Responsive Menu
Add more content here...

Tập 202 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2014

 

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2014 (Giảng lần thứ 4)

PHẨM THỨ 6: PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN

Phát Thệ Nguyện Rộng Lớn

Tập 202

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng.

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Thời gian: Ngày 22 tháng 6 năm 2015.

Ban biên dịch: Hoa Tạng Huyền Môn.

Dịch giả: Diệu Hiệp.

Giảo chánh: Thích Thiện Trang.

 

Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng học, mời an tọa. Thỉnh mọi người cùng tôi quy y Tam Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn; quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn; quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 514, trang 514, đếm ngược đến hàng thứ năm, khoa phán 庚十一、助他成佛 “Canh thập nhất, trợ tha thành Phật” (G11 – Giúp người khác thành Phật), trong đây có năm nguyện. Sau đây là nguyện thứ 44 trong 48 nguyện: 普等三昧願 “Phổ đẳng tam-muội nguyện” (Nguyện phổ đẳng tam-muội). Mời xem kinh văn:

【我作佛時。十方佛剎。諸菩薩眾。聞我名已。皆悉逮得清淨。解脫。普等三昧。諸深總持。住三摩地。至於成佛。】 “Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát, chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam-muội, chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa, chí ư thành Phật” (Khi con thành Phật, các chúng Bồ-tát trong mười phương cõi Phật, nghe danh hiệu con rồi đều liền đạt được tam-muội: thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng và các môn tổng trì sâu, trụ tam-ma-địa, cho đến khi thành Phật).

Đây là kinh văn, chúng ta xem Chú Giải của Niệm lão, 右章中,從至於成佛 “hữu chương trung, tùng chí ư thành Phật” (trong chương trên, từ câu “chí ư thành Phật”), chính là đoạn chúng tôi đã đọc, đoạn trước câu “chí ư thành Phật”, 表第四十四普等三昧願。定中以下,表第四十五定中供佛願。從第四十四以下諸願,皆為彼國以外 “biểu đệ tứ thập tứ phổ đẳng tam-muội nguyện. Định trung dĩ hạ, biểu đệ tứ thập ngũ định trung cúng Phật nguyện. Tùng đệ tứ thập tứ dĩ hạ chư nguyện, giai vi bỉ quốc dĩ ngoại” (trình bày nguyện thứ 44: Nguyện phổ đẳng tam-muội. Từ cụm “định trung” trở xuống, trình bày nguyện thứ 45: Nguyện cúng Phật trong định. Các nguyện từ nguyện thứ 44 trở xuống, đều là ngoài cõi nước ấy), cõi nước ấy là Thế giới Cực Lạc, bên ngoài Thế giới Cực Lạc. 43 nguyện phía trước là nói trong cõi nước, trong cõi nước Thế giới Cực Lạc, năm nguyện sau cùng này là nói bên ngoài Thế giới Cực Lạc. 他方菩薩 “Tha phương Bồ-tát” (Bồ-tát phương khác) nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật, thấy nghe Kinh Vô Lượng Thọ, đạt được 殊勝法益 “thù thắng pháp ích” (pháp ích thù thắng), đều được giới thiệu cho chúng ta ở đây.

Chúng ta xem 第四十四,為聞名得諸三昧 “đệ tứ thập tứ, vi danh văn đắc chư tam-muội” (nguyện thứ 44: Là nguyện nghe danh mà được các tam-muội), phổ đẳng tam-muội, 至於成佛之願 “chí ư thành Phật chi nguyện” (nguyện cho đến khi thành Phật). 逮者,及也。《易繫辭》水火相逮。註曰:水火不相入,而相逮及。又逮者,追也 “Đãi giả, cập dã. Dịch Hệ Từ thủy hỏa tương đãi. Chú viết: Thủy hỏa bất tương nhập, nhi tương đãi cập. Hựu đãi giả, truy dã” (Đãi là đạt đến. Trong Dịch Hệ Từ: Thủy hỏa tương đãi. Chú thích rằng: Lửa nước không dung nhập nhau, mà sánh với nhau. Lại nữa, đãi là kịp). Căn cứ vào ý nghĩa của Hội Sớ, 令聞名人,即時得諸三昧 “linh văn danh nhân, tức thời đắc chư tam-muội” (khiến cho người nghe danh hiệu, lập tức được các tam-muội), nên nói 皆悉逮得 “giai tất đãi đắc”, chữ “đãi” này chính là tức khắc, lập tức có thể đạt được, không phải là phải sau đó mấy ngày, không phải, khi nghe danh hiệu liền đạt được, công đức này không thể nghĩ bàn. Trong bản Tống Dịch nói: 所有十方一切佛剎,諸菩薩眾,聞我名號,應時證得寂靜三摩地 “Sở hữu thập phương nhất thiết Phật sát, chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh hiệu, ứng thời chứng đắc tịch tĩnh tam-ma-địa” (Các chúng Bồ-tát trong hết thảy cõi Phật mười phương nghe danh hiệu con, lập tức chứng được tịch tĩnh tam-ma-địa). 其中應時證得 “Kỳ trung ứng thời chứng đắc” (Câu “ứng thời chứng đắc” trong đó), chính là 皆悉逮得 “giai tất đãi đắc” ở chỗ này, ý nghĩa như nhau. Nghe danh hiệu liền đạt được, ở chỗ này, chúng ta thể hội sâu sắc được công đức danh hiệu của đức Di Đà không thể nghĩ bàn. Bồ-tát trong Thế giới chư Phật mười phương, nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật, thì có thể được 普等三昧 “phổ đẳng tam-muội”, tiếp theo còn nói, 諸深總持,住三摩地,至於成佛 “chư thâm tổng trì, trụ tam-ma-địa, chí ư thành Phật” (các môn tổng trì sâu, trụ tam-ma-địa, cho đến khi thành Phật). Công đức và lợi ích của danh hiệu thật sự không thể nghĩ bàn, vì sao không tin? Nguyên nhân của việc không tin này là [vì] có nghiệp chướng sâu dày. Chúng ta ở trong lục đạo luân hồi, thời gian bao lâu? Chính mình phải biết rõ, vô lượng kiếp rồi! Đời đời kiếp kiếp không thoát khỏi luân hồi. Đời này, nếu chúng ta không gặp được Pháp môn này thì không thể thoát khỏi luân hồi. Sự thù thắng của Pháp môn này chính là giúp chúng ta trong đời này vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, đạt được mục đích của chư Phật giáo hóa chúng sanh.

Nền giáo dục của đức Phật ở thế gian này, mục đích là gì? Vì sao Phật phải thiết giáo? Vì sao phải siêng năng chịu khó dạy học cả đời như vậy? Xem cả đời của đức Phật, sau khi khai ngộ vẫn ngủ một đêm dưới cây, ăn một bữa trong ngày, không có nơi ở ổn định, 49 năm giảng kinh dạy học, nơi nào có duyên thì Ngài đến nơi đó. Vì sao vậy? Chỉ một câu nói, vì thương yêu bảo vệ chúng sanh, tình thương lớn của đại từ đại bi, thanh tịnh bình đẳng, chỉ một mục đích là giúp chúng sanh lìa khổ được vui. Khổ có cứu cánh khổ, vui có cứu cánh vui. Lìa cứu cánh khổ, sẽ mãi không còn chịu khổ, gọi là lìa cứu cánh khổ. Cứu cánh khổ chính là lục đạo luân hồi, cứu cánh vui chính là Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Nói cách khác, giúp chúng ta lìa cứu cánh khổ, thoát khỏi lục đạo luân hồi, vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc được cứu cánh vui, [vậy thì] đạt được mục đích độ chúng sanh của Phật. Chúng sanh trong mười phương đến Thế giới Cực Lạc, tình trạng y chánh của Thế giới Cực Lạc, chúng ta nói là hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất, chánh báo là hoàn cảnh nhân sự, y báo chính là hoàn cảnh vật chất, trong kinh này đã nói quá rõ ràng, thật sự là được cứu cánh vui, thoát khỏi luân hồi, loại trừ cứu cánh khổ. Chư Phật tiếp dẫn chúng ta, tiến cử chúng ta đến Thế giới Cực Lạc. Đến thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật đại từ đại bi, 48 nguyện gia trì cho chúng ta. 48 nguyện là vì ai mà phát ra? Vì chúng sanh khổ nạn ở cõi nước chư Phật trong mười pháp giới.

Pháp môn này dễ đi, nhưng rất khó tin. Trong Tịnh Tu Tiệp Yếu Báo Ân Đàm, Hoàng Niệm lão nói rất rõ ràng rất tường tận, quý vị có thể đọc quyển sách đó từ đầu đến cuối 10 lần, 20 lần, tôi tin rằng quý vị đối với lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ chẳng thể không có tâm biết ơn, ngài quá từ bi, thật khó có được, vì chúng ta mà giảng rõ ràng như vậy, giảng tường tận như thế. Sau khi chúng ta thật sự nghe hiểu được, đối với Phật Pháp, đối với Tịnh Tông không còn chút hoài nghi, tu học mới có thể bước vào quỹ đạo. Nếu không thật sự làm sáng tỏ, thật sự làm rõ ràng, quý vị vẫn còn nghi hoặc, thì đời này quý vị kết duyên với A Di Đà Phật, quý vị chắc chắn không thể vãng sanh, quý vị không thể ra khỏi lục đạo luân hồi, đời sau kiếp sau vẫn phải tiếp tục ở sáu đường. Trong lục đạo, quý vị dùng tâm thái như thế nào để đối người tiếp vật? Nếu như có tự tư tự lợi, cống cao ngã mạn, dùng tâm thái này đối người, thì quý vị kết oán thù với người khác. Kết oán thù rồi, trong nhiều đời nhiều kiếp, vô lượng kiếp về sau, oan oan tương báo không bao giờ dứt, ngày tháng khổ nhiều, làm sao qua được? Cho nên mong rằng đồng học thật sự phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ, phải đoạn nghi, phải sanh tín.

Có tín tâm đối với Phật, đây là thật sự kính Phật, chân thành cung kính. Không có niềm tin đối với Phật, không xem trọng Ngài, cho rằng Phật không bằng người khác, Niệm lão đã nói rất rõ ràng, thế gian này có rất nhiều ngoại đạo, bao gồm một số khí công, họ cũng có một chút thần thông nhỏ có thể giúp quý vị, ở chỗ nào quý vị có đau nhức, họ niệm chú cho quý vị, sờ vào quý vị thì quý vị khỏi rồi, quý vị cảm thấy điều này thì Phật Bồ-tát không sánh bằng. Quý vị hãy suy nghĩ thật kỹ, họ có bản lĩnh giúp quý vị thoát khỏi lục đạo luân hồi hay không? Có bản lĩnh giúp quý vị vãng sanh Thế giới Cực Lạc hay không? Không có. Chút thần thông nhỏ làm trò thì gạt được quý vị rồi, khiến quý vị sanh tâm khinh mạn đối với đại pháp tín nguyện trì danh thù thắng không gì sánh bằng, đời này gặp được rồi nhưng không thể thành tựu, như vậy mới oan uổng. Nếu thật sự làm rõ ràng, thật sự làm sáng tỏ thì [sẽ] buông xuống vạn duyên. Ghi nhớ một câu nói của lão Hòa thượng Hải Hiền: “Chăm chỉ niệm Phật, thành Phật là thật”, vãng sanh Thế giới Cực Lạc chính là thành Phật, đây là thật, “còn lại đều là giả”. Không cần nói một đời của quý vị, mà một trăm đời, một ngàn đời, một vạn đời, vô lượng đời, quý vị cũng không tìm được phương pháp ra khỏi luân hồi, vì sao không tin? Thật đáng thương, sao nghiệp chướng lại nặng như vậy!

Nếu quý vị hỏi tôi: Nghiệp chướng con nặng, tiêu trừ như thế nào? Thành thật niệm Phật thì tiêu trừ thôi. Quý vị xem lão Hòa thượng Hải Hiền, Sư phụ dạy ngài một câu Phật hiệu, dặn dò ngài cứ niệm liên tục. Năm đó ngài 20 tuổi, tôi tin ngài cũng không quá 25 tuổi, thời gian 3 năm, 5 năm thì được công phu thành phiến. Được công phu thành phiến thì lấy được điều kiện vãng sanh, khi thọ mạng quý vị hết rồi, A Di Đà Phật nhất định đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh. Lời của Phật chân thật, khẩn thiết, tuyệt đối không vọng ngữ, vì sao chúng ta không tin? Thế gian này vẫn còn rất nhiều việc canh cánh trong lòng, đó đều là giả, không có gì là thật, dùng sai tâm rồi. Nắm chắc Phật hiệu thì đúng rồi, chính mình nhất định thành tựu, quý vị cũng có thể giúp người khác xây dựng tín tâm, khiến họ cũng có thể thành tựu, thì công đức của quý vị sẽ lớn. Trong bản Tống Dịch nói: 所有十方一切佛剎,諸菩薩眾,聞我名號,應時證得寂靜三摩地 “Sở hữu thập phương nhất thiết Phật sát, chư Bồ-tát chúng, văn ngã danh hiệu, ứng thời chứng đắc tịch tĩnh tam-ma-địa” (Các chúng Bồ-tát trong hết thảy cõi Phật mười phương nghe danh hiệu con, lập tức chứng được tịch tĩnh tam-ma-địa). Lập tức chứng được, đây là nói chúng Bồ-tát, không phải phàm phu chúng ta. Nếu nói phàm phu chúng ta nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật, tin sâu phát nguyện, cầu sanh Tịnh Độ, thì khi lâm chung, A Di Đà Phật nhất định đến tiếp dẫn quý vị đến Thế giới Cực Lạc, chúng ta là hạng người này. Phải ghi nhớ lời trong kinh giảng, đó là Bồ-tát, đó không phải là phàm phu, không phải A-la-hán, mà là Bồ-tát.

Chúng ta xem tiếp bên dưới, 清淨 “thanh tịnh” là, 所住之三昧,無染無著,故曰清淨三昧 “sở trụ chi tam-muội, vô nhiễm vô trước, cố viết thanh tịnh tam-muội” (Chỗ mà tam-muội trụ không ô nhiễm không chấp trước, nên gọi là thanh tịnh tam-muội). Nghe danh hiệu Phật, tâm thanh tịnh hiện tiền. Bởi vì đức Di Đà còn có một danh hiệu [khác], trên đề kinh của chúng ta gọi là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”, nghe danh hiệu này, tâm của chúng ta thanh tịnh, bình đẳng rồi, giác thì không mê, phải biết điều này. Lão Cư sĩ Hạ Liên công hội tập bộ kinh này, để danh hiệu của Phật trên đề kinh. “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm” là quả, “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” là nhân, tu nhân chứng quả, trên đề kinh đầy đủ nhân quả. Chỗ mà tam-muội trụ không nhiễm không trước, thế nào gọi là nhiễm trước? Thông thường nói là để ở trong tâm thì nhiễm trước rồi, mắt thấy sắc thì ưa thích, trong tâm có ưa thích thì dính vào ưa thích; không ưa thích, chán ghét, cũng nhiễm trước rồi. Tuyệt đối không phải nói là chán ghét, mặt tiêu cực là nhiễm trước, mặt tích cực thì không phải, mặt tích cực cũng là ô nhiễm, trước là chấp tướng. Nhiễm là không thanh tịnh, trước là không bình đẳng, quý vị xem, chẳng phải là không còn thanh tịnh bình đẳng giác rồi sao? Thanh tịnh bình đẳng mới khai trí huệ; có nhiễm có trước thì sanh phiền não, không sanh trí huệ. Chúng ta nói ngược lại, làm thế nào mới không nhiễm không trước? Thấy sắc nghe tiếng, sáu căn đối với cảnh giới sáu trần, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp, đều có thể làm được không nhiễm trước. Tôi nói rõ ràng, nói tường tận điều này, bất luận là thích hay không thích, cũng đừng để trong tâm thì không còn nhiễm trước nữa, để trong tâm chính là nhiễm trước. Trong tâm để gì? Trong tâm chỉ để một vị A Di Đà Phật, ở mọi lúc, mọi nơi, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì không có gì cả, đây gọi là không nhiễm không trước. Ngoài A Di Đà Phật mà vẫn còn một thứ để ở trong tâm, thì tâm của quý vị bị nhiễm trước rồi, đó chính là tín tâm của quý vị không thanh tịnh, nguyện tâm của quý vị rất dao động, không vững chắc, niệm Phật bằng tâm thái như vậy thì không thể vãng sanh, đạo lý ở chỗ này.

Tiếp theo, Niệm lão lại trích dẫn sách Hội Sớ để nói rõ với chúng ta.  如《會疏》曰:寂靜三摩地 “Như Hội Sớ viết: Tịch tĩnh tam-ma-địa” (Như sách Hội Sớ nói: Tịch tĩnh tam-ma-địa), tam-ma-địa chính là Thiền định, 無縛無著 “vô phược vô trước” (không trói buộc không chấp trước). 繫縛 “Hệ phược” (Trói buộc) là phiền não, giống như dây thừng trói quý vị lại, quý vị không động đậy được, tịch tĩnh tam-ma-địa thì không ai chướng ngại quý vị, không có Chấp trước; hai chữ này cũng có nghĩa là nhiễm trước, nhiễm trước mà phía trước đã nói. Quý vị không bị ô nhiễm, quý vị không có Chấp trước, đây là tịch tĩnh tam-ma-địa; có trói buộc có ô nhiễm thì tịch tĩnh không còn nữa. Đây gọi là “thanh tịnh”.

解脫 “Giải thoát”, 所住三昧,離一切繫縛而自在,名曰解脫三昧 “sở trụ tam-muội, ly nhất thiết hệ phược nhi tự tại, danh viết giải thoát tam-muội” (Chỗ mà tam-muội trụ, lìa tất cả trói buộc nên [được] tự tại, gọi là giải thoát tam-muội). “Giải thoát” là ví dụ. Giống như dây thừng trói quý vị lại, người thế gian phạm tội nặng đeo dụng cụ tra tấn như gông cùm xiềng xích, đây đều là “hệ phược”. Chỗ mà tam-muội trụ không có những sự trói buộc này, không có phiền não, không có nhiễm trước, vậy thì tự tại, đây là tu định thông thường. Tịnh Tông còn phương tiện hơn tu định. Bởi vì tu định, tam-ma-địa thật sự là trong tâm không có ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh bên ngoài, rất khó làm được. Người niệm Phật, trong tâm có một câu A Di Đà Phật, ngoài ra thì buông xuống, Chấp trước A Di Đà Phật, điều này dễ dàng hơn rất nhiều, họ có chỗ nương tựa. Tu định không có chỗ nương tựa, cho nên khó. 84 ngàn Pháp môn đều là tu định, vào cửa từ giới định huệ, cho nên gọi là nan hành đạo. Pháp môn này gọi là dị hành đạo, vì sao vậy? Quý vị có một nơi nương tựa, trong tâm buông xuống những thứ khác, để A Di Đà Phật vào đó, khiến quý vị luôn cảm thấy rất an ổn, cho nên phương tiện. Như vậy không thể thành Phật, chỉ có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Thành Phật thì sao? Đến khi vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc rồi tu tiếp, đổi một môi trường tốt. Môi trường đó tốt lắm, những phiền não Tập khí này đến môi trường đó, không buông xuống cũng tự nhiên buông xuống, kỳ diệu ở chỗ này. Vì sao vậy? Vì ở nơi đó không cần bận tâm chút gì, ăn mặc đi đứng, nghĩ y phục, y phục đã ở trên thân; nghĩ thức ăn, thức ăn bày ra trước mặt; không cần, không cần thì không còn nữa, tâm tham không khởi lên được, cũng tức là tài nguyên vật chất quá phong phú, dùng không cạn, lấy chẳng hết, là một môi trường như vậy, không có một điều gì không tự tại. Ngôi nhà để ở, thích kiểu dáng như thế nào, thì nó hiện kiểu dáng như thế ấy, thích ở trên không thì nó đưa lên trên không, thích trên mặt đất thì nó hạ xuống mặt đất, chẳng có điều gì không như mong muốn. Hôm trước chúng ta đã đọc, chúng ta muốn cúng Phật, chúng ta có khả năng phân thân, hóa thân đến cúng dường; không muốn rời khỏi Thế giới Cực Lạc, thì tay của chư Phật mười phương duỗi đến trước mặt quý vị cho quý vị cúng dường, để tiếp nhận cúng dường của quý vị.

Thế giới như vậy, trong kinh nói rất rõ ràng, [ở] cõi nước chư Phật mười phương không có, chỉ riêng Thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật có, cho nên chư Phật trong mười phương thế giới đều khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không có ngoại lệ. Vì sao vậy? Đây là bổn nguyện của A Di Đà Phật, Ngài phát ra đại nguyện này, [cõi nước] chư Phật mười phương có chúng sanh phiền não Tập khí rất nặng, rất khó hóa độ, thảy đều đưa đến Thế giới Cực Lạc, Ngài phụ trách giáo hóa. Không phải là chư Phật mười phương không làm được, mà là A Di Đà Phật đã làm rất viên mãn, chư Phật mười phương nhìn thấy đều rất hài lòng, “được, Ngài không kém hơn tôi, tốt, tôi giao học trò cho Ngài”. Đều phải làm rõ ràng, làm sáng tỏ. Thật sự học Phật, [phải] buông xuống vạn duyên. Chung sống với đại chúng, thì tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức. Công đức là niệm Phật, trong lúc tùy duyên, tùy hỷ, Phật hiệu trong tâm chúng ta không gián đoạn, đây là công phu, thật sự được pháp hỷ, pháp hỷ sung mãn. Phải phát nguyện, chịu khổ chịu nạn thay cho tất cả chúng sanh, mãi đến khi thọ mạng của chúng ta trong đời này ở thế gian này hết rồi, tịnh nghiệp thành tựu, Phật tiếp dẫn chúng ta vãng sanh.

Tiếp theo là giải thích cho chúng ta về “giải thoát”. Lại nữa, giải thoát là chỗ mà tam-muội trụ, lìa tất cả trói buộc nên [được] tự tại, gọi là giải thoát tam-muội. Giải thoát cũng là nói từ ví dụ, chúng ta đọc là giải (âm “tạ”), dùng như động từ, cởi mở ra, thoát là thoát khỏi. Chỗ mà tam-muội trụ lìa tất cả sự trói buộc, hệ phược, dây thừng trói quý vị không được tự tại, cần phải mở ra, thoát khỏi dây thừng trói buộc này, thì quý vị được tự tại. 如《會疏》曰:止觀無礙,故名解脫 “Như Hội Sớ viết: Chỉ quán vô ngại, cố danh giải thoát” (Như sách Hội Sớ nói: Chỉ quán vô ngại, nên gọi là giải thoát). Chỉ quán cũng là Thiền định, chính là nhìn thấu, buông xuống mà Đại sư Chương Gia dạy tôi, quán là nhìn thấu, chỉ là buông xuống. Khi tôi mới học Phật, thỉnh giáo ngài: nhà Phật có phương pháp nào có thể khiến chúng ta mau chóng nâng cao cảnh giới hay không? Ngài liền nói với tôi: nhìn cho thấu, buông cho được. Nhìn thấu giúp buông xuống, buông xuống giúp nhìn thấu, tức là hai điều này kết hợp và hỗ trợ nhau, từ Sơ phát tâm đến Như Lai địa. Hai việc đều không dễ, rốt cuộc thì bắt đầu từ việc nào trước? Căn tánh của chúng sanh không như nhau, người chấp trước nặng thì bắt đầu từ “chỉ” trước, người phân biệt nặng thì bắt đầu từ “quán”, căn tánh của mỗi người khác nhau. Quán là quán chiếu, pháp quán này là đạt đến cứu cánh viên mãn rồi. Người thông thường quán tưởng, quán tượng, tưởng tượng, đến khi quán chiếu mới hữu dụng, 照見五蘊皆空 “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, đều thấy rõ ràng hiện tượng vật chất và tinh thần rồi. Ngũ uẩn, sắc là hiện tượng vật chất, thọ tưởng hành thức đều là thuộc về hiện tượng tâm lý, hiện tượng tinh thần, đều nhìn thấu rồi. Nhìn thấu đó là gì? Là không. Nói cách khác, là giả, không phải là thật, không tồn tại; hình như là có, giống như nằm mộng vậy, trong mộng hình như là thật có, sau khi tỉnh dậy thì không tìm được vết tích nào.

Thế gian này chính là như vậy, chân tướng sự thật bày ra ở trước mặt. Quý vị nghĩ xem ngày hôm qua, ngày hôm qua ở đâu? Hôm qua đã xảy ra rất nhiều việc, ở nơi nào? Hôm nay nhìn lại hôm qua, chẳng phải là một giấc mộng sao? Quý vị vẫn không thể tỉnh lại sao? Thì ra là giả. Ngày mai nhìn lại hôm nay, chẳng phải giống như hôm nay nhìn lại hôm qua sao? Không có một pháp nào là thật. Vì vậy, trong Kinh Bát Nhã nói với chúng ta: 凡所有相皆是虛妄 “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (Những gì có tướng đều là hư vọng), 一切有為法,如夢幻泡影 “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (tất cả pháp hữu vi, như mộng ảo bọt bóng). Hữu vi là có sanh có diệt, có pháp nào không có sanh diệt? Sát-na sanh diệt, tần suất sanh diệt quá cao. Phàm phu chúng ta vốn không biết được chân tướng, cho rằng hiện tướng này đều là thật, thứ gì cũng là thật, ai biết thứ gì cũng là giả, không có thứ gì là thật. Vì sao vậy? Đều bất khả đắc, hiện tượng vũ trụ bất khả đắc, hiện tượng nhân sinh cũng bất khả đắc, quý vị cho rằng có sở đắc thì hoàn toàn là ở trong mộng. Trong mộng, sau khi chúng ta tỉnh lại thì cảm thấy trong mộng bất khả đắc, thật ra ở ngay trong mộng cũng bất khả đắc, nhất định phải hiểu đạo lý này.

Nhà khoa học hiện nay dần dần kết hợp với những tướng mà trong kinh Phật đã nói, càng ngày càng bội phục Phật Pháp. Khi tôi theo Tiên sinh Phương Đông Mỹ học tập, thầy đã dạy cho tôi Phật học là Triết học cao nhất; hiện nay, qua 60 năm nay của chúng tôi, Phật giáo là khoa học cao nhất. Cho nên chúng tôi tổng kết, trong 49 năm Thích Ca Mâu Ni Phật giảng điều gì? Dùng cách nói của người hiện nay, Ngài thật sự là làm [công tác] giáo dục. Đối với người thông thường, số đông mà nói, [là] giáo dục toàn thế giới, ai cũng cần phải học, trong A Hàm của Tiểu thừa, Phương Đẳng có rất nhiều, giảng giáo dục luân lý, giảng giáo dục đạo đức, giảng giáo dục nhân quả, đây là ba loại giáo dục toàn thế giới. Tông môn có nói là “một việc hướng thượng”, Phật giáo có “một việc hướng thượng”, “một việc hướng thượng” là Triết học cứu cánh, khoa học cứu cánh, đã giảng khoa học, Triết học đến cứu cánh viên mãn, đây là Phật giáo.

Việc học không có chỗ tận cùng, người thế gian đều tin. Trong Phật Pháp nói: học có chỗ tận cùng, chẳng phải là không có chỗ tận cùng. Nơi nào là chỗ tận cùng? Minh Tâm kiến Tánh là chỗ tận cùng, đạt đến minh Tâm kiến Tánh thì các ngài viên mãn rồi. Những điều Phật giảng giống như hình tròn, chỉ cần quý vị chạm đến đường tròn thì viên mãn, thì đạt được. 84 ngàn Pháp môn, môn nào cũng có thể đạt được, vô lượng Pháp môn cũng là môn nào cũng có thể đạt được. Có phương pháp hay không? Có, phương pháp chính là chân thành, cung kính. Không có chân thành, cung kính thì quý vị không thể vào cửa, vì sao vậy? Bởi vì Tự Tánh là chân thành, là cung kính, tánh đức; quý vị muốn kiến Tánh thì tâm quý vị nhất định phải tương ưng với Tánh. Đức đầu tiên trong các đức hạnh là chân thành, cung kính; quý vị chỉ cần đầy đủ hai điều kiện này thì quý vị có thể đắc đạo. Quý vị xem người xưa, thầy chọn học trò, thầy chọn gì? Không phải là chọn những người thông minh, rất lanh lợi, rất đáng yêu, thầy không chọn điều này, điều này không quan trọng, quan trọng là gì? Thành thật, nghe lời, thật làm, đây chính là chân thành, cung kính. Người thành thật có tâm chân thành, có tâm cung kính, quý vị có thể thấy được biểu hiện bên ngoài, người như vậy nghe lời, thật làm, họ có thể khai ngộ. Truyền pháp rất dễ dàng cho họ, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài, học trò ấy sẽ thành thật mà làm.

Sư phụ của lão Hòa thượng Hải Hiền là Pháp sư Truyền Giới, truyền cho ngài một câu “Nam mô A Di Đà Phật”, dặn ngài cứ niệm liên tục, ngài bèn rất thành thật mà niệm suốt 92 năm, đây là không chuyển hướng, không thay đổi, thành tựu lớn! Ngài thật sự niệm đến công phu thành phiến; nâng lên là Sự Nhất tâm Bất loạn; lại tiếp tục nâng lên là Lý Nhất tâm Bất loạn. Ngài là tiệm ngộ, không phải là đốn ngộ, Đại sư Lục tổ Huệ Năng là đốn ngộ. Chúng tôi tin rằng, lão Hòa thượng Hiền công được công phu thành phiến chắc hẳn vào năm 25 tuổi, 5 năm sau năm 20 tuổi, chúng tôi tin sẽ không vượt quá 5 năm thì ngài đạt được rồi. Từ năm 25 tuổi tiếp tục nâng lên, được Sự Nhất tâm Bất loạn, tương đương với cảnh giới của A-la-hán, chắc hẳn vào năm ba mươi mấy tuổi. Được Lý Nhất tâm Bất loạn, tôi tin là khoảng năm 40 tuổi. Lý Nhất tâm Bất loạn chính là minh Tâm kiến Tánh, đại triệt đại ngộ, như chính ngài đã nói, điều gì tôi cũng biết, chỉ là không thể nói, nói ra sẽ chuốc phiền phức. Sư phụ dặn dò ngài: “Hiểu rõ rồi”, tức là đại triệt đại ngộ, “không thể nói lung tung, không được nói”. Ngài tuân thủ lời dạy của thầy, tuy đã khai ngộ nhưng không nói, có thần thông nhưng không hiện thần thông, thỉnh thoảng, khi cần thiết thì ngài hiển lộ một chút.

Giải thoát tam-muội, chỉ quán vô ngại, buông xuống không trở ngại nhìn thấu, nhìn thấu không trở ngại buông xuống, giải thoát. 又曰念佛三昧,能除一切煩惱 “Hựu viết niệm Phật tam-muội, năng trừ nhất thiết phiền não” (Lại nói niệm Phật tam-muội có thể trừ được hết thảy phiền não), đạt được tam-muội bằng phương pháp niệm Phật đều gọi là niệm Phật tam-muội. Tiêu chuẩn, lão Hòa thượng Hải Hiền làm tấm gương cho chúng ta: công phu thành phiến, Sự Nhất tâm Bất loạn, Lý Nhất tâm Bất loạn đều là niệm Phật tam-muội. Lý Nhất tâm là sự viên mãn của niệm Phật tam-muội, có thể trừ được hết thảy phiền não, cả đời lão Hòa thượng không có phiền não, chúng ta thấy được. 能解脫生死 “Năng giải thoát sanh tử” (Có thể giải thoát sanh tử), lão Hòa thượng sanh tử tự tại. Nhiều lần gặp Phật, A Di Đà Phật dặn dò ngài, ở lại thế gian này thêm vài năm, làm tấm gương tốt cho người thế gian, tấm gương sáng của học Phật, tấm gương tốt của cầu sanh Tịnh Độ, ngài đều làm được rồi. 故須名清淨解脫三昧 “Cố tu danh thanh tịnh giải thoát tam-muội” (Nên phải gọi là thanh tịnh giải thoát tam-muội).

普等 “Phổ đẳng”: 普者普遍,等者平等。《悲華經》謂之遍至三昧 “Phổ giả phổ biến, đẳng giả bình đẳng. Bi Hoa Kinh vị chi biến chí tam-muội” (Phổ là phổ biến, đẳng là bình đẳng. Kinh Bi Hoa gọi đó là biến chí tam-muội), biến chính là phổ; chí chính là bình đẳng. 《芬陀利經》謂之普至三昧。《宋譯》謂之普遍菩薩三摩地。《唐譯》謂之平等三摩地門 “Phần Đà Lợi Kinh vị chi phổ chí tam-muội. Tống Dịch vị chi phổ biến Bồ-tát tam-ma-địa. Đường Dịch vị chi bình đẳng tam-ma-địa môn” (Kinh Phần Đà Lợi gọi đó là phổ chí tam-muội. Bản Tống Dịch gọi đó là phổ biến Bồ-tát tam-ma-địa. Bản Đường Dịch gọi đó là môn bình đẳng tam-ma-địa). Quý vị xem, đoạn kinh văn này đều không lìa thanh tịnh, bình đẳng, giác, chính là một câu trên đề kinh: “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”. Chúng ta học như thế nào? Nếu học Phật được thọ dụng thì có pháp hỷ, đó chính là công đức, thân tâm tự tại, một câu Phật hiệu liên tục không gián đoạn, pháp hỷ sung mãn. Vậy thì quý vị phải học được, chúng ta chân thành cung kính đối với Phật thì trong sinh hoạt hằng ngày, ta đối với mọi người, đối với mọi việc, đối với tất cả vạn vật, cũng chân thành cung kính như đối với Phật. Quý vị làm được chân thành cung kính, là sinh hoạt thường ngày của quý vị, bất luận là ở trong hoàn cảnh nào quý vị cũng không có phiền não, quý vị rất vui vẻ, quý vị rất tự tại; tiếp xúc với mọi người, người khác sẽ cảm thấy quý vị tràn đầy trí huệ, quý vị không sanh phiền não. Cả đời lão Hòa thượng Hải Hiền chưa từng nổi giận, chúng ta phải học điều này. Ngũ giới Thập thiện là trong sinh hoạt, là trong công việc, trong lúc đối người xử việc tiếp vật, ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh không nhiễm. Đây chính là bình đẳng tam-ma-địa.

Tiếp theo, sách Hội Sớ nói: 若依諸師,但是菩薩所得三昧名也。憬興云:普者,即普遍義。等者,即齊等義 “Nhược y chư sư, đãn thị Bồ-tát sở đắc tam-muội danh dã. Cảnh Hưng vân: Phổ giả, tức phổ biến nghĩa. Đẳng giả, tức tề đẳng nghĩa” (Nếu căn cứ theo các vị Pháp sư, [đó] chỉ là một danh xưng tam-muội mà Bồ-tát đã đạt được thôi, Ngài Cảnh Hưng nói: Phổ có nghĩa là phổ biến, đẳng nghĩa là ngang bằng), đẳng, cũng tức là bình đẳng. 所見普廣,佛佛皆見,故所住定,名為普等 “Sở kiến phổ quảng, Phật Phật giai kiến, cố sở trụ định, danh vi phổ đẳng” (Phạm vi thấy rộng lớn, Phật Phật đều thấy, nên chỗ mà định trụ gọi là phổ đẳng). Tất cả chư Phật trong mười phương ba đời, quý vị đều nhìn thấy, sao quý vị nhìn thấy được? Do niệm A Di Đà Phật mà thấy được. Bởi vì danh hiệu của A Di Đà Phật là Pháp môn đại tổng trì chân thật, niệm một câu danh hiệu này, thì danh hiệu của tất cả chư Phật trong mười phương ba đời đều ở trong đó. Phật hiệu là quả hiệu, Bồ-tát là nhân hiệu, trên quả viên mãn thì trên nhân sao có thể không viên mãn? Đây chính là nói với chúng ta, một câu A Di Đà Phật này, không chỉ chư Phật đều ở trong đó, mà mỗi một vị Bồ-tát đều ở trong đó, không sót vị nào, đây gọi là Pháp môn tổng trì. Quý vị không niệm đức Di Đà thì niệm ai? Niệm vị khác thì thật sự gọi là niệm một mà sót vạn; niệm A Di Đà Phật thì hoàn toàn niệm hết rồi, không sót vị nào. Ý nghĩa này rất hay, phạm vi thấy rộng lớn, Phật Phật đều thấy, nên chỗ mà định trụ gọi là phổ đẳng. Tam-ma-địa chính là định, tên gọi của định này là phổ đẳng tam-muội.

玄一云:由此三昧力,普見諸佛世界,故言為普。平等現見無所不見,故言為等 “Huyền Nhất vân: Do thử tam-muội lực, phổ kiến chư Phật Thế giới, cố ngôn vi phổ. Bình đẳng hiện kiến vô sở bất kiến, cố ngôn vi đẳng” (Ngài Huyền Nhất nói: Nhờ sức tam-muội này, thấy khắp Thế giới chư Phật, nên gọi là phổ. Hiện thấy bình đẳng chẳng gì không thấy, nên gọi là đẳng). Những điều này đều là nói với chúng ta, Thế giới Cực Lạc y chánh trang nghiêm, công đức không thể nghĩ bàn. Chúng ta phải lựa chọn, cần phải lựa chọn nơi đó, sau khi quyết định chọn thì nhất tâm hướng về, không có niệm thứ hai, như vậy thì chắc chắn được vãng sanh. Phía sau nói tiếp: 若約選擇本願正意,則是念佛三昧德號也 “Nhược ước tuyển trạch bổn nguyện chánh ý, tắc thị niệm Phật tam-muội đức hiệu dã” (Nếu rút gọn lựa chọn ý chính của nguyện này, thì chỉ là đức hiệu của niệm Phật tam-muội), phổ đẳng là niệm Phật tam-muội. 普謂普遍,凡聖通入之義 “Phổ vị phổ biến, phàm thánh thông nhập chi nghĩa” (Phổ nghĩa là phổ biến, phàm thánh đều có thể vào), phàm phu, thánh nhân bình đẳng vào [được] cả. 等謂平等,念一佛功德,等同一切佛之義。《菩薩念佛三昧經》曰:譬如眾生若依須彌金色之邊,其身即與彼山同色;所以然者,山勢力故。譬如諸水悉入大海,同其一味;所以然者,以海力故 “Đẳng vị bình đẳng, niệm nhất Phật công đức, đẳng đồng nhất thiết Phật chi nghĩa. Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội Kinh viết: Thí như chúng sanh nhược y Tu Di kim sắc chi biên, kỳ thân tức dữ bỉ sơn đồng sắc; sở dĩ nhiên giả, sơn thế lực cố. Thí như chư thủy tất nhập đại hải, đồng kỳ nhất vị; sở dĩ nhiên giả, dĩ hải lực cố” (Đẳng là bình đẳng, công đức của việc niệm một vị Phật, đồng nghĩa với [niệm] tất cả chư Phật. Kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội nói: Ví như chúng sanh, nếu tựa vào bên cạnh núi Tu Di màu vàng thì thân của họ cũng cùng màu sắc với núi ấy, sở dĩ như vậy, là do thế lực của núi. Ví như các dòng nước đều chảy vào biển lớn thì cùng một vị với biển, sở dĩ như thế, là do sức của biển vậy), đây là nói rõ cho chúng ta. Ví dụ phía trước, ví dụ trong Kinh Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội, chúng sanh là phàm phu, nếu họ đứng bên cạnh núi Tu Di, núi Tu Di có màu vàng, nhìn thấy màu sắc trên thân của họ và núi hình như giống nhau, vì sao vậy? Vì màu sắc của núi chiếu vào họ. Lại có một ví dụ, ví dụ về nước, nước trên lục địa, sông hồ đều chảy vào biển lớn, sau khi chảy vào biển lớn thì cùng một vị với biển, đều trở thành vị mặn, vì sao vậy? Do sức mạnh của biển. Câu tiếp theo mới phù hợp với pháp, 若人得念佛三昧,亦復如是。是普遍義也 “nhược nhân đắc niệm Phật tam-muội, diệc phục như thị. Thị phổ biến nghĩa dã” (Nếu người được niệm Phật tam-muội thì cũng như vậy. Đây là nghĩa của phổ biến).

Chúng ta niệm Phật được niệm Phật tam-muội, công phu thành phiến chính là vừa mới đạt được niệm Phật tam-muội. Thế nào gọi là công phu thành phiến? Vào mọi lúc, mọi nơi, tâm quý vị chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài một câu A Di Đà Phật này ra thì không có tạp niệm, đây chính là công phu thành phiến. Hôm trước tôi đã báo cáo với quý vị, người thông thường có công phu này thì sẽ thấy A Di Đà Phật, vì sao vậy? Công phu này là cảm, A Di Đà Phật là ứng; chúng ta có cảm, A Di Đà Phật liền có ứng. Phổ biến nhất là quý vị thấy A Di Đà Phật trong mộng, mộng này tựa như mộng mà chẳng phải mộng, có vẻ rất giống thật, nhưng đó là giấc mộng. A Di Đà Phật hiện thân cho quý vị thấy, sẽ tiết lộ tin tức cho quý vị, nói với quý vị, quý vị còn thọ mạng bao lâu, đợi đến khi thọ mạng của quý vị hết, thì Phật đến tiếp dẫn quý vị vãng sanh. Tâm này của quý vị liền an, định rồi, vì sao vậy? Vì đã được ghi tên ở Thế giới Cực Lạc, có tên của quý vị rồi; tín tâm, nguyện tâm của quý vị vô cùng kiên định, sẽ không còn chút dao động nào. Huống gì công phu sâu hơn, vậy thì không cần phải nói.

Lão Hòa thượng Hải Hiền thấy A Di Đà Phật, muốn thấy liền thấy, vì sao vậy? Vì ngài được Lý Nhất tâm, muốn thấy liền thấy, muốn thấy Thế giới Cực Lạc cũng liền thấy được, ngài thấy biết bao nhiêu lần. Ngài cầu vãng sanh, A Di Đà Phật khuyên ngài, con tu rất tốt, thật sự không tệ, có thể làm tấm vài gương tốt cho người niệm Phật, khuyên ngài ở lại thế gian thêm vài năm, đến lúc đó Phật sẽ tiếp dẫn ngài vãng sanh. Đến lúc nào? Đến khi ngài nhìn thấy một quyển sách: Nếu Muốn Phật Pháp Hưng, Chỉ Tăng Tán Thán Tăng. Nhìn thấy quyển sách ấy thì A Di Đà Phật đến tiếp dẫn ngài vãng sanh. Khi nào ngài mới thấy được quyển sách ấy, bản thân ngài cũng không biết, ngài là người niệm Phật, trước nay không đọc sách, cũng không nghe giảng kinh, chỉ niệm Phật, một câu Phật hiệu niệm đến cùng. Tuy không đọc sách, không nghe kinh nhưng điều gì ngài cũng biết, là thật, không phải giả, quý vị không thể hỏi bí ngài được, thế pháp, Phật Pháp, ngài đều thông suốt, như vậy là minh Tâm kiến Tánh rồi, ngài không còn chướng ngại nữa. Cho nên có một hôm nọ, có vài vị Cư sĩ lên núi để thăm ngài, đã mang theo quyển sách ấy. Lão Hòa thượng vừa nhìn thấy những người ấy mang theo quyển sách, trong túi xách có quyển sách, liền hỏi họ đây là sách gì? Họ nói với ngài, quyển sách này tên là Nếu Muốn Phật Pháp Hưng, Chỉ Tăng Tán Thán Tăng. Sau khi ngài nghe được thì vô cùng hoan hỷ, giống như bảo vật mong chờ hằng ngày, bảo vật thật sự xuất hiện rồi. Khoác áo tràng đắp y, vô cùng cung kính, trên tay cầm quyển sách ấy, bảo người khác chụp hình cho ngài. Hành động này của lão Hòa thượng là hết sức khác thường, cả đời lão Hòa thượng chưa từng chủ động bảo người khác chụp cho ngài một tấm hình nào, hôm ấy bỗng nhiên yêu cầu người khác chụp hình cho ngài, lần đầu tiên trong đời. Hai ngày sau khi chụp xong tấm hình này thì lão Hòa thượng vãng sanh rồi, tự tại vãng sanh. Trong quyển sách nhỏ Vĩnh Tư Tập đã viết rất rõ ràng, mong rằng quý vị đọc nhiều lần. Đọc nhiều lần, quý vị sẽ tăng trưởng tín tâm.

Quyển sách sau cùng trong cuối đời của lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là Tịnh Tu Tiệp Yếu báo Ân Đàm, tôi cũng mong mọi người xem nhiều lần, đọc bộ sách ấy nhiều lần, quý vị sẽ đoạn hết tất cả nghi hoặc đối với Phật giáo. Vĩnh Tư Tập sanh tín, Báo Ân Đàm đoạn nghi, đoạn nghi sanh tín, công phu của chúng ta mới đắc lực, mới chắc chắn vãng sanh Thế giới Cực Lạc; ứng phó với tai biến của thời đại hiện nay, quý vị có năng lực, quý vị có trí huệ, quý vị có thể vượt qua một cách bình an. Thêm vào bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ này của chúng ta, đây là ba bảo điển, ba bảo điển của Tịnh Tông Học Hội chúng ta, thật sự đầy đủ rồi. Tất cả vấn đề, không cần hỏi người khác, người khác không biết. Tín nguyện không tha thiết thì không nắm chắc phần vãng sanh. Phải tin sâu nguyện thiết, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật. Nguyện thứ 18 nói rất hay, khi lâm chung, một niệm, mười niệm đều được vãng sanh, tuyệt đối không phải là lời giả dối. Cha của Tổng giám đốc Tạ ở Triều Châu vãng sanh vào tháng trước, ông là người tốt, người thiện, nhưng không học Phật, con trai học Phật, con trai học Phật, đã đem công đức học Phật tu hành hồi hướng cho ông. Ngay lúc lâm chung, hai tiếng trước khi ông qua đời, chỉ một khoảng thời gian như thế, Tổng giám đốc Tạ khuyên cha mình, nói với cha mình: Thế giới Cực Lạc thật có, cha có tin được không? Bình thường ông đều lắc đầu, vào lúc đó thì ông gật đầu. Anh ấy rất vui, nói với ông: Thật sự có A Di Đà Phật. Ông gật đầu. Anh ấy nói: Con niệm Phật, cha hãy niệm Phật với con. Đã niệm hai tiếng đồng hồ, ông thật sự vãng sanh rồi, tướng tốt hi hữu. Sau khi ông vãng sanh, khuôn mặt như còn sống, toàn thân mềm mại, còn mềm mại hơn lúc còn sống. Lúc ấy, có khoảng một ngàn người nhìn thấy, ai cũng xúc động. Ông đến làm tấm gương cho mọi người xem, hai tiếng sau cùng khi lâm chung vẫn còn kịp, giúp cho chúng ta tăng trưởng tín tâm rất lớn.

Tiếp theo nói, nếu người được niệm Phật tam-muội, thì cũng như vậy. Được niệm Phật tam-muội, người ấy được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì; được Phật gia trì, đồng thời quý vị nhất định được Long Thiên Hộ pháp gia trì. Đây là ý nghĩa của phổ biến. Trong Kinh Văn Thù Bát Nhã có một câu như vầy: 念一佛功德無量無邊,亦與無量諸佛功德無二 “Niệm nhất Phật công đức vô lượng vô biên, diệc dữ vô lượng chư Phật công đức vô nhị” (Công đức của niệm một vị Phật vô lượng vô biên, cũng không khác với công đức của vô lượng chư Phật), Kinh Văn Thù Bát Nhã. Ngài Văn Thù là thầy của bảy vị Phật, trong số học trò của ngài có bảy vị thành Phật rồi, ngài còn nói sai sao? Chúng ta phải tin lời nói của ngài. Công đức của niệm một vị Phật, một vị Phật chính là chỉ A Di Đà Phật, vô lượng vô biên, không khác với công đức của niệm vô lượng vô biên chư Phật. Thật sự là ngàn kinh vạn luận đều khuyên chúng ta niệm Phật, chúng ta rất đáng thương, cứ không thành thật, không nghe lời, không chịu thật làm.

Trong Kệ Tán Thán A Di Đà Phật nói: 我以一心讚一佛 “Ngã dĩ nhất tâm tán nhất Phật” (Con dùng nhất tâm khen nhất Phật), nhất tâm là Chân Tâm, nhất Phật chính là A Di Đà Phật, đây là tu hành của ngài, nhất tâm khen nhất Phật chính là niệm một vị Phật, niệm A Di Đà Phật chính là tán thán A Di Đà Phật, 願遍十方無礙人 “nguyện biến thập phương vô ngại nhân” (nguyện khắp mười phương người vô ngại), đây nghĩa là bình đẳng. Tiếng Phật hiệu này đầy khắp mười phương thế giới, tùy theo nguyện lực lớn hay nhỏ của quý vị, tùy theo nguyện lực sâu hay cạn của quý vị, quả đức không như nhau. Trong sách Hội Sớ nói: 以清淨三昧、解脫三昧、普等三昧為念佛三昧 “Dĩ thanh tịnh tam-muội, giải thoát tam-muội, phổ đẳng tam-muội vi niệm Phật tam-muội” (Lấy thanh tịnh tam-muội, giải thoát tam-muội, phổ đẳng tam-muội làm niệm Phật tam-muội), tiếp theo nói, 蓋念佛三昧為寶王三昧。具是一切三昧功德,自當同具種種三昧之名也 “cái niệm Phật tam-muội vi bảo vương tam-muội. Cụ thị nhất thiết tam-muội công đức, tự đương đồng cụ chủng chủng tam-muội chi danh dã” (vì niệm Phật tam-muội là bảo vương tam-muội. Đầy đủ tất cả công đức tam-muội này, tự nhiên sẽ đồng thời đầy đủ tất cả danh xưng của tam-muội). 三昧,即三摩地 “Tam-muội, tức tam-ma-địa” (Tam-muội là tam-ma-địa), dịch thành nghĩa tiếng Trung là 正定、正受 “chánh định, chánh thọ”. Chánh, nói rõ là không thiên không tà; thọ là hưởng thụ. Danh từ này đã được giải thích tường tận ở phẩm thứ hai phía trước.

Nói nhiều câu như vậy, mục đích chỉ có một, chẳng qua là giúp chúng ta phải thật tin, phải thật sự phát nguyện. Nhất định phải biết, những điều trong kinh Phật nói là thật, tất cả pháp ở thế gian là giả, nhân gian là giả, trên trời cũng là giả; lục đạo luân hồi là giả, mười pháp giới cũng là giả; Thế giới Ta Bà như vậy, cõi nước chư Phật phương khác cũng như vậy, không có ngoại lệ. Điều này biểu thị ý gì? Biểu thị buông xuống triệt để, vậy thì đúng rồi, vấn đề của chúng ta trong đời này thật sự được giải quyết. Bản thân chúng ta thật sự giải quyết được, mới có thể giúp người khác. Phương pháp giúp người khác chính là thân hành ngôn giáo, chính mình phải thật làm. Như lão Hòa thượng Hải Hiền, cả đời thật làm, chúng ta có lúc còn giải đãi lười biếng, không bằng lão Hòa thượng, đây chính là ngài có thể chứng được cứu cánh viên mãn, vì sao ta không thể chứng được? Muốn được như ngài thì phải hăng hái, dũng mãnh tinh tấn. Nếu không buông xuống triệt để, thì những thứ không buông xuống đó sẽ sinh ra tác dụng chướng ngại. Cũng tức là, lão Hòa thượng buông xuống triệt để, ngài không có bận lòng, ngài không có lo âu, ngài không có gì cả, chỉ có vài bộ quần áo để thay và giặt. Cả đời ngài không rời khỏi việc đồng áng, nông cụ rất nhiều, trồng trọt ở nơi nào thì dụng cụ nông nghiệp để trong tự viện đó, ngài không mang theo, cho nên tất cả những tự viện mà ngài từng ở đều có rất nhiều nông cụ mà ngài đã dùng. Đó là làm tấm gương cho chúng ta.

Ngài làm thế nào để đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức? Hoàn toàn dùng lao động của chính mình, cày ruộng. Ruộng đất không có chủ, gọi là khai hoang, ngài khai thác ra, trồng lương thực, trồng rau cải, trồng cây ăn trái, dốc hết khả năng của mình. Trồng được rất nhiều, tổng cộng hơn một trăm mẫu. Chúng ở trong chùa không nhiều, thọ dụng có hạn, ngài không đem bán để kiếm tiền, không có, sau khi thu hoạch thì đi cúng dường gia đình nghèo khổ, cũng nuôi sống đến hàng ngàn hàng vạn người, trong 92 năm. Bố thí, bố thí tài: bố thí nội tài, bố thí ngoại tài; nội tài là sức lao động, siêng năng làm việc; ngoại tài là thu hoạch, những nông sản thu hoạch được, bố thí cúng dường cho người nghèo khổ thiếu ăn thiếu mặc, ngài chăm lo. Người khác cúng dường tiền cho ngài, ngài gom lại hết để in kinh, làm đĩa CD, làm những việc này, kết duyên với tín đồ, dốc hết sức mình hoằng pháp lợi sanh. Ngài thích phóng sanh, một số cảnh quay trong đó quý vị đều thấy được.

Bất luận chúng ta ở trong ngành nghề nào, tận tâm, tận lực, tận bổn phận mà làm tốt nghề nghiệp của chúng ta. Ở trong xã hội này, hợp tác với mọi người, như vậy thì có thể tạo thành thái bình thịnh thế, làm cho xã hội này: người người là người tốt, việc việc là việc tốt. Người nước ta thời xưa, [có] một câu nói khó nghe lọt tai, 不務正業 “bất vụ chánh nghiệp” (không thực hành chánh nghiệp), ý nghĩa của câu này rất sâu. Mọi người đều có thể thực hành chánh nghiệp, chánh nghiệp là bốn hạng người lớn: sĩ nông công thương, đây đều là chánh nghiệp, chánh nghiệp phải [có] đạo đức, phải [lấy] luân lý đạo đức làm cơ sở. Thế gia vào thời xưa của Trung Hoa, [là] đại gia đình, truyền mười mấy đời, từ nhỏ đã dạy tốt trẻ em. Dạy tốt trẻ em, chúng sẽ không làm việc phi pháp, chúng sẽ không tranh danh đoạt lợi, chúng sẽ không làm hại người khác, bất luận làm nghề nghiệp nào cũng đại công vô tư, phục vụ cho xã hội, phục vụ cho nhân dân. Giáo dục của Trung Hoa là giáo dục của Thánh Hiền Quân tử, dù chưa từng đi học thì họ cũng được dạy bảo. Người Trung Hoa đưa việc giáo dục thế hệ sau lên vị trí hàng đầu, mỗi thế hệ đều có Thánh Hiền Quân tử xuất hiện, quốc gia và xã hội này có thể không tốt được sao? Cho nên xã hội an định, nhân dân chung sống hòa thuận, đây là hạnh phúc thật sự. Vì thế, tận hết bổn phận quá quan trọng.

Vậy bổn phận của người xuất gia là gì? Quý vị nhìn Thích Ca Mâu Ni Phật thì hoàn toàn hiểu rõ rồi. Người xuất gia, người khác gọi quý vị là Pháp sư, danh xứng với thật, họ tự xưng Đệ tử, quý vị dạy họ điều gì? Bổn phận của người xuất gia là dạy học, năm xưa Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế đã làm tấm gương cho chúng ta, cả đời dạy học, không gián đoạn một ngày nào. Học trò đến từ bốn phương tám hướng, Ngài không phân biệt quốc tịch, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tín ngưỡng tôn giáo, quý vị chịu theo Ngài học, Ngài liền đồng ý dạy quý vị, chúng ta đều thấy được điều này trong kinh điển. Không chỉ xuất gia cần phải dạy học, mà người tại gia cũng không ngoại lệ. Khi đức Phật tại thế, Cư sĩ Duy Ma làm đại biểu, Cư sĩ giảng kinh dạy học. Người xuất gia đến nghe giảng, phải hành lễ của Đệ tử với Cư sĩ Duy Ma, vì sao vậy? Vì Phật Pháp là sư đạo, sư đạo, thông thường chúng ta nói thầy là lớn nhất; không phải xuất gia là lớn nhất, mà thầy là lớn nhất. Cư sĩ Duy Ma giảng kinh, Phật thường cử Đệ tử, những vị đại Đệ tử như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, đến chỗ Cư sĩ Duy Ma để nghe kinh. Các ngài nhìn thấy lão Cư sĩ, đều phải đảnh lễ ba lạy, nhiễu quanh bên phải ba vòng, lễ nghi không khác gì với gặp Thích Ca Mâu Ni Phật, đây là vì sao? Người xuất gia đến biểu diễn, làm tấm gương, tôn sư trọng đạo. Tuy ngài là Cư sĩ, nhưng ngài ở trên giảng đài, ở trên giảng đài, thay Phật giảng kinh dạy học, đối với ngài, phải hành lễ của trò đối với thầy, không thể xem nhẹ. Những điều này hiện nay đều phai nhạt rồi.

Người học kinh giáo không thể nói không biết khuôn phép này, tuy biết khuôn phép này, nhưng bản thân không chịu làm, Cư sĩ giảng kinh thì tốt nhất là không nghe. Thật ra, quý vị phải hiểu được đạo lý này, Cư sĩ giảng kinh, quý vị đến nghe, quý vị cũng có thể cung kính như vậy, làm chúng ảnh hưởng, “Cư sĩ này giảng cũng không tệ, giảng thật tốt, chánh tri chánh kiến”. Hiện nay người giảng kinh ít, nếu chúng ta gặp được rồi, chúng ta đến nghe kinh, chúng ta đến đảnh lễ vị Cư sĩ ấy, khiến những Cư sĩ khác tăng trưởng tín tâm đối với người thầy ấy, đây là việc tốt. Không thể phê bình, cho dù giảng sai rồi cũng không thể phê bình. Phê bình, kiến nghị thì nhất định phải vào lúc không có người thứ ba ở đó, lúc này có thể nói, họ cũng có thể tiếp nhận, thì giúp họ sửa lại cho đúng, đây là yêu thương bảo vệ họ. Vậy thì phải xem người ấy có nhã lượng hay không, có người không có sự độ lượng này, quý vị vừa phê bình thì họ không vui, vậy phải làm sao? Vậy chỉ có lấy lòng, đừng nói nữa. Tuyệt đối không thể phỉ báng, vì sao vậy? Vì người giảng kinh quá ít. Giảng không hay, nhưng chỉ cần họ chịu giảng, họ có thể giảng mỗi ngày không gián đoạn, họ sẽ có tiến bộ. Chúng ta cũng phải biết, chúng tôi là đi từ con đường này lên, [nên] hiểu rất rõ.

Năm đoạn sau của kinh văn này đều là Bồ-tát của Thế giới phương khác nghe danh, nhưng chưa vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc. Nghe danh thì có thể được Phật lực gia trì, huống chi là thật tin phát nguyện, A Di Đà Phật thật sự còn phải cử Thần Hộ pháp đến bảo hộ quý vị. Người cùng tâm này, tâm cùng lý này, chắc chắn không có sai lầm. Phật yêu thương bảo vệ chúng sanh hơn cả cha mẹ, thật sự yêu thương bảo vệ, dùng tâm thanh tịnh bình đẳng yêu thương bảo vệ. Chỉ cần chúng ta thật sự phát tâm, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức, liền có thể được sự gia trì của Phật Bồ-tát. Mỗi ngày có thể đọc tụng kinh điển, tốt hơn tất cả. Niệm một lần kinh điển, niệm Kinh Vô Lượng Thọ từ đầu đến cuối một lần, một tiếng rưỡi thì đủ rồi.

Tiếp theo, chúng ta đọc lại một lần, câu này rất quan trọng, 念佛三昧為寶王三昧。具是一切三昧功德 “niệm Phật tam-muội vi bảo vương tam-muội. Cụ thị nhất thiết tam-muội công đức” (niệm Phật tam-muội là bảo vương tam-muội. Đầy đủ tất cả công đức tam-muội này), tất cả ở đây là vô lượng vô biên, kinh Đại thừa thường nói tám vạn bốn ngàn, 自當同具種種三昧之名 “tự đương đồng cụ chủng chủng tam-muội chi danh” (tự nhiên sẽ đồng thời đầy đủ tất cả danh xưng tam-muội), đây chính là điều thường nói, Phật hiệu không thể nghĩ bàn. Tam-muội chính là tam-ma-địa, dịch thành chánh định, chánh thọ. 總持,即陀羅尼 “Tổng trì, tức đà-la-ni” (Tổng trì tức là đà-la-ni), tiếng Phạn gọi là đà-la-ni, dịch sang nghĩa tiếng Trung là tổng trì, tổng tất cả pháp, trì tất cả nghĩa. Trong hết thảy Phật Pháp mà nói, tổng trì chân thật chính là một câu Phật hiệu. Bởi vì một câu Phật hiệu bao gồm tất cả pháp, bao gồm danh hiệu của tất cả chư Phật Bồ-tát, đó thật sự là đà-la-ni. 深妙之總持,故曰深總持 “Thâm diệu chi tổng trì, cố viết thâm tổng trì” (Tổng trì rất sâu vi diệu, nên gọi là tổng trì sâu), môn tổng trì này không phải là cạn, mà là sâu. 十方菩薩,因聞名故,得諸三昧,與深總持,安住定中,得成正覺 “Thập phương Bồ-tát, nhân văn danh cố, đắc chư tam-muội, dữ thâm tổng trì, an trụ định trung, đắc thành Chánh-giác” (Bồ-tát trong mười phương, do được nghe danh nên đạt được các tam-muội và môn tổng trì sâu, an trụ trong định, đắc thành Chánh-giác). Như vậy đã nói rất rõ ràng, Bồ-tát trong mười phương nghe được danh hiệu của A Di Đà Phật, nghe đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, tuy không phát tâm chuyên tu Pháp môn này, cầu vãng sanh Tịnh Độ; các ngài tu học Pháp môn của mình rất lâu rồi, đã thành thói quen, có cần phải thay đổi không? Không cần, nhất tâm quy mạng A Di Đà Phật, liền được oai thần của A Di Đà Phật gia trì, công đức và lợi ích đạt được chính là những điều trong năm nguyện sau cùng này đã nói. Giúp chúng ta thể hội được công đức của danh hiệu không thể nghĩ bàn, giúp cho chúng ta sau khi hiểu rõ thì thật sự thấu suốt rồi, quý vị yêu thích danh hiệu này, quý vị ưa chuộng danh hiệu này, quý vị sẽ xem danh hiệu này là bảo vật, một câu Phật hiệu nối tiếp một câu Phật hiệu, niệm niệm không gián đoạn.

Lão Hòa thượng Hải Hiền là niệm niệm không gián đoạn, còn có mấy vị Đại đức ở chùa Lai Phật như lão Hòa thượng Hải Khánh. Mẹ của Hiền công, bà là Cư sĩ tại gia, cuối đời đều không còn ở chung với con cái, lão Hòa thượng Hải Hiền mời bà đến chùa để cúng dường, chăm sóc, bà đã ở chùa 27 năm, 86 tuổi vãng sanh, vãng sanh cũng là thong dong tự tại, thật không đơn giản, biết trước ngày giờ. Cùng thời với các ngài, Nam Dương còn có một vị Hòa thượng Lão Đức, cũng  là người tu khổ hạnh, ngài cũng không phải là người phàm. Quý vị xem hành trì của ngài, là một người vì chúng ta mà thị hiện, biểu pháp tu Nhẫn nhục ba-la-mật, công phu Nhẫn nhục của chúng ta phải học theo với ngài. Sau khi ngài vãng sanh hai năm, người nơi đó có người gặp được ngài ở Vũ Hán. Thật sự là ngài, gọi ngài Lão Đức, ngài quay đầu lại nhìn, gặp được đồng hương rồi. Hỏi ngài sao lại đến đây? Đến để làm gì? Ngài nói hóa duyên. Có cùng nhau trở về không? Ngài nói các anh đi trước đi, qua vài hôm tôi mới về. Họ trở về quê hương, kể lại sự việc này. Lão Hòa thượng đã ra đi hai năm, cỏ trên phần mộ đã rất sâu, sao lại là ngài được? Thật sự là ngài, không phải là một người nhìn nhầm, mà mấy người đều gặp được, sao có thể nhìn nhầm được! Không thể nghĩ bàn.

Vì vậy, chúng ta đối với danh hiệu phải nhận thức thấu triệt, phải nhận thức rõ ràng, danh hiệu rất không thể nghĩ bàn. Danh hiệu là pháp chân thật bậc nhất trong vũ trụ, thật hữu hiệu, khiến chúng ta vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi, vãng sanh Thế giới Cực Lạc, một đời chứng được cứu cánh đại viên mãn. Chúng ta gặp được rồi, nếu như tùy tiện lơ là, thì thật sự đáng tiếc, phải nắm bắt thật chắc. Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.

(Hết tập 202)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đều sanh nước Cực Lạc
Sớm viên thành Phật quả
Rộng độ khắp chúng sanh.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

 

Trả lời 0