Tập 5 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 23/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 5

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Đề kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, tôi dùng thời gian ba tiếng đồng hồ đã giảng viên mãn. Các bạn còn nhớ không? Năm 2018 lần đầu tiên tôi phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ tôi đã giảng đề kinh 20 phút. Năm 2019 tôi giảng chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ, đã giảng đề kinh hết hai tiếng đồng hồ. Lần này, lần thứ hai phúc giảng kinh Vô Lượng Thọ, đề kinh giảng hết ba tiếng đồng hồ. Năm 2019 khi tôi giảng chuyên đề kinh Vô Lượng Thọ, trong đó có một chuyên đề là “Cái hay của đề kinh không thể nói bằng lời”. Vậy thì rốt cuộc hay ở chỗ nào? Hay là hay ở chỗ có vô lượng nghĩa. Vô lượng vô biên chư Phật Như Lai giảng vô lượng kiếp rồi lại vô lượng kiếp cũng không thể giảng hết vô lượng nghĩa của đề kinh này, đó là chỗ hay của đề kinh. Phía trước đã giảng xong bốn tập, tập đầu tiên là lời mở đầu, tóm tắt một số chuyện liên quan đến lần phúc giảng thứ hai này. Tập thứ hai, thứ ba, thứ tư tập trung giảng đề kinh Vô Lượng Thọ. Lần này tôi giảng giải đề kinh chi tiết hơn so với hai lần trước. Vì để thuận tiện cho các đồng tu hiểu và tiếp thu, có được hiệu quả học tập tốt hơn, chúng tôi giảng vài tập sẽ tổng kết một lần, chỉ ra trọng tâm của những buổi giảng trước để cho đồng tu tham khảo, sử dụng đúng chỗ, nhằm áp dụng vào cuộc sống thực tế. Lần phúc giảng này mục tiêu là rõ ràng xác thực, trọng tâm giải quyết vấn đề áp dụng lý luận vào thực tế. Cụ thể mà nói đó là trọng tâm giải quyết vấn đề nỗ lực thực hành.

Tiếp theo tôi sẽ nói cụ thể trọng tâm của bốn tập trước. 

Trọng tâm của tập đầu tiên. Tập đầu tiên có bảy trọng tâm: 

Thứ nhất là vấn đề khó khăn khi phúc giảng lần thứ hai kinh Vô Lượng Thọ này phải chú trọng đột phá là gì? Giải quyết vấn đề “thực hành”. Vấn đề khó khăn này có liên quan gì tới bạn không? 

Trọng tâm thứ hai đó là lần phúc giảng thứ hai này có gì khác so với lần phúc giảng đầu tiên? Thứ nhất phải nắm bắt trọng tâm của mỗi phẩm kinh văn chứ không nói sơ lược; thứ hai là phân tầng lớp, từng bước thâm nhập, học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tế; thứ ba là dùng ví dụ cụ thể để giải thích vấn đề về mặt lý, hình tượng hóa giáo học, nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt; thứ tư là cùng giao lưu với nhau ở trên mạng, cùng nhau nâng cao. 

Trọng tâm thứ ba là làm thế nào để nghe lần phúc giảng thứ hai kinh Vô Lượng Thọ này có hiệu quả hơn? Tôi có vài góp ý như sau: kết hợp nghe nhìn, tiến hành đồng bộ; xem văn bản, đồng thời đánh dấu chỗ trọng tâm; nắm bắt trọng tâm, không nên tham nhiều, chú trọng giải quyết vấn đề lớn nhất của chính mình, giải quyết từng vấn đề một, không được bỏ qua; nghe ví dụ của người khác cũng phải ngẫm lại mình, thiết thực giải quyết vấn đề thực tế của chính mình; áp dụng Phật pháp vào cuộc sống quý ở chỗ phải kiên trì, không được một ngày làm, mười ngày không. 

Trọng tâm thứ tư là nhận thức ba điều “ắt phải có” để tăng trưởng tín tâm: người giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; người nghe kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì; đạo tràng giảng kinh chắc chắn được mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai từ bi gia trì. 

Trọng điểm thứ năm: Yêu thương đất nước vĩ đại, yêu thương nhân dân vĩ đại, yêu thương đảng cộng sản Trung Quốc vĩ đại. Cục diện trên thế giới đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi, Trung Quốc tương lai sẽ dẫn đầu thế giới, gánh vác trọng trách lịch sử cứu vớt thế giới, cứu vớt loài người. Bạn là con cháu Viêm Hoàng, bạn nên làm thế nào?

Trọng tâm thứ sáu: Việc nương tựa vào “minh sư” rất quan trọng. “Minh sư” khó gặp! Pháp sư Tịnh Không là minh sư khó gặp, chúng ta có thể sống cùng thời đại với pháp sư là may mắn, và cũng là phước báo của chúng ta, chúng ta phải trân trọng cơ duyên khó gặp này. 

Trọng tâm thứ bảy: Sư trưởng chỉ cho chúng ta hai con đường. Một con đường sư trưởng học Phật đã từng đi qua 38 năm; một con đường khác là con đường mà sư trưởng tìm ra sau khi thực hành, tìm tòi học Phật 38 năm, bạn chọn con đường nào?

Trọng tâm của tập thứ hai. Tập thứ hai có năm trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất đó là đề kinh này có gì đặc sắc? Hay nói cách khác là có chỗ nào khác với những bộ kinh khác? Đề kinh là do hội tập mà thành; trình độ hội tập cao, không chút khiếm khuyết nào; thế giới Tây Phương Cực Lạc y chánh trang nghiêm đều được thể hiện hết trong đề kinh; đề kinh bao hàm hết thảy những gì chúng ta cần; có vô lượng nghĩa.

Trọng tâm thứ hai: nhận thức đúng đắn về “Phật”, tin Phật phải tin có “trí”, không được mê tín. Phật là bậc giác ngộ. Là bậc giác ngộ thấu triệt vũ trụ nhân sanh cứu cánh viên mãn; Giác có ba loại: tự giác, giác tha, giác mãn; Thích-ca Mâu-ni Phật, A-di-đà Phật đều là từ người mà tu thành Phật, các ngài có thể tu thành Phật, chúng ta cũng có thể tu thành Phật; phải sanh tâm cảm ân vô hạn với đức Phật, ơn Phật rộng sâu, không gì báo đáp, chỉ có thành Phật mới có thể báo đáp một chút.

Trọng tâm thứ ba: Phật thuyết kinh Vô Lượng Thọ tại sao lại “vui”? Đức Phật nhìn thấy cơ duyên chúng sanh thành Phật đã chín muồi, có thể tiếp nhận pháp môn Tịnh độ, cho nên đức Phật mới vui mừng; kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh mà “hết thảy chúng sanh đời này thành tựu cứu cánh giải thoát”, “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di-đà bổn nguyện hải”, bổn nguyện của Di-đà chính là bộ kinh Vô Lượng Thọ này. Giảng bộ chân kinh thỏa mãn ước nguyện của đức Phật, cho nên đức Phật mới vui mừng; từ vô lượng kiếp đến nay, đức Phật chỉ đợi ngày này, cuối cùng cũng đợi được. Học trò hoan hỉ tiếp nhận, thầy giáo hoan hỉ dạy học, “thầy trò đạo hợp, cho nên đức Phật mới vui mừng; vì thuyết pháp khó tin, khiến người rốt ráo giải thoát, cho nên đức Phật mới vui mừng”.

Trọng tâm thứ tư: đức Phật thuyết kinh Vô Lượng Thọ cho ai vậy? Kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh mà Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết cho chúng sanh có cơ duyên thành Phật chín muồi. Bạn có phải là người mà cơ duyên thành Phật đã chín muồi?

Trọng tâm thứ năm: làm thế nào để hiểu đúng ba chữ “Vô Lượng Thọ” trong đề kinh. Ba chữ Vô Lượng Thọ là ba chữ quan trọng nhất của đề kinh. Không những là ba chữ quan trọng nhất trong đề kinh, mà cũng là ba chữ quan trọng nhất trong toàn bộ cuốn kinh; “Vô Lượng Thọ” có vô lượng nghĩa. “Vô Lượng” là chỉ hết thảy vô lượng. Chữ thọ trong Vô Lượng Thọ chỉ mang tính đại biểu, như là vô lượng trí tuệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, vô lượng tài nghệ v.v… Trong hết thảy vô lượng thì thọ mạng đứng đầu; thọ mạng của A-di-đà Phật thật sự vô lượng. A-di-đà Phật không thật sự nhập diệt, trong kinh nói rất rõ ràng, “đối với hàng trung căn và hạ căn mà thị hiện diệt độ”, thị hiện diệt độ là để cho người trung hạ căn thấy mà thôi, là thị hiện chứ không phải là thật.

Trọng tâm của tập thứ ba. Tập thứ ba có năm trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất: thế nào là trang nghiêm thật sự? Hàm nghĩa của trang nghiêm là gì? Hàm nghĩa của hai chữ trang nghiêm nói theo lời hiện tại chính là chân – thiện – mỹ – tuệ. Cũng có nghĩa là trang hoàng nghiêm tịnh, tức là tốt đẹp; thế giới Tây Phương Cực Lạc chân chánh trang nghiêm, là tập hợp chân – thiện – mỹ – tuệ mà thành. Nhận thức ba thứ trang nghiêm của thế giới Cực Lạc là nói sơ lược và hai mươi chín loại trang nghiêm là nói chi tiết; A-di-đà Phật “nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ”, vì chúng ta xây dựng lên thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn hảo không khiếm khuyết như vậy, chúng ta phải sanh tâm cảm ân vô hạn; bạn dùng hành động thực tế nào để báo đáp ân đức sâu rộng của A-di-đà Phật và chư Phật Như Lai?

Trọng tâm thứ hai: bạn hiểu và thực hành “trang nghiêm các hạnh” như thế nào? Trang nghiêm các hạnh, “hạnh” tức là hành vi trong cuộc sống của chúng ta, hành vi tức là tạo tác, tạo tác điều gì? Tạo nghiệp. Mỗi ngày bạn đều đang tạo tác điều gì? Hết thảy các nghiệp tạo tác đều quy nạp về ba loại lớn: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Bạn làm thế nào để trang nghiêm ba nghiệp thân khẩu ý của mình? Tại sao kinh Vô Lượng Thọ lại đặt khẩu nghiệp ở vị trí thứ nhất? Bạn có phạm khẩu nghiệp hay không? Bạn có biết sự nguy hại và hậu quả nghiêm trọng của khẩu nghiệp hay không? Bạn có chuyên tu pháp môn niệm Phật Tịnh độ không? Bạn đã học được điều gì từ các vị tổ sư đại đức? Đối chiếu với những gì lão pháp sư giảng, tự mình đánh giá xem mình đang ở cấp bậc nào?

Trọng tâm thứ ba: đối chiếu với chư Phật Như Lai, các ngài đã đối với kinh Vô Lượng Thọ như thế nào? Không có vị Phật nào không tán thán A-di-đà Phật, không có vị Phật nào không tán thán thế giới Tây Phương Cực Lạc, không có vị Phật nào không tán thán kinh Vô Lượng Thọ, không có vị Phật nào không giảng kinh Vô Lượng Thọ, không có vị Phật nào không khuyên người niệm A-di-đà Phật; mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai đều thay A-di-đà Phật chiêu sinh cho trường đại học Phật giáo Tây Phương Cực Lạc hàng đầu thế giới, đồng thời đưa học sinh ưu tú nhất nơi Cõi Phật của mình tới thế giới Tây Phương Cực Lạc để học tập chuyên sâu; một vị Phật xuất thế, ngàn vị Phật đến ủng hộ, Phật Phật đạo đồng.

Trọng tâm thứ tư: nhận thức đúng đắn về tánh đức và tu đức cũng như quan hệ giữa chúng. Những gì mà đề kinh Vô Lượng Thọ nói chính là tánh đức và tu đức. Tánh đức là “Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm”; tu đức là “thanh tịnh bình đẳng giác”. Trong hết thảy kinh điển, rất ít khi gặp được đề kinh nào viên mãn như vậy. Đại thừa, vô lượng thọ, trang nghiêm, ba câu này là tánh đức, vốn đầy đủ trong tự tánh, ai ai cũng có, không cần hướng ra ngoài cầu, đức năng của tự tánh này vô lượng vô biên. Đại thừa, vô lượng thọ, trang nghiêm chỉ là ba loại mà chúng ta nói sơ lược; thanh tịnh, bình đẳng, giác là tu đức. Chỉ có tánh đức mà không có tu đức thì tánh đức không hiển lộ ra được. Tu đức càng cao, tánh đức hiển lộ càng nhiều. Thanh tịnh, bình đẳng, giác, ba câu này là tổng cương lĩnh tu học, đối với người tu hành mà nói là vô cùng quan trọng; bạn làm sao thực hành thanh tịnh, bình đẳng, giác trong cuộc sống thường ngày?

Trọng tâm thứ năm: cảm ân lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã hội tập bộ kinh Vô Lượng Thọ vô cùng hoàn hảo như vậy cho chúng ta. Thời mạt pháp 9.000 năm chúng sanh khổ nạn dựa vào bộ kinh này mà được cứu độ. Tìm ra nguyên nhân khiến công phu niệm Phật của bạn không đắc lực, hiệu quả đọc kinh không lớn.

Trọng tâm của tập thứ tư. Tập thứ tư có ba trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất: bình đẳng giác là tổng cương lĩnh tu học; bình đẳng là chỗ đặc sắc chỉ thế giới Tây Phương Cực Lạc mới có. Bốn ý nghĩa của bình đẳng giác là: bình đẳng giác ngộ khắp hết thảy chúng sanh, là phương pháp giúp hết thảy chúng sanh bình đẳng thành Phật, dùng pháp bình đẳng giác ngộ chúng sanh. Bình đẳng giác là chánh giác của Như Lai, chuyên dùng cho cuốn kinh này, bình đẳng giác cũng là thánh hiệu của giáo chủ cõi Cực Lạc; thế nào là bình đẳng? Thế nào là không bình đẳng? Làm sao áp dụng trong cuộc sống? Đơn giản mà nói, một là bình đẳng, hai là không bình đẳng, không khởi tâm động niệm là bình đẳng, khởi tâm động niệm là không bình đẳng. Làm sao áp dụng vào trong cuộc sống? Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta phương pháp đó là “hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức”. Bình đẳng chính là bắt đầu từ chỗ này. Còn cụ thể áp dụng như thế nào? Tôi có đưa ra bốn ý kiến cho mọi người tham khảo. 

Một: khiêm tốn là đức hạnh tốt đẹp. Tại sao tôi là dùng hai chữ khiêm tốn mà không dùng hai chữ khiêm hư? Ví dụ uống thuốc đông y trị bệnh, một vị thuốc cần ba chỉ là đủ liều lượng, bệnh liền trị khỏi, đó là thời xưa. Khoảng bảy mươi, tám mươi năm về trước cũng vẫn có tác dụng. Nhưng mà hiện nay không được nữa rồi, ba chỉ không có tác dụng, liều lượng phải tăng gấp đôi mới có thể trị bệnh. “Khiêm hư” là ba chỉ thuốc, “khiêm tốn” là sáu chỉ thuốc. Con người hiện nay bệnh nặng, không tăng liều lượng thì không trị hết bệnh được. Năm nay tôi 76 tuổi, cũng tạm coi là người từng trải. Với kinh nghiệm của tôi tổng kết được một điều, nói là kinh nghiệm cũng được, hoặc là bài học cũng được, đó là vênh váo tự đắc, không coi ai ra gì, luôn cho mình đúng, đây là đại kỵ trong cuộc đời. Người như vậy không làm nên chuyện, đến một người bạn thật sự cũng không có. Không phải anh giỏi chém gió sao? Anh chém gió đi, rồi cũng có ngày bị trúng gió, làm bị thương chính mình. Có người ngẩng đầu nhìn trời cao, giơ tay ra với không được, không cam tâm, nhảy lên với vẫn không với tới. Nản lòng, oán hận ông trời, tại sao ông lại cao như vậy, tôi với không tới? Họ không muốn cúi đầu nhìn xuống mặt đất, đất quá thấp, ở dưới chân họ. Họ không biết được, mặt đất thuần hậu đang nâng đỡ họ. Cái gì gọi là cao không với tới, thấp không bằng lòng, đó là tiêu biểu [cho kẻ] không biết trời cao đất dày.

Hai: không trèo không đạp là bản sắc. Giải thích như thế nào? Đó là không trèo cao, không đạp thấp. Cụ thể một chút tức là dù bạn có quyền có thế, tôi không kết thân với bạn; dù bạn nghèo cùng hạ tiện, tôi cũng không chà đạp bạn. Mẹ tôi không biết chữ, bà ấy để lại cho tôi một câu danh ngôn vô cùng có lý, giúp tôi có được vô vàn lợi ích. Câu đó là “người gặp khó khăn dang tay giúp đỡ”, mấy chữ ngắn ngủi này thật có khí phách. Tôi nhiều lần nói với các bạn đồng tu rằng, làm người không nên nịnh giàu khinh nghèo. Một người sắp chết đói, bạn cho họ cái bánh, cứu họ một mạng, một đời này họ cảm ơn bạn. Đương nhiên không phải chúng ta muốn họ cảm ơn. Nếu như một người rất giàu có, bạn tặng tiền tài cho họ nhiều đến đâu, họ cũng không cảm thấy hiếm lạ. Bởi vì họ không thiếu tiền. Bây giờ ở trước mặt bạn, một bên là thêu hoa trên gấm, một bên là tặng than ngày tuyết, bạn chọn cái nào? Tôi chọn vế sau. 

Ba: lắng nghe là trí tuệ. Người biết lắng nghe ý kiến của người khác, vừa thể hiện đức hạnh tốt đẹp, lại thể hiện có trí tuệ. Người biết lắng nghe ý kiến của người khác, trước tiên phải nghe người khác nói xong, không được nghe không thuận tai thì xen ngang vào lời người khác nói, như vậy vô cùng mất lịch sự, cũng thể hiện không có tu dưỡng. Cho dù người khác nói đúng hay không đúng, chúng ta đều phải kiên nhẫn nghe cho xong. Người biết lắng nghe ý kiến của người khác, đối với chính mình mà nói là quá trình học tập và nâng cao. Cơ hội khó gặp, phải nắm chắc mỗi một cơ hội. Lúc mọi người đang thảo luận vấn đề, không nên vội vàng muốn phát biểu ý kiến của chính mình, nên nghe người khác nói như thế nào trước. Nếu như ý kiến không thống nhất, không nên cố chấp vào ý kiến của chính mình, người nào thường cố chấp ý kiến của chính mình thì sẽ khiến người khác ghét. Lúc này phải nghĩ tới câu “hằng thuận chúng sanh” trong thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát, sẽ có sự trợ giúp đối với bạn. Lắng nghe ý kiến của người khác, phải nghe một cách bình đẳng, không được mang theo thành kiến để bới lông tìm vết. Người nào tôi thích thì tôi nghe, người nào không thích thì tôi không nghe, vậy thì không còn bình đẳng nữa.

Bốn: phải khéo phát hiện không bình đẳng. Chỉ có phát hiện không bình đẳng mới có thể sửa đổi không bình đẳng. Sự bất bình đẳng trong cuộc sống thật quá nhiều, nhìn qua cũng có thể thấy rất nhiều. Tìm bất bình đẳng dễ, tìm bình đẳng khó. Để tôi kể vài ví dụ. 

– Ví dụ thứ nhất: mười mấy năm trước, một vị trưởng phòng lớn tuổi của tôi qua đời, tôi và vợ ông ấy, còn có con cái mang tro cốt đi gửi. Tới đó tôi đúng là được mở mang tầm mắt. Tro cốt được đặt theo cấp bậc, gian phòng đặt tro cốt trưởng phòng của tôi là gian dành cho trưởng phòng, đi tới phía trước là gian dành cho lãnh đạo cấp sở, còn có gian dành cho lãnh đạo cấp tỉnh. 

Gửi tro cốt cũng phải đi cửa sau, có người quen mới có thể chọn vị trí tốt; không có người quen thì phải xếp hàng, xếp chỗ nào thì đặt vào chỗ đó, không có cơ hội lựa chọn. Trưởng phòng tôi có người quen, chọn được vị trí đẹp nhất trong gian trưởng phòng. Tôi tỉ mỉ quan sát, trong căn phòng này có mấy vị tôi quen, họ đều là đồng nghiệp cũ của tôi. Trong lòng tôi nghĩ, lúc còn sống thì tranh đấu vì vị trí công việc, sau khi qua đời lại làm hàng xóm ở đây, không phải rất phiền phức sao? Thế giới lớn như vậy, cũng lại nhỏ như vậy. Oan gia trái chủ, bạn muốn trốn cũng trốn không được. Tro cốt đều bình đẳng, ai chức quan lớn? Ai chức quan nhỏ? Chức lớn, chức nhỏ thì làm sao? Mở huệ nhãn của bạn ra để nhìn cho thật rõ! 

– Ví dụ thứ hai: nghe nói hiện nay ở trường học có chuyện như thế này, thầy cô cầm được danh sách học sinh lớp mới được phân cho mình dạy, trước tiên nghiên cứu xem hoàn cảnh gia đình học sinh, xem phụ huynh làm ngành nghề gì, người nào hữu dụng, người nào vô dụng. Hữu dụng thì đối xử khác biệt, vô dụng thì chẳng thèm ngó tới. Sắp xếp cán bộ lớp cũng phải xem xem phụ huynh có dùng được không. Với kết quả như vậy, phụ huynh được chia thành cấp 3, 6, 9, học sinh cũng được chia thành, 3, 6, 9. Phụ huynh hữu dụng, học sinh có cảm giác mình ưu việt, phụ huynh vô dụng, học sinh có cảm giác tự ti, không có lợi cho sự trưởng thành của con trẻ. Chuyện như vậy, hơn 40 năm trước lúc tôi làm giáo viên đã có, nhưng là hiện tượng cá biệt, không phổ biến và rõ rệt như bây giờ. Lời nói của con trẻ rất hồn nhiên, về nhà nói với cha mẹ rằng, thầy giáo của con thích bạn này, bạn kia, bạn nọ, cha của bạn này, bạn kia, bạn nọ làm chức to, cha của bạn này, bạn kia, bạn nọ là người giàu có, mẹ của bạn này, bạn kia, bạn nọ là tiếp viên hàng không, những lời như vậy tôi đã từng nghe qua. Nếu như nói lũ nhỏ là người nói vô tâm, vậy thì người lớn chúng ta có nên để bụng không? Tâm hồn ngây thơ của lũ nhỏ đã bị ô nhiễm rồi. 

– Ví dụ thứ ba: trọng nam khinh nữ là sự bất bình đẳng điển hình, chuyện như vậy ở nông thôn càng nghiêm trọng hơn. Có người “bỏ con sơ sinh” không phải vì em bé bị bệnh bẩm sinh, mà bởi vì đó là bé gái nên bị cha mẹ vứt bỏ. Có câu hổ dữ không ăn thịt con, cha mẹ đem con ruột của mình vứt bỏ, không quan tâm đến sự sống chết của con, vậy thì có xứng làm cha mẹ hay không? 

– Ví dụ thứ tư: con trai và con dâu nói chuyện, khi nói tới cha mẹ hai bên thì thường nói như thế này, mẹ em làm sao làm sao, cha em làm sao làm sao. Mọi người nghe ra không? Ba em, mẹ em. Nghe có cảm thấy ngượng ngượng không? Cũng được, còn may là chưa gọi hai ông bà già đó. Con người mà, đều có hai cha mẹ, cha mẹ của bạn là cha mẹ, cha mẹ vợ không phải là cha mẹ của bạn sao? Cha mẹ của bạn là cha mẹ, cha mẹ chồng không phải là cha mẹ của bạn sao? Là người chồng, nếu như yêu vợ của mình thì bạn nên yêu cha mẹ của cô ấy, cảm ơn cha mẹ đã sanh ra cô ấy, nuôi dưỡng cô ấy trở thành một người ưu tú như vậy, trở thành vợ của bạn. 

Là người vợ, nếu như bạn yêu chồng của mình thì bạn nên cảm ơn cha mẹ chồng đã sanh ra anh ấy, nuôi dưỡng anh ấy trở thành một người ưu tú như vậy, trở thành chồng của bạn. Là cha mẹ của hai bên mà. Cha mẹ ban cho bạn sanh mạng, cũng cho bạn hết thảy. Thân làm con cái, chẳng lẽ gọi một tiếng “cha chúng mình, mẹ chúng mình”, hoặc là gọi một tiếng “cha mẹ” cũng không được sao? Nhìn sang đôi vợ chồng Đại Vân và Hải Lâm ngoài 50 tuổi bên cạnh tôi, chúng hiếu thuận cha mẹ hai bên như thế nào, không chỉ là cha mẹ, thậm chí chúng còn chăm sóc bà nội cho đến khi qua đời. Hai đứa nó còn làm trọn hiếu đạo với tôi và chồng tôi. Tại sao cuộc sống của chúng càng ngày càng tốt? Bởi vì hiếu đạo viên mãn, chúng lấy được chìa khóa vàng mở ra cánh cửa cuộc đời hạnh phúc mỹ mãn. Lại nhìn sang cư sĩ hộ pháp Bồ-đề Tâm bên cạnh tôi, em ấy tận hiếu với cha mẹ, với cha mẹ chồng như thế nào? Em ấy và em trai thứ tư của mình đã tận hiếu với tôi và chồng tôi như thế nào. Người già có câu nói thế này: “Mèo ngủ trên nóc nhà, đời này truyền đời khác”, ý nghĩa của câu này tức là gia phong hiếu đạo đời đời tương truyền. Tôi tin rằng đến lúc chúng về già sẽ không thể nào không có ai tận hiếu với chúng. Tấm gương ở trước mắt, chúng ta phải học tập và noi theo!

Trọng tâm thứ hai: làm sao đạt được bình đẳng? “Hòa” rất quan trọng, bất hòa thì làm sao bình đẳng được? Thế giới hiện nay loạn lạc như vậy là do bất hòa tạo thành. Người xưa nói hòa bình, hòa là nhân, bình là quả, thay đổi thế giới loạn lạc này nhất định phải để cho hòa bình quay lại. Làm thế nào để đạt được mục tiêu này? Thực hành bốn câu nói của lão pháp sư: giữa đất nước với đất nước đối xử bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa đảng phái với đảng phái đối xử bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa dân tộc với dân tộc đối xử bình đẳng, chung sống hòa hợp; giữa tôn giáo với tôn giáo đối xử bình đẳng, chung sống hòa hợp; Tu Lục hòa kính. Mục tiêu của Lục hòa kính là “bình đẳng giác”, không thể lục hòa thì “bình đẳng giác” chỉ là hữu danh vô thực. Tu Lục hòa kính phải bắt đầu từ chính mình, mình phải hòa với người khác chứ không phải bắt người khác hòa với mình. Nhất định phải hiểu rõ mối quan hệ này, không được đảo lộn. Người sống chung với người phải hòa, người phải hòa, việc cũng phải hòa, không pháp nào không hòa; tôi hô bạn đáp, khắp nơi lục hòa. Còn nhớ năm 2010 lần đầu tiên tôi tới Hồng Kông, lão pháp sư đề xướng tu Lục hòa kính. Nghĩ lại một chút, nếu như không ngoài việc chúng ta chụp hình và ghi danh thì chẳng còn việc gì nữa, đến nay đã 10 năm trôi qua rồi, nếu 10 năm trôi qua không lãng phí thì ít nhất Lục hòa kính cũng có chút quy mô rồi. Nhìn lại hiện tại chúng ta vẫn hai bàn tay trắng, không có chút thành quả hẳn hoi nào, thật hổ thẹn với sự kỳ vọng của ân sư. Hổ thẹn tột cùng, không thể nào tha thứ được. Năm 2019, sau khi suy nghĩ kĩ càng, tôi phát tâm xây đạo tràng Lục hòa kính, sự phát tâm của tôi nhận được hưởng ứng tích cực từ cư sĩ hộ pháp Bồ-đề Tâm, thái độ của em ấy rất kiên quyết: thưa cô, em ủng hộ cô xây dựng đạo tràng “Lục hòa kính”, em nghe lời, làm thật tốt, đạo tràng Lục hòa kính của chúng ta nhất định có thể xây được. Cứ như vậy mà “tiểu viện Lục hòa” ra đời. Tiểu viện Lục hòa xây đạo tràng Lục hòa kính, đây là ý trời, là sự sắp xếp tuyệt diệu của chư Phật Bồ-tát, hoàn hảo không chút khiếm khuyết. Trong buổi giảng chuyên đề “Xối mưa pháp, giác ngộ tâm”, tôi đã giảng chủ đề “tiểu viện Lục Hòa, pháp giới cùng hưởng”, sau khi đưa lên mạng đã tạo nên ảnh hưởng rất mạnh mẽ, được các bạn đồng tu hưởng ứng tích cực, tôi cảm thấy vô cùng an ủi. Tôi không hề đơn độc tác chiến, vô số đoàn thể Lục hòa kính là hậu thuẫn kiên cường cho tôi. Tín tâm của tôi tăng gấp bội. 

Xây lục hòa chướng nạn trùng trùng, 

Phía trước khắp nơi đều hiểm cảnh,

Vì sứ mạng dũng cảm mà tiến lên, 

Vì chúng sanh ta trải sẵn đường, 

Cam tâm làm một hòn đá nhỏ, 

Cam tâm làm một nắm bùn đất, 

Cam tâm làm một ngọn nến nhỏ, 

Nguyện chiếu sáng con đường Lục hòa,

Có cha hiền từ bi gia trì,

Có hộ pháp mạnh mẽ bảo hộ,

Xây Lục hòa đại công ắt thành,

Các chúng sanh bình đẳng đắc độ,

Thấy Cực Lạc ngay tại lúc này,

Hỏi bản thân còn cầu mong chi,

Nghe tiếng sấm mau mau thức tỉnh,

Phải nhận đúng con đường về nhà.              

Trọng tâm thứ ba: kết hợp tình hình thực tế của chính mình, nhận thức đúng đắn hàm ý sâu xa của hai câu sau: thứ nhất là bình đẳng giác ngộ khắp hết thảy chúng sanh, tức là pháp giúp hết thảy chúng sanh bình đẳng thành Phật; thứ hai là dùng pháp bình đẳng giác ngộ chúng sanh. 

– Một: kinh Vô Lượng Thọ là bộ kinh duy nhất trong hết thảy kinh điển mà đức Phật thuyết trong 49 năm có thể giúp hết thảy chúng sanh một đời bình đẳng thành Phật, bốn từ trọng tâm là: “hết thảy, duy nhất, một đời, bình đẳng”. Thể hiện cụ thể đó là: Bồ-tát tu hành theo bộ kinh này một đời thành Phật; A-la-hán tu hành theo bộ kinh này thì một đời thành Phật; phàm phu tu hành theo bộ kinh này một đời thành Phật; chúng sanh trong tam ác đạo, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tu hành theo bộ kinh này một đời thành Phật; bạn tu hành theo bộ kinh này cũng một đời thành Phật. Tổng hợp những gì tôi vừa nói gọi là hết thảy chúng sanh một đời bình đẳng thành Phật, bạn cũng không ngoại lệ. 

– Hai: Không chỉ là bình đẳng thành Phật, mà còn là bình đẳng mau chóng thành Phật, từ trọng tâm là mau chóng. Mọi người nghĩ mà xem, tu hành theo bộ kinh này, một đời có thể bình đẳng thành Phật, có phải là mau chóng không? Còn tìm ra được bộ kinh thứ hai như vậy không? 

– Ba: Gặp được bộ kinh này, pháp môn này phải trân trọng, phải chuyên tu, không nên tạp tu. Chuyên tu dễ dàng thành tựu, tạp tu không dễ dàng thành tựu. 

– Bốn: Kinh Vô Lượng Thọ dùng pháp bình đẳng giác ngộ chúng sanh. Đẳng giác Bồ-tát muốn tu pháp môn Tịnh độ, cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng đọc bộ kinh này. Nếu như Bồ-tát tu nhanh hơn, tu cao hơn chúng ta, vậy thì không còn là “pháp bình đẳng” nữa.              

Trên đây là khái quát và tổng kết nội dung trọng tâm của bốn tập trước. Nếu như nói khái quát trọng tâm thì cách nói này vẫn chưa đúng lắm, những điều nói trong kinh Phật đều là trọng tâm, không có chỗ nào không phải là trọng tâm; lời lão pháp sư giảng đều là trọng tâm, không có chỗ nào không phải là trọng tâm. Vậy thì tại sao phải nói như vậy, làm như vậy? Chỉ là bất đắc dĩ mà thôi, không có cách nào khác, là biện pháp ngốc nghếch mà tôi nghĩ ra. Tại sao phải dùng cách này? Mục đích của tôi chỉ có một, đó là giúp đỡ các đồng tu trong quá trình tu học tìm được mấu chốt. Tôi nghe lão pháp sư giảng kinh Vô Lượng Thọ, đã nghe hai mươi năm rồi, cho dù là tôi nghe trăm lần không chán, đã nghe 180 lần rồi, nhưng thành thật mà nói tôi cũng chỉ nghe hiểu được 30%. Tôi muốn đem toàn bộ 30% này nói ra hết cho quý vị đồng tu. Nếu như trong đầu tôi còn giữ lại điều gì thì tôi sẽ cảm thấy có lỗi với mọi người. Hai mươi năm trước tôi mắc bệnh nặng, tính mạng nguy cấp, lúc nào cũng có thể mất mạng. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần lúc nào cũng có thể đối mặt với tử thần. Có thể là mạng tôi chưa đến lúc kết thúc, tử thần không để ý tới tôi, A-di-đà Phật để ý tới tôi. Trong giấc mơ Diêm vương nói với tôi rằng: “Bà không phải là người nơi này, trở về đi”. Tôi nghĩ, không phải người chỗ Diêm vương, vậy thì chắc chắn là người chỗ A-di-đà Phật rồi. Từ đó trở đi, tôi giao mình cho A-di-đà Phật. Một người tùy thời phải đối mặt với cái chết như tôi, không hề uống thuốc trị liệu nào hết mà sống tiếp một cách thần kỳ. Tôi không uống thuốc, không phải vì tôi không chịu uống, mà bởi vì tôi dị ứng với thuốc. Hiện nay, có đồng tu bị bệnh, từ chối chữa trị, từ chối dùng thuốc, lí do là “tôi là người học Phật”. Ai ya, cảnh giới học Phật của bạn thật là cao! Nói một câu không khách sáo là cảnh giới của bạn thật sự đạt đến tầm cao như vậy sao? Nếu như cảnh giới của bạn thật sự đạt được, tôi tán thán bạn, tôi ủng hộ bạn không chữa trị, không dùng thuốc, nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Nhưng mà bạn chưa đạt được, lại khiến mình trở thành người không ra người, quỷ không ra quỷ. Chân bị phù như chân voi, rỉ nước, chảy mủ, mùi hôi khó ngửi, cả người không chỗ nào lành lặn, xanh chỗ này tím chỗ kia, giống như nhánh cây khô bị cháy vậy. Người nhà của bạn, con cái của bạn nhìn thấy bạn học Phật như vậy, họ sẽ đối xử với Phật giáo như thế nào? Đối xử với Phật pháp như thế nào? Đối xử với người học Phật như thế nào? Ai dám bước vào cửa Phật nữa? Bạn một mình ở nhà, khóa chặt cửa phòng, từ chối tiếp người khác, tắt điện thoại, đoạn tuyệt tất cả liên hệ với bên ngoài. Nếu như có một ngày bạn chết trong phòng, ai cũng không biết, qua mấy ngày sau thi thể thối rữa bốc mùi, có phải là bạn đã hại hàng xóm của cả tòa nhà mình sống hay không?

Tại sao nhiều năm như vậy, tôi vẫn luôn nói với mọi người về những chuyện thường ngày này? Bởi vì tôi cảm thấy bàn chuyện cao xa, đạo lý to lớn không giải quyết được vấn đề thực tế. Mặc dù cách làm của tôi vấp phải sự phê bình của một số người, nhưng tôi không ngại. Cứ coi như tôi đang thử nghiệm vậy, thành công thì tổng kết kinh nghiệm; thất bại thì tổng kết bài học. Thành công thì A-di-đà Phật; thất bại cũng A-di-đà phật. Thành công là giả, thất bại cũng là giả, nếu như là giả thì hà tất phải coi là thật? 

Quý vị đồng tu, nội dung trọng tâm mà tôi khái quát tổng kết chỉ để tham khảo, không phải là quy định cứng nhắc, mọi người không nên bị trói buộc. Trọng tâm là mỗi người mỗi khác, mỗi người đều phải biết lấy biết xả, nhắm tới giải quyết vấn đề thực tế của chính mình, đây là những gì tôi kỳ vọng.              

Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *