Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 10

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 10: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 10.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 28.08.2024

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

https://www.youtube.com/watch?v=NrHdsDL0CbM

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

          Nam Mô A Mi Đà Phật!

          Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Hôm nay là bài thứ 10 trong chia sẻ về Luận Câu Xá. Hôm nay chúng ta vẫn học về hai phần, một phần là A Tỳ Đàm, phần thứ hai là bộ Luận Câu Xá. Phần Luận Câu Xá mở đầu [thì] hơi khó khăn cho chúng ta. Thiện Trang thấy bộ này hay, nhưng ngôn ngữ của bộ Luận Câu Xá thì hơi khó. Còn bộ A Tỳ Đàm, [vì] Thiện Trang báo cáo nội dung tâm đắc, nên quý vị nghe dễ dàng hơn.

          Chúng ta biết Phật pháp rất nhiệm màu, rất thực tế. Nếu ai thực hành đúng pháp, thì đều có sự nhiệm màu, đều có sự linh ứng. Nếu mình tu mà mình không có thực hành, thì những pháp học của mình, cũng không giúp ích gì nhiều cho mình lắm. Cho nên phải có sự trải nghiệm thực hành.

Hôm nay Thiện Trang khác với mọi ngày, hôm nay Thiện Trang giới thiệu hai câu chuyện thực tế ở trong đời sống. Đầu tiên, [mời] quý vị theo dõi, có một người đồng tu gửi cho Thiện Trang trên Zalo, nội dung người ta nhắn như thế này:

“A Mi Đà Phật! Con kính chào Thầy ạ. Con xin gửi ảnh con trai con và chia sẻ chút về cơ duyên học Phật của con, để hi vọng Thầy có dịp nào đó chia sẻ với đại chúng ạ. Bạn này lúc con mang thai bác sĩ bảo phải bỏ thai vì khả năng 90% bạn ấy sẽ bị mù điếc bẩm sinh (có hình ảnh luôn, nhưng Thiện Trang xin phép không đưa hình [ảnh] lên đây, hình trẻ nhỏ thì không nên đưa lên, [vì] vi phạm luật bảo vệ trẻ em). Lúc đó con chưa học Phật, nhưng con cũng không làm theo lời bác sĩ mà về tìm hiểu thêm. Con đã tìm hiểu quan điểm của Phật pháp đối với việc phá thai, và con biết đó là hành động không đúng, nên con cũng không phá thai. Và từ đó con cũng đọc các sách về Phật pháp, đặc biệt con đọc về cuộc đời của đức Phật và các câu chuyện tiền thân của đức Phật.

Sau đó con đã phát nguyện: 1. Cho con được đời đời sinh ra ở trước Phật, gặp Phật pháp tu hành. 2. Dù con trai con sinh ra có bị dị tật, con xin tín tâm của con đối với Phật pháp vĩnh viễn không thay đổi. 3. Nếu phải có một đứa trẻ bị dị tật, xin chỉ có một người đó là con của con. Còn tất cả mọi người đều được sinh con khỏe mạnh bình an.

Thực tế thì con đã sinh con rất thuận lợi, bé sinh ra đời ngoan và thương mẹ. Lúc nhỏ thường lễ mẹ và không muốn làm mẹ buồn. Hiện cháu đã học lớp 8 Thầy ạ. Con xin được chia sẻ câu chuyện của mình. Vì hiện tại nhiều người mê tín khoa học, bác sĩ bảo bỏ thai là bỏ, không có tín tâm đối với Phật pháp. Con xin tri ân công đức của Thầy ạ”.

Đây là câu chuyện của một vị đồng tu, để chúng ta có thêm niềm tin. Tức là vị ấy mới đầu mang thai, lúc đó chưa biết Phật pháp. Bác sĩ nói là phải bỏ, vì 90% là bị mù điếc bẩm sinh. Tuy nhiên vị ấy đã nhờ tìm hiểu thêm về Phật giáo, có lẽ căn lành rất lớn, nên từ đó thấy hành động đấy không đúng, [và] cố gắng học theo Phật pháp. Nhờ câu chuyện về cuộc đời của tiền thân đức Phật, cuộc đời về đức Phật, mà [vị đó] phát ba nguyện. Quý vị thấy, nhờ phát ba lời nguyện đó mà có lẽ chuyển được nghiệp, cho nên khi đứa bé sinh ra đời không sao, không có bệnh, thậm chí còn ngoan, thương mẹ, và bây giờ cũng đã học đến lớp 8 rồi.

Cho nên quý vị thấy Phật pháp rất linh ứng, nếu mình làm đúng. Quý vị để ý lại về lời nguyện vừa rồi. Có ba lời nguyện:

1. Cho con được đời đời sinh ra ở trước Phật, gặp Phật pháp tu hành. Đây là một lời nguyện rất tuyệt vời đúng không quý vị? Rõ ràng mới học Phật pháp mà nguyện được [như vậy].

2. Dù con trai con sinh ra có bị dị tật, con xin tín tâm của con đối với Phật pháp vĩnh viễn không thay đổi. Đây cũng là một nguyện chấp nhận nhân quả đúng không!

3. Thiện Trang nghĩ nguyện này quan trọng, nguyện này thay đổi vấn đề kia. Còn hai nguyện trên là để tu hành, thì đúng rồi. Nếu phải có một đứa trẻ bị dị tật, xin chỉ có một người đó là con của con. Còn tất cả mọi người (con của người khác) đều được sinh con khỏe mạnh bình an”. Như vậy giống như lời nguyện của đức Phật, cho nên chính nhờ đó mới thay đổi. Giống như câu chuyện mà đức Phật ở trong Địa ngục Hỏa Xa. Ngài cũng nguyện chịu tội thay cho chúng sanh.

Quý vị thấy Phật pháp rất nhiệm màu, nếu ai biết tu. Chúng ta phải biết tu, phải dụng công khi còn khỏe mạnh. Như hôm nay Thiện Trang cũng đã nhận được một tin nhắn, từ một vị đồng tu. Vấn đề là chúng ta khi tu, nếu mình không có thực hành, thì mình sẽ có nhiều vấn đề. Ví dụ như mình thực hành không đủ, thì cũng khó mà vượt qua những nghiệp chướng. Và khi nghiệp tới thì mình cũng không đủ sức để [vượt qua]. Khi mình còn trẻ, còn khỏe, thì mình tưởng là dễ, nhưng khi mình bệnh xuống thì rất khó khăn.

Ví dụ như gần đây, Thiện Trang được đọc tin nhắn của một đồng tu. Đồng tu [đó] nói là khi vào bệnh viện chữa bệnh, thì dụng công không được. Đồng tu đó trước đây có học về Tịnh Độ, cũng tu theo Nam truyền, [học] Tứ niệm xứ. Nhưng rõ ràng đến khi bệnh xuống, thì sử dụng không được. Lúc đó nói là bây giờ thấy niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát thì dễ hơn.

Quý vị thấy đó, khi mình học theo A Tỳ Đàm thì mình thấy rất rõ. A Tỳ Đàm nói là lúc khó khăn nhất, lúc lâm chung, thì sử dụng [điều gì]? Đó là người có niềm tin, có đức tin, thì dễ xài. Còn mấy [phương pháp] quán v.v… nếu mình tu chưa đủ thì mình xài không được. Đó là điểm mà mình phải để ý.

Cho nên mình tu, thì phải ráng [dụng] công phu, hàng ngày phải xả Thân kiến v.v… để khi nào đó đau, bệnh tới, thì mình tự tại với [điều đó], thì mình được. Còn tới lúc đó mình vẫn nghĩ thân thể là ta, đau đớn mọi thứ, mình quán không nổi, thì chỉ xài một chiêu thôi, là xài đức tin. Là niệm Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, hay niệm gì, thì được.

Nếu quý vị là người học có thâm nhập lâu dài, thì quý vị nhìn những sự việc đó nhẹ nhàng lắm. Quý vị nhớ trong kinh có kể câu chuyện về Trưởng giả Cấp Cô Độc, khi ổng sắp qua đời, ổng rất đau đớn. Lúc đó ngài Xá Lợi Phất với ngài A Nan tới, để thuyết pháp cho ổng. Trưởng giả Cấp Cô Độc nói là ổng rất đau. Sau khi hai ngài thuyết pháp [xong] thì ổng qua đời, và ổng cũng rất là đau đớn.

Chúng ta thấy, nếu đau đớn như vậy là bình thường. Nhưng sau đó thì ổng được sanh vào cõi Trời. Ổng sanh lên cõi Trời rồi, thì ổng trở lại xuống nhân gian, đi tới thăm đức Phật, và nói bài kệ.

Nếu như ta nhìn câu chuyện đó, quý vị thấy lúc trước đó một chút, [thì ổng] rất đau đớn, rất khổ sở, nhưng chỉ sau khi chết thì [ổng] sanh lên cõi Trời, và chuyển qua thân thể mới tốt đẹp hơn. Quý vị phải thường nhớ câu chuyện như vậy, để khi nào mình đau, mình bệnh, mình sắp chết, v.v… đứng trước cửa tử, thì mình nhớ đến câu chuyện của Trưởng giả Cấp Cô Độc, thì quý vị thấy an tâm, quý vị thấy bớt [lo].

Bởi vì chúng ta tu nhân lành, thì sẽ được sanh đến cảnh giới lành. Mình phải huân tập đầy đủ, mình phải có niềm tin. Và quan trọng nhất là nếu những người tu có công phu Thiền sâu, người tu Tịnh Độ, thì có cảnh giới mà ra đi. Cho nên đừng lo, đừng sợ! Quý vị phải vững tâm.

Và tu như thế nào? [Đó là] phải biết tu Thiền chỉ và Thiền quán. Ở bài hôm trước của lớp kia, Thiện Trang có nói là: đức Phật nói có hai pháp để tu, là Thiền chỉ và Thiền quán. Còn ở đây Thiện Trang đặt tựa đề là:

Biết Thời Nghi

Trích từ Kinh Số 1 – Phẩm 39- Đẳng Pháp – Kinh Tăng Nhất A Hàm

“Sao gọi là Tỳ-kheo biết thời nghi? Ở đây, Tỳ-kheo biết thời tiết (biết thời gian) khi nên tu quán thì tu quán, khi nên tu chỉ thì tu chỉ, nên im lặng biết im lặng, nên đi biết đi, nên tụng biết tụng, nên trao người trước liền trao cho người trước, nên nói biết nói. Tỳ-kheo không biết những việc ấy, không biết thời thích hợp tu chỉ, tu quán, tiến, dừng, đó chẳng phải là Tỳ-kheo. Tỳ-kheo biết thời tiết ấy thì không để mất thời cơ thích hợp, đó gọi là biết tùy thời thích hợp. Tỳ-kheo như vậy là biết thời nghi”.

Ở đây Thiện Trang muốn nhấn mạnh cho quý vị, là biết lúc nào nên tu Quán thì tu Quán, lúc nào nên tu Chỉ thì tu Chỉ, nên im lặng thì im lặng. Điều này thì tùy theo công phu. Ở đây đức Phật nói mình phải khéo tu, có những lúc mình thì cần tu điều này, [có lúc] thì cần tu điều kia.

Ví dụ các đồng tu hỏi về nhập thất. Thiện Trang nói do mình tu pháp Niệm Phật, nhưng Thiện Trang căn tánh nhiều đời, Thiện Trang nghĩ quý vị cũng vậy, thích nghe pháp, cho nên khi [vào] các thời khóa nhập thất, thường Thiện Trang chủ yếu sẽ nghe pháp là chính, nghe pháp, học pháp, phiên dịch. Thiện Trang bây giờ phiên dịch cũng không xen tạp gì mấy, không có tra từ điển gì mấy, nên Thiện Trang chỉ học. Học đến khi nào tự nhiên tâm thanh tịnh, một ngày mình dành nhiều thời gian để nghe pháp, nghe đang đã thì cứ nghe, nghe đến khi nào thì tự động vào công phu.

Có nghĩa là khi nghe pháp, thực ra mình tu thiên về Thiền quán hơn. Và khi Thiền quán sâu, thì tự nhiên cũng đắc được Thiền chỉ. Khi đó chỉ thích là buông xuống để tu Thiền chỉ, lúc đó tọa thiền hoặc ngồi niệm Phật v.v… thì tự nhiên vào rất sâu. Còn bình thường mình niệm kiểu đó thì không vào, khó vào, lâu vào, mất nhiều thời gian. Đấy là một cách. Mà khi vào rồi thì thoải mái, tâm mình là pháp, quý vị thấy rất dễ dàng, không cần học nhiều.

Hôm nay Thiện Trang xin trở lại với các chi thiền. Hôm bữa là tâm Sắc giới rồi, hôm nay sẽ học tiếp tâm Vô sắc giới. Trước khi vào tâm Sắc giới, thì Thiện Trang giới thiệu lại các tầng trời cho quý vị nắm về tổng quan.

TTTên cõi trờiTuổi thọ trờiNăm ở cõi ngườiGhi chú
1Tứ Thiên Vương5009 triệu nămDục giới
2Đao Lợi1.00036 triệu năm
3Dạ Ma2.000144 triệu năm
4Đâu Suất4.000576 triệu năm
5Hóa Lạc8.0002.314.000 năm
6Tha Hóa Tự Tại16.0009.216.000 năm
7Phạm Chúng1/3 kiếp Sơ thiền (Kinh tạng)
8Phạm Phụ1/2 kiếp 
9Đại Phạm1 kiếp 
10Thiểu Quang2 kiếp Nhị thiền (Kinh tạng) – Tam thiền (A Tỳ Đàm)
11Vô Lượng Quang4 kiếp 
12Quang Âm (Cực Quang)8 kiếp 
13Thiểu Tịnh16 kiếp Tam thiền (Kinh tạng) – Tứ thiền (A Tỳ Đàm)
14Vô Lượng Tịnh32 kiếp 
15Biến Tịnh64 kiếp 
16Phước Sanh*128 kiếp Thuộc Tứ (Ngũ) thiền Sắc giới Phàm phu
17Phước Ái* 
18Quảng Quả*250 kiếp 
19Vô Tưởng500 kiếp 
20Vô Phiền1.000 kiếp Ngũ Tịnh Cư – thuộc Tứ (Ngũ) thiền Sắc giới
21Vô Nhiệt2.000 kiếp 
22Thiện Hiện4.000 kiếp 
23Thiện Kiến8.000 kiếp 
24Sắc Cứu Cánh16.000 kiếp 
25Không Vô Biên Xứ20.000 kiếp Tứ (Ngũ) thiền Vô sắc giới
26Thức Vô Biên Xứ40.000 kiếp 
27Vô Sở Hữu Xứ60.000 kiếp 
28Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ84.000 kiếp 
*Có bộ phái gộp 3 tầng trời này thành 1, có bộ phái lại nói thêm trời Vô Vân gồm trời Quảng Quả và Vô Tưởng …

Thứ nhất là trời Tứ Thiên Vương. Tuổi thọ của cõi Trời [này] tối đa là 500 năm, có thể yểu mệnh. Ở trời Tứ Thiên Vương này có cả Súc sanh và thậm chí là có Ngạ quỷ ở trên đó v.v… Nên trời Tứ Thiên Vương tuổi thọ là không cố định, tối đa là 500 năm, có thể yểu mệnh, chết trước. Nếu đổi ra một ngày một đêm ở trời Tứ Thiên Vương, [thì] bằng 50 năm ở nhân gian. Một tháng ở đó cũng có 30 ngày, đức Phật nói ở đó một năm cũng có 12 tháng, nhân ba con số đó lại với nhau: 500 x 50 x 360 ngày/năm thì chúng ta ra được con số là 9 triệu năm.

 Ở trời Đao Lợi là tầng trời thứ hai, thì tuổi thọ là 1.000 năm, tính ra ở nhân gian là 36 triệu năm. Theo cách tính như vậy, nó cũng tăng gấp đôi lên. Một ngày ở trời Đao Lợi bằng 100 năm ở nhân gian.

Trời Dạ Ma cũng tương tự, tuổi thọ [của cõi Trời này] là 2.000 năm, [tính ra] là 144 triệu năm ở nhân gian chúng ta.

Tuổi thọ của trời Đâu Suất là 4.000 tuổi, đổi ra ở nhân gian là 576 triệu năm. Con số này có kinh nói chính là thời gian đức Phật Di Lặc ra đời.

Trời Hóa Lạc là tầng trời thứ năm, tuổi thọ tăng gấp đôi, là 8.000 năm, [đổi ra] là 2.314 triệu năm.

Tuổi thọ của trời Tha Hóa Tự Tại là 16.000 năm, đổi ở nhân gian là 9.216.000.000 năm.

Sáu tầng trời này gọi là tầng trời Dục giới. Dục giới là có tâm dục giới đó quý vị. Nhưng Dục giới của họ nhẹ hơn, họ ít hơn chúng ta, nên họ được sanh vào đây.

Hôm bữa mình học với các tầng Thiền, tâm của Sơ thiền gồm có Năm chi thiền. Nếu quý vị đắc Thiền, quý vị sẽ sanh vào ba tầng trời của Sơ thiền, [đó là] theo kinh tạng. Gồm có trời Phạm Chúng là 1/3 kiếp, Phạm Phụ là 1/2 kiếp, và Đại Phạm là 1 kiếp. Ở đây là Sơ thiền theo kinh tạng, còn Sơ thiền theo A Tỳ Đàm cũng nằm ở trong này, nhưng có tầng nghĩa giữa nữa, gọi là có Tầm mà không có Tứ, hoặc không Tầm không Tứ. Những cái giữa nữa gọi là Thiền trung gian.

Ở đây về thời gian kiếp, Thiện Trang có coi trong Kinh A Hàm hay A Tỳ Đàm, thì thời gian kiếp này có nhiều cách nói. Nhưng đức Phật nói thời gian kiếp, giống như có một cái hộc lớn, rộng một do-tuần. Quý vị biết rộng một do-tuần là lớn lắm. Do-tuần có người nói là mấy chục cây số, còn đức Phật chỉ nói do-tuần thôi, có người nói khoảng 11 cây số v.v… Đơn vị do-tuần là đơn vị, mà hồi xưa một ngày đội quân hành quân, cho nên cũng không biết đội quân đó đi được bao xa. Nhưng quý vị tưởng tượng, một cái hộp hình vuông, một cạnh hình vuông là một do-tuần, mình cứ lấy số nhỏ nhất là 11 cây số, có khi số lớn là 40 cây số, 30 cây số, 60 cây số, v.v…

Một do-tuần như vậy, mình lấy số nhỏ nhất, là 11 cây số (có người giải thích như vậy), một [hộp] hình vuông như vậy mà bỏ đầy hạt cải trong đó. Quý vị biết hạt cải thì nhỏ lắm, có chút [xíu] à. Cứ 100 năm tới lượm đi một hạt cải, lượm bao giờ hết [số hạt cải] trong đó, mà kiếp số vẫn chưa hết. Thời gian kiếp đó là Đại kiếp. Cho nên Đại kiếp ở Trái đất là thời gian rất lâu.

Còn tuổi thọ loài người thì có nhiều cách giải thích. Hồi xưa Thiện Trang nghe có thuyết, cũng là nghe người ta giảng mà mình nói lại thôi. Đó là tuổi thọ loài người bắt đầu từ trời Phạm Thiên xuống, [là] 84.000 tuổi, rồi cứ 100 năm giảm đi một tuổi, giảm cho đến khi còn 10 tuổi. Rồi tăng ngược lại từ 10 tuổi, cứ 100 năm tăng một tuổi, tăng đến 84.000 tuổi. Như vậy gọi là một Tiểu kiếp. 20 Tiểu kiếp như vậy là một Trung kiếp. Bốn Trung kiếp Thành, Trụ, Hoại, Không thì ra một Đại kiếp.

Tuy nhiên sau này Thiện Trang duyệt hết Kinh A Hàm, hầu như Thiện Trang coi gần như hết Kinh A Hàm rồi, còn sót một số là do coi chưa kỹ, lướt lướt, bây giờ ráng coi lại để bổ sung. Thiện Trang thấy là nội dung đó hình như không có trong kinh, không biết từ đâu, hay là Thiện Trang duyệt chưa kỹ, hay là từ kinh khác nữa. Nhưng Thiện Trang thấy trong Kinh A Hàm nói theo ví dụ vừa rồi. Và đức Phật nói là tuổi thọ loài người ở trên Trái đất này là vô lượng. Vô lượng, ngôn ngữ trong A Tỳ Đàm có khi gọi là a-tăng-kỳ năm.

Con số a-tăng-kỳ có hai cách nói: Một là 1 x 10140, tức là con số 1 đằng trước với 140 số 0 đằng sau, về năm gọi là một a-tăng-kỳ. Còn cách khác nữa, a-tăng-kỳ chính là vô lượng, con số rất lớn là vô lượng. Theo trong Kinh A hàm nói tuổi thọ loài người mới đầu là vô lượng, hoặc có thời gian là vô lượng, tùy thuộc vào các vị vua Chuyển Luân Thánh Vương ra đời, họ cai trị nhân dân thế nào.

Giống như có một thời, đức Phật nói là thời đó có rất nhiều vị Chuyển Luân Thánh Vương cha truyền con nối, và đức Phật là một trong những vị đó (ở trong thời này), và ngài A Nan cũng xuất hiện. Cả thời đó bao nhiêu vị vua cứ truyền nhau, truyền nhau, thì tuổi thọ loài người rất tốt, rất cao. Nhưng đến thời cuối cùng, có một vị vua Chuyển Luân Thánh Vương làm sai, khiến cho tuổi thọ loài người giảm. Người đó chính là Đề Bà Đạt Đa.

Tức là pháp đầu tiên xuất hiện là pháp trộm cắp. Khi người ta đói rồi, thì sẽ đi ăn cắp của người khác. Từ pháp trộm cắp, nhà vua mới bắt đầu xử lý bằng cách là bắt [được] ai [thì] chém. Thấy vậy cho nên người ta mới chống đối, sắm dao mác, vũ khí… Nên từ trộm cắp phát sinh thêm một điều nữa là giết người. Từ giết người, sau đó tuổi thọ loài người giảm. Từ trộm cắp [thì tuổi thọ] đã giảm rồi, giờ thêm giết người [thì tuổi thọ] giảm nữa. Và cứ thế giảm, giảm…

Theo trong Kinh A Hàm, có chỗ thì không nói giảm bao lâu, có chỗ [thì] đức Phật nói tuổi thọ giảm một nửa. Có nghĩa là tuổi đằng trước [giảm] rất nhanh, mà giảm hẳn một nữa luôn. Sau khi phát sinh trộm cướp, bắt đầu phát sinh tà dâm, rồi sanh dần dần, nói dối, v.v… đủ các kiểu. sanh hết 10 điều ác, thì tuổi thọ loài người giảm rất nhanh. Chúng ta hiện nay ở thời này ác nghiệp dữ lắm, vì 10 điều ác: Sát sanh, Trộm cướp, Tà dâm, Nói dối, Nói lưỡi đôi chiều, Nói lời thêu dệt, Tham, Sân, Si đầy rẫy, cho nên tuổi thọ loài người đang rất giảm. Đức Phật cũng không nói rõ trong Kinh A Hàm, là bao giờ thì tuổi thọ loài người sẽ xuống 10 tuổi. Đức Phật chỉ nói vậy thôi. Đó là một cách nói trong Kinh A Hàm, Thiện Trang vẫn chưa biết cách nói kia xuất phát từ đâu. Còn ở trong A Tỳ Đàm thì cũng nói tương tự vậy.

Như vậy thời gian 1/3 kiếp, có thể dùng là a-tăng-kỳ kiếp hay a-tăng-kỳ năm. Kiếp này có thể tính là một Đại kiếp hoặc Tiểu kiếp. Chỗ này để chữ kiếp thôi, không biết kiếp này là bao nhiêu.

Tương tự, trời Phạm Phụ là 1/2 kiếp, trời Đại Phạm là 1 kiếp. Thật ra ba tầng trời này, có kinh nói là một tầng trời thôi, nhưng do phước báo của ba hạng người: Hạng người Phạm Chúng giống nhân dân thì thấp hơn, phước báo người làm quan thì khá hơn, và phước báo những người làm vua thì khá hơn nữa, nên được [lên] trời Đại Phạm.

Tiếp theo là ba tầng trời của Nhị thiền theo kinh tạng (là Tam thiền của A Tỳ Đàm), đó là Thiểu Quang, Vô Lượng Quang và trời Quang Âm (Cực Quang). Tuổi thọ tương tự là 2 kiếp, 4 kiếp và 8 kiếp.

Rồi trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh. Đó là thuộc Tam thiền theo kinh tạng (là Tứ thiền của A Tỳ Đàm), thì tăng gấp đôi nữa, là 16 kiếp, 32 kiếp và 64 kiếp.

Lên Tứ thiền Sắc giới có hai kiểu: một là có thể phân trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng quả, trời Vô Tưởng [thành một nhánh]. Thọ mạng [của] hai tầng trời, trời Phước Sanh, trời Phước Ái là 128 kiếp, trời Quảng Quả là 250 kiếp, trời Vô Tưởng là 500 kiếp. Đây là Đại kiếp chứ không phải kiếp nhỏ. Có một số kinh tạng, bộ phái, đem ba tầng trời này chia khác đi, có khi nhập cả trời Vô Tưởng vào trời Quảng Quả nữa. Ở đây có khi chia ra, có khi thêm [vô] trời Vô Vân nữa. Tóm lại là do cách chia khác nhau trong này thôi, [nhưng] mình cứ lấy một ví dụ này cho đủ 28 tầng trời. Còn quý vị thấy người khác chia khác thì cũng đừng nói sai, đó là theo từng bộ phái khác nhau, tùy theo kinh của bộ phái nào, do chia khác nhau thôi. [Trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng quả, trời Vô Tưởng] là Tứ (Ngũ) thiền Sắc giới, đây là phàm phu [tu]. Và trời Vô Tưởng, những người này giống những pho tượng ở trên đó.

Còn năm tầng trời Thánh nhân là: trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Hiện, trời Thiện Kiến và trời Sắc Cứu Cánh (đôi khi nói Ma Hê Thủ La nữa). Ma Hê Thủ La là vua của trời Sắc Cứu Cánh. Tuổi thọ là 1000 kiếp, 2000 kiếp, 4000 kiếp, 8000 kiếp, 16000 đại kiếp.

Kiếp này là thời gian khi Trái đất sanh ra rồi tan hoại đi. Quý vị biết trời Vô Phiền tới 1000 kiếp, rất dài! Tức là 1000 lần Trái đất này sanh ra rồi diệt đi. Cho nên lên trên đó ở đã luôn, sống rất lâu. Quý vị thấy mình [đem] so sánh thời gian này thì mình chẳng là gì hết, thấy mình nhỏ bé lắm. Cho nên hôm bữa mình học mới tới tâm của Vô sắc giới thôi, là mình thấy phước báo trong tâm Vô sắc giới lớn như vậy, được sanh về những tầng trời này.

Hôm nay chúng ta sẽ học thêm bốn tầng trời sau là: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thọ mạng ở đây thì dài hơn nữa, 20.000 kiếp, 40.000 kiếp, 60.000 kiếp, 84.000 kiếp. Kiếp ở đây là Đại kiếp. Và đây là Tứ thiền Vô sắc giới, [cũng] có thể gọi là Ngũ thiền Vô sắc giới. Ở đây Thiện Trang chia sẻ luôn, hôm nay chúng ta học tâm Thiền Vô sắc.

Tâm Thiền Vô Sắc
Gồm 4 tâm
Tâm Thiện Vô sắcĐịnh, xả
Tâm Quả Vô SắcĐịnh, xả
Tâm tố Vô sắcĐịnh, xả
Tâm thắng trí (Tâm Hóa thông, Tâm hiện thông)Định, xả
*Tâm sở định còn gọi là Nhất tâm 
*Tác dụng của nhập vào các đề mục để có Thần thông (Ngũ thông):
Màu trắng hoặc Ánh sángCó ánh sáng
Màu xanhBóng tối
ĐấtĐi đứng trên không, dưới nước
NướcĐộn thổ
Hư khôngĐi xuyên qua tất cả vật cản
*Phàm phu và bậc Thánh hữu học: dùng Tâm thiện Sắc giới để tạo thần thông
*A-la-hán dùng Tâm tố Vô sắc để tạo thần thông
2 tâm này gọi là Tâm thắng trí, Tâm hóa thông, Tâm hiện thông

Tâm Thiền Vô sắc gồm có bốn tâm:

 1. Tâm Thiện Vô sắc có hai chi thiền là Định và Xả, giống như Tứ thiền ở dưới. Định còn gọi là nhất tâm, tức là tâm mình tập trung vào điều gì đó; và Xả là xả hết tất cả mọi thứ.

2. Tâm quả Vô sắc cũng có hai chi thiền là Định và Xả, đó là Tâm sở Định và [Tâm sở] Xả.

 3. Tâm tố Vô sắc cũng vậy, có [hai chi thiền là] Định và Xả.

4. Tâm thắng trí là Tâm hóa thông hay Tâm hiện thông, đó là nói về Thần thông, thì cũng cần Định, Xả. Và Tâm sở định này còn gọi là Nhất tâm.

Ở đây quý vị tưởng tượng thế này, nếu mình tu, sau khi đắc được Tứ thiền Sắc giới rồi (như hôm bữa mình đã học), năm chi thiền mình bỏ dần dần, thì còn lại hai chi thiền cuối thôi. Mới đầu từ Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định, Xả, mình xả bỏ dần dần, cuối cùng còn Định với Xả thôi. Đắc được Thiền đó, thì gọi là Thiền Sắc giới. Nhưng tại sao lại có lên thêm [một] tầng trời nữa?

Ở đây chúng ta hiểu thế này, những người sanh vào trời Vô Tưởng, hoặc là định Vô Tưởng, là họ chán ngán đối với tâm, tức là họ không có tâm, họ không muốn suy nghĩ nữa. [Tuy nhiên] họ chưa chán sắc, tức là họ vẫn cần thân thể, họ chưa chán nên họ vẫn có thân thể giống như những pho tượng. Còn do họ không muốn suy nghĩ, không muốn tưởng tượng nữa, cho nên họ im lặng như vậy. Vì vậy sau khi đắc được Tứ thiền Sắc giới, và với tâm chán ngán như vậy, nên họ sanh vào trời Vô Tưởng. Giống như ngủ một giấc ngủ, quý vị tưởng tượng ngủ cũng sướng lắm mà, ai cũng thích ngủ, cũng êm êm, dễ chịu mà. Với những người có tâm dễ chịu như vậy, họ thích như vậy nên tự nhiên họ sanh vào trời Vô Tưởng.

Học Phật pháp, mình tu thì mình phải hiểu nhân, nhân thế nào thì quả thế đấy. Thiện Trang kể câu chuyện cho quý vị nghe để đỡ buồn ngủ, chứ không thì quý vị ngủ gục hết, nãy giờ nói lý thuyết không. Ví dụ như người ta có tâm thế nào thì sanh vào trời Tứ Thiên Vương? Trong kinh có kể câu chuyện.

Thời đó có một vị Bà-la-môn tên là Kuvera, lúc đó chưa có đức Phật ra đời. Vị này có đời sống rất là hiền lương đạo đức, và sẵn sàng bố thí giúp đỡ mọi người. Ông làm [việc] gì? Ông ở bên [một con] đường nhỏ, có nhiều người đi qua đi lại, ông phát tâm làm một việc thiện rất đơn giản thôi, là xây dựng một quán nước mía, để hàng ngày bố thí cho khách thập phương đi qua đi lại. Tức là ổng làm một quán nhỏ nhỏ ở bên đường, đơn giản vậy thôi. Và ông làm không có mệt mỏi, không ngừng nghỉ, làm suốt như vậy. Không [cần] biết người giàu hay nghèo, quen hay lạ, ai đi đường, cứ đi qua chỗ đó là ổng bố thí nước mía cho. Và hết đời đó ổng được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, thậm chí ông làm vua trời Tứ Thiên Vương luôn. Cho nên chỉ bằng việc tu phước như vậy thôi, mà tu tích lũy nhiều, thì được sanh vào trời Tứ Thiên Vương.

Còn [lên] tới trời Đao Lợi, thì hồi trước Thiện Trang cũng đã chia sẻ. Đụng tới trời Đao Lợi là có liên quan đến Ngũ giới Thập thiện, cho nên là khó hơn. Thôi sẵn kể câu chuyện luôn. Quý vị biết quá khứ của vua trời Đao Lợi không? Trước khi đức Phật Thích Ca ra đời, đức Phật có kể về quá khứ của vua trời Đao Lợi.

Lúc đó ở thôn làng đó, người ta sống rất ác nghiệt. Tức là họ sống ác với nhau lắm, họ có đủ các tệ nạn này kia, họ làm nhiều điều không tốt. Trong [vùng] đó, tự nhiên có ông đó sanh ra đời lại là một người sống cực kỳ tốt, ngược lại với [người ở] xóm đó. Xóm đó, thôn đó ai cũng sống xấu hết, nhưng vị này lại hiền thiện vô cùng, giúp người giữ giới… nói chung là giữ Ngũ giới rất nghiêm. Thậm chí [vị ấy] làm Thập thiện [cũng] rất nghiêm, vì [có] căn lành. Và vị này cũng có chút tiền của bố thí giúp người v.v…

Dần dần [vị đó] dạy được cho nhóm 30 thanh niên khác, để giúp 30 thanh niên khác cũng hiền thiện, làm nhiều việc tốt giúp đời. [Tuy nhiên] dân trong thôn thì [lại] ghét [họ]. Tại vì vị này làm như vậy, thì tự nhiên sẽ khiến cho họ mất mát, kiểu như không có làm ăn được. Rồi vị này lo tích lũy tài sản để sẵn, tới khi nạn tới, khi gặp hạn hán hay bị gì, là vị này xuất tiền của ra cho. Còn chỉ cho người ta vào rừng để lấy gỗ quý về bán, chỉ chỗ mua bán, rồi chỉ cho buôn bán cái này, buôn bán cái kia. [Vị ấy] giúp cho người dân trong thôn đó vượt qua những nạn khó khăn. Cho nên thời gian sau mới đào tạo được 30 người thanh niên theo vị này.

[Việc] làm tốt như vậy, [nhưng] người dân ghét quá, họ kêu: “Hồi trước giờ mình [làm] ăn, mình buôn bán được, là nhờ trộm cướp, nhờ này kia mới làm được. Bây giờ ổng làm như vậy, thì dần dần sẽ ảnh hưởng hết dân trong làng, họ sẽ không làm ác nữa, thì mình sẽ mất mối làm ăn”. Ông thôn trưởng cũng ác, cho nên họ bày ra kế, tâu với vua là trong thôn có 31 tên cướp gian ác, giết người v.v… rất ghê gớm. Mong vua đem quân tới bắt và xử 31 người đó. Ổng nói là tất cả dân trong [vùng] này đều đồng ý như vậy, làm chứng cho vua, thì thế nào vua cũng nghe thôi.

[Khi] truyền lên vua, thì vua cũng không có suy xét, cho bắt 31 người đó để xử tử, [bằng cách] cho đàn voi tới giẫm đạp cho chết. Khi đó 30 thanh niên kia rất là hoang mang và sợ. Còn riêng vị đó nói rằng: Đừng lo, có gì mình cứ giữ giới. Giới sẽ bảo vệ mình”. Câu nói mà ngài Minh Tuệ nói là xuất phát từ câu chuyện đó. Tức là có chuyện gì thì cứ giữ giới, Giới sẽ bảo vệ mình, cho nên giữ đến cùng.

Khi đàn voi dữ chạy tới thì tự nhiên nó sợ, không biết tại sao nó sợ, nó lùi lại giống như có bức tường thành đằng trước vậy. [Khi] cho đàn khác [tới] thì cũng vậy. Cứ [cho] mấy đàn voi tới, mà không có đàn voi nào giẫm chết 31 người đó hết. Cho nên tin đó truyền về vua, vua thấy lạ mới xuống tìm hiểu, hỏi: “Các người đó có thuốc gì ở trong người không? Lục ra coi!”. Lục kiếm hết trong người thì không có thuốc. Tại vì có thuốc gì thì voi mới sợ chứ, chứ tự nhiên sao nó lại sợ. [Vua hỏi]: “Vậy mấy người có trì chú, có bùa chú gì không?”. [Vị đó] nói: “Có! Con có bùa chú”. “Bùa chú là gì?”. [Vị đó nói:] “Bùa chú chính là Giới. Con giữ được Ngũ giới, con làm thiện thế này thế kia. Cho nên chúng tôi có cái bùa chú đó”.

[Khi] nói ra thì vua mới tin, vua mới điều tra lại thì biết là 31 người này bị vu oan. Cho nên [vua] cắt chức thôn trưởng, đổi cho vị này làm thôn trưởng, thậm chí còn ban phát tiền bạc, ban thưởng thêm, [vì] giáo hóa nhân dân tốt đẹp. Và sau vị đó có thêm mấy bà vợ nữa, [tiếp tục] làm [việc] tốt nữa, tổng cộng là 33 người. Như vậy 30 người với 3 bà vợ là 33 người, và thêm ổng nữa là 34 người. Cho nên [kiếp sau họ] lên trời Tam Thập Tam, là trời Đao Lợi. Mỗi người làm thiện như vậy, thì đều có một cung trời để cai quản, cho nên là 33 nước trời, nên gọi là trời Tam Thập Tam.

Trong câu chuyện này, [thì vị đó] còn có một người vợ. Quý vị nghe trong bộ giảng khác, thì Thiện Trang có kể là người vợ thứ tư bị rớt lại làm súc sanh, rồi [được] ổng cứu lên. Ổng cứu lên như thế nào thì quý vị biết rồi, [kể nữa] thì quý vị nghe dài quá, thôi Thiện Trang kể tới đó. Tóm lại đụng tới trời Đao Lợi trở đi là phải đụng tới Ngũ giới. Còn trời Tứ Thiên Vương là làm phước nhỏ mà làm hoài, làm nhiều, là lên được. Đây cũng là có câu chuyện [như vậy].

Còn bây giờ mình tu lên Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền Sắc giới, thì mình dùng các chi thiền. Nếu như người [đắc] Tứ thiền Sắc giới, nhưng nhàm chán không muốn dùng tâm nữa, giống như là thôi đừng có suy nghĩ gì nữa hết, thì những người đó đạt được định, gọi là định Vô Tưởng, chính vì vậy họ sanh vào trời Vô Tưởng.

Lên trên đó rồi, giống như chúng ta, nếu chúng ta quan sát thân thể mình, thì mình cũng nhàm chán. Đôi khi thấy thân thể của mình nặng nề quá, đôi khi [thấy] mệt mỏi, trời nóng trời lạnh… [nên] chán. Cho nên hạng người tiếp theo đắc được Tứ thiền rồi, hay là Ngũ thiền Sắc giới, như trong A Tỳ Đàm bữa trước mình học rồi, nhưng họ chán với thân thể, họ không muốn có thân thể nữa. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì gọi là hai phần Danh và Sắc. Sắc là thân thể, thì họ chán sắc. Còn người trời Vô Tưởng thì họ chán danh. [Chán] danh tức là chán về tinh thần, không muốn sử dụng tinh thần nữa. Cho nên họ mới có định Vô Tưởng, và sanh vào trời Vô Tưởng, [trở] thành những pho tượng vàng ở trên đó. Tại vì [họ] không dùng [suy nghĩ] nữa.

Và ở đây thì có hạng người họ chán, không muốn có thân thể nữa. Giống như Trang Tử nói: “Ta có đại họa, vì ta có thân”. Cũng vậy, tức là có thân này thì phải lo cho nó ăn uống. Thậm chí nếu lên trời Sắc giới, thì cũng cần phải sống mà, vẫn cần thân thể, [thấy] nặng nề quá! Quý vị nghĩ [có] thân thể đâu có sướng đâu, cho nên họ nghĩ chán thân thể quá. Và đề mục chán thân thể đó, mới lúc đầu thì họ nghĩ tất cả mọi thứ đều là không. Tức là đề mục quán của họ là tất cả đều không, cái gì cũng không, khoảng không vô tận. Thì Không đó gọi là Không Vô Biên. Và [họ] đắc được định là Không Vô Biên định. Họ đắc được Không Vô Biên định rồi, sau khi thọ mạng hết thì họ sanh về trời Không Vô Biên Xứ. Có nghĩa là họ quán tất cả đều không, họ nghĩ tất cả đều là hư không hết, để họ không có thân thể nữa, cho nên vô tình họ được như vậy.

Và khi lên được định Không Vô Biên rồi, những người tu đạt được tới đó rồi, [nhưng] họ vẫn thấy chưa được. Hình như mình vẫn còn suy nghĩ, [sự] suy nghĩ của mình còn nhiều quá, nên vẫn chưa được. Họ vẫn còn nghĩ, vẫn còn tâm thức để nghĩ. Cho nên họ nghĩ là thôi, không có suy nghĩ gì hết, đừng có nghĩ gì nữa. Nên khi đó họ vừa chán cả thân rồi, và họ chán đừng có suy nghĩ gì nữa, thì họ lên một tầng nữa là Thức Vô Biên Xứ, đắc được định đó gọi là Thức Vô Biên [định].

Tức là họ nghĩ là tâm của họ trải khắp mọi nơi, chứ còn ở trong vùng nào đó [thì vẫn] là hạn hẹp, [tâm thức] rộng bao la, cho nên gọi là Thức Vô Biên. [Đạt] định này thì sanh về trời Thức Vô Biên, tức là họ muốn rộng cho nên tu Tứ vô lượng tâm: Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng. Rõ ràng Không Vô Biên và Thức Vô Biên đều phải quán hai đề mục. Một đề mục là quán tất cả Hư không rộng lớn bao la, vô cùng vô tận, đó là Không Vô Biên Xứ. Còn một đề mục là quán tâm thức của mình không có giới hạn, vô cùng vô tận, thì là Thức Vô Biên Xứ. Thiện Trang giảng bộ A Tỳ Đàm này thì giảng cho rõ ràng hết luôn.

Nhưng người ta sẽ phát hiện ra, là hình như [sự] vô tận đó thật sự không phải là vô tận. Tâm thức vô tận cũng không được, mà Hư không vô tận đó hình như vẫn chưa vô tận. Người ta phát hiện ra điều đó, cho nên họ kêu: nghĩ [là] còn có vô tận, như vậy thì vẫn còn có hữu hạn. Nên họ mới xả luôn, thôi không có gì hết, khỏi có Hư không [vô tận] hay tâm thức vô tận gì hết. Cho nên sanh ra [một] định, gọi là định Vô Sở Hữu, tức là không có gì cả. Cho nên cuối cùng họ đắc được định đó và họ [sanh vào] trời Vô Sở Hữu Xứ.

Quý vị coi lại, nãy giờ Thiện Trang đang nói về ba [tầng trời]: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ và Vô Sở Hữu Xứ. Còn [tầng trời] thứ tư cao nhất, là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thì sao? #Phi Tưởng tức là chẳng phải tưởng, tức là họ không có nghĩ ba khái niệm trên nữa, Hư không vô biên cũng không nên, thức của mình vô biên cũng không nên, rồi không có gì cũng không nên, họ bỏ hết. Bỏ hết, đừng có nghĩ gì hết, nên gọi là Phi Tưởng. Nhưng cũng đừng cho rằng là mình không nghĩ gì hết.

Cho nên Phi Tưởng tức là không nghĩ, và cũng đừng có ý niệm không nghĩ. Tại vì chấp trước vào là tôi không nghĩ gì hết, thì cũng dính vào, cho nên họ xả luôn cả hai điều đó, thì họ đắc được một định, gọi là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng định. Tức là không cũng sai mà có cũng sai, hữu hạn cũng sai mà vô hạn cũng sai. Tóm lại nghĩ gì cũng đều sai, cho nên họ khỏi nghĩ gì hết, không có thân thể gì hết, nên họ lên tới trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Và định này là tám vạn Đại kiếp, chỗ này nói là 84.000 Đại kiếp, rất lâu! Trái đất này sanh diệt 84.000 lần, thì quý vị thấy rất là xa xôi.

Mình tu như vậy, bốn tầng thiền mà vừa rồi Thiện Trang nói, còn gọi là Tứ thiền Vô sắc giới. Nếu nói [theo] A Tỳ Đàm thì gọi là Ngũ thiền Vô sắc giới. Tóm lại là do họ nhàm chán về Sắc pháp. [Nhàm chán về] Sắc pháp tức là không có muốn về vật chất. Còn nếu như không muốn về tinh thần, thì họ rơi vào trời Vô Tưởng.

Vậy thì bây giờ còn có pháp nào tu cao hơn nữa không? Đó là phải chánh niệm, cho nên A-la-hán vượt hơn. Bốn tầng thiền này thực tế cũng tương tự, chi thiền tương tự như Tứ thiền Vô sắc giới, hay là Ngũ thiền Vô sắc giới theo A Tỳ Đàm. Nhưng chỉ có đối tượng khác nhau, đối tượng ghi nhận về tâm mình khác nhau, đề mục quán khác nhau, đề mục hướng đến khác nhau, cho nên sanh ra như vậy, mình trụ trong định khác. Cho nên không có khác gì nhiều, còn chi thiền [thì] giống vậy.

Về chi thiền thì Thiện Trang cũng có để ở đây, quý vị thấy cũng gồm có Định và Xả thôi. Tâm thiện Vô sắc cũng [gồm] Định và Xả. Tâm quả Vô sắc cũng gồm Định, Xả. Tâm tố Vô sắc cũng là Định và xả. Nhưng có Tâm thắng trí (Tâm hóa thông, Tâm hiện thông) cũng là Định và Xả.

Ở đây hôm nay Thiện Trang xin nói thêm một chút về Thần thông. Đề mục mà bên ngoại đạo tu, thông thường để tu đắc [những] thiền này thì chỉ cần tu về 10 mục. 10 đề mục đó là: Tứ đại [gồm] Đất, Nước, Gió, Lửa và bốn màu sắc là xanh, vàng, đỏ, trắng, thêm hai điều nữa là Hư không và ánh sáng. Tu 10 đề mục này là có thể đạt được các tầng Thiền định này. Cho nên khi tu, ở đây Thiện Trang [xin] nói lược qua một chút.

Nếu như tu từ Sơ thiền trở đi, quý vị niệm một đề mục trong 10 đề mục đó, thì cũng đắc được Sơ thiền đến Tứ thiền. Ví dụ quý vị nghĩ tất cả đều là đất, nghĩ đến lúc nào mà đạt được thấy tất cả đều là đất hết. Nếu người niệm đắc được định đó, định đó có thể đạt được tới Nhị thiền, thì họ sẽ có Thần thông. Thần thông của họ chỉ có được một điều thôi, tức là họ quán tất cả biến thành đất. Mình thấy Hư không là [một] khoảng không, thì mình không lên được. Nhưng họ quán được Hư không thành đất, nên là họ đi lên Hư không được bình thường. Họ quán nước thành đất, cho nên họ đi qua nước được, họ đi [trên] mặt sông được. Nếu họ tu một đề mục thì [được] như vậy.

Còn nếu họ tu đề mục thứ hai, là tu đề mục về nước chẳng hạn. Họ quán tất cả đều [là] nước, thì có tác dụng gì? Nếu họ đạt được định tới cỡ đó, thì họ có Thần thông. Họ quán tất cả đều là nước, nên nếu đất mà họ quán thành nước thì họ chui xuống dưới được, nên họ có khả năng độn thổ lên xuống.

Đó là tu như vậy. [Tu] các đề mục này [thì có] Thần thông, [điều này thì] ngoại đạo tu cũng được, chưa cần nói đến nhà Phật. Nhà Phật thì có tới 40 đề mục tu [như thế này]. Còn ngoại đạo tu thì chỉ có 10 [đề mục] là đất, nước, gió, lửa, xanh, vàng đỏ, trắng, Hư không và ánh sáng [thôi].

Ở đây Thiện Trang muốn nói về tác dụng của việc nhập vào các đề mục để có Thần thông, thì có thêm tâm Thần thông (còn gọi là Tâm Thắng trí, Tâm Hóa thông, Tâm hiện thông) nữa. Tâm Thần thông này, nếu như ở tầng thiền dưới, họ chưa đạt tới đây, thì họ sử dụng có khi đắc một thứ thôi. Ví dụ như họ niệm đề mục đất, thì họ chỉ có được tác dụng đi đứng trên Hư không, dưới nước được thôi. Tại vì chỉ cần luyện được đề mục này là được. Còn nếu quán về nước, thì một hồi họ thấy tất cả đều là nước, cho nên họ độn thổ được. Còn họ quán tất cả đều là Hư không, thì họ đi xuyên qua tất cả vật cản. Đây là quý vị thấy họ có năng lực này.

Nếu họ quán màu trắng hoặc là ánh sáng, thì họ sẽ phát ra được ánh sáng, bằng cách là họ quán tất cả đều là màu trắng, cho nên nó biến thành màu trắng thì có ánh sáng thôi. Hoặc là họ lấy luôn ánh sáng ra thì có ánh sáng. Còn nếu họ quán tất cả là màu xanh, họ niệm đề mục đó, thì họ có thể biến thành bóng tối, cho nên họ che tối thui được. Đó là Thiện Trang lấy ví dụ thôi, còn những ví dụ khác nữa, như xanh, vàng, đỏ, trắng, Hư không, ánh sáng rồi đất, nước, lửa, gió. Giống như họ muốn ra lửa, [thì họ] phải lấy đề mục lửa để tu.

Nhưng quý vị biết là khi lên tới Tứ thiền Vô sắc rồi, thì họ đắc tất cả các đề mục này luôn. Tức là các tầng Thiền bên dưới như Sơ thiền, Nhị thiền, thì chỉ đắc được một đề mục. Còn lên trên này (Tứ thiền Vô sắc ) thì họ đắc được 10 đề mục. Vì đắc được 10 đề mục này, cho nên họ có đủ các loại Thần thông. Họ nhập vào các đề mục để có Thần thông, cho nên họ có được Ngũ thông.

Ví dụ họ muốn đi trên Hư không, thì họ dùng đề mục Đất. Họ sẽ dùng đề mục là quán tất cả là đất, nhập vô đề mục đó thì họ thấy Hư không giống như đất liền vậy thôi, [thì họ cứ] đi thôi. Nước cũng vậy, [họ cũng] đi được. Rồi họ muốn đi qua vật cản, thì họ dùng đề mục [là quán] tất cả đều là Hư không, nên họ đi qua được. Cho nên họ nhập vào đề mục nào, thì họ thấy như vậy, vì vậy họ thành công.

Đến Tứ thiền Vô sắc hoặc Tứ thiền Sắc giới, nếu họ đắc 10 đề mục là họ có Ngũ thông (Ngũ Thần thông). Nên tu Thiền chỉ có Thần thông, là lý do như vậy.

          Ở đây có dòng này quan trọng: Phàm phu và bậc Thánh hữu học: dùng Tâm thiện Sắc giới để tạo Thần thông. Tức là phải dùng Tâm thiện Sắc giới, Sắc giới thôi chứ không phải Vô sắc đâu. Thánh hữu học là gì? Từ Tam quả trở xuống thì vẫn dùng Tâm thiện Sắc giới, đó là Định và Xả. Do có định này nên nhập vào các đề mục này vô tư, đây có định sẵn rồi.

          Giống như lúc đầu Thiện Trang chia sẻ, mới đầu mình nghe pháp, nghe một hồi định sâu rồi, thì tự nhiên mình buông xuống, mình niệm Phật mới được là vậy. Hoặc là tu Thiền, thì mình thấy an lạc, mình vô được. Tại vì khi đắc định rồi, thì mình chỉ cần đổi đề mục thôi, dễ dàng! Cho nên người tu Thiền mà đổi sang đề mục niệm Phật thì cũng thành công. Mà người niệm Phật đổi sang tu Thiền thì cũng thành công. Bất cứ [pháp tu] nào cũng vậy, một hồi vô định rồi, thì mình chỉ [cần] đổi đề mục thôi.

          Cho nên ở bậc Thánh nhân hữu học, là từ Tam quả A-na-hàm trở xuống, thì có thể dùng Tâm thiện Sắc giới để tạo Thần thông. Và hạng phàm phu cũng vậy. Tức là Tâm thiện Sắc giới thì cũng giống như Tâm thiện Vô sắc, Tâm thiện Sắc giới thì cũng là Định, Xả thôi.

Còn A-la-hán thì dùng Tâm tố Vô sắc để tạo Thần thông, cho nên A-la-hán cao hơn. Tâm tố hay tâm gì thì từ từ sau này chúng ta học, chứ còn bây giờ nhiều kiến thức quá.

Và hai tâm: Tâm thiện Sắc giới và Tâm tố Vô sắc, thì gọi là Tâm thắng trí (hay Tâm hóa thông, Tâm Hiện thông). Thông là Thần thông. Tóm lại bây giờ có Thần thông là nhờ những điều này, quý vị hiểu nguyên lý không? [Cho nên] người tu mà muốn có Thần thông, [nếu] thực sự tu, mà muốn có Thần thông, thì dạy là tu nhanh lắm.

Điển hình là Đề Bà Đạt Đa, quý vị thấy khi đức Phật không cho [ổng xuất gia], thì ổng tự cạo tóc xuất gia. [Ổng] tìm đến một vị Tỳ-kheo, vị đó có đắc Thần thông. Đề Bà Đạt Đa nói [là hãy] dạy cho tôi có Thần thông, thì vị đó quên quán là dạy cho ổng để làm gì. Nên khi [được] dạy là [Đề Bà Đạt Đa] liền có Thần thông, ổng luyện một thời gian là có Thần thông, ổng đem Thần thông đó xài đã đời luôn. Cho nên ổng lên trời Đao Lợi lấy hoa Ưu-bát-la (tức là hoa sen), xuống tặng cho vua A Xà Thế. Rồi dùng đủ các thứ Thần thông, lên xuống, qua lại đủ các kiểu, nên vua A Xà Thế mê tít mắt. Vậy thì vua mới hộ trì [cho ổng], thì ổng mới phá Phật được.

Nên nếu người muốn có Thần thông, họ tu mấy định này thì dễ có Thần thông lắm. Nhưng đối với chúng ta, tu thì không quan trọng Thần thông, chúng ta tu quan trọng là giải thoát. Những Thần thông này, [nếu] mình có định thì cứ nhập vào các đề mục. Quý vị thấy 10 đề mục đó, mình tu làm sao để định đủ mạnh. Bây giờ quý vị muốn trời sáng, thì quý vị cứ nghĩ tất cả là màu trắng, tất cả đều là ánh sáng. Do sức định của mình mạnh, [thì] có thể tạo ra được như vậy. Vì vậy mình sẽ thấy ánh sáng phát ra, mà thậm chí người khác cũng thấy nữa.

Rồi mình muốn đi qua tường, thì mình chỉ cần nghĩ là tất cả đều là không. Do sức nghĩ của mình mạnh quá, nên mình [đi] xuyên qua được. Người khác thì thấy mình đi xuyên qua tường, còn mình thì thấy đâu có bức tường đó đâu, [cho nên] có Thần thông là vậy. Cho nên đây là nguyên tắc Thần thông, những điều này ai tu có định sâu thì mới hiểu được. Còn không cứ hiểu hiểu vậy đi, để mình hiểu nguyên lý. Hôm nay Thiện Trang nói thêm về Thần thông là như vậy, và quý vị biết nguyên lý này.

Sẵn đây Thiện Trang nói luôn, chúng ta tu để làm gì? Ở đây đáng lẽ nói về phần Tâm Thánh nữa, nhưng do không có thời gian, Thiện Trang chỉ nói đơn giản. Mức tối thiểu để đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn, là quý vị phải có định chỉ Sơ thiền, [hoặc] chỉ cần Sát-na định hoặc là cận định là ít [nhất]. Còn không thì đắc định Sơ thiền (Thiền chỉ) luôn. Còn công phu Quán thì quý vị bớt được ba loại Phiền não: Thân kiến, Giới cấm thủ và Nghi. Tất nhiên [nếu] mình có thể đắc cao hơn nữa thì càng tốt, nhưng mình đắc tối thiểu là vậy, thì [đắc] Sơ quả Tu-đà-hoàn. [Còn] Nhị quả Tư-đà-hàm cũng vậy, nhưng có khác là bớt được Tham và Sân. Tam quả A-na-hàm thì hết Ngũ hạ phần Kiết sử gồm có: Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân. Và định [của] họ chắc chắn là định của Tam quả A-na-hàm, do sanh vào Ngũ Bất Hoàn Thiên. Nếu đúng là sanh vào Ngũ Bất Hoàn Thiên, thì phải có định từ Tứ thiền. Tất nhiên là do sức kia hàng phục thôi, khi Sân và Tham hết, [Tham, Sân được] hàng phục, thì tự nhiên Thiền chỉ đắc theo. Còn có khi nói khác đi, thì như vậy.

Còn A-la-hán thì diệt Năm thượng phần Kiết sử. Kia là Năm hạ phần Kiết sử thì còn Năm thượng phần Kiết sử nữa. Năm thượng phần Kiết sử còn gọi Ngũ thượng phần Kiết sử, gồm có:

1. Sắc ái kiết: Sắc ái kiết là còn ham có thân này. Mình còn ràng buộc bởi thân, mình còn muốn có thân. Do mình nghĩ mình cần có thân, đó là một loại Phiền não. Phiền não đó gọi là Sắc ái kiết. Cho nên những người tu tới Tứ thiền Sắc giới, thì họ vẫn còn [Sắc ái kiết].

2. Vô sắc Ái kiết: Vô sắc ái là không có sắc, cho nên đây là bốn tầng trời mình vừa mới học, là bốn định: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thì chấp vào Vô sắc cũng không được, nên phải giải Vô sắc đó cho hết đi, là giải được hết Phiền não, gọi là Vô sắc Ái kiết. Như vậy Vô sắc ái là bốn tầng Thiền đó, [bị] dính vào đó thì vẫn là Vô sắc Ái kiết. Vì ái là yêu thích, yêu thích vào sự có Vô sắc (tức là không có hình tướng), thì cũng không được, mà yêu thích vào [việc] có hình tướng thì cũng không được, [cả] hai đều không được.

3. Mạn [kiết]: Thượng phần Kiết sử thứ ba là Mạn kiết; #mạn là Ngã mạn. Cho nên A-la-hán mới diệt được Ngã mạn. Ngã mạn ở đây có ba mạn chung: Một là Ty liệt mạn, tức là mình cho mình dở hơn người ta. Thứ hai là Bình đẳng mạn, tức là mình cho mình ngang với người ta, mặc dù thực tế mình chưa có ngang với người ta. Nhưng mình tự ảo tưởng là mình ngang với người ta. Còn Ty liệt mạn mình tự cho mình thấp hơn người ta. Rồi Ngã mạn là [mình cho] mình hơn người ta, gọi là Thượng mạn. Một cái là đẳng, một cái là cho mình thấp hơn, một cái cho mình cao hơn. [Cho là] thấp hơn hay cao hơn đều dính vào Ngã mạn hết, nên phải bỏ.

Còn có hai cách chia nữa: Một là Như thật mạn, Như thật mạn là đúng như vậy mà mình chấp. Tam quả A-na-hàm trở xuống vẫn còn có Như thật mạn. Có nghĩa là tôi thấy rõ ràng là tôi hơn người ta mà, và sự hơn đó là hơn thật, hơn đúng như vậy. Nhưng do mình chấp mình có cái hơn đó, thì vẫn gọi là Như thật mạn, vẫn có ngã mạn. Cho nên Tam quả A-na-hàm thì vẫn dính vào điều đó.

Còn chúng sanh thì không phải như thật, [chúng sanh] thì đối ngược lại, là mạn đó không có thật, gọi là Vô thật mạn. Vô thật mạn tức là tôi không có giỏi hơn người ta, nhưng mình tưởng tượng, mình cho là mình giỏi hơn họ, thì điều đó là mình rớt vào Ngã mạn. Phàm phu thì dính vào điều này.

Tam quả A-na-hàm thì vẫn còn Như thật mạn. Còn A-la-hán thì hết rồi, không có đối đãi, không có so sánh là tôi hơn người nữa, cho nên A-la-hán rất đặc biệt.

[Về] Ngũ thượng phần Kiết sử, thì Thiện Trang mới nói ba điều, vẫn còn 2 điều nữa, đó là:

4. Phóng dật kiết: phóng dật là mình hay tùy tiện, mình không giữ giới v.v… đó là phàm phu dính hết. Tam quả A-na-hàm vẫn chưa làm hết, Tứ quả A-la-hán mới diệt được.

5. Vô minh kiết: Vô minh thì khó hơn nữa, [Vô minh] nằm trong 12 nhân duyên. Vô minh nói chung là chưa biết rõ sự thật đối với Thánh đạo một cách rốt ráo, cho nên vẫn còn. Điều đó rất khó, bây giờ diệt được điều đó thì mới được.

Thiện Trang giới thiệu sơ như vậy, quý vị nghe được phần đề mục trước đi. Tóm lại Ngũ thượng phần kiết gồm có Sắc ái kiết, Vô sắc ái kiết, Mạn kiết, Phóng dật kiết, và Vô minh kiết. Mình hiểu rồi thì từ từ bữa sau mình chia sẻ sau, mỗi lần chia sẻ một chút. Tại vì bộ A Tỳ Đàm khó, nên phải giới thiệu nội dung như vậy. Đó là Thiện Trang đã giới thiệu xong, bây giờ chúng ta xin phép vào Luận Câu Xá.

已 說 色 處,當 說 聲 處。聲 唯 八 種,謂 有 執 受 或 無 執 受 大 種 為 因,及 有 情 名、非 有 情 名 差 別 為 四,此 復 可 意 及 不 可 意 差 別 成 八。執 受 大 種 為 因 聲 者,謂 言 手等 所 發 音 聲。風 林 河 等 所 發 音 聲,名 無 執 受 大 種 為 因。

Dĩ thuyết Sắc xứ, đương thuyết Thanh xứ. Thanh duy bát chủng, vị hữu chấp thọ hoặc vô chấp thọ đại chủng vi nhân, cập Hữu tình danh, phi Hữu tình danh sai biệt vi tứ, thử phục khả ý cập bất khả ý sai biệt thành bát. Chấp thọ đại chủng vi nhân thanh giả, vị ngôn thủ đẳng sở phát âm thanh. Phong lâm hà đẳng sở phát âm thanh. Danh vô chấp thọ đại chủng vi nhân.

Giải:

#Dĩ thuyết Sắc xứ, đương thuyết Thanh xứ: đã nói về bộ phận của Sắc rồi, bây giờ sẽ nói về các loại âm thanh. Tức là hôm bữa mình học bên Luận Câu Xá nói về Ngũ uẩn thì gồm có Sắc; Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp đó quý vị. Hôm bữa mình học xong phần Sắc rồi. Bữa nay mình nói về Thanh, các bộ phận của Thanh; #Thanh là âm thanh.

#Thanh duy bát chủng: âm thanh chỉ có tám loại thôi. Chúng ta biết Sắc thì có chỗ [nói gồm] 20 loại, còn âm thanh này có tám loại thôi. Vậy tám loại gồm:

#Vị hữu chấp thọ hoặc vô chấp thọ đại chủng vi nhân: là có chấp thọ hoặc không có chấp thọ đối với các đại lớn. #Đại chủng này thật ra là ngôn ngữ của ngài Huyền Trang, ngài thích dùng từ đại chủng. Nhưng ngôn ngữ chúng ta quen [gọi] là Tứ đại, là Đất, Nước, Gió, Lửa. Cho nên chữ nào đại chủng quý vị cứ để thành Tứ đại cho dễ. Nên ở đây chúng ta dịch là: Có chấp thọ hoặc không có chấp thọ các đại lớn (Tứ đại) làm nhân.

#Cập Hữu tình danh: và tên của Hữu tình.

#Phi Hữu tình danh: hoặc không phải tên của Hữu tình.

#Sai biệt vi tứ: tức là sai biệt là bốn.

          Ở đây có nghĩa là mình có chấp trước, là mình chấp thọ hay không chấp thọ về bốn đại. Rồi có tên của chúng sanh. Bây giờ Thiện Trang nói điều này dễ hơn, ví dụ về âm thanh của Hữu tình. Tức là bây giờ có một số âm thanh phát ra: ví dụ âm thanh của con bò phát ra, mình nghe tiếng thì mình biết, vì nó giống con bò. Cho nên âm thanh này là tên của một Hữu tình.

          Rồi âm thanh đó có thể không phải xuất phát từ Hữu tình, mà xuất phát từ Vô tình. Ví dụ như tiếng chuông bong, bong, hay của vật gì đó va đập nhau, như hòn đá lăn [phát ra tiếng] cộc, cộc, cộc, thì đó là Vô tình, là một loại âm thanh.

          Rồi âm thanh thứ hai nữa là từ Hữu tình, tức là từ con bò hay con gì đó kêu, rống lên, hoặc là [từ] con người. Những âm thanh đó gọi là Hữu tình. Chúng ta hiểu được như vậy, và chúng ta biết được đó là hai loại.

Còn đằng trước thì chấp thọ hay không chấp thọ. Chấp thọ tức là mình chấp có nghe hay không nghe. Hoặc không chấp thọ là không nghe. Mình có những loại như vậy, mình rớt vào hai điều này, thì chia ra làm bốn. Tức là tám loại âm thanh, có hai loại là chấp thọ và không chấp thọ. [Về] chấp thọ, ví dụ âm thanh được phát ra bởi tay, mình vỗ tay thì phát ra tiếng cạch cạch gì đó. Còn có loại âm thanh phát ra [mà] không phải do mình, tức là [mình] không có tác động tới [mà nó phát ra], thì gọi là vô chấp thọ. Mình cố tình tạo ra thì gọi là chấp thọ, còn cái nào mình không tạo ra, mà tự động có, thì gọi là vô chấp thọ.

Chúng ta hiểu như vậy cho dễ, chứ mấy ngôn ngữ này Thiện Trang thấy đều là thuật ngữ không thôi. Vì ngôn ngữ của ngài Huyền Trang sử dụng toàn là thuật ngữ. Thuật ngữ cho nên mình giải thích mờ cả mắt, mình đọc cũng không hiểu gì hết. Vì vậy chúng ta thấy khó, là do nhiều [thuật] ngữ quá.

#Thử phục khả ý cập bất khả ý sai biệt thành bát: bốn điều này lại có sự khác biệt [của] hài lòng hay không hài lòng. Tức là vừa lòng hay không vừa lòng, mà thành tám.

Âm thanh thì có bốn loại âm thanh, [có loại] âm thanh là do mình tác động mà phát ra, thì gọi là chấp thọ. Còn âm thanh mình không tác động mà phát ra, thì gọi là vô chấp thọ. Có âm thanh từ loài Hữu tình phát ra, và có âm thanh từ loài Vô tình phát ra, cho nên thành bốn. Trong đó nghe thì có hai loại, mình nghe thì cảm thấy hài lòng [hay không hài lòng]. Ví dụ như về tiếng nói, cũng có người nói giọng hay thì mình vừa lòng, mình thích nghe. Đó là một loại. Còn có người nói [nhưng] mình nghe thấy chán ghét, nghe giọng bà đó là mình thấy ghét rồi, [nghe] giọng ông đó là mình ghét rồi. Kiểu như vậy chia làm đôi nữa, cho nên bốn chia đôi thành tám.

Tức là có tiếng con vật kêu, ví dụ như [nghe tiếng] chim hót thì mình thích, nhưng [nghe] con bò rống hay con gà gáy gì đó, thì mình khó chịu. Như [mình] đang ngủ mà gà gáy ò ó o… thì mình thấy khó chịu. Đó là sai biệt về đồng ý hay không đồng ý, vừa lòng hay không vừa lòng. Cho nên từ âm thanh của Hữu tình mà chia làm hai loại, nên [từ] bốn trở thành tám là vậy.

Vô tình cũng vậy, nhiều khi [nghe] tiếng gió thì dễ chịu, nhưng có khi nghe tiếng gió lại khó chịu, đó là [tiếng của] Vô tình. Tiếng [của] Vô tình ví dụ như sấm sét, tiếng sấm sét thì Thiện Trang đảm bảo ai cũng [thấy] khó chịu hết đúng không? Nhưng cũng có người thấy dễ chịu, nghe sấm sét mà tại sao thấy dễ chịu? Giống như nhà hàng xóm đang hát karaoke, nghe tiếng sấm ‘rầm’, mình kêu: Đã quá! Sấm to lên đi cho họ nghỉ, dẹp đi, họ không hát nữa, thì kiểu đó gọi là vừa lòng. Mặc dù tiếng sấm [khiến] người ta ghét, nhưng mình lại thích. Chính vì vậy âm thanh có tám loại, thì cách chia là như thế.

#Chấp thọ đại chủng vi nhân thanh giả, vị ngôn thủ đẳng sở phát âm thanh: tức là chấp thọ các đại chủng; #đại chủng là thân Tứ đại; làm nhân để phát ra âm thanh. Ví dụ như mình nói lời nói, hoặc là âm thanh được phát ra bởi tay v.v… nói chung [âm thanh] nào được phát ra từ Tứ đại của mình, thì đó cũng là một cách để chia ra.

#Phong lâm hà đẳng sở phát âm thanh. Danh vô chấp thọ đại chủng vi nhân: ngoài ra ở đây có nói cách khác, là những âm thanh được phát ra bởi gió, rừng, sông, v.v… thì gọi là không chấp thọ. Tại vì điều này mình không cố ý làm ra, mà nó tự có, không cần tác động của tay chân gì hết mà [âm thanh] tự phát ra, thì gọi là vô chấp thọ đại chủng. Tức là không chấp vào bốn đại lớn làm nhân, cho nên đấy là cách phân chia thôi.

Tạm dịch: Đã nói về bộ phận của Sắc rồi, giờ sẽ nói về bộ phận của Thanh. Âm thanh chỉ có 8 loại, là có chấp thọ hoặc không có chấp thọ các đại lớn (Tứ đại) làm nhân [phân loại], và tên theo Hữu tình, tên theo không phải Hữu tình mà có 4 loại [âm thanh khác nhau], 4 loại đó lại có sự khác biệt của sự hài lòng và không vừa lòng [nên] thành 8 loại. Chấp thọ các đại lớn làm nên [loại] âm thanh, là như nói, âm thanh được phát ra bởi tay v.v… (Tức là âm thanh được phát ra từ Tứ đại của mình thì gọi là chấp thọ). Âm thanh được phát ra bởi gió, rừng, sông v.v… gọi là không có chấp thọ đại lớn (Tứ đại) làm nhân.

Những âm thanh vừa rồi, một [loại] thì chia [theo] Hữu tình với Vô tình, một [loại] là chấp thọ và không chấp thọ. Chấp thọ là phát ra từ Tứ đại của mình. Còn [không phát ra từ Tứ đại của mình] mà phát ra từ nơi khác, thì đó là không chấp thọ. Tóm lại là vậy, dễ hiểu hơn. [Tiếp theo] thì nói tới Hữu tình:

有情名聲謂語表業,餘聲則是非有情名。有說:有聲通有執受及無執受大種為因,如手鼓等合所生聲。如不許一顯色極微二四大造,聲亦應爾。

Hữu tình danh thanh vị ngữ biểu nghiệp, dư thanh tắc thị phi Hữu tình danh. Hữu thuyết: Hữu thanh thông hữu chấp thọ cập vô chấp thọ đại chủng vi nhân, như thủ kích đẳng hợp sở sanh thanh; Như bất hứa nhất Hiển sắc cực vi nhị tứ đại tạo, thanh diệc ưng nhĩ.

Giải:

#Hữu tình danh thanh vị ngữ biểu nghiệp: âm thanh theo [tên] của Hữu tình là biểu; #biểu là biểu nghiệp của ngôn ngữ.

#Dư thanh tắc thị phi Hữu tình danh: còn các loại âm thanh còn lại, thì không phải theo tên Hữu tình.

          Có nghĩa là bây giờ âm thanh theo tên của Hữu tình là biểu nghiệp của ngôn ngữ. Giống như âm thanh của người là sự biểu hiện ra; #biểu nghiệp tức là biểu hiện ra nghiệp của mình. Mình là loài người, cho nên ngôn ngữ của mình là ngôn ngữ loài người. Tiếng của loài người, dù tiếng Tây, tiếng Tàu, tiếng nước nào chăng nữa, khi mình nghe thì cũng xác định được là ngôn ngữ của người đúng không quý vị? Không thể nào nghe tiếng người nói, mặc dù mình không hiểu, nhưng mình cũng xác định đó là tiếng người, đâu đến nỗi [không nhận ra], đó là Hữu tình.

          Các loài khác cũng vậy, mình nghe là mình có thể nhận định được. Đó gọi là Hữu tình là biểu nghiệp của ngôn ngữ. Tức là đó là biểu hiện của nghiệp. Nghiệp của loài người cho nên mới có ngôn ngữ, âm thanh đó. Nếu nghiệp của loài thú, thì tiếng của con thú không thể giống tiếng người được. Mặc dù có một số con như con két, con vẹt gì đó, nó cố gắng giả giọng người được. Nhưng nó giả cũng có phần nào đó thôi, nếu nghe kỹ thì cũng không giống được 100%. Quý vị cứ hiểu âm thanh này là âm thanh theo Hữu tình. Còn những âm thanh còn lại, không phải Hữu tình phát ra, thì là Vô tình. Đơn giản là vậy thôi!

#Hữu thuyết: là có khi nói, có chỗ nói.

#Hữu thanh thông hữu chấp thọ cập vô chấp thọ đại chủng vi nhân: có chỗ nói: có âm thanh thông có chấp thọ và không chấp thọ đại lớn làm nhân. Chúng ta đọc hết câu này thì mới hiểu được.

#Như thủ kích đẳng hợp sở sanh thanh: giống như là hai tay của mình, gõ vào vật hợp lại, thì phát ra âm thanh.

          Ở đây nói như vậy thì cũng chưa đủ, ở trên cũng nói chưa đủ. Tức là có những âm thanh từ mình phát ra, từ loài người phát ra, từ Hữu tình phát ra. [Nhưng] có những âm thanh thì chưa hẳn là từ Hữu tình phát ra, thì đó là Vô tình phát ra. Giống như tiếng gió, tiếng sấm sét là [âm thanh của] Vô tình, nhưng có loại thì đâu phải vậy đâu. Như mình dùng tay gõ cái bàn cộc cộc cộc, thì rõ ràng tay mình là thuộc về Tứ đại, là do người, còn cái bàn là Vô tình, thì điều đó là thông hai cái lại. Chỗ này ý nói là có âm thanh là thông chấp thọ và không chấp thọ các đại lớn làm nhân, như âm thanh được sinh ra bởi tay gõ vật hợp lại. Tức là hai đối tượng này hợp lại nữa, nói như vậy thì mới đầy đủ.

#Như bất hứa nhất Hiển sắc cực vi nhị tứ đại tạo, thanh diệc ưng nhĩ: như không cho phép một Hiển sắc cực vi hai [sắc] bốn đại tạo thành, âm thanh cũng phải như vậy.

 Tức là bây giờ mình nói chỉ có một thứ thôi, một loại Hiển sắc, #cực vi là giống như hạt vi trần, hay chúng ta nói mấy nguyên tử nhỏ; bốn đại hay là hai sắc trong bốn đại tạo thành, thì âm thanh cũng phải như vậy. Tức là đôi khi kết hợp hai loại lại, chứ nói bốn đại không [thôi] cũng không được, mà nói những cái kia không thôi thì cũng không được. Cho nên âm thanh cũng phải như vậy. Đó là cách nói thêm cho viên mãn.

Tức là âm thanh ngoài Hữu tình ra, ngoài Vô tình ra, hay là riêng biệt, thì có hai [loại] kết hợp lại thành một. Nói chung mấy điều này không giúp cho chúng ta nhiều, cho nên chúng ta nghe hơi khó, không đạt được lợi ích gì lắm. Nhưng quý vị cứ nghe để hiểu thôi. Tại đây là Luận Câu Xá, Duy Thức chia chẻ nhỏ ra như vậy.

Tạm dịch: Âm thanh theo tên của Hữu tình là biểu nghiệp của ngôn ngữ, [loại] âm thanh còn lại là tên không phải theo Hữu tình. Có [chỗ] nói: có âm thanh thông có chấp thọ và không có chấp thọ các đại lớn (Tứ đại) làm nhân, như âm thanh được sinh ra bởi tay gõ [vật] hợp lại v.v… Như không cho phép 1 Hiển sắc cực vi 2 [sắc] 4 đại tạo thành, âm thanh cũng phải như vậy.

已說聲處,當說味處。味有六種,甘、醋、醎、辛、苦、淡別故。

Dĩ thuyết Thanh xứ, đương thuyết Vị xứ. Vị hữu lục chủng: cam, thố, hàm, tân, khổ, đạm biệt cố.

Giải:

#Dĩ thuyết Thanh xứ, đương thuyết Vị xứ: tức là đã nói về những bộ phận của âm thanh rồi, giờ nói về bộ phận của vị. [Trong] Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, thì bây giờ là Vị.

#Vị hữu lục chủng: #vị này tức là vị của ăn, mình ăn có những vị đắng, cay, ngọt gì đó, thì ở đây có sáu loại. Trong bài cúng: Tam đức Lục vị, cúng Phật cập Tăng, phổ đồng cúng dường, nhược phạn thực thời, đương nguyện chúng sanh, thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn”. Quý vị nhớ bài cúng đó không? Ai đi chùa thì chắc biết. Tam đức Lục vị: Lục vị tức là sáu vị. Trong Luận Câu Xá nói rõ sáu vị đó là:

#Cam, thố, hàm, tân, khổ, đạm biệt cố: thứ nhất là #cam là ngọt, vị ngọt thì gọi là cam; #thố là chua, giống như mấy trái me, ai đó nhắc tới me là biết chua liền. Còn cam là ngọt, cam này không phải là trái cam, mà là vị ngọt, vị ngọt như đường. Còn thố là chua, chua như trái me, ai đang hát mà đem trái me để trước mặt, là không hát được. Tiếp theo #hàm là mặn, tính mặn của muối đó quý vị. Đó là ba vị rồi. Thứ tư #tân là cay, như ớt có vị cay; rồi #khổ là đắng. Cho nên mới có món gọi là khổ qua, nhiều người kêu ăn khổ qua cho nhiều, để cho qua cái khổ, đúng vậy không? Đó là mấy người không biết chữ Hán. Quý vị thấy chữ tượng hình của Trung Quốc, chữ khổ (苦) là từ bộ khẩu (là miệng) ở dưới, thêm bộ thập thành ra chữ thiệt, rồi thêm bộ thảo ở trên nữa. Nên mình tưởng tượng giống như người bị khổ (đắng cay) là thế nào, đắng là tại vì bị cái miệng người ta nói về mình nhiều quá, thì mình bị khổ. Cho nên khổ qua không phải là để cho qua khổ, mà chữ #khổ là đắng, còn chữ #qua là dưa, dưa đắng gọi là khổ qua. Quý vị hiểu chữ khổ qua là dưa đắng, là như thế. Cuối cùng là #đạm biệt cố: #đạm là nhạt, là không mặn, ngược lại. Kêu bữa nay sao món ăn này nhạt quá!

Sáu vị: vị thứ nhất là ngọt, cam tức là ngọt, thố là chua, hàm là mặn, vị mặn của muối đó, rồi tân là cay, vị cay của ớt, nên tân khổ là cay đắng. Người ta hay dùng từ tân khổ, là mượn sự cay đắng của hai vị mà người ta không thích. Tiếp theo, đạm là nhạt. Những điều này thì dễ, mình quen quá rồi. Người nào thích nhiều vị bao nhiêu, thì cũng khá đúng không quý vị? Ăn uống đa số người ta thích ngọt, thích mặn, có người thích chua nữa, chua quá thì không thích, chua sơ sơ thôi. Có người thì không thích đắng, còn có người lại thích cay, đắng. Còn nếu mà quý vị thích cả sáu vị luôn thì giỏi. Cho nên người Việt Nam mình ăn được nhiều vị lắm, còn người nước ngoài ăn ít vị hơn. Sáu vị này khiến cho chúng sanh điên đảo, chính mình sống trong Ngũ dục. Cho nên nếu nói về dục, là nói về sự mong muốn, thì có bốn hạng người:

1. Hạng người thứ nhất là có dục: tức là có ham muốn rất nhiều, nhưng không có điều kiện. Tại vì nhà nghèo quá, hoặc không có điều kiện, cho nên người ta rất là thanh cao. Vì sao thanh cao? Vì không có điều kiện cho nên thanh cao, chứ không phải thật sự thanh cao. Cho nên gọi là có ham muốn, có tham, tức là có nhu cầu nhưng lại không có điều kiện.

Giống như đứa nhỏ [sống] nghèo quá, khi lớn lên nó kêu: tôi sống rất là tốt đẹp, tôi có làm gì xấu đâu v.v… Nhưng thực tế là họ không có cơ hội làm xấu, có danh gì đâu. Tôi đâu có vì danh đâu. Thật ra là tại vì tôi không có cơ hội thôi. Cho cơ hội lên làm vua mấy ngày thôi, hay làm Tổng thống, hay chức gì đó lớn lớn chút, là biết liền. Cho nên là không có cơ hội thôi.

          2. Hạng người thứ hai là có ham muốn và có cơ hội: ở đây ít hơn, thể hiện ra là họ có nhiều ham muốn, [và họ có] tài sản, rồi nhà giàu, danh vọng có nữa v.v… điều đó thì rõ ràng.

          3. Hạng người thứ ba là không có ham muốn và không có cơ hội: hạng này thì mình khó thấy đúng không quý vị? Mình đâu có biết được, bây giờ họ nghèo quá, họ [cũng] không có điều kiện. Không có [ham muốn], và cũng không có cơ hội, nên không biết được, không đo được. Thực tế là họ nghèo nhưng họ sống rất vô tư, họ sống rất là nhẹ nhàng v.v…

4. Hạng thứ tư là có điều kiện nhưng không có ham muốn: những người này thì đặc biệt. Tức là ở trong hoàn cảnh rất tốt đẹp, có thể nổi tiếng v.v… đủ các kiểu. Nhưng họ không chấp vào đó, họ cũng không ham, họ coi như gió thoảng mây bay. Tiền bạc thì nhiều nhưng xài sơ sơ, nhẹ nhàng thôi.

Ở trong kinh có nói có hạng người, bữa nay [Thiện Trang] không nhớ để trích dẫn. Đức Phật có nói về [cách] xài tiền, xài tài sản là thế này: Có người không có tiền mà xài nhiều, thì đức Phật nói điều đó thì không tốt. Có hạng người có tiền nhiều mà không xài, giữ cho kỹ không dám xài, đức Phật nói thế nào quý vị biết không, tốt hay không tốt? Không tốt! Đức Phật nói là hãy xuất nhập bình đẳng, tức là xuất nhập bằng nhau, trong Kinh A Hàm [nói]. Tức là cố gắng, tiền [hay] tài sản tới thì hãy dùng sao cho hợp lý, để ra vào cân bằng nhau. Không nên để tiền chết, không nên để tài sản chết.

Đức Phật có nói trong một bộ kinh khác, câu chuyện này hình như Thiện Trang đã kể rồi: Có một ông Trưởng giả tên là Ma-ha-nam (ở đây không phải là Thích Ma-ha-nam), ông rất giàu có, nhưng lại sống rất keo kiệt. Ổng không có xài gì hết, giữ tiền bo bo, cất tài sản rất nhiều. Đến khi ổng qua đời thì để lại rất nhiều tài sản, và vua Ba Tư Nặc tới thâu tài sản đó. Bởi vì ông không có con nối dõi. Cả đời ông xài rất ti tiện, ông xài ít lắm, cho nên ông [sống] khổ, ăn mặc cũng khổ v.v…. Vì vậy vua Ba Tư Nặc thâu được rất nhiều tài sản, nên mới thắc mắc, và tìm tới đức Phật. Người ông dơ hết, ông nói: Con đi thâu tài sản mệt quá, ông ấy có rất nhiều tài sản. Mà tại sao ông lại sống cuộc đời như vậy?” Đức Phật nói: “Tiền giống như nước trong hồ, nếu không đem xài cho họ, và xài cho những người thân của họ hay bố thí v.v.. mà cứ giữ như vậy. Thì giống như nước trong hồ, để lâu ngày rồi cuối cùng nước cũng khô cạn”. Cho nên nếu dùng thì phải cho nước chảy ra chảy vô. Tức là giống như nước trong hồ, cứ ra rồi vô, ra rồi vô, tức là xuất nhập bình đẳng. Đức Phật nói là xuất nhập bình đẳng. Xài tiền hay tài sản như vậy thì mới đúng cách.

Đức Phật nói: “Còn ông đó [bị như vậy], thì nguyên nhân là trong đời quá khứ ổng bố thí cho một vị Bích-chi-phật. Cho nên mấy lần ông được sanh lên cõi trời Đao Lợi và sanh xuống nhân gian được giàu có như vậy. Nhưng do khi bố thí bằng tâm không tốt, bố thí xong rồi hối hận. Ông nghĩ bữa ăn đó, nếu mà để dành cho mấy đứa đầy tớ trong nhà ăn, thì còn tốt hơn bố thí cho một vị Bích-chi-phật. Nhờ quả báo đó nên ông được rất nhiều phước báo, nhưng vì điều đó mà ông không xài được. Vì tâm bố thí xong rồi hối hận, nên tiền thì có, được giàu có, thậm chí ở cõi Trời, nhưng không hưởng thụ được, ổng không xài được, ổng cứ tích luỹ vậy thôi.

Rồi có một nguyên nhân nữa khiến ổng không có con, là tại vì ông đã giết một người em của mẹ kế, để cướp tài sản của người đó. Vì [nhân] đó mà sau khi bị đọa ra, ổng không có con nối dõi”.

Rồi vua Ba Tư Nặc mới hỏi: “Vậy sau khi ổng chết thì ổng đi về đâu?” Đức Phật nói: “Đời này ổng hết phước rồi, sau khi chết thì ổng vô Địa ngục”. Như vậy quý vị thấy uổng phí đúng không!

Rồi còn chỗ xài tài sản, bữa nào Thiện Trang sẽ trích ở bộ kinh khác, nói về cách xài tài sản. Cho nên hãy xài hợp lý, nhiều người tích lũy tài sản nhiều quá, tức là nước đọng. Hòa thượng Tịnh Không nói là nước đọng giống ao tù, thì cuối cùng sẽ hôi thối. Cách tốt nhất là tài sản đến rồi thì cho ra, bằng cách là mình xài, mình xuất nhập hợp lý. Tức là mình bố thí, làm phước, làm gì đó v.v… nếu [tiền] dư thì mình cho ra. Đức Phật có nói ở trong bộ kinh khác, trong đó chia các phần ra để làm gì. Để bữa nào Thiện Trang giới thiệu nguyên văn để cho quý vị thấy, trong Kinh A Hàm có dạy hết.

Cho nên chúng ta phải hiểu được, đôi khi mình nói về đời sống tu hành, nhiều người kêu: “Tôi [phải] giữ tiền cho nhiều vô”. Đức Phật nói tiền đó không đem ra xài, thì giống như nước trong hồ, rồi cũng bốc hơi bay hết. Nên mình muốn có phước báo, thì xuất nhập phải bình đẳng. Cứ vào [thì] cho ra, tiền bạc cứ vào thì cho ra, vào ra thì tốt.

Thiện Trang thấy cũng bao nhiêu năm nay mình không có tích lũy gì hết, cho nên khi cần tiền để [làm] gì thì cũng không có, nhưng lại có được tự tại, [tiền] cứ ra vô, ra vô. Nhiều khi mình chưa kịp làm thôi. Ví dụ như quý vị gửi Thiện Trang [tiền] ấn tống in kinh thì chưa kịp làm. Vì in kinh thì lâu lâu mới in một lần. In kinh sách phải có thời gian, đáng lẽ đợt này có thời gian thì Thiện Trang sẽ in kinh sách, nhưng tại [Thiện Trang] không có thời gian, vì việc này việc kia dồn dập tới liên tục, nên là không kịp [in]. Chứ còn không, thì cũng in cho hết quỹ. Chỉ có mỗi quỹ in kinh là còn thôi, còn các quỹ khác cứ liên tục, liên tục, cứ gần cạn lại [có] tiếp tục. [Như] quỹ ấn tống máy nghe pháp chẳng hạn, đợt vừa rồi Thiện Trang ấn tống cạn luôn, phải coi có quỹ tiếp [thì] mới làm tiếp được. Tức là có những việc làm, mình có bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu. Thiện Trang bao nhiêu năm nay tin vào nhân quả. Cho nên cái giá của việc đó là như vậy, mình cứ học theo đúng lời Phật mình làm thôi. Mình tin là khi nào có vấn đề gì, thì tự nhiên tiền bạc sẽ đến, và sẽ tốt hơn. Đó là lời Phật, còn quý vị tin hay không thì là quyền của quý vị.

Tạm dịch: Đã nói về các bộ phận của âm thanh rồi, giờ nói về các bộ phận của Vị. Vị có 6 loại khác biệt (biệt cố là khác biệt): ngọt, chua, mặn, cay, đắng, lạt.

已說味處,當說香處。香有四種:好香、惡香、等、不等香,有差別故。本論中說香有三種:好香、惡香及平等香。

Dĩ thuyết Vị xứ, đương thuyết Hương xứ. Hương hữu tứ chủng: hảo hương, ố hương, đẳng, bất đẳng hương, hữu sai biệt cố. Bổn luận trung thuyết hương hữu tam chủng: hảo hương, ố hương cập bình đẳng hương.

Giải:

#Dĩ thuyết Vị xứ: đã thuyết về bộ phận của Vị rồi.

#Đương thuyết Hương xứ: tiếp theo hay giờ sẽ nói về các bộ phận của Hương; #Hương là mùi hương.

#Hương hữu tứ chủng: Hương thì có bốn loại, ít hơn. [Vị] thì có sáu loại. Sắc có 20 loại, [trong đó] âm thanh có tám loại, Vị thì có sáu, bây giờ còn có bốn thôi, khỏe hơn nữa.

#Hảo hương, ố hương, đẳng, bất đẳng hương, hữu sai biệt cố: tức là hương thì có bốn loại, gồm có hảo hương; #hảo hương là hương thơm; #ố hương: chữ này (惡) cũng là ác, nhưng đọc là ố, ố thì mới đúng âm. Ố tức là hôi, còn nếu [đọc âm] ác thì [nghĩa] là ác rồi, cho nên không phải. Ác là tính từ, ác với thiện. Còn đây là ố hương tức là hương hôi thối, người Miền Nam gọi là thúi. #Đẳng là hương bình đẳng, tức là [hương] ngang nhau. Hương bình bình, không có hôi, không có thối. Còn #bất bình đẳng hương là hơi nghiêng về là thơm [hơn] một chút (nhưng vẫn hơi hôi), hay là hôi hơn một chút.

          Giống như chúng ta thấy hương thơm của nước hoa, thì có người kêu là thơm, nhưng có người kêu khó chịu quá, hương gì đâu mà hôi quá. Hoặc như trái sầu riêng, có nhiều người thì kêu sao thối quá, còn có người thì nói thơm mà. Cho nên mùi hương cũng khó phân biệt, do nghiệp và cũng là do thói quen nữa. Có nhiều khi mình ăn chay lâu rồi đó quý vị, giờ mình đi ngang qua mà nghe mùi người ta nướng thịt, thì mình thấy thơm hay là hôi, hay khó chịu? 

Nếu là người ăn mặn, thì họ kêu thơm quá, thơm quá! Đó là thành hảo hương. Nhưng đối với mình, thì mùi này khó chịu quá, nên thành ố hương. Đây cũng là do nghiệp của chúng sanh mà cảm ra.

Rồi có mùi thì không rõ ràng, nó ngang ngang nhau thôi. Có mùi thì hơi hôi một chút. Ví dụ có người xài nước hoa kiểu gì, người đó thì thấy thơm, nhưng người khác thì thấy hôi. Và có một số loài như bọ xít, thì hôi. Có một số loài thì hơi hôi thôi, mình ngửi kỹ thì mới thấy hôi, còn nếu không ngửi kỹ thì bình thường. Đó là bất bình đẳng hương (hương không bình đẳng).

#Bổn luận trung thuyết hương hữu tam chủng: hảo hương, ố hương cập bình đẳng hương: ở trong Luận này, thật ra nói có ba loại thôi, là hương thơm, hương thối (thúi) và hương bình đẳng (hương ngang nhau). Trong bộ Luận này, ngài Thế Thân nói chỉ có ba thôi, nhưng ngài Huyền Trang thì thấy chưa [đủ], ngài nói thêm hương bất bình đẳng nữa, là thành bốn hương.

          Hết Hương rồi, bây giờ nói tới Xúc, Xúc thì nhiều hơn.

          Tạm dịch: Đã nói về các bộ phận của Vị rồi, giờ nói về các bộ phận của Hương. Hương có 4 loại: hương thơm, hương thối, hương bình đẳng, hương không bình đẳng, vì có sự sai biệt. Trong Luận này nói Hương có 3 loại: hương thơm, hương thối và hương bình đẳng.

     已說香處,當說觸處。觸有十一,謂四大種、滑性、澁性、重性、輕性及冷、飢、渴。此中大種後當廣說。柔軟名滑。麁強為澁。可稱名重。翻此為輕。煖欲名冷。食欲名飢。飲欲名渴。此三於因立果名故,作如是說。如有頌言:

Dĩ thuyết Hương xứ, đương thuyết Xúc xứ. Xúc hữu thập nhất, vị Tứ đại chủng, hoạt tính, sáp tính, trọng tính, khinh tính cập lãnh, cơ, khát. Thử trung đại chủng hậu đương quảng thuyết. Nhu nhuyễn danh hoạt. Thô cường vi sáp. Khả xưng danh trọng. Phiên thử vi khinh. Noãn dục danh lãnh. Thực dục danh cơ. Ẩm dục danh khát. Thử tam ư nhân lập quả danh cố, tác như thị thuyết. Như hữu tụng ngôn:

Giải:

#Dĩ thuyết Hương xứ, đương thuyết Xúc xứ: đã nói về các bộ phận của Hương rồi, giờ nói về các bộ phận của Xúc.

#Xúc hữu thập nhất: Xúc có 11 loại. #Xúc là thân thể của mình tiếp xúc với gì đó, thì có 11 loại. Mình xem thử 11 loại là gồm những gì?

#Vị Tứ đại chủng: gồm có Tứ đại. Tứ đại là: Đất, Nước, Gió, Lửa. Ví dụ như mình tiếp xúc, thì mình biết đó là đất. Mình tiếp xúc, thì mình biết đó là lửa, vì nó nóng hay lạnh. Nóng hay lạnh, [thì] là lửa. Nước thì dễ rồi, cảm giác của mình [khi] rờ vào nước, thì [thấy] chất lỏng lỏng, thì mình biết đó là nước. [Về] gió, thì mình thấy gió thổi nhè nhẹ, thấy mát mát, hay cái gì đó có gió. Bốn điều đó là thuộc về bốn xúc của mình.

#Hoạt tính (hoạt tánh): là tính chất trơn. Ví dụ mình đi trên đường, mình thấy đường trơn. Hay là có những lớp gì đó trơn, như dầu trơn [chẳng hạn].

#Sáp tính (tính hay tánh đều được): #sáp thì ngược lại với trơn, là rít. Rờ vào [thấy] dính, rít, là không trơn.

#Trọng tính, khinh tính: #trọng tính là tính nặng. Ví dụ mình cầm một vật, thì mình biết vật này nặng quá. [Còn] khinh tánh là mình biết vật này nhẹ, giống như bông gòn.

          Đó là bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa, với tính về trơn, rít, nặng, nhẹ, là tám rồi. Mình còn ba điều nữa là đủ 11 thứ.

#Cập lãnh, cơ, khát: #lãnh là rét (lạnh). Quý vị tiếp xúc với gì đó, thì mình thấy lạnh. [Như] quý vị đi ngoài đường, tiếp xúc với không khí, hay là dựa vào tường thì thấy lạnh quá. Đó cũng là một trạng thái của Xúc. #Cơ là đói, đói cũng là một trạng thái cửa Xúc. Đói là mình thấy đói, thì cũng xếp vào là Xúc. #Khát là thấy thiếu nước.

Muốn ăn thì là đói, muốn uống thì là khát. Khi nào mình thấy cần phải ăn, rất muốn ăn, thì mình biết là đói. Còn khi nào mình cần phải có nước, thì đó là khát. Đó cũng là Xúc. Như vậy là thành 11 [loại].

#Thử trung đại chủng hậu đương quảng thuyết: ở trong các loại lớn thì về sau sẽ nói rộng thêm; #hậu là về sau.

#Nhu nhuyễn danh hoạt: cái nào mềm mại thì gọi là trơn. Điều này thì dễ hiểu rồi! Cái nào mềm mại thì trơn, trơn thì mới chạy theo, còn cứng quá [thì không chạy được].

#Thô cường vi sáp: #thô là to, lớn; #cường là cứng, không mềm dẻo; cứng mà lớn thì gọi là sáp. Ví dụ như mình rờ vào cục đất, thì thấy cứng, nó vừa to vừa rít nữa. Đó là to cứng, [là rít].

#Khả xưng danh trọng: #khả xưng là đáng kể; đáng kể thì gọi là nặng. Tức là mình cầm một vật lên, mình thấy nó có sức nặng một chút, sức đáng kể, vì ảnh hưởng đến tay mình, thì là nặng.

#Phiên thử vi khinh: ngược lại với điều đó, thì gọi là nhẹ. Nhẹ là mình cầm một vật lên, thì mình cảm thấy như không. Giống như cầm bông gòn, thì mình đâu có cảm giác gì đâu, không có đáng kể gì hết, nên gọi là nhẹ.

Đúng là Luận Câu Xá, Duy Thức, giải thích mấy vấn đề [này] đơn giản. Giống như mình hỏi thế nào là nặng, thế nào là nhẹ, thì không trả lời được. Nhưng trong này giải thích rõ [ràng], như mình cầm một vật gì đó lên, mình cảm thấy [vật đó] đáng kể, thì gọi là nặng. Còn như bông gòn, mình cầm cũng như không cầm. Hay là bông cỏ, dính vào người mình, mình đâu có cảm giác gì đâu, thì đó là nhẹ. [Hay] là con muỗi đậu lên má của mình, mình cũng không cảm giác được, thì con muỗi là nhẹ. Còn nếu như vật gì đó nặng nặng, mà dính lên má của mình, thì mình cảm thấy nặng rồi, thấy khó chịu rồi.

Cho nên Duy Thức Học định nghĩa chính xác, ghê thật! Gọi là Duy Thức mà, Duy Thức Pháp Tướng, A Tỳ Đàm, Luận Câu Xá, những bộ thuộc về mảng này, thì chia chẻ rất chi tiết.

#Noãn dục danh lãnh: #noãn là ấm; #dục là mong muốn; muốn ấm thì gọi là lạnh. Ở đây định nghĩa đúng quá! Định nghĩa đơn giản, là bây giờ mình muốn ấm lên, thì tất nhiên lúc đó là mình đang bị lạnh rồi.

#Thực dục danh cơ: khi muốn ăn thì gọi là đói.

#Ẩm dục danh khát: khi muốn uống thì gọi là khát.

Điều này là đương nhiên! Định nghĩa như vậy, chứ bây giờ mình đâu biết định nghĩa khát [theo] kiểu gì. Khát nước là tình trạng thiếu nước, thiếu nước thì biểu hiện ở đâu? Biểu hiện ở chỗ mình thấy cần uống nước, thì gọi là khát. Còn đói thì định nghĩa thế nào? Là khi nào mình cảm thấy đang cần ăn, muốn ăn, thì gọi là đói. Định nghĩa này theo Duy Thức cũng hay!

#Thử tam ư nhân lập quả danh cố: ba điều này là nương vào nhân mà lập thành tên; #ư là nương vào. Tức là coi nhân đó là nhân gì, nhân muốn ăn thì lập thành đói, nhân mà cần uống nước thì lập thành khát, nhân muốn ấm thì gọi là lạnh.

#Tác như thị thuyết, như hữu tụng ngôn: tức là đã nói như vậy, như có bài tụng:

Bài tụng này thì không phải bài tụng của kinh văn, mà tụng này là bài tụng của ngài Huyền Trang.

Chư Phật xuất hiện lạc諸佛出現樂,Vui thay Phật xuất hiện
Diễn thuyết Chánh pháp lạc演說正法樂,Vui thay diễn Chánh pháp
Tăng chúng hòa hợp lạc僧眾和合樂,Vui thay Tăng hòa hợp
Đồng tu dũng tấn lạc.同修勇進樂。Vui thay chúng đồng tu Cùng dũng mãnh tinh tấn.

Giải:

#Chư Phật xuất hiện lạc: là chư Phật xuất hiện ở đời thì vui; #lạc là vui. Mình dịch suông câu là: Vui thay chư Phật xuất hiện. Hoặc là mình dịch năm chữ là: Vui thay Phật xuất hiện (tức là Phật sẽ ra đời). Chúng ta hay có bài “Vui thay Phật ra đời”. Ý này là đáp ứng lại với Xúc, mình tiếp xúc được Phật ra đời thì mình thấy vui.

#Diễn thuyết Chánh pháp lạc: là Vui thay diễn Chánh pháp. Ở đây do thiếu chữ, nên không thể thêm chữ ‘thuyết’ nữa; #diễn là làm, biểu diễn cho người ta thấy, thực hành Chánh pháp cho người ta thấy; #thuyết là nói cho họ.

#Tăng chúng hoà hợp lạc: chữ #lạc đằng sau này mình dịch lại theo đúng ngôn ngữ, là sự vui khi Tăng chúng hoà hợp. Ở đây giống như A là một danh từ, B là một danh từ, A đứng trước B, thì trong cấu trúc chữ Hán sẽ đảo ngược lại thành B đứng trước A. Vì B đứng trước nên mình dịch là: Vui thay Tăng hòa hợp.            

#Đồng tu dũng tấn lạc: tức là niềm vui khi các đồng tu cùng nhau dũng mãnh tinh tấn, thì mình vui mừng.

Tạm dịch:

Vui thay Phật xuất hiện

Vui thay diễn Chánh pháp

Vui thay Tăng hòa hợp

Vui thay chúng đồng tu

Cùng dũng mãnh tinh tấn.

 Ở đây mình dịch dư ra một câu, nhưng chúng ta dịch vậy cho đủ nghĩa.

於色界中無飢渴觸,有所餘觸。彼界衣服,別不可稱,聚則可稱。冷煖於彼雖無能損而有能益。傳說如此。

Ư Sắc giới trung vô cơ khát xúc, hữu sở dư xúc. Bỉ giới y phục, biệt bất khả xưng, tụ tắc khả xưng. Lãnh noãn ư bỉ tư vô năng tổn nhi hữu năng ích. Truyền thuyết như thử.

Giải:

#Ư sắc giới trung vô cơ khát xúc, hữu sở dư xúc: tức là ở trong trời Sắc giới, trời Sắc giới quý vị nhớ từ đâu không? Là từ Sơ thiền trở lên đến Tứ thiền Sắc giới, tức là trừ bốn tầng trời: Không Vô Biên xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Suốt 18 tầng trời từ Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên, Thiểu Quang Thiên, trời Vô Lượng Quang, trời Quang Âm, trời Thiểu Tịnh, trời Vô Lượng Tịnh, trời Biến Tịnh, trời Phước Sanh, trời Phước Ái, trời Quảng Quả, trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Hiện, trời Thiện Kiến, trời Sắc Cứu Cánh. Đó là 18 tầng trời của Sắc giới.

Để quý vị dễ nhớ, thì Thiện Trang xin nói thế này: quý vị nhớ là ở tầng Sơ thiền là có chữ Phạm, nên đầu tiên là Phạm Chúng Thiên, đến Phạm Phụ rồi Đại Phạm. Sơ thiền thì gắn với chữ Phạm, là vì Sơ thiền đã lìa được các dục rồi, các dục nam nữ hết rồi. Chư thiên ở cõi trời dưới thì còn nam nữ, như trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi thì họ còn ôm ấp nhau, giống như ở nhân gian, chỉ có khác là họ không có ra những thứ bất tịnh (không có xuất tinh chẳng hạn). Đó là trời Tứ Thiên Vương và trời Đao Lợi như vậy. Còn lên trời Tu Diễm Ma thì đỡ hơn, trời Đâu Suất còn đỡ hơn nữa. Trời Hoá Lạc thì nhẹ hơn và trời Tha Hoá Tự Tại thì nhẹ hơn nữa. Ví dụ như ở trời Tha Hoá Tự Tại, họ chỉ cần nhìn thoáng qua thôi, thì họ thoả mãn dục vọng của họ rồi. Còn trời thứ năm là Trời Hoá Lạc, thì họ nhìn nhau kỹ một chút, tức là nhìn nhau hơi lâu một chút, thậm chí là mỉm cười với nhau. Còn ở dưới hơn là họ nắm tay nhau thôi là đủ rồi. Đó là do dục càng lên trên càng nhẹ. Cho nên từ Sắc giới là họ không còn dục nữa, không có ăn uống, không có gì hết. Đó là từ Sơ thiền Sắc giới, đến tầng trời cuối cùng là Sắc Cứu Cánh Thiên.

Ở đây nói trong cõi Vô sắc thì không có xúc về đói khát, tại vì họ hết ăn uống rồi, sướng không? Mình còn ăn uống, cho nên còn khổ, bây giờ nhiều người nói: “Ăn sướng mà thầy!”. Nhưng thực tế ăn là khổ. Thứ nhất là phải đi làm, phải kiếm tiền mới có ăn, đó là khổ rồi. Thứ hai ăn xong thì cơ thể nặng nề, rồi ăn [vào] còn phải đi đại tiện, tiểu tiện, [nên] ăn uống là khổ rồi. Rồi ăn uống là nạp vào người bao nhiêu thứ, cho nên bệnh cũng từ ăn uống mà ra. Cơ thể mình ở nhân gian, tại mình sống quen rồi nên mình thấy sướng, thậm chí mình kêu ăn mới đã, nhưng thực tế thì không phải.

          Đối với 18 tầng trời Vô sắc, thì họ không còn ăn nữa và không cần uống nữa. Cho nên Xúc bớt đi, 11 loại Xúc thì họ chỉ còn chín [loại], [họ] bớt đi, nhẹ đi rồi, đây nói là như vậy.

#Hữu sở dư xúc: nhưng có những xúc còn lại.

#Bỉ giới y phục, biệt bất khả xưng, tụ tắc khả xưng: tức là y phục ở cõi đó, chia ra (phân ra) thì không thể nào kể hết được. Tại vì nhiều lắm, đủ các loại y áo, y phục. Nhưng nếu gộp lại cũng có thể kể hết được. Cho nên quý vị nghe nói là mình phải hiểu, tức là mình ở cõi này phước kém lắm. Quý vị ở [cõi này] mặc quần áo, mình thấy y phục thời trang, qua Paris hay là Rome, mấy kinh đô thời trang (kinh đô ánh sáng), mình ăn mặc thấy đẹp vậy thôi, nhưng so với y phục của chư thiên Sắc giới là khỏi bàn. Ở trên đó có nhiều loại, nhiều kiểu, đủ các chủng loại, và [rất] dễ chịu nữa.

Quý vị đồng tu trong nước thì có thể không biết, nhưng những đồng tu nào đã đi ra nước ngoài, ra Châu Âu là thấy có sự khác biệt giữa quần áo trong nước và nước ngoài. Quần áo ở trong nước, mình mặc vào, tại do mình mặc hoài nên mình không có cảm giác, nhưng ngày nào đó quý vị qua bên Châu Âu, mà qua các nước phát triển kha khá chút. Quý vị chỉ cần được người ta tặng cho một bộ quần áo, đúng của nước đó, quý vị mặc vô xong là sau này quý vị cảm thấy không muốn mặc đồ của Việt Nam nữa. Tại sao vậy? Bởi vì nó rát. Không biết sao nữa, [chắc] do mình mặc đồ [của Việt Nam] quen rồi, hình như da mình chịu quen rồi hay sao ấy. Nhưng nếu mình mặc đồ kia một thời gian, sau này mình trở lại mặc đồ của Việt Nam, mình cảm thấy người bị rát. Thậm chí có người bị ngứa, khó chịu, tại vì vải bị sao đó.

Cho nên ở cõi Người thôi mà đã khác rồi. Thiện Trang thấy một số đồ thời trang của nước mình, mình mặc vô thấy nặng. Còn đồ của [nước] người ta, có những bộ đồ sao mặc vào thấy nhẹ một cách lạ lùng. Giống như Việt nam mùa đông mặc quần áo phải dày lên, dày ơi là dày, lớp này lớp kia, mặc [vào] nặng người ghê gớm thì mới ấm. Còn đồ mùa đông ở Châu Âu, Châu Âu họ lạnh hơn Việt Nam mình nhiều, thì mặc đồ rất mỏng thôi nhưng vẫn ấm, đồ nhẹ mà vẫn ấm.

Đó là việc ăn [mặc] ở Thế giới này thôi đã khác biệt như vậy, huống hồ chi lên cõi Trời. Cho nên chúng ta sống ở đâu thì mình quen ở đó rồi, mình cứ nghĩ như vậy, nên không bao giờ mình cảm thấy [khổ]. Chứ ngày nào đó cho quý vị lên sống trên cõi Trời, thì quý vị không bao giờ thích trở lại xuống nhân gian nữa đâu. Tại mình không có trải nghiệm, cho nên nhiều người sang nước ngoài xong rồi, cũng chẳng muốn về ở Việt Nam nữa, nhiều người nói vậy.

Tại vì mình sống ở đó mình cảm thấy môi trường, đồ đạc, mọi thứ đều tốt. Giống như đồ bên Châu Âu quý vị không cần đi mua, quý vị đi lượm đồ người ta bỏ về xài là đã rồi. Thiện Trang đi lượm rồi Thiện Trang thấy, hồi xưa mình kêu: Ôi mình đi lượm đồ là tiết kiệm. Xin lỗi quý vị! Đi lượm mấy đồ người ta [bỏ đi], giống như Thiện Trang ở chỗ này, Chủ nhật cuối tháng người ta bỏ đồ đầy bên ngoài trước cửa nhà. Đồ nào họ cần bỏ thì cứ bỏ đó, là có người đi gom. Mình đi dạo dạo, coi đồ nào mình lấy được thì đem về xài, toàn là đồ ngon không đó quý vị. Những đồ [họ] làm bao giờ cũng ngon hết, cho dù là đồ gì vẫn còn xài được. Nhưng tại vì [dùng đồ] lâu rồi, bao nhiêu năm rồi, người ta thấy cần đồ mới hơn [nên] người ta bỏ. Cho nên đồ [đó] thì mình xài còn ngon lắm, đem về Việt Nam mình xài là ok luôn. Rất nhiều thứ, đồ này đồ kia.

Đó là nội trên Trái đất này của mình thôi, mà nền văn minh đã khác nhau một trời một vực giữa các nước trên Thế giới. Rồi quý vị qua Châu Phi, thì quý vị còn thấy khổ nữa, mấy nước nghèo cực kỳ khổ luôn, họ không có để sống nữa, khổ lắm! Cho nên người ta sống ở mỗi nơi, thì đã nhận thức khác nhau rồi, huống hồ mình lên cõi Trời, thì mình thấy khác biệt lắm. Cho nên ở đây nói kể về y phục thì không kể hết được, mà trời Sắc giới còn hơn nữa, trời Dục giới đã hơn mình rồi.

Cho nên quý vị học Phật pháp, quý vị tư duy như vậy đó, thì mới xả ly Thế giới này được. Còn quý vị mà không có tư duy [như] vậy, thì quý vị ham Thế giới này lắm, ham thì không đi được. Có nhiều người bây giờ thân thể đau bệnh rồi, Thiện Trang nói là quán thân thể này giống như ngôi nhà của mình thôi, mỗi đời là một ngôi nhà. Thì thôi giống mình bỏ [căn] nhà này, mình chuyển nhà đó mà. Đời này thân thể mình sắp ra đi, bị bệnh đau gì đó. Thì thôi [bỏ] đi, mình cứ quán là: Ta sắp có nhà mới, nhà mới sẽ tốt hơn nhà cũ. Cứ nghĩ như vậy, ta sắp có thân thể mới, thân thể mới sẽ tốt hơn thân thể cũ. Vì ta có một đời tu tập hoặc là ít nhất mình có Chánh niệm rõ ràng lúc ra đi, thì chắc chắn mình sẽ có căn nhà mới tốt đẹp hơn, tức là thân thể mới tốt đẹp hơn. Và mình phải tin rằng mình tu thì mình sẽ được như vậy.

Giống như trong Kinh, Thích Ma Ha Nam, Thích Ma Ha Nam là người Cư sĩ tại gia của dòng họ Thích, ông thấy mấy người cưỡi ngựa hung dữ, chạy rầm trời ngoài đường, ổng sợ quá, kêu: bây giờ mà bị mấy con đó tông một phát chắc là chết, chết bất ngờ thì đi về đâu. Ổng sợ quá nên hỏi [đức Phật]: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu bây giờ con bị mấy người cưỡi xe ngựa, chạy ầm ầm, tông một phát chết, thì con sanh về đâu? Hay là con bị những tai nạn, như bị cây đè hay bị gì đó, [mà] chết đột ngột, thì con sanh về đâu?”. Đức Phật mới nói: “Ông nhìn cây to kia kìa, nó đang nghiêng về bên phải đó (có kinh nói nghiêng về bên phải). Bây giờ [nếu] cây đó ngã xuống, thì sẽ ngã về hướng nào?”. [Thích Ma Ha Nam nói]: “Dạ, tất nhiên cây đó sẽ ngã về hướng bên phải”.

Đức Phật mới nói: “Vậy ông đừng có sợ rằng ông chết sẽ bị đọa lạc. Bởi vì khi tu hành, với công đức giữ giới, những việc làm trong đời, thì những nhân đó giống như cây đã nghiêng về hướng đó rồi, thì khi chết vẫn được sanh vào cảnh giới lành thôi. Giống nhưkhi hũ bơ, hũ dầu bị bể ra, thì các mảnh của hũ dầu rơi xuống dưới sông, nhưng dầu thì nổi trên mặt sông. Cũng vậy, khi cơ thể gặp những chuyện tai nạn, chết một cách kinh hoàng như vậy. Nhưng ông yên tâm, là thần thức ông sẽ được sanh lên các cõi lành”.

Mình tu thì mình phải có quán niệm như vậy, càng đau đớn bao nhiêu thì hãy cố gắng quán rằng: Ta sắp có thân thể mới, thân thể đó tốt đẹp hơn thân thể này. Ai tu Tịnh Độ thì biết Tây Phương Cực Lạc, có hy vọng về Tây Phương Cực Lạc, thì thân thể càng tuyệt vời hơn nữa, trong Kinh Vô Lượng Thọ nói còn hơn cả thân thể của chư thiên nữa. Cho nên điều đó tốt đẹp hơn.

Mình cứ nghĩ như vậy thì mình quán, mình tu. Chứ nhiều người đến lúc sợ chết quá, vì sao sợ chết? Vì sao sợ đau? Vì Thân kiến nặng quá. Thiện Trang không nói là quý vị bỏ được Thân kiến. Nhưng quý vị bỏ bớt đi, xả được một phần Thân kiến, thì đỡ được một phần đau.

Và muốn đỡ đau thì chúng ta tu [phải] có Thiền định, Định chỉ sẽ giúp đỡ đau, thật ra Định quán cũng giúp đỡ đau. Những điều nghĩ như vừa rồi là chỉ Định quán, những cách đó là cách quán. Còn nếu không [quán] nổi nữa, thì [dùng] Chỉ, là niệm Phật. Niệm Phật cũng là một cách để quên đi những vọng niệm đau, thì tự nhiên sẽ không đau. Nhiều khi quý vị chỉ cần tập trung vào việc gì đó, [thì] quý vị đâu có đau đâu. Nhiều người bị bệnh, như bệnh dạ dày chẳng hạn, bình thường đau lắm, nhưng đang suy nghĩ việc gì đó, một hồi đâu có biết đau đâu.

Cho nên đó là do vọng niệm của mình đặt tâm ở đâu. Đó là mình trụ ở đó, [và] đó cũng là chi thiền. Quý vị biết Thiền gì không? Nó nằm trong định, định không phải là tu Thiền mới có định, mà định ở ngay trong đời sống, mình phải có một chút định. Chi thiền [là] phải tập trung tâm, thì tập trung tâm về đâu sẽ giải quyết vấn đề [ở đó].

Cho nên khi nghiệp tới, khi chuyện gì tới, [hãy] cố gắng tập trung tâm vào điều tốt đẹp. Đừng tập trung tâm vào những điều xấu, để cho nghiệp trổ mạnh hơn nữa thì không tốt, mình cố gắng được như vậy. Đó là Thiện Trang chia sẻ những bí quyết, mà chúng ta cần nên tu tập.

#Lãnh noãn ư bỉ tư vô năng tổn nhi hữu năng ích. Truyền thuyết như thử: tức là sự lạnh ấm đối với người ở cõi ấy (cõi Trời đó), tuy không gây ra sự tổn hại, mà lại còn có ích nữa.

          Quý vị thấy không! Ở đây muốn nói là chư thiên ở trời Sắc giới, khi mình bị lạnh nóng thì mình khó chịu, còn đối với chư thiên trời Sắc giới thì họ không có khó chịu, không có tổn hại gì hết, mà còn có lợi ích, gây cho họ sự hưng phấn hơn, tốt hơn.

Cho nên quý vị thấy phước báo trời Sắc giới khác hơn [so với] ở chúng ta. Chúng ta tới mùa đông thì lạnh lắm, lạnh run cầm cập. Ở Việt Nam thì tới miền Bắc mới có lạnh. Có người nói [với] Thiện Trang, là tại sao độ lạnh ở Việt Nam không thấp bằng Châu Âu, mà lại chịu không nổi? Còn ở Châu Âu thì lạnh hơn, âm độ luôn, mà người ta chịu nổi, người ta ra đường cũng thoải mái.

Quý vị biết hai cái lạnh này khác nhau, lạnh [ở] Việt Nam là lạnh mà còn có ẩm nữa, hơi ẩm tức là hơi nước trong không khí. Giống như mình ở trong căn phòng toàn hơi nước, cho nên là lạnh hơn. Đã lạnh rồi mà còn có hơi nước nữa, nên thành ra cảm giác lạnh hơn. Còn ở Châu Âu là lạnh mà khô, nên ít lạnh hơn. Tức là trong không khí có ít hơi nước, hơn nên ít lạnh hơn. Vì vậy âm độ cũng không sao, người ta vẫn chịu đựng được.

Quý vị cứ tưởng tượng trong phòng lạnh khô, thì khác với trong phòng lạnh mà ẩm. Cho nên bây giờ mùa nắng, quý vị thấy có quạt gió thôi là khác, có quạt hơi nước thì khác. Việt Nam hay xài quạt hơi nước, có hơi nước thì tự nhiên mát, quý vị [có thể] tưởng tượng như vậy. Cho nên lạnh khác nhau. Mà ở trên trời Sắc giới thì lạnh ấm hay lạnh nóng, cũng không có tổn hại gì với họ, mà còn mang lại cho họ lợi ích nữa. Và được truyền thuyết như thế, tức là trong kinh truyền thế nào thì mình nói như vậy. Đây là chúng ta hiểu thêm để học.

Cho nên Thiện Trang nói là học bộ này, để mình hiểu rõ cảnh giới, mình hiểu từng chút tích lũy dần dần, [để] mình buông được Thế giới này, mình mới tu được. Còn không mình ở đây, mình cứ hâm mộ Thế giới này khủng khiếp lắm, mình muốn ở Thế giới này [thôi]. Mình ham cái nhà, ham toàn mấy thứ đồ dỏm không. Còn trên [cõi Trời] thì sướng, quý vị thấy cõi Trời hồi nãy mình lược [qua], tuổi thọ cõi Trời rất dài xa so với nhân gian, mình đâu có nghĩa gì đâu! Quý vị tu có một chút, tu có mấy chục ngày, tu bao nhiêu đâu mà đắc Thiền một cái là ngon. Và Thiền lên một phát là lên luôn ở trên đó, ở đã luôn. Nhưng vẫn chưa bằng người giải thoát ra khỏi sanh tử.

Cho nên nếu không học, thì mình thấy Thế giới này quá tuyệt vời. Còn nếu mình học, thì mình thấy Thế giới này chẳng là gì hết. Cho nên phải học những bộ này, từ từ mình sẽ hiểu. Tuy là nói thấy không liên quan gì, nhưng thật ra cũng có liên quan đó quý vị.

Tạm dịch: Ở cõi Vô sắc không có xúc về đói, khát, nhưng có những xúc còn lại. Y phục ở cõi ấy, chia ra thì không thể kể hết, gom lại thì có thể kể hết. Sự lạnh ấm ở cõi ấy dù có nhưng không bị tổn hại mà lại có được sự lợi ích. [Được] truyền nói như vậy.

此中已說多種色處。有時眼識緣一事生,謂於爾時各別了別。有時眼識緣多事生,謂於爾時不別了別,如遠觀察軍眾山林、無量顯形珠寶聚等。應知耳等諸識亦爾。

Thử trung dĩ thuyết đa chủng sắc xứ. Hữu thời Nhãn thức duyên nhất sự sanh, vị ư nhĩ thời các biệt liễu biệt. Hữu thời Nhãn thức duyên đa sự sanh, vị ư nhĩ thời bất biệt bất liễu biệt, như viễn quan sát quân chúng sơn lâm, vô lượng hiển hình châu bảo tụ đẳng. Ưng tri nhĩ đẳng chư thức diệc nhĩ.

Giải:

#Thử trung dĩ thuyết đa chủng sắc xứ: tức là trong đây đã nói rất nhiều loại bộ phận của Sắc.

#Hữu thời Nhãn thức duyên nhất sự sanh: tức là có lúc Nhãn thức noi theo một sự việc mà sanh; #sanh tức là khởi. Ví dụ như mắt chúng ta nhìn thấy một điều gì đó, thì nó nương theo cái đó mà sanh khởi, hoạt động của thức về mắt gọi là Nhãn thức.

#Vị ư nhĩ thời các biệt liễu biệt: thì vào lúc đó, sự biết rõ phân biệt mọi thứ. Tức là [mình] biết rất rõ, ví dụ như quý vị nhìn vào một vật gì đó, như một chiếc xe chạy chậm chậm qua, và người xuất hiện ở đằng trước, mình có thể thấy rất rõ người đó tướng tá như thế nào, mang đôi giày như thế nào, đeo cái đồng hồ như thế nào cầm cái gì, v.v… Tức là mình thấy rất rõ từng thứ, từng thứ, thì đó là các biệt liễu biệt.

#Hữu thời Nhãn thức duyên đa sự sanh: có lúc thì Nhãn thức của mình, tức là sự biết của mắt, duyên với nhiều sự việc mà sanh ra. Ví dụ như bây giờ có quá nhiều người, không phải một người, mà mình thấy cả chục người đi vô một lúc. Thì làm sao mình quan sát rõ ràng, hết một chục người cùng một lúc được, mình thấy nhiều việc quá.

#Vị ư nhĩ thời bất biệt bất liễu biệt: tức là vào lúc đó thì sự biết không thể nào biết rõ từng thứ được, không phân biệt được.

          Bây giờ một lúc mà 10 người vào, 10 người xuất hiện trước mặt mình, thì nhiều quá làm sao mình phân biệt rõ được. Mình chỉ biết 10 người đó là người nào, là may lắm rồi đúng không? Chứ bây giờ bắt đầu để ý từng người cầm cái gì, mang đôi dép màu gì, rồi thế nào, thế nào, thì chắc phải có thời gian. Tại vì có nhiều đối tượng quá. Tức là mắt của mình (Nhãn thức của mình) có làm việc khả năng tới đó thôi, nó không thể chụp nhanh giống như những bậc Thánh nhân được. Bậc Thánh nhân, hoặc bậc chư thiên phân biệt rất nhanh, nhưng mình thì kém, mình không được như vậy.

#Như viễn quan sát quân chúng sơn lâm, vô lượng hiển hình châu bảo tụ đẳng: tức là như ở xa mà quý vị quan sát được quân đội; #chúng là đông, núi rừng thì vô lượng hiển hình; #hiển hình tức là Hiển sắc và Hình sắc. Hôm bữa mình có học Hiển sắc và Hình sắc rồi. #Hiển sắc là đủ màu sắc. Còn #Hình sắc là đủ các kiểu dài, ngắn, to, nhỏ. Một thứ là về màu, một thứ là về hình dạng. Rồi châu báu, v.v… Tức là mình thấy có quá trời thứ trong đó.

          Tức là nếu mình quan sát từ xa, thì mình thấy nhiều thứ lắm. Nhưng không thấy rõ ràng, chỉ thấy được tổng quan thôi. Đoàn quân đó đông, màu gì, trong đó có dài, ngắn như thế nào, [mình thấy] sơ sơ thôi. Chứ mình không thấy chi tiết từng người trong đó, từng núi rừng, từng cây nhỏ trong đó như thế nào. Rồi trong núi đó có bao nhiêu hang hố gì, thì mình đâu có nhìn thấy được, mình chỉ nhìn thấy tổng quan thôi. Tại vì sự duyên của Nhãn thức (con mắt) khởi lên, duyên với nhiều đối tượng rộng quá, [nên] không thể thấy hết chi tiết được.

#Ưng tri nhĩ đẳng chư thứ diệc nhĩ: cần phải biết rằng những thức còn lại giống như Nhĩ thức (tai), Tỵ thức (là những điều biết về mùi), Thiệt thức (là những điều biết về vị), và Thân thức (là sự biết về xúc). Thì những điều đó cũng như vậy.

Tạm dịch: Trong đây đã nói rất nhiều loại bộ phận của Sắc. Có lúc Nhãn thức noi theo một sự việc mà sanh, thì vào lúc đó sự biết rõ phân biệt riêng mỗi thứ. Có lúc Nhãn thức noi theo nhiều sự việc mà sanh, thì vào lúc đó sự biết rõ không phân biệt riêng [mỗi thứ], như quan sát quân binh núi rừng, thì [thấy] vô lượng Hiển sắc Hình sắc như châu báu tụ họp v.v… Nên biết các thức như Nhĩ thức v.v… cũng như thế.

          Tức là sự biết của mình có giới hạn, không phải một lúc mà biết nhiều thứ được, chỉ biết vừa vừa thôi, không thể nào biết hết. Còn một [đoạn ngắn] nữa Thiện Trang giảng luôn cho hết bài này.

有 餘 師 說:身 識 極 多 緣 五 觸 起,謂 四 大 種,滑 等 隨一。有 說:極 多 總 緣 一 切 十 一 觸 起。若 爾,五 識 總 緣 境故,應 五 識 身 取 共 相 境 非 自 相 境。約 處 自 相,許 五 識 身 取 自 相 境 非 事 自 相,斯 有 何 失?今 應 思 擇,身 舌 二 根 兩 境 俱 至,何 識 先 起?隨 境 強 盛 彼 識 先 生;境 若 均平 舌 識 先 起,食 飲 引 身 令 相 續 故。

Hữu dư sư thuyết: Thân thức cực đa duyên ngũ xúc khởi, vị Tứ đại chủng, hoạt đẳng tùy nhất. Hữu thuyết: Cực đa tổng duyên nhất thiết thập nhất xúc khởi. Nhược nhĩ, ngũ thức tổng duyên cảnh cố, ưng ngũ thức thân thủ cộng tướng cảnh phi tự tướng cảnh. Ước xử tự tướng, hứa ngũ thức thân thủ tự tướng cảnh phi sự tự tướng, kỳ hữu hà thất? Kim ưng tư trạch, Thân Thiệt nhị căn lưỡng cảnh câu chí, hà thức tiên khởi? Tùy cảnh cường thịnh bỉ thức tiên sanh; Cảnh nhược quân bình Thiệt thức tiên khởi, ẩm thực dẫn thân linh tương tục cố.

Giải:

#Hữu dư sư thuyết: có vị Sư khác nói.

#Thân thức cực đa duyên ngũ xúc khởi, vị Tứ đại chủng, hoạt đẳng tùy nhất: có vị Sư khác nói rằng: Thân thức duyên rất nhiều với #Ngũ xúc, tức là năm sự tiếp xúc mà khởi, là các bộ phận ở trong Bốn đại; #Bốn đại là: Đất, Nước, Lửa, Gió.

          Tức là thân thể mình tiếp xúc một lúc với nhiều thứ lắm. Thân mình vừa tiếp xúc cái này, vừa tiếp xúc cái kia, nhiều lắm! Ví dụ như tính chất nóng lạnh, ở đây nói tính trơn v.v… tùy theo mỗi loại. Tại vì cơ thể mình đâu phải tiếp xúc một thứ đâu. Ví dụ quý vị ngồi trên ghế, thì biết cái ghế có cảm giác như thế nào. Rồi quý vị tiếp xúc với gió, gió cũng thổi tới. Quý vị tiếp xúc với ánh sáng, ánh sáng chiếu thì có nhiệt lượng ở trong đó, nó có nóng lạnh ở trong ánh sáng mặt trời. Một lúc mình tiếp xúc với năm thứ, nhiều thứ lắm, chứ đâu phải một. Cho nên Thân thức tiếp xúc được nhiều thứ một lúc, chứ không phải một thứ mà khởi lên. Đó là vị Sư đó nói như vậy.

#Hữu thuyết: có cách nói.

#Cực đa tổng duyên nhất thiết thập nhất xúc khởi: tức là rất nhiều duyên; #cực là rất nhiều; rất nhiều duyên đứng đầu trong tất cả các xúc (11 xúc) đều khởi.

          Có nghĩa là 11 xúc khi đó hầu như khởi hết. 11 xúc như ở trên mình thấy [có] Tứ đại, trơn, rít, nóng, lạnh, đói, khát, thì đôi khi khởi hết. Đôi khi mình ngồi đó, mình cảm nhận được cái ghế này mềm quá, êm êm. Rồi quý vị cũng cảm nhận được gió thổi mát mát, [hay] ánh nắng chiếu vào nóng quá. Rồi mình cũng cảm giác được là đang đói, đang khát nữa, v.v… đủ các kiểu, kiểu gì cũng tiếp xúc hết, có khi là như vậy. Ở đây đưa ra để nói điều gì?

#Nhược nhĩ: nếu mà như vậy.

#Ngũ thức tổng duyên cảnh cố: tức là năm thức đó hợp duyên; chữ #tổng là hợp, tổng hợp duyên với cảnh. Tức là thực tế có nhiều cảnh một lúc, chứ không phải một cảnh.

#Ưng ngũ thức thân thủ cộng tướng cảnh phi tự tướng cảnh: tức là cần phải nói chính năm thức; #thân là chính, chính là năm thức này phải chọn tổng tướng của cảnh, [hay] không phải tự tướng của cảnh.

Tức là quý vị tiếp xúc một lúc nhiều thứ như vậy, nhưng quý vị cảm nhận thấy một thứ thôi. Lúc đó kêu đói quá, là khi quý vị cảm thấy đói. Thực ra là chọn lại trong những cảnh mình tiếp xúc, thay vì thấy nắng quá cần phải lấy cái gì che lại, hay đang cảm thấy nóng quá thì lấy quạt, hay đang cảm thấy cái ghế này cứng quá, thì mình phải đổi cái gì để ngồi cho êm. Nhưng bây giờ mình đang chọn từng cái, mình đang thấy đói quá, đang khát quá, nhưng một lúc mình tiếp xúc với nhiều cảnh, là tổng tướng như vậy, nhưng thực tế phải chọn ra một cái biệt tướng (tự tướng) riêng thôi. Hoặc nó cung cấp vô, tổng hợp tất cả điều đó thấy đồng thời như vậy, nhưng thực tế thì phải giản lược lại, phải chọn lại, chứ không nhiều quá thì xử lý đâu hết.

#Ước xử tự tướng: #ước là đại khái; #xử là ở trong, ở trong tự tướng, tức là ở trong tướng.

#Hứa ngũ thức thân thủ tự tướng cảnh phi sự tự tướng, kỳ hữu hà thất?: tức là đại khái ở trong tự tướng, cho phép chính là năm thức này, chọn cảnh tự tướng [hay] không phải cảnh tự tướng. Người ta hỏi là vậy thì tại sao [sự có đó] lại mất? Có nghĩa lúc đó tại sao mình chỉ thấy một cảm giác êm êm thôi, hoặc cảm giác đói, mà quên hết mấy cái kia. Vậy tại sao mấy điều kia mất?

#Kim ưng tư trạch: ở đây phải tư duy lựa chọn.

#Thân Thiệt nhị căn lưỡng cảnh câu chí, hà thức tiên khởi?: thực ra trong điều này quý vị hiểu thực tế là nó đang lựa chọn, tức là mình tiếp xúc một lúc nhiều thứ như vậy, thì nó sẽ lựa chọn cảnh nào đưa lên để mình thấy, chứ không mất, mà chỉ lựa chọn [cảnh] để đưa lên.

Ví dụ như bây giờ Thiện Trang ngồi, thì Thiện Trang cảm thấy chỗ này êm ái dễ chịu quá. Thì mình cảm thấy điều đó hơn, chứ thật ra Thiện Trang quên mất là mình đang khát nước, quên mất đang đói. Thật ra đó là đang chọn cảnh cho mình. Hoặc Thiện Trang quên mất là mình đang ở trong phòng rất nóng, chẳng hạn như vậy, thì thực tế là mình chọn cảnh.

Vậy ở đây đưa ra: khi cảnh của hai căn Thân và Thiệt (lưỡi) đồng thời đến, thì thức nào khởi trước, tức là Thân thức khởi trước hay Thiệt thức khởi trước? Ví dụ thực tế rất rõ, như mình ăn, mình đưa đồ ăn vô trong miệng, thì đồ ăn đó vừa tiếp xúc với thân (Thân thức), là lưỡi mình, lưỡi cũng là thân mà. Đồng thời lưỡi của mình cũng tiếp xúc với vị của món đồ ăn đó. Vậy thì ở đây hỏi là thức nào khởi trước, tức là thức nào nhận biết trước được, đố quý vị thức đó nhận ra thức ăn đó cứng, mềm, hay vị của thức ăn đó trước? Nếu nó nhận ra thức ăn đó cứng mềm, v.v… thì thuộc về Thân thức, [Thân thức] khởi trước. Còn nếu như nó nhận ra vị đó là ngọt hay mặn, thì là Thiệt thức khởi trước. Và nó đưa vào Ý thức thứ sáu, Ý thức thứ sáu này sẽ chọn. Cho nên mình tu mình dựa vào Ý thức thứ sáu là vậy.

Vấn đề ở đây là hai thức này thức nào khởi trước. Điều này mình học Duy Thức thì mới biết, chứ bình thường đâu có ai nói. Bây giờ đưa thức ăn vô, mình coi thử coi, đố quý vị mình cảm nhận độ cứng mềm trước hay là vị trước? Một bài rất đơn giản, nhưng rõ ràng không nói, trong Duy Thức thì nói, ở đây nói luôn cho chúng ta.

#Tùy cảnh cường thịnh bỉ thức tiên sanh: tức là tuỳ theo cảnh mạnh mẽ; #cường thịnh là mạnh mẽ, mà thức đó sanh trước.

Bây giờ quý vị đưa đồ ăn vô, một cái là đồ ăn đó có vị ngọt và một cái là đồ ăn đó cứng, cái nào mạnh hơn thì khiến thức đó khởi trước. Ví dụ đồ ăn đó cứng quá, nhám quá, [chạm] vô đau lưỡi liền, thì mình cảm nhận được ngay thức nào khởi trước. Chính là Thân thức khởi trước, nó nhận độ nhám, độ cứng, độ khó chịu trước, còn vị ngọt [thì] quên mất. Còn nếu ngược lại, đồ ăn đó mềm dịu, dễ chịu, bình thường, khiến cho thân thể của mình không có cảm nhận mạnh mẽ, mà độ ngọt của đồ ăn đó thì mạnh. Như vậy thì mình sẽ nhận được vị ngọt trước, tại vì vị ngọt mạnh hơn, cho nên Thiệt thức khởi trước.

Duy Thức giải thích rõ như vậy, vì vậy tu cũng nằm trong này. Tu là vậy, mình biết lựa chọn điều nào thuận duyên theo mình. Cho nên đừng nói tài, nói giỏi, nó khởi lên là lúc đó quán không kịp đâu, mà hãy chọn thuận theo mình để thức kia khởi trước. Bây giờ mình nói quán Không, quán đã luôn, [nhưng] mà nóng quá mình chịu không nổi. Người bên cạnh chịu nóng rất tốt, cho nên họ sẽ lựa chọn môi trường đưa vô. Cho nên hai người tu khác nhau. Một người chịu nóng tốt, một người không chịu nóng tốt, ở cùng trong một môi trường, thì người chịu nóng tốt sẽ nhận biết về yếu tố khác trước. Còn người chịu nóng dở thì họ nói nóng trước.

Cho nên tu lựa chọn môi trường quan trọng, tại vì năm thức (tiền ngũ thức) của mình khởi lên, là do điều nào mạnh yếu. Mà mạnh yếu là do nghiệp của mình. Cho nên cảnh nào mạnh sẽ đi trước. Nhưng trường hợp cảnh quân bình (hai cái ngang nhau) thì sao? Ở đây đưa ra ví dụ:

#Cảnh nhược quân bình Thiệt thức tiên khởi: nếu cảnh quân bình, đồ ăn quân bình nhau, thì Thiệt thức nhạy hơn, tức là lưỡi nhạy hơn, nhận biết vị của đồ ăn đó trước. Còn độ nhám, trơn gì đó do không mạnh lắm, nên nhận sau. Quý vị thấy học Duy Thức này hay, chia chẻ ra độ mạnh yếu của các thức luôn.

#Ẩm thực dẫn thân linh tương tục cố: vì ăn uống dẫn Thân thức khiến cho liên tục.

Cho nên đối với chúng sanh Dục giới, thì việc ăn uống rất mệt. Chúng sanh Dục giới ăn uống dẫn đầu, khiến cho thân mình liên tục, nên thức này mạnh lắm. Ăn uống là nỗi khổ của chúng sanh ở cõi Dục. Cho nên tại sao chúng ta hâm mộ [ở trời] Sắc giới họ không ăn nữa, [nên] đỡ [khổ].

Tạm dịch: Có vị sư khác nói: Thân thức duyên rất nhiều với Ngũ xúc mà khởi, là các bộ phận của Tứ đại, theo một [loại] như trơn v.v… Có nói: rất nhiều duyên đứng đầu tất cả 11 xúc khởi. Nếu như vậy, thì vì 5 thức họp duyên [các] cảnh, cần phải chính 5 thức chọn cảnh của tổng tướng [hay] không phải cảnh của tự tướng. Đại khái ở tự tướng, cho phép chính 5 thức chọn cảnh tự tướng [hay] không phải tướng của sự tướng, sự có đó vì sao mất? (đoạn này Thiện Trang đã giải thích ở trên rồi, Thiện Trang chỉ đọc lại thôi vì ngôn ngữ này hơi khó hiểu). Ở đây cần phải tư duy chọn lựa, hai cảnh của Thân căn và Thiệt căn cùng đến [đồng thời], thì thức nào khởi trước? Tùy theo cảnh nào mạnh mẽ mà thức đó sinh khởi trước; [Nếu hai] cảnh bình đẳng thì Thiệt thức khởi trước, vì ăn uống dẫn Thân thức khiến cho liên tục.

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”