Tập 46 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 13/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 46

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Chúng tôi xin giảng tiếp phần nội dung của tiết học trước.

 Thứ năm là Trí Huệ Quang, đại sư Đàm Loan trong bài kệ Vô Lượng Quang Phật đã nêu ra: Trí tuệ quang minh không thể lường, cho nên cúi đầu đảnh lễ quang minh chân thật. Khen vô lượng quang là quang minh chân thật, nêu rõ Phật quang là quang minh phát ra từ bản thể chân thật. Phật quang chính là trí tuệ chân thật, thế nên trí tuệ, quang minh vốn là một thể không hai. Phương diện này phần trước đã nói rõ rồi, nên trong bài kệ chỉ khen ngợi diệu dụng của trí tuệ.

Kệ nói rằng: “Phật quang có thể phá vô minh tăm tối, nên Phật lại có hiệu là Trí Huệ Quang.” Bởi vì chỉ có trí tuệ mới có thể phá vô minh, Phật quang vì có thể phá trừ vô minh, cấu bẩn trong tâm của chúng sanh, nên được gọi là trí huệ quang. 

Đại đức Cảnh Hưng của xứ Cao Ly vào thời nhà Đường nói rằng: “Quang minh từ tâm thiện căn vô si của Phật khởi nên, lại trừ tâm vô minh phẩm của chúng sanh, nên [là] trí tuệ. Ngài Cảnh Hưng nói: “Phật quang là từ tâm thanh tịnh mà khởi, lại tiêu trừ vô minh của chúng sanh, cho nên là trí tuệ.” Phật quang có diệu dụng tiêu trừ vô minh căn bản của chúng sanh, thật sự cho chúng sanh lợi ích chân thật. Cho nên A-di-đà Phật được xưng tán là quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật. 

Thứ sáu là Thường Chiếu Quang, bản dịch thời Tống là thường chiếu quang, bản dịch thời Ngụy là bất đoạn quang. Sư Tịnh Ảnh nói: “Thường chiếu không gián đoạn, nên có tên là bất đoạn quang.” Đủ để chứng minh thường chiếu quang trong bản dịch thời Tống chính là bất đoạn quang trong bản dịch thời Ngụy. Kệ của đại sư Đàm Loan là: “Quang minh phổ chiếu hết thảy thời, nên Phật còn có hiệu là Bất Đoạn Quang.” Khen quang minh của Phật trong tất cả các thời, quang minh phổ chiếu, không có gián đoạn, không hề bỏ sót. Diệu quang chiếu khắp, diệu dụng thường tồn, đại ân đại đức, thế giới Cực Lạc, A-di-đà Phật.

Thứ bảy là Thanh Tịnh Quang. Đại sư Đàm Loan nói: “do quang minh sáng rỡ sắc siêu tuyệt, nên Phật hiệu là Thanh Tịnh Quang. Một phen quang chiếu trừ tội cấu, đều được giải thoát nên đảnh lễ.” Đại sư gọi Phật quang là đạo quang, quang minh thẳng tắp 1 đường, cho nên sáng rỡ, vả lại diệu sắc siêu tuyệt, vượt hơn tất cả thế gian, cho nên gọi là thanh tịnh quang. Đại sư lại nói: “Quang minh này chỉ cần vừa chiếu đến bạn thì tội cấu liền tiêu trừ, đều có thể đạt được giải thoát, cho nên chúng ta đảnh lễ A-di-đà Như Lai.” Vãng Sanh Luận nói: “Ba loại trang nghiêm của thế giới Cực Lạc nhập vào nhất pháp cú.” Nhất pháp cú là gì? Là thanh tịnh cú. Thanh tịnh cú là gì? Chính là trí tuệ chân thật, pháp thân vô vi, thế nên thanh tịnh quang chính là thanh tịnh cú, chính là pháp thân, cũng chính là tự tâm của chúng ta, cho nên mới có thể có diệu dụng không thể nghĩ bàn như vậy.

Thứ tám là Hoan Hỷ Quang. Hoan hỷ quang khiến tất cả chúng sanh đắc đại an lạc. Kệ của đại sư Đàm Loan nói: “Từ quang hà bị thí an lạc, nên Phật hiệu là Hoan Hỷ Quang.” Hà là xa, là rộng, quang minh sinh ra từ tâm từ bi của Phật có thể rộng chiếu đến nơi xa vô cực, có thể đem an lạc ban khắp cho tất cả chúng sanh. Chúng sanh đạt được an lạc thảy đều rất hoan hỷ, cho nên lại có hiệu là Hoan Hỷ Quang.

Thứ chín là Giải Thoát Quang. Giải Thoát Quang có trong bản dịch thời Tống, không có trong bản dịch thời Ngụy. Bởi vì có đồng tu thọ trì Kinh Vô Lượng Thọ, dùng bản của Khang Tăng Khải, trong bản này không có Giải Thoát Quang, vì sao vậy? Các dịch giả xưa không có chú thích, các tổ sư đại đức thời xưa, các ngài chú giải Kinh Vô Lượng Thọ đều dùng bản dịch thời Ngụy, chính là bản của Khang Tăng Khải, không có người dùng bản dịch thời Tống, cho nên tổ sư đại đức không có giải thích cho Giải Thoát Quang. Nhưng trong bản Ngụy dịch có hai quang là Diễm Vương và Vô Xưng, Diễm Vương Quang và Vô Xưng Quang, có hai quang minh này. 

Chúng ta xem đại sư Đàm Loan tán thán: “Phật quang chiếu diệu là đệ nhất tột bậc, nên Phật có hiệu Quang Diễm Vương, ba cõi hắc ám nhờ quang chiếu, cho nên đảnh lễ Đại Ứng Cúng.” Lại nói: “Thần quang lìa tướng, không thể gọi tên, nên Phật còn có hiệu là Vô Xưng Quang. Nhờ quang thành Phật quang rực sáng, chư Phật ngợi khen, cho nên đảnh lễ.” Hai bài kệ này đều là tán thán sự giải thoát, tuy chưa giải thoát khỏi tên gọi, nhưng có ý nghĩa. Diễm Vương Quang và Vô Xưng Quang có ý nghĩa này. Thần quang là tán thán Phật quang thần diệu, phàm phu hữu tình không cách gì suy đoán được. Thần quang vốn là quang, nhưng thần quang lìa khỏi tướng, quang lìa khỏi hết thảy tướng, chính là nêu rõ ngay tướng lìa tướng, ngay tướng tức đạo, đây là đạo lý của Mật Tông. Ngay tướng tức đạo, là sự nhưng chân thật, không cần trừ bỏ tất cả sự thì mới là chân thật, mà sự chính là chân thật. Điều này giống với câu “hết thảy sự rốt ráo kiên cố, hoàn toàn như nhau” trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Sự tướng chẳng hề hư vọng, mà là rốt ráo kiên cố, hết thảy sự đều rốt ráo kiên cố, cùng với câu “|hết thảy đều thành Phật” trong kinh này đồng là Nhất Chân pháp giới, là cảnh giới vô thượng đại viên mãn. Diệu quang như vậy, [nên] diệu đức của nó không cách nào đặt tên, không cách nào xưng tán. Thành tựu của A-di-đà Phật, chính là nhờ vào diệu quang lìa tướng như vậy. Cho nên đại sư Đàm Loan nói: “Nhờ quang mà thành Phật.” Diệu quang rực sáng hư không như thế, chư Phật mười phương đều đồng thanh tán thán quang minh không thể nghĩ bàn như thế. Cho nên đại sư Đàm Loan từ tận đáy lòng phát ra ý nguyện đảnh lễ quang minh ấy. Lời tán thán của đại sư cũng chính là khế hợp với Giải Thoát Quang trong bản dịch thời Tống. Giải thoát đức là Niết-bàn tam đức, chỉ có ngay tướng tức đạo thì mới không bị cột vào tướng, thật sự lìa khỏi tướng, buộc phải là sự nhưng chân thật, mới nhập vào biển trí tuệ của Như Lai, những thứ thấy chạm đều là Bồ-đề. Nhờ quang minh mà thành Phật, chính là hiện rõ diệu dụng của quang minh, chiếu kiến ngũ uẩn đều là đệ nhất nghĩa không, phiền não tức Bồ-đề, rốt ráo giải thoát. Từ Bát-nhã đức đến Giải Thoát đức, khôi phục Pháp Thân đức vốn có, chứng viên mãn vô thượng Bồ-đề, chính là do quang minh mà thành Phật. Nên biết quang minh ấy chính là chỉ cho Giải Thoát đức, công phu tu đức đã viên mãn, rốt ráo thành Phật. Có thể thấy Giải Thoát Quang trong bản dịch thời Tống cùng với Vô Xưng Quang trong bản dịch thời Ngụy là không hai. Phật quang lìa tướng, chỉ ra bản thể của sự lý. Nhờ quang mà thành Phật, hiển bày diệu dụng của Giải Thoát Quang. Thế nên trong kinh nói: Tán thán quang minh của Phật, chí tâm không gián đoạn, thì có thể vãng sanh.

Thứ mười là An Ẩn Quang. An Ẩn Quang là An Ổn Quang. Bản dịch thời Tống là An Ẩn Quang, bản dịch thời Ngụy là Diễm Vương Quang. Trong bài kệ của đại sư Đàm Loan là Quang Diễm Vương. Bản dịch thời Đường là Quang Chiếu Vương. Đại sư Đàm Loan tán thán: Phật quang chiếu diệu là đệ nhất tột bậc, nên Phật có hiệu Quang Diêm Vương, ba cõi hắc ám nhờ quang chiếu, thế nên đảnh lễ Đại Ứng Cúng.” 

Theo hai bản dịch thời Ngụy và Đường và lời tán thán của đại sư Đàm Loan thì trong tên của quang minh này đều có một chữ Vương. Trong bài tán thán của đại sư lại nói: “Phật quang chiếu diệu là đệ nhất tột bậc”, chính là nêu rõ quang minh của đức Di-đà là tôn quý nhất trong các quang minh, là vua trong các quang minh. Thế nên nguyên nhân gọi là Vương là vì chúng sanh ở ba đường ác thống khổ nhất, khó cứu độ nhất, ở trong ác đạo nhờ quang khởi phát mà lìa khổ được vui, thành tựu Bồ-đề. Đây là chỗ đạt đến cùng cực trong đại nguyện độ sanh của chư Phật mười phương, hiển rõ đức của quang minh này. Cho nên quang minh này trong bản dịch thời Tống lấy tên là An Ẩn. Thoát ly ba đường ác, vãng sanh Cực Lạc, không có thống khổ, chỉ thọ các điều vui là An. Ở trong nước ấy, thọ mạng vô lượng, chứng bất thoái chuyển, hết thảy ngoại duyên thảy đều tăng thượng, nhất định giải thoát, do quang mà thành Phật, vạn người tu vạn người đi, vạn người đi vạn người chứng, cực an cực ổn. Đủ chứng minh cho tâm từ bi, nguyện lực, trí tuệ, phương tiện của đức Di-đà viên mãn rốt ráo, vượt hơn tất cả, là quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật.

Tông Cảnh Lục nói: “An ẩn khoái lạc là tịch tĩnh diệu thường. Vừa tịch tĩnh lại diệu thường, là tịch mà thường chiếu. Vừa diệu thường vừa tịch tĩnh là chiếu mà thường tịch.” Có thể thấy, An Ẩn Quang chính là chỉ cho Thường Tịch Quang, cho nên trong hai bản dịch thời Ngụy và Đường, tên của quang minh đều có chữ Vương. Thường Tịch Quang là diệu đức của pháp thân Di-đà. Cho nên có thể khiến chúng sanh trong ba đường ác nhờ quang mà lìa khổ, dẫn dắt chúng sanh nhờ quang mà thành Phật. Kết hợp với đời sống hiện thực của chúng ta, hãy nghĩ xem chúng ta có an ổn hay không? Tiêu chuẩn của an ổn là gì? Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nói cho chúng ta rằng thân an tâm ổn, ngũ trược bát khổ không thể não loạn nên gọi là An. Núi sụp đất lún không thể dao động, nên gọi là Ổn. Dựa trên tiêu chuẩn này thì thân của bạn đã an chưa, tâm của bạn đã ổn chưa? Chúng ta trước hết khoan nói đến ngũ trược bát khổ, khoan nói đến núi sụp đất lún, chỉ đơn giản nói thân an tâm ổn, có mấy người làm được? Không đụng chuyện thì còn tốt, nhìn không ra, vừa đụng chuyện thì thân cũng không an được, tâm cũng ổn không nổi, lộ tẩy rồi. An ổn thật sự là như như bất động, ai đã làm được? Lão Pháp sư thượng Tịnh hạ Không tôn kính của chúng ta, lão Hòa thượng thượng Hải hạ Hiền đã làm được, tôi chưa làm được. Chúng ta sống trong ngũ trược ác thế, thế giới này đã trược ác đến cùng cực rồi, trong lịch sử nhân loại trước giờ chưa từng có, nhân loại hiện nay đang nếm trải sự xấu ác khổ sở cùng cực, uống đắng ăn độc, đời sống dày vò đau khổ. Xã hội ngày nay xác thực là giàu mà không vui, quý mà không an, từ trải nghiệm của cá nhân tôi mà nói, thập niên 50-60 thế kỉ trước, đã không tìm được loại cảm giác đời sống an ổn đó rồi. Tuy điều kiện vật chất vào thời đó thua xa ngày nay, nhưng về tinh thần thì đầy đủ, thân thì an, tâm thì ổn, quan hệ giữa người và người thân mật. Đặc biệt là thập niên 60, học tập sôi nổi, phong khí xã hội rất tốt, không nhặt đồ rơi trên đường, đêm không cần đóng cửa, kính già yêu trẻ, trở thành phong khí chung. Hiện nay nhớ lại khoảng thời gian tốt đẹp ấy vẫn còn khiến người ta khát ngưỡng. Tình hình đời sống hiện nay của chúng ta là xã hội động loạn, tai nạn trên địa cầu dồn dập và phổ biến, xác thực là núi sụp đất lún. Núi sụp, ngày nay gọi là đất lở, đất sụp, mặt đất đột nhiên lún xuống, động đất, sóng thần lại còn thêm dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hiện nay dịch Covid lan tràn khắp thế giới mang đến tai nạn nghiêm trọng cho nhân loại. Cho đến trước mắt, 10/12/2020 dân số tử vong trên toàn thế giới đã lên đến một triệu năm trăm sáu mươi người, đây là con số báo cáo công khai. Con số tử vong tổng hợp trong nước là 4.754 người, đối diện với hoàn cảnh sinh tồn ác liệt như vậy, người tu học Phật pháp chúng ta nên làm như thế nào? Trước tiên tâm phải an ổn, không kinh không sợ, hai câu này là phải học. Ngũ trược bát khổ không thể não hại, núi sụp đất lún không dao động, đồng tu niệm Phật có pháp môn đặc biệt, đó chính là một câu Phật hiệu A-di-đà Phật. Ngũ trược bát khổ thì [niệm] A-di-đà Phật, núi sụp đất lún thì [niệm] A-di-đà Phật. Trong tâm chỉ có một câu A-di-đà Phật, ngoài A-di-đà Phật ra thứ gì cũng không có, chỉ có ý niệm cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, chờ đợi A-di-đà Phật đến tiếp dẫn.

Thứ mười một là Siêu Nhật Nguyệt Quang, vượt hơn tất cả quang minh, thù thắng không gì sánh. Ánh sáng nhật nguyệt không có những công đức này, Phật quang mới đầy đủ công đức viên mãn. Trong kệ tụng của đại sư Đàm Loan nói rằng: “Quang minh chiếu diệu hơn nhật nguyệt, nên Phật có hiệu Siêu Nhật Nguyệt Quang. Phật Thích-ca khen còn không ngớt, nên con cúi đầu đảnh lễ Vô Đẳng Đẳng.” 

Kinh Siêu Nhật Minh Tam-muội nói: “Ánh sáng của mặt trời có thể chiếu đến tất cả hữu hình, khiến vạn vật trong trời đất sanh trưởng, nhưng không thể chiếu đến loại vô hình, không thể soi tỏ bổn tâm của con người.” Mặt trời lên rồi, xua tan đi tăm tối, nhìn thấy mọi vật rồi, thế nhưng tâm của chính mình là gì? Chính mình không biết. Về phương diện này thì mặt trời không có, siêu nhật minh Tam-muội có thể phổ chiếu mười phương, hết thảy đều không thể chướng ngại. Đối với Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới và hữu tình trong lục đạo đều có thể soi chiếu hết, khiến hiểu rõ bổn tâm. Chính là nói, siêu nhật minh Tam-muội còn như thế, huống hồ quang minh của đức Di-đà vượt hơn tất cả, đầy đủ tất cả Tam-muội, thế nên Phật quang có hiệu là Siêu Nhật Nguyệt Quang. 

Thứ mười hai là Bất Tư Nghì Quang. Bản dịch thời Đường, thời Tống là Bất Tư Nghì Quang. Bản dịch thời Ngụy là Nan Tư Quang. Đại sư Đàm Loan nói: “Quang minh ấy ngoài Phật ra không ai suy đoán được, nên Phật có hiệu Nan Tư Quang. Chư Phật mười phương khen vãng sanh xứng với công đức ấy, cho nên cúi đầu đảnh lễ.” Bất Tư Nghì Quang mà trong bài kệ nêu ra, quang minh này của Phật, ngoài chư Phật ra, Đại Bồ-tát cũng không thể suy lường, cho nên kinh này nói: “Không thể dùng lời diễn tả, phân biệt mà có thể biết được”, chính là không thể nghĩ, không thể bàn. Ví dụ, tha thọ dụng của Phật là cõi Thật Báo Trang Nghiêm, cái thấy của Bồ-tát ở mỗi địa vị không như nhau, hiện ra cũng không như nhau, còn cõi Thật Báo là tự thọ dụng của Phật thì hết thảy Bồ-tát đều không thể biết. Quang minh này ngoài Phật ra, hết thảy đại Bồ-tát đều không thể suy lường được, không cách nào suy nghĩ, không thể tuyên truyền, cho nên gọi là Nan Tư Quang. Quang minh này chính là Bất Tư Nghì Quang trong hai bản dịch thời Đường và thời Tống. Bất tư nghì chính là không thể nghĩ bàn. Tên của Kinh A-di-đà là Kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm. Còn có Kinh Cổ Âm Thanh Vương Đa-la-ni, trong pháp hội khi đó, mười phương hằng sa chư Phật thảy đều tán thán thế giới An Lạc đó, cho nên Phật pháp không thể nghĩ bàn, hóa hiện thần thông, đủ loại phương tiện, không thể nghĩ bàn. Nếu có thể tin sự việc như vậy, nên biết người ấy không thể nghĩ bàn, đắc được nghiệp báo cũng không thể nghĩ bàn. Điều này cho những người chúng ta hiện nay có thể tin Tịnh Tông một sự chứng minh và thọ ký, chỉ cần bạn tin thì bạn chính là không thể nghĩ bàn, quả báo mà bạn đạt được cũng không thể nghĩ bàn. Dùng thân phàm phu đến thế giới Cực Lạc chính là A-bệ-bạt-trí, đây thật sự không thể nghĩ bàn, đây cũng chính là quả báo không thể nghĩ bàn. Bởi vì đây là pháp khó tin trong tất cả thế gian, đối với pháp khó tin như vậy có thể sinh khởi tín tâm, cho nên có công đức lớn như vậy. Niệm một danh hiệu Phật thì tất cả Phật đều hộ niệm, người niệm Phật thì được Phật hộ niệm. Trước tiên được Đại Thế Chí Bồ-tát hộ niệm, A-di-đà Phật phái 25 vị Bồ-tát đến hộ trì bạn. 

Còn có một câu nói vô cùng quan trọng và thù thắng, trong Di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói: “Hành nhân tín nguyện trì danh, nhiếp toàn bộ công đức của Phật thành công đức của mình, cho nên nói lợi ích công đức không thể nghĩ bàn của câu A-di-đà Phật.” Đại sư nói, người tu hành nếu có thể tin sâu nguyện thiết trì niệm Phật hiệu thì bạn đã nhiếp thọ toàn bộ công đức của Phật về mình, trở thành công đức của chính bạn. nhiếp thọ toàn bộ công đức của Phật, trở thành công đức của chính mình, bản thân liền đầy đủ công đức củA-di-đà, cho nên nói lúc niệm Phật là lúc thấy Phật, đây chính là lợi ích công đức không thể nghĩ bàn, chính là “ban cho lợi ích chân thật” mà trong kinh này nói. Thế nên đại sư Ấn Quang tán thán Yếu Giải là: “Lý Sự đều đạt đến chỗ cùng cực.” Nói Lý, nói Sự đều đạt đến cảnh giới tột cùng. Do vì từ khi Phật nói kinh này đến nay, [đây là] chú giải đệ nhất, tuyệt vời, chính xác nhất, cho dù cổ Phật lại xuất thế, chú giải lại kinh này cũng không thể cao minh hơn được.” Đại sư nói: “Cổ Phật tái lai đích thân chú giải cũng không thể cao minh hơn Yếu Giải.” Đại sư Ấn Quang thật sự là tri âm của đại sư Ngẫu Ích, cho nên mọi người nếu thật sự phát Bồ-đề tâm, thường xuyên y giáo tu hành thì nhất định trong Bất Tư Nghì Quang nhiếp thọ toàn bộ công đức không thể nghĩ bàn củA-di-đà Như Lai, trở thành công đức của chính mình.

Tiếp theo chúng ta xem xem đại sư Liên Trì, đại sư Ngẫu Ích giải thích thế nào về bất khả tư nghị.

Đại sư Liên Trì trong Sớ Sao giải thích ‘bất khả tư nghị’, Ngài nói: “Chia làm bốn điểm”. Chia ra bốn điểm để nói: 

Một là thí pháp quảng đại công đức, gọi là vô lượng thọ, vô lượng quang, đủ mọi đạo phẩm của Tam Bảo. Đây là điều không thể nghĩ bàn thứ nhất. Thí pháp quảng đại công đức, chúng ta phải ghi nhớ trong tâm, gặp duyên thì phải làm, gặp duyên thì phải khuyên người niệm Phật, niệm Phật thật sự có thể giải quyết tất cả vấn đề, hoặc là niệm Quán Âm Bồ-tát đều được. Lúc lâm chung, Phật Bồ-tát đến đón chúng ta vãng sanh, nhất định không sai. A-di-đà Phật tiếp dẫn hay là Quán Âm Bồ-tát tiếp dẫn, Đại Thế Chí Bồ-tát tiếp dẫn, tây phương tam thánh đều là Bổn Tôn, đều không sai. Nếu không phải ba vị Phật Bồ-tát này đến tiếp dẫn thì không thể đi, không đáng tin, nhất định phải đợi ba vị Phật Bồ-tát này đến tiếp dẫn.

Hai là thần hóa chu biến công đức, gọi là nước chim rừng cây đều tuyên diệu pháp, y phục ăn uống thọ dụng tự nhiên, chúng sanh đều có tướng hảo thần biến v.v… Mỗi người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, tướng hảo trên thân hoàn toàn tương đồng với A-di-đà Phật. Tướng hảo của A-di-đà Phật, pháp thân không có tướng, báo thân có tướng. Quán Kinh nói với chúng ta: “Báo thân của đức Di-đà, thân có 84.000 tướng, mỗi một tướng có 84.000 tùy hình hảo, mỗi tùy hình hảo phóng 84.000 quang minh, trong mỗi quang minh đều nhìn thấy chư Phật Bồ-tát ở đó giảng kinh dạy học, đây là tướng hảo. Thần biến, không cần nói nhiều, xin nêu 1 ví dụ, chúng ta vãng sanh đến thế giới Tây phương Cực Lạc, hoa khai kiến Phật, đại giảng đường của A-di-đà Phật chúng ta nhìn thấy rồi, nhìn thấy Phật ngồi ở giữa giảng kinh thuyết pháp, lại quan sát kỹ hơn, có chỗ ngồi còn trống, nhìn kỹ hơn nữa, trên chỗ đó có tên của chính mình, đó chính là chỗ ngồi của bạn, bạn sẽ rất an ổn ngồi trên đó nghe pháp. Sau khi ngồi xuống, khi nào rời khỏi giảng đường vậy? Thành Phật mới rời khỏi. Vì sao vậy? Thân có được ở thế giới Cực Lạc là thân pháp tánh, không phải nhục thân, thân pháp tánh không sanh không diệt, thân pháp tánh không có thay đổi. Tướng hảo quang minh vô đẳng luân, thân pháp tánh không cần ăn uống, không cần ngủ nghỉ, thân pháp tánh ngồi nơi đó bất kể là thời gian bao lâu cũng không mệt mỏi, càng nghe càng hoan hỷ, pháp hỷ sung mãn. Họ có thần thông biến hóa, chúng ta xem A-di-đà Phật ở đó giảng kinh thuyết pháp đã bao lâu rồi? Đã 10 kiếp rồi. Thế giới Cực Lạc thành lập cho đến ngày nay đã 10 kiếp, đức Phật đã ngồi đó như như bất động 10 kiếp rồi, giảng kinh dạy học không gián đoạn. Một âm thanh thuyết pháp, tùy loại chúng sanh thảy đều học được. Thân của đức Di-đà không động, nhưng bạn nhìn thấy Ngài thời thời khắc khắc hóa vô lượng vô biên thân. A-di-đà Phật hóa thân đi làm việc gì vậy? Đi tiếp dẫn người niệm Phật cầu vãng sanh trong mười phương cõi nước. Phật hóa thân tiếp dẫn vẫn không chướng ngại việc giảng kinh thuyết pháp trong giảng đường. Chúng sanh đều có tướng hảo thần biến, chúng ta cũng có, chúng ta vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thì có thể hiện thần thông biến hóa, hóa vô lượng vô biên thân, để làm gì? Theo Phật đi tiếp dẫn chúng sanh hữu duyên, hoặc đến mười phương cõi nước lễ Phật, cúng Phật, nghe kinh nghe pháp.

Ba là tín thọ túc căn công đức, gọi là pháp khó tin, người có thể tín thọ, đời trước đã tu vô lượng thiện căn. Điều này rất quan trọng, nếu không phải trong đời quá khứ tu đại phước huệ thì đời này gặp được không thể sanh tâm hoan hỷ, vừa nghe có thể sanh tâm hoan hỷ, thì người này quá khứ đã tu vô lượng thiện căn. Quan hệ giữa người với người cũng như vậy, quá khứ không quen biết, vừa gặp mặt đã ưa thích, có người vừa gặp mặt liền chán ghét, đều là trong đời quá khứ ở cùng nhau, vẫn còn tập khí của đời quá khứ, người ưa thích thì nhìn thấy ưa mến, người không ưa thích thì nhìn thấy chán ghét, đây là điều thứ ba.

Bốn là quả báo nan thắng công đức. Gọi là liền được vãng sanh, liền được nhập vào thượng thiện hội, liền được địa vị bất thoái chuyển, rốt ráo thành Phật. Quả báo, quả báo quá thù thắng, là quả báo không thể nghĩ bàn. Phần trước chia sẻ tôi đã giảng rất cụ thể rồi, ở đây không lặp lại nữa. Chúng ta xem câu thứ nhất: liền được vãng sanh. Câu này nói liền được thì đã đủ rồi, huống hồ phía sau lại còn hai lần “liền được” và một từ “rốt ráo”. Vãng sanh đến thế giới Cực Lạc, chư thượng thiện nhân tụ hội một nơi, được bất thoái chuyển, rốt ráo thành Phật. Còn có quả báo nào khác có thể vượt hơn sự thù thắng của quả báo này không? Không có.

Phần trên là bốn kiểu giải thích về bất khả tư nghị của đại sư Liên Trì. Trong Di-đà Yếu Giải, đại sư Ngẫu Ích nói: bất khả tư nghị nói sơ lược có 5 ý. Năm loại giải thích này là: 

Thứ nhất, vượt thoát tam giới theo chiều ngang, không chờ đoạn hoặc, không cần đoạn phiền não, một phẩm kiến tư phiền não cũng chưa đoạn, tín nguyện trì danh thì họ có thể vãng sanh. Tín nguyện trì danh, vượt thoát tam giới theo chiều ngang, không chờ đoạn hoặc, hoa nở thấy Phật, việc này không thể nghĩ bàn.

Thứ hai, ngay nơi Tây Phương đầy đủ 4 cõi, không phải do chứng đắc dần dần. Cõi Đồng Cư chính là cõi Tịch Quang, bốn cõi chính là một cõi, bất luận ở cõi nào cũng đều đầy đủ 4 cõi, đều là viên mãn, không phải từ từ chứng đắc, không phải nói chúng ta sanh đến cõi Đồng Cư, ở cõi Đồng Cư tu hành, đợi đến khi chúng ta đại triệt đại ngộ mới có thể nâng lên đến cõi Phương Tiện, nâng lên đến cõi Thật Báo, nâng lên đến cõi Thường Tịch Quang, không phải vậy. Sanh đến một cõi là sanh đến tất cả, việc này không thể nghĩ bàn, đây là điều thứ hai, ngay nơi Tây Phương đầy đủ 4 cõi, không phải do chứng đắc dần dần.

Thứ ba, chỉ trì danh hiệu, không cần các phương tiện Thiền Quán. Dễ dàng, chỉ trì danh hiệu, không cần tất cả phương tiện, không cần Thiền, không cần Quán. Quán là gì? Quán là giáo. Tông Hoa Nghiêm có Ngũ chỉ Lục quán, tông Thiên Thai có đại tiểu chỉ quán, phương pháp tu hành của họ đều không cần đến, từ “các” ở đây bao gồm Mật tông, bao gồm giới luật, luật tông, thảy đều không cần, chỉ cần tín nguyện trì danh, chúng ta phải tin tưởng, không tin cũng là chuyện bình thường, vì sao vậy? Là pháp khó tin [mà], người tin là có phước báo lớn, một đời này họ đi làm Phật rồi. Thế gian này thật sự muốn một đời đi làm Phật thì hãy nhớ một câu: buông xuống, buông xuống tất cả thân tâm thế giới, xả, xả cho thật sạch sẽ, Phật pháp cũng phải buông xuống, ở trong đây nói, các phương tiện như Thiền, Quán chính là Phật pháp, cũng phải buông xuống.

Thứ tư, lấy một thất làm kỳ hạn, không cần nhiều kiếp, nhiều đời, nhiều năm tháng. Thời gian ngắn, mấy ngày thành công vậy? Một tuần lễ. Trong một tuần lễ thứ gì cũng buông xuống, niệm Phật bảy ngày chính là một câu Phật hiệu, ngoài một câu Phật hiệu ra không có ý niệm gì hết.

Thứ năm, trì một danh hiệu Phật thì được chư Phật hộ niệm, không khác việc trì tất cả danh hiệu Phật. A-di-đà Phật là danh hiệu của mười phương ba đời tất cả chư Phật, niệm một câu này thì đã niệm toàn bộ rồi, không bỏ sót một vị Phật nào, đây là chân tướng sự thật.

Lão Pháp sư có nói một đoạn như vầy, chúng ta phải suy nghĩ cặn kẽ: Niệm danh hiệu Phật, còn phải niệm danh hiệu Bồ-tát khác, hiện nay có người đề xướng, còn phải thêm bái sám, sám trừ nghiệp chướng, tu Địa Tạng Bồ-tát chiêm sát sám, có tốt hay không? Tốt. Bạn không tin Phật hiệu, nên cần phải thêm vào Sám, bạn đối với những lời dạy đó của tổ sư đại đức đều không hiểu. Hải Hiền lão Hòa Thượng đã làm gương 92 năm, bạn xem không hiểu, bạn không được lợi ích, lợi ích chân thật thì một câu Phật hiệu là được rồi, đã nói rõ đến thế rồi. Đoạn này là đại sư Ngẫu Ích nói trong Yếu Giải, phần trên là đại sư Liên Trì nói, những vị đại đức này, tổ sư đại đức đều là minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ, không phải người thông thường, các ngài không nói sai, các bạn chính mình niệm Phật cả một đời, không thể vãng sanh, thì chính mình phải chịu trách nhiệm, là tín tâm của bạn không đủ, nguyện tâm không đủ, có hoài nghi, có lo âu, có vướng mắc, có quá nhiều thứ không buông xuống được. Lời nói phía trên là lão Pháp sư nói trong tập 262 của Tịnh độ Đại Kinh Khoa Chú lần thứ tư giảng năm 2014. Hãy đối chiếu với bản thân xem.

Kinh Kim Cang nói rất hay: “Pháp còn phải xả, huống hồ chẳng phải pháp.” Lão tổ tông dạy chúng ta: một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, làm theo như vậy, nhất môn thì thành tựu rồi. Phương pháp dạy học, lý niệm này của Đại đức xưa, thật tuyệt diệu, chỉ là bạn không chịu tin tưởng, nên bạn không thể thành tựu, bạn tin tưởng thì thành tựu rồi. Một môn tức là tất cả môn, một Phật chính là hết thảy Phật. Kinh Hoa Nghiêm nói: Một là tất cả, tất cả là một. Nói một chút cũng không sai, thế Pháp, Phật pháp đều không ngoại lệ. Một là tất cả, tất cả là một, bạn có thể nghe hiểu câu này thì đời này bạn có thể thành Phật, đương nhiên bạn có thể vãng sanh. Mỗi ngày đọc câu này, nếu không hiểu câu này thì đọc uổng công rồi, trách nhiệm này tự mình gánh lấy. Phật Bồ-tát, thánh hiền nhân không gạt người, mỗi câu đều nói lời thật, bạn hiểu sai ý nghĩa, bạn đi lệch rồi, bạn đi vào đường tà rồi, chính mình phải gánh trách nhiệm. 

Yếu Giải nói: tín nguyện trì danh, nhiếp trọn toàn bộ công đức của Phật thành công đức của mình. Thật sự là câu nói hồng tâm ngay trong hồng tâm, người xưa bắn tên, người thời nay bắn súng, hồng tâm, hồng tâm ngay trong hồng tâm là điểm trung tâm, có thể bắn vào điểm chính giữa nhất định là xạ thủ cừ khôi, bạn không những không bắn trúng hồng tâm, điểm chính giữa, mà ngay cả ngoài rìa cũng không bắn trúng, bắn trật rồi, bạn nói xem liệu bạn có phải là xạ thủ tồi không.

Về 12 vị Quang Phật, lần này giảng khá là tường tận, mười hai quang minh này đều là A-di-đà Phật, danh xưng của 12 quang minh đều là tên khác của A-di-đà Phật. Vì sao lại có danh hiệu nhiều như vậy? Trí tuệ, đức năng của tự tánh là vô lượng vô biên, một danh hiệu không thể bao quát, vậy làm sao đây? Danh hiệu của Phật vô lượng vô biên, quy nạp vô lượng vô biên danh hiệu thành 12 loại, mười hai loại cũng là đại biểu viên mãn. Dùng 12 quang minh đại biểu Phật quang phổ chiếu, danh hiệu của những quang minh này đều là đức dụng của quang minh, từ đây lập nên danh hiệu.

Không biết các đồng tu có chú ý đến hay không, trong quá trình giảng về 12 vị Quang Phật, đã nhiều lần nhắc đến đại sư Đàm Loan, để giúp các đồng tu hiểu rõ hơn về đại sư Đàm Loan, căn cứ và tài liệu liên quan, xin giải thích ngắn gọn như sau. Ngài Đàm Loan sinh năm 476, mất năm 542, người xứ Nhạn Môn, phủ Đại Đồng thời Hậu Ngụy, nhất tâm tu Tịnh Nghiệp, chúa Ngụy rất xem trọng, ban hiệu là Thần Loan, Lương Võ Đế tôn kính, xưng là Loan Bồ-tát. Đại sư trước tác Vãng Sanh Luận Chú, lại y theo Thập Trụ Tì Bà Sa Luận của ngài Long Thọ lập nên giáo phán “nan dị nhị đạo”, nêu rõ sự khác biệt của đạo dễ hành, đạo khó hành và tự lực tha lực, chủ trương dựa vào bổn nguyện tha lực, nhất tâm trì danh niệm Phật, phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Pháp môn Tịnh độ truyền đến nơi này, tuy bắt nguồn từ ngài Viễn Công ở Lô Sơn nhưng hình thành nên giáo tướng Tịnh độ là từ nơi đại sư mà bắt đầu. Cống hiến của đại sư đối với Tịnh độ tông, và sự ảnh hưởng đến hàng hậu học là cực lớn. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ đã nhận xét về đại sư Đàm Loan như sau, đại sư Đàm Loan trong Luận Chú phát huy huyền chỉ của Tịnh độ tông vô cùng thấu triệt, được xưng là đại đức. Hiện nay trong số Tổ sư Tịnh độ tông của chúng ta khuyết mất đại sư Đàm Loan và đại sư Đạo Xước, từ đây về sau cần phải sửa lại. Lão Pháp sư thượng Tịnh hạ Không đối với lời đề nghị của Hoàng Lão hết sức tán thành, đề nghị lập đại sư Đàm Loan làm Nhị tổ của Tịnh độ tông, đại sư Đạo Xước là Tam tổ của Tịnh độ tông, nêu cao phong phạm Tăng tán thán Tăng sáng ngời của hai vị cao tăng đại đức.

Tiết học này xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!  

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *