Lão Hòa thượng Tịnh Không khai thị
lúc giao thừa( ngày 30 tháng chạp năm Đinh Hợi):
Hiện
giờ là giao thừa, ở trong nhà Phật khiến người bỗng nhiên cảm động về chủ đề
ngày 30 tháng chạp này, ý nghĩa ngày 30 tháng chạp trong nhà Phật chính là ngày
cuối cùng ở nhân gian của một người, gọi là ngày 30 tháng chạp, vì sao vậy? Bởi
sau đó thì không còn nữa. Khiến chúng ta nghĩ lại nhiều năm tháng đã trôi qua
thì không tìm trở lại được chút nào, mà thói quen bệnh tập khí vẫn y nguyên
không có giảm thiểu được một chút nào cả, không nghĩ thì thôi, một khi nghĩ lại
thì khiến giật nảy cả người.
Nếu
như thật đã đến ngày 30 tháng chạp, thì chúng ta có cảnh giác rằng sau lúc đó sẽ
ra sao không? Thời khóa công phu buổi chiều mỗi ngày chúng ta đều niệm bài kệ cảnh
tỉnh đại chúng是日已過,命亦隨減“Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm” (Tạm dịch: Ngày nay lại đã qua
rồi, mạng ta cũng giảm lần hồi đi theo). Tổ sư Đại đức chế định thời khóa
công phu cho chúng ta, giúp chúng ta mỗi ngày niệm câu này mà cảnh tỉnh chính
mình. Vậy năm nay đã đi qua rồi, thọ mạng của chúng ta thì thế nào?
Cho
nên người sống ở đời, trước kia khi giảng kinh tôi cũng thường hay nhắc đến: mỗi
người đang sống ở đời, thì chỉ có một việc mà họ tinh tấn nhất, một phút một
giây không chịu ngừng, tinh tấn như thế. Tinh tấn điều gì vậy? Tinh tấn vào phần
mộ, mỗi người từ khi sanh ra ngày ngày càng tiến gần đến phần mộ, đó là lời thật.
Ai chịu ngừng lại một giây chứ?
Nếu
đem sự việc này đổi thành tu đạo, tu đạo cũng tinh tấn như vậy, thế thì có thể
nói: chẳng có ai mà không thành tựu. Quá khứ thì đã qua rồi, người xưa nói: 來者可追“Lai giả khả tri”(Tạm dịch: Tương
lai có thể truy tìm), quan trọng nhất đối với chúng ta là sự bắt đầu của
năm mới, chúng ta là đệ tử Phật, cũng phải cảnh tỉnh, cũng phải biết phấn chấn
trở lại.
Chúng
tôi nghĩ đến điều đã nói trong Kinh Thọ Tân Tuế (Kinh Nhận Tuổi Mới),
Kinh Thọ Tân Tuế là nói về đón chào năm mới, cũng được Phật giảng khi Ngài còn
tại thế. Trong thời gian năm mới, Đức Thế Tôn tập hợp đại chúng, tập hợp bốn
chúng đồng tu lại, người nước ta nói là chúc mừng năm mới, Ngài cũng không ngoại
lệ.
Nhưng
mà lúc chúc mừng năm mới, Phật cùng với mọi người công khai kiểm điểm lỗi lầm của
chính mình, không nói lỗi lầm của người khác, đó là làm tấm gương cho chúng ta
thấy. Phật nói: 我今欲受新歲“Ngã kim dục thọ tân tuế”(nghĩa là: Ta nay sắp nhận chịu tuổi mới),
đấy chính là lời trong văn kinh, 我無過咎於眾人乎,又不犯身口意耶“Ngã vô quá cửu ư chúng nhân hồ, hựu bất phạm thân khẩu ý da”(nghĩa
là: Ta có lỗi với mọi người hay không? Lại có phạm lỗi của thân khẩu ý hay
không?) Mấy câu nói ấy là trong Kinh Thọ Tân Tuế, Phật nói về chính Ngài.
Ý
nghĩa của câu thứ nhất: Hôm nay gặp dịp năm mới, nghĩ đến ta đối với đại chúng,
đối với tất cả chúng sanh, ta có lỗi lầm hay chăng? Ta có phạm lỗi thân khẩu ý
hay không? Ý nghĩa thế nào? Là mười nghiệp thiện: thân ba, khẩu bốn, ý ba, ta
có phạm hay không? Thân: sát đạo dâm; khẩu: vọng ngữ, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, ác khẩu;
Ý tham sân si. Mỗi ngày kiểm điểm, ngày ngày phản tỉnh, đó là Phật! Không phải
là người bình thường.
Điều
này khiến chúng ta nghĩ đến đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật mà còn cảnh tỉnh đối
với thời gian, tinh tấn đức nghiệp như thế. Vậy chúng ta xem xét chính mình,
chính mình là phàm phu trong sanh tử, tiền đồ là một màu tối đen, lại còn dám
phóng dật sao? Còn có thể giải đãi ư? Để mặc cho đến ngày 30 tháng chạp, luống
cuống tay chân, lúc đó thì đã muộn, chạy không kịp nữa.
Cần
phải nhân lúc thân thể chúng ta còn khỏe mạnh, đầu óc còn sáng suốt, vẫn còn phải
nghiêm túc sám hối, triệt để sửa lỗi làm mới chính mình. Học Phật được bao
nhiêu thì phải làm giống Phật bấy nhiêu phần, đó mới là người thật sự thông
minh, đấy là khi xưa Phật đã làm tấm gương cho chúng ta.
Cung kính ghi
lại từ buổi nói chuyện của Đại lão Hòa thượng Tịnh Không ngày 30 tháng chạp năm
Đinh Hợi.
Chuyển ngữ: Ban biên dịch Hoa Tạng
Huyền Môn
Dịch giả: Thích Thiện Trang
Nguyện
đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Chóng viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.