Responsive Menu
Add more content here...

Tập 3 – Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu

 

SA DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
 TẬP: 3

Nguyên bản: Ngẫu Ích Sa môn Trí Húc, y theo Luật Tạng biên tập.

Người giảng: Pháp Sư Định Hoằng.

Giảng tại: Chùa Viên Minh, Hương Cảng.

Thời gian: Ngày 17 tháng 8 năm 2012.

Dịch giả: Thích Thiện Trang.

 

          Trân trọng kính chào quý vị Pháp sư, quý vị Đại đức đồng tu, chúc mọi người tốt lành! Chúng ta tiếp tục học tập Sa Di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu của Đại sư Ngẫu Ích. Mời mọi người mở bản Kinh, phần lời nói đầu. Chúng ta xem từ đoạn thứ hai, trước hết chúng ta đọc qua đoạn văn Kinh:

          “Hai từ Sa di, là xưa đã lược bớt. Nhưng nay có thể tóm lại có 3 cách dịch nghĩa. Thứ nhất dịch là Tức từ: Tạng giáo Sa di thì dứt đi kiến tư ác, tu sanh duyên từ; Thông giáo Sa di thì dứt kiến tư ác, tu pháp duyên từ; Biệt giáo Sa di thì dứt tam hoặc, tu tam từ; Viên giáo Sa di thì nhất tâm viên mãn, dứt tam hoặc, viên tu tam từ. Thứ hai dịch là Cần sách:Tạng giáo và Thông giáo Sa di thì tinh cần sách lệ, xuất phân đoạn sanh tử; Biệt giáo và Viên giáo Sa di thì tinh cần sách lệ, xuất biến dịch sanh tử. Thứ ba dịch là Cầu tịch: Tạng giáo và Thông giáo Sa di thì cầu Thiên chân Niết bàn; Biệt giáo và viên giáo Sa di thì cầu đại Niết bàn.”

          Chúng ta giảng đoạn này. Đoạn mà có chứa nhiều thường thức Kinh giáo Phật pháp, nên chúng ta học Sa Di Luật Nghi cũng đem Kinh giáo học chung luôn. Đại sư Ngẫu Ích chuyên tông Thiên Thai, giáo lý của tông Thiên Thai kết cấu rất hoàn chỉnh. Đại sư Ngẫu Ích theo lý đó mà giải thích hai chữ “Sa di”, Ngài dùng phương pháp phân tích tứ giáo của Thiên Thai. Ở đây, tôi thuận theo, giới thiệu cho mọi người. Bởi vì tứ giáo là quy nạp từ tất cả Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết, chia phân thành tứ giáo là: Tạng, Thông, Biệt, Viên. Tạng giáo trên thực tế là Tiểu thừa; Thông giáo là thông giữa Tiểu thừa và Đại thừa, trong đó có Tiểu thừa và cũng có Đại thừa; Biệt giáo thì không có Tiểu thừa, chỉ thuần túy là Đại thừa; Viên giáo là viên mãn của Đại thừa. Giữa Đại thừa và Tiểu thừa phân biệt chủ yếu ở sự phát tâm, tâm lượng không giống nhau. Người tu hành Tiểu thừa phát tâm tự độ, để chính mình giác ngộ, tự mình liễu thoát sanh tử; Người Đại thừa không chỉ tự độ mà còn phải độ tha, cần phải độ tất cả chúng sanh cùng thành Phật đạo. Trong Sa Di Luật Nghi này, cần phải phát khởi tâm lượng của Đại thừa, không được coi đó là pháp Tiểu thừa, như vậy thì thu được lợi ích quá nhỏ.

          Đó là giảng hai chữ “Sa di”, “Cổ ngoa lược dã”, Ngoa tức là truyền sai. Trên thực tế hai chữ này là nguyên âm, như phần trước Đường Tam Tạng dịch là “Thất lợi ma na lộ ca”, hoặc Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch còn lược hơn “Thất la mạt ni”, nhưng đều không sai. Phiên dịch thành Sa di thì đã thay đổi rất nhiều so với dịch theo âm lúc đầu, đây đều do là truyền sai. Lược là giản lược bớt đi, bởi người Trung Hoa đặc biệt thích đơn giản, nên dùng chữ rất đơn giản cho dễ đọc mà vẫn giữ nguyên âm. Như chữ Phật, đầy đủ phải gọi là gọi Phật Đà Da, theo Anh văn gọi là Buddahaya, hoặc là Buddha, theo chúng ta nói là Phật, đó dịch âm sai khác rất lớn, nhưng chữ Phật xác thật là từ âm dịch qua, đây cũng tỉnh lược đi rất nhiều. Chúng ta quan trọng nhất là hiểu ý nghĩa của phiên dịch. Trong đây nêu lên ba cách dịch ý, Luật sư Đạo Tuyên dịch là “Tức từ”, Đại sư Huyền Trang dịch là “Cần sách nam”, còn Pháp sư Nghĩa Tịch dịch là “Cầu tịch”, ba ý nghĩa này dùng giáo pháp của Thiên Thai để giải thích đều rất là viên mãn.

          Trước tiên dùng Tạng giáo để giải thích Sa di, Tức từ ý nghĩa là “Tức kiến tư ác, tu sanh duyên từ”. Kiến tư ác là kiến tư phiền não, phàm phu trong Lục đạo đều có kiến tư phiền não, tức bao gồm kiến phiền não và tư phiền não. Kiến phiền não là sự sai lầm trên cái thấy, cái biết, tư phiền não là sai lầm của suy nghĩ, tư duy, tức là chúng ta thấy sai, nghĩ sai. Do đó mới có Lục đạo luân hồi. Buông bỏ được kiến tư phiền não thì Lục đạo cũng không còn nữa. Hay nói cách khác, Lục đạo luân hồi hoàn toàn là cảnh ảo do kiến tư phiền não, những vọng niệm biến hiện ra. Hôm qua, chúng tôi đã giảng như xem phim vậy, tấm phim gốc giống như kiến tư phiền não, phóng chiếu ra phim trên màn hình đó là Lục đạo luân hồi. Cuộn phim gốc như niệm niệm liên tục nhau, nó chuyển động liên tục làm hiện ra phim của Lục đạo luân hồi. Nên khi nào buông bỏ kiến tư phiền não này, thì phim của Lục đạo luân hồi liền chấm dứt.

          Kiến hoặc gồm có 5 loại lớn là: thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới thủ kiến, tà kiến. Đây đều là tri thức Phật học. Bởi trong chúng ta đây có khá nhiều phần tử tri thức, nên giới thiệu chút tri thức Phật học cho mọi người nghe có chút hứng thú. Song chúng tôi cũng không thể giảng quá nhiều được, bởi thời gian khóa học có hạn, bình thường trong khi chúng tôi giảng Kinh, đều giảng rất rõ ràng. Như kiến tư phiền não, chúng tôi giảng thứ nhất là thân kiến, mọi người đều đem thân thể này cho là chính mình, đó là cái tri kiến sai lầm, không phù hợp với chân tướng sự thật. Vì sao vậy? Bởi thân thể này không phải là ta, chỉ có thể nói thân thể là của ta, nó không phải là ta mà là sở hữu của ta. Như vậy, mọi người liền hiểu rõ. Thí dụ như quần áo, quần áo là của ta, không thể nói quần áo là chính ta, quần áo mặc cũ rách rồi, phải đổi quần áo mới. Lục đạo luân hồi cũng như vậy, khi xả bỏ thân thể này lại đổi một thân thể mới, cứ xả thân thọ thân, nên thân thể không phải là chính ta. Nếu quý vị đem thân thể này làm chính mình, liền khổ rồi, thì quý vị làm nô lệ cho thân thể. Đa phần thời đại sau năm 1990, quá nửa gia đình chỉ sinh một con trai hoặc một con gái nên khó tránh khỏi sự nuông chiều. Nuông chiều quá mức dẫn đến hậu quả, con cái quá quý trọng thân thể của mình, không làm chút việc gì, không chịu một chút khổ. Tình thương yêu như vậy có được không? Không được, đó không phải là yêu thương.

          Hai ngày nay, có phải mọi người chịu khổ sở lắm không? Rất khổ, đây là sự rèn luyện đối với chính mình. Có thể từ nhỏ đến lớn, quý vị chưa từng ngủ dưới đất, bây giờ phải ngủ dưới đất, trước chưa có trải qua khổ, giờ cần phải chịu khổ một chút. Tại sao? Giúp chúng ta phá trừ sự chấp trước đối với thân thể này, trừ kiến tư ác. Đó là một loại ác niệm, vì sao? Bởi nó dẫn quý vị vào sáu nẻo luân hồi, khiến quý vị chịu thống khổ trong vô lượng kiếp. Do đó, vì sao người xuất gia phải “Lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”. Tối hôm qua, mọi người xem cuộc đời của Lão Hòa thượng Hư Vân, Ngài là lấy khổ làm thầy, chuyên môn tu khổ hạnh, Ngài ba bước một lạy đến Ngũ Đài Sơn, lạy được hơn hai năm, giữa đường chịu khổ rất nhiều. Trên đỉnh núi hoang vắng, gặp gió lớn tuyết rơi, trong khi lễ bái giữa đường bị bệnh. Kết quả là Văn Thù Bồ Tát đến cứu Ngài, chữa bệnh cho Ngài. Bồ Tát Văn Thù thị hiện làm một người ăn xin để giúp đỡ Ngài. Nên nếu quý vị chân tu hành, thì có Bồ tát hộ niệm quý vị. Ác kiến thì tôi giảng phần thứ nhất là thân kiến, các phần còn lại thì tỉnh lược đi.

          Ác tư gồm tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, 6 loại lớn. Ác kiến trên thực tế là phần trước của kiến hoặc. Tham sân si mạn nghi là những thứ mà chúng ta đều khá quen thuộc, bởi vì thường thường hay khởi những niệm đó. Tham, tâm tham, tham ái, suy nghĩ muốn ăn ngon, ăn nhiều một chút, tài sắc danh thực thụy đều có tham. Sân là sân khuể, tham không được liền nổi giận, nổi nóng đó đều là sân khuể. Còn có tật đố, đó cũng thuộc về sân khuể, rất nhiều người hiện nay đều có tâm tật đố, đây là câu sanh phiền não. Làm sao quý vị biết chính mình có tật đố hay không? Thường khi thấy người ta có những điều tốt hơn mình, điều cao minh hơn ta, thì trong tâm ta không phục, đó chính là tật đố. Quý vị xem xét quý vị có không phục ai hay không? Quý vị mà không phục ai hết, đó là trong tâm quý vị đầy tràn tật đố. Hoặc là không phục với sự quản thúc, không phục với sự sắp đặt của lãnh đạo, không phục với thầy giáo, với sự an bài của cha mẹ, đó đều toàn là tật đố phiền não đang gây ra. Tâm tật đố rất là rắc rối, sẽ khiến quý vị đọa địa ngục. Tâm tham cảm ứng đường ngạ quỷ, tâm sân khuể cảm ứng đường địa ngục và tâm ngu si cảm ứng đường súc sanh. Thế nào là ngu si? Là mê mờ, không rõ ràng. Quý vị có lúc nào cảm giác được không? Sáng sớm khi thức dậy, mắt ngủ mơ hồ, “Bình thường tôi sáu, bảy giờ mới thức dậy, sao bây giờ mới hơn 4 giờ đã dậy rồi?”. Mắt thì nửa nhắm nửa mở, còn đang mê mê hồ hồ, đó là trạng thái của ngu si, ngu si là nghiệp nhân của đường súc sanh. Nên chúng ta dùng đời sống tu hành để đoạn tham sân si, đoạn ngạo mạn của mình. Bình thường thân thể rất tốt, hiện giờ đến đây tu một chút thì phát hiện có mỏi lưng, đau vai, thân thể không tốt. Đó đều là dạng thường gặp trong tu hành, cần đem những tập khí phiền não trong bản thân mình hiện ra, sau đó đối trị, không để chúng hiện ra nữa. Quý vị làm sao phát hiện nó có tồn tại hay không? Trải qua rèn luyện liền hiện ra, một khi hiện ra thì quý vị cần phải đối trị.

          Hôm nay có một người mẹ, cô ta làm công quả, có dẫn theo một cậu bé. Cô ấy nói với tôi, cậu bé rất muốn về nhà, vì thấy ở lại đây khổ quá. Tôi nói với người mẹ, nên khích lệ cậu bé, cần cắn răng chịu đựng. Hai ngày vừa qua là tiêu trừ tập khí nghiệp chướng của quý vị hiện ra, quý vị có thể đối trị được, hàng phục được nó, tiêu trừ nó; Quý vị không chịu tiêu trừ nó, lại trở về nhà, thì tương lai tích lũy lâu rồi, tập nghiệp sâu nặng không sửa chữa được. Tuổi trẻ cần sửa đổi tập khí, bệnh nhẹ thì dễ chữa, giống như quý vị bị bệnh Táo, dùng Trung y trị liệu cho quý vị thì trước phải cho bệnh phát ra, sau khi phát ra rồi thì trị bệnh cho bạn rất dễ dàng.

          Ngạo mạn, hoài nghi, tham sân si mạn nghi đều thuộc về tư hoặc. Thông qua xuất gia tu đạo, trừ kiến tư phiền não, tu sanh duyên từ bi. Trong đây nói đến tam từ, thứ nhất là “sanh duyên từ”, sanh là chúng sanh, duyên là điều kiện, có điều kiện của từ bi. Điều kiện gì? Nhìn thấy chúng sanh hầu hết đều khổ, thì mới khởi lòng từ bi. Sự thật, trên toàn thế giới chúng ta có một tỉ người bị đói, nên người tu hành nhìn thấy tình hình này, phát tâm không ăn tối. Đó là cùng cam cộng khổ với người không may mắn, không nỡ lại ăn nhiều, càng không nhẫn tâm lãng phí lương thực. Như chúng ta ăn cơm xong, quý vị thấy sau cùng, người hành đường giúp mọi người đổ nước ấm, để giúp mọi người trán bát một lần, những bã cơm, dầu mỡ đều được uống hết, không để đến lúc rửa bát. Bát trán xong thì uống hết, một chút bã cơm cũng không còn, bát phải thật sạch sẽ. Vì sao làm như vậy? Đó là tích phước. Những việc đó là đồng cảm với những chúng sanh không có cơm ăn, chúng ta không thể lãng phí lương thực. Cách làm này từng li từng tí đều để giúp quý vị diệt trừ kiến tư phiền não, tu sanh duyên từ bi. Đó là thuộc về “Tạng giáo Sa di”, người Tiểu thừa đã có thể làm được như vậy rồi.

          Tiếp theo “Tức kiến tư ác, tu Pháp duyên từ”, kiến tư ác là một thứ cần phải diệt trừ đi, tu pháp duyên từ, trí huệ này phải cao hơn so với Tạng giáo, đây thuộc về “Thông giáo Sa di”. Pháp duyên là phá đi nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Phá bốn tướng đó rồi, hiểu được tất cả pháp đều không, do những loại trí huệ đó mà có thể liên tục sanh ra tâm đại từ bi, đây chính là tu Pháp duyên từ. Nói cách khác, họ đã không còn tình chấp. Nhìn thấy có chúng sanh, thấy chúng sanh khổ, quý vị sanh tâm đồng cảm, đó là còn có tình chấp, tình chấp đó chỉ dùng chính đáng, nó tương ưng với tánh đức. Nhưng quý vị đem tình chấp đoạn đi, chỉ dùng trí huệ, đã cứu giúp chúng sanh mà không tình chấp, đạt được Tam luân Thể không. Tôi giúp đỡ họ, không có nói tôi đang giúp đỡ họ, cũng không nói họ đang nhận sự giúp đỡ của tôi, cũng không có tôi đang bố thí những gì cho họ, không có những ý niệm như vậy. Dùng trí huệ của Tam luân Thể không mà cứu giúp chúng sanh, đó là Pháp duyên từ. Đây là loại từ thứ hai.

          Loại từ thứ ba, “Thứ đệ tức Tam hoặc, tu Tam từ, biệt giáo Sa di”. Trong đây cũng có danh từ thuật ngữ, đều đơn giản lướt qua. Tam hoặc là gì? Là Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc và Vô minh hoặc. Hoặc tức là phiền não. Nếu quý vị có thể đoạn được Kiến tư phiền não, thì quý vị liền chứng được quả A la hán. Nếu quý vị có thể đoạn được Trần sa phiền não, thì quý vị liền chứng được quả vị Bồ tát. Quý vị có thể đoạn được Vô minh phiền não, thì quý vị liền chứng được quả Phật. A la hán, Bồ tát, Phật đều là ba học vị trong Phật giáo, ai ai cũng đều có thể đạt được, quý vị chỉ cần đem phiền não tương ưng đoạn đi, quý vị liền lấy được học vị. Học vị cao nhất thì phải đoạn đi Vô minh phiền não, liền chứng được quả vị Phật. Tức Tam hoặc giống như là đoạn ba loại phiền não. Tu ba loại từ bi, Sanh duyên từ, Pháp duyên từ vừa mới giảng. Còn Vô duyên từ là từ bi không có điều kiện. Thấy được tất cả chúng sanh với chính mình là một thể, nên sanh tâm từ bi vô điều kiện. Ví như thân thể của chúng ta, nếu như dạ dày bị bệnh, tay trái bị thương, tay phải liền đến hỏi thăm, an ủi chúng. Đó là không có điều kiện gì. Vì sao? Vì cùng một thân thể mà. Tay phải an ủi tay trái, liệu phải cần bạn cho tôi bao nhiêu tiền thì tôi mới giúp đỡ bạn, bạn hỏi phải cần báo đáp gì cho tôi không? Không cần điều kiện nào cả, đó là phản xạ tự nhiên. Phật đối với chúng sanh cũng giống như vậy, giúp đỡ chúng sanh không có điều kiện. Đó gọi là Biệt giáo Sa di, là Đại thừa.

          Sau cùng “Nhất tâm viên tức Tam hoặc, viên tu Tam từ”, thuộc về Viên giáo Sa di. “dứt Tam hoặc”, “tu Tam từ” , đây là tương đồng với Biệt giáo, nhưng thêm một chữ “viên”, viên tức là viên mãn, đó là đồng thời mà không có thứ bậc. Giống như chúng ta đi học, đầu tiên học lớp một, rồi học lớp 2, rồi học lớp 3, đi lên từng bậc từng bậc, đó là có thứ lớp. Viên giáo thì không cần thứ lớp, đó là viên dung, một lúc toàn độ từ lớp một đến lớp 6 đều học hết, Tiểu học, Trung học, Đại học thẳng đến Tiến sĩ toàn bộ đều viên mãn, đó là Viên giáo. Bởi vì hôm nay có đồng tu hỏi tôi, nói con muốn học nhiều Đệ Tử Quy có được hay không? Tôi liền trả lời, “Sa Di Luật Nghi” bao hàm cả Đệ Tử Quy. Đây là viên dung, Sa Di Luật Nghi còn bao hàm cả Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, bao hàm luôn Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, thậm chí bao hàm tất cả pháp của Phật thuyết. Quý vị cẩn thận xem xét, chúng ta giảng đoạn này, toàn bộ bên trong giáo nghĩa của tông Thiên Thai, tín nguyện hạnh của pháp môn Tịnh độ cũng có thể bao hàm trong đó, một là tất cả, tất cả là một. Đối với Viên giáo Sa di Luật Nghi, quý vị cần phải biết tu biết học, thì quý vị liền đạt được lợi ích viên mãn. Sa di của Viên giáo trên thực tế là đi đến quả vị Phật, tuy chỉ thọ giới Sa di mà trí huệ sở chứng của họ hoàn toàn là quả Phật, tức là trí huệ của Phật.

          Phần tiếp là giải thích ý nghĩa của chữ “Cần sách”, Ngài Đại sư Huyền Trang dịch là Cần sách nam, cần là tinh cần, tinh tấn; sách là sách lệ. Mọi người tu ở đây cần phải đề khởi tinh tấn, có thể do sáng dậy sớm, nên có lúc ngủ gật, rất khổ sở. Nhưng cần phải đề khởi tinh thần, phải nghĩ rằng đến đây tu được bảy ngày này, là nhân duyên rất thù thắng, rất khó có. Quý vị cần nên biết, tinh tấn trì giới một ngày thì phước báo vượt hơn nhiều lần so với cúng dường một thiên hạ những đại Thánh nhân A la hán, Bích chi Phật. Đây là điều trên Kinh nói với chúng ta. Nếu quý vị cúng dường cho một vị Bích chi Phật, trong Kinh nói 91 kiếp không lo quần áo, thức ăn; Quý vị có thể tinh tấn trì giới trong một ngày một đêm, thì phước báo còn cao hơn nhiều lần so với quý vị cúng dường một tứ thiên hạ A la hán, Bích chi Phật. Quý vị nghĩ xem, không chỉ 91 kiếp không lo quần áo, lương thực mà gấp hơn nhiều lần. Tôi tính qua thời gian của một kiếp là 1 tỉ 270 triệu năm, 91 kiếp là 91 nhân với 1 tỉ 270 triệu năm. Khoảng thời gian đó rất dài, quý vị không phải lo về ăn mặc, đây là cúng dường một vị Bích chi Phật. Nên công đức, lợi ích rất là thù thắng, không thể bỏ lỡ, cần đề khởi tinh tấn, sách lệ là khuyến khích, đốc thúc chính mình phải dụng công, hàng phục những phiền não như hôn trầm, giải đãi, lười biếng.

          “Tinh cần sách lệ, xuất phần đoạn sanh tử”. Phần đoạn sanh tử là Lục đạo luân hồi, đó là từng đoạn, một thân thể này đến khi già, đến chết, chết rồi lại thay đổi một thân thể mới. Đó là một đoạn, từng đoạn từng đoạn như vậy gọi là phần đoạn sanh tử. Ra khỏi phần đoạn sanh tử liền chứng quả A la hán, đó gọi “Tạng thông Sa di”. Quý vị thấy, Đại sư Ngẫu Ích giải thích Sa di với cảnh giới rất cao là “Tinh cần sách lệ, xuất biến dịch sanh tử”, là Biệt Viên Sa di. Tạng giáo và Thông giáo là xuất phần đoạn sanh tử. Phần sau, Biệt giáo và Viên giáo là xuất biến dịch sanh tử. Chúng ta trước khi thành Phật là hàng phàm phu thì còn đầy đủ hai loại sanh tử là phần đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử. Ra khỏi Lục đạo luân hồi thì thoát khỏi phần đoạn sanh tử, vẫn còn biến dịch sanh tử. Thế nào là biến dịch sanh tử? Là sau khi ra khỏi Lục đạo luân hồi, có A la hán, Duyên giác, Bồ-tát, quả vị Phật trong pháp giới Tứ thánh, quý vị từ A la hán lên cao hơn là Duyên giác, Duyên giác còn gọi là Bích chi Phật, hoặc từ Bích chi Phật lên đến Bồ tát, đi lên một đoạn như vậy là biến dịch, đem cảnh giới phía trước xả bỏ để lên cảnh giới mới, đó là biến dịch, đó gọi là sanh tử. Đến khi biến dịch sanh tử đều không còn nữa, thì lên đến chỗ cao nhất, vậy tức là thành Phật rồi. Cho nên, tu Sa Di Thập Giới Oai Nghi thì có thể giúp quý vị cuối cùng viên mãn thành Phật. Hay nói cách khác, “Sa Di Luật Nghi” không phải là pháp Tiểu thừa, mà đó là pháp Đại thừa, cũng là Viên giáo, là pháp môn có thể giúp quý vị viên mãn thành Phật, nên không thể coi thường được.

          Phần tiếp thứ ba “Cầu tịch”. Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch, Tịch tức là Niết bàn, còn gọi là tịch diệt, tịch là đoạn hết phiền não, đoạn hết sanh tử, cảnh giới như vậy gọi là tịch diệt, Phạn văn gọi là Niết bàn. “Cầu Thiên chân Niết bàn”, là thuộc về Tạng giáo và Thông giáo Sa di, Thiên chân Niết bàn là chưa viên mãn. A la hán thì chứng được Thiên chân Niết bàn, họ không còn phần đoạn sanh tử, không vào lại Lục đạo luân hồi, nhưng họ chưa thật khai trí huệ (trí huệ ở đây là trí huệ viên mãn), nên họ còn có khổ não, khổ não của họ là còn Trần sa phiền não, còn Vô minh phiền não, họ không phát đại tâm để cứu giúp chúng sanh. Vì sao vậy? Họ thấy Lục đạo rất nguy hiểm, dụ hoặc quá lớn, nếu như phát tâm lại vào Sáu đường độ chúng sanh, chính mình bị đọa lạc thì phải làm sao? Họ mang tâm như vậy, nên họ không thể dũng mãnh phát Đại Bồ đề tâm để cứu giúp chúng sanh, đó là thuộc về Thiên chân Niết bàn. Thích Ca Mâu Ni Phật trên Kinh Pháp Hoa chê trách những vị A la hán, nói họ là hạt giống lép, rớt vào hố vô vi. Họ chứng được vô vi rồi, nhưng họ đọa ở trong đó, không nguyện phát đại tâm, không nguyện ra khỏi, không nguyện siêu việt nữa, Đức Phật cũng không tán thành họ. Nên cần phải phát Đại Bồ-đề tâm, “Cầu Đại Bát Niết Bàn”, đó là chứng quả vị Phật. Độ tất cả chúng sanh, nhưng trong tâm không có chúng sanh được độ, tâm địa thanh tịnh, một bụi trần không nhiễm, đó là Đại Bồ-tát cùng với Phật mới có thể chứng được cảnh giới ấy. Đây là Biệt giáo và Viên giáo Sa di. Do đó, quý vị cần đem Sa Di Thập Giới Oai Nghi làm được, lại thông qua học tập Kinh giáo, nâng cao trí huệ của quý vị, thì quý vị có thể chứng được Sa di của Biệt giáo hoặc Viên giáo, thành Phật đều có thể. Hay nói cách khác, Sa Di Luật Nghi đó là nền tảng tất cả tu hành của chúng ta, thậm chí để đến thành Phật. Chúng ta xem đoạn tiếp theo:

          “Lại nữa, Lô Xá Na dịch là Tịnh mãn. Không ác nào chẳng dứt, nên gọi là tịnh. Không từ nào mà chẳng hành, nên gọi mãn. Vì vậy, giới Sa di là thật nhân của Lô Xá Na. Vả lại, Niết bàn lấy không phóng dật làm thức ăn. Cần sách nghĩa là không phóng dật. Nên giới Sa di là pháp thực của Niết bàn vậy. Tịch là lý của bổn giác. Cầu là trí huệ của Thỉ giác. Thỉ Bổn giác hợp nhất gọi là Cứu cánh giác. Nên giới Sa di là con đường lớn của Cứu cánh giác.”

          Đoạn vừa rồi là Đại sư Ngẫu Ích dùng giáo lí của tông Hiền Thủ để giải thích cho chữ Sa di. Lời nói đầu này cơ bản là dựa vào hai đại tông phái giáo hạ, Thiên Thai và Hiền Thủ dung thông lại để giải thích. Quý vị học lời nói đầu này rồi, thì giáo đều học được, không chỉ có học giới mà còn học cả giáo, chúng ta chèn thêm Tịnh độ vào thì quý vị được học cả Tịnh độ. Lô Xá Na Phật, còn xưng là Tỳ Lô Giá Na Phật, phiên dịch có chút không đồng, Tỳ Lô Giá Na, bỏ chữ Tỳ đi, thì thành Lô Giá Na, chỉ Giá biến thành chữ Xá, thành ra Lô Xá Na Phật. Ngài chính là Kinh chủ của Kinh Hoa Nghiêm, Ngài chính là giáo chủ. Ở thế giới Ta Bà chúng ta, Ngài thị hiện là Thích Ca Mâu Ni Phật, ở thế giới Hoa Tạng, thì Ngài là Lô Xá Na Phật. Lô Xá Na Phật còn được dịch là Quang Minh Biến Chiếu. Đó là dịch theo sự thọ dụng của Ngài, là giúp đỡ chúng sanh, Quang Minh Biến Chiếu là trí huệ chiếu khắp pháp giới để hóa độ chúng sanh. Còn dịch là “Tịnh mãn”, đó là hai chữ từ sự thọ dụng của Ngài mà nói, tịnh là thanh tịnh, mãn là viên mãn. Thế nào là thanh tịnh? “Ác vô bất tức”, tất cả ác, tất cả phiền não đều trừ diệt, gọi là thanh tịnh, Tự tánh bổn lai thanh tịnh, một bụi trần cũng không nhiễm.

          Đại sư Lục tổ Huệ Năng, có làm ra bài kệ:

Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

Không có một vật, thanh tịnh, Tự tánh vốn như vậy, cho nên gốc rễ nó không hề có ác. Nói cách khác, tập khí ác của chúng ta, Kiến tư phiền não của chúng ta bổn lai không có, vì vốn không có, quý vị đương nhiên có thể đoạn hết được. Có đồng tu than là tôi không đoạn trừ được, không có đủ tín tâm. Không có niềm tin là do chưa hiểu rõ, quý vị vốn không có những phiền não tập khí đó, nên hiện tại quý vị cần đoạn nó rất dễ dàng. Nếu quý vị vốn có thì phải đoạn đương nhiên rất khó; Bổn lai không có, thì tiến hành đoạn không phải là rất dễ hay sao? Chủ yếu là quý vị có muốn đoạn thì liền đoạn được. Những ác đó không chỉ bao gồm cả kiến tư ác, nói dễ hiểu một chút kiến tư ác là chấp trước, không nên chấp trước thân thể của mình, đừng chấp trước cái biết cái thấy của chính mình, đó là thuộc về ác. Không chấp trước những điều đó thì là đoạn ác tu thiện.

          Còn Trần sa phiền não là thuộc về phân biệt, chúng ta khởi tâm động niệm đều là yêu ghét, phân biệt tốt xấu, đúng sai, thiện ác. Đó cũng là vọng niệm, cũng thuộc về ác, nó sẽ làm cho quý vị mang theo phiền não. Đem phân biệt buông xuống, liền trở thành Bồ-tát. Bồ-tát không có phân biệt. Đại sư Hoằng Nhất lúc trẻ, Ngài là một Tài tử mà là con của một gia đình phú quý, tuổi trẻ có tâm phân biệt rất nặng. Trong thời gian Ngài du học tại Nhật Bản, bạn học hẹn đến gặp Ngài lúc 8 giờ sáng. Kết quả đến trễ hai phút, Đại sư Hoằng Nhất khóa cửa không mở, nói ông đã đến trễ, ngày mai hãy quay lại. Thế là ngày hôm sau, bạn học liền đến sớm hơn, lúc 7 giờ 55 phút đã đến, Ngài nói thời gian chưa tới không mở cửa. Quý vị thấy đó, phân biệt chấp trước rất nghiêm trọng. Đó là tập khí lúc còn trẻ, đối với chính mình không chút cẩu thả, đối với người khác không chút cẩu thả. Như vậy là không thích hợp. Cần phải, đối với chính mình không một chút cẩu thả, đối với người khác cần phải khoan dung độ lượng, nghiêm khắc với mình, khoan dung với người. Đến khi lớn tuổi thì Ngài đi xuất gia rồi, về già Ngài đến Nam Dương, vị Pháp sư ở biên giới Nam Dương chiêu đãi Đại sư Hoằng Nhất, đây là một vị Đại đức đến, nên đón tiếp đều rất chu đáo, cẩn thận. Nấu ăn cho Ngài, ngày thứ nhất lỡ cho muối hơi nhiều, thành ra quá mặn, Đại sư Hoằng Nhất nói “Không sao, mặn có ngon của mặn”. Đến ngày hôm sau lại bỏ ít muối nên đồ ăn lạt, Ngài nói “Không sao, lạt có vị ngon của lạt”. Quý vị thấy, Đại sư Hoằng Nhất đến khi lớn tuổi thì một chút phân biệt chấp trước đều không có. Đó là đức hạnh lớn. Thông qua tu hành giữ giới, phải đem những tập khí hóa trừ đi, làm cho tất cả chúng sanh bên cạnh Ngài cảm thấy rất là vui vẻ, một chút áp lực cũng không có. Người thường gây áp lực cho người khác, thì chính mình sẽ có phản tác dụng, quý vị gây áp lực cho người khác, thì chính quý vị phải chịu áp lực. Thường gây áp lục cho người khác, thì tinh thần của quý vị sẽ lo lắng, đến tuổi trung niên trở lên rất dễ bị cao huyết áp. Cho nên, trăm vạn lần cũng không nên gây áp lực cho người. Nhưng đối với chính mình phải tăng áp lực, đoạn đi những phiền não. Nếu như lại có thể đoạn đi khởi tâm động niệm, ý nghĩ đều không còn thì đã đoạn được Vô minh phiền não, liền chứng quả vị Phật. Do đó, không ác nào mà không dứt, tất cả ác đều trừ đi, bao gồm cả phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm, đương nhiên liền thành Phật rồi, thành Phật thì mới được gọi là thanh tịnh viên mãn.

          “Từ vô bất hành”, tức tất cả hạnh từ bi đều làm, thật sự cứu giúp chúng sanh không có một chút mệt mỏi. Giống như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ, Ngài làm một vị vua, vị vua đó dùng mười nghiệp thiện để giáo hóa nhân dân. Nhân dân nước Ngài đều tu Thập thiện, đều rất lương thiện. Nếu như người lương thiện, thì những ma quái Dạ xoa liền không có cách nào để hút máu, tinh huyết của người. Nếu người ác niệm nhiều, thì đều là cơ hội tốt cho yêu ma, quỷ Dạ xoa đến để hút ăn tinh huyết của người, bởi vì chúng thích mùi hôi dơ. Vì nhân dân cả nước đều không có một người ác, nên những loài quỷ Dạ xoa này đi kiếm ăn không được, chúng không có ăn, do đó chúng rất oán hận. Trong chúng có 5 con Dạ xoa tìm đến vị vua, phàn nàn khiếu nại với vua, Ngài dạy bảo nhân dân đều là những người tốt, khiến chúng tôi hiện giờ không có chỗ để ăn uống tinh huyết, chúng tôi rất đói, Ngài nói xem có cách nào giúp chúng tôi? Kết quả, vị vua rất từ bi, Ngài nói rằng, bây giờ ta sẽ lấy máu của thân ta để cho chúng ngươi ăn. Những quỷ Dạ xoa này sau khi nghe xong cảm thấy có thể được, vì đã lâu rồi chưa được ăn bữa nào. Sau đó, vị vua cầm dao cắt thịt trên thân để cho máu chảy ra cho 5 con quỷ Dạ xoa uống đủ, sau khi uống xong thì tâm chúng rất thỏa mãn, vui vẻ. Sau đó, vị vua liền phát nguyện, đối với chúng quỷ này giảng rằng, các người vì đời trước làm những nghiệp ác, nên đọa đến đường ác làm quỷ Dạ xoa, mà còn lại phải uống máu người, đó là đang làm ác, tánh ác tuần hoàn. Hôm nay, ta cúng dường máu của ta cho các người ăn, giúp các người được ăn no, hy vọng tương lai khi ta thành Phật, có thể dùng giới định huệ học để cúng dường pháp thực cho các người, khiến các người được khai ngộ giải thoát. Đó là phát nguyện của Ngài. Kết quả sau cùng, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật rồi, vị vua thuở trước nay thành Phật chính là Thích Ca Mâu Ni Phật, sau khi thành Phật, đầu tiên Ngài đến vườn Lộc Dã thuyết pháp độ 5 vị Tỳ kheo, người đầu tiên là Tôn giả Kiều Trần Như, trên Kinh Vô Lượng Thọ có tên vị này. 5 vị Tỳ kheo đó là ai? Chính là 5 quỷ Dạ xoa ngày trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã kết duyên với họ, nên lần này họ đến làm đệ tử của Phật, Phật thật sự khiến họ khai ngộ, chứng quả A la hán, vĩnh viễn thoát luân hồi. Phật đều từ bi đến như vậy, chúng sanh có nhu cầu gì, Ngài đều thỏa mãn cho họ, ngay cả hy sinh cả máu tươi trong thân mình để đem cúng dường. Nên Bồ-tát đối với chúng sanh, ngay cả đầu mắt xương tủy cũng đem ra cúng dường cho chúng sanh, quý vị muốn gì? Như cần con ngươi thì móc con ngươi trong mắt ra cho quý vị, cần xương tủy thì rút xương tủy ra cho quý vị, không có gì là không thể xả. Vì sao các Ngài có thể xả? Vì các Ngài đã đoạn được thân kiến, các Ngài không coi thân thể này là ta, mà dùng thân thể này làm một công cụ để cúng dường chúng sanh, chúng sanh cần những gì thì tôi dùng công cụ này để cúng dường. Đương nhiên, dùng vật chất cúng dường, giống như vị vua lúc ấy cúng dường máu tươi cho quỷ Dạ xoa, đó chỉ là giúp họ thỏa mãn vui vẻ trong một lúc, họ không thể được an vui vĩnh viễn. Còn cúng dường Pháp thực thì có thể giúp họ an vui vĩnh viễn, vĩnh viễn thoát khỏi Lục đạo luân hồi, vĩnh viễn rời khỏi khổ nạn. Do đó, tốt nhất trong các loại cúng dường là cúng dường Pháp thực, Bồ Tát Phổ Hiền nói, cúng dường pháp là tối thắng nhất trong tất cả cúng dường, cúng dường pháp là giúp chúng sanh giác ngộ. Tôi xuất gia, liền phát nguyện chuyên môn cúng dường Pháp thực cho mọi người. Cúng dường máu tươi thì mọi người không ăn được; cúng dường Pháp thực thì mọi người nghe được pháp hỷ, hy vọng tương lai đồng thành Phật đạo. Cho nên, từ vô bất hành, tức là không từ nào mà không làm, đó gọi là viên mãn. Tịnh mãn tức là giới Sa di, Tức từ là cái nhân để thành Phật Lô Xá Na. Nên hiện nay quý vị có thể tu giới Sa di, tu dứt ác hành từ, thì tương lai quý vị có thể viên mãn thành Phật.

          “Lại Niết Bàn lấy không phóng dật làm thức ăn”, đây rất là quan trọng, quý vị mong chứng được Niết Bàn, Tiểu thừa là Thiên chân Niết Bàn, Đại thừa là Niết Bàn của đại viên mãn, Niết Bàn là cảnh giới không còn phiền não. Niết Bàn nói ở đây xin mọi người đừng hiểu lầm, không phải nói người xuất gia rồi sau khi chết gọi là Niết Bàn, sai lầm rồi. Niết Bàn là tất cả phiền não đều đoạn tận rồi, như vậy mới gọi là Niết Bàn. Quý vị còn sống, nhưng phiền não của quý vị đều đã đoạn hết, thì quý vị là chứng được Niết Bàn, đó gọi là Hữu dư Niết Bàn, thân thể còn ở lại thế gian hóa độ chúng sanh, nhưng đang trong cảnh giới Niết Bàn rồi. Thân thể già bệnh cần ra đi, rời khỏi nhân gian, như vậy gọi là Vô dư Niết Bàn. Niết Bàn lấy không phóng dật làm thức ăn. Muốn tu Niết Bàn, hiện tại phải tu được không phóng dật. Thế nào là không phóng dật? Là quý vị không quên mất tâm đạo, không quên mất chánh niệm. Thí dụ, khi thấy thức ăn ngon, tôi không khởi tâm tham, tôi vẫn như như bất động, trong tâm niệm A Di Đà Phật, ăn uống chỉ vì cung cấp dinh dưỡng cho thân thể này, không phải là thỏa mãn tham dục, đó chính là không phóng dật.

         Lão Hòa thượng Sướng Công chúng ta, trước khi thọ Trai đều xướng một đoạn, có lẽ mọi người đều nghe rõ, xướng rằng “Phật chế đệ tử, thực tồn ngũ quán”, nghe rõ hay không? Phật chế đệ tử, thực tồn ngũ quán, năm loại quán niệm đó. Khi ăn quý vị phải có năm quán niệm, chánh niệm. Đó là chánh niệm thì không phóng dật, trong khi ăn quý vị phải suy xét đến, không được coi thường, “Xét công khó nhọc, thức ăn này từ đâu mà có”. Những người nông dân làm ra những lương thực này, từ hạt lúa thu hoạch xay ra thành gạo, gạo lại nấu thành cơm do những vị Bồ-tát làm công quả chúng ta vất vả mới có cúng dường cho mọi người, thật không dễ dàng. Quý vị xem xét thức ăn này từ đâu đến, từ đó quý vị cần đề khởi tinh tấn, đây là những điều thuộc về chánh niệm. “Cần sách tức là không phóng dật”, giới Sa di là để giúp chúng ta cần sách, tinh cần sách lệ là không phóng dật. Đó chính là giới Sa di. Cho nên, mục đích chúng ta trì giới là giúp chúng ta không phóng dật, vì sao không phóng dật? Vì giúp chúng ta chứng giác ngộ, giải thoát, chúng ta chứng quả vị Phật, đó gọi là Đại Bát Niết Bàn Pháp thực.

          Còn ý nghĩa thứ ba là Cầu tịch, tịch là sẵn có trong Bổn giác. Mỗi một người chúng ta bổn lai là giác ngộ. Trên Kinh Viên Giác nói, bổn lai là Phật. Tại sao hiện nay không giống như Phật? Đứng trước tấm gương mà soi chính mình, xem đều không giống Phật. Nguyên nhân vì sao? Vì tâm tánh chúng ta chưa giác ngộ, Bổn giác của chúng ta bị phiền não che lấp rồi. Chúng ta hiện tại cần phải cầu giác ngộ. Tuy Bổn giác có sẵn trong Tự tánh, nhưng nếu quý vị không cầu, thì quý vị vĩnh viễn không đạt được. Cầu là cầu trí huệ của Thỉ giác, Thỉ giác tức là bắt đầu giác ngộ. Quý vị hiện nay đề khởi tinh tấn, bắt đầu giác ngộ, tôi phát tâm Bồ đề, tôi nguyện thành Phật, tôi quyết sẽ giữ giới, niệm A Di Đà Phật, cầu vãng sanh. Đó là Thỉ giác. Thỉ giác hợp với Bổn giác gọi là “Thỉ Bổn hợp nhất”, đây gọi là Cứu cánh giác. Do đó, các pháp môn của Phật pháp Đại thừa đều là giúp chúng ta Thỉ Bổn hợp nhất, thành cứu cánh giác. Nhưng dễ dàng nhất, tiện lợi nhất trong các pháp môn đó là pháp môn Tịnh độ, dựa vào niệm A Di Đà Phật cầu sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc. Đây là phương pháp phương tiện nhất, dễ dàng nhất. Một khi vãng sanh, liền được Thỉ Bổn hợp nhất, quý vị ở tại Tịnh độ, sẽ không khởi lại phiền não, Kiến tư hoặc, Trần sa hoặc, Vô minh hoặc của quý vị tự nhiên đoạn hết, tự nhiên có thể khai ngộ thành Phật, bởi vì nguyện lực của A Di Đà Phật gia trì cho quý vị. Thế Giới Tây Phương Cực Lạc là Pháp tánh độ, Phật quốc độ là do Tự tánh biến hiện ra, so với cảnh giới chúng ta hiện nay hoàn toàn không đồng.

          Chúng ta làm sao để có thể vãng sanh, đây là việc lớn, chỉ cần vãng sanh liền có thể thành Phật, không vãng sanh thì vẫn ở trong Lục đạo luân hồi. Cầu vãng sanh thế nào? Đại sư Ngẫu Ích nói “Toàn do có tín nguyện hay không”, quý vị có thể sanh qua Thế Giới Cực Lạc hay không, thì xem quý vị có thật sự tin tưởng, thật phát nguyện cầu vãng sanh. Về tín, đầu tiên là tin có A Di Đà Phật. Mọi người có tin có A Di Đà Phật không? Tin có A Di Đà Phật. Lòng tin đó phải đầy đủ, dù trong bất kỳ tình huống nào, bất kỳ nguy hiểm nào, đang trong thiên tai, lòng tin của quý vị đều không lui mất. Như có đồng tu thảo luận cùng chúng tôi rằng, tin Phật thật không dễ dàng, hôm nay bị một tai nạn xe, tôi đang lái xe chạy nhanh, xe phía trước đột nhiên thắng gấp, tôi cũng thắng gấp, lúc đó tôi liền niệm một tiếng “Á”, là quên mất niệm Phật rồi. Anh ta liền quên niệm “A Di Đà Phật”, anh ta chỉ có một từ “Á”, tức là quên mất Phật rồi, lúc đó Phật đã bay xa chín tầng mây. Cho nên, lòng tin không dễ dàng. Tín tâm là trong tâm quý vị luôn có Phật, khi gặp xe thắng gấp thì buột miệng xuất ra “A Di Đà Phật”. Cô giáo Lưu Tố Vân nói với tôi, trợ lý của cô là Cư sĩ Điêu thật sự làm được, dù bất cứ tình huống nguy hiểm nào xảy ra, thì phản ứng đầu tiên của cô ấy là “A Di Đà Phật”, đó là trong tâm thật sự có Phật.

          Tôi có lần khảo sát một vị đồng tu, lúc tôi đang ở tại nhà anh ta, gia đình anh ấy thích sống ở tầng 19 của toà nhà cao đến 19 tầng tại Hương Cảng. Đó là một chung cư cao cấp, ban công không có lưới rào, nhảy xuống dưới rất dễ dàng. Tôi nói với anh ta, giả sử bây giờ tòa nhà này xảy ra cháy lớn, tai nạn đến rồi, hoặc bị động đất, các cầu thang đều bị hư, không đi xuống được, mà lửa thì càng cháy mạnh, anh ngay lúc đó có thể bị thiêu chết, anh chỉ có một con đường sống đó là nhảy xuống dưới. Lúc anh nhảy ra ngoài rớt xuống, vẫn không quên niệm A Di Đà Phật. Như vậy thì anh nhất định vãng sanh. Cần phải tin đến mức độ đó, đang bay trong khoảng không, quý vị vẫn không quên niệm A Di Đà Phật. Như vậy là đủ lòng tin, khẳng định quý vị vãng sanh. Tin có A Di Đà Phật, A Di Đà Phật là có sức mạnh vô cùng, khi quý vị gọi Ngài, Ngài liền hiện ở trước mặt. Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói, “Giả sử đại hỏa mãn Tam thiên, thừa Phật oai đức tất năng siêu”, nghĩa là Tam thiên Đại thiên Thế giới cháy lớn, không phải chỉ có một quả địa cầu này cháy. Khái niệm Tam thiên Đại thiên Thế giới là lớn cỡ nào? Đó là 10 ức hệ Ngân hà, một thế giới là một hệ Ngân hà, Tam thiên Đại thiên Thế giới là 3 cái 1000 nhân lại với nhau, tức là 1000 nhân với 1000, rồi đem kết quả nhân với 1000 thành 10 ức, tức là một tỉ. 10 ức hệ Ngân hà toàn bộ đều cháy lớn, không còn chỗ nào để ẩn núp, lúc đó quý vị niệm A Di Đà Phật, thì A Di Đà Phật liền đến, tiếp dẫn quý vị đến Thế Giới Cực Lạc. Đây là trên Kinh Vô Lượng Thọ nói, tuyệt không có nói dối. Quý vị tin chắc hay không? Quý vị đã tin chắc rồi, thì làm gì sợ tai nạn nữa?

          Có một số đồng tu hỏi tôi, năm 2012 làm sao để ẩn náu cho an toàn nhất? Có cần phải chuẩn bị lương thực, nước để tương lai tai nạn đến có thể vượt qua không? Tôi hỏi lại họ, quý vị còn muốn chờ đến bao giờ? Tai nạn đến thì tôi muốn vãng sanh, quý vị muốn ở lại bao lâu nữa? Tai nạn đến thì không phải là chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh độ càng sớm càng tốt sao? Nếu tương lai, quý vị còn sứ mạng cần phải giúp đỡ chúng sanh, thì khi tai nạn đến quý vị có thể không đi, A Di Đà Phật sẽ giúp đỡ quý vị, để cho quý vị ở lại để hoàn thành sứ mạng, quý vị còn phải giúp đỡ chúng sanh. Đương nhiên đó là việc khổ cực, không như vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc thì rất tốt đẹp. Nhưng Phật bảo chúng ta ở lại, thì chúng ta ở lại, tuyệt không từ chối, gọi là nghĩa bất dung từ. Vì tất cả chúng sanh mà chúng ta cam tâm tình nguyện vào biển lửa. Như vậy, A Di Đà Phật muốn chúng ta ở lại, thì chúng ta ở lại, không phải tự mình muốn ở lại. Chính mình muốn đi, muốn vãng sanh Tây Phương, quý vị như vậy mới là chân phát nguyện. Nên tín nguyện đầy đủ, quý vị nhất định vãng sanh, quý vị với A Di Đà Phật liền có cảm ứng, quý vị cảm thấy được A Di Đà Phật rất thân thiết. Cho nên, dù bất cứ chuyện gì, khổ nạn nào đến, liền cầu A Di Đà Phật, cầu là Thỉ giác; Nếu quý vị đem A Di Đà Phật quên đi, quý vị tự cầu mình, cầu người khác, gọi là mê hoặc điên đảo, đó không phải là Thỉ giác.

          Tối hôm qua có đồng tu nói với tôi, rắc rối rồi, tối nay sẽ có cơn bão cấp 8 đến đây. Cơn bão đến thì xe buýt không thể chở đồng tu chúng ta bên trường THCS Thích Tuệ Văn đến được, bởi vì có một bộ phận đồng tu ở bên đó, các tuyến xe buýt không mở, nếu như mưa lớn xuống, chúng ta có thể đều phải dừng hết. Phải làm sao đây? Tôi nói, bạn cầu tôi thì tôi không có cách nào, chúng ta cầu A Di Đà Phật, cầu A Di Đà Phật giúp cơn bão mau đi qua. Bão yếu xuống, mưa nhỏ để làm mát thì tốt rồi, nhưng vì quá nóng, chúng ta cầu sau này ôn hòa trở lại. Kết quả, quý vị thấy hiện giờ, A Di Đà Phật đặc biệt chiếu cố chúng ta, thấy chúng ta rất khổ, vì ở Hương Cảng này nóng quá. Nên cho mưa xuống một trận cam lồ để tắm mát mọi người, thổi một chút gió mát. Có tín hiệu bão cấp 8 không? Tôi nhìn thế nào cũng nhìn không ra, gió hòa nắng đẹp. Cầu A Di Đà Phật thì A Di Đà Phật có cách. Quý vị không cầu A Di Đà Phật, cầu ai đều không công dụng.

          Khi có khổ nạn, có bệnh khổ, quý vị đầu tiên nhớ niệm cầu đến A Di Đà Phật. Thành lập được thói quen như vậy, thì đến lúc quý vị đối mặt với sự sống chết, liền có thể đề khởi niệm A Di Đà Phật. Do đó, trong Thỉ Bổn hợp nhất, hễ có niệm lệch đi, quên A Di Đà Phật, thì đó là điên đảo rồi. Cho nên, chúng ta phải rèn luyện được công phu như vậy, đó là tín nguyện đầy đủ, quý vị liền có thể yên tâm, quý vị quyết định vãng sanh. Mọi người nghe rồi rất hoan hỷ, tôi thử hỏi mọi người, quý vị có nắm chắc vãng sanh chưa? Ai nắm chắc vãng sanh thì mời giơ tay? Tôi thấy là thiểu số. Vì sao đại đa số là không nắm chắc? Nguyên nhân là tín nguyện không đủ. Đại sư Ngẫu Ích nói được rất rõ ràng, quý vị có tín nguyện đầy đủ quyết định vãng sanh. Từ đâu để nắm chắc? Là thật tin tưởng, thật phát nguyện cầu sanh Tịnh độ. Chân thật tin tưởng thì một chút hoài nghi cũng không có, như mới vừa nói, lửa cháy khắp Tam thiên Thế giới cũng đều không nghi ngờ là A Di Đà Phật sẽ không đến.

          Nghi ngờ, thường thường những phần tử tri thức hay có, những người tri thức thông thường thích nghi ngờ, rất nhiều vấn đề, có hoài nghi thì liền có vấn đề. Vậy phải làm sao? Phải nghe giảng kinh cho nhiều, đặc biệt là Kinh Vô Lượng Thọ. Nghe được nhiều lần rồi, thì nghi ngờ tự nhiên xua tan, đoạn nghi sanh tín. Chân thật phát nguyện cầu vãng sanh thì đối với thế gian này, một chút tham luyến đều không có. Quý vị còn lưu luyến, còn có điều không buông xả được, liền chướng ngại việc vãng sanh. Do đó, chúng ta tự mình phải phản tỉnh kiểm điểm xem tôi còn có điều gì không buông xả, như tiếng tăm, lợi dưỡng đã buông xả chưa? Thọ hưởng Ngũ dục Lục trần đã buông xả chưa? Ngũ dục gồm tài, sắc, danh, ăn và ngủ. Tài đã buông xả chưa? Sắc đã buông xả chưa? Người trẻ thì đó là không dễ. Phần sau tôi giảng đến “không dâm dục”, cần đặc biệt nói cặn kẽ, buông xả tình chấp. Danh buông xả chưa? Ăn, ngủ là ăn ngon, ngủ ngon buông xả hay chưa? Quý vị trong sáu ngày này là để rèn luyện buông xả hưởng thụ Ngũ dục Lục trần, phải buông xả tất cả. Buông xả càng được nhiều, thì phiền não của quý vị càng nhẹ, trí huệ quý vị càng cao.

          Bởi vậy cầu tịch, chúng ta tại trong chân thể mà nói là cầu vãng sanh, niệm niệm không rời cầu sanh Tịnh độ, đó là Thỉ Bổn hợp nhất, quý vị được cứu cánh giác ngộ. Cứu cánh giác là thành Phật, một khi quý vị đã vãng sanh liền không lui chuyển, nhất định thành Phật. Đó là giới Sa di, là thông cù của Cứu cánh giác, thông cù tức là con đường lớn, con đường thông qua vãng sanh thành Phật. Chúng ta không thể coi thường giới Sa di. Chúng ta tiếp tục đọc đoạn ở dưới:

          “Lại tánh ác vốn không, tánh từ vốn đủ. Tâm tánh vốn không giải phế. Bổn tánh không tịch là Lý tức Sa di. Đạt lý thọ giới là Danh tự Sa di. Viên phục ngũ trụ là Quán hạnh Sa di. Lục căn thanh tịnh là tương tự Sa di. Hoặc phá lý hiển là Phần chứng Sa di. Lô Xá Na gọi là Tịnh mãn, Đại Bát Niết Bàn, Vĩnh viễn rời phóng dật, Thỉ giác Bổn giác thầm hợp không hai là Cứu cánh Sa di. Như thời Đại Thông Phật, 16 vị vương tử thật sự là tấm gương Sa di”

          Đoạn này, lại sử dụng cách nói giáo quán, Lục tức của Thiên Thai. Tông Thiên Thai nói Lục tức Phật. Bao gồm: Thứ nhất là Lý tức Phật, đây là nói Lý tánh, Thể tánh của chúng ta vốn là Phật, gọi là Lý tức Phật; Thứ hai là Danh tự Tức Phật, đây là quý vị học Kinh giáo, hiểu được chúng ta bổn lai là Phật, hiện giờ cần phải học Phật thành Phật, đó gọi là Danh tự Phật, còn chưa phải là Phật; Thứ ba là Quán hạnh Tức Phật, là chân chánh tu hành, quán chiếu hành vi của mình, cải sửa sai lầm của chính mình, gọi là Quán hạnh; Thứ tư là Tương tự Tức Phật, đây là giống, tu được rất giống, tuy nhiên còn chưa có thật sự thành Phật, nhưng khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, việc làm của quý vị rất tương tự với Phật, hoàn toàn là chánh, trong Pháp giới Tứ thánh, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật đều thuộc về vị trí Tương tự; Thứ năm là Phần chứng Phật, đây là thuộc về nhập vào Pháp giới Nhất chân, thoát ly Lục đạo rồi, cũng ra khỏi Pháp giới Tứ thánh, đã rời khỏi 10 pháp giới, nhập vào Pháp giới Nhất chân, chứng phần Pháp thân, thành Phật rồi. Phật ở đây là Phật thật, không phải Phật giả, không phải Tương tự Phật. Giống như trăng sáng trên bầu trời, Tương tự Phật là trăng ở trong nước, không phải là trăng thật, còn phần chứng là trăng ở trên bầu trời, quý vị thấy được, nhưng đại khái mới chỉ là một phần của trăng, vẫn còn là trăng lưỡi liềm. Đến trăng tròn ngày rằm, đó mới là Cứu cánh Tức Phật, viên mãn rồi.

          Đại sư Ngẫu Ích dùng Lục tức để giải thích từ Sa di, giải thích hoàn toàn được thông. Lý tức Phật là gì? Từ trên Thể tánh mà nói, Tự tánh của chúng ta vốn không có tất cả ác, không có tất cả phiền não, không có tất cả nghiệp chướng. Do đó “Tánh ác vốn không”, tức là bổn lai không có ác; “Tánh từ vốn đủ”, nghĩa là từ bi là Tánh đức mà Tự tánh vốn đầy đủ, quý vị không cần phải đi tạo, nó vốn đã có, chỉ cần đem nói khôi phục lại thì được rồi. Cho nên, thành Phật không phải là đem thêm được chút gì cho quý vị, mà đem khôi phục lại nguyên Phật tánh của quý vị đã bị chướng ngại làm mê mất đi. Trong Tâm tánh vốn không có giải đãi, không có phóng dật, vốn là không tịch. Đấy là nói Cần sách, bổn lai đương nhiên là tinh cần sách lệ, không có giải đãi. Đó là ý nghĩa thứ hai của Sa di, thứ nhất là Tức từ. Bổn lai là Tức từ, bổn lai là Cần sách, bổn lai là không tịch, quý vị không cần cầu. Quý vị cần phải cầu tịch không? Không cần, vì vốn không tịch. Đó là viên mãn trong Lý Thể Tự tánh của chúng ta. Đây gọi là “Lý tức Sa di”.

          Nhưng hiện nay chúng ta thật sự đã mê mất Tự tánh, chúng ta biến thành phàm phu. Do đó, chúng ta phải tu. Tu thì đầu tiên phải rõ lý, “đạt lý”, là hiểu rõ đạo lý, như hiện nay chúng tôi nắm được những đạo lý giảng rõ rãng, quý vị có thể thông đạt, có thể hiểu rõ, sau này quý vị mới tự nguyện thọ giới. Nếu không thì quý vị cảm thấy như vậy là khổ, tại sao đến đây để chịu như ngược đãi? Ăn rồi không có việc gì làm đến đây để làm gì? Quý vị không hiểu rõ đạo lý thì không được. Quý vị hiểu rõ đạo lý, đến đây là để giúp tôi hàng phục tập khí, giúp tôi khôi phục Tự tánh viên mãn, đó là rất tốt. Cho nên, hiểu rõ đạo lý thì quý vị cam tâm tình nguyện thọ giới. Tánh đức là Tự tánh của chúng ta, quý vị thành Phật rồi, vốn đương nhiên làm người như vậy. Giới luật đều là hành vi thường ngày của Phật, đem ghi chép lại gọi là giới luật. Phật không có ý niệm ta phải thọ giới, không có ý niệm như vậy, Ngài tự nhiên trong Tự tánh lưu lộ ra như vậy. Chúng ta mê mất Tự tánh, nên chúng ta cần phải thông qua những điều giới để tu trì chính mình, dần dần khôi phục, làm được rồi thì tự nhiên quý vị kiến tánh, liền thành Phật rồi. Quý vị hiện tại còn không tự nhiên, nên mới cảm thấy rất khổ sở. Quý vị thọ được rất tự nhiên thì một chút khổ sở đều không có, quý vị sẽ cảm thấy rất an lạc. Tôi dẫn ra một ví dụ, như bình thường quý vị có hút thuốc, khi hút thuốc thì cảm giác rất bồng bềnh khoái lạc, hút thành thói quen rồi, nếu không hút không chịu được. Hiện tại bắt quý vị cai thuốc thì quý vị thấy rất khổ sở, liền có ý nghĩ đó. Quý vị đến thọ giới, cũng giống như cai nghiện vậy, tự viện giống như trại cai nghiện, cai nghiện ở trên tâm, tập khí trên thân đều phải cai, giúp quý vị trừ độc, giúp quý vị cai nghiện. Quý vị đem nó trừ được rồi, thì liền thật sự an vui, người ta thấy đều ái mộ quý vị, hành trì thật của quý vị giống như hành trì của Thánh hiền.

          “Đạt lý thọ giới” là “Danh tự Sa di”, “Viên phục ngũ trụ” là “Quán hạnh Sa di”. Tu trì được lâu rồi, có thể phục trụ phiền não. Ngũ trụ đều thuộc về phiền não, ngũ cái là năm loại phiền não ngăn che tâm tánh, quý vị đem nó hàng phục rồi, đó là Quán hạnh Sa di. “6 căn thanh tịnh”, đây giống như đã đoạn được Kiến tư phiền não, tâm địa thanh tịnh, đây là nhập vào Pháp giới Tứ thánh, “Tương tự Sa di” cũng là Tương tự Phật. Đến “hoặc phá lý hiển”, hoặc ở đây là phiền não, tức phá trừ phiền não thì lý thể của Tự tánh hiện tiền, đó là quý vị khôi phục được Tự tánh. Thiền tông nói là minh tâm kiến tánh, đấy gọi là Phần chứng Sa di, tuy nhiên chưa có viên mãn, quý vị mới chứng được một phần.

          “Lô Xá Na, tên là Tịnh mãn, Đại Bát Niết Bàn”, là chứng quả Phật Đại Bát Niết Bàn, đạt đến quả vị của Lô Xá Na. Thật “Vĩnh ly phóng dật”, quý vị không còn một chút phóng dật, thậm chí đến khởi tâm động niệm đều không có; Hay nói cách khác, khởi tâm động niệm đều là phóng dật. Thí dụ như niệm A Di Đà Phật, thời khóa sáng tối chúng ta đều niệm Phật. Quan trọng nhất của niệm Phật là chuyên nhất, đó là câu Phật hiệu từng niệm nối liền từng niệm, miên miên mật mật không gián đoạn. Như vậy gọi là không phóng dật. Trong giữa lúc niệm, quý vị xen vọng tưởng, miệng vẫn động niệm Phật mà trong tâm thì đã nghĩ đến chuyện khác, tôi về nhà có giường lớn rất thỏa mái, hiện giờ phải ngủ trên đất, tâm không hài lòng, đó là động niệm rồi. Hiện giờ đói bụng, từ chiều hôm qua đến giờ là đã không được ăn, bao giờ mới tới sáng, tới sáng thì mới được ăn, đó là động niệm nữa rồi. Một động niệm như vậy gọi là phóng dật. Do đó, niệm Phật thì quý vị niệm niệm đều duy trì giác ngộ, duy trì Phật hiệu. “Thỉ giác Bổn giác, minh hợp bất nhị”, Bổn giác là A Di Đà Phật, đây là Phật tánh vốn có của chúng ta, lúc niệm Phật là lúc thành Phật, lúc quý vị không niệm Phật là lúc quý vị làm phàm phu. Quý vị nghĩ kĩ xem, một ngày 24 giờ, có bao nhiêu niệm làm Phật, có bao nhiêu niệm làm phàm phu? Quý vị chân thật làm được niệm niệm đều không rời niệm A Di Đà Phật, như vậy thì Thỉ giác Bổn giác đều không hai, minh là âm thầm, âm thầm hợp lại thành một, không phải hai. Quý vị cùng Phật không hai, đã là một thì thành Phật rồi.

          Cho nên, pháp môn niệm Phật rất là thù thắng, ngay thẳng tắp giúp quý vị thành Phật. Quý vị niệm một câu Phật, thì một câu đó là Phật; niệm hai câu Phật thì hai câu đó là Phật; niệm mười câu thì mười câu là Phật; không niệm thì không là Phật. Đây là pháp môn thẳng tắp ngay lập tức. Quý vị chỉ cần duy trì không để mất A Di Đà Phật, thì quý vị liền thành công rồi. Phật hiệu niệm tiếp nối, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, niệm không dứt, Kiến tư phiền não tự nhiên rơi mất, rơi lúc nào quý vị cũng không biết, đó gọi là minh, minh tức là âm thầm, bí mật, thầm hợp diệu đạo, phiền não chính mình đoạn lúc nào rồi không biết; lại niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, Trần sa phiền não đoạn lúc nào không biết, còn là A Di Đà Phật; Lại niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, thì Vô minh phiền não đoạn luôn rồi, khởi tâm động niệm đều buông xả rồi, còn là A Di Đà Phật, A Di Đà Phật; Đến sau cùng xem xét ai đang niệm A Di Đà Phật? Chính là A Di Đà Phật đang niệm A Di Đà Phật, đây là thành Phật rồi. Đó là thầm hợp không hai, là phương pháp tuyệt vời!

          Nên tất cả các pháp môn đều cùng một đạo lý như vậy, giới Sa di cũng như vậy. Quý vị hành đầu tiên, giới Sa di trì rất khổ sở, không quan trọng, đoạn tập khí, làm đến sau cùng được tự nhiên rồi. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai khẳng định là có chút khổ, bởi vì quý vị chưa có thói quen. Đến ngày thứ ba, ngày thứ tư thì bắt đầu quen, quý vị tự nhiên được một chút. Đến ngày thứ năm, ngày thứ sau thì quý vị đã vào thói quen rồi. Hy vọng ngày thứ bảy khi ra về quý vị đều đã thành Phật. Pháp môn niệm Phật là nhanh chóng như vậy. Kinh A Di Đà nói, nếu một ngày, nếu hai ngày cho đến nếu bảy ngày, nhất tâm bất loạn, quý vị liền đi làm Phật. Vì vậy gọi là “Cứu cánh Sa di”. Như “Đại Thông Phật”, tức là Đại Thông Trí Thắng Như Lai. Đây là điển tích trong Kinh Pháp Hoa, Ngài là vua của một nước, sau đó đi xuất gia thành Phật. Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật, đang là Thái tử xuất gia làm Phật. Đó là 3000 năm về trước, còn rất lâu rất lâu về trước là thời của Đại Thông Trí Thắng Như Lai thành Phật, 16 người con trai của Ngài gọi là Thập Lục Vương Tử, cũng theo Ngài xuất gia làm Sa di. Sau đó, mỗi người đều thành tựu. Trong đó, người con trai thứ chín hiện giờ chính là A Di Đà Phật, người con trai thứ 16 hiện nay là Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta. Bởi vì 16 vị Vương tử đó thật sự là tiêu bản Sa di, tiêu bản tức là tấm gương. Là gương mẫu Cứu cánh Sa di thật sự của chúng ta. Thời gian hôm nay đã hết rồi, chúng tôi giảng đoạn này đến đây. Cảm ơn mọi người.

 

 ( Hết tập 3)

Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều sanh về Tịnh độ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Trả lời 0