Responsive Menu
Add more content here...

Tập 238 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014

(Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ 8: TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC

Tập 238

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Thích Tịnh Không

Thời gian: 21/08/2015

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Sư cô Thích Tâm Thường

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, kính mời ngồi. Thỉnh mọi người cùng tôi đồng quy y Tam Bảo: 

A-xà-lê tồn niệm, ngã Đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật-Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt-Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng-Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 577, hàng thứ 5 từ trái sang, bắt đầu xem từ câu thứ 2:

旃檀者,乃印度香木之名,我國所無 “Chiên đàn giả, nãi Ấn Độ hương mộc chi danh, ngã quốc sở vô” (Chiên đàn: là tên của cây có mùi thơm ở Ấn Độ, nước ta không có). Hai chữ chiên đàn này dịch sang ý nghĩa nước ta là 與樂 “dữ lạc” (ban vui). Sự ban vui thế nào? Tiếp theo có chú giải, 據《慧苑音義》此木有赤白二種 “cứ Huệ Uyển Âm Nghĩa thử mộc hữu xích bạch nhị chủng” (theo sách Huệ Uyển Âm Nghĩa thì cây ấy có hai loại: đỏ và trắng), có cây màu đỏ, có cây màu trắng, chiên đàn màu trắng 能治熱病 “năng trị nhiệt bệnh” (có thể trị bệnh nhiệt), chiên đàn màu đỏ 能去風腫 “năng khử phong thũng” (có thể trừ đi bệnh sưng lên vì gió), nên gọi là 與樂 “dữ lạc”. Đó là một loại rất quý giá trong hương liệu, nước chúng ta gọi ngắn gọn là Đàn hương, chủng loại của Đàn hương rất nhiều, rất tạp, không phải loại Đàn hương ở Ấn Độ, nước ta không có loại Đàn hương của Ấn Độ. Đó là miêu tả Bồ-tát khi giáo hóa chúng sanh, thân miệng thường tỏa ra vô lượng hương thơm vi diệu, hương thơm vi diệu ấy có thể giúp chúng sanh: lìa khổ được vui, đó là giáo học, dùng điều này để làm ẩn dụ. Diệu hương của Bồ-tát là do từ trong Tánh đức mà tự nhiên lưu lộ ra. Do đây có thể biết, sự vi diệu của Tự Tánh không thể tả, chúng ta đều không cách nào tưởng tượng. Tự Tánh là Bản thể của toàn thể vũ trụ. Năm câu nói mà Đại sư Huệ Năng đã nói khi khai ngộ, là cách mô tả đơn giản nhất, nói với chúng ta, Tự Tánh chính là Chân Tâm. Cổ nhân nước ta, khi Phật giáo chưa truyền đến nước ta, cổ nhân nước ta gọi đó là Bản tánh, 人之初,性本善 “nhân chi sơ, Tánh bổn thiện” (người thuở đầu, tánh vốn thiện), Bản tánh vốn thiện chính là nói về Tự Tánh. Đại sư Huệ Năng nói với chúng ta, Tự Tánh là thanh tịnh, vĩnh viễn không có ô nhiễm, Chân Tâm luôn luôn không có ô nhiễm. Trong Pháp môn Tịnh tông xưng đó là Thường Tịch Quang, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc, mục tiêu cuối cùng là hồi quy Thường Tịch Quang, hồi quy Thường Tịch Quang liền chứng vào quả vị Diệu Giác, ở trên Đẳng giác, phía trên không còn nữa, gọi là Vô thượng, Diệu Giác Như Lai, Diệu Giác chứng được Pháp thân rốt ráo viên mãn, là Pháp thân Phật. Pháp thân Phật chính là Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang chính là Pháp thân Phật. Pháp thân Phật ở đâu? Là chẳng nơi nào không có, chẳng lúc nào không có. Quý Ngài vĩnh viễn không bị sự quấy nhiễu, không sanh không diệt.

Chúng ta biết, toàn bộ tất cả hiện tượng là pháp sanh diệt. Nhà Khoa học quy nạp vạn vật trong vũ trụ thành ba loại lớn. Loại thứ nhất là vật chất, hiện tượng vật chất có sanh có diệt, không có một vật chất nào là không sanh không diệt, tìm không thấy, đều có sanh diệt. Hiện tượng tâm lý, đó là loại thứ hai, chính là ý niệm, niệm trước diệt niệm sau sanh, niệm niệm liên tục, nội dung của mỗi một niệm hoàn toàn khác nhau; Nói cách khác, niệm niệm đều là độc lập, không có hai ý niệm là giống nhau. Chúng ta có thể tìm được chứng cứ trong thí nghiệm về nước, cùng một ý niệm, ý niệm đầu đều khác với ý niệm cuối. Điều này không phải thật, có sanh có diệt là giả, Vọng tâm hiện tiền, vật chất, ý niệm, hiện tượng tự nhiên, đều là do Vọng tâm biến hiện. Nên trên Kinh Hoa Nghiêm nói với chúng ta, cả vũ trụ là tâm hiện thức biến, do tâm mà hiện, do thức mà biến. Duy tâm sở hiện chính là Thật Báo Trang Nghiêm độ. Trong Thường Tịch Quang chưa nói tới cõi nước, chính là một khối ánh sáng, đó là  không có hiện tượng vật chất, không có hiện tượng tinh thần, cũng không có hiện tượng tự nhiên, không có gì cả, nhưng có thể hiện tất cả, vả lại sự ẩn hiện rất tự tại, gặp được duyên liền hiện, nếu không có duyên thì không hiện, liền ẩn, đó là không phải sanh diệt, mà là sự ẩn hiện. Chúng ta biết, Tự Tánh bất khả đắc, quý vị có thể chứng được, chứng được thì có thứ nào có thể đắc không? Không có, vì sao? Bởi ba loại hiện tượng đó đều không có, cho nên bất khả đắc. Ba loại hiện tượng này do A-lại-da biến ra, sanh diệt trong sát-na, cũng bất khả đắc. Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, tần số của sanh diệt là một phần 2 triệu 240 ngàn tỉ giây; Nói cách khác, trong một giây nó sanh diệt bao nhiêu lần? Sanh diệt là 2 triệu 240 ngàn tỉ lần, đơn vị là ngàn tỉ. Cho nên không thể đạt được, điều thật, điều giả đều không thể đạt được.

Sau khi sáng tỏ Chân tướng sự thật, có lợi ích lớn nhất, là quý vị không còn chấp tướng nữa, giả tướng, giống với cảnh giới trong mộng. Tần số của cảnh giới trong mộng cao bao nhiêu thì chúng ta không biết. Trên Kinh Kim Cang nói với chúng ta, 一切有為法,如夢幻泡影 “nhất thiết Hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (tất cả pháp Hữu vi, như mộng ảo bọt bóng), pháp Hữu vi chính là do A-lại-da biến ra, có sanh có diệt, giống như nằm mộng, mộng ảo bọt bóng, có thể thọ dụng, nhưng không thể chấp trước. Chấp trước là thế nào? Tôi muốn chiếm làm của riêng mình, đó là Chấp trước, vậy thì sai rồi, ý niệm này chính là căn nguyên của việc tạo nghiệp. Không hiểu rõ Chân tướng sự thật, hiểu lầm là thật có, muốn chiếm hữu, muốn có điều đó, đây đều là quan niệm sai lầm, thật sai rồi, điều đó đích thực không tồn tại, rất nhiều đồng học học Phật, có bao nhiêu người khế nhập cảnh giới này, thật sự chịu buông xuống? Do đây có thể biết, thật sự hiểu rồi, sáng tỏ rồi, tôi tin không người nào chẳng buông xuống. Vẫn buông không xuống chính là chưa thật sự hiểu được, chưa hiểu được triệt để, cứ vẫn cho đó là thật, không phải giả. Ở ngay trước mặt chúng ta, Sáu căn, Sáu trần, Sáu thức, là giả. Chúng ta đang chờ đợi, tin rằng trong đời này, chúng ta có thể nhìn thấy, nhà Cơ học Lượng tử tìm ra được ý niệm là gì, công khai phát biểu, thì chúng ta sáng tỏ rồi, giống với điều trên kinh Phật nói, không tồn tại, không thể đạt được. Kinh Phật dùng Khoa học để làm chứng minh, thì chúng ta tin rồi, đoạn nghi sanh tín, đoạn nghi sanh tín tiếp theo chính là lìa khổ được vui, nhổ sạch gốc của khổ ấy, tướng của khổ, Lục đạo Luân hồi, không thấy nữa, vượt qua Lục đạo Luân hồi, lúc đó tìm Lục đạo Luân hồi là bất khả đắc, tìm không thấy nữa, sáng tỏ thì tìm không thấy nữa.

Đức Phật nói với chúng ta, Phật Bồ-tát, hàng Phật Bồ-tát này đều là Ứng hóa thân, chúng ta thấy không được Báo thân, Báo thân ở Thật Báo độ, cần phải phá một phẩm Vô minh, chứng một phần Pháp thân, thì mới có thể thấy được, còn phàm phu thấy không được. Điều phàm phu thấy được, cũng chính là những gì trong Lục đạo nhìn thấy, Thập pháp giới nhìn thấy, tất cả đều là Ứng hóa thân. Về Ứng hóa thân, Tánh đức lưu lộ ra từ Ứng hóa thân, giống như hương thơm vi diệu của chiên đàn. Chúng ta có lí do để tin, lão Hòa thượng Hư Vân, có rất nhiều người nói với tôi đó là cao nhân, chứ không phải người bình thường, lão Hòa thượng chưa khai ngộ, chưa kiến Tánh, lão Hòa thượng tu Thiền là đắc Thiền định, bởi vì khai ngộ không dễ, nhưng đắc Thiền định không khó. Thiền định mà ngài đắc, có năng lực thăng lên trời Đâu Suất, thấy Bồ-tát Di Lặc, trong định thấy Bồ-tát Di Lặc, cũng thấy được có vài lão đồng tham, bạn bè cũ, họ vãng sanh đến Nội viện Đâu Suất trước, đã gặp nhau, gặp được ở nơi đó, vài người quen. Trong Giảng đường đã để lại cho ngài một chỗ ngồi, ngài ngồi vào chỗ đó để nghe bài giảng. Bồ-tát Di Lặc nói với ngài, thầy vẫn phải trở về. Ngài nói con không muốn quay lại, nhân gian quá khổ rồi. Bồ-tát Di Lặc nói với ngài, trần duyên của con chưa hết, con còn có nhiệm vụ, con cần phải trở về. Như vậy mới quay lại. Những sự việc này đều được ghi trong Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ. Tôi đã xem rất nhiều lần về Niên Phổ của ngài, là khi tôi mới học Phật, đã giúp tôi kiến lập tín tâm. Lão Hòa thượng sẽ không gạt người khác, thật có trời Đâu Suất, thật có Bồ-tát Di Lặc. Nói như vậy, đức Thế Tôn giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc cho chúng ta là không phải giả. Phật Bồ-tát, ngay cả những Cao tăng Đại đức ấy, nào có nói dối để gạt người chứ? Không có đạo lí này.

Nên khi lão Hòa thượng vãng sanh lúc 120 tuổi, là đến chỗ nào? Đến Nội viện của ngài Di Lặc. Cả đời ngài tu Di Lặc Tịnh độ, thoả mãn nguyện vọng của ngài. Chờ ở Nội viện của ngài Di Lặc, khi thọ mạng của Bồ-tát Di Lặc đến rồi, xả trời Đâu Suất, đến nhân gian chúng ta để thị hiện thành Phật, là vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp của Thế giới Ta Bà, đức Thích Ca Mâu Ni Phật là thứ tư, còn ngài là thứ năm. Nhóm người như lão Hòa thượng Hư Vân, sẽ xuống cùng với Bồ-tát Di Lặc, thị hiện làm Đệ tử của Phật, giống thân phận như ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên trước mặt đức Phật Thích Ca, lại đến nhân gian, điều đó không phải là giả. Chính là lão Hòa thượng Hư Vân, đắc Thiền định mà vẫn chưa khai ngộ, trên thân của ngài của mùi hương, y phục của ngài có mùi hương. Lão Hòa thượng từng đến Hồng Kông sống một tháng. Lúc đó đồng tu ở Hồng Kông đều hi vọng giữ ngài lại. Ngài nói không được, tôi phải trở về, Phật giáo Đại lục có tai nạn, ngài phải trở về gách vác, chịu khổ thay cho chúng sanh, sống được một tháng thì trở về. Trong một tháng ấy, có rất nhiều người thân cận lão Hòa thượng, năm 1977, tôi đến Hồng Kông để giảng kinh, rất nhiều đồng tu nói với tôi, khi họ thân cận lão Hòa thượng Hư Vân, lão Hòa thượng Hư Vân không thường xuyên tắm, trên cổ áo đều là một lớp cáu bẩn rất đen, nhưng ngửi lại là mùi hương thơm dịu, hơn nữa có thể chữa bệnh, rất nhiều người bị chút bệnh, ngửi thấy mùi hương của ngài, thì khỏi bệnh rồi, điều ấy là thật không phải giả. Đó là thế nào? Đó đều là do trong Tự Tánh lưu xuất ra, không phải mồ hôi trong cơ thể của chúng ta, cáu bẩn đó là thứ rất dơ, không phải, cáu bẩn đó có thể chữa bệnh.

Tiếp theo 優缽羅 “Ưu-bát-la”, Ưu-bát-la dịch sang nước ta là 青蓮花、紅蓮花 “thanh liên hoa, hồng liên hoa” (hoa sen xanh, hoa sen đỏ), đều gọi là hoa Ưu-bát-la. 其花香氣芬馥 “Kì hoa hương khí phần phức” (Mùi thơm của hoa ấy thơm ngào ngạt). Trong Huệ Uyển Âm Nghĩa có giới thiệu, 優缽羅,花號也。其葉狹長,近下小圓 “Ưu-bát-la, hoa hiệu dã. Kì diệp hiệp trường, cận hạ tiểu viên” (Ưu-bát-la, là tên gọi của hoa. Lá của hoa nhỏ dài, ở gần thì phía dưới tròn nhỏ), đến gần thì phía dưới của hoa là tròn, 向上漸尖。佛眼似之,經多為喻 “hướng thượng tim tiêm. Phật nhãn tự chi, kinh đa vi dụ” (nhọn dần lên trên. Mắt của đức Phật giống như vậy, trong kinh thường làm ví dụ), trong rất nhiều kinh đều dùng hoa ấy để miêu tả mắt của Phật, mắt của Phật dài nhỏ, rất giống hình dáng của hoa Ưu-bát-la. 大士身口常出妙香,是乃戒德之所感 “Đại sĩ thân khẩu thường xuất diệu hương, thị nãi giới đức chi sở cảm” (Thân và miệng của Đại sĩ thường tỏa ra hương thơm vi diệu, đó là được chiêu cảm bởi giới đức). Điều này nói ra, Đại sĩ là Hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền, hương thơm ấy đến từ đâu? Gốc của hương thơm là Tự Tánh, trong Tự Tánh vốn dĩ đầy đủ. Nhưng người chưa kiến Tánh, thì hương thơm đến từ đâu? Là từ Giới Định, được chiêu cảm bởi giới đức. Trì Giới tu Định, Định cộng giới, vì sao? Bởi người ở trong Định sẽ không làm ác, sẽ không phá Giới; Đạo cộng giới, Đạo là chứng quả, chứng đắc A-la-hán, chứng đắc quả vị của Bồ-tát, như vậy tự nhiên đầy đủ giới đức, là do sự cảm ứng này. Giới đức có thể cảm, Tánh đức có thể ứng, tất cả pháp không rời Tự Tánh.

《觀佛三昧海經》曰:常以戒香,為身瓔珞 “Quán Phật Tam Muội Hải Kinh viết: Thường dĩ giới hương, vi thân anh lạc” (Trong Kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói: thường dùng hương Giới luật, làm chuỗi anh lạc cho thân). Anh lạc là trang sức, người thế gian dùng anh lạc để làm trang sức, là gia đình giàu sang, thứ đeo trên thân gọi là anh lạc, thứ ở trên tay gọi là đồ trang sức. Người tu hành là dùng hương Giới luật làm anh lạc, giống như lão Hòa thượng Hư Vân, quý vị tiếp cận ngài, thì quý vị ngửi thấy trên thân của ngài có hương thơm, là do Giới đức chiêu cảm. 《戒香經》曰:世間所有諸花果,乃至沈檀龍麝香 “Giới Hương Kinh viết: Thế gian sở hữu chư hoa quả, nãi chí trầm đàn long xạ hương” (Trong Kinh Giới Hương ghi: Tất cả hoa quả ở thế gian, cho đến trầm đàn long xạ hương), trầm đàn là trầm thuỷ hương, đàn hương, nó nặng hơn nước, thông thường những cỏ cây ấy nhẹ hơn nước, đều nổi trên mặt nước, nhưng trầm hương để trong nước thì sẽ chìm xuống, nặng hơn nước, trầm đàn long xạ đều là tên gọi của các loại hương, long xạ hương. 如是等香非遍聞,唯聞戒香遍一切 “Như thị đẳng hương phi biến văn, duy văn giới hương biến nhất thiết” (Những hương như thế không truyền khắp, chỉ truyền hương Giới ở khắp nơi). Mùi hương của cỏ cây hoa lá ở thế gian này, dù thơm, thì cũng không hơn được chiên đàn, long xạ nói ở đây. Nhưng dù so sánh thế nào cũng không sánh bằng những vị Đại đức tu hành trong cửa Phật, thật sự tu hành, bất luận tại gia xuất gia, thì thân thể đều có hương thơm vi diệu.

Khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời, Ngài thị hiện là người xuất gia tu hành, đồng thời còn có một vị Cư sĩ tại gia, là bình đẳng với địa vị của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, là Cư sĩ Duy Ma, Cư sĩ Duy Ma Cật không xuất gia, nhưng cũng chứng đắc được Phật quả, là thân Cư sĩ. Do đây có thể biết, xuất gia, tại gia là hình thức, còn chứng đắc Phật quả là thực chất, Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức, phải biết, phải tôn trọng đạo lí này. Nếu người tại gia thật sự chứng quả, thì phải đối xử coi họ giống như Phật. Nên khi Cư sĩ Duy Ma giảng kinh, đức Thích Ca Mâu Ni Phật phái các Đệ tử, ngài Mục Kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất, dẫn đại chúng đến nghe kinh, những vị A-la-hán xuất gia ấy, nhìn thấy Cư sĩ Duy Ma đều phải đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu bên phải ba vòng, lễ tiết đó không khác với khi nhìn thấy Phật. Vậy nói rõ điều gì? Nói rõ Phật giáo coi trọng Sư đạo, chứ không phải trọng hình thức, tuy ngài là thân phận tại gia, nhưng ngài là thầy của quý vị, quý vị là học trò của ngài, như vậy cần phải hành lễ của thầy trò, nhất định phải biết điều này. Nhất định không thể nói tôi là xuất gia, tôi là Đệ tử Phật, còn họ là Cư sĩ tại gia, vậy không được. Cư sĩ thì phải xem thân phận gì, nếu là khi thăng toà giảng kinh, đó là thay Phật thuyết pháp, thì họ là thân phận của Phật. Hiện nay chúng ta nhìn thấy trong rất nhiều trường hợp, Cư sĩ thăng toà giảng kinh, mà người xuất gia không lễ bái, điều ấy là sai lầm. Quy củ mà đức Phật lập ra cho chúng ta, là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu bên phải ba vòng, hoàn toàn giống với việc thấy Phật. Vì vậy tôn Sư trọng đạo, sẽ tiêu trừ sự cống cao ngã mạn của chính mình.

Đại Cư sĩ thật sự có đức hạnh, thì họ là thầy của chúng ta, như lão Cư sĩ Hạ Liên Cư, hội tập cho chúng ta bộ Kinh này. Bộ Kinh này không dễ hội tập, ngài Vương Long Thư là vị Đại đức rất tuyệt vời, hội tập không phải là tận thiện tận mĩ; Ngài Ngụy Mặc Thâm cũng là Đại đức, hội tập lần thứ hai vẫn là có tì vết, bị người khác phê bình; Ngài Hạ Liên Cư là hội tập lần thứ ba, lần thứ ba là mất thời gian 10 năm, ba năm mới hoàn thành Bản Hội Tập, mười lần chỉnh sửa, dùng suốt thời gian 10 năm. Văn tự trong kinh hội tập, từng chữ từng câu đều là chữ được dùng trong bản dịch gốc, không có sửa đổi một chữ, hết lòng với việc hội tập, tìm không thấy một khuyết điểm nào. Trong các Pháp sư thì không ai làm, nhưng ngài đã làm được, sau khi làm xong hiện nay biết bao người xuất gia y theo bản Kinh này để học tập, làm sao ngài không phải là thầy chứ? Chúng ta không thể quên ơn phụ nghĩa, chúng ta phải đảnh lễ, phải cảm ơn. Tập chú của Hoàng Niệm lão không đơn giản, đã tập hợp 193 loại tư liệu cho quý vị làm tham khảo, ngài đã dùng 193 loại tư liệu, dùng để chú giải một bộ Đại Kinh này. Nói rõ điều gì? Đó không phải là ý của ngài, mà là nghĩa gốc trên kinh luận, giáo huấn của Tổ sư Đại đức, đó là có trí huệ, cao minh, không dễ làm được, nhưng ngài làm được. Chúng ta được thọ dụng. Làm Chú Giải này, mất suốt thời gian 6 năm, sau khi hoàn thành thì ngài ra đi. Hai vị lão nhân ấy xuất hiện ở thế gian, có nhiệm vụ, chính là phải làm sự việc đó, công đức viên mãn thì các ngài rời khỏi, là sự giúp đỡ rất lớn đối với chúng ta! Nếu chúng ta không có được Bản Hội Tập này, không có được Tập Chú của Niệm lão, thì phương pháp duy nhất của chúng ta chỉ có theo Cổ nhân, dùng Kinh Mi Đà làm chủ tu. Ba Chú Giải của Kinh Mi Đà: gồm Sớ Sao của Đại sư Liên Trì, Yếu Giải của Đại sư Ngẫu Ích, Viên Trung Sao của Đại sư U Khê, Hoàng Niệm lão cũng dặn tôi, hi vọng thêm Thông Tán Sớ của Đại sư Khuy Cơ vào, là bốn Chú Giải lớn của Kinh Mi Đà, rất có đạo lí. Đại sư Khuy Cơ là dùng tông Pháp Tướng để chú giải, Pháp Tướng đến sau cùng cũng dẫn về Cực Lạc, cũng tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ, [là] đúng rồi, đều không sai chút nào.

Cho nên hương như thế nào cũng không bằng hương của Giới, không bằng hương của Định. Hương lưu lộ ra ở chỗ này, là hương của Giới Định Huệ, ở khắp mọi nơi. 本經曰:其香普熏無量世界。故知其香應是戒香 “Bổn Kinh viết: Kì hương phổ huân vô lượng Thế giới. Cố tri kì hương ưng thị Giới hương” (Trong Kinh này nói: Hương ấy xông khắp vô lượng Thế giới. Nên biết hương ấy phải là hương Giới). Người niệm Phật chúng ta trì Giới, có cần đi thọ giới không? Đại sư Chương Gia nói với tôi, Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức, thí như Ngũ giới, quý vị thật sự có thể làm được một điều, thì quý vị thọ một điều. Có người tới truyền thọ cho quý vị không, là làm nghi thức, không có quan trọng, Phật Bồ-tát thừa nhận. Quý vị có thể làm được hai điều, thì quý vị thọ hai điều, hoàn toàn ở chính mình. Giới căn bản của Phật, Ngũ giới là giới căn bản, mở rộng chính là Thập Thiện Nghiệp. Điều thứ hai trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, chính là hương Giới, hương Giới viên mãn, 受持三皈,具足眾戒,不犯威儀 “thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi” (thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi), là ba câu nói này, đó là nói với chúng ta, đầy đủ các giới là thế nào? Là Tam Quy, Ngũ giới, Thập thiện, Sa-di Luật nghi, Lục Hoà, Lục độ, Thập Đại Nguyện vương, Tam tụ Tịnh giới thảy đều đã đầy đủ, có thể tuân thủ, tốt! Khi có thể tuân thủ thì nhất định có hương của Giới. Chúng ta xem văn tiếp theo, 隨類現身 “Tuỳ Loại Hiện Thân” (Theo Loại Hiện Thân).

【隨所生處。色相端嚴。三十二相。八十種好。悉皆具足】 “Tuỳ sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm, tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc” (Theo nơi sanh ra, sắc tướng đoan nghiêm, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thảy đều đầy đủ).

Chúng ta nhìn thấy ở đây liền biết, Bồ-tát thị hiện ở nhân gian là dùng Ứng thân, Ứng thân là dùng thân Phật xuất hiện ở thế gian, đề xướng giáo hóa chúng sanh, tám tướng thành đạo. Trong Chú Giải, 端者,端正。容色端正。嚴者,莊嚴 “Đoan giả, đoan chánh. Dung sắc đoan chánh. Nghiêm giả, trang nghiêm” (Đoan: là đoan chánh. Diện mạo vẻ đẹp đoan chánh. Nghiêm: là trang nghiêm). 三十二相 “Tam thập nhị tướng” (32 tướng), 就佛丈六化身而言 “tựu Phật trượng lục Hóa thân nhi ngôn” (là theo Hóa thân cao 1 trượng sáu của đức Phật để nói), đó là Ứng hóa thân, năm xưa đức Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện ở trên trái đất của chúng ta đây, thân một trượng sáu, người cao to. Trượng sáu là có phải cao như hai người chúng ta không? Không phải vậy, thước của Ấn Độ ngắn, còn thước của nước ta dài. Về việc này, Đại sư Hoằng Nhất có 周尺考 “Chu Xích Khảo”, ngài có khảo chứng, có một bài văn chương, nói rõ cho chúng ta, thước vào thời nhà Chu, ứng với thước của chúng ta hiện nay, là khoảng sáu tấc. Như vậy nói rõ phải cắt đi 60%, thì biết được vóc dáng là cao, chứ không phải rất cao, chúng ta nhìn thấy rất hoan hỉ, nếu quá cao, thì chúng ta nhìn cảm thấy rất kì lạ. Nên 1 trượng 6 vào lúc đó, đại khái hiện nay là hơn một trượng của chúng ta một chút. Nếu là Báo thân, thì đó là điều được nói trong Quán Kinh, tướng của Báo thân đẹp thế nào? Là 64 ức 1.600 vạn Tuỳ hình hảo, đó là Báo thân, 80 Tuỳ hình hảo, chúng ta chưa đọc văn tiếp theo đây, 若就報身,則有八萬四千相 “nhược tựu Báo thân, tắc hữu bát vạn tứ thiên tướng” (nếu là Báo thân, thì có tám vạn bốn ngàn tướng hảo).

八十種好 “Bát thập chủng hảo” (80 vẻ đẹp), là 指八十隨形好,此亦就丈六之身而言 “chỉ bát thập Tuỳ hình hảo, thử diệc tựu trượng lục chi thân nhi ngôn” (chỉ 80 vẻ đẹp kèm theo, đây cũng là theo thân 1 trượng 6 mà nói). Điều này đều là nói về đức Thích Ca Mâu Ni Phật, khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật còn ở đời có tướng hảo như vậy. 若是報身,則有六十四億一千六百萬隨形好 “Nhược thị Báo thân, tắc hữu lục thập tứ ức nhất thiên lục bá vạn Tuỳ hình hảo” (Nếu là Báo thân, thì có 64 ức 1.600 vạn Tuỳ hình hảo). Câu kinh văn này trên Quán Kinh, 無量壽佛有八萬四千相,一一相各有八萬四千隨形好 “Vô Lượng Thọ Phật hữu bát vạn tứ thiên tướng, nhất nhất tướng các hữu bát vạn tứ thiên Tuỳ hình hảo” (Vô Lượng Thọ Phật có 84 ngàn tướng, mỗi một tướng đều có 84 ngàn vẻ đẹp kèm theo), đó là Báo thân của A Mi Đà Phật. Có liên quan tới chúng ta, có liên quan thế nào? Chúng ta sanh đến Thế giới Cực Lạc, thân tướng giống với A Mi Đà Phật, A Mi Đà Phật có 84 ngàn tướng, thì thân chúng ta khi đến nơi đó cũng có 84 ngàn tướng, mỗi một tướng có 84 ngàn vẻ đẹp kèm theo, mỗi một vẻ đẹp kèm theo phóng 84 ngàn quang minh, trong mỗi ánh quang minh, đều có thể thấy được chư Phật trong mười phương Thế giới đang giảng kinh dạy học, hoằng pháp lợi sanh, trong thân tướng thấy được toàn vũ trụ. Theo sự tiến bộ của Khoa học hiện đại, chúng ta càng ngày càng tin đối với những lời này trong kinh. 80 năm trước, TV chưa được phát minh, lúc đó thứ tiến bộ nhất là điện báo, lúc đó có vô tuyến điện, có radio, những máy móc ấy đều rất cồng kềnh, thể tích cũng rất lớn, rất không thuận tiện, lúc ấy cũng đã rất tiến bộ, rất tiên tiến. Khoa học kỹ thuật ngày nay, 80 năm trước nằm mơ cũng không ngờ tới. Chúng ta nhìn thấy những thứ này, những gì nói về Thế giới Cực Lạc thì chúng ta có thể tiếp nhận, có thể không hoài nghi nữa, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ở Thế giới Cực Lạc, chúng ta theo không kịp, không thể so sánh.

又《法界次第下》云:相好乃同是色法 “Hựu Pháp Giới Thứ Đệ Hạ vân: Tướng hảo nãi đồng thị Sắc pháp” (Thêm nữa trong quyển Hạ của Pháp Giới Thứ Đệ ghi: Tướng và hảo đều là Sắc pháp), rời không khỏi Ngũ uẩn, 皆為莊嚴顯發佛身。但相總而好別 “giai vi trang nghiêm hiển phát Phật thân. Đãn tướng tổng nhi hảo biệt” (đều làm trang nghiêm hiển lộ thân Phật. Nhưng tướng chung mà hảo khác), có chung có khác. Nếu tướng không có hảo, thì tướng ấy không viên mãn. Chuyển luân Thánh vương, Đao lợi Thiên chủ, chữ Thích ở đây chính là Đao lợi Thiên chủ, Phạm là Phạm vương của trời Sắc giới, cũng có tướng, chính là 32 tướng, có tướng. 以無好故,相不微妙 “Dĩ vô hảo cố, tướng bất vi diệu” (Bởi vì không có hảo, nên tướng không vi diệu),tuy các ngài có tướng, nhưng không có hảo, nên tướng cũng không thể nói là vi diệu. Bởi vì những người ấy, như Chuyển luân Thánh vương được nói ở đây, chữ ‘thích’ chính là Thích đề Hoàn nhân, Đao lợi Thiên chủ, Đại Phạm Thiên vương, các ngài có phước báo, nhưng các ngài không có Giới Định Huệ, phước báo cảm được là tướng, 32 tướng, mà không có 80 Tuỳ hình hảo, Tuỳ hình hảo là do giới đức chiêu cảm, có thể thấy điều khác đó với ở chỗ này. 又《智度論》曰:相粗而好細 “Hựu Trí Độ Luận viết: Tướng thô nhi hảo tế” (Thêm nữa, trong Luận Trí Độ nói: Tướng thô nhưng hảo vi tế), chúng ta nói nhìn thô, nhìn thô là tướng, nhìn vi tế là hảo. 眾生見佛則見其相 “Chúng sanh kiến Phật tắc kiến kì tướng” (Chúng sanh thấy Phật liền thấy tướng ấy), phàm phu chúng ta nhìn thấy Phật, thấy được 32 tướng của Phật, rất rõ ràng, nhưng không thấy rõ 80 Tuỳ hình hảo, vì vậy hảo (tướng vi tế) khó thấy. Người nào thấy được tướng vi tế? Người có tu hành, người có định công, có thể thấy được tướng vi tế, bởi tâm của họ thanh tịnh. Giống như Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả của Tiểu thừa, Tam quả, Tứ quả thì tôi tin có thể thấy được tướng hảo của Phật, còn Sơ quả, Nhị quả không khác với phàm phu chúng ta, có thể thấy được 32 tướng, nhưng thấy không được 80 loại Tuỳ hình hảo. Trong Đại thừa ít nhất cũng là Bồ-tát Tứ tín, Ngũ tín vị trong Thập tín vị có thể thấy được tướng hảo. Chúng sanh thấy Phật liền thấy được tướng ấy. 好則難見故。又相者餘人共得。好者或共或不共 “Hảo tắc nan kiến cố. Hựu tướng giả dư nhân cộng đắc. Hảo giả hoặc cộng hoặc bất cộng” (Bởi hảo thì khó thấy. Thêm nữa tướng là người khác cùng được. Hảo là hoặc chung hoặc không chung), chung là tất cả người tu hành đều có thể đạt được, không chung cũng chính là Giới Định Huệ mà quý vị tu chưa đạt đến viên mãn, hảo là do Giới Định Huệ chiêu cảm được, Giới Định Huệ không đạt đến trình độ đó, thì 80 vẻ đẹp sẽ không xuất hiện. 以是故,相好別說 “Dĩ thị cố, tướng hảo biệt thuyết” (Do đó, tướng và hảo phân chia để nói), chia ra để nói, là 32 tướng, 80 loại Tùy hình hảo.

由上可見,相乃其粗者,共者,顯而易見者。好乃細者,不共者,微妙難見者。法藏菩薩因地,於卅二相八十種好悉皆具足,無有缺少 “Do thượng khả kiến, tướng nãi kì thô giả, cộng giả, hiển nhi dị kiến giả. Hảo nãi tế giả, bất cộng giả, vi diệu nan kiến giả. Pháp Tạng Bồ-tát nhân địa, ư tạp nhị tướng bát thập chủng hảo tất giai cụ túc, vô hữu khuyết thiếu” (Do những điều trên có thể thấy, tướng là nét thô, nét chung, rõ ràng và dễ thấy. Hảo là nét vi tế, nét không chung, vi diệu khó thấy. Trong nhân địa của Bồ-tát Pháp Tạng, đối với 30 tướng 80 vẻ đẹp thảy đều đầy đủ, không có thiếu khuyết), rất khó được! Tỳ-kheo Pháp Tạng đời đời kiếp kiếp tu hành, không phải lần này mới phát tâm, điều này chúng ta đều đã đọc ở trước, Nhân địa của A Mi Đà Phật rất xa, chúng ta không cách nào tưởng tượng, mười kiếp gần nhất đây thì Ngài thành Phật, thời gian thành Phật thực ra không dài lắm, đến hiện nay mới 10 kiếp, vô lượng kiếp và 10 kiếp, thì 10 kiếp quá ngắn rồi. Chúng ta vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, tương lai ở Thế giới Cực Lạc đều là nguyên lão, vậy chúng ta khi nào đến? 10 kiếp của A Mi Đà Phật thì chúng ta đến rồi, không phải vài trăm kiếp, vài ngàn kiếp, không phải, mà 10 kiếp thì đến rồi. Đây đều nói rõ duyên thù thắng, duyên của chúng ta với A Mi Đà Phật thù thắng. Tiếp theo là đoạn nhỏ thứ ba 最上利樂 “Tối Thượng Lợi Lạc” (Lợi Lạc Tối Thượng).

【手中常出無盡之寶。莊嚴之具。一切所須。最上之物。利樂有情】 “Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ. Nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật, lợi lạc Hữu tình” (Trong tay thường sanh ra vô lượng báu vật, dụng cụ trang nghiêm. Những vật tối thượng theo tất cả nhu cầu, để lợi lạc Hữu tình).

Trong chúng ta hoàn toàn thuộc về cảm ứng, cảm ứng đạo giao không thể nghĩ bàn. Hai tháng trước, hai tháng trước, có đồng tu tặng đến một bộ sách cho tôi xem, tổng cộng là 14 tập, vốn là 15 tập, nhưng bị mất đi một tập, thiếu một tập, còn 14 tập, bộ sách ấy hoàn toàn là nói về nhân quả báo ứng, được viết bằng Văn ngôn văn. Khi tôi xem rất hoan hỉ, chúng ta mượn sách đó để có thể học Văn ngôn văn, lại học được nhân quả báo ứng. Nhân quả báo ứng ấy không phải là nói hiện nay, mà phải là nói từ thời nhà Thanh về trước. Cũng đều là người thật việc thật, Cổ nhân không viết lời bịa đặt, Cổ nhân không thích nói vọng ngữ, cũng không thích nói đùa với người khác, nói đùa là hí luận, là điều không cho phép trong Giới luật của Phật, tuy không có tội, nhưng họ có lỗi, về tội lỗi này, thì tội nặng còn lỗi nhẹ. Nên đó là một bộ sách hay, mất đi một quyển cũng không sao, tôi giao cho Nhà in Thế Giới để in 10 ngàn bộ. Lần tiếp theo khi tổ chức Pháp hội Tế Tổ, có thể lấy ra để kết duyên với đại chúng. Một việc được hai, học được cả Hán cổ, nội dung là nói về nhân quả báo ứng, thiện có quả báo thiện, ác có quả báo ác, thật sự là chẳng phải không có báo ứng, mà đó là thời giờ chưa tới, một khi thời giờ tới, tất cả đều báo. Sách ấy hay. Thật sự có cảm ứng, trước đó không bao lâu, có người gửi một khoản tiền đến, tương đương với con số định giá, vừa vặn, quý vị xem, cảm ứng không thể nghĩ bàn, lập tức đủ tiền in kinh rồi. Những điều này chúng tôi đều gọi là tùy duyên, tùy duyên không phan duyên, phan duyên rất khổ, còn tùy duyên rất tự tại, tất cả an bài sẵn, chúng ta gặp được rồi.

Chúng ta xem kinh văn này, lợi lạc tối thượng. 手中常出無盡之寶,莊嚴之具,一切所須最上之物,利樂有情 “Thủ trung thường xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ, nhất thiết sở tu tối thượng chi vật, lợi lạc Hữu tình” (Trong tay thường sanh ra vô lượng báu vật, dụng cụ trang nghiêm, những vật tối thượng theo tất cả nhu cầu, để lợi lạc Hữu tình). Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão. 手出諸寶,如《維摩經》中之寶手與妙臂二菩薩  “Thủ xuất chư bảo, như Duy Ma Kinh trung chi Bảo Thủ dữ Diệu Tí nhị Bồ-tát” (trong tay sanh ra các báu vật, giống như hai vị Bồ-tát Bảo Thủ và Diệu Tí trong Kinh Duy Ma), cánh tay. 羅什大師曰:寶手者,手中能出無量珍寶也。又云:以施報故,手出無盡寶物,如五河流,故名妙臂 “La Thập Đại sư viết: Bảo thủ giả, thủ trung năng xuất vô lượng trân bảo dã. Hựu vân: Dĩ thí báo cố, thủ xuất vô tận bảo vật, như ngũ hà lưu, cố danh Diệu Tí” (Đại sư La Thập nói: Bảo Thủ, là trong tay có thể sanh ra vô lượng trân bảo. Còn nói: Do quả báo của bố thí, nên trong tay sanh ra vô lượng báu vật, như năm dòng sông, nên gọi là Diệu Tí). Đại sư Cưu Ma La Thập nói rõ cho chúng ta ý nghĩa của Bảo Thủ và Diệu Tí, trong tay có thể sanh ra vô lượng báu vật, bởi do quả báo của bố thí, nên trong tay sanh ra vô lượng báu vật, tiếp theo nói, năm dòng sông là ví dụ, như vậy gọi đó là Diệu Tí, Bảo Thủ. 義寂師判此為十地菩薩之行 “Nghĩa Tịch sư phán thử vi Thập địa Bồ-tát chi hạnh” (Sư Nghĩa Tịch phán định đó là hạnh của Bồ-tát Thập địa), không phải phàm phu, phàm phu làm không được, 以智度成故。妙智融通,故隨意無礙 “dĩ Trí độ thành cố. Diệu trí dung thông, cố tùy ý vô ngại” (bởi do Trí độ thành tựu. Trí huệ vi diệu dung thông, cho nên tùy ý không có chướng ngại), đó là nói về Thập địa Bồ-tát, quý ngài có thể làm được. Thập địa, là từ Sơ địa đến Thập địa. Sơ địa của Biệt giáo, Minh tâm Kiến tánh, Đại triệt Đại ngộ, các ngài giống như Đại sư Huệ Năng vậy, trong Biệt giáo là Sơ địa, còn trong Viên giáo là Sơ trụ. Từ Sơ địa đến Thập địa, gọi là Thập địa Bồ-tát. Bát-nhã của quý ngài hiện tiền, bình thường chúng ta nói: Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh. Người kiến Tánh, nói theo lời nói thế tục thì quý ngài có Thần thông, quý ngài có thể biến hóa! Cần điều gì thì quý ngài có thể biến hiện điều ấy, biến hiện thật hữu dụng, chẳng phải không hữu dụng, trí huệ vi diệu dung thông, tùy ý không có chướng ngại, chúng sanh cần điều gì, thì quý ngài có thể bố thí buông xả điều đó, nếu không phải người kiến Tánh thì làm không được. Trong Tịnh Ảnh Sớ nói, 手出供具,供養諸佛 “thủ xuất cúng cụ, cúng dường chư Phật” (trong tay sanh ra các đồ cúng, để cúng dường chư Phật). Pháp sư Nghĩa Tịch nói, 施諸有情,供養三寶 “thí chư Hữu tình, cúng dường Tam Bảo” (bố thí tất cả Hữu tình, cúng dường Tam Bảo). Trong tay các ngài sanh ra vô lượng báu vật, tác dụng của chúng có hai loại: một là bố thí cho chúng sanh Hữu tình, chúng sanh khổ nạn cần giúp đỡ, dùng điều này để bố thí. Một điều khác là cúng dường Tam Bảo, cúng dường Tam Bảo là tu phước, Tam Bảo là ruộng phước. Tất cả chúng sanh Hữu tình gọi đó là ruộng từ bi, quý vị dùng tâm từ bi để giúp họ, để cứu tế họ, đức Phật giảng quả báo bố thí cho chúng ta.

Khi tôi mới học Phật, Đại sư Chương Gia dạy cho tôi bố thí, cũng là lần đầu tiên gặp mặt đã dạy, buổi học đầu tiên. Tôi hướng về ngài thỉnh giáo một vấn đề: con từ chỗ của Tiên sinh Phương Đông Mĩ mà biết “Phật pháp là Triết học cấp cao, chúng con tôn kính đối với Phật pháp”. Tôi nói cửa Phật có phương pháp giúp chúng ta khế nhập cảnh giới rất nhanh không? Thầy nói với tôi, 有,看破,放下 “hữu, khán phá, phóng hạ” (có, nhìn thấu, buông xuống). Nhìn thấu là hiểu rõ Chân tướng sự thật, buông xuống, là không để trong tâm, nhìn thấu giúp quý vị buông xuống, buông xuống giúp quý vị nhìn thấu lần nữa, từ Sơ phát tâm đến địa vị Như Lai, chính là dùng phương pháp này. Làm thế nào để buông xuống? Thì ngài nêu ra Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát, Sáu Ba-la-mật chính là buông xuống, Bố thí, là buông xuống tham luyến, tâm tham; Trì giới, là buông xuống nghiệp ác; Nhẫn nhục, là buông xuống oán hận; Tinh tấn, là buông xuống sự giải đãi; Thiền định, là buông xuống sự tán loạn, tất cả đều là buông xuống, ý nghĩa của buông xuống này rất rộng. Đến sau cùng, trong Kinh Kim Cang Bát Nhã nói, 法尚應捨,何況非法 “pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp” (pháp còn nên xả, huống hồ chẳng phải pháp), chữ pháp đó là gì? Là toàn bộ tất cả pháp của Phật đều phải buông xuống. Vì sao? Bởi đó là do thiện xảo phương tiện mà kiến lập, trong Tự Tánh không có Phật pháp, nếu có Phật pháp, thì Tự Tánh bị phá hỏng rồi, Tự Tánh không có gì cả, thì Phật pháp ở đâu ra? Nên Phật pháp là thuốc, dùng cho việc chữa bệnh, bệnh đã chữa khỏi, như vậy không cần uống thuốc nữa, nếu uống tiếp thì sẽ lại bị bệnh lâu dài!

Nên đức Phật dạy cho chúng ta, Phật pháp là pháp phương tiện, còn pháp chân thật thì sao? Pháp chân thật là vốn có trong Tự Tánh của quý vị, không phải có được từ bên ngoài. Tất cả pháp phải từ bên trong để cầu, bên ngoài không có, bên ngoài đâu có? Ngoài tâm không có pháp, phải nhớ điều này. Những đạo lí này chỉ có đức Phật giảng được rõ ràng, giảng được thấu triệt. Sau khi nói hết thật sự là buông xuống vạn duyên, trong tâm đều không thể để điều gì, thì quý vị mới có thể Minh tâm Kiến tánh, quý vị mới có thể Đại triệt Đại ngộ. Nhưng Đại ngộ, Triệt ngộ thì khó. Trong đó có Đốn có Tiệm, người đốn siêu rất ít. Chúng ta nhìn thấy trong Phật pháp, đức Thích Ca Mâu Ni Phật là Đốn siêu, trong hàng Bồ-tát có một số ít là Đốn siêu, đa phần là do Tiệm tu. Lấy Đại sư Huệ Năng làm ví dụ, Đại sư Huệ Năng Minh tâm Kiến tánh, Đại triệt Đại ngộ là Đốn ngộ, thời gian không dài, nhưng dưới hội của Đại sư Huệ Năng, Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, có 43 người, 43 người ấy đều là Tiệm ngộ, có người căn tánh rất nhạy bén, nhưng cũng là gần một năm mới khai ngộ, có một số người căn tánh không nhạy bén, thì 10 năm, 20 năm, 30 năm khai ngộ, đều có. Nhưng sau khi khai ngộ, cảnh giới là bình đẳng, ở nước ta đã xuất hiện không ít Thánh Hiền trong cửa Phật, duyên của nước ta với Phật rất sâu, 1.700 điều công án trong Ngũ Đăng Hội Nguyên của Thiền tông, đó chính là 1.700 người Đại triệt Đại ngộ, các ngài ấy đều là Tiệm ngộ, chứ không phải Đốn ngộ. Người Đốn ngộ rất khó, ngàn năm khó gặp được một người, còn Tiệm ngộ thì được.

Lão Hòa thượng Hải Hiền là Đại triệt Đại ngộ, ngài không phải Đốn ngộ, mà ngài là Tiệm ngộ. Chúng ta xem sự việc cả đời của ngài, xem đĩa phim về ngài, xem Vĩnh Tư Tập về ngài, khả năng của ngài ấy chính là: căn tánh tốt, thật thà, nghe lời, thật làm, đó là điều người bình thường làm không được, nhưng ngài làm được. Hễ là người thật thà, nghe lời, thật làm, nếu gặp được bạn lành thì đều có thể thành tựu, chẳng một người nào không thành tựu, thành tựu sớm hay muộn thì mỗi mỗi đều khác nhau, duyên khác nhau. Lão Hòa thượng Hải Hiền xuất gia năm 20 tuổi, Sư phụ chỉ dạy ngài một câu A Mi Đà Phật, dặn ngài cứ thế mà niệm, lại dặn thêm ngài một câu, 明白了不能亂說,不能說 “minh bạch liễu bất năng loạn thuyết, bất năng thuyết” (sáng tỏ rồi, không được nói lung tung, không được nói). Sáng tỏ ở đây là gì? Chính là khai ngộ rồi, khi khai ngộ rồi, duyên không đầy đủ không được nói, thì ngài không nói, ngài có trí huệ, ngài có Thần thông, nhưng không nói, người bình thường không biết. Vì vậy chúng ta lắng tâm quan sát, quý vị xem một người thiên phú như vậy, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, một câu Phật hiệu này niệm niệm không gián đoạn, ngoại trừ lúc buổi tối đi ngủ, khi tỉnh dậy thì ngài tiếp tục lại niệm, một câu một câu chưa từng mất đi, công phu này tốt, công phu đắc lực rồi. Người niệm Phật như vậy, thông thường khoảng 3 năm thì niệm đến Công phu Thành phiến. Niệm đến Công phu Thành phiến liền có điều kiện vãng sanh, nếu ngài cầu vãng sanh, thì A Mi Đà Phật thật dẫn ngài đi. Đây là điều chúng ta có thể tin, sẽ không hoài nghi.

Chúng ta xem thấy trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, xem thấy trong Truyện Vãng Sanh, rất nhiều người niệm Phật ba năm đã vãng sanh. Tuyệt đối không phải thọ mạng trong ba năm đã hết, không có vừa vặn như vậy, điều đó nói không thông, mà là thế nào? Khi lấy được Công phu Thành phiến, thì A Mi Đà Phật sẽ đưa tin tức cho họ, hoặc trong mộng, hoặc trong định, họ nhìn thấy Phật, Phật sẽ nói với họ, con vẫn còn thọ mạng bao lâu, khi thọ mạng hết thì Ta sẽ đến đón con. Lúc ấy có một hạng người với tính cảnh giác cao, thấy A Mi Đà Phật thực không dễ, bây giờ gặp được rồi thì không chịu buông tay, liền cầu A Mi Đà Phật dẫn họ vãng sanh, con vẫn còn thọ mạng ấy nhưng không cần nữa. Người ra đi như vậy rất nhiều, rất nhiều ví dụ. Không phải ba năm thì thọ mạng đều đã hết, không phải vậy, ba năm thọ mạng đã hết, đó là rất đúng lúc, có, chẳng phải không có, nhưng hầu hết đều là không phải vậy, mà họ không cần thọ mạng, họ muốn ra đi. Nếu họ chưa đi, thì tiếp tục thăng cấp công phu, nhiều lắm 5 năm đến 10 năm, Công phu Thành phiến liền thăng cấp đến Sự nhất tâm Bất loạn, điều này tốt. Công phu Thành phiến sanh sáu phẩm trong phẩm Trung Hạ của Phương Tiện Hữu Dư độ ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, địa vị ở đó. Nếu đến Sự nhất tâm Bất loạn, thì họ sanh vào ba phẩm Thượng của Phương Tiện Hữu Dư độ, địa vị cao rồi. Nếu niệm đến Lý nhất tâm Bất loạn, lại kéo dài 5 năm đến 10 năm, đạt Lý nhất tâm Bất loạn, thì vãng sanh  Thật Báo Trang Nghiêm độ ở Thế giới Cực Lạc. Điều đó là thật không phải giả.

Lão Hòa thượng Hải Hiền sớm đã muốn vãng sanh, còn thọ mạng nhưng cũng không mong, ngài là tiếp nhận sự dặn dò của A Mi Đà Phật, đức Phật khuyến khích đối với ngài, con tu được không tệ, là tấm gương rất tốt, ở thế gian này trụ thêm vài năm, biểu pháp cho mọi người xem, biểu pháp này chính là làm tấm gương cho mọi người xem, cho Đệ tử Phật xem, cho đồng học niệm Phật xem, ngài do như vậy mà lưu lại. Tôi tin thọ mạng của ngài cũng chỉ là 70-80 tuổi, đâu có dài như vậy? Thọ mạng dài như vậy, là do đức Phật giúp ngài kéo dài, thọ mạng là do A Mi Đà Phật giúp ngài kéo dài. Kéo dài cho đến khi ngài nhìn thấy một quyển sách, thì đức Phật dẫn ngài vãng sanh, quyển sách ấy chính là Nhược Yếu Phật Pháp Hưng, Duy Hữu Tăng Tán Tăng, nếu con gặp được quyển sách ấy thì đức Phật đến đón con. Ngài là vào tháng 1 năm 2013, có đồng tu mang quyển sách ấy lên núi, ngài nhìn thấy có người mang sách đến, liền rất hoan hỉ hỏi đó là sách gì? Khi người ta vừa nói, quyển sách ấy gọi là Nếu Muốn Phật Pháp Hưng, Chỉ Có Tăng Khen Tăng, thì ngài vui mừng, vô cùng hoan hỉ, như được báu vật, lập tức mặc áo đắp ca-sa, cầm lấy quyển sách ấy yêu cầu người khác chụp hình cho ngài. Tấm hình đó là tấm hình cuối cùng của ngài, cả đời ngài chưa bao giờ chủ động nhờ người khác chụp hình cho ngài, chỉ một lần ấy, tấm hình đó được chụp xong, ba ngày sau thì ngài ra đi.

Vị lão nhân ấy không phải người bình thường, biểu pháp của ngài nói với chúng ta điều gì? Thứ nhất nói với chúng ta, thật có Thế giới Cực Lạc. Vì sao? Bởi ngài đã thấy rất nhiều lần, không chỉ một lần, trong 92 năm, đã đến rất nhiều lần, thật có A Mi Đà Phật, có mười mấy lần gặp mặt, đâu phải là giả chứ? Điều quan trọng hơn là chứng minh cho chúng ta, hiện nay chúng ta dùng bản kinh này, Bản Hội Tập của ngài Hạ Liên Cư, trong mười mấy 20 năm này có nhiều người phản đối, nhiều người phỉ báng, rất nhiều người nghe thấy thông tin tiêu cực này, thì không dám học nữa, đổi sang bản kinh khác. Còn có Chú Giải của Hoàng Niệm lão, đều gặp phải sự phê bình. Ngài chứng minh cho chúng ta: Bản Hội Tập của Cư sĩ Hạ Liên Cư là chân Kinh, chữ nào câu nào cũng là do chính kim khẩu đức Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên thuyết; Tập Chú của Niệm lão, gồm 83 kinh luận, 110 chú sớ của Tổ sư Đại đức, là chánh tri chánh kiến, không còn gì để nói. Những người như chúng ta đây học tập bản Kinh này, học tập Chú Giải này, đã học mười mấy hai mươi năm, là không có sai. Ngài kéo dài tuổi thọ, kéo dài đến khi thấy được quyển sách ấy, quyển sách ấy chính là giám định cho chúng ta, giải thích cho mọi người, kinh là chân Kinh, chú là chánh tri chánh kiến, không cần phải hoài nghi, mà nghiêm túc học cho tốt, thì chắc chắn được sanh Tịnh Độ, giống như ngài vậy, thường xuyên dạo chơi Tịnh Độ, thường xuyên gặp A Mi Đà Phật.

Về đoạn này, sự phán đoán của Sư Nghĩa Tịch rất có đạo lí, chỉ có bậc Bồ-tát Đăng Địa mới có trí huệ Bát-nhã Ba-la-mật, diệu trí dung thông, tùy ý không có chướng ngại. Bố thí quan trọng, của cải đến từ đâu? Trước đây Đại sư Chương Gia dạy tôi, trong mạng của tôi không có của cải, nhưng hoằng dương Phật pháp cần có của cải, của cải không phải hưởng thụ cho chính mình, mà phải làm việc tốt, vậy thì đúng rồi, của cải đến từ đâu? Là từ bố thí tiền tài. Không có tiền để bố thí, tôi nói với thầy, thu nhập của con ít ỏi, chi phí sinh hoạt đều rất khó khăn, đâu có tiền để bố thí ạ? Thầy hỏi tôi, có một hào tiền hay không? Tôi nói có, có thể. Có một đồng tiền hay không? Tôi nói vẫn được. Con hãy bắt đầu bố thí từ một hào một đồng, phải luôn giữ tâm bố thí, gặp được duyên, tùy phận tùy sức chính là công đức viên mãn. Bởi vì lúc đó tôi bắt đầu đi chùa, mục đích chủ yếu của việc đi chùa là mượn kinh sách để đọc, chép lại kinh sách, về Tạng Kinh mượn bộ lớn thì mượn nhưng không được đi ra ngoài, bởi sợ rơi mất, chỉ được mượn để chép lại; Còn bộ nhỏ, phân lượng nhiều, có thể mượn về nhà để xem. Khi gặp được có cơ hội in kinh, in kinh có người phát tâm, lấy một tờ giấy, mọi người viết tên, quyên góp tiền, quyên góp bao nhiêu tiền, một hào, hai hào, năm hào, một đồng của chúng ta, cũng thu, không từ chối, còn có một việc là phóng sanh, tôi chỉ làm hai việc này. Bố thí tiền tài được của cải, bố thí Pháp được trí huệ, bố thí Vô úy được khỏe mạnh trường thọ, thầy dạy tôi ba điều này, nói tôi cả đời nên làm. Càng làm, càng thí càng nhiều, là thật không phải giả, cảm ứng không thể nghĩ bàn, ba việc này đều sanh ra được hiệu quả.

Của cải và vật dụng đều không thiếu, tôi học Pháp sư Ấn Quang, chỉ làm một việc, là in kinh bố thí. Tôi không xây đạo tràng, xây đạo tràng, tôi cảm thấy chôn tiền cúng dường của người ta xuống đất, không khởi tác dụng, cả đời tôi không làm đạo tràng, mà tất cả đều in kinh. Cả đời Đại sư Ấn Quang chỉ in kinh, còn có những sách hay, khuyên người làm thiện, coi điều này là một sự nghiệp chủ yếu. Việc cứu tế cũng nên làm, khi có cứu tế tai nạn, đều là trích ra một phần tiền từ trong hạng mục in kinh ấy để đi cứu nạn, đều là cách làm như vậy. Lấy lão Hòa thượng làm tấm gương. Chúng tôi chú trọng về giáo dục. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật làm ra tấm gương tốt cho chúng ta, cả đời dạy học, Ngài cũng không có đạo tràng, chưa từng xây dựng một đạo tràng nào, những gì Ngài trải qua là cuộc sống du mục, buối tối là ngủ một đêm dưới cây, ban ngày là giữa ngày ăn một bữa, cuộc sống rất đơn giản, có học trò, tôi tin không ít hơn 3.000 người, một đoàn thể lớn như vậy, mỗi ngày giảng kinh dạy học, 49 năm không có một ngày nghỉ. Ngài dạy học tiến hành theo từng bước, để dẫn dắt học trò, đầu tiên mở trường Tiểu học, là A Hàm, giảng Kinh A Hàm chính là Tiểu học, đặt nền móng, là 12 năm; 12 năm sau giảng Phương Đẳng, đã thăng cấp, giống như là trường Trung học, đi lên, là 8 năm; Về nền móng quý vị xem 20 năm, gốc cắm trong 20 năm mới giảng Bát Nhã, Bát Nhã là tương đương với trường Đại học, là điều Ngài chủ yếu muốn giảng, nếu không có 20 năm gốc rễ thì không thể học Bát Nhã, bởi quý vị nghe không hiểu, quý vị sẽ sanh ra hiểu lầm; 8 năm sau cùng giống như là Viện nghiên cứu, chuyên giúp những người đầy đủ Giới Định Huệ thăng cấp đến thành Phật, chính là giúp họ: Đại triệt Đại ngộ, Minh tâm Kiến tánh, kiến Tánh thành Phật, lấy được học vị cao nhất, Minh tâm Kiến tánh, kiến Tánh thành Phật, là ý nghĩa này. Đó đều là điều mà chúng ta cần biết.

Cho nên hạnh của Phật pháp chính là bố thí, bố thí Tài, bố thí Pháp, bố thí Vô úy, gặp được duyên, một người cũng nên bố thí, nhiều người cũng nên bố thí, rất hoan hỉ. Giúp người khác, thành tựu người khác, trong hàng Đệ tử Phật không bỏ một ai, một người thật sự muốn cầu Phật, chẳng thể không giúp họ, người thật chịu học, thì thật sự phải giúp họ. Hiện nay người thật chịu học thì ít, quá ít rồi! Làm thế nào để bồi dưỡng, đó là một vấn đề lớn mà hiện nay chúng ta gặp phải. Cắm gốc nhất định phải từ nhỏ, nhưng người hiện nay từ nhỏ đều lơ là, đã bỏ lỡ thời gian ấy, đa phần đều là ngoài 20 tuổi, 30, 40, mới đi học, đó gọi là nửa đường xuất gia. Chúng ta đều là thuộc về hạng người ấy. Tôi là 26 tuổi mới tiếp xúc được, trước 26 tuổi đã luống qua. Khi nhỏ còn tiếp xúc được một ít văn hoá truyền thống, tiếp xúc được một ít, trước kháng chiến, chúng tôi sống ở dưới quê, dưới quê ấy cũng không tệ, là căn cứ địa của phái Đồng Thành, Đồng Thành là một khu vực rất hưng thịnh về học thuật của hai triều đại Minh-Thanh, nên người dân ở nông thôn đều đi học, người không đi học là rất ít, đều có cơ hội đi học, trường Tư thục, tôi đã học ở trường Tư thục một năm, như vậy cũng tiếp xúc được một chút rìa. Sau này không còn nữa, kháng chiến thắng lợi trở về nhà để xem, không còn nữa, gia đình lớn không còn nữa. Gia đình tôi sống khi còn nhỏ là đại gia đình, gia đình của chính chúng tôi suy sụp, sống ở nhà cô, mười anh em của dượng tôi không có ở riêng, cả gia đình ấy lúc đó có hơn 100 người, cho nên có ấn tượng về đại gia đình, đã học một năm ở trong trường tư thục trong nhà thờ tổ của gia đình ấy, vì vậy có khái niệm đối với văn hoá truyền thống, khi nói đến liền có khái niệm. Rất nhiều người, tuổi nhỏ hơn tôi, hoàn toàn không cơ duyên ấy có, họ chưa từng gặp qua, chưa được tiếp xúc, thì không biết gốc rễ này.

Tiếp theo, tức do Sư Nghĩa Tịch nói, bố thí tất cả Hữu tình, cúng dường Tam Bảo. 可見手中所出無盡之寶、莊嚴之具、所須最上之物,端為上供與下施也 “Khả kiến thủ trung sở xuất vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ, sở tu tối thượng chi vật, đoan vị thượng cúng dữ hạ thí dã” (Có thể thấy vô tận báu vật, dụng cụ trang nghiêm, và vật tối thượng theo nhu cầu sanh ra trong tay, chung quy vì để trên cúng dường [Tam Bảo] và dưới bố thí [các Hữu tình]). Những trân bảo ấy, ngày nay chúng ta không có loại cảm ứng đó của Bồ-tát, nhưng tiếp nhận sự cúng dường của mười phương, dùng sự cúng dường của mười phương để làm gì? Để trồng ruộng phước. Chúng ta có trồng ruộng phước cho họ không? Đó mới là điểm then chốt, nếu không làm những việc thật sự trồng ruộng phước, tu phước cho họ, thì phải chịu trách nhiệm về nhân quả, nếu việc ấy sai nhân quả, thì thường thường sau cùng đều vẫn là phải đọa vào Địa ngục, đọa vào ba đường, rất đáng sợ. Nên tài sản vật chất trong cửa Tam Bảo là Tăng nhân trong mười phương cùng sở hữu. Ngày nay thấy không được những ý nghĩa đó, chùa ngày nay đều được gọi là chùa của con cháu, người xuất gia không thể tùy ý đi vào ở, nếu không quen biết họ, không có mối quan hệ, thì họ không tiếp đãi quý vị, có thể cúng dường quý vị một bữa ăn thì coi là không tệ rồi, nếu sống ở đó thì họ không dám tiếp nhận, nếu ở lâu dài thì càng không thể được. Người tu hành thật sự, chính mình nhất định phải biết. Xuất gia trước đây là việc tốt, còn xuất gia tu hành hiện nay, thường khó khăn hơn tại gia, tại gia không có người gây trở ngại quý vị, còn xuất gia thì người gây trở ngại rất nhiều.

Tiếp theo là bản dịch thời nhà Đường trong năm bản dịch gốc, trong bản dịch thời nhà Đường có mấy câu nói thế này, 諸寶香華、幢幡繒蓋、上妙衣服、飲食湯藥,及諸伏藏珍玩所須,皆從菩薩掌中自然流出。普施眾生,利樂有情 “chư bảo hương hoa, tràng phan tăng cái, thượng diệu y phục, ẩm thực thang dược, cập chư phục tạng trân ngoạn sở tu, giai tùng Bồ-tát chưởng trung tự nhiên lưu xuất. Phổ thí chúng sanh, lợi lạc Hữu tình” (các hương hoa báu, tràng phan lọng lụa, y phục tốt đẹp nhất, ăn uống thuốc thang, và các kho tàng đồ quý báu theo nhu cầu, đều tự nhiên lưu xuất từ trong tay của Bồ-tát. Ban cho khắp cả chúng sanh, lợi lạc Hữu tình). Điều này nói ra, người xuất gia ấy có Thần thông, họ sẽ biến ra ảo thuật, những thứ ấy đều xuất hiện từ trong lòng bàn tay của họ, giống như ảo thuật, chúng ta biết ảo thuật là giả, còn đó là thật, không phải giả, đó chính là có Thần thông, đầy đủ sáu loại Thần thông. 於一手中流出如是無量無邊種種最上之物,正顯《華嚴》一多相即,圓明具德之玄旨 “Ư nhất thủ trung lưu xuất như thị vô lượng vô biên chủng chủng tối thượng chi vật, chánh hiển Hoa Nghiêm Nhất Đa Tương Tức, Viên Minh Cụ Đức chi huyền chỉ” (Ở trong một tay lưu xuất ra vô lượng vô biên tất cả vật tối thượng như thế, chính là hiển thị tôn chỉ huyền diệu: Nhất đa Tương tức, và Viên minh Cụ đức trong Kinh Hoa Nghiêm). Về đoạn ở phía sau đây thì ngài Hoàng Niệm Tổ chú rất hay, dùng Kinh Hoa Nghiêm để làm chứng minh. Sự việc này là thật không phải giả, cảnh giới không nghĩ bàn của Bồ-tát, không phải là điều mà phàm phu Tiểu thừa có thể biết được.

Đoạn sau cùng đây là nói hiệu quả, 受化發心 “Thọ Hóa Phát Tâm” (Tiếp Nhận Sự Giáo Hóa Mà Phát Tâm), người tiếp nhận sự giáo hóa thì thật sự phát tâm Bồ-đề. Chúng ta xem kinh văn:

【由是因緣。能令無量眾生。皆發阿耨多羅三藐三菩提心】 “Do thị nhân duyên, năng linh vô lượng chúng sanh, giai phát A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm” (Do nhân duyên ấy, có thể khiến vô lượng chúng sanh, đều phát tâm A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề).

Đoạn này quan trọng! Chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão. 由是因緣 “Do thị nhân duyên” (Do nhân duyên ấy), 總指以上種種殊勝因緣,能令所化之眾生,發起無上菩提之心 “tổng chỉ dĩ thượng chủng chủng thù thắng nhân duyên, năng linh sở hóa chi chúng sanh, phát khởi Vô thượng Bồ-đề chi tâm” (chỉ chung các loại nhân duyên thù thắng ở trên, có thể khiến cho chúng sanh được hóa độ, phát khởi tâm Vô thượng Bồ-đề). Đó là mục đích của bố thí, làm thế nào mới có thể giúp họ phát tâm Bồ-đề? Trong đây cần phải biết, về bố thí, ba loại bố thí là lấy bố thí Pháp làm chủ, tiền tài, Vô úy đều là phụ trợ, Pháp là chủ. Nên trong Đại Kinh thường hay nói, các loại bố thí, dùng vô lượng vô biên bảy báu của Đại thiên Thế giới để bố thí, đó là Bố thí tài, công đức đó không bằng công đức nói cho chúng sanh bốn câu kệ. Bốn câu kệ vượt hơn việc dùng vô lượng vô biên bảy báu trong Đại thiên Thế giới để bố thí, nguyên nhân là gì? Bố thí tiền tài dù nhiều, mà tâm không phát khởi được, thì sự thọ dụng có hạn. Bố thí Pháp giúp họ giác ngộ, khi giác ngộ thì họ có thể thành Phật, họ có thể vượt qua luân hồi, có thể siêu việt Thập pháp giới, chính mình thành tựu thì chắc chắn giáo hóa được người khác, tương lai họ độ vô lượng vô biên chúng sanh, công đức ấy lớn biết bao. Trong ba loại bố thí, chúng ta nhất định phải biết, bố thí Pháp là chủ yếu, Tài và Vô úy đó là điểm thêm, quan trọng nhất là bố thí Pháp, nhất định chẳng thể không có Pháp, không có tiền tài cũng không sao, nhưng nhất định chẳng thể không có Pháp. Bố thí Pháp quá thù thắng rồi! Trong Pháp bao gồm có tài, dù chúng ta không có một xu tiền cho người khác, không thể giải quyết hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của họ, nhưng chúng ta nói pháp, chúng ta dùng tinh thần của chúng ta, dùng thể lực của chúng ta, dùng thời gian của chúng ta, đó gọi là Bố thí Nội tài. Quả báo của Nội tài còn thù thắng hơn Ngoại tài bên ngoài. Đều phải làm rõ ràng, thì quý vị mới ưa thích. Quý vị phải thật sự có thể nói rõ ràng, nói sáng tỏ, nói thấu triệt sự việc này, làm cho họ hoan hỉ bố thí, thì quý vị cứu được người ấy, thật sự cứu được. Vì sao? Bởi chỉ cần họ chịu tu ba loại bố thí, thì tài sản vật dụng của người đó liên tục không ngừng mà đến, thân tâm khỏe mạnh, pháp hỉ sung mãn, đó là điều mà mọi người đều hoan hỉ.

Vì vậy nhất định phải khuyên người, không nên chỉ lo cho chính mình, mà còn phải lo cho người thân quyến thuộc của chúng ta, độ người thì trước tiên độ người trong nhà mình, độ không được người trong nhà mình, thì làm sao quý vị có thể độ người khác? Họ hàng ở quê đều phải chú ý tới, mở rộng tiếp, là xã hội, quốc gia, dân tộc, cho đến ở trên toàn thế giới. Khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển, giao thông nhanh và thuận tiện, thông tin phát triển, nơi nào trên toàn thế giới xảy ra một chút việc thì lập tức biết ngay, du lịch rất thuận tiện. Phải khéo dùng công cụ này, nếu dùng thật tốt, thì thành tựu vô lượng vô biên công đức; Nếu dùng không khéo, dùng không tốt, nếu là tạo nghiệp, thì thành tựu vô biên tội nghiệp. Là tội hay phước, là tai hay vạ, hoàn toàn dựa vào Khởi tâm Động niệm của chính mình, nếu vì chính mình thì liền có phiền phức, còn nếu vì chúng sanh thì có đại phước báo. Hôm nay có đồng tu đã đưa ba đĩa CD cho tôi, là Nội Điển Giảng Tòa Chi Nghiên Cứu do Pháp sư Ngộ Văn giảng giải ở Indonesia, đại khái là thu hình lại, ghi hình, tôi vẫn chưa xem, tôi thấy phía trên đĩa đã in vài chữ, ‘không có bản quyền, hoan nghênh in lại’, tốt, vậy thì đúng rồi. Nếu viết lên ‘sở hữu bản quyền, in lại nhất định truy cứu’, vậy thì xong rồi, đó là tâm lượng. Không có bản quyền là lợi ích cho toàn thế giới, phước báo này lớn biết bao, vô lượng vô biên. Một khi có bản quyền, thì quý vị được bao nhiêu lợi ích? Người ta in một lần, thu một chút phí bản quyền, thì đã bỏ lỡ vô lượng vô biên công đức ở trước mặt, như vậy thật là đáng tiếc! Cả đời tôi đọc sách, sau khi học Phật, cũng chính là sau 26 tuổi, tôi đọc sách không nhiều nữa, rất nhiều sách tôi đều không xem nữa, nhưng khi có một quyển sách mới đưa đến tay tôi, đầu tiên tôi liền nhìn vào trang bản quyền, nếu in lên ‘sở hữu bản quyền, in lại nhất định truy cứu”, thì tôi không xem nữa. Có rất nhiều người hỏi tôi, vì sao không đọc? Bởi tâm lượng của họ quá nhỏ, không phải trí huệ chân thật, tôi đọc sách ấy của họ thì lãng phí thời gian, không muốn xem.

Tôi dạy rất nhiều đồng học, người thật sự có đức hạnh, thì họ hi vọng những sách ấy có thể lưu truyền lâu dài, khi còn sống họ nhất quyết không xuất bản. Tiên sinh Phương Đông Mỹ, tôi đã tận mắt chứng kiến. Về thầy Lý, tôi theo thầy 10 năm, tôi hiểu rõ thầy, rất nhiều sách, nhưng không in sách, tôi hỏi thầy vì sao? Bởi sợ trong đó có sai lầm, người khác chê cười, làm trò cười cho thiên hạ. Thơ, văn của thầy Lý, mỗi năm tìm thời gian, chính thầy đều phải xem, xem rồi chỉnh sửa. Chính thầy nói với chúng tôi, thơ do thầy làm, có thể bắt kịp thời đại nhà Đường, thời nhà Đường hưng thịnh. Cho đến sau khi thầy vãng sanh, học trò đã xuất bản thay cho thầy. Nếu là người thông thường hiện nay, thì sớm đã xuất bản rồi, độ nổi tiếng cao. Còn thầy không cần, thầy hi vọng có thể lưu truyền vĩnh viễn cho thế hệ sau, chứ không phải một thời đại. Một thời đại mọi người đều khen ngợi, nhưng qua vài chục năm, 100 năm, thì người ta sẽ bỏ đi, không in những sách của họ nữa, không còn giá trị chút nào, như vậy không còn ý nghĩa nữa. Đó là người xưa làm tấm gương cho chúng ta. Cả đời tôi chưa viết một quyển sách nào, những sách xuất bản bên ngoài, là những điều do tôi giảng giải, người khác chiếu theo băng ghi âm, băng ghi hình, đĩa CD của tôi mà viết ra, tôi không xem, tôi không tán thành, vì sao? Bởi chưa chín muồi, có sự giúp đỡ đối với người Sơ học, nhưng không giúp được gì đối với sự thăng tiến. Không cần danh văn lợi dưỡng, danh văn lợi dưỡng lan truyền như thế nào? Là do TV truyền ra, do Internet truyền ra, những thứ ấy. Cho nên hi vọng các đồng học ở đây, cùng học tập, sau khi đạt được lợi ích sẽ kiên nhẫn, qua 10 năm, 20 năm sau, hiện nay có thể viết ra, đặt vào tủ sách, qua 2-3 năm lật ra để xem, nếu chỗ chưa thỏa đáng thì sửa lại, sau khi sửa lại 10 lần, đại khái có thể trông ổn rồi. Nếu quý vị hỏi tôi, thì tôi tuyệt không làm, tôi không có thời gian, tôi phải niệm Phật cầu vãng sanh, tôi mới không để tâm trong thứ này. Vì vậy nhiều không bằng ít, ít không bằng chẳng có, như vậy mới tốt, coi trọng ở hiện tại. Dần dần vẫn là thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, đọc sách ngàn lần, tự thấy nghĩa của sách, tự thấy chính là đã khai ngộ, vấn đề thật sự được giải quyết rồi.

Chỗ này 深表法藏大士,以無量心,發無量願,起無量行。一一皆稱真如法界。是故願無虛發,功不唐捐。故能令無量眾生,亦稱法界,皆發阿耨多羅三藐三菩提心  “thâm biểu Pháp Tạng Đại sĩ, dĩ vô lượng tâm, phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh. Nhất nhất giai xưng Chân Như Pháp giới. Thị cố nguyện vô hư phát, công bất đường quyên. Cố năng linh vô lượng chúng sanh, diệc xưng Pháp giới, giai phát A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề tâm” (biểu thị sâu xa Đại sĩ Pháp Tạng, dùng vô lượng tâm, phát vô lượng nguyện, khởi vô lượng hạnh. Mỗi mỗi đều gọi là Pháp giới Chân Như. Vì vậy nguyện không có phát uổng, không uổng công. Cho nên có thể khiến vô lượng chúng sanh, cũng gọi là Pháp giới, đều phát tâm A-nậu-Đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề). Tâm ở đây chính là tâm cầu Vô thượng đạo, tâm cầu Đại triệt Đại ngộ. Đại triệt Đại ngộ có thể được không? Có thể, lão Hòa thượng Hải Hiền cũng có thể, làm tấm gương cho chúng ta xem. Ngài Đại triệt Đại ngộ, đại khái dùng thời gian bao lâu? Theo phỏng đoán của tôi là 20 năm. Quý vị xem 20 tuổi ngài niệm Phật, 23 tuổi đến 25 tuổi đạt Công phu Thành phiến, khoảng 30 tuổi, đạt Sự nhất tâm Bất loạn, khoảng 40 tuổi, đạt Lý nhất tâm Bất loạn, là việc tất nhiên. Vì sao? Bởi ngài dùng tâm chuyên, ngài không có ý niệm thứ hai. Chỉ cần chuyên tâm dụng tâm giống như ngài, thì người nào cũng có thể thành tựu, chẳng ai không thể thành tựu. Tu hành là tu ở đâu? Chúng tôi thường hay báo cáo, Sáu căn ở trong cảnh giới Sáu trần mà tu, tu điều gì? Là tu: không khởi tâm không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy thì công phu đắc lực rồi. Nếu còn khởi tâm động niệm, vẫn còn Phân biệt Chấp trước, thì cả đời đều không thể thành tựu, niệm Phật, vãng sanh đều sẽ có chướng ngại. Vì vậy phải buông xuống, trong tâm vô cùng sạch sẽ. Duyên thiện, điều lợi ích cho chúng sanh, có cơ hội này thì làm, nếu không có cơ hội thì không làm. Có cơ hội này, là nói rõ Tam Bảo gia trì, chúng sanh có phước; Nếu chúng sanh không có phước, Tam Bảo không gia trì, thì chúng ta muốn làm cũng làm không thành tựu. Tốt rồi, thời gian hôm nay đã hết, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 238 )

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều sanh nước Cực Lạc

Sớm viên thành Phật đạo

Rộng độ khắp chúng sanh

Nam Mô A Mi Đà Phật