Responsive Menu
Add more content here...

Tập 12 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2018

 

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2019 (giảng lần thứ 5)

TẬP 12

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Giảng ngày: 15 tháng 1 năm 2019

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Thích Thiện Trang

 

          Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Mời mọi người cùng tôi quy y Tam-Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 150, hàng cuối cùng, 自始至終,唯為此大事因緣“Tự thủy chí chung, duy vi thử đại sự nhân duyên”(từ đầu đến cuối, chỉ vì đại sự nhân duyên ấy), đại sự nhân duyên ấy là: 欲令眾生開示悟入佛之知見“Dục linh chúng sanh khai thị ngộ nhập Phật chi tri kiến”(Mong khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến của Phật), là câu nói này. Khai thị là việc của Phật, còn ngộ nhập là việc của chúng sanh. Quý vị không ngộ nhập được, thì giảng cho quý vị lần đầu, rồi giảng lại lần nữa, không thể thật tin thì không giảng thật sự. 亦即欲一切眾生開明本心,同佛知見,等成正覺“Diệc tức dục nhất thiết chúng sanh khai minh bản tâm, đồng Phật tri kiến, đẳng thành Chánh Giác”(Cũng là muốn cho tất cả chúng sanh khai sáng bản tâm, tri kiến giống Phật, cùng thành Chánh Giác). Đó là nguyện vọng của Phật. Đẳng là bình đẳng, mục đích là dạy quý vị thành Phật, mục đích dạy quý vị được tri kiến giống như Phật. Được hay không? Được. Bởi vì quý vị vốn là Phật, mà chính quý vị không biết. Đại sư Ấn Quang thường nói: ‘Tất cả chúng sanh, đều có Phật tánh, đều đang làm Phật’. Chư Phật Như Lai dạy học ở mười pháp giới, dụng ý của quý Ngài ở tại đâu? Mục đích của quý Ngài là gì? Thật sự nói, bởi vì quý Ngài biết tất cả chúng sanh vốn là Phật, nên vô tận đại bi, thương xót chúng sanh mê mất tự-tánh. Vì mê mất tự-tánh nên họ mới làm những việc trái ngược với tánh-đức, trái ngược với tánh-đức thì biến hiện ra lục đạo tam đồ. Địa ngục những cảnh giới bất thiện đó là như nằm ngủ thấy ác mộng, tuy chỉ là giả, nhưng họ đem giả đó cho là thật, nên cơn ác mộng đó rất là đau khổ, cũng khiến cho người kinh hãi. Vì vậy, Phật giúp chúng ta tỉnh trở lại, làm tất cả thị hiện để dạy bảo chúng ta, khiến chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật, đó gọi là nhìn thấu. Khuyên bảo chúng ta buông xuống vạn duyên, trở về tự-tánh, bởi vì tự-tánh đều không có ba loại hiện tượng, nó không phải là hiện tượng vật chất, cũng không phải là hiện tượng tinh thần, cũng không phải là hiện tượng tự nhiên, thứ gì cũng đều không phải, nhưng có thể sanh vạn pháp; cũng chính là nói: ba loại hiện tượng đó đều là do tự-tánh biến, do tự-tánh sanh, do tự-tánh hiện, nên tự-tánh là gì cũng không phải. Làm sao mới có thể minh tâm kiến tánh? Buông xuống thì được thôi.

Chúng ta đã hiểu đại ý của đoạn này rồi, tại sao Phật xuất hiện ở thế gian? Là tìm những chúng sanh căn tánh chín muồi, để giúp đỡ họ thành Phật; cũng chính là nói, cơ duyên thành Phật của họ đã đến, cơ duyên chín muồi rồi, nên Phật lấy họ làm đương cơ. Chúng sanh khác thì sao? Chúng sanh khác đều là phụ thêm, phụ giúp họ nâng thiện căn phước đức lên, vì đời này họ không thể thành tựu. Cứ từng lần từng lần nâng lên, nâng lên đến chín muồi, thì nhất định quý thành tựu thôi. Nhưng ở nơi đây phải biết, vãng sanh Tịnh-độ cũng là chín muồi, chưa phải chín muồi thì không vãng sanh Tịnh-độ được. Làm sao để biết tôi đã chín muồi hay chưa? Tôi đối với pháp môn này, tôi thật tin, thật sự tin tưởng có Thế giới Cực Lạc, thật sự tin tưởng có A Di Đà Phật, thật sự tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu cho chúng ta là thật chứ không phải giả, tôi thật muốn cầu sanh Thế giới Cực Lạc, tôi niệm câu Phật hiệu A Di Đà Phật này, vậy là thiện căn của tôi chín muồi rồi. Cho nên thiện căn tôi chín muồi hay chưa, không cần phải đi hỏi người khác, người khác không biết đâu, phải hỏi chính mình. Nói cách khác, chính mình thật sự buông xuống rồi, thật sự đem câu Phật hiệu A Di Đà Phật này coi như sinh mạng của chính mình. Cổ đức nói coi như bổn mạng nguyên thần, quyết cầu vãng sanh, thì họ chín muồi rồi. Trong 24 giờ, không rời khỏi A Di Đà Phật, niệm niệm liên tục, trong tâm ngoại trừ A Di Đà Phật ra, điều gì cũng không có, không để trong tâm; đem tâm này quét dọn được thật sạch sẽ, tôi không cần thứ gì nữa, trừ sạch sẽ ý niệm bất thiện, cũng trừ sạch sẽ ý niệm thiện. Nhất định quý vị phải biết rằng, ý niệm bất thiện là dẫn đến ba đường ác, ý niệm thiện dẫn tới ba đường thiện, tất cả đều là sự việc của lục đạo luân hồi, khiến không ra được lục đạo luân hồi. Đã sáng tỏ rồi, thì trừ hết toàn bộ thiện và ác, tôi không cần tất cả nữa, tâm tôi để vào đức A Di Đà Phật, tôi niệm đó là một câu A Di Đà Phật, thì thiện căn tôi chín muồi thôi.

Tôi tin tưởng được bộ kinh này chính là Phật tri Phật kiến, tôi không hoài nghi chút nào đối với kinh này, cách nghĩ cách nhìn của tôi giống với trong kinh đã nói, là Phật tri Phật kiến. Dựa vào bộ kinh này, để chúng ta khế nhập Phật tri kiến, vãng sanh Thế giới Cực Lạc, gặp được A Di Đà Phật, thì quý vị liền đại triệt đại ngộ. Giống như cảnh giới mà đức Thế Tôn đã thị hiện ở dưới cây Bồ-đề, và Đại sư Huệ Năng đã khai ngộ ở trong phòng phương trượng. Khi chúng ta gặp A Di Đà Phật, thì cảnh giới ấy liền hiện tiền, chúng ta liền nhập cảnh giới ấy, là khai sáng bản tâm, đồng tri kiến với Phật, cùng thành Chánh-giác, hoàn toàn là chân thật.  

Tiếp theo mời xem trang 151, hàng thứ năm: 本經興起因緣亦復如是“Bổn kinh hưng khởi nhân duyên diệc phục như thị”(Nhân duyên hưng khởi của kinh này cũng là như vậy), tức là giống như Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm đã nói ở trên, ‘vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ở đời’, kinh này cũng là vì một đại sự nhân duyên như vậy mà xuất hiện ở đời, là vì khai thị ngộ nhập Phật tri kiến cho chúng sanh. Trong phẩm thứ hai của kinh này nói, là vì ‘khai hóa hiển thị bên trong chân thật cho chúng sanh’, đó là Phật vì chúng ta mà chỉ bày tri kiến của Phật. Nếu thọ trì kinh này, y giáo phụng hành, thì chúng ta liền có thể nhanh chóng hoàn thành ngộ nhập tri kiến của Phật. 心得開明第三十四“Tâm đắc khai minh đệ tam thập tứ”(Trong phẩm thứ 34 Tâm Được Khai Sáng nói rằng): 今得值佛,復聞無量壽聲,靡不歡喜,心得開明“Kim đắc trị Phật, phục văn Vô Lượng Thọ thanh, mỹ bất hoan hỷ, tâm đắc khai minh”(Nay được gặp Phật, lại nghe danh Vô Lượng Thọ, hoan hỷ không gì bằng, tâm được khai sáng), tâm được khai sáng chính là khai phát Phật trí, ngộ rõ tự-tánh.

Người thượng thượng căn nghe Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, thì họ có thể thành Phật, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Có người thuộc loại căn tánh, mà khi họ nghe được bộ kinh này, thật tin thật nguyện, niệm Phật thật vãng sanh, thì công đức của họ là bình đẳng với người thượng thượng căn, cũng là tâm được khai sáng, đó là không thể nghĩ bàn. Người xưa có một câu nói, mà chúng ta cũng nghe được nhiều rồi, cũng biết giảng, nhưng thật ra không hiểu ý nghĩa, đó là câu: ‘Chỉ có bậc thượng trí và hạ ngu là không thay đổi’. Không thay đổi là sao? Là họ sẽ không thay đổi, chỉ có thượng trí và hạ ngu thôi. Thượng trí thì thế nào? Là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, thành Phật rồi; còn hạ ngu, thì vãng sanh Thế giới Cực Lạc, cũng thành Phật rồi. Vậy thì chúng ta liền biết, phiền phức ở chỗ nào? Phiền phức là ở hạng giữa. Bậc giữa, người chúng ta gọi là kẻ lơ mơ, không phải thượng, cũng chẳng phải hạ. Hạng người này rất là khó độ, hạng người này phải mất thời gian rất là dài, phải vô lượng kiếp huân tập thành thiện căn. Hiện nay chúng ta thấy được người thượng thượng căn và những người hạ ngu, họ cũng là rất nhiều kiếp vun bồi thiện căn. Huân thành rồi, mà trong đời này chưa có duyên. Hoàn cảnh gia đình tốt, gặp được cha mẹ tốt dạy bảo họ, thầy tốt chỉ bảo cho họ, căn tánh lại nhạy bén. Có những người sanh trong gia đình nghèo khó, căn bản là từ nhỏ không có đi học, làm việc nặng nhọc, nhưng thiện căn trong đời quá khứ sâu dày, mà chưa có dẫn phát ra, khi gặp được pháp môn này, thì họ thật tâm dẫn phát ra rồi.

Cho nên, căn tánh như vậy, người của căn tánh thành Phật là có hai loại: một loại là thượng thượng căn, một loại thật sự là hạ hạ căn, hạ hạ căn thích hợp với Phật, là bậc hạ hạ căn đầy đủ hai chữ ‘hiếu kính’ thì viên mãn rồi, đã viên mãn hai chữ đó, thì hạ hạ căn cũng là thượng thượng căn. Hiếu kính mà có khiếm khuyết, vậy thì không có cách nào. Người hạ hạ căn tôn kính đối với Phật, hiếu thuận đối với Phật, hiếu thuận viên mãn, tôn kính viên mãn, thì họ không nghi ngờ, họ nghe lời, họ thật làm. Quý vị thấy cô Lưu Tố Thanh ở đông bắc, cô thật tin, cô không hoài nghi, thật làm, đem A Di Đà Phật để ở trên tâm, không có điều gì khác nữa. Đó chính là bổn sự, mọi lúc mọi nơi, đều là một câu A Di Đà Phật, em gái Lưu Tố Vân của cô nói, chưa có người làm ra tấm gương sống mà vãng sanh cho mọi người xem, thì cô liền nói để cô làm tấm gương cho. Cô vẫn còn 10 năm thọ mạng, nhưng không cần nữa, muốn ra đi lúc nào thì ra đi lúc đó, thời điểm ra đi rất là rõ ràng, rất là sáng tỏ, nói với em gái là chị lên đài sen rồi, cô là đứng bên cạnh A Di Đà Phật, đồng thời trước đó họ giao hẹn dùng tay ra hiệu biểu thị viên mãn, hoan hoan hỷ hỷ đi làm Phật rồi. Nếu chúng ta học tập theo cô, thì cũng tự tại vãng sanh.  

Gần đây có đồng tu hỏi tôi về một sự kiện, nói ở một đạo tràng niệm Phật, có những người khi niệm Phật, niệm đến trong cơ thể có luồng khí khống chế thân thể, khiến không làm chủ được thân thể, nghiêng ngã hai bên, giống như say sóng vậy, vả lại không phải một người bị như vậy, mà nhiều người như vậy. Hỏi tôi: trả lời thế nào?

Người chân chánh niệm Phật, thì được sự bảo hộ của mười phương ba đời tất cả chư Phật Bồ-tát. Hiện tượng đó là do chấp trước trong tâm của họ chưa buông xuống, tín nguyện có vấn đề, niềm tin không đủ chân thật, nguyện không đủ thiết. A Di Đà Phật là Vô Lượng Giác, trong miệng họ là Vô Lượng Giác, nhưng trong tâm là mê hoặc điên đảo, là chấp trước mãnh liệt, đủ loại chấp trước, có người chấp trước: người thân, tài sản; có sự chấp trước thấy Phật, thấy điềm lành; có sự chấp trước công phu thành phiến, có mong cầu thần thông cảm ứng; đặc biệt có chấp trước hình thức, âm điệu, số lượng niệm Phật… Vì vậy nhất định phải nghe giảng kinh, nghe kinh giúp quý vị buông xuống, giúp kiên cố tín nguyện. Có người nói họ đã nghe kinh mười, hai mươi năm rồi, họ hiểu rồi, không cần nghe nữa. Thật ra quý chưa hiểu. Tiêu chuẩn nghe hiểu của Đại sư Chương gia là chính là buông xuống, quý vị chưa buông xuống chính là chưa hiểu.

Ngoài ra có loại tình huống, đó là nghiệp chướng, oán thân trái chủ của quý vị đến chướng ngại quý vị, họ không muốn quý vị thành tựu. Tại sao vậy? Bởi họ đối với quý vị vẫn còn nhiều oán thù chưa báo, nên họ đang đợi cơ hội. Quý vị thật tu hành, thật vãng sanh, thì họ không báo thù được nữa. Cho nên, người chân chánh tu hành phải thường thường nghĩ đến oán thân trái chủ của mình, mỗi ngày đem công phu tu học của chính mình hồi hướng cho họ. Nhất định phải phát nguyện như vầy: sau khi tôi đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, sẽ nhất định trở lại độ quý vị. Vậy thì họ sẽ không gây phiền phức nữa. Tại sao vậy? Vì họ ở trong lục đạo luân hồi cũng rất khổ, cũng rất muốn thoát khỏi lục đạo. Quý vị có tâm nguyện như vậy, sau khi đến Thế giới Cực Lạc lại dìu dắt họ, thì họ rất hoan hỷ, họ sẽ không gây phiền phức, chướng ngại quý vị nữa. Tâm của quý vị phải chân thành, nói được làm được, không thể lừa gạt được chúng sanh; lừa gạt chúng sanh, thì họ tìm đến quý vị, phiền phức liền lớn rồi!

稱讚淨土佛攝受經“Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh” (Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ), thật ra bộ kinh này chính là Phật Thuyết A Di Đà Kinh, là bản dịch của Đại sư Huyền Trang. Chúng ta thường tụng niệm là bản dịch của Đại sư Cưu Ma La Thập, bởi vì Đại sư Huyền Trang là trực dịch. 即阿彌陀經唐譯本“Tức A Di Đà Kinh Đường dịch bản”(Tức là bản dịch Kinh A Di Đà thời Đường), trong bản kinh đó có một câu nói: 我觀如是利益安樂大事因緣,說誠諦語“Ngã quán như thị lợi ích an lạc đại sự nhân duyên, thuyết thành đế ngữ”(Ta quán đại sự nhân duyên lợi ích an lạc như vậy, nên nói lời thật đế). Ta quán, chữ ‘ta’ là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng, ta thấy được lợi ích an lạc như vậy; sự an ổn, bình an, tự tại, hạnh phúc của Thế giới Cực Lạc, là không tìm được trong thế giới mười phương, đó là đại sự nhân duyên. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Phật thấy được Thế giới Cực Lạc, nên vì chúng ta mà giới thiệu. 說誠諦語“Thuyết thành đế ngữ”(Nói lời thật đế), chính là giới thiệu, chân thành là thành thật, ‘đế’ tức là vô cùng thành thật, không có chút nào giả dối, vì chúng ta mà giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Trong kinh này, phẩm Đại Giáo Duyên Khởi cũng nói: 如來以無盡大悲,矜哀三界,所以出興於世。光闡道教,欲拯群萌,惠以真實之利“Như Lai dĩ vô tận đại bi, căng ai tam giới, sở dĩ xuất hưng ư thế. Quang xiển đạo giáo, dục chửng quần manh, huệ dĩ chân thật chi lợi ”(Như Lai dùng vô tận đại bi, thương xót ba cõi, nên xuất hiện ở đời. Mở sáng đạo giáo, muốn cứu quần sanh, nên ban cho lợi ích chân thật). Huệ chính là ban cho, bố thí lợi ích chân thật cho chúng sanh. Thế nào gọi là lợi ích chân thật? Thành Phật mới là lợi ích chân thật. Tôi đem phương pháp này dạy cho quý vị, quý vị áp dụng phương pháp này có thể thành Phật, thì lợi ích đó mới là chân thật. Nếu tôi đem phương pháp này dạy cho quý vị, quý vị có thể làm Bồ-tát, thì đó không phải là thuần túy chân thật, bởi chân thật nhất định là Vô Thượng Bồ-đề. 84 ngàn pháp môn đều là pháp phương tiện, duy chỉ có pháp này là pháp chân thật.

Thấy cơ duyên chúng sanh chín muồi rồi, cho nên mới 出此一門,橫截生死“xuất thử nhất môn, hoành tiệt sanh tử”(mở ra một cửa, cắt ngang sanh tử), vượt tam giới theo chiều ngang, quả báo của họ là sanh ngang tứ độ, thật không thể nghĩ bàn. Không chỉ có Thích Ca Mâu Ni Phật giới thiệu Thế giới Cực Lạc, mà chư Phật trong mười phương cũng xưng tán sự lợi ích an lạc rốt ráo của Pháp môn này. Trong phẩm thứ 25 Chánh Nhân Vãng Sanh chép: 以此義利故無量無數不可思議,無有等等,無邊世界,諸佛如來,皆共稱讚無量壽佛所有功德“Dĩ thử nghĩa lợi cố, vô lượng vô số, bất khả tư nghị, vô hữu đẳng đẳng, vô biên thế giới, chư Phật Như Lai, giai cộng xưng tán Vô Lượng Thọ Phật sở hữu công đức”( Vì nghĩa lợi ích này, nên vô lượng vô số, chẳng thể nghĩ bàn, không thể tính đếm, vô biên thế giới, chư Phật Như Lai, đều cùng xưng tán công đức của Phật Vô Lượng Thọ). Bởi vì có lợi ích chân thật như vậy, cho nên tất cả chư Phật Như Lai, không có vị Phật nào mà không tán thán A Di Đà Phật, quý Ngài đều vì vô lượng chúng sanh mà tuyên giảng Kinh Vô Lượng Thọ, khuyên bảo mọi người cầu sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Do vậy, đây cũng chính là đại sự nhân duyên của chư Phật Như Lai xuất hiện ở thế gian, mười phương chư Phật Như Lai đều là trợ giáo của A Di Đà Phật.

可見淨土法門之興起,正同於《華嚴》《法華》,同為一大事因緣也“Khả kiến Tịnh-độ pháp môn chi hưng khởi, chính đồng ư Hoa Nghiêm Pháp Hoa, đồng vị nhất đại sự nhân duyên dã”(Có thể thấy sự hưng khởi của pháp môn Tịnh-độ, là đồng nhất với Kinh Hoa Nghiêm và Pháp Hoa, cũng vì một đại sự nhân duyên vậy). Cùng vì một đại sự nhân duyên, nhưng trên thực tế pháp môn Tịnh-độ vượt hơn Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Tại vì sao? Bởi Hoa Nghiêm và Pháp Hoa cuối cùng quay về Tịnh-độ, mà pháp môn này thẳng tắp, bảo quý vị tu Tịnh-độ, là không quanh co lòng vòng, là đơn giản nhất, thuận tiện nhất, phương pháp vững chắc nhất, khiến phàm phu lập tức thành Phật, nên pháp môn này hơn hẳn Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đi một vòng lớn, đến cuối cùng tới Thế giới Cực Lạc; còn đây là một đường thẳng, không có quanh co lòng vòng, là thẳng tắp ngay trong thẳng tắp.

Phật nói câu này, quý vị thấy được, 如是利益安樂大事“Như thị lợi ích an lạc đại sự”(việc lớn lợi ích an lạc như vậy), đó là Thế giới Cực Lạc A Di Đà Phật rộng độ chúng sanh của khắp pháp giới hư không giới. Không giống với chư Phật thông thường, vì A Di Đà Phật là dạy người một đời thành Phật. Vì vậy, không khác với Hoa Nghiêm và Pháp Hoa. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là nhất thừa giáo, được gọi là nhất thừa giáo, là chỉ cho một đời thành Phật, là giảng những lý luận và phương pháp như vậy. Kinh Vô Lượng Thọ cũng là dạy người một đời thành Phật, ưu điểm đó là, ở trong đây nói ‘lợi ích an lạc như vậy’. Ưu điểm đó là trùm khắp ba căn, gồm nhiếp lợi độn, người hạ hạ căn cũng có thể một đời thành Phật, điều này bất khả tư nghị, cho nên là cùng vì một đại sự nhân duyên với Hoa Nghiêm và Pháp Hoa.

Như Lai vì đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời, mục đích là giúp đỡ chúng sanh khai Phật tri kiến, thị Phật tri kiến, ngộ tri Phật kiến, nhập Phật tri kiến. Nên bảo rằng Phật thuyết pháp môn, thật ra mục đích là giúp đỡ vô biên chúng sanh thành Phật, nhưng vì căn tánh của chúng sanh không giống nhau, căn tánh lớn thì tu tập đại pháp, đời này thành Phật; căn tánh nhỏ nên không thể tu pháp lớn, thì lập ra pháp môn phương tiện, dạy cho tiệm tu. Người mà ngay một đời có thể liễu thoát sanh tử tuy có, nhưng rất ít rất ít. Phật vì đại từ đại bi, nên ở ngoài tất cả pháp môn dựa vào tự lực, đặc biệt mở ra pháp môn dựa vào Phật lực, tức là chỉ thị cho người pháp môn tín nguyện niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ. Do đó, bất luận là căn tánh lớn hay nhỏ, đều được dựa vào Phật lực để liễu thoát sanh tử, vậy thì đại sự nhân duyên của Phật ta cũng do đó mà đã được viên mãn.

 Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi. Cảm ơn mọi người.

 ( Hết tập 12)

Nguyện đem công đức giảng kinh nghe pháp hồi hướng đến:

Biến pháp giới, hư không giới, cõi nước mười phương, vi trần pháp giới, tất cả chúng linh, nghe kinh giác ngộ, đều biết niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ, viên thành Phật đạo. (đọc 3 lần)

Tất cả những người bị thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, thỉnh cầu chư Phật Bồ-tát từ bi hóa giải.

Tất cả những người bị chiến tranh, thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, chúng sanh gặp nạn, chúng vong linh vân vân.

Tất cả chúng sanh có duyên với đệ tử chúng con trong đời quá khứ cũng như đời hiện tại, nghe kinh giác ngộ, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ, gặp Phật nghe pháp, hoặc tận huệ khai, chân thật an lạc, mau thoát sanh tử, chóng thành Chánh Giác, như Phật độ sanh.

Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho: các quốc chủ toàn cầu, các nước đều hưng thịnh, tiêu trừ các tai ách, thế giới mãi hòa bình, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề, hết một báo thân này, đồng sanh cõi Cực Lạc.

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0