào mà không viên mãn vi
diệu. Thế nên thế giới Cực Lạc là từ đâu mà đến? Tự tánh sẵn
có. A-di-đà Phật chứng đắc rồi, hiện ra cho chúng ta thấy, chẳng
những hiện ra cho chúng ta thấy, mà còn khiến cho chúng ta có được thọ
dụng. Thế nên người niệm Phật vãng sanh có được lợi thế lớn. Tu
hành thông thường đến cảnh giới này ít nhất là Bát Địa Bồ-tát. Kinh
Đại thừa thường nói là từ Bát Địa trở lên thì bạn mới hưởng thọ
được, trước Bát địa, bao gồm người như chúng ta một phẩm phiền não
cũng chưa đoạn, vãng sanh đến cõi đồng cư, chính là vãng sanh hạ hạ
phẩm, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, những thọ dụng đạt
được, chính là chất lượng cuộc sống của bạn, những thứ thọ dụng trong
cuộc sống của bạn đều bình đẳng với Bát địa Bồ-tát. Ở đây chúng ta đã
nhìn thấy rồi, tự tánh không tịch, tự tánh diệu viên, không thể nghĩ
bàn.
Thứ ba, tự tánh vô ngại, thần thông tự hiện. Tự
tánh không có chướng ngại, không có chướng ngại thì sáu loại thần thông tự
nhiên hiển hiện. Mắt nhìn thấy, nhìn thấy thứ gì? Trọn khắp pháp giới
hư không giới, không có thứ nào không nhìn thấy. Lớn là thế giới, nhỏ
là vi trần, cực vi sắc thảy đều nhìn thấy. Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha
tâm, túc mạng, thần túc, lậu tận, sáu loại thần thông đều đầy
đủ. Mới vừa đầy đủ là A-la-hán, tuy có lục thông nhưng năng lực
của lục thông có hạn, không nhìn thấy trọn khắp pháp giới hư không
giới. Năng lực của họ chỉ có thể quan sát báo độ này của chính chúng
ta, đại thiên thế giới mà đức Phật Thích-ca Mâu-ni giáo hóa, chính là
tam thiên đại thiên thế giới mà chúng ta thường nói. Hiện nay nhà
khoa học nói với chúng ta, tam thiên đại thiên thế giới này có mười
ức hệ ngân hà, lục thông của A-la-hán đều có thể thấy, có thể nghe,
có thể duyên đến được, vậy rất tài giỏi rồi. Thế nhưng nếu so với thế
giới Cực Lạc thì kém xa. Thần thông ở thế giới Cực Lạc là thần thông
của Bát Địa trở lên, vãng sanh đến nơi đó thì được uy thần bổn nguyện
của A-di-đà Phật gia trì, sáu loại thần thông đều đầy đủ. Vì sao
vậy? Bởi vì A-di-đà Phật ban cho chúng ta làm A-duy-việt-trí
Bồ-tát. Pháp thân Bồ-tát ở thế giới Cực Lạc có 41 cấp bậc, đương
nhiên không đến được Bát địa, bậc Thất địa trở xuống đều có loại năng lực
này, cho nên các ngài có thể duyên đến vô lượng vô biên cõi nước chư
Phật, A-di-đà Phật có thể duyên đến, vãng sanh đến thế giới Cực Lạc
đại khái đều có thể duyên đến được, bởi vì tự tánh vô ngại, thần thông tự
hiện.
Thứ tư, tự tánh vô trụ, không thể đoạn diệt. Tự
tánh vô sanh vô diệt, nó chân thật là chủ tể của hết thảy pháp, là
bổn thể của hết thảy vạn pháp, thanh tịnh tịch diệt, thứ gì cũng không
có, [nhưng] có thể sanh vạn pháp, không thể nghĩ bàn. Hiện tượng luân
hồi sáu cõi của chúng ta ngày nay là do nó sanh ra, do nó biến
hiện, nó sanh ra Tịnh độ, [nhưng] A Lại Da biến nó thành hình dạng
này. A Lại Da có thiện ác, nếu tâm hạnh, khởi tâm động
niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta đều là thiện, tuân thủ lời dạy
của đức Phật, tu tam phước, lục hòa, ngũ giới, thập thiện thì cảnh
giới của chúng ta biến thành thiên đường, thế giới đầy dẫy tai nạn này sẽ
không còn nữa. Cảnh chuyển theo tâm, hết thảy pháp từ tâm tưởng
sanh, học Phật đến nỗi đi vào tam ác đạo, có người như vậy không? Có, còn
rất nhiều nữa. Vì sao chạy vào tam ác đạo vậy? Do ý niệm bất
thiện, ý niệm là gì? Tham sân si mạn nghi. Ngôn hạnh bất
thiện, ngôn hạnh là gì? Oán hận não nộ phiền. Mười chữ này kết
hợp lại thì đi vào ba đường ác. Chúng ta sao có thể làm việc ngốc
nghếch này chứ? Huống chi Phật chế định cho chúng ta Tam Tụ Tịnh
Giới, giúp đỡ chúng ta nâng cao, đây đều là pháp môn thông
thường. Pháp môn Tịnh độ đặc biệt, về giới luật thì lão pháp sư
thượng Tịnh hạ Không nói cho chúng ta Ngũ khoa là: tam phước, lục
hòa, tam học, lục độ, Phổ Hiền thập nguyện. Chúng ta nếu có thể nắm
chắc 5 điều cơ bản này thì có phần vãng sanh.
Thứ năm, tự tánh vô tác, không có hạn lượng, tâm
bao thái hư, lượng châu sa giới. Tự tánh không có tạo tác, pháp vốn
như vậy, không sanh không diệt, không đến không đi, trước nay chưa
từng dao động, chưa từng nhiễm ô. Đại sư Huệ Năng báo cáo với Ngũ Tổ
hai mươi chữ: vốn tự thanh tịnh, vốn không sanh diệt, không có
sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động. Vốn không dao động
chính là tự tánh vốn định, tự tánh chính là chân tâm, chân tâm vốn là
định, chưa từng dao động. Hễ động thì không phải chân tâm, không phải
tự tánh. Động là gì? Động là A Lại Da, A Lại Da là ý
niệm, niệm trước diệt niệm sau sanh, đây là vọng tâm, không phải chân
tâm. Nó từ đâu đến vậy? Từ trong tự tánh biến hiện ra. Ý niệm
đem Nhất Chân pháp giới mà tự tánh hiện ra, sanh ra biến thành mười pháp
giới, biến thành lục đạo luân hồi. Hoa Nghiêm nói rất hay, hết
thảy pháp do tâm hiện thức biến, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Chân
tâm và vọng tâm, tự tánh và A Lại Da, chúng ta cần làm rõ ràng minh
bạch chúng.
Trong
cuộc sống hàng ngày hiện nay của chúng ta, A Lại Da thức làm chủ, còn
tự tánh thì sao? Tự tánh đứng bên rìa, không làm chủ được, toàn là A
Lại Da làm chủ, chúng ta sai là sai ở chỗ này. Vọng tâm làm chủ, chân
tâm không làm chủ. Chân tâm làm chủ thì là Phật Bồ-tát, Bồ-tát như
thế nào? Ít nhất là Sơ Trụ trong Viên Giáo, Sơ Địa trong Biệt
Giáo. Vì sao vậy? Đã minh tâm kiến tánh thì tự tánh mới làm
chủ. Tự tánh làm chủ thì không còn thấy lục đạo nữa, không còn mười
pháp giới nữa, cõi Thật Báo Trang Nghiêm hiện tiền. Cõi Thật Báo
Trang Nghiêm của Thích-ca Mâu-ni Phật là thế giới Hoa Tạng. Thế giới
Cực Lạc là cõi Thật Báo của A-di-đà Phật, thế giới Cực Lạc tuyệt
vời, thù thắng khôn sánh. Chúng ta đến thế giới Cực Lạc, một
phẩm phiền não chưa đoạn, thật sự là phàm phu, nhưng đến thế giới Cực
Lạc, bạn sanh cõi Đồng Cư, Phàm Thánh Đồng Cư độ hoàn toàn tương đồng
với Thật Báo độ. Vì sao vậy? Do uy thần của 48 nguyện của A-di-đà
Phật gia trì, bạn đạt được thọ dụng bình đẳng với Bát Địa
Bồ-tát, điều này tuyệt vời! Việc này không những phàm phu lục
đạo không thể tin tưởng, gọi là pháp khó tin, mà Thanh văn, Duyên
giác, Quyền Giáo Bồ-tát cũng không dám tin tưởng. Bạn có thể tin tưởng, việc
này kỳ lạ, quá hiếm có. Vì sao vậy? Bạn có thể tin thì có thể
vãng sanh, thì bạn có phần. Bạn không tin tưởng, có hoài nghi thì bạn
không có phần, bạn biết có Tịnh độ thì đã kết duyên với A-di-đà
Phật, [nhưng] đời này bạn không đạt được thọ dụng của Tịnh độ.
Tự
tánh không sanh không diệt, không có tạo tác, bởi vì không có tạo
tác nên nó không có hạn lượng, có tạo tác thì có hạn
lượng. Nhà cơ học lượng tử ngày nay rất tài ba, đã vén màn bí
mật của vũ trụ, thứ nào đã cấu thành nên vũ trụ vậy? Là do ba
thứ. Thứ nhất là vật chất, thứ hai là ý niệm, thứ ba là hiện
tượng tự nhiên. Ba thứ này cấu thành nên toàn thể vũ trụ. Hiện nay
vật chất đã bị phơi bày, nhà khoa học lại đang nghiên cứu ý
niệm, cũng chính là niệm lực. Ý niệm rốt cuộc là gì? Từ đâu đến? Vì
sao lại có? Khởi lên tác dụng gì? Ý niệm có thể sanh ra vạn pháp, từ
sanh này thật sự trong Kinh Phật nói rất chính xác: có thể biến ra
vạn pháp, tự tánh năng sanh. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: Nào ngờ tự
tánh có thể sanh vạn pháp. Vạn pháp ấy, có thể sanh là tự tánh, biến
thành lục đạo, biến thành mười pháp giới là A Lại Da, thức, thức có
thể biến, tâm, tánh, tự tánh có thể hiện. Có thể sanh, có thể
hiện, đây là những thứ cơ bản trong Phật pháp, cần phải làm cho thật
rõ ràng, minh bạch thì chúng ta mới không đi đường vòng. Bản thân
chúng ta tuy mê hoặc điên đảo, bên trong mê hoặc điên đảo phải rõ
ràng thì mới không đi chệch phương hướng lớn, việc này vô cùng hiếm
có.
Đặc
điểm của tự tánh vô lượng vô biên, nói không cùng tận, tỉ như, tự
tánh không ở ngoài, như gió phủ rộng, tự tánh không ở trong, như gương soi
khắp; quang minh của tự tánh như mặt trời chiếu khắp, tự tánh bình
đẳng như hương thơm xông khắp. Tên kinh của kinh Vô Lượng Thọ đã đem
tự tánh viết vào trong đó. Phần sau của tên kinh là: thanh tịnh, bình đẳng,
giác chính là tự tánh. Thanh tịnh, bình đẳng, giác cũng là danh
hiệu của A-di-đà Phật. Thanh tịnh bình đẳng giác là chân tâm của chúng
ta. Chân tâm có hình dạng thế nào? Không có ô nhiễm, thanh
tịnh, không có phân biệt thì bình đẳng, không có dao động, chính
là nói không có vô minh. A Lại Da có vô minh, tự tánh không có vô
minh. Cho nên luận về chân tánh thì chúng ta và Phật bình
đẳng. Khi nào bình đẳng? Tức thì bình đẳng, hiện tại bình
đẳng, vì sao Ngài thành Phật, tôi ở trong lục đạo làm phàm
phu? Ngài đã giác ngộ, còn tôi mê hoặc, nguyên nhân ở chỗ
này. Phật Bồ-tát giác ngộ rồi, không mê nữa, chúng ta mê thì không
giác, phiền phức chính là ở đây, không thể không biết.
Bồ-tát
tức là thuận với tâm không tịch, tâm diệu viên, tâm vô ngại, tâm vô
trụ, tâm vô tác, tâm vô ngoại, tâm vô nội, tâm quang minh, tâm bình
đẳng mà tự tánh của chúng sanh sẵn có. Nói tổng cộng có 9
tâm, [nhưng] chỉ là một tâm niệm. A-di-đà Phật ở thế giới Tây Phương
Cực Lạc dùng 9 tâm này để trang nghiêm cõi Phật, là dùng 48 nguyện, 48
nguyện là gì? 48 nguyện, nguyện tức là tâm vốn sẵn có của chúng
sanh. Câu này nói rất hay. Tâm vốn sẵn có tức là dùng tự tâm trang
nghiêm cõi nước mình, một chút cũng chẳng giả. Thiền sư Trung Phong
trong Tam Thời Hệ Niệm nói với chúng ta: Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh
độ, tức dùng tự tâm trang nghiêm cõi nước mình, như nước đổ vào biển,
như tiếng vang ứng với âm thanh, tâm và cõi nước không hai, nhân quả đồng
thời. Thế nên, Pháp Tạng phát nguyện xong trong không trung tức thời
cất lời tán thán: nhất định sẽ thành Vô Thượng Chánh Giác. Cảm ứng
đạo giao không thể nghĩ bàn, vì sao vậy? Đều là một thể. Tín tâm của
chúng ta phải từ đây mà kiến lập, đây là chân thật tin tưởng.
Nếu
chúng ta thật sự tin vào lý niệm: toàn thể vũ trụ là một thể, chúng
sanh là một thể thì có ba câu nói bạn sẽ không khó thực hiện. Đó
chính là, trên thế giới này không có người nào mà tôi không yêu
thương, trên thế giới này không có người nào mà tôi oán hận, trên thế
giới này không có người nào mà tôi không thể tha thứ. Mười năm trước, khi
lần đầu tiên tôi nghe lão Pháp sư nói câu này, tôi đem nó làm thành câu
cách ngôn cho chính mình. Hiện nay 10 năm đã trôi qua, tôi đã thực
hành được 10 năm, tôi được lợi ích, tôi không có mặt đối
lập, không có oán thân trái chủ, tôi yêu thương tất cả chúng sanh khổ
nạn trong hư không pháp giới, thế nên tôi tự tại, tôi vui vẻ. Lão hòa
thượng Hải Hiền đã làm ra tấm gương tốt nhất cho chúng ta, thọ mạng
của ngài dài như vậy là do A-di-đà Phật gia trì, không phải do ngài
có. A-di-đà Phật vì sao gia trì cho ngài? Bởi vì thế gian này có khổ
nạn, rất nhiều người học Phật đã học sai, người niệm Phật đã niệm
sai, lấy Ngài làm tấm gương. Ở trong thời đại này học Phật chân
thật thành tựu thì hãy học ngài, niệm Phật chân thật vãng sanh thì hãy học
ngài, nhất định phải làm ra tấm gương tốt nhất cho người thế
gian. Tấm gương này chính là trì giới, thủ pháp, nghe lời, thật
thà, thật làm. Thật làm là làm việc gì? Toàn tâm toàn lực phục vụ cho
chúng sanh, hết thảy mọi thứ của ta đều thuộc về chúng sanh khổ nạn, không
có thứ nào thuộc về chính mình.
Học
Phật phải học chịu thiệt thòi, sợ bị thiệt thòi, không chịu thiệt thòi thì
không học Phật được. Học Phật có thật bị thiệt thòi không? Theo kinh
nghiệm riêng của cá nhân tôi thì một chút cũng không thiệt thòi. Mọi
người đều muốn chiếm tiện nghi, thế nhưng tiện nghi lớn ở ngay trước
mắt mà chúng ta không nhận ra, tiện nghi lớn nào vậy? Niệm Phật thành
Phật, còn tiện nghi nào lớn hơn thành Phật nữa chứ? Học Phật là học ở
đâu? Phải học ở trong hoàn cảnh nhân sự phức tạp, người và người rất
khó chung sống với nhau, trong hoàn cảnh nhân sự phức tạp, đem phiền
não, tật xấu, tập khí của chúng ta thảy đều tu sửa chỉnh lý sạch
sẽ. Nguyên tắc chung là: với tất cả mọi người không phát sinh xung
đột lợi hại. Phương pháp cụ thể rất đơn giản, bạn tranh tôi không
tranh, họ cần tôi không cần. Người học Phật chúng ta phải
biết bản thân cần điều gì? Chúng ta không cần đại phú đại
quý, chúng ta không cần quan cao lộc dầy, chúng ta không cần danh văn
lợi dưỡng, thứ chúng ta cần là A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là
gì? Là vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng tướng hảo, vô lượng đức
năng, vô lượng của vô lượng, hết thảy đều vô lượng. Nhãn quang sao có
thể ngắn cạn như vậy, Sao bạn lại nhìn không rõ ràng như vậy. Bản
thân tôi còn có 4 nguyên tắc nữa, rất hữu dụng, mọi người đừng ngại
thử dùng xem sao. Đó là: không tranh luận, không thảo luận, không
biện luận, không giải thích. Việc này phải học từ từ, rất có thọ
dụng. Những điều ở trên nếu như trong đời sống thường ngày thảy đều
dùng đến thì tâm như thế nào? Tâm thanh tịnh rồi, gặp phải thiện
ác, thuận cảnh nghịch cảnh đều có thể không đặt vào trong tâm.
Tiếp
theo nói về vấn đề trọng điểm thứ nhất của đoạn kinh văn này là “trụ
chân thật huệ”. “Trụ chân thật huệ” cùng với “khai hóa hiển thị chân
thật chi tế” trong phẩm thứ hai Đức Tuân Phổ Hiền, và “huệ dĩ chân
thật chi lợi” trong phẩm Đại Giáo Duyên Khởi chính là ba thứ chân
thật trong kinh Vô Lượng Thọ. Ba câu này nói về ba phương diện của lý
thể thực tế. Một thứ là chân thật chi tế, một thứ là chân thật chi
lợi, một thứ là chân thật chi huệ. Ba câu tuy không giống
nhau nhưng ba câu có một điểm chung đó chính là chân thật. Đại
thừa Nghĩa Chương nói rằng: Pháp tuyệt tình vọng là chân thật, triệt
để siêu tình ly vọng, hiển hiện bổn chân mới là chân thật. Cho
nên chân thật chính là bổn thể. Chân chính là chân như, thật chính là
thật tướng, chân như thật tướng. Kinh Quán Phật Tam-muội nói
rằng: Quả đức của Phật địa là chân như thật tướng, đệ nhất nghĩa
không. Đến được quả vị của Phật, đức trên quả vị đó chính là
chân như thật tướng và đệ nhất nghĩa không. Đệ nhất nghĩa không chính là
thắng nghĩa đế không, chính là không trong “không hữu bất nhị”. Sắc
tức là không, không tức là sắc, là cái không như thế, chứ chẳng phải
là không đối lập với sắc, không đối lập với sắc là ngoan không, tức
là không là một bên, sắc là một bên, hai bên đối lập nhau, gọi là biên
kiến. Đệ nhất nghĩa đế, chân như thật tướng đều là thánh đức của quả
giác Phật địa. Ba thứ này là danh tự khác nhau nhưng cùng một hàm
nghĩa, là không cũng tức là có, là có cũng tức là không. Giáo Hành
Tín Chứng lại nói: pháp thân vô vi chính là thật tướng, thật tướng
chính là pháp tánh, pháp tánh chính là chân như, có thể thấy chân
như, thật tướng và pháp thân chỉ là những danh tự khác nhau. Tông
Thiên Thai gọi là “thật tướng các pháp”, Tông Hoa Nghiêm gọi là “Nhất Chân
pháp giới”, có thể thấy hai từ “chân thật” này có hàm nghĩa thậm thâm
vô thượng, có diệu đức vô lượng vô biên. Giữa ba thứ chân thật có
quan hệ thế nào?
“Chân
thật chi tế” chính là ngọn nguồn rốt ráo triệt để của chân như thật
tướng. Trong Phật pháp Đại thừa chính là minh tâm kiến tánh, kiến
tánh thành Phật. Tỉ như dò tìm ngọn nguồn của sông Hoàng Hà, chính là
điểm khởi đầu, điểm xuất phát, buộc phải truy tận nhánh khởi nguồn của
sông Hoàng Hà, ngọn nguồn rốt ráo của chân như tự tánh gọi là “chân
thật chi tế”.
“Chân
thật chi lợi”, phẩm Đại Giáo Duyên Khởi của kinh này nói rằng: Như
Lai vì lòng đại bi vô tận, thương xót Ba Cõi nên xuất hiện ở
đời, hiển bày đạo giáo, muốn cứu với quần manh, ban cho lợi ích chân
thật. Học tập đoạn kinh văn này, chúng ta liệu có thể lãnh ngộ
rằng: khiến cho chúng sanh đều đạt được lợi ích chân thật chính là
mục đích chân thật mà Như Lai xuất hiện ở thế gian. Vậy làm thế nào khiến
chúng sanh đạt được lợi ích chân thật? Chính là tuyên thuyết pháp môn
Tịnh độ độ khắp ba căn, Nhất Thừa nguyện hải sáu chữ hồng danh thâu
nhiếp vạn loài, có thể khiến hết thảy hàm linh đều được độ thoát, đây
chính là sự cứu giúp chân thật đối với chúng sanh.
“Chân
thật chi huệ”, thứ có thể hiển thị bản thể của “chân thật chi
tế”, lưu xuất diệu dụng của “chân thật chi lợi” thì chính là toàn thể
đại dụng của “chân thật chi huệ”. Ba thứ chân thật kết hợp lại thì là một
chân thật, một mà ba, ba mà một. Thứ có thể hiển bày “chân thật chi
tế”, có thể ban cho “chân thật chi lợi” chính là “chân thật chi
huệ”. Câu nói này rất quan trọng, đã nói thấu triệt về “chân thật chi
huệ”. Trí tuệ là tự tánh khởi tác dụng, chân tâm khởi tác dụng thì
gọi là trí tuệ, vọng tâm khởi tác dụng thì gọi là tri thức, khoa học
thuộc về tri thức, thế nên tuy khoa học có thể biết nhưng nó không có
tác dụng. Nếu là Bát Địa Bồ-tát thần thông quảng đại thì nó khởi tác
dụng, sáu loại thần thông đều hiện tiền. Sáu loại thần thông của
A-la-hán đã hiện tiền rồi, đó là tiểu thần thông sơ cấp, Bát Địa trở
lên là thần thông viên mãn, không khác gì với [thần thông] trên quả địa
Như Lai. Biết rõ bổn tâm, thấy rõ bổn tánh của mình thì gọi là minh tâm
kiến tánh, đây mới gọi là “huệ”, là “chân thật huệ”.
Phía
trước đã nêu rằng: pháp tuyệt tình vọng là chân thật. Pháp, chỉ cho
hết thảy những thứ hữu tình, vô tình, những thứ hữu hình, vô
hình, thảy đều gọi là pháp, không phải chuyên chỉ cho Phật pháp mới
gọi là pháp, hoặc là pháp luật thì gọi là pháp. Định nghĩa của chữ
“pháp” trong Phật giáo là phổ biến nhất, thứ nào cũng đều có thể gọi
là pháp. Thế nào gọi là “chân thật”? Chính là đối với tất cả
pháp đều phải lìa khỏi tình chấp và vọng kiến. Chúng sanh đều ở trong
tình kiến cho nên tất cả những cái thấy đều là tri kiến của chúng
sanh. Đại sự nhân duyên mà Phật xuất hiện ở thế gian chính là để nói
tri kiến Phật. Chúng ta tu hành là tu điều gì? Chính là đem tri kiến
chúng sanh của chúng ta chuyển đổi thành tri kiến Phật. Tu hành có
thể đắc lực hay không phải xem bạn có thể buông xả hết thảy kiến giải
và thành kiến của chính mình hay không, mỗi ngày một mới lại mới hơn
nữa, chẳng phải những cái thấy của chính mình trở thành trung
tâm, dần dần phong phú, dần dần đẹp hơn, đó chỉ là tự lừa
mình. Ví dụ như hàng hóa chỉ dùng bao bì gắn mác hàng hiệu, còn
nội dung thực tế là hàng hóa kém chất lượng của mình, hàng xấu nhái hàng
tốt, hàng giả nhái hàng thật, việc này hiện nay đã quá phổ biến
rồi. Bạn phải đem chính mình buông bỏ, vô ngã, thật sự phải vô
ngã, đã không có ngã thì còn có kiến gì chứ? Không có ngã tướng, nhân
tướng, ngã kiến, nhân kiến. Chẳng những phải vô tướng mà còn phải vô
kiến. Chúng sanh tất cả đều là tình kiến, đều là vọng
kiến, trong pháp chân thật không có tình kiến, không có hư vọng, nên
gọi là chân thật. Thế nên “chân thật chi tế, chân thật chi lợi, chân
thật chi huệ” đều là ý nghĩa này. Vì vậy bổn tâm lìa vọng cũng
chính là tự tánh, tự tâm, cũng gọi là chân như, cũng gọi là Phật
tánh, cũng gọi là pháp thân v. v… cách gọi không như nhau nhưng
nội dung thực chất là một.
Chân
tâm là thể, có thể thì có dụng, thứ từ chân tâm lưu hiện ra, lại
có thể hiện rõ bổn tâm, và còn khởi vô biên diệu dụng thì chính là
“huệ”. Thế nên chúng ta tu hành không phải khiến cho chính mình tu
thành người thực vật, không có não, chỉ biết ăn uống, mà phải từ
trong chân tâm bổn thể lưu xuất sự chiếu dụng vi diệu không gì
bằng, vô biên thù thắng, đó không phải là vọng dụng sinh ra từ
thức thứ sáu, thức thứ bảy. Thức thứ sáu phân biệt, thức thứ bảy chấp
trước, hai thức này sinh ra cái giác sai lầm, vọng tưởng, chấp
trước che lấp trí tuệ đức tướng vốn có.
Ba
thứ chân thật của kinh này có thể so sánh với tam đức của
Niết-bàn. Chân thật chi tế là pháp thân đức, chân thật chi lợi là
giải thoát đức, chúng sanh không bị phiền não trói buộc, không bị Tam
giới kiềm giữ; chân thật chi huệ là Bát-nhã đức. Thế nên ba thứ chân
thật này giống với chữ ba chấm tròn của Niết-bàn, không dọc không
ngang, không phải ba chấm thẳng đứng, cũng không phải ba chấm hàng
ngang, là ba cũng là một, nói nó là ba, đúng, có ba chấm, nói nó
là một cũng đúng vì chỉ là một chữ, chữ ba chấm tròn tức là ba, cũng tức
là một. Ba đức của Niết-bàn đồng với ba thứ chân thật của kinh này.
Sau
khi phát nguyện, Pháp Tạng Đại sĩ tích công lũy đức. Câu đầu tiên
chính là trụ chân thật huệ, đây chính là vẽ rồng điểm mắt. Hết thảy
mọi thứ thù thắng trang nghiêm của thế giới Cực Lạc đều là chân thật huệ
lưu lộ ra, cũng chính là nói là do chân thật huệ mà thành tựu. Trụ
chân thật huệ là đại bổn của hết thảy diệu hạnh, đây là Phật pháp Đại
thừa. Ở đây đặc biệt chỉ cho Kinh Vô Lượng Thọ và pháp môn Tịnh
độ mang lại cho bạn trí tuệ chân thật.
Tiếp
theo nói đến vấn đề trọng điểm thứ hai của đoạn kinh văn này: nhất
hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ. Trước hết chúng tôi sẽ giải thích
một vài từ ngữ. “Nhất hướng chuyên chí” là tâm chí chuyên
nhất, tâm chuyên nhất, cố định, không có chuyển biến, không có hối
hận, một mực tiến thẳng về trước. Diệu độ là cõi nước tinh mỹ tuyệt luân
không thể nghĩ bàn. “Trang” nghĩa là cung kính, đoan chánh, thịnh
sức. “Nghiêm” nghĩa là tôn trọng, nghiêm túc, trang trọng. Trang
nghiêm dùng lời thông thường để giải thích, nghĩa là tôn trọng, cung kính,
đoan chánh v.v… thiện mỹ và đẹp đẽ. A-di-đà Phật kiến lập thế
giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta, đó là cõi Phật như thế nào vậy, là
diệu độ. Diệu ở chỗ nào? Tại giảng tọa chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ
năm ngoái, tôi đã nói đến 29 loại y chánh trang nghiêm của thế giới
Tây Phương Cực Lạc, không có y chánh trang nghiêm nào có thể lìa khỏi
chữ diệu này được, chẳng những diệu mà là diệu không nói nên lời. Lúc
tôi viết bản thảo bài giảng hoặc là lúc giao lưu với mọi người, tôi
dường như đặt mình ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, có cảm giác như sống
trong cảnh đó, cảm giác ấy rất tuyệt diệu, sự tinh mỹ của thế giới
Cực Lạc không có thứ nào có thể so sánh với nó, sự mỹ diệu của nó mọi
người không cách gì tưởng tượng được, khen không thể xiết, nghĩa là
không thể tìm ra lời hay đẹp phù hợp để khen ngợi, thế nên gọi là diệu
độ.
Vì
sao cõi nước của A-di-đà Phật diệu đến như vậy? Là do A-di-đà Phật trang
nghiêm, trang nghiêm như thế nào? Nhất hướng chuyên chí trang
nghiêm. Nhất hướng nghĩa là gì? Nghĩa là trước giờ chưa từng gián
đoạn. Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã được kiến lập 10 kiếp, A-di-đà
Phật đã trang nghiêm 10 kiếp rồi, Ngài đã dùng thái độ gì để trang
nghiêm? Hai chữ chuyên chí này vô cùng quan trọng, hơn nữa chẳng phải
chuyên chí trong vòng một hai ngày, cũng không phải một năm hai
năm, mà là nhất hướng, việc này rất khó được.
Làm
thế nào để trang nghiêm diệu độ? Nếu nói một cách cạn cợt thì là dùng
sự thiện và mỹ của lòng rất tôn trọng, rất cung kính v.v… để trang
nghiêm đẹp đẽ. Pháp Tạng Đại sĩ có đủ mọi diệu đức, diệu đức này có
thể trang nghiêm, có thể làm sự việc trang nghiêm, trang nghiêm diệu
độ là thứ được trang nghiêm. Pháp Tạng Đại sĩ dùng vạn đức của bản
thân để trang nghiêm diệu độ đã kiến lập, cho nên cõi nước đầy đủ
trang nghiêm. Tiến thêm một bước mà nói thì hết thảy y chánh trang
nghiêm ở thế giới Cực Lạc chính là trí tuệ chân thật, pháp thân vô
vi, thế nên cõi nước và tâm không hai. Tự tâm thanh tịnh quang
minh, chính là cõi nước thanh tịnh quang minh. Tâm có vạn đức chính
là cõi nước có vạn đức, thế nên Pháp Tạng Đại sĩ trụ chân thật
huệ, trang nghiêm cõi nước đây mới là chân thật trang nghiêm, cũng
chính là đại căn bản của thế giới Cực Lạc.
Trong
phẩm 26 của Kinh Vô Lượng Thọ, A-di-đà Phật thuyết pháp cho các đại Bồ-tát
trong mười phương đến thế giới Cực Lạc lễ cúng nghe pháp, hiểu rõ hết
thảy pháp như mộng huyễn tiếng vang, mãn túc các diệu nguyện, ắt
thành cõi như vậy, thông đạt các pháp tánh, hết thảy không, vô
ngã, chuyên cầu cõi Phật tịnh, ắt thành cõi như vậy. Hai bài kệ
tụng này là A-di-đà Phật tuyên thuyết điểm then chốt của việc thành tựu
cõi Phật, cũng tương đương với phần khai diễn, làm thế nào trụ chân
thật huệ, trang nghiêm Tịnh độ. Bài kệ tụng thứ nhất nói rằng: trước tiên
phải hiểu rõ, giác ngộ hết thảy pháp như mộng, như ảo, như tiếng
vang, điều này với câu “tất cả pháp hữu vi như mộng ảo bọt bóng”
trong kinh Kim Cang là như nhau. Đây chứng minh rằng Kim Cang
Bát-nhã là căn bản để thành tựu cõi Phật, có căn bản rồi, tiếp
đến viên mãn đại nguyện thì nhất định thành công.
Bài
kệ tụng thứ hai nói trước tiên phải thông đạt hết thảy pháp tánh là
đệ nhất không, vô ngã, đã không có nhân ngã, cũng không có pháp
ngã, điều này về căn bản thì giống với bài kệ đầu tiên. Cõi Phật
thanh tịnh mà bạn chuyên chí cầu đạt được cũng chính là nơi các pháp tánh
hết thảy đều là không, vô ngã, nên nếu có thể thông đạt như vậy, chí tâm
cầu như vậy thì bạn mới có thể viên mãn. Thế nên nhân ngã, pháp ngã
đều không, mới có thể thoát hẳn căn trần, linh quang độc diệu, mới có
thể chân thật thông đạt chân như thật tướng, khế ngộ pháp thân. Từ
đây có thể lưu hiện ra hết thảy, hết thảy không, vô ngã nhưng vẫn cầu
Tịnh độ, đây là chân thật huệ, hiểu rõ được bổn thể, lại từ bổn
thể khởi chiếu dụng, đây là chân thật huệ. Cho nên vô ngã, vô
nhân là trí tuệ chân thật để chuyên chí trang nghiêm Tịnh độ.
Tóm
lại, hết thảy vô ngã là lý, trang nghiêm cõi Phật là sự, tuy là không
có ngã, cũng chẳng có cõi nước, nhưng vẫn nhất hướng chuyên chí trang
nghiêm, đây là lý sự vô ngại. Cõi Phật lìa tướng nhưng không
ngăn ngại việc chuyên chí trang nghiêm, tuy có đủ mọi diệu
tướng nhưng ngay nơi tướng mà lìa tướng, ngay nơi thể chính là
không. Vĩnh Minh đại sư nói: Kiến lập đạo tràng trăng trong
nước, làm nhiều Phật sự trong giấc mộng. Kiến lập đạo tràng chỉ là
ánh trăng trong nước, làm nhiều Phật sự thì như hoa đốm trong giấc
mộng, đây là lý sự vô ngại, không hữu song dung, viễn ly hai bên, khế
hợp trung đạo. Viên tu, viên chứng như vậy nên búng tay một phát thì
thành tựu viên mãn.
Thế
nên nói trụ chân thật huệ, chuyên chí diệu độ là gốc của đại
nguyện. Từ thể chân thật mới có thể sanh ra chiếu dụng chân
thật, trí tuệ chân thật. An trụ nơi trí tuệ chân thật mới có thể
như thật mà hiển thị ra chân thật chi tế. Bảo châu phóng quang, trước
tiên chiếu sáng bản thể của bảo châu, nên nước, chim, rừng cây của thế
giới Cực Lạc, mảy trần, mảy hương; cọng cây, ngọn cỏ đều là sự lưu
hiện của trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Không thứ nào chẳng phải là
Nhất Chân pháp giới, không thứ nào chẳng phải là tròn sáng đầy đủ công
đức, không thể nghĩ bàn.
Một
vị Tổ sư của tông Lâm Tế là Thiền Sư Vĩnh Giác Nguyên Hiền, Ngài do
vì nghe một vị Hòa thượng nói bài kệ mà xuất gia, về sau gặp được thiện
tri thức, từng bước từng bước thâm nhập, đại triệt đại ngộ. Bài
kệ sau cùng Ngài lưu lại thế gian là:
“Gà vàng mổ nát lưu ly biếc,
Hoàn toàn ngơi nghỉ
chỉ mình hay,
Nằm yên mảnh buồm trời
trong sáng,
Non trước mưa tạnh,
chim ngừng kêu”.
Ý
nghĩa của bài kệ này là, gà vàng trong chốc lát đã mổ vỡ ngọc lưu
ly, cho thấy quang minh trí tuệ của chúng ta đã hiện ra, trong chốc
lát đã phá tan màn vô minh, muôn thứ cũng ngưng, ngàn thứ cũng
dừng, chỉ có chính mình biết, đạt đến cảnh giới chứng đắc của Thiền
tông, người chưa ngộ sẽ không thể nào lãnh hội được, cũng chẳng phải
là điều mà người chưa ngộ có thể suy lường được. Cổ Thiền Sư
nói: Thần Tú so với Lục Tổ thì chưa chạm được đến mép rìa, ngài
so với Lục Tổ thì chỉ có là mê tín, Thần Tú nói: Sư Phụ mình đem y bát
giao cho ông ta, ông ta nhất định giỏi hơn mình, rốt cuộc thì cảnh
giới của Lục Tổ là gì? Thần Tú tuy là quốc sư nhưng ông ấy cũng không
biết. Tôi ngủ yên trên con thuyền giương buồm, bầu trời trong sáng, muôn
dặm chẳng thấy mây, nói rõ tâm cảnh của ngài. lúc trời mưa chim Ngói
kêu khóc: trời lạnh rồi! [Trời quang mây tạnh thì] chim Ngói ở núi phía
trước không còn ở đó kêu nữa. Có cảnh giới như vậy, Tổ sư đại triệt
đại ngộ như vậy, Ngài nói với chúng ta: niệm Nam-mô A-di-đà
Phật là phao cứu sinh trong thời Mạt pháp, chúng ta được độ, thứ
duy nhất có thể nương tựa chính là A-di-đà Phật, kết hợp với nội dung được
giao lưu trong tiết học này của chúng ta, tôi có thể hội rằng: Được
đến nơi Tuyển Phật trường này, ba thứ chân thật nghe tường tận, đến
khi bạn đạt được tâm không, Di-đà đón bạn về quê cũ. Điều này tương
ưng với bốn câu kệ tiếp theo: mười phương đồng hội tụ, mỗi người học
vô vi, đây là nơi tuyển Phật, tâm không thì được về. Xin quý vị
ghi nhớ, chúng ta là đến để học hạnh vô vi, không phải đến làm việc
hữu vi.
Tiết
học hôm nay xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!