PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA
VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,
THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 24/11/2020
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 8
Chư vị đồng tu tôn
kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm nay chúng ta tiếp
tục kể câu chuyện về vị thủ tọa đệ tử của Thích-ca Mâu-ni Phật, ngài
Xá-lợi-phất. Đức Phật nói với vị Tỳ-kheo hủy báng Xá-lợi-phất
rằng: “Lỗi hủy báng trưởng lão của ông bây giờ không thể sám
hối, ông không biết suy nghĩ cho sự hòa hợp của tăng đoàn, ông cố ý
muốn khiến cho tăng đoàn xảy ra tranh chấp, nếu như ông không thành thật
sám hối thì đầu của ông sẽ nứt ra”. Vị Tỳ-kheo hủy báng Xá-lợi-phất ngay
lập tức quỳ xuống trước tòa của Phật, cầu xin đức Phật: “Bạch Phật!
Cầu xin người từ bi thương xót con, cho con cơ hội được sám hối”. Đức
Phật nói một cách trang nghiêm rằng: “Ông hãy sám hối với
Xá-lợi-phất!” Vị Tỳ-kheo đó phủ phục đầu xuống quỳ trước mặt
Xá-lợi-phất, Xá-lợi-phất dùng tay xoa đầu vị Tỳ-kheo đó, hiền từ
nói: “Này Tỳ-kheo! Sám hối ở trong giáo pháp của đức Phật, hiệu quả
ấy vô cùng lớn, người có thể hối lỗi, có thể sửa xưa tu nay, thực sự
là việc thiện rất lớn. Tôi tiếp nhận sự sám hối của ông, sau này ông
đừng phạm sai lầm nữa”. Thái độ của Xá-lợi-phất, lời nói của
Xá-lợi-phất khiến người nghe đều vô cùng cảm động. Có một lần đức
Phật dẫn đệ tử ra ngoài đi xa truyền bá giáo nghĩa, lúc trở về thành
Xá-vệ bị đại chúng gièm chê, vì các đệ tử của Lục quần Tỳ-kheo đã tới
tinh xá Kỳ Viên trước Phật và đại chúng, hơn nữa chiếm được chỗ ngồi khá
tốt, chẳng những thế còn nói với mọi người rằng: “Đây là chỗ của sư
phụ chúng ta, đây là chỗ mà chúng ta nên có được”. Sau khi đức Phật
trở về, Xá-lợi-phất cũng quay về tinh xá Kỳ Viên, nhìn thấy chỗ ngồi
trước đây của mình đã bị Lục quần Tỳ-kheo chiếm mất nên ngài ngồi
tĩnh tọa qua đêm dưới một gốc cây. Sáng sớm đức Phật thức dậy, nghe
thấy dưới gốc cây có tiếng ho, đức Phật hỏi: “Ai ở đó vậy? Tại sao
không tĩnh tọa ở trong phòng?” Xá-lợi-phất lớn tuổi trả lời
rằng: “Bạch Phật! Là con, Xá-lợi-phất. Vì hôm qua người trở về cùng
đức Phật rất nhiều, tinh xá đã hết phòng trống cho nên con ngủ dưới
gốc cây một đêm, không sao đâu ạ”. Đức Phật nghe xong, mượn nhân
duyên này thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo! Ta
hỏi các ông, trong giáo đoàn của ta người như thế nào mới có thể
được thọ nhận giường nằm thượng đẳng, nước uống thượng đẳng, đồ ăn thượng
đẳng?”
Trong chúng Tỳ-kheo có
người nói phải là dòng dõi sát-đế-lợi hoặc bà-la-môn xuất gia thì mới
được, có người nói phải là người trì giới tu hành mới được, có người
nói phải là người truyền bá giáo nghĩa mới được, cuối cùng đức Phật trang
nghiêm nói với chúng Tỳ-kheo rằng: “Này các Tỳ-kheo! Trước đây trên Tuyết
Sơn có chim ngói, vượn khỉ và voi chung sống với nhau, chúng tuy là
bạn bè nhưng không tôn trọng nhau, sau đó chúng cảm thấy làm như vậy
không đúng, nên mới cung kính với con vật lớn tuổi nhất, làm theo lời
răn dạy của con vật đó. Cứ như vậy, khi chúng thân hoại mạng chung đều
sanh về cõi lành. Này các Tỳ-kheo! Nếu các ông tôn kính bậc trưởng
lão có pháp lạp thì trong đời này được người khác xưng tán, đời sau
mới có thể sanh vào cõi lành. Này các Tỳ-kheo! Trong giáo pháp của
ta không phân cấp bậc cao thấp, nhưng trong giáo pháp của ta có
trưởng lão giới pháp lạp cao, các ông phải phụng sự lễ bái, cúng
dường, các trưởng lão nên được thọ nhận giường nằm hạng nhất, nước
uống hạng nhất, đồ ăn hạng nhất”. Pháp ngữ của đức Phật, Xá-lợi-phất
nghe xong rất cảm động, chúng Tỳ-kheo nghe xong cũng rất cảm động!
Mục-kiền-liên là bạn
lâu năm của Xá-lợi-phất, có một lần trên đường đi truyền bá giáo
nghĩa bị nhóm ngoại đạo lõa thể hãm hại. Xá-lợi-phất biết được tin
này trong lòng rất thương cảm. Đức Phật biết Mục-kiền-liên bị ngoại
đạo lõa thể hãm hại trong lòng cũng rất đau buồn, đức Phật từ thành
Ba-liên-phất vượt sông Hằng tới thành Tỳ-xá-ly gần rừng cây của thôn Trúc
Phương, ngài báo với đại chúng rằng ba tháng sau ngài sẽ nhập
Niết-bàn. Mọi người vừa nghe giống như âm thanh long trời lở
đất, đều cảm thấy vũ trụ xoay chuyển, mức độ bi thương còn hơn
cả khi cha mẹ qua đời. Trong ba tháng này đức Phật tới tinh xá Kì
Viên, tinh xá Trúc Lâm, giảng đường Trùng Các, tinh xá
Bàn-sư-đa, giảng đường Lộc Mẫu v.v… Ngài đều tới qua một lần. Đức
Phật muốn trước khi nhập Niết-bàn, hy vọng gặp những người mà ngài muốn
gặp, giảng những điều mà ngài muốn giảng. Vào lúc này, Xá-lợi-phất
muốn nhập Niết-bàn trước. Có một hôm trong lúc thiền định Xá-lợi-phất nghĩ
rằng: “Chư Phật quá khứ, đệ tử thượng thủ của các ngài đều nhập
Niết-bàn trước Phật, bây giờ càng gần đến ngày đức Phật nhập Niết-bàn
rồi, mình nên nhập Niết-bàn trước Phật-đà thì tốt hơn.”
Trong lòng Xá-lợi-phất
nghĩ như vậy, ngài lập tức đi đến trước tòa của đức Phật, quỳ xuống mà nói
rằng: “Bạch Phật! Bây giờ con muốn nhập Niết-bàn, mong Phật cho
phép!” Đức Phật nhìn chăm chú Xá-lợi-phất, lâu sau ngài mới nói:
“Xá-lợi-phất! Tại sao ông lại muốn nhập Niết-bàn nhanh như
vậy?” Xá-lợi-phất không chịu nổi vẻ thương cảm mà đáp rằng: “Bạch
Phật! Con nghe nói cách đây không lâu, người muốn nhập Niết-bàn, con
không nhẫn tâm nhìn Phật nhập Niết-bàn, hơn nữa con thường nghe người
giảng rằng, chư Phật trước đây, đệ tử thượng thủ của các
ngài nhất định phải nhập Niết-bàn trước Phật. Con nghĩ bây giờ chính
là lúc con nhập Niết-bàn, muốn khẩn cầu người cho phép!”
Đức Phật lại hỏi:
“Xá-lợi-phất! Ông biết lúc ông nhập Niết-bàn, nhưng ông sẽ nhập Niết-bàn ở
đâu chưa?”
“Quê hương của con,
thôn Ca-la-tý-nã-ca, mẹ già trăm tuổi của con vẫn sống khỏe mạnh, con
muốn gặp mẹ, muốn nhập Niết-bàn ở căn phòng mà con đã lớn lên”.
“Xá-lợi-phất! Ta không
cấm ông, ông có thể làm theo cách ông muốn. Có điều trong số đệ tử
của ta không ai sánh bằng ông, lúc ông đi hãy nói một vài lời
dạy bảo đại chúng lần cuối!”
Đức Phật dặn A-nan, tập
hợp đại chúng Tỳ-kheo tiễn Xá-lợi-phất, hơn nữa Xá-lợi-phất cũng
cần nói lời tạm biệt với đại chúng, mọi người rất mau chóng tới tập
hợp. Xá-lợi-phất trước tiên nói với Phật: “Bạch Phật! Trong đời quá
khứ con chỉ hy vọng có thể gặp được thời đức Phật trụ thế, cuối cùng
con cũng được mãn nguyện, không có việc nào khiến con hoan hỷ bằng việc
gặp được đức Phật. Mấy chục năm nay nhận được sự chỉ dạy từ bi của
đức Phật, khiến kẻ ngu độn như con được khai mở huệ nhãn, chứng được
thánh quả. Ngôn từ trong thiên hạ cũng không thể nói hết được sự hoan
hỷ và cảm kích trong tâm con. Bây giờ đã gần tới lúc con qua đời, con
lập tức muốn vứt bỏ đi sự trói buộc của thế gian để nhập vào cảnh giới tự
do tự tại. Con giống như người vác nặng đường xa, bây giờ muốn buông
xuống, giải thoát sự trói buộc của ngũ thể, không nhận hết thảy khổ
não nữa. Đây là lời từ biệt cuối cùng của con với Phật. Bạch Phật!
Mong người tiếp nhận đảnh lễ của con!”
Xá-lợi-phất chắp tay
đảnh lễ, không khí vô cùng trang nghiêm, tĩnh mặc. Đức Phật gật gật
đầu, Xá-lợi-phất yên lặng đứng dậy rồi lui ra bên ngoài, mãi tới khi
không nhìn thấy Phật nữa ngài mới quay mình rời đi. Chúng Tỳ-kheo đều
bưng hoa tươi tiễn Xá-lợi-phất, đội ngũ trang nghiêm tịch tĩnh, cũng
không ít người rơi lệ. Xá-lợi-phất đi được một đoạn rồi nói với mọi
người: “Xin mọi người dừng bước ở đây, không cần tiễn nữa, chỉ
cần sa-di Quân Đầu đi theo tôi là được rồi. Mời mọi người trở
về, chính mình tu hành quan trọng hơn, hy vọng mọi người nỗ lực tinh
tấn thoát khỏi cảnh ưu khổ. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này thực
sự rất hiếm có, giống như hoa Ưu Đàm Bát La nở vậy, phải mấy ngàn năm
mới có thể gặp được một lần. Thân người khó được, tín tâm đúng đắn
thuần khiết càng khó dưỡng thành. Chúng ta có thể xuất gia, có thể
nghe được chánh pháp của đức Phật, càng là chuyện hiếm có trong trăm ngàn
vạn ức kiếp. Hy vọng mọi người càng tinh tấn hơn nữa, các hạnh vô
thường, càng phải chiến thắng nỗi khổ này, đến cảnh giới vô ngã
Niết-bàn, đó mới là cõi đi về vĩnh viễn của chúng ta, đó mới là một
thế giới tịch tĩnh an lạc”.
Lúc Xá-lợi-phất thuyết
pháp, mọi người nghĩ tới đây là di ngôn sinh ly tử biệt sau cùng của
Xá-lợi-phất, muốn đè nén sự đau buồn nhưng không thể, nước mắt cứ thế
tuôn rơi, mọi người đồng thanh nói với Xá-lợi-phất rằng: “Ngài là đệ
tử thủ tọa của đức Phật, là trưởng lão trong chúng Tỳ-kheo chúng
ta, sau này cần ngài dẫn dắt chúng con làm rất nhiều Phật sự giáo
hóa, tại sao ngài lại nhập Niết-bàn sớm như vậy?” Xá-lợi-phất hiểu
được tâm tư của mọi người, ngài vẫn an nhiên trả lời: “Mọi người đừng
đau lòng, thế gian này là vô thường, mọi người không phải thường nghe
đức Phật giảng như vậy sao? Núi Tu-di cũng có lúc sụp đổ, biển cả
cũng có một ngày khô cạn, giống như hạt cải nhỏ bé vậy, còn cái chết
của sắc thân Xá-lợi-phất tôi, chuyện này là đương nhiên, đây chính là
thật tướng của thế gian. Điều mà tôi vẫn muốn dặn dò mọi người chính
là phải một lòng tu đạo, thoát khỏi biển khổ, đến thế giới Cực Lạc thanh
lương là quan trọng nhất. Còn công việc phụng sự giáo pháp Phật-đà để cứu
thế là đời đời kiếp kiếp, chỉ cần chúng sanh muốn diệt khổ cầu
vui, vì chính bản thân họ, họ sẽ tới tiếp nối huệ mạng của đức
Phật.”
Lời này của
Xá-lợi-phất khiến mọi người cảm động, mọi người biết chia ly với
Xá-lợi-phất lần này, sau này sẽ vĩnh viễn không gặp lại nữa. Mặc dù
ngài dặn bảo mọi người trở về nhưng mọi người vẫn cứ đi theo sau lưng
ngài. Xá-lợi-phất không thích họ có thái độ lưu luyến không rời như
vậy, cho nên dứt khoát cự tuyệt sự tiễn đưa của họ, mọi người không
còn cách nào, chỉ đành dõi mắt tiễn theo bóng lưng của
Xá-lợi-phất, vẫn không muốn trở về. Nghĩ tới sau này không còn
được gặp lại Xá-lợi-phất trí tuệ bậc nhất nữa, nước mắt không ngừng tuôn
rơi, mặc dù họ đã giác ngộ, nhưng tình người vẫn không thay đổi. Sau
khi Xá-lợi-phất rời khỏi đức Phật và tăng đoàn, tâm tư khởi dậy trong
lòng, không khỏi cảm khái muôn vàn, nhưng không hề hỗn
loạn, càng tăng thêm sự trong sáng trong nội tâm. Lúc này ngài giống
như đứng trên đỉnh Tuyết Sơn, toàn bộ vụ trũ đều đang hiển hiện ở trong
tâm ngài. Xá-lợi-phất bước từng bước một về phía trước, Quân Đầu lặng
lẽ từng bước đi theo phía sau ngài.
Xá-lợi-phất trở về cố
hương của mình cũng là lúc hoàng hôn, ngài gặp cháu trai của mình là
Ưu-bà-ly-bà-đa, Xá-lợi-phất hỏi cháu: “Tổ mẫu có nhà không? Con
đi nói với tổ mẫu là cậu đã trở về, nhờ tổ mẫu quét dọn sạch sẽ căn phòng
nơi cậu lớn lên, cậu nghỉ ngơi một lát rồi tới đó”. “Vâng ạ!”
Ưu-bà-ly-bà-đa thấy cậu trở về vô cùng vui mừng, ngay lập tức tới
phòng của tổ mẫu báo tin cậu đã trở về. Xá-lợi-phất trở về làm gì? Cháu
của ngài không biết điều này. Mẹ của Xá-lợi-phất nghe tin con trai
rất lâu chưa trở về nay lại trở về, bà vô cùng vui mừng, mặc dù
Xá-lợi-phất đã gần 80 tuổi, nhưng ở trong lòng của người mẹ 100 tuổi thì
ngài vẫn là một đứa con thơ. Quét dọn sạch sẽ căn phòng nơi Xá-lợi-phất
lớn lên, mẹ ngài cảm thấy rất kì lạ, nhưng mà mẹ con gặp
nhau khiến bà vui mừng phấn khởi tới mức không nghĩ tới nguyên nhân
đó nữa. Xá-lợi-phất trở về nhà, hỏi thăm từng người trong
nhà, cả gia đình đều vui vẻ khác thường, cháu trai ngài giúp ngài rửa
chân, đưa ngài vào tịnh thất. Sau khi Xá-lợi-phất vào tịnh
thất mới đem tin tức ngài trở về nhập Niết-bàn nói cho mọi người
biết. Mẹ của ngài và mọi người kinh hãi, chỉ có Quân Đầu vẫn điềm
tĩnh chăm sóc ngài.
“Chuyện này cũng không
có gì, mọi người yên tâm đi”, Xá-lợi-phất nói. Ngài tăng thêm ngữ khí
nghiêm túc nói: “Thưa mẹ! Tâm của con rất thanh thản, cũng rất yên
ổn, đời này con gặp được thầy của mình là đức Phật, là đấng cứu
thế, tiếp nhận sự dạy bảo của ngài, con đã thực hành y theo lời
dạy, con đã được cứu ra từ trong biển mê sanh tử, con đã được giải
thoát từ trong lồng giam của phiền não, không có chuyện gì đáng sợ
hãi. Cho nên con trở về là vì muốn nhập Niết-bàn, mong mọi người
yên tâm, đời người ai không chết? Giống như con được giải thoát khỏi
đau khổ, tiến nhập Niết-bàn, thực sự là chuyện hạnh phúc
nhất”. Xá-lợi-phất đọc lại pháp ngữ của Phật cho mẹ nghe, mẹ
ngài rất hiểu ý của ngài, nói với ngài rằng: “Con nói rất
đúng, không mê tiến nhập Niết-bàn, không còn bị sanh tử, thực sự
là hạnh phúc vô bờ. Vậy thì con hãy an tĩnh một lát đi!”.
Mẹ của Xá-lợi-phất tuy
nói như vậy nhưng khi bà quay về phòng trong lòng không kiềm được nỗi
xót xa, nước mắt cũng tuôn rơi! Xá-lợi-phất nói với sa-di Quân
Đầu: “Con tới căn phòng bên đó, để ta một mình ở đây là
được”. Khi tin tức Xá-lợi-phất trở về nhập Niết-bàn truyền đi khắp
thôn trang, đã là nửa đêm canh ba, nhưng người quy y đức Phật gần
đó đều tụ họp lại, họ muốn bái kiến Xá-lợi-phất, muốn thăm hỏi
ngài, đồng thời muốn nghe ngài thuyết pháp. Quân Đầu dẫn mọi người
tới một nơi ngồi đợi, nói với mọi người đợi tôn giả nghỉ ngơi một lát rồi
sẽ ra gặp. Đêm khuya thanh tịnh, trong phòng của Xá-lợi-phất không
một chút tiếng động. Phương đông xuất hiện tia nắng ban mai, bình
minh dần dần tới, Xá-lợi-phất gọi Quân Đầu và hỏi: “Có người nào tới
sao?” Quân Đầu trả lời: “Vâng ạ, mọi người nghe tin tôn giả sắp nhập
Niết-bàn nên tới cầu kiến”. “Vậy thì con đi mời họ tới”. “Vâng
tôn giả, họ rất hoan hỷ khi nhìn thấy tôn giả”. Quân Đầu nói với mọi người, tôn
giả đồng ý gặp mọi người. Mọi người tưởng rằng không thể nhìn
thấy dáng dấp của tôn giả Xá-lợi-phất khi còn sống, nghe được tin này
họ vô cùng vui mừng. Mọi người yên lặng, hạ thấp giọng, không dám
ho, tập hợp trong căn phòng mà Xá-lợi-phất đã lớn lên, đây là cuộc
gặp gỡ thần thánh, Xá-lợi-phất nói với mọi người: “Mọi người đến rất
đúng lúc, ta cũng muốn gặp mọi người. Hơn 40 năm nay, ta tiếp
nhận sự chỉ dạy của đức Phật, đi khắp nơi hoằng pháp, trong khoảng thời
gian này lỡ như ta có lỗi lầm gì thì mong mọi người khoan thứ cho ta
lần cuối. Ta ở bên cạnh thầy mình, đức Phật là đấng cứu thế hơn 40
năm, đối với ân sư ta chưa từng có một ý niệm không vui hoặc một
ý niệm bất mãn, ta là càng ngày càng cảm kích đức Phật. Ta sống trong
thế gian này, đối với sự chỉ dạy sâu rộng như biển cả của ân
sư còn có rất nhiều chỗ sâu xa chưa hiểu, hôm nay nhớ tới thật sự cảm
thấy vô cùng có lỗi đối với ân sư đấng cứu thế. Có điều nhờ vào chút
trí tuệ ít ỏi của ta mà người đời xưng tụng, ta hiểu được sự từ bi
của đức Phật, ta làm theo lời dạy của đức Phật, nỗ lực tinh
tấn, ta cũng đạt được chánh giác. Ta không có ngã chấp, hôm nay
ta từ biệt mọi người, ta sắp nhập vào cảnh giới Niết-bàn tịch
tĩnh. Ta nguyện theo sau đức Phật, vĩnh viễn không sanh không
tử thường trụ trong vũ trụ này.”
Mọi người nghe thấy
cách nói của Xá-lợi-phất, nhìn dáng vẻ an tĩnh của ngài, nghĩ rằng
đây chính là người sắp qua đời sao? Thật khiến người khác không
hiểu. Mọi người rất cung kính bội phục, cũng rất thương
cảm, Quân Đầu mời mọi người lễ bái rồi ra ngoài, Xá-lợi-phất an trụ
thiền định, nằm nghiêng bên phải rồi nhập Niết-bàn. Mẹ già trăm tuổi
của Xá-lợi-phất rất bi thương, Nhưng lại cảm thấy qua đời an lành như
vậy, nhập Niết-bàn thật là hạnh phúc; đối với cái chết trong tương
lai của chính mình, bà cũng tự tin có thể hoan hỷ chào đón nó. Bảy
ngày sau khi Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn mới đem di hài của ngài đi làm lễ
trà tỳ, sa-di Quân Đầu mang di cốt của ngài trở về tinh xá Trúc
Lâm, đem hết thảy mọi chuyện đã qua kể cho A-nan, A-nan rơi lệ, đưa Quân
Đầu tới báo cáo tỉ mỉ với đức Phật. Đức Phật im lặng lắng
nghe. Đức Phật biết A-nan lúc đầu thấy Mục-kiền-liên bị ngoại đạo lõa
thể hãm hại, bây giờ lại thấy Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn, trong lòng
nhất định vô cùng thương cảm, đức Phật bèn hỏi A-nan: “A-nan! Ông đau
buồn, thương nhớ điều gì? Chẳng lẽ Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn không phải là
chuyện đáng quý hay sao? Chẳng lẽ Xá-lợi-phất tiếp nhận giáo pháp của
ta rồi mang theo chân lý của ta mà không hề lưu lại hay sao?” A-nan cung
kính chắp tay trả lời: “Bạch Phật, không phải! Không phải con đau
buồn thương nhớ như vậy, tôn giả Xá-lợi-phất phụng trì giới nghi, trí
tuệ cao tột, lại giỏi thuyết pháp, mạnh dạn truyền bá giáo
nghĩa, ngài ấy luôn nhiệt tình giáo hóa như vậy. Chuyện này không chỉ
chúng con biết, mà cả tín đồ khác cũng đều tán thán. Nhớ tới tôn
giả Xá-lợi-phất bây giờ không còn nữa, vì lưu truyền chánh pháp, vì
giáo đoàn ngàn vạn năm sau bị ảnh hưởng bởi việc ngài ấy sớm nhập
Niết-bàn, đây không phải là sự đau buồn thương nhớ của cá nhân
con, con nghĩ cũng là sự đau buồn thương nhớ của mọi người”.
Đức Phật biết được sự
thực này, nhưng mà ngài vẫn điềm tĩnh nói: “Liên quan đến chuyện này,
ông không cần thương nhớ nữa, mặc dù Xá-lợi-phất không còn, nhưng
pháp vẫn không mất đi. Vô thường vốn là chân tướng của thế gian, sanh
diệt là đạo lý tự nhiên. Trước khi chặt đổ cây lớn, thì phải chặt
những cành cây to trước; trước khi núi báu sụp đổ thì phải sụp đổ núi
cao lớn trước. Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn trước chúng
Tỳ-kheo, đây cũng là thứ tự tự nhiên của pháp. Không lâu sau ta cũng
phải thuận theo pháp tánh mà nhập Niết-bàn, các ông không nên thất
vọng, giáo pháp của đức Phật sẽ không mất đi theo người, hàng ngàn
vạn năm sau đức Phật vẫn vĩnh viễn sống trong tâm những ai tin
tưởng, đức Phật sẽ vĩnh viễn chăm sóc họ. Các ông phải quy y
pháp, quy y chân lý mà ta nói, đừng quy y theo điều khác. Tiến
nhập Niết-bàn, đến thế giới Cực Lạc là công phu quan trọng bậc
nhất!” Sau khi đức Phật nói xong, liền tập hợp chúng
Tỳ-kheo, nhận lấy linh cốt của Xá-lợi-phất từ tay sa-di Quân
Đầu, ngài nói với mọi người: “Này các Tỳ-kheo! Linh cốt
này chính là của đại trí Xá-lợi-phất, trước đó không lâu đã
thuyết pháp thí giáo cho chúng sanh. Trí tuệ của ông rộng lớn vô bờ, ngoài
đức Phật ra thì không ai có thể sánh được, ông ấy chứng ngộ pháp tánh,
thiểu dục tri túc, dũng mãnh tinh tấn, thường tu thiền định, vì giáo
vì người, không có ngã chấp, không thích tranh chấp, tránh xa người
xấu, hàng phục ngoại đạo, tuyên dương chánh pháp, ông ấy đã chứng
giải thoát, không còn các khổ não. Này các Tỳ-kheo! Mọi người
xem, đây chính là di thân của đệ tử thân cận ta!” Lúc đức Phật
nói, mọi người bất tri bất giác năm vóc sát đất cung kính đảnh
lễ linh cốt của Xá-lợi-phất. Câu chuyện của tôn giả Xá-lợi-phất đã kể
xong, đối với người kể như tôi thì cảm xúc vẫn chưa hết, còn phía
người nghe các bạn không biết có cảm xúc thế nào? Để tôi giao bài tập
cho các bạn: “Tại sao tôi lại kể câu chuyện dài như vậy về tôn giả
Xá-lợi-phất cho mọi người nghe?” Chúng ta tiếp tục giới thiệu:
“Tôn giả Đại
Mục-kiền-liên”
Tôn giả
Mục-kiền-liên là đệ tử thần thông đệ nhất trong số mười đại đệ tử của đức
Phật. Mục-kiền-liên là họ của ngài, tên của ngài là
Câu-luật-đà, do cha mẹ ngài cầu con dưới cây Câu-luật-đà cho nên
đặt tên như vậy. Ngài xuất thân từ gia đình phú quý, cha ngài làm tể
tướng, cho nên Đại Mục-kiền-liên là quý tộc xuất gia. Xá-lợi-phất là
đệ tử bên phải đức Phật, còn Đại Mục-kiền-liên là đệ tử bên trái đức
Phật. Hai đệ tử hai bên trái phải của đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng là
biểu pháp. Đại biểu cho điều gì? Đại biểu Thích-ca Mâu-ni Phật trí
tuệ đệ nhất, thần thông đệ nhất. Tôn giả thần thông quảng
đại. Để tôi kể câu chuyện tôn giả Mục-kiền-liên dùng thần thông
cứu gia tộc Thích-ca cho mọi người nghe:
Ở kiếp lâu xa về
trước, tộc Thích-ca làm nghề đánh bắt cá, mưu sinh bằng nghề đánh bắt
cá, gia tộc vua Lưu-ly là đàn cá sống trong đầm nước. Người của
tộc Thích-ca tát cạn nước trong đầm, đó gọi là một mẻ bắt
gọn không chừa lại con nào. Con cá này sanh lòng sân hận muốn báo
thù, tương lai nếu nó được thân người, nói có năng lực thì phải
báo mối thù này. Đời này đã gặp được, Thích-ca Mâu-ni Phật biết
được nhân quả của chuyện này, khuyên nhủ tộc Thích-ca không nên chống
cự, nói với họ trốn chạy để khỏi chết. Cho nên phần lớn người trong
tộc Thích-ca vượt núi Himalaya tới Tây Tạng, sau đó dừng chân ở Tây
Tạng, sau này cũng không quay trở về nữa. Đại sư Chương Gia từng nói
với lão pháp sư rằng, con cháu đời sau của tộc Thích-ca ở Tây Tạng.
Tôn giả Mục-kiền-liên
thần thông quảng đại, ngài muốn cứu tộc Thích-ca, ngài không nghe
theo chỉ thị của đức Phật, lúc thành Ca-tỳ-la-vệ bị vây hãm, ngài
dùng thần thông đưa hơn 500 người, trong đó có hoàng tộc thu vào
trong bình bát rồi đưa lên trời, kết quả biến thành máu loãng. Ngài
biết được thần thông không thể thắng nổi nghiệp quả. Sau cùng lúc ngài đi
truyền bá giáo nghĩa thì bị ngoại đạo lõa thể hãm hại, thần thông
không thể cứu ngài, đây chính là ngài hiện thân thuyết pháp để lại
nhắc nhở cho đời sau. Thần thông không phải là pháp căn bản. Đức Phật
thường trách cứ các đệ tử ỷ lại vào thần thông, bởi vì thần
thông không hề liên quan tới liễu thoát sanh tử. Thần thông của ngài
Mục-kiền-liên, tai nghe âm thanh, dù xa hay gần đều có thể nghe
được; mắt nhìn đồ vật, dù trong hay ngoài đều có thể nhìn
thấy; thậm chí là suy nghĩ trong lòng người khác ngài cũng có thể
biết. Liên quan đến việc có thể nhìn thấy tâm của người khác, có một
câu chuyện giữa Mục-kiền-liên và Liên Hoa Sắc:
Có một lần
Mục-kiền-liên đi qua khu trồng cây cối, có một người phụ nữ trung niên
xinh đẹp tên là Liên Hoa Sắc. Bà dùng dáng vẻ quyến rũ của mình đến gần
Mục-kiền-liên, sau đó chào hỏi Mục-kiền-liên: “Tôn giả Mục-kiền-liên!
Ngài có thời gian không? Con có thể nói chuyện với ngài
không?” Mục-kiền-liên vừa nhìn Liên Hoa Sắc, không những chỉ nhìn
thấy khuôn mặt của bà mà còn nhìn thấy tâm của bà. Hóa ra Liên Hoa
Sắc là kỹ nữ, bà còn có một quãng đời truyền kỳ, bây giờ bị ngoại đạo
xúi giục, muốn dùng sắc đẹp của bà để mê hoặc Mục-kiền-liên, phá hoại
giới hạnh của Mục-kiền-liên. Liên Hoa Sắc tuy là người đẹp hết thời nhưng
sắc đẹp của bà lại hiếm có trên đời. Nếu là người đàn ông khác, với
sức quyến rũ của bà thì nhất định sẽ động tâm, nhưng ở trước mặt
Mục-kiền-liên thì bà đã tìm nhầm đối tượng.
Tâm của Liên Hoa
Sắc không hoàn toàn là đen tối tội ác, có điều bà không biết mình
cũng có lương tâm thiện lành, bởi vì trước đây bà gặp phải cảnh ngộ bất
hạnh cho nên mới khiến bà muốn đùa cợt với tình cảm thế gian này. Tôn
giả Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất đã thấy rõ ý đồ trong lòng Liên Hoa
Sắc, ngài bèn đứng lại nói rằng: “Người phụ nữ đáng thương! Cảnh
ngộ của bà đã bất hạnh như vậy, sao bà còn không biết khổ não của chính
mình? Bây giờ bà trang điểm yêu mị như vậy, tự cho rằng mình rất xinh
đẹp, nhưng mà ta thấy thân thể của bà không chỉ xấu xí, ô uế, mà ta
càng biết ý đồ phi pháp ẩn chứa trong tâm của bà nữa! Thân thể của
bà, xương nối với xương, gân nối với gân, toàn thân uốn lượn như con
rắn vậy. Máu đỏ, máu đen chảy trong thân thể của bà. Bên trong
lớp da của bà là mồ hôi, nước mắt, phân tiểu, từ trong chín lỗ lại
thường bài tiết ra ngoài. Bà không biết thân thể con người bất
tịnh, trang hoàng bề ngoài rồi tự mình đắc ý, mê muội vẻ đẹp giả
dối, cũng giống như voi già sa vào bùn lầy, càng lún càng
sâu”. Liên Hoa Sắc dùng ánh mắt kinh ngạc nhìn Mục-kiền-liên, bà bất giác
rơi lệ tựa như sám hối mà nói rằng: “Tôn giả! Ngài nói rất đúng, con
trang điểm thân thể dơ bẩn này để mê hoặc người khác, trên thực tế chính
con cũng chán ghét thân thể của chính mình, có điều con cũng không còn
cách nào khác, dù thế nào đi chăng nữa con cũng sẽ không được cứu
vớt, tương lai con sẽ bị nhân quả rất đáng sợ bám lấy”. Mục-kiền-liên
an ủi bà ấy rằng: “Bà không nên cam chịu, cho dù quá khứ như thế
nào, chỉ cần sám hối lỗi lầm xưa thì không có chuyện không cứu
được. Khi quần áo dơ bẩn có thể dùng nước giặt, khi thân thể dơ bẩn
cũng có thể dùng nước tắm, khi trong tâm không sạch có thể dùng Phật
pháp gột rửa. Trăm sông có ô nhiễm thế nào thì chỉ cần chảy ra biển
cả, nước biển cả sẽ rửa sạch nước từ trăm sông đổ vào. Sự dạy dỗ của
thầy ta là đại thánh Phật-đà có thể rửa sạch ô uế trong tâm con
người, khiến mỗi người đều có thể ngộ đạo được cứu.”
Liên Hoa Sắc rất hoan
hỷ nhưng có vẻ không tin, nói: “Sự dạy dỗ của đức Phật thật sự
từ bi vĩ đại như vậy sao? Tôn giả! Ngài vẫn chưa biết quá khứ của
con, con nói ra ngài nhất định sẽ tránh né không muốn nghe, quá khứ
của con thực sự quá bất hạnh, đầy tội ác”. “Bà nói ra ta nghe thử cũng
tốt”. Liên Hoa Sắc kể lại quá khứ của mình một cách rất hổ thẹn: “Tôn
giả! Tên con là Liên Hoa Sắc, là con gái của một trưởng giả trong thành
Đức-xoa-thi-la, vào năm con 16 tuổi cha mẹ kén rể chọn chồng cho
con. Không lâu sau cha con bất hạnh qua đời, người mẹ góa mất
chồng đã tư thông với chồng con, khi con biết được sự thật thì vô
cùng đau khổ, lúc đó con đã có một đứa con gái với chồng mình, trong
cơn tức giận con đã bỏ con gái lại rồi ra đi. Sau khi rời khỏi gia
đình, con phiêu bạt trong biển người mấy năm, con tiếp tục tái giá
với người khác, sống được mấy năm hạnh phúc. Có một lần chồng con ra
ngoài buôn bán, lúc trở về từ thành Đức-xoa-thi-la liền giấu con lấy
đi mấy ngàn tiền vốn mua một tiểu thiếp, lúc đầu chồng con còn giữ bí
mật, không cho con biết, giấu cô gái đó ở nhà người
bạn, sau đó khi con biết được, khóc lóc ầm ỹ muốn nhìn xem cô
gái đó có dáng vẻ như thế nào, tại sao cô ấy lại cướp đi tình yêu của
chồng con? Nhưng mà tôn giả! Con không thấy thì thôi, vừa thấy con
liền choáng váng ngã xuống đất, hóa ra cô gái đó chính là con gái của
con với người chồng trước. Tôn giả! Khi con biết được sự thật như
vậy, hỏi con làm sao không bi thương cho được? Con nghĩ sao tội ác
của con lại nặng nề như vậy? Trước đây mẹ của con đã cướp đi
người chồng đầu tiên, bây giờ con gái lại cùng tranh người chồng hiện
tại, con còn mặt mũi nào gặp người khác? Từ đó con lại bỏ nhà ra đi. Con
chán ghét thế gian này, con chán ghét loài người, con đã làm dâm nữ
bán rẻ tiếng cười. Con muốn đùa giỡn thế gian, bỡn cợt loài
người, con đã sống cuộc sống tạo tội như vậy đó. Tôn giả! Chỉ
cần có tiền, chuyện gì con cũng làm ra được, không cần con
nói tôn giả đã biết tại sao con tới đây thách thức giới hạnh của
ngài, bây giờ con phải sám hối với tôn giả như thế nào đây?”
Sau khi Mục-kiền-liên
nghe Liên Hoa Sắc nói ra thân thế của mình, ngài cũng không hề coi
thường tâm của bà ấy, ngược lại ngài nhìn thấy tâm của Liên Hoa
Sắc lúc này rất chân, rất thiện, rất mỹ. Ngài dùng lời lẽ đồng cảm
thương xót nói với bà: “Liên Hoa Sắc! Ta nghe bà kể về cảnh đời của
mình, mặc dù là một đoạn nhân duyên đáng sợ, nhưng mà nếu có thể làm
theo lời chỉ dạy của đức Phật, nhân duyên như vậy cũng sẽ đến lúc kết
thúc, biển cả rộng lớn, đại địa vô biên đều có thể dung nạp sự ô
uế. Chỉ cần bà sám hối quá khứ, tinh tấn Phật đạo, hết thảy quá
khứ không còn vấn đề gì nữa, giờ phút này cơ duyên của bà được đức Phật
cứu giúp đã đến, bà hãy theo ta đi gặp đức Phật!” Liên Hoa Sắc rất
hoan hỷ, nhờ vào nhân duyên như vậy mà bà trở thành đệ tử của
Phật. Sau này trong tăng đoàn đệ tử nữ chúng của Phật, Liên Hoa Sắc
đã trở thành Tỳ-kheo ni mẫu mực. Trong chúng Tỳ-kheo thì Mục-kiền-liên thần
thông đệ nhất, trong chúng Tỳ-kheo-ni thì Liên Hoa Sắc là thần thông đệ
nhất. Sửa đổi làm mới là cách duy nhất để lìa khổ được
vui. Trong giáo pháp của đại thánh Phật-đà, cho dù trước đây họ là kẻ
thập ác ngũ nghịch, chỉ cần họ tinh tấn tu đạo, hồi tâm sám
hối thì lúc nào cũng có thể được cứu. Mục-kiền-liên không chỉ là thần
thông đệ nhất, ngài càng nổi tiếng là đại hiếu đại từ.
Ngài từng vào địa ngục
cứu mẹ, lễ Vu Lan ngày 15 tháng 7 lưu truyền tới ngày nay. Ngài từng
khuyên em trai bố thí, dùng sức thần thông đưa em trai tới trời Lục
Dục, khiến em trai biết được công đức bố thí sẽ không uổng phí. Ngài
từng thay Phật giảng kệ Thất Phật Thông, kệ Thất Phật Thông đó là:
“Không làm các việc ác,
Siêng làm các việc thiện.
Giữ tâm ý trong sạch,
Đây là lời Phật dạy”.
Ngài và tôn giả
Xá-lợi-phất giống như trợ thủ đắc lực của đức Phật vậy, [đệ tử mà]
đức Phật đặc biệt dựa vào chính là Xá-lợi-phất và
Mục-kiền-liên. Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất hiện thân chuyển bánh xe
pháp của đức Phật, cống hiến rất lớn. Giáo pháp của đức Phật có
thể truyền khắp Ấn Độ trong thời gian ngắn như vậy, công lao của hai ngài
thật sự không thể nào phủ nhận. Vinh quang thuộc về đức Phật, hai
ngài chưa từng suy nghĩ cho lợi ích của chính mình. Giáo pháp của đức Phật
hưng thịnh, người tín ngưỡng đương nhiên hoan hỷ. Nhưng người không
thích giáo pháp của đức Phật hưng thịnh, không chỉ có
Đề-bà-đạt-đa, còn có rất nhiều tín đồ tôn giáo khác. Đặc biệt là sau
khi vua A-xà-thế quy y đức Phật, ông ấy rất bài xích các tôn giáo
khác, điều này càng khiến tín đồ tôn giáo khác ghen ghét sự hưng
thịnh của Phật pháp. Tín đồ tôn giáo khác không dám tới chèn ép đức
Phật, bây giờ họ không chỉ sợ oai đức của đức Phật mà còn sợ thế lực
của quốc vương. Sau cùng họ nghĩ cách trước tiên loại trừ hai cánh tay của
đức Phật, đó chính là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.
Mục-kiền-liên trên
đường đi hoằng pháp, ngang qua núi Y-lê-xà-lê. Lúc ngài tĩnh tọa
trong núi, ngay lúc đó ngoại đạo lõa thân nhìn thấy, chúng liền tập
hợp rất nhiều người từ trên núi ném đá xuống. Đá rơi xuống như
mưa, nhục thân vô thường của Mục-kiền-liên bị đè nát vụn. Nhưng ngoại
đạo lõa thân hai ba ngày sau cũng không dám tới gần nơi vong thân của
Mục-kiền-liên, chúng sợ đạo lực thần thông của Mục-kiền-liên. Nhưng
vì truyền lại hạt giống Phật pháp, vì trở thành tấm gương, làm tấm
gương vì pháp hi sinh thân mình cho đời sau, sắc thân của ngài thật sự đã
vĩnh biệt thế gian. Không lâu sau chúng Tỳ-kheo biết được tin
Mục-kiền-liên hy sinh vì Phật pháp, có người cúi đầu buồn bã, có
người muốn tìm tín đồ tôn giáo khác báo thù cho Mục-kiền-liên, có người
thỉnh hỏi đức Phật: “Bạch Phật! Tôn giả Mục-kiền-liên là người lợi
hại như vậy, trước đây khi ngài tới nước Bạt-già truyền bá giáo
nghĩa, ác ma dùng thần thông chui vào bụng của ngài, ngài vẫn an tĩnh
khuyên răn ác ma, đệ tử của đức Phật, trừ khi nghiệp lực hiện
tiền, ác ma không thể nào hại được. Ác ma sợ hãi thần lực của
ngài liền chui ra. Bây giờ, một vị tôn giả có thần thông như
vậy, thật sự là nghiệp báo hiện tiền sao? Kết cục của ngài ấy sao lại
bất hạnh như vậy?”
Đức Phật đã thể hội
chứng đắc chân lý vũ trụ, ngài không kích động như chúng Tỳ-kheo, đức
Phật an tĩnh nói với đại chúng rằng: “Đúng vậy! Nhục thể là vô
thường, nghiệp báo phải kết thúc. Chỉ có tôn giả
Mục-kiền-liên, lúc mất không mê mà nhập Niết-bàn. Vấn đề sanh
tử ở trước mặt người giác ngộ không thành vấn đề. Có sanh thì có
tử, tử cũng không cần phải hoang mang lo sợ, điều quan trọng là lúc
qua đời có nắm chắc hay không. Tôn giả Mục-kiền-liên vì tuyên dương giáo
pháp của Như Lai, sự hy sinh của ngài ấy thật sự đẹp vô hạn!” Câu
chuyện về tôn giả Mục-kiền-liên đã kể xong.
Tiết học hôm nay giao
lưu tới đây. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!