Tập 9 – Kinh Vô Lượng Thọ 2020

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 25/11/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 9

 

Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!

Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho mọi người vị tôn giả thượng thủ thứ tư.

“Tôn giả Ca-diếp”

Tôn giả Đại Ca-diếp là đệ tử có hạnh đầu đà bậc nhất của đức Phật. Ngài là người được Phật truyền tâm ấn, là sơ tổ Thiền tông. Thiền là đức Phật Thích-ca Mâu-ni truyền cho Ca-diếp, đại biểu cho “tông môn”. Vào thời xưa Phật pháp Đại thừa, Tiểu thừa chia làm 10 tông phái, chín tông phái ngoài Thiền tông ra đều xưng là “giáo hạ”. Giáo hạ là do tôn giả A-nan truyền lại. Trong bộ kinh Vô Lượng Thọ này đều ở địa vị thượng thủ, đại biểu toàn bộ Phật pháp đều trong bộ kinh này.

Phương hướng, mục tiêu tu hành của tông môn, giáo hạ hoàn toàn tương đồng, đều là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, nhưng mà phương pháp khác nhau, ý muốn nói là phương thức không giống nhau. Tông môn trực tiếp hạ thủ từ “buông xuống vạn duyên”, họ không lên lớp học, không cần giáo trình. Trực tiếp buông bỏ vạn duyên, khôi phục tâm thanh tịnh của tự tánh, cho nên họ dùng phương pháp “quán tâm”, “tham thoại đầu”. Những phương pháp này rất đặc biệt, phải là người căn tánh rất nhạy bén mới có năng lực tu học pháp môn này.

Đầu đà có nghĩa là tu tập khổ hạnh, phàm là người tu khổ hạnh đầu tiên phải lựa chọn nơi thanh vắng; thứ hai phải sống cuộc sống mang bình bát đi khất thực; thứ ba phải thường ở một nơi; thứ tư phải ngày ăn một bữa; thứ năm phải khất thực không phân biệt giàu nghèo; thứ sáu phải tuân thủ ba y một bát; thứ bảy phải thường ngồi dưới gốc cây tư duy; thứ tám phải thường ngồi tĩnh tọa ở ngoài trời; thứ chín phải mặc phấn tảo y; thứ mười phải sống nơi mồ mả. Người tu đầu đà khổ hạnh thì phải sống cuộc sống đơn giản như vậy, cũng là cuộc sống thanh tịnh.

Người tu hạnh đầu đà lý tưởng như vậy chính là tôn giả Đại Ca-diếp. Ngài sanh ra trong gia đình giàu sang, cha ngài là một vị trưởng giả đại phú. Tôn giả Ca-diếp có thể từ bỏ vinh hoa phú quý, giàu sang quyền thế, xuất gia tu khổ hạnh, thật sự là đáng quý. Trước khi ngài Đại Ca-diếp quy y đức Phật, được người đời xưng tán là người thanh niên có chí khí thanh cao, không bị dục nhiễm, cha mẹ muốn cưới vợ cho ngài, ngài lại cùng vợ chia giường để ngủ. Sau đó ngài nghe được đức Phật thuyết pháp ở tinh xá Trúc Lâm, sanh đại tín tâm, quy y đức Phật, đức Phật từng nói rằng, nếu không phải là bậc đại giác thấu triệt vũ trụ thì không nhận nổi tiếng xưng thầy của ngài.

Tôn giả Đại Ca-diếp trải qua cuộc sống bưng bát xin nhà nghèo mà không xin nhà giàu. Có một lần trên đường đi hành hóa trong thành Vương-xá, gặp một bà lão nghèo khổ, nghèo tới mức quần áo không đủ che thân, ăn không đủ no, nằm ở nơi đường hẻm tối tăm, tôn giả Đại Ca-diếp rất thương xót bà ấy, liền hướng tới bà hành khất: “Bà lão! Tôi thấy tình trạng nghèo khổ của bà, trong lòng cũng rất đau buồn đồng cảm, tại sao bà lại nghèo khổ như vậy, đều là vì trước đây bà keo kiệt tham lam không chịu bố thí, tôi là đệ tử của đức Phật, là vị tăng phước điền của nhân gian, bây giờ hy vọng bà bố thí cho tôi một ít thức ăn để bà trồng chút phước điền, tương lai tránh được kiếp sống nghèo khổ này.

Bà lão nghèo khổ đáp lại: “À! Ngài là một vị tôn giả, con rất vinh hạnh vì ngài đã thuyết pháp cho con, có điều ngài muốn con bố thí cúng dường thức ăn cho ngài, chuyện này đối với con vô cùng khó khăn. Nói ra không sợ tôn giả chê cười, Ba ngày nay con không có hạt cơm lót dạ, bây giờ con chỉ còn một ít nước gạo, mùi hôi khó ngửi, người khác sắp sửa vứt đi thì con nhặt về, làm sao có thể dùng để cúng dường tôn giả được?” Đại Ca-diếp nói: “Không sao đâu, bà hãy đưa một ít nước gạo cho tôi đi, tôi là Đại Ca-diếp, xin nhà nghèo mà không xin nhà giàu, tôi rất hoan hỷ tiếp nhận sự cúng dường của bà”. Bà lão nghèo khổ nghe vậy rất hoan hỷ, lập tức lấy nước gạo ra cúng dường, Đại Ca-diếp sợ bà lão không tin liền uống sạch hết nước gạo ngay trước mặt bà, nhờ vào công đức này mà sau khi qua đời bà lão được sanh lên trời hưởng lạc.

Tâm từ bi lợi ích người khác của tôn giả Đại Ca-diếp đáng để mọi người kính ngưỡng, nhưng mà sự nhiệt tình hoằng pháp của ngài rõ ràng không bằng Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, trước khi Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vẫn chưa nhập Niết-bàn thường khuyên ngài quên đi tự ngã để làm công việc truyền bá chân lý hoằng pháp lợi sanh, tôn giả Đại Ca-diếp vẫn luôn kiên định trả lời rằng: “Ta thực sự là không được. Chuyện hoằng dương chánh pháp, giáo hóa chúng sanh đều không phải việc thuộc bổn phận của ta. Quên đi tự ngã không hề dễ dàng chút nào! Ta cùng lắm là trong cuộc sống của chính mình có thể trở thành tấm gương tu hành trác tuyệt gian khổ hơn nữa mà thôi, để cho hàng hậu học biết tôn trọng và thực hành khổ hạnh đầu đà, ít muốn biết đủ. Nhiệm vụ hoằng pháp lợi sanh gian khổ ấy đều dựa vào hai vị gánh vác”.

Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên nghe xong những lời này không hề cảm thấy thất vọng, ngược lại tán thán rằng: “Trưởng lão có thể dựng nên pháp tràng về phương diện này cũng là vô cùng hiếm có, Phật pháp có nhiều phương diện, mỗi người có thể tùy theo chí hướng của chính mình để thực hiện lý tưởng của bản thân, chúng tôi chúc phúc cho trưởng lão”. Đối với khổ hạnh đầu đà của chính mình, bất kỳ người nào khuyên nhủ thì trưởng lão Đại Ca-diếp cũng sẽ không bỏ hạnh. Tôn giả Đại Ca-diếp không sợ mưa to gió lớn, không sợ ngày nắng đêm sương, ngài vẫn luôn sống dưới gốc cây ở rừng sâu trong núi, hoặc là giữa mồ mả xương trắng đầy đồng. Đại Ca-diếp ngày một già yếu, đức Phật rất đồng cảm thương xót ngài. Có một hôm lúc ngài tới tinh xá Kỳ Viên, đức Phật khuyên ngài sống trong tinh xá Kỳ Viên. Nhưng mà ngài nói với đức Phật rằng: “Bạch Phật! Không được, con không thể ở trong Kỳ Viên! Sự từ bi của Phật đệ tử sâu sắc hiểu được và cảm kích. Có điều nếu đệ tử sống ở đây nhất định phải trải qua đời sống của tăng đoàn, tới lúc đó thì hạnh đầu đà khổ hạnh của con sẽ cảm thấy vô cùng bất tiện. Ở nơi đây cho dù là tĩnh tọa, kinh hành, nghe pháp mọi thứ đều quá lý tưởng, gió mát trăng thanh, chim hót hoa thơm, hoàn cảnh thật sự quá tốt đẹp. Nhưng con là người tu hạnh đầu đà, sống ở đây rất là bất tiện. Nơi đây không ngửi thấy một chút mùi hôi xác chết, cũng không nhìn thấy chút xương trắng nào, cuộc sống trôi qua thoải mái dễ chịu như vậy, đối với tu vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh quán v.v…, dù thế nào cũng không thích hợp. Con rất vui với cuộc sống nơi mồ mả, ở nơi đó năm này qua tháng nọ cũng chỉ có một mình, hoặc ở dưới gốc cây, hoặc ở ngoài trời, hoặc kinh hành quán tưởng thi thể, hoặc chắp vá quần áo rách. Nếu muốn đi khất thực hành hóa, thì tự do vào thành, không muốn khất thực hành hóa thì tùy thích tìm chút quả dại rễ cây ăn đỡ đói. Con không phải lo nghĩ về quần áo, thức ăn, không có sự được mất của người đời, con chỉ cảm thấy tự do thanh tịnh giải thoát.

Đương nhiên có người sẽ nói cuộc sống như vậy thật quá tự lợi, giống như tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Phú-lâu-na, Ca-chiên-diên v.v… Họ gánh vác trách nhiệm thay Phật tuyên dương chánh pháp, không sợ khó khăn, không tiếc thân mình, luân chuyển bánh xe pháp chân lý để chúng sanh rộng thấm pháp vị, cùng hưởng pháp lạc. Mặc dù con không có dũng khí và nghị lực như vậy, nhưng con sẽ không quên ân đức của Phật dành cho con. Để báo đáp ân huệ mà đức Phật dành cho con, con mới càng phải sống theo hạnh đầu đà. Bởi vì chúng sanh có được cứu hay không đều là nhờ tăng đoàn hoằng pháp, người hoằng pháp, truyền bá giáo nghĩa trong tăng đoàn là pháp sư thân giáo của nhân dân, bản thân họ nhất định phải kiện toàn mới có thể gánh vác công việc hoằng pháp. Bản thân tăng đoàn làm thế nào mới có thể kiện toàn? Đương nhiên chỉ có thể từ trong đời sống nghiêm túc mà bồi dưỡng đức hạnh của chính mình. Hạnh môn đầu đà chính là lối sống nghiêm túc nhất. Nếu như có thể quen với cuộc sống như vậy thì có thể chịu được khổ, có thể nhẫn nại, có thể không tham danh văn, không cầu lợi dưỡng, chuyên tâm chuyên đức vì pháp vì người! Bạch Phật, con vì trực tiếp củng cố tăng đoàn, gián tiếp lợi ích chúng sanh, cho nên con hoan hỷ bằng lòng sống nơi rừng sâu núi thẳm hoặc nơi mồ mả, quyết chẳng bỏ khổ hạnh, quyết không thể sống lâu trong tinh xá! Khẩn cầu Phật từ bi có thể thứ lỗi cho sự cố chấp của Đại Ca-diếp con”.

Đức Phật nghe Đại Ca-diếp nói xong rất hoan hỷ đồng ý, ngài nhìn Đại Ca-diếp rồi lại nhìn chúng Tỳ-kheo nói: “Ông làm tốt lắm! Chúng Tỳ-kheo nghe thấy lời của trưởng lão Đại Ca-diếp không? Tương lai, chánh pháp của đức Phật bị hủy diệt, không phải do thiên ma ngoại đạo phá hoại, mà là do tăng đoàn hủ bại và mục nát! Lời của Đại Ca-diếp nói rất đúng, muốn hoằng dương Phật pháp, để ánh sáng chân lý vĩnh viễn soi sáng thế gian thì nhất định phải củng cố tăng đoàn trước, nhất định phải sống một đời sống nghiêm túc. Chánh pháp của ta, như tôn giả Đại Ca-diếp thì có thể phụ trách trụ trì”. Sự tu hành của tôn giả Đại Ca-diếp được đức Phật xưng tán, từ đó ngài ở trong tăng đoàn được mọi người tôn kính! Liên quan tới tôn giả Đại Ca-diếp, sẽ giới thiệu tới đây. Vị thứ năm được liệt kê vào trong năm vị thượng thủ đó là tôn giả A-nan. Liên quan đến tôn giả A-nan, chúng ta đã giới thiệu khá chi tiết trong tập sáu, ở đây không nói nhiều nữa. Năm vị thượng thủ được kể trong kinh Vô Lượng Thọ, tôn giả Kiều-trần-như, tôn giả Xá-lợi-phất, tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tôn giả Ca-diếp, tôn giả A-nan đều đã giới thiệu xong. Mời mọi người xem kinh văn tiếp theo:

Hựu hữu Phổ Hiền Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát, cập Hiền kiếp trung nhất thiết Bồ-tát, giai lai tập hội.

Ba vị Bồ-tát thượng thủ được kể trong kinh này, các ngài đại biểu cho chúng xuất gia, nghĩa thú biểu pháp của các ngài rất sâu rộng. Thế giới Hoa Tạng là cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Thích-ca Mâu-ni Phật. Phổ Hiền Bồ-tát và Văn-thù Bồ-tát cùng đứng hầu hai bên trái phải của Thích-ca Mâu-ni Phật, được xưng là “Hoa Nghiêm Tam Thánh”. Hoa Nghiêm Tam Thánh đại biểu toàn bộ tông chỉ của đại kinh, cũng đại biểu cho toàn thể Phật pháp.

“Phổ Hiền Bồ-tát” là một trong tứ đại Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa. Phổ Hiền, “Phổ” là khắp hết thảy các nơi, “Hiền” nghĩa là sự lành màu nhiệm nhất, Phổ Hiền Bồ-tát dùng trí dẫn dắt hạnh, dùng hạnh chứng trí, giải hành cùng tiến, cho nên được xưng là “Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát”. Phổ Hiền Bồ-tát phụ trợ Thích-ca Mâu-ni Phật hoằng dương Phật đạo, biến thân khắp mười phương, thường làm pháp vương tử dưới tòa của chư Phật. Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói: “Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền hiện khắp trước tất cả Như Lai”, lại nói “hết thảy Như Lai có trưởng tử, danh hiệu của ngài là Phổ Hiền”.

Vô lượng kiếp về trước, khi A-di-đà Phật làm Chuyển Luân Thánh Vương, lúc đó Phổ Hiền Bồ-tát là vị vương tử thứ tám của Chuyển Luân Thánh Vương “Vô Tránh Niệm”, tên là Mẫn Đồ. Phổ Hiền Bồ-tát là tổ sư khai sơn của Mật tông, ngài không chỉ đại biểu cho hành môn của Hoa Nghiêm, mà còn đại biểu cho Mật tông. Từ đó biết được, Hoa Nghiêm là hiển thuyết của Mật tông, Mật tông là mật thuyết của Hoa Nghiêm, hiển mật không hai.

Cổ đức nói: “Hoa Nghiêm áo tạng, Pháp Hoa bí tủy” đều ở trong bộ kinh này. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là đại đức cửa Phật, là thượng sư Kim Cang của Mật tông, ngài yêu cầu người học Mật thọ trì kinh Vô Lượng Thọ, ngài có đạo lý của mình, bởi vì đây là tinh túy của Mật pháp. Thập đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ-tát trong kinh Hoa Nghiêm dẫn về Cực Lạc. Có thể nói Phổ Hiền Bồ-tát có cống hiến vô cùng lớn không gì sánh bằng, vĩnh viễn bất diệt đối với Phật giáo, ân đức vô lượng vô biên đối với chúng sanh đều hiển lộ rõ ràng ở đây. Để chúng ta mãi mãi cảm ơn ân đức của Phổ Hiền đại sĩ!

Phổ Hiền Bồ-tát là tổ sư khai sơn của Mật tông, là sơ tổ Tịnh tông ở thế giới Ta-bà. Trong kinh Vô Lượng Thọ đại biểu Tịnh Mật không hai.

Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát là một trong Hoa Nghiêm Tam Thánh. Ngài đại biểu trí tuệ đệ nhất trong hàng Bồ-tát. Ngài đại biểu cho Thiền tông của Phật pháp Đại thừa. Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát là bổn tôn của Thiền tông. Thiền tông không phải là thiền định ba-la-mật trong Lục ba-la-mật, mà là Bát-nhã ba-la-mật trong Lục độ ba-la-mật. Lấy gì làm chứng cứ? Phẩm Bát-nhã thứ hai của Đàn Kinh, thứ sử Vi Cừ thỉnh Lục Tổ thăng tòa thuyết pháp, câu đầu tiên Lục Tổ nói với đại chúng là: “Mọi người phải tịnh tâm mà niệm Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Trí Bồ-đề Bát-nhã người đời vốn tự có, chỉ vì tâm mê chẳng thể tự ngộ, phải cầu đại thiện tri thức chỉ dẫn cho mới kiến tánh”. Phần khai tông minh nghĩa của Lục Tổ chỉ ra rằng Thiền tông Đại thừa là Bát-nhã-ba-la-mật.

Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát sớm đã thành Phật, vốn là “Long Chủng Tôn Vương Như Lai, hiện tại ngài ở cõi Thường Hỷ phương bắc thành Phật, hiệu là Bảo Tích Như Lai”. Là Bảo Tích Như Lai hóa hiện thân phận Bồ-tát, phụ trợ Thích-ca Mâu-ni Phật giáo hóa chúng sanh. “Tương lai thành Phật, hiệu là Phổ Kiến Như Lai, cho nên phải biết rằng Văn-thù đại sĩ quả là thành Phật trong ba đời: quá khứ, hiện tại, vị lai”. Ba đời ngài thành Phật, đây là biểu diễn, biểu pháp cho chúng ta xem, đặc biệt là biểu pháp cho các pháp thân đại sĩ xem. “Nay ngài thị hiện trong hội này làm bậc đại trí độc tôn, biểu thị pháp môn này chỉ có người đại trí mới có thể tín nhập nổi”. Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát là thầy của bảy vị Phật, trước đây lúc giao lưu với mọi người tôi đã từng giới thiệu qua. Bây giờ chúng ta biết được, ngài không chỉ là thầy của bảy vị Phật, ngài là thầy của chư Phật! Câu này có nghĩa là gì? Thầy của chư Phật? Đó là chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai đều là học trò của Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, không có vị Phật nào không phải là học trò của ngài, vậy thì còn gì nữa!

Thích-ca Mâu-ni Phật trong kinh Phóng Bát nói: “Nay tôi được thành Phật… Đều nhờ ân của Văn-thù-sư-lợi. Vô tận số chư Phật đời quá khứ đều là đệ tử của Văn-thù-sư-lợi, người ở đời vị lai cũng nhờ oai thần ân lực của ngài mà thành tựu. Ví như đứa trẻ trong thế gian có cha mẹ thì Văn-thù là cha mẹ trong Phật đạo vậy”. Giải thích một chút câu này: Thích-ca Mâu-ni Phật thành Phật là nhờ vào ân huệ của Văn-thù-sư-lợi. quá khứ Phật nhiều như vậy kể không hết đều là đệ tử của Văn-thù-sư-lợi. Hết thảy Phật tương lai cũng là nhờ vào sức oai thần gia trì của Văn-thù-sư-lợi mà thành tựu. Xưng tán hết mức Văn-thù đại sĩ là nơi sanh ra hết thảy chư Phật.

Trong kinh Vô Lượng Thọ Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát đại biểu Thiền Tịnh không hai. Thiền chính là Tịnh, Cổ đức nói câu A-di-đà Phật bao gồm “giáo” trong đó, bao gồm “thiền” trong đó, bao gồm cả “Mật” trong đó. Đây là vài cương lĩnh lớn trong tu học nơi cửa Phật. Đại cương lĩnh bao gồm trong đó, những điều khác không gì là không bao gồm. Cho nên danh hiệu Di-đà đích thực là pháp môn đại tổng trì, không có một pháp nào nằm ngoài A-di-đà Phật. A-di-đà Phật là cương lĩnh của toàn bộ Phật pháp, niệm một câu A-di-đà Phật, hết thảy pháp môn đều được niệm, không bỏ sót pháp môn nào. Trong đại kinh thường nói: “Một tức là hết thảy, hết thảy tức là một”, hiện nay chúng ta đã hiểu rõ ràng rồi. Một tức là câu A-di-đà Phật, hết thảy tức là hết thảy pháp thế gian xuất thế gian. Một câu A-di-đà Phật đã viên mãn bao hàm hết thảy pháp thế gian xuất thế gian. Nếu như nói chi tiết hơn một chút, một tức là bộ kinh Vô Lượng Thọ, bộ kinh Vô Lượng Thọ này khái quát hết thảy pháp thế gian xuất thế gian. Đây là lý do tại sao chúng ta phải trân quý bộ kinh này, có được bộ kinh này là có được hết thảy pháp thế gian xuất thế gian. Hy vọng các đồng tu nghiêm túc thọ trì bộ kinh này, đừng để những pháp môn khác làm cho dao động. Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát đại biểu ý nghĩa như vậy trong bộ kinh này.

Di-lặc Bồ-tát là người sau này kế nhiệm Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, là người đương cơ của nửa phần sau bộ kinh Vô Lượng Thọ này. Trong hội này Thế Tôn còn đặc biệt dặn dò Di-lặc Bồ-tát phải gánh vác trọng trách hoằng dương pháp môn niệm Phật. Chỉ có bộ kinh này, pháp môn này đích thực mới có thể mang lại lợi ích chân thật cho chúng sanh. Đời này thành tựu, không phải là thành tựu thông thường mà là thành tựu cứu cánh viên mãn. Cho nên Thế Tôn đặc biệt dặn dò Di-lặc Bồ-tát phải gánh vác trọng trách hoằng dương.

Di-lặc Bồ-tát. Di-lặc là họ, dịch là từ thị; tên là A-dật-đa, dịch là vô năng thắng. Nói đầy đủ là Từ Vô Năng Thắng. Bởi vì Di-lặc Bồ-tát ở trong thai mẹ, đã có tâm từ, nên người trong gia tộc gọi ngài là Từ Thị. Lại trong đời quá khứ, gặp Ðại Từ Như Lai, ngài cũng phát nguyện, nguyện cũng mang danh hiệu này, do đó đã đắc từ tâm tam-muội. Lại nữa, xưa kia ngài làm Bà-la-môn, hiệu là Nhất Thiết Trí, trong tám ngàn năm tu tập Từ Hạnh. sau cùng với Thích-ca Mâu-ni Phật phát tâm Bồ-đề, tu tập Từ Định.

Kinh Tư Ích nói Từ Thị, “chúng sanh trông thấy ngài” có thể đắc từ tâm tam-muội. Kinh Bi Hoa nói: “Di-lặc phát nguyện trong kiếp đao binh bảo hộ chúng sanh. Hiện nay Từ Thị đang ở nội viện Đâu Suất, Sau bốn ngàn năm ở trời Đâu Suất sẽ đến nhân gian thành Phật. Bốn ngàn năm của trời Đâu Suất là 567 triệu năm ở địa cầu, ba hội Long Hoa. Có người nói, bây giờ chúng ta không thành công cũng không sao cả, đợi ngài Di-lặc đến, Di-lặc sẽ độ thoát mọi người trong hội Long Hoa. Các đồng tu nghĩ thử xem, còn phải đợi 567 triệu năm nữa! Thời gian dài như vậy bạn ở trong lục đạo luân hồi, không biết phải trải qua bao nhiêu sanh tử!

Phổ Hiền Bồ-tát, Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát, Di-lặc Bồ-tát, ba vị Đại sĩ này làm thượng thủ của chúng Bồ-tát trong pháp hội, hàm nghĩa rất sâu. Bởi vì ba vị Đại sĩ có duyên rất sâu với Tịnh độ. Phổ Hiền Bồ-tát, thập đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc. Trong phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện nói, người phát mười đại nguyện: “Người này lúc lâm chung, trong sát-na cuối cùng, tất cả các căn đều hư hoại, tất cả thân thuộc đều rời bỏ, tất cả oai thế đều mất hết. Cho đến các quan phụ tướng đại thần, cung điện trong ngoài, voi ngựa xe cộ, kho tàng trân bảo, tất cả như thế đều không đem một món nào theo được. Chỉ có thập đại nguyện vương này chẳng rời bỏ. Trong tất cả thời gian nó thường ở trước dẫn đường, trong một sát-na liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Đến Cực Lạc liền thấy A-di-đà Phật”.

Một người đã đến lúc lâm chung, sáu căn của mình đều hư hoại vô dụng, danh vọng, oai thế, thế lực, học vấn của chính mình đều bằng không; tất cả tài sản, sản nghiệp, vật quý báu ưa thích, kẻ thân tín đáng tin cậy, không một thứ nào có thể mang theo bên mình; vào lúc này chỉ có nguyện vương của mình không rời bỏ chính mình, trong tất cả thời gian dẫn dắt chính mình vãng sanh Cực Lạc, gặp mặt Di-đà. Một bộ Hoa Nghiêm sau cùng quy về phẩm Hạnh Nguyện, phẩm Hạnh Nguyện dẫn dắt chúng ta phát nguyện vãng sanh Cực Lạc, đây là chốn quay về của một đời thánh giáo.

Phổ Hiền đại sĩ nói:

“Nguyện tôi lúc sắp sửa mạng chung

Trừ hết tất cả các chướng ngại,

Được gặp A-di-đà Phật ấy

Liền được vãng sanh cõi An Lạc,

Tôi đã vãng sanh nước ấy rồi,

Hiện tiền thành tựu đại nguyện này”.

Đây là văn phát nguyện cầu sanh Tịnh độ của pháp vương trưởng tử Phổ Hiền đại sĩ.

Đại Trí Văn-thù là thầy của chư Phật, cũng phát đại nguyện giống vậy. Kinh Văn-thù Phát Nguyện nói:

“Nguyện tôi lúc mạng chung

Diệt trừ các chướng ngại,

Gặp mặt A-di-đà

Vãng sanh cõi An Lạc.

Sanh nước Phật ấy rồi

Thành mãn các đại nguyện,

A-di-đà Như Lai

Hiện tiền thọ ký tôi”.

Hai vị đại sĩ đều phát nguyện cầu sanh Cực Lạc. Hai vị Bồ-tát này được kể là thượng thủ trong hội, để mọi người tôn kính đại trí của Văn-thù, tôn kính đại hạnh của Phổ Hiền, thấy thánh hiền muốn sao cho bằng, học tập thánh nhân xưa, chúng ta cũng phải dẫn dắt chúng sanh cùng về Cực Lạc.

Trong kinh Đại Bảo Tích, Di-lặc đại sĩ hỏi Phật: “Nếu có chúng sanh phát mười loại tâm, tùy mỗi mỗi tâm chuyên niệm hướng về A-di-đà Phật, người ấy mạng chung sẽ được vãng sanh thế giới nước kia. Bạch Thế Tôn! Như thế nào gọi là phát mười loại tâm, do những tâm ấy sẽ được vãng sanh thế giới kia?” Đây là Di-lặc đại sĩ thỉnh Phật khai thị pháp môn niệm Phật vãng sanh. Nửa phần sau của kinh Vô Lượng Thọ, đức Phật đem bộ kinh này dặn dò Di-lặc Bồ-tát, đồng thời nói kinh này là pháp môn vi diệu rộng lớn mà hết thảy chư Phật tán thán, ngài dặn dò Di-lặc Bồ-tát: “Giao phó cho các ông làm đại thủ hộ, làm lợi ích cho chúng hữu tình đang chìm đắm trong đêm dài. Để pháp này được lưu truyền dài lâu chẳng diệt”. Thủ là gìn giữ, hộ là hộ trì, thủ hộ có nghĩa là gìn giữ và hộ trì. Bây giờ phía trước thêm một chữ đại, đây là vượt qua thường tình, càng có hàm nghĩa thù thắng.

Chữ đại này có bốn tầng nghĩa:

Thứ nhất là pháp đại. Đây là pháp duy nhất Thế Tôn nói khiến khắp chúng sanh được độ.

Thứ hai là ích đại. Trọn khắp ba căn, rốt ráo phương tiện, hằng xuất tam giới, trực chứng bất thoái.

Thứ ba là nguyện đại. Mỗi một hành vi lời nói hoằng dương tán thán Tịnh độ đều sẽ quy về biển nguyện của A-di-đà Phật.

Thứ tư là trí đại. Tín thọ hoằng dương pháp môn này, thực vì trí tuệ hiếm có. Di-lặc Bồ-tát tiếp nhận lời phó chúc của Thế Tôn, trong hội Long Hoa ngài tất nhiên diễn thuyết quyển kinh này, đồng thời suốt tột cùng đời vị lai cũng sẽ thường nói kinh này.

“Cập Hiền kiếp trung nhất thiết Bồ-tát, giai lai tập hội”.

“Hiền kiếp” là ở kiếp hiện tại của chúng ta. Trong kiếp này, thế giới này có một ngàn vị Phật nối tiếp nhau xuất thế, đây là việc thù thắng vô cùng hiếm có, cho nên gọi là Hiền kiếp. Có kiếp không hề có một vị Phật nào.

Vị Phật đầu tiên xuất thế ở hiền kiếp tên Câu-lưu-tôn Phật, vị thứ hai là Câu-na-hàm Mâu-ni Phật, vị thứ ba là Ca-diếp Phật, vị thứ tư là Thích-ca Mâu-ni Phật. Sau này còn có 996 vị Phật nối tiếp nhau ra đời. Nhưng thời gian giữa vị Phật trước với vị Phật sau xuất thế cách nhau khá dài, ví dụ như giữa Thích-ca Mâu-ni Phật và ngài Di-lặc là 567 triệu năm. Có thể thấy được thời gian Phật tại thế ngắn ngủi, thời gian Phật không tại thế dài!

Bồ-tát tham gia hội kinh Vô Lượng Thọ nhiều không kể hết, từ đâu có thể thấy được điều này? Có hai từ chúng ta không được bỏ qua, đó là “nhất thiết” và “giai lai”. Nhất thiết là chỉ phạm vi rộng, Bồ-tát của mười phương cõi nước chư Phật đều bao hàm trong đó; “giai lai” là chỉ số lượng nhiều, “giai” có nghĩa là toàn, ý là toàn bộ đều tới. 996 vị Phật tương lai trong Hiền kiếp, bây giờ các ngài đều ở quả vị Bồ-tát, các vị Bồ-tát này toàn bộ đều tới pháp hội kinh Vô Lượng Thọ, nghe Thích-ca Mâu-ni Phật tuyên giảng kinh đệ nhất thông suốt bổn hoài của Phật.

Các vị Bồ-tát tham dự hội cũng giống như Di-lặc Bồ-tát vậy, đều nhận sự phó chúc đại bi của từ phụ A-di-đà Phật hộ trì và hoằng dương kinh Vô Lượng Thọ và pháp môn niệm Phật vãnh sanh Tịnh độ. Các vị đại Bồ-tát này vĩnh viễn là ngọn đèn soi sáng khắp cả cho chúng sanh trong đêm dài tăm tối, khiến khắp chúng sanh lìa khổ được vui, khế nhập vào Tịch Quang Chân Tịnh vốn có.

Tiếp theo tôi sẽ tổng kết trọng tâm của tập 6, tập 7, tập 8, tập 9 để các đồng tu tham khảo.

Trọng tâm tập 6. Tập 6 có tám trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất: bốn chữ “như thị ngã văn” là câu đặt ở đầu kinh trong tất cả kinh Phật, nguồn gốc câu này từ đâu mà có? “Đó là theo di giáo của Thế Tôn”.

Trọng tâm thứ hai: hai chữ “như thị” hàm nghĩa sâu rộng, không thể tưởng tượng. Hai chữ này đơn giản mà nói chính là thật tướng các pháp; nói cách khác, chính là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Trọng tâm thứ ba: hết thảy pháp mà Thích-ca Mâu-ni Phật giảng trong 49 năm, hết thảy pháp mà mười phương ba đời hết thảy chư Phật Như Lai tuyên thuyết đều không ngoài hai chữ “như thị” này.

Trọng tâm thứ tư: quán kinh nói “như thị”, “như” tức là tâm này là Phật, “thị” tức là “tâm này làm Phật”. “Như thị” giảng trong kinh Vô Lượng Thọ, tâm này là Phật tức là tâm này là thế giới Cực Lạc; tâm này làm Phật tức là tâm này làm thế giới Cực Lạc”.

Trọng tâm thứ năm: hai chữ “như thị” bao hàm toàn bộ Phật pháp, hai chữ này cũng là căn cứ lý luận của toàn bộ kinh văn.

Trọng tâm thứ sáu: “Ngã văn” là đại biểu “tôi tự mình nghe Phật thuyết pháp”, cũng đại biểu sư thừa. Tôi ở đây là chỉ A-nan.

Trọng tâm thứ bảy: hai vấn đề nghi vấn. Nghi vấn thứ nhất: trước khi A-nan ra đời và trước khi A-nan làm thị giả cho đức Phật, kinh Phật giảng A-nan chưa từng nghe qua, vậy thì A-nan làm sao có thể phúc giảng được? Nghi vấn thứ hai: thánh nhân vô ngã tại sao A-nan lại tự xưng là ngã? Hai vấn đề này các đồng tu hãy tự mình tìm ra đáp án.

Trọng tâm thứ tám: câu chuyện về tôn giả A-nan đã gợi ý gì cho chúng ta? Từ trong đó chúng ta ngộ được điều gì? Đối với Tam bảo phải có niềm tin kiên định, đức Phật nói với A-nan, niềm tin bất hoại còn quan trọng hơn nghiêm trì giới luật. Niềm tin của bạn có kiên định hay không? Trước khi tôn giả A-nan làm thị giả cho đức Phật đã đưa ra ba nguyện vọng, tại sao đức Phật lại tán thán A-nan? Bạn thấy thế nào về ba nguyện vọng này? Đức Phật giải mộng cho A-nan, nói với A-nan rằng, bảy chuyện mà con gặp trong giấc mộng chính là điềm báo tương lai của Phật giáo. Đối chiếu với tình hình hiện thực của Phật giáo, bạn có cảm ngộ gì?

Trọng tâm tập 7. Tập 7 có bảy trọng tâm:

Trọng tâm thứ nhất: Hợp thành một gia đình với hàm ý là một loại trách nhiệm, không những chịu trách nhiệm với chính mình mà cũng phải chịu trách nhiệm với đối phương, càng phải chịu trách nhiệm với hai bên gia đình. Xã hội hiện nay loại trách nhiệm này đang dần dần phai nhạt, thậm chí là dần dần mất hẳn, đây là tín hiệu rất nguy hiểm, xã hội loạn rồi. Gia đình là tế bào của xã hội, vợ chồng là hạt nhân của gia đình, hạt nhân thối rữa rồi thì gia đình ly tán; gia đình ly tán thì xã hội loạn. Xã hội loạn thì tai họa tới. Loài người chúng ta đang sống trong tai họa. Tai họa tới như thế nào vậy? Loài người tự mình tạo ác nghiệt chiêu cảm tới, y báo tùy theo chánh báo chuyển. Kết hợp với tình hình gia đình của chính bạn, nói thử xem cảm nhận của bạn sau khi nghe xong câu chuyện này. Nếu như bạn gặp phải tình huống như vậy, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Trọng tâm thứ hai: ba tầng nghĩa của “nhất thời” là gì? Nghĩa thứ nhất: là lúc cơ duyên thành Phật của chúng sanh chín muồi. Nghĩa thứ hai: lúc ba điều kiện tín, nguyện, hạnh của chúng sanh đồng thời đầy đủ. Nghĩa thứ ba: là lúc chúng sanh và chư Phật Bồ-tát cảm ứng đạo giao.

Trọng tâm thứ ba: bạn sống trong thời buổi loạn lạc này là may mắn hay là bất hạnh?

Trọng tâm thứ tư: “nhất thiết đại thánh, thần thông dĩ đạt” có nghĩa là gì? “Nhất thiết” đại biểu 12.000 người tham gia pháp hội kinh Vô Lượng Thọ. “Đại thánh” là tán thán tham gia pháp hội đều là đại Bồ-tát. “Thánh”, chứng đắc sơ quả thì xưng là thánh. Thập thánh là chỉ cho Bồ-tát Sơ địa đến Thập địa, cũng gọi là Địa thượng Bồ-tát, “Đại thánh”, Đẳng giác Bồ-tát xưng là đại thánh, “bậc đại quyền thị hiện” cũng gọi là đại thánh. “Thần thông dĩ đạt” đại biểu đầy đủ sáu loại thần thông, không có chướng ngại, ai có thể “dĩ đạt”? Chỉ có đại thánh mới có thể “dĩ đạt”. “Đạt” ở đây là cảnh giới nào? Chứng đắc Lục thông, Tam minh. Lục thông là A-la-hán chứng đắc, Tam minh là Phật chứng đắc. Thế nào là Lục thông? Thiên nhãn, thiên nhĩ, thần túc, tha tâm, túc mạng, lậu tận thông. Thế nào là Tam minh? Túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh.

Trọng tâm thứ năm: trong kinh Vô Lượng Thọ tôn giả Kiều-trần-như được kể tên thượng thủ đầu tiên trong chúng Thanh văn, điều này đại biểu gì? Đại biểu kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất kinh trong hết thảy kinh điển mà Thích-ca Mâu-ni Phật giảng trong suốt 49 năm, là bộ kinh thành Phật đệ nhất. Đại biểu pháp môn niệm Phật vãng sanh Tịnh độ là pháp môn đệ nhất, là pháp môn thành Phật đệ nhất. Đại biểu tuân theo bộ kinh này, tuân theo pháp môn này tu học là đệ tử bậc nhất của Phật.

Trọng tâm thứ sáu: trong kinh A-hàm đức Phật tán thán tôn giả Kiều-trần-như như thế nào? Tán thán ngài “khoan dung, nhân từ, học thức uyên bác”. Tán thán ngài “khéo khuyên bảo giáo hóa”. Tán thán ngài “dẫn dắt thánh chúng”. Tán thán ngài “không mất oai nghi”.

Trọng tâm thứ bảy: bàn về nhận thức của bạn đối với tâm lượng nhỏ và tâm lượng lớn. Tâm lượng nhỏ có nguy hại gì đối với người tu hành.

Sau cùng xin tặng các đồng tu 16 câu để khích lệ lẫn nhau:

Đời người ngắn ngủi mấy mươi năm,

Lãng phí một ngày mất một ngày,

Đợi khi đầu xanh thành tóc bạc,

Thời gian trôi đi không trở lại,

Đời này gặp được cơ duyên tốt,

Không biết trân trọng thật đáng thương,

Đại nạn trước mắt biết chân tướng,

Hối hận cuối cùng thì đã muộn,

Chư Phật chỉ dạy không biết mệt,

Chỉ xem có duyên hay là không,

Có duyên được độ đi làm Phật,

Vô duyên chịu khổ trong sáu nẻo,

Hai con đường ở ngay trước mắt,

Đi đường nào tùy ý bạn chọn,

Mở to huệ nhãn nhìn kỹ càng,

Cực Lạc, địa ngục cách một niệm.

Hôm nay giao lưu tới đây thôi. Cảm ơn mọi người, A-di-đà Phật!

 

Trả lời 0

Your email address will not be published. Required fields are marked *