TỊNH
ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2019 (giảng lần thứ 5)
TẬP
13
Hòa thượng Tịnh
Không chủ giảng
Giảng ngày: 16 tháng 1 năm 2019
Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông
Dịch giả:
Thích Thiện Trang
Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng
học, mời an tọa. Mời mọi người cùng
tôi quy y Tam-Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi
chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung
tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)
Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 151, đếm ngược đến hàng thứ
hai, 何以故?如《彌陀疏鈔》云:今但一心持名,即得不退。此乃直指凡夫自心究竟成佛。若能諦信,何須遍歷三乘,久經多劫?不越一念,頓證菩提,豈非大事。“Hà dĩ cố? Như Di Đà Sớ Sao vân: kim đản
nhất tâm trì danh, tức đắc bất thoái. Thử
nãi trực chỉ phàm phu tự tâm cứu cánh thành Phật. Nhược năng đế tín, hà tu biến
lịch tam thừa, cửu kinh đa kiếp? Bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ-đề, khởi phi đại sự”(Tại
vì sao? Như sách Di Đà Sớ Sao viết: Nay chỉ nhất tâm trì
danh, liền được bất thoái. Đây chính là con đường thẳng tắp để chính tâm phàm phu cứu cánh thành Phật. Nếu thật tin được như thế, thì đâu
cần phải qua lần lượt tam thừa, trải qua nhiều kiếp? Không vượt một niệm, liền
chứng Bồ-đề, chẳng phải là đại sự hay sao?).
Ở trong sách Di Đà Sớ Sao, Đại sư Liên Trì nói: ‘Nay chỉ nhất tâm trì danh, liền được bất thoái’,
chỉ cần nhất tâm trì danh, thì quý vị liền được bất thoái chuyển, hàm nghĩa của
bất thoái chuyển ở đây rất là sâu. Ý nghĩa thế nào? Chính là vãng sanh Thế giới
Cực Lạc đều làm A-duy-việt-trí Bồ-tát, chỉ có A-duy-việt-trí Bồ-tát mới không
thoái chuyển, mà vãng sanh chính là A-duy-việt-trí Bồ-tát.
Kinh vãng sanh của Tịnh-tông, kinh vãng sanh ở đây chính là chỉ cho Tịnh-độ
năm kinh một luận, những bộ kinh luận đó đều là dạy người vãng sanh đến Thế giới
Cực Lạc, đều nói viên chứng tam bất thoái, đây là pháp khó tin. Về ba loại bất
thoái, vị bất thoái là chứng đắc của Tiểu-thừa, còn Bồ-tát Đại thừa chứng được
hạnh bất thoái, đến Pháp-thân Bồ-tát mới chứng được niệm bất thoái. Viên giáo Sơ-trụ
trở lên mới chứng được niệm bất thoái, tức ba loại bất thoái, nhưng vẫn chưa được
viên mãn, không thể nói là viên mãn. Chứng đắc tam bất thoái viên mãn là hạng
người nào? Là từ thất-địa trở lên, quý vị thấy vị thứ này rất cao, đó là A-duy-việt-trí
Bồ-tát.
Trong 48 nguyện A Di Đà Phật nói, hễ là người vãng sanh đến Thế giới Tây
Phương Cực Lạc, tất cả đều là A-duy-việt-trí Bồ-tát, viên chứng tam bất thoái.
Ngài cũng không có nói cõi Phàm-thánh-đồng-cư là ngoại lệ, không nói, không nói
lời này, hay nói cách khác: sanh đến Phàm-thánh-đồng-cư độ hạ hạ phẩm vãng
sanh, cũng thành A-duy-việt-trí Bồ-tát. Làm sao nói cho thông việc này? Chúng ta
đã học Phật nhiều năm như vậy, nên cuối cùng đã làm sáng tỏ, làm rõ ràng rồi: là
do bổn nguyện của 48 nguyện A Di Đà Phật gia trì cho họ, cho nên trí huệ, thần
thông của họ bằng với thất-địa Bồ-tát, không có sai khác so với thất-địa Bồ-tát;
đó không phải là năng lực của chính họ, mà do A Di Đà Phật cho họ thêm, 48 nguyện
cho họ thêm. Nếu đến khi quý vị chứng được, quý vị ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc
bao giờ thì chứng được? Trong kinh thường nói: ‘Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh’,
đó là quý vị thật chứng được rồi. Hiện nay chưa có, cũng chính là bốn độ ba bậc
chín phẩm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quý vị vẫn chưa có khả năng thăng cấp
thật sự đạt đến thật-báo-độ, đến khi chính vị quý thật sự chứng được thật-báo-độ,
thì không cần A Di Đà Phật gia trì nữa; khi chưa chứng được cõi thật-báo, thì đều
là A Di Đà Phật gia trì, khiến trí huệ, thần thông, năng lực, hưởng thụ của quý
vị giống với cõi thật-báo, điều này là sanh đến Thế giới Cực Lạc thì đạt được. Như
đầu thai trong lục đạo luân hồi, mà quý vị đầu thai đến nhà vua chúa, thì một
khi sanh ra liền hưởng thụ giàu sang của vua chúa. Cho nên chúng ta sanh đến Thế
giới Cực Lạc, là hưởng thụ thần thông, đức tướng của A Di Đà Phật. Điểm này cần
phải làm sáng tỏ, phải nhận thức rõ ràng, thì chúng ta đối với Thế giới Cực Lạc,
sự vãng sanh vô cùng thù thắng trang nghiêm đã nói trong kinh sẽ không hoài
nghi, là do Phật lực gia trì. Đó là giảng về ‘chỉ nhất tâm trì danh, liền được bất thoái’.
此乃直指凡夫自心究竟成佛“Thử nãi trực chỉ phàm phu tự tâm cứu cánh thành Phật”(Đây
chính là con đường thẳng tắp để chính tâm phàm phu cứu cánh thành Phật).
Nơi đó là thành Phật cứu cánh nhất, tại sao vậy? Bởi A-duy-việt-trí Bồ-tát mới đạt
tới cứu cánh. Nếu không nói hai chữ ‘cứu cánh’ này, chỉ nói thành Phật, thì viên
giáo sơ-trụ là thành Phật rồi; thêm vào hai chữ ‘cứu cánh’ này, thì khẳng định
là thất-địa trở lên, viên chứng tam bất thoái. ‘Chính tâm phàm phu cứu cánh thành Phật’, đây là chúng ta nói về nhân.
Còn duyên; thì A Di Đà Phật làm tăng thượng duyên cho chúng ta. Quý vị có nguyện,
có tâm như vậy, thì Phật mới có thể giúp đỡ quý vị, tiếp dẫn quý vị đến Thế giới
Tây Phương Cực Lạc. Vì vậy, càng đơn giản hơn nhiều so với Hoa Nghiêm và Pháp
Hoa, không có lòng vòng, mà gọn gàng dứt khoát để giúp đỡ quý vị, thành tựu cho
quý vị. Thành tựu là viên mãn, không phải theo tính giai đoạn, tính giai đoạn là
có A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát, giống như có rất nhiều trạm ở giữa đường; ở
đây không có, mà thẳng tắp đến mục đích, rốt ráo thành Phật.
此乃直指凡夫自心究竟成佛“Thử nãi trực chỉ phàm phu tự tâm cứu cánh thành Phật”(Đây
chính là con đường thẳng tắp để chính tâm phàm phu cứu cánh thành Phật),
là đi con đường này để thành Phật. Then chốt nhất của con đường này là một câu
nói, chính là 若能諦信“nhược
năng đế tín”(Nếu
thật tin được), là câu nói đó. Cho nên, gọi là pháp khó tin. Đế tín là thật
tin, một tơ hào hoài nghi cũng không có. Quý vị thật tin thì sẽ thật làm! Thật
tin, thì thật nguyện vãng sanh, thật niệm Phật. Thật niệm Phật là thế nào? Là
buông xuống tất cả duyên, suốt cả ngày trong tâm xác xác thật thật chỉ có A Di
Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, điều gì khác cũng đều buông xuống, ngay cả kinh
giáo mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong 49 năm cũng đều buông xuống. Tại
sao vậy? Vì quý vị sẽ từ câu A Di Đà Phật này mà đắc niệm Phật tam-muội. Niệm
Phật tam-muội chính là nhất tâm bất loạn, từ sự nhất tâm đến lý nhất tâm. Đạt được
lý nhất tâm bất loạn, sau khi đạt lý nhất tâm sẽ giảng được giống chúng tôi, đó
là đã kiến tánh, kiến tánh thật sự thành Phật rồi. Được lý nhất tâm bất loạn, thì
vãng sanh Thế giới Cực Lạc không phải là Phàm-thánh-đồng-cư độ, cũng không phải
Phương-tiện-hữu-dư độ. Niệm đến sự nhất tâm bất loạn thì sanh đến cõi Phương-tiện-hữu-dư,
niệm đến lý nhất tâm bất loạn thì đến cõi Thật-báo. Thật niệm được hay không? Có
thể niệm được. Chúng ta rất rõ ràng đạo lý này, tại sao vậy? Bởi họ đã buông xuống
toàn bộ vọng tưởng phân biệt chấp trước, đạo lý ở chỗ đó. Nghĩ lại chúng ta, chúng
ta chưa buông xuống, còn họ thật buông xuống rồi. Buông xuống thì kiến tánh, kiến
tánh thì viên mãn. Viên mãn trí huệ, viên mãn đức hạnh, viên mãn tướng hảo, được
đại viên mãn. Viên mãn thì còn có chỗ nào chướng ngại nữa? Không chỉ đối với tất
cả kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong 49 năm, quý vị không có chướng
ngại, mà đối với vô lượng vô biên kinh luận của tất cả chư Phật mười phương đã
giảng, quý vị cũng không có một chút chướng ngại. Tại sao vậy? Bởi đều từ tự-tánh
lưu xuất ra, mà quý vị kiến tánh rồi. Trong Phật pháp không dạy quý vị gì khác,
là dạy quý vị đem vọng xả sạch sẽ, thì trở về tự-tánh, trở về tự-tánh thì quý vị
chứng được Phật quả cứu cánh, rốt ráo thành Phật.
若能諦信,何須遍歷三乘,久經多劫“Nhược năng đế tín, hà tu biến lịch
tam thừa, cửu kinh đa kiếp”(Nếu thật tin được như thế, thì đâu cần phải qua
lần lượt tam thừa, trải qua nhiều kiếp?). Then chốt là ở chữ ‘tín’, thật tin! Thật, phải
giảng chân thật, cần phải giảng thật. Nếu quý vị thật tin, thì không phải trải
qua ba thừa, là: Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, đi lên từng bước từng bước, không
cần như vậy, không cần trải qua giai đoạn. Như đoạn phiền não, quý vị trước tiên
đoạn kiến-tư phiền não thì chứng quả A-la-hán, rồi đoạn trần-sa phiền não để chứng
quả Bồ-tát, sau cùng phá vô-minh phiền não thì thành Phật, đi lên từng giai đoạn
như vậy. Ở đây không như vậy, là một bước lên trời, không có con đường ở giữa. Mấu
chốt là đế tín, đế tín chính là thật tin. Thì nhất định không đi đường vòng, tôi
thực hành là một câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra thì đều buông xuống toàn
bộ, vậy thì quý vị một đời thành Phật rồi, không phải trải qua tam thừa, không
cần trải qua nhiều kiếp. Bởi vì nếu quý vị đi đường A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát,
thì thời gian con đường đó rất dài. Quý vị dùng thời gian rất lâu mới chứng được
quả A-la-hán. Quý vị xem, thời gian của quý vị chứng được sơ-quả, sau sơ-quả thì
qua lại cõi trời cõi người bảy lần, thời gian ở nhân gian ngắn, thời gian ở trên
trời dài, bảy lần qua lại mới chứng được A-la-hán. A-la-hán không đến thế gian
nữa, ngài ở trong tứ thánh pháp giới tu hành, từ A-la-hán đến Bích-chi-Phật, phải
đem tập khí của kiến-tư phiền não đoạn hết, điều này cần thời gian rất dài, rồi
đoạn trần-sa phiền não, tiếp tục đoạn tập khí trần-sa, lại phá vô thủy vô minh,
thời gian là tính bằng kiếp, chứ không phải tính bằng số năm.
久經多劫“cửu kinh đa kiếp”(trải qua nhiều kiếp), như ba a-tăng-kỳ
kiếp, không cần vậy, chỉ một đời thì quý vị thành công, thành tựu rồi. Giáo lý Đại-thừa
thông thừa nói: Bồ-tát tu hành, a-tăng-kỳ kiếp đầu tiên trải qua 40 vị thứ, gồm:
thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, là một a-tăng-kỳ kiếp; a-tăng-kỳ
kiếp thứ hai, từ sơ-địa đến thất-địa; a-tăng-kỳ kiếp thứ ba, gồm bát-địa, cửu-địa,
thập-địa, thời gian dài như vậy, trải qua nhiều thứ bậc như thế. Còn pháp môn Tịnh-độ
thì không cần, pháp môn Tịnh-độ chỉ một câu Phật hiệu.
Trải qua tam thừa thật sự là trải qua rất nhiều kiếp, không chỉ là ba đại
a-tăng-kỳ kiếp, ba đại a-tăng-kỳ kiếp là trong Kinh Hoa Nghiêm nói, nếu từ phàm
phu tu đến viên giáo sơ-trụ hoặc là biệt giáo sơ-địa, phải cần vô lượng kiếp. Viên
giáo sơ-trụ chính là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật, chúng ta học qua
ở Kinh Hoa Nghiêm, thì chưa đoạn tập khí vô thủy vô minh; thật đoạn vô minh rồi,
thì thật sự không khởi tâm không động niệm, tập khí khởi tâm động niệm còn, nhưng
nó không trở ngại. Muốn đoạn hết tập khí ấy, cần phải thời gian bao lâu? Cần phải
ba a-tăng-kỳ kiếp để đoạn tập khí. Không có cách nào khác để đoạn hết tập khí này,
ngoài dùng thời gian dài thôi, thì tự nhiên không còn nữa. Đoạn tập khí ở Thế
giới Cực Lạc cũng nhanh, đem thời gian dài rút ngắn lại rồi. Vì thế, những Pháp-thân
Bồ-tát ở Thế giới Hoa Tạng, cùng với ngài Văn Thù, Phổ Hiền đi đến Thế giới Cực
Lạc, để làm gì? Để đem thời gian của việc đoạn tập khí này rút ngắn lại, là đạo
lý như vậy. Trong phẩm 26 Lễ Cúng Nghe Pháp của kinh này nói: 觀彼殊勝剎,微妙難思議。功德普莊嚴,諸佛國難比。因發無上心,願速成菩提“Quán bỉ thù thắng sát, vi diệu nan
tư nghị. Công đức phổ trang nghiêm, chư Phật quốc nan tỷ. Nhân phát vô thượng tâm,
nguyên tốc thành Bồ-đề”(Quán cõi ấy thù thắng, vi diệu khó nghĩ bàn, công đức rộng trang nghiêm,
cõi chư Phật khó bằng. Nên phát vô thượng tâm, nguyện mau thành Bồ-đề). Vô
lượng vô biên quý đại Bồ-tát ở mười phương thế giới, đều thấy được công đức lợi
ích vô cùng thù thắng của Thế giới Cực Lạc, có thể nhanh chóng viên thành Phật đạo,
cho nên vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Ở trong phẩm 42 Bồ Tát Vãng Sanh, lại đã nêu
ra số lượng Bồ-tát bất thoái vãng sanh Thế giới Cực Lạc từ các cõi Phật phương
khác như cõi nước Phật Viễn Chiếu v.v.., để làm chứng minh cho chúng ta: Thế giới
Cực Lạc là con đường thông suốt rất nhanh của Pháp-thân Bồ-tát viên mãn thành
Phật.
不越一念,頓證菩提“Bất việt nhất niệm, đốn chứng Bồ-đề”(Không
vượt một niệm, liền chứng Bồ-đề).
Một niệm đây chính là danh hiệu A Di Đà Phật! Đốn chứng, không phải tiệm tu, lập
tức liền chứng được. Trong phẩm 43: Không Phải Là Tiểu Thừa của kinh này nói: 若有善男子、善女人,得聞阿彌陀佛名號,能生一念喜愛之心,歸依瞻禮,如說修行,當知此人為得大利,當獲如上所說功德。“Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân,
đắc văn A Di Đà Phật danh hiệu, năng sanh nhất niệm hỷ ái chi tâm, quy y chiêm lễ,
như thuyết tu hành, đương tri thử nhân vi đắc đại lợi, đương hoạch như thượng sở
thuyết công đức”(Nếu
có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào, được nghe danh hiệu A Di Đà Phật, có thể
sanh một niệm tâm ưa thích, quy y chiêm lễ, như thuyết tu hành, phải biết rằng người
ấy được lợi ích lớn, được công đức như đã nói ở trên). Đại lợi ích này chính
là công đức vô lượng vô biên, vô số vô tận đã nói trong bộ Kinh Vô Lượng Thọ này,
quý vị đạt được toàn bộ rồi, nói đơn giản chính là Vô Thượng Bồ-đề, tức là nhập
được cảnh giới của Phật. Làm thế nào đạt được? Như thuyết tu hành, chính là tín,
nguyện, trì danh.
Chấp trì danh hiệu, danh hiệu chính là bốn chữ A Di Đà Phật. Nam Mô không
phải là danh hiệu, A Di Đà Phật mới là danh hiệu. Ý nghĩa của Nam Mô là quy y,
quy mạng, lễ kính. Cả đời Đại sư Ấn Quang dạy người, ngài dạy người niệm sáu chữ,
tại sao vậy? Bởi xem xét đông đảo chúng sanh không có bao nhiêu người thật muốn
vãng sanh, nên niệm sáu chữ hồng danh để kết pháp duyên với A Di Đà Phật. Người
ta chưa có quyết tâm kiên định thật sự muốn sanh Tịnh-độ, nên thêm vào hai chữ ‘Nam
Mô’, đó chính là quy y A Di Đà Phật, quy mạng A Di Đà Phật, cung kính A Di Đà
Phật. Họ không quyết định đời này sẽ đi, nên thêm vào lời cung kính. Quý vị hiểu
được Tổ sư dạy người khác: ngài là dụng tâm thế nào, thì quý vị rõ ràng rồi. Kiên
định tín nguyện, không một chút hoài nghi, tôi quyết định đời này phải đi, vậy
thì quý vị thật buông xuống được vạn duyên. Công phu niệm Phật không đắc lực, mọi
người lo lắng, nghĩ cách này, tìm phương pháp nọ, không tìm đúng được. Quy kết đến
tận gốc đều là tín nguyện xảy ra vấn đề. Nếu thật sự đầy đủ chân tín thiết nguyện,
thì nhất định vạn người tu vạn người đi.
Pháp môn này, ‘Không vượt một niệm’,
thật là quá nhanh rồi! Một niệm này không cách nào tưởng tượng được, một niệm
giác thì phàm phu thành Phật, một niệm giác thì niệm niệm giác. Tại sao vậy? Bởi
những niệm giác đó sinh ra sức mạnh, ảnh hưởng đến một niệm cuối cùng vẫn là giác.
Một niệm giác, hai niệm giác, ba niệm giác, niệm niệm giác, thì đi làm Phật rồi.
Một niệm chúng ta ngày nay là mê, niệm niệm đều là mê. Không nên cho rằng tôi một
niệm giác rồi, một niệm giác thì quý vị làm Phật rồi; quý vị có một niệm giác,
nhưng niệm thứ hai không giác, thì căn bản là niệm trước của quý vị không giác.
Tự cho rằng là giác, nhưng không phải giác, nếu giác thì thành Phật rồi. Như Đại
sư Huệ Năng, đó là giác. Như Thích Ca Mâu Ni Phật ở dưới cây Bồ-đề, đó là giác,
thì không mê lại nữa.
頓證菩提,豈非大事“đốn chứng Bồ-đề, khởi phi đại sự”(liền
chứng Bồ-đề, chẳng phải là đại sự hay sao?). Còn có sự việc nào lớn hơn sự việc
này nữa hay sao? Không có đâu, đây là đại sự thật sự, là đi làm Phật. Quý vị
xem vô lượng kiếp tạo ra sanh tử luân hồi, ngay trong đời này lại đi làm Phật, vĩnh
viễn thoát khỏi lục đạo luân hồi, không phải là đại sự thì việc gì là đại sự chứ?
Phàm phu một đời thành Phật, xem quý vị có phước báo hay không, nếu tin tưởng thì
đó là có phước báo, không tin tưởng thì đó là không có phước báo.
可見淨宗正是直指頓證之法“Khả kiến Tịnh-tông chánh thị trực
chỉ đốn chứng chi pháp”(Có thể thấy Tịnh-tông chính là pháp trực chỉ đốn chứng). Phải ghi
nhớ câu nói này, đây chính là chỗ mà pháp môn này vượt qua tất cả các pháp môn
thông thường khác, pháp môn này thuộc về thẳng tắp, đốn chứng, không phải đường
vòng, mà là đường thẳng, không phải là tiệm tu, rất nhanh thì có thể chứng được,
có thể khiến cho phàm phu một đời chứng được quả vị cứu cánh, chỉ có một pháp môn
này, đây là nói lời thật.
以念佛心,入佛知見“Dĩ niệm Phật tâm, nhập Phật tri kiến”(dùng tâm niệm Phật, để
nhập Phật tri kiến). Trong tâm quý vị chỉ có A Di Đà Phật, thì tâm chính
là Phật, Phật chính là tâm, tri kiến của quý vị chính là Phật tri Phật kiến. Quý
vị ở thế gian này vô sự rồi, buông xuống hết cả, người khác hỏi điều gì, đều đáp
‘A Di Đà Phật’, thì quý vị chính là nhập Phật tri kiến. Ai hỏi quý vị điều gì, đều
đáp là một câu A Di Đà Phật, không có câu trả lời khác. Trong bộ kinh này dạy
chúng ta: ‘dùng tâm niệm Phật, để nhập Phật tri kiến’, quý vị thấy nhập Phật
tri kiến là Hoa Nghiêm, là Pháp Hoa. Chúng ta dùng tâm niệm Phật để nhập cảnh
giới Hoa Nghiêm, nhập cảnh giới Pháp Hoa, cảnh giới Pháp Hoa, Hoa Nghiêm chính
là Thế giới Cực Lạc.
淨宗之興起,正由此大事因緣也“Tịnh-tông chi hưng khởi, chánh do
thử đại sự nhân duyên dã”(Sự hưng khởi của Tịnh-tông, chính là do đại sự nhân duyên này vậy).
Đại sự nhân duyên, trước tiên nói là Đức Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện, tại
sao vậy? Bởi trong đại sự nhân duyên ấy lại sinh ra một đại sự, chính là Tịnh-tông,
vì Tịnh-tông mới có thể rộng độ chúng sanh trong chín ngàn năm thời mạt-pháp. Càng
về sau, nghiệp chướng càng nặng càng khốn khổ, nhưng thiện căn phước đức của họ
không có phai mờ, bộ kinh này có thể đem thiện căn phước đức họ dẫn phát ra, khiến
họ có thể tin, có thể nguyện, có thể niệm Phật, thì được vãng sanh. Đó là thế nào?
Là chánh-pháp ở trong mạt-pháp. Chỉ lưu lại pháp này, vì pháp này có thể giúp
người thành Phật, còn phương pháp khác thì không được. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là đại
sự, Tịnh-tông là đại sự trực tiếp ngay ở trong đại sự, là con đường nhanh chóng.
Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học tập đến đây thôi.
Cảm ơn mọi người.
( Hết tập 13)
Nguyện đem công đức giảng
kinh nghe pháp hồi hướng đến:
Biến pháp giới, hư không giới, cõi nước
mười phương, vi trần pháp giới, tất cả chúng linh, nghe kinh giác ngộ, đều biết
niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ, viên thành Phật đạo. (3 lần)
Tất cả những người bị
thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, thỉnh cầu chư Phật Bồ-tát
từ bi hóa giải.
Tất cả những người bị chiến tranh, thiên
tai thảm họa các nơi trên địa cầu, chúng sanh gặp nạn, chúng vong linh vân vân.
Tất cả chúng sanh có duyên với đệ tử chúng
con trong đời quá khứ cũng như đời hiện tại, nghe kinh giác ngộ, phát Bồ-đề tâm,
nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ, gặp Phật nghe pháp, hoặc
tận huệ khai, chân thật an lạc, mau thoát sanh tử, chóng thành Chánh Giác, như
Phật độ sanh.
Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho: các quốc chủ toàn cầu, các nước đều hưng
thịnh, tiêu trừ các tai ách, thế giới mãi hòa bình, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu
khổ ba đường, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề, hết một báo thân này, đồng
sanh cõi Cực Lạc.
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.