BÁT QUAN TRAI GIỚI GIẢNG YẾU
Tập 9
Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng
Thời gian: Ngày 16 tháng 9 năm 2017
Giảng tại: Chùa Thiện Quả Lâm Tịnh Độ – Đài Loan
Trì giới là gốc,
Tịnh Độ là nơi trở về.
Quán tâm là điều quan trọng,
Bạn lành là nơi nương tựa.
Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị liên hữu, kính chào mọi người. Mời bỏ tay xuống.
Chúng ta tiếp tục học tập điều giới “không vọng ngữ” này, buổi sáng chúng tôi đã nói tội tướng của đại vọng ngữ, là nói pháp hơn người, chứng quả, đắc thiền định, ngộ đạo, có thần thông v.v…, những điều này hư dối không thật, nói ra để lừa gạt và mê hoặc người khác, đều là đại vọng ngữ. Nếu trong lúc tu hành mà không biết pháp tướng, nhận biết sai lầm, ngộ nhận tưởng mình đã chứng quả, khai ngộ, được thiền định, được thần thông v.v… mà nói với người khác, như vậy thì không tính là phạm giới, đó thuộc về tăng thượng mạn, nhưng vẫn phải kết tội hạ phẩm. Thông qua thỉnh hỏi sư trưởng tiền bối, thiện tri thức thông hiểu pháp tướng chỉ điểm, nên biết bản thân sai rồi, vậy thì phải tha thiết sám hối, không thể tự cho mình là đúng nữa. Nếu đã biết chính mình nhận thức sai lầm, nhưng vẫn kiên trì nói mình đã chứng quả, khai ngộ, đắc thiền định, được thần thông v.v…, vậy thì trở thành đại vọng ngữ rồi, đây là biết rõ mà vẫn cố tình nói. Trong bản văn lại nói tiếp:
“Nhược bổn dục vọng ngữ, hoặc thuyết bất liễu liễu, tiền nhân vị lãnh, hoặc trung chỉ bất thuyết, tịnh phạm phương tiện trung khả hối tội, cấp tu sám trừ”.
(Nếu ban đầu muốn nói vọng ngữ, hoặc nói không rõ ràng nên đối phương chưa hiểu, hoặc dừng lại nửa chừng không nói nữa, đều phạm tội trung phương tiện có thể sám hối, phải sám trừ ngay).
Nếu muốn nói đại vọng ngữ, nói với người khác, nhưng nói không rõ ràng, hoặc là bản thân nói lắp, biểu đạt không rõ; hoặc ví dụ nói ra âm thanh quá nhỏ, đối phương nghe không rõ, nghe không hiểu, như vậy thì chưa thể hiểu ý. Ví dụ như quý vị nói với một người không học Phật rằng: “Tôi chứng nhị quả rồi”. Đối phương nghe xong, “nhị quả là gì? Là quả gì đó? Là quả táo hay chuối?” Họ không biết những danh tướng này. Cũng may đối phương không hiểu, không biết quý vị đang nói gì, nên quý vị không phạm giới trọng căn bản, chỉ phạm tội phương tiện, tội trung phẩm có thể sám hối. Nếu đối phương có thể hiểu hàm nghĩa nhị quả mà quý vị nói, chính là chỉ “quả Tư-đà-hàm”, nếu họ biết được đây là gì, hiểu rõ thì quý vị phạm tội nặng, phạm tội thượng phẩm không thể sám hối. Cho nên tội đại vọng ngữ này, có một duyên trong cụ duyên thành phạm là nói rõ ràng, và đối phương có thể hiểu rõ, như vậy mới thành phạm tội nặng, một lát sau chúng tôi sẽ nói đến trường hợp cụ duyên thành phạm. “Hoặc dừng lại nửa chừng không nói nữa”, ví dụ như quý vị muốn nói với người khác tôi chứng nhị quả rồi, nhưng nói một nửa thì ngừng lại, “tôi đã chứng”, không nói nhị quả, đó là dừng lại nửa chừng không nói nữa, lúc này cũng không phạm phải tội căn bản, nói không rõ ràng, đây đều là tội phương tiện, tội phương tiện của tội thượng phẩm chính là tội trung phẩm. Tuy tội này có thể sám hối, nhưng cũng phải ân cần, tha thiết để sám trừ tội phạm giới, phát thệ nguyện về sau không tái phạm, nếu không thì lần sau thật sự nói rõ ràng, đối phương hiểu rõ, liền cấu thành tội nặng căn bản, không thông sám hối rồi. Trên đây là nói đến trường hợp của đại vọng ngữ, khẩu nghiệp còn có bốn loại khác, tiếp theo trong bản văn lại nói:
“Hựu khẩu quá hữu tứ: Nhất vọng ngôn, nhị ỷ ngữ, tam lưỡng thiệt, tứ ác khẩu”.
(Lại nữa, miệng có bốn lỗi: Một là vọng ngôn, hai là ỷ ngữ, ba là lưỡng thiệt, bốn là ác khẩu).
Bốn lỗi của miệng, tức là tội lỗi do miệng đã phạm, đây cũng là bốn khẩu nghiệp trong mười ác nghiệp, cũng thuộc tội đẳng lưu của điều giới này, tức là những tội tương đồng. Bốn tội này, “vọng ngôn” không phải chỉ đại vọng ngữ, mà chỉ tiểu vọng ngữ, không phải nói những pháp hơn người đó, mà nói lời gạt người thông thường. Ví dụ như nó rõ ràng là nai, quý vị nói nó là ngựa, đây là nói trái lòng mình, nhưng điều này không thuộc về cảnh giới hơn người khác, không phải nói chính mình chứng quả v.v…, đương nhiên là điều này sẽ không phạm phải tội thượng phẩm, đây thuộc về tội trung phẩm, bao gồm “ỷ ngữ”, “lưỡng thiệt”, “ác khẩu” v.v…, bốn điều này sẽ được giải thích lần lượt trong phần văn tiếp theo. Tuy chúng ta thấy cách phán tội của Đại sư Ngẫu Ích, và trong Kinh Ngũ Giới Tướng, tôi nhớ là trước đây cũng đã từng giảng Ngũ Giới Tướng Kinh Tiên Yếu ở Thiện Quả Lâm, là tác phẩm mà Đại sư Ngẫu giải thích Kinh Ngũ Giới Tướng, đề tài của chúng tôi là “Giới Tướng Tứ Trọng”, là nói đến giới tướng của bốn giới trọng sát đạo dâm vọng, chiếu theo Kinh Ngũ Giới Tướng mà giảng. Trong đó phán là tội trung phẩm, nhưng nói về phương diện sám hối, thì cũng có thể xem là tội hạ phẩm mà sám hối, cũng tức là đối trước một vị Pháp sư sám hối cũng có thể xuất tội. Đây là chiếu theo giới Tỳ-kheo rồi, bởi vì giới pháp mà cư sĩ học đều là y theo giới Tỳ-kheo mà mở rộng ra. Năm xưa, Phật giảng Kinh Ngũ Giới Tướng cũng là giảng trong Tăng đoàn, sau đó kêu Tỳ-kheo đi giảng giới cho các cư sĩ, điều này đã tạo lập mối quan hệ luân lý trong nhà Phật. Tỳ-kheo ở địa vị sư trưởng có thể truyền giới, sám hối xuất tội cho cư sĩ, vả lại sứ mạng giảng giới pháp cũng do Tỳ-kheo đảm nhận. Nếu không có Tỳ-kheo, vậy thì Tỳ-kheo-ni đảm nhận; nếu không có Tỳ-kheo-ni, thì Thức-xoa-ma-na, thậm chí Sa-di, Sa-di-ni, đều có thể truyền giới cho cư sĩ, truyền Tam quy y, truyền Ngũ giới, truyền Bát Quan Trai giới, và còn xuất tội cho cư sĩ, đều có thể làm được, cho nên sứ mạng hoằng dương giới pháp chủ yếu là Tăng đoàn. Điều này là chúng ta học tập cách thức sám hối trong giới Tỳ-kheo, nếu phạm vọng ngôn – tiểu vọng ngữ, bao gồm ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt đều tác pháp sám tội hạ phẩm. Đương nhiên cũng có thể theo điệp danh, tức là tội trung phẩm, nhưng đối trước một vị sám hối cũng được, không cần phải đối trước ba vị sám hối. Tội trung phẩm, như tội phương tiện của sát đạo dâm mới là tội trung phẩm, vậy thì phải đối trước ba vị sám hối.
Lần này chúng tôi cũng giảng bốn giới trọng, sát đạo dâm vọng, giảng vô cùng chi tiết, cũng giống như lần trước, lần trước đã giảng “Giới Tướng Tứ Trọng” mất một tuần. Lần này là chiếu theo bài văn trong Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu, còn có tư liệu tham khảo là Tỳ Kheo Giới Tướng Biểu Ký và Tỳ Kheo Ni Giới Tướng Biểu Ký để giảng. Hai bộ này có thể kết hợp lại để nghe, vậy sẽ hiểu rõ hơn. Tiếp theo, trong bản văn lại nói:
“Nhất vọng ngôn giả, kiến ngôn bất kiến, bất kiến ngôn kiến, văn giác tri đẳng, diệc phục như thị. Hựu thật hữu nhi ngôn vô, thật vô nhi ngôn hữu, khi cuống tha nhân, tịnh danh vọng ngôn. Thử thị tánh tội, phạm giả cấp tu sám hối, thệ bất cánh tạo. Nhược bất cải giả, hiện thế vi nhân sở tiện, tử đọa tam đồ”.
(Một là vọng ngôn: Thấy nói không thấy, không thấy nói thấy; nghe, hay, biết, v.v… cũng đều như vậy. Thêm nữa, thật có mà nói không, thật không mà nói có, lừa dối người khác, đều gọi là vọng ngôn. Đây là tánh tội, người phạm cần phải sám hối ngay, thề không tái phạm. Nếu không sửa đổi, đời này bị người khác khinh rẻ, chết đọa vào ba đường ác).
Điều thứ nhất là nói đến “vọng ngôn”, cũng tức là giới tiểu vọng ngữ. “Kiến ngôn bất kiến”, nhìn thấy rồi nói không nhìn thấy, hỏi quý vị: “Quý vị nhìn thấy ai đó không?” “Không có”. Rõ ràng là quý vị nhìn thấy, mà lại nói không nhìn thấy, như vậy chính là vọng ngữ. Hoặc “bất kiến ngôn kiến”, không nhìn thấy họ mà nói nhìn thấy rồi, đều là nói trái lòng mình. Định nghĩa của vọng ngữ chính là “nói trái lòng mình”. Nếu lỡ như nói đúng, đó cũng là vọng ngữ. Ví dụ như chỉ nai nói ngựa, quý vị nhìn thấy nai, trong lòng nghĩ đó là nai, nhưng vẫn nói nó là ngựa, đương nhiên là vọng ngữ. Nếu nó thật sự là một con ngựa, mà trong lòng quý vị tưởng nó là một con nai, bản thân nhầm lẫn rồi, tưởng nó là nai, nhưng miệng vẫn cứ nói là ngựa, vậy quý vị đã nói đúng rồi, tình cờ nói đúng rồi, nhưng quý vị nói trái lòng mình, đó cũng là vọng ngữ, quý vị xem, nói đúng cũng là vọng ngữ. Cho nên điều giới vọng ngữ này, phán tội chủ yếu không phải là xem quý vị nói đúng hay sai, mà xem quý vị có nói trái lòng mình hay không. “Văn giác tri đẳng, diệc phục như thị”. Nghe mà nói không nghe, không nghe mà nói nghe, nghe tức là dùng nhĩ căn nghe, thấy là dùng nhãn căn nhìn. Rõ ràng là nghe được mà nói không nghe được, rõ ràng không nghe được mà nói nghe được; hay, biết cũng đều như vậy. Thấy, nghe, hay, biết chính là sáu căn của chúng ta đối với cảnh giới sáu trần bên ngoài, có giác thọ mà cố ý nói là không có, không có mà nói có, đây đều là vọng ngữ. Ví dụ như ý căn của quý vị là tri, biết rõ, rõ ràng là quý vị biết mà nói không biết, rõ ràng là không biết mà nói biết, đây đều là vọng ngữ. “Hựu giả thật hữu nhi ngôn vô, thật vô nhi ngôn hữu”. Những điều này đều biết rằng sự thật là có, nhưng lại nói không có, hỏi quý vị: “Trên người có 100 đồng không?” Sự thật là có, quý vị lại nói không có, không muốn cho người khác mượn nên nói không có, vọng ngữ. “Thật không mà nói có”, ngược lại cũng như vậy, những điều này cũng rất dễ hiểu. Tóm lại chính là “khi cuống tha nhân”, tức là lừa dối, mê hoặc người khác, những điều này đều gọi là vọng ngôn, cũng gọi là tiểu vọng ngữ.
Đây là “tánh tội”, tội của điều giới này cùng với ba tội sát đạo dâm đều là tánh tội. Điều giới này ngoài tánh tội cũng có giá tội, đầy đủ hai nghiệp tánh và giá. Giá tội là do Như Lai chế giới, chúng ta thọ giới rồi phạm giới, vậy thì phạm giá tội. Nếu đã vi phạm, “phải sám hối ngay”, phải tác pháp sám. Thiện Quả Lâm của chúng ta hiện nay rất hiếm có, mọi người đều hình thành thói quen nửa tháng tụng giới một lần rồi, thọ giới rồi nhớ mình vi phạm điều gì, thì có thể đối trước Pháp sư sám hối. Lần tụng giới này của chúng ta là ngày 19, đúng lúc là khánh đản của Địa Tạng Bồ-tát, tôi tụng giới với mọi người, nếu tụng giới Bồ-tát thì cùng nhau tụng. Nếu quý vị thọ Ngũ giới, thì tự mình tụng, giới Thanh-văn cũng tự mình tụng, Tỳ-kheo thì tụng giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tụng giới Tỳ-kheo-ni, Sa-di tụng giới Sa-di, Sa-di-ni cũng tụng giới Sa-di-ni, tự mình tụng giới, cư sĩ thì tụng Ngũ giới. Sau khi tụng xong rồi, bảy chúng đệ tử đã thọ giới Bồ-tát, đều tập hợp trên điện cùng nhau tụng giới Bồ-tát. Giới Bồ-tát, mọi người đều có thể thọ, người nào có tư cách thọ? Người phát tâm bồ-đề thì có tư cách thọ, phải hành Bồ-tát đạo. Nếu không phát tâm bồ-đề, đương nhiên là không thể thọ giới, vì có thọ giới cũng không đắc giới. Không phát tâm bồ-đề, e rằng ngay cả vãng sanh Tịnh Độ cũng không được, bởi vì vãng sanh Tịnh Độ phải “phát bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật”, chỉ có nhất hướng chuyên niệm mà không phát tâm bồ-đề thì không thể vãng sanh. Đã phát tâm bồ-đề rồi, vậy thì phải giữ gìn tâm bồ-đề của mình thật tốt. Dùng điều gì làm tiêu chuẩn? Giới Bồ-tát chính là tiêu chuẩn.
Phát tâm bồ-đề đã không dễ, muốn giữ gìn lại càng khó hơn. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “Vong thất bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”. Nếu quý vị quên mất tâm bồ-đề rồi, sau khi phát tâm rồi quên, lại tu thiện pháp; trì giới, niệm Phật chính là thiện pháp; bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định v.v… đều là thiện pháp; đó gọi là ma nghiệp. Đó là cách mà ma vương tu thành, bởi vì họ không có tâm bồ-đề, nhưng đã tu rất nhiều thiện pháp, nên phước báo rất lớn. Đương nhiên là họ không thể vãng sanh Tây Phương, chỉ có thể được phước báo hữu lậu trong tam giới, hết phước báo thì chắc chắn đọa đường ác. Cho nên có người hỏi, tôi có tư cách thọ giới Bồ-tát không? Vậy thì tôi hỏi quý vị: Quý vị có phát tâm bồ-đề không? Có phát tâm thì có tư cách thọ. Trong Kinh Phạm Võng nói: “Nhất thiết hữu tâm giả, giai ưng nhiếp Phật giới, chúng sanh thọ Phật giới, tức nhập chư Phật vị”. Chỉ cần quý vị có tâm, chúng sanh hữu tình, quý vị là chúng sanh hữu tình đúng không? Đúng vậy. Không chỉ là người, mà chúng sanh trong lục đạo đều có thể thọ, quỷ thần cũng có thể thọ, súc sanh cũng có thể thọ, “chỉ cần hiểu lời Pháp sư nói” thì có thể đắc giới. Chỉ cần phát tâm bồ-đề thọ giới, liền vào nhân vị của chư Phật, vậy quý vị có thể đảm nhận danh hiệu “cư sĩ Diệu Âm” rồi. Bởi vì tương lai thành Phật thì đồng gọi là “Diệu Âm Như Lai”, hiện nay chính là nhân vị của Diệu Âm Như Lai, có thể thọ.
Đương nhiên là trước tiên xem qua giới bổn, lỡ như có điều giới nào thật sự không thọ trì được, thì người tại gia cũng có thể thọ từng phần, quý vị có thể xả điều giới đó cũng được. Xả giới như chúng tôi đã nói rất đơn giản, chỉ cần nói một lần với một người, nói tôi xả điều giới nào đó là được rồi. Quý vị không cần xả hết, xả hết thì không còn nữa. Mười giới trọng, 48 giới khinh, xả một điều, hai điều, thậm chí xả hết chỉ còn một điều, thì vẫn có giới. Giống như điều giới vọng ngữ này, chúng ta nên thọ trì, trong giới Bồ-tát cũng có giới “không vọng ngữ”. Bốn giới trọng ở trước đều như nhau, sát đạo dâm vọng, tối thiểu là có thể thọ trì bốn điều giới này. Đương nhiên giới Bồ-tát không giống như Ngũ giới là tận hình thọ, mà là tận vị lai tế, nên thù thắng hơn, mãi đến lúc thành Phật thì giới thể cũng luôn theo mình không mất, sẽ không mất đi. Trừ phi quý vị phá giới mất giới thể hoặc xả giới, hay thoái thất tâm bồ-đề, vậy thì không còn nữa, nếu không thì mãi cho đến khi thành Phật, giới thể sẽ luôn theo quý vị. Có giới thể theo mình, thần hộ giới cũng sẽ theo, các vị Bồ-tát hộ pháp cũng sẽ bên cạnh, bởi vì giới Bồ-tát này chúng ta thỉnh Thích Ca Mâu Ni Phật làm Hòa thượng, Di Lặc Bồ-tát làm Giáo thọ A-xà-lê, Văn Thù Bồ-tát làm Yết-ma A-xà-lê, mười phương chư Phật làm tôn chứng, mười phương Bồ-tát làm đồng học, các Ngài đều đến bảo hộ quý vị, giới này còn thù thắng hơn Ngũ giới.
Trong luật có một câu chuyện như vậy, nói đến có một Tỳ-kheo thọ giới rồi, kết quả là phạm hết bốn điều giới trong năm giới, chỉ giữ được điều giới “không vọng ngữ” này, không phạm. Kết quả là thần hộ giới của ông ấy đều bỏ đi rồi, chỉ còn giới vọng ngữ thì vẫn có năm vị thần hộ giới, có lẽ năm vị thần hộ giới đó thương lượng: Tỳ-kheo này đã hết cách cứu rồi, giới gì cũng phá hết, chỉ còn lại giới vọng ngữ, chúng ta cứ giúp thầy ấy phá luôn cho rồi, để khỏi làm phiền chúng ta phải hộ trì thầy ấy. Thế là họ nhân cơ hội có một lần, vị Pháp sư này nhận lời người khác đi đến nơi nào đó, khi đi trên đường, thần hộ giới liền biến thành con hổ lớn, muốn ăn thịt Tỳ-kheo giữa đường đi. Thầy Tỳ-kheo này nói với con hổ: “Bởi vì ta đã có hẹn với người khác rồi, việc đã hứa hẹn thì tôi không thể vi phạm, bởi vì tôi đã thọ giới không vọng ngữ”. Đương nhiên là sẵn tiện nói luôn điều giới này, nếu ban đầu có hẹn với người khác, không nói lời hứa hẹn trái lòng mình, tức là chân thành muốn hẹn với người khác, nhưng sau đó thì không thể đến chỗ hẹn, như vậy chỉ là thất tín với người khác, nhưng trên thực tế thì không phạm giới vọng ngữ, không phạm giới tiểu vọng ngữ, vì sao vậy? Bởi vì khi nói, lúc hứa hẹn, không trái lòng mình, lúc đó muốn đi đến chỗ hẹn, không phải muốn gạt người khác, rõ ràng là tôi không muốn đến chỗ hẹn, nhưng lại hẹn với người khác, như vậy mới gọi là vọng ngữ. Đã hẹn rồi, sau đó vì điều kiện khách quan không cho phép, ví dụ như bị hổ cản đường không cho chúng ta đi, chúng ta không đi được, như vậy thì phạm một tội thất tín hạ phẩm là được rồi, không phạm phải tội trung phẩm của vọng ngữ.
Thầy Tỳ-kheo liền nói: “Này hổ, như vậy đi, nếu ngươi muốn ăn thịt ta cũng phải đợi sau khi ta đến chỗ hẹn, nếu không thì ta sẽ thất tín với người khác. Ta hứa với ngươi, Tỳ-kheo không vọng ngữ, hứa với ngươi sau khi ta đến chỗ hẹn, khi ta trở về sẽ cho ngươi ăn thịt”. Quý vị xem, thầy Tỳ-kheo chẳng thà bỏ thân mạng cũng không vọng ngữ. Con hổ này liền đồng ý: “Được, tôi ở đây đợi thầy, đợi sau khi thầy đến chỗ hẹn xong, phải trở lại cho tôi ăn thịt ngay”. Thế là thầy Tỳ-kheo đi rồi, thật vậy, sau khi đến chỗ hẹn và xong mọi việc rồi, nhớ ra mình đã hứa với con hổ, không thể vọng ngữ, cho nên nhanh chóng trở về. Nhìn thấy con hổ vẫn đợi ở đó, thầy Tỳ-kheo liền nói với con hổ: “Được rồi, bây giờ ta cũng đã làm xong việc rồi, thân thể của ta bố thí cho ngươi”. Kết quả là vào lúc này, đột nhiên không thấy con hổ nữa, mà hiện ra năm vị thần hộ giới, tán thán thầy Tỳ -kheo rằng: “Lành thay lành thay, thầy thật sự có thể bỏ thân mạng cũng không vọng ngữ, tâm giữ giới này đáng để ca ngợi”. Quý vị xem, thật sự phải giữ giới như vậy, mới xứng đáng được sự ca ngợi của thần hộ giới. Sau đó thì thầy Tỳ-kheo này, đương nhiên thầy ấy cũng tự thấy hổ thẹn, nói tôi chỉ còn lại điều giới này thôi, những giới khác đều phạm hết rồi, cho nên thầy ấy cũng tha thiết cầu sám hối. Suy đoán tình huống này thầy ấy không phạm giới trọng, thầy ấy phạm những tội như trung phẩm, hạ phẩm, cho nên thầy ấy có thể tác pháp sám hối, liền xuất tội rồi. Kết quả là các vị thần hộ giới của thầy ấy đều đã trở lại.
Có thể thấy được, nếu tôi phạm một tội hạ phẩm, không chịu tha thiết sám hối, thì thần hộ giới đều bỏ đi hết. Bởi vì giới thể của điều giới đó của quý vị không thanh tịnh, nhất định phải sám hối xuất tội mới được thanh tịnh, thần hộ giới mới quay trở lại. Vì thế, sám hối rất quan trọng. Sám hối chỉ mất thời gian hai phút thì sám hối xong rồi, giúp quý vị khôi phục giới thể thanh tịnh, lợi ích đó rất thù thắng. Cho nên đừng sợ thọ giới, thọ giới rồi thì hạ quyết tâm hộ giới thật tốt, hộ giới chính là bảo hộ tâm bồ-đề của quý vị. Nếu thật sự vi phạm, vậy thì sám hối như pháp, sám hối rồi liền được thanh tịnh, cũng như chưa phạm phải vậy, đó chẳng phải là điều tốt sao? Cho nên chúng tôi khuyến khích mọi người phát tâm thọ giới, nghiêm túc học giới, trì giới, làm trợ hạnh của Tịnh Độ. Cho nên sám hối rồi, “thệ bất cánh tạo”. Mục đích quan trọng nhất của sám hối, chính là phát thệ nguyện về sau không tạo tội đó nữa.
“Nhược bất cải giả”, nếu không chịu sửa đổi làm lại từ đầu, vẫn tiếp tục phạm giới, không tôn trọng giới pháp, tăng trưởng ác nghiệp, vậy thì chắc chắn có báo ứng. Báo ứng chia làm hai loại: Một loại là báo ứng hiện đời, gọi là hoa báo; một loại là báo ứng đời sau, gọi là quả báo. Đời này bị người khác khinh rẻ, bởi vì chúng ta nói vọng ngữ lừa dối người khác nên không còn thành tín, không còn chữ tín. Khổng tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã”. Nói rõ là người này không thể cứu được rồi, người khác sẽ không tin quý vị lần thứ hai. Lần đầu quý vị nói “sói đến rồi, sói đến rồi”, kết quả là gạt người khác, người khác đến cứu quý vị thì phát hiện quý vị nói dối; lần thứ hai sói thật sự đến rồi, cho dù quý vị la “sói đến rồi”, người ta cũng không đến. Đây là bị người khác khinh rẻ, chính mình không tôn trọng mình, đương nhiên người khác cũng không tôn trọng chúng ta rồi. Chỉ có tự trọng, người khác mới tôn trọng chúng ta. Chết rồi thì quả báo “đọa tam đồ”, đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh để thọ báo rồi. Báo ứng này chủ yếu đều bởi vì tội phạm giới, không thọ giới thì thôi, đã thọ thì nhất định phải nghiêm trì; không phạm thì thôi, phạm rồi chắc chắn đọa ba đường ác, cho nên chúng ta không thể khinh mạn giới pháp. Điều thứ hai là ỷ ngữ:
“Nhị ỷ ngữ giả, vô nghĩa vô lợi, thế tục phù từ, tăng trưởng phóng dật, vong thất chánh niệm, diệc tu cấp sám, thệ bất cánh tạo. Nhược bất cải giả, hiện thế vi nhân sở khinh, tử đọa ác đạo”.
(Hai – Ỷ ngữ là lời nói phù phiếm của thế tục, vô nghĩa và không lợi ích, tăng trưởng sự buông lung, quên mất chánh niệm, cũng phải sám hối ngay, thề không tái phạm. Nếu không sửa đổi, đời này bị người khác khinh rẻ, chết đọa vào đường ác).
Ỷ ngữ có nghĩa là gì? Chữ “ỷ” này, là những loại tơ lụa đẹp, đây là ví dụ lời nói tốt đẹp nhưng không thật, “vô nghĩa vô lợi”, không có nghĩa lý gì cả, cũng không có lợi ích nào với mọi người. Là ngôn từ phù phiếm, ngôn từ thế tục, nên gọi là “lời nói vô nghĩa”, hay nói cách khác chính là lời nói nhảm, lời nói vô nghĩa tức là lời nói nhảm. Người tu đạo chúng ta không nên nói những lời nói này, nói rồi sẽ “tăng trưởng sự buông lung”, không giúp ích gì đối với việc tu hành của chúng ta, cũng không giúp ích gì cho việc thăng cấp của người khác, nói những lời này làm cho ý niệm của mình đều phân tán. Ví dụ như không việc gì liền nói chuyện thị phi, chuyện gia đình, v.v…, những điều này thì người tu đạo chúng ta phải hết sức ngăn ngừa, đó là tập khí của người thế gian. Bây giờ chúng ta muốn tu hành, muốn cầu sanh Tịnh độ, niệm A Di Đà Phật còn không kịp, làm gì có thời gian nói nhảm? Cho nên chúng ta phải thu nhiếp thân tâm, đề khởi chánh niệm, không nói thì thôi, hễ nói thì nhất định làm lợi ích cho người khác. Lợi ích này là chân thật, những lời giúp họ tăng trưởng đạo đức, học vấn, tăng trưởng công đức, phước báo, thậm chí giúp họ tu hành thành tựu, chúng ta nói lời này thì tốt. Cũng giống như Mẫn Tử Khiên – đệ tử của Khổng lão phu tử, bình thường kiệm lời ít nói, không nói thì thôi, hễ nói thì có thể an bang định quốc, đây chính là quân tử của thế gian, đáng để chúng ta học tập.
Khổng lão phu tử cũng căn dặn khuyên bảo chúng ta, phải “mẫn ư sự nhi thận ư ngôn”. Làm việc phải nhanh nhẹn, hiệu quả phải cao một chút, đừng lưỡng lự chậm chạp, lề mề lôi thôi, nửa ngày trời cũng chẳng làm được việc gì, như vậy là không nhanh nhẹn. Làm sao để có thể làm việc nhanh nhẹn? Tập trung ý niệm của quý vị, tập trung sự chú ý, hiệu suất của quý vị sẽ cao; nếu ý niệm của quý vị tán loạn, quý vị không tập trung được, vậy thì quý vị làm việc nhất định rất chậm chạp, mà cũng sẽ thường làm sai việc. Chúng ta đọc sách cũng được, làm việc cũng được, đều phải học cách tập trung tinh thần, tập trung sự chú ý. Điều này cũng giống như tu thiền định vậy, tiền phương tiện của tu thiền định chính là chuyên chú. Hình thành thói quen chuyên chú, quý vị niệm A Di Đà Phật cũng sẽ chuyên chú, đọc kinh cũng sẽ chuyên chú, hiệu suất của quý vị sẽ cao. Quý vị niệm một câu Phật hiệu bằng người khác niệm mười ngàn câu Phật hiệu, người khác niệm mười ngàn câu Phật hiệu đều là tán tâm mà niệm, quý vị niệm một câu A Di Đà Phật, vậy thì công đức đó bằng người khác niệm mười ngàn câu. Kinh điển cũng vậy, người khác đọc 100 lần cũng không hiểu, quý vị tập trung sự chú ý, đọc một lần thì có thể hiểu được. Lợi căn chính là như vậy, họ tập trung sự chú ý, tư tưởng rất nhạy bén, trí huệ rất nhạy bén. Vì vậy, thường ngày chúng ta cần phải huân tập điều này, để hình thành thói quen chuyên chú. “Thận ư ngôn”, ngôn ngữ phải cẩn thận, bởi vì nói nhiều thì ý niệm dễ bị phân tán. Nếu nói ỷ ngữ, vô nghĩa ngữ, nói những lời nhảm nhí, đó tức là “tăng trưởng sự buông lung, quên mất chánh niệm”. Nói nhiều rồi, nói đến sau cùng cũng không biết mình nói gì, nhận lời người khác rồi mà cũng quên mất, cho nên người này cũng không có chữ tín gì đáng để nói, người xưa nói “đa ngôn tắc thiểu tín” là có đạo lý. Quý vị cứ luôn nhận lời người khác luôn nhận lời người khác, quý vị chắc chắn không có chữ tín, vì sao vậy? Quý vị chắc chắn không làm được. Cũng không bằng nói ít, “nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”, như vậy thì mọi người có thể tin tưởng.
Nếu phạm điều ỷ ngữ này, vậy thì mở rộng ỷ ngữ, vô nghĩa ngữ ra để nói thì sẽ bao gồm rất nhiều. Ví dụ như nói một số lời ngon tiếng ngọt, nói một số lời nghe thì rất khách sáo, nhưng trên thực tế là lời phù phiếm. Người thế gian thường có tập khí này, trong tâm vốn không đồng ý với họ, nhưng miệng thì hết lời khen ngợi: “Anh thật là giỏi, nhìn thấy anh thì rất vui mừng”, thật ra trong lòng hoàn toàn không muốn gặp anh ấy, đều là nói những lời vô vị, những lời phù phiếm, “thế tục phù từ”, khách sáo, quá khách sáo sẽ trở thành ỷ ngữ. Chi bằng chúng ta luôn nói sự thật, nho nhã lễ độ đối với người khác, nhưng không cần phải nói quá mức. Điều này cho người khác một cảm giác chân thật, cảm thấy con người quý vị là một người rất thành khẩn, không phải là người giả dối. Nói đùa không thật, người khác sẽ mất lòng tin với quý vị. Bao gồm những lời nói khiến người khác khởi tà niệm lại càng là ỷ ngữ, giống như một số quảng cáo không tốt, khiến quý vị sau khi xem xong, quý vị sẽ mơ tưởng hão huyền. Những lời này đều thuộc về ỷ ngữ. Nếu phạm những điều này thì “cần phải sám hối ngay, thề không tái phạm”. Nếu không sửa đổi, cũng là hoa báo, “đời này bị người khác khinh rẻ”, người khác sẽ xem thường quý vị. Bởi vì con người quý vị không thành khẩn, đều là lời phù phiếm, vậy thì “chết đọa vào đường ác”.
Ở đời nhà Tống có một câu chuyện như vậy. Chuyện kể rằng lúc đó có một họa sĩ, tên là Lý Bá Thời, vẽ rất đẹp. Hòa thượng Thiết Diện Tú, vị này nói chuyện thiết diện vô tư, cho nên gọi là Hòa thượng Thiết Diện Tú, liền quở trách Lý Bá Thời: Ông là sĩ phu, nhưng lại nhờ vào vẽ tranh, vẽ ngựa để nổi tiếng, khiến người khác đều khen ông vẽ rất đẹp. Hằng ngày ông nghĩ đến con ngựa này, vẽ ngựa, vẽ trúc thì trong lòng có trúc mới có thể vẽ đẹp, vẽ ngựa thì trong lòng có ngựa, hằng ngày trong lòng đều nghĩ đến ngựa, niệm niệm đều nghĩ đến ngựa, đến khi chết rồi, sẽ vào bụng ngựa để đầu thai. Vì sao vậy? Tâm này làm ngựa, tâm này là ngựa. Vì sao không niệm Phật? Tâm này làm Phật, tâm này là Phật. Sau khi ông Lý Bá Thời nghe xong, ông là tín đồ Phật giáo, nghe Hòa thượng quở trách ông như vậy, ông liền hối lỗi sửa sai, gác bút từ đó. Về sau thì ông Hoàng Đình Kiên, chúng ta biết ông là nhà văn học, nghe lời nói của Hòa thượng Thiết Diện Tú quở trách Lý Bá Thời, ông cũng đến thưa với Hòa thượng, và hỏi: “Vậy tương lai con sẽ đọa vào đâu?” Ông tưởng là nói đùa, nói cười với Hòa thượng như vậy. Kết quả là Hòa thượng quở trách ông càng nặng hơn, nói rằng: “Văn học của ông rất hay, thường viết những ngôn từ diễm lệ giữa nam nữ, viết rất tài tình, kết quả đều dẫn dắt người khác khởi tà niệm, nhiễu loạn tâm dâm loạn của người trong thiên hạ. E rằng ông không chỉ đọa vào trong bụng ngựa, mà tương lai ông nhất định đọa địa ngục!” Sau đó thì ông Hoàng Đình Kiên, bởi vì Hòa thượng Thiết Diện Tú là một vị cao tăng hữu đạo, Hoàng Đình Kiên nghe xong thì vô cùng sợ hãi, mau chóng sám hối tội lỗi, sau đó không dám viết những ngôn từ diễm lệ đó nữa, những việc này chính là ỷ ngữ. Cho nên đây là nói đến không ỷ ngữ. Tiếp theo, điều thứ ba:
“Tam lưỡng thiệt giả, hướng thử thuyết bỉ, hướng bỉ thuyết thử, cấu khởi thị phi, quai ly thân hữu, diệc thị tánh tội, cấp tu sám hối, thệ bất cánh tạo. Nhược hữu phạm giả, hiện thế vi nhân sở oán, tử đọa địa ngục”.
(Thứ ba – lưỡng thiệt là nói người kia với người này, nói người này với người kia, tạo thành thị phi, chia rẽ bạn thân, cũng là tánh tội, phải sám hối ngay, thề không tái phạm. Nếu phạm phải thì đời này bị người khác oán trách, chết đọa vào địa ngục).
Lưỡng thiệt có nghĩa là gì? Tức là nói với người này là người kia không tốt thế nào thế nào đó, khiêu khích ly gián, sau đó lại nói với người kia là người này không tốt với quý vị thế nào thế nào đó, để tạo nên sự tranh đấu thị phi giữa hai người này. “Quai ly thân hữu”, hai người này vốn là bạn thân, rất thân thiết, quan hệ rất hòa hợp. Kết quả là bị chúng ta nói như vậy, đôi bên đều khởi hiềm khích, nghi ngờ đối phương, dần dần sẽ phá vỡ sự hài hòa, không thể đoàn kết nữa, thậm chí đến sau cùng dấy khởi tranh chấp. Như vậy chính là lưỡng thiệt, tức là chúng ta nói lời khiêu khích ly gián. Tội này cũng là “tánh tội”, có nghĩa là không thọ giới, mà nói lưỡng thiệt cũng phạm. Như vậy thì phải sám hối ngay, đó cũng là tội trung phẩm, “phải sám hối ngay, thề không tái phạm”.
Đặc biệt là ở đạo tràng. Trong đạo tràng, nếu nói những lời lưỡng thiệt thị phi, phá hoại sự hòa hợp của đạo tràng, tội nghiệp đó càng sâu nặng hơn. Nếu trong Tăng đoàn mà gây thị phi, nảy sinh hỗn loạn, Tăng chúng hỗn loạn, báo ứng của tội nghiệp này đều là ở địa ngục. Cho nên lưỡng thiệt, đừng xem đó là tội trung phẩm mà thôi, nhưng nghiệp quả của nó có thể rất lớn, phải xem đối tượng quý vị khiêu khích ly gián là ai. Nếu chỉ có hai người, vậy thì kết tội, nghiệp đạo vẫn nhẹ một chút, quả báo sẽ nhẹ một chút. Nếu là hai đoàn thể, vậy thì sẽ nặng. Nếu là hai quốc gia bị quý vị quấy phá, chiến tranh rồi, vậy thì tội đó rất nặng. Vả lại, nếu chúng ta trực tiếp ly gián khiến hai quốc gia chiến tranh, hễ có người chết, trong chiến tranh chắc chắn không tránh khỏi có người chết, vậy tôi cũng phải gánh tội giết người này, đó chính là tội thượng phẩm không thể sám hối rồi. Nếu làm hỗn loạn trong Tam bảo, tội này cực kỳ nặng. Cho nên thật sự là “nói nhiều lời, không bằng ít”. Người phàm, phàm phu cứ thích nói nhảm, nói những lời vô nghĩa, cho nên cổ đức nhắc nhở chúng ta: “Bớt đi một câu nói, niệm thêm một câu Phật, đánh chết được ý niệm, cho pháp thân ông sống”. Dùng miệng của quý vị niệm Phật thì tốt biết mấy, sao lại phải nói những lời xấu ác đó, tạo những nghiệp ác này, tương lai sẽ chiêu cảm quả báo. Niệm Phật là tốt nhất, niệm một câu thì có công đức của một câu. Nói một câu tức là uổng mất một câu, lãng phí thời gian đó mà còn tạo nghiệp.
“Nhược hữu phạm giả”, nếu phạm lưỡng thiệt, “hiện thế vi nhân sở oán”. Bởi vì chúng ta gây tạo thị phi, khiêu khích ly gián, khiến cho đôi bên oán trách nhau, vậy thì phiền não oán trách này cũng khó tránh sẽ hướng về chúng ta, mà cũng không tránh khỏi nhân quả. Chúng ta khiến người khác oán trách nhau, vậy thì bản thân chúng ta cũng bị người đời oán trách, nghiệp lực cũng sẽ luân chuyển đến bản thân mình, đây là hoa báo, quả báo “chết đọa địa ngục”, nghiệp lưỡng thiệt rất nặng. Tiếp theo là thứ tư:
“Tứ ác khẩu giả, mạ lị chú trớ, linh tha bất kham, thử diệc tánh tội, cấp tu hối đoạn. Nhược hữu phạm giả, hiện thế vi nhân sở nộ, tử đọa tam đồ”.
(Thứ tư – Ác khẩu là chửi mắng nguyền rủa, làm cho người khác chịu không nổi, cũng là tánh tội, phải sám hối đoạn trừ ngay. Nếu phạm phải thì đời này bị người khác giận ghét, chết đọa ba đường ác).
Ác khẩu, đây là loại khẩu nghiệp thứ tư, là chỉ “mạ lị chú trớ”, đây là bốn kiểu. “Mạ” là nói lời não hại người khác, “lị” cũng là một loại ác khẩu, đây là mạ lị. “Chú”, nguyền rủa, “chú trớ” tức là nguyền rủa người khác bị báo ứng không tốt. Những lời nói này đều “linh tha bất kham”, khiến họ không thể chấp nhận, đối với họ là một sự não hại. Chữ “mạ” này trong luật nói rằng, chỉ cần nói lời khiến đối phương không thích, đó là thuộc về ác khẩu rồi. Không nhất định là phải nói những lời rất thô ác, chửi ầm lên đương nhiên là ác khẩu rồi, nói những lời bại hoại, những lời bẩn thỉu thì càng là ác khẩu.
Có một số lời, quý vị xem trong luật nói, các lời chê trách. Ví dụ có sáu trường hợp:
– Thứ nhất là nói giai cấp của người khác rất thấp hèn, nói anh xuất thân từ Chiên đà la, Chiên đà la là tiện dân, như vậy là chửi. Anh là thứ gì gì đó, tổ tiên là người gì đó, như vậy là chửi rồi.
– Trường hợp thứ hai là nói về nghề nghiệp, anh là đồ tể, anh là người bắt cá, anh là tên trộm. Nói nghề nghiệp của người khác, mang tâm khinh mạn, khiến người ta chịu không nổi, như vậy cũng là ác khẩu. Cho dù quý vị nói sự thật, nhưng khiến người khác chịu không nổi cũng là ác khẩu.
– Thứ ba, nói kỹ thuật của người khác rất tệ, tức là các ngành kỹ năng kỹ thuật. Nói anh là một người thợ mộc, anh là người làm đồ da, chính mình nói sự thật, nhưng mang tâm khinh mạn tổn hại người khác mà nói, như vậy cũng là ác khẩu.
– Thứ tư là nói đối phương phạm lỗi. Anh đã phạm sát đạo dâm vọng, thậm chí anh đã phạm tăng thượng mạn, như vậy cũng khiến người khác chịu không nổi, chính là phạm ác khẩu.
– Thứ năm là nói rất nhiều kiết sử của họ, kiết sử chính là phiền não. Anh lúc nào cũng sân hận, lúc nào cũng ngạo mạn, nói người khác như vậy. Cho đến chỉ nói một loại trong 500 loại kiết sử, cũng là ác khẩu.
– Thứ sáu là nói bệnh của người khác. Mắt của anh mù, chân của anh què, như vậy cũng là ác khẩu, nói các phương diện tàn tận trên thân thể người khác.
Cho nên quý vị xem, ác khẩu bao gồm rất nhiều kiểu, đều là “mạ”. Có diện mạ, có dụ mạ, có tự tỉ mạ. “Diện mạ” là nói trước mặt người khác. “Dụ mạ”, nói tương đối khéo léo, dùng ví dụ để nói. Sao hôm nay anh giống con heo vậy? Ví dụ, đây chính là dụ mạ. Còn có “tự tỉ mạ”, tự nói mình để ám chỉ người khác, ngầm ngấm ám chỉ nói người khác, khiến người khác không chịu nổi, cũng là mạ. Thậm chí trong luật nói, nói thiện pháp cũng là ác khẩu. Nói thiện pháp thế nào? Trong luật nói: “Anh là Tỳ-kheo a-lan-nhã, sao còn chấp tướng?” Như vậy là chửi người khác, ác khẩu. Quý vị xem, chúng ta nghe rồi có lẽ cảm thấy, đây cũng xem như chửi người khác sao? Trong luật nói, yêu cầu nghiêm khắc đều là vậy, bởi vì quý vị đã có những lời nói chê bai người khác rồi, những lời chê bai chính là ác khẩu. Cho nên chúng ta phải giữ khẩu nghiệp rất thanh tịnh, trước khi nói chuyện phải suy nghĩ kỹ. Nói ra rồi trong lòng người khác có chấp nhận hay không, có khiến đối phương không hoan hỷ không. Nếu người khác không hoan hỷ, vậy thì đừng nói, cho dù nói đùa cũng đừng nói. Đây là nói đến trường hợp của ác khẩu.
Đây là “tánh tội”, như nhau, bản tánh là có tội. “Phải sám hối đoạn trừ ngay”, thông qua tác pháp sám hối để đoạn trừ, vả lại phát thệ nguyện về sau không tái phạm. Bình thường chúng ta đọc kinh niệm Phật nhiều, giúp cho khẩu nghiệp thanh tịnh, đoạn trừ chủng tử nghiệp tập, để hóa giải tập khí. Như vậy thì vừa có thể sám hối tội phạm giới, cũng có thể sám hối tội nghiệp đạo. Tội nghiệp đạo nghĩa là mọi người thông qua quá trình tu hành, sửa đổi tâm thì có thể thay đổi nghiệp. Những việc như tụng kinh, lạy Phật v.v… đều là sám hối tội nghiệp đạo, nhưng không thể sám hối tội phạm giới. Có người nhầm lẫn rồi, tôi phạm giới này, tôi lạy Phật 300 lạy, thậm chí tôi lạy năm bộ Lương Hoàng Sám, vậy thì sám hối xong rồi. Không được, tội phạm giới cần phải sám hối như pháp. Tội phạm giới thì sám hối thế nào? Dựa vào pháp này để sám. Tội trung phẩm thì đối trước ba vị Pháp sư sám hối, tội hạ phẩm đối trước một vị Pháp sư sám hối, đây là sám hối như pháp. Chúng xuất gia, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, họ có pháp sám của ngũ thiên thất tụ, mỗi người đều phải sám hối như pháp. Ví dụ như nói sám tội thiên thứ ba trở xuống, thì đối thú sám; sám tội thiên thứ hai, thì sám hối trong tăng. Tội này đều phải sám hối như pháp mới có thể xuất tội, không thể lẫn lộn, sám hối tội nghiệp đạo và sám hối tội phạm giới, đây là hai cách sám hối khác nhau. Một cách là tác pháp sám, một cách là thủ tướng sám. Chúng ta phải biết những pháp sám này.
Nếu “phạm phải thì đời này bị người khác giận ghét”, bởi vì quý vị ác khẩu chửi người khác, chắc chắn là kết oán với người khác, người khác nổi giận, tuy có lúc đối mặt chỉ dám giận chứ không dám nói, nhưng chủng tử thù hận này đã gieo trồng xuống rồi, “bắt đầu từ lỗi nhỏ, mà thành họa lớn”, tương lai gặp lại, đó là báo thù. Cũng như vì sao vua Lưu Ly lại muốn diệt tộc Thích Ca, đương nhiên là có nhân quả của đời trước. Quốc gia của vua Lưu Ly trong vô lượng kiếp trước, những quân đội của họ là cá trong ao, tộc Thích Ca chính là dân làng ở thôn trang cạnh ao đó, có một hôm họ đã bắt hết cá trong ao để ăn, đây là do đời trước có nhân của nghiệp sát này, cho nên đời này vua Lưu Ly muốn diệt tộc Thích Ca. Đời trước, chỉ có Thích Ca Mâu Ni Phật không ăn cá, Ngài là đứa trẻ, chỉ đập vào đầu con cá chúa ấy ba cái, Ngài không ăn cá, cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật không nằm trong nhân quả của nghiệp sát này, nhưng Ngài muốn khuyên vua Lưu Ly lui binh, cũng hết cách, không khuyên được, Ngài khuyên ba lần, họ vẫn muốn tấn công. Vả lại, Thích Ca Mâu Ni Phật đã đau đầu ba ngày, chính là bởi vì đời trước đã đập đầu cá chúa đó ba cái. Vì sao đời này vua Lưu Ly lại sanh khởi sự báo thù như vậy? Cũng do đời này có duyên, có nhân và có duyên mới có kết quả. Duyên này là gì? Bởi vì vua Lưu Ly là con trai của công chúa ở tộc Thích Ca được gả đi, cho nên vốn là thân thích của tộc Thích Ca, vì sao thân thích lại biến thành kẻ thù? Bởi vì cô công chúa này vốn là một tỳ nữ của tộc Thích Ca, bởi vì muốn liên hôn với nước khác, nên đã phong cho cô ấy làm công chúa, sau đó gả đi. Về sau mọi người đều biết việc này, nên có một hôm vua Lưu Ly đi theo mẹ, về nhà mẹ để gặp gỡ mọi người, những con trẻ của tộc Thích Ca đều biết sự thật này, nên đã chê cười vua Lưu Ly: Ngươi là con của tỳ nữ. Đây chính là nói về giai cấp, ác khẩu đã nêu ra lúc nãy, chửi người khác về giai cấp. Quan niệm phân biệt giai cấp bên Ấn Độ đương nhiên là rất mạnh, tỳ nữ thuộc về tầng lớp hạ lưu, vương tộc là sát đế lợi, quý tộc, tất nhiên là xem thường vua Lưu Ly, kết quả là vua Lưu Ly bị sỉ nhục như vậy, liền ôm hận trong lòng, thề trong tương lai khi ta trưởng thành nhất định sẽ diệt gia tộc các ngươi. Quý vị xem, ông khởi ác niệm này, chính là bởi vì đời trước có nhân đó, đời này lại có duyên này, kết quả là chiêu cảm quả báo diệt tộc Thích Ca như thế.
Cho nên “đời này bị người khác giận ghét”, quý vị ác khẩu chửi người khác, nếu không may gặp phải thì đó là oan gia của quý vị trong quá khứ, họ vừa nổi giận thì cầm dao đâm quý vị rồi, vậy thì phiền phức. Trường hợp này khó tránh sẽ xảy ra. Một án mạng khi vừa bắt đầu đều là những tiểu tiết không đáng kể nảy sinh vấn đề, nổi giận rồi, bởi vì đời trước có nhân duyên ác này, đời này lại do một sự việc nhỏ, liền dẫn đến quả báo lớn như vậy, cho nên không thể ác khẩu tổn thương người khác. Lão Hòa thượng thường nhắc nhở chúng ta, chúng ta tuyệt đối đừng kết oán với người khác. Phải gắng hết sức làm người khác sanh tâm hoan hỷ, nơi của Bồ-tát ở thường khiến cho tất cả chúng sanh hoan hỷ, mọi người đều hoan hỷ là việc tốt. Trừ phi vì Tam bảo, vì lợi ích của đại chúng mà phải kiên trì giữ nguyên tắc, nhưng chỉ cần quý vị chân thành, thành khẩn, không khinh mạn đối phương, và không nói lời tổn thương người khác, thì sẽ không kết oán. Nếu nói những lời tổn thương người khác bằng ác ý, “đời này bị người khác giận ghét, chết đọa ba đường ác”, cũng đều là quả báo ba đường ác. Sau cùng, trong bản văn nói:
“Luật Nhiếp vân: Phật chi đệ tử, ngôn thường thuyết thật, bất ưng vi minh tự tuyết, biểu tha bất tín cố, thiết bị vu báng, diệc bất ưng tác thệ”.
(Luật Nhiếp dạy: “Đệ tử của Phật phải luôn nói sự thật, không được thề thốt để tự rửa oan, biểu thị người khác không tin mình, nếu bị vu khống, cũng không được thề thốt).
Ở đây Đại sư Ngẫu Ích trích dẫn Luật Nhiếp, Luật Nhiếp chính là Luật Nhiếp của Luật Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ, đây là một quyển sách giải thích bộ luật này. Ở đây, trong Luật Nhiếp nói: “Phật chi đệ tử, ngôn thường thuyết thật”. Lời nói của người học Phật chúng ta đều phải thành thật, không giả dối, không xu nịnh, hư ngụy, tuyệt đối không lừa gạt người khác, vả lại ở đây nói “bất ưng vi minh tự tuyết”, “minh” tức là một sự cầu khẩn. Cầu khẩn điều gì? Đối phương thất bại, đây gọi là minh. Lời thề lớn gọi là “minh”, lời thề nhỏ gọi là “trớ”, chú trớ. Chú trớ, đó chính là ác khẩu, “vi minh”, đây chính là lời trú trớ lớn. Ví dụ như muốn nghênh cáo thần linh, mong giáng tai ương cho đối phương, đây là thuộc về chú trớ. Thậm chí là mong giáng tai ương cho quốc gia này, khu vực này, nói những lời trú trớ này, như vậy là không được, trường hợp này là tâm và nghiệp cực kỳ ác liệt.
Cũng không thể vì “biểu tha bất tín”, biểu thị người khác không tin tưởng quý vị, quý vị liền phát lời thề, nói “nếu tôi không phải như vậy, tôi chết cho anh xem”. Thật ra như vậy cũng là nguyền rủa chính mình rồi, tự nguyền rủa mình cũng là ác khẩu. Trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đặc biệt có nêu ra một điều tội lỗi “chú trớ cầu trực”, chính là trường hợp này. Cũng như quý vị nguyền rủa, thề thốt, phát những lời thề độc đó thì chứng tỏ bản thân quý vị là thật lòng, chứng tỏ bản thân là trong sạch, để cầu sự chính trực. Trên thực tế thì sự chính trực chân thật không cần phải “chú trớ cầu trực” như vậy, trong sạch thì sẽ không bị vu khống mãi mãi, “thanh giả tự thanh, trược tự trược”, là thật thì không giả được, là giả thì không thật được. Không cần vì chứng tỏ bản thân là thật, chứng tỏ bản thân là chính trực, mà nói những lời nguyền rủa, thề thốt, v.v… không cần thiết. Càng không nên phát những lời thề độc, nói: “Nếu tôi có làm việc này, tôi sẽ bị thiên lôi đánh chết”. Lời này chính là ác khẩu, nếu quý vị thật sự bị thiên lôi đánh chết, thì làm sao đây? Tâm tác tâm thị, tất cả chỉ do tâm tạo. Thậm chí nếu quý vị thật sự đã làm việc này, còn cố ý nói như vậy, thì cũng có vọng ngữ trong đó. Vọng ngữ lại thêm ác khẩu, tội đó cũng thật sự đáng bị thiên lôi đánh, chết đọa địa ngục. Cho nên như vậy là không có tâm hổ thẹn, mà còn lấy điều ác làm bản lĩnh, ác tâm đó vô cùng mãnh liệt, đây là nghiệp nhân của địa ngục.
Vì vậy, đệ tử học Phật chúng ta, tâm phải luôn ôn hòa tịch tĩnh. Khổng lão phu tử tặng cho đệ tử Tử Cống một chữ, làm cho ông trọn đời vâng theo, chính là đạo “thứ”, chữ “thứ”. Nội hàm của chữ “thứ” này rất rộng, con người phải khoan dung, phải nhân từ, đều thuộc về ý nghĩa của “thứ”. Đương nhiên cũng bao gồm “điều mình không muốn, chớ làm cho người”, “điều mình muốn, hãy làm cho người”, đây đều là “thứ”, cho nên không cần phải thề thốt với người khác. Trên thực tế thì thề thốt, nếu phát những lời thề độc này đều phạm ác khẩu, cũng không thể vì chứng tỏ thành tín của mình mà thề thốt, không cần thiết. Đối với người xuất gia mà nói, bản thân thề thốt là phạm giới, phạm một tội hạ phẩm. Nhưng trong Phạm Võng Bồ Tát Giới, thật sự có một giới khinh là “giới không phát thệ nguyện”. Đệ tử Bồ-tát phát thệ nguyện để làm gì? Phát thệ nguyện phải hộ trì giới cấm, điều này phải phát thệ nguyện, cho nên “chẳng thà thân này vào lửa dữ bừng cháy, hầm lớn, núi đao, cũng quyết chẳng hủy phạm kinh luật của chư Phật trong ba đời”, phát thệ nguyện này. Đây là điều mà Phật tử Bồ-tát nên làm, dùng thệ nguyện này để thúc giục nguyện tâm của mình, thà bỏ thân mạng chứ quyết chẳng phạm giới, như vậy thì được, điều này thì nên làm. Quý vị không phát thệ nguyện này thì trái lại sẽ phạm giới khinh, tội khinh cấu. Đó không phải là vì chính mình, là vì hộ trì giới của Phật, hộ trì giới thể, chứ không giống như kiểu thề thốt để làm cho người ta tin tưởng, đó là một loại tâm tư lợi.
“Thiết bị vu báng, diệc bất ưng tác thệ”. Cho dù người khác vu khống quý vị, hủy báng quý vị, quý vị cũng đừng thề thốt, nói “tôi tuyệt đối không có làm việc này, tôi là người trong sạch, nếu không thì tôi ra đường sẽ bị xe đụng chết”. Không cần phải thề như vậy, đây chính là khí chất của người thế tục, đừng làm như vậy. Đệ tử Phật chúng ta phải học năm đức của nhà Nho, ôn lương cung kiệm nhượng, phải tu nhẫn nhục. Người khác vu khống chúng ta, chúng ta có thể giải thích, họ vẫn không chịu tiếp nhận, vậy thì chúng ta rời khỏi là được rồi, im lặng, sau cùng thì sự việc cũng lộ rõ chân tướng. Như thời xưa có một vị cao tăng, bị người khác vu khống. Thôn bên cạnh có một đôi nam nữ hành tà dâm, kết quả là người nữ có thai rồi, chạy đến tự viện vu cáo, nói: “Là Hòa thượng này làm bụng tôi lớn”. Vu khống, sự vu khống này không dễ gì chịu đựng được. Kết quả là vị Thiền sư này điềm đạm mà nói: “Tôi không có làm việc này”. Chắc chắn là người khác không tin Ngài, vì ngay cả người con gái cũng đã nói như vậy. Sau đó thì sinh đứa con ra rồi, để vị Hòa thượng này nuôi nấng. Người nữ đó không muốn nuôi con, nên làm như vậy. Kết quả là 16 năm sau, đứa bé cũng đã 16 tuổi rồi, sau cùng người nữ ấy cắn rứt lương tâm rồi, đến chùa để sám hối, nói năm xưa là do cô vu khống, như vậy mọi người mới hiểu rõ chân tướng, biết rằng vị Hòa thượng này là trong sạch.
Quý vị xem, đây là sự nhẫn nhục lớn biết mấy, người Trung Quốc nói “sĩ khả sát, bất khả nhục”, đây cũng chỉ là quân tử của thế gian mà thôi, người tu hành chân chính thì có thể giết cũng có thể chịu nhục, không có điều gì mà không thể nhẫn nhịn. Cho nên đệ tử học Phật chân chính là nhẫn điều mà người khác không thể nhẫn, làm việc mà người khác không thể làm. Trong Kinh Di Giáo, Phật nói: “Nhẫn chi vi đức, trì giới khổ hạnh sở bất năng cập”. Đức của nhẫn còn thù thắng hơn trì giới. Mọi người nghe tôi giảng trì giới thù thắng biết bao, trong Kinh Báo Ân nói: Công đức có thể trì giới một ngày một đêm hơn cả công đức bố thí một trăm năm. Bố thí chúng sanh trong bốn thiên hạ trọn một trăm năm, công đức này rất lớn phải không? Nhưng không lớn bằng công đức trì giới một ngày một đêm. Cho nên mọi người ở đây đã trì giới bao nhiêu ngày rồi, vậy thì công đức rất lớn, nhưng nếu không thể nhẫn, vậy thì công đức bị thất thoát mất. Thậm chí quý vị tu khổ hạnh, buổi tối không ngủ, giữa trưa ăn một bữa, cho đến tu đủ các khổ hạnh như ở trong núi, bế quan, làm các việc nặng nhọc, như vậy thì đương nhiên là điều khó chịu được, khó thực hành, nhưng cũng không lớn bằng công đức nhẫn nhục. Cho nên đây là nói “nếu bị vu khống, cũng không được thề thốt”. Nếu không cách nào biện bạch, cũng không cần phải biện bạch, để thời gian chứng minh mọi vấn đề. Tu hành là tu như thế, quý vị có thể quán pháp như hóa, chính là rèn luyện một cách chân thật. Miệng nói đó là không, một giấc mộng, “hành lai bước bước hữu, thuyết thời cú cú không”, không được, phải làm một cách chân thật, là thật sự có thể nhẫn nhịn. Đây là nói đến điều giới không vọng ngữ, nội dung trong đó cũng tương đối nhiều. Chúng tôi đã nói xong bài văn này.
Tiếp theo, chúng tôi nói sơ lược về “cụ duyên thành phạm”. Giới đại vọng ngữ là đầy đủ chín duyên trở thành phạm tội, chín duyên là của giới đại vọng ngữ, giới tiểu vọng ngữ là đủ sáu duyên thành phạm, có điều khác biệt. Bây giờ nói đến đại vọng ngữ trước.
– Duyên thứ nhất, “đối tượng là người”;
– Thứ hai là “nghĩ là người”;
– Thứ ba là “cảnh hư vọng”. Là người, nghĩ là người, mọi người cũng khá hiểu rõ về điều này rồi. Nếu quý vị đối với trời rồng quỷ thần, hoặc đối với súc sanh mà nói đại vọng ngữ, tội này giảm xuống một bậc, trở thành trung phẩm. Đối với súc sanh, nếu chúng không nghe hiểu tiếng người, thì phạm tội hạ phẩm, đối với người thì phạm tội thượng phẩm. Thứ ba là cảnh hư vọng, tức là cảnh giới quý vị đã chứng, thật sự là giả mà không thật, tức là quý vị chưa chứng quả, quả vị đó là giả, không phải thật.
– Thứ tư là “tự biết là cảnh hư vọng”. Vậy thì loại trừ trường hợp tăng thượng mạn, quý vị biết mình chưa chứng quả, tự mình biết cảnh giới đạt được đó là hư vọng, là giả.
– Thứ năm là “hữu cuống tha tâm”, có tâm lừa dối người khác, không có tâm này thì đương nhiên là không phạm. Ví dụ như lỡ nói thì không phạm, không cẩn thận nói rằng “tôi chứng quả rồi”, vậy là không có tâm lừa dối, thì không phạm. Tánh tội của sát đạo dâm vọng, đều bởi vì có tâm mới phạm phải, không có tâm thì không phạm. Không có tâm giết người, ngộ sát thì không phạm; vô tình trộm, không có tâm trộm, trộm vật vô chủ, lấy vật vô chủ cũng không phạm; hành dâm, đương nhiên chủ động hành dâm chắc chắn là có tâm, bị bức dâm mà không thọ lạc thì không phạm; vọng ngữ cũng vậy, không có tâm lừa dối thì không phạm.
– Thứ sáu là “thuyết quá nhân pháp”, cảnh giới này vượt qua cảnh giới của người thông thường, chứng quả rồi, khai ngộ rồi, có thần thông rồi, được thiền định rồi, những cảnh giới này, người thông thường không đạt được.
– Thứ bảy là “tự ngôn kỷ chứng”, là nói chính mình chứng đắc, không phải nói người khác chứng, nói người khác chứng thì đương nhiên mình không phạm rồi. Tôi nói lão Hòa thượng Quảng Khâm đã chứng được Tam-quả rồi, tôi nói như vậy đương nhiên là không phạm, bởi vì không phải nói tôi. Nếu tôi nói bản thân tôi đã chứng đắc rồi, vậy thì phạm.
– Thứ tám là “ngôn liễu liễu”, nói rất rõ ràng.
– Thứ chín là “tiền nhân giải”, họ có thể hiểu rõ, có thể biết được điều quý vị đang nói là gì, vậy thì phạm tội căn bản, thượng phẩm không thể sám hối. Đây là trường hợp đủ chín duyên thành phạm.
Nếu thiếu mất một duyên, hai duyên, đương nhiên là không phạm, lúc nãy cũng đã nêu ra rồi. Nếu đối tượng là người mới phạm tội căn bản; nếu đối tượng là phi nhân như trời rồng quỷ thần v.v…, đây là tội trung phẩm; đối tượng là súc sanh, loài vật không thể biến hình, súc sanh không thể biến thành hình người, không hiểu được tiếng người, như vậy cũng phạm tội hạ phẩm; nếu đối tượng là súc sanh có thể biến hình, như loài hồ ly tinh, đó là tội trung phẩm, cũng giống như đối với quỷ thần vậy. Nếu dùng cách thức khác, không phải dùng ngôn ngữ, mà dùng thư tín, dùng thân nghiệp, hỏi quý vị: “Thầy có phải A-la-hán không?” Gật gật đầu. Vẫn phạm đại vọng ngữ, không nhất định phải dùng khẩu nghiệp. Hoặc hỏi: “Là A-la-hán thì ngồi đó chớ động đậy, mọi người không phải A-la-hán đều đứng dậy”. Quý vị không cần đứng lên, tôi chỉ nói vậy thôi. Tôi nói “không phải A-la-hán thì đứng dậy hết”, người đó không cử động, những người khác đã đứng dậy hết, vậy thì chứng tỏ người đó là A-la-hán rồi. Quý vị xem không động gì cả, thân nghiệp cũng không động, khẩu nghiệp cũng không động, cũng có thể phạm giới. Đây là trường hợp của đại vọng ngữ, nó có rất nhiều trường hợp. Hoặc là bản thân không nói, nhờ người khác nói thay, cũng vậy, bảo người khác nói cũng vậy, lời nói rõ ràng, đối phương hiểu rõ, thì phạm tội nặng căn bản; nếu lời nói không rõ ràng, thì phạm tội trung phẩm.
Điều này cũng bao gồm, bao gồm cảnh giới thiền định, chúng ta nói về niệm Phật tam muội. Vấn đề vãng sanh này, cách phán xét này cũng đáng để nghiên cứu, nếu chính mình không nắm chắc phần vãng sanh, mà nói mình nắm chắc phần vãng sanh, vậy thì phải phân tích về trường hợp cụ thể này, có thể không đến nỗi phạm tội thượng phẩm. Bởi vì vãng sanh cũng không nhất định là nói pháp hơn người thường, bởi vì vạn người tu vạn người vãng sanh, chỉ cần quý vị tin sâu nguyện thiết cũng đều có thể vãng sanh; nhưng quý vị lại dám nói bản thân nắm chắc phần vãng sanh rồi, vậy thật sự cũng có mức độ nhất định vượt hơn cảnh giới của người thông thường rồi, nhưng so sánh cảnh giới này, có thể không cao như niệm Phật tam muội. Nếu quý vị nói mình được niệm Phật tam muội rồi, đó chính là đại vọng ngữ, trừ phi quý vị thật sự đạt được rồi. Quý vị chưa thật sự đạt được, tự biết cảnh giới là giả mà nói rõ ràng, thì phạm giới. Bởi vì niệm Phật tam muội là phục đoạn phiền não, quý vị nắm chắc phần vãng sanh, không có nghĩa là quý vị có thể phục đoạn phiền não, chỉ nói lên điều gì? Điều này là trong Kinh Vô Lượng Thọ bản Hán Dịch, bản Ngô Dịch nói, quý vị niệm đến một ngày một đêm nhất tâm bất loạn là được. Buổi tối mơ thấy A Di Đà Phật, vậy thì có thể chứng tỏ đời này quý vị nhất định vãng sanh, vậy thì nắm chắc phần vãng sanh. Cũng như thấy hảo tướng, thấy hảo tướng rồi, sám hối cũng có thể xuất tội, sự xuất tội này thì thông thường ai cũng có thể đạt được, gắng sức tu tập cũng có thể thấy hảo tướng. Giống như luân tướng thanh tịnh, ở chỗ chúng tôi đã có vài người đạt được rồi, còn người lạy Phật, niệm Phật thấy A Di Đà Phật, tôi tin cũng có không ít. Điều này phải nói là, nếu không thấy A Di Đà Phật mà nói thấy, tức là nói chính mình đã nắm chắc phần vãng sanh rồi, phải xem xét điều này, nếu không thấy A Di Đà Phật mà nói thấy, phải là tội thượng phẩm. Chỉ nói chính mình nắm chắc phần vãng sanh, nhưng không nói hiện tượng đó, vậy thì có thể xét tội trung phẩm. Hoặc chính mình không biết trước ngày giờ, nói mình đã biết trước ngày giờ v.v…, nói những điều này thì ít nhiều cũng phạm phải.
Còn có một trường hợp, chính là nếu chỉ có một mình, không có người khác ở đó, một mình tôi nói đại vọng ngữ ở đó, có trường hợp này không? Chính là nói chuyện một mình. Nói chuyện một mình cũng phạm tội hạ phẩm, nhưng không có đối tượng, đương nhiên là thiếu duyên, không có cảnh giới đối diện, cho nên thiếu duyên thì không phạm phải tội căn bản. Nhưng nếu chỉ có một mình, lại nghĩ rằng có thể có rất nhiều người ở đó, nghĩ rằng có rất nhiều người, tưởng mình đang nói với người khác, nói như vậy thì trở thành tội trung phẩm rồi. Tức là chỉ cần có suy nghĩ, nhưng không có cảnh giới, không có cảnh giới người, nhưng quý vị nghĩ có người, đối với không khí cũng giống như có người đang ở đó nghe vậy, như vậy cũng phạm, đây là tội phương tiện, tội phương tiện của thượng phẩm là tội trung phẩm. Chỉ khi không có cảnh giới người, cũng không có ý nghĩ đối trước người khác, mà nói chuyện một mình, như vậy là tội hạ phẩm. Cho nên điều này rất vi tế, phải phán xét kỹ lưỡng. Bao gồm nếu đối với cảnh giới người, nhưng quý vị không có suy nghĩ đối với cảnh giới người, quý vị tưởng chỉ có một mình, quý vị tưởng bản thân tự nói chuyện một mình, nhưng trên thực tế là có một người đứng bên cạnh nghe, vậy thì thiếu duyên “nhân tưởng” rồi, duyên này là duyên đã thiếu “tâm”, nên tội giảm xuống, cũng là tội trung phẩm.
Thời gian bây giờ hết rồi, chúng tôi nói đến đây trước, cảm ơn mọi người.
HẾT
Cẩn dịch: Diệu Hiệp