Responsive Menu
Add more content here...

Tập 10 – Kinh Vô Lượng Thọ 2018

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ, TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH.

Tập 10

Chủ giảng: Cô Lưu Tố Vân

Giảng ngày 18/3/2018

Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng Huyền Môn

Chủ giảo chánh: Thích Thiện Trang

 

          Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người. A Di Đà Phật.

          Tiết học này tôi sẽ giảng tiếp phần nội dung: của buổi học trước, độ chúng sanh cần phải tuân thủ Tứ hoằng Thệ nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đây là câu thứ nhất trong Tứ hoằng Thệ nguyện. Các buổi học trước chúng tôi đã nhắc đến, phải “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”. Có đồng tu có thể hỏi: thế nào gọi là “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”? Hiện nay đã có đáp án, chính là tâm phải an trụ: vào đại nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, thì đó chính là “tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”.

          Vấn đề tiếp theo là: làm thế nào để an trụ? Làm thế nào mới được xem là: an trụ tâm vào đạo độ thế? Có một phương pháp, là học tập giảng Kinh dạy học, hoằng Pháp lợi sanh. Thông qua giảng Kinh dạy học để độ chúng sanh, thực hiện hoằng nguyện thứ nhất: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Đây chính là phương pháp cụ thể, giảng Kinh hoằng Pháp lợi sanh. Có đồng tu nói: “Hiện nay tôi không biết giảng Kinh thì làm sao?”. Có thể học tập. Có đồng tu lại nói: “Cụ thể là học thế nào? Dùng phương thức nào để học?”. Đáp án của tôi hiện nay cho mọi người là: dùng cách giảng lại mà học tập, phục giảng là từ không xa lạ đối với mọi người. Việc phục giảng bắt nguồn từ Tôn giả A Nan, toàn bộ Kinh điển: mà đức Thích Ca Mâu Ni Phật đã giảng trong 49 năm, đều thông qua việc phục giảng của Tôn giả A Nan, rồi sau kết tập lại mà thành. Cho nên trước đây tôi đã nói: Ngài A Nan là tổng biên tập của Kinh Phật, chính là từ đây mà ra.

          Việc phục giảng bắt nguồn từ Ngài A Nan cho đến nay, đời đời tương truyền, làm được hiệu quả. Từ xưa đến nay các Tổ sư Đại đức: đều như vậy mà thành công. Cho nên hàng hậu học chúng ta, phải tiếp tục tuân theo nguyên tắc này, dùng phương pháp phục giảng để giảng giải Kinh điển của Phật.

          Lần giảng thử Kinh Vô Lượng Thọ này của tôi, cũng là dùng phương thức phục giảng. Sự phục giảng này của tôi: có thể có chút khác biệt so với việc phục giảng trước đây, không hoàn toàn giống nhau. Việc phục giảng trước đây. Ví dụ, khi lão Pháp sư Tịnh Không theo thầy Lý Bỉnh Nam: học tập Kinh giáo. Khi đó quý Ngài, cũng dùng hình thức phục giảng. Ngày thứ nhất thầy giảng Kinh, có hai học trò phải phụ trách giảng lại vào hôm sau, những học sinh khác thì nghe phục giảng, là sắp xếp như thế. Khi thầy giảng xong một tiết học, thì hôm sau học sinh sẽ giảng lại bài: mà thầy đã giảng ngày hôm trước. Việc phục giảng lần này của tôi, khác biệt so với cách đó ở chỗ nào? Chính là tôi không giảng lại: một buổi giảng nào đó của lão Pháp sư, cũng chẳng giảng lại: phiên bản bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ nào đó của lão Pháp sư. Mà đem tất cả những tài liệu của lão Pháp sư giảng Kinh Vô Lượng Thọ trong những năm qua, tôi muốn đem dung hội quán thông tổng hợp lại. Vì sao tôi có cách nghĩ này? Bởi vì tôi cảm thấy: lão Pháp sư đã từng nói về việc giảng Kinh, bài giảng của quý vị trong tiết học thứ nhất cho dù quý vị giảng lại trong buổi học thứ hai, thì cũng không giống nhau. Lão Pháp sư nói với chúng ta: sau sẽ hay hơn trước. Nghĩa là lần giảng sau sẽ cao hơn lần giảng trước.

          Tôi nghĩ thế này, chúng ta nghe các đồng tu giảng, có thứ bậc và trình độ không như nhau. Ví dụ những đồng tu nhiều năm học tập: bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ, đối với bộ Kinh này vô cùng quen thuộc. Nghe lão Pháp sư giảng Kinh nhiều năm như vậy, có lẽ trình độ lĩnh hội của các vị ấy sẽ cao hơn một chút. Có những đồng tu chưa quen thuộc với bộ Kinh này, bỗng nhiên họ nghe bộ Kinh này, nếu quý vị giảng sâu thì có thể họ nghe không hiểu. Cho nên lần phục giảng này, tôi dùng phương pháp, đem tất cả những điều lão Pháp sư giảng nhiều năm, tôi nghe đi nghe lại xem đi xem lại. Sau đó dung hội quán thông lại với nhau. Dùng tiêu chuẩn gì để giảng? Tôi đã định ra thế này, ví dụ như chia thành ba cấp bậc: Bậc thấp, bậc trung, bậc cao. Tôi nghĩ đối với bậc trung hay hơn một chút, dựa vào trình độ đó để giảng. Như vậy thì bậc trung và bậc thượng, đều có thể nghe hiểu. Đối với các đồng tu hậu học, một bộ phận sẽ nghe hiểu. Nếu muốn tất cả đồng tu trình độ khác nhau: đều nghe hiểu, thì việc này không thực tế cho lắm. Tôi cũng không có năng lực để: giảng được trình độ như thế.

          Vì vậy lần này tôi dùng phương pháp phục giảng: Là giảng như thế, không phải là giảng lại riêng một phiên bản nào cả. Có đồng tu có thể hỏi: “Thưa cô, cô giảng dựa sách nào? Để chúng tôi dùng tham khảo”. Việc này vừa mở đầu tôi đã nói: tất cả những điều mà lão Pháp sư đã giảng trước đây, những ngày trước đây, tôi đều đang xem, đều đang nghe, chính là như vậy.

          Cho nên việc phục giảng, trong nhà Phật gọi là “giảng tiểu tòa”. Chúng ta cũng từng nghe qua từ “giảng tiểu tòa” rồi. Trong lúc lão Pháp sư giảng Kinh cũng từng nêu ví dụ này cho chúng ta.

          Vì thế lần đầu tiên này, tôi giảng thử Kinh Vô Lượng Thọ, cũng là lần đầu tiên sử dụng phương thức phục giảng: để thử giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Tôi chưa có kinh nghiệm. Quý đồng tu đều biết, những buổi giao lưu trước đây với mọi người, đều là những thể hội tâm đắc của tôi về học tập Kinh Vô Lượng Thọ. Thể hội đó, không giống với việc giảng Kinh chính quy. Có thể đến hiện giờ, hôm nay là bài giảng lần thứ 10 của tôi. Mười bài giảng này tôi gọi là: những bài giảng thí nghiệm tiêu chuẩn chính thức, chẳng phải là giảng thử đó sao? Bởi vì trước đây tôi chưa từng giảng nên tôi phải lần dò, xem xem giảng sao để phù hợp hơn với thính chúng một chút. Mười buổi giảng này chúng ta xem như buổi thí nghiệm. Ví dụ tốc độ nói và âm thanh lớn nhỏ, dùng thái độ gì để biểu đạt, dùng cách biểu cảm như thế nào, những vấn đề này chúng tôi vừa giảng, vừa nghiên cứu, vừa cải tiến.  

          Có đồng tu hy vọng, là đồng tu ở bên cạnh tôi, họ nói: Cô ơi! Có thể giảng bài sinh động hơn chút, sống động hơn chút không? Lần này sao cảm thấy: cô nghiêm túc hơn những lần trước vậy? Tôi nghĩ như thế này, khi giao lưu chia sẻ tâm đắc với mọi người, và lần giảng chính thức Kinh Vô Lượng Thọ này, là hai khái niệm, hai hình thức khác nhau, hình thức không như nhau. Phương thức trước đây là giao lưu tâm đắc, có thể giảng sôi động hơn một chút. Còn giảng đại Kinh chính thức thì không không thể quá sôi động, vẫn phải tuân thủ thái độ nghiêm cẩn và nghiêm túc. Tôi không biết nói như vậy: quý đồng tu có hiểu được ý của tôi hay không?

          Nên sinh động thì sinh động, nên nghiêm túc thì phải nghiêm túc. Nếu hiện tại tôi đang giảng Kinh Vô Lượng Thọ, mà nói năng lung tung, ba hoa, đùa giỡn, có lẽ rất nhiều đồng tu thấy sẽ không hài lòng. Cô giáo Lưu giảng Kinh sao lại không nghiêm túc như vậy? Quý đồng tu nêu ý kiến như vậy là đúng rồi. Cho nên tôi giảng Kinh lần này, khi nào nghiêm túc tôi nhất định phải nghiêm túc, nếu lúc nào nên sinh động tôi nhất định sẽ sinh động. Tôi đã nghĩ như thế.

          Vì thế lần giảng Kinh này, thật sự là lần giảng đầu tiên, thật sự là chưa có kinh nghiệm. Nhưng tôi có niềm tin: nhờ sự gia trì của Phật, tôi sẽ tận hết khả năng của chính mình, nhất định giảng bộ Kinh Vô Lượng Thọ này viên mãn.

          Tiếp theo chúng tôi giảng đến: “Ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại”. Xin xem hai câu Kinh văn này, ý nghĩa của hai câu Kinh văn này là: Phật Bồ-tát có thể được đại tự tại trong hoàn cảnh. Đây mới thật sự là lìa khổ được vui. Chư Phật Bồ-tát có thể đạt được, vì sao phàm phu chúng ta không đạt được? Nguyên nhân là gì? Nguyên nhân vì phàm phu chúng ta: chấp trước vạn vật là có thật, là thật có. Tôi xin nói lại nguyên nhân một lần nữa: “Bởi vì phàm phu chúng ta: chấp trước vạn vật là có thật, là thật có”. Ở trong “có” đó mà nghĩ trăm phương ngàn kế để chiếm hữu nó, không chịu buông xả. Đây là tâm niệm của phàm phu chúng ta. Chư Phật Bồ-tát biết rằng: tất cả vạn vật đều là hư huyễn, là giả có. Cho nên trong tất cả vạn vật quý Ngài có thể tự tại thọ dụng. Phật Bồ-tát có thể tự tại thọ dụng. Chẳng những đối với tất cả vạn vật không có ý niệm chiếm hữu, mà ngay cả thân thể của chính mình: cũng không có ý niệm chiếm hữu. Như vậy Phật Bồ-tát mới có thể được đại tự tại.

          Tôi đã nói rõ nguyên nhân cho mọi người, vì sao Phật Bồ-tát có thể được đại tự tại, chúng ta không thể được đại tự tại. Do lý niệm chẳng đồng. Chính là cách nhìn đối với tất cả vạn vật, một bên là có thật, thật sự có, đây là ý niệm của phàm phu. Một bên là hư huyễn, giả có, đó là nhận thức của Phật Bồ-tát. Hai loại nhận thức không hề giống nhau, cho nên một bên tự tại, một bên không tự tại.

          Phật Bồ-tát hoằng pháp lợi sanh nhất định phải có năng lực này. Nếu vừa tiếp xúc với vạn vật, chưa độ được vạn vật lại bị vạn vật độ mất rồi. Quý vị xem: Phật Bồ-tát như vậy, làm sao độ được chúng sanh? Thế nên năng lực này, là năng lực mà Phật Bồ-tát bắt buộc phải có. Nhà Thiền nói: “Nếu đã vô tâm với vạn vật, ngại gì vạn vật thường quấy nhiễu?”. Bí quyết này, chính là biết được chân tướng của tất cả vạn pháp, đối với tất cả pháp thanh tịnh tự tại, chẳng nhiễm mảy trần, đây là đức năng của Bồ-tát, trí huệ của Bồ-tát, phàm phu chúng ta thì thiếu: loại đức năng và trí huệ này.

          Hai câu tiếp theo: “Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu”. Đây là nói về lòng từ bi của chư Phật Bồ-tát. Bồ-tát không những phải có trí huệ mà còn phải có từ bi. Phật Pháp là sư đạo, cho nên Phật giáo hóa chúng sanh, là phải đợi chúng sanh đến thỉnh Pháp, phải cầu Pháp, phải thỉnh Pháp. “Chỉ nghe người đến học, chưa nghe người đến dạy bao giờ”. Đối với Phật thì thỉnh Phật giảng Pháp, phải thỉnh Pháp, phải cầu Pháp. Phật và Bồ-tát không giống nhau. Không giống nhau chỗ nào? Bởi vì Phật là thầy của chúng ta, là thầy của chúng sanh. Bồ-tát và chúng sanh là quan hệ đồng học. Điều này mọi người đã nghe rõ chưa ạ? Một bên là quan hệ thầy trò, một bên là quan hệ đồng học. Bồ-tát vốn là quan hệ bạn học với chúng sanh, nên quý Ngài có thể chủ động đến nhà của chúng sanh, giới thiệu Phật Pháp cho họ. Không cần chúng sanh mời Bồ-tát vẫn tự đến. Đây chính là ý nghĩa của hai câu Kinh Phật: “Vị chư thứ loại, tác bất thỉnh chi hữu”, không mời mà tự đến là bằng hữu của chúng sanh. Đây là khác biệt nhỏ trên phương diện độ chúng sanh: giữa Phật và Bồ-tát.

          Chư Phật Bồ-tát thường ở bên cạnh chúng ta, chỉ là chúng ta không nhận ra mà thôi. Như năm xưa Di Lặc Bồ-tát, trước khi nhập diệt đã nói một câu, Di Lặc Bồ-tát đã nói: “Thời thời chỉ dạy người, thế nhân thường chẳng biết”. Hai câu nói này phát âm hơi khó. Tôi xin nói lại lần nữa: “Thời thời”, chữ “thời” trong “thời gian”, “thị” là “thị” trong “chỉ thị”. Sau là “Thế nhân”, “thế” trong “thế giới”, “nhân” trong “nhân dân”. Câu đầu tiên là “thời thời thị thế nhân. Câu thứ hai “thế nhân thường bất thức”, nghĩa là người thế gian thường không biết.

          Di Lặc Bồ-tát như vậy, thì có vị Phật Bồ-tát nào mà không như vậy chứ? Cho nên ân đức từ bi của chư Phật Bồ-tát, thật sự là phàm phu bình thường chúng ta: không thể nào tưởng tượng được. Chúng ta không biết: Phật Bồ-tát đối với chúng ta rốt cuộc có ân đức lớn như thế nào. Quý vị có nghĩ cũng nghĩ không ra. Quý vị có nói cũng nói không được. Ai quan tâm đến chúng ta nhất? Chỉ có chư Phật Bồ-tát quan tâm đến chúng ta nhất. Tôi nhớ trong hai buổi học trước đã từng nói rằng, cha mẹ quan tâm con cái, chỉ quan tâm được một đời, chính là đời này. Còn chư Phật Bồ-tát quan tâm chúng sanh, là đời đời kiếp kiếp. Quan tâm đến khi nào? Một mực quan tâm đến khi quý vị thành Phật.

          Tiếp theo là ba câu: “Thọ trì Như Lai thậm thâm Pháp tạng, hộ Phật chủng tánh, thường sử bất tuyệt”. Ba câu này biểu thị: sự hành trì của tâm đại từ bi. Những vị Bồ-tát này vì chúng sanh làm bạn không mời, quý Ngài đối với chúng sanh rốt cuộc có lợi ích gì? Bồ-tát thọ trì thậm thâm Pháp tạng của Như Lai. “Thậm thâm Pháp tạng” là gì? Thậm thâm Pháp tạng chính là: chỉ bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, chính là câu Phật hiệu A Di Đà Phật này.

          Bộ Kinh Vô Lượng Thọ này, là Phật Thích Ca Mâu Ni dặn dò Bồ-tát Di Lặc hộ trì lưu thông. Mọi người có nghĩ rằng, Bồ-tát Di Lặc: chẳng qua là đại biểu cho tất cả chư Bồ-tát mà thôi. Có thể như vậy không? Thích Ca Mâu Ni Phật: chỉ giao phó bộ Kinh này cho một mình Bồ-tát Di Lặc hộ trì lưu thông ư? Không thể như vậy. Tuyệt đối không phải chỉ giao cho một mình Bồ-tát Di Lặc, mà giao cho ai? Giao cho 12 ngàn người tham dự Pháp hội. Những vị Bồ-tát ấy, không một ai chẳng được Phật phó chúc. Phật giao phó cho: tất cả đại chúng tham dự Pháp hội, chính là những vị Bồ-tát ấy.

          Lại nói, chúng ta hiện nay thọ trì bộ Kinh này, thì có thể nói như vầy được không? Phật phó chúc bộ Kinh này cho chúng ta, bảo chúng ta thọ trì bộ Kinh này, như vậy được không? Hoàn toàn là như vậy. Nếu quý vị cho rằng không phải như vậy, thì quý vị đã nhận định sai rồi. Quý vị nhận định như thế nào mới là đúng? Tôi xin nói lại lần nữa, Phật giao phó bộ Kinh này cho Di Lặc Bồ-tát, để Ngài thọ trì và hộ trì; Giao phó cho tất cả Bồ-tát tham dự đại Pháp hội: hộ trì bộ Kinh này; Giao phó cho chúng ta, chính là chúng ta hiện nay cũng phải hộ trì bộ Kinh này, hộ trì việc lưu thông bộ Kinh này. Chúng ta cũng có trách nhiệm, chúng ta cần phải tiếp nhận: bộ Kinh và phương pháp tu học, rồi giới thiệu cho tất cả chúng sanh, đó chính là hộ trì hạt giống Phật, để không tuyệt dứt. Từng đời từng thế hệ khiến cho bộ Kinh này, và phương pháp lý luận của việc tu học bộ Kinh này, được truyền thừa tiếp tục. Đó chính là hộ trì hạt giống Phật, không để đứt đoạn.

          Đoạn Kinh văn phía trên đã giảng xong rồi. Tổng kết khái quát lại, đoạn Kinh văn này nói: tâm của những vị đại Bồ-tát này thường an trụ ở trong: việc giúp đỡ tất cả chúng sanh liễu sanh tử, xuất Tam giới, vãng sanh bất thoái thành Phật. Quý Ngài đối với tất cả Pháp đều không chấp-trước, lại có thể thông đạt vô ngại, tùy duyên độ hóa tất cả chúng sanh; Đồng thời chẳng đợi đến khi chúng sanh thỉnh cầu, mà chủ động đến giúp đỡ chúng sanh, phát Bồ-đề tâm, tu Phổ Hiền hạnh, chấp trì danh hiệu. Chẳng những các vị đại Bồ-tát này: nhất hướng chuyên niệm, mà còn đem phương pháp tu học bộ Kinh này, giới thiệu cho tất cả chúng sanh. Ý nghĩa khái quát: của đoạn Kinh văn trên chính là như vậy.

          Xin xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

興大悲,愍有情,演慈辯,授法眼,杜惡趣,開善門。於諸眾生,視若自己,拯濟負荷,皆度彼岸。“Hưng đại bi, mẫn hữu tình. Diễn từ biện, thọ Pháp nhãn. Đỗ ác thú, khai thiện môn. Ư chư chúng sanh, thị nhược tự kỷ. Chẩn tế phụ hà, giai độ bỉ ngạn. ” (Khởi lòng đại bi, thương xót hữu tình; Diễn thuyết từ bi, truyền trao Pháp nhãn, đóng đường ác, mở cửa lành. Đối với chúng sanh xem như chính mình; Gánh vác việc cứu giúp, độ hết đến bờ giác ngộ).

Chúng ta xem hai câu đầu: “Hưng đại bi, mẫn hữu tình”, “hưng” là hưng khởi, “mẫn” là ai mẫn. Tức là nói Bồ-tát phát khởi tâm: đồng cảm thương xót chúng sanh, đem Pháp môn niệm Phật giới thiệu cho chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh liễu thoát sanh tử. Hai câu Kinh văn này biểu đạt ý nghĩa như vậy.

Hai câu Kinh văn tiếp theo: “Diễn từ biện, thọ Pháp nhãn”. “Diễn” là diễn thuyết, “biện” là Biện tài Vô ngại. Cũng chính là nói Bồ-tát phát tâm đại từ bi, không những nói Pháp mà còn đích thân: làm ra tấm gương tốt cho chúng sanh học tập.

“Thọ” là truyền thọ, dạy dỗ. “Pháp nhãn” là: có thể nhận thức được chân tướng của tất cả Pháp, nên gọi là Pháp nhãn. “Thọ Pháp nhãn” nghĩa là: Bồ-tát thấy được chân tướng của tất cả Pháp, quý Ngài đã đem trí huệ và năng lực này: truyền trao cho chúng sanh. Bản thân Bồ-tát đã có Pháp nhãn, có thể biết được chân tướng của vũ trụ nhân sanh, Quý Ngài không ích kỷ, mà đem năng lực và trí huệ này truyền lại cho chúng sanh, khiến chúng sanh cũng đạt được lợi ích.

Câu Kinh văn kế tiếp, “đỗ ác thú”. “Đỗ” là đóng bít, “ác thú” là chỉ Tam ác đạo,  “đỗ ác thú” là đóng bít tất cả các lối: khiến chúng sanh đọa lạc vào Tam ác đạo, tức là khóa chặt tất cả các cửa: khiến chúng sanh đọa lạc vào Tam ác đạo.

 Câu tiếp theo, “khai thiện môn”. Chính là cánh cửa vãng sanh thế giới Cực Lạc, khiến cho trí huệ và đức năng của tất cả chúng sanh: đều giống như Phật. Như vậy mới thật sự là khai thiện môn.

Câu tiếp theo: “chẩn tế phụ hà”, “chẩn tế” nghĩa là cứu độ và giúp đỡ. “Phụ hà” là gánh vác. Ở đây nói ý nghĩa gì? Nghĩa là Phật Bồ-tát gánh vác nhiệm vụ cứu độ giúp đỡ chúng sanh: phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Là nhiệm vụ vĩ đại gian khó.

Tiếp theo kết hợp lại để nói: “Hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn từ biện, thọ Pháp nhãn, đỗ ác thú, khai thiện môn”, tổng cộng là sáu câu. Kết hợp sáu câu này lại: chính là cương lĩnh hành động làm lợi ích cho chúng sanh. Đó chính là hành động cụ thể của: “Vì chúng sanh mà làm bạn không mời”, nghĩa là Phật Bồ-tát chẳng những nói mà còn phải thực hiện, xác thực khiến chúng sanh đạt được lợi ích chân thật.

          Bồ-tát hưng khởi tâm đại bi, thương xót tất cả hữu tình chúng sanh, giảng Kinh thuyết Pháp dẫn dắt quần sanh không nề hà mệt mỏi. Động lực này từ đâu? Động lực từ tâm từ bi của Bồ-tát. Bởi vì Phật Bồ-tát: đối với tất cả danh văn lợi dưỡng thế gian, đều buông bỏ toàn bộ. Sức mạnh nào: đã khiến quý Ngài nỗ lực vất vả, giáo hóa ở thế gian như vậy? Đó chính là sức mạnh của tâm đại từ bi. Từ đây chúng ta đã tìm ra được câu trả lời, vì sao Phật Bồ-tát có thể chẳng từ gian khổ, chẳng quản mệt nhọc giáo hóa chúng sanh? Nguyên nhân đến từ sức mạnh của tâm đại từ bi.

          Tiếp theo, “thọ” trong “thọ Pháp nhãn” là truyền thọ. “Pháp nhãn” không phải nhục nhãn, có thể nhìn thấy thật tướng của tất cả Pháp gọi là Pháp nhãn. Chúng ta đọc trong Kinh Kim Cang thấy: Như Lai có ngũ nhãn. Phàm phu có Nhục nhãn, thiên nhân có Thiên nhãn. Năng lực của Thiên nhãn mạnh hơn Nhục nhãn, A-la-hán và Bích-chi-Phật có Huệ nhãn, Bồ-tát có Pháp nhãn. Pháp nhãn của Bồ-tát rất độc đáo. Ngũ nhãn thì nhãn sau gồm đủ các nhãn trước, nhưng nhãn trước không có đầy đủ nhãn sau. Ví dụ như: phàm phu có Nhục nhãn, thiên nhân có Thiên nhãn, năng lực của Thiên nhãn mạnh hơn Nhục nhãn. Nghĩa là thứ mà phàm phu không nhìn thấy nhưng thiên nhân thấy được. A-la-hán và Bích-chi-Phật có Huệ nhãn. Thiên nhân ở trước có Thiên nhãn, nhưng không có Huệ nhãn; Còn A-la-hán: vừa có Huệ nhãn vừa có Thiên nhãn. Nghĩa là nhãn sau có đầy đủ các nhãn trước, nhãn trước không có những nhãn sau. Bồ-tát đem năng lực và trí huệ này: truyền lại cho chúng sanh gọi là “thọ Pháp nhãn”.

          “Đỗ ác thú”. Phải đến khi thành Phật thì đường ác mới xem như đoạn tận. Chưa thành Phật thì vẫn chưa đoạn hết ác. Chúng ta cần phải biết tiêu chuẩn này. Thế nào gọi là “đỗ ác thú”? Mãi cho đến khi thành Phật thì mới đóng hết đường ác. Chưa thành Phật thì đường ác vẫn chưa đoạn hết. Không nên cho rằng chính mình hiện nay tham sân si mạn đã ít hơn một chút, ác niệm không còn là đủ rồi. Chúng ta phải không ngừng nâng cao, bởi vì bộ Kinh này, Pháp môn này là Đại thừa trong Đại thừa, viên trong viên, đốn trong đốn, chuyên trong chuyên.       Cho nên đó là tiêu chuẩn tuyệt đối, không phải tiêu chuẩn thông thường, chúng ta làm thế nào để đánh giá? Chúng ta đã đoạn hết ác chưa, đường ác của chúng ta đã đoạn dứt chưa? Hãy dùng bộ Kinh này mà đánh giá. Đây là tiêu chuẩn tuyệt đối, không phải tiêu chuẩn thông thường.

          “Khai thiện môn”. “Thiện” được nói ở đây: không phải là “thiện” trong “thiện ác”. “Thiện môn” là chỉ minh tâm kiến tánh, đây mới là thiện môn chân thật. Sau khi Tự-tánh hiển lộ, thì vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng trong Tự-tánh tự nhiên sẽ hiện tiền. Đó là thiện chân chánh. Thiện này phải cầu, có thể nói là: thiện ở tầng cao nhất. Thiện cao nhất đó là gì? Minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh thì thế nào? Thì thành Phật rồi! Cho nên thiện này là thiện ở tầng cao nhất. Hiện nay suy xét Tịnh-tông chúng ta: có một điểm rất thù thắng, có một phương pháp tu hành siêu vượt tất cả tiêu chuẩn. Đó là gì vậy? Đó chính là nhất tâm xưng niệm A Di Đà Phật. Một câu A Di Đà Phật này, đột phá rất nhiều tiêu chuẩn thứ lớp. Đây là Pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, bất kỳ Pháp môn nào khác cũng không có. Một câu A Di Đà Phật, đột phá rất nhiều tiêu chuẩn tầng bậc. Cho nên nói: đây là Pháp môn, mà tất cả chư Phật đều xưng tán. Pháp môn này vô cùng vi diệu đặc biệt. Chúng ta thấy những từ ngữ được giải thích ở đây: đều thuộc dạng cao cấp. Pháp môn này vô cùng vi diệu đặc biệt, những Pháp môn khác không thể nào sánh được, cũng chính là nói: các Pháp môn khác đều có thứ bậc. Câu A Di Đà Phật của Tịnh-tông: không có thứ bậc. Sơ phát tâm có thể viên thành Phật đạo. Vì vậy đây là Pháp khó tin.

          “Đỗ ác thú, khai thiện môn”. Dùng tiêu chuẩn của Tịnh-tông để nói: “Thiện môn” chính là một câu A Di Đà Phật. Ngoài A Di Đà Phật ra, đều là đường ác. Tham Thiền, nghiên cứu Kinh giáo, chỉ quán đều là đường ác, duy chỉ câu A Di Đà Phật này là thiện môn. Nhất tâm chấp trì, một đời này nhất định vãng sanh bất thoái thành Phật.

          “Ư chư chúng sanh thị nhược tự kỷ”. Hai câu Kinh văn này là nói: thái độ của Bồ-tát đối với chúng sanh. Đây là điều chúng ta cần học tập. Bồ-tát xem tất cả chúng sanh: như là chính mình, tự tha bất nhị. Chúng sanh mê chính là nỗi khổ của Bồ-tát; Chúng sanh giác ngộ rồi thì chính Bồ-tát sẽ vui. Chúng sanh mê mà chẳng giác thì làm sao? Bồ-tát chỉ đành đợi đến cơ duyên, đợi đến khi nào họ có thể tiếp nhận, thì sẽ đem Phật Pháp truyền cho họ. Hiện tại họ không thể tiếp nhận, Bồ-tát cần có tâm nhẫn nại chờ đợi. Nhưng sự chờ đợi này, không phải là cả ngày giương mắt ngồi đợi, mà làm sao? Nếu quý vị chỉ nhìn và đợi thôi thì sai rồi. Phải đợi thế nào? Trong quá trình chờ đợi, bản thân chúng ta phải nỗ lực tu học, thành tựu đức hạnh và trí huệ của chính mình. Đó là chờ đợi, đợi như vậy thì đúng rồi. Trong quá trình chờ đợi, chúng ta phải nỗ lực tu học, thành tựu đức năng và trí huệ của chính mình. Đợi sau khi cơ duyên đã chín muồi, chúng sanh có thể tiếp nhận bộ Kinh này, có thể tiếp nhận Pháp môn này. Đến lúc đó, nếu chính quý vị không có năng lực, thì quý vị không có trí huệ để giúp họ. Nếu trong thời gian này, quý vị chăm chỉ tu học nâng cao chính mình, thì trí huệ đức năng sẽ đầy đủ. Đến lúc đó, chúng sanh cần đến quý vị, quý vị sẽ có năng lực giúp đỡ họ. Cho nên khi duyên của chúng sanh chưa chín muồi, thì chính mình phải thành tựu trước; Sau khi duyên đã chín muồi, thì phải toàn tâm toàn lực giúp đỡ tha nhân. Vì vậy bản thân cần phải tu học Phật Pháp không mệt mỏi.

          Bây giờ nêu lên một vấn đề cho quý vị, người thế gian học tập và làm việc rất siêng năng, sức mạnh gì đã thôi thúc họ vậy? Bản thân chúng ta có thể tìm ra đáp án không? Đừng hỏi người khác mà hãy hỏi chính mình. Ví dụ quý vị học tập, làm việc quý vị vô cùng chăm chỉ, một tuần làm việc 7 ngày, mỗi ngày làm việc 12 giờ. Sự tích cực này quả thật rất cao. Sức mạnh gì đã thôi thúc vậy? Danh lợi, là do danh lợi thôi thúc. Có tiền thì dễ kiếm mà. Cho nên ráng sức mà làm. Đó là người thế gian chúng ta. Lại xem Phật Bồ-tát, sức mạnh nào đã thúc đẩy Phật Bồ-tát vậy? Vì sao quý Ngài phục vụ chúng sanh: chẳng biết mỏi mệt? Sức mạnh nào đang thôi thúc các Ngài? Là sức mạnh của từ bi đang thôi thúc, là trí huệ đang thôi thúc. Quý vị nghe có hiểu không? Phàm phu và Phật Bồ-tát, một bên là do danh lợi thôi thúc, một bên là sức mạnh của từ bi thôi thúc, sức mạnh của trí huệ thôi thúc. Điều thôi thúc Phật Bồ-tát không phải là danh lợi. Phật Bồ-tát có trí huệ, đối với chân tướng của vũ trụ nhân sanh, thấy thật sự rõ ràng, thực sự đã thấu hiểu rằng: đó là việc thuộc bổn phận của chính mình, là nghĩa vụ của quý Ngài. Cho nên quý Ngài không cần bất kỳ sự báo đáp nào, có thể “đối với chúng sanh xem như chính mình”. Như nói: nêu ví dụ mà chúng ta đều biết. Mỗi lần chúng ta mở Pháp hội, đặc biệt là Pháp hội có quy mô tương đối lớn, thì có rất nhiều đồng tu nghĩa công, đang tích cực làm việc. Họ không mong đền đáp, toàn tâm toàn lực phục vụ vì Pháp hội. Những người đó là ai? Những người đó đều là Bồ-tát, phải vậy không? Tôi đã tham gia mấy lần Pháp hội rồi, tôi thấy các đồng tu nghĩa công thật sự rất vất vả. Có lúc tôi rất là thương họ. Nhưng họ không hề than thở chút nào, có khi thiếu cơm ăn, không được ngủ, nhưng họ đều không thở than, toàn tâm toàn lực phục vụ Pháp hội.

          Hai câu Kinh văn tiếp theo là: “Chẩn tế phụ hà, giai độ bỉ ngạn”. Giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ lìa khổ được vui. Phật Bồ-tát gánh vác trọng trách này. Cho nên sự nghiệp của Phật Bồ-tát, chính là gia nghiệp Như Lai. Gia nghiệp Như Lai là gì? Độ sanh là sự nghiệp, hoằng Pháp là gia nghiệp. Hai câu này rất quan trọng, thế nào là gia nghiệp của Như Lai? Độ sanh là sự nghiệp, hoằng Pháp là gia nghiệp. Đây chính là gia nghiệp của Như Lai. Chúng ta thường nói: gánh vác gia nghiệp của Như Lai. Trên thực tế có rất nhiều đồng tu: không biết thế nào là gia nghiệp của Như Lai. Quý vị không biết thế nào là gia nghiệp Như Lai thì sao có thể bàn đến gánh vác gia nghiệp Như Lai được?

          Mỗi một đệ tử Phật chúng ta, đều phải dùng đủ loại phương tiện thiện xảo, giới thiệu phổ biến Phật Pháp đến tất cả chúng sanh có duyên, đó chính là gánh vác gia nghiệp Như Lai.

          “Giai độ bỉ ngạn”, chính là phát nguyện cầu sanh Di Đà Tịnh-độ. Đoạn kinh văn trên đã được giảng xong, chúng ta sẽ quay lại khái quát một chút: ý nghĩa mà đoạn Kinh văn này biểu đạt. Đoạn Kinh văn này nói với chúng ta: chư Bồ-tát phát khởi tâm đại từ bi, thương xót tất cả chúng sanh, không những giảng Kinh thuyết Pháp, mà chính mình còn nỗ lực làm tấm gương tốt cho chúng sanh. Đồng thời đem năng lực và trí huệ: hiểu rõ các Pháp của chính mình, truyền cho chúng sanh, khuyên bảo dẫn dắt chúng sanh niệm Phật. Do đó đã đóng bít tất cả con đường: khiến chúng sanh đọa lạc Tam ác đạo; mở cánh cửa đại thiện để chúng sanh: vãng sanh về Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Bởi vì Bồ-tát thấy chúng sanh chịu khổ: như chính mình chịu khổ, nên phát đại thệ nguyện: gánh vác sứ mạng to lớn cứu độ tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, từ bờ sanh tử sang đến bờ an lạc. Theo bản Kinh này mà nói, chính là dạy cho tất cả chúng sanh niệm Phật, cầu nguyện vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây chính là phần tổng kết và khái quát: của đoạn Kinh văn trên.

          Mời xem đoạn Kinh văn kế tiếp:

          悉獲諸佛無量功德,智慧聖明,不可思議。如是等 諸大菩薩,無量無邊,一時來集。“Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức. Trí huệ thánh minh, bất khả tư nghị. Như thị đẳng chư đại Bồ-tát, vô lượng vô biên, nhất thời lai tập”. (Đều đạt được vô lượng công đức của chư Phật, trí huệ sáng suốt không thể nghĩ bàn. Vô lượng vô biên đại Bồ-tát như vậy đồng đến Pháp hội).

Mời xem giải thích một số từ ngữ:

“Tất hoạch” là đạt được toàn bộ.

“Thánh minh” là hiểu sâu sáng tỏ chính xác về sự lý.

“Bất khả tư nghị”. Ở đây có hai ý nghĩa. Câu “bất khả tư nghị”: xuất hiện ở rất nhiều chỗ trong bộ Kinh này, nhưng ở những chỗ khác nhau, sẽ có hàm nghĩa khác nhau. Câu “Bất khả tư nghị” trong đoạn Kinh văn này biểu đạt hai ý nghĩa. Ý nghĩa gì vậy?  

Thứ nhất, không phải tư duy và ý thức của chúng sanh phàm phu: có thể tưởng tượng lý giải được. Tôi xin nói lại lần nữa: “Không phải tư duy và ý thức của chúng sanh phàm phu có thể tưởng tượng lý giải được”.  

Thứ hai, không phải ngôn ngữ văn tự của thế gian: có thể miêu tả biểu đạt được. Chính là nói: Trí huệ và đức năng của Phật Bồ-tát vô lượng vô biên; Chúng sanh phàm phu chúng ta: không thể ước đoán tưởng tượng được; Ngôn ngữ văn tự trong thế gian: cũng không thể hình dung biểu đạt được. Câu “bất khả tư nghị”: là biểu đạt hai lớp ý nghĩa trên.

          Xin xem ba câu Kinh văn kế tiếp: “Tất hoạch chư Phật vô lượng công đức. Trí huệ thánh minh, bất khả tư nghị”. Những câu Kinh văn này biểu đạt: phước đức trang nghiêm, trí huệ trang nghiêm. Địa vị chứng đắc so với quả địa Như Lai là bình đẳng không khác, cũng chính là thành Phật rồi. Phật giúp đỡ chúng sanh, chăm sóc một mạch cho đến khi thành Phật. Tất cả chúng sanh trong mười phương vô lượng vô biên thế giới: đều là đối tượng giáo hóa của Phật Bồ-tát.

Tiếp theo là từ “tất hoạch”. Chính là nói tất cả chúng sanh đều đạt được, chẳng sót một ai.

“Chư Phật vô lượng công đức”. Câu này là nói phước đức, “trí huệ thánh minh” là phước huệ lưỡng túc tôn. Chúng ta thường nói: là “nhị túc tôn”, nhị túc tôn. Rốt cuộc thế nào là “nhị túc tôn”? Không nhất định có thể quá chính xác. “Trí huệ thánh minh” ở đây, chính là nói phước huệ nhị túc tôn, chính là chúng ta thường nói về quy y Phật. “Nhị túc” chính là công đức trí huệ hoàn toàn viên mãn, nên gọi là “nhị túc tôn”. Chỉ có viên mãn thì mới chẳng thể nghĩ bàn, không viên mãn thì có thể nghĩ bàn, viên mãn thì chẳng thể nghĩ bàn. Cho nên viên mãn và không viên mãn, một bên viên mãn là chẳng thể nghĩ bàn, không viên mãn thì có thể nghĩ có thể bàn.

Ba câu này nói với chúng ta rằng: thành Phật rồi. Nếu nói: với ba câu này, trước đây chúng ta không hiểu ý nghĩa, thì giờ chúng ta đã hiểu rồi. Ba câu này là nói với chúng ta: thành Phật rồi, phước huệ của chư Bồ-tát tham dự Pháp hội đến đây viên mãn rồi. Đây là biểu thị rõ: người tín nguyện trì danh cầu sanh Tịnh-độ, vãng sanh bất thoái thành Phật: là vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta hay nói vô lượng công đức. Thế nào là vô lượng công đức thật sự? Chính là thành Phật rồi.

          Ba câu kế tiếp: “Như thị đẳng chư đại Bồ-tát, vô lượng vô biên, nhất thời lai tập”. Ba câu Kinh văn này là nói: như phần trước đã giảng, những đại Bồ-tát có trí huệ, phước đức, từ bi viên mãn, là rất nhiều rất nhiều. Tuyệt đối chẳng phải là chỉ có ngài Phổ Hiền, Văn Thù, Quán Âm, Thế Chí, Di Lặc, Hiền Hộ mười sáu vị Chánh sĩ v.v.. Những vị Bồ-tát mà chúng ta nói đây: đương nhiên đều có phước đức, trí huệ, từ bi viên mãn. Không chỉ là những vị đại Bồ-tát: chúng ta đã nêu tên ở phần trước. Mà những đại Bồ-tát đạt đến trình độ này, quả thật là rất nhiều, vô lượng vô biên chẳng thể kể xiết. Những vị đại Bồ-tát này đồng đến Pháp hội, có thể thấy ra được điều gì? Có thể thấy đức Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa giảng Kinh Vô Lượng Thọ: Pháp hội trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn. Trước đây chúng ta thật sự không biết, có đến vô lượng vô biên đại Bồ-tát đạt đến trình độ như vậy. Chúng ta thường biết đến, thường nói đến Bồ-tát Quan Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc v.v. nào biết có rất nhiều đại Bồ-tát: đều đã đạt đến trình độ đại viên mãn như thế.

          Vô lượng vô biên chư đại Bồ-tát này: đều đến tập hội. Có thể có đồng tu sẽ nói: vậy thành Xá Vệ bao lớn, có thể chứa hết được không? Phật nói bộ Kinh này ở núi Linh Thứu. Năm xưa dùng nhục nhãn có thể thấy được: thính chúng đến dự Pháp hội là 20.000 người. Phần mở đầu chúng ta đã nói là 12.000 người, hiện nay giải thích cho chúng ta: số người có thể thấy được là 20.000 người. Không chỉ là 12.000 người. Còn rất nhiều chư Phật Bồ-tát: mà nhục nhãn của chúng ta không thấy được, đều đến Pháp hội.

          Cảnh giới này quả thật là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Vừa rồi tôi đã nói một câu, nhiều người như thế đến tham gia đại Pháp hội ấy. Nơi đó gọi là thành Xá Vệ, thành đó bao lớn, có thể chứa hết nổi không? Xin nêu một ví dụ. Vì sao nói đây là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn? Giống như căn phòng một trượng vuông của Cư sĩ Duy Ma trong Kinh Duy Ma vậy. Phòng của Ngài không lớn, chỉ có một trượng vuông. Nhưng trong căn phòng một trượng vuông ấy, có thể chứa được 10.000 tòa sư tử. 10.000 tòa sư tử không hề thu nhỏ, căn phòng một trượng vuông ấy cũng chẳng hề phóng to. Quý vị nói làm sao có thể chứa được hết? Cảnh giới kỳ lạ này, được nói trong Kinh Hoa Nghiêm: là cảnh giới Lý-sự-vô-ngại, Sự-sự-vô-ngại. Quý vị thấy có phải là chẳng thể nghĩ bàn không? Chúng ta nghĩ thế nào cũng nghĩ không ra. Trước đây chúng ta thường nghe nói “hạt vi trần chứa núi Tu Di”. Quả núi Tu Di: có thể nằm trong một hạt vi trần. Có thể tưởng tượng ra được không? Có phải là chẳng thể nghĩ bàn không? Đó chính là cảnh giới Hoa Nghiêm.

          Chúng ta hiện nay nơi nơi đều có chướng ngại. Chướng ngại này từ đâu đến? Do vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước tạo thành. Rời khỏi vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước, thì không có chướng ngại. Chúng ta mỗi ngày nói những câu này: nhưng đến khi gặp hoàn cảnh thực tế thì lại không làm được; Vừa đụng chuyện thì khởi lên vọng-tưởng, phân-biệt chấp-trước liền đến. Không buông xuống được vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước. Đây chính là nguyên nhân khổ của chúng ta. Trước đây tôi nhớ đã nói với mọi người, khi lão Pháp sư giảng Kinh từng nói: “Đời người vì sao lại khổ như thế?”. Chính vì câu nói ấy, mà tôi đã nghiêm túc nghe bộ Kinh này. Tôi đã tìm được đáp án ở bên trong. Vì sao khổ như vậy? Lão Pháp sư nói: “Bởi vì quý vị đem giả cho là thật, sau đó quý vị lại khổ sở truy cầu nó. Truy cầu được rồi cũng khổ, truy cầu không được cũng khổ”. Đồ giả thì quý vị làm sao truy cầu được chứ? Cho nên đó là do vọng-tưởng phân-biệt chấp-trước: mang đến cho chúng ta. Nỗi khổ này chính là nhân duyên như thế.

          Đoạn Kinh văn này tương đối đơn giản, nói với chúng ta điều gì? Phàm là các Bồ-tát hướng vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật. Quý Ngài đều đạt được: vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật, cho đến trí huệ thánh minh. Ở đây có thể thấy được: vô lượng vô biên đại Bồ-tát có thân phận địa vị tương đương với ngài Phổ Hiền, Văn Thù, Di Lặc, đồng thời cùng đến tham dự đại Pháp hội này.

          Đoạn Kinh văn sau cùng của phẩm này:

又有比丘尼五百人,清信士七千人,清信女五百人,欲界天,色界天,諸天梵眾,悉共大會。“Hựu hữu Tỳ-kheo-ni ngũ bá nhân. Thanh-tín-sĩ thất thiên nhân. Thanh-tín-nữ ngũ bá nhân. Dục giới thiên, Sắc giới thiên, chư thiên Phạm Chúng, tất cộng đại hội”. (Lại có năm trăm vị Tỳ-kheo-ni, bảy ngàn vị Nam-cư-sĩ, năm trăm vị Nữ-cư-sĩ, và chư thiên cõi Dục, cõi Sắc, cõi trời Phạm Chúng đồng đến dự đại hội).

          Tỳ-kheo-ni chúng ta thông thường gọi là Ni chúng, chỉ cho hàng nữ giới sau khi xuất gia đã thọ đại giới. Thanh-tín-sĩ là nam Cư sĩ tại gia học Phật, gọi là Thanh-tín-sĩ. Thanh-tín-nữ là nữ Cư sĩ tại gia học Phật. Chư thiên là chỉ chư thiên đại chúng của Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Đạo tràng giảng Kinh của Phật thù thắng trang nghiêm. Còn có 500 Tỳ-kheo-ni, nam Cư sĩ 7000 người, nữ Cư sĩ 500 người. Dục giới thiên là 6 tầng trời. Sắc giới thiên là 18 tầng trời. Vô sắc giới thiên là 4 tầng trời. Chư thiên người trời đại chúng đều đến tham dự: đại Pháp hội Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Kinh. Phật giảng bộ Kinh này, là đại Pháp viên đốn quảng đại viên mãn, thật sự khác với những Pháp hội giảng kinh khác.

          Phẩm Kinh thứ hai này, chúng tôi đã giảng xong. Ngày mai chúng tôi sẽ giảng tiếp phẩm thứ ba. Vẫn còn một ít thời gian, tôi muốn nói một chút với mọi người. Bởi vì đây là lần đầu tiên tôi giảng thử bộ Kinh Vô Lượng Thọ, chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ từ từ thăm dò, từ từ cải tiến. Tôi muốn giảng bộ Kinh này như vậy. Sau khi giảng xong 10 buổi học, tôi không biết mọi người đã nắm được chút quy luật nào chưa? Tôi giảng mỗi một đoạn Kinh văn, thì chia làm 4 tầng bậc. Mọi người thấy có như vậy không?  

Tầng bậc thứ nhất trước là đọc nguyên văn của Kinh. Để mọi người biết nguyên văn của Kinh, từng đoạn từng đoạn một, mỗi một đoạn đều theo thứ lớp này.  

Tầng bậc thứ hai, là giải thích những từ ngữ tương đối xa lạ: trong đoạn Kinh văn này. Đó là tầng bậc thứ hai.

Tầng bậc thứ ba, là giải thích rõ ý nghĩa: của từng câu trong đoạn Kinh văn ấy, chính là với mỗi câu Kinh văn: biểu đạt ý nghĩa gì.

Tầng bậc thứ tư, là phần tổng kết khái quát: đoạn Kinh văn đó nói với chúng ta điều gì, biểu đạt ý nghĩa gì.

          Nói chung trong 10 buổi học này, tôi đều dựa theo thứ tự này để giảng cho mọi người. Nếu quý vị nắm được quy luật này, thì quý vị có thể nghe dễ dàng hơn một chút. Nếu quý đồng tu hỏi: “Thưa cô, chúng tôi nên dùng sách tham khảo nào?”. Tôi xin nói với mọi người: quý vị không cần dùng sách tham khảo nào cả. Quý vị chỉ cần mang một bộ Kinh Vô Lượng Thọ là được rồi. Xem nguyên văn của Kinh Vô Lượng Thọ, sau này khi được đăng lên mạng có thể đánh thành văn bản, cúng dường mọi người tham khảo. Quý vị xem phần tôi giảng rồi đối chiếu với nguyên văn của Kinh. Sau đó lại xem phần văn tự. Tôi dự đoán những thứ này kết hợp lại, sẽ giúp quý vị nghe hiểu bộ Kinh này, giúp quý vị lý giải bộ Kinh này. Không biết cách nghĩ này, cách nói này và cách làm này của tôi: có giúp được cho mọi người hay không? Tôi có suy nghĩ bất chợt. Đó là trong lần giảng Kinh này, tôi cố hết sức giúp chư vị đồng tu thuộc trình độ khác nhau: đều đạt được lợi ích. Đây là nguyện vọng của tôi, xin cúng dường mọi người tham khảo. Hôm nay buổi học này xin giảng đến đây. Cảm ơn mọi người! A Di Đà Phật!

(Hết tập 10)

Nguyện dĩ thử công đức

Trang nghiêm Phật Tịnh-độ

Thượng báo tứ trọng ân

Hạ tế tam đồ khổ

Nhược hữu kiến văn giả

Tức phát Bồ-đề tâm

Tận thử nhất báo thân

Đồng sanh Cực Lạc quốc.

Nam Mô A Mi Đà Phật

 

Trả lời 0