PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA
VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG
GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ
hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 23/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện
Lục Hòa
Tập 6
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm
nay bắt đầu giảng kinh văn Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang
Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh.
Mời
xem Phẩm thứ nhất:
PHẨM THỨ NHẤT: PHÁP
HỘI THÁNH CHÚNG
“Như
thị ngã văn, nhất thời Phật tại Vương-xá thành, Kỳ Xà Quật sơn
trung, dữ đại tỳ kheo chúng vạn nhị thiên nhân câu. Nhất thiết đại
thánh, thần thông dĩ đạt. Kỳ danh viết: Tôn giả Kiều Trần Như, tôn
giả Xá-lợi-phất, tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôn giả Ca-diếp, tôn giả
A-nan đẳng, nhi vi thượng thủ”.
“Như
thị ngã văn”, tôi nghe như vậy là câu đặt ở đầu kinh trong hết thảy
kinh điển nhà Phật. Câu này có nguồn gốc như thế nào? Dùng một câu để
nói, đó là tuân theo “di giáo của Thế Tôn”. Cụ thể một chút đó
là lúc Thế Tôn sắp nhập Bát Niết-bàn, A-nan đã thỉnh giáo Phật bốn
việc, trong đó có một vấn đề là “mở đầu hết thảy các kinh nên đặt chữ
nào?” Phật liền đáp rằng: “Nên để như thị ngã văn”. Hiện nay hết thảy kinh
điển nhà Phật, đầu kinh đều dùng câu “như thị ngã văn”, đây là tuân
theo di giáo của Phật, không phải do ai đó phát minh sáng tạo ra.
Hai
chữ “như thị” hàm nghĩa sâu rộng, chúng ta không cách nào tưởng tượng
được, hai chữ này hiển thị cảnh giới trên quả địa Như Lai, chính là
thật tướng của các pháp được nhắc đến trong kinh Bát-nhã. Đức Phật vì hết
thảy chúng sanh tuyên thuyết vô lượng vô biên kinh luận và pháp
môn, cũng là vì nói rõ cho chúng sanh biết tướng chân thật của hết
thảy các pháp, hay nói cách khác chính là nói “như thị”. “Như thị” không
chỉ đại biểu cho hết thảy những điều mà Thích-ca Mâu-ni Phật thuyết trong
49 năm, trong hơn 300 pháp hội, thậm chí còn đại biểu cho những
điều mà mười phương thế giới vô lượng vô biên chư Phật Như Lai tuyên
thuyết cho hết thảy chúng sanh, cũng không ngoài hai chữ “như thị”
này. Theo Quán Kinh giải thích thì hai chữ “như thị”, “Như” là tâm
này là Phật; “Thị” chính là tâm này làm Phật. Đây là lý luận của Quán
Kinh. Chúng ta nghe rồi có thể hiểu được, thể hội được nghĩa thú chân
thật của câu này mà Phật giảng trong kinh hay không? số người không biết
quá nhiều. Phật pháp là viên dung, rất sống động, nhưng mà có rất
nhiều người học Phật lại học một cách chết cứng, không những không có
được niềm vui của việc học Phật, mà còn học đến nỗi phiền não rất nhiều,
khổ không thể tả, rồi sau đó hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng
tăng, tạo tội nghiệt cực lớn. Tôi nhớ mấy năm trước, hình như
đọc được từ trong số sách kết duyên, người học Phật có một trăm
điều, điều đầu tiên là người học Phật bị đọa địa ngục. Tôi nghĩ mãi
mà không hiểu, tại sao lại như vậy? Hai mươi năm nghe kinh nghe
pháp đã tiêu trừ nghi hoặc này của tôi. Câu này nói không sai chút
nào. Tại sao vậy? Bạn nói xem những người niệm Phật chính mình học
chưa rõ ràng, lại đi hủy báng Phật, hủy báng pháp, hủy báng tăng, họ
không đọa địa ngục thì đi đâu? Họ tạo tội đọa địa ngục mà.
Tôi
vừa nói, rất nhiều đồng tu học Phật quá chấp chặt, quá chết
cứng, dùng lời hiện tại mà nói tức là chủ nghĩa giáo điều. Tôi nêu ra
ví dụ thế này, khi nãy chúng ta vừa nói “tâm này là Phật”, bốn chữ
này có bao nhiêu người học hiểu được? Người chưa học rõ ràng sẽ thế nghĩ
này: Tâm này là Phật, ngoài trừ là Phật ra thì những điều khác đều không
phải; người học rõ ràng sẽ nghĩ thế này: Tâm này là Phật, tâm này là
Bồ-tát, tâm này là La-hán, tâm này là địa ngục, tâm này là ngạ quỷ,
tâm này là súc sanh, tâm này là vạn pháp, tâm này là vạn vật, tâm này
là pháp giới, tâm này là… vô lượng vô biên, nói không hết. Bạn tỉ
mỉ nghĩ xem, có điều nào không phải? Tìm không ra điều nào không
phải. “Tâm này là Phật” mà bộ kinh Vô Lượng Thọ này giảng tức là “tâm
này là thế giới Cực Lạc”; “tâm này làm Phật” tức là “tâm này làm thế
giới Cực Lạc”. “Như thị” là tín thành tựu. Tín thành tựu xếp ở vị trí
đầu tiên trong sáu thứ thành tựu.
Người
Trung Quốc nói tín, ngũ thường nói “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, tín
đức là nền tảng. Có tín mới có trí tuệ, có trí tuệ mới có lễ
phép, có lễ phép mới hiểu chánh nghĩa, có chánh nghĩa mới có từ
bi, mới có thể thương mình thương người, tức là tâm nhân từ. Điều này
cũng giống như xây tòa nhà năm tầng, tín là tầng đầu tiên, là nền
tảng, không có tín thì nhân, nghĩa, lễ, trí đều không có. Bạn nói xem
chữ tín này quan trọng biết bao. Tổ sư đại đức kết hợp ngũ giới với ngũ
thường, thật là tuyệt diệu! Đây là giới căn bản trong nhà
Phật. Lấy không sát sanh kết hợp với nhân, không trộm cắp kết hợp với
nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí, không nói dối
là tín. Tu hành phải bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ không nói
dối. Một đời này có thể không lừa gạt người khác, không nói
dối, người này là người có đức hạnh, là thiện nam tử, thiện nữ nhân
trong nhà Phật nói đến. Họ có tu hành thì có thể chứng quả. Tại sao
vậy? Họ có thành tín, chữ tín này quan trọng.
Trí
Độ Luận nói “Phật pháp như biển cả, có tin thì vào được”, Phật pháp rộng
lớn vô biên, đem ví với biển cả, ai có thể vào được? Người có tin thì
mới có thể vào, nếu hoài nghi thì chắc chắn không thể vào. Đây là
nguyên nhân căn bản khiến truyền thừa Phật pháp khó khăn, truyền thừa
giáo học thánh hiền khó khăn trong thời đại này. Ai có thể truyền
thừa? Người có đầy đủ thành tín mới có thể truyền thừa. Lão pháp sư
nói rằng: “Những người thành tín này, tôi tin rằng đều là người tái
lai, chư Phật Bồ-tát, đại thánh đại hiền tới thế gian này cứu khổ cứu
nạn, các ngài quay lại cõi người để làm gì? Để truyền thừa pháp
của thánh hiền, truyền thừa pháp của chư Phật”. Tại sao các ngài có
thể truyền? Bởi vì các ngài có thành tín. Thành tín là từ trong chân
tâm lưu xuất ra; những thứ mà vọng tâm lưu xuất ra là hư ngụy, là vọng
ngữ.
Chúng
ta nhìn người thì phải nhìn từ chỗ này, biết được người nào sẽ có thành
tựu, người nào rất khó thành tựu. Kinh Hoa Nghiêm nói “tín là tay, như người có tay, đến nơi
trân bảo, tùy ý nhặt lấy”, ý muốn nói người người đến núi
báu, bạn có tay thì bạn có thể lấy được, nếu như không có tay thì
không thu hoạch được gì. Núi báu dù trân bảo có nhiều hơn chăng
nữa, bạn không có tay thì lấy không được. Dùng ví dụ này để so
sánh. Có thể thấy “tín là cửa đầu tiên để nhập pháp, bỏ tín thì không
cách nào nhập được”, pháp này là Phật pháp, cũng là văn hóa truyền
thống Trung Quốc, pháp của thánh hiền xưa lưu lại. Cánh cửa đầu tiên
để nhập pháp chính là chữ tín này. Chúng ta niệm Phật cầu vãng
sanh, chữ tín này càng quan trọng. Rời khỏi tín thì không có cách nào
khế nhập. Học trò thân cận thầy để cầu học, nếu như không có tín tâm
đối với thầy, dù người thầy có đức hạnh, có học vấn đến đâu thì bạn
cũng không học được gì.
Đức
Phật là vị thầy căn bản của chúng ta, nếu chúng ta không tin tưởng lời của
thầy mình thì làm sao có thành tựu cho được? Cho nên trong Phật
pháp tín là điều kiện đầu tiên, bạn phải tin Phật, từng câu mà
Phật nói đều là chân thật, phải tin sâu không nghi. Thời buổi loạn
lạc hiện nay đã loạn tới mức trước nay chưa từng có, cả thế giới
giống như kho thuốc nổ vậy, con người đã tới giây phút nguy cấp của sự
sống và cái chết, nhân loại sẽ đi về đâu? Ai tới cứu vớt loài
người? Vận mệnh nằm trong tay chính mình, chỉ có loài người mới có
thể cứu chính mình. Xã hội hiện nay, chữ tín quan trọng hơn bất cứ
thứ gì, không chỉ Trung Quốc cần mà cả thế giới đều cần. Nguyên
nhân khiến xã hội này động loạn là gì? Là do đánh mất tín, đa phần
đánh mất rồi. Rất nhiều lãnh đạo đất nước, chuyên gia học
giả, tầng lớp trí thức đều đánh mất chữ tín này. Đánh mất tự
tin, đánh mất niềm tin vào cha mẹ, đánh mất niềm tin vào thầy
cô, không có niềm tin đối với truyền thống, dân tộc, thánh hiền
xưa, tôn giáo. Lòng người không có nơi nương về, lo sợ không yên, mờ
mịt không biết gì, đó là căn nguyên khiến thế giới động loạn. Tìm
thấy gốc thì phải làm thế nào? Phải tìm lại tín tâm. Bắt đầu từ chỗ
nào? Yếu tố đầu tiên của tín tâm là yêu thương chính mình. Con
người hiện nay không yêu thương chính mình, chỉ có yêu thương chính mình
mới có thể yêu thương người khác. Một người không yêu thương chính mình thì
họ làm sao yêu thương người khác được? Trong thời đại hưởng thụ vật chất
tràn lan này, rất nhiều người bị ngấm dần ở trong biển hưởng thụ vật
chất. Giá trị quan cuộc đời hoàn toàn điên đảo. Chúng ta phải đảo
ngược giá trị quan cuộc đời này lại, khiến nó trở lại đúng vị
trí. Dùng phương pháp gì khiến nó quay về đúng chỗ? Dùng phương pháp
giáo dục của Phật giáo, dùng phương pháp giáo dục của văn hóa truyền
thống, hai loại giáo dục này là một chứ không phải hai.
Chúng
ta xem đại đức xưa giải thích hai chữ “như thị” này như thế nào. Trong
“Di-đà Kinh Yếu Giải” đại sư Ngẫu Ích nói thế này: “Nương theo lý thật tướng niệm Phật cầu sanh Tịnh độ quyết định
chẳng sai, nên gọi là thị”, đại sư giảng rằng “nương theo lý thật
tướng”, đồng tu sơ học nghe không hiểu lắm, không biết câu này có ý nghĩa
gì? Nói thông thường thì “thật tướng” chính là chân tướng sự
thật, cũng chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh mà chúng ta
thường nói. Kinh điển Phật giáo chính là nói về chân tướng của vũ trụ
nhân sanh. “Niệm Phật cầu sanh Tịnh độ quyết định chẳng sai nên gọi là
thị”. Chẳng sai tức là chắc chắn không có sai, hoàn toàn có thể tin
tưởng được. “Lý” là lý do, có nghĩa là lý luận căn cứ, lý luận căn cứ
trong kinh Phật có thể được xưng là “diệu lý”. Chúng ta vẫn phải nói
tới diệu lý này, thật tướng diệu lý. Diệu trong thật tướng diệu
lý, diệu ở chỗ nào? Diệu ở chỗ xưa nay chẳng đổi, không có không
gian, cũng không có thời gian, ba ngàn năm trước ở ngay lúc này, ba
ngàn năm sau cũng ngay lúc này. Hay nói cách khác, tức là không có khoảng
cách, không có bốn phương, bốn chiều, trên dưới; không có thời
gian, không có quá khứ, hiện tại, vị lai, đây gọi là “như”. Như lý mà
nói, đem chân tướng này nói ra, không nói sai, đây gọi là “thị”.
Nếu
như chúng ta có thể nghe rõ ràng đạo lý mà đức Phật giảng thì bạn sẽ
biết được giữa vũ trụ này, hết thảy vạn sự vạn vật trong từng sát-na đang
biến hóa, không có thứ nào bạn có thể đạt được, bao gồm thân
thể, bạn sẽ hiểu được dùng thái độ gì để đối với cuộc sống? Hết
thảy thuận theo tự nhiên, như vậy là hoàn toàn đúng. Tâm thuận theo
tự nhiên là chân tâm. Tâm thuận theo tự nhiên thì không có khởi tâm động
niệm, không có phân biệt chấp trước, hết thảy thuận theo tự
nhiên. Có một niệm phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm thì
không tự nhiên. Tự nhiên rất tốt, tự nhiên tương ưng với “như
thị”, không tự nhiên không tương ưng với “như thị”.
Cho
nên, niệm Phật cầu sanh Tịnh độ quyết định chẳng sai, bạn tuân theo câu
nói này đầy đủ viên mãn thì ngay lúc đó bạn liền tương ưng với “như
thị”. Thật tướng diệu lý là gì? Chính là nhất niệm tâm tự
tánh, chính là bản thể, bản tánh, chính là bản tánh chân như mà chúng
ta nói tới. Cách nói khác nhau, ý nghĩa tương đồng. Tự tánh này là
thật, có thể sanh có thể hiện. Hiện ra điều gì? Hiện ra toàn bộ vũ
trụ. Toàn bộ vũ trụ chính là nhất niệm tâm tự tánh biến hiện
ra, chính là câu mà đại sư Lục Tổ Huệ Năng nói khi ngài khai
ngộ: “Nào ngờ tự tánh có thể sanh vạn pháp”, đây chính là nhất niệm
tâm có thể sanh. Trong thuật ngữ Phật pháp, toàn bộ vụ trụ gọi là
mười pháp giới y chánh trang nghiêm, là những gì sanh ra và hiện ra của
nhất niệm tâm. Những gì biến ra của a-lại-da, a-lại-da là vọng
tâm, chân tâm có thể hiện, có thể sanh, vọng tâm đem nó biến thành
mười pháp giới, biến thành lục đạo luân hồi. Nếu như không có vọng
tâm thì mười pháp giới, lục đạo đều không còn nữa, đó là
giả, vậy thì cái còn lại là gì? Là cõi Thật Báo Trang
Nghiêm. Cõi Thật Báo Trang Nghiêm là những gì hiện ra của nhất niệm
tâm. Mười pháp giới, lục đạo luân hồi, lại thêm a-lại-da là
những gì biến ra của một niệm vọng tâm. Vọng tâm đem chân tâm, nhất chân
pháp giới biến thành mười pháp giới, biến thành lục đạo luân hồi.
Có
một vấn đề thế này muốn hỏi các bạn, có thể xem mười pháp giới, lục
đạo là nhất chân pháp giới được không? Câu trả lời của tôi là có
thể. Tại sao vậy? Buông xuống vọng tâm là được! Mười pháp giới cũng
tốt, sáu cõi cũng tốt, nó chỉ là hiện tượng mà vọng tâm khiến cho chân tâm
biến hiện ra bị sai lệch mà thôi. Xin nhớ kỹ, chân tâm sở hiện, vọng
tâm sở biến Một cái là hiện, một cái là biến, hiện là thật, biến là giả. Buông
xuống vọng tâm thì chân tâm sở hiện, vốn chính là nhất chân pháp
giới. Đạo lý đơn giản như vậy đó, xem bạn có hiểu hay không, có biết
hay không.
Trong
cuốn Tịnh Độ Thánh Hiền Lục có một ví dụ, có một người sắp vãng
sanh, đức Phật tới tiếp dẫn người đó, người bên cạnh người đó
hỏi, thế giới Cực Lạc ở đâu? Người đó trả lời, ở bên cạnh, nói
xong liền vãng sanh. Thế giới Cực Lạc ở đâu? Ở trong nhà chính. Những
lời này có nghĩa là gì? Nói cho chúng ta biết thế giới Cực Lạc chính tại
ngay đây. Nhưng mà chúng ta nghe không hiểu, còn cho rằng người sắp
chết nói lung tung. Cũng như màn hình tivi vậy, bấm nút đổi kênh là
được, chính là như vậy. Lời tôi nói đều là lời thật, tin hay
không tùy bạn. Tôi đã bấm nút chuyển kênh rồi, chuyển sang kênh của
A-di-đà Phật, thật tuyệt diệu!
Nói
nãy giờ nhiều như vậy, toàn bộ đều là nói hai chữ “như thị”, có đồng
tu có thể không hiểu lắm, tại sao hai chữ mà lại nói nhiều như
vậy? Để tôi giải thích cho mọi người một chút. Thứ nhất, hai chữ này
quan trọng. Hai chữ “như thị” bao hàm hết toàn bộ Phật pháp, hai chữ
này là lý luận căn cứ của toàn bộ kinh văn. Hay nói cách khác, tức là bạn
dựa vào điều gì mà nói như vậy? Phải khiến người khác tâm phục khẩu
phục. Điều mà bạn nói ra phải có lý luận, có căn cứ thì người khác
mới phục được.
“Như
thị” là tín thành tựu của bộ kinh này, đó là trước tiên phải giải quyết
vấn đề của tín. Hiểu rõ đạo lý rồi, tin tưởng hết thảy pháp mà đức
Phật thuyết đều là căn cứ vào chân tướng sự thật mà thuyết. Không
phải là vọng tưởng, lý tưởng, suy đoán, những gì mà ngài giảng hoàn toàn
là chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Có thể tin! Thứ hai, quan tâm đến nhu
cầu của các đồng tu trình độ khác nhau. Đây là sự gợi ý từ lời nhắn của
bạn đồng tu trên mạng. Tôi không nhớ chính xác câu đó như thế nào, đại
khái là nói những chuyện trà dư tửu hậu không đủ đẳng cấp, nghe chưa
thoả thích. Bạn ấy nói “mộc pháp ngộ tâm” lần này còn tạm được, có
thứ bạn ấy muốn nghe. Bạn ấy hy vọng tôi có thể giảng nội dung có cấp độ
cao hơn. Lời nhắn của bạn đồng tu này khiến tôi cảm động, sự tín
nhiệm và mong cầu của bạn ấy dành cho tôi có thể nhìn ra được bạn ấy là
người nghiêm túc cầu pháp. Đây là người tu hành số lượng không
nhiều trong phần đông người học Phật. Tôi cảm ân sự tín nhiệm và
khích lệ của bạn ấy, chân thành đảnh lễ cảm ân, tùy hỷ công đức của
bạn. Quan tâm đến nhu cầu của đồng tu có trình độ khác nhau, nếu như
nói làm tới mức hoàn hảo thì tôi làm không được, phải lời ngay nói
thật. Nhưng mà tôi sẽ tận lực làm, tận lực làm tới mức độ
nào? Xin mọi người đừng cười tôi, tôi nói đùa với mọi người, tôi
sẽ đem toàn bộ sức mạnh ra. Đợi khi tôi vãng sanh các bạn sẽ
nói, bà lão này cũng rất thực tế, biết gì đều nói hết cho chúng
ta. Nghe được lời này tôi cũng thỏa mãn cùng đấng cha hiền trở
về nhà rồi. Tôi ở nơi đó đợi mọi người, chúng ta gặp mặt ở Tây Phương
Cực Lạc. Thứ ba, dạy học có tính gợi mở thì hiệu quả tốt. Điều
này tôi học được từ giáo viên dạy toán cấp hai của tôi. Có thể chia
làm ba cấp bậc:
Cấp
bậc thứ nhất: giáo viên dạy toán thông thường giải đề toán chỉ có một
cách giải, học sinh chỉ biết đáp án này.
Cấp
bậc thứ hai: giáo viên dạy toán cao minh hơn một chút giải đề toán có
thể dạy hai ba cách giải, học sinh được mở mang tầm mắt, học được
nhiều tri thức hơn.
Cấp
bậc thứ ba: giáo viên dạy toán càng cao minh hơn sẽ dùng phương pháp
dạy học có tính gợi mở, dẫn dắt học sinh cùng nhau tìm cách
giải, khích lệ học sinh tích cực hơn, làm phong phú thêm kiến
thức, có em còn suy một mà ra ba, thậm chí là ra bốn ra
năm, hiệu quả dạy học vô cùng tốt, dạy và học cùng tiến bộ.
Lần
này giải thích hai chữ “như thị”, tôi thử dùng phương pháp giải đề
toán, từ nhiều góc độ, từ nhiều cấp bậc để giải thích. Đồng tu trình
độ khác nhau đều có thể tìm được câu trả lời mà mình nghe hiểu
rõ. “Như thị” đã giải thích xong. Tiếp theo tôi sẽ giải thích “ngã
văn”.
“Ngã văn”, ngã văn là văn thành
tựu.
Thích-ca
Mâu-ni Phật lúc còn tại thế giảng kinh thuyết pháp 49 năm, không hề
lưu lại trước tác nào cho đời sau. Vậy thì kinh điển của Phật từ đâu
mà có? Là sau khi Thích-ca Mâu-ni Phật diệt độ, đệ tử của Phật kết
tập kinh điển. Cũng giống như Luận Ngữ, không phải do Khổng tử
viết, mà là sau khi Khổng tử qua đời, học trò nhớ lại những điều thầy
dạy bảo, ghi chép lại truyền cho đời sau. Kinh Phật cũng là như
vậy, là các đệ tử ghi chép lại truyền cho đời sau. Nhưng mà kinh Phật
có một điểm khác với Luận Ngữ, Luận Ngữ là do học trò khác nhau của Khổng
tử ghi chép lại, kinh Phật là do tập thể các đệ tử Phật cùng nhau kết
tập mà thành. Quá trình kết tập là phúc giảng một lượt hết thảy
kinh điển mà năm đó Thích-ca Mâu-ni Phật giảng khi còn tại thế, sau
đó ghi chép thành kinh sách. Quá trình kết tập kinh Phật vô cùng nghiêm
túc cẩn thận.
Thứ
nhất là phúc giảng một lượt hết thảy kinh điển mà năm đó Thích-ca
Mâu-ni Phật giảng khi còn tại thế, sau đó ghi chép thành kinh
sách. Đây là hình thức phúc giảng sớm nhất. Ai phúc giảng? Là tôn giả
A-nan. Tại sao vậy? Vì tôn giả A-nan có sức nhớ hơn người, giống
như máy vi tính, máy thu âm thời đại hiện nay vậy, ngài ấy nghe qua một
lần không bao giờ quên, đây gọi là “nhớ kĩ không quên”. Cho nên các
đồng học đều tiến cử tôn giả A-nan phúc giảng, tôn giả A-nan là người
phúc giảng đầu tiên, và cũng là người phúc giảng sớm nhất trong lịch sử
Phật giáo. Có thể nói, tôn giả A-nan là thủy tổ phúc giảng kinh
Phật.
Thứ
hai là năm trăm người tham dự vào công việc kết tập kinh điển, năm
trăm người này đều chứng quả vị A-la-hán.
Thứ
ba là chế độ một phiếu bác bỏ.
Trong
năm trăm người, chỉ cần có một người nêu ra sự hoài nghi về câu nói nào
đó, cho rằng câu này tôn giả A-nan nói hình như Phật chưa từng giảng
qua, vậy thì câu này phải bị loại bỏ. Nhất định phải nhận được sự
đồng ý của năm trăm người này, toàn bộ phiếu thông qua thì mới được
ghi chép lại lưu thông cho đời sau. “Ngã văn”, lúc A-nan kết tập pháp
tạng, tự nói “pháp môn như thế tôi nghe từ đức Phật”. Ngã là A-nan tự
xưng, văn là đích thân nghe, không phải nghe lại từ người khác. “Lấy
điều ấy bảo với đại chúng thì thật đủ để chứng tín”. Câu này ý muốn nói
với năm trăm vị A-la-hán tham dự kết tập kinh điển rằng những điều mà
bộ kinh điển này nói đều là do tôi tự mình nghe Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên
giảng. Giúp đại chúng sanh khởi tín tâm đối với những điều A-nan
nói, đại chúng cũng có thể chứng minh cho A-nan.
“Ngã
văn” biểu thị sư thừa. Những điều tôi nghe đều từ kim khẩu đức Thế
Tôn tuyên thuyết, truyền thừa có đầu mối, quyết định chẳng phải do người
khác nói ra, hoặc do tôi bịa đặt, dùng đây để chứng minh. Liên quan
đến bốn chữ “như thị ngã văn” tạm thời nói tới đây. Bốn chữ này mặc
dù kinh điển nào cũng có, nhưng ý nghĩa có sâu cạn, rộng hẹp khác
nhau. Bốn chữ này có vô lượng nghĩa, mười phương chư Phật Như
Lai nói vô lượng kiếp cũng nói không hết. Để trong quá trình tu học
của chúng ta có thể hiểu nhiều hơn ý nghĩa thực sự của bốn chữ
này. Chúng ta hiểu được bao nhiêu là tỷ lệ thuận với việc chúng ta
buông xuống được bao nhiêu. Buông xuống rất quan trọng! Không buông xuống
được thì chúng ta vĩnh viễn là kẻ mù kẻ điếc, vĩnh viễn không thoát
ra khỏi lục đạo luân hồi được.
Trong
phần “như thị ngã văn” này tôi sẽ giải thích cho mọi người hai nghi
vấn. Nghi vấn thứ nhất: ngày Thích-ca Mâu-ni Phật thành đạo thì
A-nan ra đời, hai mươi năm sau A-nan mới làm thị giả cho đức
Phật. Vậy thì trước khi A-nan ra đời và trước khi A-nan làm thị giả
cho đức Phật, kinh mà Phật giảng A-nan cũng chưa nghe qua, vậy
thì A-nan làm sao phúc giảng được?
Đối
với vấn đề này, lúc tôi giao lưu với các bạn đã từng trả lời
rồi, hôm nay không định nhắc lại nữa. Tôi muốn thay đổi góc
độ, dùng phương pháp kể chuyện để gợi ý cho mọi người tự mình tìm ra
câu trả lời. Tôi nghĩ nên dùng phương pháp gợi mở nhiều hơn, bớt nhồi
nhét thì có thể hiệu quả sẽ tốt hơn. Tiếp theo tôi sẽ giảng một câu
chuyện có liên quan đến A-nan:
Tôn
giả A-nan là đa văn đệ nhất trong mười đại tỳ-kheo đệ tử của đức
Phật. Vào thời đó tuổi của tôn giả A-nan nhỏ nhất trong tăng đoàn,
tướng mạo vô cùng trang nghiêm, thông minh lại đa văn, đức Phật rất
yêu mến A-nan. Đức Phật thường thuyết pháp cho A-nan, dạy A-nan phải
có niềm tin kiên định đối với Tam bảo, nói với A-nan rằng niềm tin
bất hoại còn quan trọng hơn nghiêm trì giới luật. Có một lần A-nan tuân
theo chỉ thị của đức Phật, lễ bái A-di-đà Phật của thế giới Tây Phương Cực
Lạc, từng thấy A-di-đà Phật rộng phóng từ quang, A-nan thật sự là con
cưng may mắn, ngài dễ dàng được Phật quang che chở hơn người
khác. A-nan là thị giả của đức Phật, ngài thường hầu hạ bên cạnh đức
Phật, khi mọi người thỉnh ngài tới hầu hạ đức Phật, ngài đã từng nêu
ra ba nguyện vọng, muốn tôn giả Mục-kiền-liên chuyển lời tới đức
Phật. Ba nguyện vọng của ngài là:
Thứ nhất, y phục của đức
Phật, cho dù là mới hay cũ ngài tuyệt đối không mặc.
Thứ hai, nếu như có tín
chúng cung thỉnh đức Phật đến nhà cúng dường, ngài không thể đi theo
hầu hạ.
Thứ ba, không gặp đức
Phật khi không đúng lúc.
Tôn
giả Mục-kiền-liên trình bày với đức Phật nguyện vọng của A-nan, đức
Phật rất hoan hỉ tán thán rằng: “A-nan thật sự là một vị Tỳ-kheo rất có
phẩm chất, yêu cầu mà A-nan đưa ra đều là đề phòng bị quở trách, hiềm
khích. Bởi vì, A-nan sợ rằng chúng Tỳ-kheo phê bình A-nan là vì muốn
mặc y phục nên mới hầu hạ đức Phật, A-nan biết đề phòng nên mới có
yêu cầu như vậy. Khi tín chúng tới gặp đức Phật, đức Phật thuyết pháp
tùy theo cơ duyên đã chín muồi hay chưa, A-nan đều biết được, ngài ấy
thực sự là một người thông minh, có đức hạnh tài năng.” Sau khi A-nan làm
thị giả cho đức Phật, ngài thường theo sau Phật đi khắp nơi hoằng
pháp, vì nhân duyên như vậy mà Phật pháp tựa như biển cả toàn bộ
đều chảy vào trong tâm của A-nan. Đức Phật ngày một lớn tuổi, có một
hôm trên đường đi truyền giáo, đức Phật ngồi nghỉ dưới một gốc
cây, sau đó nói với A-nan: “A-nan, vì cứu vớt huệ mạng của chúng
sanh đang trầm luân trong biển khổ, nhà truyền giáo không nên chối từ
bất kì khổ cực nào. ông và ta thường đi khắp nơi giáo hóa, ông đã
dưỡng thành tín tâm, huệ tâm, từ bi tâm. Bây giờ ta rất khát, muốn
uống ít nước, con lấy bình bát của ta đi tới dòng sông bên
kia lấy ít nước về cho ta uống”.
A-nan
đi tới bờ sông, một lát sau quay lại với bình bát trống rỗng, thưa
với đức Phật rằng: “Thưa thầy! Con tới dòng sông bên kia thì
thấy nước sông đục ngầu, con nghe người ta nói, hôm nay có rất
nhiều xe ngựa ở thượng lưu chạy qua cho nên nước sông dùng để rửa
chân thì được nhưng tuyệt đối không thể uống, sông Câu Tôn cách đây
cũng không xa, đến nơi đó uống nước rồi tắm rửa cũng được”. Đức
Phật tiếp tục uy nghiêm dặn dò: “A-nan! Lấy nước tới đây! Không phải
lo, ông cứ mang nước đó tới đây!” A-nan không còn cách nào
khác, chỉ đành đi lấy nước. Thật không thể nghĩ bàn, nước sông lúc
này trong vắt như gương soi vậy. A-nan vừa nhìn thấy rất vui
mừng, ngài thực vì cảm động bởi uy đức thần lực của đức Phật.
Có
một hôm, chỉ trong một đêm mà A-nan mơ thấy bảy chuyện kỳ
lạ. Trong lòng rất hoảng sợ, ngài đi tới trước chỗ ngồi của đức
Phật, kể lại theo đúng những gì đã mơ: “Thưa thầy! Trong lòng con có
chuyện nghi nan muốn thỉnh Phật khai thị. Đêm qua con nằm
mơ, chúng ta vốn không để ý tới giấc mộng, nhưng mà đêm qua con mơ
thấy bảy chuyện đều rất kỳ lạ, cho nên bây giờ con tới khẩn thỉnh
Phật từ bi giải thích cho con. Bảy chuyện mà con mơ thấy như sau:
Thứ nhất, con mơ thấy sông lớn,
biển cả đều bị lửa làm khô hạn.
Thứ hai, con mơ thấy mặt trời
rơi rụng, thế giới Ta-bà là một mảng tối đen, con dùng hết sức đội
đỉnh núi Tu-di.
Thứ ba, con mơ thấy Tỳ-kheo
không tuân giữ giới luật khoác áo cà-sa.
Thứ tư, con mơ thấy pháp y
của Tỳ-kheo không vẹn toàn, bị vướng mắc trong gai góc.
Thứ năm, con mơ thấy cây chiên
đàn lớn tươi xanh, có rất nhiều heo rừng tới bới rễ cây.
Thứ sáu, con mơ thấy voi
con không tin vào lời voi lớn, dẫm đạp lên cỏ xanh, làm vẩn đục
nước sông, voi lớn không còn cách nào, buộc lòng phải tránh đi
xa, một mình đến nơi cỏ xanh nước trong. Voi con vô tri, đợi đến
khi cỏ nước thiếu thốn, chết vì đói khát.
Thứ bảy, con mơ thấy vua của
các loài thú là sư tử chết đi, các loài chim thú, côn trùng không dám đến
gần ăn thịt, nhưng mà từ trong thân sư tử tự có dòi sanh ra, còn ăn
thịt sư tử.
Bạch
Phật! Đây đều là giấc mộng kì lạ, con thật sự không hiểu tại sao mình
lại mơ giấc mộng kì lạ như vậy? Đức Phật nghe xong bảy chuyện mà
A-nan gặp trong mộng, dáng vẻ ngài rất ưu tư, vô cùng cảm khái nói
rằng: “A-nan, cảnh mộng do tâm tạo, nhưng có lúc cảnh mộng đích thực
là điềm báo về chuyện tốt xấu ở tương lai. Bảy chuyện mà ông gặp
trong mộng sớm đã nằm trong dự đoán của ta, bây giờ ta sẽ giải thích
từng chuyện cho ông:
Thứ nhất: con mơ thấy sông lớn
biển cả đều bị lửa làm khô cạn, chuyện này tượng trưng cho Tỳ-kheo
trong tăng đoàn tương lai làm trái lời Phật dạy, nhận sự cúng dường, tạo
nên tranh đấu.
Thứ hai: con mơ thấy mặt trời
rơi rụng, thế giới Ta-bà là một mảng tối đen, con dùng hết sức đội
đỉnh núi Tu-di, điều này muốn nói 90 ngày nữa ta sẽ nhập
Niết-bàn, tương lai sẽ do con dẫn dắt đại chúng Tỳ-kheo, chư thiên,
người dân thọ nhận kinh giáo.
Thứ ba: ông mơ thấy các
Tỳ-kheo không tuân giữ giới luật khoác áo cà-sa, điều này muốn nói
sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, tương lai Tỳ-kheo mở đại hội giảng kinh
thuyết pháp, tuy trì pháp thâm sâu của Phật-đà, ngoài miệng tuyên giảng
nhưng lại không làm theo.
Thứ tư: ông mơ thấy pháp y
của Tỳ-kheo không vẹn toàn, bị vướng mắc trong gai góc, đây là sau
khi đức Phật nhập Niết-bàn, trong tương lai có rất nhiều Tỳ-kheo
không có pháp y, mặc y phục của người bình thường, phế bỏ giới luật
vui với thói đời, nuôi dưỡng vợ con.
Thứ năm: ông mơ thấy cây chiên
đàn tươi xanh, có rất nhiều heo rừng tới bới rễ cây, đó là sau khi
đức Phật nhập Niết-bàn, tương lai Tỳ-kheo không phát tâm tuyên giảng
chánh pháp của đức Phật nữa, chỉ lo toan tính cuộc sống của
mình, buôn bán Như Lai, lấy Phật sự tụng kinh siêu độ làm việc
chính.
Thứ sáu: con mơ thấy voi con
không tin vào lời voi lớn, dẫm đạp lên cỏ xanh, làm vẩn đục nước
sông, sau cùng đói khát mà chết. Điều này muốn nói sau khi đức Phật
nhập Niết-bàn, tương lai trong tăng đoàn có Tỳ-kheo trưởng lão trì
giới, hiểu rõ kinh điển, chỉ dạy hàng hậu học trẻ tuổi, giảng
nói tội phước như bóng theo hình, nhưng hàng hậu học trẻ tuổi không
chịu tin tưởng làm theo, sau khi chết đọa vào địa ngục.
Thứ bảy: con mơ thấy vua của
các loài thú là sư tử chết đi, các loài chim thú, côn trùng không dám đến
gần ăn thịt, nhưng mà từ trong thân sư tử tự có dòi sanh ra, còn ăn
thịt sư tử. Điều này muốn nói lúc đức Phật còn tại thế rộng thuyết giảng
rất nhiều kinh pháp. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, không có ngoại đạo
nào có thể phá hoại chánh pháp của Phật, nhưng mà đệ tử xuất gia tại
gia, thất chúng đệ tử của ta lại tự mình phá hoại pháp của ta.
A-nan!
Bảy chuyện ông gặp trong giấc mộng chính là điềm báo Phật giáo ở tương
lai. Sau khi Phật nói xong, ánh sáng của Phật hình như đang ảm đạm
dần. A-nan đa văn, nghe đức Phật kể tiền đồ thánh giáo ở tương
lai thì trong lòng đau buồn. Sau đây tôi sẽ đơn giản giới thiệu với
mọi người về thất chúng đệ tử: Thứ nhất là Tỳ-kheo; thứ hai là
Tỳ-kheo ni; thứ ba là Sa-di; thứ tư là Sa-di ni; thứ năm là Thức-xoa-ma-na; thứ
sáu là Ưu-bà-tắc; thứ bảy là Ưu-bà-di. Các bạn nghe xong câu chuyện
này có cảm nhận gì? Coi như giao bài tập cho các bạn, có thể nói
ra một hai ba bốn năm cảm nhận được không? Các bạn thử xem. Đối với
nghi vấn đầu tiên mà chúng ta đưa ra, bạn có tìm được mấy câu trả
lời trong những câu chuyện này? Có thể tham khảo những gì trước đây
tôi từng giảng.
Nghi
vấn thứ hai: Thánh nhân vô ngã, tại sao A-nan lại tự xưng là
ngã? Đối với vấn đề này, cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có giải thích như
sau: “Thánh nhân vô ngã mà sao A-nan lại tự xưng là ngã, vì chẳng
hoại giả danh vậy! Thật tướng vô tướng nên chẳng giống như phàm phu có
ngã. Thật tướng chẳng phải là không tướng nên chẳng giống vô ngã của Nhị
thừa. A-nan thuận theo thế gian giả gọi là ngã thì chẳng trái nghịch
đệ nhất nghĩa đế”. Quán Kinh Sớ nói: “Không ngã thì không ai
nghe, không ai nghe thì sự giáo hóa tuyệt. Vì để truyền dạy, hóa độ
chẳng tuyệt, giả danh nói ngã”. Đối với hai câu nói này phải hiểu như thế
nào? Tôi sẽ cố gắng giảng đơn giản dễ hiểu một chút. Nửa đầu quyển
kinh Kim Cang nói rằng: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh
tướng, vô thọ giả tướng”, đây là những gì thánh nhân Tiểu thừa chứng đắc. Thánh
nhân mặc dù chứng đắc vô ngã, nhưng mà nói chuyện với đại chúng, giao
lưu với đại chúng phải xưng ngã thì người khác mới hiểu, nếu như
không xưng ngã, người khác nghe không hiểu. Mọi người thử
xem, nếu như bạn giao lưu với người khác, đem chữ ngã, tức là tôi bỏ
đi, vậy thì không cách nào nói chuyện được. Chúng ta qua lại với
chúng sanh, phải hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức. Bạn vẫn phải
dùng tri kiến của phàm phu mới có thể qua lại với họ, nếu không thì
bạn không thể độ hóa chúng sanh. Hay nói cách khác, nói “ngã” là nhu
cầu để độ chúng sanh. Phải hòa quang đồng trần với chúng sanh, có
chung tiếng nói mới có thể độ chúng sanh.
“Ngã”
này là giả danh, mượn giả danh này dùng để làm gì? Phía trước,
chúng ta trích dẫn bốn câu trong Quán Kinh Sớ: “Không ngã thì không ai
nghe, không ai nghe thì sự giáo hóa sẽ đoạn tuyệt. Vì để truyền dạy,
hóa độ chẳng đoạn tuyệt, giả danh nói ngã”, câu này nói rất rõ
ràng, vì để truyền dạy hóa độ chẳng bị đoạn tuyệt, giả danh nói
ngã. Mượn giả danh này để truyền đạo, hóa độ chúng sanh. Dùng giả danh
này còn không được làm hỏng giả danh này. Tôi nói vậy có ý
gì? Không được lấy giả làm thật, coi giả danh này là thật, vậy
thì phiền phức rồi. Các bạn nghĩ mà xem, ví dụ trong cuộc sống của
chúng ta rất nhiều, tùy tiện nêu ra cũng có một đống. Tham sân si
mạn, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, nhân ngã thị phi,
v.v… Có điều nào rời được khỏi “ngã”? Chúng ta xem “ngã” này thành
thật. Vốn là mượn giả danh này dùng một chút, dùng không tốt, xem giả
thành thật, rơi vào bẫy rồi, làm nô lệ cho giả danh này, không
thể thoát ra được. Làm thế nào chỉ mượn giả danh này mà không làm
hỏng giả danh này?
Lão
pháp sư dạy chúng ta: giả danh, giả tướng đều không phá hoại, đều có
thể tùy thuận, mặc dù tùy thuận nhưng không được để ở trong
lòng, không để ở trong lòng thì không có chướng ngại; để ở trong lòng
thì bị ô nhiễm, tại sao vậy? Để ở trong lòng thì tâm động, tâm động
thì không còn thanh tịnh nữa. Chuyện gì cần làm vẫn làm, làm xong thì
buông xuống, không quan tâm kết quả thế nào, tận tâm tận lực là viên
mãn rồi. Như vậy mới thật sự không làm hỏng giả danh, không làm hỏng
giả tướng.
Nhận
thức của tôi đối với giả danh này, là nhận được sự gợi ý từ chồng của
tôi là Bồ-tát Lưu Minh Hoa. Ngày 19/05/2019, hai ngày trước khi
chồng tôi vãng sanh, ông ấy nói với tôi mười hai câu, trong đó có hai
câu là “đời này tới giúp bà, giả danh làm vợ chồng”, tôi không hiểu,
không phục, nói lại ông ấy: ông nó à, ông có ý gì vậy? Chung
sống với ông 53 năm, cuối cùng lại là giả danh vợ chồng, ông giải
thích cho tôi xem, chuyện này là thế nào. Ông ấy chậm rãi nhìn
tôi, giật con mắt bên phải, lại giật con mắt bên trái, sau đó
đôi tai động đậy, miệng trố ra. Tôi nói, đừng chuyển sang đề tài
khác, trả lời vấn đề của tôi. Ông ấy dùng tay chỉ ra ngoài cửa, ý
muốn nói có người tới, đừng nói nữa.
Ông
ấy không giải thích cho tôi nghe, lúc tôi soạn bài giảng thì câu trả lời
xuất hiện. Chồng tôi nói không sai chút nào, là giả danh vợ chồng
mà. Tỉ mỉ nghĩ lại, có Lưu Minh Hoa không? Không có, Lưu Minh
Hoa là giả; có Lưu Tố Vân không? Không có, Lưu Tố Vân cũng là
giả; có vợ chồng không? Không có, vợ chồng cũng là giả. Đều là
giả danh, tạm thời dùng mà thôi.
Viết
tới đây tôi nhớ tới một chuyện. Mười năm trước có một cô đồng tu
tới tìm tôi, kể lể nỗi khổ trong lòng cô ấy, chồng cô ấy ngoại
tình, tới hỏi tôi cô ấy phải làm sao? Tôi là người ăn nói vụng về,
không biết khuyên người khác. Hôm đó không biết vì sao có linh
cảm, tôi lại biết khuyên người khác. Mọi người có biết tôi khuyên thế
nào không? Tôi nói như vầy: Cô biết trượng phu nghĩa là gì không? Cô
ấy nói, trượng phu là chồng. Tôi nói đó là cách xưng hô của người hiện
nay, thời xưa gọi chồng là phu quân. Tôi nói hai chữ trượng
phu giải thích như thế này: “Trượng” là chiều dài, ở đây có nghĩa là
cự ly. “Phu” tức là phu quân. Kết hợp lại có nghĩa là người
chồng trong một trượng của bạn. Ngoài một trượng muốn của ai là của
người đó. Bên ngoài có người hầu hạ chồng cô, cô càng bớt việc, thời
gian còn lại đều thuộc về cô, lo niệm Phật cho tốt. Đây không phải là
chuyện tốt sao? Cô phải cảm ơn chồng mình! Tương lai cô thành
Phật, cũng có một phần công lao của chồng mình! Giúp cô qua ải nhẫn
nhục đó!
Cô
bạn đồng tu nghe tôi giải thích xong há hốc miệng, sau đó cười
nói: cô Lưu, cách giải thích của cô thật khác người. Lần đầu
tiên nghe từ “Trượng phu” được giải thích như vậy. Tôi nói tôi là
người hiếm thấy, giải thích vấn đề cũng hiếm thấy. Bạn đồng tu nào có
cùng cảnh ngộ, nghe xong câu chuyện này có cảm nhận gì? Có nhận
được sự gợi ý nào từ trong đó không? Có đồng tu gặp cảnh ngộ như
vậy nhưng không vượt qua được, giày vò chính mình, đau khổ không muốn
sống. Có người thì lại dùng cách quản thật chặt, xem điện thoại, canh
chồng mình, thật khờ dại biết bao. Bạn có thể trông chừng được mãi
sao? Bạn có thể giữ được thân của chồng mình, nhưng có thể giữ được tâm
của chồng mình không? Huống hồ bạn cũng chưa chắc có thể giữ được thân của
chồng mình. Có người khóc lóc, khổ sở van nài. Tôi cảm thấy không nên
làm vậy, bạn càng làm vậy, chồng bạn càng coi thường bạn. Bạn thấy có
đúng không? Lần này nghe được giả danh giả tướng, nghe hiểu
rồi, bạn sẽ biết phải làm thế nào. Tặng cho mọi người bốn câu:
“Kiêu ngạo không được
có,
Khí phách không thể không,
Nếu người không khí phách,
Khó ngẩng đầu trước người”.
Tiết học hôm nay giao lưu tới đây thôi, cảm ơn
mọi người, A-di-đà Phật!