Tập 48 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 14/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 48

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiết học này chúng tôi sẽ giảng kinh văn phẩm thứ 15.  

BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐỆ THẬP NGŨ

Mời xem đoạn kinh văn tiếp theo:

Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ-đề thụ, cao tứ bá vạn lý, kỳ bổn chu vi ngũ thiên do tuần, chi diệp tứ bố nhị thập vạn lý, nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành, hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu, phục hữu hồng lục thanh bạch, chư Ma-ni bảo, chúng bảo chi vương, dĩ vi anh lạc. Vân Tụ bảo tỏa, sức chư bảo trụ, kim châu linh đạc, châu táp điều gian, trân diệu bảo võng la phú kỳ thượng, bá thiên vạn sắc hỗ tương ánh sức, vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực, nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện.

Trước tiên chúng tôi xin giải thích thế nào là đạo tràng. Đạo tràng, nói đơn giản, nơi tu đạo thì gọi là đạo tràng, nói tường tận thì có 5 ý nghĩa. Đây là Hoàng Niệm Lão giải thích cho chúng ta.

Ý nghĩa thứ nhất chỉ cho nơi thành đạo dưới cội Bồ-đề của Thế Tôn ở Ấn Độ, gọi là đạo tràng. Giải thích này là một cách nói phổ biến của nhà Phật. Thích-ca Mâu-ni Phật là ở dưới cội cây này mà chứng đạo, cũng chính là nơi đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Gọi là chốn thành đạo.

Ý nghĩa thứ hai chỉ cho phương pháp tu hành để đắc đạo. Như Kinh Duy Ma nói: trực tâm là đạo tràng. Trực tâm, người Trung Quốc gọi là tâm chí thành, chân thành đến cùng cực, đây chính là đạo tràng. Bất luận vào lúc nào, bất luận ở nơi đâu chúng ta đều phải dùng chân tâm, dùng chân tâm chính là đạo tràng, dùng vọng tâm thì không phải đạo tràng.

Ý nghĩa thứ ba, nơi cúng Phật được gọi là đạo tràng.

Ý nghĩa thứ tư, nơi học đạo. Duy Ma Kinh Triệu Chú, chú giải của đại sư Tăng Triệu nói rõ: Nơi tu đạo nhàn nhã an tĩnh thì gọi là đạo tràng. [Nơi] học tập, tu hành, dưỡng đạo đều gọi đó là đạo tràng.

Ý nghĩa thứ năm, thời Tùy Dượng Đế, lấy đó làm tên của chùa chiền. Tùy Dượng Đế ra chiếu cải cách chùa chiền trong thiên hạ, đều đặt tên là đạo tràng, đây là một sự kiện lịch sử, tất cả nơi hoạt động của Phật giáo đều gọi là đạo tràng. Đạo tràng mà Kinh Vô Lượng Thọ nói chính là ý nghĩa thứ tư. Phàm những nơi học đạo tu hành đều gọi là đạo tràng. Đạo tràng mà kinh văn phẩm này nói chính là nơi A-di-đà Phật giảng kinh thuyết pháp.

Tiếp theo xin giải thích đơn giản về cây Bồ-đề. Đại sư Huyền Trang trước tác Tây Vực Ký. Tây Vực Ký là nhật ký của đại sư Huyền Trang, đại sư Huyền Trang đem những điều mà ngài thấy nghe trên chặng đường của mình dùng hình thức nhật ký ghi chép lại, lưu lại tác phẩm Tây Vực Ký vô cùng trân quý này cho người đời sau. Trong Tây Vực Ký, đại sư cũng có ghi chép về cây Bồ-đề. Cây Bồ-đề chính là cây Tất-bát-la, Tất-bát-la là tiếng Phạn, vì sao gọi tên này? Phật ngồi dưới cây này thành Đẳng Chánh Giác, nên có tên là cây Bồ-đề. Nghĩa tiếng Phạn là đạo, học đạo, tu giác, cho nên cũng gọi là cây đạo, cây giác. Khi Phật tại thế, cây cao 400 thước, là cây đại thụ rất cao rất to, đối với ngày nay của chúng ta mà nói thì rất khó tưởng tượng, cũng rất khó tiếp nhận, làm gì có cây lớn đến như vậy? Đại sư Hoằng Nhất vì người đời sau giải thích mối nghi này. Đại sư Hoằng Nhất lưu lại cho chúng ta một tài liệu gọi là Chu Xích Khảo. Phật xuất hiện vào thời đại nhà Chu ở Trung Quốc, lúc phiên dịch kinh đều dùng chế độ của triều Chu, thước ngắn của thời Chu, một thước độ chừng 6 tấc của thước Trung Quốc chúng ta, chính là nói cao chừng phân nửa của 400 thước, cũng là cao 200 thước theo thước Trung Quốc. Người thời sau có ghi chép, về sau nhiều lần [cây] bị tàn phá, vẫn cao 4-5 trượng, là cây Bồ-đề của thế giới đó. Lão Pháp sư đi Sri lanka vẫn còn nhìn thấy di tích, cây Bồ-đề ở Sri lanka có lịch sử 2.500 năm, là mang từ Ấn Độ trồng qua đây. Nghe nói con gái của vua A Dục mang giống cây này đến Sri lanka, cây trồng xuống tại Sri lanka sống được, mãi cho đến ngày nay vẫn còn sống, vô cùng hy hữu khó được, có cơ hội đến Sri Lanka nhất định phải đến xem cây Bồ-đề hơn 2.000 tuổi này.

Tiếp theo, chúng tôi giải thích một chút đoạn kinh văn này. Trong nguyện thứ 41 của Pháp Tạng Đại sĩ, cây báu cao đến trăm ngàn do tuần, nếu lấy một trăm nhân một ngàn rồi nhân với do tuần thì sẽ là bốn trăm vạn dặm, hoặc là cao hơn. Theo chúng tôi thấy, không phải trăm ngàn trực tiếp nhân với nhau, mà là nói có rất nhiều ngàn. Kinh này nói, cây ấy cao 400 vạn dặm, chúng ta không cách nào tưởng tượng, đối với 400 vạn dặm này, thì nhận thức của con người cũng không thể giống trọn vẹn được, có người nói cây nào cao quá, còn có người nói cây này thấp quá, có lẽ có người sẽ cảm thấy kỳ lạ, sao cây cao lớn đến như vậy mà còn có người nói thấp chứ? Hoặc trong Quán Kinh, chữ “hoặc” này nghĩa là không xác định, có thể là trong Quán Kinh có nói, thân Phật cao 60 vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, nếu theo đây thì thấy thân của Phật quá cao, cây quá nhỏ rồi, tức hiển rõ Phật cao cây thấp, con số không tương xứng. Thân thể của Phật là 60 vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần, chiều cao này là rất cao. Cây này cao 400 vạn dặm, vậy thì giống như cây cỏ nhỏ rồi, thậm chí có người còn không nhìn thấy nó, Phật cao cây thấp, lượng bất tương xứng. 

Có người nói, cây cao 400 vạn dặm, cao quá! Từ trái đất đến Mặt trăng có lẽ cũng chưa đến 400 vạn dặm, nếu như trên trái đất có cây này vậy sẽ chướng ngại sự vận hành của mặt trăng rồi, làm sao cây cao như vậy được. Địa cầu quá nhỏ, không thể chứa cây cao như vậy, dời cây cao như vậy đến trái đất thì trái đất đã chệch khỏi quỹ đạo từ lâu rồi, đây là một kiểu nhận thức khác. Còn có người đối với cây Bồ-đề cao 400 vạn dặm, chu vi thân cây là 5.000 do tuần, lá cây hướng ra bốn phía phân bố đến 20 vạn dặm, nêu ra nghi hoặc, nói rằng cây này quá cao, nhưng lá cây phân bố không quá rộng, đối với những vấn đề đã kể trên, chúng ta xem lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ và lão Pháp sư đã giải thích như thế nào. Thực ra, đây cũng là vô ngại, thẳng thắn, rõ ràng, một câu đã trả lời xong. Chúng ta ở những chỗ này, không thể dùng tình kiến của chúng ta để lý giải, chúng ta có tình cảm, không thể dùng tri kiến của chúng ta để lý giải. Niệm Lão nói, thật tắc, thật ra mà nói, đây cũng là vô ngại, nói đủ mọi con số đều là tùy theo căn cơ của chúng sanh, tùy thuận chúng sanh mà nói, cho nên đừng chấp vào một kiểu, tất cả chúng sanh thấy không như nhau. Thí dụ có người, thực sự có người đó, thực sự có việc đó, trong định thấy Phật, trong mộng thấy Phật, tướng Phật bao lớn, lớn như trời vậy, một vị Phật ngồi ở nơi đó thì giống như nửa phần trời rồi, đó chính là phần trước đã nói, thân cao 60 vạn ức na do tha hằng hà sa do tuần. 

Cho nên chúng ta nhất định phải biết, thể mà kinh này nêu ra là sự sự vô ngại, cảnh giới không thể nghĩ bàn, bất luận bạn nói kiểu nào thì đều là tùy thuận tâm lượng của chúng sanh. Mặt đất [này] là cõi Phàm Thánh Đồng Cư, chúng sanh lục đạo có tâm lượng nhỏ nên cái họ thấy sẽ nhỏ. Trong lục đạo có cõi Trời, tâm lượng của cõi trời lớn hơn chúng ta, trí tuệ cao hơn chúng ta, cây Bồ-đề mà họ nhìn thấy cùng với cây mà chúng ta nhìn nhất định không như nhau, lại huống hồ Duyên giác, Thanh văn và Quyền giáo Bồ-tát. Hoàng Niệm Lão nói với chúng ta: Sự cao thấp ở nơi này tuy có khác biệt, nếu như đạt đến huyền môn rộng hẹp tự tại. Kinh Vô Lượng Thọ có đủ thập huyền môn của Hoa Nghiêm. Thập huyền môn nói điều gì? Sự sự vô ngại, lý sự vô ngại, trong các kinh Đại thừa đều có. Sự sự vô ngại duy chỉ Hoa Nghiêm [mới có], trong các Kinh khác Phật không có nói. Nhưng thập huyền trong kinh này thì sự sự vô ngại hoàn toàn đầy đủ, điểm này chúng ta phải biết. 

Cho nên, nếu như đạt đến huyền môn rộng hẹp tự tại, thì khế nhập hết thảy pháp giới vô ngại. Thế giới Cực Lạc, Thế Tôn giới thiệu cho đại chúng, căn tánh của đại chúng không như nhau, Thế Tôn dùng một âm mà thuyết pháp, tùy loại chúng sanh đều hiểu được, pháp này mới gọi là diệu pháp. Từ “tất cả các báu tự nhiên hợp thành” đến “lưới báu trân diệu giăng phủ bên trên”, tổng cộng là 9 câu kinh văn. Chín câu kinh này hiển hiện sự trang nghiêm của cây Bồ-đề. Cây vốn đã cao lớn vô cùng, lại còn có những thứ tốt đẹp như thế làm trang sức, sự trang nghiêm của cây này chúng ta không cách nào tưởng tượng, cũng nói không hết. Tất cả các báu, đây là hiển thị sự trang nghiêm của cây Bồ-đề. Tự nhiên hợp thành, biểu thị sự thành tựu về đại nguyện đại lực của đức Di-đà, tự nhiên như vậy, chẳng phải do tạo tác, không có người thiết kế, không có người chế tạo. Ngay cả hoa quả, ánh sáng, châu báu hoặc là anh lạc trên cây, hoặc là các trang sức ở các trụ báu. Trụ báu chính là thân cây chính, nhánh cây chính của cây này, đều dùng được cả. Những thứ này đều không cần con người chế tạo, mà tự nhiên như vậy. Hoa quả phu vinh, phu vinh, phu nghĩa là khai hiển, vinh nghĩa là sum suê xinh tươi. Hoa và quả của cây Bồ-đề này thể hiện sự sum suê tươi tốt, bày ra cảnh tượng vươn lên phồn thịnh, lại còn phóng đại quang minh, chiếu khắp tất cả nơi. 

Lại có các ngọc ma-ni hồng lục xanh trắng là vua trong các loại báu, để làm chuỗi anh lạc. Bốn câu kinh văn này hiển thị sự trang nghiêm trên cây. Bài kệ trong Vãng Sanh Luận nói: Vô lượng báu đan xen, lưới giăng khắp hư không, tất cả chuông ngân vang, tuyên nói diệu pháp âm, hoàn toàn tương ưng với các câu kinh văn này. Điều trong Vãng Sanh Luận nói chính là đoạn kinh văn này. Vô lượng báu đan xen, rất nhiều loại châu báu, ở đây chúng ta không có, cũng không có tên gọi, chỉ có thể dùng bảy báu trong thế gian chúng ta để hình dung, trên thực tế thì kém rất xa. Vì sao vậy? Những thứ mà chúng ta ở bên này tiếp xúc được, thấy được, nghe được, chạm được, đều là tướng cảnh giới của A Lại Da, do thức biến hóa, cho nên chúng đều có ô nhiễm. Chúng sanh chúng ta nhìn thấy chúng, tiếp xúc với chúng thì có phân biệt chấp trước. Thế giới Cực Lạc không có hiện tượng như vậy, thế giới Cực Lạc do các báu hình thành, khiến chúng ta trong hoàn cảnh này vĩnh viễn giữ được thanh tịnh, không có ô nhiễm, không có phân biệt, không có chấp trước, ở nơi này dễ dàng thành đạo, đây là đại đạo tràng của A-di-đà Phật. Cây Bồ-đề là biểu tượng của nơi này, đạo tràng ở nơi đâu? Bên dưới cây Bồ-đề chính là đạo tràng. Cho nên cây này là do các báu hợp thành, quang minh vô lượng.

Anh Lạc, trụ báu, lưới báu trong kinh đều là sự trang nghiêm trên không trung của cây. Cây cao lớn, những trang sức này trên cây, thứ nhất là ngọc ma ni bốn sắc, các báu này tổng nhiếp sự thiện diệu của các báu, là trân bảo tối thượng, nên gọi là vua của các trân bảo, được xem là trân bảo hàng đầu, dùng làm anh lạc, [treo] rủ khắp các nhánh cây, dùng để trang nghiêm. Thế gian chúng ta, hiện nay vào dịp lễ tết, các cây ở hai bên đường, đêm đến đều dùng bóng đèn nhỏ để trang sức, sáng nhấp nháy rất đẹp, khiến người nhìn thấy tâm sanh hoan hỷ, đây là nhân công thiết kế, chế tạo. Thế giới Cực Lạc tự nhiên trang nghiêm, không có người thiết kế, không có người thi công, mà sự mỹ diệu của nó vượt ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Nó không những đẹp mà còn có thể giúp chúng ta ngộ đạo, giúp chúng ta tăng trưởng đạo tâm, thành tựu đạo nghiệp. 

Móc báu Vân Tụ trang sức các trụ báu. Trụ báu có trang sức. Dùng thứ gì để trang sức? Móc báu Vân Tụ. Móc báu Vân Tụ, ở đây chỉ cho kết cấu dính móc vào nhau trong kiến trúc. Vân Tụ là tên của loại báu, tên của loại báu này là Vân Tụ, trong vật liệu kiến trúc, dùng để liên kết mối nối. Chỗ hai cây trụ ngang kết nối với nhau gọi là móc báu Vân Tụ. Bảo trụ, trong bản dịch thời Tống là: cõi nước Phật ấy có các loại trụ báu, đều dùng trăm ngàn trân bảo để trang nghiêm, các trụ bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, trân châu, xà cừ, mã não, còn có trụ do hai thứ báu cho đến bảy thứ báu hợp thành, các trụ này dùng anh lạc và xích báu để trang trí. 

Kim châu linh đạc. Kim là vàng nguyên chất, châu là trân châu, linh là chuông kim loại, giống quả chuông nhưng nhỏ hơn. Đạc là chỉ cho cái lưỡi gỗ bên trong quả chuông, dùng để gõ chuông phát ra âm thanh. Linh và đạc đều do diệu bảo hình thành, tuôn ra diệu âm. Bốn thứ kể trên [được] treo ở giữa khắp các nhánh cây Bồ-đề, nên gọi là châu táp điều gian, rất đẹp. Đây là bạn nhìn thấy trong kinh. Trang sức của cây Bồ-đề này đẹp đến mức nào? Khiến bạn có cảm giác đẹp không chớp mắt, thân đến nơi ấy thì lưu luyến quên về. Lưới báu trân diệu giăng phủ bên trên. Lưới báu trân diệu, trong bản dịch thời Đường nói, lại do vàng ròng, trân châu, linh và đạc báu hợp lại dùng đó làm lưới, nên biết lưới báu cũng do vàng ròng, trân châu, chuông báu mà hợp thành, nên gọi là trân diệu. La phú, la là giăng mắc khắp nơi, phú là che phủ, lưới báu như vậy giăng phủ trên cây Bồ-đề, nên gọi là la phú kỳ thượng, những thứ này thảy đều là vật trang sức.

Trăm ngàn vạn sắc, chói ngời lẫn nhau, vô lượng tia sáng, chiếu diệu vô cực, hết thảy trang nghiêm tùy theo tâm niệm mà ứng hiện. Những câu kinh văn này là tổng thuyết, hết thảy trang nghiêm, phía sau cần phải nói chi tiết. Sự xinh đẹp của hoàn cảnh vật chất ở thế giới Tây Phương Cực Lạc là của báu vốn có ở trong nhà, không phải từ bên ngoài cầu được, chỉ cần bạn cầu từ nơi tâm tánh thì tự nhiên hiện tiền, màu sắc rất nhiều, đẹp không tả xiết, bởi vì các trân bảo đều phóng quang, y chánh đều phóng quang minh. Chiếu diệu vô cực, thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần ánh sáng của nhật nguyệt, đèn đóm, nên đó là thế giới quang minh, cũng gọi là thế giới hương quang, hương quang trang nghiêm. Quang minh của thế giới Cực Lạc là vô hạn cực, tất cả trang nghiêm tùy theo tâm cảm mà ứng hiện. Hết thảy trang nghiêm tùy theo [tâm] cảm của chúng sanh mà nó tự nhiên ứng, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Hết thảy tướng trang nghiêm tùy căn cơ chúng sanh mà ứng khắp, biến hóa tự tại, tùy ý mà hiện. Thế Tôn giới thiệu cho chúng ta hoàn cảnh đời sống, hoàn cảnh học tập ở thế giới Tây Phương Cực Lạc, dùng cái gì để hình dung? Dùng hai câu trong kinh Hoa Nghiêm: lý sự vô ngại, sự sự vô ngại. Mười phương thế giới đều có chướng ngại, thế giới Cực Lạc không có chướng ngại, mọi thứ đều xứng tâm vừa ý.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh, kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc, thanh sướng ai lượng, vi diệu hòa nhã, thập phương thế giới âm thanh chi trung tối vi đệ nhất.

Đoạn kinh văn này nói về đức của cây báu, kỳ diệu không thể nghĩ bàn, hiển bày công đức diễn thuyết diệu pháp không thể nghĩ bàn của cây báu ở thế giới Cực Lạc. Vi phong là làn gió thanh nhẹ hòa dịu, từ động là thổi từ từ, thổi đến ngàn nhánh vạn lá của cây Bồ-đề, diễn tấu ra vô lượng âm thanh mỹ diệu. Âm thanh mỹ diệu đều là tuyên thuyết vi diệu pháp. Diệu âm tuyên vi diệu pháp, quá tuyệt diệu. Thế nào là diệu pháp? Pháp tối thắng đệ nhất không thể nghĩ bàn thì gọi là diệu pháp. Pháp Hoa Huyền Nghĩa Tự nói rằng: Diệu là ngợi khen pháp không thể nghĩ bàn. Gió thổi lay cành lá của cây báu, phát ra âm thanh, diễn nói pháp âm vi diệu không thể tả, cho nên gọi là ‘diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh’. 

Kỳ thanh lưu bố, âm thanh ấy lưu thông phát tán ra các phương, đầy khắp tất cả cõi nước Phật. Pháp âm mà cây Bồ-đề phát ra thanh tịnh sảng khoái. Ai lượng là có thể dẫn phát người nghe, sanh khởi tâm từ bi thương xót chúng sanh, âm nhạc hay đều hàm chứa một chút ý từ bi. Lượng là sáng chói, sáng rỡ, ở đây chỉ cho nhịp điệu âm nhạc tươi rõ, âm điệu trong sáng. Vi diệu, do vì âm thanh tuyên dương diệu pháp cho nên âm thanh cũng là vi diệu, thiện hảo của nó đạt đến trình độ không thể tuyên nói. Hòa nhã, nhã là thoát tục, chánh chính là lìa tà, âm thanh của thế giới Cực Lạc là âm thanh đệ nhất trong các âm thanh của mười phương thế giới. Trong mười phương có nghe thấy được không? Có, xác thật có người có duyên nghe được, khi nào dễ dàng nghe được? Lúc người niệm Phật vãng sanh, lúc họ lâm chung, A-di-đà Phật đến nghênh tiếp, thiên nhạc đầy không trung, người tâm địa chân thành có thể nghe được. Người vọng niệm nhiều, phiền não nhiều thì không nghe được. Thế nên có người nhìn thấy quang minh, có người nhìn thấy Phật Bồ-tát, có người nhìn thấy hoa sen, người niệm Phật vãng sanh có rất nhiều tướng lành, cũng là khảo nghiệm công phu của chúng ta, chúng ta thật sự có công phu thì sẽ nhìn thấy. Đến khi nào có cảm? Công phu thành thục thì có cảm, thế giới Cực Lạc tự nhiên có ứng. Vì sao vậy? Quang minh của thế giới Cực Lạc, âm nhạc của thế giới Cực Lạc, các thứ trang nghiêm của thế giới Cực Lạc có thể giống như cái truyền hình vậy, truyền khắp hư không pháp giới, chỉ cần bạn có một cái máy nhận tín hiệu thì bạn có thể tiếp nhận nhìn thấy. Chúng ta dùng gì để tiếp nhận? Dùng nhất tâm bất loạn, niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn thì tiếp nhận được. 

Bên trên nói về đức của âm thanh, không những là thù thắng đặc biệt bậc nhất trên trời, trời này là cõi trời, dục giới thiên, sắc giới thiên, vô sắc giới thiên, thù thắng đặc biệt nhất trong cõi trời. Thiên nhạc của chư thiên, chư thiên cũng có quang minh, nhưng không thể sánh bằng thế giới Cực Lạc, là đệ nhất trong mười phương thế giới. Chẳng những ở thế giới Ta-bà, mà trong tất cả cõi nước chư Phật mười phương, A-di-đà là bậc nhất, thế nên chư Phật Bồ-tát tán thán A-di-đà Phật quang minh tôn quý nhất, vua trong các Phật là có đạo lý, đây là sự lưu lộ viên mãn của tánh đức. Điểm này những người học Đại thừa chúng ta phải ghi nhớ, những đức năng mà trên kinh nói đến đều là thứ mà trong bản tánh của chúng ta vốn tự đầy đủ, đầy đủ điều gì? Hết thảy y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc đều đầy đủ, không phải đến từ bên ngoài. Cho nên chỉ cần bạn kiến tánh thì nhìn thấy được, chưa kiến tánh thì có thể cảm ứng, chưa chứng được lý nhất tâm bất loạn, công phu thành phiến, sự nhất tâm là cảm, cảm ứng, thì có cơ hội nhìn thấy được. Nếu niệm đến lý nhất tâm bất loạn thì lúc nào cũng có thể nhìn thấy, đây là tánh đức.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Nhược hữu chúng sanh, đổ Bồ-đề thụ, văn thanh khứu hương, thường kỳ quả vị, xúc kỳ quang ảnh, niệm thụ công đức, giai đắc lục căn thanh triệt, vô chư não hoạn, trụ bất thoái chuyển, chí thành Phật đạo. Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng nhẫn, nhất âm hưởng nhẫn, nhị nhu thuận nhẫn, tam giả vô sanh pháp nhẫn.

Đoạn kinh văn này nói rõ cây Bồ-đề có thể ban cho chúng sanh lợi ích chân thật, cho thấy công đức đại nguyện của đức Di-đà không thể nghĩ bàn, nên thành tựu cõi Phật thù thắng không thể nghĩ bàn. Cây Bồ-đề có thể sanh ra pháp ích không thể nghĩ bàn. 

Nhược hữu chúng sanh, đổ Bồ-đề thụ, nếu có chúng sanh mắt nhìn thấy cây Bồ-đề, văn thanh, tai nghe được âm thanh diệu pháp ấy, khứu hương, mũi ngửi được hương thơm của cây Bồ-đề, thường kỳ quả vị, lưỡi nếm được mùi vị của quả. Xúc kỳ quang ảnh, thân thể tiếp xúc được ánh sáng hoặc bóng của cây. Niệm thụ công đức, ý căn đang nhớ nghĩ công đức của cây, đều được sáu căn thanh tịnh sáng tỏ, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu căn đều thanh tịnh vô cấu, phân biệt hiểu rõ triệt để. Ví dụ, tai, mắt đối với màu sắc và âm thanh nghe thấy đều có thể hoàn toàn phân biệt rõ, không có sai sót thì gọi là triệt. Hội Sớ nói: nhĩ căn vô cấu là thanh, một người thành kiến kiên cố, đối với những điều đúng đắn thì nghe không vào, là do vì ô nhiễm của tai quá nặng; nghe hết các âm thanh thì gọi là triệt, đối với các loại âm thanh đều có thể nghe thấy thì gọi là triệt. Năm căn còn lại thì có thể nêu một mà suy ra ba, ý căn, ý căn vô cấu thì là thanh, hiểu rõ các pháp thì là triệt. Vô chư não hoạn, Duy Thức Thuật Ký nói rằng: não nghĩa là loạn. Cho nên ‘vô chư não hoạn’ chính là không có hoạn nạn do các loại não loạn gây ra, vì thế mà có thể an trụ ở địa vị bất thoái chuyển, đạt đến Phật quả viên mãn.

Bên dưới còn hiện rõ công đức diệu dụng không thể nghĩ bàn của cây Bồ-đề, lại do nhân duyên có thể nhìn thấy cây Bồ-đề mà có thể đạt được ba loại nhẫn. Một là âm hưởng nhẫn, hai là nhu thuận nhẫn, ba là vô sanh pháp nhẫn. Tăng thượng của thế giới Cực Lạc thật sự đạt đến tột bực.

Hàm nghĩa của ba loại nhẫn là: Âm hưởng nhẫn. Tịnh Ảnh Sớ nói: vừa nghe âm thanh liền giải ngộ, biết âm thanh như tiếng vang. Chính là nói, từ âm thanh mà khai ngộ, do đó biết tất cả đều giống như tiếng vọng trong hang núi, chỉ là vọng lại mà thôi, căn bản không có người nói chuyện. Thế nên biết được tất cả đều như là tiếng vọng, không có ai tạo ra tiếng vọng này, cho nên nói không có tác giả, hiểu được nghĩa chân thật ở trên thì gọi là âm hưởng nhẫn. Đây là cảnh giới của Nhị Địa Bồ-tát trở lên.

Nhu thuận nhẫn, xả thuyên thú thật thì gọi là nhu thuận nhẫn. Dùng ngôn ngữ văn tự để biểu đạt nghĩa lý thì gọi là thuyên. Tất cả kinh luận, công án của Thiền tông đều là thuyên, chỉ là ký hiệu chỉ mặt trăng, rất nhiều người đều chấp chặt ngón tay này, muốn từ trên ngón tay mà tìm ra mặt trăng, vậy thì đợi đến năm con lừa đi. Hiện tại tất cả biểu đạt văn tự đều xả bỏ, hai mắt nhìn thẳng vào mặt trăng, đây chính là xả thuyên thú thật, cho nên xả ly ngôn ngữ văn tự, nhập vào thật tướng, được nhu thuận nhẫn. Đây là cảnh giới của tứ địa, ngũ địa, lục địa Bồ-tát. Từ thất địa trở lên thì chứng nhập thật tướng, lìa tất cả tướng, đây mới là vô sanh pháp nhẫn, chứng nhập thật tướng, lìa khỏi hết thảy tướng, an trụ vào trong pháp vô sanh là cảnh giới của thất địa Bồ-tát trở lên. 

Nhìn thấy cây Bồ-đề thì được ba loại nhẫn này, đủ chứng minh nguyện lực của đức Di-đà và sức uy thần công đức vô thượng đều không thể nghĩ bàn. Di-đà Sớ Sao giải thích vô sanh nhẫn, có hai loại. Một loại là nói từ trên pháp, một loại là nói từ trên tu hành. Nói từ trên pháp thì thảy đều không khởi niệm, không có lý thể thực tế tạo tác thì gọi là vô sanh. Đầy đủ tâm của trí tuệ vô vi, an trụ ở trên lý thể thì gọi là nhẫn. Cũng chính là nói, vô sanh pháp chính là lý thể chân như thật tướng viễn ly sanh diệt. Trí tuệ chân thật an trụ bất động trên lý thể này thì gọi là vô sanh pháp nhẫn. Đại Trí Độ Luận nói: Ở trong thật tướng các pháp vô sanh diệt mà tin nhận thông đạt vô ngại bất thoái thì gọi là vô sanh nhẫn. Đại Trí Độ Luận khai thị rất rõ ràng, đối với thật tướng các pháp vốn không có sanh diệt có thể, một tin nhận, hai thông đạt, ba vô ngại, bốn bất thoái, thì chính là vô sanh pháp nhẫn. Từ trên hạnh mà nói thì càng lên một tầng lầu nữa. Sớ Sao nói: Báo hạnh thuần thục, trí minh ư lý, vô tướng vô công, khoáng nhược hư không, trạm như đình hải, tâm thức vọng hoặc, tịch nhiên bất khởi, phương viết vô sanh. Báo hạnh trong kinh văn là đối với tập hạnh có công dụng mà nói. Tập hạnh chỉ cho tâm tâm tinh tấn, niệm niệm siêng tu, gắng sức dụng công, rơi vào trong hữu công dụng đạo, đây là cảnh giới của Thất địa Bồ-tát trở lên. Do vì tăng lên từ từ, chuyển thành báo hạnh, lại còn thuần thục. Báo hạnh là vô công dụng đạo, không cần khởi ý động tâm mà tự nhiên tùy ý nhập vào biển trí tuệ của Như Lai, đây là cảnh giới của Bát địa Bồ-tát. Lúc này trí tuệ chân thật của tự tâm và lý thể thầm khế hợp nhau. Lý thể vô tướng, vô vi, vô công, vô tướng. Hạnh không có cái thể nào khác, chỉ là dùng trí tuệ làm thể, trí tuệ và lý thể không hai, cho nên hạnh và lý tương đồng, cũng vô tướng, vô vi, vô công, vô tướng, đều là rộng lớn như hư không, trong vắt như nước tĩnh lặng, lúc này mặt trời trí tuệ chiếu tỏ, hết thảy vọng hoặc của tâm thức tự nhiên không khởi, đây mới gọi là đắc vô sanh pháp nhẫn. 

Công đức của cây Bồ-đề có thể khiến cho người nhìn thấy đạt đến địa vị Bát địa, chính là vì Cực Lạc tức là Hoa Tạng. Thế giới Hoa Tạng, thế giới Nhất Chân, thập huyền diệu môn toàn ở Cực Lạc, toàn thể bao gồm mỗi một cục bộ, đây là thường thức mà phụ nữ và trẻ con đều biết, thế nhưng cục bộ bao gồm toàn thể thì là huyền môn của Hoa Nghiêm mà khoa học hiện nay chứng thực. Nhìn thấy cây thì nhìn thấy toàn thể thế giới Hoa Tạng, viên mãn đầy đủ tất cả công đức, nhìn cây đắc nhẫn, chẳng xem là kỳ lạ, vả lại đây là mượn sự mà hiển pháp, sanh giải môn trong thập huyền môn của Hoa Nghiêm. Từ sự tướng cụ thể có thể khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, lập tức ngộ nhập tri kiến Phật. Thế nên năm xưa Thích-ca Mâu-ni Phật trong hội Linh Sơn, đưa cành hoa lên cho mọi người nhìn, mọi người đều không hiểu gì hết, duy chỉ Kim Sắc Đầu Đà – tôn giả Ca Diếp nhoẻn miệng cười, ngài đã khai ngộ, trở thành tổ sư đời thứ nhất của Thiền tông, đây chính là mượn sự để nêu rõ pháp. Hoa là sự, sở ngộ của ngài Ca Diếp là pháp. Cho nên cây Bồ-đề của thế giới Cực Lạc, bạn nhìn thấy rồi thì chứng được vô sanh pháp nhẫn, cũng chính là mượn sự để nêu rõ pháp.

Tiết học này xin chia sẻ đến đây, cảm ơn mọi người. A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *