PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG
GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 24/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện
Lục Hòa
Tập 7
Chư
vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Cuối
tiết trước tôi có tặng cho mọi người bốn câu:
“Kiêu ngạo không được
có,
Khí phách không thể
không,
Nếu người không khí
phách,
Khó ngẩng đầu trước
người”.
Tiếp
theo tôi sẽ kể một câu chuyện có liên quan tới khí phách cho mọi người
nghe. Có một đôi vợ chồng, có thể nói là thanh mai trúc mã, hai
nhỏ vô tư, lớn lên cùng nhau. Sau khi trưởng thành trở thành người
yêu, tiếp đó kết hôn thành vợ chồng đằm thắm. Kết hôn được 10
năm, sanh được hai người con trai, một người con gái, mặc dù
không phải gia đình giàu có gì nhưng mà gia đình năm người có trai có
gái, cũng được xem là gia đình yên ổn, hạnh phúc mỹ mãn! Qua mấy năm
sau, người chồng làm ăn phát đạt, trở thành ông chủ giàu có, lên như
diều gặp gió. Người chồng có tình nhân mới, quên mất tình nghĩa trước
đây, đề nghị ly hôn với vợ. Người vợ đối mặt với hiện thực, bình tĩnh
điềm đạm, không hạ mình cũng chẳng phản kháng, không khóc cũng chẳng
làm ầm ĩ, đồng ý ly hôn. Người chồng không ngờ được vợ mình lại
đồng ý nhanh như vậy, người chồng vui mừng khôn xiết. Nhưng mà trong
lòng cảm thấy áy náy, muốn dùng tiền để giải quyết chuyện này. Anh
hứa sẽ chia cho người vợ một số tiền lớn khi ly hôn. Người vợ nói
rằng, lúc em và anh kết hôn, chỉ yêu con người của anh, không
phải yêu tiền của anh, hơn nữa lúc đó anh cũng không có tiền. Người
vợ chỉ đưa ra một yêu cầu, vì muốn dạy dỗ tốt con cái, con cái lớn
lên khỏe mạnh, em muốn mang ba đứa con đi. Người chồng trầm tư một
lát rồi nói, vậy được, anh sẽ cho ba đứa con một số tiền lớn để nuôi
dưỡng chúng, để mấy mẹ con em không phải lo toan cuộc sống. Người vợ
nói, em cũng không cần đâu, em sẽ nuôi ba đứa con trưởng thành nên
người.
Người
vợ mang theo ba đứa con rời khỏi nơi khiến mình đau lòng, đến một
thành phố khác làm thuê kiếm sống. Chuyện sau đó chắc mọi người có
thể tưởng tượng ra được, khó khăn biết bao! Mặc dù người mẹ vô cùng
vất vả, nhưng nhìn thấy ba đứa trẻ hiểu chuyện ngày một trưởng
thành, cho dù trời có sập xuống cô cũng có thể đội lên được! Ông
trời không phụ người có lòng, ba đứa trẻ trưởng thành nên
người, không những học xong đại học, có hai đứa học tiến sĩ, một đứa
học thạc sĩ. Người mẹ vĩ đại đã nuôi lớn ba đứa con ưu tú. Câu
chuyện phía sau các bạn nghe xong sẽ càng cảm động hơn nữa. Nhiều năm
trôi qua, con trai lớn trở thành chủ tịch của một công ty lớn. Một
hôm, có một người tới công ty, tự xưng là cha của chủ tịch, nhân viên
đưa ông tới phòng làm việc của chủ tịch. Nhiều năm không
gặp, đôi bên đều cảm thấy khá xa lạ. Con trai đem chuyện này báo cho
mẹ biết, người mẹ nói: Để mẹ tới gặp. Hai người già gặp
nhau, gặp mặt không nói nên lời, thật sự là cảm xúc lẫn lộn, không
biết phải bắt đầu nói từ đâu. Người chồng nói với vợ, những năm qua
ông đã đổi bảy, tám cô tình nhân mới, người nào cũng lừa ông nhiều
tiền của, sau đó thì không thấy tung tích nữa. Nhiều năm trôi qua như
vậy, tuổi già sức yếu, tài sản cũng bị lừa không còn lại bao
nhiêu, bây giờ ông trở thành người cô độc. Ông nói ông tới tìm con
trai, là vì muốn có một gia đình, tìm lại một phần yêu
thương, để mình không còn cô đơn nữa. Kết quả cuối cùng mọi
người đoán ra rồi đúng không?
Người
mẹ hỏi con trai, con thấy nên làm thế nào? Con trai nói, con đều nghe
theo mẹ. Người mẹ nói rằng, ông ấy dù sao cũng là cha của
con, là người cho con sanh mạng. Trước đây ông ấy đi sai
đường. Bây giờ muốn về nhà, thân làm con cái, con hãy cho ông ấy
một gia đình để an hưởng tuổi già. Con trai có chút do dự nhìn qua
mẹ, vậy hai người… Người mẹ nói, ân oán của cha mẹ đã là
chuyện trước đây, không cần phải so đo nữa, càng không thể đem ân oán
đó truyền lại cho đời sau. Chỉ mong mỗi chúng ta đều bình
an! Câu chuyện đã hết, mọi người có cảm nhận gì không? Một người
phụ nữ vĩ đại, tôi thán thán khí phách của cô ấy, càng tán
thán tâm lượng rộng lớn như biển cả của cô ấy! Câu kinh văn “như thị
ngã văn” chúng ta đã giảng xong rồi, tiếp theo chúng ta nói tới “nhất
thời”.
“Nhất thời”
Nhất
thời là thời thành tựu. Trong kinh Phật dùng hai chữ nhất thời, dùng
thật sự quá hay. Tại sao trong kinh Phật không dùng ngày tháng cụ thể
nào? Bởi vì cách làm lịch mỗi nơi mỗi khác, cách phân chia thời gian
trên thế giới chẳng giống nhau, không có cách nào dùng thời gian cụ
thể. Ví dụ như một ngày ở trời Tứ Thiên Vương bằng với 50 năm dưới
nhân gian, một ngày dưới địa ngục bằng với 2.700 năm trên dương
gian. Lời hiện nay gọi là múi giờ. Khoa học chứng minh rằng thời
gian mặt trời xoay quanh trung tâm hệ ngân hà trọn một vòng tức là một năm
trên mặt trời, tương đương với 200 triệu năm trên địa cầu. Lại
nói, tốc độ chuyển động của vật thể càng gần với vận tốc ánh sáng thì
thời gian cũng tùy theo tốc độ chuyển động của vật thể mà biến
đổi, chẳng có số lượng nhất định. Cho nên trong kinh dùng hai chữ
nhất thời là hết sức thực tế vậy. Chữ nhất thời trong kinh này có ba
ý nghĩa:
Nghĩa thứ nhất là lúc cơ duyên thành Phật của chúng sanh
chín muồi.
Nghĩa thứ hai là lúc ba điều kiện tín, nguyện, hạnh
của chúng sanh đồng thời đầy đủ.
Nghĩa thứ ba là lúc chúng sanh và chư Phật Bồ-tát cảm
ứng đạo giao.
Ba
thời này hợp nhất thành một, chính là nhất thời. Giải thích sơ lược
ba tầng nghĩa này như sau:
Tại
sao vào lúc đó đức Phật muốn tuyên giảng kinh Vô Lượng Thọ? Bởi vì
đức Phật biết quán sát cơ duyên. Ngài thấy rằng trong đại chúng có người
căn cơ chín muồi. Căn cơ chín muồi này tức là cơ duyên thành Phật của
chúng sanh chín muồi. Vào lúc này nếu như không giảng bộ kinh
này, không nói pháp môn này, vậy thì đức Phật có lỗi với chúng
sanh. Bởi vì căn cơ của chúng sanh chín muồi, không có người thuyết pháp
cho họ thì họ không thành tựu được. Chúng sanh nghe được pháp môn
này, tin sâu không nghi ngờ, đây là “tín” của họ đã thành
tựu; nghe được pháp môn này, trong lòng hoan hỷ, một lòng cầu sanh
Tây Phương, đây là “nguyện” của họ đã thành tựu; sau khi nghe được
pháp môn này, áp dụng lý luận vào trong cuộc sống, “hạnh” của họ cũng
đã thành tựu. Tín, nguyện, hạnh đều đầy đủ, cho nên đức Phật nhất
định phải giảng bộ kinh này.
Chúng
sanh và chư Phật Bồ-tát cảm ứng đạo giao, cũng chính là câu “thầy trò đạo
hợp” mà chúng ta nói. Đây là thời điểm thầy giảng kinh, học trò nghe
kinh thích hợp nhất, không thể bỏ lỡ cơ duyên này. Chúng sanh có cơ
duyên thành Phật chín muồi cũng bao gồm cả chúng ta trong đó. Bộ kinh
này đức Phật thuyết cho chúng ta. Ba ngàn năm trước chúng ta đã
nghe, ba ngàn năm sau chúng ta vẫn đang nghe, cơ duyên thành Phật của
chúng ta ba ngàn năm trước đã chín muồi rồi, tại sao hơn ba ngàn năm
trôi qua, đến bây giờ vẫn chưa thành Phật? Chúng ta gặp được quá
nhiều quá nhiều cơ duyên thành Phật, chúng ta cũng đã bỏ lỡ quá nhiều
quá nhiều cơ duyên thành Phật. Mọi người có biết không? Bỏ lỡ một lần
chính là mấy ngàn kiếp! Chúng ta luân hồi trong lục đạo vô lượng
kiếp, đó là bởi vì chúng ta bỏ lỡ cơ duyên thành Phật tốt đẹp.
Bây
giờ chúng ta lại một lần nữa gặp được cơ duyên thành Phật, mặc dù chúng ta
sống trong thời buổi loạn lạc, đây là sự bất hạnh của chúng ta. Thế
nhưng chúng ta lại là người may mắn trong bất hạnh. Đại sư Ấn Quang tự
mình chọn lựa pháp môn niệm Phật cho chúng ta, lão cư sĩ Hạ Liên
Cư, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, lão pháp sư Tịnh Không, lão hòa
thượng Hải Hiền, lão Bồ-tát Lưu Tố Thanh, mỗi người một trách
nhiệm, cùng nhau đến thế giới Ta-bà, cứu độ chúng sanh khổ
nạn, đây là chuyện trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được. Lại đúng lúc
chúng ta gặp được. Cơ duyên thành Phật tốt như vậy, bạn vẫn bỏ lỡ hay
sao? Đánh mất rồi thì không còn gặp lại nữa!
Tiếp
theo giảng: “nhất thiết đại thánh, thần
thông dĩ đạt”.
“Nhất
thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt”. Hai câu này không phải là tán thán
Tỳ-kheo Tiểu thừa, mà là tán thán đại Bồ-tát. Ý muốn nói, học
trò đức Phật và đại chúng tham gia hội kinh Vô Lượng Thọ này đều là
đại Bồ-tát, đại thánh. “Nhất thiết” là chỉ một vạn hai ngàn
người tham gia pháp hội. Tiếp theo tôi sẽ giải thích chữ
“đại”. “Đại” trong tiếng Phạn gọi là ma-ha, ma-ha có nghĩa là
đại, gồm ba ý nghĩa: có nghĩa là đại; có nghĩa là đa; có
nghĩa là thắng. “Đại” là như A-di-đà Sớ Sao có nói: “Thiên vương, đại
nhân cùng kính ngưỡng, chẳng phải là đức nhỏ nên gọi là đại”. Xưng là
đại Tỳ-kheo, không chỉ thiên vương Dục giới, thiên vương Sắc giới,
trời Ma-hê-thủ-la đều tôn kính người tu hành trì giới, mà thảy đều
kính ngưỡng. Đương nhiên người đó có đức hạnh, không phải đức nhỏ, họ
có đức lớn, cho nên chiêu cảm thiên vương, đại nhân tôn kính. Tịnh
Ảnh Sớ chép: “Đức cao rộng lớn, quá dư cận học”, quá là vượt hơn, dư
là khác, cận học có nghĩa là sơ học, mặc dù học nhưng trí tuệ chưa
mở, đức năng còn có hạn nên gọi là đại.
Thế
nào gọi là đức cao? Thành thật, nghe lời, thật làm, đây gọi là đức
cao, người thông thường không có. Chỉ cần có đầy đủ đức hạnh như
vậy thì họ nhất định có thành tựu. Đó là đại đức, đáng để xưng
tán, khích lệ đại chúng học theo người đó. “Đa giả, nội điển ngoại tịch vô bất bác thông, phi quả giải dã”. Học
rộng nghe nhiều gọi là “đa”, “nội điển” là kinh điển của nhà Phật, “ngoại
tịch” là thư tịch bên ngoài không phải của Phật-đà, không gì chẳng bác
thông. “Bác” là học rộng, “thông” là thông đạt nên gọi là
đa. “Phi quả giải dã”, “quả” là ít, hiểu biết hạn hẹp, không
nhiều. Họ là mọi thứ đều thông đạt. “Thắng” là vượt trội, vượt
hơn những kẻ có học khác, đặc biệt là Ấn Độ có 96 thứ ngoại đạo, vượt
lên trên 96 thứ ngoại đạo gọi là thắng.
Trong
Phật Địa Luận, đại cũng có ba nghĩa: “Một là lợi căn tột bậc, là
chủng tánh ba-la-mật-đa”. Lợi căn tột bậc là người nào? Chúng ta thường
nói đó là bậc thượng thượng căn. Không chỉ nghe một biết mười, mà là
nghe một khai ngộ một ngàn. Ngoài ra còn có một loại, giống như ông
thợ vá nồi là đệ tử của lão hòa thượng Đế Nhàn, giống như lão hòa thượng
Hải Hiền, không biết chữ, chưa từng đi học, những người này là lợi
căn tột bậc. Tại sao vậy? Họ thành thật, nghe lời, thật làm, sư
phụ truyền một pháp môn, họ không hề hoài nghi, kiên trì đến
cùng, không cần thời gian quá dài họ đã có thể khế nhập cảnh giới. Sự
khế nhập này là minh tâm kiến tánh, thành tựu đại đức. Giống như phía
trước có nói, nội điển ngoại tịch họ đều không cần học, đại triệt đại
ngộ, bạn cầm những sách này đọc cho họ nghe, họ sẽ giảng cho bạn
nghe, toàn bộ đều thông đạt, đây là lợi căn tột bậc.
Do
đây có thể biết, lợi căn tột bậc ai ai cũng vốn có, không hề hiếm lạ
chút nào, người nào cũng có. Nhưng mà lợi căn tột bậc của chúng
ta vì sao lại biến thành độn căn, biến thành độn căn tột
bậc. Tại sao vậy? Đánh mất tín tâm, không tin tưởng chính mình có lợi
căn tột bậc, không tin tưởng chính mình vốn là Phật, không tin tưởng
chính mình có Phật tánh, vậy thì không còn cách nào khác. Nghe kinh
học giáo, nghe lời Phật dạy, họ nghe hiểu rồi thì họ nghĩ như thế
nào? Không phải đang nói tôi, tôi không phải là lợi căn, đang
nói tới người khác, chính mình không dám thừa nhận. Hay nói cách
khác, nếu như nói bộ kinh này chính mình không được thọ dụng. Vậy thì
ai thọ dụng? Người dám trực tiếp thừa nhận được thọ dụng, chắc chắn
là Phật nói cho mình nghe, người như vậy có được thọ dụng. Nếu như nghĩ
lời Phật nói không dành cho mình, mà dành cho người khác, vậy thì
không có được thọ dụng.
Phật
pháp là pháp bình đẳng, pháp bình đẳng là thật, có cao, có thấp là
giả. Thành tựu của Phật pháp ở chỗ buông xuống, nhất thời đốn xả thì
nhất thời đốn chứng, bạn xả bao nhiêu thì chứng bấy nhiêu. Xả kiến tư
phiền não, không chấp trước nữa thì chứng A-la-hán; xả trần sa phiền
não thì thành Bồ-tát; xả căn bản vô minh, tức khởi tâm động
niệm. Không khởi tâm, không động niệm, chúc mừng bạn đã thành
Phật. đó chính là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Ai có?
Ai ai cũng có, chỉ là không dám trực tiếp thừa nhận. Đức Phật không
có cách nào khác, Phật đành phải đợi, duyên chưa chín muồi đành đợi
trước đã, đợi khi nào bạn giác ngộ, khi nào bạn thừa nhận, đức
Phật rất kiên nhẫn, cho dù đợi vô lượng kiếp ngài cũng vẫn đợi, các
bạn nhẫn tâm để Phật đợi vô lượng kiếp hay sao? Chúng ta nhất định phải
biết, ai cũng có lợi căn tột bậc, chủng tánh
ba-la-mật-đa, ba-la-mật-đa là trí tuệ, là trí tuệ cứu cánh. Đây
là nghĩa của dại.
“Hai
là đắc quả vị vô học”, vô học là A-la-hán. Ai cũng có thể chứng đắc
quả A-la-hán, ai cũng có thể siêu việt lục đạo luân hồi ngay trong
một đời, chỉ là bạn có chịu hay không? Điều kiện siêu việt lục đạo
luân hồi rất đơn giản, không hề có chút lưu luyến nào với lục đạo thì
siêu việt. Nếu như còn tham luyến lục đạo, không thể hoàn toàn buông
xuống thì bạn không thể thoát ly. Khi bạn tu hành tương đối có công
phu, ma sẽ đến thị hiện, thị hiện điều gì? Tài, sắc, danh,
lợi, dùng những thứ này để mê hoặc bạn. Chỉ cần bạn sanh tâm tham với
một thứ trong đó, khởi tâm động niệm thì ma liền thắng lợi, bạn không
thể thoát khỏi lục đạo luân hồi, vẫn phải làm quyến thuộc của
ma. Điểm này không thể không biết, đây cũng là nghĩa của đại.
“Ba
là đã đắc tiểu quả, hướng đến đại Bồ-đề”, đắc tiểu quả nhưng không trụ ở
tiểu quả, không thỏa mãn ở tiểu quả, ngay lập tức hồi tiểu hướng
đại, học Đại thừa, đại Bồ-đề là Đại thừa.
Do
ba nghĩa trên đây nên gọi là đại, đại có ba nghĩa như vậy.
Tịnh
Ảnh Sớ giải thích đại như sau: “Đại có hai nghĩa: một, địa vị
cao gọi là đại, hai, đức thù thắng gọi là đại”. Đức thù thắng tức là
đạo đức thù thắng nên gọi là đại. Thánh có nghĩa là hiểu biết đúng
đắn, “hội chánh vi thánh”. Chánh là chánh tri chánh kiến, tránh
xa tà kiến sai lệch thì gọi là chánh, có nghĩa là thánh nhân Trung Quốc.
Nếu
từ đức mà nói thì khế hợp không lý, không lý là chân lý, chân lý là
không, không thể có được, cho nên gọi là tánh không. Tánh không có
hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, cũng không có
hiện tượng tự nhiên. Khế là khế nhập, trong Tịnh độ gọi là Thường
Tịch Quang.
Thường,
bất sanh bất diệt gọi là thường, nó không có biến hóa. Lục đạo, thập
pháp giới là pháp sanh diệt, có sanh có diệt gọi là vô thường. Nhất
chân pháp giới không có sanh diệt, Thường Tịch Quang thì càng không cần
nói tới, Thường Tịch Quang không có sanh diệt.
Tịch
là thanh tịnh, bình đẳng, thanh tịnh đến cực điểm, bình đẳng đến cực
điểm. Đại sư Huệ Năng có câu: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh
tịnh; nào ngờ tự tánh, vốn không dao động”, chính là nói tới cảnh
giới này. Vốn không dao động chính là bình đẳng. Thanh tịnh, bình
đẳng gọi là tịch. Có nghĩa là thường, có nghĩa là quang.
Quang,
quang là gì? Không nơi nào không có, không lúc nào không có, quang
minh chiếu khắp, đây là tự tánh. Cho nên năm chữ trong đề kinh, thanh
tịnh bình đẳng giác, giác chính là quang minh chiếu khắp, năm chữ này
là Thường Tịch Quang, cũng là tự tánh. Chính là bản tánh chân như.
Không thể có được, dùng một chữ không, tánh không khế nhập không
lý. Trong Thường Tịch Quang vốn không một vật. Ai chứng đắc? Pháp
thân Bồ-tát chứng đắc, chứng đắc gọi là minh tâm kiến tánh, chứng đắc
gọi là thành Phật, kiến tánh thành Phật. Đây là đức, từ đức mà nói.
“Hiểu
đúng chánh đạo gọi là thánh; hoặc từ quả vị mà nói”, đây là quả vị tu
hành. “Từ Sơ quả trở lên đều gọi là thánh, do hồi tiểu hướng
đại, hành Bồ-tát đạo, hướng thẳng đến Phật quả mới gọi là tột
cùng đại A-la-hán”, đây gọi là đại thánh, quả vị rốt ráo của họ là
minh tâm kiến tánh, trong Đại thừa không còn gì để học, đã tốt nghiệp
Đại thừa rồi.
“Hoặc
là bậc đại quyền thị hiện”, cũng gọi là đại thánh. Những vị này “mới gọi
là đại thánh”, đại quyền thị hiện là gì? Chính là pháp thân
Bồ-tát, pháp thân Bồ-tát trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm, thị hiện
làm Thanh văn, thị hiện làm cư sĩ, thị hiện làm hộ pháp, đại
quyền thị hiện, những vị này đều là đại thánh.
Lão
pháp sư từng nói rằng, tam hiền thập thánh, giai vị Bồ-tát tam
hiền là Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng; thập thánh là từ Sơ địa
đến Thập địa. Bồ-tát từ Sơ địa trở lên xưng là thánh nhân, chỉ có
Đẳng giác Bồ-tát mới có thể xưng là đại thánh. Tiếp theo chúng ta nói tới
A-nan. A-nan là Sơ quả, Sơ quả thì xưng thánh chứ không thể xưng là
đại thánh, bởi vì A-nan chưa chứng quả A-la-hán, chưa hồi tiểu hướng
đại, vậy thì tại sao A-nan cũng xưng là đại thánh? “Đương thời, ngài
A-nan tuy chưa đắc lậu-tận, nhưng do là đương cơ nên cũng được liệt vào
trong các vị này”. Điều này nói cho chúng ta biết, thân phận của
A-nan đặc thù, ngài là người đương cơ của nửa đầu bộ kinh Vô Lượng
Thọ, cho nên ngài cũng được liệt vào là một trong hết thảy đại
thánh, cũng nói ngài đã đạt thần thông. “Đã hiểu biết trọn vẹn thần
thông”, trọn vẹn tức là hiểu biết triệt để, “nên cũng gọi là đã
đạt”. Đã đạt tức là hiểu biết triệt để. “Do vậy mà ngài A-nan cũng
được nêu tên trong số hết thảy đại thánh, đã đạt thần thông”. Đại
chúng trong pháp hội này đều là bậc đại trí, đại đức. Bộ kinh Vô
Lượng Thọ này do Thích-ca Mâu-ni Phật tự mình thuyết giảng, Phật nói
“hết thảy đại thánh, thần thông đã đạt”, tức là nói một vạn hai ngàn người
tham dự pháp hội đều là đại thánh.
“Thần
thông đã đạt” chú trọng vào chữ đạt, đạt là thông đạt viên
mãn, quyết định không có chướng ngại. Chỉ có đại thánh mới có thể đã
đạt. Tịnh Ảnh Sớ nói rằng: “Thần thông đã đạt là đầy đủ sáu loại thần
thông. Khen ngợi đức của họ thù thắng, việc làm thần dị”, những việc
mà họ đã làm, dùng cách nói của chúng ta là không cách nào tưởng tượng
được nên gọi là thần. Không bị úng trệ là thông, không có chướng ngại
thì thông đạt. Gọi là thân thông tức là thân thể của họ có thể biến
hóa, có thể biến thân lớn, có thể biến thân nhỏ, có thể hiện có thân,
cũng có thể hiện không thân. “Thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mệnh đắc
lậu tận”, lậu tận tức là kiến tư phiền não đã tận. Vì vậy, thần nghĩa
là chẳng lường được, thông nghĩa là vô ngại, không có chướng
ngại. Hai chữ thông đạt chúng ta thường dùng cùng nhau. Ngài Gia
Tường nói: “Đạt là chứng”, họ đến được cảnh giới đạt rồi, là
cảnh giới gì? “Chính là chứng lục thông, tam minh”.
Lục
thông là A-la-hán chứng đắc, tức thiên nhãn thông, thiên nhĩ
thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận
thông. Tam minh là những gì Phật chứng đắc, tức là túc mạng minh,
thiên nhãn minh, lậu tận minh. Túc mạng minh là biết rõ hết thảy
chuyện tiền kiếp của chính mình và người khác; Thiên nhãn minh là biết
rõ hết thảy chuyện tương lai của chính mình và người khác; Lậu tận
minh là dùng thánh trí đoạn sạch hết thảy phiền não. Ba điều trên nếu
là A-la-hán thì gọi là tam minh, nếu là Phật gọi là tam đạt.
Lục
thông đạt tới cứu cánh viên mãn chính là tam minh. Pháp thân Bồ-tát mặc dù
vị nào cũng chứng đắc lục thông nhưng sức mạnh lục thông không giống
nhau, Thập trụ Bồ-tát không bằng Thập hồi hướng, Thập hồi hướng
Bồ-tát không bằng Thập địa, Thập địa Bồ-tát không bằng Đẳng giác. Mặc
dù đều có lục thông nhưng cấp bậc không giống nhau. Đẳng giác Bồ-tát
so với Diệu giác, Phật, dùng một câu ví von gọi là “cách lụa nhìn
trăng”. Hàng dệt tơ ngày xưa mịn nhất gọi là lụa mỏng, rất mỏng,
trong suốt, nhìn trăng qua tấm lụa mỏng, vẫn là nhìn gián tiếp, thấy
lờ mờ, đây là Đẳng giác Bồ-tát. Phật thì sao? Không còn bị tấm lụa
che nữa, trực tiếp nhìn thấy mặt trăng. Điều này nói cho chúng ta
biết nhất định phải chứng đắc quả vị Phật thì lục thông, tam minh mới
viên mãn. Chúng ta phải hướng đến mục tiêu này mà bước tới!
Tiếp
theo tôi sẽ giới thiệu năm vị đại Bồ-tát Thượng Thủ.
“Kỳ danh viết. Tôn giả
Kiều-trần-như. Tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả Đại
Mục-kiền-liên. Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả A-nan đẳng. Nhi vi
Thượng Thủ”.
Tên
của các vị thượng thủ được liệt kê trong kinh Phật có hàm nghĩa rất
sâu. Từ trong đó chúng ta có thể thấy được điểm đặc sắc của bộ kinh
này, cũng có thể nhìn ra địa vị của bộ kinh này trong Phật
pháp. Năm vị đại Bồ-tát thượng thủ mà bộ kinh này kể tên ra, các ngài
đều là thông gia, nhưng ở kinh này mỗi vị đại Bồ-tát tiêu biểu cho một
môn, nêu lên sở trường của họ dùng để biểu pháp.
“Tên
các ngài là: Tôn giả Kiều-trần-như”. Chúng ta đọc rất nhiều kinh
điển, có bộ kinh nào liệt kê tên tôn giả Kiều-trần-như đầu tiên
không? Không có. Trong kinh Vô Lượng Thọ tôn giả Kiều-trần-như được
viết đầu tiên, thể hiện điều gì? Thể hiện rằng tôn giả
Kiều-trần-như là học trò đầu tiên được độ kể từ khi Thích-ca Mâu-ni
Phật thị hiện thành Phật, cũng là đệ tử chứng đắc A-la-hán đầu
tiên. Phật thuyết pháp cho năm vị Tỳ-kheo tại vườn Lộc Dã, Phật thuyết
xong pháp Tứ Đế, Kiều-trần-như liền đắc A-la-hán, cho thấy rằng căn
tánh của ngài rất lanh lợi. Người đầu tiên đắc độ, người đầu tiên
chứng quả, ngài là đệ tử đầu tiên của đức Phật.
Chánh
pháp xuất hiện trên thế gian, có người thuyết pháp là Thích-ca Mâu-ni
Phật; có người nghe pháp là năm vị Tỳ-kheo; có người tu hành, sau khi
nghe xong liền thật làm, thực tiễn thì là tu hành; có người chứng
quả, Kiều-trần-như chứng quả A-la-hán. Là người đầu tiên [chứng đắc]
khi chánh pháp xuất hiện ở thế gian, ngài đại biểu cho điều gì? Đại
biểu pháp môn niệm Phật là pháp môn thành Phật đệ nhất. Lúc Phật chưa
thành đạo, tu Bồ-tát nhẫn nhục ba-la-mật, gặp vua Ca-lợi, bị vua
Ca-lợi cắt xẻo thân thể, Phật phát nguyện rằng: “Tương lai khi tôi
thành Phật thì ông sẽ là người đầu tiên tôi độ”. Vua Ca-lợi chính là
tiền thân của Kiều-trần-như, cho nên sau khi Thích-ca Mâu-ni Phật thành
Phật, người đầu tiên được độ là Kiều-trần-như. “Phật gọi người đó là”, Phật ở đây là chỉ Thích-ca Mâu-ni
Phật, gọi người đó là “Tỳ-kheo bậc nhất trong hàng Thanh văn của
ta”. Trong kinh A-hàm đức Phật tán thán tôn giả Kiều-trần-như: “Khoan
nhân bác thức”. Khoan là chỉ tâm địa của ngài, tâm lượng rộng
lớn, người Trung Quốc chúng ta gọi là lượng lớn, khoan tức là lượng
lớn, có thể bao dung người khác, tâm bao thái hư, lượng chu sa giới gọi là
khoan; nhân là từ bi, nhân từ, đại từ đại bi; bác thức, ngài nghiêm
túc học tập, có trí tuệ, có học vấn. “Thiện năng khuyên hóa”. Ưa
thích dạy học, giáo hóa chúng sanh. “Tương dưỡng thánh chúng”, tương
tức là dẫn dắt, ngài cũng giống như lớp trưởng của thời bây giờ
vậy, dẫn dắt một lớp học, dạy dỗ họ. “Bất thất oai nghi”, ngài
dạy rất hay, giảng rất hay, có thể tuân theo quy củ. Kinh Vô Lượng
Thọ trước hết nêu tôn danh của ngài “nhằm biểu thị người có thể nghe nhận
kinh pháp này đều là đệ tử bậc nhất”. Câu này nói rất hay! Câu
này là do lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói, có ý nghĩa gì? Bạn có thể nghe
được bộ kinh này, bạn có thể thọ trì bộ kinh này, chữ thọ này có
nghĩa gì? Thật sự làm, thật sự học, vậy thì bạn là đệ tử bậc nhất của
A-di-đà Phật, là đệ tử bậc nhất của Thích-ca Mâu-ni Phật.
Các
đồng tu, đệ tử bậc nhất không phải do lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ tự mình
nói, mà là Thích-ca Mâu-ni Phật giảng trong kinh, Hoàng Niệm lão chỉ
mượn lời Phật để nói. Chúng ta tu hành theo bộ kinh này, theo pháp
môn này đều là đệ tử bậc nhất của Phật, chúng ta phải dũng cảm trực
tiếp thừa nhận, không nên khách sáo. Chúng ta đích thực là đệ tử bậc
nhất của Phật.
Tiếp
theo chúng ta giới thiệu “tôn giả Xá-lợi-phất”.
Tôn
giả Xá-lợi-phất.
Trong
số đệ tử của Thích-ca Mâu-ni Phật, thì tôn giả Xá-lợi-phất đại biểu
trí tuệ đệ nhất, ngài là đệ tử thủ tọa của đức Phật. Là đệ tử mà đức
Phật tín nhiệm nhất. Lúc con trai La-hầu-la của đức Phật còn nhỏ, đức
Phật đã từng bảo La-hầu-la bái Xá-lợi-phất làm thầy, theo Xá-lợi-phất thọ
giới Sa-di; lúc tinh xá Kỳ Viên được xây dựng, người kính vâng từ
mệnh của đức Phật tới đôn đốc công trình cũng là
Xá-lợi-phất; thành Xá-vệ ở phương Bắc, lúc đó Phật pháp vẫn chưa
truyền tới phương Bắc mà ngài đã có thể nhiếp phục ngoại đạo trước
rồi, khiến họ quy y đức Phật. Quý đồng tu, vì để cho mọi
người càng hiểu hơn về vị thủ tọa đệ tử này của đức Phật, tôi muốn kể
cho mọi người nghe một chút, nói một cách chính xác là tôi đã
đọc chuyện của tôn giả Xá-lợi-phất, câu chuyện này tương đối
dài, tôi tin rằng mọi người nghe xong sẽ có rất nhiều cảm ngộ. Nói
tới trí tuệ của ngài Xá-lợi-phất, nghe nói lúc mẹ ngài mang thai, đột
nhiên trở nên trí tuệ hơn người. Nhà hùng biện nổi tiếng nhất trong
Bà-la-môn giáo thời bấy giờ là cậu của Xá-lợi-phất, ông
Câu-hy-la, cũng gọi là Trường Trảo Phạm Chí, vậy mà không biện luận
được lại mẹ của Xá-lợi-phất. Trước khi Xá-lợi-phất ra đời, cậu
và mẹ của ngài đều cảm thấy rằng tương lai ngài sẽ là một nhân vật không
hề tầm thường. Sau đó Trường Trảo Phạm Chí quy y đức Phật, bởi vì ông
biết cháu của mình nếu không phải gặp được bậc đại giác thì nó sẽ
không bái người đó làm thầy. Là vì ông tin tưởng điểm này của
Xá-lợi-phất, cho nên mới dũng cảm buông bỏ mê vọng, quy y dưới tòa
của đức Phật.
Trí
tuệ của ngài Xá-lợi-phất mặc dù siêu việt hơn người, nhưng mà ngài
lại luôn luôn nghe theo đức Phật, chưa từng có phản cảm đối với bất
kỳ lời dạy nào của đức Phật. Có một lần, Xá-lợi-phất dẫn theo sa-di
La-hầu-la mang bình bát ra ngoài khất thực trở về, đức Phật nhìn thấy
sắc mặt của La-hầu-la rất khó coi, biết được trong lòng La-hầu-la nhất
định có chuyện bực bội bất bình, đức Phật gọi La-hầu-la tới, hỏi ông
có chuyện gì cảm thấy không hài lòng. La-hầu-la trẻ tuổi cúi đầu xấu
hổ nói với đức Phật: “Bạch Phật! Tỳ-kheo Thượng tọa và Trung tọa mang
theo bình bát ra ngoài khất thực, các tín chúng đều cúng dường món ngon
thượng đẳng, sa-di mới vào đạo như chúng con, các tín chúng trộn lẫn
bã mè và rau dại vào trong cơm rồi cúng dường cho chúng con. Thân thể
con người đối với ăn uống đâu có phân biệt tuổi tác và giới hạnh, đều
có nhu cầu giống nhau. Lúc các trưởng lão thọ nhận chỉ để ý chính
mình, không quan tâm đến chúng con, khiến cho tín chúng sanh tâm phân
biệt khi cúng dường. Bạch Phật! Ăn dầu mè và váng sữa thì thân thể
mới khỏe mạnh, mới có sức lực, mới có thể yên tâm tu hành; nhưng mà
mỗi ngày chúng con chỉ ăn bã mè và rau dại không đủ dinh
dưỡng, thường cảm thấy thân thể mệt mỏi, làm sao có thể tinh tấn tu
hành được?”
Đức
Phật nghe La-hầu-la nói như vậy liền ngăn ông lại, dùng khẩu khí giáo
huấn nói rằng: “Chuyện như vậy cũng không cần con nói ra, nếu nghĩ
rằng khi chúng ta tu hành có thể thọ nhận cúng dường một hạt mè, một hạt
lúa mạch của tín chúng thì đã là chuyện quá đáng rồi”. Mặc dù đức
Phật dạy dỗ La-hầu-la như vậy, nhưng đức Phật biết được các tín
chúng có sự phân biệt như vậy khi cúng dường các sa-môn, trong lòng
rất không hoan hỉ. Sau khi đức Phật bảo La-hầu-la rời đi, đức Phật
cho mời Xá-lợi-phất tới, vẻ mặt ôn hòa nói với
Xá-lợi-phất: “Xá-lợi-phất, hôm nay ông thọ nhận đồ ăn bất tịnh, ông
có biết hay không?” Xá-lợi-phất vừa nghe liền kinh ngạc, mau chóng nôn ra
hết toàn bộ đồ ăn đã thọ nhận ngày hôm đó. Xá-lợi-phất thưa với Phật
rằng: “Bạch Phật! Từ khi con quy y đức Phật đến nay, con luôn làm
theo pháp khất thực của đức Phật mà đi hành hóa, con không dám không
tuân theo pháp khất thực của Phật để đi riêng”. Đức Phật
giảng tăng đoàn Lục hòa kính cho Xá-lợi-phất nghe, trưởng lão phải
yêu thương chăm sóc Tỳ-kheo và sa-di còn trẻ tuổi như thế nào. Xá-lợi-phất
không hề bực bội bất bình chút nào, đối với giáo pháp của đức
Phật ngài chỉ biết cảm ân tiếp nhận. Sau đó đức Phật càng tin
tưởng và khen ngợi Xá-lợi-phất. Ngoài đức Phật ra, Xá-lợi-phất
cũng là người được mọi người trong tăng đoàn tôn kính nhất.
Xá-lợi-phất ngày một lớn tuổi, có một lần
sau khi an cư kiết hạ tại tinh xá Kỳ Viên, Xá-lợi-phất thỉnh
Phật cho phép ngài ra ngoài vân du bốn phương hoằng dương Phật
pháp, đức Phật liền rất hoan hỉ cho phép, đồng thời khen ngợi
Xá-lợi-phất có tâm vui vẻ lợi ích người khác. Nhưng mà sau khi Xá-lợi-phất
rời khỏi tinh xá Kỳ Viên không bao lâu liền có một vị Tỳ-kheo đến trước
tòa của Phật nói rằng: “Bạch Phật! Xá-lợi-phất không phải muốn ra
ngoài hoằng pháp. Bởi vì ông ta sỉ nhục con, cảm thấy hổ thẹn với
con nên mới ra ngoài vân du”. Điều đức Phật không thích nhất đó là
hủy báng sau lưng người khác, cho nên vừa nghe xong liền lập tức kêu
người tìm Xá-lợi-phất về, đồng thời gọi A-nan tới, tập hợp đại chúng
cùng tới giảng đường. Mọi người không biết tại sao phải tập
hợp, Xá-lợi-phất cũng không biết tại sao đức Phật lại gọi ngài trở
về, trong lòng mọi người đều cảm thấy lạ lùng. Khi đức Phật nhìn thấy
Xá-lợi-phất quay về, ngài ở trước mặt đại chúng nghiêm túc hỏi Xá-lợi-phất
rằng: “Xá-lợi-phất! Ông rời đi không lâu, có một Tỳ-kheo tới nói
rằng ông sỉ nhục người ấy cho nên mới ra ngoài vân du, thật sự
có chuyện như vậy không?” Xá-lợi-phất ôn hòa và cung kính trả lời
rằng: “Bạch Phật! Từ lúc con sanh ra cho tới ngày hôm nay con đã gần
80 tuổi, trong ký ức của con chưa từng sát hại sanh mạng, chưa
từng nói lời dối trá, ngoài việc đi hoằng dương chân lý ra, con chưa
từng vì lợi hại được mất riêng tư mà luận ngắn so dài với người
khác, hôm nay là ngày an cư kiết hạ cuối cùng, ba tháng nay, ngày nào
con cũng sám hối, tâm của con trong suốt như sóng biếc vậy, vào lúc
này con nào biết coi thường người khác? Bạch Phật! Bùn đất trên đại
địa này là thứ có thể nhẫn nhục nhất, cho dù thứ bất tịnh gì đổ lên
nó, nó cũng không hề cự tuyệt, phân và nước tiểu, máu mủ, đàm
dãi, bùn đất đều ung dung đón nhận. Tâm của con hôm nay có thể
bày tỏ với Phật là giống như đại địa vậy, bằng lòng nhẫn nhục chứ
không muốn làm trái ý người khác. Bạch Phật! Nước chảy trong vắt, cho
dù là đồ tốt hay đồ xấu đều rửa sạch vậy, con không có suy nghĩ yêu
ghét, tâm của con hôm nay giống như nước chảy vậy. Bạch Phật! Cây
chổi là dùng để quét sạch bụi bẩn, lúc quét dọn không hề kén chọn xấu
tốt, tâm của con hôm nay thực sự là không hề sanh tâm phân biệt yêu
ghét. Bạch Phật! Con tiếp nhận sự dạy bảo của người, luôn an trú
trong chánh niệm, tuyệt đối không hề coi thường Tỳ-kheo khác, con nói
với Phật như vậy, con biết chuyện của chính con, vị Tỳ-kheo đó cũng
biết chuyện của chính vị ấy, nếu như là lỗi lầm của con, con bằng
lòng sám hối với vị Tỳ-kheo đó, để xóa bỏ sự khiển trách trong lương tâm
của con”. Xá-lợi-phất đã gần 80 tuổi, đối với đức Phật trình bày
sự thật một cách đúng mực như vậy, đại chúng nghe xong không ai không
cảm động. Câu chuyện của ngài Xá-lợi-phất vẫn chưa kể xong, tiết học
sau chúng ta tiếp tục.
Tiết học hôm nay giao lưu tới đây, cảm ơn mọi
người, A-di-đà Phật!