Tập 45 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020 

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 13/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 45

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật! Hôm nay bắt đầu giảng kinh văn phẩm thứ 12.

QUANG MINH BIẾN CHIẾU ĐỆ THẬP NHỊ

Phẩm kinh văn này nói về chánh báo trang nghiêm của thế giới Tây Phương Cực Lạc, cũng chính là giới thiệu sự tốt đẹp của hoàn cảnh nhân sự nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc.  Chánh báo trang nghiêm và y báo trang nghiêm đều là sự tướng, thế nên có người cảm thấy pháp môn Tịnh độ và Kinh Kim Cang dường như là hai thứ khác nhau. Thế nhưng trong Tịnh Tu Tiệp Yếu nói: Nhờ y chánh ấy hiển tự tâm ta. Nghĩa là nói mượn y báo chánh báo của cõi ấy để hiển rõ tâm của chính mình. Cho nên hết thảy y báo chánh báo, vô lượng thọ, vô lượng quang, suối ao cây báu đều là nói tự tánh, không phải ngoài tâm cầu pháp. Trước tiên chúng ta phải có nhận thức căn bản thì mới có thể thật sự tin và bước vào pháp môn Tịnh độ.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phật cáo A-nan, A-di-đà Phật uy thần quang minh tối tôn đệ nhất. Thập phương chư Phật sở bất năng cập, biến chiếu đông phương hằng sa Phật sát, nam tây bắc phương, tứ duy thượng hạ, diệc phục như thị. Nhược hóa đỉnh thượng viên quang, hoặc nhất nhị tam tứ do tuần, hoặc bá thiên vạn ức do tuần. Chư Phật quang minh hoặc chiếu nhất nhị Phật sát, hoặc chiếu bá thiên Phật sát, duy A-di-đà Phật, quang minh phổ chiếu vô lượng vô biên vô số Phật sát. Chư Phật quang minh sở chiếu viễn cận, bổn kỳ tiền thế cầu đạo, sở nguyện công đức đại tiểu bất đồng. Chí tác Phật thời, các tự đắc chi, tự tại sở tác, bất vi dự kế. A-di-đà Phật quang minh thiện hảo, thắng ư nhật nguyệt chi minh thiên vạn ức bội, quang trung cực tôn, Phật trung chi vương.   

Đoạn kinh văn này khá dài, chúng ta trước tiên nói đại ý của đoạn kinh văn này. Phật nói với A-nan, uy thần và quang minh của A-di-đà Phật đứng đầu trong các thứ tôn quý nhất, tất cả chư Phật mười phương đều không sánh bằng. Phật quang chiếu khắp phương Đông đến các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng, chiếu xa đến trăm ngàn cõi Phật. Duy chỉ quang minh của A-di-đà Phật phổ chiếu đến vô lượng vô biên cõi Phật. Quang minh của chư Phật chiếu ra có xa có gần là do đời quá khứ khi các Ngài cầu đạo đã phát các nguyện lớn nhỏ không như nhau. Đến khi thành Phật mỗi vị tự nhiên đắc được diệu quả, Phật quang không như nhau. Đều là tự nhiên thành công, không dựa vào sắp xếp tạo tác. Quang minh của A-di-đà Phật thiện lành tốt đẹp, vượt hơn ánh sáng nhật nguyệt của thế gian ngàn ức vạn lần. Quang minh của A-di-đà Phật là tôn quý bậc nhất trong tất cả Phật quang. A-di-đà Phật thật sự là vua trong các Phật.

Tiếp theo chúng tôi xin giải thích đoạn kinh văn này.

Phật nói với A-nan, uy thần quang minh của A-di-đà Phật là tôn quý bậc nhất, mười phương chư Phật không thể sánh bằng. Bốn câu này không phải lời tự khen của người tu Tịnh độ, là do kim khẩu của Thích-ca Mâu-ni Phật nói ra, là sự tán thán của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với A-di-đà Phật. Kinh Kim Cang nói: “Như Lai là người nói lời chân thật, nói đúng sự thật, sự thật như thế nào thì nói như thế đó, không nói lời lừa gạt, không nói lời khác nhau”. Lời Phật nói ra không thêm vào một chút, cũng không bớt đi một chút, mà trực tiếp thẳng thắn nói ra, không tăng không giảm, đây là như ngữ. Cho nên chúng ta phải tin tưởng, uy thần quang minh của A-di-đà Phật là tôn quý bậc nhất, mười phương chư Phật thật sự không thể sánh bằng. Đọc bốn câu này rồi chúng ta vẫn chưa thể tin tưởng, vẫn còn nghi vấn ư? Trong bổn nguyện của A-di-đà Phật, lời nguyện thứ 13 nói rằng, khi tôi thành Phật quang minh vô lượng, phổ chiếu mười phương, vượt hơn chư Phật, vượt hơn ánh sáng nhật nguyệt ngàn vạn ức lần. Đoạn kinh văn này chính là lời nguyện đã thành hiện thực, đã viên mãn rồi. Những nguyện đã phát trước đây hiện nay đã trở thành sự thật. 

Uy là uy đức, thần là thần thái. Uy thần quang minh của A-di-đà Phật là tôn quý bậc nhất trong mười phương chư Phật, thế nên quang minh của Phật được gọi là ‘quang trung cực tôn’, A-di-đà Phật là vua trong các Phật. Đã là Phật Phật đạo đồng, các pháp bình đẳng không có cao thấp, vì sao lại xuất hiện sự khác biệt có tôn quý nhất và đệ nhất vậy? Cổ đức Nhật Bản, sư Vọng Tây trả lời rất hay, Ngài nói: thường đồng thường biệt. Thông thường là như nhau, thông thường lại khác biệt, cho nên bốn chữ này đạo lý rất sâu. Thượng Sư Hoàng Niệm Tổ lão cư sĩ nói rằng: Ngay nơi khác biệt hiểu được ý không khác biệt, ngay chỗ không khác biệt hiểu được ý khác biệt. Thông thường không khác biệt là thường đồng, thông thường có khác biệt là thường biệt. Bây giờ xin ví dụ, bảo tàng châu báu ở Cố Cung có rất nhiều món đồ bằng vàng, tôi nói với bạn, những thứ này đều là như nhau, đều là vàng, câu nói này hợp lý. Lại nói với bạn những thứ này không giống nhau, đây là cái chậu, đây là cái chén, đây là tháp, đây là tượng Phật, vả lại tượng Phật cũng không như nhau. Đây là Thích-ca Mâu-ni Phật, đó là A-di-đà Phật, có đủ mọi khác biệt, câu nói này cũng hợp lý. Vừa rồi tôi nói là giống, câu này hợp lý, bây giờ lại nói không giống, có khác biệt, câu này cũng hợp lý, cho nên là thường đồng thường biệt. Thế nên không hợp với hình thức logic, thừa nhận giống nhau tức không thừa nhận khác biệt, thừa nhận khác biệt thì không thừa nhận giống nhau. Diệu đức của chư Phật tương chứng, tương đồng, Bồ-tát thành Phật mỗi người có nguyện lực riêng, cho nên tùy theo nội dung khác nhau của bổn nguyện mà thành tựu tự nhiên khác nhau. Phát nguyện có lớn nhỏ, nên quang minh có hơn kém. Bởi vì Pháp Tạng Đại sĩ trong nhân địa phát nguyện chính là muốn: khi tôi thành Phật, quang minh vô lượng, vượt hơn quang minh của chư Phật. Nên sau khi thành Phật, Phật quang tôn quý bậc nhất. Pháp Tạng phát đại nguyện như vậy không phải là muốn nổi trội, muốn vượt hơn tất cả chư Phật. Nếu có suy nghĩ như vậy thì đó là ma rồi, đây là vì độ chúng sanh, muốn cho vô lượng chúng sanh được lợi ích chân thật lớn nhất, nên Ngài mới cần quang minh vô lượng. Chiếu khắp hằng sa cõi Phật ở phương Đông, quang minh của Phật có thể chiếu đến các cõi nước Phật ở phương Đông nhiều không đếm hết như số cát sông Hằng Ấn Độ. Tam thiên đại thiên thế giới là một cõi Phật. Nam tây bắc phương, trên dưới và bốn phương phụ chính là mười phương. Có bốn phương chính, và có bốn phương phụ ở 4 góc, cộng thêm trên và dưới thì là mười phương. Quang minh của Phật đều có thể chiếu đến. Hào quang tròn hiện trên đảnh Phật, hào quang tròn lớn nhỏ trên đảnh của Phật hoặc chiếu một hai ba bốn do tuần, hào quang tròn trên đảnh Phật, có vị chiếu xa một hai do tuần, vài do tuần, có Phật chiếu đến trăm ngàn vạn ức do tuần. Quang minh của Phật, có cái chiếu đến một hai cõi Phật, có cái chiếu đến trăm ngàn cõi Phật, duy chỉ quang minh của A-di-đà Phật là chiếu khắp đến vô lượng vô biên vô số cõi Phật. Quang minh của chư Phật chiếu ra có xa có gần, là do đời trước các Ngài cầu đạo đã phát nguyện có công đức lớn nhỏ không như nhau. Đến khi thành Phật, sở đắc của mỗi vị không như nhau, cho nên đã không phát nguyện suông. Thành tựu tự tại không phải do dự trù trước, đến khi đắc đạo thành Phật thì tự nhiên hình thành nên như thế, không phải do sự sắp xếp an bài trước đó.

Học tập đoạn kinh văn bên trên, bạn có cảm ngộ gì? Tương lai chúng ta thành Phật thì mong muốn quang minh chiếu đến một hai cõi Phật, hay là giống như A-di-đà Phật, chiếu đến tận hư không khắp pháp giới. Sự việc này là do mỗi người phát nguyện lớn hay nhỏ mà quyết định. Tâm lượng của bạn nhỏ, tương lai thành Phật cõi nước sẽ nhỏ, quang minh cũng nhỏ. Tâm lượng của bạn lớn, tương lai thành Phật cõi nước cũng sẽ lớn, quang minh cũng lớn. Thế nên về mặt lý mà nói thì hoàn toàn tương đồng, nhưng về mặt sự thì mỗi người ở nhân địa tu hành phát nguyện không như nhau. Việc này chúng ta nhất định phải biết, phải ghi nhớ. 

Ngày nay, nhà thiên văn học biết rằng các tiểu hành tinh trong hệ Mặt Trời có đến hàng vạn cái, tám hành tinh lớn thì tương đối lớn, còn hành tinh nhỏ thì nhiều, [do] tâm lượng nhỏ nhiều, tâm lượng lớn ít. Địa cầu mà chúng ta ở không xem là lớn, còn có tinh cầu đường kính chỉ có 20-30 dặm, còn nhỏ hơn một hòn đảo của chúng ta, nơi đó cũng có chúng sanh, mắt thịt chúng ta nhìn không thấy, người có tâm lượng nhỏ hơn chúng ta sống ở đó, đây là sự thật. Người có tâm lượng càng lớn thì ở tinh cầu càng lớn. Thế giới Tây Phương Cực Lạc lớn không thể nghĩ bàn, đều là những người tâm lượng lớn, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng vãng sanh đến nơi đó. Phải biết, do công đức phát nguyện lớn nhỏ không như nhau, thật sự là không như nhau, đến khi thành Phật, quả báo hiện tiền, nhân và quả nhất định tương ứng. A-di-đà Phật quang minh thiện hảo, thiện của quang minh, hảo của quang minh vượt hơn ánh sáng nhật nguyệt ngàn vạn ức lần, cho nên quang minh của Ngài là tôn quý nhất trong các quang minh, A-di-đà Phật là vua trong các Phật.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Thị cố Vô Lượng Thọ Phật, diệc hiệu Vô Lượng Quang Phật, diệc hiệu Vô Biên Quang Phật, Vô Ngại Quang Phật, Vô Đẳng Quang Phật, diệc hiệu Trí Huệ Quang, Thường Chiếu Quang, Thanh Tịnh Quang, Hoan Hỷ Quang, Giải Thoát Quang, An Ổn Quang, Siêu Nhật Nguyệt Quang, Bất Tư Nghì Quang.

Trong đoạn kinh văn này xuất hiện tên gọi của 12 quang minh, 12 quang minh này chính là quang minh đại viên mãn, một quang minh vì sao lại có 12 tên gọi? Đây là giải thích cho cụm từ “quang minh thiện hảo” phía trước, thiện ở chỗ nào, hảo ở chỗ nào? Quang minh của Ngài là vô lượng, không bị suy thoái, đây là một trong những thiện hảo. Đồng thời, trong vô lượng quang hàm chứa vô lượng trí tuệ. Quang minh của nhật nguyệt chỉ có ánh sáng, không có trí tuệ, còn ánh sáng mà Phật phóng ra tràn đầy trí tuệ, Phật đem trí tuệ Bát-nhã xứng tánh mà chính Ngài tu được, dùng quang minh chiếu tỏa ra mười phương. Phàm những ai tiếp xúc được Phật quang thì tiếp xúc được trí tuệ Bát-nhã của Phật, thì đạt được sự gia trì của trí tuệ trong bổn nguyện của Phật. 

Tên của 12 quang minh này cũng gọi là 12 vị quang Phật, tóm lại đều là danh hiệu của Phật Vô Lượng Thọ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ-tát cùng địa vị với ngài cùng đến trước Phật nói hằng sa kiếp quá khứ, cho nên chúng ta nói 10 kiếp là thị hiện, ở đây lại thêm một chứng minh, có Phật xuất thế tên là Vô Lượng Quang, bạn xem Phật Vô Lượng Quang chẳng phải đã thành Phật hằng sa kiếp về trước rồi sao? Mười hai vị Như Lai nối tiếp trong một kiếp, có 12 đức Như Lai lần lượt thành Phật trong một kiếp, vị Phật sau cùng tên là Siêu Nhật Nguyệt Quang, đức Phật ấy dạy tôi niệm Phật Tam-muội. Hằng sa kiếp quá khứ, Ngài từ nơi Phật Vô Lượng Quang học được niệm Phật Tam-muội. Cho nên Đại Thế Chí Bồ-tát là sơ tổ của Tịnh độ tông, Ngài chuyên tu trì danh niệm Phật. 

Tiếp theo chúng tôi sẽ giảng tương đối tường tận về 12 quang minh, giúp các đồng tu nhận biết A-di-đà Phật thêm một bước nữa, tăng cường nguyện tâm và tín tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, thân cận A-di-đà Phật của chúng ta.

Thứ nhất là Vô Lượng Quang, đại sư Đàm Loan có làm bài kệ tán A-di-đà Phật, đối với 12 vị quang Phật, mỗi một vị Phật Ngài đều làm một bài kệ. Kệ tán Phật Vô Lượng Quang là: quang minh trí tuệ không thể lường, nên Phật có tên Vô Lượng Quang, các tướng hữu lượng nhờ quang khai hiểu, thế nên cúi đầu đảnh lễ chân thật minh. Bốn câu này có ý nghĩa thâm sâu. Lời tán thán này của đại sư khế hợp với bổn tâm của chư Phật, chỉ ra thể tánh thù thắng của quang minh. Chúng ta đừng đem quang minh xem thành sự tướng, nên biết rằng quang minh chính là trí tuệ, trí tuệ và quang minh không hai, vì sao có thể nói như vậy? Diệu nghĩa thù thắng vô thượng này có thể lý giải từ trong kinh Thủ Lăng Nghiêm. 

Chương Quán Âm Viên Thông trong kinh nói rằng: Một căn trở về nguồn, thì sáu căn được giải thoát; Xoay tánh nghe, gốc lòa tiêu trừ; Trần tướng tiêu, giác tánh viên tịnh; tịnh cùng cực, trí quang thấu suốt, thể tịch chiếu trùm khắp hư không.

Đại ý trong Kinh là: từ nhĩ căn quay về nghe nơi tự tánh, đạt đến ngọn nguồn, thì sáu căn đồng thời đạt được giải thoát. Khôi phục lại tánh nghe thì thì sáu căn tợ như lòa huyễn kia đột nhiên tiêu trừ, sáu trần ở bên ngoài đồng thời diệt mất, hiển hiện giác tánh viên tịnh vốn có, thanh tịnh đạt đến cùng cực thì quang minh vốn có tự nhiên hiện rõ ra, tịch mà thường chiếu, trùm khắp mười phương hư không.

Đoạn kinh văn này nói rõ khôi phục tánh nghe thì sáu căn giải thoát, trần tiêu giác tịnh, tịnh cực quang thông, toàn bộ nêu rõ trí tuệ và quang minh là không hai và diệu dụng của cả hai. 

Những câu kinh văn kế tiếp sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Vô Lượng Quang. Trong một niệm trần cấu đều tiêu, chuyển thành tánh viên minh tịnh diệu, còn sót trần cấu là học vị, sáng suốt cùng tột tức Như Lai. 

Trí tuệ và quang minh đều đến điểm cùng tột thì tức là Như Lai. Căn cứ vào kinh văn trích dẫn từ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của trí tuệ và quang minh trong bài kệ của đại sư Đàm Loan. 

Không thể lường, do vì sáu căn của chúng sanh và sáu trần đều trở thành chướng ngại, cho nên tất cả đều bị giới hạn, đều có chướng ngại. Phật là căn và trần đều tiêu trừ, nên giác tánh viên mãn, cho nên tất cả đều vô ngại, không bị giới hạn, không cách nào ước lượng, cho nên gọi là không phải hữu lượng, thế nên Phật hiệu là Vô Lượng Quang. Phàm tất cả căn-tâm-thế giới các tướng hữu lượng đều nhờ Phật quang mà được khai hiểu, cho nên xin rập đầu đảnh lễ quang minh chân thật ấy, quang minh ấy gọi là quang minh chân thật. Thế nên chúng ta thấy bài kệ của người xưa, một chữ cũng không được bỏ qua, chân thật minh chính là nói quang minh ấy chính là chân thật, cho nên phải lễ kính. 

Đặc điểm của kinh Vô Lượng Thọ chính là ba thứ chân thật: chân thật chi tế, chân thật chi huệ, chân thật chi lợi. Ở đây đại sư Đàm Loan nói chân thật minh, Phật quang cũng là chân thật, do đó có thể thấy, y báo chánh báo của thế giới Cực Lạc là chân thật thuần nhất. Phần trước đã nói bổn nguyện của đức Di-đà là “tất cả đều thành Phật”, cho nên quang minh chính là chân thật, chính là Phật. 

Thiền sư Đại Huệ của triều Tống nói rằng: Chỉ dùng quang này tuyên diệu pháp, pháp ấy chính là quang minh này, không rời quang ấy thuyết pháp này. Tất cả mọi thứ ở thế giới Cực Lạc đều có thể khiến mọi người tăng trưởng thiện căn, đều có thể làm Phật sự. Vạn vật trong nước tỏa hương, hương có thể làm Phật sự. Bóng của cây Bồ-đề có thể khiến người nhìn thấy được ba loại nhẫn, đều là đang làm Phật sự. Có thể thấy thế giới Cực Lạc, tất cả đều có diệu dụng, nhưng chỉ có diệu dụng của quang minh là vô cùng. Mười hai vị Quang Phật đều là hiển thị diệu dụng của Phật quang. Phật quang là tôn quý nhất trong các quang minh, Phật là vua trong các Phật, có thể thấy công đức của A-di-đà Phật vượt xa các Phật khác, bởi vì diệu dụng của Phật quang vượt hơn tất cả. 

Lễ Tán nói: Di-đà Thế Tôn, vốn phát thệ nguyện thâm trọng, dùng quang minh, danh hiệu nhiếp hóa mười phương. Kinh A-di-đà do đại sư Huyền Trang đời Đường dịch được gọi là Kinh Xưng Tán Tịnh độ Phật Nhiếp Thọ. Kinh nói rằng: Đức Như Lai A-di-đà Phật ấy thường phóng vô lượng vô biên diệu quang, chiếu khắp hết thảy cõi Phật mười phương, làm các Phật sự. Dẫn chứng ở trên đủ chứng minh Cực Lạc chủ yếu dùng quang minh để nhiếp hóa chúng sanh, làm các Phật sự, hoàn toàn tương hợp với câu “chỉ dùng quang ấy tuyên diệu pháp” của Thiền Sư Đại Huệ của thiền tông. Pháp ấy chính là quang minh này, chính là hiển thị pháp và quang minh vốn không hai, tức là trí tuệ và quang minh không hai. Pháp ấy chỉ cho Chân Như và thật tướng các pháp, chính là chân thật chi tế. Đại sư Đàm Loan xưng Vô Lượng Quang là chân thật minh, chân thật minh chính là chân thật chi huệ của kinh này, là quang minh của chân thật chi tế phát ra, thế nên quang minh chính là trí tuệ. 

Không lìa quang ấy thuyết pháp này, quang ấy chỉ cho Phật quang, là quang minh do bản thể thanh tịnh phát ra, không lìa quang minh ấy mà nói pháp chân thật. Quang minh chính là chiếu dụng của chân thật chi tế, chiếu dụng của bổn thể chính là chân thật chi huệ, nêu rõ quang minh và trí tuệ không hai. Chỉ dùng quang ấy tuyên diệu pháp, chính là ban cho chân thật chi lợi, hiển rõ ba thứ chân thật của kinh này. Kinh này nói, người được Phật quang chiếu đến thảy đều an lạc, từ tâm làm thiện, sanh đến nước tôi. Lại nói, người gặp được quang minh ấy, cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn, nếu ở nơi ba đường ác thống khổ mà gặp được quang minh này, đều được ngừng khổ, mạng chung đều được giải thoát. Quán Kinh lại nói: Quang minh chiếu khắp chúng sanh niệm Phật trong mười phương thế giới, nhiếp thủ chẳng xả, đều ban cho chúng sanh lợi ích chân thật. Thế nên trong kệ của đại sư Đàm Loan nói rằng: các tướng hữu lượng nhờ quang khai hiểu. Bởi vì đây là quang minh chân thật của trí tuệ quang minh không hai, cho nên có thể khai hiểu tất cả tướng hữu lượng. Từ “khai hiểu” trong bài kệ ở đây có nghĩa là hiển hiện. Bởi vì chúng sanh cũng là một loại tướng trong tất cả các tướng hữu lượng, cho nên Phật quang có thể khiến cho tất cả chúng sanh đều được khai hiểu. “Khai hiểu” ở đây nghĩa là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, nói cho dễ hiểu thì chính là khai thị cho chúng sanh tỏ ngộ nguồn gốc, cũng chính là lợi ích chân thật nhờ quang khai ngộ của tất cả chúng sanh. Do sự tỏ ngộ này mà triệt để hiểu rõ trí tuệ chân thật.

Vãng Sanh Luận Chú của đại sư Đàm Loan nói rằng: Một chúng sanh nếu gặp được quang minh củA-di-đà Như Lai, thì mọi thứ trói buộc về ý nghiệp đều có thể giải thoát, sau cùng được bình đẳng ý nghiệp, sẽ đạt được ý nghiệp bình đẳng rốt ráo của Như Lai, cũng chính là chính mình và Phật là tâm tâm tương ấn. Nghĩa là gặp được Phật quang thì đạt được lợi ích chân thật. Cho nên đại sư Đàm Loan sau cùng muốn cúi đầu đảnh lễ quang minh chân thật ấy, muốn đảnh lễ Phật quang.

Thứ hai là Vô Biên Quang, Vô Biên Quang biểu thị cho bình đẳng giải thoát, vạn pháp nhất như. Rất nhiều Cổ Đức giải thích chữ “biên” là biên giới, vô biên, đó là hiển thị ý nghĩa Phật quang phổ chiếu rộng lớn vô biên. Duy chỉ có giải thích của đại sư Đàm Loan là cao hơn một bậc, giải thích chữ “biên” thành nhị biên, biên trong ‘biên kiến’. Đại sư Đàm Loan trong bài kệ Tán Phật nói rằng: Vầng sáng giải thoát vô hạn cực, nên Phật hiệu là Vô Biên Quang, nhờ quang xúc chạm lìa hữu-vô, cho nên đảnh lễ bình đẳng giác. 

Đại sư Đàm Loan dùng từ ‘giải thoát’ để chú giải từ ‘vô biên’, đều thù thắng hơn so với người khác. Giải thoát là một trong ba đức của Niết-bàn gồm: pháp thân đức, giải thoát đức, Bát-nhã đức. Pháp thân là người người vốn có, không thể khế hợp thực tế, hiểu được pháp Chân Như vốn không hai, bất giác khởi niệm, cho nên rơi vào vô minh, lần lượt trở thành vô lượng phiền não và trói buộc, nay muốn giải thoát, quay trở về nguồn, nhận ra pháp thân vốn có, thì phải trừ sạch hết thảy sai biệt, viễn ly hai bên, hợp với trung đạo, khế hợp Chân Như. Do đó, giải thoát chính là thể hiện lìa các bên, tuyệt đối đãi. Cho nên đại sư Đàm Loan dùng giải thoát quang trong 12 quang minh để hiển rõ ý nghĩa sâu xa của vô biên quang, đây là tầng nghĩa thứ nhất. 

Tầng nghĩa thứ hai, luân nghĩa là vật tròn, ví dụ bánh xe của xe đạp, bánh xe là hình tròn, trong bánh xe có rất nhiều căm xe, nếu thiếu đi vài căm thì không dùng được, cho nên luân là biểu thị cho viên mãn, đầy đủ. Vì vậy “vầng sáng giải thoát” chính là nói rõ sự đầy đủ viên mãn của giải thoát đức. Vô hạn tề, hạn là giới hạn, tề là như nhau, cho nên vô hạn tề là không có giới hạn, cũng không có sự vô giới hạn nào có thể tương đồng với nó, thế nên gọi là vô biên, đây là tầng nghĩa thứ hai. 

Tầng nghĩa thứ ba, nhờ quang xúc chạm lìa hữu-vô, hữu là một bên, vô là một bên, con người đều ở trong biên kiến, hoặc là nói có, hoặc là nói không, nhưng Phật quang vừa chiếu thì lìa khỏi hai bên hữu-vô, lìa khỏi tất cả bên, các bên và chính giữa đều lìa hết. Hết thảy đều không hai, khế hợp trung đạo, rốt ráo giải thoát, cho nên gọi là giải thoát quang. Đây mới chính là bổn ý thù thắng của vô biên quang, đây cũng chính là câu “được quang chiếu đến thì đạt được ý nghiệp bình đẳng rốt ráo của A-di-đà Phật” mà Luận Chú nói. Trong bình đẳng thì đương nhiên không có sai biệt của hết thảy biên kiến. 

Tầng nghĩa thứ tư, “cho nên cúi đầu đảnh lễ bình đẳng giác”, bình đẳng giác chính là A-di-đà Phật, Kinh Vô Lượng Thọ bản dịch thời Hán tên là Kinh Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, cho nên vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác cũng chính là danh hiệu của A-di-đà Phật. Giác chính là Phật, bản kinh dịch thời Hán xưng A-di-đà Phật là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, còn gọi là Vô Lượng Thanh Tịnh Giác, chính là Vô Lượng Thọ Phật, chính là A-di-đà Phật. 

Đại ý của bài kệ này của đại sư Đàm Loan là: Vô Biên Quang chính là viễn ly hữu vô, tất cả các bên v.v… mà được giải thoát, viên mãn đầy đủ, chính là viên chứng giải thoát đức trong ba đức của Niết-bàn. Diệu dụng của quang này không có giới hạn, hết thảy quang đều không thể sánh bằng, sánh được với nó. Phàm người được quang này chiếu chạm đến đều lìa khỏi các bên hữu-vô, đắc được lợi ích chân thật của giải thoát, cho nên chúng ta đảnh lễ Vô Lượng Thọ Phật, bình đẳng giác.

Thứ ba là Vô Ngại Quang, là thể tịch. Thể là thanh tịnh tịch diệt, diệu dụng tự tại, không có chướng ngại. Thế nên Phật quang soi chiếu, thân tâm tự tại, nhập vào cửa giải thoát, được đại tự tại. Ánh sáng nhật nguyệt soi chiếu thế nào cũng không thể chiếu ra sự tự tại, đây chính là chỗ tốt lành của Phật quang.

Đại sư Đàm Loan có kệ rằng: Mây quang vô ngại như hư không, nên Phật có hiệu Vô Ngại Quang, hết thảy hữu ngại nhờ quang thấm nhuần, cho nên đảnh lễ Nan Tư Nghì. 

Vô ngại nghĩa là tự tại vô ngại, không có chướng ngại mới có thể tự tại. Ngược lại, nơi nơi đều bị ngăn lại, đều có ràng buộc, trói buộc thì không tự tại rồi. Thứ vô ngại nhất trên thế gian là hư không, quang minh và mây mà A-di-đà Phật phóng ra cũng giống như hư không vậy, không có bất kỳ chướng ngại nào, cho nên Phật quang còn có hiệu là vô ngại quang. 

Bổn Sư Thế Tôn nói rằng: Ta là Pháp Vương, tự tại đối với pháp, cho nên Phật quang hết thảy đều vô ngại. Chúng sanh đang mê, đang trong vòng trói buộc, nơi nơi đều là chướng ngại. Những chúng sanh khổ nạn bị chướng ngại này nếu có thể được Phật quang chiếu đến, đều nhận được ân trạch của Phật quang thì chướng ngại tiêu trừ, đủ chứng minh cho bi tâm nguyện lực của Phật, diệu dụng của Phật quang đều không thể nghĩ bàn, cho nên chúng ta phải nên đảnh lễ. 

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đối với 4 câu kệ của đại sư Đàm Loan giải thích như sau: Ý nghĩa của nó là, quang minh như hư không, nên không chướng ngại, bổn thể thường tịch, diệu dụng vô cùng, tự tại vô ngại, quang minh chiếu khắp, tất cả hữu ngại, hữu ngại là hữu tình, chỉ cho chúng sanh trong mười pháp giới. Chúng sanh trong mười pháp giới đều nhận được lợi ích của quang minh, cho nên gọi là nan tư nghì, vì vậy đảnh lễ nan tư nghì. 

Nan tư nghì là không thể nghĩ bàn, không cách nào tưởng tượng. Phật quang soi chiếu, gia trì chúng sanh, chúng sanh rất nhiều, đạt được lợi ích gia trì không như nhau, có người được lợi ích lớn, có người được lợi ích nhỏ, lợi ích lớn là khai ngộ, lợi ích nhỏ tâm thanh tịnh bình đẳng, lợi ích lớn là giác, những thứ này đều có thể giúp chúng ta kiên định tín tâm đối với Tịnh độ, giúp chúng ta kiên định nguyện tâm cầu sanh Tịnh độ, đây là không thể nghĩ bàn, đều nhận được lợi ích của quang minh. Niệm Lão dùng bảy câu nói, hai mươi tám chữ giải thích bốn câu kệ của đại sư Đàm Loan, [quả là] tinh diệu cùng cực, tuyệt diệu chí cực. Giải thích này cũng là không thể nghĩ bàn, chúng ta cũng phải nên đảnh lễ.

Thứ tư là Vô Đẳng Quang, là thắng nghĩa vô đẳng vô đối, chính là thù thắng đến cùng cực, không có gì ngang bằng được, không có gì sánh nổi được, hiển thị rằng nó thật sự là quang minh tôn quý nhất. Hai bản dịch thời Đường và Tống đều dịch là Vô Đẳng Quang, bản dịch thời Ngụy là Vô Đối Quang. Đối là so sánh, đẳng là ngang bằng, đều có nghĩa là tương đương, tương đồng. Vô đẳng và vô đối chỉ là dịch giả dùng từ không như nhau, cho nên có thể dẫn dụng bài kệ tán thán Vô Đối Quang của đại sư Đàm Loan: quang minh thanh tịnh không gì sánh, nên Phật có hiệu Vô Đối Quang, gặp được quang ấy nghiệp đều trừ, thế nên đảnh lễ Tất Cánh Y. 

Tâm Phật thanh tịnh, cho nên Phật quang thanh tịnh, quang minh thanh tịnh của Phật, không có bất kỳ quang minh nào có thể ngang bằng và sánh được, cho nên gọi là Vô Đối Quang, không có thứ sánh bằng, đây là tuyệt đãi, thì không có đối đãi. Dùng văn tự lời nói để giải thích từ tuyệt đãi thì không rõ ràng, miễn cưỡng mà nói thì có chút giống với từ tuyệt đối dùng trong thế gian, tuyệt đối thì không có đối đãi. Thế nhưng mọi người phải biết, tuyệt đối mà bạn nói sớm đã là tương đối rồi, tuyệt đối và tương đối chính là một cặp, nó có đối lập, việc này ngôn ngữ diễn đạt không nổi, những đạo lý này chỉ có chính mình chân thật dụng công, chân thật tham cứu, chứ thứ từ cửa đi vào thì chẳng phải của báu trong nhà. Những thứ mà mọi người nghe được, thấy được đều từ các cửa mắt, tai v.v… mà vào, đây không phải là trân bảo của nhà bạn. 

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật hỏi ngài Văn-thù: “Ông có phải là Văn-thù không?” Văn-thù Đại sĩ trả lời: “Con thật Văn-thù, không phải Văn-thù, nếu là Văn-thù thì hai Văn-thù”.  Ý nghĩa ở đây tuyệt đãi rồi. Bồ-tát Văn-thù nói: Con thật là Văn-thù, không có gì gọi là Văn-thù, nếu như là Văn-thù thì có hai Văn-thù rồi. Văn-thù thật thì không có gì là phải hay không phải. Nói phải nói trái thì sớm đã rơi vào hai ba thứ rồi, cho nên Vô Đẳng Quang không có đối đãi, nêu rõ chân thật chi tế của kinh này. 

Chúng ta từ đâu mà thể hội? Để có thể hiểu dễ dàng hơn một chút thì cần phải từ trên tánh đức mà thể hội, trong tất cả pháp thế xuất thế gian, chỉ có tự tánh là tuyệt đãi, là vô đẳng. Hết thảy pháp thế xuất thế gian đều lưu xuất ra từ trong tự tánh, lìa khỏi tự tánh thì không có một pháp nào có thể đắc. Đại sư Huệ Năng ở Hoàng Mai nói rằng: Xưa nay không một vật, nơi nào dính bụi nhơ. Đây là tuyệt đãi, đây là vô đối, vô đẳng, đây là thiên cổ tuyệt cú. Do đây có thể biết, cảnh giới của ngài Thần Tú đã không thấp rồi, nhưng vẫn là hữu đẳng, hữu đối. Đại sư Huệ Năng sau khi sửa lại thì quả thật là vô đẳng vô đối, sửa rất hay. Chúng ta từ nơi này mà thể hội, khi chân thật thể hội được rồi thì phải dùng được. Nếu học rồi mà không dùng được thì như học uổng công, học rồi có thể dùng, vậy thì thật sự học hiểu rõ rồi. Dùng như thế nào? Buông xuống. Chẳng những là hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng mà pháp vô vi cũng không ngoại lệ. Vô vi từ đâu mà đến? Từ hữu vi kiến lập nên. Đối lập với hữu vi là vô vi, thật sự có thể như lời đại sư nói: xưa nay không một vật. Vô vi vốn không một vật, hữu vi vốn cũng không một vật. Những hiện tượng này chỉ là huyễn tướng mà thôi. Kinh Kim Cang nói rất hay: như mộng huyễn bọt bóng. Mộng huyễn bọt bóng có hay không? Không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không có. Có câu: mở miệng liền sai, động niệm liền trật. Hễ bạn động ý niệm thì nghĩ sai rồi, bạn khởi vọng tưởng rồi. Bạn muốn mở miệng thì nói sai rồi, không được mở miệng, đây gọi là tuyệt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành, diệu, rất là diệu. Ở đây dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta trong cuộc sống thường ngày, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, phải học vô đẳng quang. Chính là phải học: xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ. Thế pháp, Phật pháp vốn là một pháp. 

Xin nói một chút nhận thức và thể hội của tôi đối với hai câu này của đại sư Huệ Năng. Tôi vô cùng thích câu thiên cổ tuyệt cú này, đối với đại sư Huệ Năng khâm phục năm vóc sát đất, người có thể có được cảnh giới như vậy, nói ra câu nói tuyệt như thế là người như thế nào? Câu trả lời của tôi là: không phải Phật thì là ai đây? Đẳng giác Bồ-tát cũng nói không ra nổi, chỉ có Diệu Giác Bồ-tát có thể nói ra được. Vì sao tôi nói như vậy? Mọi người nghĩ xem, nơi nào mà không một vật? Trong Thường Tịch Quang thì không một vật. Chúng ta là từ trong Kinh Phật mà biết được, chứ không phải do chúng ta đích thân chứng. Đại sư Huệ Năng không biết chữ, không học qua Kinh Phật, Ngài có thể nói ra câu: Xưa nay không một vật, nói rõ điều gì? Nói rõ Ngài đã khế nhập được cảnh giới ấy. Nói chính xác hơn một chút là đích thân ngài đã chứng được. Cho nên Phật dạy chúng ta tín giải hành chứng, chứng sau cùng rất quan trọng. Bài kệ này của đại sư Huệ Năng mọi người đã quá quen thuộc rồi, theo thể hội của cá nhân tôi, một là chẳng hiểu nghĩa chân thật của Như Lai, chỉ là đọc hiểu trên văn tự, thật sự là quá cạn cợt. Thứ hai là chỉ thưởng thức mà không biết dùng, xin nêu một ví dụ cho việc không biết dùng của tôi. 

Cách đây vài ngày đã gặp một việc thế này, tôi đã sanh một chút phiền não nhỏ, tâm tình phiền muộn mất mấy ngày. Nghe đến đây, có lẽ có đồng tu thấy kỳ lạ, Cô Lưu, sao cô vẫn phiền não, vẫn phiền muộn vậy? Nói với các bạn, tuyệt đối đừng mê tín tôi, đừng thần thánh hóa tôi, đừng quên rằng, tôi cũng là một phàm phu xác thịt thai phàm, là một bà lão bình thường ở vùng Đông Bắc đã về hưu, là một bà lão chăm chỉ nghiêm túc học Phật. Đúng thật là vậy. Hai câu nói này của đại sư Huệ Năng đã thật sự thức tỉnh tôi, xưa nay không một vật, lời ngài nói bạn đều nghe không hiểu, vậy khác gì Ngài không nói đâu? Nghe hiểu rồi còn không một vật huống gì nghe không hiểu, chẳng phải càng không có một vật đó sao? Câu chuyện của tôi bạn đã nghe hiểu chưa? Xưa nay không một vật, bạn cứ muốn đi tìm, tìm không ra một vật, bạn sanh phiền não rồi. Thật không có trí tuệ, kẻ ngu tự chuốc phiền.

Tiết học hôm nay xin giao lưu đến đây. Cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *