Responsive Menu
Add more content here...

Hời Hợt Xem Kinh Như Sách Thường

晉宋齊梁唐代間。

高僧求法離長安。

去人成百歸無十。

後者安知前者難。

路遠碧天唯冷結。

沙河遮日力疲殫。

後賢如未諳斯旨。

往往將經容易看。

 

Dịch âm:

Tấn, Tống, Tề, Lương, Đường đại gian

Cao tăng cầu pháp ly Trường An

Khứ nhân thành bách, quy vô thập

Hậu giả an tri tiền giả nan

Lộ viễn bích thiên duy lãnh kết

Sa hà già nhật lực bì đan

Hậu hiền như vị am tư chỉ

Vãng vãng tương kinh dung dị khan.

 

Dịch nghĩa:

Trải suốt bao triều: Tấn, Tống, Lương…

Cao tăng cầu pháp, biệt quê hương

Trăm đi, chưa được mười quay lại

Gian khổ, hậu lai mấy kẻ tường?

Thăm thẳm đường xa, thân rét buốt

Mịt mù cát nóng, sức khôn đương

Hậu hiền chưa tỏ Cao tăng ý

Hời hợt xem kinh như sách thường!

 

“Tấn, Tống, Tề, Lương, Đường đại gian” là thời nhà Tấn, nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương, và thời nhà Đường; “Cao tăng cầu pháp ly Trường An” là bao nhiêu bậc Cao tăng rời khỏi Kinh đô Trường An, Trung Hoa đến Thiên Trúc để cầu pháp. “Khứ nhân thành bách, quy vô thập” là trăm người đi, mà cuối cùng quay về chỉ có mười, rất nhiều người bỏ mạng khi đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ thỉnh Kinh, người đi thì nhiều mà về thì rất ít. Ngay cả ngài Đường Huyền Trang lúc đi có rất đông người hộ giá, lúc về thì không còn ai, chết rất nhiều. Cho nên gian nan như vậy để có Kinh điển, mà “Hậu giả an tri tiền giả nan” là người đời sau có mấy ai biết được người đời trước khó khăn như thế. “Lộ viễn bích thiên duy lãnh kết” là trải qua đường xa thăm thẳm, bao nhiêu rét lạnh, rồi “Sa hà già nhật lực bì đan” là cát nóng mịt mù trong sa mạc, vậy mà các ngài vẫn cố sức để vượt qua. “Hậu hiền như vị am tư chỉ” là những người đời sau tuy như vậy nhưng không hiểu ý chỉ Kinh điển của các bậc đời trước. “Vãng vãng tương kinh dung dị khan” là đem tâm hời hợt xem Kinh như sách thường.

 

Quý vị nghe bài kệ này có thấy cảm động không? Bài kệ này là của Pháp sư hay Đại Sư Nghĩa Tịnh vào đời Đường, ngài nói bao nhiêu triều đại Cao tăng đã phải rời xa quê hương của mình, trải qua biết bao gian nan để sang Ấn Độ thỉnh Kinh, trăm người đi mà về chưa được mười người về, gian khổ như vậy mà đời sau mấy ai biết. Các ngài trải qua thăm thẳm đường xa, thân rét buốt, mịt mù cát nóng trong sa mạc, phải dùng hết sức cố vượt qua. Người sau đọc Kinh nhưng không hiểu ý chỉ của Cao tăng, vậy mà còn hời hợt xem Kinh như sách thường, không tôn trọng, không thấy quý. Bài kệ rất hay và người dịch ý cũng rất hay.

 

Chúng ta thấy Kinh điển thật sự khó được khó nghe, phải bao nhiêu đời chư Tổ rất cố gắng đi thỉnh Kinh, chép Kinh, bao nhiêu người lưu truyền lại, bây giờ chúng ta mới có được Kinh điển. Ngay cả bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này ngài Hạ Liên Cư cũng mất bao nhiêu năm, rồi ngài Hoàng Niệm Tổ cũng mất mười năm để hoàn thành bản Chú giải Kinh Vô Lượng Thọ, truyền đi truyền lại, qua Việt Nam, được các bậc Cao tăng và những người khác dịch. Cho đến dịch những bài pháp Tịnh Độ của Hòa thượng, của Pháp sư Định Hoằng, cô Lưu Tố Vân v.v… nhưng bây giờ chúng ta chưa hiểu được ý chỉ của những bậc đi trước, mà xem thường đối với việc học, xem thường Kinh pháp, xem thường người. Nên thật sự rất đáng thương cho thời Mạt pháp. Chính vì sự xem thường đó nên mình học không hiệu quả.

 

Trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Hòa thượng nói: “Đại Sư Ấn Quang nói rất hay: một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”. Ngày nay ai có tâm thành kính? Tâm thành kính là gì? Hiếu thuận cha mẹ; Tôn kính Sư trưởng; Tôn sư trọng đạo. Tâm này hiện tại không còn nữa, người hiện tại không hiếu thuận cha mẹ, người hiện tại không tôn trọng thầy. Vậy nếu quý vị nghe Kinh, nghe trên một trăm năm, quý vị cũng không thể nào nhập môn”. Then chốt là ở đây, đây là những điều khó. Nếu chúng ta không có tâm như vậy thì nghe Kinh trên một trăm năm cũng không thể nhập môn, là không vào được cửa.

 

(TRÍCH VLT146 – TẠM CHIA SẺ KINH VÔ LƯỢNG THỌ – PHẨM 46: CẦN TU KIÊN TRÌ – THẦY THÍCH THIỆN TRANG)

Trả lời 0