PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 12/12/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 44
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Tiết
học trước, chúng tôi đã giảng xong kinh văn phẩm thứ chín. Trước khi
giảng kinh văn phẩm thứ 10, chúng tôi xin quy nạp chỉnh lý một chút những
điểm quan trọng trong kinh văn phẩm thứ 9. Lần chỉnh lý trọng điểm này có
chút đặc biệt, sẽ dùng hình thức kệ tụng.
“Pháp
Tạng tỳ-kheo lục độ vạn hạnh
Tích công lũy đức vô lượng vô biên
Với tất cả pháp, được đại tự tại
Bốn mươi tám nguyện đều thành hiện thực
Nhân viên quả mãn, như thật an trụ
Cõi Phật trọn đủ thanh tịnh, trang nghiêm
Tích công lũy đức mỗi ngày phải làm
Công đức lợi ích vô cùng nhanh chóng
Pháp thân Di-đà trùm khắp mọi nơi
Đến không chỗ đến, đi không chỗ đi
Thời gian không gian thảy đều siêu vượt
Bất sanh bất diệt, thường trụ Tịch Quang
Thế Tôn tán thán Pháp Tạng tỳ-kheo
Vô lượng thắng nhân, cảm được Thánh quả
Pháp Tạng tỳ-kheo là tấm gương tốt
Người học Phật nên noi theo gương đó”.
GIAI NGUYỆN TÁC PHẬT
ĐỆ THẬP
Kinh
văn của phẩm thứ 9 phía trước nói A-di-đà Phật tu nhân chứng
quả, kinh văn phẩm thứ 10 là nói chúng sanh nghe Thích-ca Mâu-ni Phật
giảng pháp, chỉ cần phát nguyện vãng sanh thì đều có thể thành
Phật. Phẩm kinh văn này giúp cho chúng ta kiên định tín tâm thành
Phật, tuy kinh văn phẩm này rất ngắn nhưng hàm nghĩa của nó rất
sâu, chúng ta học Phật, nếu muốn thành tựu trong một đời này thì
chỉ có pháp môn niệm Phật vãng sanh, nếu tu học pháp môn khác mà muốn
thành tựu trong một đời thì tương đối khó. Mời xem kinh văn bên dưới.
Phật thuyết A-di-đà
Phật, vi Bồ-tát cầu đắc thị nguyện thời, A-xà vương tử dữ ngũ bá đại
trưởng giả, văn chi giai đại hoan hỷ, các trì nhất kim hoa
cái, câu đáo Phật tiền tác lễ, dĩ hoa cái thướng Phật dĩ, khước
tọa nhất diện thính kinh, tâm trung nguyện ngôn, linh ngã đẳng tác
Phật thời, giai như A-di-đà Phật.
Đại
ý của đoạn kinh văn này là, khi Phật nói xong việc A-di-đà Phật thành
tựu thệ nguyện rộng lớn như biển đã phát khi còn là Bồ-tát ở nhân
địa, trong pháp hội có một vị vương tử và 500 đại trưởng
giả, tên của vương tử là A Xà, ông cùng với 500 vị đại trưởng
giả tuổi cao đức trọng, uy vọng rất cao, sau khi nghe Phật thuyết
pháp đều khởi lên tâm hoan hỷ trước nay chưa từng có, mỗi vị cầm một
lọng hoa bằng vàng, đến trước Phật lễ bái cúng dường. 501 người này
đều là cư sĩ tại gia, họ hành động như nhau, lại mang phẩm vật cúng
dường như nhau, có thể thấy là họ cùng nhau đến, sau khi họ cúng
dường lọng hoa xong, đều trở vào trong đại chúng, ngồi yên một bên
nghe kinh, khi đó trong tâm mỗi một người phát nguyện, nguyện khi
chúng tôi thành Phật, tất cả đều giống như A-di-đà Phật. Từ “chúng
tôi” trong kinh văn đủ thấy đây là nguyện chung của họ.
Mời
xem đoạn kinh văn tiếp theo:
Phật tức tri chi, cáo
chư tỳ-kheo, thị Vương tử đẳng, hậu đương tác Phật, bỉ ư tiền thế trụ
Bồ-tát đạo, vô số kiếp lai cúng dường tứ bá ức Phật. Ca Diếp Phật
thời, bỉ đẳng vi ngã đệ tử, kim cúng dường ngã, phục tương trị
dã. Thời chư tỳ-kheo văn Phật ngôn giả, mạc bất đại chi hoan hỷ.
Đại
ý của đoạn kinh văn này là: Nhóm A-xà vương tử phát ra đại
nguyện, Thế Tôn lập tức biết ngay, cho nên khởi tâm động niệm của
chúng ta, Như lai thảy đều thấy biết, tâm của chúng ta và tâm
Phật không có mảy may ngăn cách. Khi đó Phật nói với 12.000 đại
tỳ-kheo trong hội, nhóm của Vương tử về sau đều sẽ thành Phật, điều
này cũng tương đương với việc Phật trong đại hội thọ ký cho 501 người làm
Phật. Phật còn nói với mọi người: các ông ấy đời trước đều nhất
mực tu hành đại hạnh của Bồ-tát, an trụ nơi Bồ-tát đạo, trải qua vô
số đại kiếp, đã từng cúng dường 400 ức Phật, rộng trồng công
đức. Hôm nay lại phát nguyện, phát đại nguyện thù thắng giống như
A-di-đà Phật, thế nên đều nhất định thành Phật. Sau cùng, Phật lại
nêu ra túc duyên với những người này. Vào thời Phật Ca Diếp trụ
thế, họ là đệ tử của ta, ngày nay cúng dường ta tại pháp hội
này, đây là tương phùng lần nữa. Khi ấy 12.000 đại tỳ-kheo trong pháp
hội nghe lời Phật nói, không ai mà không mừng thay cho hơn 500
người nhóm A-xà vương tử.
Phẩm
kinh văn này có ba điều đáng để chúng ta xem trọng:
Thứ
nhất là phát nguyện, nhóm A-xà vương tử vừa phát nguyện: nguyện chúng
tôi đều như A-di-đà Phật, thì lập tức được thọ ký, tương lai nhất
định thành Phật.
Thứ
hai là nhân duyên, trong đời quá khứ vào thời Phật Ca Diếp, họ là đệ
tử của Thích-ca Mâu-ni Phật, hiện tại lại gặp nhau trong pháp hội
này, lại còn cúng dường, lại còn nghe kinh, lại kết thêm một
duyên nữa, bởi vì pháp duyên rất quan trọng, Phật cũng không thể độ
người vô duyên. Năm xưa khi Phật ở thành Vương-xá, có một phần ba
người chẳng những chưa từng nhìn thấy mặt Phật mà căn bản là chưa
từng nghe đến tên. Phật có uy đức như vậy mà còn có một phần ba
người, ngay cả tên của Phật đều không biết, chính là bởi vì họ không
có duyên.
Thứ
ba, pháp này rất phù hợp cho hàng cư sĩ, trong phẩm Đức Tuân Phổ
Hiền, sau các ngài Văn-thù, Phổ Hiền, Di-lặc, chính là 16 vị chánh sĩ
nhóm ngài Hiền Hộ, đều là Bồ-tát tại gia, trong phẩm kinh
này nghe Phật thuyết pháp xong, trước tiên hoan hỷ phấn chấn đến cúng
dường, đến phát đại nguyện, lại còn nhóm A-xà Vương Tử, hơn 500 vị
tại gia, điều này cho thấy pháp môn Tịnh độ vô cùng phù hợp với người
tại gia, người tại gia càng cần pháp môn này. Bởi vì người tại gia có
việc làm, có gia đình, có gánh nặng, có rất nhiều việc, nếu nương vào
các pháp như Thiền định v.v… thì không hành nổi. Thế nên bộ kinh này vô
cùng khế hợp với người tại gia.
Kinh
Đại thừa nói với chúng ta, người niệm Phật vãng sanh Tịnh độ không phải
người phàm, trong đời quá khứ đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như
Lai. Lần này chúng ta gặp được pháp môn này, bạn vì sao có thể sanh
khởi tín tâm, vì sao có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc đi làm
Phật, là do uy thần của vô lượng chư Phật gia trì, nên mới phát ra
được tâm ấy. Nếu không có các công đức tu hành trong đời quá
khứ, [không nhờ] nhân chân thật này thì bạn không thể phát được tâm
này. Nguyên nhân gì không thể phát tâm? Số lượng chư Phật Như Lai mà
chúng ta cúng dường vẫn chưa đủ, làm thế nào đây? Hiện nay bổ
sung, bổ sung thế nào? Niệm Phật chính là bổ sung. Học Phật, điều
kiện để phàm phu khế nhập cảnh giới là có thầy, người thầy rất quan
trọng, không có thầy thì chúng ta sẽ đi rất nhiều đường vòng, rất vất
vả. Có thầy hướng dẫn, chúng ta đối với thầy có tín tâm, y giáo
phụng hành thì sẽ bớt được rất nhiều đường vòng, đời này của bạn có khả
năng thành tựu. Cổ thánh tiên hiền không có tư tâm, mà đại công vô
tư, dùng tâm chân thành đối người tiếp vật, dạy cho chúng ta những
gì? Nguyên tắc chung, tông chỉ cương yếu chỉ đạo chung chính là 4
câu: nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu, đọc sách ngàn lần,
nghĩa kia tự hiểu. Bạn có tin tưởng hay không? Thầy của lão Pháp
sư đã truyền bốn câu này cho ngài, ngài lại đem 4 câu này truyền cho
chúng ta, bốn câu này là lời chân thật, không có một chữ nào là giả
cả. Bốn câu này từ vô thủy kiếp quá khứ cho đến vô tận đời vị
lai, người thành công đều đi trên con đường này, nếu bạn làm
thử thì bạn sẽ phát hiện hiệu quả không thể nghĩ bàn.
Trong
kinh văn có câu nói thế này mà trước đây chúng ta thường lơ là, hôm
nay ở đây tôi đặc biệt nhắc mọi người chú ý câu: “nghe rồi thảy đều
rất hoan hỷ”, câu nói này thường xuất hiện trong kinh điển, chúng ta
phải sâu sắc lý giải hàm nghĩa của nó. Ví dụ, A-xà Vương Tử và 500 đại
trưởng giả nghe Thế Tôn giảng kinh Vô Lượng Thọ vì sao hoan hỷ? Vì
đức Di-đà viên chứng Bồ-đề, thành tựu đại nguyện mà hoan hỷ, vì đức
Di-đà chứng được phương tiện rốt ráo, dùng diệu pháp trì danh phổ độ tất
cả mà hoan hỷ, vì chúng ta và tất cả hàm linh trong tương lai đều
nương pháp này để thoát sanh tử nên vui mừng, lại vì chúng ta cũng có thể
tiếp nối dẫn dắt chúng sanh, khiến tất cả được độ thoát mà hoan
hỷ, thế nên niềm vui đó, thế gian chưa từng có, cho nên gọi là ‘đại
hoan hỷ’. Chúng ta ngày nay đọc kinh, nghe kinh, tâm hoan hỷ này có
sinh ra không? Không sinh ra. Chúng ta đối với câu “nghe rồi thảy đều
rất hoan hỷ” chỉ là hàm hồ qua loa đọc lướt qua mà thôi, không sanh
được tâm hoan hỷ. Vì sao không sanh được tâm hoan hỷ? Bởi vì không
biết hàm nghĩa sâu sắc của câu nói này. Hiểu được hàm nghĩa sâu sắc của
câu này thì có lý nào mà không sanh tâm hoan hỷ chứ. Niềm hoan hỷ
này, quan trọng nhất là [vì] bản thân chúng ta có phần, không phải
không liên quan đến chúng ta. Nếu không liên quan đến mình thì mình vui
mừng để làm gì, đối với mình có quan hệ rất mật thiết. Bởi vì A-di-đà
Phật tại cõi Tịnh độ thị hiện ở phương Tây là vì chúng ta mà thị
hiện. Ngài hiện tại ở thế giới Cực Lạc, kim hiện tại thuyết
pháp là vì chúng ta mà thuyết, chúng ta cảm ân hoan hỷ. Chúng ta
nghe kinh, đọc kinh sanh khởi tâm hoan hỷ vô hạn. Vì sao
vậy? Bởi vì kinh Vô Lượng Thọ giúp chúng ta giải quyết vấn đề sanh tử
luân hồi, đây chính là việc lớn quan trọng nhất, to lớn nhất của đời
người, thì sao chúng ta không hoan hỷ được.
Kinh
văn phẩm thứ mười đã giảng xong, trọng điểm của phẩm kinh văn này đã
nói rất rõ ràng rồi, không lặp lại nữa. Điểm mà chúng ta đặc biệt chú
ý là bộ kinh Vô Lượng Thọ này với cư sĩ tại gia là khế hợp
nhất, cũng có thể nói là, bộ kinh này là Phật chuyên vì cư sĩ tại gia
mà nói, chúng ta phải sanh khởi tâm cảm ân vô hạn. Tiếp theo bắt đầu giảng
kinh văn phẩm thứ 11.
QUỐC GIỚI NGHIÊM TỊNH
ĐỆ THẬP NHẤT
Phẩm
kinh văn này giới thiệu y báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực
Lạc. Mời xem kinh văn sau đây:
Phật ngữ A-nan, bỉ Cực
Lạc giới, vô lượng công đức, cụ túc trang nghiêm, vĩnh vô chúng khổ, chư
nạn, ác thú, ma não chi danh. Diệc vô tứ thời hàn thử vũ minh chi
dị, phục vô đại tiểu giang hải, khâu linh, khanh khảm, kinh
kỉ, sa lịch, Thiết Vi, Tu-di, thổ thạch đẳng sơn. Duy dĩ tự nhiên
thất bảo, hoàng kim vi địa, khoan quảng bình chánh, bất khả hạn
cực, vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương nhất
thiết thế giới.
Đại
ý của đoạn kinh văn này là: Phật nói với A-nan, thế giới Cực Lạc
đó là do vô lượng công đức mà thành tựu, cho nên cõi nước trang
nghiêm thanh tịnh, trọn đủ tất cả trang nghiêm, vĩnh viễn lìa khỏi
tất cả khổ nạn, tên của tam ác đạo và ma não. Các khổ, các nạn, ác
thú, ma não, ngay cả tên còn không có, huống gì thật có. Trong nước
không có xuân hạ thu đông, hiện tượng lạnh lẽo nóng bức, âm u, mưa
tối, cũng không có biển lớn, sông ngòi, đồi núi, gò đống hầm hố mấp
mô, gai góc, cát sỏi, núi Thiết Vi, núi Tu-di, các loại núi do đất đá hình
thành. Chỉ là một cõi bằng phẳng, chỉnh tề, rộng lớn vô biên, đại địa
do bảy báu tự nhiên và hoàng kim tạo nên. Cõi nước là diệu trong diệu, nên
gọi là vi diệu, là hoa lệ nhất trong hoa lệ nên gọi là kỳ lệ. Sự
thanh tịnh trang nghiêm của cõi nước vượt hơn tất cả thế giới mười phương.
Tiếp
theo, chúng tôi đem những câu văn quan trọng trong đoạn kinh văn
này giải thích tường tận hơn một chút. Vô lượng công đức, đầy đủ
trang nghiêm, Luận Chú của đại sư Đàm Loan nói rằng: Từ trí tuệ thanh
tịnh nghiệp của Bồ-tát mà trang nghiêm Phật sự, nương pháp tánh mà
nhập thanh tịnh tướng, pháp ấy không điên đảo, không hư ngụy, nên gọi
là công đức chân thật. Luận Chú nói rằng: Pháp Tạng Bồ-tát trụ chân
thật huệ, trang nghiêm cõi Phật, cho nên nói là từ trí tuệ thanh tịnh
nghiệp của Bồ-tát mà trang nghiêm Phật sự, hai cách nói này là hoàn
toàn như nhau. Vãng Sanh Luận lại nói: Ba loại trang nghiêm của Cực
Lạc nhập vào thanh tịnh cú, trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi. Nay
Luận Chú nói: nương pháp tánh mà nhập thanh tịnh tướng, pháp thân
chính là thân pháp tánh, cũng chính là pháp tánh. Bồ-tát Pháp Tạng
trang nghiêm cõi nước Phật, là từ pháp thân lý thể hiển hiện cõi nước
thanh tịnh, đây cũng chính là câu ‘cõi nước trang nghiêm nhập vào
thanh tịnh cú, tức trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi’ trong Vãng Sanh
Luận. Bản thể chánh nhân là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, đây
là chân thật chi tế, không điên đảo, không hư ngụy, cho nên hết thảy
sự tướng hiển hiện ra như vậy được gọi là công đức chân thật. Lại
càng không có bất kỳ một pháp nào khác, cho nên lìa khỏi chân thật thì
chính là hư ngụy. Thế nên công đức chân thật chính là vô lượng công
đức, tự nhiên cũng chính là đầy đủ trang nghiêm.
Chư
nạn còn gọi là bát nạn. Thứ nhất là nạn địa ngục trong địa ngục nghe
pháp rất khó. Thứ hai là nạn súc sanh, thứ ba là nạn ngạ
quỷ, thứ tư là nạn trường thọ thiên, thọ mạng 500 kiếp, là trời
Vô Tưởng thuộc Tứ Thiền Sắc Giới. Vô tưởng của nó giống như cá bị
đóng băng, một khi băng tan thì cá lại có thể động đậy. Thứ năm là
Bắc Câu Lô Châu, nơi đó Phật không đến, nên bị nạn. Thứ sáu là mù
điếc câm ngọng, bị mù bị điếc và câm ngọng đều rất khó khăn. Thứ bảy
là nạn thế trí biện thông, người tự cho mình thông minh đều phải cảnh
giác, nếu bạn chỉ là tà kiến thế gian cộng thêm tài ăn nói, giỏi
biện luận, biết viết văn chương, ưa thích lý luận của ngoại
đạo, không tin chánh pháp xuất thế thì thuộc về loại này, muốn
thành đạo thì rất khó. Thứ tám, nạn sanh ra trước và sau Phật, không
gặp được Phật thì rất khó khăn. Ác thú chính là ba đường ác. Ma não,
ma có thể não hại thân tâm của người, nên cũng gọi là ma não. Ma là
cách gọi tắt của Ma La, cũng chính là tên gọi khác của ma vương Ba
Tuần của trời Tha Hóa Tự Tại. Loại quỷ thần này có ma lực rất
lớn, có thể não hại người tu hành.
Lại
không có bốn mùa, nóng lạnh, mưa tối khác biệt, đây là nói về thời
tiết. Tứ thời là xuân hạ thu đông, hàn là rất lạnh, thử là
rất nóng, vũ là trời mưa, minh là trời âm u, những thứ này đều
không có. Chính là vĩnh viễn đều có thời tiết ôn hòa tươi sáng, hoàn
cảnh cuộc sống như vậy tốt biết mấy, điều kiện địa lý càng khiến người
khác hâm mộ, khát ngưỡng, không có sóng to gió lớn của sông biển lớn
nhỏ, không có con đường khó đi của các gò đống hầm hố, không có cát
sỏi, gai góc chẳng mọc, càng không có các núi Tu-di, Thiết Vi
v.v… chỉ có đại địa rộng lớn bằng phẳng vuông vức. Núi Tu-di là
trung tâm của bốn bộ châu lớn. Núi Thiết Vi nằm ở ngoại vi, mặt trăng
mặt trời quay vòng quanh núi Tu-di, cõi trời Tứ Thiên Vương nằm ở lưng
chừng núi Tu-di, trên đỉnh là trời Đế Thích nơi Đế Thích ở. Bên trên
núi Tu-di còn có trời Sắc Giới, trời Vô Sắc Giới, đều ở không
trung, đây là tình trạng sắp xếp của thế giới thông thường. Nhưng tại
thế giới Cực Lạc, núi Tu-di và núi Thiết Vi đều không có, ở thế giới
Cực Lạc, chỉ do bảy báu tự nhiên, hoàng kim làm đất. Đất là bảy báu
và vàng ròng hợp thành. Tự nhiên là biểu thị cho không phải tạo tác mà thành, không
phải sắp xếp mà được, cho nên gọi là tự nhiên. Đây là do tu đức có
công, tánh đức tự nhiên hiển hiện. Tên gọi của bảy báu trong mỗi kinh
không giống nhau, việc này không thành vấn đề, những bảo bối này chỉ
là để ví dụ mà thôi. Bởi vì sự mỹ diệu của thế giới Cực Lạc, người đời
không thể tưởng tượng, chỉ đành dùng báu vật ở thế gian để làm tỉ
dụ. Bảy báu trong kinh này là: vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, hổ
phách, mỹ ngọc, mã não. Còn về hình thái của đất thì rộng rãi bằng
phẳng, không có bờ mé. Khoan là rộng rãi, quảng là rộng lớn, bình
là bằng phẳng, bình đẳng, chánh là to lớn. Đất bằng phẳng như lòng
bàn tay, không có bờ mé, bởi vì nó không có hạn lượng. Thế nên Sớ Sao
nói: rõ ràng ở ngay trước mắt.
Tiếp
theo nói về thời tiết ở thế giới Cực Lạc, thời tiết ở thế giới Cực
Lạc không có khác biệt của nóng lạnh, mưa tối, thảy đều là ấm áp ôn
hòa. Trên mặt đất không có núi sông hiểm trở, mà là một vùng rộng rãi
bằng phẳng, đây đều là vì Bồ-tát Pháp Tạng trụ chân thật huệ mà trang
nghiêm cõi Phật. Cho nên tâm tịnh thì cõi nước tịnh, tâm bình thì nơi nơi
bình, tâm hòa thì tất cả hòa. Như đại sư Đàm Loan đại sư
nói: nương pháp tánh nhập thanh tịnh tướng, các tướng ở Cực Lạc đều
là nương tánh mà nhập, pháp tánh đều là một vị bình đẳng, không có tướng
sai biệt, thế nên thời tiết địa hình không có sai biệt, pháp tánh
rộng lớn không có bờ mé, cho nên cõi nước Cực Lạc không có hạn
lượng. Pháp tánh đầy đủ thiện mỹ, cùng vi cực diệu, nên gọi là vi
diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm. Diệu chính là thắng diệu không thể nghĩ
bàn. Vi diệu chính là diệu trong diệu, khó nghĩ bàn trong khó nghĩ
bàn. Lệ chính là hoa lệ. Kỳ là kỳ đặc, kỳ lệ chính là siêu tuyệt
không gì sánh bằng, mỹ diệu và hoa lệ. Quán Kinh nói: đại địa ở
Cực Lạc do bảy báu mà thành, trong mỗi báu có 500 sắc sáng, những
quang minh này giống đóa hoa, giống chòm sao, giống mặt trăng treo ở trên
không. Thế giới Cực Lạc mỹ diệu kỳ đặc, điều quan trọng nhất
là toàn thể thế giới Cực Lạc đều thanh tịnh trang nghiêm. Tất cả cảnh
sắc trong nước Cực Lạc khiến tâm người hoan hỷ mà không đắm nhiễm, cảnh
và tâm đều là thanh tịnh trang nghiêm. Thanh tịnh là vô nhiễm, trang
nghiêm là đầy đủ đức. Thanh tịnh khiến tâm người tĩnh lặng, trang
nghiêm khiến tâm người tôn kính. Đây là bởi vì cõi nước Cực Lạc là từ
bản tánh thanh tịnh mà thành tựu trang nghiêm. Thế nên vi diệu kỳ lệ,
thanh tịnh trang nghiêm, vượt hơn tất cả thế giới trong mười
phương. Tất cả mọi thứ trong thế giới Cực Lạc đều không thể nghĩ
bàn, không thể dùng tình mà thấy tướng, không thể suy nghĩ mà
biết, cho nên nơi nơi sự sự vô ngại. Nơi nơi đều là Nhất Chân pháp
giới.
Mời
xem kinh văn tiếp theo:
A-nan văn dĩ, bạch Thế
Tôn ngôn, nhược bỉ quốc độ vô Tu-di sơn, kỳ Tứ Thiên Vương Thiên cập
Đao Lợi Thiên y hà nhi trụ.
Thế
giới Tây Phương Cực Lạc không có núi, A-nan nêu ra câu hỏi là: nước
ấy không có núi Tu-di vậy thì trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi trụ vào
đâu? Ở đây, chúng tôi muốn nói rõ hai vấn đề. Vấn đề thứ
nhất, A-nan vì sao nêu ra câu hỏi này? [Vì] A-nan dựa theo hiện trạng
của thế giới này mà nêu câu hỏi. Thế giới Tây Phương Cực Lạc có bốn
cõi: cõi phàm thánh đồng cư, cõi phương tiện hữu dư, cõi thật
báo trang nghiêm, cõi thường tịch quang Tịnh độ. Thế giới đó không có
sáu đường, cõi đồng cư chỉ có hai đường là cõi người và cõi
trời. Thế giới đó không có núi, cho nên dẫn đến nghi vấn của tôn giả
A-nan. Nếu không có núi Tu-di thì trời Dục Giới trụ vào
đâu? Trời Tứ Thiên Vương và trời Đao Lợi trong cõi trời Dục Giới đều
trụ vào núi Tu-di, trời Tứ Thiên Vương trụ ở lưng chừng núi, trời Đao
Lợi trụ ở đỉnh núi. Không có núi Tu-di thì hai tầng trời này như thế
nào đây? Tôn giả A-nan nêu ra nghi vấn này.
Vấn
đề thứ hai, nghi vấn này có phải là tôn giả A-nan hỏi hay
không? Không phải. Tôn giả A-nan là hỏi thay cho chúng ta. Phàm
phu nghe Thế Tôn giới thiệu về thế giới Cực Lạc, thường khó tránh khỏi
có nghi hoặc. Tôn giả A-nan biết tình trạng này bèn thỉnh giáo Thế
Tôn, nếu cõi nước đó không có núi Tu-di thì trời Tứ Thiên Vương, trời
Đao Lợi nương vào đâu để trụ? Chúng ta xem kinh văn kế tiếp.
Xem
Thế Tôn trả lời câu hỏi này như thế nào.
Phật cáo
A-nan, Dạ Ma, Đâu Suất, nãi chí Sắc Vô Sắc Giới, nhất thiết chư
thiên, y hà nhi trụ? A-nan bạch ngôn, bất khả tư nghị nghiệp lực sở trí.
Ý
nghĩa đại khái của đoạn kinh văn này là: Phật không trực tiếp trả lời
câu hỏi A-nan nêu ra, mà gợi ý cho A-nan, để tự ngài suy
nghĩ, đây là chỗ dạy học cao minh của Thế Tôn, gọi là dạy học theo
phương thức gợi ý. Phật hỏi lại A-nan, thế giới này của chúng
ta, trời Dạ Ma, các cõi trời từ trời Dạ Ma trở lên trụ vào hư không, gọi
là trời Không Cư. Trời Đâu Suất, trời Sắc Giới, trời Vô Sắc
Giới nương vào đâu mà trụ? Những thiên giới này trụ nơi hư
không, không hề nương vào núi Tu-di, ông vì sao cho rằng phải nương
vào núi Tu-di? A-nan trả lời, là do nghiệp lực không thể nghĩ bàn dẫn nên. Nghiệp
là tạo tác, ví dụ học sinh ở nhà phải làm bài tập để luyện tập, gọi
là bài tập về nhà, nghiệp trong sự nghiệp theo cách nói thông
thường cũng là hàm nghĩa này. Hành thiện thì gọi là thiện
nghiệp, làm ác thì gọi là ác nghiệp. Thiện nghiệp thì có sức mạnh và
tác dụng sinh ra thiện quả, ác nghiệp thì có sức mạnh và tác dụng sinh ra
ác quả, đây chính là nghiệp lực. A-nan nói, các cõi trời từ trời
Dạ Ma trở lên không nương vào núi Tu-di mà có thể trụ vào hư
không, đây là hiện tượng do nghiệp lực không thể nghĩ bàn của chúng
sanh tạo thành. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một cảnh giới
không thể nghĩ bàn, không thể dùng cách nghĩ, cách thấy thông thường của
chúng ta hiện nay mà suy nghĩ mà xem xét cõi Tịnh độ tây phương.
Mời
xem kinh văn kế tiếp:
Phật ngữ
A-nan, bất tư nghì nghiệp, nhữ khả tri da? Nhữ thân quả báo bất khả
tư nghị, chúng sanh nghiệp báo diệc bất khả tư nghị, chúng sanh thiện
căn bất khả tư nghị, chư Phật thánh lực, chư Phật thế giới diệc bất
khả tư nghị. Kỳ quốc chúng sanh, công đức thiện lực, trụ hạnh nghiệp
địa, cập Phật thần lực cố năng nhĩ nhĩ.
Ý
nghĩa của đoạn kinh văn này là, Phật nói với A-nan, bất khả tư nghị nghiệp
ông có thể biết không? Quả báo của bản thân ông chẳng thể nghĩ
bàn. Quả báo, nói tóm lại là chỉ cho kết quả hoặc hồi báo cảm được từ
thiện nghiệp hoặc ác nghiệp đã tạo trong quá khứ. Tiếp đó Phật lại
nói: Nghiệp báo của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn. Nghiệp báo
chỉ cho nghiệp nhân và quả báo. Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện nói
rằng: Do tham sân si từ nơi thân khẩu ý mà tạo vô lượng vô biên ác
nghiệp. Nếu những ác nghiệp ấy có thể tướng thì khắp hư không pháp
giới không thể dung chứa được. Căn cứ theo Câu Xá Luận thì sức mạnh
của ác nghiệp là mạnh nhất, ngay cả Thế Tôn cũng không thể tránh khỏi, chế
ngự. Thế nên nghiệp báo của chúng sanh cũng không thể nghĩ bàn.
Thiện
căn của chúng sanh không thể nghĩ bàn, cho nên Kinh Đại Tập nói: các
hạnh của chúng sanh không thể nghĩ bàn, cảnh giới của chúng sanh không thể
nghĩ bàn. Hai câu này ý nghĩa rất sâu. Thiền sư Lâm Tế nói: Các
ông muốn biết Phật và Tổ ư? Đó chính là ông, người đang nghe pháp
đó. Lại nói, mỗi ngày mỗi thứ dụng đều đủ, có thiếu sót gì
đâu? Sáu đạo thần quang chưa từng gián đoạn. Sáu đạo thần
quang là mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị,
miệng nói chuyện v.v… đều là tác dụng của thần quang, trước giờ
chưa từng gián đoạn. Câu nói này là tinh hoa của Lâm Tế ngữ lục. Cổ
đức của Thiền Tông có một bài kệ tinh diệu nhất: Tâm theo muôn cảnh
chuyển, chỗ chuyển thật kín sâu, theo dòng nhận được tánh, không
mừng cũng không lo. Bài kệ này là nói, tâm của phàm phu thường chuyển
theo cảnh bên ngoài, vốn là vọng động, thế nhưng chỗ có thể chuyển
theo ngoại vật ấy thật sự sâu kín, thâm diệu, nếu có thể nhận rõ chỗ
chuyển ấy, thì có thể thuận theo sự lưu chuyển mà nhận ra bổn
tánh, nhận được bổn tánh của mình, ngay đó hư không tan vụn, đại địa
chìm xuống. Hư không đều tan vụn rồi thì còn có gì gọi là mừng hay lo
nữa. Ý của đoạn trên nói rằng, người nghe pháp chính là
Phật, sáu đạo thần quang chưa từng gián đoạn, theo dòng để nhận ra
tánh, chỉ thẳng thiện căn của chúng sanh, quả thật là siêu tình ly
kiến, không phải do suy nghĩ phân biệt mà có thể hiểu được. Tông Môn
là như vậy, giáo hạ cũng là như vậy.
Kinh
Pháp Hoa nói: Nếu người tâm tán loạn, đi vào trong tháp
miếu, vừa xưng Nam Mô Phật, thảy đều thành Phật đạo. Đều thành
Phật đạo rồi, thế nên đồng nêu rõ thiện căn của chúng sanh không thể nghĩ
bàn. Thánh lực chư Phật, thế giới chư Phật cũng không thể nghĩ
bàn. Tông Cảnh Lục nói: Có năm loại sức mạnh không thể nghĩ
bàn. Lực uy đức của Phật pháp là một trong năm loại sức mạnh, Phật
lực không thể nghĩ bàn, cho nên cõi nước Phật thành tựu cũng không thể
nghĩ bàn. Đại sư Đàm Loan tán thán thế giới Cực Lạc, ánh sáng làm
Phật sự sao có thể nghĩ bàn được, nước làm Phật sự sao có thể nghĩ bàn được, kế
đó đều có, bóng của cây cũng có thể làm Phật sự, âm thanh cũng có thể
làm Phật sự, sao có thể nghĩ bàn được đây? Sau cùng còn có một câu
quan trọng nhất: khen những người vãng sanh, không đoạn phiền não mà
được phần Niết-bàn, sao có thể nghĩ bàn được? Người vãng sanh đến thế giới
Cực Lạc không đoạn phiền não mà được Niết-bàn. Sự phương tiện thù
thắng như vậy sao có thể nghĩ bàn được? Đây chính là chỗ không thể nghĩ
bàn trong sự không thể nghĩ bàn của thế giới Cực Lạc.
Chúng
sanh nước ấy, công đức thiện lực. ‘Nước ấy’ chỉ cho nước Cực
Lạc, thiện lực là lực do tu thiện có được. Chúng sanh vãng sanh, phát
Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm, chánh trợ kiêm tu, có đủ mọi công
đức thiện lực, cho nên có thể an trụ vào nơi đại nguyện, đại hạnh,
đại nghiệp thành tựu của A-di-đà Phật. An trụ Cực Lạc chính là trụ
hạnh nghiệp địa, trụ vào nơi hạnh nguyện thành tựu của đức Di-đà. Lại
nữa, theo đại sư Đàm Loan nói: thấy được thân tướng của đức Di-đà thì được
bình đẳng thân nghiệp, nghe danh hiệu Phật thì được bình đẳng khẩu
nghiệp, gặp được quang biết được pháp, được bình đẳng ý nghiệp, trụ
vào thân khẩu ý của Như Lai, đây chính là trụ ở hạnh nghiệp địa của Như
Lai. Thế nên chúng sanh vãng sanh có công đức thiện lực thù
thắng, lại còn an trụ ở Cực Lạc học tập hạnh của đức Di-đà, còn thêm
sức uy thần công đức của đạo sư A-di-đà Phật, cho nên nước ấy không
dựa vào núi Tu-di.
Mời
xem kinh văn kế tiếp:
A-nan bạch
ngôn, nghiệp nhân quả báo, bất khả tư nghị, ngã ư thử pháp, thật vô
sở hoặc, đãn vị tương lai chúng sanh, phá trừ nghi võng, cố phát tư
vấn.
A-nan
bẩm bạch với Thế Tôn rằng, nghiệp nhân quả báo này không thể nghĩ
bàn, con không có nghi hoặc, thế giới Cực Lạc do có nhân thù thắng
không gì sánh nên được quả thù thắng không gì sánh, con không có nghi
hoặc. Con là vì chúng sanh tương lai, phá trừ nghi hoặc cho
họ, thay họ nêu ra câu hỏi.
Xin
tổng kết trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 11:
Trọng
điểm thứ nhất, nhận thức sự thanh tịnh trang nghiêm của hoàn cảnh thế
giới Tây Phương Cực Lạc. Một là vĩnh viễn không có tên của các
khổ, các nạn, đường ác, ma não. Không có các loại khổ não như tam
khổ, bát khổ v.v… không có các loại tai nạn như tam tai bát nạn
v.v… không có ba đường ác, cũng không có tên gọi các ma não. Từ
trọng điểm là hai chữ “vĩnh vô”. Hai là, cũng không có bốn mùa, nóng lạnh
mưa tối khác biệt, lại không có sông biển lớn nhỏ, gò đống hầm
hố, gai góc cát sỏi, đá núi như Thiết Vi, Tu-di v.v… Thế giới Cực Lạc
không có biến đổi khí hậu, không có khác biệt về hoàn cảnh địa lý. Ba
là hoàn cảnh vật chất của thế giới Cực Lạc vượt trỗi tất cả thế
giới, thất bảo tự nhiên, vàng ròng làm đất, rộng rãi bằng phẳng,
không có hạn lượng, vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, vượt hơn
tất cả thế giới mười phương.
Trọng
điểm thứ hai, nghiệp lực không thể nghĩ bàn, tuy lâu xa nhưng ắt sẽ lôi
dẫn nhau, đến khi quả báo chín muồi, muốn trốn cũng khó tránh. Những
câu này nói với chúng ta điều gì? Nếu người tạo nghiệp, tuy rằng lâu
xa nhưng khi nhân duyên hội tụ thì nghiệp báo nhất định sẽ hiện tiền, không
có biện pháp tránh khỏi.
Trọng
điểm thứ ba, hiểu rõ chính xác hàm nghĩa sâu sắc chúng sanh, thế giới
không thể nghĩ bàn, do nghiệp lực dẫn dắt.
Trọng
điểm thứ tư, thế giới Tây Phương Cực Lạc, thứ tạo tác là nghiệp lực
không thể nghĩ bàn, nghiệp không thể nghĩ bàn này có nghĩa là gì? Nói
về phạm vi của nghiệp lực không thể nghĩ bàn thì danh hiệu không thể nghĩ
bàn, tín nguyện không thể nghĩ bàn, đọc tụng không thể nghĩ
bàn, thọ trì không thể nghĩ bàn, hoằng dương không thể nghĩ bàn
v.v…
Trọng
điểm thứ năm, làm thế nào có thể đạt được thân nghiệp bình đẳng như
Phật, khẩu nghiệp bình đẳng với Phật, ý nghiệp bình đẳng như Phật?
Trọng điểm thứ sáu, thế giới Tây Phương Cực Lạc, chỗ y cứ, lý luận
của y chánh trang nghiêm là gì? Nghiệp lực không thể nghĩ bàn.
Tiết
học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!