Tập 47 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân 

Thời gian: 14/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 47

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Như thị quang minh, phổ chiếu thập phương nhất thiết thế giới, kỳ hữu chúng sanh, ngộ tư quang giả, cấu diệt thiện sanh, thân ý nhu nhuyễn. Nhược tại tam đồ cực khổ chi xứ, kiến thử quang minh, giai đắc hưu tức, mạng chung giai đắc giải thoát. Nhược hữu chúng sanh, văn kỳ quang minh, uy thần công đức, nhật dạ xưng thuyết, chí tâm bất đoạn, tùy ý sở nguyện, đắc sanh kỳ quốc.

Đại ý của đoạn kinh văn này là, 12 loại diệu quang thù thắng mà ở trên đã nói, phổ biến chiếu diệu đến hết thảy thế giới mười phương. Phật quang tuy bình đẳng chiếu khắp đến mười phương thế giới, nhưng người có thể nhìn thấy Phật quang vẫn là vô cùng hiếm hoi. Cho nên Kinh nói: Nếu có chúng sanh gặp được quang minh này. Phật quang chiếu khắp, vì sao chúng sanh có người gặp được, có người không gặp được vậy? Có thể lấy 1 ví dụ để nói, những năm trước đây chúng ta sử dụng máy thu thanh, sóng điện từ từ tiết mục mà đài phát thanh phát ra có ở hết thảy nơi, các phương đông tây nam bắc đều có thể thu nhận, thế nhưng ăng-ten của máy thu thanh, các loại linh kiện bị sự cố, hoặc là không dò sóng tốt, thậm chí chỉ có một sợi dây tiếp xúc không tốt thì sẽ không thu được, sóng điện từ tỉ dụ cho Phật quang thường chiếu, chiếu khắp. Máy thu thanh bị sự cố, tỉ dụ cho chúng sanh không gặp được quang minh, nếu gặp được Phật quang thì trần cấu có thể tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng. Cho nên trong Kinh nói là: Cấu diệt thiện sanh, lại còn, thân ý nhu nhuyễn. Người ở thế giới này của chúng ta cang cường khó giáo hóa, tình kiến kiên cố, thà bỏ mạng chứ không từ bỏ kiến hoặc, mười loại kiến hoặc rễ sâu gốc chắc, đối với sự giáo hóa siêu tình ly kiến của Đức Phật không thể tin nhận. Thế nên nếu trở thành nhu nhuyễn thì dễ giáo hóa rồi. Nếu ở trong ba đường ác, nơi cực kỳ đau khổ, thấy được quang minh ấy thì đều được dừng khổ, điều quan trọng hơn là, mạng chung đều được giải thoát. Sau khi thọ mạng chịu khổ trong một kỳ đã kết thúc đều có thể lập tức được giải thoát. Nếu không thì một phen thọ báo trong ba đường ác là năm ngàn kiếp, ngày nào mới có thể giải thoát đây? Cho nên chúng sanh nếu có thể nghe biết quang minh thù thắng của 12 vị Quang Phật, cho đến quang minh có thể khiến chúng sanh phá tối tăm, sanh sáng suốt; trừ chướng ngại, cởi trói buộc; nhanh chóng thoát sanh tử, chứng uy thần công đức tam bất thoái. Lợi người là công, quy về chính mình là đức, thật đức của quả giác vô thượng mà đức Di-đà chứng được bên trong có thể ban lợi ích chân thật giải thoát rốt ráo ra bên ngoài. Sau khi nghe xong, ngày đêm khen nói, dùng tâm chí thành liên tục không gián đoạn, tùy theo ý nguyện được sanh về nước ấy. Tùy theo ý nguyện của mỗi người đều có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc. Cho nên khen ngợi quang minh cũng có thể vãng sanh thế giới Cực Lạc.

Mười loại kiến hoặc mà phần trước nhắc đến, xin giải thích đơn giản như sau:

Một là thân kiến, chấp trước thân thể là cái thấy chấp ngã. Hai là biên kiến, chấp vào cái thấy thường đoạn hai bên, chính là đối lập. Ba là tà kiến, cái thấy phủ định nhân quả. Bốn là kiến thủ kiến, chấp trước vào cái thấy của chính mình, chính là cố chấp kiến giải của mình. Năm là giới cấm thủ kiến, chấp trước giới luật không chính xác. Sáu là tham kiến, tham ái hưởng thụ ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Bảy là khuể kiến, sân khuể không nhẫn nhục. Tám là vô minh kiến, ngu si vô minh. Chín là mạn kiến, cống cao ngã mạn. Mười là nghi kiến, hoài nghi chân lý, hoài nghi lời dạy của thánh hiền. 

Kinh văn phẩm thứ 12, quang minh biến chiếu đệ thập nhị đã giảng xong rồi.

Tiếp theo xin tổng kết một số điểm quan trọng trong phẩm kinh văn này.

Điểm quan trọng thứ nhất, hiểu được chính xác uy thần quang minh của A-di-đà Phật là tôn quý nhất, chư Phật mười phương không thể sánh được. Hàm nghĩa của bốn câu này là, thứ nhất bốn câu này không phải là người tu Tịnh độ tự khen, nói cách khác, bốn câu này chẳng phải do người tu Tịnh độ tự mình nói ra. Hai là, bốn câu này do kim khẩu của Thích-ca Mâu-ni Phật nói ra, là lời tán thán của Thích-ca Mâu-ni Phật dành cho A-di-đà Phật, là sự tán thán của Tăng đối với Tăng. Ba là “Như Lai là người nói lời chân thật, nói đúng sự thật, sự thật như thế nào thì nói như thế đó, không nói lời lừa gạt, không nói lời khác nhau”. Lời tán thán của Thích-ca Mâu-ni Phật đối với A-di-đà Phật là lời chân thật, hoàn toàn chính xác, không thêm không bớt.

Điểm quan trọng thứ hai, quang minh của A-di-đà Phật là quang minh tôn quý nhất, A-di-đà Phật là vua trong các Phật. Uy thần quang minh của A-di-đà Phật trong mười phương chư Phật là tôn quý nhất. Cách nói này và “Phật Phật đạo đồng” là bình đẳng pháp, không có cao thấp, vì sao xuất hiện khác biệt? 

Thứ nhất, Cổ đức Nhật Bản, sư Vọng Tây có 4 từ: thường đồng thường biệt. Đạo lý rất sâu. Trong khác biệt hiểu được nghĩa vô sai biệt, trong vô sai biệt mà hiểu được nghĩa khác biệt. Thường vô sai biệt là thường đồng, thường có sai biệt là thường biệt. Xin nêu ví dụ, một viên gạch bằng vàng và một cái chén vàng, một tượng Phật bằng vàng, một cái tháp vàng là giống nhau hay khác nhau. Tôi nói giống nhau, hợp lý, vì đều là vàng, tôi nói khác nhau, hợp lý, vì hình tướng khác nhau. 

Hai là diệu đức của chư Phật tương chứng tương đồng, Bồ-tát thành Phật mỗi vị có nguyện lực riêng, do nguyện lực của bổn nguyện không như nhau mà thành tựu tự nhiên khác nhau. Phát nguyện có lớn nhỏ, cho nên quang minh có hơn kém. Đại sĩ Pháp Tạng ở nhân địa phát nguyện chính là muốn quang minh vô lượng, tuyệt đối vượt hơn chư Phật, thế nên sau khi thành Phật, Phật quang tối tôn đệ nhất.

Điểm quan trọng thứ ba, phát đại nguyện lúc tu hành ở nhân địa, dùng tâm lượng lớn học Phật, tương lai thành Phật thì cõi nước Phật lớn. Ngược lại thì cõi nước Phật nhỏ. Phải biết, công đức của lời nguyện lớn nhỏ không như nhau là thật sự không như nhau, nhân và quả nhất định tương ưng, đến khi bạn làm Phật thì quả báo hiện tiền.

Điểm quan trọng thứ tư, 12 vị quang Phật đều là Phật Vô Lượng Thọ. Danh hiệu của 12 vị quang Phật đều là danh hiệu khác của Phật Vô Lượng Thọ. Bồ-tát Đại Thế Chí là sơ Tổ của Tịnh độ tông, là chuyên tu trì danh niệm Phật. Đức Phật ấy dạy tôi niệm Phật Tam-muội. Đức Phật ấy chính là Phật Vô Lượng Quang, tức Phật Vô Lượng Thọ. Niệm Phật Tam-muội của Bồ-tát Đại Thế Chí là hằng sa kiếp về trước được Phật Vô Lượng Quang dạy. [Tôi] học tập 12 quang Phật có cảm nhận là: Vô Lượng Quang Phật quang vô lượng, quang minh tự tánh tự hiển phát, tịnh đến cùng cực quang tự thông, thấu đến cùng tột liền thành Phật. Chỉ dùng quang ấy tuyên diệu pháp, quang minh chiếu khắp mười phương cõi, ban cho chúng sanh lợi ích chân thật, nguyện cầu tất cả đều thành Phật. Mười hai quang Phật diệu dụng vô cùng, công đức Di-đà vượt xa chư Phật, quang trung cực tôn, Phật trung chi Vương, pháp môn Tịnh độ đời đời truyền mãi.

Vô Biên Quang Phật quang vô biên, vạn pháp nhất như độ quần sanh, chúng sanh nghe quang đắc giải thoát, hiểu rõ Chân Như, lìa Ta-bà. Thanh tịnh tịch diệt, diệu dụng tự tại, Ta là Pháp vương, tự tại với Pháp, có ở mọi lúc, có ở mọi nơi.

Vô Ngại Quang Phật, Phật quang vô ngại, nếu xem mộng huyễn bọt bóng là chân thật, cả đời khổ sở đi truy tìm, có được một thứ mất một thứ, sau cùng luân hồi trong lục đạo. Phật quang chính là chân thật huệ, trí tuệ quang minh không thể lường, hai thứ là một chẳng phải hai, tâm thanh tịnh hiện sanh trí tuệ. Chẳng có đối đãi chân thật diệu, thảnh thơi tự tại, khoái lạc tiêu diêu, tôi nói lời này bạn không tin, hãy tự thử xem rồi sẽ biết. Trong cõi Tịch Quang không một vật, bạn lại cứ mong tìm ra vật, tìm không ra vật sanh phiền não, vẽ rắn thêm chân thật nực cười. Vừa vào biển trí tuệ Như Lai, thấy chạm đều là chín phẩm sen. Giải trừ trói buộc được giải thoát, nhờ quang thành Phật thật tự tại, an an ổn ổn niệm Di-đà, an an ổn ổn đi Cực Lạc, Tây Phương Cực Lạc bạn có phần, ngày khác bạn cũng là Di-đà, ngũ trược ác thế cần gì luyến, mau chóng bước lên thuyền pháp lớn, cơ duyên thành Phật chớ luống qua, Từ Phụ đại bi tiếp dẫn ta. Phẩm kinh văn này xin giảng đến đây.

Tiếp theo giảng kinh văn phẩm thứ 13. 

THỌ CHÚNG VÔ LƯỢNG ĐỆ THẬP TAM

Phẩm kinh văn này, hiển thị cho chúng ta ba loại vô lượng. Thứ nhất là thọ mạng Phật vô lượng, là pháp thân đức. Thứ hai là hội chúng vô lượng, là đại nguyện trùm khắp. Thứ ba là, thọ mạng của hội chúng cũng là vô lượng, chủ bạn như như, thật sự không thể nghĩ bàn.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Phật ngữ A-nan, Vô Lượng Thọ Phật, thọ mạng trường cửu, bất khả xưng kế, hựu hữu vô số Thanh văn chi chúng, thần trí đỗng đạt, uy lực tự tại, năng ư chưởng trung trì nhất thiết thế giới.

Thọ mạng của Phật vô lượng, trụ thế dài lâu có đầy đủ thời gian để giúp đỡ tất cả chúng sanh. Nguyện của Phật vô cực, có thể rộng nhiếp hết thảy chúng sanh tín nguyện trì danh trong mười phương cõi nước chư Phật, đồng sanh Cực Lạc.

Đại ý của đoạn kinh văn này là: Phật nói với A-nan, Phật Vô Lượng Thọ, thọ mạng dài bao lâu, không có cách nào để nói được, không thể ước lượng, không thể tính đếm, con số quá lớn. Còn có vô số chúng Thanh văn, những Thanh văn này đều thần trí đỗng đạt. Thần là thần thông, trí là trí tuệ, đỗng là quán thông, đạt là thông đạt, lại đều [có] uy lực tự tại, có thể nắm giữ tất cả thế giới trong lòng bàn tay. 

Đoạn kinh văn này bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất: thọ mạng của Phật vô lượng, thọ mạng trường cửu, không thể tính được. Hai câu đầu chính là nói ý nghĩa này. Bởi vì Phật là pháp thân, chính là ba thời hợp nhất, không có hiện tại, quá khứ, vị lai gì cả, quá khứ hiện tại vị lai là như nhau. Quá khứ hiện tại vị lai đã là như nhau thì tương lai chính là hiện tại, chính là quá khứ, quá khứ chính là tương lai, chính là hiện tại, đã đột phá thời gian rồi. Thế nên Einstein hiểu rõ rồi, thời gian là cảm nhận sai lầm của chúng sanh, trên thực tế là không tăng không giảm, không sanh không diệt. Phật chứng vô sanh, đã là vô sanh đương nhiên sẽ không có sự đối lập giữa diệt và sanh, pháp thân của Phật là như vậy. Từ pháp thân hiện ra tất cả thánh chúng cũng đều vô diệt, cũng chính là thọ mạng vô lượng. 

Ở đây hiển rõ ba thứ vô lượng: Thọ mạng Phật vô lượng, hội chúng vô lượng, thọ mạng của hội chúng vô lượng.

Nội dung thứ hai, vô số đệ tử Thanh văn của Phật đều thần trí đỗng đạt, họ đều có thần thông trí tuệ, thông đạt thấu triệt sự lý, lại còn uy lực tự tại, có thể nắm tất cả thế giới trong lòng bàn tay. Uy lực tự tại không gì sánh bằng như vậy, có thể trong lòng một bàn tay nắm lấy tất cả thế giới, hiển rõ thế giới Cực Lạc này không thể nghĩ bàn. Kinh Duy-ma-cật nói: “Bồ-tát đem chúng sanh trong một cõi Phật đặt vào bàn tay phải của mình, bay đến mười phương, hiển thị khắp tất cả nhưng không hề rời bổn xứ.” Đây chính là nói Bồ-tát có thể đem chúng sanh của một cõi Phật toàn bộ đặt vào bàn tay phải của mình, bay đến cõi nước Phật mười phương, hiển thị cho tất cả chúng sanh trong đó là, tuy Bồ-tát bôn ba thuyết pháp khắp mười phương, nhưng không hề rời khỏi bổn xứ, đây lại phá vỡ khái niệm về không gian của chúng sanh. Kinh Duy-ma-cật đồng thời hiển thị, trong lòng một bàn tay nắm lấy hết thảy cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Mời xem kinh văn tiếp theo: 

Đệ tử trung Đại Mục-kiền-liên, thần thông đệ nhất, tam thiên đại thiên thế giới, sở hữu nhất thiết tinh tú chúng sanh, ư nhất trú dạ, tất tri kỳ số.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên là một trong 10 đệ tử lớn của Phật, đại biểu thần thông đệ nhất. Đại ý của đoạn kinh văn này là: Phật lại nói, Đại Mục-kiền-liên trong số các đệ tử của ta là thần thông đệ nhất trong các đệ tử, tam thiên đại thiên thế giới, hết thảy tất cả chúng sanh [nhiều như] tinh tú, có bao nhiêu ngôi sao thì có bấy nhiêu chúng sanh. Mục-kiền-liên trong một ngày một đêm toàn bộ đều đếm rõ, đều biết số lượng của chúng. 

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Giả sử thập phương chúng sanh tất thành Duyên giác, nhất nhất Duyên giác thọ vạn ức tuế, thần thông giai như Đại Mục-kiền-liên, tận kỳ thọ mạng, kiệt kỳ trí lực, tất cộng suy toán, bỉ Phật hội trung Thanh văn chi số, thiên vạn phần trung bất cập nhất phần.

Đại ý của đoạn kinh văn này là: Giả sử chúng sanh mười phương đều thành Duyên giác, mỗi Duyên giác đều có thọ mạng vạn ức tuổi, thần thông đều như Đại Mục-kiền-liên. Trong thời gian dài như vậy đều vắt cạn trí lực của họ để tính xem thế giới Cực Lạc có bao nhiêu Thanh văn, vẫn là tính không ra, con số tính ra được không bằng một phần ngàn vạn của con số thực tế.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Thí như đại hải, thâm quảng vô biên, thiết thủ nhất mao, tích vi bá phần, toái như vi trần, dĩ nhất mao trần, triêm hải nhất trích, thử mao trần thủy tỉ hải thục đa, A-nan, bỉ Mục-kiền-liên đẳng sở tri số giả, như mao trần thủy, sở vị tri giả như đại hải thủy.

Đại ý của đoạn kinh văn này là: Ví như biển lớn, độ sâu và rộng của nó đều không có ngằn mé, lại giả thiết rằng, chẻ một sợi lông thành 100 phần, đem tán nó thành vi trần, lấy một hạt vi trần ấy đi đến biển lớn, thấm một chút nước, một hạt nước ấy so với nước trong biển lớn thì cái nào nhiều, cái nào ít. Phật bèn nói với A-nan, con số mà những Mục-kiền-liên đó biết được, bởi vì chúng sanh mười phương đều được giả thiết là Mục-kiền-liên, nên Phật gọi là những Mục-kiền-liên đó, Mục-kiền-liên nhiều như vậy, dốc cạn hết trí lực và thọ mạng để tính toán, con số mà họ biết được chính là một chút xíu nước trên bụi lông, còn nước trong biển cả thì không biết được. 

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Bỉ Phật thọ lượng cập chư Bồ-tát, Thanh văn, Thiên nhân, thọ lượng diệc nhĩ, phi dĩ toán kế, thí dụ chi sở năng tri.

Phần trên cho thấy rõ trong nước Cực Lạc thọ mạng của Phật vô lượng, số Thanh văn vô lượng. Đoạn kinh văn này nêu rõ Bồ-tát, Thanh văn, Thiên nhân trong nước đều là thọ mạng vô lượng. Phàm phu vãng sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư của thế giới Cực Lạc, chưa hề đoạn hoặc, vẫn là phàm phu, đây gọi là Thiên nhân, Thanh văn cũng là như vậy. Trong nước Cực Lạc đều là Bồ-tát Đại thừa, làm gì có Thanh văn, đây là căn cứ vào trình độ đoạn hoặc của họ, ví như trước tiên đoạn kiến tư hoặc thì trình độ này tương đương với Thanh văn, cũng gọi là Thanh văn. Trong nước từ Bồ-tát đến Thiên nhân cũng đều là thọ mạng vô lượng, không thể dùng tính toán thí dụ mà biết được. Phàm phu nếu có thể đới hoặc vãng sanh, vừa đến cõi ấy liền bất thoái chuyển, không còn thoái chuyển nữa. Ở thế giới này đều là tiến tiến thoái thoái, thậm chí tiến một thoái chín, đến thế giới Cực Lạc rồi, vừa không thoái chuyển lại được thọ mạng vô lượng, họ không thành Phật thì thành gì đây? Mãi không thoái chuyển, sống mãi, vậy chẳng phải nhất định ngay [một] đời thành Phật ư?

Tôi đã giảng xong kinh văn phẩm thứ 13. Phẩm kinh văn này có 5 điểm quan trọng như sau:

Điểm quan trọng thứ nhất, thọ mạng của Phật vô lượng, thọ mạng trường cửu không thể tính kể. Phật là pháp thân, vô sanh vô diệt, ba thời như nhau, đột phá được thời gian không gian. Vô lượng thọ là đệ nhất đức, chúng ta vãng sanh đến thế giới Cực Lạc thì người người đều là Phật Vô Lượng Thọ.

Điểm quan trọng thứ hai, hội chúng vô lượng, [số] đệ tử của Phật vô lượng không thể tính nổi. 

Điểm quan trọng thứ ba, thọ mạng của hội chúng vô lượng, phàm là người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc đều là vô lượng thọ.

Điểm quan trọng thứ tư, vô số đệ tử Thanh văn, thần trí đỗng đạt, uy lực tự tại, có thể nắm tất cả thế giới trong bàn tay, nêu rõ thế giới Cực Lạc không thể nghĩ bàn.

Điểm quan trọng thứ năm là vĩnh viễn không thoái chuyển. Phàm là người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc vĩnh viễn không thoái chuyển. Tiếp theo chúng tôi giảng kinh văn phẩm thứ 14.

BẢO THỤ BIẾN QUỐC ĐỆ THẬP TỨ

Kinh văn phẩm này nói về y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Nội dung của kinh văn phẩm này nói về sự thành tựu của nguyện thứ 40, nguyện cây vô lượng sắc trong 48 nguyện. 

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Bỉ Như Lai quốc, đa chư bảo thụ, hoặc thuần kim thụ, thuần bạch ngân thụ, lưu ly thụ, thủy tinh thụ, hổ phách thụ, mỹ ngọc thụ, mã não thụ, duy nhất bảo thành, bất tạp dư bảo, hoặc hữu nhị bảo tam bảo, nãi chí thất bảo chuyển cộng hợp thành, căn hành chi cán thử bảo sở thành, hoa diệp quả thực tha bảo hóa tác. Hoặc hữu bảo thụ, huỳnh kim vi căn, bạch ngân vi thân, lưu ly vi chi, thủy tinh vi tiêu, hổ phách vi diệp, mỹ ngọc vi hoa, mã não vi quả, kỳ dư chư thụ, phục hữu thất bảo, hỗ vi căn cán chi diệp hoa quả, chủng chủng cộng thành.

Đoạn kinh văn này là giới thiệu thực chất của cây báu ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đại ý của đoạn kinh văn này là, ở thế giới Cực Lạc nơi cõi nước Phật đó có đủ loại cây báu, hoặc cây thuần bằng vàng, cây thuần bằng bạc, cây bằng lưu ly, cây bằng thủy tinh, cây bằng hổ phách, cây bằng mỹ ngọc, cây bằng mã não, đây là do riêng một loại báu mà thành, không có xen tạp những loại báu khác. Cây ở thế giới Cực Lạc đẹp đến mức không thể hình dung, chỉ có dùng trân bảo để làm ví dụ, còn có hai loại báu, ba loại báu, cho đến bảy loại báu thay đổi đan xen cùng nhau hợp thành. Rễ, thân, cành, nhánh là báu nào đó hình thành, hoa, lá, quả chính là các loại báu khác biến hóa mà thành. Ví dụ, có một cây báu, vàng làm rễ, bạc làm thân cây, lưu ly làm nhánh, thủy tinh làm ngọn, hổ phách làm lá, mỹ ngọc làm hoa, mã não làm quả. Những cây khác lại có bảy báu khác nhau thay phiên làm rễ, thân, nhánh, lá, hoa, quả, hình thành nên cây bảy báu có đủ mọi hình sắc không như nhau. Tên gọi của bảy báu trong các kinh khác so với kinh này có hơi khác biệt, nhưng cũng không cần phân biệt, tóm lại bảy báu chỉ là một loại báu vi diệu vô thượng, chính là tâm bảo của A-di-đà Phật, cũng chính là tâm bảo của chính chúng ta.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Các tự dị hàng, hàng hàng tương trị, hành hành tương vọng, chi diệp tương hướng, hoa thực tương đương, vinh sắc quang diệu bất khả thăng thị. 

Đoạn kinh văn này giới thiệu sự sắp xếp của cây báu ở thế giới Cực Lạc, các tự dị hàng, tức là mỗi loại xếp thành một hàng, theo cách nói thông thường, chính là cây báu phân thành từng loại một, theo loại mà chia thành hàng, hàng hàng thẳng nhau, việc này cần phải có nhân công sắp xếp mới được, giống như chúng ta hiện nay luyện tập thể thao, mọi người xếp thành một đội ngũ, nhìn theo hàng ngang thì người đứng thành một đường thẳng, nhìn theo hàng dọc thì người cũng đứng thành một đường thẳng, người với người, không gian với không gian, rất chỉnh tề, khoảng cách của từng hàng một đều như nhau, xếp thành những hình dạng khác thì cũng như vậy. Ở thế giới này của chúng ta thì do nhân công sắp xếp, ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tự nhiên sinh ra như vậy. Thân cây ngang nhau, chẳng những từng hàng cây báu đối thẳng với nhau mà thân cây cũng đối xứng lẫn nhau. Cành lá hướng nhau, một nhánh cây, một chiếc lá đều rất chỉnh tề, đối xứng nhau, hướng vào nhau. Ví dụ một cây ở giữa, nhánh và lá của nó phải cùng với nhánh và lá của các cây ở bốn phía chung quanh đối thẳng chỉnh tề. Hoa quả đối xứng, mỗi một cây, vị trí của hoa quả trên mỗi nhánh đều có quy luật, rất chỉnh tề, đối xứng lẫn nhau. Màu sắc rực rỡ tươi đẹp không thể thấy hết được, diệu sắc rực rỡ, quang minh chiếu diệu khiến người rợp cả mắt, nhìn không hết nổi. Đoạn kinh văn này giống như một bức tranh đẹp lộng lẫy, lúc chúng ta đang khen ngợi đoạn kinh văn đầy tình thơ ý họa này thì đồng thời cũng đang thưởng thức một bức tranh sơn thủy vừa lòng đẹp mắt. Định Thiện Nghĩa nói “các rừng cây báu thảy đều lưu xuất từ trong tâm vô lậu của đức Di-đà, bởi vì tâm của Phật là vô lậu, cho nên cây cũng đều là vô lậu, nên không có các tướng biến đổi của già chết, bệnh hại, sơ sinh, lớn dần. Thế nên các cây tất nhiên đồng thời hiện lên trong phút chốc, nhất loạt chỉnh tề, ngay ngắn trật tự. Đoạn kinh văn này nói, cây cối hoa cỏ đều có trật tự, ngăn ngắn chỉnh tề, không thể nghĩ bàn, sự hoàn hảo như vậy đi đâu để tìm, duy chỉ có thế giới Tây Phương Cực Lạc của A-di-đà Phật mới có.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Thanh phong thời phát, xuất ngũ âm thanh, vi diệu cung thương, tự nhiên tương hòa, thị chư bảo thụ, châu biến kỳ quốc.

Đoạn kinh văn này nói về diệu dụng của cây báu, gió đức thanh tịnh vô lậu đúng thời mà phát ra, tùy theo ý muốn của người mà tự nhiên thổi đến, vả lại gió lay lá cây tự nhiên phát ra tổ khúc vi diệu: cung, thương, giốc, chủy, vũ, đây là luật nhạc căn bản của thời xưa, lại thêm vào biến cung, biến chủy, đây là bảy thanh của âm nhạc hiện đại. Ngũ âm hòa với nhau vô cùng vui tai, những cây báu này có khắp trong cõi nước của Ngài. Phát ra năm thứ âm thanh, cung bậc vi diệu, tự nhiên hòa hợp. Ba câu này chính là nhạc giao hưởng mà chúng ta nói, đây là nhạc giao hưởng của đại tự nhiên. Ở thế giới Tây Phương Cực Lạc khắp nơi đều là như vậy, tuyệt diệu không nói nên lời. Hết thảy vạn vật ở thế giới Cực Lạc đều là vi diệu kỳ lệ. Kỳ là rất đặc biệt, chúng ta chưa từng thấy qua, cũng chưa từng nghe qua. Lệ là hoa lệ. Phật trong Kinh nói rằng: vượt hơn thế giới chư Phật mười phương. Hết thảy sự hoa lệ trong thế gian chúng ta là do người làm, không phải tự nhiên, không thể sánh bằng thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là tự nhiên, không phải do tạo tác, không có người thiết kế, là do tánh đức mà nên. Tất cả mọi thứ ở thế giới Tây Phương Cực Lạc đều hiển bày tánh đức củA-di-đà. Tánh đức củA-di-đà chính là đức năng của tự tánh chúng ta. Có câu “tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là sự khai mở hiển bày vô lượng vô biên đức năng mà tự tánh chúng ta vốn có. Thế nên tất cả trân bảo đều là thứ mà tánh đức vốn sẵn có, tánh đức là năng sanh, trân bảo là thứ được sanh ra. Trong mỗi thứ báu lại đều có đầy đủ diệu đức của tất cả trân bảo, cho nên mỗi một cây báu đều là viên minh cụ đức, đây là y báo. Do cây báu có mặt khắp nơi ở thế giới Cực Lạc, nên nơi nào cũng đều nhìn thấy được. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói khá là tường tận: trên cây có lưới báu, bên dưới có lan can, trong cây còn có cung điện, do đây có thể biết cây báu mới xinh đẹp thật sự, màng lưới đều phóng quang minh, trong quang minh hiển hiện cõi nước chư Phật mười phương, giống như xem Tivi vậy, màn hình không phải mặt phẳng mà là lập thể, điều này tiến bộ hơn nhiều so với nơi này của chúng ta. Nơi này của chúng ta là do đủ mọi nhân công thiết kế chế tạo, thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là tự nhiên.

Đại sư Thiện Đạo nói với chúng ta: Những cây báu này đều lưu lộ ra từ trong tâm vô lậu của A-di-đà Phật. Cho nên những cây này cũng biến thành pháp vô lậu, chính là “y báo chuyển theo chánh báo” mà Phật nói trong kinh, một chút cũng không sai. Thế nên cây cũng là vô lượng thọ, cũng là trân bảo vô lậu vô sanh. Điều này đã chứng thực câu nói “tình dữ vô tình đồng viên chủng trí” trong Kinh Hoa Nghiêm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tình và vô tình đều bình đẳng như nhau, không thể nghĩ bàn. Pháp tánh và Phật tánh đều đồng một tánh, cho nên y báo mới chuyển theo chánh báo.

Thế giới ngày nay của chúng ta, lòng người đã ô nhiễm đến cùng cực, việc này chưa từng có trong lịch sử, trước đây chưa từng nghe qua cụm từ “ô nhiễm môi trường”. Hiện nay môi trường ô nhiễm, toàn thế giới đều đã ý thức được rồi. Ô nhiễm từ đâu mà có? Lòng người ô nhiễm thì môi trường liền ô nhiễm, nếu muốn khôi phục sự thanh tịnh của môi trường trước tiên phải khôi phục sự thanh tịnh của lòng người. Tâm thanh tịnh thì môi trường sẽ thanh tịnh, tâm không thanh tịnh mà muốn môi trường thanh tịnh thì không thể được. Về ô nhiễm môi trường, lão Pháp sư từng nói: Nếu cứ phát triển như thế này, thì 50 năm sau địa cầu này sẽ không còn phù hợp để nhân loại cư trú nữa. Ngài nói câu này là vào khoảng mười mấy năm về trước, hiện nay mười mấy năm đã trôi qua, địa cầu này phù hợp để con người cư trú chỉ còn lại thời gian ba bốn mươi năm. Ba bốn mươi năm là thời gian một khảy ngón tay, sự sinh tồn của nhân loại đã cực kỳ nguy khốn rồi. Hiện nay nước ô nhiễm, không khí ô nhiễm, bạn còn có thể tìm ra thứ nào không ô nhiễm hay chăng? Cho dù bạn là một đại gia giàu có ức vạn liệu bạn không hít thở được không, không uống nước được không? Không có không khí, không có nước bạn có thể sinh tồn được không? Qua 10 năm, 20 năm nữa, thì thứ gì đáng giá nhất vậy? Chẳng phải nhà sang, chẳng phải xe xịn, thứ quý giá nhất là không khí và nước. Không khí và nước là nhu yếu phẩm để nhân loại sinh tồn. 

Tôi vô cùng may mắn, quanh năm sống ở vùng đồi núi, trong mắt tôi, nơi này không phải thiên đường mà còn hơn cả thiên đường, chẳng phải tiên cảnh mà còn hơn tiên cảnh, thiên đường sao tốt được như vầy, tiên cảnh sao đẹp được như vầy. Nói về nước và không khí, thì nơi này của chúng tôi là nguồn ô-xy tự nhiên, đồi núi xanh tươi tạo ra dưỡng khí tự nhiên, lấy không hết, dùng không cạn. Nước chúng tôi uống là nước suối trong mát, thứ chúng tôi ăn là thực phẩm an tâm, tự cung tự cấp không ô nhiễm, thuần hữu cơ, vừa không ô nhiễm vừa dinh dưỡng phong phú. Xin nêu vài ví dụ để nói rõ, trái cây mà chúng tôi tự trồng ở đây có gần 20 loại, đến mùa nào thì ăn trái cây mùa đó, trái cây đúng mùa là ngon nhất. Cây ăn trái của chúng tôi, không có thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, nghe Phật hiệu mà tự do sinh trưởng, trái cây nhiều đến mức ăn không hết, còn dư thì làm enzyme bảo vệ môi trường, enzyme thực phẩm, enzyme cuộc sống. Đậu nành, đậu phộng, hạt hướng dương đều là tự mình trồng, dầu thì tự mình ép, chúng tôi không ăn dầu cặn tái chế, mì phở là tự mình làm, có mì khoai lang, mì khoai tây, mì sợi thô, sợi nhuyễn, sợi to, thứ nào cũng có, mềm mại, mềm trơn, hợp khẩu vị. Đậu phụ, đậu hũ nước đường, sữa đậu nành, óc đậu đều là làm xong ăn ngay, nóng hôi hổi, thơm phưng phức, ăn rất ngon, thiệt khiến người thèm chết đi được. Còn có món hấp dẫn hơn, có thể nói là món đặc sản của chúng tôi, đó chính là hạt dẻ, đó là hạt dẻ thuần chủng, đi hết cả nước cũng chưa chắc ăn được hạt dẻ thuần chủng ngon như thế này. Mộc nhĩ tươi, nấm tươi từ trên núi hái về phải nói là tươi mới, ngon lành biết bao. Nói như thế này, nếu bạn đã ăn mộc nhĩ tươi, nấm tươi ở nơi đây thì bạn sẽ không muốn ăn mộc nhĩ khô và nấm khô ở chợ và siêu thị nữa. Nấm linh chi ở đây có cái to như cái mâm, trước giờ tôi chưa từng thấy nấm linh chi nào to như thế. Còn nhớ năm trước tôi đi Hong Kong mua nấm lớn để cúng dường sư phụ, Ngài rất là vui, nói phải gói cho đẹp, làm thành hộp quà đem đến hội hữu nghị Tịnh Không tặng cho bạn bè ngoại quốc. Ở vùng núi này nơi nơi đều là báu vật, không thấy món nào tầm thường cả, người trong nghề xem thấy vô cùng hâm mộ. Chúng tôi sống trong núi báu, tuy có mắt mà không biết bảo vật trong núi, vì sao nơi này tốt như vậy? Bởi vì nơi này ít ô nhiễm. Lục Hòa tiểu viện Bồ-tát xây, vô lượng Bồ-tát ở nơi đây, một câu Di-đà thành thật niệm, chân thành đảm bảo mười phương an. Tiếp theo xin tổng kết phần trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 14. Trọng điểm thứ nhất, kinh văn lấy cây báu làm ví dụ, hiển thị y báo trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Những cây báu này từ đâu mà đến? Đều là từ tự tánh của A-di-đà Phật biến hiện ra, cây cũng là vô lậu, cây cũng vô lượng thọ. Trọng điểm thứ hai, y báo của thế giới Cực Lạc vì sao trang nghiêm? Vì chánh báo của thế giới Cực Lạc trang nghiêm, Phật trang nghiêm, Bồ-tát trang nghiêm, y báo chuyển theo chánh báo. Trọng điểm thứ ba, y cứ, lý luận của y báo chuyển theo chánh báo là gì? Pháp tánh và Phật tánh là đồng một tánh, tình và vô tình đồng viên mãn chủng trí, đây là cảnh giới Hoa Nghiêm. Trọng điểm thứ tư, muốn chuyển biến y báo của thế giới Ta-bà, thì trước tiên phải thay đổi chánh báo của chúng ta, chánh báo tốt rồi thì y báo tự nhiên tốt. Trọng điểm thứ năm, chánh báo là lòng người thanh tịnh, từ tâm thanh tịnh của chính mình mà bắt đầu cứu lấy địa cầu, cứu giúp nhân loại.

Tiết học hôm nay xin giao lưu đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật. 

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *