Giảng Ký Tại Gia Luật Yếu Quảng
Đại sư Ngẫu Ích tập hợp chú thích
Tập 003
Giảng giải: Thầy Thích Thiện Trang
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai tỳ-ni nghĩa
Nam Mô Khai Luật Tạng Bồ-tát Ma Ha Tát”.
Nam Mô A Mi Đà Phật!
Kính thưa quý vị đồng tu đang có mặt tại Đạo tràng cũng như quý vị đồng tu đang theo dõi trực tiếp trên mạng xã hội. Chúng ta hôm nay học buổi thứ ba về Giới luật với tựa đề Tại Gia Luật Yếu Quảng Tập của Đại sư Ngẫu Ích. Tác phẩm này khá dày, tổng cộng gần 300 trang chữ Hán. Chúng ta học hôm nay mới đến trang 16, học không biết bao giờ mới xong, nhưng mà học đủ các giới từ căn bản (từ Tam quy cho đến Ngũ giới, Bát quan Trai giới và Bồ-tát giới), rất quan trọng cho nên chúng ta cứ từ từ học. Đây là bộ đầy đủ.
Trong đoạn mở đầu vừa rồi, quý vị thấy chúng ta có niệm bài Khai Kinh Kệ, trong đó có khác một chút. Quý vị lưu ý là khi mình học Giới luật thì thay vì “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa” chúng ta đổi một chút là “Nguyện giải Như Lai Tỳ-ni nghĩa”. Chữ Tỳ-ni có nghĩa là Giới luật và thay vì “Nam mô Khai Kinh Tạng Bồ-tát” mình đổi thành “Nam Mô Khai Luật Tạng Bồ-tát”, chúng ta học về Luật tạng chứ không phải Kinh tạng. Quý vị để ý mỗi lần chúng ta truyền thọ Giới luật đều là đọc như vậy.
Hôm nay chúng ta quay trở lại với bài trước, đang ở mục những câu hỏi mà Đại sư Ngẫu Ích đưa ra. Câu hỏi ngài đưa ra là:
問。但三歸法(尚未受戒。名為但三歸)。可止歸一二否。又此法為復全収六道。為復止許人倫。於人倫中。亦有不應受者否。若受後有犯。云何懺悔。
Vấn: Đãn Tam quy pháp (thượng vị thọ giới, danh vi đãn Tam quy), khả chỉ quy nhất nhị phủ. Hựu thử pháp vi phú toàn thâu Lục đạo, vi phục chỉ hứa nhân luân, ư nhân luân trung, diệc hữu bất ưng thọ giả phủ. Nhược thọ hậu phạm, vân hà sám hối.
Hỏi: Chỉ pháp Tam quy (còn chưa thọ giới, gọi là chỉ Tam quy), thì có thể dừng lại ở quy y một hay hai được không? Thêm nữa Pháp này là bao trùm cả sáu đường, vì sao lại chỉ cho phép loài người, ở trong loài người, cũng có không cho phép hạng người [được] thọ hay không? Nếu thọ rồi sau có phạm, thì làm sao sám hối?
Giải:
#Vấn: là hỏi
#Đãn Tam quy pháp: chỉ có pháp Tam quy, tức là mình chỉ thọ Tam quy thôi.
#thượng vị thọ giới: còn chưa thọ giới,
#danh vi đãn Tam quy: gọi là chỉ Tam quy thôi.
#khả chỉ quy nhất nhị phủ: có thể quy y được một, hai hay không.
Tức là thay vì quy y Tam Bảo chúng ta chỉ quy y Phật bảo, Pháp bảo, không quy y Tăng bảo có được không? Hoặc là Phật bảo không thôi được không?
#Hựu thử pháp vi phú toàn thâu Lục đạo: thêm nữa pháp này bao trùm cả sáu đường: Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh.
#vi phục chỉ hứa nhân luân: vì sao lại chỉ cho phép loài Người thôi.
#ư nhân luân trung: ở trong loài Người.
#diệc hữu bất ưng thọ giả phủ: cũng có điều kiện không cho phép hạng người không được thọ hay không?
#nhược thọ hậu hữu phạm: sau khi thọ rồi mà bị phạm.
#vân hà sám hối: làm sao sám hối.
Đây là một câu hỏi rất đơn giản mà Thiện Trang nghĩ rằng ai là người khao khát học Giới luật, ai là người khao khát cầu giải thoát chắc chắn phải đưa ra.
Ở đây có mấy điều, thứ nhất là nếu mình thọ Tam quy mà bây giờ mình chỉ thọ Nhất quy, Nhị quy được không? Tức là thay vì Tam quy y Phật, Pháp, Tăng thì bây giờ chỉ quy y Phật, quy y Pháp mà không quy y Tăng thì có được hay không?
Thứ hai là pháp Tam quy y và Ngũ giới trùm hết sáu đường Trời, Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh thì tất cả các cõi có được thọ hết không hay chỉ có loài Người? Và trong loài Người thì có điều kiện nào cho những người không được thọ? Và đồng thời, nếu chúng ta thọ rồi mà phạm thì làm sao để sám hối.
Đại sư Ngẫu Ích đáp:
答。佛初成道。為龍王及二商人說法。教令盡未來比邱僧。即唱三歸。今若止歸一二。不名歸也。
Đáp: Phật sơ thành đạo, vị Long Vương cập nhị thương nhân thuyết pháp, giáo linh tận vị lai Tỳ-kheo tăng, tức xướng Tam quy. Kim nhược chỉ quy nhất nhị, bất danh quy dã.
Đáp rằng: Khi đức Phật mới thành đạo, vì Long Vương và hai người thương buôn mà thuyết pháp; Dạy cho Tỳ-kheo tăng đến tận đời vị lai, phát khởi Tam quy. [Nên] nay nếu chỉ dừng ở một quy hoặc hai quy y, thì không gọi là quy y được.
Giải:
#Đáp: Đại sư Ngẫu Ích đáp.
#Phật sơ thành đạo: Phật khi mới thành đạo.
#vị Long Vương cập nhị thương nhân thuyết pháp: Phật vì Long Vương và hai người thương nhân mà thuyết pháp.
Quý vị có thể coi trong kinh, trong Lịch sử khi Phật thành đạo, Phật có thuyết pháp cho Long Vương và có dạy cho hai người thương buôn từ nước Myanmar (Miến Điện). Hai người đó đang đi buôn bán tại Ấn Độ, họ đi ngang qua nơi đức Phật thành đạo (bây giờ gọi là Bồ Đề Đạo tràng), hai người đó thấy được một điều cảnh báo từ trên trời, những người bà con đời trước của họ ở trên trời nói:“Thế gian vừa xuất hiện đức Thế Tôn, đức Phật ra đời, phước báu vô lượng như vậy nếu hai người bà con của mình mà đi ngang qua đây, phải nhờ họ vào cúng dường”. Nên hai người thương buôn đó vào cúng dường Phật. Phật đã truyền thọ Nhị quy là quy y Phật và quy y Pháp. Tại sao không quy y Tăng? Vì đâu có Tăng đâu mà quy y. Và Phật cũng tương tự truyền Nhị quy cho con rồng, con rồng này hộ trì Ngài trong vòng mấy ngày, che cho Ngài khỏi bị mưa. Có hình Phật có con rắn ở trên chính đầu, phủ lên che cho Phật đó. Phật cũng truyền cho Long Vương được điều đó, cho nên vào thời đức Phật tại thế lúc đó là truyền Nhị quy.
Đó là quy y Phật, quy y Pháp vì chưa có Tăng. Sau đó Phật sơ chuyển Pháp Luân tới vườn Nai (vườn Lộc Uyển) thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như. Sau đó, năm anh em đó trở thành Tăng đoàn đầu tiên và từ đó về sau Phật luôn luôn dạy phải Tam quy là quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Và ở đây Đại sư Ngẫu Ích nói là:
#giáo linh tận vị lai Tỳ-kheo tăng, tức xướng Tam quy: dạy cho Tỳ-kheo tăng đến tận đời vị lai, phát khởi Tam quy. Tức là sau này chỉ có truyền Tam quy, không truyền Nhị quy, không truyền Nhất quy.
Cho nên bây giờ có một số người Cư sĩ nói với Hòa thượng Minh Thông: Bạch Hòa thượng, tụi con bây giờ chỉ thọ Nhị quy được không? Chúng con chỉ quy y Phật, quy y Pháp thôi, còn Tăng thời nay không đúng giống như Chánh pháp thì con không thọ. Vậy có được không? Không được! Đây là lời đức Phật nói và ở trong đây Đại sư Ngẫu Ích nói như vậy. Cho nên phải thọ Tam quy.
#Kim nhược chỉ quy nhất nhị, bất danh quy dã: nên nay nếu mà chỉ thọ Nhất quy hoặc Nhị quy thì đều không thành Tam quy.
Như vậy là không được. Đó là câu vấn đáp đầu tiên. Vấn đề thứ nhất là Tam quy phải đầy đủ. Cho nên hôm qua ở đây một số người đã được thọ Tam quy đầy đủ.
Câu hỏi thứ hai:
三歸之法。惟地獄劇苦。不能秉受。設或知歸。便應離苦。其餘五道。總無遮難。若更歸依邪魔外道。名失三歸。後能返邪。亦所聽許。非如受具。復入外道。為重難也。
Tam quy chi pháp, duy Địa ngục kịch khổ, bất năng bỉnh thọ, thiết hoặc tri quy, tiện ưng ly khổ. Kỳ dư ngũ đạo, tổng vô giá nạn, nhược cánh quy y tà ma ngoại đạo, danh thất Tam quy. Hậu năng phản tà, diệc sở thính hứa, phi như thọ cụ, phục nhập ngoại đạo, vi trọng nạn dã.
Pháp Tam quy, chỉ [chúng sanh] Địa ngục quá khổ, [nên] không tuân theo thọ được. Giả sử nếu có thể biết quy y, thì liền được lìa khổ. Năm đường còn lại, đều không có giá nạn. Nếu thay đổi quy y với tà ma ngoại đạo, thì là mất Tam quy. Sau có thể bỏ tà [đạo], cũng được cho phép thọ lại, chẳng giống như thọ [giới] Cụ túc (*Giới Tỳ-kheo), [thọ rồi] lại vào ngoại đạo, thì thành trọng nạn (*không được thọ nữa).
Giải:
#Tam quy chi pháp: pháp Tam quy này.
#duy Địa ngục kịch khổ: chữ #kịch trong kịch liệt. Trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng có chữ “kịch” trong câu “hậu thế chuyển kịch”. Chỉ có (chúng sanh) Địa ngục quá khổ. Chữ “kịch” có nghĩa là rất khổ hay là quá khổ. Pháp Tam quy này chỉ chúng sanh trong Địa ngục quá khổ.
#bất năng bỉnh thọ: cho nên họ không thể nào mà lãnh thọ được, họ không thể nào tuân theo mà thọ được. Tại vì họ đâu có thời gian để mà nghỉ ngơi đâu, lúc nào cũng bị cực hình cực khổ cho nên không thọ được.
Như vậy chỉ có Địa ngục không thọ được, còn các đường khác đều thọ được. Trời, Người, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ đều thọ được Tam quy, chỉ có Địa ngục khổ quá, không có thời gian, không có điều kiện để thọ.
#thiết hoặc tri quy: #thiết là giả sử rằng, có thể biết được quy y.
#tiện ưng ly khổ: thì liền được lìa khổ.
Tức là nếu như ở Địa ngục mà có thể quy y được thì liền lập tức thoát khổ, ra khỏi Địa ngục. Vì sao? Họ đang nằm mơ, chỉ một niệm quy y thôi là tỉnh giấc mơ rồi, ra khỏi Địa ngục. Cho nên quý vị thấy pháp Tam quy giúp chúng sanh (trong) Địa ngục ra khỏi Địa ngục. Vấn đề là lúc đó họ có biết được quy y hay không. Ở đây nói là “thiết hoặc tri quy” tức là giả thiết biết quy y Tam Bảo thì liền ra khỏi sự khổ đó.
#Kỳ dư ngũ đạo: năm con đường khác: Trời, Người, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỷ.
#tổng vô giá nạn: đọc “giá nạn” hay “già nạn” đều được, đọc âm nào cũng được. Tức là tổng quát là không có ngăn cản nào. Nói tóm lại là cả năm đường đều được thọ mà không có điều kiện gì cả.
#nhược cánh quy y tà ma ngoại đạo: nhưng mà nếu thay đổi trở lại, mình đi quy y với tà ma ngoại đạo. Tức là mình thọ Tam quy rồi mà bây giờ đi quy y với tà ma ngoại đạo nữa. Giống như hôm qua quý vị đã phát nguyện: trọn đời con quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi thì sẽ không quy y thiên thần, quỷ vật, cô hồn, ác đảng, tà giáo ngoại đạo đều không quy y. Nhiều người không biết, họ đi học năng lượng gốc, quy y với vị thầy nào đó thì đó là rớt vào điều này, quy y với tà ma ngoại đạo.
#danh thất Tam quy: gọi là mất Tam quy.
Quý vị nhớ nha, lần trước Thiện Trang có cảnh báo cho nhiều đồng tu, họ không biết nên họ đi mở luân xa v.v… Ở đây Đại sư Ngẫu Ích gọi là mất Tam quy. Coi như mình quy y Tam Bảo lúc trước bay mất, không còn nữa.
#Hậu năng phản tà: sau này có thể quay trở lại, tức là bỏ điều tà đó mình quay lại thì có được không?
#diệc sở thính hứa: thì cũng có thể cho phép thọ lại.
Tức là những người lỡ họ đã mất Tam quy, họ đi tu theo Năng lượng gốc, tu theo các pháp của ngoại đạo hoặc là quý vị đi qua Thiên Chúa v.v… thì mất Tam quy rồi nhưng nếu quý vị quay trở lại, được thọ lại. Cho nên nói để những người nào mà lỡ tu những pháp (ngoại đạo) đó, trước quy y rồi mà bây giờ mình đi theo ngoại đạo mất rồi, mà bây giờ mình quay trở lại thì được quy y lần nữa.
Ở đây mở rộng ra thì nên nhớ nếu quay trở lại rồi, Đại sư Ngẫu Ích có nói thêm một phần cao hơn:
#phi như thọ cụ: chẳng phải giống như là thọ Cụ Túc giới, tức là giới Tỳ-kheo mà quý vị thọ rồi.
#phục nhập ngoại đạo: mà lại đi vào ngoại đạo.
#vi trọng nạn dã: thì trở thành trọng nạn.
Ở đây nói là khác với giới Tỳ-kheo. Ai mà thọ giới Tỳ-kheo rồi, ví dụ như Thiện Trang với thầy Thiện Luận thọ rồi mà bây giờ bỏ đi theo ngoại đạo thì trở thành trọng nạn. Trọng nạn thì sau này giả sử trở lại đi xuất gia lại, tới lúc thọ giới có một già nạn ngăn lại. Nói rằng: đã từng phá nội ngoại đạo chưa? Tức là trước mình đã ở trong Phật giáo rồi mà lại đi theo Tôn giáo khác, tức là phá nội giáo, phá Phật pháp mình. Sau khi bỏ giáo pháp đó quay lại Phật giáo gọi là phá ngoại đạo. Thì người đó không được thọ Tỳ-kheo nữa.
Một trong nhiều già nạn là không được phá nội, ngoại đạo. Tức là mình từ bên ngoài mình xuất gia được, nhưng mà đã xuất gia rồi, đã thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni rồi mà đi ra lại ngoại đạo thì quay trở lại không được thọ Tỳ-kheo nữa, mất luôn.
Nhưng ở đây nói, Tam quy thì được, quý vị đi vòng qua vòng lại cũng được, không sao hết. Cứ hết bên Phật rồi qua bên Tôn giáo khác rồi quay lại thọ Tam quy cũng được, không có điều kiện này. Cho nên ngài Đại sư Ngẫu Ích mới ghi là “phi như thọ cụ” tức là chẳng giống như thọ Cụ túc giới (giới Tỳ-kheo). Cho nên quý vị thấy là Tam quy y dễ hơn, nhưng với Tỳ-kheo thì không đơn giản, cần cao hơn.
Tạm dịch: Pháp Tam quy, chỉ [chúng sanh] Địa ngục quá khổ, [nên] không tuân theo thọ được. Giả sử nếu có thể biết quy y, thì liền được lìa khổ. (Điều này giống như trong Kinh Vô Lượng Thọ, chỉ cần chúng sanh chạm được quang minh của đức Phật A Mi Đà thì họ được dừng khổ, mạng chung liền được giải thoát. Ở đây cũng tương tự như thế, nếu ở trong Địa ngục mà giả sử được biết quy y thì họ sẽ liền lìa được khổ, ra khỏi Địa ngục). Năm đường còn lại, đều không có giá nạn. Nếu thay đổi quy y với tà ma ngoại đạo, thì là mất Tam quy. Sau có thể bỏ tà [đạo], cũng được cho phép thọ lại, chẳng giống như thọ [giới] Cụ túc (*Giới Tỳ-kheo), [thọ rồi] lại vào ngoại đạo, thì thành trọng nạn (*không được thọ nữa).
Quý vị hiểu, giới Tỳ-kheo là có điều kiện, Tỳ-kheo là chúng trung tôn cho nên khác. Đó là vấn đề thứ nhất. Ở đây nói Tam quy y thì không có vấn đề gì, còn Ngũ giới thì mới có vấn đề. Tại sao cảnh giới người mới được thọ còn những cảnh giới kia không được thọ. Đằng sau Đại sư Ngẫu Ích có đưa ra tại sao, ở đây chúng ta cứ tạm thời đi theo mục này đã, nếu còn thời gian chúng ta sẽ nói tiếp. Chúng ta nói xong Tam quy rồi mới nói đến Ngũ giới.
Câu hỏi tiếp theo Đại sư Ngẫu Ích đưa ra:
問。受但三歸。得無作戒否。倘或殺盜婬妄。為破戒否。
Vấn: Thọ đãn Tam quy, đắc Vô tác giới phủ? Thảng hoặc sát đạo dâm vọng, vi Phá giới phủ?
Hỏi: Chỉ thọ Tam quy, có đắc Vô tác giới thể không? Nếu như phạm sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, thì có bị phá giới không?
Giải:
#Vấn: câu hỏi tiếp theo Đại sư Ngẫu Ích đưa ra.
#Thọ đãn Tam quy: chỉ thọ Tam quy.
#đắc Vô tác giới phủ?: thì có đắc được Vô tác giới thể không?
Vô tác giới thể là một năng lượng nhập vô, chúng ta nói là một ấn tượng rất mạnh vào A-lại-da thức. Ấn tượng ghi nhớ tạo ra một sức mạnh gọi là “nhậm vận hành thiện, phòng phi chỉ ác” tức là nó có thể âm thầm vận động để giữ cho chúng ta làm việc thiện và ngăn ngừa chúng ta làm điều ác.
Điều này rất quan trọng đối với người tu hành, bởi vì thường chúng ta không đắc giới khi thọ giới thì sức mạnh này yếu, cho nên quý vị không giữ giới tốt được. Vì tập khí phiền não mình quen rồi, thấy con muỗi bay bay là mình giết ngay nó. Nhưng nếu quý vị thọ giới, quý vị đắc được Vô tác giới thể rồi thì bình thường con muỗi bay qua như vậy, mình định đưa tay ra thì tự nhiên Vô tác giới thể phát hiện ra, điều đó phát ra thông tin rất nhanh, mình biết mình đã thọ giới rồi cho nên không được sát sanh.
Còn trường hợp quý vị quên, ví dụ có một vị ở trong chùa hẹn hò với một cô đó. Buổi tối hai người nhắn tin nhau đi ra chỗ vắng, chuẩn bị làm chuyện dâm dục nam nữ thì vị đó thấy đằng trước có tượng Quán Thế Âm Bồ-tát. Thấy tượng thì chợt nhớ là ở nơi nào có thờ tượng Phật thì không được làm chuyện đó. Cho nên giật mình, sợ quá chạy vì lúc đó thấy ánh hào quang chiếu nữa nên chạy. Sáng hôm sau ra chỗ đó không thấy có tượng Quán Thế Âm Bồ-tát nào cả. Đó là Vô tác giới thể phát huy tác dụng sẽ cảm ứng được Phật Bồ-tát gia trì.
Hòa thượng Minh Thông nói trong Luật nếu như hai người muốn hành dâm, nhưng có một người đắc giới thể mà lúc đó vừa đóng cửa một thì có thể bên ngoài tự nhiên có người gõ cửa cộc cộc hoặc là có người đi đến, cho nên sẽ ngăn lại. Đó là tác dụng của Vô tác giới thể, giống như mình lái xe trên đường, mình thấy cái gì là mình đạp thắng ngay hoặc là lách ngay, phản xạ một cách tự nhiên. Cho nên đắc Vô tác giới thể thì mới thực sự hiệu quả.
Nếu như mình không đắc Vô tác giới thể thì coi như mình thọ giới không đắc giới. Không đắc giới thì cả đời mình tu chỉ là phước đức, không phải công đức[1]. Quý vị hiểu phước đức và công đức khác nhau rồi đúng không? Phước đức giúp cho mình hưởng phước báu trời người (ở trong cõi người, cõi trời) còn công đức thì giúp ra khỏi sanh tử luân hồi, tạo được quả báo vô lậu, giải thoát. Cho nên việc thọ Tam quy cũng rất quan trọng.
Ở đây Đại sư Ngẫu Ích đưa ra câu hỏi, như vậy nếu chỉ thọ Tam quy thôi có đắc Vô tác giới thể hay không? Đoạn trên chúng ta học là nếu mà thọ Tam quy xong thì liền phát Vô tác giới thể vì chúng ta thọ Ngũ giới nữa, thậm chí các giới Tỳ-kheo v.v… thọ Tam quy xong đều đắc được giới thể, vậy có phải như vậy hay không?
#Thảng hoặc sát đạo dâm vọng: nếu như phạm vào những tội: sát sanh, trộm cướp, dâm dục (tà dâm), vọng ngữ.
#vi phá giới phủ?: thì có phải phá giới hay không?
Ở đây nói người chỉ thọ Tam quy thôi, họ không thọ Ngũ giới thì thứ nhất họ có đắc được giới thể hay không? Thứ hai là nếu như họ bị phạm những tội như sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vậy họ có bị tính là phá giới hay không? Vì họ không thọ Ngũ giới.
Đại sư Ngẫu Ích trả lời:
答。受五戒八戒十戒者。說三歸時。即云盡壽為優婆塞。一日一夜為淨行優婆塞。隨如來出家等。故發無作也。今受但三歸者。本不受戒。自無所發。既未發戒。亦無破戒之罪。然有世間性罪也。
Đáp: Thọ Ngũ giới Bát giới Thập giới giả, thuyết Tam quy thời, tức vân tận thọ vi Ưu-bà-tắc, nhất nhật nhất dạ vi Tịnh hạnh Ưu-bà-tắc. Tùy Như Lai xuất gia đẳng, cố phát Vô tác giới thể dã. Kim thọ đãn Tam quy giả, bổn bất thọ giới, tự vô sở phát, ký vị phát giới, diệc vô phá giới chi tội, nhiên hữu thế gian tánh tội dã.
Đáp rằng: Người thọ Ngũ giới, Tám giới, Mười giới, thì khi thuyết Tam quy, liền gọi là trọn cả đời làm Ưu-bà-tắc, một ngày một đêm làm Tịnh hạnh Ưu-bà-tắc, theo đức Như Lai xuất gia v.v.. cho nên [đã] phát Vô tác giới thể. Nay người chỉ thọ Tam quy, vốn không thọ giới, [thì] đương nhiên không có được phát [Vô tác giới thể], đã chưa phát Giới thể, thì cũng không có tội của phá giới, nhưng có tánh tội của thế gian.
Giải:
#Đáp: trả lời.
#Thọ Ngũ giới Bát giới Thập giới giả: người thọ Năm giới, Tám giới hay Mười giới.
#thuyết Tam quy thời: khi mà thuyết pháp Tam quy.
#tức vân tận thọ vi Ưu-bà-tắc: liền gọi là trọn cả đời làm Ưu-bà-tắc. Tức là Cận sự nam hay Cận sự nữ, là một người Cư sĩ nam hay Cư sĩ nữ. Dù Năm giới, Tám giới hay Mười giới thì chỉ cần quy y như vậy.
Giống như sáng nay, chúng ta truyền thọ Bát Quan Trai giới, sau khi chúng ta truyền Tam quy: Quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi thì lúc đó quý vị trở thành Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi. Cả đời quý vị được rồi, chứ không phải tới Tam quy kia mới được.
#nhất nhật nhất dạ vi Tịnh hạnh Ưu-bà-tắc: nếu quý vị thọ Bát Quan Trai giới thì một ngày một đêm quý vị trở thành Tịnh hạnh Ưu-bà-tắc.
Nếu quý vị thọ Ngũ giới thì quý vị trọn đời là Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di rồi. Bát Quan Trai giới thì một ngày một đêm thôi.
#Tùy Như Lai xuất gia đẳng: theo đức Như Lai xuất gia.
#cố phát Vô tác giới thể dã: cho nên liền phát được Vô tác giới thể.
Tức là lúc đó phát được Vô tác giới thể rồi chứ không phải lúc sau truyền từng giới một, hỏi quý vị có nhận hay không. Thực ra nếu quý vị phát tâm ngay từ đầu thì mới thọ Tam quy xong là đã có Vô tác giới thể rồi.
#Kim thọ đãn Tam quy giả: những người mà chỉ thọ Tam quy thôi thì sao, họ không phát nguyện thọ Ngũ giới thì có được Vô tác giới thể hay không? Tại vì vừa nói những giới kia mới nói tới Tam quy là họ được Vô tác giới thể rồi. Vậy tôi thọ Tam quy xong tôi cũng phải được giới thể chứ? Có phải như vậy không?
#bổn bất thọ giới: vốn là không thọ giới.
#tự vô sở phát: thì tất nhiên là không được phát Vô tác giới thể.
Tại vì quý vị đâu có phát tâm thọ giới đâu, cho nên thọ Tam quy xong mình không được giới thể. Còn người ta phát tâm thọ giới thì thọ Tam quy xong là họ được Vô tác giới thể.
Giới thể có ba điều kiện. Nói theo trong Luật Tỳ-kheo thì điều kiện thứ nhất là Đạo tràng trang nghiêm, điều kiện thứ hai là Giới sư thanh tịnh và điều kiện thứ ba là Giới tử chí thành.
Đạo tràng trang nghiêm thì thường mình ở một mình không có trang nghiêm, nhưng mà Đạo tràng chúng đông đông như thế này thì mình thọ cũng thấy trang nghiêm. Quý vị thấy đông người, rồi quý thầy mặc đồ trang nghiêm, nhìn thấy tướng như vậy thì quý vị cảm động. Đó là một yếu tố để có thể đắc giới.
Yếu tố thứ hai “Giới sư thanh tịnh” ở đây nói trên tướng, tức là mình phải tin tưởng những vị thầy đó. Chứ mình không tin tưởng rồi nhìn thấy thầy này tu không ra hồn gì hết thì như vậy chắc không đắc giới được rồi.
Thứ ba là Giới tử chí thành, tức là những người đi thọ giới thì phải có lòng chí thành khát ngưỡng. Chứ nếu mình lơ lơ, mình kêu thôi kệ, thọ cho có thì không đắc giới. Cho nên ba yếu tố đó giúp mình đắc giới, muốn đắc giới thể cần có ba yếu tố đó.
Cho nên Thiện Trang mới nói, tuy Tam quy Ngũ giới rất đơn giản nhưng nên làm một cách trang nghiêm nhất, làm sao bài bản quy củ để người ta đạt được ba điều kiện đó: Đạo tràng trang nghiêm, Giới sư thanh tịnh và Giới tử chí thành. Giới trường hay là Đạo tràng phải trang nghiêm. Cho nên làm được như vậy thì mới được, chứ không phải tự nhiên bảo thưa thầy con muốn quy y, rồi dẫn vô chỗ nào đó, phòng nào đó quy y thì không được trang nghiêm, không đủ ba điều kiện đó.
Cho nên mấy người không biết, người ta không học Giới luật thì người ta mới làm như vậy. Quý vị nên biết, làm vậy không đắc giới, không đúng pháp, trong Giới luật rõ ràng. Làm gì cũng phải đúng như vậy, chứ không phải đi ngoài sân chùa tới thưa thầy, thầy cho con quy y, xong đọc Tam quy sao mà được. Đọc Tam quy như thế cũng được nhưng mà khả năng đắc giới thể thấp, trừ khi người ta chí thành, lúc đó ở giữa sân cũng quán Đạo tràng trang nghiêm, Giới trường trang nghiêm, tức là lòng thành kính người ta phải lớn, như thế mới được. Nói như vậy có nghĩa là điều kiện tốt nhất mà mình có thể tạo cho người ta.
Còn trong trường hợp chúng ta truyền Tam quy cho các loài khác, ví dụ như đi phóng sanh thì đâu có thể trang nghiêm, mình kiếm chỗ nào đó mình đọc Tam quy rồi niệm Phật phóng sanh cho con cá, chim v.v… như vậy cũng trang nghiêm rồi, chứ biết tìm chỗ nào nữa, phải tùy điều kiện. Nhưng đối với loài người chúng ta nếu có điều kiện hãy tổ chức một lễ Tam quy cho đàng hoàng. Thực ra phước báu lớn lắm mới được quy y, đâu dễ đâu!
Quý vị thấy có nhiều đồng tu cả đời tìm mãi không có cơ hội quy y. Có nhiều vị đồng tu trên mạng cứ nhắn tin hỏi Thiện Trang: Thầy ơi! Thầy có truyền Tam quy không? Thiện Trang nói nơi nào có chùa thì quý vị tìm tới để mà thọ Tam quy Ngũ giới, có gì đâu. Nhưng có nhiều người nói chỗ con không có chùa, không có thì đi nơi khác, mà cũng khó nhưng rõ ràng là không dễ vì các chùa lâu lâu mới tổ chức một lần. Quý vị hôm qua ở đây được thọ Tam quy Ngũ giới đâu có dễ. Bây giờ có đồng tu nào lên bảo nhờ Thiện Trang hay thầy Thiện Luận làm lại, đâu có làm đâu. Phải lâu lắm nữa mới có một dịp như thế. Phải đợi dịp nào đó khoá tu đông người v.v… đầy đủ, lỡ không đủ người cũng không làm được. Có nhiều yếu tố lắm, cho nên đâu phải đơn giản, đó là phước báu nhiều đời nhiều kiếp mình gieo trồng thì mình mới được thọ, cho nên chúng ta phải dùng tâm chí thành mà lãnh thọ. Vì pháp Tam quy này tuy nói đơn giản, quy y Phật rồi thì không đoạ Địa ngục, quy y Pháp rồi không đoạ Ngạ quỷ, quy y Tăng rồi không đọa Súc sanh. Nghe nói đã vậy thôi về nhà cứ tạo nghiệp, rồi cũng đọa thôi nha! Mình quy y thật sự chứ không phải chỉ nói vậy. Đó mới chỉ là bước đầu mình đi trên con đường chánh, từ con đường chánh đó mà đi tiếp thì mình sẽ không rớt xuống hầm hố, không rớt vào ngõ cụt. Còn nếu như mình đi một hồi đổi đường, mình không theo con đường đó nữa, tức là không giữ giới, không làm lành v.v… thì cuối cùng mình rớt xuống hố ráng chịu vì mình đi đường khác mà.
Tam quy giống như bản đồ chỉ đường, chỉ cho quý vị đi con đường đó, quý vị chịu khó đi đi, đi tới nơi thì chắc chắn không đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nếu như mình đi giữa đường mình hối hận không làm nữa thì mình đi lạc qua đường khác, thì vẫn bị đọa như thường. Như vậy ở đây trả lời vấn đề: nếu như chỉ thọ Tam quy thì không có Vô tác giới thể.
Đây là một điều mà đồng tu Tịnh Độ nên chú ý, vì có rất nhiều đồng tu có tư tưởng rằng thôi con sợ thọ giới nên con chỉ thọ Tam quy thôi. Quý vị sợ như vậy thì cuối cùng quý vị không được Vô tác giới thể. Rất nhiều đồng tu bây giờ có ý định nói như thế, không có Vô tác giới thể thì đó là điều rất tiếc, cuối cùng mình tu chỉ được phước báu nhân thiên mà thôi, không phải là công đức vô lậu xuất thế gian. Cho nên điều gì chúng ta phải học, dù đời nay việc giữ giới rất khó, đặc biệt bây giờ hoàn cảnh ở Việt Nam giữ Ngũ giới cũng khó nữa, nhưng Thiện Trang thấy ở bên châu Âu dễ hơn, chúng ta có thể giữ được, quy y được, giữ giới được, cho nên quý vị cố gắng, ở bên này dễ hơn những nơi khác nên hãy cố gắng giữ. Đây là công đức, phước báu rất lớn. Quý vị thấy sáng nay chúng ta truyền Bát Quan Trai giới, nhờ tu một ngày một đêm này mà công đức này có thể siêu vượt Tam giới lên đến giải thoát. Tu một ngày một đêm mà nhân lành, quả báo thù thắng như vậy, vậy mà sao mình không cố giữ.
#ký vị phát giới, diệc vô phá giới chi tội: đã chưa phát Vô tác giới thể, thì cũng không có tội của phá giới.
Ở trên này đưa ra câu hỏi chỉ thọ Tam quy thôi mà phạm: sát, đạo, dâm có gọi là tội phá giới hay không? Ở đây ngài Đại sư Ngẫu Ích nói quý vị có thọ đâu, đâu phát Vô tác giới thể đâu, chưa phát Vô tác giới thể thì cũng không có tội phá giới.
Nói ra rõ hơn là có một trường hợp nữa thọ rồi nhưng mà không đắc giới, họ không đắc Vô tác giới thể thì cũng không phá giới, nhưng có tội.
#nhiên hữu thế gian tánh tội dã: nhưng có tánh tội của thế gian.
Tức là mình có tánh tội nhân quả phải trả nợ. Giết chúng sanh một mạng là tánh tội. Trộm cắp tài sản của chúng sanh là tánh tội. Đó là tội rồi, nếu như thọ giới thêm một tội nữa là tội phá giới nữa là hai tội. Người đời hay người thọ giới rồi nhưng không đắc Vô tác giới thể, hoặc người chỉ thọ Tam quy, người ta đâu có thọ giới đâu, nếu người ta sát sanh thì chỉ có một tội là tánh tội, còn mình thêm tội nữa là tội phá giới nữa.
Tội phá giới thì Thiện Trang chưa xem được như thế nào, nhưng đều xếp vào các tứ chúng, các chúng khác thì đều xếp vào tội Đột-kiết-la cả. Đột-kiết-la thì đọa Địa ngục, tuổi thọ bằng tầng trời Tứ Thiên Vương. Quý vị tính thử xem, một tội phá giới nhẹ nhất đối với các chúng bình thường là Đột-kiết-la thôi. Đối với chúng Tỳ-kheo chia ra làm sáu mức, cao nhất là tội Ba-la-di là đọa Địa ngục có tuổi thọ bằng tầng trời Tha Hoá Tự Tại Thiên. Tức là Ma Vương sống bao lâu thì mình ở Địa ngục bấy lâu. Người ta sống trên đó sung sướng vô cùng, còn mình thì sống ở dưới Địa ngục chịu khổ vô cùng.
Cho nên Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni phá giới trọng là sợ vô cùng, sẽ bị đọa cỡ đó. Kế tiếp theo tuổi thọ bằng tầng trời thứ năm, rồi xuống xuống dần đến thiên kế tiếp, thiên nhẹ nhất mới tương đương với quý vị. Cho nên tính ra chúng tôi tội đầy trời, áp lực của người thọ Đại giới, Cụ túc giới nhiều. Tuy nhiên hồi xưa nghe vậy là sợ chạy mất dép, hết muốn thọ luôn. Nhưng sau khi học Giới luật rồi thì thấy cũng không đến nỗi sợ tới mức độ đó vì thật ra trọng giới là bốn giới Ba-la-di khó phạm chứ không dễ phạm.
Như Tỳ-kheo không dâm dục thì tất nhiên là phải giữ được rồi, thứ hai là không trộm cắp giống như Thiện Trang hôm qua nói là bị tội tử hình, bị người ta tử hình hoặc bị chung thân thì mình không đến nỗi trộm cắp đến mức độ đó. Thứ ba là không giết người, phá thai và tợ thai, không có phạm vì đi xuất gia rồi làm gì mà còn giết người nữa, phá thai, tợ thai, đâu có đâu.
Đệ tử của Hòa thượng Minh Thông là thầy Thích Thiện Chơn có đưa ra một ví dụ: Vị Tỳ-kheo-ni đó mang thai và muốn giấu cái thai đó nên phá thai vậy Vị Tỳ-kheo-ni đó có mang tội Ba-la-di giết người không quý vị? Không có! Vì Tỳ-kheo-ni đó mang thai là đã phạm tội dâm dục trước rồi, mất giới đầu tiên rồi, mất luôn Tỳ-kheo-ni rồi, vẫn đọa Địa ngục bằng tuổi thọ tầng trời thứ sáu nhưng tội thuộc về tội dâm dục, chứ không phải tội giết người. Còn tội giết người là lúc đó cô trở thành một người bình thường rồi, nếu như hồi xưa cô ấy trở thành Cư sĩ lại thì lúc đó cô trở thành Ưu-bà-di thôi, lúc đó cô phạm tội sát, là tội giết người của Ngũ giới. Nhưng thật ra phạm tội dâm là phạm luôn tà dâm, mất luôn Ngũ giới rồi, trở thành người bình thường cho nên cô chỉ phạm tánh tội giết người mà thôi. Trong Giới luật nói nhiều câu chuyện vui lắm, nhiều khi tội đó mình kết án gọi là luật sư, mình đi kết án nhầm, mình phạm tội kia mà đưa qua tội này là sai tội. Mình phải đưa cho người ta đúng tội chứ không được sai tội.
Tạm dịch: Đáp rằng: Người thọ Ngũ giới, Tám giới, Mười giới, thì khi thuyết Tam quy, liền gọi là trọn cả đời làm Ưu-bà-tắc, một ngày một đêm làm Tịnh hạnh Ưu-bà-tắc.
Giống như quý vị hôm bữa đầu tiên, ở đây có làm lễ truyền Bát Quan Trai giới, có mấy vị như cô Châm v.v… chưa hề thọ Tam quy, thì thật ra ngày đó là được một ngày một đêm làm tịnh hạnh Ưu-bà-di rồi, được một ngày một đêm rồi. Thì thật ra là được quy y, tính ra được lời thêm một ngày nữa rồi, tức là cũng được một ngày nữa là tịnh hạnh Ưu-bà-di.
#theo đức Như Lai xuất gia: ở đây nói mười giới, tức là giới Sa-di, khi xuất gia thì mười giới Sa-di.
Theo đức Như Lai xuất gia v.v… cho nên [đã] phát Vô tác giới thể. Nay người chỉ thọ Tam quy, vốn không thọ giới, [thì] đương nhiên không có được phát [Vô tác giới thể], đã chưa phát Giới thể, thì cũng không có tội của phá giới, nhưng có tánh tội của thế gian.
Như vậy điều này mình phải để ý cho kĩ để mình giải thích cho người ta, chứ sau này còn có già nạn khi thọ giới nữa. Có nhiều người thế này: Thưa thầy, bây giờ con muốn đi xuất gia nhưng mà hồi xưa con lỡ phạm tánh tội rồi, ví dụ như con đã phạm Ngũ giới rồi mà con phạm vô giới dâm dục, vậy thì con đâu có được thọ, xuất gia cũng đâu đắc giới đâu đúng không v.v… Thiện Trang mới hỏi lại, vậy thọ Ngũ giới khi nào? Người ta nói, con thọ lúc nhỏ, mẹ con ghi tên lên chùa rồi con có Chứng điệp Quy y, con đem về nên được thọ từ đó rồi. Thiện Trang nói ‘thọ đó không như pháp, không đúng, mình thọ phải là mình có mặt tại hiện trường’, và quý vị thấy cách thọ giới hôm qua, lễ rất rõ ràng, từ 11 tuổi trở lên mới được thọ Ngũ giới, nếu dưới 11 tuổi mà thọ là cũng không được. Cho nên những điều kiện mà phải đắc giới nữa, rồi đắc Vô tác giới thể thì mới bị là phá giới. Phá giới rồi thì sau này xuất gia không được vì phá một giới đó rồi thì sau này thọ tất cả giới khác không đắc. Vì phá giới tà dâm là mất hết các giới khác, như vậy người đó chỉ phạm tánh tội, chưa có phạm tội phá giới. Vì vậy bây giờ họ đi xuất gia được, thọ giới thậm chí đi thọ Tam quy lại không sao, đó là hên, chỉ mới phạm thế gian, để ý điều đó.
Nhưng có một trường hợp sau này chúng ta học, đó là nếu như người tuy là chưa thọ giới, quý vị là người bình thường ở thế gian thôi, nhưng quý vị phá tịnh hạnh của người ta, làm cho người ta mất tịnh hạnh, tức phá giới dâm của người ta, đối với hai trường hợp: một là phá giới dâm của các chúng của người xuất gia, hai là phá giới dâm của người thọ Bát Quan Trai giới trong một ngày một đêm. Nếu mà phạm vào đó thì người đó sau này thọ tất cả các giới không đắc, họ rớt vào trọng nạn chướng tội, không đắc giới nữa. Có nghĩa là họ thọ giới trọn đời không đắc, quý vị cần lưu ý chỗ này. Cho nên Thiện Trang nói điều này để những người Cư sĩ tại gia, quý vị ngày nào đã thọ giới Bát Quan Trai thì quý vị phải giữ cho tốt, tránh đừng để những người thân của mình, chồng vợ mình phạm tội đó thì tội họ, sau này tội đó rất nặng, tội phá tịnh hạnh của người là rất nặng, cho dù họ chưa thọ giới, sau này họ cũng vướng vào già nạn không được thọ nữa, đó là chúng ta hiểu sơ sơ qua.
次受五戒法
Thứ thọ Ngũ giới pháp
Tạm dịch: Tiếp theo [nói về] Cách thọ Ngũ giới.
Ở đây chúng ta thọ hôm qua rồi, nay chúng ta mới học cách thọ.
(律中受五戒者。皆是向師自說。非從師受。亦無問遮難事。優婆塞戒經。自是大乘一途。宣公雖引用之。今似不宜竄入。
(Luật trung thọ Ngũ giới giả, giai thị hướng sư tự thuyết, phi tùng sư thọ, diệc vô vấn già nạn sự. Ưu Bà Tắc Giới Kinh, tự thị Đại thừa nhất đồ, Tuyên công tuy dẫn dụng chi, kim tự bất nghi thoán nhập.
Tạm dịch: Theo trong Luật [thì] người thọ Ngũ giới, đều là hướng thầy tự nói, chẳng phải từ thầy [nói để] thọ. Cũng không có việc vấn già nạn. Kinh Ưu Bà Tắc Giới, vốn là thuộc đường lối Đại thừa, ngài Đạo Tuyên tuy dẫn dụng Kinh ấy, nhưng [ở] đây hình như có vẻ không nên đưa vào.
Giải:
#Luật trung thọ Ngũ giới giả: theo trong Luật thì người thọ Ngũ giới.
#giai thị hướng sư tự thuyết: đều là hướng về thầy mà tự nói. Quý vị để ý chúng ta truyền thọ thật ra sợ quý vị nói không được, nên phải có người dẫn, trong cách truyền giới ở đây ví dụ như quyển này là của Hòa thượng Thích Thiện Hoa soạn. Chúng tôi căn cứ theo quyển này để truyền, quý vị thấy lúc nào cũng có người dẫn. Thầy Thiện Luận bảo quý vị nói theo tôi. Cho nên thọ giới là phải tự mình nói, chứ không phải thầy nói, nhưng tại vì quý vị không biết nên phải có người dẫn để nói theo. Vì đắc giới hay không là do mình, phải tự nói, theo trong Luật thì người thọ Ngũ giới đều phải hướng thầy mà tự nói.
#phi tùng sư thọ: không phải từ thầy nói để mà thọ, không phải thầy nói tôi truyền xong rồi là được, mà phải để quý vị tự nói ra: con nay pháp danh là… trọn đời con Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng, mà trước khi Quy y phải sám hối v.v…
#diệc vô vấn già nạn sự hay diệc vô vấn giả nạn sự: cũng không hỏi việc già nạn. Tức trong bản này quý vị thấy hoàn toàn không nói về già nạn, nhưng thật ra có già nạn.
#Ưu Bà Tắc Giới Kinh: là Kinh Ưu Bà Tắc Giới.
#tự thi Đại thừa nhất đồ: tức là bộ Kinh đó thật ra thuộc về đường lối của Đại thừa, chứ không phải Ngũ giới này là việc của Thanh văn.
#Tuyên công tuy dẫn dụng chi: #Tuyên công là ngài Luật sư Đạo Tuyên. Hôm qua chúng ta có kể câu chuyện về Luật sư Đạo Tuyên trên núi Chung Nam, ngài là Sơ tổ của Luật tông Trung Hoa, ngài có làm những bộ luật và bộ luật của ngài là Nam Sơn Tam Bộ Đại Luật tức là ba bộ luật lớn của ngài Nam Sơn ở trên núi Chung Nam của ngài Luật sư Đạo Tuyên. Ngài tuy dẫn dụng đó, chữ chi 之là đại từ thay thế cho Kinh Ưu Bà Tắc Giới, ngài tuy là dẫn như thế.
#kim tự bất nghi thoán nhập: nhưng mà ở đây hình như có vẻ không nên đưa vào, có nghĩa là Đại sư Luật sư Đạo Tuyên, ngài dẫn Kinh Ưu Bà Tắc Giới để ngài đưa ra cách thọ giới, trong đó có đưa ra vấn nạn nhưng Luật sư Đạo Tuyên không nên đưa vào. Đại sư Ngẫu Ích nói ở đây hình như có vẻ không nên đưa vào, tại vì mới đầu mà đưa vào rắc rối quá, thật ra già nạn này cũng không cần thiết lắm cho nên không đưa vào. Chúng ta thấy hôm qua truyền cũng không có đưa ra, không có vấn, vấn rồi hỏi quý vị rối tung lên. Sẵn đây Thiện Trang xin nói già nạn, ở đằng sau có nói, từ từ chúng ta sẽ học.
蓋重難輕遮。惟出家戒須問。以僧寶體尊。故加慎重。若五戒便先致問。則出家受具。何必又問耶。
Cái trọng nạn khinh già, duy xuất gia giới tu vấn, dĩ Tăng Bảo thể tôn, cố gia thận trọng. Nhược Ngũ giới tiện tiên chí vấn, tắc xuất gia thọ cụ, hà tất hựu vấn da?
Tạm dịch: Về trọng nạn và khinh già, chỉ giới xuất gia mới phải hỏi, vì sự tôn quý của thể Tăng Bảo, nên càng phải thận trọng. Nếu [mới] Ngũ giới mà liền đưa ra hỏi trước, thì [khi] xuất gia hay thọ giới Cụ túc, cần gì hỏi lại nữa?
Giải:
#Cái trọng nạn khinh già: về trọng nạn khinh nạn và già nạn. Tức là có hai loại nạn: dạng nặng, dạng khinh(già), tức là trọng nạn và khinh già là hai loại. Nếu chia ra, trọng nạn dính vô là khỏi thọ giới luôn, còn khinh già là nạn đó nhẹ, tạm thời ngưng lại, giống như ở thế gian quý vị có phạm hai tội, một là tội nặng quý vị bị bắt đi luôn, lệnh tới bắt ngay, đó gọi là trọng nạn. Còn tội nhẹ là quý vị cấm xuất cảnh hoặc cấm ra khỏi địa phương gọi là khinh già. Cũng vậy trong giới luật cũng có hai loại, một là trọng nạn, hai là khinh già.
#duy xuất gia giới tu vấn: chỉ có giới xuất gia thì cần phải hỏi, mới hỏi thôi, còn giới tại gia không cần hỏi.
#dĩ Tăng Bảo thể tôn: tức bởi vì sự tôn quý của thể Tăng Bảo, tức người xuất gia là quan trọng mà tốt lành, cho nên mới hỏi kỹ càng, chứ còn người tại gia thì thôi kệ, không quan trọng lắm. Làm Cư sĩ lỡ quý vị không đắc giới cũng đâu có sao, vấn đề vướng trọng nạn quý vị cũng không biết cũng không sao, cho nên lơ qua.
#cố gia thận trọng: cho nên càng phải thêm thận trọng, tức là đối với người xuất gia thì phải thận trọng, phải tuyển cho kỹ, cho đúng, chứ sai một cái thì họ vô đó, họ phá đạo.
#Nhược Ngũ giới tiện tiên chí vấn: nếu mà mới Ngũ giới mà liền đưa ra hỏi trước.
#tắc xuất gia thọ cụ: thì khi đến lúc xuất gia thọ Cụ túc giới, tức là giới Tỳ-kheo.
#hà tất hựu vấn da: hà tất là cần gì phải hỏi lại nữa? Chữ da 耶 là câu hỏi thôi. Tức là ở đây Đại sư Ngẫu Ích nói rằng nếu mà mình hỏi lúc khi mới thọ Năm giới rồi, vậy thì cần gì đến khi thọ giới Cụ túc hỏi làm chi nữa. Vậy thì ở đây ý nói là chỉ đến thọ giới Cụ túc mới hỏi thôi, còn lúc đầu khỏi hỏi cũng được không sao, ý nói như vậy.
Tạm dịch: Về trọng nạn và khinh già, chỉ giới xuất gia mới phải hỏi, vì sự tôn quý của thể Tăng Bảo, nên càng phải thận trọng. Nếu [mới] Ngũ giới mà liền đưa ra hỏi trước, thì [khi] xuất gia hay thọ giới Cụ túc, cần gì hỏi lại nữa?
Sau này quý vị đi xuất gia là hỏi những điều này, hỏi những khinh già và trọng nạn, ví dụ như Thiện Trang nói đơn giản thì đi xuất gia có khinh già, có hỏi quý vị có mắc nợ không? Có người thiếu nợ hay không? Như quý vị muốn đi xuất gia, quý vị phải trả hết nợ cho thiên hạ đã, quý vị mượn người ta năm triệu, mượn người ta mười triệu tiền Việt tiền gì đó v.v… thì quý vị phải trả xong rồi mới được đi xuất gia, nếu quý vị chưa trả hết thì lúc tới khi xuất gia, người ta đưa ra câu hỏi trong 13 già nạn, già nạn tức là nhẹ thôi, khinh già thôi. Hỏi là quý vị có mắc nợ ai không, nói có thì không được xuất gia, trả hết nợ rồi thì được đi xuất gia, cho nên mới gọi là khinh già.
Ví dụ như có điều kiện là cha mẹ có đồng ý cho đi xuất gia hay không, nói không thì không được, phải về hỏi cha mẹ, tất nhiên thường phải hỏi như thế nhưng cũng đôi khi phương tiện cho qua, tại vì thật ra người ta trốn đi, cha mẹ đâu có đồng ý. Cha mẹ không đồng ý trong hoàn cảnh nào đó thì thật ra thời nay cũng du di điều đó, vì hồi thời đức Phật, chính đức Phật cũng dẫn La Hầu La đi xuất gia mà gia đình không đồng ý, cho nên sau này vua Tịnh Phạn mới đưa ra điều kiện sau này ai đi xuất gia thì phải được cha mẹ đồng ý, đó cũng là một điều kiện. Trong mười ba khinh già thì có một khinh già nhẹ nhẹ như vậy, quý vị thấy đâu có đơn giản đâu. Thứ nhất có khinh già điều kiện, quý vị đang làm công chức, viên chức nhà nước, quan chức, làm công việc quý vị chưa bỏ công việc đó, quý vị cũng không được đi xuất gia, bao giờ quý vị bỏ rồi thì được đi. Cho nên tạm ngăn lại thôi mới gọi là khinh già, còn trọng nạn vướng vô là cả đời đó vĩnh viễn không được đi xuất gia. Ví dụ như trọng nạn có vấn một câu hỏi, ông có phải là huỳnh môn hay không? Hoàng môn hay không? Tức là có bị rối loạn giới tính hay không? Ví dụ người bây giờ gọi là bị đồng tính v.v… xếp vào dạng đó là không được đi xuất gia, ngay điều kiện đó, đó là trọng nạn. Rồi có phải phi nhân hay không? Phi nhân tức là không phải người, là rồng biến hoá ra thì không được xuất gia. Những điều đó gọi là trọng nạn thì không được, còn khinh già là chỉ tạm dừng lại thôi, giống như người mà thiếu nợ thì trong luật có nói nếu như có người khác lãnh nợ thay cho mình thì mình được xuất gia. Lúc đó nói con phát tâm con lãnh nợ cho người đó thì vẫn được, quý vị hiểu già nạn là như thế.
設欲問者。[A31]但問五逆。及自破淨戒。破他淨戒。七事可耳。
Thiết dục vấn giả, đãn vấn Ngũ nghịch, cập tự phá Tịnh giới, phá tha Tịnh giới, thất sự khả nhĩ.
Tạm dịch: Giả sử muốn vấn già nạn, thì chỉ vấn về Ngũ nghịch và tự phá Tịnh giới, phá Tịnh giới của người khác, bảy sự việc [đó] thì có thể.
#Thiết dục vấn giả: giả sử muốn hỏi về già nạn, chữ giả 者 này là đại từ thay cho già nạn.
#đãn vấn Ngũ nghịch: thì chỉ vấn về vấn đề Ngũ nghịch.
#cập tự phá Tịnh giới: và tự mình phá Tịnh giới, tức là phá giới trọng.
#phá tha tịnh giới: phá Tịnh giới của người khác.
#thất sự khả nhĩ: bảy việc đó thì có thể. Tức là ở đây thật ra nếu vấn già nạn thì có thọ Tam quy, Tam quy đưa ra có bảy điều không được thọ Tam quy:
Thứ nhất là Ngũ nghịch:
1. Giết cha ruột (cha nuôi không tính) gọi là giết phụ thân.
2. Giết mẫu thân tức là mẹ ruột.
3. Giết A-la-hán: đời nay có bậc tương tự A-la-hán là Thiện tri thức của thế gian, những người hoằng dương Chánh pháp có ảnh hưởng lớn, giết [những người đó] cũng bằng tội với [giết] A-la-hán.
4. Phá hoà hợp Tăng: quý vị làm Cư sĩ làm sao phá hoà hợp tăng được, quý vị phải ở trong Tăng đoàn mới được.
5. Làm thân Phật chảy máu: bây giờ không có Phật thì có một tội đẳng lưu đó là ác ý phá huỷ hình tượng Phật. Có người nói thêm kinh sách nhưng mà trong luật thì chỉ nói ác ý phá huỷ hình tượng Phật, còn kinh sách là thuộc về tội khác, cũng đọa Địa ngục tương tự như thế nhưng mà tội khác chia ra có mấy bậc. Cho nên người ta chỉ nói là ác ý phá hoại hình tượng Phật. Còn tội phá cả kinh sách, đốt kinh sách cũng tội như vậy, đều đọa Vô Gián Địa ngục cả nhưng thuộc [tội] khác.
Tiếp theo là tự phá Tịnh giớicủa mình, như quý vị đã thọ Ngũ giới rồi mà quý vị phá giới trọng, ví dụ như giết người phá thai, tợ thai. Hoặc là quý vị đã trộm cắp mà đến mức độ bị kết án tử hình, chung thân hoặc bị đuổi ra khỏi đất nước vì tội trộm cắp, hoặc là quý vị phạm giới tà dâm. Có hai mức tà dâm, ở đây chúng ta chỉ nói tà dâm là quan hệ với người không phải là vợ chồng thì phạm vào tà dâm đối với người tại gia. Còn không tính phi thời, phi xứ, phi địa, phi đạo vì phi thời, phi xứ và phi đạo xếp vào tà dâm nhẹ hơn, không mất giới [của Giới Bồ-tát] .
Phá tha Tịnh hạnh tức là phá Tịnh giới của người khác trong đó có những người đã thọ giới như hồi nãy Thiện Trang nói họ có thể thọ giới Bát Quan Trai một ngày một đêm hoặc thọ Ngũ giới mà quý vị hành dâm với họ (người mà không phải vợ chồng), tất cả các chúng ví dụ như người xuất gia lẫn người tại gia mà họ đã thọ giới rồi thì đó gọi là phá tha tịnh hạnh, phá tha Tịnh giới của họ thì mình thọ giới cũng không đắc giới nên không được thọ Tam quy.
Đối với người thọ Bát Quan Trai giới một ngày một đêm như lúc nãy chúng ta nói, mặc dù là vợ chồng nhưng mà quý vị làm cho họ mất Tịnh giới trong một ngày một đêm đó của Bát Quan Trai thì cũng không được thọ Tam quy. Bảy điều này quý vị lưu ý mình học rất kỹ càng. Đó là nói về giới mình hiểu rồi, bây giờ nói đến về thọ bao nhiêu giới:
至於一分。乃至滿分。自可量力受持。
Chí ư nhất phần, nãi chí mãn phần, tự khả lương lực thọ trì.
Tạm dịch: Đến đối với [thọ] một phần [một giới], cho đến mãn phần [thọ cả năm giới], thì tự mình có thể cân nhắc định sức thọ trì được.
#Chí ư nhất phần, nãi chí mãn phần: đến đối với thọ một phần tức là thọ một giới, cho đến nhiều nhất là mãn phần, là thọ hết năm giới
#tự khả lương lực thọ trì: thì tự mình có thể cân nhắc định lực, sức của mình thọ trì được bao nhiêu thì thọ bấy nhiêu, chứ không phải ép buộc. Đây là Đại sư Ngẫu Ích nói. Chữ 量 này đọc là lương, là cân nhắc, đọc lượng là số lượng. Có nghĩa là khi thọ chúng ta biết là có mấy mức thọ, hoặc là thọ một giới, hoặc là thọ hai giới hoặc ba giới cho đến bốn giới, năm giới. Như hôm qua chúng ta truyền giới thì quý vị thấy rõ ràng từng giới một đọc ra rồi có thể giữ được hay không. Giữ được thì nói “A Mi Đà Phật giữ được”, nếu không giữ được thì im lặng làm thinh. Nếu mà quý vị giữ hết năm giới thì gọi là mãn phần Ưu-bà-tắc, mãn phần Ưu-bà-di. Nếu mà thọ một giới thì gọi là nhất phần Ưu-bà-tắc, nhất phần Ưu-bà-di. Đoạn sau Đại sư Ngẫu Ích có nói rõ hơn.
若夫臨時開導。貴在隨機。法無一定。不應預擬成言。俾授者僅事讀文。聽者了不解旨也。
Nhược phu lâm thời khai đạo, quý tại tùy cơ, pháp vô nhất định, bất ưng dự nghĩ thành ngôn. Tỉ thọ giả Cận sự độc văn, thính giả liễu bất giải chỉ dã.
Tạm dịch: Nếu người đến lúc khai đạo, thì quý ở tùy theo căn cơ, [vì] pháp không nhất định, không nên viết sẵn thành lời, [rồi] người theo truyền thọ hay Cận sự đọc văn bản, [thì] người nghe rồi không hiểu được ý chỉ.
#Nhược phu lâm thời khai đạo: đến lúc khai đạo, giống như chúng tôi truyền giới thì khai đạo
#quý tại tùy cơ: quý tuỳ theo căn cơ tức là coi trình độ như thế nào mà nói cho phù hợp.
#pháp vô nhất định: tức là pháp thì không có nhất định, bởi vì pháp không có nhất định.
#bất ưng dự nghĩ thành ngôn: tức là không nên viết sẵn thành lời.
#Tỉ thọ giả Cận sự độc văn: tức là không nên viết thành lời rồi tới đó sai người đọc, cho người cận sự, người nào đó giúp việc đọc hộ.
#thính giả liễu bất giải chỉ dã: có nghĩa là nếu như vậy thì người nghe rồi, người ta không hiểu được ý chỉ. Cho nên quý vị thấy như hôm qua chúng tôi làm mặc dù có bản văn viết sẵn trong này nhưng chỉ viết sơ lược, còn khi đó mình phải giảng ra, tuỳ căn cơ mình phải giảng ra cho người ta hiểu. Chứ không phải viết sẵn rồi lên cho người đọc, đọc một hồi không hiểu gì hết, không phải như vậy. Đây là Đại sư Ngẫu Ích nói như vậy, nếu mà đến lúc khai đạo thì quý vị cần người truyền. Người khai đạo thì quý tùy theo căn cơ, vì pháp không nhất định cho nên không nên viết sẵn thành lời, rồi người ta theo truyền thọ, hay cận sự đưa cho quý vị đọc, hoặc đưa cho người nào đó đọc, thì nghe rồi không hiểu, như vậy không có hiệu quả.
Tạm dịch: Nếu người đến lúc khai đạo, thì quý ở tùy theo căn cơ, [vì] pháp không nhất định, không nên viết sẵn thành lời, [rồi] người theo truyền thọ hay Cận sự đọc văn bản, [thì] người nghe rồi không hiểu được ý chỉ.
○一戒為一分。二戒為少分。三戒為半分。四戒為多分。五戒為滿分。應隨所受稱之。不應混濫。
○Nhất giới vi nhất phần; Nhị giới vi thiểu phần; Tam giới vi bán phần; Tứ giới vi đa phần; Ngũ giới vi mãn phần. Ưng tùy sở thọ xưng chi, bất ưng hỗn lạm.
Tạm dịch: [Thọ] một giới gọi là nhất phần; [Thọ] hai giới gọi là thiểu phần; [Thọ] ba giới gọi là bán phần; [Thọ] bốn giới gọi là đa phần; [Thọ] năm giới gọi là mãn phần. Phải theo những gì đã thọ mà xưng như vậy, không được gian dối lạm xưng.
Giải:
#Nhất giới vi nhất phần: tức là thọ một giới thì gọi là nhất phần, nhất phần hay còn gọi là Nhất phần Ưu-bà-tắc, Nhất phần Ưu-bà-di. Đối với người nam gọi là Ưu-bà-tắc, người nữ gọi là Ưu-bà-di.
#Nhị giới vi thiểu phần: tức là mình thọ hai giới gọi là Thiểu phần Ưu-bà-tắc, Thiểu phần Ưu-bà-di.
#Tam giới vi bán phần: tức là quý vị thọ ba giới trong năm giới, gọi là Bán phần Ưu-bà-tắc, Bán phần Ưu-bà-di, coi như được một nửa
#Tứ giới vi đa phần: nếu thọ bốn giới thì gọi là Đa phần Ưu-bà-tắc, Đa phần Ưu-bà-di.
#Ngũ giới vi mãn phần: thọ hết năm giới thì mới gọi là mãn phần, tức là đầy đủ Mãn phần Ưu-bà-tắc, Mãn phần Ưu-bà-di. #mãn là tròn đầy.
#Ưng tùy sở thọ xưng chi: phải theo những gì mình đã thọ mà xưng. #ưng là phải.
#bất ưng hỗn lạm: tức là không được gian dối lạm xưng. Tức là bây giờ tôi thọ thì cũng thọ có ba giới, đáng lẽ tôi phải ra ngoài xưng tôi là Bán phần Ưu-bà-tắc hoặc Bán phần Ưu-bà-di, hoặc mình phải xưng là con là Cư sĩ bán phần thôi, mà mình lên Facebook mình viết một bài gì đó rồi viết Cư sĩ gì đó thì là mình lạm xưng, đó là có tội gian dối. Cho nên mình thọ đủ năm giới thì mình mới xưng được là mình như thế, còn nếu như mình thọ không đủ, mình thọ chưa đủ mà mình làm như vậy là lạm xưng. Thời nay dễ bị lạm xưng, cho nên phải cố gắng. Mình mãn phần rồi thì mình dùng chữ Cư sĩ luôn thì không có ai nói gì, không có sao. Nếu mình căn cứ theo Phật giáo đơn giản này thì mình làm được, chưa nói gì cao siêu. Nếu nói cao siêu thì cỡ nào cũng không đủ, mình thọ Tam quy, đâu có thọ tới được Tam quy của Viên giáo đâu, Ngũ giới cũng đâu tới được, nên mình nói kiểu gì mình cũng thiếu sót.
Tạm dịch: ○ [Thọ] một giới gọi là nhất phần; [Thọ] hai giới gọi là thiểu phần; [Thọ] ba giới gọi là bán phần; [Thọ] bốn giới gọi là đa phần; [Thọ] năm giới gọi là mãn phần. Phải theo những gì đã thọ mà xưng như vậy, không được gian dối lạm xưng.
戒經云。若受三歸。持二戒[A32]已。若破一戒。是名無分)。
Giới Kinh vân: Nhược thọ Tam quy, trì nhị giới dĩ, nhược phá nhất giới, thị danh vô phần.)
Tạm dịch: Trong Giới Kinh nói: Nếu thọ Tam quy, trì hai giới rồi, mà nếu phá một giới, thì gọi là không có phần).
Giải:
#Giới Kinh vân: tức là trong Giới Kinh nói.
#Nhược thọ Tam quy: nếu thọ Tam quy.
#trì nhị giới dĩ: trì hai giới rồi.
#nhược phá nhất giới: nếu phá một giới.
#thị danh vô phần: thì gọi là không có phần, tức chẳng còn phần nào hết, phá một giới là mất hết. Ở đây ý nói là mình thọ hai giới rồi mà mình phá một giới thì không có một chút nào hết, không còn giới nào tức là quý vị thọ Ngũ giới. Trong Ngũ giới, giới thứ nhất là không sát sanh cho đến giới thứ năm là không uống rượu, quý vị phá một giới rồi, đây phải nói là phá giới trọng rồi, ví dụ như quý vị phá vào tội giết người phá thai và tợ thai thì các giới kia mất hết. Chứ không phải tôi phá hết mới mất, trong giới gọi là Biệt giải thoát. Nghe nói Giới luật gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa, dịch nghĩa là Biệt giải thoát, Biệt giải thoát tức là cứ giữ được giới nào giải thoát giới đó cho nên tôi giữ được giới kia mà, tôi phá giới này đâu có sao, tôi cũng giải thoát giới kia mà. Thời nay cũng có người lập luận như vậy. Như bên hệ Tân tăng, tức là những người xuất gia mà lấy vợ, họ nói như vậy, tôi thấy giới Phật nói rõ ràng như vậy, Biệt giải thoát mà, tôi không giữ được giới dâm, nhưng mà tôi giữ được mấy giới kia, tôi cũng Biệt giải thoát mấy giới kia mà. Không được! Trong Giới luật nói rõ ràng, mình phải giữ được mấy giới trọng thì mới gọi là Biệt giải thoát, vì khi phá một giới trọng rồi thì tất cả đều mất hết. Những giới kia có được lợi ích, có phước báu trời người nhưng không ra khỏi sanh tử vì không trở thành công đức Vô lậu, không thể giúp đoạn phiền não chứng Bồ-đề, cho nên không thể là Biệt giải thoát, gọi là có phước hữu lậu thôi. Bây giờ có nhiều người lập luận như vậy để bào chữa cho Tân tăng, có nhiều người nói như thế nhưng do họ không học Giới luật, họ không biết, đối với Tỳ-kheo phải giữ được bốn giới trọng, đối với Tỳ-kheo-ni là tám giới trọng, đối với Cư sĩ là bốn giới trọng. Mà tất cả đều giống nhau, phạm một trong bốn giới trọng đó là mất hết.
Thiện Trang xin nói lại bốn giới trọng của Cư sĩ: thứ nhất là đối với sát sanh, là không được giết người phá thai và tợ thai. Trong đó thai thì đã rõ ràng rồi, tợ thai là từ khi thai ngưng hoạt, ngưng tụ. Tức là có thụ tinh rồi mà phá thai, uống thuốc hay làm gì đó, khiến cho nó không đậu thai. Như vậy cũng thuộc về phá thai. Thời nay rất dễ bị phạm vào điều này, mà cố ý như vậy, nếu không biết thì không nói. Cố ý như vậy sẽ mất giới sạch. Quý vị trì giới cả đời chỉ được phước báu trời, người, không được gieo nhân chứng quả đắc độ về sau. Phải hiểu như vậy! Không giúp giải thoát ra khỏi sanh tử. Chúng ta phải rõ ràng, nếu không là sai.
Giới thứ hai là trộm cắp, giống như hối lộ, mà bị bắt đi tù vậy. Đi tù xử tù nặng, thậm chí là tử hình hoặc là chung thân gì đó v.v… là cũng mất. Nói vậy cho dễ hiểu. Là vì năm tiền hồi xưa thì mình không biết đổi ra hiện giờ bao nhiêu. Nói chung là ăn trộm, ăn cắp gian lận trốn thuế quá lớn.
Giới thứ ba là giới tà dâm, quý vị mà phạm tà dâm nặng là phạm với người ngoài. Không phải là vợ chồng của mình, người chưa kết hôn v.v… có quan hệ thì hoàn toàn phạm vào tội dâm là giới này mất giới hết.
Thứ tư là đại vọng ngữ, tức là mình chưa chứng quả, mà mình nói là chứng quả. Mình chưa đắc Tam-muội, chưa được niệm Phật Thành phiến, chưa được niệm Phật Nhất tâm Bất loạn, mà tự xưng đạt được những cảnh giới đó. Mình biết rõ là không đạt mà nói như thế thì mình cũng mất hết giới.
Giới thứ năm là uống rượu, là quý vị có uống cỡ nào cũng không có bị mất giới trọng. Còn trường hợp nữa, là tuy giới sát sanh giới trộm cắp, v.v… giới tà dâm. Tuy là không phải giới trọng, ví dụ như sát sanh. Vì quý vị biết là tội này không có giết người, không sao hết. Tôi chỉ giết mấy con nhỏ này. Mỗi ngày giết một con gà chẳng hạn, hoặc là giết một con kiến. Tại vì thấy trong giới luật, thầy Thiện Trang giảng rõ ràng mà, đâu có mất giới đâu cho nên tôi cứ giết, thì sao? Việc đó gọi là liên tục nghiệp, sẽ tích lũy đủ thành trọng giới, sẽ khiến mất giới. Đó là vì mình biết mà cố tình, cũng bị chứ không phải là nói vậy.
Học Giới luật mình phải học cho rõ, cho kỹ. Quý vị biết rõ rồi, mà còn liên tục tái phạm, lâu ngày cũng sẽ mất giới. Cho nên phải cẩn thận những giới nhỏ cũng phải giữ, tại vì sao? Là giống như cái lu, nó bị rò rỉ, cứ chảy hoài cũng hết nước. Mặc dù là lỗ rất nhỏ, nhưng cũng hết nước. Vì vậy chúng ta phải học cho kỹ, để giữ cho trọn vẹn.
Thiện Trang coi trong Giới luật, chỗ này sẵn nói về Cư sĩ tại gia. Quý vị coi trên mạng, người ta đăng tháng nào đó có bao nhiêu ngày, cữ cữ gì đó, là họ đăng trong An sĩ Toàn Thư. Tại vì vừa Đạo gia và vừa bên Phật gia nữa, nên có nhiều ngày hơn. Nếu mà coi trong Luật của Phật ít ngày hơn. Trừ ra được nhiều ngày hơn. Bên Đạo gia là cữ mấy vị thần, mấy ngày lễ đó nên mới nhiều. Mình theo Phật pháp, nếu mà khai duyên có thể là bớt ngày lại. Không có nhiều, dày đặc số ngày như thế.
Tuy nhiên, học sợ nhân quả, tốt nhất là mình né luôn. Là mình canh theo trong An Sĩ Toàn Thư, tránh những ngày đó đối với người tại gia. Sẵn nói là nói cho tới nơi. Bồ-tát giới là có giới, khi thọ đa phần quý thầy đều truyền theo Phạm Võng Bồ-tát giới. Trong giới không dâm dục, đó là dành cho người xuất gia. Còn người tại gia có thể dâm dục nhưng mà tâm phải như như không không mới không phạm giới, hoặc là vì độ chúng sanh thì ở trong nhà là mình không phạm.
Cho nên Bồ-tát không dễ mà làm. Quý vị phải học cho kỹ, trong này quý vị yên tâm. Đại sư Ngẫu Ích có nói, nhưng chúng ta học, không biết bao giờ mới tới. Học phải ráng chịu khó nghe, để chúng ta học còn nhiều điều lợi ích lắm. Quý vị biết thọ giới không thôi, mà có thể giúp vượt ra khỏi cõi Trời cõi Người, hưởng vô lượng thọ. Bây giờ chúng ta không có thời gian, chúng ta nói luôn điều này, buổi sau không biết bao giờ mới đến lại chỗ đó. Riêng có người hỏi tại sao? Tam quy y thì rõ ràng rồi đúng không ạ! Tam quy Lục đạo đều thọ được, nhưng do Địa ngục họ khổ quá, nên họ không thọ được, chứ nếu họ thọ được là họ sẽ thọ và giải thoát ra khỏi Địa ngục ngay.
Còn Ngũ giới, tại sao Phật chỉ cho cõi người thọ, mà không cho các cảnh giới khác thọ? Rất nhiều người đưa ra nhiều giả thuyết.
Giả thuyết thứ nhất (theo chư tổ): Là xét về giải thoát đạo mà nói thì cõi người là thân người, là pháp khí. Tức là ở cõi người tu giải thoát dễ nhất. Vì sao? Vì ở cõi người một đời có thể đắc được đạo A-la-hán. Các Giới luật của Phật, đều nhắm đến đắc quả để ra khỏi sanh tử. Các cảnh giới khác ví dụ như A-tu-la v.v… cho đến Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh không thể, từ đó mà đắc đạo được. Quý vị lưu ý, trong các cảnh giới đó, không thể đắc đạo A-La-hán, ngay trong đời thì không được. Cảnh giới trời [Dục giới] đắc quả nhỏ là Tu-đà-hoàn tới A-na-hàm thôi, không đắc được A-la-hán nên thường là lý do vậy, quý vị phải hiểu đó là lý do thứ nhất. Cho nên Phật luôn luôn thị hiện tại nhân gian, không thị hiện làm Phật cõi trời, có lên trời thuyết pháp, có đi xuống các cảnh giới khác thuyết pháp nhưng không bao giờ thị hiện thân Phật, thành đạo các cảnh giới khác và thành đạo tại nhân gian vì mục tiêu của Thanh văn là một đời giải thoát ra khỏi sanh tử, đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là Năm giới. Mình xét kỹ ra tức là giới tướng từng điều, từng điều làm gì đó chỉ phù hợp với cõi Người. Quý vị không thể bắt cảnh giới Người lên cảnh giới khác thọ là không được. Ví dụ như chúng ta nói đơn giản, nói về giới không trộm cắp. Quý vị xuống súc sanh, bắt chúng không trộm cắp, chúng làm sao biết đâu là đồ ăn, nó thấy con chuột là đồ ăn là nó ăn thôi. Nó ngu si mà, thấy con này con kia là ăn. Bắt nó giữ thì nó chỉ có chết thôi, tại vì nó đâu có làm ra được của cải gì đâu. Con chuột hay là con gì đó, chúng xem tất cả là đồ ăn, nó thấy là nó ăn thôi. Nó ra vườn thấy lúa thì ăn lúa. Bây giờ quý vị bắt nó giữ không trộm cắp, nó chết đói mất rồi, không phù hợp.
Chính vì có câu chuyện đó, hôm trước Thiện Trang giảng bài có câu chuyện con sếu, vua trời Đế Thích xuống cứu con sếu là vợ đời trước của ông. Bắt nó giữ năm giới và cuối cùng nó chết không sống được. Nên không phù hợp vì nó không có thức ăn, nó sẽ không giữ được giới đó. Rồi nó có biết rượu là gì không? Mà bắt nó không uống rượu, đâu có phân biệt được, có biết rượu là gì đâu. Chính vì những lý do như thế, Phật chế năm giới dành cho cõi người thôi. Còn các cảnh giới khác, Phật cũng tùy điều kiện.
Ví dụ cũng có Bát Quan Trai, mặc dù nói không truyền cho các cảnh giới khác. Nhưng mà Thiện Trang coi có một câu chuyện nữa. Trong bộ Kinh nào Thiện Trang quên rồi.
Có một vị Long Vương, Phật vẫn trao cho Bát Quan Trai Giới. Dạy cho thọ trì Bát Quan Trai. Cho nên tùy những giới, Ngũ giới hay Bát Quan Trai giới v.v.. Một vài trường hợp đặc biệt, được cho các cảnh giới khác nhưng không hoàn toàn, chỉ được cõi người. Nên cõi người chúng ta rất là thù thắng. Chúng ta mới được cảnh giới người là quý lắm, nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn, giới pháp nan trì, thân người khó được mà mình đã được, phật pháp khó nghe, mình cũng đã được nghe. Giới pháp khó trì, mình cũng trì được, vậy là còn gì nữa. Tịnh Độ khó tin, mình cũng tin được nữa, còn gì hơn, tất cả đều tuyệt vời.
Cho nên nhiều người, nhiều đời, nhiều căn lành, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên lắm mới được nghe Giới luật. Không thì đi tới chùa dự một khóa tu, vui vui cười hà hà, xong đi về, đúng không ạ! Cả đời thật sự không biết Giải thoát là gì, không biết Tịnh Độ là gì luôn. Thậm chí là không biết gì cả, cứ đi chùa như vậy. Cũng có nhân thân nan đắc, họ cũng đắc được. Phật pháp nan văn, họ chỉ mới nghe được một nửa. Không nghe được rốt ráo. Phước đức không đầy đủ, cho nên quan trọng là gì ?
Trong Giới Kinh nói: nếu thọ Tam quy trì hai giới rồi, nếu phá một giới thì gọi là không có phần coi như là mất hết, mất sạch. Quý vị lưu ý cho nên là không có Biệt giải thoát là không tính vào trường hợp này, đến nghi thức thọ Ngũ giới như sau:
Quy y lần thứ nhất:
我某甲。歸依佛。歸依法。歸依僧。盡形壽為(一滿)分優婆塞。如來至真等正覺。是我世尊(三說)。
Ngã mỗ giáp, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tận hình thọ vi (nhất mãn) phần Ưu-bà-tắc, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thị ngã Thế Tôn (tam thuyết).
Con tên là … [xin] quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, trọn đời làm (nhất… mãn) phần Ưu-bà-tắc, đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là Thế Tôn của con (nói ba lần).
Giải:
#Ngã mỗ giáp: tức là con tên là, chúng ta hay thọ đó quý vị. Khi thọ là “Ngã mỗ giáp”, con tên là, chúng tôi đọc cho quý vị nghe. [Đệ tử chúng con tên là….] rồi quý vị đọc tên quý vị vào, người nào chưa thọ mà chưa có pháp danh thì đọc tên đời, người nào đã thọ có pháp danh thì đọc pháp danh vào. Giống như Thiện Trang nghe có người đọc [Thân Hạnh] là đọc như vậy.
#Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng: nếu xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng thì hay hơn còn không quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
#Tận hình thọ vi (nhất mãn) phần Ưu-bà-tắc: #Tận hình thọ là đến khi hết hình thọ là thọ mạng của thân hình này, nói ngắn gọn là trọn đời này, làm một mãn phần, nhất phần hay bán phần hay là đa phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nếu đối với người nam gọi là Ưu-bà-tắc, nữ thì Ưu-bà-di.
#Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác: tức là đức Phật.
#Thị ngã Thế Tôn: là Thế Tôn của con, là thầy của con nói như vậy ba lần. Thiện Trang thấy: bên Nam truyền họ truyền như cách này, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Còn như bên chúng ta đọc câu này sợ không hiểu hay sao bắt đầu đọc ngắn hơn một chút.
Đại sư Ngẫu Ích viết rằng :
Đệ tử chúng con tên là: xin Quy Y Phật, Quy Y pháp, quy Y Tăng, trọn đời làm nhất phần hay tiểu phần, bán phần hay là đa phần. Ưu-bà-tắc hoặc nữ là Ưu-bà-di, tức là cận sự nam cận sự nữ. (Một phần hay là mãn phần chúng ta thường để ngắn gọn). Và trọn đời làm Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thôi. Đức Như Lai Chí Chân Đẳng chánh Giác là Thế Tôn của con. Là của thầy của con nói như vậy ba lần, mỗi lần nói xong là đánh chuông, để cho quý vị nhớ. Đó là quy y lần thứ nhất.
Con tên là … [xin] quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, trọn đời làm (nhất… mãn) phần Ưu-bà-tắc, đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là Thế Tôn của con (nói ba lần).
Quy y lần thứ hai:
我某甲。歸依佛竟。歸依法竟。歸依僧竟。盡形壽為(一滿)分優婆塞。如來至真等正覺。是我世尊(三說)。
Ngã mỗ giáp, quy y Phật cánh, quy y Pháp cánh, quy y Tăng cánh, tận hình thọ vi (nhất mãn) phần Ưu-bà-tắc, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thị ngã Thế Tôn (tam thuyết).
Con tên là … quy y Phật rồi, quy y Pháp rồi, quy y Tăng rồi, trọn đời làm (nhất… mãn) phần Ưu-bà-tắc, đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác là Thế Tôn của con (nói ba lần).
Giải:
#Ngã mỗ giáp: con tên là, cũng như trên.
#Quy y Phật cánh, quy y Pháp cánh, quy y Tăng cánh: tức là Quy y Phật rồi, quy y pháp rồi, quy y Tăng rồi. Quý vị thấy là ai mà được tham gia cúng “Mông Sơn Thí Thực”, hay phóng sanh cũng có đọc như thế này “quy y Phật cánh, quy y Pháp cánh, quy y Tăng cánh”. Thường là chúng hữu tình Quy y Phật rồi, quy y pháp rồi, quy y Tăng rồi v.v… là chữ cánh này.
#tận hình thọ vi (nhất mãn) phần Ưu-bà-tắc: là nói lại giống như trên, trọn đời làm nhất phần, hay mãn phần Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di.
#Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thị ngã Thế Tôn (tam thuyết): #Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác tức là đức Phật là thầy của con, đức Thế Tôn của con [nói như thế ba lần]. Là xong nghi thức Tam quy chỉ đơn giản vậy thôi. Tất nhiên trước khi Tam quy y nên sám hối.
若善女人。即稱優婆夷。
Nhược Thiện nữ nhân, tức xưng Ưu-bà-di.
Nếu là người Thiện nữ, thì xưng là Ưu-bà-di.
如諸佛盡形壽不殺生。我某甲亦盡形壽不殺生。
Như chư Phật tận hình thọ bất sát sanh, ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất sát sanh.
Như chư Phật trọn đời không sát sanh, con tên là … cũng trọn đời cũng không sát sanh.
[A33]如諸佛盡形壽不偷盜。我某甲亦盡形壽不偷盜。
Như chư Phật tận hình thọ bất thâu đạo, ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất thâu đạo.
Như chư Phật trọn đời không trộm cướp, con tên là … cũng trọn đời không trộm cướp.
如諸佛盡形壽不婬欲。我某甲亦盡形壽不邪婬。
Như chư Phật tận hình thọ bất dâm dục, ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất tà dâm.
Như chư Phật trọn đời không dâm dục, con tên là … cũng trọn đời không tà dâm.
如諸佛盡形壽不妄語。我某甲亦盡形壽不妄語。
Như chư Phật tận hình thọ bất vọng ngữ, ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất vọng ngữ.
Như chư Phật trọn đời không vọng ngữ, con tên là … cũng trọn đời không vọng ngữ.
如諸佛盡形壽不飲酒。我某甲亦盡形壽不飲酒。
Như chư Phật tận hình thọ bất ẩm tửu, ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất ẩm tửu.
Như chư Phật trọn đời không uống rượu, con tên là … cũng trọn đời không uống rượu.
Giải:
#Nhược Thiện nữ nhân: nếu là người thiện nữ.
#tức xưng Ưu-bà-di: thì xưng là Ưu-bà-di.
#Như chư Phật tận hình thọ bất sát sanh: tức là như chư Phật trọn đời không sát sanh.
#Ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất sát sanh: là con tên là, trọn đời không sát sanh. Mấy ngày nay, ai đã thọ là quen quá rồi. Như Chư Phật cả đời không sát sanh, con một ngày một đêm cũng không sát sanh.
#Như chư Phật tận hình thọ bất thâu đạo: như chư Phật trọn đời không có trộm cướp, không trộm cắp.
#Ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất thâu đạo: con tên là… cũng trọn đời không có trộm cướp. Chúng ta thọ Bát Quan Trai Giới một ngày một đêm không có trộm cướp.
#Như chư Phật tận hình thọ bất dâm dục: như chư Phật, trọn đời không có dâm dục.
#Ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất tà dâm: con tên là… cũng trọn đời không có tà dâm.
Ở đây hạ thấp hơn một cấp, bên Phật không có tà dâm thôi (đối với người tại gia). Còn đối với người Thọ Bát Quan Trai Giới thì một ngày một đêm không dâm dục. Quý vị thọ Sa-di, quý vị đi xuất gia cũng vậy, đổi thành không dâm dục
#Như chư Phật tận hình thọ bất vọng ngữ: là như chư Phật trọn đời không có vọng ngữ, không có nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời thô ác. Con cũng trọn đời không có vọng ngữ.
#ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất vọng ngữ: điều này là làm khó phải không? Ráng cố gắng nói lời chân ngữ, đừng có tập khí quá sâu dày. Nói riết là sau này thân hình xấu xí, nói không ai nghe. Lên đài thuyết pháp không ai nghe. Những người mà nói khiến người khác nghe nhiều là do họ có tu nhiều đời, giữ giới này khá tốt.
#Như chư Phật tận hình thọ bất ẩm tửu : tức là như chư Phật trọn đời không có uống rượu.
#Ngã mỗ giáp diệc tận hình thọ bất ẩm tửu: tức là con tên là… tên gì đó cũng trọn đời không có uống rượu. Đây là nghi thức dễ dàng mình học được. Đó là nghi thức thọ Ngũ giới.
Đại sư Ngẫu Ích chú thích thêm:
隨受幾戒。則語幾戒。亦不應混濫也。
Tùy thọ kỉ giới, tắc ngữ kỉ giới, diệc bất ưng hỗn lạm dã.
Tùy theo thọ bao nhiêu giới, thì nói bấy nhiêu giới, cũng không được gian dối quá mức.
Giải:
#Tùy thọ kỉ giới: tức là tùy theo thọ bao nhiêu giới.
#Tắc ngữ kỉ giới: là nói bấy nhiêu giới.
#Diệc bất ưng hỗn lạm dã: thì cũng không được gian dối quá mức. Tức là mình thọ bao nhiêu giới là mình xưng, mình nói thọ bấy nhiêu giới. Mình thọ hai giới mà xưng thọ bốn giới, năm giới là không được. Phật pháp chú trọng là tâm chân thành, tâm thật thà. Nói quá đi là không được.
Tiếp theo là hồi hướng:
以此受戒功德。迴向無上菩提。四恩總報。三有齊資。普與眾生。同生淨土。
Dĩ thử thọ giới công đức, hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, tứ ân tổng báo, Tam hữu tề tư, phổ dữ chúng sanh, đồng sanh Tịnh Độ.
Đem công đức của việc thọ giới này, hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, tổng báo tứ ân, đều giúp cả Tam hữu, rộng cùng chúng sanh, đồng sanh Tịnh Độ.
Giải:
#Dĩ thử thọ giới công đức: tức là đem công đức của việc thọ giới này, hồi hướng Vô thượng Bồ-đề là hồi hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề để mình thành Phật, Bồ-đề có nghĩa là giác ngộ Vô thượng.
#Tứ ân tổng báo: để tổng báo Tứ ân.
#Tam hữu tề tư: #Tam hữu là Dục giới hữu, Sắc giới hữu và Vô Sắc giới hữu là có ba điều, là ba cõi.
Mình hay nói là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới gọi là Tam hữu. Tại sao gọi là Tam hữu? Tam là ba rồi, hữu là Hữu lậu, Hữu lậu tức là còn phiền não. Còn có nghĩa khác nữa là Hữu lậu, lậu là phiền não có ba cái đi chung với nhau gọi là hoặc – nghiệp – khổ. Tam hữu còn gọi là Tam hoặc. Tam hoặc sanh ra ba nghiệp. Cuối cùng ba quả báo là khổ. Là Tam hữu: Dục giới hữu, Sắc giới hữu và Vô sắc giới hữu là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
#tề: là đều, tề thành Phật đạo, đều thành Phật đạo. Chữ #tư có nghĩa là cung cấp giúp đỡ, là nguyện đem công đức thọ giới, thứ nhất là hồi hướng về Vô Thượng Bồ-đề, thành Phật đạo, sau đó mình tổng báo tứ ân, tứ ân là bốn ân nặng. Chúng ta hay đọc “trên đền bốn ân nặng”, (tức là) “thượng báo tứ trọng ân”.
Vậy tứ trọng ân là gì? Đầu tiên là ân Tam Bảo, ân chư Phật, ân cha mẹ, cuối là ân sư trưởng. Nói đúng là ân Phật, ân sư trưởng, ân cha mẹ rồi mới ân đất nước, có khi là ân chúng sanh. Thì gộp lại, nói cho đơn giản, là ân Tam Bảo. Trong đó có sư trưởng gộp hết ở trong đó. Rồi bắt đầu ân của cha mẹ, ân đất nước, rồi mới là ân của chúng sanh. Đối với người xuất gia là có ân của đàn việt, là đàn na tín thí cung cấp cho mình, cúng dường cho mình đó. Có khi có hai thuyết nói, nói tóm lại bốn ân là như thế.
Cho nên làm gì cũng phải nhớ nghĩ đến bốn ân này. Mình tổng báo tứ ân, mình thọ giới. Vì mình có được thân hình này là mình nhờ cha mẹ nên mình phải báo ơn cha mẹ nuôi dưỡng, có được thân hình này. Biết được Phật pháp là từ thầy. Thầy là Thiện tri thức, biết học Phật pháp là từ đức Phật, cho nên phải báo ơn Phật.
Mình sống được bình an là nhờ ơn của đất nước. Đất nước giúp cho mình có một môi trường bình an. Và ơn chúng sanh, ơn chúng sanh là nhiều lắm. Người ta cung cấp gạo, nấu cơm v.v… cũng từ người làm lúa mà ra. Áo mình mặc đây nữa, nên ăn quá đường đầu tiên là “thân nhất lũ”. Chữ [lũ] là nghĩa gì quý vị biết không ạ! Quý vị đọc âm Hán Việt, còn Thiện Trang không có đọc âm Âm Hán Việt mà đọc nghĩa. Phát cho quý vị, tờ đọc âm Hán Việt đó. Sợ quý vị không hiểu, nên Thiện Trang đọc nghĩa nhưng nhìn âm mà đọc nghĩa. Nên chữ (lũ) đó có nghĩa là giày dép, quần áo. Là tất cả những gì mình mặc lên người, cũng đều là do người vất vả may dệt ra, nhưng dài quá. Chữ Hán có bốn chữ thôi, vì dài quá nên đọc ngắn ngắn là nhớ ơn của người may dệt. Thực ra đọc vậy, may dệt đủ các loại trong đó. Nên chữ Hán hay lắm, có mấy chữ thôi, mà bao quát hết nghĩa. Còn dịch ra tiếng Việt nói cỡ nào cũng thiếu.
Còn bắt đầu cơm ngày ba bữa, trong đó nhưng không biết tại sao để ba bữa, để hai bữa thôi, bản đó bữa sau phải sửa lại “nhị san” thôi chứ không phải “tam san”. Thì phải nhớ công lao của người nông phu trồng trọt nên (có) bữa ăn, trồng cây v.v… cho nên mình phải báo ơn chúng sanh.
#Tam hữu tề tư: #tư là giúp đỡ cả ba cõi, giúp cho hay là hồi hướng cho ba cõi, ba cõi đó là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Dục giới là từ tầng trời thứ Sáu, xuống đến tầng trời thứ nhất rồi cõi Người, A-tu-la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh nhiều lắm. Sắc giới hữu là tầng trời thứ Bảy đến tầng trời Hai Bốn. Còn Vô sắc giới hữu là tầng trời 25 đến 28. Gọi là tầng trời Phi Tưởng Xứ, cuối cùng là trời Vô Tưởng, trời Vô Phiền, trời Vô Nhiệt, trời Thiện Hiện, trời Hiện Kiến, trời Sắc Cứu Cánh, trời Ma Hê Thủ La. Đó là những tầng trời thuộc về Sắc giới, trên trời Ma Hê Thủ La bắt đầu gọi là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, bốn tầng trời sau gọi là Vô sắc giới hay còn gọi là Vô sắc hữu. Dục giới hữu, Sắc giới hữu và Vô sắc giới hữu. Hữu là còn nhân quả, hữu là còn phiền não.
#Phổ dữ chúng sanh: chúng ta hay đọc câu này, #phổ là rộng, cùng chúng sanh.
#Đồng sanh Tịnh Độ: cùng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
Bài kệ này giống phần hồi hướng, Đại sư Ngẫu Ích đưa ra. Chúng ta thường hay quen đọc là:
“Thọ giới công đức thù thắng hạnh.
Vô biên thắng phước giai hồi hướng.
Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh”.
Thật ra cũng đầy đủ hết các ý nghĩa này rồi, không có thiếu gì.
Tạm dịch: Đem công đức của việc thọ giới này, hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, tổng báo tứ ân, đều giúp cả Tam hữu, rộng cùng chúng sanh, đồng sanh Tịnh Độ.
Đó là phần thọ giới, cũng ngắn thôi, không có dài. Đó về phần thọ giới, tiếp tục nói về kết luận:
薩婆多論云。優婆塞者。秦言離惡修善。亦名親近。又云。受三歸竟。[A34]已得五戒。所以說五戒名者。欲使前人識五戒名字故。
Tát Bà Đà Luận vân: ‘Ưu-bà-tắc giả, Tần ngôn ly ác tu thiện, diệc danh thân cận’. Hựu vân: Thọ Tam quy cánh, dĩ đắc Ngũ giới, sở dĩ thuyết Ngũ giới danh giả, dục sử tiền nhân thức Ngũ giới danh tự cố.
Trong Luận Tát Bà Đa nói: ‘Ưu-bà-tắc, thời Tần gọi là lìa ác tu thiện, cũng gọi là thân cận’. Cũng nói: Thọ Tam quy rồi, đã đắc Ngũ giới, cho nên nói tên của Ngũ giới, bởi mong khiến cho người trước biết danh tự của Ngũ giới.
Giải:
#Tát Bà Đà Luận vân: trong bộ Luận Tát Bà Đà, bộ Luận này chuyên nói về Giới luật.
#Ưu-bà-tắc giả: nói về Ưu-bà-tắc.
#Tần ngôn ly ác tu thiện: thời nhà Tần, bản Tần dịch tức là ngài Cưu Ma La Thập dịch (nổi tiếng), không phải đời Tần Thủy Hoàng mà là đời Diêu Tần. Dịch nghĩa ra là lìa ác tu thiện tức là lìa sự ác mà tu thiện.
#Diệc danh thân cận: cũng gọi là thân cận, tức là ở gần là Ưu-bà-tắc là gì? Dịch là cận sự nam, Ưu-bà-di cận sự nữ. Cận sự là khi quý vị quy y quý vị sẽ gần gũi với Tam Bảo, hay đến chùa gặp chư tăng. Thường phụng sự Tam Bảo, giúp cho Phật, Pháp, Tăng cho nên gọi quý vị là cận sự nam, cận sự nữ. Tức là gần rồi là những người giúp cho Tam Bảo. Mình thọ Tam quy Ngũ giới, mình trở thành cận sự nam, cận sự nữ là mình đã gần sát với Tam Bảo rồi đó.
#Hựu vân: lại nói, tức là trong bộ Luận Tát Bà Đa nói.
#Thọ Tam quy cánh: tức là thọ Tam quy rồi.
#dĩ đắc Ngũ giới: đã đắc được Ngũ giới rồi.
#Sở dĩ thuyết Ngũ giới danh giả: cho nên nói tên của Ngũ giới.
#dục sử tiền nhân thức Ngũ giới danh tự cố: Bởi vì sao? Là mong muốn cho người mà trước hết họ phải biết danh tự Ngũ giới, tức là đáng ra truyền giới thực ra chỉ truyền thọ Tam quy Ngũ giới là xong rồi. Không cần phải nói giới tướng, giới thứ nhất nói thế nào, giới thứ hai thế nào. Nhưng tại sao phải nói? Là bởi vì sau khi thọ quý vị đã đắc Giới thể rồi mà phải nói ra từng Giới thể một để quý vị biết mà giữ, tại vì có liên quan đến bắt đầu từ giới lớn là giới Tỳ-kheo. Thời đức Phật sau khi truyền giới xong là không có nói giới, không có nói giới nào giới nào, mà chỉ là truyền giới. Khi truyền giới chỉ có một vị Tỳ-kheo già chờ mấy tháng mới có nhân duyên được thọ giới Tỳ-kheo xong thì mừng quá, được về nhà thăm bà vợ coi sao. Ông đi về tới nhà, bà vợ thấy ông chồng mình đi xuất gia mấy tháng về mừng quá, sắp sửa cơm nước đầy đủ mời ông, lại chạy ra cầm vào cánh tay ông để dắt vô. Ông kêu bà không được đụng tới tôi tại vì bữa nay tôi là Tỳ-kheo rồi, tôi xuất gia với Phật rồi, bữa nay tôi làm Tỳ-kheo rồi, tôi không phải là chồng của bà như hồi xưa nữa. Bà đãi cơm ăn xong thì bả lấy chiếu ra trải, bảo ông nằm nghỉ trên chiếu đó (ý gì là quý vị biết đúng không ạ). Ông nói không được đâu, tôi bây giờ tôi xuất gia rồi không được. Bà ấy nói xuất gia đâu có cấm điều này đâu, ông với tôi vợ chồng hồi xưa tới giờ mà. Nói một hồi ổng cũng tùy thuận theo, sau đó ông đi trở lại tịnh xá. Mọi người thấy ông này đi thọ giới buổi trưa mà sao bây giờ tới chiều tối mới về, mới hỏi ông đi đâu vậy. Ông bảo tôi đi về nhà vợ v.v… chuyện ra như vậy. Khi đó mấy Tỳ-kheo khác nói: ông phá giới rồi. Tại vì ông đã hành dâm với vợ cũ của ông là ông phá giới rồi. Ông nói: Tôi có biết gì đâu, có ai nói gì với tôi như vậy đâu. Các Tỳ-kheo mới trình lên Phật. Phật nói đúng rồi ông phá giới rồi và từ nay trở đi, sau này truyền giới người ta phải nói giới, giới tướng. Cho nên Tỳ-kheo tới 250 giới không thể nói hết được một lúc thì truyền bốn giới trọng thôi, tức là khi Tỳ-kheo thì sẽ nói bốn giới trọng, còn đối với Ngũ giới có năm giới cho nên nói luôn, rồi đối với Sa-di mười giới thì nói luôn. Nhưng đối với các giới lớn nhiều quá, nhiều giới quá thì chỉ truyền và dặn là về phải học, cho nên nếu đúng ra là chúng ta phải có một khóa học giới rồi mới thọ giới thì mới đúng. Mà mình đâu có khóa nào như vậy, bây giờ Mạt pháp rồi.
Như bây giờ ở Việt Nam ngay cả giới Tỳ-kheo v.v… cũng không có lớp học giới rồi mới thọ giới. Ở bên Đài Loan bây giờ họ duy trì được. Hồi xưa là họ duy trì ba tháng, ba tháng học giới xong, mới thọ giới. Ngày nay ngài Pháp sư Định Hoằng nói 49 ngày, ba tháng là 90 ngày rút lại còn 49 ngày. Đi thọ giới tại Đài Loan là được 49 ngày học Giới luật. Học tất cả các giới từ giới Sa-di, giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát xong mới thọ giới, nhưng 49 ngày học vẫn không đủ, thực tế là học không đủ với số lượng giới nhiều như vậy. Học một loại thì được, học một loại giới Tỳ-kheo thôi thì được chứ giới Bồ-tát nữa thì không đủ được. Cho nên, tóm lại phải học suốt đời, vì vậy phải nói giới cho họ, người tại gia thật ra chỉ nói sơ sơ đúng không, truyền năm giới vậy thôi ráng giữ, giữ viên mãn là được chứ đâu có nói là lỡ có phạm nhỏ nhỏ, ví dụ con lỡ nói dối gì đó chút thì sám hối làm sao? Phải học mới biết được đó. Ví dụ như có những giới rất là đơn giản, quý vị muốn sám hối thì chỉ cần đối trước một người Cư sĩ khác, quý vị nói là ‘tôi đã phạm điều đó’ thôi là hết, hết tội đã phạm đó.
Nhưng giới lớn hơn thì quý vị phải đối trước là một vị tăng. Còn nếu không lớn hơn nữa, quý vị đối trước ba vị tăng, còn lớn hơn nữa thì khỏi sám hối. Tại vì sao khỏi sám hối? Bởi mất giới rồi còn gì đâu mà sám hối. Cho nên là mình phải học, trong bộ luật này có hết. Quý vị thấy luật Ngũ giới gì đâu mà: Chữ Hán là gần 300 trang thì chứng tỏ nếu chúng ta dịch ra tiếng Việt kiểu này trở thành gấp ba là 1.000 trang lận, 1.000 trang như vậy rất nhiều nội dung chứ không phải đơn giản, mà bây giờ chúng ta đang trang 23 rồi, chúng ta đi ngàn trang là đủ hết Bồ-tát giới rồi.
Học thì cũng hấp dẫn lắm chứ không phải không. Mình cứ học, mình giữ được bao nhiêu giữ, tất cả đều là chủng tử đắc giải thoát tương lai hết, và đời này nếu mình giữ giới được thì đến (khi) mạng chung sanh vào cõi Trời, cõi Người đúng không. Và nếu như niệm Phật nữa thì về Tây Phương Cực Lạc. Vì đó là nhân để được tỉnh táo đến lúc lâm chung, cho nên giữ giới được rất là tốt. Chúng ta cố gắng. Như vậy trong Luận Tát Bà Đa lại nói tiếp:
又云。若破重戒。更無勝進。後還捨戒。後更受者。更不得戒也(未破則可捨。[A35]已破則無可捨。捨則可更受。破則不可更受。所以名為邊罪也。永棄佛海邊外。名為邊罪。既不得律儀戒。則禪戒無漏戒一切不得。然則受戒者。可不深心護持根本重罪也哉)。
Hựu vân: Nhược phá trọng giới, cánh vô thắng tiến. Hậu hoàn xả giới, hậu cánh thọ giả, cánh bất đắc giới dã (vị phá tắc khả xả, dĩ phá tắc vô khả xả. Xả tắc khả cánh thọ, phá tắc bất khả cánh thọ. Sở dĩ danh vi biên tội dã, vĩnh khí Phật hải biên ngoại, danh vi biên tội, ký bất đắc Luật nghi giới, tắc Thiền giới Vô lậu nhất thiết bất đắc, nhiên tắc thọ giới giả, khả bất thâm tâm hộ trì căn bổn trọng tội dã tai).
Lại nói rằng: Nếu phá giới trọng, thì hoàn toàn không tiến lên được. Sau cũng xả giới, sau thọ giới lại, thì hoàn toàn không đắc giới (Chưa phá [giới] thì có thể xả, nếu đã phá rồi thì không thể xả. Xả thì có thể thọ lại, nếu phá thì không thể thọ lại. Cho nên gọi là Biên tội, vĩnh viễn bỏ ngoài bờ biển của Phật [pháp], gọi là Biên tội, không đắc toàn bộ Luật nghi giới, thì không đắc tất cả Thiền giới Vô lậu giới. Như thế thì người thọ giới, có thể không nghiêm ngặt tâm hộ trì [giới để tránh] căn bản trọng tội sao?)
Giải:
#Hựu vân nhược phá trọng giới: Lại nữa nếu đã phá giới trọng.
#cánh vô thắng tiến: Tức là không thể tiến vào được, hoàn toàn không tiến lên được nữa, đã phá trọng giới rồi thì không tiến lên được nữa.
#Hậu hoàn xả giới: sau đó quý vị cũng xả giới tức là phá rồi xả giới được không?
#hậu cánh thọ giả: sau đó thọ lại.
#cánh bất đắc giới dã: thì cũng không có được đắc giới. Có nghĩa là bây giờ người đời nay hay có chiêu này. Mình lỡ phạm rồi mình nói tôi xả giới rồi nên tôi ra đi thọ lại. Nghe nói xả giới rồi thọ lại được mà. Đại sư Ngẫu Ích nói trong Luật Tát Bà Đa nói rằng nếu mình đã phạm giới rồi, mình phạm giới rồi mà mình nói mình xả giới rồi, sau đó mình đi thọ lại thì không có đắc giới. Nếu như muốn xả giới phải xả giới trước khi phạm kìa. Quý vị có thể xả giới được nhưng phải xả trước khi phạm, ví dụ người tại gia dễ hơn. Ví dụ quý vị bất đắc dĩ quá, quý vị muốn khai giới đó theo diện Bồ-tát giới nhưng không dám khai vì sợ giới đó giới trọng. Ví dụ Hòa thượng Minh Thông hay nói vui vui với các vị Tỳ-kheo trẻ là ví dụ như đến phút cuối cùng nằm bên cạnh cô đó rồi, vẫn còn xả giới kịp, nói xả giới nói với cô đó hiểu, miễn là người hiểu ngôn ngữ mình nói: từ nay trở đi tôi không làm Tỳ-kheo nữa, tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng tức là mình đã quy y Phật, Pháp, Tăng giờ mình bỏ là xong, là không có giới đó nữa. Đó là xả giới thành công. Xả giới thành công thì không phạm tội phá giới, sau này đi thọ lại được. Không phá giới thì thọ lại được. Cũng vậy quý vị là Cư sĩ nếu đến lúc đó bức bách quá, quý vị nhớ nói cho người ta hiểu từ nay tôi xả giới, tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Nói như vậy cho người ta hiểu, có người hiểu thì ngay lập tức tất cả các giới thể mất. Vì vậy mình trở thành người bình thường như chưa thọ giới, vì chưa thọ giới cho nên có phạm thì phạm tánh tội thế gian. Ví dụ như phạm tà dâm thì đọa làm bồ câu, se sẻ, uyên ương như trong Kinh Địa Tạng nói v.v… có nhân quả như thế hoặc là những quả báo khác tương tự, thế thì có thể là không sao, mai mốt đi thọ lại được. Và không có hạn định số lần thọ. Đối với người tại gia không có hạn định số lần thọ. Đối với người xuất gia: bên ni nếu đã thọ Tỳ-kheo-ni dù có xả sau này cũng không được thọ Tỳ-kheo-ni lại, tối đa chỉ được thọ tới Thức-xoa thôi, mà thông thường không được thọ Thức-xoa, thọ tới Sa-di-ni thôi. Cho nên gọi là người nữ được xuất gia một lần là vậy đó. Tại vì nếu đã xả rồi thì vào lại thọ giới lại sẽ có già nạn, có già nạn hỏi rằng: cô đã từng thọ Tỳ-kheo-ni chưa, nếu đã từng rồi thì thôi không cho thọ. Cho dù biết hat không biết thế nào nhưng không cho thọ Tỳ-kheo-ni nữa, mà thọ Sa-di-ni được, nếu người nữ ra đời vô lại chỉ làm Sa-di-ni thôi.
Còn đối với người nam xuất gia thì Phật cho bảy lần. Đó là căn cứ vào Tôn giả (tên cũng vui vui lắm), thường người ta gọi là Tôn giả Thất Lai. Thất Lai là ông đến bảy lần, lần thứ nhất là do ông sống chung với bà vợ chán quá, thấy bà vợ khó tính quá thế nào thôi đi xuất gia cho rồi: Thôi bà ở nhà tôi đi xuất gia. Đi xuất gia xong rồi ở thời gian nhớ vợ quá, thôi Phật ơi cho con về con sống trở lại đời sống cũ chứ đi xuất gia buồn tẻ quá, con nhớ vợ quá! Rồi đi về. Đi về thời gian xong là bà vợ chửi mắng gì ông tức quá ông đi tiếp, ông nói: tôi đi xuất gia tiếp đây, ông vô rồi thời gian lại đi về như vậy sáu lần, đến lần thứ bảy đi vô nữa, xuất gia tiếp thì lúc đó ngài A Nan tức quá nói: Thưa Đức Phật! Ông này đã sáu lần rồi, ông tới đây xuất gia đi vô đi ra như cái chợ vậy, ra vô vậy mà Phật còn cho ông xuất gia nữa. Đức Phật nói: Tại vì ông chưa giết được giặc, chưa hằng phục được phiền não, lần này ông xuất gia hàng phục được phiền não đó. Ông hãy đi lấy y và bát để trao cho ông ấy đi, thì sau đó là lần cuối ông xuất gia.
Quý vị biết nguyên nhân gì không? Là ông đi làm vườn về, vô lúc trưa để chờ cơm vợ nấu cơm ăn, vô thấy bà vợ buồn ngủ quá nằm trên võng há mồm ra nước miếng, nước mũi chảy quá trời. Ông thấy sợ quá, bỏ cái cuốc ông chạy luôn tới Kỳ Viên tịnh xá xin Phật xuất gia tiếp. Lần đó là ông thấy hết thích bà vợ rồi. Cho nên các cô ngủ sao đừng để có cảnh như vậy, ông chồng thấy chắc đi luôn đó.
Sau đó ông đắc quả A-la-hán, đức Phật căn cứ vào đó gọi là Tôn giả Thất Lai. Thất Lai là bảy lần đến, thật ra là ông tên đơn giản gì đó nhưng thường người ta gọi là Thất Lai, ít gọi tên lắm. Thất Lai cho nhớ bảy lần. Sau này mới căn cứ vào đó, những người xuất gia nam có thể ra vô bảy lần nhưng mỗi lần ra vô là phải thọ giới lại từ đầu. Ở đây thì chắc không giống như Việt Nam, ở Việt Nam thì phải có điều kiện là xuất gia phải gần đến hai năm, hoặc hai năm đi thọ Sa-di rồi thêm hai năm nữa mới thọ giới Tỳ-kheo cho nên thành ra bốn năm, mỗi lần ra vô đó mệt quá, sợ quá nên người ta cũng sợ làm lại từ đầu. Chứ còn theo như Đài Loan hay là ở những nước khác thì vẫn theo thời đức Phật. Không biết bên này thế nào, chắc cũng giống Việt Nam, hai năm, bốn năm chứ còn nếu như giống như các nước Đài Loan thì không có ngại gì vì đúng theo thời Phật thì sao? Đủ 20 tuổi trở lên thì có thể thọ luôn một lúc hai giới (là) giới Sa-di và giới Tỳ-kheo luôn đó, không được bỏ thọ Sa-di, thọ Sa-di rồi nhưng mà gọi là “nhất dạ thông Tam đàn” là một đêm thông được ba đàn, vừa giới Sa-di là lên đàn thọ Tỳ-kheo. Thọ Tỳ-kheo xong, thọ Bồ-tát giới luôn một lúc, gọi là “nhất dạ thông Tam đàn”. Bên Đài Loan được còn bên các nước Nam truyền thì không có Bồ-tát giới, họ chỉ thọ hai giới. Riêng ở Việt Nam bây giờ là luật mới thì phải chờ lâu. Nhưng mà cũng có phương tiện, ví dụ như Hòa thượng Minh Thông nói những người mà họ ra đúng pháp rồi họ quay trở lại, họ thật tu thì cũng tạo điều kiện cho họ bằng cách là cho họ nhanh hơn. Vì họ đã có thời gian lâu ở trong Tăng đoàn nên không cần phải tập sự lại. Chỉ có điều là cho họ thọ Phương trượng, còn giấy tờ thì buộc phải đúng theo Luật của nhà nước, Luật của Giáo hội đưa ra thì phải chấp nhận, là Điều lệ Ban Tăng sự thì phải chấp nhận. Hòa thượng Minh Thông nói ví dụ những người ra rồi mà họ thường quay trở lại thì những người đó đa số là tu tốt tại vì họ giác ngộ được hai lần rồi. Tại vì họ tưởng ngoài đời tốt mà ra ngoài đời họ thấy khổ quá rồi họ chạy vô lại thì những người đó thường tu được cho nên mình tạo điều kiện cho họ.
Nói rõ như vậy nha quý vị, không phải là mình phá giới rồi mình nói: con xả giới rồi để con đi lên con thọ lại tiếp. Không được! Quý vị muốn thọ lại thì quý vị xả trước khi phá giới. Nhưng xả trước khi phá giới thì không có tội phá giới và giới thể vẫn còn giống như trả lại Vô tác Giới thể cho Phật. Giống như cái bình báu đó mình vẫn còn, mình gửi lại cho Phật, rồi mai mốt mình đi thọ lại thì Phật đưa trở lại, chứ còn nếu như mình phá giới giống như mình đập bể cái bình đó rồi. Mỗi người có một cái bình đó thôi đập bể rồi thì không còn nữa, không còn nữa thì không có đâu mà trao nữa cho nên mất. Quý vị chú ý đó.
Cho nên trong trường hợp bất đắc dĩ nếu như có trường hợp ví dụ như ngài Pháp sư Định Hoằng nói người nữ bị cưỡng hiếp chẳng hạn mà lúc đó muốn không phá giới thì như thế nào? Làm sao để không thọ lạc, không có cảm giác hấp dẫn, không có cảm giác đó thì không phạm giới. Còn nếu như lỡ mà có cảm giác đó thì phải làm sao xả giới với họ, đó là một cách để bảo vệ mình. Xả giới sau rồi mình có thể đăng ký sau này mình thọ lại được. Còn nếu như mình chủ động phạm nữa thì thôi khỏi nói, đây là điều mà chúng ta cần chú ý. Tại vì tánh tội thế gian thì nghiệp nhẹ hơn là phá giới, vì mình phá tánh tội thì nếu như trước mình đã phạm. Ví dụ như thông thường bây giờ chưa thọ giới chưa học Phật pháp phạm rất nhiều nhưng tội đó là án của tánh tội đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh. Nhưng khi quý vị biết được Phật pháp, quý vị trở lại thọ giới tu hành đàng hoàng, cả phần còn lại của cuộc đời quý vị có thể chuyển được nghiệp đó. Quý vị sẽ sanh lên cõi người, cõi trời thậm chí đắc được đạo quả giải thoát trong đời này. Giá trị của thọ giới nằm ở chỗ đó, cho nên nếu như cùng lắm thì chúng ta có thể xả giới. Nói phải nói rõ ràng chứ không là mình học nhiều khi cứ truyền giới rồi bảo vậy rồi giữ, nhưng những người phiền não quá nặng không giữ được thì có thể xả, xả rồi sau này thọ lại. Chứ nếu phá rồi thì không được thọ lại. Tiếp theo Đại sư Ngẫu Ích nói:
#vị phá tắc khả xả, dĩ phá tắc vô khả xả: Tức là chưa phá thì có thể xả.
#dĩ phá tắc vô khả xả: đã phá rồi thì không thể nào xả được. Giống như điện thoại của mình, mình chưa đập thì mình cho người ta được. Mình đập hư rồi, bể rồi mà mang cho đi cho người ta thì đâu có được, đập bể rồi, hư rồi. Nên ở đây cần chú ý.
#xả tắc khả cánh thọ: tức là xả rồi thì có thể thọ lại, nhớ chú ý, đây điều quan trọng.
#Phá tắc bất khả cánh thọ: phá rồi thì không thể thọ lại được cho nên phải học Giới luật mới biết chứ không học không biết.
#Sở dĩ danh vi Biên tội giả: cho nên gọi là Biên tội. Biên là cái bờ, tội là ở ngoài bờ. Ở đây nói rõ hơn:
#Vĩnh khí Phật hải biên ngoại: tức là vĩnh viễn bỏ ở ngoài bờ của biển Phật pháp có nghĩa là người đã phá trọng giới rồi thì vĩnh viễn phạm tội gọi là Biên tội. Biên tội thì vĩnh viễn bỏ ngoài biển Phật pháp. Nói chung Phật pháp giống như biển lớn. Quý vị bây giờ ở trên bờ là không xuống vùng biển nữa. Ý nói đằng sau rất rõ, Đại sư Ngẫu Ích nói không thiếu gì cả.
#danh vi Biên tội: gọi là Biên tội. Nói đến Biên tội là tội nặng lắm chứ không phải đơn giản đâu.
#ký bất đắc Luật nghi giới: thì đã không đắc được tất cả toàn bộ Giới luật nghi, tức là sau này mình thọ giới gì cũng không đắc hết. Đã phá giới rồi thì không đắc một giới nào nữa hết. Cho nên ngài Pháp sư Định Hoằng có đưa ra một ví dụ. Có một vị Cư sĩ thọ giới Bát Quan Trai, sau khi về nhà quên mất mình đã thọ Bát Quan Trai vì ngày nào cũng thọ mà quên nên đã hành dâm với vợ của vị đó, sau khi trở lại hỏi ngài Định Hoằng, ngài Định Hoằng mới nói: vậy là từ đây trở đi không đắc một giới nào nữa, mất hết giới, Bát Quan Trai cũng không thọ được nữa. Tại vì phá tịnh hạnh rồi, mỗi Ngũ giới còn. Tức là Ngũ giới là giới thể của Ngũ giới còn bởi vì không có phá, vì vợ chồng mà đâu có sao cho nên ngài Định Hoằng nói chỉ có Ngũ giới là còn, còn lại các giới khác bây giờ thọ cũng không đắc nữa, nếu như xả Ngũ giới thì sau này cũng… (điều này chưa đưa ra.) Nhưng Thiện Trang nghĩ nếu mà đưa ra thì xả rồi chắc thọ không được tại vì tính là phá Tịnh hạnh. Và người vợ đó cũng phạm tội nặng, rất là tội. Cho nên phải biết, Thiện Trang nói vấn đề này vì chúng ta là người tại gia hay thọ Bát Quan Trai giới. Thọ Bát Quan Trai giới không kỹ nói thật là con dao hai lưỡi đôi khi quay lại đâm chết mình. Cho nên phải chú ý chỗ này. Thiện Trang dẫn cho quý vị là thọ Bát Quan Trai giới công đức vô cùng lớn có thể ra khỏi sanh tử. Trong kinh nói cho dù các vị đem hết châu báu trong thiên hạ cúng dùng v.v… cho các bậc toàn A-la-hán cũng không bằng thọ Bát Quan Trai giới thanh tịnh một ngày một đêm. Vì sao ? Vì tất cả công đức kia chỉ là công đức Hữu lậu. Không ra khỏi sanh tử nhưng thọ Bát quan Trai giới một ngày một đêm có thể ra khỏi sanh tử đó là điều đặc biệt cho nên công đức vô lượng, nhưng nếu không giữ mà mình phá thì tội nghiệp cũng vô lượng, vĩnh viễn bỏ ngoài biển Phật pháp. Bỏ ngoài biển Phật pháp là Biên tội. Ngoài ra còn ảnh hưởng những điều sau đây: thứ nhất là không đắc được Giới luật nghi khác. Quý vị thọ giới nào cũng không đắc.
#tắc Thiền giới Vô lậu nhất thiết bắt đắc: tức là tất cả các giới về Thiền giới, tức định sinh ra thiền định rồi, “Vô lậu giới” cũng không đắc được. Tức là trong đời này không chứng được quả gì hết hay nói cách khác các vị cũng không đạt được các tầng thiền. Cho nên các người phá giới đời này tu rất khó khăn. Người khác họ tu vô được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền. Mình phá giới rồi, quý vị không vào được các tầng thiền, tu không vào được định, lý do là vậy. Đời này họ tu khổ là vậy, chạy qua Nam truyền, không giữ giới, tu có giỏi lắm cũng chỉ Vị đáo định mà thôi, không vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền được.
Rồi “Vô lậu Giải thoát” tức là đoạn Phiền não quý vị không đoạn được, tức là không chứng sơ quả Tu-đà-hoàn, không có phần. Bên niệm Phật thì không đắc Niệm Phật Tam-muội, tức là không đạt được công phu Sự nhất tâm Bất loạn, Lý nhất tâm Bất loạn, tất cả đều không đắc. Cho nên tuy nói giới đơn giản nhưng là cội gốc của Vô thượng Bồ-đề, mình không học giới thì mình không biết được điều này. Bữa nay biết được rồi là rất quan trọng. Thời nay tại sao người tu hành rất là đông mà không đắc được, còn người ta tu vài ngày mà đắc được là do giữ giới. Điều này là Đại sư Ngẫu Ích nói chứ không phải Thiện Trang tự nói đâu mà trong luật là vậy.
#Nhiên tắc thọ giới giả: như thế thì người thọ giới.
#khả bất tâm hộ trì căn bổn trọng giới dã tai: khả là có thể, chữ #tai giống như từ cảm thán, tức là có thể mà không nghiêm ngặt hộ trì tâm. Căn bản trọng tội tức là tội phá giới quan trọng.
Đoạn này rất quan trọng. Thiện Trang xin đọc lại:
Lại nói rằng: Nếu phá giới trọng, thì hoàn toàn không tiến lên được. Sau cũng xả giới, sau thọ giới lại, thì hoàn toàn không đắc giới (Chưa phá [giới] thì có thể xả, nếu đã phá rồi thì không thể xả. Xả thì có thể thọ lại, nếu phá thì không thể thọ lại. Cho nên gọi là Biên tội, vĩnh viễn bỏ ngoài bờ biển của Phật [pháp], gọi là Biên tội, không đắc toàn bộ Luật nghi giới, thì không đắc tất cả Thiền giới Vô lậu giới. Như thế thì người thọ giới, có thể không nghiêm ngặt tâm hộ trì [giới để tránh] căn bản trọng tội sao?)
Cho nên Đại sư Ngẫu Ích đưa ra một nhấn mạnh thọ giới thì công đức vô lượng nhưng phải cố gắng giữ để mà được. Thà rằng không thọ thì thôi, chứ thọ rồi thì phải giữ tới nơi. Nếu không thọ mà mình không biết không sao, không thọ giới nào hết thì mình vẫn còn tu tốt, còn như mình phá trọng giới rồi thì đời này coi như xong. Cho nên tại sao Hòa thượng Tịnh Không hay là ngài Đại sư Ấn Quang nói là chỉ truyền Tam quy không truyền Ngũ giới, để tất cả mọi thứ đều tốt lành, nhưng nếu mình không giữ, thì ngược lại nên tất nhiên mình phải chọn cách là giữ. Hồi xưa mình không biết, biết rồi thì phải giữ. Bây giờ thọ lại không có dễ để tìm lại một giới đàn để truyền bài bản. Mình biết rồi thì dù sao mình vẫn có cơ hội.
Nội dung bài số ba: chúng ta dừng tại đây. Hầu như cũng trả lời những vấn đề căn bản cho chúng ta về Giới luật để chúng ta bước một bước đi kha khá. Mặc dù mới học ba bài, nhưng lợi ích rất lớn. Có những điều không được nghe ở đâu, cho nên chúng ta phải thâm nhập Kinh tạng, Luật tạng, để bảo vệ Giới luật, để trì giới niệm Phật. Chiều nay chúng ta sẽ gặp nhau để học Kinh Vô Lượng Thọ Khoa Chú Tuyển Giảng, Thiện Trang cố gắng một tháng giảng hai lần về Giới luật này. Giống như là Bố-tát cho chúng ta thì mọi người sẽ học được Giới luật. Thiện Trang cũng thường xuyên ôn lại Giới luật cho nhớ, còn học lâu ngày quên mất. Bài hôm qua thì khó quá nhưng bài hôm nay thì chắc chắn quý vị thích. Mới đầu thì Thiện Trang sợ quý vị không chịu học thôi, chứ nếu chúng ta chịu học thì cố gắng tăng tốc lên để học bộ này nữa.
Mời quý vị chúng ta cùng hồi hướng:
“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Nguyện đem công đức này
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử cùng chúng sanh
Đồng sanh về Tịnh Độ”.
[1] Điều này Thiện Trang giảng theo điều được học, nhưng sau này thấy chưa chắc đúng vì chưa thấy căn cứ trong Kinh.
#gioiluat #thaythichthientrang