Responsive Menu
Add more content here...

Luận Câu Xá – Phẩm 1 – Buổi 27

Giảng Ký A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (A Tỳ Đàm – Vi Diệu Pháp – Duy Thức Pháp Tướng) – Tạo Luận: Tôn giả Thế Thân – Dịch và Chú Thích: Tam tạng Pháp sư Huyền Trang – Bài 27: Phẩm 1 – Phân Biệt Giới – Buổi 27.

Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang

Giảng ngày: 29.01.2025

Phát trực tiếp trên Kênh YouTube Thích Thiện Trang

https://www.youtube.com/watch?v=UVRAlaRKFlE

mạng xã hội Facebook, Fanpage Thích Thiện Trang:

https://www.facebook.com/suthaythichthientrang

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

          Nam Mô A Mi Đà Phật!

          Kính chào toàn thể quý vị đồng tu! Kính chúc quý vị đồng tu năm mới được an lạc, được nhiều pháp hỷ sung mãn, và trên con đường tu hành của chúng ta tiến về giải thoát. Chúng ta cùng nhau đi lên, cùng nhau gặt được nhiều công đức, để sớm ra khỏi dòng sanh tử.

Hôm nay là ngày Tết âm lịch, tuy nhiên Thiện Trang thì không nghỉ, mà cũng nhân cơ hội này chia sẻ Phật pháp với quý vị. Có rất nhiều đồng tu không có được cơ hội nghe ngày hôm nay, nhưng cũng không sao, chúng ta sẽ nghe lại trong những buổi tiếp theo. Cho nên mình vẫn có thể nghe được, Thiện Trang vẫn chia sẻ được. Bữa nay là thứ Tư, cho nên chúng ta chia sẻ vào bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Luận Câu Xá).

Phần đầu tiên Thiện Trang xin phép bổ sung phần kinh văn, trong nền tảng A Hàm và Nikaya. Phần thứ nhất đó là:

Chúng Sanh Nào Phụng Hành Mười Pháp, Sẽ Sinh Lên Trời. Lại Hành Mười Pháp Sẽ Sinh Vào Đường Dữ. Lại Hành Mười Pháp, Nhập Niết-Bàn Giới.

Tức là có mười pháp nếu [mình] làm theo thì sẽ được sanh lên cõi Trời, có mười pháp nếu làm theo thì sẽ rơi vào đường dữ (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh), và có mười pháp [nếu] thực hành theo thì sẽ nhập được Niết-Bàn.

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật trú tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo: “Chúng sanh nào phụng hành mười pháp, sẽ sinh lên Trời. Lại hành mười pháp sẽ sinh vào đường dữ. Lại hành mười pháp, nhập Niết-Bàn giới.

Tu hành mười pháp gì mà sinh vào nẻo dữ? Ở đây, có người sát sanh, trộm cướp, dâm dật, nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, gây đấu loạn đây kia, tật đố, sân hận, khơi dậy tà kiến. Đó là mười pháp. Chúng sanh nào hành mười pháp này sẽ vào trong nẻo dữ (chữ “đường dữ” [thay chữ “nẻo dữ”] thì có lẽ chính xác hơn).

Ở đây Thiện Trang nghĩ quý vị là những đồng tu, tu học lâu năm, chúng ta quá quen với việc này. Chúng ta làm mười điều ác nghiệp (Thập ác) thay vì Thập thiện, chúng ta làm mười điều gọi là Thập ác (mười ác nghiệp ) thì tất nhiên đức Phật nói tu như vậy, hành như vậy, mà mình thực hành thường xuyên (gọi là tu hành), mà tu hành ở đây là tu mười ác nghiệp, thì chúng ta sẽ đi vào đường dữ, đường ác, đó là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.

Tu hành mười pháp gì được sinh lên Trời? Ở đây, có người không sát sanh, không trộm cướp, không dâm dật, không nói dối, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi gây đấu loạn đây kia, không tật đố, không sân hận, không khơi dậy tà kiến. Nếu ai hành mười pháp này sẽ được sinh lên Trời.

Ở đây nếu chúng ta tu Thập thiện thì chúng ta được sanh lên cõi Trời. Điều này là đương nhiên! Những điều này quý vị đồng tu đều quá quen thuộc. Chúng ta đều là những người tu hành lâu năm, chúng ta quá biết những điều này. Biết thôi chứ còn làm lại là một chuyện khác. Giữa sự biết và sự làm là một vấn đề không đơn giản, có nhiều người có thể biết nhưng chưa chắc đã làm theo. Cho nên chúng ta cố gắng học, để lúc nào đó đủ khả năng mà vừa biết vừa làm 100% theo, thì thành công.

Tiếp theo, chúng ta quan trọng điều thứ ba:

Tu hành mười pháp gì đến được Niết-Bàn? Đó là mười niệm. Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm Thiên, niệm giới, niệm thí, niệm chỉ tức, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Đó là tu hành mười pháp thì đạt được Niết-Bàn.

Đoạn này chúng ta nên nghe cho kỹ. Mười pháp này chúng ta có thường xuyên tu hay không? Thứ nhất là niệm Phật, niệm Phật là niệm công đức của Phật trong Kinh A Hàm, nhớ nghĩ đến Phật. Thứ hai là niệm Pháp, điều này cũng quá quen. Thứ ba là niệm Tăng Tỳ-kheo, là niệm Tăng. Thứ tư là niệm Thiên, là niệm về chư Thiên, chư Thiên có đức hạnh như thế nào. Điều này trong mười đề mục Tùy niệm, từ từ chúng ta sẽ học tới. Rồi niệm Giới (Giới luật); niệm Thí (niệm bố thí); niệm Chỉ tức là niệm về dừng nghỉ; cũng giống như mình quan sát được đâu là dừng, đâu là động tâm, mình quan sát được tâm. Niệm An-ban là niệm hơi thở; niệm thân; và niệm về sự chết. Tức là nghĩ nhớ về mười điều này, đó tu hành về pháp, thì đạt đến Niết-Bàn.

Quý vị thấy chúng ta có tu điều này không? Có! Tất cả chúng ta đều tu điều này. Cho nên thường xuyên tu điều này. Chúng ta đang nghe pháp chính là tu điều này đó quý vị. Tu điều này rất hiệu quả. Quan trọng chúng ta phải học bộ này là để nắm giáo lý, càng học được bao nhiêu thì mình niệm được mười điều đó. Mười điều đó sẽ đưa đến Niết-Bàn. Cho nên trước sau gì, sớm muộn gì, thì chúng ta cũng sẽ vào Niết-Bàn, nếu chúng ta tu Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí, niệm Chỉ tức, niệm An-ban, niệm thân, niệm tử. Do niệm được nhiều như thế, thì trước sau quý vị cũng giải thoát thôi. Tất nhiên chúng ta muốn giải thoát nhanh hơn, chứ chúng ta tu như vậy không biết đến bao giờ.

Ở trong kinh đức Phật đưa ra một ví dụ, là mình tu điều gì mình cũng phải biết trình tự, thứ tự của nó. Giống như một người chăn bò, đưa một đàn bò đi qua sông. Trong đàn bò đó có con bò rất mạnh gọi là bò chính, thứ hai là bò khỏe mạnh, thứ ba là bò trung bình, thứ tư là bò gầy, thứ năm là bê con (những con bò nhỏ). Nếu người đó không biết đưa qua, không dò nước trước, [mà] đưa những con bò nhỏ, bò yếu đi qua trước, thì đôi khi sẽ làm cho cả đàn bò bị chìm hết, tại vì không lường được [mực] nước. Con bò nhỏ tất nhiên ra sông nước lớn thì sẽ bị trôi, bò gầy yếu quá thì cũng sẽ bị trôi, bò trung bình cũng bị trôi, thậm chí con bò khỏe mạnh và con bò đầu đàn, nếu đi đúng chỗ nước sâu thì cũng sẽ bị trôi luôn. Cho nên sẽ làm [đàn bò] bị cuốn hết. Đức Phật nói đó là người ngu si.

Cũng vậy, người tu tập trong giáo pháp của Phật phải biết như chăm sóc con bò, đưa con bò chính đi trước để dò nước. Nó đi để chắn dòng nước lại, cho đỡ [siết], rồi tiếp theo cho những con bò khỏe mạnh đi theo để vừa [sức]. Bò khỏe mạnh đi được rồi thì bắt đầu tới bò trung bình đi tiếp, rồi tiếp theo bò gầy, và tiếp theo những con bò con (con bê) đi qua.

Cũng vậy, đức Phật nói nếu tu hành, người nào thành tựu nhất là những vị A-la-hán. A-la-hán giống như những người tu tập đạt được pháp cao. Pháp thành A-la-hán là ngon nhất, là dẫn đầu, như những con bò dẫn đầu. Tiếp theo là đạt được quả vị A-na-hàm, là giống như những con bò khỏe mạnh. Bò trung bình là những quả vị Tư-đà-hàm, còn bò gầy là Tu-đà-hoàn. Còn những con bê (con bò con), đó là địa vị Tùy tín hành, Tùy pháp hành.

Có nghĩa là chúng ta lo mà biết chúng ta yếu ở mức độ nào, chắc ở đây quý vị cũng không dám nhận mình là bò chính dẫn đầu đâu, không phải là A-la-hán. Chúng ta chỉ có thể dám làm bê con (bò con), là Tùy tín hành, Tùy pháp hành mà thôi. Có nghĩa là mình phải biết lựa chọn trình tự tu tập. Những người nào đủ sức mạnh, đủ dũng mãnh, tu một phát tới A-la-hán luôn thì không nói. Nhưng chúng ta là những người yếu, chúng ta giống như những con bê con hoặc bò gầy thôi, yếu quá, thì chúng ta cố gắng tu để hướng vào Tùy tín hành, Tùy pháp hành, hoặc là Tu-đà-hoàn.

Cho nên việc học tập là cực kỳ quan trọng. Nếu không học thông tỏ giáo lý, [mà] mình trèo cao quá [thì] sẽ té đau. Người ta gọi là ‘trèo cao té nặng’ hay ‘trèo cao ngã đau’ đó. Chúng ta phải đi vào pháp học để phù hợp, chúng ta cứ tiến từ từ, từ từ. Bộ Luận Câu Xá này cung cấp cho chúng ta cách để vào Sơ quả, cách để vào Tùy tín hành, Tùy pháp hành. Chúng ta có những địa vị trước Sơ quả nữa. Chúng ta là người yếu đuối, chúng ta đi từng bước, từng bước rõ ràng. Nếu quý vị còn tu kèm với Pháp môn khác thì rất tuyệt vời. Bởi vì đi theo bộ này bước nào thì đều là bước chính xác, đi bước nào [thì] đều là bước vững chắc, đi tới đâu là có kết quả tới đó. Cho nên hãy cố gắng nghe bộ này. Chúng ta rất may mắn khi được nghe bộ này. Thiện Trang đã trích dẫn rất nhiều [điều] từ kinh, và không chỉ từ kinh nữa [mà] bộ Luận Câu Xá này cũng rất hay, [bộ] A Tỳ Đàm cũng rất hay.

Như vậy ở đây, quý vị nhớ là chúng ta đang tu rất chính xác theo kinh Phật. Niệm mười pháp này thì chắc chắn sẽ đến Niết-Bàn. Chúng ta có niệm này không? Có! Hằng ngày mình nghe pháp. Quý vị thấy nếu vào thời đức Phật, [thì] đâu có thấy vị Cư sĩ nào ở nhà tụng kinh niệm Phật đâu. Mà chỉ suốt ngày đi nghe pháp, rồi [nếu] có thời gian thì nhớ quán niệm Vô thường, Vô ngã, v.v… một hồi thì các ngài ấy cũng đắc quả. Cho nên việc nghe pháp là việc quan trọng nhất của một người tu hành, không nghe pháp thì chúng ta sẽ tu hành có thể không chính xác.

Tỳ-kheo, nên biết, hãy niệm xả ly mười pháp sinh lên trời và sinh vào nẻo dữ, hãy niệm tưởng mười pháp khiến đạt đến Niết-Bàn. Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy”.

Ở đây đức Phật khuyên, quý vị nói không biết có nghe nhầm không? Đức Phật nói hãy xả ly mười pháp sinh lên Trời và sinh vào nẻo dữ. Tất nhiên sinh vào đường dữ là ba con đường Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, thì không ai muốn vào rồi, thì xả ly là đúng. Nhưng đức Phật khuyên cả [việc] sinh lên Trời cũng không nên, vì đó cũng không cứu cánh. Mà hãy niệm tưởng, tức là luôn luôn ghi nhớ và suy nghĩ đến mười pháp đạt đến Niết-Bàn, và hãy học như vậy. Chúng ta đang nghe niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Thiên, niệm Chỉ tức, niệm An-ban, niệm thân, niệm sự chết, đó là mười niệm đúng rồi. Rất tuyệt vời!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Trích từ Kinh Số 1–Phẩm Thiện Ác Thứ 47–Kinh Tăng Nhất A Hàm).

Lời này là trong kinh, Thiện Trang trích dẫn như vậy, để quý vị thấy là chúng ta đang đi hoàn toàn đúng theo những gì lời Phật dạy. Hôm bữa có một đồng tu mới nhắn cho Thiện Trang nói: “Sau khi nghe được một năm, tu được một năm, theo những gì [trong] kinh (tức là theo những gì Thiện Trang giảng trong thời gian qua, toàn trích dẫn kinh không [thôi]), thì thấy hiệu quả hơn mười năm học theo chư Tổ”. Thiện Trang chưa trả lời, nhưng Thiện Trang sẵn trả lời ở đây: Thực ra cũng không hẳn như vậy, nhưng có điều mình học theo kinh thì sẽ được hiệu quả nhiều hơn. Còn chư Tổ cũng là nền tảng cho chúng ta, để chúng ta học, chứ nói vậy thì không đúng hoàn toàn. Nhưng rõ ràng học theo kinh Phật hiệu quả rất lớn, chúng ta thấy được hiệu quả vượt trội. Điều đó là rõ ràng. Nhưng nếu chúng ta không nương vào những người thời sau, nương vào chư Tổ, thì chúng ta không có được nền tảng cao như vậy, thì chúng ta cũng khó. Nhờ chúng ta học bao nhiêu năm rồi, cho nên bây giờ chúng ta học vào kinh điển mới dễ dàng.

Quý vị thấy sau khi học vào kinh điển thì mình thấy tu dễ lắm, nhẹ nhàng, hoan hỷ, an lạc. Mỗi mùa tới, mùa Xuân chăng nữa, thì mình cũng tu được, mùa Đông mình cũng tu được, mùa Hạ (mùa Hè) cũng tu được, mùa Thu cũng tu được. Bất cứ mùa nào, mỗi hàng cây thay lá, mỗi cảnh quan thay đổi, thì chúng ta thấy cảnh Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã. Cho dù bữa nay là mùa Xuân, [nhưng] quý vị cũng phải thấy được Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, thì chúng ta mới tới được Niết-Bàn chứ. Đó là niệm Pháp, và Pháp đó là quan trọng.

Quý vị thấy mùa Xuân, có thấy được Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã không? Vô thường thì dễ, cảnh vật thay đổi vô thường, mùa này thì hoa, cây cối thay đổi. Điều đó [là] Vô thường, thì dễ. [Thấy] Không thì cũng dễ, nhưng thấy Khổ [thì] khó. Thiện Trang nói [thấy] Khổ dễ lắm, bây giờ ai mà mấy ngày trước chuẩn bị Tết, thì có mệt không? Chuẩn bị nào là dọn dẹp đủ thứ, chuyện này chuyện kia. Quý vị phải mất thời gian dọn dẹp nhà cửa, mệt đừ luôn. Thiện Trang nhớ hồi xưa, Thiện Trang có những năm mà phải dọn đến 30 Tết, mà sắp giao thừa mới dọn xong, rất là mệt.

Cho nên ở thế gian khổ lắm, có cũng khổ, mà không có thì cũng khổ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Vô điền ưu điền, vô trạch ưu trạch (không có đất thì lo đất, không có nhà thì lo nhà), hữu vô đồng ưu” (có hay không cũng đều lo hết). Tại vì có rồi mà vẫn thấy thiếu, muốn sao cho bằng người mà, “tư dục tề đẳng” đó. Cho nên một hồi rồi, có hay không gì cũng lo. Quý vị thấy điều gì cũng lo đúng không? Quý vị có một chiếc điện thoại mới thì quý vị cũng sợ nó bị xước, bị bể, bị mất, bị ăn trộm, bị rớt. Tức là có cũng khổ, mà không có thì cũng khổ. Cho nên đừng nói không có là không khổ, chúng ta không có, thiếu thốn thì cũng khổ. Cho nên thế gian là khổ.

Dù là đầu năm nhưng cũng nói với quý vị, chúng ta chỉ có một con đường thôi, ráng ra khỏi sanh tử thì mới hết khổ thôi. Niết-Bàn là an vui, là tịch tĩnh. Có nhiều người học kinh điển một hồi, nghe nói Niết-Bàn không có tái sanh đời sau nữa. Trong Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, v.v… đức Phật luôn luôn nói là: Niết-Bàn rồi là không còn tái sanh đời sau nữa, như vị A-la-hán chứng rồi. Nghe nói vậy, rồi kêu: “Tu kiểu gì mà một hồi không có gì hết, không có đời sau nữa. Vậy thôi, chứ khổ quá, vậy thì tu làm chi? Cuối cùng mình sống ở đây còn sướng hơn”. Có nhiều người nghĩ như vậy. Nhưng đó là quý vị không hiểu về kinh. Ở trong kinh, đức Phật nói rõ ràng, có vị hỏi: “A-la-hán sau khi nhập Niết-Bàn rồi thì như thế nào?” Đức Phật nói là: “Như củi hết [thì] lửa tắt”. Không tái sanh có nghĩa là không tái sanh ở cảnh giới luân hồi nữa, còn cảnh ở trong Niết-Bàn thì đó là một cảnh an vui vô cùng. Cho nên trong Kinh Vô Lượng Thọ mới nói là “vui như Lậu tận Tỳ-kheo”. Lậu tận tức là quý vị chứng được A-la-hán. Niềm vui của A-la-hán, trong kinh đức Phật nói là không có gì sánh bằng, tất cả niềm vui ở nhân gian, v.v… thì không thể nào bằng được, cho dù ở cõi Trời cũng không bằng.

Niềm vui đó, cảnh giới đó, không thể dùng [ngôn ngữ] diễn tả là đời sau, đời này, đời kia giống như kiểu của thế gian. Tức là không dùng ngôn ngữ thế gian để mô tả được. Cho nên đức Phật nói không tái sanh đời sau nữa, chứ không phải là không có cảnh giới gì nữa. Đó là cảnh giới vô cùng an lạc, vô cùng Vô vi, vô cùng siêu việt, mà mình không thể tưởng tượng được. Đức Phật không thể dùng ngôn ngữ bình thường để diễn tả được.

Cho nên trong kinh mới nói: Vị A-la-hán sau khi chứng Niết-Bàn rồi, liệu có đời sau hay không, hay còn có đời sau, hay vừa còn vừa mất, hay không còn không mất, [hay] chẳng phải còn chẳng phải mất, v.v… Đức Phật nói những lời đó đều không đúng, những luận điểm như vậy đều không đúng. Tức là nói còn cũng không được, mà nói không còn cũng không được, mà nói vừa còn vừa mất cũng không được, mà nói chẳng phải còn, chẳng phải mất cũng không được. Có nghĩa đó là một cảnh giới siêu vượt, mà không [thể] dùng ngôn ngữ thế gian để giải thích được. Pháp đó là pháp siêu vượt thế gian, cho nên không dùng ngôn ngữ thế gian để giải thích được. Chứ đừng nghĩ rằng nhập Niết-Bàn rồi là chết, chết rồi không có gì. Đó là một quan niệm sai lầm. Trong kinh, quý vị cứ coi kinh đi thì dần dần quý vị sẽ hiểu được điều đó. Cho nên yên tâm nha, đừng lo quá! Chúng ta thấy đây là một bài kinh rất đơn giản.

          Phần thứ hai, Thiện Trang xin tiếp tục giới thiệu một cách nữa:

Cách Vào Thánh Quả Tu-Đà-Hoàn Chắc Chắn Không Còn Đọa Vào Đường Ác (Thứ 5)

Hôm nay [giới thiệu] là cách thứ năm. Quý vị thấy để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn thì có nhiều cách, không chỉ có một cách, mà có bốn cách, chúng ta đã giới thiệu. Thiện Trang giới thiệu rồi, quý vị tự đúc kết nha, và bữa nào đó Thiện Trang sẽ giới thiệu lại các mục, để quý vị hiểu được năm cách là [những] cách nào. Hôm nay là cách thứ năm, cũng trích từ kinh.

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Tỳ-kheo dập tắt được năm sợ hãi và oán thù, được ba pháp quyết định, chẳng sanh nghi hoặc, tri kiến như thật về Chánh đạo Hiền Thánh; vị Thánh đệ tử này có thể tự ký thuyết rằng đã diệt tận các đường dữ Địa ngục, Ngạ quỷ, và Súc sanh, đắc Tu-đà-hoàn, không còn bị rơi vào pháp đường dữ, hướng thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ.

Quý vị coi đoạn mà Thiện Trang bôi chữ đỏ. [Ở đây đức Phật nói] Tỳ-kheo, nhưng chúng ta nói chúng ta đi, không phải nói Tỳ-kheo không [thôi]. Người tu hành mà dập tắt được năm sự sợ hãi và oán thù,phải làm được điều này. Và được thêmba pháp quyết định, chẳng sanh nghi hoặc. Mình nghĩ ba pháp quyết định, chẳng sanh nghi hoặc: là bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, và bất hoại tịnh đối với Tăng, đoán được rồi đó. Nhưng còn có ‘tri kiến như thật về Chánh đạo Hiền Thánh’, [là] ba điều kiện.

Điều kiện thứ nhất là dập tắt được năm sợ hãi và oán thù; Điều kiện thứ hai được ba pháp quyết định, không còn nghi hoặc nữa; Điều kiện thứ ba là tri kiến như thật về Chánh đạo Hiền Thánh; thì vị Đệ tử đó đức Phật gọi là Thánh đệ tử luôn. Quý vị làm được vậy là chắc chắn thành Thánh rồi. ‘Có thể tự ký thuyết rằng’: là tự nói mình rằng, xác nhận rằng đã diệt tận các đường dữ Địa ngục, Ngạ quỷ, và Súc sanh, đắc Tu-đà-hoàn, không con bị rơi vào pháp đường dữ, hướng thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người rốt ráo thoát khổ’. Điều này là Tu-đà-hoàn tiêu chuẩn, chỉ còn bảy đời, hoặc là có thể đức Phật nói vắn tắt là tối đa bảy đời thôi.

Như vậy quý vị thấy đây là một cách nữa để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Vậy thì chúng ta cố gắng làm theo cách này. Cách này là thế nào, thì đằng sau đức Phật có nói. Nhớ mà nếu được như vậy, thì tự mình xác nhận luôn cho mình được rồi. Quý vị làm được như vậy là ‘tự ký thuyết rằng’, đâu cần Phật thọ ký đâu, quý vị tự thọ ký được luôn. Cho nên yên tâm, nếu chúng ta làm được như vậy. Bây giờ ta coi làm như thế nào.

Ở đây có chú giải, chỗ 103 là: Khủng bố đối oán (nguyên văn tiếng Pāli: pañca bhāyāni verāni vūpasantāni ca honti), là đình chỉ năm sự sợ hãi và oán thù. Ai biết tiếng Pali thì có Pali ở đây luôn. Rồi chúng ta coi thử [Phật dạy] tu điều gì mà hay vậy.

Thế nào là dập tắt năm điều sợ hãi và oán thù? Nếu sợ hãi, oán thù phát sanh do nhân duyên tội sát sinh; người ấy tránh xa sự sát sinh; sợ hãi, oán thù phát sanh do nhân duyên tội sát sinh được dập tắt. Tức là đầu tiên mình tránh giùm oán thù do sát sanh, sợ hãi do sát sanh. Mình tránh được, tránh bằng cách nào? Người ấy tránh xa sự sát sanh, đây [là] giữ giới. Tóm lại quý vị không sát sanh.

Nếu sợ hãi, oán thù phát sanh do nhân duyên tội trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu; người ấy tránh xa trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu; thì sợ hãi, oán thù phát sanh do nhân duyên tội trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu được dập tắt. Đó gọi là sự chấm dứt năm điều sợ hãi, oán thù phát sanh do nhân duyên các tội trên.

Điều này dễ quá! Quen quá! Đây chính là Ngũ giới. Tức là cố gắng tránh xa năm điều: tránh xa sát sanh, tránh xa trộm cắp, tránh xa tà dâm, tránh xa nói dối, và tránh xa uống rượu. Thì người ấy sẽ tự nhiên tránh xa được năm sự sợ hãi và oán thù. Vậy là dập tắt được một điều. Như vậy năm điều này đâu có khó, đúng không quý vị? [Chúng ta] làm được. Cho nên pháp này dễ tu. Tu-đà-hoàn này thì [mình] có khả năng đó.

Thứ hai là ba pháp quyết định, điều kiện thứ hai là được ba pháp quyết định, chẳng sanh nghi hoặc.

Thế nào là ba pháp quyết định không sanh ra nghi hoặc? Đối với Phật quyết định lìa nghi hoặc, đối với Pháp, và Tăng quyết định lìa nghi hoặc. Đó gọi là ba pháp quyết định lìa nghi hoặc.

Như vậy chúng ta thấy cũng giống như là bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, bất hoại tịnh đối với Tăng. Tức là không nghi đối với Phật, không nghi đối với Pháp, không nghi đối với Tăng. Điều kiện là làm gì [thì] làm, quý vị muốn vô Sơ quả thì quý vị phải làm được ba điều đó: không nghi Phật, không nghi Pháp, không nghi Tăng, dù tu [pháp] gì thì tu. Vậy thì điều này cũng giống như trên.

Ở đây, ý Thiện Trang muốn nói là điều này gần gần giống như bất hoại tịnh đối với Phật, bất hoại tịnh đối với Pháp, bất hoại tịnh đối với Tăng, và thành tựu Thánh giới. Nhưng thành tựu Thánh giới nói chung chung quá, bữa nay chỗ này nói rõ năm giới thôi, không cần yêu cầu cao gì hết. Không có yêu cầu cao, năm giới thôi. Nhưng còn điều kiện nữa là tri kiến.

Thế nào gọi là tri kiến như thật về Thánh đạo? (Điều này là quan trọng).Biết như thật đây là Khổ thánh đế, biết như thật đây là Khổ Tập thánh đế, Khổ Diệt thánh đế, Khổ diệt đạo tích thánh đế. Đó gọi là tri kiến như thật về Thánh đạo.

Có nghĩa là phải học Tứ đế. Phải biết như thật về Khổ đế, về Tập đế, về Diệt đế, về Đạo đế. Như vậy, đó là tri kiến như thật mà mình phải thành tựu. Muốn được thì chỉ có học thôi, học nhiều, tu nhiều thôi. Làm được như vậy là quý vị vô Sơ quả Tu-đà-hoàn rồi. Như vậy, đây cũng là một cách để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Đó là hãy giữ giùm năm giới, không nghi đối với Phật, Pháp, Tăng, và hãy cố gắng thành tựu tri kiến về Thánh đạo, đó là Bốn đế (Tứ đế: Khổ đế là sự thật về khổ; Tập đế là nguyên nhân của khổ; Diệt đế tức là những niềm vui sau khi đã diệt được các khổ (chính những quả vị Thánh, cảnh giới Thánh như thế nào, mình hình dung được); và Đạo đế là con đường để đạt được điều đó.

Thật ra những điều này chúng ta đang học suốt mà. Chính [những điều] chúng ta đang học này, là Đạo đế đó quý vị. Đạo đế là con đường để đến được sự thật đó, con đường để diệt khổ, [là] con đường chúng ta đang học. Cho nên chúng ta đang học những điều đó, rất tốt! Và quý vị cứ giữ năm giới đi, thành tựu được ba điều đó. Và học một hồi thì chắc chắn ngày nào đó quý vị đắc Tu-đà-hoàn thôi. Đây cũng là một cách đắc Tu-đà-hoàn.

Nếu đối với năm tội sợ hãi, oán thù này mà được dập tắt, đối với ba pháp quyết định xa lìa nghi hoặc, đối với Thánh đạo mà tri kiến như thật; Thánh đệ tử này có thể tự ký thuyết rằng (tức là tự mình ghi nhận và nói rằng): ‘Ta đã đoạn tận các đường dữ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, đắc Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào pháp đường dữ, quyết định hướng thẳng đến Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại trời người, rốt ráo thoát khổ”.

Quý vị thấy đã không! Nếu quý vị làm được như vậy thì đức Phật cho phép tự ký thuyết luôn, thôi mình không có nói với ai, mình tự biết mình: là mình đã đoạn tận được các đường dữ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh và đắc Tu-đà-hoàn, không còn bị đọa vào các đường dữ, quyết định thẳng đến Niết-Bàn Chánh giác, tối đa là bảy lần nữa thôi là sẽ thoát khổ.

Đức Phật nói kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì đức Phật đã dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

(Kinh 813. Khủng Bố (1)104 – Kinh Tạp A Hàm).

Vì tên Kinh này có 2 kinh, nên ở đây ghi số 1. Và kinh này có chú giải tiếng Pali.

Như vậy rất tuyệt vời! Hôm nay [chúng ta] biết thêm cách để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Cách này cũng dễ mà đúng không? Giữ năm giới cho tốt; rồi đừng nghi với Phật, đừng nghi với Pháp, đừng nghi với Tăng; và ráng học được Tứ thánh đế, tức là Khổ Tập, Diệt, Đạo, cho tri kiến làm sao, dần dần [có] tri kiến như thật. Mới đầu mình học, mình chưa có tri kiến như thật đâu, mơ mơ màng màng, nghe không hiểu, nhưng dần dần cũng hiểu đúng không? Ví dụ như chúng ta bây giờ học các Thánh quả: Sơ quả Tu-đà-hoàn, Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán. Rồi bốn địa vị, ví dụ như Sơ quả hướng, Nhị quả hướng, Tam quả hướng v.v… Rồi học một hồi là mình học rộng ra: Tùy tín hành, Tùy pháp hành v.v… rồi Gia gia, Kiến đáo, mình học hết. Điều đó là thuộc về Diệt đế.

Cho nên mình học dần dần là mình nắm được hết, rồi tự nhiên mình tin tưởng. Mới đầu mình mơ mơ màng màng, mình không biết đường đi, nhưng dần dần mình học được, mình biết đường đi. Đó gọi là Đạo đế. Và mình biết rõ ràng nỗi khổ ở thế gian, ví dụ như suốt ngày với Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, mình nghe hoài, mình thuộc rồi, mình nhớ rồi, mình hiểu rồi, đời khổ v.v… Dần dần mình được Khổ đế. Và mình biết nguyên nhân của khổ là do tham ái, tham dục, do ham muốn, do tạo nghiệp v.v… Mình hiểu được tất cả những điều đó. Dần dần mình hiểu hết, cho nên mình được Tập đế. Và do vậy dần dần mình ngấm. Ngấm đến mức độ mà mình biết như thật luôn. Sự biết đó không phải là biết bình thường nữa, mà là biết như thật.

Ví dụ như bây giờ đang là Tết, ra ngoài mình thấy người ta đón Tết, mình kêu “Ôi, Tết khổ quá! Tại sao phải đón Tết chi cho mệt vậy! Không có đón Tết [có phải] đỡ khổ hơn không?” Dần dần mình thấy được như vậy, đó là mình thấy như thật về Khổ. Dần dần mình có từng chút vậy, tích lũy nhiều là thành công. Và lúc đó quý vị tự biết quý vị đắc Tu-đà-hoàn.

Ở đây đức Phật nói như vậy, không phải quý vị làm được vậy rồi quý vị tự nói đắc Tu-đà-hoàn đâu, mà quý vị sẽ tự biết mình đắc Tu-đà-hoàn khi quý vị làm được như vậy, khi đó là tự biết. Cho nên người đắc Tu-đà-hoàn có thể tự biết chứ, còn không biết thì làm sao là Tu-đà-hoàn đây.

Như vậy đây là bộ kinh rất quan trọng. Đây là cách thứ năm, và ba điều chính là: giữ được Ngũ giới; xa lìa được ba điều nghi đối với Phật, Pháp, Tăng; và cuối cùng là biết như thật về Tứ Thánh đế. Tóm tắt là như vậy. Quý vị đồng tu tóm tắt thì ghi lại cách một, cách hai, cách ba, cách bốn. Một hồi là mình được năm cách để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn rồi. Như vậy dần dần mình thấy cũng dễ thôi đúng không? Cho nên những gì chúng ta đang học là những con đường để đi vào Sơ quả Tu-đà-hoàn. Quý vị yên tâm, chúng ta đang học đúng rồi.

Bây giờ Thiện Trang xin giới thiệu một pháp hành, đó là:

Phát Nguyện Khi Thọ Bát Quan Trai

Nhiều đồng tu học từ bộ này qua bộ kia, học quần quần cũng không hiểu hoặc là thiếu, thì để Thiện Trang đưa vô đây luôn. Năm mới coi như tặng quý vị món quà lì xì, đó là cách phát nguyện khi thọ Bát quan trai theo kinh Phật. Phật dạy sao thì mình làm vậy. Đây là món quà lì xì đầu năm.

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nay Ta sẽ nói trai pháp tám quan của Hiền Thánh (là Bát quan Trai giới). Các ngươi hãy ghi nhớ kỹ, tùy hỷ mà phụng hành”. (Điều này thì tất nhiên đức Phật nói với Tỳ-kheo, dạy Tỳ-kheo thôi, Tỳ-kheo là hơn mà. Ở đây là dạy cho Cư sĩ làm).

Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Đức Thế Tôn bảo: “Sao gọi là trai pháp tám quan? (Chúng ta quen gọi là Bát quan Trai giới, thực tế thì đọc ngược như vậy). Một là không sát sanh, hai là không lấy của không cho, ba là không dâm dục, bốn là không nói dối, năm là không uống rượu, sáu là không ăn phi thời, bảy là không nằm ngồi trên giường cao rộng, tám là tránh xa việc đờn ca xướng hát và xoa hương thơm vào mình. Tỳ-kheo, đó gọi là trai pháp tám quan của Hiền Thánh”.

Những điều này thì chúng ta quá quen đúng không? Một là không sát sanh thì ai cũng biết rồi; Hai là không lấy của không cho, tức là không trộm cắp; Thứ ba là không dâm dục, chứ không phải là không tà dâm, [thọ giới] Bát quan trai mà; Bốn là không nói dối; Thứ năm là không uống rượu; Thứ sáu là không ăn phi thời.

Không ăn phi thời này thì có người cũng nói là ăn một bữa hay ăn hai bữa. Nếu quý vị coi, hồi bữa Thiện Trang thấy có người đăng trong Kinh Tăng Chi, phẩm Tám Pháp, Thiện Trang chưa coi nhưng có đọc qua, thấy nói là ăn một bữa như A-la-hán, tức là ăn một bữa. Quý vị thấy, thật ra điều này Thiện Trang đã giảng rất nhiều rồi. Thời Phật, lúc đầu đức Phật chỉ cho ăn một bữa thôi. Có vị Tỳ-kheo đó không có đồng ý, kêu ăn một bữa, con ăn không nổi, cho nên đức Phật cho con ăn thêm. Đức Phật nói vậy cho ông ăn hai bữa. Vị đó nói con cũng không làm được không ăn phi thời, tức là con phải ăn thêm bữa chiều, bữa tối nữa. Đức Phật cho luôn. Thời gian sau thì vị đó cũng hành trì được, rồi vị đó mới sám hối với Phật, nói từ nay con sẽ giữ ăn một bữa thôi. Đó là đức Phật rất là tùy duyên. Lúc đầu làm không được thì đức Phật cho luôn, rồi sau này ổng tu đắc rồi thì ổng giữ.

Còn việc ăn hai bữa với một bữa, thì để bữa nào Thiện Trang trích đăng lên. Thiện Trang cũng nguyện là trong năm nay, Thiện Trang sẽ cố gắng đưa các giới, tại vì quý vị đồng tu muốn nghe giới Tỳ-kheo, [nên] Thiện Trang sẽ đưa các giới Tỳ-kheo lên, các đoạn [trích về] giới và các phần nhân duyên chế giới của từng giới một.

Tới phần giới không ăn phi thời này, thì có nhân duyên rất rõ ràng. Lúc đầu đức Phật chỉ cho ăn một bữa, sau đó do có người cúng dường nhiều quá, nên đức Phật mới cho ăn thêm một bữa nữa. Là vị thương gia đó, ông Trưởng giả mà kéo 500 cỗ xe, đi từ mùa Đông sang mùa Hạ, mà cúng dường không được. Cuối cùng ổng chỉ xin cúng dường, [các vị Tỳ-kheo chỉ cần] đạp lên thôi đó. Đức Phật từ đó cho các vị Tỳ-kheo ăn thêm bữa cháo [sáng] nữa. Sau đó có người cũng tương tự như vậy, [nên] đức Phật cho thêm ăn bánh [vào] bữa sáng nữa.

Cho nên [thông] thường, từ ‘không ăn phi thời’ tức là được quyền ăn trong đúng thời. Đúng thời là từ khi minh tướng xuất (tức là mặt trời mọc lên), thấy rõ chỉ bàn tay, hoặc là thấy rõ phân biệt lá xanh lá vàng, cho đến khi mặt trời đứng bóng. Trong thời gian đó thì [được] ăn, thậm chí đức Phật còn cho phép là đi ứng cúng, có thể ứng cúng tại hai nơi. Đó là trong giới có như vậy.

Tất nhiên trong kinh thì lúc đầu đức Phật không cho ăn hai bữa, nhưng trong giới có như vậy. Cho nên điều này quý vị cũng đừng có chấp chặt quá. Quý vị giữ Bát quan trai, ăn được một bữa thì tốt. Còn nếu quý vị không ăn được một bữa, thì ngày thọ Bát quan trai quý vị có thể giữ không ăn phi thời, tức là ăn từ lúc buổi sáng đến giữa trưa là được. Và cũng đừng có theo mặt trời đứng bóng hay không đứng bóng. Bởi vì một số đất nước, minh tướng xuất [vào] mùa đông, mặt trời lên trễ quá, 9 giờ mới lên, thì không thể nào ăn vào giờ đó được, mình phải ăn sớm hơn. Cho nên quý vị canh giờ mà ăn, quý vị hiểu được điều đó.

Để bữa nào Thiện Trang sẽ trích những [đoạn về] giới lên cho quý vị coi. Mình học giới là phải [học] nhân duyên chế giới, tức là từ đâu, xảy ra chuyện gì, thì đức Phật mới chế giới đó. Mới đầu chế giới đó chưa đủ đâu, dần dần có người phạm này, lách kia, rồi đức Phật mới thêm bớt nữa. Cuối cùng mới kết lại giới chung. Cho nên mình không học, đặc biệt là những Cư sĩ, mà cứ đọc vô tựa đề giới không [thôi], thì nhiều khi mình sẽ bị chấp giới. Từ đó mình giữ những điều không đúng với tinh thần của giới đó. Cho nên là mình phải hiểu, điều này phải có sự học đàng hoàng, chứ không phải là cứ cắm đầu theo sở thích [của] mình. Nên nhớ, giữ giới phải đúng thì mới được, còn nếu mình giữ sai thì cũng thành không tốt. Mà muốn đúng hay không thì mình phải học.

Để năm nay Thiện Trang sẽ phát tâm là cố gắng mấy ngày [đến] một tuần, Thiện Trang sẽ đăng lên một giới. Từ từ, một hồi rồi cũng hết 250 giới của Tỳ-kheo thôi. Quý vị sẽ coi và từ đó quý vị so sánh với Sư Minh Tuệ, quý vị sẽ thấy ngài giữ 250 giới như thế nào. Có những điều ngài giữ còn hơn trong Giới [luật] luôn. Cho nên là quý vị phải hiểu điều đó, mình phải học.

Như vậy tám điều này không có gì lạ. Đặc biệt là ngày Tết thì hơi khó giữ, [nhất là] giữ tránh đàn ca xướng hát và xoa hương thơm đầy mình. Tết ở Việt Nam thì không biết các miền thế nào, nhưng thường [hay] ca hát lắm, rồi xức dầu thơm vô đi chơi nữa. [Cho nên] là khó giữ.

Tỳ-kheo, đó gọi là trai pháp tám quan của Hiền Thánh.

Lúc ấy, ngài Ưu-ba-ly (Tôn giả Ưu Ba Ly)bạch Phật: “Tu hành trai pháp tám quan như thế nào?” Ngài cũng hỏi cho mình (người Cư sĩ) đó.

Đức Thế Tôn bảo: “Này Ưu-ba-ly, thiện nam, thiện nữ vào ngày thứ 8, 14 , 15 đến chỗ Sa-môn hoặc Tỳ-kheo trưởng lão, tự xưng tên họ rằng (quý vị thấy đây là đức Phật dạy luôn. Thật ra thọ đúng là phải có Sa-môn hoặc Tỳ-kheo truyền cho quý vị. Nhưng truyền đơn giản lắm, quý vị coi truyền như thế nào): ‘Con từ sáng đến tối (ở đây chúng ta có thể [hiểu] là từ sáng đến ngày mai, ([có] chỗ khác [ghi] là đến ngày mai). Tứ sáng tới tối, thật ra đúng nghĩa [là] đến sáng hôm sau). Như A-la-hán, giữ tâm không di động, không dùng dao gậy gia hại chúng sanh, mà ban vui khắp tất cả (điều này là nói giống như giới không sát sanh). Nay con thọ trai pháp, nhất thiết không vi phạm, không khởi tâm sát (đây là không sát sanh). Con tu tập [757a01] giáo pháp Chân nhân kia, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không ăn quá ngọ, không ngồi chỗ cao rộng, không tập ca múa xướng hát và thoa hương vào mình’.

 Quý vị chỉ cần phát nguyện ngắn như vậy cũng được. Nếu không có nhiều thời gian [thì] quý vị phát nguyện một đoạn ngắn này thôi. Đó là cách thọ. Quý vị tìm một vị Sa-môn, một vị Tỳ-kheo, thậm chí không cần vị Tỳ-kheo đâu, trong luật nói là chỉ Sa-di cũng được.

Nếu người có trí tuệ, hãy nói như vậy. Nếu là người không có trí huệ, nên dạy nói như vậy.

Có nghĩa là gì? Nếu là người có trí tuệ tới, thì nói như vậy được rồi. Còn không thì [vị truyền giới] bắt đầu đọc, rồi quý vị đọc theo: “Con pháp danh tên là … Con từ sáng sớm ngày nay cho đến sáng ngày mai …” Đó là người không có trí tuệ, nên đọc như vậy. Còn nếu là người có trí tuệ, thì để cho họ [tự] đọc.

Về sau này, Thiện Trang thấy là trong kinh dạy như vậy, cho nên Thiện Trang thường bảo người ta đọc, ai thọ là bảo [họ] đọc. Nếu đông người thì có thể dạy đọc, còn nếu không thì thôi, để một người đọc, còn người kia đọc theo. Chứ thấy đọc ở [đoạn kinh] này, mình nhắc từng câu rồi người ta đọc theo, thì có vẻ là người ta không có trí tuệ, dạy nói như vậy thì không nên. Cho nên là quý vị hiểu chỗ này.

“Lại nữa, Tỳ-kheo kia nên chỉ dạy từng điều một, đừng để sai sót, cũng đừng để vượt quá (dạy từng điều một, không sai sót). Lại nên dạy cho phát thệ nguyện” (chỗ này là chưa dạy phát thệ nguyện. Dạy phát thệ nguyện thế nào).

Ngài Ưu-ba-ly bạch Phật: “Nên phát nguyện như thế nào?”

Thế Tôn (đức Phật) bảo: “Người ấy nguyện rằng (chúng ta coi đức Phật dạy nguyện như thế nào khi thọ Bát quan trai): ‘Nay con bằng trai pháp tám quan này sẽ không đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, cũng không rơi vào nơi tám nạn, không ở biên địa, không rơi vào nơi tệ ác, không theo tri thức ác (Ác tri thức); con phụng sự cha mẹ chân chánh không có tà kiến, sanh vào trung tâm đất nước, được nghe pháp thiện, tư duy phân biệt, thành tựu pháp tùy pháp;

Thiện Trang xin đọc một đoạn rồi giải thích đã. Như vậy [ở đây] dạy quý vị cách phát nguyện: nhờ tu Bát quan trai đó mà không đọa vào Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, cũng không rơi vào tám nạn. Tám nạn thì quý vị biết rồi, có bộ kinh Thiện Trang trích rồi đúng không?Như manh, lung, ám, á (câm, điếc, đui, ngọng), rồi sanh trước Phật, sau Phật, sanh về trời Vô Tưởng, [cõi] Bắc Câu Lô Châu.Đó là tránh được [tám nạn], rồi không đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh; không ở biên địa; không rơi vào nơi tệ ác; không theo tri thức ác. Nhớ [là phát nguyện không theo Ác tri thức], chứ không mình rớt vào Ác tri thức là rồi đó. Cho nên phải phát nguyện. Thiện Trang hay nói chúng ta phải nguyện đời đời gặp Chánh pháp. Đó là tại vì đừng theo Ác tri thức, hãy theo Thiện tri thức.

Con phụng sự cha mẹ chân chánh không có tà kiến, sanh vào trung tâm đất nước (sanh phùng trung quốc), được nghe pháp thiện (được nghe thiện pháp), tư duy, phân biệt, thành tựu pháp tùy pháp (cố gắng thực hành theo pháp); Đem công đức trai pháp này nhiếp lấy pháp lành của tất cả chúng sanh(nhớ hồi hướng cho chúng sanh); đem công đức này bố thí cho họ giúp cho người kia (người kia tức là cho họ đó), thành Đạo Vô thượng Chánh chơn (tức là mình cũng hồi hướng cho chúng sanh. Quý vị thấy ngay trong Kinh A Hàm cũng nói hồi hướng cho chúng sanh rồi, chứ không phải đợi đến kinh Đại thừa. Kinh này cũng là kinh Đại thừa mà); đem phước của thệ nguyện này bố thí để thành tựu ba thừa khiến cho không bị thoái lui giữa chừng (phải nguyện như vậy). Lại đem trai pháp tám quan này để học Phật đạo, Bích-chi-phật đạo, A-la-hán đạo. (Nhớ! Tu để làm gì? Không phải tu để lên trời, mà để học Phật đạo, để học Bích-chi-phật đạo, hoặc A-la-hán đạo. Không thành Phật đạo, tức là không phát nguyện thành Phật, thì cũng thành Bích-chi-phật; không thành Bích-chi-phật thì cũng thành A-la-hán).

          Những người học chánh pháp ở các thế giới cũng đều tập theo nghiệp này. Giả sử trong tương lai, khi Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác, người nào gặp hội kia thì sẽ được độ ngay.

Quý vị thấy không? [Phật cũng dạy] [phát nguyện] vì chúng sanh. Ngay trong pháp Bát quan trai cũng vì chúng sanh, cũng nguyện cho chúng sanh, là tương lai khi Phật Di Lặc ra đời, những người kia, nhờ được hưởng công đức mình thọ Bát quan trai, mình hồi hướng cho họ, họ cũng được độ ngay.

Hồi xưa Thiện Trang cũng không biết, không đọc đoạn này, nhưng Thiện Trang cũng nguyện: Ai tu Tịnh Độ thì mau vãng sanh Tịnh Độ; ai chưa đắc độ thì sớm được đắc độ; còn ai không được đắc độ, thì tương lai nguyện dưới hội Long Hoa, tức là gặp Phật Di Lặc [sẽ] được đắc độ. Chúng ta cũng thấy rõ ràng, vô tình [mình nguyện] giống ở đây.

Khi Phật Di Lặc xuất hiện ở đời, có ba hội Thanh văn. Hội đầu có chín mươi sáu ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ hai có chín mươi bốn ức chúng Tỳ-kheo. Hội thứ ba có chín mươi hai ức chúng Tỳ-kheo, đều là A-la-hán các lậu đã sạch. Cũng gặp vua cùng giáo thọ sư của đất nước kia.’ Dạy như vậy, không để cho thiếu sót”.

Như vậy, bữa nay chúng ta biết bài này, biết cách hồi hướng phát nguyện trong thọ Bát quan trai rồi, đây là một cách. Tất nhiên có một cách nữa, ở trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, cũng có một đoạn khác, quý vị thấy nội dung cũng giống giống như vậy. Và Thiện Trang đã đưa lên trên trang web, quý vị có thể lên đó tải. Hôm nay, sau bài này, Thiện Trang sẽ đưa đoạn nào lên nữa để cho thêm một cách nữa. Ai thích cách nào thì làm thử cách đó. Đều là lời trong kinh, mình phải theo trong kinh.

Ngài Ưu-ba-ly bạch Thế Tôn: “Nếu thiện nam, thiện nữ kia tuy trì trai tám quan nhưng không phát thệ nguyện, há không được công đức lớn hay sao?” (Có nghĩa là ngài Ưu Ba Ly hỏi: Nếu lỡ lâu nay mình thọ mà mình không phát nguyện, thì có được công đức lớn hay không?)

Đức Thế Tôn bảo: “Tuy được phước kia, nhưng phước không đáng nói……

(Kinh Số 2 – Phẩm Thiên Tử Mã Huyết Hỏi Tám Chính – Kinh Tăng Nhất A Hàm).

Đoạn sau dài, Thiện Trang đánh chấm chấm. Có nghĩa là quý vị thọ Bát quan trai, mà quý vị không phát nguyện như vậy, thì phước không lớn, [vẫn] được phước nhưng phước ở đây không lớn.

Đây là từ [trong] kinh, quý vị nhớ, là phải biết như vậy. Hôm nay quý vị biết thêm rồi, Thiện Trang cố gắng bổ sung những pháp rất căn bản, mình tu tập không phải cao siêu gì ghê gớm đâu. Quý vị thấy để vào Sơ quả Tu-đà-hoàn, đoạn trên nói có gì cao siêu đâu, giữ Năm giới, rồi đừng nghi với Phật, đừng nghi với pháp, đừng nghi với Tăng, rồi cố gắng biết như thật (hiểu như thật) về Tứ đế, là được. Chỉ vậy thôi là vô Sơ quả Tu-đà-hoàn. Và thọ Bát quan trai là một trong những pháp trợ vào Sơ quả Tu-đà-hoàn nhanh, chúng ta cần phải học. Bây giờ Thiện Trang giới thiệu [một bài] đặc biệt hơn nữa.

Pháp Tu Có Thể Chứng Quả A-La-Hán, A-Na-Hàm Trong Thời Gian Ngắn

Điều này còn ghê hơn nữa! Tại vì bữa nay là đầu năm, nên Thiện Trang tranh thủ tặng cho quý vị những món quà quý giá nhất. Bây giờ có pháp nào tu để chứng A-la-hán và A-na-hàm nhanh không? Có! Giới thiệu cho quý vị luôn, có pháp tu này. Bài kinh này rất dài, nên Thiện Trang xin cắt đoạn đầu, đoạn đầu nói về các ngoại đạo, rồi hỏi chất vấn v.v… Thiện Trang xin nói đoạn sau (đoạn chính) thôi, vì dài quá, nên Thiện Trang để mấy dấu chấm chấm. Tức là đoạn kinh này không có trích [hết], [mà] trích từ đây.

….

       Bấy giờ đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

       “Sau khi các ngoại đạo dị học kia hỏi nghĩa này, các ngươi hãy trả lời bằng những lời này: luận một điều, nghĩa một điều, diễn một điều; cho đến, luận mười, nghĩa mười, diễn mười. Khi nói lời này có ý nghĩa gì, các ngươi mang lời này đến hỏi, những người kia sẽ không thể trả lời. Các ngoại đạo do thế càng tăng thêm ngu hoặc (tức là nếu đem mấy điều này ra nói cho ngoại đạo, thì họ ngu, khờ thêm thôi, họ không biết gì đâu). Vì sao vậy? Vì không phải là cảnh giới của họ (cho nên pháp không dễ đâu quý vị, nói vậy chứ chúng ta có phước báu lớn lắm, thì chúng ta mới nghe được Chánh pháp của Như Lai. Chứ đem giảng những điều này cho [ngoại đạo], thì họ chỉ ngu thêm thôi, ngu hoặc thêm là không biết gì hết, vì không [phải] cảnh giới của họ. Nên mình rất may mắn, vì mình được học pháp của Như Lai). Cho nên, Tỳ-kheo, Ta không thấy có Trời, Người, Ma hoặc Ma thiên, Đế Thích, Phạm thiên vương, mà có thể trả lời được điều đó, trừ Như Lai và Đệ tử của Như Lai nghe từ Ta nói, điều này không luận đến.

Có nghĩa là những điều mà chúng ta sắp nghe, không phải đơn giản đâu, Trời, Người, Ma (ma dưới đất, ma trên trời), Ma vương (Thiên ma), rồi Đế Thích (là vua trờiĐế Thích), Phạm vương thiên cũng không trả lời được điều đó, trừ Như Lai (đức Phật), vàĐệ tử của Như Lai nghe từ Ta nói (là chúng ta đó, may [là được] nghe từ đức Phật nói), điều này không luận đến.

Luận một, nghĩa một, diễn một; Ta tuy đã nói ý nghĩa này, nhưng do đâu mà nói? Hết thảy chúng sinh do có thức ăn mà tồn tại; không có thức ăn thì chết (nếu mà không có thức ăn thì chết, tất cả chúng sanh đều như vậy). Tỳ-kheo đối với pháp ấy mà bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ; đồng một nghĩa, không hai’ điều mà Ta nói, chính xác là như vậy. Như vậy, đầu tiên là đức Phật nói về thức ăn, ở đây cũng chưa rõ nghĩa, chúng ta đọc tiếp.

Nghĩa một, luận một, diễn một, cho đến luận mười, nghĩa mười, diễn mười; Ta tuy đã nói ý nghĩa này, nhưng do đâu mà nói? Danh và sắc. Danh là gì? Thọ, tưởng, niệm, xúc, tư duy; đó là danh. Cái kia sao gọi là sắc? Bốn đại, và sắc do bốn đại tạo; đó gọi là sắc, do duyên bởi căn bản này mà nói là sắc.

 Luận hai, nghĩa hai, diễn hai, do bởi nhân duyên này mà Ta nói đến. Tỳ-kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ.

Ở đây, quý vị nghe như vậy, lời văn hơi khó hiểu, thực ra Thiện Trang nói đơn giản thôi, có mười điều suy niệm. Trong đoạn kinh này nói mười điều, quý vị suy niệm giùm, nếu suy niệm được mười điều này, thì quý vị chứng được A-la-hán hoặc chứng A-na-hàm, trong thời gian rất ngắn.

Điều thứ nhất: là quý vị suy nghĩ về chúng sanh do có thức ăn mà tồn tại, không có thức ăn thì chết. Mình cứ cố gắng suy nghĩ về điều này một cách bình đẳng, để [thấy] nhàm chán, bởi vì mình phụ thuộc vào thức ăn. Quý vị thấy nhàm chán, thì từ đó mình sẽ được bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của việc này (tức là mình làm được như thế), rồi bình đẳng chấm dứt biên tế khổ.

Tức là do mình nghĩ như vậy, nên mình chẳng có ham muốn ăn uống kiểu say sưa nữa v.v… Mình cứ suy nghĩ về vấn đề thức ăn, mình phụ thuộc như vậy thì mình khổ. Mình suy nghĩ về điều đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai: là mình nghĩ về người mình. Tức là người mình có hai phần: Một là Danh, là tinh thần; và [hai là] Sắc, là vật chất. Danh là Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Ở đây dùng ngôn ngữ khác, [tức] là Thọ, Tưởng, Niệm, Xúc, rồi Tư duy là Ngũ uẩn, nhưng bây giờ dùng cách nói khác, [gọi] là Danh. Còn Sắc là do bốn đại: Đất, Nước, Gió, Lửa, và những yếu tố do Đất, Nước, Gió, Lửa tạo nên, ở bên A Tỳ Đàm gọi Y đại sinh. [Về] điều này thì hình như khi Thiện Trang giảng ở đây cũng đã nói rồi. Bốn đại: là Đất, Nước, Gió, Lửa là vấn đề đó. Và có những yếu tố không phụ thuộc về đất nhưng đi theo.

Ví dụ mình có một tính gì đó, mình có những sắc đặc biệt, như Nữ quyền chẳng hạn, người nữ thì tự nhiên thân thể mềm dẻo, còn người nam thì thân thể tự nhiên cứng cáp. Đó là những yếu tố mà do Bốn đại tạo nên, v.v… có rất nhiều. 28 Y đại sinh ở bên A Tỳ Đàm, do chúng ta chưa có thời gian, từ từ mai mốt học Luận Câu Xá thì chúng ta sẽ biết điều đó.

Mình cứ nghĩ là do Sắc, và do duyên căn bản này mà nói là Sắc, mình suy luận về thân thể của mình như vậy. Đó là vấn đề thứ hai mà mình cần phải suy nghĩ.

Luận ba, nghĩa ba, diễn ba; do đâu mà nói (tức là mình sẽ suy nghĩ, (ở đây do bộ kinh này mình trích ngắn), mình suy luận tức là bàn luận, nghĩa là hiểu về nghĩa, rồi diễn là nói ra ba điều. Ba điều đó là gì?), do đâu mà nói [779a01] nghĩa này? Do ba thọ. Những gì là ba? Khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Điều này chúng ta quá quen rồi! Thọ thì có ba cảm thọ (cảm nhận): cảm nhận về khổ, cảm nhận về vui, và cảm nhận về không khổ không vui. Bây giờ mình suy nghĩ về điều đó. Vậy những pháp này mình học hết chưa quý vị? Học hết rồi! Cho nên mình suy nghĩ, tư duy về điều này được.

Vì sao được nói là lạc thọ? Trong tâm có ý tưởng lạc, cũng không phân tán; đó gọi là lạc thọ. Vì sao được nói là khổ thọ? Trong tâm mê loạn không định tĩnh chuyên nhất, tư duy với nhiều ý tưởng khác nhau; đó gọi là khổ thọ. Tức là ở đây, đức Phật định nghĩa luôn, thế nào là khổ thọ, lạc thọ. Lạc thọ là trong tâm có ý tưởng vui, mà cũng không phân tán. Tức là đang vui, vui nhiều lắm, đó gọi là lạc thọ. Còn khổ là trong tâm mê loạn, không định tĩnh chuyên nhất, tư duy với nhiều ý tưởng khác nhau. Lúc đó quý vị biết khổ là mình suy nghĩ tiêu cực, suy nghĩ tùm lum, cảm thấy khổ đau v.v… đó gọi là khổ thọ.

Thế nào là cảm thọ không khổ không lạc? Ý tưởng không khổ không lạc trong tâm, lại không phải là chuyên nhất định tĩnh, cũng không phải loạn tưởng, cũng không tư duy pháp và phi pháp, hằng tự tịch mặc, tâm không có ghi nhận gì; đó gọi là cảm thọ không khổ không lạc.

Quý vị thấy, đức Phật định nghĩa quá chi tiết, cho nên định nghĩa của ba thọ có trong này, Thiện Trang cũng giới thiệu luôn ba thọ. Ý nghĩa đơn giản của thọ không khổ không lạc là trong tâm chẳng có vui, chẳng có buồn, cũng không phải chuyên nhất định tĩnh, mà cũng không phải loạn tưởng. Tức là lúc đó mình không chuyên nhất định tĩnh đâu, mà cũng không phải loạn tưởng nghĩ lung tung, mà tâm vừa vừa, cũng không phải tư duy về pháp. Mà dạng giống như ‘hằng tự’, tức là luôn luôn; #hằng là một trạng thái bình bình; #tự tịch mặc tức là hơi hơi thanh tịnh, mà tâm không có ghi nhận gì hết; đó là trạng thái gọi là không khổ không lạc.

Quý vị thấy đức Phật định nghĩa hết, nên Thiện Trang nói tất cả những thuật ngữ, mình coi trong kinh đã định nghĩa hết rồi. Mà quý thầy không đọc điều này, bắt đầu diễn ra theo ý nghĩa của mình, không khổ không lạc là gì, mỗi người diễn một kiểu, cho nên khác, chứ thật ra trong kinh đức Phật đều nói hết. Vì vậy về sau này, Thiện trang kêu: trong kinh nói hết rồi, tội gì mình phải định nghĩa chi cho mệt, mà định nghĩa tầm bậy nữa, thôi cứ đọc trong kinh là chính xác.

Quý vị thấy, bữa nay [chúng ta học] ba Thọ (tam Thọ) là gì rồi đúng không? Ở đây định nghĩa rất dài, nhưng rõ ràng.

Tỳ-kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ (nói chung mình [phải] sợ ba thọ này, đừng muốn thọ nữa. Rồi bình đẳng mong giải thoát, bình đẳng quan sát về ba thọ này, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của việc này. Rồi cuối cùng mình sẽ bình đẳng chấm dứt biên tế khổ thôi, biên tế khổ là dứt hết các khổ rốt ráo). Luận ba, nghĩa ba, diễn ba, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy. Như vậy đây là cũng một khái niệm đơn giản. Mình nghe nói pháp này tu bảy ngày hay mấy ngày thành tựu, mà thấy khó quá đúng không? Dài quá!

Luận bốn, nghĩa bốn, diễn bốn; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là bốn đế (Tứ đế). Những gì là bốn? Thánh đế Khổ, Tập, Tận, Đạo. Như vậy điều thứ tư là Khổ đế, Tập đế, Tận đế và Đạo đế. [Về] Tứ đế thì mình quen rồi! Quý vị thấy [chúng ta] toàn học những điều này, chứ mình đâu có học gì ra khỏi những pháp để chứng quả đâu.

Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ? (Bây giờ giải thích luôn, thế nào là Khổ đế. Quý vị thấy, đức Phật định nghĩa luôn cho mình, khỏi mất công đi tìm). Sanh khổ (sinh khổ), già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo, buồn, não khổ, oán ghét gặp nhau khổ, ân ái biệt ly khổ, ước muốn không được khổ. Điều này thì quá quen đúng không? Mình sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo buồn khổ, rồi não [khổ], não là những gì gây khó chịu là khổ. Rồi oán ghét mà gặp nhau cho nên khổ, yêu thương nhau, ân ái mà phải chia lìa nên khổ, rồi cầu mà không được, tức là ước muốn không được nên khổ. Những nỗi khổ do [nguyên nhân] như vậy, đó [gọi] là Khổ đế.

Vì sao được gọi là Thánh đế Tập? (Hay vì sao được gọi là Tập đế, nhưng là của bậc Thánh?) Căn bản ái cùng với dục tương ưng. Nguyên nhân đơn giản lắm! Nguyên nhân căn bản nhất là do ái, ái là sự yêu thích, rồi cùng với dục là mong muốn, tương ưng. Dịch nghĩa đúng, là do sự tương ưng [của] căn bản ái với dục. Tóm lại là do tâm mình ham muốn, muốn chiếm hữu, mình yêu thích nhiều vô thì khổ thôi. Đó là nguyên nhân của khổ. Quý vị thấy đức Phật định nghĩa Bốn đế rất đơn giản, không dài dòng.

Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ tận? (Tức là thế nào gọi là Diệt đế?) Ái kia vĩnh viễn đoạn tận không còn tàn dư cũng không tái sinh khởi; đó gọi là Khổ tận đế. (Tức là chỉ cần dứt ái thôi, đừng có ham muốn gì nữa, đừng có ham muốn, đừng có yêu thích điều gì, thì hết khổ. Vậy đó! Cho nên ở trong kinh, Phật có một câu rất nổi tiếng đó là: “Ái tận thị Niết-Bàn”, tức là khi ái hết thì đó là Niết-Bàn. Định nghĩa [như] vậy [cho] đơn giản.

Khi nào quý vị còn ái, còn ham thích điều gì đó, thì còn [ở] trong sanh tử. Nhiều người nói: “Vậy làm sao được?” Quý vị thấy chúng ta cứ xét tiêu chuẩn đi, chúng ta ở cõi Dục, chúng ta ái nhiều lắm. Ái ở đây không phải là yêu không [thôi], mà còn thích nữa: thích ăn ngon, thích mặc đẹp, thích trang điểm, thích nhà lầu, thích xe hơi, thích giàu có, thích quyền quý, thích đủ các thứ ở nhân gian. Đó là [ái] ở cõi Dục nhiều. Lên đến trời Dục giới vẫn thích thôi, vẫn thích nhạc nhẽo, rồi yêu đương, rồi quyền quý vẫn còn.

Khi hết năm dục rồi thì lên trời Sơ thiền đến Tứ thiền, gọi là cõi Sắc giới. Cõi Sắc giới họ có yêu thích gì không? Có! Họ yêu thích sự hiện hữu. Hiện hữu nằm trong Kiết sử nào trong Ngũ Thượng phần Kiết sử? Có một Kiết sử gọi là Sắc ái kiết, tức là yêu thích về hình, có [sự] hiện hữu. Tức là có thân hình ở cõi Sắc, và mình vẫn muốn mình hiện hữu thân hình này. Cho nên khó! Cho nên mới nói A-la-hán mới không có tái sanh đời sau nữa, tức là không có nhận thân hình này nữa, vì [họ] không muốn.

Như vậy là phải diệt được Sắc ái kiết. Vậy còn bốn tầng trời cuối cùng là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, thì họ có một loại Phiền não, họ có một ái. Đố quý vị là ái gì? Đó là Vô sắc Ái kiết, tức là một loại Phiền não nằm trong Ngũ Thượng phần Kiết sử. Vô sắc Ái kiết là gì? Là người ta vẫn còn thích về tinh thần, chấp về có một linh hồn. Nói như ngôn ngữ ngoại đạo là [một] linh hồn, một linh tánh nào đó, vẫn muốn hiện hữu trong hình thức đó. Còn hiện hữu, vẫn còn thích điều đó thì vẫn còn luân hồi. Cho nên A-la-hán xả luôn điều đó, gọi là đoạn được Vô sắc Ái kiết, như vậy sẽ hiện hữu ở cảnh Niết-Bàn. Niết-Bàn thì không thể dùng ngôn ngữ bình thường [để diễn tả] được. Cho nên là còn thích hiện hữu thì không được rồi.

Cho nên ái tận, là khi các ái của Dục giới hết, ái của Sắc giới hết, ái của Vô sắc giới hết, thì đó là Niết-Bàn. Bởi vì chắc chắn là quý vị sẽ chứng Niết-Bàn thôi, không có tránh đi đâu được hết. Cho nên nguyên nhân căn bản đó là ái. [Vì vậy] bên Trung Hoa mới [nói] là: “Ái bất trọng bất sanh Ta Bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh Độ”. Tức là do mình có những sự yêu thích, ái ở đây là yêu thích, yêu thích mà nặng thì sanh vào thế giới Ta Bà này.

Quý vị thấy rõ ràng, rất khó! Cho nên tu miết mà không ra được [ái] này. Thật ra là Tu-đà-hoàn chưa hết, Nhị quả Tư-đà-hàm chưa hết, và Tam quả A-na-hàm cũng chưa hết được hai điều: là Sắc ái kiết và Vô sắc Ái kiết. Tức là trong đó vẫn còn hai điều yêu thích nữa, yêu thích hiện hữu về thân, yêu thích hiện hữu vô hình là tinh thần. Hai điều đó vẫn còn thì không được rồi. Chưa [được]! Cho nên khó lắm, không có dễ đâu!

Nói vậy [để] mình biết về điều đó, nhưng mình chưa làm được. Nhưng biết rồi, biết đến lần thứ 1000, 1001, biết lần thứ n nào đó [thì sẽ thành công]. Giống như câu chuyện Ngàn Lẻ Một Đêm, thì câu chuyện đó cũng phải kết thúc. Cũng vậy, mình học Phật pháp, biết nguyên nhân của khổ là ái, biết dần dần đến lần nào đó thì sẽ mòn từ từ, từ từ. Giống như đức Phật lấy ví dụ [một] phiến đá to lớn như vậy, 100 năm có chư thiên tới cầm [tấm] vải (Thiên y) cõi Trời, [tấm Thiên y này] siêu mỏng còn hơn tơ lụa của Thế gian nữa, nhẹ lắm. Mà cứ quét [lên phiến đá đó] một lần, quét đến khi tảng đá mòn, tan luôn, thì kiếp số đó tận. Có nghĩa là mặc dù việc tưởng chừng như không thể mòn, nhưng cuối cùng cũng mòn.

Cũng vậy, nếu mình mà cứ nghĩ là còn hiện hữu ở đời là còn khổ, rồi còn xuất hiện ở cõi Sắc giới cũng là khổ, còn xuất hiện ở trong cõi Vô sắc giới cũng là khổ. Cứ nghĩ như vậy, nghĩ đến 100, 1000, 1 tỷ lần nào đó [thì sẽ] thành công. Tức là mỗi lần mình nghĩ tới điều đó, là mình có một ý niệm xa lìa, là mình đã giảm được sự ái, sự yêu thích đó xuống bớt một lần.

Cho nên có những điều quý vị biết, tu là sự lặp lại nhiều lần, gọi là làm cho mạnh thêm, hay ngôn ngữ gọi là huân tập. Huân tập cho mạnh lên, thì đến lúc nào đó người ta sẽ làm được. Cho nên đức Phật nói là có hai hạng người đáng quý, ví dụ nói về Giới, đức Phật nói có hạng người tuy giữ giới thanh tịnh, nhưng tâm của họ, khả năng họ học về Trí huệ giải thoát (Thánh đế) không có, thì đức Phật không tán thán người đó. Người đó trước sau gì họ cũng đọa vào đường ác thôi. Mặc dù họ giữ giới đó, nhưng họ không học về giáo pháp giải thoát là không được.

Còn người mặc dù trước mắt là họ không giữ giới, nhưng họ học giáo pháp giải thoát, thì người đó dần dần [được] giải thoát. Họ chưa giải thoát [ngay] được, vì họ chưa giữ được giới, nhưng dần dần họ [sẽ được] giải thoát. Đó là chính là câu nói ở trong Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập: “Giả sử hủy cấm chế, tất trụ bất thoái địa”. Có nghĩa là giả sử rằng người đó phạm giới, nhưng chắc chắn họ sẽ vào địa vị bất thoái.

Còn hạng người thứ ba là họ không có Giới luật, và cũng không có trí huệ về giáo pháp giải thoát. Tức là không chịu học giáo pháp giải thoát, thì người đó khỏi nói, họ chìm luôn trong đường ác. Đức Phật nói là chìm trong đường ác.

Hạng người thứ tư là người có Giới luật, tức là họ giữ được Giới luật, và họ học giáo pháp giải thoát, thì đức Phật nói người đó sẽ giải thoát sớm.

Chúng ta thấy điều quan trọng là cứ nghe giáo pháp giải thoát, suốt ngày nghe đi nghe lại. Thầy Thiện Trang nói: đời là Khổ, là Không, là Vô thường, là Vô ngã, học hoài mình [cũng] thấy hâm mộ các bậc Thánh, nào A-la-hán, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, v.v…. Rồi hằng ngày mình nghe toàn chuyện của Phật, chuyện của Thánh chúng, chuyện của Tỳ-kheo, v.v… dần dần tâm mình [được] hun đúc lên lâu ngày. Đức Phật lấy ví dụ giống như sông Hằng, hay những con sông này, sông kia ở Ấn Độ, thì đều đổ về hướng Đông. Cũng vậy, những người học trong giáo pháp, do tắm trong dòng pháp Phật lâu ngày, cho nên được khả năng đó. Giống như nước các con sông, luôn luôn đổ về hướng Đông. Cũng vậy, người học giáo pháp lâu ngày, chỉ đổ về một hướng, là ra biển lớn. Đó chính là dòng nước giải thoát, tức là đi ra đến Niết-Bàn.

Không có con đường nào khác đâu, quý vị nghe hoài, nghe tới nghe lui rồi quý vị sẽ đắc đạo giải thoát. Dù có thể quý vị chậm, vì quý vị không bỏ được những sự ái trong nhất thời, nhưng dần dần nghe hoài rồi cũng chán. Quý vị nghe hoài rồi quý vị cũng chán nhân gian rồi đúng không? Bây giờ Tết cũng thấy nhạt rồi, Tết người ta đi chơi vui lắm, [còn] mình thấy Tết cũng bình thường, không có gì vui nữa.

Thiện Trang thì cảm thấy Tết vô vị từ lâu rồi, Thiện Trang mấy năm nay, hình như do mình không hướng về Tết, nên dần dần bây giờ cũng không ăn Tết nữa. Ngày hôm nay cũng không có ăn Tết gì cả. Cho nên quý vị thấy, dần dần theo năm tháng tâm mình trụ trong pháp giải thoát nhiều hơn. Và trụ đến mức độ đủ, thì mình sẽ giải thoát. Cho nên [quý vị] cố gắng nha! Ở đây chúng ta hiểu [như vậy].

Ái kia vĩnh viễn đoạn tận không còn tàn dư cũng không tái sinh khởi; đó gọi là Khổ tận đế. Vì sao được gọi là Thánh đế Khổ xuất yếu? Khổ xuất yếu là Đạo đế. Xuất yếu tức là điều quan trọng nhất; điều quan trọng nhất để ra khỏi nỗi khổ, là Khổ xuất yếu của bậc Thánh, và đế là sự chân thật. Chữ này ai học ngữ pháp chữ Hán thì biết, chữ xuất yếu này là danh từ, khổ là tính từ, đế cũng là tính từ, Thánh cũng là tính từ, một mớ tính từ xếp hàng trước để bổ nghĩa cho danh từ đó. Chúng ta hiểu được danh từ là Thánh đế Khổ xuất yếu.

Đó là tám phẩm đạo của Hiền Thánh: Chánh kiến, Chánh tri, Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh tam-muội; đó là đạo có tám phẩm. Đây là Bát Chánh đạo hay Bát Thánh đạo, chúng ta quá quen đúng không? Chánh kiến, Chánh tư duy (ở đây đức Phật đổi thành chữ Chánh tri để mình khỏi bị chấp ngôn ngữ), rồi Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, thay vì chúng ta [nói] Chánh định, thì bữa nay đức Phật dùng Chánh tam-muội, Tam-muội là định. Cho nên đó là đạo có tám phẩm, tức là con đường có tám phẩm. Như vậy Bát Chánh đạo này thì từ từ mình học, bữa nào Thiện Trang sẽ lấy trong kinh [để] giải thích từng điều.

Tỳ-kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng quán sát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa của nó, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận bốn, nghĩa bốn, diễn bốn, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy. Tóm lại mình phải học điều này. Nãy giờ chúng ta mới học bốn điều trên mười điều,nhưng thật ra bốn điều này có quen không quý vị? Quen! Hằng ngày mình học hết rồi. Cho nên thực tế là chúng ta đang ở trong đạo giải thoát. Mình đang nghe pháp, mình đang tu tập, toàn là trong đạo giải thoát thôi đó, [nhưng] do mình tu không rốt ráo thôi. Điều thứ năm là gì?

Luận năm, nghĩa năm, diễn năm; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là Ngũ căn (tức là bây giờ nói [về] năm). Những gì là năm? Tín căn, Tinh tấn căn, Niệm căn, Định căn, Huệ căn. Quý vị thấy những điều này quen không? Trong 37 Phẩm trợ đạo, có Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh Đạo phần, toàn là học ở trong đây chứ đâu. Ngũ căn là: Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ đúng không? Đúng y chang luôn.

Thế nào là Tín căn? (Đức Phật định nghĩa Tín căn luôn, khỏi mất công đi tìm ở đâu) Hiền Thánh Đệ tử tin đạo pháp của Như Lai, rằng Như Lai là bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Túc (hay Minh Hạnh Túc), Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Hiệu Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Đó gọi là Tín căn. Tín căn này đức Phật nói đơn giản quá, quý vị thấy chỉ cần tin đạo pháp của Như Lai, rằng đức Phật là bậc Chí Chân, tức là bậc chân thật đến tột cùng; Đẳng Chánh Giác tức là sự biết giác ngộ của Ngài đến mức độ không còn gì hơn nữa, Đẳng là bình đẳng, ngang tới đó là hết rồi; Minh Hạnh Túc… Những thuật ngữ này chúng ta đã giải thích rồi, bây giờ giải thích lại mất thời gian quá, thôi Thiện Trang không giải thích [lại nữa] nha, mười danh hiệu Như Lai chúng ta nói hoài mà. Đó là Tín căn.

Thế nào là Tinh tấn căn? Thân, tâm, ý tinh cần không mệt mỏi; diệt pháp bất thiện, tăng ích pháp thiện, hằng chấp trì tâm; đó là Tinh tấn căn. [Từ] xưa tới nay, chúng ta hay định nghĩa chữ Tinh tấn, Thiện Trang cũng định nghĩa: tinh là tinh chuyên, tấn là tiến tới. Nhưng quý vị thấy định nghĩa của đức Phật không phải vậy. Đức Phật nói là: Thân, tâm, ý, tức là ba nghiệp thân, khẩu, ý, phải tinh cần không mệt mỏi, diệt các pháp bất thiện, tăng ích pháp thiện, tức là tăng thêm các pháp thiện. Rồi hằng chấp trì tâm, là luôn giữ được tâm.

Tức là mình làm sao để tăng thêm pháp thiện, và diệt đi pháp bất thiện; làm vậy trên ba nghiệp: thân, tâm, ý (tâm với ý là như nhau). Như vậy Tinh tấn căn [ở đây] dễ hơn, định nghĩa [trong] Đại thừa cao quá.

Thế nào là Niệm căn? (Căn niệm hay Niệm căn, chúng ta thử coi Niệm căn là gì?) Tụng tập không quên, hằng giữ trong tâm, ghi nhớ không thất lạc, pháp Hữu vi Vô lậu không bao giờ bị mất; đó là Căn niệm (Niệm căn). Như vậy ở đây nói cho chúng ta một pháp rất đơn giản, đó là cố gắng đọc, tụng, hoặc là tu tập, đừng có quên. Hằng nghĩ nhớ trong tâm, ghi nhớ không thất lạc v.v… Điều này thì dễ lắm, chúng ta học Phật pháp, làm sao [mà] trong tâm lúc nào cũng có Phật pháp là được. Ví dụ như biết Thế gian là khổ, là pháp Hữu vi. Giống như mình thấy Tết chẳng có gì vui hết, thực sự Tết cũng không vui lắm đâu, chỉ có pháp xuất thế là Vô vi an lạc thôi, mình nhớ vậy. Lúc nào mình cũng nhớ thế gian là đối nghịch, là khổ, [chỉ có] xuất thế gian mới an vui thôi, và mình tu mỗi con đường đó. Mình [cứ] nhớ như vậy, là coi như sự tu tập của mình, sự niệm tụng của mình không quên. Đó là Niệm căn.

Thế nào là Định căn? Trong tâm không động loạn, không có các tưởng sai biệt, hằng chuyên tinh nhất ý; đó là Tam-muội căn. Như vậy ở trên này nói Định căn chính là Tam-muội căn, đức Phật đổi từ luôn cho mình khỏi chấp. Là tâm mình đừng có động loạn, không có các tưởng sai biệt, và luôn chuyên tinh nhất ý.

Điều này thì rõ ràng, nhiều đồng tu động tâm quá, động loạn, tâm chạy như ngựa, gọi là ‘tâm viên ý mã’. Tâm thì giống viên, viên là con vượn; còn ý thì giống con mã, mã là con ngựa. Như vậy là không được. Cố gắng tâm không có động loạn, và không có các tưởng sai biệt, tức là mình đừng có nghĩ tưởng quá nhiều. Nhiều đồng tu tu hành không đắc lực là vì họ tưởng nhiều quá. Giống như hôm nay chưa thấy Thiện Trang giảng, không thấy thông báo nghỉ hay không nghỉ, rồi bắt đầu tưởng: chắc bữa nay thầy Thiện Trang bận rồi, Tết cho nên không giảng, rồi tưởng thế này thế kia. Hoặc là tưởng: ôi bữa nay thầy Thiện Trang vẫn giảng kìa. Giảng mà mình không nghe được, mai nghe lại chắc không hay bằng được nghe trực tiếp.

Quý vị cứ tưởng tới tưởng lui, tưởng nhiều quá, tâm càng tưởng nhiều thì càng khổ thôi. Cố gắng sống một cách đơn giản, không có tưởng nhiều, thì mới được định. Đó gọi là Định căn (Tam-muội căn).

          Thế nào là Trí tuệ (Huệ) căn? Biết Khổ, biết Tập, biết Tận, biết Đạo; đó là Trí tuệ căn. (Về Trí tuệ, xưa nay mình nói vòng vòng, còn đức Phật nói đơn giản lắm, chỉ có bốn điều thôi: là [biết] Khổ, [biết] Tập, [biết] Diệt, [biết] Đạo. Biết bốn điều đó, là Trí tuệ căn). Đó là năm căn (Ngũ căn). Tỳ-kheo ở trong đó mà bình đẳng giải thoát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa ấy, bình đằng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận năm, nghĩa năm, diễn năm, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Những pháp mà Thiện Trang chia sẻ toàn là pháp tu căn bản, hôm nay sẵn giới thiệu cho quý vị một mạch các kiến thức căn bản. Và xin nói với quý vị, chỉ cần tu học theo những kiến thức căn bản này thôi, thì đức Phật nói là mau chứng quả Thánh lắm, chút nữa rồi mình sẽ thấy.

Luận sáu, nghĩa sáu, diễn sáu; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là sáu trọng pháp (sáu pháp quan trọng). Sáu ấy là gì? Ở đây, Tỳ-kheo thường xuyên hành từ tâm bởi thân, hoặc ở chỗ vắng vẻ, hoặc ở trong phòng, tâm thường như một,đáng tôn, đáng quý, đưa đến hòa hiệp. Đây là pháp tôn trọng thứ nhất của Tỳ-kheo. Điều này thì nói hơi dài. Quý vị để ý, là hành từ tâm bởi thân, rồi ở nơi vắng vẻ, hoặc ở trong phòng, tâm thường như một. Tức là cho dù quý vị ở đâu chăng nữa, ở nơi vắng vẻ, ở một mình cũng phải có tâm từ, chứ không phải mình ở một mình rồi nổi điên lên, kêu không có ai nên nổi tức lên. [Như vậy] không được! Tâm từ là phải hành thường xuyên, dù ở một mình, ở trong phòng, ở chỗ vắng vẻ thì cũng như vậy thôi, cũng đáng tôn, đáng quý, đưa đến hòa hiệp. Đó là điều thứ nhất.

Lại nữa, hành từ tâm nơi miệng, không khởi ganh tị oán ghét, đáng kính, đáng quý; đó là pháp tôn trọng thứ hai. Quý vị thấy đây là điều thứ hai. Việc hành từ tâm, mình hay nói là tu tâm từ, nhưng mình có hành tâm từ được không? Ở đây đức Phật dạy luôn, đoạn trên là ở một mình, ở chỗ vắng vẻ thì mình cũng phải nghĩ tâm từ bi. Còn [đoạn này] là mình thể hiện ra ở nơi miệng, bằng cách là không khởi ganh tị, oán ghét, phải đáng kính, đáng quý. Cho nên ở đây có nhiều người nói tu tâm từ, mà chửi người ta ghê gớm lắm, nói xấu, nói này kia, đủ các kiểu, thì đó là không có tâm từ.

Cho nên Thiện Trang nói mình coi sơ sơ Kinh A Hàm thôi là rớt sạch. Cho nên đồng tu học Đại thừa, đặc biệt đồng tu học Tịnh Độ của mình thì hay có bệnh này, toàn nói gì đâu ghê gớm, tội lắm! Học mà không thông, gán ghép tội cho người ta, người ta tu không có gì hết mà mình cũng nói quá đi, trong khi thật ra mình tu cũng chưa tới đâu. Cho nên đấy là thiếu tâm từ, mình không hành được trên nơi miệng. Ở đây mình học thì hãy cố gắng làm tốt cho mình đi.

Lại nữa, nếu được lợi dưỡng đúng pháp, cho đến còn dư trong bình bát, đều đem chia cho các bạn đồng phạm hạnh, tâm bình đẳng mà cho; đó là pháp tôn trọng thứ tư, đáng kính, đáng quý. Đây là lợi hòa đồng quân. Quý vị thấy ở đây là không có keo kiệt nha. Nếu được lợi dưỡng đúng pháp, cho đến còn dư trong bình bát, đều đem chia cho các bạn đồng phạm hạnh (tức là Tỳ-kheo). Tỳ-kheo không có gì, chỉ đi khất thực thôi, nếu còn dư thì chia cho các vị Tỳ-kheo khác. Đó là pháp tôn trọng thứ tư, đáng kính, đáng quý.

[Nói về] điều này thì nhiều người keo lắm, không có cho ai cái gì hết. Coi như pháp hành này là mình không thể nào làm Thánh được hết, mình làm phàm phu là đúng rồi.

Lại nữa, phụng trì cấm giới không có điều rơi rớt, giới mà bậc hiền trí quý trọng; đó là pháp tôn trọng thứ năm, đáng kính, đáng quý. Điều thứ năm này là giữ giới, quý vị nói đi đâu, quay quay một hồi rồi cũng phải giữ giới, không giữ giới là không được. Cho nên phải giữ giới.

Lại nữa, Chánh kiến mà Hiền Thánh được xuất yếu, đến chỗ chấm dứt khổ tế, ý không tạp loạn, cùng tu hành với các đồng phạm hạnh pháp ấy; đó là pháp tôn trọng thứ sáu, đáng kính, đáng quý. Điều thứ sáu là phải có Chánh kiến, và giữ ý không tạp loạn.

Bấy giờ Tỳ-kheo bình đẳng nhàm tởm, bình đẳng giải thoát, bình đẳng phân biệt ý nghĩa ấy, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận sáu, nghĩa sáu, diễn sáu, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Như vậy đó là sáu điều rồi, bây giờ đến điều thứ bảy. Quý vị cố gắng nghe hết đi, thì sẽ thấy kết quả đạt được lớn lắm.

Luận bảy, nghĩa bảy, diễn bảy; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là bảy y chỉ xứ của Thần thức[1]. (Điều này mới, có bảy chỗ mà Thần thức nương tựa. Chúng ta thường nghe nói là Thần thức y chỉ vào đâu.Ở đây có nói, kiến thức này hơi cao siêu một chút). Bảy ấy (bảy chỗ ấy) là gì? Hoặc có chúng sinh có nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt; đó là trời[2] và người. Tức là bảy chỗ thì đầu tiên là trời và người bình thường chúng ta nè,thìcó nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt. Chúng ta có biết điều đó không? Chúng ta tưởng tượng ghê lắm. Và thân thể của chúng ta cũng không giống nhau, gọi là nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt. Đó là chỗ thứ nhất mà Thần thức trụ vào, là cõi Trời và cõi Người.

Hoặc có chúng sinh có nhiều thân nhưng một tưởng; đó là trời Phạm Ca Di khi mới thác sinh.[3] Trời Phạm Ca Di còn gọi là trời Phạm Thiên, ở đây chỉ có chú thích sơ sơ thôi, (Hán dịch 121) là một bộ phận của chư thiên, xuất hiện vào kiếp Sơ. Thật ra trời Phạm Ca Di (trời Phạm Thiên) thì chúng sanh có nhiều thân nhưng một tưởng. Có nghĩa là ở trên cõi Trời đó, họ không có nhiều tưởng, họ chỉ có một tưởng thôi, nhưng họ có thân không giống nhau, nên có nhiều thân.

Hoặc có chúng sinh một tưởng, một thân; đó là trời Quang Âm [779c01]. Trời [Phạm Ca Di là Sơ thiền, còn trời Quang Âm là thuộc Nhị thiền rồi. Nhị thiền thì hay hơn, họ không có tưởng nhiều, họ [tưởng] giống nhau thôi, còn mình có quá trời tưởng. Và thân của người trời Quang Âm cũng giống nhau luôn. Cho nên đức Phật A Mi Đà lấy [điều này] ở trời Quang Âm là có thân thể giống nhau.

Hoặc có chúng sinh một thân, nhiều tưởng sai biệt; đó là trời Biến Tịnh. Trời Biến Tịnh là Tam thiền nên lại khác nữa, họ có một thân thôi (tức là có thân giống nhau), nhưng tưởng của họ thì sai biệt.

Hoặc có chúng sinh Không Xứ vô lượng (Không Vô Biên Xứ); đó là trời Không Xứ (ở trên trời này họ cứ nghĩ tất cả đều là không, ở đâu cũng là không, cho nên là Không Xứ vô lượng). Hoặc có chúng sinh Thức Xứ vô lượng; đó là trời Thức Xứ (Thức Xứ vô lượng tức là ở trời này thì họ không muốn không nữa,mà họ quán về Thức. Điều này thì Thiện Trang có giảng rồi, bây giờ mà giảng lại thì rối lắm, cho nên quý vị coi lại bài cũ nha (bài Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ v.v… Còn nếu quý vị không biết những điều này, thì mai mốt Thiện Trang giảng về 40 đề mục tu Thiền chỉ sẽ có giảng lại, quý vị tới đó rồi nghe). Hoặc có chúng sinh Vô Sở Hữu Xứ vô lượng; đó là trời Vô Sở Hữu Xứ. Hoặc có chúng sinh Phi tưởng Phi phi tưởng xứ vô lượng; đó là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng.[4] Tức là mình tư duy về điều này. Thật ra mình cũng chẳng cần phải tư duy nhiều lắm, chúng ta biết cõi Người như thế nào, rồi cõi Trời Sơ thiền là gì, cõi Trời Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền là gì. Trong trời Tứ thiền thì có 4 trời: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, mình tư duy về các pháp này.

Đó là bảy y chỉ xứ của thần (thức). Ở đó, Tỳ-kheo bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận bảy, nghĩa bảy, diễn bảy, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Tức là ở đây mình biết là có 7 chỗ để Thần thức của chúng sanh trú vào. Đó là ở cõi Người và cõi Trời, tất nhiên là có Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh nữa. Rồi mình thấy có ở cõi trời Phạm Thiên nữa. Nhưng ở đây đức Phật khuyên chỉ suy nghĩ về bảy chỗ thôi. Thật ra là có chín chỗ, còn những cõi ở dưới thì mình bỏ đi, mình tư duy toàn những chỗ tốt thôi. Chỗ tốt như cõi Người, cõi Trời, trời Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, rồi Tứ thiền (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ). Chứ mình niệm mấy cảnh Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh làm gì, đúng không? Cho nên là có chín chỗ, nhưng mình bỏ, chỉ lấy bảy chỗ thôi. Đó là chúng ta hiểu được như vậy.

Luận tám, nghĩa tám, diễn tám; do đâu mà nói nghĩa này? (Bây giờ mình tư duy về tám pháp) Đó là tám pháp thế gian,[5] tùy theo đời mà xoay chuyển. Tám ấy là gì? Đắc (được), thất (mất), vinh (vinh là vinh quang, giống như quý vị được người ta tôn trọng, trao giải thưởng gì đó, vinh dự, nổi tiếng), nhục (nhưng cũng có lúc nhục, gọi là đời lên voi xuống chó. Quý vị biết được đó rồi mất đó, mất đó rồi được đó. Có lúc vui, vừa vinh quang đó rồi nhục đó. Thiện Trang nhớ ngôn ngữ hồi xưa gọi là ‘nhục như con cá nục’. Đó là người ta nói cho suông thôi, chứ con cá nục cũng không có nhục đâu), khen, chê, khổ, lạc (vui).[6]

Mình phải suy nghĩ về tám điều này, đây toàn là pháp tu căn bản, tu không có gì cao siêu hết. Ở đời, pháp thế gian có tám điều: Được, mất, vinh, nhục, khen, chê, khổ, vui, những điều này thì không ai thoát được. Lúc thì được, lúc thì mất, được đó rồi mất đó. Rồi lúc thì được vinh, lúc thì bị nhục, lúc thì được khen, lúc thì bị chê, lúc thì vui, lúc thì khổ.

Đó là tám pháp thế gian, tùy theo đời mà xoay chuyển (quý vị phải tư duy là tám pháp này theo đời mà xoay chuyển, đừng có mong là nó theo ý mình). Tỳ-kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận tám, nghĩa tám, diễn tám, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Luận chín, nghĩa chín, diễn chín; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là chín cư xứ của chúng sinh.[7] Những gì là chín? (Ở đây lại nói giống ở trên. Ở trên nói bảy [xứ], còn dưới này nói đến chín xứ) Hoặc có chúng sinh có nhiều tưởng sai biệt, nhiều thân sai biệt; đó là trời và người (giống lúc nãy rồi đúng không?). Hoặc có chúng sinh có nhiều thân nhưng một tưởng; đó là trời Phạm Ca Di khi mới thác sinh. Hoặc có chúng sinh một tưởng, một thân; đó là trời Quang Âm (cũng giống lúc nãy, không có gì [khác]). Hoặc có chúng sinh một thân, nhiều tưởng sai biệt; đó là trời Biến Tịnh. Hoặc có chúng sinh Không Xứ vô lượng; đó là trời Không Xứ. Hoặc có chúng sinh Thức Xứ vô lượng; đó là trời Thức Xứ. Hoặc có chúng sinh Vô Sở Hữu Xứ vô lượng; đó là trời Vô Sở Hữu Xứ. Hoặc có chúng sinh Phi tưởng Phi phi tưởng vô lượng; đó là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng (chúng ta thấy bảy điều này giống ở trên). Vô Tưởng chúng sinh và các loài thọ sanh khác, đó là chín y chỉ xứ của thần (thức). Tức là bây giờ thêm chúng sanh ở trời Vô Tưởng nữa, lúc nãy không có kể; và các loài thọ sanh khác, ghép vô là thành chín. Các loài thọ sanh khác là Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh. Đó là chín y chỉ xứ của Thần thức.

Tỳ-kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận chín, nghĩa chín, diễn chín, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Quý vị biết không? Điều này cũng quan trọng, tại vì nếu chúng ta không tư duy về đó, là chúng ta không tư duy về luân hồi. Cho nên mình tư duy về đó thì mình thấy sợ luân hồi. Mình phải nhớ các cảnh giới nào là Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc sanh [cho đến] trời Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền v.v… Mình thường niệm như vậy thì mình mới thấy sợ. Chứ còn mình không hiểu những điều đó, thì mình không thấy nhàm chán, không muốn xa lìa, mà mình ham lên cõi Trời. Nghe thấy trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ thọ 8 vạn đại kiếp, đã quá! Nhưng hôm bữa mình đã học bài kinh kia rồi, đó là tuổi thọ tối đa thôi, chứ không được như vậy đâu, lên đó [mà] không đủ [phước] thì sẽ rớt xuống sớm thôi.

Như trời Đao Lợi, nghe nói tuổi thọ 1000 tuổi mình thấy đã, nhưng đó là tuổi thọ tối đa thôi, có khi lên đó một thời gian rồi rớt mất. Cho nên không được! Các cảnh giới trời cũng không phải là cứu cánh. Và bất cứ cảnh giới nào cũng khổ hết. Vua trời Đao Lợi cũng bị A-tu-la đánh hoài, đừng ham lên đó, lên đó cũng còn có chiến tranh.

Luận mười, nghĩa mười, diễn mười; do đâu mà nói nghĩa này? Đó là mười niệm[8] (mười niệm này hình như cũng quen lắm). Những gì là mười? Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng Tỳ-kheo, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm chỉ tức, niệm an-ban, niệm thân, niệm sự chết. Tỳ-kheo trong đó bình đẳng giải thoát, cho đến, bình đẳng chấm dứt biên tế khổ. Đó là luận mười, nghĩa mười, diễn mười, điều mà Ta nói, chính xác là như vậy.

Như vậy, Tỳ-kheo, từ một cho đến mười.

Tóm lại 10 điều này cũng không có gì lạ, đúng không quý vị? Chúng ta cũng đang tu 10 điều này, nhưng chỉ cần bổ sung thêm chín Y chỉ xứ của chúng sanh, là gần như đủ rồi. Và quý vị biết không? Kết quả rất tuyệt vời, mời quý vị nghe:

[780a01] Tỳ-kheo, nên biết, nếu ngoại đạo dị học mà nghe những lời này, còn chưa dám nhìn kỹ vào sắc mặt, huống nữa là trả lời. Tỳ-kheo nào hiểu rõ được nghĩa này, ở ngay trong hiện pháp, là người tối tôn đệ nhất. Quý vị nghe cho kĩ, dòng này nên tô đỏ. Ở đây nói Tỳ-kheo nào hay mình nói là vị Cư sĩ nào, Đệ tử nào mà hiểu rõ được nghĩa này, ở ngay trong hiện pháp, là người tối tôn đệ nhất.

Vậy chúng ta có hiểu không quý vị? Nãy giờ nghe, ai cũng gật đầu hết, mà không biết gật đầu là hiểu, hay gật đầu là [do] buồn ngủ nữa. Bây giờ cũng khuya rồi, gật đầu buồn ngủ là có đó. Nhưng nếu người nào hiểu, thì đức Phật nói đó là người tối tôn đệ nhất. Có nghĩa là quý vị ngon lắm rồi. Ngon đây là ngon trên đường giải thoát, chứ không phải ngon hơn người ta. Tại sao đức Phật lại nói như vậy?

Lại nữa, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tư duy nghĩa này, cho đến 10 năm, nhất định thành tựu hai quả: hoặc A-la-hán, hoặc A-na-hàm. Không cần nhiều! Ở đây nói Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, thôi chúng ta nói luôn Cư sĩ, người nào mà tư duy được 10 điều trên, 10 điều này toàn là những kiến thức căn bản thôi, không có gì cao siêu hết. Nếu [tư duy] được 10 năm, thì nhất định thành tựu hai quả: hoặc A-la-hán, hoặc A-na-hàm. Đã không! Đây là thành tựu luôn quả thứ ba và quả thứ tư.

Quý vị thấy chúng ta đang tu, đang học đây. Học những điều này có sai không? Không sai đúng không? Mình học đúng Phật pháp mà, quý vị học được 10 năm là quý vị có thành tựu. Tư duy nghĩa này 10 năm, là nhất định thành tựu, đức Phật nói là nhất định, chữ nhất định này quan trọng, thành tựu được 2 quả A-la-hán và A-na-hàm. Thôi chúng ta bỏ A-la-hán cũng được, lấy quả A-na-hàm trước đi, là ngon rồi, thời gian 10 năm.

[Có người nói]: 10 năm lâu quá thầy ơi! 10 năm lâu quá thì đức Phật nói luôn, không cần 10 năm đâu.

Tỳ-kheo, hãy bỏ qua 10 năm; nếu trong 1 năm mà tư duy nghĩa này, ắt thành tựu hai quả, trọn không nửa chừng thoái thất. Thấy chưa! Không cần 10 năm đâu, cho quý vị tu 1 năm thôi, 1 năm là thành A-la-hán hoặc A-na-hàm. Vậy có pháp nhanh hơn không? Có pháp nhanh hơn, hồi xưa nghe nói niệm Phật 3 năm đến 5 năm là thành tựu. Hôm nay giới thiệu cho quý vị, có pháp không cần 3 đến 5 năm thành tựu, đây là trong kinh đàng hoàng. Còn lời của người truyền thừa thì chưa chắc tin, bữa nào chúng ta học Kinh Kalama thì chúng ta sẽ biết. Nhưng lời trong kinh Phật thì phải tin đúng không? Bây giờ không cần 10 năm, 1 năm thôi, 1 năm tư duy 10 điều này.

10 điều này thật ra toàn là giữ giới, tu định, tu huệ, Ngũ căn. Quý vị coi vậy cũng dễ, và thành tựu được hai quả luôn là A-na hàm và A-la-hán. Thôi chúng ta lấy đỡ quả A-na-hàm, 1 năm thôi, tu được không? Được nha! ‘’Tỳ-kheo, hãy bỏ qua 10 năm; nếu trong 1 năm mà tư duy nghĩa này, ắt thành tựu hai quả, trọn không nửa chừng thoái thất’. Cho nên là 1 năm thôi, không cần nhiều. Có người trả giá 1 năm lâu quá, thì đức Phật cho luôn [thời gian] ngắn hơn nữa.

Tỳ-kheo, hãy bỏ qua 1 năm. Trong chúng bốn bộ (may quá! Đức Phật mở ra là trong chúng bốn bộ; bốn bộ là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni (tức là hai chúng nam, nữ xuất gia), và hai chúng tại gia. Chứ không lại kêu [chỉ có] Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không [thôi]), trong 10 tháng (bây giờ 12 tháng giảm xuống còn 10 tháng), cho đến 1 tháng (may quá, có 1 tháng nữa), ai tư duy nghĩa này, ắt thành tựu hai quả, cũng không nửa chừng thoái thất. Có nghĩa là bây giờ tu bao lâu? Nhanh thì 1 tháng thôi, là đắc quả A-na-hàm hoặc A-la-hán. Quý vị thấy nhanh không? 1 tháng chưa được thì tu tiếp.

Và, hãy bỏ qua 1 tháng (một tháng vẫn còn dài, thì thôi [có pháp tu nhanh hơn nữa]. Ai trong chúng bốn bộ 7 ngày tư duy nghĩa này ắt thành tựu hai quả, quyết không nghi ngờ. Vậy là tu có 7 ngày thôi nha. Đức Phật nói con số này là con số thật, chứ không phải 7 là con số viên mãn đâu. Tại vì đức Phật nói toàn con số cụ thể mà, 10 năm, 1 năm, 10 tháng, 1 tháng hoặc 7 ngày. Cho quý vị nói Lý đi, nói theo kiểu diễn giải ngôn từ, nói 7 là con số viên mãn, 10 là con số viên mãn, thì cho quý vị luôn. Nhưng chẳng lẽ đức Phật nói đâu mà nhiều vậy, đúng không? Nói một con số viên mãn thôi chứ, nói chi mà nhiều vậy.

Cho nên lý luận đó là của Đại thừa, đôi khi mình học riết rồi mình nghi, không biết lúc nào đức Phật nói thật, lúc nào đức Phật nói kiểu Lý. Nên Thiện Trang thấy học Kinh A Hàm, Kinh Nikaya, hoặc là bộ Vi Diệu Pháp (bộ A Tỳ Đàm), hay là bộ Luận Câu Xá, [đức Phật] nói thật, chứ không nói con số giải thích theo kiểu ngôn ngữ, 7 là con số viên mãn (3x 4) hay (4+3) v.v…. kiểu gì đó. Trong [Kinh] A Hàm không có ngôn ngữ đó, nên quý vị cố gắng [hiểu] như vậy.

Như vậy ở đây chỉ cần tu bao lâu? Tu 7 ngày thôi nha. Bữa nào [quý vị] thử tu [pháp] này 7 ngày coi, biết đâu thành tựu thiệt đó, nếu mình tu được. Quyết không nghi ngờ mà.

Khi ấy ngài A Nan ở sau Thế Tôn cầm quạt quạt Phật. Bấy giờ ngài A Nan bạch Phật:

“Thế Tôn, pháp này cực kỳ sâu thẳm. Ở địa phương nào có pháp này, nên biết ở đó gặp được Như Lai (quý vị thấy đã không! Bữa nay quý vị nghe được pháp này, quá là cực kỳ thâm sâu. Mình dịch là cực kỳ thâm sâu, chứ dịch là sâu thẳm thì cũng không hay lắm). Ở địa phương nào có pháp này thì ở nơi đó gặp được Như Lai (đã rồi, mình gặp được Như Lai rồi đó).

Kính bạch Thế Tôn, pháp này tên gọi là gì? Nên phụng hành như thế nào?”

Phật bảo ngài A Nan:

“Kinh này có tên là Nghĩa Của Pháp Mười. Hãy ghi nhớ phụng hành.”

Bấy giờ ngài A Nan và các Tỳ-kheo nghe những điều Phật dạy hoan hỷ phụng hành.

(Trích Từ Kinh Số 8 – Phẩm 46 – Kinh Tăng Nhất A Hàm).

Như vậy từ bữa nay trở đi, quý vị có pháp tu ngắn luôn, không phải 10 năm, điều đó là dở quá, tu 1 năm thôi. Không 1 năm thì 10 tháng, không 1 tháng thì 10 tháng, thôi rút gọn trong vòng bao nhiêu tháng đó cho đến 1 tháng. 1 tháng không được nữa, thì cho 7 ngày thôi. Cho quý vị 7 ngày tu tập thành tựu, mà [được] quả vị lớn luôn, Tam quả A-na-hàm và Tứ quả A-la-hán.

Bữa sau [quý vị] đừng có quảng cáo, nói ngược, kêu là thầy Thiện Trang nói có pháp tu 7 ngày thành tựu. Không! Phải nói [tu] từ từ, có thể tu 10 năm thành tựu, có thể tu 1 năm thành tựu, có thể tu 10 tháng thành tựu, có thể tu 1 tháng thành tựu, và có thể tu 7 ngày thành tựu. Đây là [ở trong] Kinh Tăng Nhất A Hàm, chứ không phải thầy Thiện Trang nói. Mà quý vị hãy nói là đức Phật nói.

Pháp này chúng ta coi lại thì không quá khó, bữa sau Thiện Trang sẽ tóm tắt lại pháp này cho quý vị. Bữa nay nghe giới thiệu qua, sợ quý vị nghe đau đầu quá. Thật ra những pháp này không quá khó, toàn là những pháp căn bản. Cho nên bữa nay chúng ta học được rồi, mừng không? Vui không?

          Cho nên Phật pháp đâu có khó đâu, [chỉ là] mình không tu thôi. Chỉ có một chỗ khó là 9 nơi của Thần thức, là mới thôi, còn lại quen hết. Mà 9 nơi của Thần thức đó không ai giới thiệu, bữa nay mình được giới thiệu rồi. Chúc mừng quý vị nha! Đó là quà đầu năm. Còn bây giờ Thiện Trang xin giảng tiếp phần:

Vua Trời Đế Thích Còn Cung Kính Tăng – Huống Chi Người Thường

(Đây là Thiện Trang tự đặt tựa đề).

          Tôi nghe như vầy: Một thời đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ, đức Phật nói với các Tỳ-kheo: “Vào thời quá khứ, Thích Đề Hoàn Nhân muốn đi thăm công viên, sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe nghìn ngựa để đi thăm vườn. Người đánh xe vâng lệnh liền sửa soạn cỗ xe nghìn ngựa, rồi đến tâu với Đế Thích:

“Thưa Câu Thi Ca, đã sửa soạn xe cộ xong, xin Vua biết thời”.

          Nói về vua trời Đế Thích, [ngài] còn có tên là Kiều Thi Ca, ông ấy có nhiều tên lắm. Ở đây dịch âm là Câu Thi Ca, chỉ có dịch âm khác thôi. Quý vị coi phẩm Tương Ưng Chư Thiên, trong Kinh Tạp A Hàm, có giải thích tại sao ổng có tên là Thích Đề Hoàn Nhân, Kiều Thi Ca v.v…. nhiều tên quá, nên Thiện Trang xin phép không trích dẫn ở đây. Ví dụ như đời quá khứ, ông làm hạnh gì đó, nên được tên đó. Rồi ông có tên là Xá Chỉ, vì vợ của ổng là con gái của A-tu-la tên là Xá Chỉ, cho nên ổng có tên là Xá Chỉ, v.v…. có những tên như vậy. Có nguyên một bài kinh để giải thích về tên của vua trời Đế Thích.

          Ở đây nói mỗi lần vua trời Đế Thích muốn đi thăm công viên, trên cõi trời Đao Lợi cũng có công viên, thì sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe nghìn ngựa để đi thăm vườn. Nghe như vậy là chúng ta biết ở trên cõi trời Đao Lợi cũng có ngựa nữa. Có ngựa có nghĩa là có Súc sanh. Người kia sửa soạn xong rồi mới đưa [xe ngựa] đến, bảo vua là: “Thưa ngài Kiều Thi Ca (Câu Thi Ca), đã sửa soạn xe xong rồi, xin ngài biết thời”. Tức là mời ngài đi.

Đế Thích liền bước xuống điện Thường Thắng (tên một điện trên trời Đao Lợi), hướng về phía Đông chắp tay lễ. Bấy giờ, người đánh xe thấy vậy liền sinh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất. Khi ấy Đế Thích thấy người đánh xe sinh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất, liền nói kệ:

Thật ra đoạn kinh này có ba bài kinh: Kính Phật, Kính Pháp, Kính Tăng. Phải đọc hai bài trước thì mới hiểu bài sau, mà Thiện Trang hơi vội nên lấy bài sau. Bài trước thì dài hơn. Bài trước nói là lúc đó vua trời Đế Thích lên xe ngựa đi. Rồi đang đi thì ngài thấy đức Phật, nên ngài mới xuống đảnh lễ. Lúc đó vị kia cầm roi ngựa, cũng hỏi tại sao ngài kính lễ đức Phật như vậy? Ngài mới nói bài kệ. Rồi tương tự, bài thứ hai là đi kính lễ Pháp, rồi bây giờ mới kính lễ Tăng. Kính lễ Tăng như thế nào, bây giờ chúng ta nghe bài kệ thì chúng ta cũng sẽ hiểu được, dù không có đoạn ở giữa.

Các phương chỉ có người,

Do thai sinh, xú uế;

Thần ở trong thây thối,

Đói khát thường thiêu đốt.

Tại sao Kiều Thi Ca,

Tôn trọng người không nhà?

Vì tôi nói nghĩa này,

Khao khát xin muốn nghe.

          Có nghĩa là lúc đó vua trời Đế Thích thấy người xuất gia, nên vua trời Đế Thích xuống đảnh lễ người xuất gia, hướng về phía Đông chắp tay lễ. Không phải đảnh lễ, mà là chắp tay lễ thôi. Lúc đó vị đánh xe, bây giờ gọi là người lái xe, kinh hãi, lông tóc dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất luôn. Ông hoảng sợ quá, tại sao vậy? Ông nói trong bài kệ:

“Các phương chỉ có người,

Do thai sinh, xú uế;

Thần ở trong thây thối,

Đói khát thường thiêu đốt.

Tại sao Kiều Thi Ca,

Tôn trọng người không nhà?

Vì tôi nói nghĩa này,

Khao khát xin muốn nghe”.

          Ý ông nói tại sao người ở trong thế gian toàn là người dơ bẩn, sinh ra bằng thai, đâu có như cõi Trời hóa sanh đâu. Dơ bẩn như vậy, rồi Thần thức của họ ở trong thân thối lắm, đói khát thường thiêu đốt. Họ đâu sướng bằng cõi trời Đao Lợi đâu, mà tại sao vua Kiều Thi Ca (tức là vua trời Đế Thích) lại tôn trọng người không nhà nữa. Người đi xuất gia đâu có nhà đâu, lang thang như Sư Minh Tuệ đó. Xin nói cho tôi biết tại sao nghĩa này, tôi rất muốn nghe.

Thiên Đế Thích nói kệ đáp (bây giờ vua trời Đế Thích nói kệ):

Ta chân thành kính lễ,

Người xuất gia, không nhà;

Tự tại dạo khắp nơi,

Không kể nơi đi, ở;

Chốn thành ấp, quốc độ,

Không thể lụy tâm kia.

Không chứa chất tư hữu,

Một đi, không cố định.

Bước đi không mong cầu,

Chỉ Vô vi là vui;

Khi nói, chỉ nói thiện,

Khi không nói, tịch định.

Chư Thiên, A-tu-la,

Luôn luôn kình chống nhau.

Nhân gian tranh giành nhau,

Nghịch nhau cũng như vậy.

Chỉ có người xuất gia,

Không tranh giữa người tranh.

Với tất cả chúng sanh,

Buông bỏ mọi đao gậy.

Vất bỏ mọi tài sắc,

Không say, không mê đắm;

Xa lìa tất cả ác.

Ta kính lễ vị ấy.

          Ở đây vua trời Đế Thích nói tại sao ngài kính lễ, thứ nhất là “Ta chân thành kính lễ; Người xuất gia, không nhà”. Ở đây bài này dành cho những người đang theo Sư Minh Tuệ thì đúng hơn. Đúng là ngài không có nhà thật, tự tại dạo khắp nơi, không kể nơi đi, ở. Đúng y chang rồi! “Chốn thành ấp, quốc độ; Không thể lụy tâm kia”. Các ngài đi suốt, không có nơi đến, nên vua trời Đế Thích kính lễ là đúng rồi. “Không chất chứa tư hữu”, [các ngài] không chất chứa gì hết, còn mình thì chất chứa đủ thứ hết. Rõ ràng xuất gia thời xưa là như vậy đó. “Một đi không cố định”, là đi không cố định, vô phương luôn. “Bước đi không mong cầu; Chỉ Vô vi là vui; Khi nói chỉ nói thiện”, là nói toàn điều tốt. Thật ra người xuất gia thì không nói ác ngữ như người thế gian. “Khi không nói, tịch định”, khi không nói thì tất nhiên là có định. “Chư thiên, A-tu-la; Luôn luôn kình giống nhau”: còn cõi Trời như vua trời Đế Thích với A-tu-la còn kình chống nhau nữa. “Nhân gian tranh giành nhau; Nghịch nhau cũng như vậy”: ở cõi nhân gian này còn tranh giành nhau lắm. Ở trong Kinh Vô Lượng Thọ nói “Thế nhân cộng tranh, bất cấp chi vụ”. Tức là người đời cùng nhau đua tranh, những điều không cấp bách.

“Chỉ có người xuất gia; Không tranh giữa người tranh”: Người xuất gia thì ngược, ở đời người ta tranh ghê gớm lắm, nhưng người xuất gia thì không tranh. Đây là xuất gia đúng nghĩa, chứ xuất gia kiểu đời nay thì cũng tranh lắm, thôi khỏi nói. “Với tất cả chúng sanh; Buông bỏ mọi đao gậy. Vứt bỏ mọi tài sắc; Không say, không mê đắm; Xa lìa tất cả ác. Ta kính lễ vị ấy”: Đúng rồi, xuất gia được như vậy thì vua trời Đế Thích cũng kính lễ.

Lúc ấy, người đánh xe lại nói kệ:

Người được Thiên vương kính,

Chắc là bậc hơn đời;

Nên từ hôm nay, con,

Sẽ lễ người xuất gia.

Vị đánh xe (chư thiên) này thấy được Thiên vương (là vua trời Đế Thích) cũng cung kính [người xuất gia]. Vậy thì vị đánh xe cũng cung kính theo thôi. Nên từ nay trở đi, con cũng sẽ lễ người xuất gia.

Nói như vậy rồi, Thiên Đế́ Thích kính lễ tất cả Tăng ở các phương, xong rồi leo lên xe ngựa dạo xem vườn rừng. Vua trời Đế Thích cũng vậy, phải kính lễ tất cả Tăng ở các phương rồi mới đi.       

Đức Phật nói với các Tỳ-kheo: “Thiên Đế Thích kia là Vua tự tại của trời Tam Thập Tam mà thường cung kính chúng Tăng, cũng thường khen ngợi công đức cung kính Tăng. Tỳ-kheo các ngươi chánh tín, xuất gia học đạo, sống không nhà, cũng nên cung kính chúng Tăng và cũng nên khen ngợi công đức cung kính chúng Tăng như vậy”.

Quý vị thấy như vua trời Đế Thích còn cung kính Tăng, huống chi là người bình thường. Ở đây đức Phật dạy Tỳ-kheo cũng phải cung kính [chúng Tăng]. Còn người Cư sĩ thời nay, nhiều khi Thiện Trang thấy hơi buồn, đặc biệt là Cư sĩ tu theo Tịnh Độ tông. Mặc dù học pháp cao, nhưng hạnh này thì không làm được, đó là hơi buồn cho quý vị. Thật ra mình thiếu đức, khuyết đức, thì tội cho mình thôi.

Đức Phật nói Kinh này xong. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

(Kinh 1018. Kính Tăng[1] – Kinh Tạp A Hàm).

Quý vị có thể coi kinh trước đó là 1017, 1016, có Kính Phật và Kính Pháp, để bữa nào Thiện Trang sẽ đưa lên, cũng tương tự vậy. Nói kính Phật, kính pháp, thì chúng ta biết rồi, [còn] kính Tăng mới khó.

Như vậy Thiện Trang đã chia sẻ những nội dung căn bản của phần kinh tạng cho quý vị. Hôm nay còn thời gian, [Thiện Trang] sẽ tiếp tục chia sẻ lại 40 đề mục tu Thiền chỉ Samatha theo Luận Thanh Tịnh Đạo của ngài Buddhaghosa (Phật Âm).

Hình như Thiện Trang đã chia sẻ khá nhiều rồi, ví dụ như 10 đề mục Biến xứ là: Đất, Nước, Lửa, Gió, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng, thì Thiện Trang đã chia sẻ Đất, Nước, Lửa, Gió, màu xanh rồi; còn màu vàng, đỏ, trắng thì hình như chưa. Bữa nay Thiện Trang sẽ chia sẻ Hư không [Giới hạn], nếu còn thời gian thì chia sẻ [đề mục] Ánh sáng, hoặc là một số đề mục khác, chia sẻ bao giờ hết [những đề mục này] thì thôi. Thiện Trang có hứa rồi, bữa sau Thiện Trang sẽ làm một bảng, [đề mục] nào chia sẻ rồi, thì Thiện Trang đánh dấu x vô đó, cho quý vị biết là đã chia sẻ.

Ở đây [đề mục] Tùy niệm là: Tùy niệm Phật, [Tùy] niệm Pháp, [Tùy] niệm Tăng, thì chúng ta đã [học đề mục] Tùy niệm Phật và Tùy niệm pháp rồi. Còn Tùy niệm giới, Tùy niệm Thí, Tùy niệm Thiên, Tùy niệm tử; Tùy niệm Tịch tịnh, và Niệm hơi thở, thì hình như Thiện Trang [cũng] đã chia sẻ rồi, còn mấy [đề mục] Từ, Bi, Hỷ, Xả này nữa, thì sẽ dần dần chia sẻ hết.

Hôm nay chia sẻ với quý vị đề mục Biến xứ về Ánh sáng (là quang). Nhiều người thích đề mục Ánh sáng hơn là [đề mục] Hư không. Sẵn đang nói về Tùy niệm Tăng, thì [Thiện Trang] chia sẻ luôn. Đề mục Tùy niệm về Ánh sáng hay là Tùy niệm Quang cũng rất đơn giản, đề mục này là mình nắm, chấp giữ tướng ánh sáng. Như ánh sáng từ ngọn đèn hay ánh sáng từ mặt trời, ánh sáng từ mặt trăng, v.v… Bây giờ công cụ khoa học phát triển cho nên dễ, không khó như hồi xưa. Hồi xưa mình phải dùng những cái đó, còn bây giờ có thể thắp đèn lên làm ánh sáng, [dùng] đèn điện hoặc là tivi, v.v… rất nhiều thiết bị để có thể phát ánh sáng.

Ở trong Luận Thanh Tịnh Đạo nói rằng: một người từng thực hành pháp này trong đời trước, thì sẽ dễ nhìn thấy vòng ánh sáng trên mặt đất hay trên mặt trời chiếu rọi qua mái nhà hay qua kẽ lá của tán cây, thì dễ dàng đắc được đề mục này. Còn những người bình thường như chúng ta, mới tu tập thì nên làm như thế nào? Quý vị nên làm một vòng tròn ánh sáng, hoặc thắp lên một ngọn đèn, đặt trong một cái lu có miệng tròn hơn một gang tay. Hồi xưa là thắp đèn, còn bây giờ mình lấy bóng đèn để vô, làm hình nào tròn tròn, còn nếu hình không tròn thì mình quán không được. Bí quyết để quán là hình phải tròn, vì [hình] tròn tạo sự viên mãn, tạo sự cân, chứ nếu hình tam giác, hình lấp lánh tùm lum là không quán được, [nên] không đắc định.

Ánh sáng từ vòng tròn đó thành biến xứ cho hành giả, tức là thành ra khắp hết, vì nó to hơn một gang tay, mình đặt trước mặt để mình nhìn. Bây giờ mình có thể dùng Tivi, dùng cái gì đó che tivi lại, che sao cho bo tròn lại. Hoặc là mình không cần dùng tivi, mà mình lên mạng kiếm vùng ánh sáng tròn, làm sao đó [được] một vùng tròn, còn vùng khác tối hết cũng được. Hoặc mình có thể làm một chỗ ở trong phòng tối, ngày xưa họ khoét lỗ, bây giờ mình để cái bóng tròn, [làm sao] để ánh sáng lọt vào, hoặc phát ra. Rồi mình chỉ cần chú tâm vào chỗ sáng đó và niệm ‘sáng, sáng, sáng’, cho đến khi nhập tâm với sự ấn chứng, [như vậy sẽ] đắc được định.

 Điều này thì quý vị không tưởng tưởng được, nhưng Thiện Trang vừa rồi có dịp đi vô chỗ trung tâm bán tivi, bán đồ điện tử để mua máy quay. Thiện Trang coi thì thấy mấy cái Tivi Oled màn hình to, chiếu nào là lửa, nước, màu xanh của biển… Thiện Trang thấy nhìn vào đó rất dễ nhập định được. Bây giờ có tivi lớn như vậy, hình ảnh sắc nét hơn thì mắt mình nhìn được. Họ quay được lửa đỏ đỏ, hoặc nước xanh như vậy, Thiện Trang nghĩ nếu có hỗ trợ của tivi đó, thì khả năng nhập định rất cao. Vì nhìn vào đó cuốn hút lắm, nhưng mắt của mình không mỏi. Bây giờ quý vị thấy có công nghệ Oled rồi, nên không nhức mắt như hồi xưa, chứ công nghệ tivi hồi xưa [thì] nhức mắt chịu không nổi.

Cho nên ai có điều kiện, có tivi xịn sẵn ở nhà, thì lên mạng gõ vô mấy từ về nước, về lửa, về màu xanh, v.v… thì quý vị có thể dùng [tivi] đó để ngồi, và tu mấy đề mục Biến xứ này được. Quý vị thử đi, quý vị ngồi một chút thôi, quan sát và niệm một chút là dễ nhập định lắm. Thiện Trang cảm thấy lửa trong đó giống như lửa thật, nước cũng vậy, giống như nước thật, rồi màu xanh v.v… rất tốt. Mình có cảm giác là không phân biệt được đó là giả đâu, thậm chí còn đẹp hơn thật rất nhiều. Cho nên từ đó mình hiểu được: thì ra công nghệ bây giờ rất tốt, giúp cho mình có thể tu tập các đề mục Thiền chỉ được.

Quý vị thử đi, Thiện Trang tin là trong đồng tu chúng ta có nhiều người có điều kiện, một cái Tivi Oled to to chút, chắc không mắc lắm, hoặc một cái Tivi 4k nào đó cũng có thể coi được. Thử coi, biết đâu quý vị tu đắc được định. Các đề mục về Đất, Nước, Lửa, Gió, Xanh, Vàng, Đỏ, Trắng hoặc Hư không Biến xứ, hay là bây giờ chúng ta đang [học] về Ánh sáng.

Như vậy [đề mục] Ánh sáng tu đơn giản vậy thôi. Chỉ cần có một vòng tròn, nếu không có vòng tròn, thì dùng nguyên màn ảnh có ánh sáng cũng được, chiếu lên một ánh sáng dễ chịu nào đó, mình nhìn nhìn vào ánh sáng một hồi dần dần là vào định. Tại vì nhiếp được tâm mình. Thứ nhất là đó là Tùy niệm đề mục Biến xứ về Ánh sáng. Như vậy Thiện Trang [đã] nói sơ sơ [rồi]. Đề mục này cũng dễ.

Đề mục tiếp theo là Tùy niệm Tăng. Tùy niệm Tăng hơi dài, bây giờ giảng chắc không đủ thời gian, sợ ép quá không được, thôi chắc để bữa khác. Hôm nay là Tết rồi, cho quý vị nghỉ sớm, giảng nữa thì không đủ thời gian.

Hôm nay cũng là ngày đầu năm, kính chào quý vị, chúc quý vị đồng tu an lạc, một năm mới chúng ta lại tiến bước trên con đường giải thoát, có nhiều thành tựu hơn. Chúc quý vị luôn luôn vững tâm trên đường đạo, dù con đường này rất chông gai, nhưng có đi thì chắc chắn sẽ có đến, ai rồi cũng sẽ đến bến bờ giải thoát, ai rồi cũng sẽ ra khỏi sanh tử luân hồi. Hẹn quý vị vào bữa khác, hôm nay chúng ta dừng ở đây. Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng.

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”.

“Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử cùng chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo”.

Nam mô A Mi Đà Phật!