Tập 50 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 15/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 50

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú, ba dương vô lượng, vi diệu âm thanh. Hoặc văn Phật pháp tăng thanh, Ba-la-mật thanh, chỉ tức tịch tĩnh thanh, vô sanh vô diệt thanh, thập lực vô úy thanh. Hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh, đại từ đại bi hỷ xả thanh, cam lộ quán đảnh thọ vị thanh.

Đoạn kinh văn này là nước nói diệu pháp, hiển thị công đức thuyết pháp không thể nghĩ bàn của chúng vô tình ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. Sóng gợn trong nước, lớn thì gọi là lan, nhỏ thì gọi là ba, hiện nay trong kinh gọi là “vi lan”, chỉ cho những gợn nhỏ trên mặt nước, cũng chính là con sóng. Những con sóng này an hòa từ từ gợn theo vòng. sóng nước với sóng chan hòa vào nhau, nước chảy có âm thanh, diễn phát ra vô lượng âm thanh vi diệu, sóng nước chính là đang rộng tuyên pháp âm, làm lợi ích cho chúng sanh, khiến cho người nghe mỗi mỗi đều nghe được pháp mà chính mình muốn nghe. Nói cụ thể chính là, hoặc nghe âm thanh Phật pháp tăng. Phật pháp tăng là Tam bảo. Kinh A-di-đà nói: Người nghe âm thanh ấy, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Ba-la-mật dịch là đáo bỉ ngạn, tu đại hạnh của Bồ-tát, có thể từ bờ sanh tử bên này đến được bờ Niết-bàn bên kia, gọi là Ba-la-mật.

Chỉ tức tịch tĩnh thanh, chỉ là đình chỉ, tức là dừng lại, chỉ cho dập tắt hết thảy vọng tưởng. Chỉ tức chính là chỉ quán. Chỉ Quán Tam nói rằng: Pháp tánh tịch nhiên thì gọi là chỉ, tịch mà thường chiếu thì gọi là quán. Đây là nói tịch nhiên bất động là chỉ, tương đương với nghĩa của định trong giới định tuệ. Trong tịch định vẫn có tác dụng giác chiếu, chính là quán, tương đương với nghĩa của tuệ trong giới định tuệ. Tịch tĩnh, thoát ly tất cả phiền não thì gọi là tịch, chấm dứt tất cả khổ hoạn thì gọi là tĩnh. Tịch tĩnh chính là cảnh giới Niết-bàn.

Tiếng vô sanh vô diệt, quốc sư Thanh Lương nói, chư pháp vốn vô sanh, lại vô diệt. Kinh Nhân Vương nói: Hết thảy pháp tánh là chân thật không, không đến không đi, vô sanh vô diệt. Tâm Kinh nói: Tướng không của các pháp đây, không sanh không diệt. Tướng không của Tâm Kinh chính là chân thật không của Kinh Nhân Vương, chính là Đệ Nhất Nghĩa Đế Không. Hết thảy pháp đã là chân thật không thì sao lại có sanh diệt đến đi chứ. Cho nên kinh này nói ‘Đức Như Lai ấy đến không chỗ đến, đi không chỗ đi, vô sanh vô diệt, lìa khỏi hết thảy các tướng phân biệt: đến đi, sanh diệt, không hữu. Thế nên quốc sư Thanh Lương nói: Các pháp vốn là vô sanh, đã vô sanh, đương nhiên cũng là vô diệt.

Tiếng thập lực vô úy. Thập lực chính là trí lực chứng nhập thật tướng của Phật, tổng cộng có 10 loại. Vô úy là [uy] đức điềm tĩnh tự nhiên, không chút sợ sệt của Phật khi thuyết pháp trong đại chúng. Tổng cộng có bốn loại: Thuyết nhất thiết trí vô sở úy, thuyết lậu tận vô sở úy, thuyết chướng đạo vô sở úy, thuyết tận khổ đạo vô sở úy.

Hoặc nghe thanh âm vô tánh, vô tướng, vô ngã. Vô tánh, hết thảy pháp đều không có thực thể, cho nên nói là vô tánh. Vô tác nghĩa là không có sự sắp đặt tạo tác, tương đồng với vô vi, nếu như có hành động thì thành pháp hữu vi rồi. Pháp Sự Tán nói rằng: Cực Lạc vô vi là cảnh giới Niết-bàn. Niết-bàn là vô sanh vô diệt, trừ tận hết thảy pháp hữu vi, lìa khỏi tất cả tạo tác hữu vi. Tông Thiên Thai chủ trương rằng: Phật của Quyền Giáo Pháp Tướng tông là do tu hành cảm được Phật quả mà thành Phật, do nhân tu hành trong ba đại kiếp báo đáp mà thành Phật, cho nên đó là Phật của hữu vi pháp. Ba thân của Phật trong Viên Giáo đều là Phật tánh vốn tự nhiên như vậy, chẳng phải là do kết quả của tạo tác tu hành ở nhân địa, thế nên gọi là Ba thân Vô Tác. Phẩm Thủ Hộ Quốc Giới trong Kinh Pháp Hoa nói: Hữu vi báo Phật là quả Phật Quyền Giáo trong mộng, vô tác pháp chứng tam thân là Phật thật trước khi nằm mộng. Đây là nói Phật của Quyền Giáo là từ pháp hữu vi tu hành mà thành, Phật quả này giống như quả mà con người đạt được trong khi đang nằm mộng. Đây là Như Lai vì chúng sanh nên phương tiện khéo léo mà gọi là Phật. Nếu như do vô tác pháp mà chứng được ba thân: pháp thân, báo thân, hóa thân của Phật của Viên Giáo, thì đó là chân ngã trước khi nằm mộng, đây mới là Phật thật. 

Vô ngã, thứ có cái thể thường hằng nhất định, lại có tác dụng chủ tể thì gọi là ngã. Trong thân người chấp chặt có tồn tại thứ ấy thì gọi là nhân ngã. Nếu ở trên pháp, chấp có thứ này thì gọi là pháp ngã. Thân người chỉ là sự hòa hợp giả tạm của ngũ uẩn, không có thực thể thường hằng nhất định, cho nên không có nhân ngã. Các pháp tóm lại đều do duyên mà sanh, cũng không có thực thể thường hằng nhất định, cho nên cũng không có pháp ngã. Chỉ Quán nói: Bởi vì không có trí tuệ nên mới cho rằng có ngã, nếu dùng trí tuệ để quán chiếu thì thật sự không có ngã. Nếu nói có ngã thì ngã ở đâu? Từ đầu đến chân, các chi các đốt, Tìm xét hết thảy nhưng không tìm ra ngã. Có thể thấy làm sao lại có tha nhân và chúng sanh được. Vả lại, Nguyên Nhân Luận nói rằng: Sắc thân do hình tướng nhục thể hiện ra, cho đến ngã tâm có thể suy tư ngẫm nghĩ, từ vô thủy đến nay do nhờ sức nhân duyên, một niệm tiếp nối một niệm, chính là một niệm sanh, một niệm diệt, niệm sau sanh thì niệm trước đã diệt, niệm niệm tiếp nối, chính là sanh diệt nối tiếp nhau, không có dừng lại, giống như lớp lớp sóng xô, lớp sau đuổi theo lớp trước, lại giống như ngọn lửa của cây nến, tia trước vừa tắt thì tia sau đã lóe lên, từng tia nối tiếp nhau, sanh diệt chẳng dừng. Thân tâm của con người và các loại hình tướng, do nhân duyên mà thân tâm giả hợp, giống như nhất định, lại giống như thường hằng, kỳ thực chỉ là tương tợ tương tục, đã không nhất định, càng chẳng phải thường hằng. Thế nhưng kẻ phàm ngu thiếu trí tuệ nhận cho đó là ngã, yêu quý xem trọng cái ngã này, dẫn phát ra vô lượng tam độc tham sân si, tạo hết thảy nghiệp.

Tiếng đại từ đại bi hỷ xả, từ bi hỷ xả là tứ vô lượng tâm. Từ là ban vui cho chúng sanh, bi là nhổ bỏ nỗi khổ của chúng sanh, hỷ là thấy người khác lìa khổ được vui chính mình sanh tâm hoan hỷ, xả là nội tâm bình đẳng, không có chấp trước, đối với chúng sanh xả bỏ hết thảy phân biệt về oán thân v.v…, trừ bỏ hết thảy lỗi lầm về tham sân si, chúng sanh tu tập được vô lượng phước và quả.

Tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị, cam lộ vốn là thuốc bất tử của thiên nhân, uống rồi có thể kéo dài thọ mạng, vị ngọt như mật. Bí Tạng Ký Sao của Mật Điển nói rằng: Dùng nước pháp quán đảnh cho đệ tử thì gọi là cam lộ quán đảnh. Kinh Đại Nhật nói: Như Lai là pháp vương, vì khiến cho hạt giống Phật không bị đứt đoạn, [nên] dùng nước pháp cam lộ quán đảnh cho đệ tử. Từ đó về sau tất cả thánh chúng đối với người được thọ quán đảnh đều rất kính ngưỡng, biết người này nhất định không thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ-đề, nhất định kế thừa địa vị Pháp Vương.

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, kỳ tâm thanh tịnh, vô chư phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn, tùy kỳ sở văn dữ pháp tương ưng. Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn. Vĩnh bất thoái ư A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm. 

Đoạn kinh văn này nêu rõ chúng sanh ở thế giới Cực Lạc nghe đến âm thanh của nước thuyết pháp đạt được pháp ích. Người vãng sanh nghe được các loại âm thanh diệu pháp ở trên, trong tâm của họ thanh tịnh, lìa khỏi cấu ô và tạp nhiễm, cũng lìa khỏi các loại hư vọng, phân biệt và chấp trước, nhập vào pháp môn Bất Nhị, khế hợp trung đạo. Cho nên trong kinh nói: chánh trực bình đẳng, không hai không khác chính là bình đẳng. Trung đạo thì tự nhiên chánh trực, không tà thì chính là chánh, không có bất kỳ tà tư tà kiến nào. Không cong quẹo thì chính là trực, trực tâm là đạo tràng. Thiền Tông đề xướng trực khởi trực dụng. Thời Đường có một vị Đài Sơn bà bà, nếu có người hỏi bà đi Đài Sơn bằng cách nào, bà chỉ trả lời: cứ đi thẳng, ba chữ này rất đỗi bình thường, rất là kỳ lạ đặc biệt, nhưng vô biên diệu nghĩa và đạo lý huyền diệu đều ở trong đó, do đó thiện căn tự nhiên thành thục. 

Kinh A-di-đà nói: Các hàng cây báu cùng với lưới báu phát ra âm thanh vi diệu, ví như trăm ngàn loại nhạc đồng thời trỗi lên, người nghe âm thanh ấy tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Di-đà Sớ Sao nói: Chấp trì danh hiệu, nguyện gặp Di-đà, thật sự là nhiều thiện căn, đại thiện căn, tối thắng thiện căn, thiện căn không thể nghĩ bàn vậy. 

Điều gì nghe thấy cũng đều tương ưng với pháp, điểm này là chỗ thù thắng nhất của thế giới Cực Lạc. Pháp được nghe ở thế giới Cực Lạc, bạn không những có thể lĩnh hội mà còn lập tức tương ưng với pháp. Hiện nay rất nhiều người chúng ta, chẳng những không thể tương ưng với pháp, mà lĩnh hội chính xác cũng cực kỳ khó khăn rồi. Chúng sanh ở thế giới Ta-bà chúng ta, rất nhiều người đều không đạt được sáu căn thanh tịnh triệt để, trong tai có rất nhiều cấu ô. Xin nêu ví dụ, giống như lấy ly đi múc nước cam lồ, thế nhưng cái ly của bạn vừa mới đựng thuốc trừ sâu, dùng cái ly này để uống cam lồ, uống rồi sẽ khiến bạn bị trúng độc chết, trong ly của bạn có độc, thế nên phải vô cấu, cũng chính là trước hết phải tiêu diệt ba độc tham sân si. Còn về tương ưng thì vô cùng quan trọng, tương ưng chính là khế hợp. Vãng Sanh Luận Chú nói: Tương ưng tỉ như hàm chứa sự tương xứng. Đây chính là nói: Tương ưng hàm chứa sự tương xứng, tương hợp. Hoa Nghiêm Luận nói: Một niệm tương ưng một niệm Phật, một ngày tương ưng một ngày Phật.

Ý muốn nghe pháp nào chỉ có pháp đó phát ra, chính mình muốn nghe thứ gì thì nghe thấy thứ đó, người không muốn nghe thì một chút cũng không nghe thấy, một chút cũng chẳng bị quấy nhiễu. Thời thời nghe đại pháp vô thượng, nơi nơi được lợi ích chân thật, cho nên vĩnh viễn không thoái chuyển tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. 

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Thập phương thế giới chư vãng sanh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung tự nhiên hóa sanh, tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể.

Phật trong mười phương thế giới đều đang xưng tán A-di-đà Phật, xưng tán thế giới Cực Lạc, khuyên chúng sanh trong cõi nước Phật của mình vãng sanh đến thế giới Cực Lạc. Nhân dân trong mười phương cõi Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc rất nhiều, thế nên mọi người đều phải xem trọng vấn đề này. Nhiều Phật như vậy trong mười phương thế giới đều đang khuyên nhủ vãng sanh, nhân dân của mười phương cõi nước y giáo phụng hành. Thế nên chúng ta học Phật thì việc quan trọng nhất là y giáo phụng hành, chứ không phải xem nó thành học vấn để nghiên cứu. Nếu như chẳng phải chỉ muốn làm học giả, mà là muốn thành tựu đại nguyện tự giác giác tha, lợi ích khắp chúng sanh thì bạn phải y giáo phụng hành, cầu sanh Cực Lạc. Người được vãng sanh đều tự nhiên hóa sanh trong hoa sen của ao bảy báu, do không trải qua bào thai, lại chẳng phải là hoặc báo vọng nghiệp của bản thân, mà hoàn toàn nhờ vào nguyện lực vô thượng của đức Di-đà mà tự nhiên xuất hiện, vì vậy gọi là ‘tự nhiên hóa sanh’. 

Thảy đều được thân thanh hư, thể vô cực. Thanh hư và vô cực này xuất hiện trong bản dịch thời Hán và thời Ngô, bởi vì khi đó Phật giáo vừa mới được truyền vào Trung Quốc, lúc phiên dịch kinh điển tự nhiên sử dụng văn tự thường dùng của Đạo giáo. Thế nên trong kinh xuất hiện cách dùng từ ngữ ‘thanh hư’, ‘vô cực’ của Đạo giáo. Đại sư Gia Tường nói: Thần thông quảng đại không gì chẳng đạt được, không có giới hạn, nên gọi là vô cực, là thể vô cực. Như quang như ảnh, chẳng phải là thân máu thịt, cho nên gọi là thân thanh hư. Thân thanh hư, thể vô cực là thân tướng của quả địa Như Lai. Thế giới Cực Lạc chẳng thể nghĩ bàn.

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Bất văn tam đồ ác não khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ, đãn hữu tự nhiên khoái lạc chi âm, thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc.

Không nghe tên của phiền não khổ nạn trong ba đường ác. Kinh A-di-đà nói: Cõi nước Phật ấy, còn không có tên của ác đạo, huống là thật có. Lại nói, chúng sanh nước ấy, không có các khổ, chỉ thọ các niềm vui. Và Luận Chú nói: Vĩnh viễn xa lìa khổ não của thân tâm, thường thọ lạc không gián đoạn. Thế nên trong kinh nói, trong nước Cực Lạc chỉ có âm thanh của niềm vui tự nhiên, cho nên nước ấy gọi là Cực Lạc. Thọ dụng của thế giới Tây Phương Cực Lạc là niềm vui chân thật, niềm vui ấy chẳng phải tạo tác, mà là tự nhiên. Thuần do tánh đức tự nhiên lưu lộ, thọ dụng của tánh đức, tuy tánh đức của bản thân chúng ta chưa hiện tiền, nhưng chúng ta có thể hưởng thọ tánh đức của A-di-đà Phật. Có người hỏi: Chúng ta dựa vào đâu mà hưởng thọ tánh đức của A-di-đà Phật? Tôi nói với bạn, dựa vào bạn là người học Phật, người niệm Phật chúng ta, tâm đồng với A-di-đà Phật, nguyện đồng với A-di-đà Phật, giải đồng với A-di-đà Phật, hạnh đồng với A-di-đà Phật, thế nên tánh đức của A-di-đà Phật lưu lộ thì chúng ta có thể được một phần thọ dụng, chính là đạo lý như vậy. 

Vì sao khuyên mọi người đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ? Bởi vì tâm, nguyện, giải, hạnh của đức Di-đà đều ở trong bộ kinh này. Chúng ta có thể nói thế này, hết thảy pháp thế xuất thế gian chỉ có một pháp là chân thật, một pháp này là gì? Là thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật, đó là từ pháp tánh mà biến hiện ra, không có sanh diệt. Cho nên bạn sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là vô lượng thọ, chính là vô lượng quang. Thế giới Cực Lạc là tự tánh của chúng ta biến hiện. Tất cả cõi nước của chư Phật mười phương, bao gồm thế giới Ta-bà mà chúng ta ngày nay đang sống cũng là do tự tánh biến hiện. Tự tánh của ai? Tự tánh của chính mình. Tự tánh là một, trên thì tương đồng với hết thảy chư Phật, dưới thì tương đồng với chúng sanh lục đạo. Súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục đều đồng một tự tánh, cùng với cây cối hoa cỏ, núi sông đất đai cũng là đồng một tự tánh. Chúng ta ngước nhìn thái không, vô lượng vô biên tinh cầu, toàn bộ đều là tự tánh hiện ra, toàn do a-lại-da thức biến hiện. Vì sao hết thảy pháp thần kỳ như thế, nhiều như thế? Trong Lục Tổ Đàn Kinh nói rằng: Nào ngờ tự tánh có thể sanh ra vạn pháp. Vô lượng vô biên hết thảy pháp thật sự nói không hết, không cách gì hình dung, không thể nghĩ bàn. Từ đâu mà đến? Tự tánh biến ra. Tự tánh có hình dạng ra sao? Người xưa có hai câu nói để hình dung tự tánh. Nói nó lớn, lớn đến mức nào vậy? Không có ngoài, tìm không ra bờ mé. Nói nó nhỏ, nhỏ mà không có trong, rốt cuộc nhỏ đến đâu, bạn cũng nói không ra, bạn cũng tìm không ra. Tánh là gì? Là chân tâm, chân tâm bao lớn? Lớn vô cùng. Có bao nhiêu phương pháp được sanh ra vậy? Vô lượng vô biên, không có bờ mé. Ai biết được? Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Bát địa trở lên. Vì sao vậy? Bát địa trở lên nhìn thấy rồi. Phật giảng kinh cho chúng ta, vô tri mà thảy đều biết cả, vô kiến mà thảy đều thấy cả, vô thuyết mà không gì chẳng nói, Thích-ca Mâu-ni Phật chính là như vậy. Phật vô tri vô kiến mới nói ra được, chúng ta làm sao mới có thể tiếp thu, vô tri vô kiến thì hoàn toàn tiếp thu được.

Kinh Vô Lượng Thọ giảng một trăm năm cũng giảng không xong, vì sao vậy? Mỗi câu mỗi chữ đều vô lượng nghĩa. Vậy Phật giảng thì sao? Phật giảng là tùy căn cơ mà dạy, [đối với] người thượng căn thì có giáo pháp thượng căn, với người trung căn thì có giáo pháp trung căn, với người hạ căn thì có giáo pháp hạ căn, thảy đều khiến họ được lợi ích, thảy đều khiến họ sanh tâm hoan hỷ. Đại triệt đại ngộ bắt buộc phải minh tâm kiến tánh, bắt buộc phải vô tri vô kiến. Vô tri mà không gì chẳng biết, vô kiến mà không gì chẳng thấy, vô thuyết mà không gì chẳng nói.

Tiếp theo xin quy nạp vài điểm quan trọng trong kinh văn phẩm thứ 17.

Trọng điểm thứ nhất, thế giới Tây Phương Cực Lạc, thứ duy nhất có thể sanh có thể diệt chính là hoa sen trong ao bảy báu. Bởi vì hoa sen là do người niệm Phật niệm ra, không phải A-di-đà Phật biến hiện, phàm người vãng sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là hoa sen tiếp dẫn, hóa sanh nơi hoa sen.

Trọng điểm thứ hai, hoa sen bốn màu, Ưu-bát-la hoa là hoa sen xanh. Bát-đàm-ma hoa là hoa sen đỏ. Câu-mâu-đầu hoa là hoa sen vàng. Phần-đà-lợi hoa là hoa sen trắng. Hoa sen bốn màu phủ rợp mặt nước, diệu liên phóng diệu quang, cực đẹp kỳ diệu. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới hoa sen thanh tịnh vô nhiễm.

Trọng điểm thứ ba, chúng vô tình ở thế giới Tây Phương Cực Lạc thuyết diệu pháp, công đức thù thắng, đặc biệt nêu ra ví dụ nước thuyết diệu pháp, cho thấy công đức thuyết pháp không thể nghĩ bàn của chúng vô tình ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. 

Trọng điểm thứ tư, thân thanh hư, thể vô cực là thân tướng ở quả địa Như Lai, hiển bày rõ sự không thể nghĩ bàn của thế giới Cực Lạc, khiến chúng ta vô cùng khát ngưỡng.

Trọng điểm thứ năm, thọ dụng của thế giới Tây Phương Cực Lạc là thật sự tự tại khoái lạc, niềm vui đó chẳng phải do tạo tác, mà là sự lưu lộ tự nhiên của tự tánh, là thọ dụng của tánh đức. Tánh đức của bản thân chúng ta chưa hiện tiền, thứ chúng ta hưởng dùng là tánh đức của A-di-đà Phật. Vì sao vậy? Vì chúng ta là người niệm Phật, chúng ta phải cảm ân, nếu không có A-di-đà Phật thì không có ngày nay của chúng ta, nếu không có thế giới Tây Phương Cực Lạc của A-di-đà Phật thì chúng ta đi đâu để tìm chỗ quay về chứ, chỉ có ở trong lục đạo, luân hồi mãi không dứt, vĩnh viễn không có ngày thoát khỏi.

Cho đến ngày hôm nay, tôi đã hoàn thành bản thảo của năm mươi tập bài giảng kinh Vô Lượng Thọ cho lần phúc giảng thứ hai, đã giao lưu và chia sẻ xong với các đồng tu. Ngày 21 tháng 11 bắt đầu ghi hình, trải qua 25 ngày, mỗi ngày sáng chiều thu một tập, đến hôm nay là ngày 15 tháng 12, đã hoàn thành ghi hình 50 tập, bước tiếp theo sẽ tiến hành hậu kỳ chế tác, đến thời điểm thích hợp sẽ gặp mặt các đồng tu.

Tiếp theo xin nói một chút về thể hội trong lần giao lưu chia sẻ này. 

Cảm nhận đầu tiên, thêm một lần nữa cảm nhận được Phật lực gia trì không thể nghĩ bàn. Lần phúc giảng thứ nhất và lúc giảng giảng tọa chuyên đề đều cảm nhận được Phật lực gia trì không thể nghĩ bàn. Tôi đã nhiều lần nói với các đồng tu, sở dĩ tôi có thể phúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ và giảng giảng tọa chuyên đề, chẳng phải cá nhân tôi có năng lực gì, chẳng phải cá nhân tôi có biện tài gì, hoàn toàn dựa vào sức uy thần của mười phương chư Phật Như Lai gia trì. Xin chú ý, tôi dùng ba cụm từ là: hoàn toàn, chư Phật Như Lai, sức uy thần. Hoàn toàn nghĩa là toàn bộ là như vậy, chẳng có thứ nào không phải. Chư Phật Như Lai, toàn bộ là Phật, chẳng phải chư Phật Bồ-tát, là cấp độ cao, cấp độ giảng kinh đã nâng cao thì mức độ gia trì cũng nâng cao. Sức uy thần, hai lần trước đối với sức uy thần này tôi có sự cảm nhận, nhưng không cảm nhận mãnh liệt như lần này. Bởi vì trước khi khai giảng tôi có chút lo lắng. Thứ nhất là lo không biết răng có sử dụng được không, hôm trước đi thử răng, sáng ngày hôm sau đã khai giảng, không có quá trình thích ứng. Thứ hai là lo lắng khí lực có đủ hay không, đầu năm sau khi ho liên tục hai tháng, tôi vẫn cảm thấy nếu nói nhiều thì khí lực không đủ, lần này phải giảng 50 giờ liệu có thể làm nổi hay không, trong tâm tôi có chút băn khoăn. Sự thật chứng minh, hai vấn đề mà tôi lo lắng hoàn toàn không hề phát sinh, đây hoàn toàn là do sức uy thần của mười phương chư Phật Như Lai gia trì. Điểm này, các đồng tu nghe kinh ở hiện trường đều có cảm nhận rõ rệt, cảm nhận được pháp hỷ mà trước đây chưa từng cảm nhận.

Cảm nhận thứ hai, đoàn hộ pháp toàn bộ đều được nâng cao, khiến tôi cảm thấy an ủi, phàm là nơi có đoàn thể thì sẽ có mâu thuẫn phát sinh, đoàn hộ pháp của tôi cũng không ngoại lệ, đôi lúc cũng có một chút chuyện xen vào, gây ra một chút ồn ào, làm thế nào đây? Trực tiếp đối mặt, không trốn tránh mâu thuẫn, gặp phải vấn đề thì dùng trí tuệ giải quyết vấn đề. Phương châm chỉ đạo để giải quyết vấn đề chính là 16 chữ: hòa hài, hòa mục, hợp tâm, hợp lực, công bình, công chánh, công khai, công đạo. Tất cả vấn đề đều bày ra trên bàn, không phải xử lý riêng tư, yêu cầu của tôi đối với mọi người là, chúng ta phải thực hiện lục hòa kính thật sự, không làm ra vẻ giả bộ lục hòa kính. Trải qua hơn ba tháng vận hành, hiệu quả không tệ, hình thức càng ngày càng tốt, mọi người hát bài lục hòa tiểu viện đã có cảm giác tìm được nhà rồi. Đặc biệt là sau khi giảng xong 50 tập tôi cảm nhận rõ rệt rằng, tinh thần diện mạo của các đồng tu có sự thay đổi rất lớn, trước đó vốn không vui giờ đã vui rồi, đã nói ra được lời chất chứa từ lâu trong tâm, đã thoát khỏi sự trói buộc thống khổ. Có đồng tu ban đầu không có lòng tin đối với việc kiến lập đạo tràng lục hòa kính. Nghe xong 50 tập, họ vui mừng hớn hở nói với tôi rằng: Thưa cô, hiện giờ tôi đối việc kiến lập đạo tràng lục hòa kính đã đầy đủ lòng tin rồi, đạo tràng lục hòa kính của chúng ta nhất định có thể xây dựng thành công. Nhìn thấy các đồng tu, trong thời gian ngắn như vậy đã phát sinh chuyển biến lớn như thế, tôi thật sự rất vui mừng, rất vui vẻ yên tâm. Chẳng phải một người, hai người thay đổi, mà toàn bộ đoàn thể đều đạt được sự nâng cao tổng thể, đây là việc đáng vui đáng mừng.

Điều cảm nhận thứ ba, một bà lão vốn bảo thủ không chịu thay đổi đã biết học cách dùng màn hình máy tính để viết bản thảo bài giảng, đây quả thật là sự đột phá đánh dấu thời đại mang tính lịch sử, đối với tôi mà nói là như vậy. Tuy còn có chút chưa thích ứng, nhưng sau cùng đã vượt qua được bước này rồi, thu hoạch cũng chẳng nhỏ. Một bà lão quê mùa chất phác đã bắt đầu được Tây hóa rồi, thay đổi diện mạo rồi.

Điều cảm nhận thứ tư, tôi đã thử nghiệm một số phương thức giao lưu mới, về cơ bản thì đã thành công. Phương thức thứ nhất là dùng kinh để giải thích kinh, đây là tôi học theo lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Bản thảo bài giảng lần này đã dẫn dụng rất nhiều nguyên văn và câu gốc trong Kinh Phật. Một phương thức khác là y theo khai thị và lời dạy của tổ sư đại đức để giải thích kinh, đa phần dùng nguyên văn, câu gốc. Một cách khác là dẫn dụng một số bài kệ tụng hay đẹp của tổ sư đại đức để chú giải Đại kinh. Ví dụ như về 12 vị quang Phật, đại sư Đàm Loan có 12 bài kệ tụng tán thán 12 vị quang Phật, lời văn đơn giản ưu mỹ, tinh mỹ tuyệt luân. Bất luận là đọc hay giảng cũng đều là một loại hưởng thụ. Còn có một thử nghiệm mới, đó chính là dùng cách kể chuyện để giải thích đại kinh, làm thành phương thức bổ trợ, như vậy có thể càng gần gũi với người nghe hơn. Bất luận thử nghiệm phương pháp nào thì nguyên tắc chung cần phải tuân thủ, đó chính là, thuật lại chứ không sáng tác, tin tưởng và yêu thích lời người xưa.

Điều cảm nhận thứ năm, nội dung của lần giảng này sâu hơn so với lần phúc giảng thứ nhất và giảng tọa chuyên đề, vả lại còn sâu hơn nhiều. Nội dung của lần giảng này, mục tiêu chính là khiến chúng sanh căn cơ chín muồi thành Phật ngay đời này. Người hiểu sâu thì thấy sâu, người hiểu cạn thì thấy cạn, đây là hiện tượng bình thường. Thế nhưng, bất luận là người hiểu sâu hay hiểu cạn cũng đều tốt, vì mỗi người đều có thu hoạch, chẳng phải ra về tay không. 

Điều cảm nhận thứ sáu, người nhận được lợi ích lớn nhất là chính tôi, cảm nhận này lúc viết bản thảo cho lần phúc giảng thứ nhất tôi đã có rồi, nhưng không mãnh liệt bằng cảm giác lần này, cứ hưng phấn mãi như vậy. Viết bản thảo, tôi đã đem chính mình viết rõ ràng rồi, phúc giảng, tôi đã đem bản thân ra giảng sáng tỏ rồi, căn cơ của tôi đã chín muồi, duyên của tôi đã chín muồi rồi, tôi đời này nhất định về nhà, cảm giác về nhà thật sự tuyệt vời. Bài hát Lục Hòa Tiểu Viện, bài hát Thức Tỉnh Thế Gian chẳng phải do tôi viết, là tôi chép lại, ai đã viết lời vậy? Không phải Quan Âm Bồ-tát thì còn có thể là ai chứ. Hai bài hát này tôi nghe hoài không chán, hát mãi không chán, tôi là người không biết hát cũng không thích ca hát, chẳng hiểu vì sao, tôi lại thích hát hai bài này như vậy. Khi hát, có lúc có cảm giác hơi chua xót, có lúc lại có cảm giác rất ngọt ngào, cảm giác đó rất vi diệu, rất mỹ diệu, cũng rất kỳ diệu. Tôi là giáo viên dạy ngữ văn, hiện nay cảm thấy cạn lời rồi, không tìm ra từ ngữ nào thích hợp để bày tỏ tâm tình và cảm nhận của tôi vào giờ này phút này, tôi đành dùng bốn chữ ‘chẳng thể nghĩ bàn’ vậy.

Điều cảm nhận thứ bảy, vô lượng vô biên chúng sanh đã lên con thuyền pháp lớn của A-di-đà Phật về nhà rồi, họ nghe kinh nghe pháp đã hiểu rõ rồi, đã về Cực Lạc rồi. Đây chẳng phải là sự mong mỏi hết thảy [chúng sanh] đều thành Phật của mười phương chư Phật Như Lai đó sao? 

Xin cúng dường các đồng tu hai bài kệ tụng:

Tu hành đừng nên ham yên ổn

Vĩnh viễn chớ nổi trội hơn người

Người học đạo cần nên hơi ngốc

Thế trí biện thông hãy bỏ đi

Tôi chẳng phải ma, chẳng phải Phật

Vốn là không Phật cũng không ma

Nơi Thường Tịch Quang không một vật

Thì lấy đâu ra Phật và ma.

Hai câu thơ của Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ lúc khai ngộ năm 22 tuổi là: 

Chúng sanh và Phật đều mất hết, thì ngay nơi đó là Phật rồi.

Mới vừa đối đãi có hai bên, đã biến thành ma ngay lúc ấy.

Lần giao lưu này đến đây là viên mãn rồi, cảm ơn các đồng tu đã bầu bạn với tôi trong 50 giờ đồng hồ, chúng ta hẹn gặp nhau tại Hải Hội Liên Trì ở thế giới Tây Phương Cực Lạc. A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *