TỊNH
ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2019 (giảng lần thứ 5)
TẬP
10
Hòa thượng Tịnh
Không chủ giảng
Giảng ngày: 13 tháng 1 năm 2019
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Dịch giả:
Thích Thiện Trang
Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng
học, mời an tọa. Mời mọi người cùng tôi quy y Tam-Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu
Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn,
quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)
Hôm nay là ngày mùng 8 tháng 12 năm 2018 âm lịch, là ngày
thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cũng là ngày thành đạo của chúng ta. Tại
sao vậy? Vì sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, liền vì chúng sanh mà thuyết
các pháp để thành Phật. Chúng ta chỉ cần có thể nương theo các pháp mà tu, thì
có thể thành tựu Phật quả. Vì chúng ta là không khác với đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Bộ Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh
Bình Đẳng Giác Kinh Khoa Chú này, chúng tôi giảng buổi gần nhất là vào ngày 10 tháng
3 năm ngoái, cách đây cũng gần một năm rồi. Trong năm qua, tôi chủ yếu đều dùng
thời gian và sức lực cho công tác ở tại tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc, để đoàn
kết tôn giáo, hóa giải xung đột, xúc tiến thế giới hòa bình. Cho nên, đã để lỡ
việc giảng kinh. Cầu Tam Bảo gia trì, để chúng tôi đem bộ kinh này giảng một lần
nữa, mà cũng vì có nhiều người đang mong mỏi, trông chờ. Chúng tôi hy vọng bộ Kinh
Vô Lượng Thọ có thể phát dương quang đại khắp hư không pháp giới, hoặc chí ít cũng
có thể phát dương quang đại ở trên địa cầu này, để phổ độ chúng sanh có duyên. Người
gặp được bộ kinh này mà y giáo tu hành, thì không có chuyện không được độ.
Chúng ta học tập Kinh Vô Lượng Thọ, đây là lần thứ 15. Tôi
giảng bộ kinh này, mười lần đầu là dùng bản Mi Chú của thầy Lý để giảng, giảng
qua mười lần. Còn dùng Tập Chú của lão Cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, tức là bộ Chú Giải,
thì tôi đã giảng bốn lần, đây là lần thứ năm. Mấy năm nay chúng ta cùng cộng
tu, học tập Kinh Vô Lượng Thọ, đặc biệt chú trọng ở cầu vãng sanh, chú trọng nhận
thức Thế giới Cực Lạc. Không chỉ cần phải nhận thức Thế giới Cực Lạc, mà còn phải
quay đầu lại nhận thức rõ thế giới Ta Bà, thì sau đó quý vị tự nhiên sẽ có lựa
chọn thôi. Phàm mà không vãng sanh được, bởi nguyên nhân căn bản, là không làm
sáng tỏ đối với hai thế giới đó: thế giới nào nên chọn lấy, thế giới nào nên giã
từ với nó, quyết định ở chỗ nào? Quyết định ở trình độ nhận thức rõ ràng của quý
vị.
Lần thứ năm này, mục
tiêu mấu chốt thực sự của chúng ta là cầu vãng sanh, cầu thành Phật. Nếu không
vãng sanh được, thì tất cả đều là giả rồi! Có nắm chắc được vãng sanh hay không,
mấu chốt là ở chính mình, không phải do người khác. Chính mình làm chủ, chỉ cần
thật sự chịu đem duyên của thế giới này buông xuống, thì quyết định vãng sanh. Học
Phật, thì cửa ải khó khăn nhất là buông xuống. Chúng ta cần phải buông xuống, tại
sao vậy? Vì là giả thôi, không phải là thật. Toàn bộ vũ trụ này đều là giả, mà còn
lưu luyến là mê hoặc điên đảo, là sai lầm rồi. Nên phải buông xuống.
Đại sư Ngẫu Ích nói ở trong A Di Đà Kinh Yếu Giải rằng: 信願持名,一經要旨。信願為慧行,持名為行行。得生與否,全由信願之有無。品位高下,全由持名之深淺。故慧行為前導,行行為正修,如目足並運也“Tín nguyện trì danh, nhất kinh yếu
chỉ. Tín nguyện vi huệ hạnh, trì danh vi hành hạnh. Đắc sanh dữ phủ, toàn do tín
nguyện chi hữu vô. Phẩm vị cao hạ, toàn do trì danh chi thâm thiển. Cố huệ hạnh
vi tiền đạo, hành hạnh vi chánh tu, như mục túc tịnh vận dã”(Tín nguyện trì danh, quan trọng phải nhất quán.
Tín nguyện là huệ hạnh, trì danh là hành hạnh. Vãng sanh được hay không, toàn
do bởi có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp, bởi do trì danh sâu hay cạn.
Vì huệ hạnh là dẫn đường, còn hành hạnh là chánh tu, cũng như sự liên hệ vận hành
giữa mắt và chân vậy). Do đó, hiện nay phải coi trọng cả giải và hành, hai
tay nắm chắc, một tay nắm tín nguyện, một tay nắm niệm Phật. Nghe kinh chính là
giúp cho tín nguyện kiên cố. Đại sư Ấn Quang có cách nói như thế nào đối với tín,
nguyện? Về tín, 信娑婆之苦,苦不可言;信極樂之樂,樂無能喻“Tín Ta Bà chi khổ, khổ bất khả ngôn; tin Cực Lạc chi lạc, lạc vô năng dụ”(Tin Ta Bà khổ, khổ không nói nên lời;
tin Cực Lạc vui, vui không gì sánh được). Về nguyện, 願離娑婆,如獄囚之冀出牢獄;願生極樂,如窮子之思歸故鄉“Nguyện ly Ta Bà, như ngục nhân chi
ký xuất lao ngục; nguyện sanh Cực Lạc, như cùng tử chi tư quy cố hương”
(Nguyện rời khỏi Ta Bà, như tù nhân mong ra
khỏi nhà ngục; nguyện sanh Cực Lạc, như kẻ đi lạc mong quay được về nhà).
Lần học tập Đại Kinh này, không chú trọng ở giải thích kinh văn, mà tôi
chú trọng làm sao thực hiện, làm sao nỗ lực thực hiện ở từng chữ, từng câu. Mỗi
chữ mỗi câu ở trong kinh đều là vô lượng nghĩa, cần làm sao đem vô lượng nghĩa đó
ứng dụng trong đời sống, ứng dụng trong đời sống chính là đời sống ở Thế giới Cực
Lạc, là hạnh phúc vô cùng, phiền não tập khí đều không còn nữa. Cách thức giảng
lần thứ năm này không giống với những lần trước, chúng ta không dựa theo thứ tự,
để giảng từ đầu đến cuối, mà chỉ chọn ra những đoạn kinh văn trọng điểm để thâm
nhập, tăng cường tín nguyện, giúp mọi người đến Thế giới Cực Lạc.
Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 150, đếm ngược đến hàng thứ năm, bắt đầu xem từ đó:
諸佛世尊唯以一大事因緣故,出現於世。」「唯以佛之知見,示悟眾生 “Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế. Duy
dĩ Phật chi tri kiến, thị ngộ chúng sanh”(Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự
nhân duyên mà xuất hiện ở đời, chỉ vì đem tri kiến Phật, chỉ bày giác ngộ cho
chúng sanh). Câu nói một đại sự nhân duyên này là ở trong Kinh
Pháp Hoa, vô cùng mong cho chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, nhanh chóng
thành Phật mà thôi. Mười phương chư Phật Bồ-tát ứng hóa đến thế gian chúng ta đây,
là vì điều gì? Chính là vì sự việc đó, là nói với chúng ta chân tướng sự thật:
mỗi người chúng ta đều vốn là Phật. Đó là sự thật không phải là giả. Trong Kinh
Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta: ‘Tất cả chúng sanh vốn là Phật’. Trong Quán Vô
Lượng Thọ Phật Kinh, Phật nói với chúng ta: ‘Tâm này là Phật, tâm này làm Phật’.
Trong bản kinh này là vì chúng ta mà: ‘Khai hóa hiển thị bên trong của chân thật’.
‘Bên trong của chân thật’ chính là chân-như bản tánh. Mười phương chư Phật Bồ-tát
đến giáo hóa chúng sanh, với mục đích là đem sự biết, sự thấy của Phật để chỉ bày
cho chúng sanh, khiến chúng sanh đạt được ngộ giải. Phật dùng tri kiến của Phật
để chỉ đường cho chúng ta, để khai phát bản-tâm của chúng ta, khiến chúng ta đạt
được ngộ giải, tri kiến giống với Phật, đó chính là vì đại sự nhân duyên như vậy.
Tự-tánh là như thế nào? Sau khi Lục tổ Đại sư Huệ Năng khai ngộ, ngài đã
báo cáo chỉ có 20 chữ, nói rõ chính ngài đã ngộ nhập cảnh giới, cũng chính là
minh tâm kiến tánh. Ở câu thứ ba của ngài đã nói ra: ‘Nào ngờ tự-tánh, vốn tự đầy
đủ’, tức là một thứ cũng không thiếu, mà viên mãn đầy đủ. Đầy đủ điều gì? Trên Kinh
Hoa Nghiêm đã nói ra rồi, Phật nói: ‘Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng
của Như Lai’. Đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, cũng chính là trí huệ đức tướng
viên mãn. Trí huệ đức tướng là gì? Chúng ta dùng kinh này để nói, chính là ‘Đại
Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm’, Đại Thừa là trí huệ, Vô Lượng Thọ là đức, Trang
Nghiêm là tướng. Quý vị thấy tất cả đều đầy đủ, vốn tự đầy đủ không có khiếm
khuyết. Nhưng hiện nay quý vị đã mê, sau khi mê thì càng mê càng sâu, tạo ra mười
pháp giới, tạo ra lục đạo, tạo ra tam đồ, trải qua những ngày khổ nạn thê thảm
như vầy. Không biết được chân tướng sự thật, theo nghiệp lưu chuyển, thật sự rất
đáng thương! Sanh tử luân hồi như vậy, vĩnh viễn không ngừng nghỉ, thật sự là
việc rất phiền phức.
Vạn sự vạn vật trong pháp giới hư không giới là một thể với ta, đều là
do tâm tánh chính mình biến hiện ra, cũng giống như nằm mộng vậy. Ở trong mộng
không biết, sau khi tỉnh mộng, nếu như quý vị cẩn thật để suy xét: tất cả người,
sự việc, núi sông đất đai ở trong mộng từ đâu mà đến? Đều là do ý thức biến hiện
ra, ngoại trừ ý thức của chính mình ra, thì thứ gì cũng không có. Trên kinh Đại
thừa Phật nói: ngoài cảnh không tâm, ngoài tâm không cảnh, tâm cảnh nhất như. Quay
đầu lại xem cảnh mộng của chúng ta, trong mộng có cảnh giới, cảnh giới là do tâm
hiện, cảnh giới và tâm là một chứ chẳng phải hai, cảnh chính là tâm, tâm chính
là cảnh, tâm cảnh không hai, mà là một thể. Vậy tại sao không hiện Thế giới Cực
Lạc, mà lại hiện tam đồ lục đạo, trải qua những ngày khổ như thế này?
Phật nói với chúng ta, chúng ta vốn là Phật, chúng ta có kho báu vô tận,
nhưng mà không biết, nên đang trải qua những ngày lang thang khổ sở. Phật khai
mở ra, khiến chúng ta thấy được, thấy được những thứ chưa nhận thức được ở bên
trong. Giống như chúng ta đi vào Viện bảo tàng Cố Cung, bên trong đã sắp bày ra
rất nhiều thứ, mà không nhận biết, cần phải có người chỉ bày cho chúng ta, giới
thiệu cho chúng ta, giới thiệu như vậy, thì chúng ta liền sáng tỏ rồi, đó gọi là
ngộ. Sau khi ngộ rồi, thì làm sao để đạt được lợi ích? Quý vị sử dụng được toàn
bộ trong đời sống thường ngày, đó gọi là nhập. Đây chính là bốn giai đoạn. Cống
hiến của Phật đối với chúng ta chính là: khai, thị. Còn việc ngộ, nhập là hoàn
toàn ở chính mình.
Chúng sanh tiếp xúc được khai thị, phải ngộ nhập được. Ngộ là đã sáng tỏ,
chính là nhìn thấu mà chúng ta thường nói. Nhập là buông xuống được, buông xuống
là nhập; quý vị buông xuống không được, là chưa nhập cảnh giới. Đây là không liên
can với chữ nhận thức hay không nhận thức, cũng không có liên quan với có học
qua hay chưa học qua, mà liên quan ở buông xuống. Nhìn thấu là liễu giải chân tướng
sự thật; buông xuống là không chịu ảnh hưởng của nó nữa. Buông xuống không phải
là đem sự việc vứt bỏ hết, không phải vậy, việc vẫn theo làm, sự việc của ngày
hôm nay vẫn còn phải theo làm, nhưng trong tâm không để lại dấu tích.
Chư vị ở nơi đây phải ghi nhớ, buông xuống là luận ở tâm, luận ở tâm, không
phải nói trên sự. Trên sự có, trong tâm buông xuống là thật buông xuống; nếu trên
sự buông xuống, mà tâm không buông xuống, thì đó là buông xuống giả, không phải
là thật buông xuống, vậy thì không giải quyết được vấn đề, giải quyết vấn đề là
buông xuống ở trong tâm. Có thể hưởng thụ ngũ dục lục trần hay không? Có thể. Vì
sao không thể? Quý vị hưởng thụ, mà ở trong đó không khởi phân biệt, không khởi
chấp trước, thì đúng rồi! Thế nhưng khi quý vị hưởng thụ, mà khởi phân biệt, khởi
chấp trước, khởi thất tình ngũ dục, vậy thì hỏng rồi. Ở trong đó sinh ra nhiều
tác dụng phụ, đó là gây ra mầm ác. Sinh ra những điều đó, những điều đó lại dẫn
đến quả báo, nhân không thiện thì được quả bất thiện, là lục đạo tam đồ. Nếu như
quý vị thọ dụng, mà không có phân biệt, không có chấp trước, không có khởi tâm động
niệm, thì thọ dụng của quý vị chính là thọ dụng của chư Phật Như Lai. Nói với
chư vị, Thật-báo-trang-nghiêm-độ của chư Phật Như Lai chính là thọ dụng như vậy.
Người ở trong Thật-báo-trang-nghiêm-độ có thọ dụng, nhưng không có phân biệt,
không có chấp trước, không có khởi tâm, không có động niệm, đó gọi là chân hưởng
thụ, đó gọi là Thế giới Cực Lạc. Không khởi tâm, không động niệm, cho nên hưởng
thụ đó của quý ngài không có một chút trở ngại, vì không khởi tâm động niệm.
Lão Hòa thượng Hải Hiền biểu diễn cho chúng ta xem, trong xã hội hiện
nay, ngài ở trong xã hội này, mà không khác gì với ngài ở Thế giới Cực Lạc. Ngài
dùng một câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, để thay thế tất cả vọng tưởng tạp
niệm nghiệp thiện và bất thiện, trong tâm không có gì khác, hoàn toàn thanh tịnh,
chỉ có một câu A Di Đà Phật, thiện cũng A Di Đà Phật, ác cũng là A Di Đà Phật, đạt
đến chỗ A Di Đà Phật bình đẳng rồi. Đó chính là phương pháp tu hành của ngài, thật
tuyệt diệu! Trong 24 giờ, bất kể là làm việc gì, mọi lúc mọi nơi, tất cả việc làm
của ngài đều là tu đại định, tu tự-tánh vốn định. Đại sư Huệ Năng nói rất hay: ‘Nào
ngờ tự-tánh vốn tự thanh tịnh’. Tự-tánh là chân-tâm, tự-tánh là bản thể, tự-tánh
cũng gọi là pháp-tánh, cũng gọi là chân-như. Ngày ngày ngài dùng như vậy, ngài
khởi hiệu quả giác. Còn chúng ta khởi hiệu quả mê, tại sao vậy? Vì chúng ta niệm
Phật còn có phân biệt, còn có chấp trước, đó là giả niệm, không phải thật niệm.
Cách niệm như vậy, thì niệm Phật một trăm năm, hai trăm năm, ba trăm năm, cũng không
có hữu dụng, vì vẫn là tạo lục đạo luân hồi.
Trong tâm chúng ta chính là một câu A Di Đà Phật, niệm là A Di Đà Phật,
nghĩ là A Di Đà Phật, là thật niệm, không phải làm giả. Niệm Phật không được
xen tạp, đó là lời mà chúng tôi nói rất nhiều lần trong bao nhiêu năm qua. Niệm
Phật có ba yêu cầu: thứ nhất, không được xen tạp; thứ hai, không được gián đoạn,
tốt nhất là ngày đêm đều không gián đoạn; điều cuối cùng là không được hoài
nghi, đó là thật, một chút cũng không giả. Thật sự tuân giữ: không hoài nghi,
không xen tạp, không gián đoạn, thì không có ai mà không thành công, vả lại còn
thành công rất nhanh. Đây là điều gì? Đây chính là chư Phật Như Lai đến thế giới
này, để làm việc lớn này, là vì điều gì? Là giúp đỡ chúng sanh mau chóng thành
Phật. Quý vị vốn là Phật, hiện tại niệm Phật, thì khẳng định quý vị làm Phật, vì
vốn là Phật mà! Việc thế gian, việc của mười pháp giới đừng để ý tới, tùy duyên
thì tốt, không nên phan duyên. ‘Tùy duyên tiêu nghiệp cũ, chớ lại tạo tội mới’,
là của cổ Đại đức dạy cho chúng ta. Nếu hôm nay chúng ta không biết, ở trong tất
cả người sự vật vẫn khởi tâm động niệm, vẫn có phân biệt chấp trước, đó là quý
vị đang tạo tội mới, quý vị đang tạo nghiệp, thì sai rồi! Trên sự tùy duyên,
trong tâm phải thanh tịnh. Sự vì sao vậy? Là giả thôi. Mọi việc vô ngại, chỉ cần
không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, thì mọi chướng
ngại đều không có. Chướng ngại là khởi tâm động niệm, chướng ngại nghiêm trọng
nhất trong khởi tâm động niệm, đó là đối lập. Nhất định không được đối lập với
người, không được đối lập với sự, không được đối lập với tất cả vạn vật, trước
tiên phải tiêu trừ điều này, thì chính mình thành tựu viên mãn đạo nghiệp trong
đời này, nhất định không được có ý niệm khống chế, càng không được có ý niệm
chiếm hữu, hãy học điều này, từ nơi đây mà hạ thủ. Làm sao để hóa giải ý niệm đó?
Niệm A Di Đà Phật thì hóa giải được rồi.
Trong tâm tôi chỉ có A Di Đà Phật, chỉ có nghĩ A Di Đà Phật, một lòng
mong mỏi về Thế giới Cực Lạc sớm một chút, đến Thế giới Cực Lạc để thành Phật thôi.
Hoàn cảnh tu học ở nơi đó tốt, người có thọ mạng dài, là vô lượng thọ, mà lại
mau chóng thành tựu. Tại sao vậy? Vì hoàn cảnh tu học tốt, nhất định quý vị không
bị gặp duyên chướng ngại, quý vị ở đó thì tìm không ra duyên chướng ngại, mà toàn
là duyên thành tựu cho quý vị. Bởi vì quý vị ở nơi đó, thì quý vị tiếp xúc được
toàn là chư Phật Như Lai, chư đại Bồ-tát. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, phải
hiểu được rằng: vào mọi lúc quý vị cũng có thể tiếp xúc được tất cả chư Phật Như
Lai trong mười phương, quý vị có được năng lực phân thân, ngồi tại nơi ấy nghe A
Di Đà Phật giảng kinh thuyết pháp, và phân vô lượng vô biên thân đến mười phương
thế giới để bái Phật, để cúng dường, nghe Phật thuyết pháp, duyên phận đó trong
thế giới mười phương không có được, chỉ Thế giới Cực Lạc đầy đủ. Cho nên học rộng
nghe nhiều, thì đến Thế giới Cực Lạc là thật học rộng nghe nhiều, được đích thân
chư Phật dạy bảo, vì quý vị có năng lực phân thân. Quý nói xem nhân duyên thù
thắng như vậy, hoàn cảnh học tập thù thắng như vậy, sao có thể không đi chứ?
Đời này quý vị sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là thành Phật,
chính là rốt ráo viên mãn. Cổ nhân chúng ta thường nói: ở trong tầm tay, thì quý
vị thành tựu; đặc biệt là vãng sanh Tịnh-độ, thì quyết định chứng bất thoái chuyển.
Bởi vì Thế giới Tây Phương Cực Lạc là trường học, thầy là A Di Đà Phật, chư Phật
Như Lai mười phương là giáo viên của trường học đó, còn học sinh, thì Đẳng-giác
trở xuống đều là học sinh, Pháp-thân Đại-sĩ là lớp cao cấp; Thanh-văn, Duyên-giác,
Quyền-giáo Bồ-tát là lớp trung cấp; những người chúng ta đới nghiệp vãng sanh,
sanh đến Phàm-thánh-đồng-cư-độ là lớp sơ cấp. Tuy là lớp sơ cấp, nhưng chúng ta
ở nơi ấy hưởng thụ đãi ngộ của lớp cao cấp, đó là quá tuyệt vời, đó là điều mà
thế giới mười phương không có. Quý vị được hưởng thụ đầy đủ đãi ngộ của lớp cao
cấp, đấy là đại từ đại bi của A Di Đà Phật, là 48 nguyện và công đức tu hành năm
kiếp của ngài gia trì cho quý vị, quý vị đã được, đãi ngộ đó là không thể nghĩ
bàn. Tại sao vậy? Tất cả trí huệ, thần thông, đạo lực, sống ở cõi đồng cư vãng
sanh vậy mà bình đẳng với Pháp-thân Bồ-tát, đây là lời của chính đức Thế Tôn nói.
Thế giới mười phương không có, chỉ Thế giới Cực Lạc có. Vì vậy, chư Phật Như
Lai ở thế giới mười phương xưng tán A Di Đà Phật là: ‘Quang trung cực tôn, Phật
trung chi vương’, tất cả chư Phật tôn trọng, tất cả chư Phật ngưỡng mộ, tất cả
chư Phật tán thán. Cho nên trên Kinh Pháp Hoa nói: ‘Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một
đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời’. Đại sư nhân duyên đó chính là dạy chúng
ta trở về tự-tánh, dạy chúng ta ngưỡng tin đức Di Đà, phát nguyện cầu sanh, thân
cận A Di Đà Phật, một đời chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn. Đó là đại nguyện
của chư Phật Thế Tôn, là việc lớn duy nhất của chư Phật Thế Tôn. Quý Ngài không
có sự việc nào khác, chỉ một việc đó thôi, khuyên bảo chúng ta cầu sanh Tịnh-độ,
là vì việc đó mà xuất hiện ở thế gian.
Thời gian hôm nay đã hết, chúng ta học đến đây thôi.
Cảm ơn mọi người.
( Hết tập 10)
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh nước Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.