Responsive Menu
Add more content here...

Tập 14 – Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú 2018

TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH KHOA CHÚ 2019 (giảng lần thứ 5)

TẬP 14

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Giảng ngày: 19 tháng 1 năm 2019

Giảng tại: Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông

Dịch giả: Lưu Phương Anh

và Thích Thiện Trang

 

Kính chào chư vị Pháp sư, quý vị đồng học, mời an tọa. Mời quý vị cùng tôi quy y Tam-Bảo: A-xà-lê tồn niệm, ngã đệ tử Diệu Âm, thỉ tùng kim nhật, nãi chí mạng tồn, quy y Phật Đà, lưỡng túc trung tôn, quy y Đạt Ma, ly dục trung tôn, quy y Tăng Già, chư chúng trung tôn. (3 lần)

Mời xem Đại Kinh Khoa Chú, trang 152, hàng thứ 6, chúng ta trực tiếp xem Chú Giải của Hoàng Niệm Tổ, 「《華嚴》《法華》均圓頓稱性之教,但其歸趣,卻在本經」“Hoa Nghiêm, Pháp Hoa quân viên đốn xứng tánh chi giáo, đãn kỳ quy thú, khước tại bản kinh” (Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều là giáo pháp viên đốn xứng tánh, nhưng chỗ hướng đến, lại ở kinh này). Hai bộ kinh này, từ trước đến nay, các bậc Tổ sư Đại đức thời Tùy Đường nhất trí công nhận, khẳng định là Kinh Nhất-thừa. Kinh Nhất-thừa là một trong những đại thời giáo của đức Thế Tôn, tổng cộng bên trong có 3 bộ: gồm Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, và còn một bộ là Phạm Võng. Kinh Phạm Võng ngoài một phẩm Phạm Võng Bồ Tát Giới được phiên dịch sang chữ Hán, còn lại không truyền sang Trung Hoa. Bộ kinh ấy cũng là đại kinh, phân lượng rất lớn, chỉ truyền đến một phẩm “Bồ Tát Tâm Địa Giới Phẩm”. Đây đều là viên giáo viên mãn, đốn giáo đốn thành, một đời thành tựu, xứng tánh, bên trong không có quyền xảo, không có phương tiện, là gọn gàng dứt khoát.

Hoa Nghiêm là thời điểm đức Thích Ca Mâu Ni Phật khai ngộ, cũng là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Sau khi kiến tánh, trong hai tuần đầu tiên, ở trong định, Ngài đã đưa ra báo cáo với chúng ta, nói rõ thể, tướng, tác dụng của tự-tánh, cũng là chân-tướng của toàn bộ vũ trụ nhân sinh, nói vô cùng tường tận, trực tiếp độ 41 vị Pháp-thân Đại-sĩ thành Phật. Những vị ấy có năng lực, có thể tin, có thể thọ nhận. Hàng đệ tử dưới tòa của Thế Tôn, như: Xá Lợi Phất là trí tuệ bậc nhất, Mục Kiền Liên là thần thông bậc nhất, mà trên hội Pháp Hoa, quý ngài đều như mù như điếc, quý ngài cũng không có phần, không thể khế nhập cảnh giới, huống chi những người dưới Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, đương nhiên càng không có phần rồi. Vì vậy, Đức Phật bắt đầu giảng A Hàm, là lớp tiểu học. Thời A Hàm 12 năm, giảng về nhân thiên Tiểu-thừa, làm sao giữ được thân người, làm sao sinh cõi trời, làm sao thoát khỏi tam giới chứng quả A-la-hán. Xây dựng nền tảng này trong 12 năm, Đức Phật thấy rằng ngay trong các đệ tử có thể tiếp nhận Phật Pháp Đại-thừa, mới bắt đầu thuyết pháp Đại-thừa, thời đó 8 năm. Thời thứ tư giảng Bát Nhã, gồm 22 năm. Khi đã có nền tảng, lý niệm của đại pháp, thì Đức Phật mới giảng lời thật, là giảng Bát Nhã, giảng Bát Nhã trong 22 năm. Giảng xong Bát Nhã thì giảng đến Pháp Hoa. Nghĩa lý của Pháp Hoa tương thông với Hoa Nghiêm, cùng là pháp Nhất-thừa. Pháp Hoa giảng về cách thành Phật, chính là A-Nậu Đa-La Tam-Miệu Tam Bồ-Đề.

Hoa Nghiêm là Nhất-thừa Viên-giáo. Trong Hoa Nghiêm chúng ta thấy ngài Văn Thù, Phổ Hiền phát nguyện cầu sinh Tịnh-độ; Thiện Tài Đồng Tử vì chúng ta mà biểu diễn sự tu học của Bồ-tát Đại-thừa, đó chính là 53 lần tham vấn; cuối cùng 10 Đại Nguyện Vương của Bồ Tát Phổ Hiền dẫn về Cực Lạc. Hoa Nghiêm quy về Vô Lượng Thọ, hải hội Hoa Nghiêm có 41 vị Pháp-thân Đại-sĩ, số Bồ-tát đó vô lượng vô biên, đều về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là sự thật, một chút cũng không giả, trong kinh giảng đã rất rõ ràng cho chúng ta. Pháp Hoa cũng là Viên-giáo Nhất-thừa, xác xác thật thật chỗ quy thú của hai bộ này là ở Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ đương nhiên cũng là Viên-giáo Nhất-thừa, xác thật là nói về xứng tánh, hoàn toàn là từ bên trong tự-tánh mà biểu lộ ra.

「蕅益大師讚本經云:絕待圓融,不可思議」“Ngẫu Ích Đại Sư tán bản kinh vân: Tuyệt đãi viên dung, bất khả tư nghì” (Đại sư Ngẫu Ích tán thán kinh này rằng: Viên dung tuyệt đối, không thể nghĩ bàn), Đại Sư Ngẫu Ích tán thán Kinh Vô Lượng Thọ viên dung đến tột cùng, 「《華嚴》奧藏,《法華》祕髓」“Hoa Nghiêm áo tàng, Pháp Hoa bí tủy” (là áo tàng của Hoa Nghiêm, bí tủy của Pháp Hoa), áo tàng, bí tủy là hình dung: sâu xa, huyền diệu. Nói điều này với ai? Đối với Quyền-giáo trở xuống, họ không hiểu được, nếu chưa đại triệt đại ngộ, thì quý vị không thể vào được cảnh giới này. Cảnh giới Hoa Nghiêm, cảnh giới Pháp Hoa, là nói về huyền bí của tự-tánh, huyền bí của vũ trụ. Muốn thấu triệt điều này, thì người minh tâm kiến tánh có thể lĩnh ngộ, còn người chưa kiến tánh thì luôn cách xa một tầng.

Một khi sinh đến Thế giới Cực Lạc, những gì hiện ra đều vượt khỏi cảnh giới tình thức, ít nhiều vô ngại, rộng hẹp tự tại, lớn nhỏ cùng dung chứa, dài ngắn đồng thời, chẳng phải là thâm chứng pháp giới Hoa Nghiêm sao? Một khi đến Thế giới Cực Lạc rồi, thì có thể chứng nhập Sự Sự Vô Ngại pháp giới, chẳng phải là Hoa Nghiêm áo tàng ư? Một khi đến Thế giới Cực Lạc thì có thể viên thành Phật quả, không phải là 「一稱南無佛,皆共成佛道」 “Nhất xưng Nam Mô Phật, giai cộng thành Phật đạo” (Một xưng Nam Mô Phật, đều đã thành Phật Đạo) mà Kinh Pháp Hoa đã nói sao?

Tinh tủy thâm mật của Pháp Hoa, là giảng về lý của kinh. Vì sao pháp môn Tịnh-độ gọi là「法華祕髓」“Pháp Hoa bí tủy” (bí tủy Pháp Hoa)? Tinh tủy của Kinh Pháp Hoa chính là muốn cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến của Phật, cũng chính là để chúng sanh thành Phật. Pháp môn Tịnh-độ là「以佛果覺,作我因心。因果如如,直趨究竟」Dĩ Phật quả giác, tác ngã nhân tâm. Nhân quả như như, trực xu cứu cánh” (Đem quả giác của Phật, làm nơi nương tựa tâm ta, Nhân quả như như, thẳng tắp mau chóng cứu cánh). Quả giác của Phật là gì? Chính là danh hiệu, danh hiệu tổng trì chư Phật viên mãn quả giác. Hiện tại chúng ta dùng quả giác của Phật làm nhân địa tu hành của tâm chúng ta, trong tâm ta chỉ có A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật thì chẳng có gì nữa, đó chính là ‘Đem quả giác của Phật, làm nơi nương tựa tâm ta’. Nhân quả như như, nhân như quả, quả như nhân, đó chính là「我心即是阿彌陀佛,阿彌陀佛即是我心」“Ngã tâm tức thị A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức thị ngã tâm” (Tâm ta tức là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật tức là tâm ta). Sau khi sáng tỏ những việc này, thì mới hiểu được công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn. Niệm Phật là niệm như thế nào? Niệm Phật là「全性起修,全修即性」“Toàn tính khởi tu, toàn tu tức tính” (Toàn tánh khởi tu, toàn tu tại tánh). Quý vị không hiểu những đạo lý này, nhưng quý vị chỉ cần thành thật, nghe lời, thật làm, thì sẽ tương ưng với điều này. Lấy vạn đức hồng danh của Như Lai cảm hóa nghiệp thức vô minh của chính mình, cảm hóa hồi lâu, thì vô minh nghiệp thức bèn thành trí huệ đức tướng, chính là「潛通佛智,暗合道妙」 “Tiềm thông Phật trí, ám hợp đạo diệu” (Ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo) mà cổ đức nói.「暗合道妙」“Ám hợp đạo diệu” (thầm hợp diệu đạo), thầm hợp, là tuy dù không biết, nhưng ngầm tương ưng bên trong. Niệm đến lúc tâm thanh tịnh, hoát nhiên quán thông, giống như ‘Tịnh cực quang thông đạt’ được nói trong Kinh Lăng Nghiêm, thẳng nhanh đến cứu cánh quả Phật. Cho nên nói là tinh tủy tâm bí của Pháp Hoa, đó là không đi đường vòng, mà tiến thẳng rất nhanh, hướng theo đại đạo quả Phật cứu cánh, đây thực sự là pháp Nhất Thừa, thực là thuận tiện đến cực độ, viên đốn đến tột cùng, liễu nghĩa đến tột cùng.

Trong sách Di Đà Yếu Giải, Đại sư Ngẫu Ích tán thán rằng: Kinh Vô Lượng Thọ là tuyệt đãi viên dung. Chữ ‘tuyệt đãi’, người bình thường chúng ta nói là ‘tuyệt đối’, tuyệt đối viên dung, không thể nghĩ bàn. Giống với Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, là: Lý Sự vô ngại, Sự Sự vô ngại. Kinh Hoa Nghiêm là lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mới thành đạo, Ngài trong đại tịch định xứng tánh mà tuyên giảng. Còn bộ kinh này, Phật nói ra trong tình huống nào? Trong Phẩm 3: Đại Giáo Duyên Khởi của kinh này nói, Đức Phật「入大寂定,住奇特法,住諸佛所住導師之行,最勝之道」“Nhập đại tịch định, trụ kì đặc pháp, trụ chư Phật sở trụ đạo sư chi hạnh, tối thắng chi đạo” (Nhập đại tịch định, trụ vào pháp đặc biệt, trụ vào hạnh đạo sư của chư Phật trụ, là đạo tối thắng), Phật trụ trong đại định rất sâu, trí tuệ Bát-nhã chiếu kiến của tự-tánh vốn có. Cuối phẩm này, Đức Thích Ca Mâu Ni nói với ngài A Nan, trên thực tế cũng là nói với chúng ta:「如來正覺,其智難量,無有障礙,能於念頃,住無量億劫,身及諸根,無有增減。所以者何?如來定慧,究暢無極,於一切法,而得最勝自在故」“Như Lai chánh giác, kỳ trí nan lượng, vô hữu chướng ngại, năng ư niệm khoảnh, trụ vô lượng ức kiếp, thân cập chư căn, vô hữu tăng giảm. Sở dĩ giả hà? Như Lai định huệ, cứu sướng vô cực, ư nhất thiết pháp, nhi đắc tối thắng tự tại cố”. (Như Lai Chánh Giác, trí huệ khó suy lường, không gì chướng ngại, có thể trong một niệm, trụ vô lượng ức kiếp, thân và các căn, không có tăng giảm. Tại vì sao thế? Bởi định huệ của Như Lai, cứu cánh vô cùng, được tối thắng tự tại đối với tất cả pháp). Đây là vô cùng khen ngợi Pháp-thân, Bát-nhã, giải thoát đức dụng vô biên. Trong Giới Kinh Đức Phật dạy chúng ta, không được tự khen mình chê người, chúng ta xem đoạn kinh văn này, chẳng phải là Thế Tôn tự tán thán mình sao? Tại sao Thế Tôn cần dùng cách thức này để thuyết pháp? Đạo lý này rất sâu. Không có trí huệ chân thật, thì không nói ra được pháp môn này. Bởi y chánh trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc, đều là do đức Di Đà trụ chân thật huệ, 5 kiếp viên mãn đại nguyện, tích lũy công đức vô lượng kiếp mà thành tựu được, tất cả đều là bên trong của chân thật, để mang đến lợi ích chân thật cho chúng sanh, cảnh giới này chỉ riêng Phật với Phật mới biết được, còn chúng ta thì không biết, không nhận thức, không liễu giải được pháp môn này, là pháp môn thù thắng nhất trong tất cả Phật pháp. Người đời thấy được rất cạn, không biết tất cả y báo trang nghiêm, chánh báo trang nghiêm của Thế giới Cực Lạc. Tất cả trang nghiêm đó đều là do Pháp- thân của A Di Đà Phật mà hiện ra, đều quy về quang thọ Pháp-thân. Chúng ta không biết, A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát cũng không biết, giống như trong Phẩm 47: Phước Huệ Mới Được Nghe nói:「如來深廣智慧海,唯佛與佛乃能知。聲聞億劫思佛智,盡其神力莫能測」“Như Lai thâm quảng trí huệ hải, duy Phật dữ Phật nãi năng tri. Thanh Văn ức kiếp tư Phật trí, tận kỳ thần lực mạc năng trắc” (Biển trí huệ Như Lai sâu rộng, chỉ Phật với Phật mới thể biết. Thanh Văn ức kiếp suy Phật trí, dùng hết thần lực chẳng lường được). Chỉ có Phật mới đủ hiểu biết và chứng minh thôi.

Bộ kinh này viên dung tuyệt đối, là Nhất-thừa ngay trong Nhất-thừa, Đại-thừa ngay trong Đại-thừa, Liễu-nghĩa ngay trong Liễu-nghĩa, bộ kinh này thật là không thể nghĩ bàn. Phật thuyết bộ kinh này, là từ trong tự-tánh mà rất tự nhiên lưu lộ ra, huyền diệu không thể nói, bất khả tư nghị. Tư là ý nghiệp, nghị là khẩu nghiệp. Ý này là nói, Phật giảng bộ kinh này, không giống kẻ phàm phu chúng ta phải thông qua suy nghĩ, thông qua suy nghĩ chính là tư, tôi nghĩ vậy; Đức Phật không thông qua suy nghĩ, Đức Phật cũng không thông qua nghiên cứu nghị luận, không hề, mà ở trong đại định tự tự nhiên nhiên lưu lộ ra thôi, đó gọi là xứng tánh.

Phật thuyết bộ kinh này là trong không thể nghĩ bàn mà lưu lộ ra, chúng ta cũng có không thể nghĩ bàn; hay nói cách khác, là: không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Quý vị đi đọc bộ kinh này, học tập bộ kinh này, diễn thuyết bộ kinh này, nghe bộ kinh này, là huyền bí tương ứng với tự-tánh, thì quý vị mới hiểu được. Nếu như quý vị có phân biệt chấp trước, thì nhất định quý vị nghe không hiểu, nhất định quý vị xem không hiểu. Nghe không hiểu, tôi phải suy nghĩ một lát mới hiểu. Càng suy nghĩ càng hỏng bét, suy nghĩ thì lạc vào ý thức thứ 6, lạc trong vọng tưởng. Thông qua suy nghĩ liền đi đến tâm ý thức rồi, đó là thế trí biện thông, không phải khai ngộ thật sự, bởi khai ngộ thật sự thì không dùng tâm ý thức, điều này thật không dễ dàng!

Nghe kinh này hiểu, hay nghe không hiểu cũng không sao, không quan trọng, quan trọng là xây dựng lòng tin thật sự trong quá trình nghe, tin tưởng Thế giới Cực Lạc có thật, tin tưởng thực sự có A Di Đà Phật, tin tưởng chúng ta muốn đến là nhất định sẽ đến được, lão lão thật thật niệm câu A Di Đà Phật là thành công, giải quyết được mọi vấn đề rồi. Mục đích đọc kinh, nghe kinh thật sự của chúng ta, là củng cố niềm tin, nghe hiểu được thì rất tốt, có thể giúp quý vị nâng cao cảnh giới; nghe không hiểu, cũng giúp tăng cường tín nguyện của chính mình, quyết định vãng sanh, vãng sanh rồi sẽ được A Di Đà Phật gia trì, thì điều gì cũng hiểu hết.

「一切諸佛之心要,菩薩萬行之司南,皆不出於此矣」“Nhất thiết chư Phật chi tâm yếu, Bồ-tát vạn hạnh chi tư nam, giai bất xuất ư thử hỹ” (Tâm yếu của hết thảy chư Phật, kim chỉ nam của vạn hạnh Bồ-tát, đều chẳng ra khỏi kinh này). Kinh này là Kinh Vô Lượng Thọ. Muôn hạnh của Bồ-tát, nguyên tắc chỉ đạo tu hành tối cao của Bồ-tát ở Kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ trực tiếp dạy mọi người niệm Phật vãng sanh Tịnh-độ, trực tiếp dẫn đường người vãng sinh Tịnh-độ đạt được mục tiêu triệt ngộ tâm tánh trong thời gian rất ngắn, hơn nữa khi đến nơi đó, thì trí huệ, thần thông, thần lực giống với Thất-địa Bồ-tát. Lời này nghĩa là sao? Ý nghĩa rất sâu, chính là nói: một khi tới Thế giới Tây Phương Cực Lạc, quý vị sẽ có năng lực giống Pháp-thân Bồ-tát, ngàn nơi cầu thì ngàn nơi ứng, chúng sanh nơi nào có cảm, thì quý vị có thể liền đến nơi đó để giáo hóa họ, cần dùng thân nào độ được thì quý vị có thể hiện ra thân đó, giống như 32 ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, có khả năng lớn như vậy, thần thông như thế. Quý vị cần hiểu được rằng: đó không phải do chính quý vị tu thành, mà là uy lực bản nguyện của A Di Đà Phật gia trì cho quý vị, khiến quý vị khởi được hiệu dụng như thế, điều này không phải nghĩ bàn. Chẳng phải là nói đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đợi tôi tu thành mới có thể độ chúng sanh, quý vị đến đó là độ được rồi! Điều này trong 10 phương thế giới chư Phật không có.「是故本經稱為稱性之極談也」“Thị cố bản kinh xưng vị xứng tánh chi cực đàm dã” (Cho nên kinh này gọi là lời giảng vô cùng xứng tánh vậy), cũng chính là nói, từ trong tự-tánh của chư Phật Như Lai, của A Di Đà Phật Như Lai mà bộc lộ ra vô cùng viên mãn. Giảng đến cực điểm, cực chính là viên mãn. Bộ kinh này là Hoa Nghiêm ở trong Kinh Hoa Nghiêm, là Pháp Hoa trong Kinh Pháp Hoa; bộ kinh này toàn là chân thật, chẳng những là bộ kinh bậc nhất do Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết, mà cũng là bậc nhất trong tất cả kinh do chư Phật Như Lai mười phương thuyết, cho nên gọi là xứng tánh cực đàm, cực đàm là nói đến tột cùng rồi, không hơn được nữa, vì đã nói ra tất cả.

Lại xem đoạn tiếp theo, 「又日道隱」“Hựu Nhật Đạo Ẩn” (Lại Đạo Ẩn Nhật Bản), là Đại sư Đạo Ẩn của Nhật Bản,「於所著《無量壽經甄解》中曰:五濁之世,造惡之時,聖道一種今時難修,其難非一」“Ư sở trước Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải trung viết: ngũ trược chi thế, tạo ác chi thời, Thánh đạo nhất chủng kim thời nan tu, kỳ nan phi nhất”. (Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Chân Giải nói: đời ngũ trược, là thời đại tạo ác, thời này khó tu một loại Thánh đạo, vì không phải chỉ có một cái khó). Đời ác ngũ trược là chỉ thời đại chúng ta đây, khi đức Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện đã chỉ ra rồi, thế giới này đã từng có trược ác, nhưng trược ác rất nhẹ, còn chưa nghiêm trọng. Dựa theo ghi chép của người Trung Hoa xưa, thì Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt đến nay là 3046 năm, có khoảng cách rất lớn so với người nước ngoài nói, tất cả những vị lão Hòa thượng, lão Pháp sư của Trung Hoa chúng ta đều dùng theo năm này. Dựa theo cách nói này của Trung Hoa, thì kinh này được Thích Ca Mâu Ni Phật giảng từ 3000 năm trước. 3000 năm trước đã giảng về đời ác năm trược, là rất nhẹ, trược ác đó mới chỉ bắt đầu. Trược ác là gì? Trược, là nhiễm, nhiễm ô, nhưng chưa nghiêm trọng, chỉ mới bắt đầu.

Trong 3000 năm này, Bồ-tát, Thánh nhân đã giáo huấn ở thế giới này. Mục đích dạy bảo là gì? Để ngăn chặn trược ác mở rộng, cũng đạt được thành tựu tương đối hiệu quả. Trung Hoa thời cổ, Thánh nhân dùng đạo trị nước, đạo là vô vi, vô vi mà vô sở bất vi, là đạo cao minh nhất! Đó là sao? Chính trị đại đồng. Đại đồng ở Trung Hoa không phải là lý tưởng, không phải là xã hội không tưởng, mà sự thật đã làm được. Ai đã làm được? Thời Tam Hoàng đã làm được. Sau khi đạo mất rồi thì còn đức, Ngũ Đế đã dùng đức, thời đạo đức trị lý quốc gia là chính trị đại đồng. Sau khi đức mất rồi, thì lại dùng nhân. Nhân là gì? Tam Vương, Tam Vương là Hạ, Thương, Chu, triều đại cũng rất dài, nhà Hạ 400 năm, nhà Thương 600 năm, nhà Chu 800 năm, tổng cộng 1800 năm. 1800 năm đó, người không có đạo đức, nên họ dùng nhân, người nhân yêu thương người, từ mình mà nghĩ đến người, cho nên không được gọi là đại đồng, đây gọi là tiểu khang. Thời Xuân Thu chiến quốc là 500 năm hỗn loạn, Tần Thủy Hoàng đã thống nhất Trung Quốc, ông dùng bá đạo, không dùng vương đạo; dùng vũ lực, không dùng văn hóa, cho nên 15 năm thì mất nước. Trong các triều đại Trung Hoa, nhà Tần là ngắn nhất, 15 năm mất nước. Nhà Hán kế thừa, Hán Vũ Đế rất thông minh, tiếp thu truyền thống Trung Hoa, ông tiếp nhận kiến nghị của Đổng Trọng Thư, tuyển chọn đạo của Khổng Mạnh trong Bách Gia Chư Tử để trị quốc. Khổng Mạnh giảng nhân nghĩa lễ, đặc biệt coi trọng lễ, cho nên dùng lễ trị thiên hạ, dùng lễ giáo để dạy nhân dân. Từ triều Hán đến cuối Mãn Thanh, gần 2000 năm, 2000 năm này Trung Quốc hoàn toàn tiếp nhận lễ. Lễ là tiêu chuẩn thấp nhất, trong 2000 năm đó tuy có thay đổi triều đại, nhưng thời gian không lâu, thời gian động loạn không dài, tổng thể mà nói, xã hội Trung Hoa ổn định hòa bình lâu dài, hàm chứa nguồn văn hóa vô cùng sâu sắc. Dùng văn hóa, có bốn điều mục tổ tông ngàn vạn năm truyền lại là: Ngũ luân, Ngũ thường, Tứ duy, Bát đức; dùng luân lí, dùng đạo đức, dùng nhân quả để giữ vững ổn định lâu dài của xã hội.

Thời gian hôm nay hết rồi, chúng ta học đến đây thôi, cảm ơn quý vị.

( Hết tập 14)

Nguyện đem công đức giảng kinh nghe pháp hồi hướng đến:

Biến pháp giới, hư không giới, cõi nước mười phương, vi trần pháp giới, tất cả chúng linh, nghe kinh giác ngộ, đều biết niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ, viên thành Phật đạo. (đọc 3 lần)

Tất cả những người bị thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, thỉnh cầu chư Phật Bồ-tát từ bi hóa giải.

Tất cả những người bị chiến tranh, thiên tai thảm họa các nơi trên địa cầu, chúng sanh gặp nạn, chúng vong linh vân vân.

Tất cả chúng sanh có duyên với đệ tử chúng con trong đời quá khứ cũng như đời hiện tại, nghe kinh giác ngộ, phát Bồ-đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tịnh-độ, gặp Phật nghe pháp, hoặc tận huệ khai, chân thật an lạc, mau thoát sanh tử, chóng thành Chánh Giác, như Phật độ sanh.

Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho: các quốc chủ toàn cầu, các nước đều hưng thịnh, tiêu trừ các tai ách, thế giới mãi hòa bình, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có ai thấy nghe, đều phát tâm Bồ-đề, hết một báo thân này, đồng sanh cõi Cực Lạc.

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh-độ
Trên đền bốn ơn nặng
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát tâm Bồ-đề
Hết một báo thân này
Đồng sanh cõi Cực Lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Trả lời 0